Nguyên tác: Tóm Lược Đạo Pháp Của Đức Phật
Số lần đọc/download: 802 / 94
Cập nhật: 2018-09-21 16:53:57 +0700
Chương III: Ba Đặc Điểm Mang Tính Cách Toàn Cầu
Đ
ến đây chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm một khía cạnh quan trọng khác nữa: đấy là bổn phận phải giúp đỡ những người chung quanh, chẳng hạn như bạn bè, gia đình và thân thuộc, hiểu được thế nào là bản chất đích thật của mọi sự vật, hầu giúp họ tìm thấy một tầm nhìn đúng đắn như chúng ta, và đấy cũng là cách giúp tránh khỏi những sự xáo trộn có thể xảy ra trong gia đình, nơi đô thị, trong một quốc gia, và sau cùng là trên toàn thế giới (nên hiểu đây không phải là một cách thuyết phục hay biến cải người khác mà chỉ là cách giúp người khác hiểu được là sự ham muốn quá độ sẽ mang lại khó khăn trong gia đình, trong xã hội và cho toàn thể nhân loại). Một khi tâm thức đã trở thành miễn nhiễm và giúp ngăn chận được mọi sự ham muốn, thì nó cũng sẽ không tìm cách bám víu vào các vật thể hay bất cứ một con người nào cả (tranh dành của cải hay xu nịnh và kéo bè phái với một con người "lý tưởng" hay mang quyền thế nào cả). Nếu cuộc sống của ta được hướng dẫn bởi sự quán thấy sâu xa, minh mẫn và trong sáng thì ta sẽ nhận ra là chẳng có một thứ gì đáng để cho mình chiếm giữ hay bám víu. Bất cứ ai cũng có thể hiểu được là trong thế giới này tất cả đều vô thường, bất toại nguyện, và không hàm chứa cái ngã, do đó không nên dại dột để phải vướng mắc vào cái vòng lẩn quẩn ấy. Chúng ta phải ý thức được việc ấy để buông xả (không bám víu và nắm giữ), và chọn cho mình một tầm nhìn đúng đắn phù hợp với giáo lý của Đức Phật. Người nào biết hành xử như thế mới xứng đáng là một Phật tử đích thật. Dù trước đây tuy chưa bao giờ có dịp xuất gia (trong các nước Phật Giáo Nguyên Thủy, tất cả mọi người nhất là nam giới, phải xuất gia ít nhất là một lần trong cuộc đời mình) hay xướng lên những lời giữ giới, thế nhưng trên thực tế thì người ấy đã đến gần với Phật, Pháp và Tăng: người ấy thật tinh khiết, tỉnh thức và an bình, không còn bám víu vào các vật thể mà chính mình đã ý thức được là chúng không có gì đáng để cho mình "có" được chúng, hay được "trở thành" như thế. Tóm lại chỉ cần tập luyện thế nào để có đủ khả năng quan sát và quán thấy được tính cách vô thường, bất toại nguyện và vô-ngã thì sẽ giúp mình hiểu rằng không có bất cứ thứ gì đáng để "có" hay để "trở thành", được như thế cũng đủ để giúp mình trở thành một người Phật tử đích thật.
Các hình thức khổ đau thấp nhất (lộ liễu nhất) phát sinh từ sự ham muốn được "có" hay được "trở thành" như thế này hay thế nọ, và sự khổ đau đó sẽ ngày càng trở nên trầm trọng thêm. Các hình thức khổ đau kém gay gắt hơn thì phát sinh từ những hành động tương đối ít bị thúc đẩy hơn bởi sự ham muốn. Các hình thức khổ đau của cái tốt thì được phát sinh từ những hành động liên quan đến những thứ ham muốn thật tinh tế và tinh vi, đấy là những thứ ham muốn được "trở thành" hay "đạt được" một thể dạng mang tính cách tích cực nào đó (tức mang bản chất tốt hay lợi ích nào đó). Cái tốt ngay cả dưới các thể dạng cao đẹp nhất vẫn phát sinh từ sự ham muốn, thế nhưng đấy là một sự ham muốn quá sức tinh vi đến độ khó để nhận ra đấy là một cái xấu. Dầu sao đi nữa thì hành động tốt tự nó cũng không đủ để mang lại sự giải thoát khỏi khổ đau. Một người A-la-hán khi đã được giải thoát khỏi sự ham muốn sẽ không còn hành động dưới sự kiềm tỏa của các xung năng của sự ham muốn nữa. Vị ấy không còn khả năng nào để thực hiện bất cứ điều gì xấu. Cách hành xử của vị ấy vượt lên trên cả cái xấu lẫn cái tốt, và chính vì thế mà vị ấy đã được hoàn toàn giải thoát khỏi mọi khổ đau (điều này cho thấy là Phật Giáo Nguyên Thủy chưa hẳn là "thấp hơn" Phật Giáo Đại Thừa như người ta thường nghĩ sai. Đại Thừa đặt quá nặng lòng từ bi và đồng thời các phép tu tập thì lại quá sức đa dạng và phức tạp, do đó dễ khiến cho người tu hành lạc hướng, đấy là chưa nói đến tình trạng thường xảy ra là từ bi thay vì đơn thuần tượng trưng cho một phương tiện thì lại che lấp cả cứu cánh của Đạo Pháp tức là Trí tuệ. Tình trạng này rất phổ quát và thường làm "mất thì giờ" cũng như "nghị lực" của người tu hành nói chung – dù họ là những người xuất gia hay tu tại gia cũng thế. Tóm lại tốt nhất là nên khởi sự tu tập theo Phật Giáo Nguyên Thủy và sau đó khi đã đủ sáng suốt thì mới nên bước vào Đại Thừa để tìm cho mình một bầu không gian hiểu biết khác hơn, nếu nhận thấy cần thiết).
Đấy là các nguyên tắc căn bản nhất của Phật Giáo. Dù cho ta có đủ khả năng để mang ra thực hành hay không, và dù muốn hay không thì con đường ấy lúc nào cũng vẫn là con đường đích thật giúp giải thoát khỏi mọi khổ đau. Có thể đang trong lúc này thì ta chưa muốn, thế nhưng một ngày nào đó ta cũng phải quay về với con đường đó. Dù biết từ bỏ cái xấu và thực hiện cái tốt với tất cả khả năng của mình, thế nhưng không phải vì thế mà tâm thức mình có thể tránh không bị sa lầy trong những thứ ham muốn thật tinh tế khó nhận biết, và đối với những thứ ham muốn đó thì không có một phương cách nào có thể loại bỏ được chúng, ngoại trừ phương pháp vượt lên trên sự ham muốn "được có" hay "được trở thành" như thế, dù đấy là những thứ mang bản chất tốt hay xấu cũng vậy. Muốn cho Niết-bàn có thể hiển hiện ra với mình, thì trước hết chính mình phải được giải thoát khỏi tất cả mọi khổ đau dù dưới bất cứ thể dạng nào, tức phải thực hiện được sự vắng mặt hoàn toàn và tuyệt đối của sự ham muốn (đấy có nghĩa là một sự đình chỉ - nirodha - tuyệt đối, không còn vướng mắc vào bất cứ thứ gì, dù đấy là cái tốt).
Tóm lại, khi hiểu được "là như thế" với ý nghĩa sâu xa nhất của nó thì cũng có nghĩa là nhìn thấy khắp nơi tất cả đều vô thường, bất toại nguyện và vô-ngã. Khi nào quán nhận vững chắc được các điều ấy thì tâm thức mình cũng sẽ nhìn thấy mọi sự vật không còn đáng để bám víu nữa. Như vậy thì nếu phải dấn thân vào thế giới này để "có" và để "trở thành" một cái gì đó, thì cũng cứ phải "có" và phải "trở thành" (như mọi người), thế nhưng phải "có" và phải "trở thành" một cách thông minh, soi sáng bởi sự quán thấy sâu xa, tức không để cho sự ham muốn chen vào. Biết hành xử như thế thì ta sẽ tránh được mọi khổ đau.