Số lần đọc/download: 1946 / 89
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:17 +0700
II: Để Ước Mơ Lớn Lên
C
ơ sở của công ty xuất khẩu Au Revoir mang vẻ ngoài và hơi hám không khác gì một căn nhà kho, mặt sàn chất đầy những kiện vải bó chặt trong bao gai. Mùi hóa chất của vải mới xông lên nồng gắt. Những mẩu ni lông, giấy, dây thừng và vật liệu bao gói vương vãi khắp sàn nhà đầy bụi bặm. Dina thấy bà giám đốc ngồi ở một chiếc bàn khuất sau chiếc giá kim loại.
“Xin chào cô Dalal, bạn của Zenobia! Cô khỏe không?” Bà Gupta lên tiếng.
Hai người bắt tay. Dina thông báo rằng mình đã tìm được hai thợ may lành nghề và đã sẵn sàng nhận việc.
“Tuyệt, quá tuyệt!” Bà Gupta kêu lên, song rõ ràng thái độ hồ hởi của bà không đơn thuần xuất phát từ tuyên bố của Dina. Lý do thực chẳng mấy chốc đã lộ diện: chiều nay bà ta lại có một cái hẹn mới ở Thẩm mĩ viện Venus. Những lọn tóc vô kỉ luật đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa trong suốt tuần vừa qua sẽ được thuần hóa và đưa về quy củ.
Chỉ riêng sự kiện này cũng đủ để đảm bảo tâm trạng vui vẻ của bà Gupta, nhưng hẵng còn những tin tức tốt lành khác; vài điều khó chịu lặt vặt trong cuộc sống của bà cũng đang bị tiệt trừ – tuyên bố của thủ tướng về Tình trạng khẩn cấp nội địa phát ra ngày hôm qua đã tống gần hết các phần tử đối đầu trong quốc hội, cùng hàng ngàn đoàn viên công đoàn, sinh viên và nhà công tác xã hội vào tù. “Tin tốt quá phải không?” Khuôn mặt bà rạng ngời sung sướng.
Dina gật đầu, vẻ ngập ngừng. “Tôi tưởng tòa án đã tuyên bà ấy gian lận trong cuộc bầu cử?”
“Bậy, bậy, bậy!” Bà Gupta kêu lên. “Vớ vẩn cả, rồi sẽ có kháng cáo cho mà xem. Những kẻ gây rối từng vu khống bà ấy giờ đã bị tống giam sạch rồi. Thế là hết biểu tình rồi tuần hành cùng những trò phá bĩnh ngu ngốc khác.” “Ô, tốt quá,” Dina sốt sắng họa theo.
Bà giám đốc mở cuốn sổ đặt hàng và chọn một mẫu may cho đơn hàng đầu tiên. “Ba mươi sáu chiếc váy này sẽ là bài kiểm tra cho cô. Bài kiểm tra về mức độ khéo léo, chính xác, và vững tay. Nếu hai anh thợ may của cô làm được việc, tôi sẽ giao thêm đơn hàng cho cô. Những đơn hàng lớn hơn nhiều,” bà ta hứa. “Tôi cũng nói rồi đấy, tôi thích làm việc với các xưởng gia công tư nhân hơn. Lũ lười nhác bên công đoàn chỉ muốn làm ít ăn nhiều. Biếng nhác–đất nước này chết vì cái thói ấy đấy. Thế mà có mấy lão lãnh đạo ngu xuẩn còn cổ xúy cho chúng nữa, dám xui cảnh sát và quân đội bất tuân những mệnh lệnh bất hợp pháp. Cô nói tôi nghe xem, luật thì làm sao mà bất hợp pháp được? Rõ ngớ ngẩn đến lố bịch. Bọn chúng có phải ngồi tù cũng đáng kiếp lắm.”
“Phải, đáng đời lắm,” Dina hùa theo, song đầu còn mải nghĩ đến thiết kế của chiếc váy. Cô ước sao bà giám đốc tập trung vào công việc thay vì huyên thuyên chuyện chính trị. “Ô, chị Gupta này, gấu của chiếc váy mẫu rộng tới bảy phân rưỡi, trong khi theo mẫu trên giấy thì chỉ là năm phân thôi.”
Sự chênh lệch đó quá vặt vãnh để bà Gupta phải lưu tâm. Bà gật đầu và nhún vai, khiến chiếc sari trượt khỏi vai. Một bàn tay phóng nhanh tới, kịp ngăn chặn đà rơi. “Cảm ơn trời, thủ tướng đã có những hành động cứng rắn, đúng như bà ấy từng phát biểu trên đài. May mà chúng ta có một người thật mạnh mẽ giữa thời điểm nguy ngập như hiện nay.”
Bà gạt đi những thắc mắc tiếp theo. “Tôi tin tưởng ở cô, cô Dalal ạ, cứ làm đúng như mẫu tôi giao. Nhưng cô đã nhìn thấy mấy tấm áp phích mới treo hôm nay chưa? Chỗ nào cũng có.”
Dina chưa thấy; cô rất muốn đo số vải được phân cho ba mươi sáu chiếc váy, để xem có thiếu hụt gì chăng. Nhưng nghĩ lại thì, thôi, cô quyết định, làm thế sẽ khiến bà giám đốc phật lòng.
“‘Thứ cần nhất lúc này là kỉ cương’ – thông điệp của thủ tướng ghi trên áp phích đấy. Tôi nghĩ bà ấy nói hoàn toàn chính xác.” Bà Gupta ghé sát lại và thì thầm nho nhỏ, “Đem dán mấy tấm áp phích ấy ngoài cửa công ty Au Revoir cũng không phải ý kiến tồi đâu. Cô xem hai thằng khốn đứng trong góc kia kìa. Ở đấy mà tán dóc, chả chịu xếp hàng lên giá gì cả.”
Dina ậm ừ vẻ thông cảm và lắc đầu. “Một tuần nữa tôi mang hàng lại được không?”
“Được lắm. Chúc cô may mắn. Nhớ đấy, phải rắn với bọn thợ may vào, kẻo họ sẽ ngồi lên đầu cô đấy.”
Dina định vần mấy súc vải lên thì bị ngăn lại. Ngón tay bà giám đốc búng hai tiếng, gọi một người đàn ông bước vào chuyển số vải lên xe nâng.
“Chiều nay tôi sẽ chuyển lời chào của cô cho Zenobia. Chúc tôi may mắn đi,” bà Gupta cười hinh hích. “Mái tóc khốn khổ của tôi lại sắp phải lên thớt rồi.”
“Vâng, tất nhiên rồi, chúc chị may mắn.”
Dina mang mấy súc vải về nhà và dọn chỗ cho hai người thợ may ở căn phòng trong. Phải đến tháng sau cậu bé ở trọ mới chuyển tới; như vậy cô sẽ có thời gian để làm quen với từng chuyện một. Cô xem xét các mẫu may giấy và kiểm tra lô tem mác: Chantal Boutique, New York. Đang lúc hứng khởi, cô quyết định bắt tay vào cắt vải luôn để chuẩn bị sẵn cho thứ Hai. Cô băn khoăn nghĩ đến Tình trạng khẩn cấp. Nếu bạo động nổ ra, có thể hai người thợ may sẽ không đến được. Cô còn chẳng biết họ sống ở đâu. Nếu lô hàng thử này không được giao đúng hẹn, ấn tượng để lại sẽ rất xấu.
Hai người thợ may có mặt vào đúng tám giờ sáng thứ Hai, đi bằng tắc xi, cùng hai chiếc máy may. “Mua trả góp đấy,” Ishvar vừa nói vừa kiêu hãnh vỗ vỗ lên chiếc máy hiệu Singer. “Sau ba năm nữa, khi đã thanh toán xong, chúng sẽ là của chúng tôi.”
Có lẽ toàn bộ vốn liếng của hai người thợ may đã đổ vào đợt trả góp đầu tiên, bởi cô phải chi tiền cho người tài xế tắc xi. Ishvar bèn bảo: “Xin cô cứ trừ vào tiền công tuần này của chúng tôi.”
Hai chiếc máy được chuyển vào căn phòng phía trong. Họ lắp dây dẫn động, chỉnh độ căng, đặt ống chỉ và nhấp vài lượt lên vải vụn để thử đường may. Mười lăm phút sau, họ đã sẵn sàng làm việc.
Và họ may. Như thiên thần vậy, Dina nghĩ thầm. Bàn đạp của hai chiếc Singer đưa lạch xạch, bánh đà kêu rù rù khi mũi kim nhảy múa theo từng đường may mảnh, gọn trên mặt vải, những súc vải được dỡ ra dần biến thành tay áo, cổ áo, ngực áo, lưng áo, li áo, và chân váy.
Mình là đốc công, cô không ngừng tự nhắc nhở mình, mình không được nhúng tay vào việc. Cô đi đi lại lại, kiểm tra những sản phẩm đã hoàn thành, động viên, khuyên nhủ. Cô săm soi hai người thợ đang còng lưng trước máy may, chân mày nhíu lại. Những cái móng dài hàng mấy phân trên ngón tay gầy guộc của họ khiến cô tò mò; họ dùng chúng để gấp đường may và xếp li. Cái má méo mó của Ishvar nom ghê thật, cô nghĩ thầm, không hiểu đã có chuyện gì nhỉ? Trông ông ta không giống kiểu người dính líu vào mấy vụ đâm chém. Nụ cười cùng bộ ria luôm nhuôm trông tức cười của ông dường như khiến vết thương nom dịu đi. Cô đưa mắt nhìn sang anh chàng Omprakash lầm lì. Cái hình hài xương xẩu, nhọn hoắt và góc cạnh, trông như một thứ thiết bị cơ khí gắn thêm vào chiếc máy may.
Mong manh như một mẩu pha lê mài vậy, cô thoáng nghĩ với chút lòng trắc ẩn. Lại còn mái tóc bóng dầu của cậu ta– cô hi vọng cậu sẽ không làm bẩn vải.
Giờ ăn trưa dần trôi qua, họ vẫn tiếp tục làm việc, chỉ dừng lại để xin một ly nước. “Cảm ơn cô,” Ishvar nói, đoạn tu một hơi cạn sạch. “Nước mát quá.”
“Các anh không ăn trưa sao?”
Ông ta hăng hái lắc đầu, làm như câu hỏi kia là thậm phi lý không bằng. “Một bữa buổi tối là đủ rồi. Ăn thêm chỉ tổ phí thời giờ và cơm nước.” Im lặng một lát, ông ta hỏi: “Cô Dina này, vụ Tình trạng khẩn cấp chúng ta vẫn được nghe là cái gì vậy?”
“Chuyện của chính phủ ấy mà, trò của mấy ông bà lãnh đạo thôi. Chả ảnh hưởng gì đến dân thường chúng ta đâu.” “Tôi cũng bảo thế mà,” Omprakash lầu bầu. “Bác tôi toàn lo vớ lo vẩn.”
Họ lại chú mục vào chiếc máy Singer, còn Dina thầm nghĩ khoán việc quả là một ý tưởng tuyệt vời. Cô tráng cốc và úp riêng một chỗ. Từ nay trở đi đó sẽ là cốc cho thợ.
Trời ngả dần về chiều, ngồi trước máy, Ishvar càng lúc càng tỏ vẻ bất an. Cô để ý thấy ông ta còng lưng xuống, hai chân khép chặt lại, trông như đang bị đau bụng. Hai bàn chân đặt trên bàn đạp cũng ngập ngừng dần.
“Có chuyện gì vậy?” Cô hỏi.
“Không có gì, không có gì,” ông ta cười ngượng nghịu.
Cháu ông kịp nhảy vào giải cứu, một ngón tay gầy guộc giơ lên: “Bác ấy cần đi tiểu.”
“Sao anh không nói sớm?”
“Tôi ngại quá, không dám hỏi,” Ishvar bẽn lẽn đáp.
Cô bèn chỉ cho ông ta nhà vệ sinh. Cửa đóng lại, cô nghe tiếng dòng nước dội vào bồn cầu. Âm thanh trồi sụt giật cục theo nỗi e dè của một cái bàng quang đã ứ đầy nước.
Omprakash nối gót ngay khi Ishvar quay lại. “Cần xả nước hỏng rồi,” Dina gọi với theo. “Cậu lấy nước trong xô mà dội.”
Mùi khai xông lên khắp nhà vệ sinh khiến cô hơi khó chịu. Sống một mình lâu, mình đâm ra khó tính quá rồi, cô nghĩ bụng. Ăn uống khác, thói quen khác–tất nhiên nước giải của họ sẽ có mùi lạ.
Đống váy may xong chất cao dần mà Dina chẳng phải động một ngón tay ngoại trừ việc mở cửa mỗi sáng. Ishvar thường dành cho cô một câu chào hoặc một nụ cười, còn thân hình khẳng khiu của Omprakash chỉ câm lặng lướt qua. Đậu vắt vẻo lên ghế hệt như một con cú con cáu kỉnh vậy, cô nghĩ thầm.
Ba tá váy được may xong trước ngày hẹn. Bà Gupta hài lòng lắm. Bà giao một đơn hàng mới, lần này là sáu tá quần áo. Và yên vị trong ví Dina là món tiền công trả cho lô hàng đầu tiên. Cô cảm thấy nó chẳng khác nào tiền từ trên trời rơi xuống, trong lòng hơi gợn chút cảm giác tội lỗi. Thật quá dễ thở nếu so với ngày xưa, khi tay và mắt ngày đêm bị giày vò vì may vá thêu thùa.
Với hai người thợ may, niềm vui được công ty xuất khẩu chấp nhận thật không bút nào tả xiết. “Nếu lô đầu tiên đã xuôi chèo mát mái, thì những lô về sau sẽ không có vấn đề gì đâu,” Ishvar hăm hở tuyên bố bằng giọng chắc nịch chưa từng thấy, trong khi cô đếm tiền trả cho hai bác cháu.
“Phải,” Dina nhắc, “nhưng họ sẽ liên tục kiểm tra chất lượng, nên ta không thể lơ là được. Và phải trả hàng đúng hẹn nữa.”
“Cô đừng lo,” Ishvar đáp. “Lúc nào cũng sẽ là chất lượng số một, đúng hẹn.” Và Dina đinh ninh những ngày khổ sở, vất vả của mình đã khép lại.
Hai người thợ may bắt đầu nghỉ trưa đều đặn để ăn. Dina luận ra rằng công thức một-bữa-mỗi-ngày mà Ishvar vừa tuyên bố tuần trước là do túi tiền eo hẹp, chứ chẳng phải bởi nếp sống kham khổ hay một thứ đạo đức làm việc nghiêm khắc nào hết. Nhưng cô rất vui vì doanh nghiệp của mình càng lúc càng ăn nên làm ra.
Đúng một giờ trưa, Omprakash tuyên bố: “Cháu đói rồi, ta đi thôi.” Hai bác cháu bèn bỏ mấy chiếc váy sang một bên, cất cây kéo thợ may quý báu của mình vào ngăn kéo, và ra ngoài.
Họ ăn ở Hotel đồ chay Vishram chỗ góc phố. Ở Vishram, chả có gì gọi là bí mật hết–tất cả đều được bày ra giữa thanh thiên bạch nhật: một người thái rau củ, một người khác xào xáo chúng trong chiếc chảo đít đen kịt to tướng, một thằng bé lo rửa ráy bát đĩa. Trong cái tiệm ăn bé tí có độc một bàn, nên Ishvar và Omprakash chẳng chờ có chỗ trống mà đứng ăn luôn giữa đám đông ở ngoài cửa. Rồi họ vội vã trở lại làm việc, rảo bước qua mặt người ăn mày cụt chân đang lăn qua lăn lại trên chiếc bệ, trong tiếng rên kẽo kẹt của mấy cái bánh xe han gỉ.
Chẳng bao lâu sau, Dina bắt đầu nhận thấy tốc độ may vá đã không còn nhanh chóng mặt như xưa nữa. Những giờ nghỉ càng lúc càng dày lên, thường hai bác cháu ra ngoài cửa đứng và hút thuốc lá. Y như rằng, cô nghĩ, có tí tiền vào là họ ngãng ra ngay.
Cô nhớ lại lời khuyên của Zenobia và bà Gupta: phải rắn vào. Cô bèn nhắc nhở, bằng một giọng mà cô cho là nghiêm khắc lắm, rằng công việc đang chậm tiến độ.
“Ấy ấy, đừng lo,” Ishvar nói. “Mọi việc sẽ hoàn thành đúng hạn. Nhưng nếu cô muốn, để tiết kiệm thời gian, chúng tôi có thể hút thuốc trong lúc may.”
Dina ghét mùi thuốc; vả lại, chỉ một tàn lửa rơi xuống cũng có thể làm thủng vải. “Dù ở đâu các anh cũng không nên hút thuốc,” cô nói. “Trong nhà hay ngoài đường cũng vậy. Ung thư sẽ xơi tái lá phổi của các anh đấy.”
“Sao chúng tôi phải lo bị ung thư?” Omprakash lên tiếng. “Cái thành phố đắt đỏ này chả ăn sống nuốt tươi chúng tôi trước ấy chứ, chắc chắn thế.”
“Gì kia? Cuối cùng tôi cũng được nghe vài lời từ miệng cậu thật à?”
Ishvar cười khùng khục. “Tôi đã bảo cô là nó chỉ lên tiếng khi có chuyện không vừa ý thôi mà.”
“Mà sao phải lo chuyện tiền nong,” cô nói. “Cứ làm việc chăm chỉ vào, rồi các anh sẽ kiếm được hàng đống tiền.”
“Với cung cách cô trả công chúng tôi thì hẵng còn lâu,” Omprakash lầm bầm rất nhỏ.
“Sao chứ?”
“Không có gì, không có gì đâu,” Ishvar vội chêm vào. “Nó đang nói chuyện với tôi ấy mà. Nó bị đau đầu.”
Cô bèn hỏi cậu ta có muốn uống một viên Aspro cho đỡ đau không. Omprakash từ chối, nhưng kể từ hôm đó, tiếng nói của cậu bắt đầu cất lên càng ngày càng thường xuyên hơn.
“Cô đi lấy hàng có xa không?” Cậu ta hỏi.
“Cũng chẳng xa,” Dina đáp. “Mất khoảng một tiếng.” Cô thấy mừng vì cậu đang cố làm thân, cố tỏ ra gần gũi.
“Nếu cô cần giúp chuyển đồ đến đó, cứ bảo bác cháu tôi một tiếng.”
Cậu ta thật tử tế, cô thầm nghĩ.
“Thế tên của công ty chỗ cô đến là gì?”
Đang cao hứng vì thái độ im lìm cau có của cậu không còn nữa, suýt nữa cô đã buột mồm nói ra tên công ty, nhưng rồi kịp vờ như không nghe thấy gì cả. Cậu ta bèn nhắc lại câu hỏi.
“Để ý đến tên tuổi thì ích gì,” cô nói. “Tôi chỉ nghĩ đến công việc thôi.”
“Phải lắm,” Ishvar đồng tình. “Đó cũng là điều bác cháu tôi quan tâm.”
Cháu ông khoặm mặt lại. Một lúc sau, cậu ta lại hỏi: Chỉ có một công ty hay có mấy công ty khác nhau? Cô được trả hoa hồng, hay một mức giá cố định cho mỗi đơn hàng?
Ishvar ngượng ra mặt. “Nói ít thôi, Omprakash, tập trung may đi.”
Giờ Dina lại ước có cậu cháu ít nói như xưa. Cô biết cậu đang toan tính chuyện gì, và từ ngày hôm đó, cô luôn tìm mọi cách sao cho số vải lấy từ Công ty xuất khẩu Au Revoir không mang một dấu vết gì về xuất xứ của nó. Các hóa đơn được cất trong tủ khóa kĩ. Những vết rạn nứt bắt đầu xuất hiện trên niềm lạc quan của cô khi nó phải cố bắt kịp với hai người thợ may. Cô biết con đường mình đi đã trở nên gập ghềnh.
Hai người thợ may ở cách đây rất xa, cũng may mà có tàu hỏa. Thế nhưng, giờ cứ mỗi lần họ đến muộn, Dina lại lo, hẳn cô đã bị họ bỏ rơi vì một công việc tốt tiền hơn. Và bởi cô không thể để họ phát hiện ra nỗi lo sợ của mình, cô luôn che giấu cảm giác nhẹ nhõm trước sự xuất hiện của hai bác cháu bằng thái độ không bằng lòng.
Một ngày trước hạn giao hàng, phải tới mười giờ sáng họ mới tới. “Có một vụ tai nạn, nên tàu bị hoãn chuyến,” Ishvar phân bua. “Lại một người đáng thương nữa chết trên đường ray.”
“Chuyện này xảy ra như cơm bữa vậy,” Omprakash nói.
Hơi từ cái dạ dày rỗng tuếch phả ra từ mồm hai người, như một cái kén bọc lời nói chẳng thơm tho gì cho cam. Cô không có hứng nghe họ phân bua. Bác cháu họ ngồi xuống trước máy may sớm chừng nào hay chừng ấy.
Nhưng sự im lặng từ phía cô có thể bị hiểu nhầm là yếu thế, vì vậy cô bèn lạnh lùng nói: “Chính phủ nói, trong điều kiện Tình trạng khẩn cấp, tàu hỏa sẽ luôn chạy đúng giờ. Còn tàu của bác cháu anh lúc nào cũng chậm chuyến, kể cũng lạ thật đấy!”
“Nếu chính phủ mà biết giữ lời, thì chắc thần thánh cũng phải giáng trần mà quàng vòng hoa lên cổ các vị ấy,” Ishvar vừa nói vừa cười khà khà, đầu gật gù ra chiều xuê xoa.
Cử chỉ dàn hòa ấy khiến cô hài lòng. Cô tủm tỉm cười, Ishvar nhẹ cả người. Ông chỉ biết một điều, là có ngu mới vứt bỏ một nguồn thu nhập ổn định–ông và Omprakash phải may mắn lắm mới được làm việc cho Dina Dalal.
Họ lôi hai chiếc ghế gỗ ra, lắp ống chỉ mới và bắt đầu may, trong khi ngoài trời mưa sầm sầm kéo tới. Bóng đen u ám của những cụm mây xám dần xâm lăng căn phòng mé trong nhà. Omprakash bóng gió than phiền rằng có mỗi chiếc bóng đèn bốn mươi oát thì tối quá.
“Nếu tôi dùng quá số điện hàng tháng, người ta sẽ cắt công tơ ngay,” cô nói. “Lúc đấy thì cả nhà sẽ tối đen như mực.”
Ishvar hiến kế khiêng hai chiếc máy Singer ra phòng ngoài, ở đó sáng hơn.
“Không được đâu. Đứng ở ngoài đường, người ta sẽ nhìn thấy máy ngay, lúc ấy lão chủ nhà lại tha hồ hoạnh họe.
Mở xưởng trong căn hộ là phạm pháp, dù chỉ có hai chiếc máy may cũng không được. Lão ta đã hành tôi vì đủ những chuyện khác rồi.”
Chuyện này thì hai người thợ may rất hiểu. Họ cũng đã quá biết mấy lão chủ nhà cùng những trò sách nhiễu của chúng. Suốt cả buổi sáng hôm ấy họ cắm cúi làm việc với cái bụng sôi réo, mong sao cho chóng đến lúc nghỉ trưa. Từ lúc mở mắt tới giờ, họ chưa có gì bỏ bụng.
“Hôm nay cháu phải uống cốc đúp trà mới được,” Omprakash nói. “Với thêm một miếng bánh bơ để nhúng nữa.”
“Tập trung vào,” Ishvar mắng. “Kẻo trà cốc đúp đâu chưa thấy, chỉ thấy ngón tay bị xẻ làm đôi thôi.” Cả hai bác cháu cùng nhìn đồng hồ. Giờ nghỉ vừa điểm, chân họ đồng loạt rời bàn đạp và quờ tìm dép.
“Đừng đi,” Dina nói. “Việc gấp lắm rồi, đã thế sáng nay hai anh lại đến muộn nữa. Bà giám đốc sẽ rất cáu nếu lô váy bị giao chậm.” Cô rất lo về lịch hẹn–nhỡ ngày mai họ lại đến muộn thì sao? Cô tự nhắc mình phải thật cứng rắn, thật nghiêm khắc.
Ishvar hơi do dự; cháu ông sẽ không dễ gì chấp nhận lời đề nghị này. Y như rằng, ánh mắt thăm dò của ông xác nhận ngay điều đó: nó va phải một cái nhìn nảy lửa.
“Ta đi thôi,” Omprakash nói sõng, mắt không nhìn Dina lấy một lần. “Cháu đói rồi.”
“Cháu anh lúc nào cũng đói nhỉ,” cô quay sang nói với Ishvar. “Cậu ấy bị giun à?”
“Không, không, Om có bị làm sao đâu.”
Dina chẳng tin. Mối nghi ngờ đã len vào óc cô ngay từ tuần đầu tiên. Ngoài thân hình gầy trơ xương của Omprakash cùng những lời kêu ca liên tu bất tận, nay đau đầu, mai đói bụng, Dina còn thường xuyên nhòm thấy cậu thò ngón tay gãi một chỗ ngứa dưới đít; và đó, theo suy nghĩ của cô, là một bằng chứng đã quá rõ ràng.
“Anh nên đưa cậu ấy đi khám. Người gì mà gầy nhẳng gầy nheo–chẳng khác gì hình quảng cáo di động cho hãng diêm Wimco.”
“Không, không, nó chẳng sao đâu. Với lại, tiền đâu mà khám với xét cơ chứ?”
“Chăm làm thì khắc có khối ra đấy. Thôi, các anh may nhanh cho xong đi,” cô dỗ dành. “Tôi giao hàng sớm thì các anh lại có tiền sớm.”
“Chỉ năm phút uống trà thì có hại gì đâu,” Omprakash đốp lại.
“Năm phút của cậu thế nào chả dây ra thành ba nhăm phút. Tôi bảo này, tí nữa tôi sẽ pha trà cho hai người. Loại trà thượng hạng đặc biệt đấy nhé, không phải như thứ thuốc độc đun quá lửa đắng nghét mà bác cháu cậu vẫn mua ở góc phố đâu. Nhưng trước tiên phải làm cho xong việc đã. Như thế, ai cũng vui–cả bác cháu cậu, cả tôi, và bà giám đốc.”
“Cũng được,” Ishvar xuống nước, đoạn rũ đôi dép khỏi chân và trở lại chỗ ngồi. Chiếc bàn đạp sắt mạ bị bàn chân ông chà xát đến nóng ấm suốt buổi sáng còn chưa kịp nguội bớt.
Giờ hai chiếc máy Singer lại chạy đều, những lời đay nghiến giận dữ của Omprakash xuyên qua tiếng kim mổ sầm sập, rót thẳng vào tai ông bác: “Lúc nào bác cũng để cô ta bắt nạt chúng ta. Cháu chẳng hiểu bác có bị làm sao không. Từ nay chuyện đối đáp cứ để cháu lo.”
Ishvar gật đầu xuê xoa. Ông ngại không muốn đôi co với Om hay quở mắng thằng cháu trong tầm tai Dina.
Đến hai giờ chiều, khi hai bên thái dương đã giần giật vì tiếng máy khâu, Dina quyết định đi giao luôn số hàng đã hoàn thành. Cô phát bực với chính bản thân mình. Năn nỉ và đem trà ra làm mồi nhử đâu phải một ví dụ hay về một người chủ nghiêm khắc. Chắc phải luyện tập thêm nữa thì mình mới quen với việc bắt nạt thợ, cô tự kết luận thế.
Cô lấy dưới gầm bàn tấm ni lông cùng tờ giấy nâu từng được dùng để bọc mấy súc vải đem từ công ty Au Revoir về. Nhớ lời khuyên của thím Shirin, cô không dám bỏ phí một chút gì. Những vụn vải nhỏ dồn đống ngày một nhiều hơn. Đủ để làm băng vệ sinh cho các nữ tu của cả một tu viện ấy chứ, cô nghĩ trộm. Những miếng vải lớn hơn được gom thành một chồng riêng. Cô vẫn chưa biết dùng chúng vào việc gì, một tấm chăn ghép chăng.
Cô gói ghém những chiếc váy đã may xong và lấy túi xách. Đến trước hẹn một ngày hẳn sẽ tạo ấn tượng tốt đối với bà Gupta.
Rồi, chợt nhớ đến thái độ soi mói của Omprakash, cô bèn khóa ngoài cửa trước, phòng khi cậu ta có ý định bám theo.
Mông đau, mắt hoa, hai người thợ may bỏ ra phòng trước nhà để nghỉ. Sau một buổi sáng dài ngồi trên cái ghế đẩu cứng ngắc, thì chiếc sô pha cũ quả là một sự xa xỉ ngọt ngào dù lò xo đệm đã hỏng, và khoái cảm có phần còn đậm đà hơn nhờ sự vụng trộm. Tư thế hành nghề cứng đơ tan dần trong những đốt xương khi họ trầm mình xuống đệm. Gác mấy bàn chân đất lên mặt chiếc bàn trà, hai bác cháu rút một bao thuốc lá cuốn Ganesh ra và châm lửa, rồi hút lấy hút để từng đợt khói. Một mẩu giấy gói thuốc được xé ra làm gạt tàn.
Omprakash gãi đầu và săm soi tảng gàu dồn cục trên móng tay. Cậu đưa chiếc móng dài hàng phân ở ngón út cời sạch gàu trên những móng còn lại, rồi búng mẩu gàu đẫm dầu xuống sàn. Chắc cậu chẳng đời nào chịu nhận là mình đang chán–phung phí thời giờ là cách cậu dùng để chơi khăm Dina Dalal. Nếu cô ta nghĩ mình có thể lái hai bác cháu như hai con bò đực ngu độn bị tròng vào chiếc cày của cô ta, thì cô ta nhầm to. Gì thì gì, cậu vẫn là con người chứ; mặc dù, cậu cay đắng nghĩ, ông bác cậu lắm lúc lại xử sự hoàn toàn trái ngược.
Ishvar để mặc thằng cháu ngồi không để giết thì giờ. Cơn đói như hòn đá tảng đè nặng lên hai cái bụng teo tóp. Ông thích thú nhìn Omprakash uốn éo, vặn vẹo trên đệm, quyết bòn rút tối đa sự thư giãn từ chiếc ghế sô pha của Dina. Ông trầm tư gãi gãi ngón tay lên bên má đã cầm tù nửa nụ cười của mình trong những thớ cơ liệt cứng.
Cười, ngáp, vươn, duỗi, hai bác cháu hút thuốc cho qua thời gian, những ông vua tạm quyền của chiếc sô pha, chủ nhân của căn hộ chật chội, cho đến khi phút nhàn rỗi vụng trộm ấy bị phá vỡ bởi tiếng đập cửa thình thình.
“Tôi biết cô có ở nhà!” Người khách quát ầm ĩ. “Cái khóa ngoài cửa không lừa nổi tôi đâu!”
Hai người thợ may sợ cứng người. Tiếng đập cửa vẫn vang dồn. “Đừng tưởng cứ trả đủ tiền thuê là xong nhá! Chúng tôi biết cô làm trò ma gì sau cái cửa khóa này rồi! Cô, và cả cái xưởng bất hợp pháp của cô nữa, sẽ bị tống ra ngoài đường cho mà xem!”
Hai người thợ may biết ngay, lại là lão chủ nhà. Nhưng chiếc khóa cửa là sao? Tiếng đập cửa im bặt. “Mau, nằm xuống sàn!” Ishvar thì thào, sợ rằng kẻ đập cửa định nhòm qua cửa sổ.
Có thứ gì đó lọt qua khe đút thư, rồi xung quanh lặng tờ. Hai bác cháu đợi một lúc rồi mới rón rén đi ra cửa. Một phong thư lớn đề gửi cho cô Rustom Dalal nằm trên sàn. Ishvar nhấc chiếc then lên. Cánh cửa mới mở ra được một phân đã bị cái chốt phía ngoài chặn đứng, xác nhận sự hiện diện của chiếc khóa.
“Cô ta khóa cửa nhốt bác cháu ta,” Omprakash nổi giận bừng bừng. “Mụ đàn bà khốn nạn. Cô ta nghĩ gì vậy?”
“Chắc phải có lý do gì đó. Đừng cáu.”
“Thử mở phong thư của cô ta ra xem.”
Ishvar giật phắt chiếc phong bì trên tay cháu và cất vào một chỗ. Họ lại cố nằm xoài ra đệm, châm điếu thuốc mới, song cuộc viếng thăm đã phá hỏng niềm vui thích. Cái êm ái bẹp võng của chiếc ghế sô pha cứng dần thành từng cục bất nhẫn. Những sợi chỉ vụn vương trên áo quần nhắc nhở họ về công việc còn đang đợi ở phòng trong. Chiếc đồng hồ trưng lên lời cảnh báo u ám: cô ta sắp quay về. Chẳng chóng thì chầy, những hành vi bị cấm này sẽ phải chấm dứt.
“Cô ta lừa bác cháu ta,” Omprakash gầm gừ. “Lẽ ra chúng ta phải được may thẳng cho công ty xuất khẩu. Sao cô ta lại phải chắn ở giữa cơ chứ?” Cặp môi cậu di động rất nhẹ, chậm, thành từng chữ, điếu thuốc ngun ngún lửa đậu chênh vênh trong thế cân bằng mong manh ở một bên khóe miệng.
Ishvar nở nụ cười khoan dung. Phong thái xấc xược của điếu thuốc lá cuốn đang khẽ đung đưa, đầy đe dọa chẳng khác nào một khẩu súng đồ chơi, chĩa thẳng vào Dina Dalal. “Khi nào cô ta về đến nơi, lại thấy mặt mày nhăn nhúm như khỉ ăn ớt cho mà xem.”
Rồi ông tiếp lời, giọng nghiêm trang hẳn: “Cô ta được đứng giữa vì chúng ta không có cửa hàng. Cô ta cho chúng ta may ở đây, cô ta mang quần áo đi, cô ta kiếm đơn đặt hàng từ công ty. Vả lại, làm khoán kiểu này, chúng ta được tự do hơn…”
“Cháu xin bác. Cô ta đối xử với chúng ta như nô lệ, thế mà bác còn nói là tự do thì chịu thật đấy. Cô ta làm tiền trên mồ hôi nước mắt của chúng ta mà tay có phải khâu một đường nào đâu. Bác nhìn nhà cô ta xem. Điện, nước, cái gì cũng có. Còn ta có gì nào? Một cái lều hôi thối giữa khu ổ chuột. Bác cháu ta sẽ chẳng đời nào kiếm đủ tiền để về quê đâu.”
“Mới thế đã nản rồi à? Thế thì sao làm nên trò trống gì. Phải chiến đấu, phải vươn lên, Om ạ, dù đời có vùi dập ta đến đâu.” Ông kẹp điếu thuốc giữa ngón út và ngón nhẫn, đoạn khum tay thành một nắm đấm hờ và giơ nó lên ngang môi.
“Cháu sẽ tìm ra chỗ cô ta tới, bác cứ chờ mà xem,” Omprakash nói, đầu hất lên đầy vẻ quả quyết.
“Mỗi lần mày làm thế, mái tóc mày bồng bềnh trông đẹp ghê.”
“Cứ đợi đấy, cháu sẽ moi được địa chỉ của công ty kia.” “Bằng cách nào? Mày tưởng cô ta sẽ nói cho mày biết đấy chắc?”
Omprakash quay vào phòng trong và trở ra với một cây kéo to kếch sắc nhọn. Cậu giữ chặt nó bằng cả hai tay và hung hăng đâm vào không khí. “Chỉ cần kề cái này vào cổ cô ta, cô ta sẽ phun ra mọi điều ta muốn biết.”
Ông bác bèn giáng một cái tát vào đầu thằng cháu. “Bố mày sẽ nói sao nếu nghe thấy mấy câu này của mày? Những thứ ngu ngốc tuôn ra từ miệng mày y như chỉ máy khâu vậy. Và cũng bất cẩn chả kém gì.”
Omprakash ngượng ngùng bỏ cây kéo xuống. “Rồi sẽ có ngày cháu gạt được cô ta ra. Cháu sẽ bám theo cô ta đến công ty.”
“Bác không biết là mày có thể đi xuyên qua cánh cửa bị khóa giống đại ảo thuật gia Gogia Pasha kia đấy. Hay phải gọi là Omprakash Pasha?” Ông ngừng lời để bập một hơi thuốc, rồi phun khói qua lỗ mũi và cười giễu bộ mặt cau có của thằng cháu. “Cháu ạ, nghe bác nói này, đời là thế. Có người đứng ở giữa, có người đứng ngoài rìa. Phải kiên nhẫn thì ước mơ mới lớn lên và đơm hoa kết trái được.”
“Kiên nhẫn chỉ tốt khi bác muốn nuôi râu thôi. Với số tiền công cô ta trả, chúng ta còn chẳng mua nổi bơ và gỗ dùng cho lễ hỏa thiêu của chính mình.” Cậu đưa tay lên gãi đầu cành cạch. “Mà sao lúc nào bác cũng nói với cô ta bằng cái giọng ngô nghê, cứ như một thằng ngố mới từ quê lên thế?”
“Lại không phải thế à?” Ishvar đáp. “Ở đời ai chả thích trên cơ người khác. Nếu giọng nói của bác làm cô Dina thấy vui, thì có hại gì?” Vừa tận hưởng chút khoái lạc cuối cùng từ điếu thuốc sắp tắt, ông vừa nhắc lại: “Phải kiên nhẫn, Om ạ. Có những chuyện không thể thay đổi được, mày phải chấp nhận chúng thôi.”
“Kiểu gì bác cũng muốn ư? Đầu tiên bác bảo hãy đấu tranh, đừng buông xuôi. Giờ bác lại bảo phải chấp nhận. Sao bác cứ nghiêng bên nọ ngả bên kia như cái ấm không trôn thế?”
“Hồi xưa bà nội Roopa của mày cũng nói giống thế đấy,” Ishvar cười khanh khách.
“Bác phải quyết định đi, chọn một cách thôi.”
“Bác biết làm sao được? Bác chỉ là người trần mắt thịt thôi mà,” ông đáp, và lại cười khùng khục. Giữa chừng, tràng cười biến thành cơn ho, khiến toàn thân ông rung lên bần bật trong cơn đau cào xé. Ông đi ra cửa sổ, vén rèm lên và nhổ một bãi đờm. Nếu chịu cúi xuống nhìn cho kĩ, chắc ông đã thấy vết máu quen thuộc.
Đầu ông chưa kịp rút vào thì một chiếc xe tắc xi trờ đến. Ông khẽ kêu lên bằng giọng khản đặc: “Mau lên! Cô ta về rồi!”
Họ bắt đầu xóa sạch những dấu vết từ hành động tội lỗi của mình: vỗ mấy tấm đệm cho phồng, kê lại chiếc bàn trà, vơ hết que diêm và tàn thuốc bỏ vào túi. Một cái tàn lửa từ điếu thuốc trên miệng Omprakash bay xuống, như muốn trêu ngươi cơn thịnh nộ thét ra lửa, mửa ra khói trước đó của cậu. Cậu vội quạt nó ra khỏi mặt bàn. Mồm bập nốt hơi thuốc cuối cùng, chân chạy vội vào phòng trong, họ dập tắt thuốc và vứt đầu mẩu qua ô cửa sổ sau nhà.
Dina trả tiền tắc xi và lần tay vào túi tìm chìa khóa. Chiếc khóa bằng đồng thau đã mờ xỉn treo lủng lẳng, trông vừa nặng nề, vừa dữ dằn. Cô xoay chìa khóa mà tim nhói lên cảm giác tội lỗi, bản chất cô nào phải một tên cai ngục?
Omprakash giơ tay ra đỡ lấy gói hàng cho cô. “Tôi nghe tiếng cô về.”
“Còn nhiều nữa kìa,” cô nói, tay chỉ mấy súc vải chất đầy ngoài cửa. Cậu xem xét kĩ cả mấy lô vải, cố tìm xem tên hay địa chỉ công ty có sót đâu đây chăng.
Khi toàn bộ vải đã được khuân hết vào nhà, Ishvar đưa cho cô chiếc phong bì. “Có người đến đập cửa, bảo cái khóa ngoài không lừa nổi ông ta đâu. Ông ta bỏ lại cái này cho cô.”
“Chắc là người thu tiền nhà.” Cô đặt chiếc phong bì xuống mà không mở ra. “Ông ta có trông thấy hai người không?”
“Không, chúng tôi nấp kĩ lắm.”
“Tốt.” Cô bèn đi cất túi và thay đôi giày bằng một đôi dép.
“Lúc đi cô khóa cửa nhốt chúng tôi à?” Ishvar hỏi.
“Các anh không biết à? Đúng, tôi buộc phải làm thế.”
“Tại sao thế?” Omprakash sấn lên. “Cô cho chúng tôi là phường trộm cướp chắc? Chả lẽ chúng tôi sẽ cuỗm đồ đạc nhà cô rồi chuồn đi ư?”
“Đừng nói hàm hồ. Tôi đâu có đồ đạc gì quý giá mà phải lo? Tại lão chủ nhà đấy. Trong lúc tôi đi vắng, lão ta có thể xông vào và tống cổ các anh ra đường. Nhưng nếu thấy cửa khóa, lão sẽ không dám. Phá khóa cửa là phạm luật mà.”
“Phải lắm,” Ishvar gật gù. Ông đang nóng lòng muốn xem thiết kế của lô váy mới. Trong khi cháu ông còn đang trợn mắt nhìn, tấm khăn trải bàn đã được cuốn khỏi bàn ăn, nhường chỗ cho các mẫu may bằng giấy.
“Lần này mỗi chiếc váy được trả công bao nhiêu?” Omprakash xen vào, tay mân mê chỗ vải pô-pơ-lin mới được mang về.
Cô lờ tịt cậu ta, còn Ishvar xoay ngược xoay xuôi mấy tấm mẫu thiết kế. Như đứa trẻ con ham chơi xếp hình, ông nhanh chóng bị cuốn vào những chi tiết của chúng. Omprakash lại bồi thêm: “Thiết kế phức tạp ra phết đấy. Cần nhồi rất nhiều miếng độn mới tạo được độ phồng cho chiếc váy. Lần này chúng tôi buộc phải tính công cao hơn thôi.”
“Đừng lảm nhảm nữa,” cô bèn mắng át đi. “Để người lớn còn làm việc. Cậu không coi tôi vào đâu đã đành, nhưng cũng phải nể bác cậu chứ.”
Ishvar vừa ướm các mảnh giấy lên chiếc váy mẫu, vừa lẩm bẩm một mình: “Ống tay, đây rồi. Còn lưng váy, có một đường may ở chính giữa – phải rồi, cũng đơn giản thôi.” Thấy ông chú nói toạc ra như thế, cậu sầm mặt lại.
“Phải, quá dễ ấy chứ,” Dina nói. “Còn đơn giản hơn mẫu váy các anh vừa làm xong. Mà tin mừng là họ vẫn trả công năm rupi cho mỗi chiếc váy.”
“Năm rupi thì không được,” Omprakash nói. “Cô hứa sẽ mang về những mẫu váy đắt tiền cơ mà. Làm thế này chả bõ công.”
“Công ty giao cái gì thì tôi phải nhận cái đó thôi. Nếu không họ sẽ loại ta khỏi danh sách ngay.”
“Chúng tôi sẽ làm,” Ishvar nói. “Bỏ phí công ăn việc làm thì phải tội ra.”
“Thế thì bác đi mà làm. Tiền công có năm rupi thì cháu không làm được,” Omprakash nói, song Ishvar đã vội gật đầu trấn an Dina.
Cô bèn xuống bếp đun một ấm trà như đã hứa. Mối bất hòa giữa hai bác cháu thật hay; ông bác sẽ kiềm chế mọi toan tính nổi loạn của thằng cháu. Cô nheo mắt nhìn mấy chiếc chén và đĩa, ngắm kĩ đường viền hình hoa hồng. Hồng hay đỏ nhỉ? Cô quyết định, chén đĩa màu hồng là dành cho hai người thợ, sẽ được cất riêng cùng cốc uống nước. Màu đỏ là của mình.
Trong khi chờ nước sôi, cô kiểm tra những tấm lưới mắt cáo được căng đè lên các ô kính cửa sổ đã vỡ và nhìn thấy một lỗ hổng. Lại bọn mèo chết tiệt, cô bực bội nghĩ. Toàn lẻn nhà vào vọc tìm thức ăn hoặc trú mưa. Ai biết chúng mang những thứ vi khuẩn vi trùng gì từ cống rãnh lên.
Cô chỉnh lại tấm lưới, quấn mỗi góc lưới quanh một cây đinh. Chiếc ấm rổn rảng thông báo đã sẵn sàng bằng một luồng hơi nước mờ mịt. Cô chờ rốn một chút cho nước sôi già, tận hưởng làn sương mờ đang mỗi lúc một dày thêm cùng tiếng nước reo lục bục đều đều: những ảo ảnh về tiếng trò chuyện lao xao, về bè bạn, về cuộc sống hối hả.
Cô miễn cưỡng tắt bếp, đám mây trắng tan dần thành những làn hơi bảng lảng. Cô rót trà đầy ba tách và bê hai tách lên cùng hai chiếc đĩa viền hoa màu hồng.
“A,” Ishvar thở phào và mừng rỡ đón lấy tách trà. Omprakash vẫn cắm cúi may, đầu không ngẩng lên, mặt sưng như cái lệnh. Cô bèn đặt tách trà xuống bên cạnh cậu ta.
“Tôi không uống,” cậu ta lầm bầm. Dina lẳng lặng trở xuống bếp lấy tách trà cho mình.
“Ngon tuyệt!” Ishvar xuýt xoa khen khi thấy cô trở lại. Ông húp soàn soạt, cố làm ầm lên để dụ khị thằng cháu. “Ăn đứt trà của Hotel đồ chay Vishram.”
“Chắc họ toàn để ấm trà sôi sùng sục cả ngày,” Dina nói. “Làm thế hỏng hết vị trà. Lúc mệt mà được uống trà tươi là nhất đấy.”
“Chứ lị.” Ông uống một hớp nữa và lại khà khà vẻ mời mọc. Omprakash giơ tay ra nhấc tách trà của mình lên. Hai người kia bèn vờ như không để ý. Cậu tu một hơi cạn tách trà, mặt vẫn chưa hết cau có sưng sỉa.
Thời gian làm việc của ngày hôm đó chỉ còn lại hai tiếng, và cậu lấp đầy nó bằng những đường may xiên xẹo cùng những lời càu nhàu. Ishvar biết ơn chiếc đồng hồ vô cùng khi nó điểm sáu giờ. Giữ gìn hòa khí giữa cháu ông và cô Dina là việc càng lúc càng khó khăn.
Buổi sáng đang ngả dần về chiều khi Ibrahim, người thu tiền nhà, lê từng bước chậm chạp trên vỉa hè, chuẩn bị tới gặp Dina Dalal để đòi câu trả lời cho lá thư lão vừa mang tới hôm qua. Trên người đóng bộ sherwani màu đen, đầu đội mũ đuôi seo màu huyết dụ chỉnh tề, lão tươi cười chào những người thuê nhà mình gặp trên đường, luôn miệng “Xin chào” hoặc “Anh chị có khỏe không ạ?”. Lão vốn được trời phú cho một nụ cười vô điều kiện, luôn xòe nở ngay khi mồm mở ra dợm nói. Dẫu vậy, cái tật dễ ưa này đâm lại thành của nợ, nếu gặp những dịp chuyện lão nói đòi hỏi bộ tịch nghiêm trang –ví như một cái cau mày dành cho những món tiền nhà trả chậm chẳng hạn.
Ibrahim cũng không còn trẻ trung gì, song trông lão già sọm hẳn so với tuổi. Tay trái lão, vẫn còn ngâm ngẩm đau vì vụ đập cửa hôm qua, ôm một chiếc cặp nhựa buộc hai cái chun cao su to sụ. Bên trong chứa hóa đơn, biên lai, giấy yêu cầu sửa nhà, biên bản các vụ tranh chấp hoặc kiện tụng trên tòa liên quan đến sáu khu nhà lão trông nom. Một số vụ tranh chấp xảy ra từ hồi lão mới là một chàng trai mười chín tuổi, vừa vào làm cho ông cụ thân sinh của ông chủ nhà bây giờ. Có nhiều vụ còn xưa hơn, được những người tiền nhiệm của Ibrahim truyền lại.
Mọi thứ được văn bản hóa kĩ càng cẩn thận đến độ, lắm lúc Ibrahim có cảm giác mình đang mang cả mấy khu nhà bên mình. Thực ra, chiếc cặp giấy do người thu tiền nhà đã về hưu trước đó để lại không phải cặp nhựa, mà được chế sơ sài từ hai tấm gỗ nối lại với nhau bằng một dải da dê. Chiếc cặp vẫn còn phảng phất mùi hương của người chủ cũ. Một dải băng vải xơ tướp được khâu vào miếng da dê, quấn quanh cặp để giữ giấy tờ bên trong khỏi rơi ra. Hai tấm gỗ tối màu, nứt nẻ đã cong vênh thảm hại; mỗi khi được mở ra, chúng rên lên ken két và phả ra mùi thuốc lá pha mồ hôi nồng nặc.
Xưa kia, lúc đang còn trẻ trung và tràn trề nhiệt huyết, Ibrahim rất ngượng nếu bị người khác nhìn thấy đang mang món di sản này bên mình. Dù nó chả chứa gì khác ngoài các loại biên lai thuê nhà nghiêm túc; song hắn biết chắc người ngoài sẽ trông mặt mà bắt hình dong, vì bề ngoài nom nó giống hệt mấy cái cặp bẩn thỉu mà bọn thầy chiêm tinh, thầy bói chợ lắm tai tiếng vẫn cắp theo để đựng những thứ sơ đồ, bảng biểu bố láo bố xiên của chúng. Ý nghĩ mình có thể bị đánh đồng với bọn lừa đảo đáng tởm ấy khiến hắn cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Hắn bắt đầu ấp ủ những mối nghi ngờ đen tối về chính nghề nghiệp đã buộc hắn phải tha lôi một cái cặp giấy đáng ngờ đi khắp nơi mọi chốn; hắn có cảm giác mình bị lừa, như thể bị tay bán hàng rong giở trò cân điêu đong thiếu cho hắn.
Rồi, đến một ngày may mắn nọ, phần sống cặp bằng da dê rách hẳn. Hắn bèn đem trình nó lên văn phòng nhà đất. Lão thư kí săm soi chiếc cặp, xác nhận nó đã hư hỏng hoàn toàn do tác động tự nhiên, và làm một tờ đơn xin cặp mới. Ibrahim được phát một sợi dây để dùng tạm trong thời gian chờ đơn được xét duyệt.
Sau nửa tháng trì hoãn, chiếc cặp mới đã đến. Nó được làm bằng bìa các tông bọc vải hồ cứng, nom vừa hiện đại, vừa trí thức, và mang một màu nâu đen hết sức đứng đắn. Ibrahim mừng lắm. Hắn bắt đầu lạc quan về triển vọng của bản thân trong nghề nghiệp này.
Cắp chiếc cặp mới dưới nách, nay hắn có thể ngẩng cao đầu và sải bước với vẻ quan trọng chẳng kém gì một vị cố vấn pháp luật mỗi khi đi tuần. Cấu tạo của chiếc cặp mới này cầu kì phức tạp hơn đứt chiếc cũ, với đủ loại ngăn cùng túi nhỏ. Các bản báo cáo, đơn khiếu nại, thư từ nay đã có thể được phân chia một cách quy củ. Rõ thật vừa khéo, vì trong khoảng thời gian này, những trách nhiệm đặt lên vai Ibrahim đã tăng lên, cả trong công việc lẫn ở gia đình.
Ibrahim, con trai của hai bậc cha mẹ dần trở nên già cả, trở thành chồng, rồi thành cha. Và vai trò của một người thu tiền nhà trọ cũng trổ thêm những cành nhánh mới. Hắn được ông chủ nhà giao nhiệm vụ gián điệp, tống tiền, chuyển lời hăm dọa, và sách nhiễu người thuê nhà ở cả mấy khu. Giờ phận sự của hắn kiêm luôn cả việc bới móc những thứ “rác rưởi” bị che giấu trong sáu khu nhà, như các vụ trai gái lén lăng nhăng chẳng hạn, và hắn được ông chủ dạy cách biến những tội lỗi ấy thành các khoản tăng tiền thuê nhà–những kẻ tay đã lỡ nhúng chàm sẽ chẳng đời nào dám cự nự hoặc đả động đến Luật thuê nhà. Khi hoàn cảnh thúc ép, Ibrahim còn có thể sắm vai nài nỉ, dỗ dành, nếu ông chủ nhà già néo đứt dây, dẫn đến kiện tụng trả đũa. Những giọt nước mắt của người thu tiền nhà sẽ khiến người thuê nhà chùn bước mà thương cho ông chủ nhà tội nghiệp luôn phiền lo trăm mối, một nạn nhân khốn khổ của nhà đất thời hiện đại, một người vốn dĩ nào có ác ý chi.
Những ngăn cùng túi của chiếc cặp mới trở thành thứ không thể thiếu giúp tách bạch đủ loại vai trong vốn diễn của Ibrahim. Tuy nhiên, đến giai đoạn này của sự nghiệp, hắn bắt đầu cảm nhận ngày càng rõ sự bất tiện nảy sinh từ nụ cười vô điều kiện ngọt ngào của mình. Hắn phát hiện ra rằng, mồm nói toàn những lời đe dọa và cảnh cáo ghê rợn, môi lại nở nụ cười hòa nhã thật không phải một chiến lược hay. Giá hắn có thể sửa nó thành một nụ cười hăm dọa thì có phải hết chỗ chê không. Song các cơ có liên quan trong cử chỉ này lại nằm ngoài tầm kiểm soát của hắn. Những dịp khi hắn phải bày tỏ thái độ ái ngại vì việc sửa chữa bị chậm trễ, hoặc gửi lời chia buồn về cái chết của thân nhân người thuê nhà cũng gian nan không kém. Thế là chẳng bao lâu sau, cái tật khoe răng phiền toái ấy đã khiến hắn bị mang tiếng oan là vô cảm, thô lỗ, kém chuyên nghiệp, thiểu năng, thậm chí độc ác.
Cứ thế, nụ cười xúi quẩy dẫn lão qua ba đời cặp bìa các tông, đều một màu nâu đen như cái đầu tiên, và hai mươi tư năm được chất thêm lên vai lão. Hai mươi tư năm khổ nhọc mà nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng, tuổi thanh xuân của lão cũng theo đó mà tiêu ma, và tham vọng xán lạn về một mùa vàng của chính lão dần hoen ố bởi bao nỗi cay cực. Tuyệt vọng, và cả tổn thương vì biết chắc rằng mình chẳng còn mong hòng gì nổi vào tương lai nữa, lão nhìn vợ cùng hai thằng con trai và hai đứa con gái vẫn hết mực tin tưởng lão mà càng thêm đau đớn. Lão cứ tự hỏi mình đã làm gì nên tội, mà phải sống một cuộc đời mòn mỏi, cạn khô hi vọng như thế? Hay phàm sinh ra là con người, ai cũng phải chịu nỗi khổ này? Lẽ nào Con Tạo không đếm xỉa gì đến chuyện chỉnh lại đòn cân cho thẳng thớm – hay cái gọi là công bằng không hề tồn tại trên cõi đời này?
Thường xuyên lui tới nhà thờ xem ra đã trở thành việc quá vô nghĩa lý. Sự hiện diện của lão trong buổi lễ cầu nguyện vào mỗi thứ Sáu càng lúc càng thưa thớt. Lão bắt đầu tìm sự chỉ lối đưa đường trong những phương thức từng một thời bị chính lão ghê tởm, coi là món dành riêng cho lũ người tăm tối.
Các thầy chiêm tinh Ấn và thầy bói chợ khiến lão thấy được an ủi nhiều nhất. Chúng hiến cho lão giải pháp để xử lý những vấn đề tiền bạc, cùng lời khuyên giúp cải thiện tương lai lão, vốn đang biến thành quá khứ với tốc độ chóng mặt. Lão phát hiện ra rằng, những lời phán của bọn này có tác dụng hệt như một loại thuốc an thần.
Đến xem chỉ tay và chiêm tinh Tây, lão cũng chẳng từ. Thế rồi, vì muốn tìm loại thuốc nặng đô hơn, lão xoay ra trọng dụng những vị sứ giả kém chính thống hơn: chim bồ câu chọn lá bài, vẹt đọc biểu đồ, bò truyền tin, rắn tiên tri. Lúc nào cũng lo ngay ngáy bị người quen nhận ra giữa những cuộc du ngoạn đáng ngờ của mình, lão bấm bụng từ biệt chiếc mũ đuôi seo quen thuộc, dù lòng rất không đành. Cảm giác ấy chẳng khác nào phải xa rời một người bạn chí thân. Trước nay mới chỉ có một dịp lão chịu bỏ món phục trang thường nhật này, đó là hồi Phong trào li khai bùng nổ năm 1947. Khi ấy, những cuộc tàn sát dân thường xung quanh khu vực biên giới mới xác lập châm ngòi cho bạo loạn ở khắp nơi, và chưng diện mũ đuôi seo giữa một khu người Hindu là chuyện nguy hiểm chết người, chẳng kém gì sống trong xứ sở của người Hồi giáo mà vẫn để bao quy đầu vậy. Ở một số nơi, ai khôn ra thì cứ để đầu trần, bởi trong mấy món mũ đuôi seo, mũ trắng và khăn đóng, chỉ cần đội nhầm một thứ là mất đầu như chơi.
Cũng may, những cuộc bói chim lão tham gia được tiến hành khá kín đáo. Lão có thể lỉnh vào một xó nào đó trên phố cùng người chủ của con vật, đưa ra câu hỏi, và con bồ câu hoặc vẹt sẽ rời khỏi lồng để làm đẹp lòng lão.
Bói bò, trái lại, là một cuộc trình diễn hoành tráng, thu hút đông đảo bà con. Lưng phủ kín những tấm vải thêu kim tuyến đủ màu sặc sỡ, cổ đeo một vòng chuông bạc nhỏ xíu, con bò được một người đeo trống dẫn ra giữa vòng tròn khán giả. Khăn áo của gã này đều sáng màu, song trông y có phần mờ nhạt khi đặt cạnh con bò được tô điểm muôn hồng ngàn tía. Cả người lẫn vật đi vòng quanh: một, hai, bao nhiêu vòng tùy ý, cốt sao đủ cho người chủ kể lể hết lai lịch của con vật, không quên nhấn mạnh đặc biệt vào những lời tiên tri và dự báo đã trở thành hiện thực. Y cất giọng khàn khàn điếc lỗ nhĩ, mắt long sòng sọc, chân tay vung vẩy như hóa rồ, tất cả những biểu hiện quá khích đó đã được tính toán cẩn thận, sao cho hoàn toàn đối trọng với phong thái điềm tĩnh của con bò. Sau khi phần tiểu sử ngắn được xướng xong, đến lượt cái trống vẫn nằm im lìm trên vai y lên tiếng. Cái trống này không phải để gõ, mà để miết. Y tiếp tục dẫn con bò đi vòng tròn, tay cầm dùi miết thật lực lên mặt trống, tạo ra một thứ tiếng rền rĩ ghê người, tiếng nỉ non, tiếng ai oán. Nó là thứ âm thanh hòng đánh thức người chết và làm tê liệt người sống, nó kì dị quái gở, nó là lời hiệu triệu những linh hồn và thế lực không thuộc về nơi trần thế, mời gọi chúng hạ phàm, làm chứng và tương trợ cho nhà tiên tri ngu độn.
Khi cái trống dứt tiếng, người chủ gào to câu hỏi của khách vào tai con vật, đủ để cả đám người đang bu quanh nghe thấy. Con vật trả lời bằng cách gật hoặc lắc cái đầu được trang trí rườm rà, khiến những chiếc chuông bạc nhỏ xíu đeo quanh cổ nó rung lên tinh tang. Đám đông hoan hô rầm rĩ vì ngỡ ngàng và thán phục. Rồi tiếng cọ trống lại vang lên trong khi tiền thưởng được gom về.
Một ngày nọ, câu hỏi của Ibrahim được thét vào vành tai nâu mềm mại, không được che chắn gì của con bò, song con vật không mảy may động cựa. Gã chủ nhắc lại câu hỏi, giọng to hơn. Lần này con vật có phản ứng. Không hiểu do hận tiếng trống đáng ghét mà nó đã phải chịu đựng suốt bao năm trời, hay tiếng gào thét đinh tai nhức óc vẫn dội vào tai hết ngày này qua tháng khác, mà nó xỉa thẳng cặp sừng nhuộm đỏ như son vào gã chủ.
Thoạt tiên, những người xem cho rằng con bò chỉ đang hồi đáp câu hỏi một cách nhiệt tình hơn thường lệ. Nhưng rồi nó hất gã chủ xuống đất và luôn chân giày xéo lên người y. Giờ họ mới nhận ra rằng đó không phải một phần của nghi lễ tiên tri, nhất là khi máu me của y bắt đầu đổ tràn.
Với những tiếng thét “Bò điên! Bò điên!” thất thanh, đám đông chạy tan tác. Tuy nhiên, khi đã trừng phạt xong kẻ tra tấn mình, con bò lại đứng im vẻ bình thản, chơm chớp đôi mắt hiền lành có những sợi lông mi rất dài, đuôi phất phơ đuổi lũ ruồi đang vo ve quanh bầu vú.
Cái chết kì dị của gã chủ bò khiến Ibrahim tin chắc rằng đây không còn là phương pháp đáng tin cậy để tìm kiếm lời khuyên của đấng tối cao nữa. Mấy ngày sau, đã có một nhóm bò và người mới chiếm cứ góc phố này, song Ibrahim tránh không ra xem. Hẵng còn những cách thức khác, an toàn hơn, để mua sự trợ giúp từ thế lực siêu nhiên.
Thế nhưng, khi sự cố bò điên vẫn còn nhoi nhói trong tâm trí, lão đã phải chứng kiến thêm một cái chết nữa. Lần này là của người điều khiển một con rắn bói thẻ. Tuyến nọc độc của con vật đầy lại đã lâu song người chủ quên rút đi. Mãi về sau, Ibrahim vẫn không khỏi rùng mình khi mường tượng cảnh người bị con rắn cắn ngập răng rất có thể là chính lão, bởi lúc đó lão đã sán lại rất gần vì muốn nhìn cho rõ chuyển động bí hiểm của con vật.
Sốc nặng trước hai cái chết, lão thu tiền nhà cạch hẳn mọi thể loại động vật tiên tri. Như người vừa bước ra từ cơn ác mộng, lão sửa sang lại chiếc mũ đuôi seo bị bỏ rơi bấy lâu và bắt tay vào chỉnh đốn bản thân. Ngồi trước biển khi ánh sáng đại dương của vầng mặt trời buổi xế bóng nhuộm đỏ ngôi nhà thờ, lửng lơ nơi cuối đường chân trời dài ngút mắt, lão bỗng nhận ra, chỉ vì thói nghiện xem bói hồ đồ của mình, biết bao nhiêu tiền của dành trang trải nhu cầu của gia đình đã bị tước đoạt. Lão trân mắt nhìn con nước thủy triều rút dần, phơi trần những bí mật ẩn dưới lớp sóng bạc, và rùng mình. Những bí mật đen tối của chính lão lại trỗi dậy từ những tầng sâu âm u của hoang mang và tuyệt vọng. Lão gắng sức đẩy lùi chúng, dồn chúng xuống, chôn vùi chúng. Nhưng chúng chuội đi như những con lươn, rồi lại trườn lên để ám lão. Chỉ còn một cách chế ngự chúng – lão quay lại nhà thờ, lòng tràn ngập ăn năn, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ mà số phận dành cho mình.
Một trong những thứ đó là chiếc cặp nhựa. Hai mươi tư năm của bìa các tông đã qua đi, nay là thời trị vì của nhựa trong văn phòng nhà đất. Ibrahim cũng chẳng bận tâm nữa. Lão đã ngộ ra rằng, phẩm giá không thể có được nhờ phục sức hay những đồ vật ngoại thân; nó tới mà không chờ ai phải kêu đòi, nó lớn dần cùng năng lực nhẫn nhục của con người. Giá bây giờ công ty phát cho lão một cái sọt của cửu vạn để đội giấy tờ lên đầu mà mang đi khắp nơi, có lẽ lão cũng sẽ nhận mà không buông một lời than phiền nào.
Song cặp nhựa cũng có cái hay–nó chặn đứng bàn tay phá hoại của mùa mưa. Giờ lão hiếm khi phải sao lại những giấy tờ mà mực in đã lỡ múa may theo những vòng xoáy điên loạn của nước mưa. Đến cái đận này, khi tay lão đã bắt đầu run, thì đây quả là một điều may mắn. Thêm nữa, chỉ cần đưa một vệt giẻ ướt là đủ loại vết bẩn do hắt hơi hay hít thuốc, dù xanh hay nâu, đều có thể được lau sạch, không còn khiến lão phải ngượng ngập khi phải trình diện trước ông chủ nữa.
Ở nhà cũng vậy, có những thay đổi lão bất đắc dĩ phải chấp nhận. Mà nói trắng ra, lão còn lựa chọn nào khác đâu?
Đứa con gái lớn của lão chết vì bệnh lao, vợ lão rồi cũng theo gót con. Sau thì hai đứa con trai sa chân vào xã hội đen, lâu lâu lại mò về vòi tiền lão. Đứa con gái còn lại, đúng vào lúc lão manh nha hi vọng nó sẽ giúp gỡ gạc lại tất cả, bỏ nhà đi làm điếm. Lão bỗng thấy đời mình đã trở thành cốt truyện cho một bộ phim Hindi rẻ tiền, chỉ thiếu cái kết có hậu.
Lão tự hỏi, mình còn làm việc tiếp để làm gì, còn tuần tiễu quanh sáu tòa nhà và thu tiền vì ai? Sao lão không leo lên nóc một tòa mà nhảy quách xuống cho xong? Sao lão không cho cả đám giấy má cùng tiền bạc một mồi lửa, rồi tẩm đẫm dầu hỏa từ đầu đến chân và nhảy luôn vào đó? Nhờ đâu mà quả tim lão vẫn còn đập đều thay vì vỡ tung tóe, thần trí lão vẫn còn tỉnh táo chứ chưa vỡ tan nát như một tấm gương bị đánh rơi? Lẽ nào chúng đều được làm từ những vật liệu tổng hợp bền chắc, giống như chiếc cặp nhựa không gì phá nổi kia? Và vì đâu mà thời gian, kẻ phá hoại sừng sỏ số một, lại bị hờ hững đến thế?
Song ngay cả nhựa cũng chỉ bền bỉ có chừng. Lão phát hiện ra rằng, nó cũng có thể rách và nứt và vỡ, hệt như bìa các tông. Cũng như da, như xương thôi. Nghĩ đến đấy, lão thấy nhẹ cả người. Chỉ cần kiên trì chờ đợi. Quả vậy, chiếc cặp hiện tại là chiếc thứ ba thuộc loại này trong hai mươi mốt năm.
Thỉnh thoảng lão lại săm soi nó, và soi thấy những nếp nhăn in hằn lên trán mình phản chiếu trên bìa cặp sờn xước. Các ngăn nhựa bên trong cũng tã dần, và những ô cùng túi gọn gàng đang nhăm nhe nổi loạn. Còn ở các bộ phận trong người lão, cuộc nổi loạn đã nổ ra từ lâu. Lão tự hỏi, không hiểu bên nào sẽ thắng trong cuộc chạy đua nực cười giữa nhựa và máu thịt này? Nghĩ tới đây, chân đã bước tới trước cửa căn nhà, lão chùi sạch vết thuốc hít trên mũi và ngón tay, rồi bấm chuông.
Nhác thấy bóng chiếc mũ màu huyết dụ qua mắt cửa, Dina vội ra hiệu cho hai người thợ im lặng. “Đừng hở một tiếng nào khi lão ta đang ở đây,” cô thì thầm.
“Cô có khỏe không?” Lão thu tiền nhà nở nụ cười, phô ra những cái răng vàng xỉn cáu bẩn cùng hai lỗ trống: nụ cười ngây thơ, ngọt ngào của một thiên thần già cỗi.
Chẳng thèm lý gì đến lời chào của lão, cô nói: “Vâng? Đã đến hạn thu tiền nhà đâu.”
Lão đổi chiếc cặp sang tay kia. “Chưa, cô ạ, chưa đến. Tôi tới để xin câu trả lời của cô cho lá thư của ông chủ.”
“Tôi hiểu rồi. Xin đợi một phút.” Cô đóng cửa lại và vào nhà tìm chiếc phong bì chưa mở. “Tôi để nó đâu nhỉ?” Cô thì thào hỏi hai người thợ.
Cả ba người cùng lục tìm giữa một đống bừa bộn trên bàn. Cô bỗng nhận ra mình đang dán mắt vào Omprakash, ngắm ngón tay cậu quắp lại và nhìn bàn tay cậu chuyển động. Khung hình xương xẩu của cậu không còn làm cô thấy khó chịu nữa. Cô dần phát hiện ở cậu một vẻ đẹp hiếm có, từa tựa như loài chim.
Ishvar tìm thấy chiếc phong bì dưới một chồng vải. Cô xé nó ra và đọc thật nhanh một lượt, rồi chậm rãi xem lại để ngẫm cho thông những thuật ngữ pháp lý. Ý chính của lá thư chẳng mấy chốc đã lộ rõ: Mở doanh nghiệp ngay tại nhà là hành vi bị cấm, cô phải lập tức chấm dứt mọi hoạt động làm ăn của mình, nếu không sẽ bị đuổi.
Má đỏ bừng bừng, cô lao ra cửa. “Cái quái quỷ gì thế này? Bảo ông chủ của ông, rằng mấy trò sách nhiễu của ông ta chẳng ích gì đâu!”
Ibrahim thở dài, khuỳnh vai lên và cao giọng: “Cô Dalal, tôi đã cảnh báo cô trước rồi! Mọi hành vi vi phạm luật pháp sẽ không được khoan thứ! Lần tới sẽ chẳng có lá thư tử tế nào đâu, mà hẳn một thông báo dọn nhà luôn đấy! Đừng tưởng là…”
Cô đóng sầm cửa lại. Lão lập tức ngừng la lối, bụng mừng thầm vì khỏi phải thuyết hết cả bài. Vừa thở phì phò, lão vừa đưa tay lên chùi trán rồi bỏ đi.
Dina đọc lại lá thư, lòng ngổn ngang. Chỉ mới làm với hai người thợ may được chưa đầy ba tuần mà lão chủ nhà đã đến gây chuyện. Cô chợt nghĩ, không biết có nên kể cho Nusswan, xin anh ta lời khuyên không. Không, cô quyết định, anh ta sẽ chuyện bé xé ra to ngay. Thà rằng cứ tảng lờ và bí mật làm tiếp.
Giờ cô không còn cách nào khác, ngoài việc đặt thêm niềm tin vào hai người thợ, thuyết phục để họ thấy được sự cần thiết của việc giữ kín mọi hoạt động may vá. Cô bèn đem vấn đề ra bàn với Ishvar.
Họ thống nhất câu chuyện bịa sẽ dùng nếu lão thu tiền nhà có bắt gặp hai bác cháu đến hoặc đi khỏi căn hộ. Họ sẽ bảo lão rằng họ tới để quét dọn và nấu nướng cho cô.
Omprakash tự ái lắm. “Cháu là thợ may, chứ không phải một thằng hầu khố rách áo ôm chuyên lo quét nhà lau cửa cho cô ta,” cậu hầm hè khi hai bác cháu trở về vào tối hôm ấy.
“Đừng trẻ con thế, Om. Chỉ là chuyện bịa ra để tránh phiền phức với lão chủ nhà thôi mà.”
“Tránh phiền phức cho ai? Cho cô ta. Cớ gì cháu phải lo? Bác cháu ta còn chẳng được cô ta trả công cho ra hồn. Nếu chúng ta chết ngay ngày mai, cô ta lại kiếm được hai thợ mới ngay thôi.”
“Sao mày toàn nói mà không nghĩ thế? Nếu cô ta bị đuổi khỏi nhà, thì ta còn chỗ nào để làm việc nữa? Mày bị làm sao thế? Đây là công việc tử tế đầu tiên ta kiếm được từ lúc lên thành phố.”
“Vậy cháu phải ăn mừng vì chuyện đó ư? Công việc này sẽ giúp chúng ta được vạn sự như ý chăng?”
“Chỉ mới ba tuần thôi mà. Phải kiên nhẫn, Om ạ. Trên thành phố có rất nhiều cơ hội, rồi mày sẽ có thể biến ước mơ thành sự thực.”
“Cháu chán thành phố lắm rồi. Từ khi đến đây, chúng ta chỉ toàn nếm mùi khổ sở. Cháu chỉ ước mình cứ chết quách ở làng lại hay. Giá mà cháu cũng bị thiêu sống như cả nhà cháu.”
Khuôn mặt Ishvar tối sầm lại, cái má méo mó của ông giần giật trước nỗi đau của thằng cháu. Ông khoác tay lên vai cậu. “Rồi tình hình sẽ khá lên, Om ạ,” ông nài nỉ. “Hãy tin bác, tình hình sẽ khá lên. Rồi ta sẽ trở về làng.”