I have learned not to worry about love;

But to honor its coming with all my heart.

Alice Walker

 
 
 
 
 
Tác giả: John Dickson Carr
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Lệ Thanh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 378 / 33
Cập nhật: 2020-07-09 16:12:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ng bạn hãy bình tĩnh, Partington nói khi nghiêng người về phía trước, tôi xem đó là một yếu tố thuận lợi. Nhưng có thể nào cái bà già đó...
Stevens pha cho ông ta một ly uýtki xô đa. Vị bác sĩ cầm lấy và uống với vẻ thư thái của người sành điệu.
- Trong một vụ án như thế này thì tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra, Mark mệt mỏi nói. Nhưng tôi không tin rằng bà Henderson nói dối hay ưa thích sự huyền hoặc. Bà ưa ngồi lê đôi mách, nói chuyện nhảm nhí, đúng thế, nhưng dẫu sao vợ chồng bà đã sống với chúng tôi từ thuở tôi còn bé. Bà là vú nuôi của Ogden. Hẳn bạn còn nhớ Ogden, em trai của tôi. Hắn đã vào trung học khi bạn sống ở Anh quốc... Không, bà Henderson rất quyến luyến gia đình chúng tôi và bà rất mến Lucy. Hơn nữa, bà không hề biết là bác Miles đã chết vì bị đầu độc. Bà tin ông bác qua không nổi cơn bệnh đường ruột và nghĩ rằng chuyện mà bà đã thấy chỉ là một sự cố không quan trọng. Chính vì thế mà tôi phải nhọc công để khuyên bà kín tiếng!
- Khoan đã, Stevens nói xen vào. Có phải câu chuyện của bà Henderson có liên quan đến một người đàn bà bí ẩn ăn mặc theo lối xưa, đã biến mất sau một cánh cửa không hề có?
- Đúng, Mark bứt rứt thú nhận, và chính điều đó đã làm cho mọi chuyện trở thành vô nghĩa. Hẳn anh còn nhớ cái phản ứng của anh ngày hôm đó, khi tôi kể anh nghe chuyện này. Thôi, tốt hơn tôi nên kể lại từ đầu cho mấy anh, Mark nói khi lấy ra một túi nhỏ đựng thuốc lá và vẫn lấy một điếu như thói quen của anh. Giờ chúng ta bắt đầu nói sơ qua về gia tộc của tôi. Này, Partington, dạo trước anh có gặp bác Miles của tôi bao giờ chưa nhỉ?
- Chưa, Partington trả lời sau khi đắn đo. Ông ấy đi Âu châu.
- Bác Miles và cha tôi được sinh cách nhau một năm, bác vào tháng tư năm 1873 và cha tôi tháng ba 74. Rồi các anh sẽ hiểu tại sao tôi phải nói những chi tiết chính xác như thế. Cha tôi lấy vợ vào năm ông hai mươi tuổi, ông bác tôi thì suốt đời độc thân. Tôi sinh năm 1896, Edith năm 98 và Ogden 1904. Như các bạn biết, tài sản của chúng tôi là do đất đai mà ra và bác Miles là người được thừa hưởng một phần rất lớn, nhưng cha tôi không lấy thế làm buồn bởi văn phòng của ông đã mang lại khá nhiều tiền của và ông đã nghĩ mình đã chọn một cuộc sống hợp lẽ. Cha tôi qua đời cách đây sáu năm vì chứng sưng phổi và mẹ tôi, người đã đích thân chăm sóc ông cũng đã nhiễm bệnh sau đó và theo ông về bên kia thế giới.
- Tôi vẫn còn nhớ họ, Partington nói khi đặt tay lên mắt và theo như giọng nói của ông ta, thì ông có vẻ như không quyến luyến mấy cái kỷ niệm đó.
- Sở dĩ tôi nói ra mọi chuyện này là để chứng tỏ rằng tình cảnh của chúng tôi thật đơn giản. Không hề có tranh chấp quyền lợi cũng chẳng có thù hận trong gia đình. Ông bác tôi là một người phóng đãng, nhưng luôn giữ nếp thanh lịch của cung cách giao hảo vào thế kỷ trước, và theo tôi, hẳn ông không thể có một kẻ thù nào ở trên đời này. Thật ra, vào cuối đời, ông đã sống hoàn toàn ẩn dật, thậm chí không còn tiếp xúc với bất cứ ai. Nếu kẻ nào đó đã đầu độc ông, hẳn chỉ vì họ thích thú chứng kiến cái chết của một con người... hoặc là và tiền, đúng thế!
- Nếu nguyên nhân là số tiền của ông thì tất cả chúng tôi đều có thể bị tình nghi, và người bị tình nghi đầu tiên phải là tôi, bởi vì mỗi chúng tôi đều thừa hưởng một số tiền khá lớn. Chúng tôi đã được thông báo về việc đó rồi... Như tôi nói, bác Miles và cha tôi sinh kề nhau, vì thế họ đã được nuôi nấng như một cặp song sinh nên rất thương nhau. Và bác Miles cho rằng ngày nào mà ba tôi có người thừa tự thì bác khỏi cần lấy vợ. Như bạn thấy đó, trong một tình cảnh gia đình êm ấm như thế thì có người đã đều đặn bỏ asenic vào trong thức ăn của bác tôi.
- Tôi muốn hỏi hai câu, Partington nói xen vào. Thứ nhất, đâu là bằng chứng cho rằng thức ăn bị bỏ thuốc độc? Thứ hai, như anh đã nói, khi về già bác anh có một thái độ kỳ dị, ông đã sống trong một căn phòng khóa kín, vân vân. Chuyện này bắt đầu từ lúc nào?
Mark hơi do dự, anh nói:
- Thật dễ để nêu lên một cảm nghĩ sai lầm, và chính là điều mà tôi muốn tránh. Đừng nghĩ rằng ông bác tôi sau này đã trở thành một người kỳ cục hay lẩm cẩm... không đâu, sự thay đổi đó rất tinh tế. Tôi như nhận thức được điều này vào lần đầu tiên, cách đây sáu năm, lúc bác từ Paris trở về sau khi cha mẹ tôi đã qua đời. Bác không còn là ông bác của tôi nữa: bác có vẻ lơ đễnh, bận bịu như một người nhiều ưu phiền. Dạo đó, bác chưa có thói quen sống khép kín suốt ngày trong phòng. Điều đó chỉ xảy ra sau này... Ted, anh dọn về đây từ lúc nào nhỉ?
- Gần hai năm rồi.
- Đúng, như vậy là khoảng hai tháng sau khi anh đến sống ở đây thì ông bác tôi bắt đầu có chuyện kỳ cục. Vào những ngày đẹp trời, ông xuống nhà để điểm tâm, sau đó dạo một vòng quanh vườn rồi tạt qua hành lang treo tranh một lúc. Ông có vẻ xa vắng như một người đang trầm tư và chẳng buồn quan tâm đến những gì chung quanh. Vào giữa trưa, ông trở lên phòng và không bước ra nữa.
- Thế thì ông ấy đã làm gì trong suốt thời gian đó? Partington cau mày, hỏi. Ông đọc sách? Nghiên cứu?
- Không, tôi không nghĩ thế bởi đó không phải là chuyện của ông. Theo như lời xầm xì của những người trong nhà thì ông thích ngồi trên ghế bành để nhìn ra cửa sổ, hay có thể dùng thời gian đó để thay đổi y phục vì có lẽ ông ta chẳng biết làm gì hơn. Ông có một tủ quần áo đầy ắp và luôn mãn nguyện với lối phong nhã của mình. Cách đây sáu tuần, ông bắt đầu bị những cơn co thắt dạ dày hành hạ và tiếp đó là ói mửa, vân vân, nhưng ông không chịu đi bác sĩ, cho rằng đây là những triệu chứng mà ông từng gặp phải và nếu có đắp thuốc và uống một cốc sâm banh thì ông sẽ qua khỏi. Nhưng rồi ông lại bị một cơn đau quá đỗi, khiến chúng tôi phải mời ngay bác sĩ Barker đến. Ông chẩn đoán đó là một chứng viêm dạ dày ruột. Chúng tôi đã phải nhờ đến một y tá thường xuyên chăm sóc ông và, có trùng hợp hay không chẳng hiểu, bệnh tình của bác tôi lại thuyên giảm, đến độ vào đầu tháng tư, sức khỏe của ông không còn là mối lo ngại của chúng tôi nữa. Và như thế là chúng tôi đã bước sang cái đêm 12 tháng tư.
- Vào lúc đó chúng tôi có cả thảy tám người sống tại nhà: Lucy, Edith, Ogden và tôi và lão Henderson - anh còn nhớ lão chứ Part? Lão giữ cổng, làm vườn, tóm lại là một người lao động phổ thông - bà Henderson, cô Corbett, y tá, và Margaret, chị bồi phòng. Như tôi đã nói với anh, Lucy, Edith và tôi đã đi dự một buổi dạ vũ hóa trang. Thật ra, vào buổi tối hôm đó, phải nói là hầu hết mọi người đều vắng nhà. Bà Henderson xin nghỉ một tuần để đi dự lễ rửa tội (bà rất thích được làm mẹ đỡ đầu). Ngày 12 nhằm vào thứ tư, ngày nghỉ trong tuần của cô Corbett. Margaret thì có một cái hẹn với người tình mà cô mê mệt, vì thế Lucy đã thông cảm cho phép cô vắng nhà. Ogden lên phố để dự một buổi tiếp lần nào đó. Ở nhà chỉ còn lão Henderson và bác tôi.
Điều đã làm cho Edith lo ngại bởi theo nàng, với một con bệnh thì chỉ có phụ nữ mới có thể chăm sóc chu đáo. Chính vì thế mà nàng tỏ ý muốn ở lại nhà, nhưng khi nghe bác Miles khước từ. Mặt khác, tối hôm đó bà Henderson đã trở về trên chuyến tàu ghé ga Crispen vào lúc 21 giờ 25 và đây cũng là một mối lo nữa cho Edith, bởi vì Henderson sẽ lái chiếc Ford đi đón vợ ông, và trong khoảng chục phút đó, bác tôi sẽ ở lại một mình trong ngôi nhà. Cuối cùng, thấy rầy rà, Ogden nói rằng cậu sẽ ở lại chờ cho đến khi bà Henderson về rồi sẽ đi sau. Và thế là không ai tranh cãi gì nữa.
- Hôm đó, Margaret và cô Corbett ra đi sớm nhất. Trước khi đi, cô y tá này có ghi lại những lời căn dặn gởi lại bà Henderson, trong trường hợp cần thiết. Vào tám giờ, Lucy, Edith, Ogden và tôi ăn uống sơ qua. Bác Miles cho biết là chẳng muốn ăn gì nhưng thuận uống một ly sữa nóng mà Lucy đã dùng khay mang lên sau buổi tối, trong khi chúng tôi thay quần áo. Tôi nhớ rõ chi tiết này bởi vì Edith đã gặp nàng ở thềm cầu thang và đã nói với nàng: Đồ đạc ở trong nhà của chị mà chị cũng chẳng biết chúng ở đâu nữa! Chị pha nhầm sữa nước rồi! Nhưng cả hai người đã nếm thử và thấy không sao cả.
Stevens hình dung ra cái cảnh đó. Lucy tươi mát và tinh nghịch, Edith thì vẫn còn đẹp dáng nhưng đã chững chạc rồi. Chàng như thấy họ đang tranh luận về một ly sữa (không chút gay gắt, bởi những người sống tại Despard Park không hề xích mích nhau) trong khi anh chàng Ogden, hai tay thọc vào túi quần, khôi hài nhìn họ. Ogden không có cái trưởng thành, đứng đắn của Mark, nhưng dẫu sao đó là một thanh niên tốt. Điều ám ảnh của Stevens là câu hỏi sau: tôi có biết chắc tối hôm đó tôi và Marie đã ở đâu? Chàng biết câu trả lời chứ, nhưng nó không làm chàng hài lòng. Marie và chàng đã hiện diện trong ngôi nhà nghỉ ở Crispen này, một chuyện rất hiếm khi xảy ra vào những ngày giữa tuần. Nhưng Stevens phải đến Stranton để thảo luận về quyền tác giả với tạp chí Rittenhuose. Vì thế, Marie và chàng ghé lại ngôi nhà miền quê này để sáng sớm hôm sau họ lên đường đi New York. Hai ngày sau đó, họ mới hay tin bác Miles qua đời. Stevens vẫn còn nhớ rằng hôm đó chẳng ai ghé lại nhà họ. Buổi tối thật êm ả, và họ đi ngủ sớm...
Stevens sực tỉnh, Mark vẫn tiếp tục nói:
... Vậy, tôi xin nhắc lại, chất lượng của sữa vẫn còn tốt. Lucy gõ cửa phòng bác Miles và nàng định đặt cái khay trên chiếc bàn nhỏ, nhưng ngay lúc đó bác mở cửa và nhận cái khay từ tay nàng. Trông bác khá hơn nhiều và đặc biệt, không hề có vẻ phiền muộn như mọi lần. Tối hôm đó, bác mặc một chiếc áo ngủ màu xanh may theo lối xưa với cổ áo trắng và bác quấn khăn lụa quanh cổ.
Edith có nói với bác: Bác chắc không cần đến tụi cháu? Bác nhớ cô Corbett đã nghỉ rồi và nếu bác gọi chuông thì chẳng ai nghe bác đâu. Nếu lỡ bác có cần gì thì lấy ai mà sai bảo... Cháu sợ rằng không thể xoay trở một mình được và tốt hơn cháu thấy nên viết một mảnh giấy, dặn bà Henderson ngồi đây, trong hành lang này...
Bác Miles đã ngăn nàng. Ông nói: Cho đến hai, ba giờ sáng à? Con không hiểu được đâu. Không, con cứ an tâm đi đi, bây giờ bác khá rồi.
- Vào lúc này, Joachim - chú mèo của Edith - đang rình rập nơi bực thang để lẻn vào phòng bác. Ông rất thương chú mèo này và bảo sự hiện diện của Joachim cũng đủ cho ông lắm rồi. Đến đó, ông chúc chúng tôi một buổi tối vui vẻ và đóng của phòng lại. Rồi chúng tôi đi thay dồ.
Stevens nêu lên một câu hỏi, hoàn toàn thiếu hợp lý:
- Như anh đã nói, Lucy đã tham dự dạ vũ hóa trang thành bà de Montespan?
- Vâng... chính thức là như thế, Mark trả lời và, vì một lý do nào đó, anh ta bị thu hút bởi câu hỏi này và nhìn chăm chăm vào Stevens. Edith - tôi không hiểu đã nghĩ thế nào - chỉ muốn xem đó là bà de Montespan thôi... có thể nàng thấy như thế là thuận tiện. Nhưng trong thực tế, chiếc áo của Lucy (do nàng tự cắt may) hoàn toàn mô phỏng theo một bức chân dung toàn thân treo ở hành lang tranh của gia đình. Tranh vẽ một người phụ nữ cùng thời với bà de Montespan, nhưng lý lịch của người này vẫn còn mơ hồ vì hầu hết khuôn mặt và một phần vai của bà đã bị hư hại vì một loại a xít, từ lâu năm rồi. Tôi còn nhớ có nghe ông nội tôi nói là người ta đã có phục chế lại bức tranh, nhưng không tài nào. Dẫu sao đó cũng là một tác phẩm do chính Kneller vẽ và vì thế, người ta vẫn giữ bức tranh hư hỏng này. Có thể đây là chân dung của nữ hầu tước tên là de Brinvilliers gì đó... Sao thế, Ted? Mark hỏi với vẻ e ngại.
- Cần ăn cơm tối thế thôi, Stevens bình thản trả lời. Tiếp đi... Có phải anh muốn nói đến một bà-chúa-thuốc-độc người Pháp nổi tiếng vào thế kỷ XIII? Làm thế nào mà anh có bức chân dung của bà ta?
Partington làu bàu điều gì đó và lần này ông không ngần ngại tự rót cho mình một ly uýtxki khác. Ông nói:
- Nếu tôi nhớ không lầm thì bà này có quan hệ thân thiết với một trong những tổ phụ của anh?
- Vâng, Mark đáp, vẻ mất kiên nhẫn. Cái tên của chúng tôi đã bị Anh quốc hóa. Trước đây nó có nguồn gốc ở Pháp và được viết là Desprex. Nhưng thây kệ bà hầu tước. Tôi chỉ nói đơn giản là Lucy đã bắt chước chiếc áo của bà ấy và nàng đã cắt may trong ba hôm.
Chúng tôi rời khỏi nhà vào khoảng chín giờ rưỡi. Edith hóa trang thành Florence Nightingale và tôi, một nhân vật quyền quí, có đeo cả thanh gươm ở bên hông nữa. Chúng tôi lên xe trong khi Ogden đứng dưới cổng vòm, không ngớt lời bình phẩm tếu. Khi xe chúng tôi bọc quanh lối đi, chúng tôi gặp chiếc Ford trở về từ nhà ga, cùng với bà Henderson ở bên trong
Dạ vũ không mấy thành công, kém vui nhộn. Tôi chẳng thích thú gì và hầu như ngồi suốt buổi tại bàn, trong khi Lucy khiêu vũ. Khoảng sau hai giờ sáng, chúng tôi ra về. Một đêm trăng thật đẹp. Edith làm rách chiếc váy lót hay một chuyện gì đó và nàng có vẻ hơi rầu rĩ, nhưng Lucy lại hát nho nhỏ trong suốt đường về. Khi tôi lái ô tô vào nhà xe, tôi trông thấy chiếc Ford, nhưng chiếc Buick của Ogden vẫn chưa về. Tôi trao chìa khóa nhà cho Lucy và nàng bước lên trước Edith để mở cửa. Phần tôi, dừng lại một lúc để hít thở không khí ban đêm, vì tôi rất thích Despard Park. Thế rồi, có tiếng Edith gọi tôi từ dưới cổng vòm, và tôi theo họ vào hành lang. Lucy, đặt tay lên nút ngắt điện, ngước mắt nhìn trần nhà với vẻ sợ hãi: “Em vừa nghe một tiếng động khủng khiếp”...
Hành lang đã quá xưa cũ và thỉnh thoảng lớp ván gỗ bọc tường phát ra tiếng răng rắc nhưng lần này, đó là chuyện khác. Tôi vội vàng leo lên cầu thang và thấy khoang cầu thang của lầu một hoàn toàn chìm trong bóng tối. Tôi cảm thấy khó chịu, linh cảm có một sự hiện diện xấu xa...
Tôi tìm nút điện và bỗng nghe có tiếng chìa khóa xoay trong ổ. Cánh cửa phòng bác Miles hé mở. Ánh sáng yếu ớt từ trong căn phòng hắt lên phần nào trên người bác tạo thành cái bóng đen. Ông đang đứng gập người, một tay áp lên dạ dày, bàn tay kia víu lấy thành cửa. Tôi thấy những đường gân ở trên vầng trán của ông căng phồng, cuối cùng ông gượng ngẩng đầu lên và làn da trên mặt ông cho tôi có cảm tưởng đó là một lớp giấy thấm dầu được căng trên sống mũi. Đôi mắt ông mở lớn gấp đôi ngày thường và mồ hôi ướt dầm vầng trán. Ông thở khò khè, khó nhọc. Tôi nghĩ rằng ông đã trông thấy tôi, nhưng khi ông nói, tưởng chừng như không nói cho riêng ai:
- Tôi không thể chịu đựng thế này lâu hơn nữa, ông rên rỉ, tôi khổ đau nhiều rồi! Tôi nhắc lại là tôi không thể chịu đựng được nữa.
Và Miles đã nói câu đó bằng tiếng Pháp.
Tôi chạy đến bên ông và giữ ông ta khỏi ngã xuống đất, vì một lý do nào đó mà tôi không thể biết, ông đã vùng vẫy, nhưng rồi tôi cũng đưa được ông lên giường. Ông muốn tách rời tôi ra khỏi một hình bóng khác, như thể khuôn mặt tôi quá mơ hồ trước mắt ông. Ngay lúc đó, ông nói bằng giọng của một đứa trẻ sợ hãi: Ồ! cả cháu nữa à? và tôi cảm thấy xót xa vì giọng nói quá ư khổ đau của ông. Rồi ông hồi tỉnh dần và có thể nhận ra được khuôn mặt của tôi qua ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn ngủ. Ông đã hết sợ và một sự biến đổi toàn diện trong con người ông. Ông lẩm bẩm điều gì, lần này bằng tiếng Anh, liên quan đến những vỉ thuốc trong phòng tắm, sẽ làm ông dịu đi, và nhờ tôi đi lấy, bởi ông không còn sức để đến đó.
Đây là những vỉ thuốc mà chúng tôi đã cho ông uống trong khi lên cơn lần trước. Lucy và Edith đứng trước ngưỡng cửa, mặt tái xanh. Nghe bác Miles nói thế, Lucy vội chạy kiếm thuốc ngủ. Tất cả chúng tôi đều ý thức rằng ông ta đang hấp hối nhưng không hề nghĩ đến một cuộc đầu độc, bởi chúng tôi nghĩ rằng đây là cơn quằn quại cuối cùng của chứng viêm dạ dày ruột. Tôi bảo Edith gọi điện thoại cho bác sĩ Barker và nàng đi ngay. Điều làm tôi quan tâm là cái vẻ khủng khiếp trên khuôn mặt của bác tôi. Tôi tự hỏi không biết bác đã thấy gì hay tưởng thấy điều gì khủng khiếp đến thế...
Với ý nghĩ mơ hồ là làm sao để ông quên đi nỗi đau, tôi hỏi:
- Bác bị như thế từ bao lâu rồi?
- Ba giờ, ông trả lời, mắt vẫn nhắm. Ông nằm nghiêng và giọng ông bị ém lại bởi chiếc gối.
- Nhưng, sao bác không gọi, bác có đi ra cửa không?
- Bác không tìm cách, ông nói với chiếc gối. Bác biết rằng sớm muộn gì điều đó cũng đến và bác không thích sống trong sự chờ đợi này nữa, nhưng bác không tài nào chịu đựng nổi điều đó... ông choàng tỉnh và nhìn tôi như nhìn từ một đáy mồ. Còn một vài dấu vết kinh sợ trên khuôn mặt của ông và tiếng thở vẫn khò khè: Mark, bác sắp đi đây... và vì tôi phản đối một cách nhạt nhẽo: Cháu đừng nói nữa, hãy nghe bác... Mark, bác muốn được chôn trong một quan tài bằng gỗ. Cháu nghe không: một quan tài bằng gỗ. Bác muốn cháu hứa với bác điều đó...
Ông ta tuyệt vọng nài nỉ điều này, níu lấy áo của tôi, không còn để ý đến Lucy đang mang đến thuốc ngủ và ly nước, ông không ngừng nhắc đi nhắc lại: Một quan tài bằng gỗ, bằng gỗ. Ông uống thuốc rất khó khăn vì đã ói mửa quá nhiều, nhưng cuối cùng ông đã nuốt xong, ông thều thào rên lạnh và yêu cầu một tấm chăn. Có một tấm được xếp lại, ở chân giường. Không một lời, Lucy cầm lấy và phủ lên người ông.
Tôi nhìn quanh định kiếm một cái gì đó để đắp thêm cho ông. Căn phòng này có một chiếc tủ lớn ẩn vào trong tường, nơi bác sắp xếp rất nhiều áo quần. Cánh cửa tủ hé mở và tôi nghĩ hẳn phải có một số mền ở ngăn trên. Chẳng có cái nào, nhưng tôi phát hiện một thứ khác.
Ở ngăn dưới cùng của tủ, ngay trước hàng giày quá nhiều được sắp xếp cẩn thận, là chiếc khay mà lúc tối mà người ta đã mang lên cho ông. Ly sữa đã cạn, nhưng còn có một vật khác mà trước đây người ta đã không mang nó theo khay. Đó là một cái tách lớn bằng bạc chạm trổ những khối u kỳ cục, nhưng theo tôi nhận xét thì chẳng mấy giá trị. Thường thì cái tách này vẫn ở trong tủ bát dĩa dưới nhà. Tôi chẳng hiểu anh có để ý đến không, Edward? Tóm lại, dưới đáy tách chỉ còn lại lớp sữa nhờn nhợt và cạnh đó là Joachim, chú mèo của Edith. Tôi sờ nó và biết rằng nó đã chết.
Và như thế tôi đã hiểu.
Căn Phòng Rực Lửa Căn Phòng Rực Lửa - John Dickson Carr Căn Phòng Rực Lửa