Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
uổi tối hôm đầu, họ bị cấm rời khỏi tàu, mặc dù than vãn nhưng không ai nghĩ đến việc phản đối sự cương quyết của cha Blondeau. Giờ chẳng phải lúc đùa và khi chơi bài bơ lốt, các quân bài hạ xuống uể oải, những ánh mắt lơ đãng nhìn về phía vệt sáng đỏ nhạt phát ra từ một đám cháy. Thỉnh thoảng vọng lại tiếng súng F-M. Ngay cả khi không khí tĩnh lặng đã trở lại trong đêm cũng không khiến người ta yên lòng chút nào.
Họ đã bị cuốn vào chiến tranh và phần lớn trong số họ đều đã tham chiến. Nhưng đây có thực sự là một cuộc chiến không?
Pierre rời đám bài bạc và thấy Blondeau một mình trên boong. Làn khói xanh từ điếu thuốc anh hút lởn vởn quanh má. Mặc dù bị chứng máy cơ mặt, viên đại úy trông vẫn có vẻ mơ màng, thờ ơ với mối hiểm họa.
“Thế nào, Garnier, zui chứ?
- Zui quá đi chứ, thưa đại úy, nếu tôi được phép. Anh có biết chuyện gì đang diễn ra không?
- Tôi chẳng biết gì nhiều hơn cậu. Hình như một nhóm nổi dậy đã tuyên bố độc lập ở Bắc Kỳ. Bọn cộng sản, nghe nói thế. Bây giờ chuyện đó kích động đến cả đây, với sự cổ vũ của bọn Nhật mà lũ này thì dù thế nào cũng chỉ muốn tống cổ chúng ta...
- Nhưng bọn chúng đã đầu hàng từ cách đây một tháng rồi mà!
- Ở Nhật thì đúng thế, nhưng ở đây thì không phải vậy. Làm sao mà biết được! Và trí khôn của những kẻ mạnh trên thế giới này khiến chúng phải đầu hàng quân Anh, chứ không đầu hàng quân Pháp. Tôi đã gặp Gracey và mọi chuyện thật đơn giản: thay vì quay vũ khí chống lại chúng ta, lính Nhật bây giờ sẽ quay lại chống những kẻ đang tấn công chúng ta. Tuyệt đấy chứ!
- Thế còn quân Mỹ?
- Quân Mỹ không thích và có chút coi thường chúng ta. Họ nói rằng kể từ thời Napoléon, chúng ta toàn tích cóp thất bại và rằng nếu không có họ thì chỉ có trời mới biết được giờ đây chúng ta ra sao. Trước khi chết, Roosevelt đã tuyên bố rằng họ sẽ tước hết thuộc địa của chúng ta, rằng chúng ta chỉ biết lao vào bóc lột một cách đáng xấu hổ ở đó.
- Đúng là giọng điệu tuyên truyền!
- Có thể, nhưng không cần phải là một nhà cách mạng cũng có thể nhận ra công cuộc thuộc địa hóa của chúng ta không tiến triển theo hướng mà lẽ ra nó đã phải thế và có thể đã như thế... Thế nhưng cần phải có niềm tin, Garnier ạ. Chúng ta vẫn chưa biết tin vào cái gì, nhưng cần phải có niềm tin...”
Pierre thích cái từ này mặc dù Blondeau đã nói ra sau một cú máy cơ mặt, với cái giọng vô cùng chán nản. Trong một hoàn cảnh khác, với đôi mắt u sầu và mái tóc không mấy ngay ngắn này, có lẽ anh sẽ là một tu sĩ nhiệt tâm, sẽ cải đức tin cho những kẻ Dị giáo chứ không đem họ đi đóng đinh hoặc nấu trong vạc dầu. Cậu quay trở xuống hầm tàu.
Một cậu bạn đã tìm cách mua được rượu đựng trong vỏ chai Johnnie Walker rồi họ rót ra ca, chuyển từ võng này qua võng kia, mặt nhăn nhó ngay khi vừa tợp lưỡi. Rượu này đem đốt thì cháy phải biết! Không biết nó được làm từ cái gì - ít nhất thì cũng có mạt cưa. Có tiếng ho rũ rượi, tiếng xuýt xoa ngạc nhiên và đau đớn.
“Cậu nói có một cuộc nổi dậy à,” một giọng nói không biết của ai cất lên khiến tất cả cười bò ra.
Pierre gà gật trong tiếng rầm rì của những cuộc đối thoại không đầu không cuối. Những lời nhận xét lan man, dở dang, và những câu hỏi không chờ câu trả lời. “Chính là bọn Nhật khốn kiếp đã làm chúng ta loạn cả lên, nếu không thì khó tin lắm...” Khó tin ư? Vẫn luôn có một kẻ ngoác miệng phun ra điều cực kỳ ngu xuẩn với cái giọng cố chấp. Pierre rướn người đứng dậy khỏi võng. Dù quân Ăng lê đã dọn dẹp sạch sẽ, thì nơi này vẫn sặc mùi kinh hoàng, cậu vẫn muốn lên phía trên hơn: nếu có bắn pháo hoa, tốt nhất nên ngồi lô đầu.
Khi ra đến hành lang, cậu nghe tiếng láo nháo, tiếng giậm chân, tiếng la hét, tiếng đạn bắn... Cậu lao về phía boong tàu, nhận ra bóng Carraz và Jaccoux đang bắn bừa phứa. Một quả lựu đạn rít phía trên đầu họ rồi phát nổ trên mặt nước, cách con tàu chừng hai mét. Tiếng đạn phía đối diện vừa ngừng thì những cái bóng cũng tản ra. Vẫn còn lại ba bốn đụn vải đen trên bãi đất trống. Họ nhìn nhau: các chàng trai đã lấy lại nhịp thở. Không kịp sợ: chỉ kịp kinh ngạc. Blondeau là người đầu tiên phá tan sự yên lặng:
“Geyer và Sainte-Laudy, các cậu đi xem xét mấy gã ấy cho tôi. Những người khác, giữ nguyên vị trí.
- Bọn Nhật khốn kiếp, một giọng kèn kẹt cất lên.
- Im lặng, tôi xin các cậu đấy.”
Hai người đàn ông mất hút trong bóng tối sương mù dày đặc. Pierre đưa mẩu thuốc cho Carraz. Một giọng nói không rõ từ đâu vang lên.
“Đại úy? Bọn Nhật đó không phải là bọn Nhật.
- Ý cậu là gì?
- Bọn Nhật đó, chính là bọn Việt cộng.
- Mẹ kiếp.”
Blondeau chưa bao giờ là người thô tục và chuyện đó chẳng có nghĩa lý gì khi anh buông câu chửi thề với một giọng bình thản. “Mẹ kiếp,” anh nhắc lại. Sau đó, không ai nói thêm lời nào nữa.
Xa hơn, phía bên kia quân cảng và bờ kênh bao quanh phía Bắc thành phố, người ta nghe vọng lại tiếng ầm ì lờ mờ nhưng dữ dội.
Blondeau uống hai ca rượu liền rồi đi xuống cabin của mình mà không nói một lời. Họ đi ngủ mà không ngủ, tay để trên súng F-M, đầu tựa trên vai cậu bạn sặc mùi mồ hôi và thuốc lá.
Pierre đứng lại trên boong tàu. Cậu đề nghị giúp nhưng Blondeau đã nhẹ nhàng mắng. “Dù sao, đây cũng không phải trận Little Bighorn của Custer(1), Garnier à,” kèm theo câu đùa anh vỗ nhẹ vào lưng thuộc cấp. Pierre cam chịu: đại úy sẽ không căng thẳng vì chuyện này đâu.
Trong màn đêm tĩnh lặng, cảm giác có sự hiện diện im lìm của ai đó trong bóng tối, cậu giật nẩy mình, kịp nén lại tiếng kêu trước khi nhận ra ánh mắt cười tít của Bằng Sơn.
“Bằng Sơn? cậu hổn hển nói, cậu làm tớ sợ quá!”
Cậu ngỡ mình nghe thấy tiếng nín cười nhưng không chắc lắm. Gã đểu giả này cứ như ma ấy - hay có thể nói là bí hiểm.
“Ổn chứ?” Pierre hỏi.
Cậu bạn lắc đầu không trả lời. Cậu ta nhìn Pierre với vẻ chăm chú khiến cậu lúng túng, một câu hỏi không lời lóe lên trong ánh mắt.
“Ổn chứ?” Pierre hỏi lại, và cảm thấy lẽ ra mình nên hỏi câu khác.
Bằng Sơn tiến lại gần và ôm chặt lấy cậu trong giây lát rồi biến đi cũng đột ngột như khi xuất hiện.
***
Người đưa tin là con lai Việt-Corse, “đầu gà, đuôi vịt” như cách người ta vẫn nói ở đây, anh ta trịnh trọng truyền đạt yêu cầu về một “cuộc họp riêng” với Blondeau. Địa điểm theo anh ta nói là ở một nhà kho gần doanh trại Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa số 11. Lính Nhật đã rời bỏ căn cứ và chẳng còn gì phải sợ, nhưng nếu muốn tìm thấy những người còn sống sót thì phải khẩn trương. Anh ta dẫn họ đến tận chỗ cánh cửa hé mở thì lấy hai tờ giấy bạc rồi chuồn đi.
Họ đắn đo một lát trước khi bước vào. Sau đó Blondeau nói với giọng cứng rắn bất thường: “Đi nào, mẹ kiếp. Anh ta nói đến những người lính Pháp đấy.”
Chỉ còn khoảng chục người trong số họ vẫn còn thoi thóp, bị giam từng cặp một trong những chiếc lồng nhốt súc vật mà họ không thể đứng cũng chẳng thể nằm nổi trong đó. Phần lớn những người này chẳng hề động đậy khi họ mở cửa lồng rồi chìa tay vào trong; phải mất một lúc họ mới phân biệt được những người đã chết, cơ thể cứng đờ trong những tư thế kỳ quặc, với những người còn sống, hoàn toàn đờ đẫn vì sợ và kiệt sức. Mùi hôi thối của phân, nước tiểu và mồ hôi bốc lên nồng nặc trong không khí ẩm thấp, vô cùng khó chịu. Những người lính Pháp - những từ ấy của Blondeau đã tiếp sức cho họ.
Pierre cùng Carraz kéo một cơ thể ra khỏi lồng mà không biết liệu là xác hay là người sống. Rồi họ nghe thấy một âm thanh, nửa gầm gừ, nửa rên rỉ, và họ thở phào hiểu ra rằng gã đó vẫn còn sống (nhưng cũng thấy ghê người, cái cảm giác mà Pierre không mấy tự hào).
“Thằng này là của tao, Carraz nói.
- Không, tao nhận hắn. Tao không muốn hắn ngoẻo vì hoảng sợ khi thấy bộ mặt khó chơi của mày.
- Mày kỳ cục thật, Cửng-cu. Mày nên làm lính mới phải.”
Họ nói nhỏ, không chắc nên làm gì tiếp theo. Pierre nâng người anh ta lên, cảm giác lạ lùng vì thấy nhẹ bẫng. Rồi họ nghe thấy một giọng nói, điềm đạm nhưng cứng rắn.
“Các anh sẽ đưa chúng tôi ra khỏi đây chứ?”
Cái gã ló mặt lên ấy tên là Tikhomirov và vì một lý do anh ta không nêu ra ngay (điều sẽ biến anh ta thành một người hùng hay một kẻ tình nghi), anh ta có vẻ khỏe mạnh hơn nhiều so với những người khác. Anh ta giải thích rằng mình cùng đồng đội đã bị giam giữ ở một khu trại, trong điều kiện hết sức thê thảm, sau cuộc bạo động của lính Nhật ngày 9 tháng Ba vừa rồi. Mới cách đây ba ngày, khi tin đồn về việc tướng Leclerc đến bắt đầu lan rộng, họ bị giải đến đây và để mặc cho chết.
“Hẳn họ thấy khó xử nếu thả các anh?
- Đó là một hành động thể hiện tình thương đối với chúng tôi đấy; họ nghĩ rằng chúng tôi đã nhục nhã đến độ không còn ham sống nữa.”
Có vẻ gì đó lạnh lùng trong phong thái bình thản của anh ta, cái vẻ của một bậc thầy dạn dày sự ghê tởm. Họ vẫn không thấy rõ khuôn mặt anh ta trong bóng tối, họ thì thầm để không ảnh hưởng đến linh hồn những người đã chết.
Pierre đưa người bị thương ra ngoài, rồi trở lại giúp những người khác. Từng người, từng người một được đưa ra khỏi lồng. Bởi cách lựa chọn tàn nhẫn, trừ khi đó không phải do chủ tâm, bọn Nhật đã nhóm ra các cặp mà sẽ chỉ còn một người sống sót. Vì không đủ chỗ cho mỗi người vào một chuồng - nên chúng xếp hai người... Đôi khi người chết đỡ lấy kẻ sống, tạo thành một tác phẩm điêu khắc vững chắc đến lố bịch. Khó có thể nói là họ đang ôm nhau hay đang vật nhau, hơi thở của người còn sống cũng lạnh như người chết, trong khi da thịt người chết vẫn phập phồng sự sống không còn là của mình. Từng tí một, họ gỡ dần những ngón tay co quắp vẫn ghì chặt theo bản năng. Chưa bao giờ họ ở gần với sự sáng tạo thần thánh của cuộc đời đến vậy: không cần phải nói, đó là một công việc dơ bẩn.
Phần lớn tù nhân không thể đứng vững nổi và họ nhắm tịt mắt lại khi gặp ánh sáng u ám ban ngày. Chỉ mỗi Tikhomirov trụ được với vẻ lãnh đạm siêu phàm của mình.
“Nhẹ nhàng với những người này thôi, anh ta nói với Pierre. Họ đã khổ vì không được nói rồi.
- Thế còn anh, Pierre ngây thơ hỏi. Anh không ở cùng với họ?”
Tikhomirov lắc đầu. Đó là một người đàn ông gầy gò có vóc dáng trung bình, trên khuôn mặt thô góc cạnh nổi bật lên đôi mắt màu xám, hơi lồi.
“Tôi có nguồn dự trữ bí mật, anh ta cười.
- Ý anh không phải là về lương thực hay nước uống đấy chứ?
- Không, tôi không nói về những thứ ấy.
- Anh định làm gì bây giờ? Trở về nhà nghỉ ngơi chứ?
- Không.”
Pierre ngờ rằng mình có thể phải nghe câu chuyện về một phụ nữ bị hãm hiếp rồi bị giết chết, và cậu thấy mình đã có đủ chuyện kinh khủng cho cả ngày...
“Vậy anh sẽ làm gì?
- Tôi sẽ ở lại với các anh nếu chỉ huy của các anh chấp nhận tôi.”
Pierre ra trao đổi vài câu với Blondeau, anh trở lại cùng cậu rồi nắm lấy cánh tay Tikhomirov một cách thân tình, gần như kiểu cha với con, trong khi họ xấp xỉ tuổi nhau - ngoài ba mươi.
“Cậu không nên làm thế, viên đại úy nói, và tôi cũng không nên để cậu làm vậy, nhưng...”
Tikhomirov mỉm cười.
“Nhưng cả hai ta đều biết rằng có những chuyện là bất khả kháng, thưa đại úy, phải không ạ?”
Tật máy mặt của Blondeau không xóa được nụ cười buồn rầu của anh.
Các cơ thể người được đưa đi trên những chiếc cáng tạm bợ, để lộ cả phần kín của những người dở sống hay dở chết. Ai đang ngủ và ai đang bồng bềnh trong một thế giới khác? Tikhomirov không nhìn. Anh ta chỉ chịu ăn uống một tí chút sau khi người tù cuối cùng được đưa đi khuất.
***
Khi đến trước hàng rào sắt màu ghi xám của Sở Mật thám, Pierre ngạc nhiên trước cặp đôi mà Tikho và cậu tạo thành. Cả hai từng không đủ khả năng tại ngũ, vì những lý do khác nhau, nhưng họ tình nguyện làm nhiệm vụ và được chấp nhận. Theo họ biết, ấy là nhiệm vụ đi trinh sát và đang thiếu người: chiến hạm Vinh quang cùng với Massu và đơn vị bộ binh của Sư đoàn Thiết giáp số 2 vẫn chưa tới, người ta không tin tưởng vào những đội quân vừa mới được giải phóng của Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa số 11.
Tikho ngăn cậu lại khi cậu định chìa tờ giấy công tác đã được đóng dấu cho một gã Sénégal khổng lồ (quân lính thì chẳng có lương ăn nhưng vì cái tình yêu theo kiểu rất Pháp này đối với nền hành chính mà vẫn có cả lô con dấu còn nguyên dấu mực được tìm thấy).
“Chẳng việc gì phải gấp cả, Tikho nói.
- Tớ tưởng cậu muốn tới đó.
- Tớ muốn. Nhưng chúng ta được quyền tranh thủ ngắm gái chứ.”
Pierre bật cười. Các cô gái à? Chẳng có lấy một cô nào - toàn là lính Pháp ở doanh trại Martin-des-Pallières(2), lính Gurkha đầu cạo trọc đội mũ vành rộng, lính Nhật đeo xà cạp, cảnh sát Việt Minh mặc quần soóc và áo sơ mi xanh... Tất cả đều chạm mặt nhau nhưng không thực sự nhìn nhau, mỗi bên đều liếc nhìn đánh giá sức mạnh bề ngoài của bên kia.
Trên phố Catinat vẫn chẳng có xe kéo, cũng như xe xích lô, chỉ có vài đứa ở người Việt sợ sệt đi thám thính cho “bà đầm” đang quá sợ không dám ra ngoài. Sau vài ngày, Pierre vẫn còn chưa biết liệu mình có thích Tikho đi cùng không. Và cậu vẫn chưa có dịp nào để hỏi lấy một câu về quá khứ của anh ta; chỉ có điều, do cậu tình cờ để ý, anh chàng kia thỉnh thoảng cũng để lộ với cậu vài chi tiết.
“Tờ báo mà cậu làm..., Tikho nói.
- Có chuyện gì à, tờ báo ấy ấy?
- Tớ có thể giúp cậu.
- Ý cậu là gì?
- Tớ biết rõ thành phố này, tớ quen nhiều người, tớ có thể đưa cậu đi, giúp cậu tìm hiểu. Cậu có thích thế không?”
Pierre, vì một lý do mà cậu không xác định nổi, cảm thấy hãnh diện vì được Tikho chấp nhận.
“Tại sao cậu làm thế? cậu hỏi.
- Tớ thích thế.
- Cậu biết viết báo à?
- Không, nhưng cậu thì có, cậu biết viết. Nếu cậu xin Blondeau đi viết báo, cậu có nghĩ là anh ta đồng ý không?
- Tớ nghĩ là có. Mà sao cậu biết là tớ biết viết báo?”
Tikho nhăn mặt không trả lời. Một chiếc xe Jeep chạy qua, chỉ có mỗi người lái, một người Mỹ còn trẻ, râu rậm, ánh mắt sáng thể hiện một niềm tin tươi mới.
“Trung tá Dewey, Tikho vừa cười vừa nói.
- Sao cậu biết? Pierre ngạc nhiên hỏi.
- Cậu không nghe tớ nói à? Và chẳng phải cậu vừa mới nhận với tớ rồi đấy à?
- Tớ nói là tớ sẽ nói chuyện với Blondeau.
- Tớ biết. Có thể cậu còn chưa biết đủ về tớ để có thể tin tưởng tớ. Liệu tớ nói thêm có giúp cậu hơn không?”
Cho dù tò mò đến mấy, và dù thực sự có bản tính đa nghi, Pierre vẫn không khỏi bất ngờ. Cậu giơ hai tay lên trời và cứ lẩm bẩm “không, không” một cách đầy bối rối.
“Tớ sinh ra ở Nga, tại ‘Petersbourg’ như người ta vẫn gọi vào thời trước những ngày vinh quang của Leningrad. Bố mẹ tớ đã ra đi sau Cách mạng, vì vậy mà tớ không trở thành một người Nga da trắng, mà là một người Nga da vàng.”
Pierre nở nụ cười căng thẳng. Đôi mắt tròn màu tro xám của Tikho dường như bao giờ cũng chỉ thể hiện một ẩn ý mỉa mai nào đó. Trong mỗi lời nhận xét của anh ta vẫn luôn thể hiện cái ý châm chọc ấy.
“Cậu không cần nói về mình với tớ. Mọi chuyện đều ổn. Không phải vì tớ không quan tâm. Mà chỉ là vì... chỉ vì tớ không phải là cảnh sát.
- Bọn họ nghi ngờ chúng ta và tớ hiểu họ. Người ta nói với họ rằng chúng ta là một lũ thực dân cuồng tín và phân biệt chủng tộc, chỉ nhắm đến dân An Nam để ức hiếp và bóc lột họ. Và để dàn xếp mọi chuyện, theo họ, chúng ta đã biến thành những kẻ thông đồng đáng ghê tởm với bọn Nhật trước khi lâm vào những tình cảnh đáng hổ thẹn. Có phải cậu đã nghe những chuyện như thế không?
- Cũng đại loại như vậy, Pierre thú nhận. Có đúng thế không?
- Đại loại như thế.
- Thế điều ấy có đúng với cậu không?
- Cậu nghĩ sao thì nghĩ thôi. Dân ở đây không phải lúc nào cũng giống như vẻ bề ngoài.
- Ở đâu mà chẳng thế, không phải sao?
- Ở đây còn hơn những nơi khác. Cậu vẫn muốn biết thêm về gã Dewey kia đấy chứ?
- Đúng vậy, nhưng chỉ khi cậu gọi tớ là sư phụ.
- Thôi được, sư phụ, Dewey là người đứng đầu OSS - cơ quan tình báo Mỹ. Hắn là cháu của một thượng nghị sĩ và là một người lý tưởng chủ nghĩa theo kiểu Roosevelt. Hắn là một tín đồ, cậu thấy đấy, một kẻ nguy hiểm.
- Hắn tin vào cái gì?
- Tin rằng quyền của các dân tộc phải do chính họ nắm giữ... Hắn nói rằng chủ nghĩa thực dân đã hết thời và rằng chúng ta cùng đám người Anh phải ra đi.
- Chúng ta à?
- Người Pháp chúng ta.
- Tớ tưởng cậu là người Nga chứ.
- Tớ nói là ‘Nga da vàng,’ Garnier ạ. Hộ chiếu Nga của tớ bị mất từ lâu rồi - và ngay cả nếu như tớ có tìm thấy hộ chiếu thì chắc người ta cũng trả cho tớ quốc tịch của một đất nước không còn tồn tại. Hồi còn bé, tớ đã bị cấm không được nói tiếng Nga công khai ở nhà. Cả gia đình tớ đã có quốc tịch Pháp cách đây hai mươi năm và hôm đó, bố tớ đã về nhà với một va li đầy lúc lắc đồ chơi cùng những lá cờ Pháp bé tí, những bức tượng bán thân của Napoléon, những tấm bưu thiếp phong cảnh xa lạ như các lâu đài bên sông Loire. Chúng tớ ngồi ở bàn ăn và để tỏ lòng biết ơn, chúng tớ đã hát bài quốc ca Pháp La Marseillaise cho đến khi rát cả cổ họng. Điều đó có ý nghĩa gì với cậu không? Đất nước cậu đã chấp nhận tớ: tớ là con của Đế chế.
- Thôi được, người Pháp. Vậy tức là theo gã Dewey đó, chúng ta phải ra đi để nhường chỗ cho quân Mỹ à?”
Tikho cười khẩy.
“Không, theo gã đó thì bọn chúng cũng phải ra đi. Châu Á là của người châu Á.
- Vậy thì sao?
- Thì sao à? Thì tất cả mọi người sẽ ở lại, dĩ nhiên rồi.”
Bước chân đưa họ về phía tòa nhà của Sở Mật thám. Tay lính gác người Sénégal cho họ qua sau khi thờ ơ liếc mắt nhìn giấy tờ của Pierre. Tikho lẩm bẩm một mình vài từ tiếng Nga và Pierre hỏi xem anh ta vừa nói gì. “Tớ nói là cái thằng ngu này còn chẳng biết đọc.” Thấy khó chịu, Pierre chỉ cười trừ.
Sân của Sở Mật thám đầy hòm xiểng và đám người hỗn độn. Nó đã lại chật ních từ hai ngày nay, khi tù binh Pháp bị người Việt bắt vừa được thả thì lại phải lèn tù binh Việt do lính Pháp tóm được.
Họ được một cảnh sát mặc thường phục đón tiếp. Đó là một người cụt tay với gương mặt hốc hác. Ông ta chìa tay trái ra với họ.
“Tôi có biết anh không nhỉ? ông ta hỏi Tikho, lờ tịt Pierre đi.
- Có thể ông biết tôi. Nhưng dù thế nào tôi cũng biết ông.
- Thế còn người kia là ai?
- Sư phụ của tôi đấy.
- Anh cho tôi là thằng ngu à?
- Tôi đâu dám thế.”
Viên cảnh sát nhìn Pierre với vẻ không ưng.
“Ông chỉ cần hình dung, Pierre nói, kẻ ngu ngốc nhất có thể gom được lúc này, chính là tôi. Nhưng chuyện này sẽ không kéo dài đâu, tôi chắc chắn thế: họ sẽ tìm được người tốt hơn.
- Lại thêm mấy kẻ kỳ cục cho mà xem, người kia nói với vẻ chán nản hơn là bực bội. Anh viết được chứ?
- Chúng tôi chính là những người làm ra tờ Tự do!
- Chưa từng nghe nói.
- Đó là tờ báo của quân Pháp ở Viễn Đông. Tên do tướng Leclerc lựa chọn.
- Anh nói nghe lạ nhỉ.
- Ông hoài nghi ư?
- Quân Pháp Viễn Đông ở đâu khi người ta cần? Vì vậy, thưa ngài chủ báo quân Pháp ở Viễn Đông, đúng là hoài nghi.
- Hãy chờ Leclerc tới.
- Tôi đang nóng lòng đến chết đi được đây.
Sau đó, ông ta nhìn họ, huýt sáo qua kẽ răng và thở dài.
“Tôi xin lỗi, hai anh bạn. Tôi thì đang mệt bở hơi tai mà chúng tôi cũng đang thiếu thốn đủ thứ. Các anh đã thấy mớ lộn xộn này chưa? Tất cả phiên dịch đã rút hết và chúng tôi phải chạy đôn đáo tứ phía để kéo họ trở lại. Những tên nhà quê khốn kiếp đó đã giết chúng tôi, tôi không biết số nhân viên thực tế hay ước chừng là bao nhiêu. Thế mà chỉ thị đầu tiên tôi nhận được, tôi thách các anh đoán ra nhé? Tổ chức lại việc giám sát thư từ. Các anh có biết tôi có bao nhiêu thư không? Ba mươi lăm nghìn!
- Đọc thư để làm gì chứ?”
Viên cảnh sát quay sang nhìn Tikhomirov.
“Hắn từ đâu ra thế, gã bạn anh ấy?
- Một người Pháp đến từ Pháp.
- Bọn họ đều như thế cả à?
- Ông lại bắt đầu thế rồi,” Pierre thốt lên, nhưng viên cảnh sát đã vội vàng xua xua bàn tay trái.
“Tôi xin lỗi, xin lỗi, tôi đã nói với anh là, chúng tôi không chịu nổi nữa. OK, đây là sơ đồ. Liên quan đến cuộc tấn công đêm qua...”
Pierre và Tikho nhìn nhau, sững sờ.
“Các anh không nghe nói chuyện gì xảy ra ở Cité Hérault(3) à?
- Không, Pierre nói”.
Viên cảnh sát quay sang Tikho.
“Anh biết nơi tôi nhắc đến là ở đâu chứ?
- Dĩ nhiên là có.
- Ma cũ hả? quay lại nơi gây án đây. Trong khi chờ đợi ‘ma mới’ như hắn đến khai thông, họ cần chúng ta làm chút việc vặt. Không có ý xúc phạm đâu đấy?
Pierre không bình luận gì. Vài tháng nay, rượu của ông ta bị pha thêm axít và chuyện này khiến ông ta nổi khùng. Và có thể người ta đã không hỏi ý kiến trước khi chặt mất cánh tay của ông ta.
“Chuyện gì xảy ra vậy?”
Viên cảnh sát đưa họ tờ sơ đồ. Pierre và Tikho nhìn nhau, bỗng hiểu ra tại sao chẳng có ai tranh giành cái nhiệm vụ này của họ.
Họ bắt đầu lên đường, trong cảnh ngộ kỳ quặc, bị kẹp giữa lính Nhật đeo kiếm bên sườn. Pierre vắt chéo trước ngực sợi dây đeo súng F-M và máy ảnh Rollei Flex, được viên cảnh sát tin tưởng giao cho vì tin vào năng lực của cậu.
Cité Hérault, Tikho giải thích với cậu, là khu gồm bốn phố xếp hình răng lược áp lưng vào kênh Avalanche(4), lọt thỏm giữa các khu phố Đa Kao và Tân Định, gần khu vườn hoa nơi những con vật đói ăn được tự do chạy nhảy. Cư xá gồm nhiều “ngăn,” những ngôi nhà một tầng hay những tòa nhà hai hoặc bốn tầng, hẹp và sâu hun hút, nơi trú ngụ của những công chức quèn “hám gái”, đám dân lai đủ các màu da; vào sâu hơn một chút, trong một khu toàn nhà tranh nơi cảnh sát không còn ra vào kiểm soát nữa, toàn là dân An Nam làm thuê cho người Pháp, đầu bếp, sai vặt, nhưng cả lũ kẻ cắp và bọn vô lại cũng tìm được nơi ẩn náu an toàn trong khu phố rối rắm này.
Vừa tới nơi, Pierre và Tikho đã bị quấy nhiễu, xin xỏ, chửi bới. Lính Nhật dõi theo bước chân họ trong khi những kẻ cay độc nhất buộc tội họ.
“Lũ khốn nạn! một phụ nữ hét lên. Chúng tao đã báo trước về chúng nó hàng bao nhiêu ngày rồi. Thế mà chúng nó lại gửi cho chúng tao cái này để bảo vệ cầu đấy.”
Bà ta chỉ tay về hướng cầu Phú Nhuận, cách đó hai trăm mét.
“Bọn da vàng chết tiệt! Bọn chết tiệt! Cả giống nhà chúng nó chết tiệt!”
Bà ta nghẹn ngào trong cơn giận dữ hằn học và chán nản, còn họ khôn ngoan không thử bất cứ một cử chỉ an ủi hay một lời lẽ nào để xoa dịu. Bà ta khạc nhổ vào một lính Nhật trẻ mà cậu ta không hề chớp mắt.
Liếc nhìn về phía Tikho, Pierre không còn thấy vẻ mỉa mai quen thuộc trên gương mặt anh ta nữa.
Họ ghé qua các ngôi nhà, và thời gian quá ít ỏi nên chẳng thể nhớ nổi chi tiết những món nội thất tồi tàn, một bức ảnh cung điện Versailles rách nát, một tấm thảm đã sờn cùng một chú chó đang ngủ trên đó, đồ ăn thừa trên chiếc bàn thấp giả gỗ gụ khảm trai. Họ tập trung sự chú ý vào những khuôn mặt này, những khuôn mặt giận dữ, những khuôn mặt đẫm nước mắt với những câu chuyện kể lể. Họ lắng nghe, ghi chép, chụp ảnh, hứa hẹn càng ít càng tốt (nhưng vẫn càng lúc càng nhiều hơn theo từng giờ), cảm giác nặng nề dần bởi nỗi căm thù và dòng máu đã đổ khắp bốn khu phố này, ra đến tận sông.
Garnier vẫn nhớ tin đồn nghe được, ngay sau cuộc tấn công chiến hạm của họ. Chính chúng, những kẻ khủng bố ở Bình Xuyên, vả lại là ai thì cũng có quan trọng gì đâu, chính chúng đã vào từng căn nhà chém giết không phân biệt già trẻ lớn bé, mổ bụng phụ nữ mang thai, chặt chân tay... Hoặc hơn thế nữa, bắt người già và trẻ nhỏ buộc lại, ròng dây quanh cổ, dong xuống những chiếc thuyền ba lá chờ sẵn ở bờ kênh. Những ngày sau đó, cậu hẳn sẽ phải dọn đống tàn tích không tên.
Trên đường Jean-Mazet(5), họ thấy xác của một sĩ quan cảnh sát bị người ta khạc nhổ lên: lẽ ra phải tự vệ thì hắn ta lại ném vũ khí xuống nước và cầu xin, van vỉ...
“Bọn chúng không thích thương hại, một phụ nữ miệng méo xệch nói, chúng khinh thường kẻ cầu xin. Hãy nghĩ mà xem, đã tám mươi năm chúng ta ở đây thế mà bọn chúng không hề - sẽ không bao giờ - được khai hóa văn minh. Các người có thể nạp vào đầu chuyện đó không? Roi mây, đó là tất cả những gì chúng hiểu.” Có mùi chua chua của món phở bốc ra từ bếp, còn có cả cứt ruồi, dấu vết những con muỗi bị đập và bà ta khịt mũi rồi khạc nhổ khi uống từng ngụm nhỏ trong chiếc ly đựng thứ nước có màu đùng đục.
“Thật may là bà ta không mời chúng ta một ly,” Tikho rỉ tai cậu khi họ rời đi.
Pierre im lặng ghi nhận câu đùa ngốc nghếch. Cuối cùng thì cũng có điều gì đó mà người ta có thể tạ ơn Chúa - đó, những thời khắc yên lặng, trên hết là việc từ giờ đến tối, họ có thể kết thúc công việc bằng điều này, rồi nó sẽ bị lãng quên trong đống hồ sơ đầy bụi ở Sở Mật thám.
Cả ngày Pierre luyện cách chai sạn với những lời lẽ, nỗi oán giận, tiếng kêu gào, những giọt nước mắt - nhưng khó khăn nhất vẫn là với những ánh mắt câm lặng, đầy hận thù dữ dội, không thể xoa dịu.
Trong mỗi căn nhà người chết cũng nhiều như người mất tích - với những người ấy, chẳng hề có một tia hy vọng mong manh. Cậu mường tượng thấy những cuộc tra tấn tàn bạo.
Đêm đến, người ta đưa họ đến một bãi đất hoang xem phần cơ thể còn lại của một phụ nữ Việt và người chồng da trắng. Bộ phận sinh dục của người đàn ông bị cắt và khâu vào miệng người vợ, xác của cô vợ chỉ còn trơ xương, phần kín là một vũng máu đen sì.
Pierre chụp ảnh, ghi chép hết lại cho đến tận lúc đó.
Cùng với nhiều thanh niên thuộc thế hệ mình, cậu lờ đi những tài năng tầm thường về phản tuyên truyền của Giraudoux(6) để tôn sùng một người mà cậu cho là tác giả bi kịch hiện đại. “Nó được gọi thế nào nhỉ, khi mà tất cả sụp đổ, tất cả bị tàn phá...” Cậu nhớ như in câu kết nổi tiếng của Cuộc chiến thành Troy không xảy ra. Nhưng trước những người chết và những cảnh tra tấn này, trước những khuôn mặt không thể khuây khỏa, không thể tha thứ đó, cậu khó mà tự nhủ được rằng sự tàn phá này có thể gọi là rạng đông.
Có điều gì đó trong cậu níu lấy sự sống, sự cần thiết được thấy và được nói - thậm chí cũng không phải điều này, mà chính một hành động máy móc đã khiến cậu theo đuổi nhiệm vụ mù quáng này cho đến khi không còn ai để nghe và chẳng còn gì để thấy. Nhưng đứng trước hai cơ thể bị chịu nhục hình ấy, điều đó đã không còn và cậu khóc như đứa trẻ con vẫn còn trong cậu.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước