A home without books is a body without soul.

Marcus Tullius Cicero

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2284 / 40
Cập nhật: 2016-02-15 17:06:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ột tuần lễ trôi qua, Trà ở nhà tạm của dì Cúc. Thỉnh thoảng Trà cũng về nhà mình để lấy những vật dụng cần thiết nhưng luôn chờ những lúc mẹ đi vắng để Trà khỏi phải gặp mặt. Nhà của dì Cúc trước khi Trà tới ở chỉ có hai mẹ con. Dì Cúc và nhóc Trình ở dưới nhà, Trà được giao nguyên căn gác gỗ yên tĩnh, nhưng hơi nóng. Trà cũng tránh mặt gặp bạn bè, nhất là Bích Quân. Mỗi ngày dì Cúc đi làm, nhóc Trình đi học, chỉ còn lại độc nhất mình Trà trong căn nhà rộng. Trà hết ở trên gác, lại xuống dưới nhà không biết phải làm gì cho hết thời gian trống rỗng, vô vị. Nhiều lúc Trà cũng nhớ trường, nhớ lớp học vui nhộn với từng gương mặt bạn bè thân quen. Nhưng rồi nỗi nhớ chơi vơi ấy cũng qua đi, nhường chỗ cho nỗi buồn chán đến ghê người mà Trà phải chịu đựng.
Sáng nay, Trà lười biếng không muốn ra đầu phố ăn sáng, cũng ngại xuống bếp tự làm lấy thức ăn. Trà cứ nằm trên gác nghe nhạc và nhìn nắng lên cao ngoài tán cây vắt qua tầm cửa sổ. Trời hôm nay thật đẹp, nắng vàng như ướp mật làm cho những chùm hoa nở sớm lung linh, những cái hoa màu vàng rực rỡ ấy là hoa gì Trà không nhớ tên. Nhưng nằm ở đây, nhìn ra một khoảng trời, có những chùm hoa màu vàng ấy Trà cũng đỡ buồn, đỡ nhớ khu vườn của nhà mình.
- Trà ơi, có nhà không?
Tiếng của ai kêu ngoài cổng khiến Trà giật mình. Đợi cho tiếng kêu ấy lập lại lần thứ hai, Trà mới nhận ra cái giọng quen thuộc của Sỹ, anh chàng có họ hàng xa xôi gì đó với dì Cúc. Trà đã gặp anh ta vài lần khi anh ta đến thăm dì Cúc. Và chỉ gặp Trà lần đầu, ánh mắt của Sỹ đã bộc lộ sự si dại của mình trước cô gái đang nẩy nở này. Có đui Trà mới không nhìn thấy điều đó, nhưng Trà thật dửng dưng, đối xử với Sỹ bình thường như một người bạn trai khác. Tuy nhiên, vài lần sau Sỹ "cố ý" đến thăm dì Cúc và mối quan hệ giữa Sỹ và Trà bớt ngượng ngập hơn, khoảng cách giữa hai người xa lạ được thu ngắn lại cởi tính phóng khoáng, cởi mở của Sỹ. Dì Cúc cho Trà biết ba má Sỹ đã ra nước ngoài, hiện Sỹ hiện ở với người chị đã có chồng. Ba má anh ta đã có đơn bảo lãnh cho Sỹ đi, vì vậy Sỹ đã nghỉ học và đang sống trong những ngày chờ đợi. Sỹ rất vui tính và hào phóng, mỗi lần tới chơi đều có quà tặng cho hai mẹ con dì Cúc và dĩ nhiên, cũng không quên tặng cho Trà một món quà gì đó. Sỹ luôn 'biểu diễn" tình trạng kinh tế dư dả của mình bằng cách ăn mặc, thay đổi quần áo theo thời trang và tặng những món quà đắt giá cho Trà. Anh ta đã vài lần rủ Trà đi ăn, đi chơi, nhưng những lần ấy Trà từ chối.
Trà để cho Sỹ gọi đã đời mới chịu xuống mở cổng. Sỹ dắt chiếc Dream 100 hào nhoáng vào sân và tranh thủ trách:
- Cô bé làm gì mà để anh gọi khan cổ vẫn không chịu xuống mở cổng?
- Em mắc nghe nhạc.
- Nhạc hay lắm sao mà mê tít dữ vậy?
- Dĩ nhiên là hay hơn tiếng kêu như mèo gào của anh.
- Dì Cúc có nhà không Trà?
- Anh dư biết rồi mà làm bộ hỏi – Trà cười tủm tỉm.
Sỹ đè nén sự bối rối của mình bằng cách lấy thuốc ra hút. Trà háy mắt cười:
- Anh Sỹ vào nhà chơi, nêú không phải tới đây để gặp dì Cúc hoặc nhóc Trình.
- Em cũng biết cả rồi mà cũng làm bộ hỏi.
- Biết gì cơ?
Sỹ theo Trà vào phòng khách. Hai người ngồi đối diện nhau trong hai chiếc ghế xa-lông rộng. Sỹ rít thuốc hỏi:
- Trà quyết định nghỉ học luôn à?
- Đúng vậy.
- Tại sao thế?
- Chán quá, học hết vô.
- Tưởng có mình nghỉ học giữa chừng, ngờ đâu có thêm Trà, như vậy coi như mình là "đồng minh" với nhau trong việc bỏ trường.
- Làm sao là "đồng minh" được anh Sỹ, Trà khác, anh khác chứ? – Trà hóm hỉnh nói.
- Nghỉ học thì ai cũng như nhau thôi, khác chỗ gì cô bé?
- Này nhé, anh nghỉ học để chờ đi nước ngoài sum họp gia đình. Còn em nghỉ học để… không biết làm gì. Phải khác nhau xa lắc xa lơ không?
- Thôi, không cãi chuện này nữa. Nhưng rồi Trà sẽ định làm gì?
- Trà chưa biết.
- Sao lại chưa biết?
- Vì Trà còn đang bàng hoàng như vừa ra khỏi cơn mơ. Hồi đó khi anh quyết định nghỉ học, anh có buồn không, có quay quắt không, anh Sỹ?
- Dĩ nhiên là buồn, nhưng rồi cũng chóng quên. Mình có những công việc khác, đáng lo và đáng nhớ hơn.
Trà vẽ những vòng tròn vô nghĩa trên mặt bàn, nói:
- Trà đang khổ tâm vì chuyện nghỉ học của mình. Nhưng hoàn cảnh của Trà không thể làm khác hơn được.
- Hối hận?
- Không, nhưng buồn – Trà chớp mắt nói:
- Anh thấy Trà can đảm, việc nghỉ học đúng hay sai tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.
- Nhưng là con gái, quyết định bỏ học ngang xương như vậy là Trà đã khá can đảm.
- Hồi ấy anh Sỹ có can đảm không?
- Anh nghỉ học vì bắt buộc nên không thể gọi là can đảm được.
Trà thở ra, cô chợt kêu lên:
- Thôi chết, nãy giờ quên lấy nước mời khách uống, tệ thật.
- Khỏi cần cô bé – Sỹ cười – mới sáng ai uống nước. Bây giờ anh mời cô bé đi ăn sáng.
- Em lười biếng quá, chẳng muốn đi đâu, thì nhịn đói còn sướng hơn.
- Lười ăn sẽ bị ốm đấy – Sỹ bày tỏ sự chăm sóc và nhìn Trà bằng ánh mắt ân cần.
- Đi xa không anh Sỹ?
- Không xa lắm đâu, ở ngã bảy, được chứ?
- Ở đó người ta bán thứ gì cũng có – Sỹ cười.
- Nhà hàng à?
- Không phải, chỉ là một ngôi quán bên lề đường thôi, nhưng bảo đảm thức ăn rất ngon. Anh ăn sáng ở đó hoài.
- Thôi được, em đi với anh để biết qua một lần cũng tốt.
Sỹ hể hả:
- Một lần rồi em sẽ thích cái quán mà anh giới thiệu.
- Đừng có dụ khị người ta ông anh ơi.
Trà liếng thoắng cười. Sỹ rất vui vì được Trà nhận lời đi ăn sáng với anh. Thật ra mục đích sáng hôm nay Sỹ đến đây cũng chỉ có thế.
- Anh chờ Trà một chút nhé?
- Mười chút cũng được.
- Vậy thì mười phút thôi – Trà cười.
- Đúng vậy, đừng nên bỏ phí thời gian. Vả lại anh cũng đói quá rồi.
Trà hóm hỉnh:
- Bao tử em cũng bị kiến cắn, anh ngồi đó chơi nhé, em thay quần áo xong sẽ xuống ngay.
Nhưng phải đến hai mươi phút sau Trà mới đủng đỉnh từ trên gác xuống. Tâm lý con gái thường vẫn thế, cứ thích bắt người khác chờ mình, nhất là người chờ đợi ấy là một anh con trai mới quen. Hôm nay Trà thật diện, chiếc áo dài trắng thường ngày đi học đã bị Trà xếp vào xó tủ, thay vào đó là bộ thời trang đang thịnh hành của các cô gái.
- Ôi dào, Trà làm anh ngẩn ngơ – Sỹ đứng lên nói.
- Vì đói bụng hả?
- Không phải, vì em rất xinh đẹp trong bộ quần áo hợp thời trang này.
Trà háy mắt:
- Vậy hóa ra em xinh đẹp nhờ mặc bộ quần áo hợp thời trang?
- Ý anh không phải vậy. Em thừa biết người đẹp thì mặc quần áo mới đẹp – Sỹ nịnh.
- Được, anh nịnh cũng khéo đấy.
Trà cười khúc khích. Sỹ ném mẫu thuốc xuống đất và dẫn chiếc Dream ra cổng. Trà leo lên ngồi phía sau. Đây là lần đầu tiên Trà ngồi sau xe một anh con trai chở. Trà ngạc nhiên vì thấy mình thay đổi quá nhiều trong một tuần lễ qua.
Tính tình rụt rè của Trà đã biến mất, cô nữ sinh lớp 12 trong Trà đã biến mất, nhường chỗ cho một cô Trà bạo dạn, có thể leo tót lên ngồi cho bạn trai chở đi ăn sáng giữa chốn đông người.
- Xong chưa cô bé? – Sỹ quay lại hỏi.
- Được rôì, anh chạy đi.
- Coi chừng rớt xuống đường đấy nhé.
- Đừng có hù em.
Sỹ cười phá lên và chiếc xe lau nhanh ra đường. Sỹ là một thanh niên khỏe mạnh, có vẻ phát phì trước tuổi. Cuộc đời ưu đãi nên Sỹ khỏi phải lo về kinh tế. Thời gian đối với anh ta là một chuỗi ngày tháng rong chơi, không cần phải lo âu sinh kế. Ăn uống đã có bà chị lo, quần áo đã có tiệm giặt ủi, mỗi tháng nhận một thùng quà. Quần áo và những món đồ trang sức trên người Sỹ đều là thứ có giá trị và Sỹ có vẻ tự hào về cái "mã" của mình. Quán ăn mà Sỹ đưa Trà tới chắc chắn sẽ là một quán ăn trứ danh – Trà nghĩ vậy.
Trà ít đi chơi lắm phải không? – Sỹ hỏi.
- Anh lầm rồi, em đi chơi khiếp đảm luôn.
- Với ai?
- Với mấy nhỏ bạn học cùng lớp.
- Trà không có bạn trai à?
- Anh hỏi một câu vô duyên nhất thế giới giao tế là một thanh niên lịch sự không bao giờ hỏi – Trà đốp cho Sỹ một câu.
Sỹ cười xòa:
- Anh là người trực tính, thích nói những gì mình nghĩ, chẳng cần nói quanh co.
- Anh có những điều đối với phụ nữ anh Sỹ phải thật tế nhị – Trà nói.
- Sống sao mệt mỏi quá vậy?
- Như vậy mới là đời sống chứ.
Câu chuyện chấm dứt khi Sỹ cho xe leo lên lề đường đậu trước một quán ăn rất đông khách. Hầu hết bàn ăn được bày ra trên lề đường, dưới mấy gốc cây bã đậu sum suê. Sỹ có vẻ là khách quen của quán này nên những người phục vụ đều gật đầu chào anh ta và nói chuyện thật tự nhiên. Quán ăn này của người Tàu, chủ quán là một người đàn ông đứng tuổi đang lo nấu nướng thức ăn, những người phục vụ chắc là con cái trong gia đình.
- Cậu dùng gì? – Một cô gái cầm cuốn sổ tay ghi chép các món ăn hỏi Sỹ.
- Em ăn gì? – Sỹ quay hỏi Trà.
- Em ăn gì cũng được, anh cứ gọi tự nhiên.
Hai đĩa ốp-lết thịt bò ăn với bánh mì.
- Có ngay.
Cô gái phục vụ chạy đi, chỉ ít phút sau cô ta mang ra hai đĩa thức ăn đầy, có cải xà lách và cà chua bày trên mặt trông thật ngon mắt.
Sỹ đẩy đĩa thức ăn trước mặt Trà cười, nói:
- Ở đây rẻ và ngon, em ăn đi thì biết anh không nói dối.
- Sáng nào anh cũng ăn ở đây hết sao? – Trà hỏi.
- Thường là vậy, nhưng có ngày cũng phải đổi món, ăn hoài một nơi cũng chán.
- Trong khi đó em cần một nơi để ăn hoài – Trà cười.
Hai người bắt đầu ăn. Có lẽ đói bụng nên Trà ăn rất ngon miệng. Sỹ thấy vậy tỏ ý hài lòng. Đẩy đĩa thức ăn đã hết sang bên cạnh, Sỹ vừa xỉa răng vừa bảo:
- Ra sài gòn uống cà phê.
- Không, uống ở đây luôn cho tiện – Trà nói.
- Kinh nghiệm nơi nào bán thức ăn ngon là nước uống rất dở. Chịu khó đi ra ngoài Sài Gòn cô bé?
- Cảm tưởng gì? – Trà hỏi lại.
- Cái quán ăn hồi nãy.
- Em đói nên ăn rất ngon.
- Bây giờ mình đi uống cà phê ở Givral, cái quán có cửa kiếng ằm ở góc đường Lê Lợi, xéo với nhà hát Thành phố ấy.
- Anh làm như em ở dưới Cà Mau mới lên không bằng – Trà cười.
Sỹ làm thinh, Trà rất ghét cái cách nói chuyện của Sỹ, lúc nào cũng chứng tỏ "ta đây" và biểu lộ sự "ga lăng" quá mức. Tuy nhiên, Sỹ đã giúp Trà có được một buổi sáng rong chơi ngoài phố thật vui vẻ. Nếu không có Sỹ chắc Trà nằm trên gác nghe thằn lằn chắt lưỡi, hoặc là lang thang ngoài phố một mình, dạo qua các cửa hàng xem mua bán để giết thì giờ.
Sỹ gởi xe bên hông nhà hát Thành phố rồi hai người đi bộ qua Givral. Quán thưa người, Sỹ chọn chiếc bàn ngó ra phía Đồng Khởi.
- Uống cà phê nhé?
- Không, em ăn kem.
- Thế mà anh gọi bằng cô bé lại không chịu – Sỹ nói.
- Người lớn không ăn kem sao? – Trà nghiêm mặt nói.
Sỹ gọi cà phê sữa và một trái dừa kem. Trà cầm cành hồng trong chiếc lọ nhỏ trên bàn lên ngắm nghía. Cành hồng đầy gai nhọn, nhưng cái hoa rất đẹp, cánh nó mịn như nhung và màu đỏ thẫm. Sỹ cười:
- Trà cũng giống như cành hồng có gai nhọn này.
- Sao anh lại ví em như vậy?
Sỹ không nói. Trà cắm cành hồng vào chiếc lọ. Bây giờ trước mặt Trà là một cái đĩa, trên đĩa người ta để một trái dừa xiêm đầy kem.
- Ăn đi cô bé.
Sỹ trao cho Trà chiếc muỗng nhỏ và cười. Trà ngậm những thìa kem trong miệng và nhìn bâng quơ ra đường phố buổi sáng. Trà bắt gặp hai cô gái mặc áo dài trắng, xách cặp da đèo nhau trên xe đạp chạy ngang qua và cảm thấy ngậm ngùi. Thôi, từ nay chia biệt chiếc áo dài trắng dễ thương và cánh cổng trường quen thuộc dưới cây lá xanh ngát như một thời con gái. Trà không là một cô nữ sinh nữa rồi. Cảm giác bùi ngùi ấy khiến đôi mắt Trà chớp nhanh, ngón tay Trà vẽ những vòng tròn vô nghĩa trên mặt bàn trải ra trắng.
- Gì thế cô bé? – Sỹ hỏi.
Trà lắc đầu đáp:
- Không có gì, tại em nuốt vào bụng muỗng kem lạnh ngắt, rét cống cả bao tử. Sỹ quậy cà phê trong tách, anh ta đốt thuốc và ngửa cổ nhả những ngụm khói.
Sỹ nhìn Trà hỏi:
- Tối nay Trà có làm gì không?
- Có.
- Làm gì?
- Ngủ chứ làm gì – Trà cười.
- Nếu không ngủ sớm Trà sẽ làm gì?
- Nghe nhạc.
- Tối nay đi nghe nhạc với anh, được không?
- Bộ anh Sỹ không có bồ sao mà cứ rủ em đi theo hoài vậy?
Sỹ bối rối nói:
- Em hỏi một câu thật vô duyên.
- Em cảm thấy rất có duyên mới chết chứ – Trà cười.
- Anh không có bồ – Sỹ. Đỏ mặt – đúng hơn là không có cô nào vừa ý.
- Em không tin đâu.
- Đó là quyền của em, nhưng anh nói thật.
- Bao nhiêu phần trăm?
- Một trăm phần trăm.
Trà cười phá lên:
- Em chả tin anh một tí phần trăm nào. Nhưng thôi, bỏ qua chuyện bồ bịch của anh đi, có liên quan gì tới Trà đâu mà thắc mắc.
- Thế nào, nhận lời chứ cô bé? – Sỹ chờ đợi.
- Nghe nhạc trong máy thu băng nghe hay hơn. Ở các nơi đó nhạc ồn ào quá, không khí bát nháo chỉ thích hợp để cho người ta nhảy nhót thôi.
- Hay là mình đi nhảy?
- Thôi, Trà không biết nhảy đâu.
- Thế mà anh biết Trà nhảy giỏi lắm đấy – Sỹ háy mắt.
- Ai nói cho biết?
- Điều tra.
- Chà, ghê quá nhỉ, không ngờ Trà lại bị anh theo dõi như vậy.
- Thôi, trả lời mau đi, đừng có giả vờ nữa cô bé – Sỹ giục.
- Em chưa trả lời ngay được, tối anh thử tới nhà dì Cúc xem, nếu không có gì trở ngại em sẽ đi với anh.
- Trà làm anh hồi hộp.
- Có gì đâu mà hồi hộp – Trà háy mắt cười. Sỹ uống một ngụm cà phê, ngó Trà, đùa:
- May mà anh không yếu tim.
- Vậy quen với em anh sẽ trở thành người bị bệnh yếu tim đấy.
Khi Trà về đến nhà dì Cúc, không ngờ gặp mẹ ở đây. Bà Loan đã chờ Trà hơn một giờ đồng hồ. Trà không muốn gặp mẹ chút nào, vì vậy Trà định quay ra nhờ Sỹ chở đi đâu để khỏi gặp mẹ, nhưng Sỹ đã phóng xe đi xa rồi.
- Trà, vào đây – Dì Cúc gọi lớn.
Trà không còn cách nào khác là phải vào nhà. Bà Loan thấy Trà, quay ra phân bua với dì Cúc:
- Chị thấy không, con cái bây giờ nó như thế đấy. Động một tí thì bỏ nhà đi, lại còn nghỉ học nữa chứ. Thật khổ cho tôi.
Như đã sẵn nước mắt, bà Loan thút thít sau câu nói. Trà không nhìn mẹ, nhưng buông người xuống ghế cạnh dì Cúc.
- Con phải về nhà thôi, mẹ đã đến đây thì không còn cách nào tránh mặt mẹ nữa đâu –
Dì Cúc nói.
- Con không thích về ngôi nhà đó nữa – Trà đáp.
- Con cái ăn nói với mẹ như thế đấy – Bà Loan lại thút thít.
Dì Cúc nhìn Trà ái ngại:
- Con nên theo mẹ về nhà. Con ở đây dì không thể chứa chấp được nữa đâu.
Trà biết dì Cúc đã nói thật. Vả lại Trà cũng không định ở lại đây lâu. Bà Loan nhìn con gái nói:
- Con không thể sống lang thang như vậy được, dù thế nào cũng nên về nhà.
- Đúng đấy.
Dì Cúc nói thêm. Trà thấy không còn cách nào khác nên nhìn bà Loan nói:
- Mẹ về trước đi, con sẽ nhờ Trình trở về sau.
- Bao giờ con về?
- Trình nó đi học về con sẽ nhờ nó chở – Trà đáp.
Bà Loan đứng lên, nhưng Trà vẫn ngồi yên trong ghế nhìn mẹ đi với dì Cúc ra cửa. Trà rơi vào tâm trạng buồn chán kinh khủng nên vội lên gác thay quần áo và nằm vật ra giường. Căn gác đã bắt đầu nóng bức, nghĩ tới việc phải quay về ngôi nhà ấy, gặp lại gương mặt người đàn ông nhân tình của mẹ, Trà cảm thấy ngao ngán. Nhưng tạm thời Trà biết đi đâu bây giờ, mẹ đã tới đây tức nhiên dì Cúc không thể nào cho Trà ở lại. Trà nghĩ tới Bích Quân, nhưng việc đến ở nhà Bích Quân hoàn toàn không tiện chút nào. Nó tốt với Trà thật đấy, nhưng ba ba má Bích Quân rất khó tánh, vả lại Trà cũng không biết giải thích làm sao với việc mình bỏ nhà ra đi. Thôi, tạm về nhà vậy, rồi sẽ tính – Trà thở dài.
Dì Cúc lên gác, dì nhìn Trà ái ngại:
- Dì hiểu Trà, nhưng dù sao con cũng không nên sống lang thang như vậy được. Mai mốt ba con sẽ về.
- Dì đừng nói nữa.
- Có gì hai mẹ con dàn xếp với nhau, dì nghĩ mẹ con rất thương con.
- Dì nghĩ thế à?- Trà buồn bã hỏi.
- Mẹ nào mà chẳng thương con, trước
khi con về, mẹ con đã nói chuyện rất nhiều với dì.
- Nhưng có những chuyện mà dì chưa biết.
Trà trở dậy sửa soạn quần áo cho vào túi xách. Trà dặn:
- Khi nào Trình đi học về dì cho con hay.
- Nó cũng sắp về tới nơi rồi.
- Trình về là con đi ngay đấy – Trà bỗng ngập ngừng rồi tiếp – Khi nào anh Sỹ có tới dì nói anh ấy tới nhà tìm con.
- Được, dì xuống nhà lo cơm nước đây.
- Con không ăn cơm đâu nhé – Trà nói lớn.
Khoảng mười phút sau Trà thấy nhóc Trình thò đầu lên gác, nó ngạc nhiên nhìn Trà hỏi:
- Chị Trà đi đâu thế?
- Về nhà.
- À, đứa con hoang trở về mái nhà xưa hả?
- Ừ.
- Có nói lời từ biệt không?
- Không, nhưng chị nhờ Trình lấy xe chở chị về bên nhà, được chứ?
Trình cười:
- Rất sẵn sàng. Không có gì trở ngại.
- Vậy đi liền bây giờ.
- Ô kê.
Trình tuột xuống thang gác nhanh như một con sóc và dẫn chiếc xe đạp sườn ngang ra sân. Trà xách túi quần áo ngồi sau yên xe, đùa:
- Chở nổi không đó, nhóc?
- Nhằm nhò gì.
- Gỡ mắt kiếng ra nhóc có thấy đường chạy không?
- Thấy chứ, nhưng không an toàn. Chị có muốn thử không, ngồi cho vững đi. Trà hoảng vía, cấu lưng Trình nói:
- Thôi, chị đùa chút xíu cho đỡ buồn chứ chị chưa muốn chết đâu.
Trình chê:
- Chị dở quá. Em chưa thấy ai dở như vậy.
- Tại sao dở?
- Em như chị đi luôn chứ không thèm trở về nhà. Hễ một đi là không bao giờ trở lại. Như vậy mẹ chị mới ngán. Ờ, nhưng tại sao chị lại giận mẹ chị mà bỏ nhà ra đi, hả?
Trà lắc đầu:
- Em không biết đâu, mà chị cũng không nói.
- Bộ mẹ chị bắt chị về lấy chồng hả?
- Không.
- Chị đừng buồn nữa, mỗi ngày đi học về em sẽ tới chơi với chị, nói chuyện cho chị nghe để chị đỡ buồn.
Đang buồn thiu mà nghe Trình nói vậy Trà cũng phải phát cười lên. Trà nói:
- Thôi, cám ơn em, buồn mà thấy mặt em chị càng muốn đi tu thêm.
- Chị mà đi tu nỗi gì.
- Bộ không được sao?
- Thấy mặt chị ai tin?
- Ờ há – Trà ngẩn ngơ.
- Nhưng cũng phải đi học trở lại đi chị Trà ạ. Đi học vui hơn ở nhà nhiều. Nếu hôm nào nghỉ học em buồn chết được.
Trà nói:
- Trình khác, chị khác. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, không thể so sánh được đâu.
- Có lý.
Trình đưa Trà về tới nhà, nó không vào dù Trà cố mới cách mấy Trình cũng thối thác. Nó ngồi trên yên xe cười:
- Em phải về nhà ăn cơm, kiến cắn bao tử quá chịu đời sao thấu, chị quên là em vừa đi học về là phải làm tài xế cho chị sao.
- Ờ há.
Trước khi đi Trình háy mắt, bảo:
- Chị Trà ơi, coi bộ anh Sỹ "mết' chị rồi đó, nhưng thằng cha này chị phải cảnh giác đấy nhé.
- Đâu có, anh Sỹ rất tốt với chị – Trà nói.
- Được, cái đó tùy người đối diện, thôi em về đây.
Trình đạp xe đi, Trà đứng tần ngần trước cánh cổng sắt quen thuộc. Ngôi nhà vẫn lặng lẽ nằm dưới cây lá và ánh nắng buổi trưa chói mắt.
Trà đưa tay ấn nút chuông điện. Một lát người ra mở cổng cho Trà không phải là mẹ mà là chú Phan. Vẫn gương mặt người đàn ông đáng ghét ấy.
- Trà về rồi ấy à?
- Mẹ cháu đâu? – Trà hỏi.
- Trong phòng tắm. Vì thế nên chú ra mở cổng cho cháu.
- Cám ơn chú.
Trà không nhìn chú Phan, lách sang bên cạnh và bước nhanh vào nhà. Có tiếng bà Loan hát trong phòng tắm, giọng bà vẫn trong trẻo, thu hút như một cô ca sĩ truyền hình. Bà Loan vẫn giữ thói quen hát trong phòng tắm và cũng chỉ hát có mỗi một bài. Mẹ thật vô tư, tưởng đâu mẹ sẽ ngồi đợi Trà về trong phòng khách với nỗi trông ngóng, sốt ruột. Nào ngờ ngôi nhà vẫn bình thường như lâu nay, mẹ vẫn vô tâm với những riêng tư của mình. Trà đi thẳng lên phòng, ném cái túi xách đựng quần áo lên giường. Và Trà nằm nhìn lên trần nhà, đầu óc xoay xoay trong một nỗi buồn chán.
- Trà về rồi đó à?
Bà Loan bước lên đứng ngoài cửa phòng hỏi con gái.
Trà không đáp mà bước xuống mở cửa phòng. Bà Loan bước vào, chiếc áo ngủ mỏng ướt nước mà tóc bà cũng ước đẫm vì mới gội. Trà phải công nhận, dù ở tuổi này, trông mẹ hãy còn khá hấp dẫn.
Bà Loan hỏi con gái:
- Con ăn gì chưa?
- Chưa.
- Nằm nghỉ một lát rồi đi ăn với mẹ.
- Con không đi đâu, con muốn ở nhà – Trà đáp.
- Nhưng rồi con sẽ đói bụng, thôi đừng có lười biếng và giận dỗi nữa. Mọi chuyện coi như qua và bắt đầu từ ngày mai mọi việc bắt đầu trở lại.
Trà cười thầm, suy nghĩ của mẹ thật đơn giản. Nhưng Trà chỉ làm thinh, không trả lời cũng không cãi với bà Loan. Hiện tại Trà mệt mỏi lắm rồi.
Trà nói:
- Con sẽ tự nấu cơm lấy mà ăn, chẳng có gì khó khăn hết.
- Trong tủ lạnh còn một chút thức ăn đấy, nếu không muốn ra ngoài thì ở nhà cũng được.
- Bây giờ con m uốn ngủ một giấc, con mệt quá.
Bà Loan bước ra khỏi phòng. Trà đóng cửa lại và thay quần áo. Xong nằm vật ra giường, mở nhạc vừa đủ nghe để dỗ giấc ngủ và rồi Trà thiếp đi lúc nào không hay.
Cánh Hồng Gai Cánh Hồng Gai - Từ Kế Tường Cánh Hồng Gai