Thất bại lớn nhất là thất bại trong việc cố gắng.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 65
Cập nhật: 2023-03-26 21:25:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Nguyên Nhân Cuộc Thư Hùng Lâm-Mao
ình đồng chí giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu rất khắng khít trong nhiều năm, tượng trưng cho sự hoà hợp giữa đảng và quân đội. Hai người đã nghe biết và ngưỡng mộ tên tuổi của nhau trước khi gặp nhau lần đầu năm 1928, khi Lâm Bưu tới gia nhập chiến khu Tỉnh Cương Sơn của Mao Trạch Đông. Sau đó Lâm Bưu đã nổi tiếng khi chỉ huy trung đoàn Công Nông thứ 28 thuộc tứ quân do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Khi trung đoàn này phát triển thành lộ quân đầu tiên của hồng quân Trung Hoa thì Lâm Bưu trở thành tư lệnh lúc mới có 23 tuổi.
Những Chiến Công Của Lâm Bưu
Lâm Bưu sinh năm 1907 tại tỉnh Hồ Bắc thuộc một gia đình khá giả và được học hết bậc trung học. Với sức học ấy, Lâm Bưu được coi là có học thức trong các tướng lãnh hồng quân, vì có những danh tướng khác của Trung Cộng xuất thân từ mục đồng, chuyên nghề chăn trâu cắt cỏ như thống chế Bành Đức Hoài, đại tướng tham mưu trưởng Hoàng Vĩnh Thắng… Khi trường quân sự Hoàng Phố thành lập thì Lâm Bưu là một trong những khóa sinh đầu tiên. Năm 1925, Lâm Bưu gia nhập nhóm thanh niên xã hội tại Thượng Hải. Thoạt đầu Lâm Bưu phục vụ trong quân đội của Tưởng Giới Thạch, và tham dự cuộc chiến Bắc Phạt do Tưởng Giới Thạch chủ trương.
Năm 1927, Lâm Bưu bỏ Tưởng Giới Thạch, gia nhập đảng cộng sản Trung Hoa, và tham gia cuộc khởi nghĩa tại Nam Xương ngày 1-8-1927 do Chu Ân Lai điều khiển. Cuộc khởi nghĩa thất bại sau ba ngày chiếm được Nam Xương, và phe cộng sản phải rút lui chạy trốn vào rừng núi, vì không chống lại được lực lượng hùng mạnh của tướng Trương Phát Khuê. Đến tháng 3 năm 1928, Lâm Bưu và nhóm cộng sản thất bại tại Nam Xương gia nhập đạo quân của Mao Trạch Đông và Chu Đức tại Tỉnh Cương Sơn. Binh nghiệp của Lâm Bưu là những bước tiến mau lẹ lên những cấp bậc cao hơn. Năm 1929, Lâm Bưu trở thành tư lệnh một quân đoàn nhờ sự nâng đỡ của Mao Trạch Đông. Đó là quân đoàn số 1 của hồng quân Trung Hoa.
Lâm Bưu có hai nhược điểm là không có tài gây ấn tượng trước quần chúng và sức khoẻ yếu kém. Lâm nhỏ con, gầy yếu và xanh xao, tướng mạo không có gì đặc biệt, trừ cặp lông mày quá rậm và chiếc mũi quá cao so với một người Trung Hoa bình thường. Tuy thế Lâm Bưu cũng là một con người đầy nghị lực và quyết tâm, cũng như có khả năng quân sự thiên phú. Lâm Bưu dường như là một viên tướng gặp vận may nhiều nhất và con đường võ nghiệp của Lâm Bưu tiến bộ cực kỳ mau lẹ, được nắm quyền chỉ huy những đại đơn vị khi còn rất trẻ.
Lâm Bưu tiếp tục tạo được những kỳ công chiến trường trong suốt bốn đợt bao vây tiễu trừ của Tưởng Giới Thạch, tấn công vào văn cứ sô viết Giang Tây. Nhưng đến đợt bao vây lần thứ năm thì hồng quân tại Giang Tây bị quân của Tưởng Giới Thạch đánh bại, và bắt buộc phải dẫn nhau chạy trốn lên miền Thiểm Tây hoang giá trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Lâm Bưu chỉ huy lộ quân trung ương trong cuộc di tản chiến thuật này. Khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh chấm dứt, Lâm Bưu được phong làm tư lệnh phó của cả hồng quân Trung Hoa.
Năm 1936, sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Lâm Bưu trở thành giám đốc Học viện Quân sự Diên An. Trong những cuộc tranh chấp nội bộ trong cộng đảng Trung Hoa sau đó, đôi khi Lâm Bưu cũng bất đồng quan điểm với Mao Trạch Đông, nhưng bao giờ cũng đứng trong phe của Mao. Năm 1937 Lâm Bưu chỉ huy sư đoàn 115 thuộc bát lộ quân mới thành lập cùng với Nhiếp Vĩnh Trăn làm chính uỷ. Lâm Bưu chứng tỏ tài năng quân sự quán thế trong một trận đánh nổi tiếng, đánh bại đoàn quân Nhật bách chiến bách thắng của tướng Itagaki Seshiro tại Bình Hình Quan. Chiến thắng này tạo được một niềm phấn khởi vô biên cho Trung Hoa, và cũng là một khúc quanh lịch sử quan trọng cho Trung Hoa và cho sự nghiệp của cả Lâm Bưu và Mao Trạch Đông.
Sau đó Lâm Bưu phải sang Nga Sô để điều trị các thương tích của những trận đánh trong năm 1938. Trong thời gian dưỡng thương tại Nga Sô, Lâm Bưu đảm nhiệm chức vụ đại diện cho Trung Cộng tại tổ chức cộng sản quốc tế tại Mạc Tư Khoa. Năm 1942 Lâm Bưu trở về Trung Hoa và làm viện trưởng Viện Chính trị Quân sự chống Nhật tại Diên An. Lâm Bưu ủng hộ Mao Trạch Đông hơn bao giờ hết. Lâm Bưu tuyên bố cộng đảng Trung Hoa có thể thành công như cộng đảng Nga Sô nếu được Mao Trạch Đông tiếp tục lãnh đạo. Tháng 4-1945 Lâm Bưu được bầu làm ủy viên ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Trung Hoa.
Sau khi Nhật Bản đầu hàng tháng 9-1945, Mao phái Lâm Bưu sang Mãn Châu nắm quyền quân sự và chính trị tối cao tại đây. Lâm đã thành công giữ cho lực lượng cộng sản đương cự với quân đội Quốc dân đảng mạnh hơn, mà chỉ bị rất ít tổn thất. Đến năm 1947 thì Lâm Bưu đã loại được Quốc dân đảng và làm chủ được toàn thể lãnh thổ Mãn Châu. Tháng 10-1948 Lâm Bưu trở thành tư lệnh của đệ tứ dã chiến quân cùng với La Vĩnh Hoàn làm chính ủy. Trong giai đoạn từ 1947 đến 1949, Lâm Bưu tiến xuống miền nam và lãnh đạo một trong ba chiến dịch quan trọng nhất đánh bại Quốc dân đảng. Chiến thắng cuối cùng của Lâm Bưu là chiếm được đảo Hải Nam tại miền cực nam của Trung Hoa. Quân số dưới quyền Lâm Bưu bành trướng từ một trăm ngàn lên tới trên một triệu. Lâm đã đạt được chiến thắng trên khắp lãnh thổ Trung Hoa. Chính vì thế, mặc dầu mới có 42 tuổi, Lâm Bưu đã trở thành một nhân vật danh tiếng lẫy lừng nhất của quân đội nhân dân Trung hoa.
Từ 1949 đến 1954, Lâm Bưu là ủy viên Hội đồng Chính phủ Nhân Dân Trung ương, và đồng thời là phó chủ tịch Hội đồng Quân sự, kiêm chủ tịch ủy ban quân quản tại miền nam Trung Hoa. Lâm Bưu đứng hàng thứ ba trong số mười thống chế của hồng quân Trung Hoa, sau Chu Đức và Bành Đức Hoài. Sau cuộc giải phóng, Lâm Bưu dường như lui vào bóng tối. Lâm Bưu rất ít khi xuất hiện trước công chúng, một phần vì lý do sức khoẻ. Tuy nhiên Lâm Bưu vẫn tiếp tục giữ những chức vụ quân sự và chính trị cao cấp, và được quân đội hậu thuẫn. Lâm Bưu đã lợi dụng lúc thống chế Bành Đức Hoài bận chỉ huy chí nguyện quân Trung Hoa tại Hàn Quốc và thống chế Chu Đức quá già yếu, để củng cố quyền lực của mình trong bộ máy quân sự Trung Cộng. Lâm Bưu có bốn thuộc hạ thân tín trong quân đội, và bốn tướng này thường được gọi là Tứ Đại Kim Cương của Lâm Bưu.
Tứ Đại Kim Cương
Hoàng Vĩnh Thắng, đại tướng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Trung Hoa, là viên tướng đứng đầu Tứ Đại Kim Cương. Hoàng Vĩnh Thắng là một trẻ mục đồng tại tỉnh Giang Tây trước khi gia nhập hồng quân. Năm 1931 Hoàng Vĩnh Thắng trở thành một trung đoàn trưởng. Trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Hoàng Vĩnh Thắng nổi danh là một anh hùng trong hồng quân tại cầu Đại Độ. Khi ấy hồng quân bị quân Qưốc dân đảng truy đuổi ráo riết, và chạy tới bờ sông Đại Độ, một con sông hiểm trở có nhiều ghềnh thác chảy xiết và nhiều vực thẳm. Trong lịch sử Trung Hoa đã có nhiều trận đánh quyết định ngay trên bờ sông Đại Độ này. Con sông Đại Độ chỉ có một cây cầu bằng giây xích lớn bắc ngang sông, bên trên giây xích là những tấm ván bằng gỗ. Khi thấy hồng quân tiến tới gần con sông, quân đội của sứ quân Lưu Văn Hội đã tháo gỡ những tấm ván gỗ bắc trên những sợi xích, khiến cho hồng quân không qua sông được và mắc kẹt bên bờ sông, trong lúc đại quân Quốc dân đảng đang gấp rút đuổi tới phía sau. Vượt qua cầu Đại Độ là một trong những khó khăn lớn nhất của hồng quân trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Một số hồng quân, trong đó có Hoàng Vĩnh Thắng, liều mạng đu theo những giây xích sang tấn công quân trú phòng ở đầu cầu bên kia, trong lúc súng máy của quốc quân bắn xối xả. Rất nhiều hồng quân trúng đạn rơi xuống sông. Nhưng một số ít, trong đó có Hoàng Vĩnh Thắng, qua được đầu cầu bên kia, ném lựu đạn vào các ổ phòng thủ của quốc quân, và chiếm được đầu cầu.
Tuy nhiên sự thực không đúng như tài liệu của hồng quân ghi lại. Tình hình cuộc Vạn Lý Trường Chinh do chính những hồng quân trong cuộc kể lại, và do đó không khỏi có phần đề cao và phóng đại thành tích của hồng quân. Thực ra gặp lúc cực kỳ khốn quẫn tại bờ sông Đại Độ, Mao Trạch Đông đã viết thư năn nỉ xin sứ quân Lưu Văn Hội mở đường cho hồng quân thoát hiểm. Mao Trạch Đông cũng giải thích cho Lưu Văn Hội biết rằng sau khi Tưởng Giới Thạch diệt xong phe cộng sản thì sẽ quay lại diệt các sứ quân. Lưu Văn Hội cũng e sợ Tưởng Giới Thạch sẽ tiêu diệt mình, một khi đã loại trừ được Mao Trạch Đông và phe cộng sản, nên quyết định để cho hồng quân qua cầu Đại Độ. Sau này khi cộng sản làm chủ Hoa lục, Lưu Văn Hội được Mao Trạch Đông rất trọng dụng để trả ơn cứu tử tại cầu Đại Độ. Trong cuộc Cách mạng Văn hoá, Hoàng Vĩnh Thắng được Lâm Bưu bổ nhiệm vào chức tổng tham mưu trưởng, thay thế tướng Dương Thành Vũ.
Viên tướng thứ hai trong Tứ Đại Kim Cương là Ngô Pháp Hiến, tư lệnh không quân. Ngô Pháp Hiến là đại diện không quân trong Bộ Chính Trị. Họ Ngô khởi binh nghiệp bằng các chức vụ chính ủy của các trung đoàn và sư đoàn. Trong trận đánh Thiên Tân dưới quyền chỉ huy của Lâm Bưu, Ngô Pháp Hiến là chính ủy của đệ tứ dã chiến quân, và sau đó giữ chức vụ then chốt tại Quảng Tây. Năm 1957 họ Ngô trở thành chính ủy của không quân và đến năm 1965 trở thành tư lệnh không quân. Ngô Pháp Hiến có liên hệ mật thiết với Lâm Bưu từ cuộc chiến tranh Quốc-Cộng. Vì thế năm 1967 Ngô Pháp Hiến được Lâm Bưu bổ nhiệm thêm chức vụ điều khiển bộ máy an ninh chính trị của hồng quân Trung Hoa.
Người thứ ba là Khâu Hộ Tác, tư lệnh hậu cần của hồng quân Trung Cộng và được coi là người tin cẩn nhất của Lâm Bưu. Năm 1949 Khâu Hộ Tác nắm phân bộ chính trị tại Hồ Nam và phục vụ cho đệ tứ dã chiến quân. Từ 1952 đến 1954, họ Khâu đảm trách chính trị cho toàn thể miền nam Trung Hoa, và sau đó làm chính ủy cho quân khu Quảng Đông. Năm 1955 Khâu Hộ Tác được thăng chức trung tướng. Từ năm 1959 trở đi, họ Khâu đảm trách phần vụ hậu cần cho hồng quân Trung Cộng và là hội viên của Quân ủy hội từ năm 1965. Năm 1969, nhờ ảnh hưởng của Lâm Bưu, Khâu Hộ Tác trở thành ủy viên chính thức của Bộ Chính Trị.
Người cuối cùng trong Tứ Đại Kim Cương là Lý Tác Bằng, chính ủy hải quân. Họ Lý sinh tại Giang Tây và chiến đấu với Lâm Bưu tại Mãn Châu. Trong những năm 1950, họ Lý phục vụ tại Hải Nam và được phong chức phó đô đốc. Năm 1964 Lý Tác Bằng trở thành tư lệnh phó của hải quân. Vốn thân cận Lâm Bưu từ nhiều năm, Lý Tác Bằng trở thành một nhân vật chính yếu trong bộ máy an ninh chính trị của hồng quân Trung Cộng.
Khi thay thế Bành Đức Hoài trong chức bộ trưởng quốc phòng, Lâm Bưu đã thành công thu phục được tất cả quyền hành cá nhân của Bành Đức Hoài trong các tổ chức quân đội. Nhưng phải mãi đến năm 1966, khi cuộc Cách mạng Văn hoá khởi sự thì quyền hạn của Lâm Bưu mới thực sự bắt đầu lan rộng. Thời kỳ này đã tạo cho Lâm Bưu một cơ hội ngàn năm một thuở, để bành trướng ảnh hưởng bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự, một tài năng đặc biệt của Lâm Bưu.
Cuộc Cách mạng Văn hoá do Mao Trạch Đông phát động, đã gây nên một sự hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử Trung Hoa. Mao chủ trương “lấy đại loạn đạt tới đại trị” nên vào lúc sôi nổi nhất thì các phe nhóm hỗn chiến với nhau ngay ngoài đường phố, trong xưởng máy và trường học. Các người đồng chí cũ say sưa giết nhau bằng gậy gộc, dao búa hoặc bất cứ vật gì vớ được. Cuộc cách mạng hung hãn đến nỗi Chu Ân Lai cũng phải than, “Thực là một cảnh không rét mà run!” Trường học và cơ xưởng hầu như bị tê liệt, phải đóng cửa và nền kinh tế quốc gia ngưng trệ. Nhưng tại sao Mao phát động một cuộc cách mạng tai hại đến như thế?
Trước hết chúng ta phải nhận thức tinh thần độc tôn của Mao Trạch Đông. Trong con người của Mao có hai cá tính khác nhau, một cá tính của một lãnh tụ cách mạng, và một cá tính của một vị hoàng đế. Mao đã thực sự trở thành một hoàng đế tân thời có quyền hành vô biên, nhưng vẫn cố gắng đóng cái vỏ bề ngoài là một lãnh tụ cách mạng. Mao coi mình vượt lên trên tất cả mọi người khác, như một hoàng đế ngày xưa vậy. Mao nghĩ rằng mình là người sáng lập đảng cộng sản thì mình cũng có quyền thay đổi đảng theo ý riêng có lợi cho cá nhân mình. Chính Mao là người xây dựng đảng cộng sản Trung Hoa, nhưng cũng chính Mao là người nhiều lần phá hoại đảng này. Vì muốn duy trì chỗ đứng truyệt đỉnh trong tâm trí quần chúng Trung Hoa, nên Mao ganh ghét giới trí thức vốn được quần chúng ngưỡng vọng. Mao coi sự xuất hiện của giới thượng lưu trí thức Trung Hoa như là một sự thất bại của cuộc cách mạng, và cũng là một sự đe dọa cho địa vị độc tôn của mình. Mao đã tìm mọi cách đầy ải sỉ nhục giới trí thức, như bắt họ phải về miền quê làm công việc hốt phân. Nhiều trí thức như nhà văn Lão Xá, nhà toán học danh tiếng Hoa La Canh, viện trưởng Hàn lâm Khoa học Tôn Đề Phương, phó chủ tịch Hàn Lâm Khoa học Lý Bồi Sâm đã bị đem ra sỉ nhục. Mao gọi trí thức là “tư sản” hoặc “tiểu tư sản,” là một giai cấp “bẩn thỉu.” Theo Mao thì chỉ có giai cấp công nông “là trong sạch hơn cả.” Mao đã thành công phân tán lực lượng trí thức vốn đã yếu kém của Trung Hoa. Ngoài ra tinh thần độc tôn đưa Mao đến việc tìm cách diệt trừ những người có hy vọng thừa kế mình. Mao không chấp nhận một ai được bình đẳng với mình. Một trong những lý do khiến Mao phát động cuộc Cách mạng Văn hoá là muốn loại trừ Lưu Thiếu Kỳ, tổng thống Trung Cộng và là người thừa kế chính thức của Mao.
Lưu Thiếu Kỳ là một đảng viên cộng sản kỳ cựu, gia nhập cộng đảng từ năm 1921 trong lúc là một sinh viên du học tại Nga Sô. Tại Diên An trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, chính Lưu Thiếu Kỳ là người đã cố công đặt Mao Trạch Đông ngang hàng với Các-Mác và Engels. Lưu cũng là người đầu tiên nói về “Tư tưởng Mao Trạch Đông,” và phát động phong trào thần thánh hóa Mao. Năm 1949 Lưu Thiếu Kỳ đứng bên cạnh Mao Trạch Đông tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, trong lúc Mao tuyên cáo thành lập nước Công hoà Nhân dân Trung Quốc. Sau đó Lưu Thiếu Kỳ đảm nhiệm chức vụ tổng thống đầu tiên của quốc gia này.
Tuy Lưu Thiếu Kỳ cực lực ủng hộ Mao Trạch Đông nhưng họ Lưu là một người khác hẳn Mao Trạch Đông. Mao là người thích thay đổi luật lệ để thích hợp với hoàn cảnh và phục vụ cho quyền lợi của mình, thì Lưu Thiếu Kỳ là một người rất khuôn mẫu. Mao nhấn mạnh sự tranh đấu giai cấp và động viên quần chúng cho cuộc tranh đấu này, thì Lưu Thiếu Kỳ nhấn mạnh kỷ luật và sự đồng nhất. Trên một phần tư thế kỷ, Lưu Thiếu Kỳ là sức mạnh xây dựng và quân bình cho đảng và chế độ Trung Cộng. Lưu từng tuyên bố, “Nhân loại gồm cả những địa chủ, phú nông, những kẻ phản động và các phần tử xấu. Giai cấp vô sản không ích kỷ, và có một tâm hồn cởi mở. Giai cấp vô sản không thể giải phóng được xã hội mà không cải tạo các phần tử xấu thành những con người tốt.” Trái lại, định nghĩa về “nhân dân” của Mao Trạch Đông hoàn toàn khác hẳn. Mao loại trừ địa chủ, phú nông, phản động và phần tử xấu ra khỏi nhân dân. Theo Mao thì chính vì chống lại các phần tử xấu trong nhân dân mà người vô sản phải đứng lên chiến đấu.
Mao đã phạm phải một số lỗi lầm trong chiến dịch Bước Tiến Nhảy Vọt và cuộc hạ bệ Bành Đức Hoài. Uy tín của Mao không còn hoàn toàn như trước nữa, trong khi đó Lưu Thiếu Kỳ vẫn được quần chúng quý trọng, vì Lưu chủ trương cho quần chúng được hưởng một phần quyền tư hữu. Đấy chính là mầm mống cái chết của Lưu Thiếu Kỳ: Mao không thể chấp nhận có một lãnh tụ khác ngang hàng với mình, và đe dọa địa vị của mình. Giang Thanh được Mao giao cho trọng trách lãnh đạo cuộc cách mạng, lấy sức mạnh của Thượng Hải áp đảo phe chính trị tại Bắc Kinh. Giang Thanh cùng ba đồng chí lãnh đạo cuộc cách mạng được gọi là “tứ nhân bang.” Tứ nhân bang gồm có Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn. Giang Thanh dùng hàng triệu trẻ con, thành lập đạo quân Vệ Binh Đỏ, gồm những đứa trẻ, nhiều khi còn hỷ mũi chưa sạch, đứng ra làm việc nước. Những vị “tiểu tướng quân” này tha hồ đập phá, và hành hạ đánh đập những người bị tình nghi chống lại Mao Trạch Đông. Chính trong giai đoạn này kho tàng văn hoá của Trung Hoa bị huỷ diệt nhiều nhất.
Cuộc Cách mạng Văn hoá chủ trương phá bỏ Tứ Cổ Hủ, tẩy trừ bốn cái cũ, như tư tưởng cũ, văn hoá cũ, phong tục cũ và tập quán cũ, và triển khai cuộc vận động Tứ Thanh (bốn cái trong sạch), gồm có trong sạch về tổ chức, trong sạch về tư tưởng, trong sạch về chính trị và trong sạch về kinh tế. Nhưng tất cả chỉ là cái diện bề ngoài, còn mục đích chính là loại các đối thủ chính trị để giữ vững địa vị độc tôn cho Mao Trạch Đông và phe nhóm Giang Thanh. Thoạt đầu cuộc cách mạng tấn công những nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh như Bành Chân và Ngô Hàm, thị ủy và phó thị ủy Bắc Kinh. Ngô Hàm bị bức hại chết trong ngục; vợ Ngô Hàm là bà Viên Chấn, một nhà trí thức, cũng bị bức tử. Nhưng mục tiêu tối hậu phải là Lưu Thiếu Kỳ.
Ngày 10-4-1967, vệ binh đỏ xông vào tư dinh của Lưu Thiếu Kỳ trong khu vực Trung Nam Hải nằm về phía tây Cấm Thành, và bắt vợ của ông là bà Vương Quang Mỹ, dẫn ra quỳ trước một đám đông trên một trăm ngàn người tại đại học Bắc Kinh để nghe vệ binh đỏ kể tội. Theo vệ binh đỏ thì tội của bà Vương Quang Mỹ nhiều lắm. Một trong số những tội đáng kể của bà là vào năm 1963, bà đã mặc một chiếc áo xường xám để hở cả đùi, đã ôm và khiêu vũ với tổng thống Nam Dương Sukarno, đã bắt tay với những vũ công cổ truyền Nam Dương ăn mặc gần như trần truồng. Ngày 18-7, vệ binh đỏ lại vào khu vực Trung Nam Hải và kêu gọi đuổi vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi khu vực sang trọng này.
Ngay buổi tối hôm đó, vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ bị dẫn tới hai buổi đấu tố khác nhau. Lưu Thiếu Kỳ lúc đó đã gần 70 tuổi, phải đứng cúi khom người suốt hai giờ đồng hồ để nghe đám đông hạch tội và hành hạ. Hai tuần lễ sau đó, vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ lại phải trải qua một cuộc đấu tố khác. Vệ binh đỏ dùng cuốn sách “Tư Tưởng Mao Trạch Đông” đánh vào mặt Lưu Thiếu Kỳ đến sưng vù lên. Vị tổng thống đầu tiên của Trung Hoa trông thật thảm hại, tuột cả giầy và chân bị cứng đơ. Sau đó vệ binh đỏ dẫn hai vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ giam lại. Khi được vệ binh đỏ dẫn đi ngang qua mặt chồng, bà Vương Quang Mỹ vùng ra khỏi tay vệ binh đỏ, và nhào lại ôm choàng lấy chồng. Hai vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ nắm chặt tay nhau, mặt nhìn mặt tha thiết đầy thương cảm, không đếm xỉa gì tới sự đấm đá giằng giật của vệ binh đỏ, vì ông bà biết rằng đây là giây phút cuối cùng hai người còn nhìn thấy nhau. Cuối cùng vệ binh đỏ đánh gục Lưu Thiếu Kỳ và giằng được bà vợ ra và dẫn đi. Đó là lần cuối cùng hai vợ chồng già được gặp nhau.
Sau đó hai vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ bị đem đi biệt giam. Sức khoẻ của họ Lưu suy giảm mau lẹ sau những trận đòn hội chợ. Lúc đầu Lưu Thiếu Kỳ phải mất từ một đến hai giờ mới mặc được quần áo, phải mất một giờ mới có thể lần mò đi tới phòng ăn. Về sau Lưu Thiếu Kỳ không còn đi được nữa. Người ta phải mang đồ ăn tới phòng giam của ông. Tuy vậy cơm nước cũng không được cung cấp đều đặn. Đồ ăn cho một bữa phải dành ăn cho vài ngày. Đồ ăn khô cứng và có mùi chua, và ông chỉ còn lại có bẩy cái răng. Chân tay run rẩy nên ông không thể tự múc đồ ăn mà không làm đổ. Cuối cùng Lưu Thiếu Kỳ bị bệnh tiểu đường, nhưng vệ binh đỏ cấm ông dùng thuốc.
Khi bác sĩ được gọi tới chữa trị cho Lưu Thiếu Kỳ thì các đề nghị của bác sĩ đều bị bác bỏ. Lưu Thiếu Kỳ được phép sống, nhưng phải sống để chịu đựng những sự đau đớn ê chề. Trong phòng của họ Lưu chứa đầy những khẩu hiệu buộc tội. Những người có nhiệm vụ săn sóc Lưu Thiếu Kỳ, như y tá, thì lại dùng ống nghe của bác sĩ để đánh ông. Những mũi thuốc chích chỉ có mục đích tạo sự đau đớn cho thân xác. Dần dần Lưu Thiếu Kỳ yếu đến nỗi không ra khỏi giường được. Chẳng có ai bận tâm đến thay quần áo cho ông, và cũng chẳng có ai dẫn ông vào phòng vệ sinh.
Ngày 24-11-1968, đúng ngày sinh nhật thứ 70, Lưu Thiếu Kỳ không ăn được nữa, và đồ ăn phải được chuyển vào qua mũi. Lưu nằm đó trong cơn đau đớn để nhận được tin của đại hội đảng lần thứ tám, đã khai trừ ông ra khỏi đảng. Ngày 1-10-1969, Lâm Bưu ra lệnh đưa tất cả nhân viên cao cấp đang bị thất sủng vào khám đường tỉnh Khai Phong. Lưu Thiếu Kỳ gần như loã thể được chở đi vào giữa đêm khuya lạnh lẽo, và do đó ông bị bệnh sưng phổi. Một tháng sau, ngày 12-11-1969, Lưu Thiếu Kỳ từ trần vì nhiều thứ bệnh. Một vệ sĩ cũ của Lưu Thiếu Kỳ được lệnh gọi từ Bắc Kinh tới Khai Phong để nhận xác. Khi tới nơi, người vệ sĩ thấy chủ cũ nằm trần truồng trên nền nhà, mình phủ một tấm khăn giường.
Người vệ sĩ cũ cắt tóc, cạo râu và mặc quần áo cho Lưu Thiếu Kỳ rồi chụp một tấm hình cuối cùng. Nửa đêm hôm đó, xác của Lưu Thiếu Kỳ được xe díp quân đội chuyển sang nhà thiêu xác một cách bí mật, hai cẳng chân của ông thò cả ra ngoài xe. Lưu Thiếu Kỳ được thiêu xác dưới cái tên Lưu Vệ Hoàng. Mãi ba năm sau con cháu nhà họ Lưu mới được thông báo về cái chết của Lưu Thiếu Kỳ, và phải mười năm sau quần chúng mới biết về cái chết của ông.
Mặc dù Lưu Thiếu Kỳ, nguyên nhân của cuộc Cách mạng Văn hoá, đã chết rồi, nhưng các cuộc hỗn loạn vẫn tiếp tục dữ dội như trước. Lơi dụng tình thế đó, Lâm Bưu hướng dẫn quân đội ủng hộ “phe tả”. Lâm Bưu biết rất rõ là tất cả mọi phe phái thù nghịch nhau đều tự nhận là “phe tả” cả. Tất cả đều giương danh Mao và văn hoá để giết lẫn nhau cho mục đích tranh giành quyền hành và chức vị. Lâm Bưu ra lệnh cấp phát vũ khí cho mọi phe thù nghịch nhau một cách rất rộng rãi để cho họ mặc sức giết nhau. Lâm Bưu đã biến cuộc Cách mạng Văn hoá thành một cuộc nội chiến trên toàn quốc. Các địa danh Trung Hoa trở thành những bãi chiến trường, và hàng trăm ngàn người bỏ mạng trong các cuộc hỗn chiến. Trong lúc đó Lâm Bưu hờm sẵn, đóng vai ngư ông chờ đợi, tung một mẻ lưới quơ trọn quyền hành của cả hai phe Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ.
Giữa cơn máu lửa, Mao Trạch Đông thấy mình đã đạt được mục tiêu, nhưng cuộc cách mạng đã đi quá đà. Những người do Mao chỉ định lãnh đạo cuộc Cách mạng Văn hoá như Giang Thanh và Trương Xuân Kiều đã không muốn ngưng cuộc cách mạng. Giang Thanh thấy đây là cơ hội loại hết đối thủ để có thể trở thành chúa tể Trung Hoa.
Giang Thanh rất thân mật với Trương Xuân Kiều. Người ta đồn hai người tư tình với nhau và đã sinh được một đứa con riêng. Mao không còn kiềm chế được Giang Thanh nữa, vì Giang Thanh đã nắm được một nhược điểm của Mao. Mao và người nữ thư ký riêng tư tình với nhau và sinh được một đứa con. Việc đó Mao và người nữ thư ký giữ hết sức bí mật, nhưng Giang Thanh cũng biết được và dùng việc đó như một lá bùa để bắt bí Mao. Mao rất sợ thần tượng của mình bị mai một nên cứ đành để Giang Thanh lộng hành một thời gian khá dài. Lần đầu tiên kể từ năm 1949, Mao cảm thấy quyền kiểm soát Trung Hoa của mình lâm vào một tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Chu Ân Lai đã báo cho Mao biết nền kinh tế đã tới bên bờ vực thẳm. Chu Ân Lai đã phải dùng hầu hết ngân sách quốc gia để tránh một sự đổ vỡ hoàn toàn. Cuối cùng Mao quyết định không còn cách nào khác hơn là phái “Quân đoàn 8341” và vệ binh thân tín ra tái lập trật tự tại các trường học và cơ xưởng tại Bắc Kinh.
Thời cơ mong đợi của Lâm Bưu đã tới. Dựa theo hành động của Mao, và dùng danh hiệu của Mao, Lâm Bưu tung quân đội ra tái lập trật tự và kiểm soát toàn thể Trung Hoa. Quân đội đã mau lẹ làm chủ tình thế, và Trung Hoa hầu như nằm trong tay Lâm Bưu. Các phe nhóm thù nghịch nhau trước kia được Lâm Bưu trợ giúp vũ khí tận tình thì nay được nếm mùi vị trừng phạt của Lâm Bưu. Tất cả vũ khí đều bị tịch thu lại, và tất cả các phe thù nghịch nhau đều bị phân hoá, sát nhập vào các cơ chế quân sự của Lâm Bưu. Cuộc Cách mạng Văn hoá tạm thời tan rã.
Mao Trạch Đông cám ơn Lâm Bưu đã ra tay “giải phóng” quốc gia một lần nữa. Điều Mao không ngờ là sự kiểm soát quân sự của Lâm Bưu trở thành vĩnh viễn, và Lâm Bưu không tỏ dấu sẽ bước xuống, nhường quyền lực lại cho đảng và nhà nước. Ngoại trừ Thượng Hải nằm chắc trong tay Trương Xuân Kiều, tất cả các ủy ban tỉnh và thành thị trên toàn quốc đều nằm trong tay quân đội. Vì thế trong kỳ đại hội đảng năm 1969, Lâm Bưu chính thức được đề cử làm người thừa kế Mao. Lâm Bưu trở thành người mạnh nhất. Phe của Lâm Bưu nắm giữ trên 50% thành phần chính phủ và quốc hội. Trong số 150 chức chủ tịch ủy ban của đảng thì trên 100 chức nằm trong tay các tư lệnh quân đội; một số chức chủ tịch còn lại cũng nằm trong tay những người gốc quân đội, trước kia từng phục vụ dưới quyền Lâm Bưu. Ngay một số bộ trưởng của thủ tướng Chu Ân Lai cũng là người của Lâm Bưu. Cả trong Bộ Chính Trị, phe Lâm Bưu cũng chiếm đa số, gồm có Lâm Bưu, bà vợ Diệp Quần, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khâu Hộ Tác, Trần Bá Đạt, Hứa Thế Du, tư lệnh quân khu Nam Kinh, Lý Đức Sinh, tư lệnh tỉnh đội An Huy và Lý Tuyết Phong, chính ủy quân khu Bắc Kinh.
Trong tổ chức quân đội thì quyền hạn của Lâm Bưu trở nên tuyệt đối. Tay chân thân tín của Lâm Bưu nắm chức tư lệnh của những quân khu lớn. Chỉ một người duy nhất có thể làm thay đổi cán cân lực lượng lúc đó là Mao Trạch Đông. Tuy nhiên ảnh hưởng của Mao trong quân đội lúc đó không còn được coi là chắc chắn nữa. Trong một thời gian khá lâu, Mao đành để cho uy tín của Lâm Bưu vươn lên mà không làm gì được. Bây giờ thay vì phục vụ cho Mao thì nhóm thân cận của Lâm Bưu bắt đầu gây áp lực cho Mao. Các tướng lãnh bây giờ hướng về Lâm Bưu để nhận mệnh lệnh thay vì hướng về Mao Trạch Đông như trước. Trong một diễn văn ngày Quân Lực 1-8-1970, tổng tham mưu trưởng Hoàng Vĩnh Thắng đã nói, “Quân đội giải phóng nhân dân của chúng ta là do Mao chủ tịch, lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, đích thân xây dựng và lãnh đạo, và do Lâm phó chủ tịch trực tiếp chỉ huy.” Hoàng Vĩnh Thắng muốn nhấn mạnh sức mạnh quân sự bây giờ nằm trong tay Lâm Bưu, chứ không còn của Mao Trạch Đông nữa. Cán cân quyền lực đã thay đổi và khó tái lập lại như cũ.
Nếu đúng lúc ấy Lâm Bưu tiến lên thì có thể loại được Mao Trạch Đông để làm lãnh tụ số một. Nhưng bản tính Lâm Bưu vốn quá cẩn thận nên đã bỏ lỡ cơ hội. Mao rất cần thời giờ để xoay chuyển lại tình thế. Con sư tử Lâm Bưu mà không tung móng vuốt ngay thì lâu dần sẽ bị con quỷ chính trị Mao Trạch Đông quật ngược lại. Đó là kết quả của đại hội đảng tại Lư Sơn năm 1970. Lâm Bưu bị Mao lừa gạt và chiếm lại được thế thượng phong.
Bây giờ Lâm Bưu ở vào thế cưỡi cọp, tiến thoái đều khó khăn. Lâm Bưu đã toan tính nhiều phương cách khác nhau, và đều đi đến kết luận là chẳng phương cách nào toàn vẹn cả. Mao Trạch Đông đã chính thức tuyên chiến. Bây giờ Lâm Bưu hoặc chẳng làm gì cả để bị Mao đánh bại, hoặc nhất quyết “chơi” lại và hy vọng có thể thắng. Đánh bại chủ tịch đảng và nhà nước có nghĩa là phải đảo chánh. Khi Lâm Bưu đi đến kết luận này rồi thì nhất quyết không trở lui nữa. Trước hết Lâm Bưu bàn với bà vợ Diệp Quần. Diệp Quần vẫn có tham vọng chính trị lớn, muốn thay thế vai trò của Giang Thanh, nhưng nếu phải phiêu lưu đảo chánh thì nguy hiểm quá, nên bà hoảng sợ, năn nỉ chồng tìm cách khác. Lâm Bưu nổi giận hét lên, “Lâm Bưu này có còn là Lâm Bưu nữa hay không?” Bà vợ không biết nói sao, đành phải chấp nhận quyết định của chồng.
Vấn đề khó khăn của Lâm Bưu là chọn người cộng sự. Diệp Quần giúp chồng thảo một danh sách gồm 200 người có thể tham dự cuộc đảo chánh. Lâm Bưu xem xét từng người và cuối cùng loại bỏ toàn bộ danh sách. Lâm Bưu sợ một nhóm đảo chánh đông đảo như vậy có thể gây rắc rối khó khăn, và khó bảo mật được kế hoạch. Lâm Bưu nghĩ đến một kế hoạch khác, dùng một vài tướng tư lệnh quân khu mà ông sẽ thuyên chuyển, đặc biệt là quân khu Nam Kinh và Thẩm Dương. Lâm Bưu nghĩ hai quân khu Thẩm Dương và Nam Kinh có thể kết hợp với quân khu Quảng Châu do người của Lâm Bưu chỉ huy, làm thành nòng cốt cho cuộc đảo chánh. Nhưng cuối cùng Lâm Bưu cũng bác bỏ ý định này, vì sợ rằng thay đổi nhân sự sẽ mất nhiều thời giờ. Lâm Bưu đặc biệt muốn giới hạn kế hoạch trong số những cộng sự mà ông đã biết rõ.
Cuối cùng Lâm Bưu chỉ chọn bốn danh tướng đàn em, Tứ Đại Kim Cương, là Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng và Khâu Hộ Tác. Với sự trợ giúp nhiệt tình của bốn tướng này, Lâm Bưu đã củng cố được sức mạnh của mình trong quân đội. Lâm Bưu không tin cẩn ai hơn bốn tướng đàn em này. Hoàng, Ngô, Lý và Khâu được coi như bốn người em kết nghĩa của Lâm Bưu. Sự kết nghĩa bắt đầu từ những ngày đầu của cuộc Cách mạng Văn hoá khi cả bốn người đều bị vệ binh đỏ tấn công và được Lâm Bưu ra tay bảo vệ, và đưa họ lên địa vị ngày nay. Để tưởng nhớ công ơn hải hà của Lâm Bưu, ngày 13-5-1967, tất cả bốn viên tướng bí mật tuyên thệ kết hợp thành một khối để phục vụ cho Lâm Bưu và bà Diệp Quần. Từ đó hàng năm cứ đến ngày 13-5, bốn viên tướng này lại họp mặt nhau để củng cố thêm tình kết nghĩa.
Mặc dầu Lâm Bưu rất tin tưởng ở lòng trung thành của bốn tướng Hoàng, Ngô, Lý và Khâu, nhưng Lâm Bưu vẫn chuẩn bị có thể họ không đồng ý lệnh đảo chánh của mình. Theo thói quen cẩn thận mỗi khi gặp một vấn đề quan trọng, Lâm Bưu tìm gặp và thuyết phục từng người một, và cũng để dò xét phản ứng của họ. Người được gọi đầu tiên là Hoàng Vĩnh Thắng, rồi đến Ngô Pháp Hiến. Ngô Pháp Hiến sẽ được biết rằng Hoàng Vĩnh Thắng đã đổng ý rồi. Kế đó là Lý Tác Bằng và Khâu Hộ Tác. Mỗi người sẽ được cho biết quyết định của người đã được mời trước. Nếu một người nào thối lui thì đó là dấu hiệu phản bội, và lập tức sẽ bị bắt cóc và thủ tiêu bằng một cái chết có thể coi chết vì bệnh tim. Vốn cẩn thận, Lâm Bưu đã có sẵn bên cạnh hai chuyên viên, một người có khả năng làm cho nạn nhân trở thành ngơ ngẩn mất trí, người kia có thể làm nạn nhân bị bệnh đứt gân máu như thật.
Khi Hoàng Vĩnh Thắng nghe quyết định của Lâm Bưu thì hắn sợ hãi và bật khóc. Lâm Bưu và Hoàng Vĩnh Thắng ôm lấy nhau và an ủi trấn an nhau. Ngô Pháp Hiến thì hơi hoảng hốt, nhưng giữ được bình tĩnh. Lý Tác Bằng thi tuyên bố nếu là Lâm Bưu thì đã hành động tương tự rồi, nhưng không muốn tự mình đưa ra ý kiến trước. Khâu Hộ Tác tỏ ra rất bình tĩnh và cương quyết. Lâm Bưu rất hài lòng về phản ứng của các thuộc hạ.
Lần đầu tiên khi Lâm Bưu họp với tất cả bốn tướng thuộc hạ cùng một lúc, thì Lâm Bưu nhấn mạnh nếu Mao biết được kế hoạch đảo chánh thì không một ai thoát được sự trả thù của Mao. Lâm Bưu đem các thí dụ điển hình của Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Cao Cương và Vương Minh – tất cả đều bị Mao triệt hạ một cách tàn nhẫn – để nhắc nhở bốn tướng thuộc hạ biết lòng dạ trả thù của Mao đáng sợ như thế nào. Lâm Bưu cho biết càng già thì lòng dạ Mao càng thêm hiểm độc. Lâm Bưu bắt bốn tướng thuộc hạ phải thề thà chết chứ không bao giờ tiết lộ kế hoạch đảo chánh. Cuối cùng Lâm Bưu bắt mỗi người phải quyết định ngay tại chỗ cách tự tử của mỗi người khi âm mưu đảo chánh bị bại lộ. Chắc chắn bốn viên tướng phải đưa ra những cách tự tử ghê gớm lắm, cho đẹp lòng Lâm Bưu. Nhưng sau này, khi kế hoạch bị bại lộ thì cả bốn viên tướng đầu hàng lời kêu gọi của Chu Ân Lai một cách dễ dàng, và mau lẹ khai đầy đủ chi tiết các kế hoạch của Lâm Bưu, và đổ tội cho cha con Lâm Bưu. Chỉ có một số sĩ quan trẻ thuộc nhóm của Lâm Lập Quả là dùng súng lục bắn vào đầu để tự tử, mặc dù trước đó Lâm Lập Quả không yêu cầu họ phải tự tử như thế.
Cái Chết Của Lâm Bưu Cái Chết Của Lâm Bưu - Nguyễn Vạn Lý Cái Chết Của Lâm Bưu