Số lần đọc/download: 4927 / 117
Cập nhật: 2016-11-22 01:32:26 +0700
Thiên Linh Cái - Tiếp
T
ối đó,tôi lái xe về thẳng Công ty để ngày mai kịp làm việc.
Suốt chặng đường hơn 50 Km, từng câu hỏi cứ chập chờn trong đầu.Việc ông Thày Chàm thì cũng tương đối rõ rồi,chắc chắn là cuộc huyết chiến lần thứ 3 giữa ông thày Chàm Tây Ninh và lão thày Chà đã nổ ra.
Sự việc cụ thể như thế nào thì phải chờ câu trả lời của chính ông thày Chàm Tây Ninh. Chỉ tội giờ này chỉ còn có một tay, công lực lại mất hết, không biết ống ấy sẽ tiếp tục sống ra sao.
Còn lão thày Chà số phận bây giờ ra sao cũng phải đành chờ đợi câu trả lời của thày Chàm Tây Ninh,tuy nhiên tôi có thể biết chắc một điều là số phận của lão cũng không hơn gì ông thày Chàm. Một điều tôi đắn đo, lo ngại nhất chính là thái độ và cuộc vượt biên bất thình lình của ông thày Bảy.
Chỉ cần để ý một chút, đằng sau cái vẻ mặt lạnh băng và thái độ câm lặng của ông là cả một núi lửa đang phun trào dòng nham thạch nóng bỏng. Cái im lặng chết người của ông, khiến tôi thấy lo lắng và rờn rợn trên suốt dọc đường về Công ty.
Dạo này, Công ty chúng tôi đang tổ chức làm lại con đường của TRẦN LỆ XUÂN ngày trước đã làm, qua cơn binh lửa chiến tranh đã thành hư hỏng nặng.
Từ Thị trấn Đồn Pal, con đường rải đất đỏ vòng vèo lên tới Kà Tum, Bổ Túc, Thanh Niên, Suối Ngô, 95, bặng qua một cái cầu lên tận Sóc Con Trăn.
Con đường đi tiếp men theo lòng hồ Dầu Tiếng và sang tới tận Sông Bé. Đây chính là con đường ngày xưa Trần Lệ Xuân cho làm để có thể khai thác và vận chuyển gỗ về Sài Gòn. Dọc hai bên đường lau sậy um tùm, cây cối mọc chen ra có chỗ tới gần hết đường.
Hàng nghìn ổ voi, ổ gà do cánh xe Be chở gỗ tạo nên, khiến con đường này hầu như không thể hoạt động được. Trên mỗi Km đường, ngày xưa hết quân Sài Gòn lẫn quân Cách mạng đã chôn vùi hàng trăm trái mìn, lựu đạn....
Nhiều chiếc máy ủi của Công ty chúng tôi đã nổ tung do chạm phải những trái bom, mìn còn sót lại, khiến một số anh em lái xe hoảng sợ, bỏ Công ty về nhà, không chịu làm việc. Có chỗ đã qua hàng chục lần san ủi, trồng Cao su lên tới 3 tầng lá rồi mà công nhân đi làm cỏ vẫn chạm phải mìn tan xác như ở Nông trường Bổ Túc.
Chúng tôi phải quyết định tháo bỏ Ca bin các xe để có bề gì tài xế không chết vì đầu đập vào thành Ca bin. Tuy vậy, vẫn có cậu lái khi chạm phải bom, văng lên cao hàng chục mét, rớt xuống chạy điên không dám về đơn vị. Chúng tôi huy động tất cả thợ trong Công ty lao vào sửa chữa, thay thế những chiếc xe hư hỏng.
Chiều chiều, ngồi quây quần nhậu bên đống lửa, chúng tôi vẫn phải cố cười nói, la hét cho qua cái sợ ăn mìn. Được cái ở rừng nên mồi nhậu thật là dồi dào. Chỉ một buổi sáng máy ủi, ủi gốc le, gò mối là chúng tôi có hàng chục con Trút, thứ mồi nhậu còn thơm và ngon hơn thịt gà. Ngoài ra còn có rất nhiều Nhím, Don, Nai, Hoẵng, gà rừng.
Rượu thì chúng tôi không thiếu, mang dầu máy ra Sóc Miên đổi là ba thiên.
Công việc cứ thế cuốn hút tôi cho tới gần một chục ngày sau tôi mới trở lại Bệnh viện Đa Khoa Tây Ninh thăm ông thày Chàm được.
Sau khi bố trí công việc ở sở, tôi lại lấy chiếc ZEEP lùn phóng thẳng xuống Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Vào đến nơi mới biết thày Bảy đã đón ông thày Chàm về nhà trị thương được hai bữa.
Từ Thị xã Tây Ninh, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình lên Phước Vinh là nơi ở của thày Bảy. Qua chợ Long Hoa giờ này đã vắng bóng của hai cha con ông thày Chàm, tôi vào mua một ít thực phẩm, thuốc và đồ nhậu lên làm quà cho bà Bảy. Loay hoay thế nào, tới gần trưa tôi mới đến được Phước Vinh. Vào đến nhà Thày Bảy, thấy các sư huynh đệ tụ tập đông đủ cả. Tôi vào trong nhà thấy thày Bảy đang ngồi uống trà ở bộ ngựa và ông thày Chàm đang nằm bên cạnh, hai người đang rì rầm to nhỏ. Thấy tôi đến, thày Bảy kêu tôi lại ngồi uống trà. Tôi xin phép lên bàn thờ Tổ thắp nhang xong xuôi mới ra hầu chuyện hai Thày. Trong khi ngồi uống trà, thày Bảy từ từ kể cho tôi nghe câu chuyện mấy bữa trước mà tôi vẫn đoán già đoán non.
Chuyện đó xảy ra như sau:
Kể từ chuyện tranh hùng lần trước, khiến cho đứa con nuôi của thày Chàm ( mà cũng là con đẻ của lão thày Chà ) bị giết chết, lão thày Chà biệt tích giang hồ, còn thày Chàm trở lại núi Cậu Tây Ninh trị thương và tìm cách trả thù.
Sau một thời gian trị thương và cho cái đau mất đứa con nuôi nguôi ngoai dần đi, thày Chàm Tây Ninh quyết định về lại Tháp Chàm - Phan Rang cầu thày Tổ của mình.
Thày Tổ của ông thày Chàm năm đó cỡ khoảng ngoài 90 tuổi, nhà nằm gần tháp Chàm POKLONG GARAI.Tháp Pô Klaong Garai ở thôn Đô Vĩnh. Đây là khu tháp đại diện cho phong cách muộn (đầu thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII) là các tháp Poklong Gairai, tháp Pôrôme.
Tháp PôKlông Garai gồm nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau, nhưng hiện nay còn lại 3 ngôi xây bằng gạch. Đó là tháp Cổng (cao 8,56m), tháp Lửa (cao 9,31m) và tháp Chính - tháp thờ vua PôKlông Garai - (cao 21,59m, mỗi cạnh rộng hơn 10m).
Bố cục và cấu trúc của mỗi tháp là cả một công trình kiến trúc nghệ thuật. Mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các hoạ tiết gốm, đá với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần.Tất cả công trình trạm trổ, điêu khắc đều phản ánh đầy đủ ý nghĩa về nghệ thuật và tôn giáo của người Chăm. Vùng này là một khu vực núi đá hoang vu, các đền đài từ ngày xưa nay đã từng là Kinh đô của Vương Quốc Chiêm Thành lừng lẫy, đã mấy lần đem quân vào đánh chiếm Thăng Long.
Người Chăm ở Ninh Thuận sống quây quần thành một đại gia đình và vẫn còn theo chế độ mẫu hệ. Tuy đàn ông thực tế đóng vai trò to lớn trong cuộc sống nhưng chủ gia đình luôn là người đàn bà cao tuổi.
Phong tục Chăm qui định con gái theo họ mẹ. Nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, đặc biệt người con gái út phải nuôi dưỡng cha mẹ già nên được phần chia tài sản lớn hơn các chị.
Về mặt sinh hoạt, mỗi nhà trong khuôn viên có tổ chức mặt bằng khác nhau. Song, đồng bào cho rằng nhà thang yơ là kiểu nhà cổ nhất. Đó là nhà sản, nhưng nay sàn rất thấp gần sát mặt đất. Đầu hồi bên trái và một phần của mặt nhỏ dành cho khách, chủ nhà, kho đựng lương thực và dụng cụ.
Người Chăm ở Ninh Thuận có khoảng 60 % theo đạo bà La Môn, 40% còn lại theo đạo Hồi Giáo ( ISLAM ). Thầy Tổ của ông thày Chàm là người theo phái Bà La môn, một Đạo giáo có từ rất xa xưa.
Người Bà La Môn từ ngàn xưa do cuộc sống khắc nghiệt luôn phải đối đầu với kẻ thù và thú dữ đã mang trong huyết quản dân tộc mình một dòng máu cần cù chịu khó và một phương pháp Huyền thuật rất giỏi. Với tư cách là tôn giáo cổ nhất Ấn Độ với Thánh điển còn lưu lại, Ấn giáo Phệ-đà (vedic religion) giữ một vai trò đặc biệt trong tôn giáo của Ấn Độ. Đó chính là gốc gác thày Tổ của ông thày Chàm.
Khi về đến thôn Đô Vĩnh bái kiến thày Tổ, Thày Chàm Tây Ninh ở lại gần một năm để bổ sung thêm pháp thuật. Hàng ngày, thày Chàm cùng bạn Đạo lên tháp Pô Klaong Garai cầu đảo Thần linh. Các vị thần Phệ-đà như Mật-đa-la (密多羅, sa. mitra), Phạt-lâu-na (zh. 伐樓那, sa. varuṇa), Nhân-đà-la (zh. 因陀羅, sa. indra) và các Mã Đồng (zh. 馬童, sa. aśvin) là những đấng tối cao về tâm linh của họ. Người thực hiện cầu đảo Thần linh bằng một bài tán tụng. Đàn tế lễ được lập một cách nghiêm trang với ba loại lửa, việc tế lễ được thực hiện bởi nhiều Tế sư khác nhau cùng với các bài kệ tụng (sa. ṛc), ca vịnh (sa. sāman), câu tế đảo (sa. yajus), và các chân ngôn (sa. mantra). Vật tế lễ là Tô-ma (zh. 蘇摩, sa. soma), thú vật, bơ lỏng, ngũ cốc và thực phẩm đã được nấu chín. Tổ tiên (sa. pitṛ) cũng được cúng tế. Trong những đêm lạnh giá của Ninh Thuận, thày Chàm vẫn khoác bộ quần áo dân tộc của mình chạy nhẩy băng băng qua các sườn núi đá để luyện pháp thuật dùng cho công việc trả hận nay mai. Sau khi được thày Tổ truyền cho đủ ngón nghề tuyệt mật, thày Chàm lại từ biệt thày Tổ mình, khoác tay nải nhằm hướng Tây Ninh thẳng tiến.
Về tới đất Tây Ninh, ông thày Chàm quyết định lấy khu vực Ngã Ba Sọ - Thuộc huyện Châu thành làm đại bản doanh để định đoạt công việc tiếp theo của mình.
Sở dĩ ông chọn khu vực này bởi vì đây là một khu vực còn khá nhiều rừng già. Ngày xưa đây cũng chính là khu vực căn cứ Đồng Dù của Mỹ đóng quân, có những con đường mòn đi sang Miên rất gần và thuận tiện.
Mặt khác khu vực này giờ đây người ta lấy làm trường bắn những kẻ phạm tội tử hình và chôn tại một nghĩa địa bên cạnh trường bắn. Chỉ nghe cái tên Ngã ba Sọ không thôi cũng khiến nhiều kẻ rợ tóc gáy, không dám đi qua khu vực này ngay cả ban ngày.
Toàn khu vực chỉ lèo tèo có vài chiếc chòi canh rãy của những người trồng mỳ và một vài lò đốt than cày của tiều phu. Chiều đến, chỉ mới khoảng 3- 4 giờ là khu vực này đã chìm vào trong hoang vắng, lạnh lùng.
Ở đây, người ta chỉ còn thấy cây cối xanh um, gió đưa xào xạc và oan hồn, tử khí của những kẻ bị bắn làm chủ không gian.Ông thày Chàm lầm lũi chặt cây tự mình làm một chiếc chòi nhỏ trong đám rãy mì, ngay bên cạnh một con suối nhỏ. Từ đây đi tắt sang nhà ông thày Bảy cũng không quá xa, nên lâu lâu, ông thày Bảy cùng đám học trò cũng qua phụ hợ việc dựng nhà cho ông thày Chàm, hay ông thày Chàm lúc rảnh cũng tạt qua thày Bảy uống trà, trao đổi dăm ba câu chuyện.
Ngày qua tháng lại, khu vực nhà của ông thày Chàm đã dần dần có dáng dấp của một căn nhà thực thụ. Ngoài đám mì và đám lúa rẫy trồng để lấy lương thực, một khoảng đất lớn đến gần nửa công đất sau nhà kéo tới bờ suối được ông thày Chàm trồng cơ man nào là các loại Ngải.
Thôi thì đủ loại từ những loại Ngải hiền để ăn nói, cầu tài, đòi nợ như Nàng Thăm,Nàng Mơn, Nàng Mọi, Nàng Hách...( Những thứ này thày dùng để giúp người ta làm ăn, lấy tiền độ nhật qua ngày ), ngoài ra còn vô số các loại ngải độc khác Mai Lai ngải, Ô Rạch mặt, Bo gec, Bạch Đại Ngải, Huyết Nhân Ngải... nghe nói thày đã dùng pháp thuật trục từ Cao Miên và Xiêm La về.
Những buổi tối chạng vạng, thày Chàm thắp hương đỏ ối cả bờ suối để luyện Ngải, từng hàng chú trục Ngải ơi hời trong không gian lạnh vắng nghe thật là ghê rợn.
Ngoài vườn Ngải khổng lồ đó, trong một góc buồng, ông thày Chàm còn lập một bàn thờ Tổ, trên bày la liệt những lá Sắc của nhiều môn phái khác nhau. Tầng dưới cùng là một hàng hũ sành bịt khăn đỏ kín mít, bên trong có chứa những gì thì có lẽ chỉ mình ông thày Chàm mới biết mà thôi.
Hàng đêm, ông thày Chàm luôn nai nịt gọn gàng, đem theo một chiếc túi vải nhỏ lầm lũi đi về phía nghĩa địa bên cạnh trường bắn ở Ngã ba Sọ.( Đoạn này tôi được thày Bảy kể lại ).
Trong những khoảng khắc giao thời giữa đêm và ngày của giờ Tý, ông Thày Chàm lần lượt thắp nhang trên những nấm mộ của những người tử tù và lầm rầm đọc chú. Thông thường, những người tử tù này vì chưa muốn chết nên ước vọng cuộc sống của họ rất lớn. Khi chết đi, họ vẫn không hề nghĩ là mình đã chết, nên chứng nào tật đó vẫn ra sức tác yêu tác quái.
Thảng có những Linh hồn nào đã biết mình chết rồi thì họ luôn oán thán đủ thứ và thèm khát được trả hận. Chính vì vậy, khi ông thày Chàm sử dụng một pháp môn tối cổ của dân tộc mình điều khiển họ thì các Vong hồn đó trở thành một thứ vũ khí giết người từ xa thật là ghê rợn.
Tuy nhiên, để có thể điều khiển được những Âm binh khát máu đó, đòi hỏi ông thày phải có một sự quyết tâm ghê gớm và một pháp thuật thật cao cường. Chỉ sơ xẩy một chút thôi là ông Thày chính là vật đầu tiên hy sinh cho các Vong hồn đó trả hận. Trong vòng 100 ngày, ông Thày không được tắm rửa, giành cái hơi của mình cho các Vong Linh đó quen dần với mình.
Ngoài ra, tuyệt đối ông Thày không được gần đàn bà và không được để bất cứ một người đàn bà nào đang bẩn mình héo lánh đến khi vực Đàn pháp cả. Cứ liên tục hàng đêm, đúng giờ Tý, khu vực nghĩa trang tử tù lại đỏ ối các đám nhang thắp theo những hình thù kỳ quái. Mùi trầm hương loại tốt thơm nức, bay xa tới tận ngoài đường lộ đá đỏ. Thời gian chầm chậm trôi qua và ngày thành công đã gần kề.
Tới ngày cuối cùng, ông thày Chàm đích thân mang mâm xôi gà sang nhà ông bà Bảy để cúng Tổ của thày Bảy, xin Tổ cho ông bà Bảy sang trợ giúp khi Pháp Đàn viên mãn.
Đêm hôm đó, một Đàn tràng lớn nhất từ xưa đến nay được lập tại nghĩa địa những người tử tù. Trầm, hương, đèn, nến, trầu, cau, rượu, thuốc, bông, trái cây, gạo, muối, trứng vịt, tôm khô, thịt heo luộc, cháo trắng, giấy tiền vàng bạc... được bày kín cả một cái bàn lớn cao ngang bụng. Hai bên Đàn tràng, hai cây Thất tinh kiếm dựng đứng sáng lòa.
Cạnh hai cây kiếm là hai bó đuốc tre ngâm tẩm nhựa cháy đùng đùng soi sáng rực rỡ cả một khu nghĩa địa vốn âm u lạnh lẽo. Vòng xung quanh Đàn tràng, theo phương vị của Tiên thiên và Hậu thiên Bát Quái, người ta dựng những cây cột tre, trên có treo rất nhiều đạo Bùa kỳ bí viết bằng Châu sa trên những tấm lụa vàng. Trên đỉnh mỗi cây cột tre là một dải lụa chiêu hồn bay phấp phới.
Đúng 12 giờ đêm, một hồi 3 tiếng cồng vang vọng, trầm hùng khắp không gian. Ông bà Bảy, ông thày Chàm ngồi thành một tam giác xung quanh Đàn pháp, mỗi người tùy theo bản lãnh của mình mà tác pháp.
Tuy 3 người thuộc ba pháp môn rất khác nhau, nhưng mọi người đều là những cao thủ trong Huyền môn, do vậy mà sự phối hợp của họ chính xác như những bánh xe trong chiếc đồng hồ.
Trên chiếc bàn, trầm hương thơm ngào ngạt, xua đi cái lạnh về đêm và cái âm u huyền bí của vùng nghĩa địa. Hàng đuốc sáng bập bùng, soi tỏ khuôn mặt của từng người.
Ông Bảy ngồi lặng lẽ, chắp tay theo ấn Liên Hoa, bà Bảy lại ngồi theo kiểu bán già, hai ngón cái và ngón út của hai bàn tay chạm vào nhau, xòe ngửa lên trên theo Kim cang bộ ấn.
Ông thày Chàm, hay tay cầm chặt 2 cây đoản kiếm cổ, hướng thẳng lên không trung. Một hồi cồng nữa lại vang lên, ba người cùng đồng loạt phát công vào khoảng không phía trên Đàn tràng.
Một tiếng bục, trầm đục vang lên, một quả cầu năng lượng xanh vàng, trắng đỏ quấn dần lấy nhau, các màu đan xen vào nhau, quấn quít nhau và cuối cùng hòa vào nhau thành một quả cầu ngũ sắc, xoay chuyển ngày càng nhanh ở trên Đàn tràng. Bên này bà Bảy đang niệm: " Xua xua ơ nhâm - Lắc hay hay - Ru han cốc - Xu lây thu - Xu lu píc - Lu lu pa.....A LA HĂNG RU TAI PA MAC - LAI DU CÔ RU CỐC BI XÔ - XA XU XI MAC ĐĂC LU TON - NHAC MAY - PÀ TÀ XÀ ĐỤC - XÀ ĐƠM - MÔ PHẮC..."
Bên kia ông Bảy dùng chú Mật tông: " Ngọc bảng tùng thư trấn Cửu thiên - Tam Đồ xả thính giải oan khiêm - Viên âm phổ biến thập phương giới - Bồ tát Long Thần thị chứng minh - NAM MÔ - XU XIT ĐI Ô MÔM - RI TA RI - MAN ĐA - MAN ĐA - XÓA HA ".
Ông thày Chàm giơ cao hai thanh kiếm lên không trung miệng niệm: " BAC MAY - BAC MU - XA PHAC - XU LAI - HUM MAY TU LAY - TU LUC CA - XU XU - LÔ PA - MA NÔ - XO RU - XO RAM - KHO LAC - TU HA - TU HAY HAY....Án Lôi cấp giáng - Long Hổ chi oai - Nhật Nguyệt minh chiếu - Ngộ chơn mạng - Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ....."
Cả một vùng không gian như cô đọng lại, không khí ngột ngạt như chuẩn bị vào tâm bão. Bỗng trong không trung một luồng gió tanh hôi, lạnh lẽo ào ạt tràn đến vây kín Đàn tràng và quả cầu ngũ sắc đang xoay. Gần như cùng một lúc cả ba người phóng chưởng vào quả cầu và hô: Mau.
Ngay lập tức, quả cầu ánh sáng ngũ sắc quay theo chiều ngược lại, ngày càng nhanh. Những ánh sáng xanh, tím từ quả cầu phát ra đan thành một cái lưới vây kín khu vực Đàn tràng. Hàng chục bóng trắng mờ ảo rồi rõ dần, rõ dần hiện ra trong khói nhang, trầm và ánh lửa bập bùng.
Thày Chàm lập tức ra lệnh: " Nhất chuyển Càn Khôn Thiên Địa hội - Nhị chuyển thất thập nhị Huyền công - Tam chuyển Phật tổ Lỗ bang y tốc giáng...."
Những bóng ma kia lập tức hiện rõ dần và xà xuống, nằm phủ phục dưới chân Đàn tràng như chờ lệnh.
Chỉ chờ có vậy, thày Chàm ngưng tụ chân khí và thổi vào họ một làn hơi trắng. Làn hơi này quy tụ đủ 108 thứ ngải mà thày đã luyện trong suốt 100 ngày qua. Thiên Linh tử tù cộng thêm thiên Linh Ngải hòa quyện vào nhau, tăng sức cho nhau trở thành một thứ vũ khí khủng khiếp nhất mà con người ta có thể luyện được. Bà Bảy dùng nhang khoán lên hình bóng của các Vong tử tù một hàng Sắc lệnh.
Hàng Sắc lệnh này sẽ chính là một cái dây cương, khiến cho các Thiên linh phải ngoan ngoãn nghe lời người điều khiển. Từ nay, ông thày Chàm đã là tổng chỉ huy một đội quân Thiên Linh tử tù hòa quyện Thiên Linh Ngải tuyệt đối trung thành. Ba trăm năm nay, lần đầu tiên, pháp môn cổ quái này đã được ông thày Chàm luyện thành công.
Sau ngày luyện thành công Pháp môn mới,Thày Chàm phóng lửa hỏa thiêu toàn bộ trang trại của mình, sang tạm biệt vợ chồng ông thày Bảy và các học trò, một mình lên đường đi tìm lão thày Chà và để rửa hận.
Tất cả hành trang của ông lão chỉ bao gồm một tay nải đựng quần áo, vật dụng, chút tiền độ đường và cặp đoản kiếm cổ bất ly thân.Dĩ nhiên, khuất vô hình đi cùng với ông là hơn một chục Đệ tử mới, có khả năng thật kinh hoàng.
( Phần sau này, chính ông thày Chàm kể lại cho tôi và vợ chồng thày Bảy nghe về chuyến đi của mình ).
Sau khi tạm biệt mọi người, ông thày Chàm liền đi viếng mộ của mẹ con cô Lan ở chân núi Cậu. Hai ngôi mộ được chôn sát nhau, dựa đầu vào chân núi Cậu, chân đạp ra phía lòng hồ Dầu Tiếng.
Thấm thoắt từ khi cậu con trai chết cũng đã mấy năm trôi qua, vẻ hoang vắng đìu hiu của khung cảnh càng làm cho trái tim của lão nhức nhối. Cẩn thận bày bông, nhang, trái cây, giấy tiền vàng bạc, một xấp bánh tráng lên mộ của hai mẹ con, ông thày Chàm thì thầm khấn khứa một mình, cặp mắt của ông lúc này vừa hào hùng, vừa bi ai, vừa căm phẫn. Tàn nhang, lão đốt tiền vàng bạc cho hai mẹ con, và tưới cả một chai rượu đế lên đám tro, vái hai mẹ con mấy vái, lão lầm lũi cất bước lên đường.
Gần một năm, lăn lộn khắp Sài Gòn, Lục tỉnh, rồi tiến dần lên miệt Châu đốc, Sóc Trăng, An Giang, tới tận mũi Năm Căn, hình bóng của lão thày Chà và vẫn bặt vô âm tín. Đã rất nhiều lần, lão phái đám Thiên Linh đi lùng kiếm khắp các ngõ ngách, nơi mình đi qua, vẫn không thấy gì cả. Một ngày, Lão dừng chân tại đỉnh núi Két của Châu Đốc. Nơi đây là một nơi tụ hội của rất nhiều Thày bà về tu tập, luyện phép. Trên đỉnh núi Két, có một vuông đất khoảng hơn trăm m2, tục gọi là Sân Tiên.
Tương truyền ông Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ( Phật Thày Tây An ), đức Huỳnh Phú Sổ và một vài vị tiếng tăm khác cũng thành chánh quả tại sân Tiên này. Gần sân Tiên còn có giếng Tiên, là một hốc đá trận đỉnh núi nhưng không bao giờ cạn nước. Từ khi lên núi Két, hàng ngày lão lê la đi khắp các hang động của các vị tu Tiên, tu Núi hỏi thăm về tung tích lão Chà Và.
Thời gian này, hầu như tất cả các hang động trên núi Két đều có chủ, thôi thì đủ các môn phái, đủ các pháp môn. Ở lưng chừng núi có một ngôi chùa nhỏ do một vị sư già trụ trì.
Nói là chùa, song thực chất cũng chỉ là một hang đá được tạo bởi một tấm đá cực lớn nằm gác lên mấy viến đá khác, tạo thành một mái hiên khoảng 50 m2. Nhà sư trụ trì dùng đá và xi măng xây một bức tường ở phía sau và một bàn thờ Tam Bảo dựa vào vách núi.
Giường ngủ của nhà sư là một viên đá lớn bằng một manh chiếu, bằng phẳng và mát lạnh ( Thời gian sau này, tôi và Thanh Pali có tới nơi này ghé thăm, nhưng vị sư đó đã mất, chỉ còn một Vị Đệ tử ruột khoảng gần 60 tuổi trị trì thay Thầy, mộ vị sư già được táng ngay bên cạnh chùa ).
Chùa tuy ở lưng chừng núi nhưng không hề thiếu nước, bởi có một đường ống mủ dẫn nước từ đỉnh núi xuống một bể chứa tha hồ dùng. Vị sư trụ trì vốn theo dòng cổ Mật, lúc đó cũng khoảng trên 80 tuổi. Nơi này chỉ có sư trụ trì và một người Đệ tử ở cùng hàng ngày trì chú, kinh kệ.
Một bữa, thày Chàm ghé chùa thăm và được sư trụ trì đãi cơm chay và đàm đạo suốt một ngày.
Nhân đó, ông thày Chàm mới kể cho Trụ trì nghe về câu chuyện đời của mình và mục đích công việc đang tìm kiếm. Trầm ngâm hồi lâu, nhà sư già mới bảo thày Chàm: " Bần Đạo có thể giúp Thày tìm được tung tích ông thày Chà, cái đó khó gì, song bần Đạo nhìn vào ánh mắt của Thày, bần Đạo thấy sát khí bốc ngùn ngụt. Bần Đạo cũng nhìn thấy sau ánh mắt đó một cuộc huyết chiến kinh Thiên động Địa, tai kiếp, tai kiếp...Hận thù nên cởi chứ không nên gút lại làm chi. Nghiệp báo trùng trùng biết khi nào dừng ".
Nghe vậy, thày Chàm vội quỳ xuống chắp tay xá vị sư và nói: " Bạch Thầy, gần một năm nay, con lặn lội khắp nơi để tìm tung tích Lão ta mà vẫn biệt tăm. Con vẫn biết hận thù nên cởi chứ không nên gút lại, song con đã thề trước vong linh hai mẹ con cô Lan, với Thày Tổ quyết trừ hại cho dân, tiêu diệt lão thày Chà nên mới có ngày hôm nay.
Trước bàn thờ Tam Bảo, con xin phát nguyện khi con làm xong việc lớn rồi, sẽ nguyện làm Bồ tát Đạo, cứu giúp chúng sinh đến hơi thở cuối cùng. Nhà con có nghề thuốc rất hay, con sẽ dùng nghề thuốc để cứu dân chúng. Thày tin ở con đi ".
Ngó đăm đăm vào mắt thày Chàm, nhà sư thở dài và nói: " Thôi, âu cũng là nghiệp duyên, tối nay, đúng giờ Tý, Thày lại đây tôi sẽ giúp cho."
Thày Chàm vội phủ phục xuống đa tạ nhà sư. Ngoài kia, xa tít cánh đồng lúa của vùng Bảy Núi, chợt như ửng hồng và đó đây phảng phất một mùi hương cốm mới.
Suốt buổi chiều ngày hôm ấy, thày Chàm tranh thủ đi thăm các hang động có các vị Thày đang tu luyện trên núi Két. Ngọn núi này từ chân lên tới đỉnh chỉ vài trăm mét, nhưng chứa đựng rất nhiều hang động to nhỏ đủ cỡ. Đặc biệt là trong các đám cây rậm rạp mọc trên núi, có vô số các loại cây Ngải, mọc um tùm. Ngọn núi này cũng có nhiều loại Ngải khó kiếm ở nơi khác, có lẽ là do khí hậu thích hợp và ngọn núi rất dốc nên ít có người qua lại hay làm rãy trên núi.
Trong các hang động, thày Chàm đã gặp được một vài người bạn học từ thời thanh niên, tưởng như không bao giờ có thể gặp mặt được nữa. Đặc biệt trong chuyến đi ngao du chiều nay, thày Chàm lại được gặp một vị Sư Huynh từ hơn 30 năm trước. Đang mải mê ngắm đám cúc Vạn thọ vàng rực trước cửa một khe núi hẹp, bỗng nghe tiếng kêu mừng rỡ gọi tên mình, thày Chàm ngước lên và nhận ra vị Sư Huynh của mình.
Người này đang theo phép tu Tiên ở trên núi Két, sống hoàn toàn bằng nước suối và những bông cúc Vạn thọ. Nhìn hình dáng mình mai, sương hạc với bộ râu quá cằm của Sư Huynh, thày Chàm không khỏi bồi hồi, bất chợt thở dài. Mới nhiêu đó đã ngoài 30 năm có lẻ. Hai huynh đệ kéo nhau vào trong một cái hang khá rộng ngồi tâm sự chuyện đời. Nguyên do người Sư Huynh của thày Chàm, từ khi bị phạm tội và bị đuổi ra khỏi bổn môn, đã lưu lạc lên miệt Thất Sơn - Châu Đốc này.
Sau nhiều ngày dãi dàu với cuộc sống cùng cực, Sư Huynh được một vị Tiên Ông trên Núi Ông Cấm chỉ dạy phép tu Tiên và đã chọn nới này làm nơi tu luyện. Cũng rất may mà Sư Huynh vừa qua thời gian bế môn nên hai huynh đệ mới có dịp gặp nhau tại nơi này. Hai huynh đệ mải mê nói chuyện tới khi trời tối hẳn lúc nào không hay.
Một cây đèn chai được thắp lên, ánh lửa nhỏ xíu chỉ đủ soi sáng cái mặt bàn bằng đá hơn một thước vuông. Sư Huynh cho thày Chàm biết một bí mật của vùng núi này, một sự thật mà chỉ những người tu non tu núi ở vùng này lâu năm mới biết. Đó là bí mật về sự trợ giúp của các Thày Tổ vô hình trên Tây An Cổ tự.
Từ thị xã Châu Đốc nhìn về hướng Tây thấy một ngọn núi cao khoảng 248 m gọi là núi Sam cách thị xã 5 km. Đến chân núi Sam, nhìn lên chân núi là thấy một ngôi chùa mang dáng dấp của những ngôi chùa Ấn Độ có kiến trúc hài hòa với cảnh tríí thiên nhiên, tạo một vẻ đẹp lộng lẫy đó là chùa Tây An Cổ Tự.
Chùa Tây An cổ tự do một vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng (1820) là Tổng đốc Nguyễn Nhật An xây dựng theo lời nguyện của ông khi được Triều đình phái đi Cao Miên. Theo lời nguyện này, nếu ông đi thành công, khi về sẽ dựng một ngôi chùa thờ Phật tại chân núi Sam.
Cất chùa xong, ông thỉnh vị hòa thượng đầu tiên là Nguyễn Văn Giác, pháp hiệu là Hải Tịnh đến trụ trì. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), chùa lại thỉnh thêm một vị hòa thượng nữa tên là Đoàn Minh Huyền, pháp hiệu là Pháp Tang đến trụ trì.
Vị hòa thượng sau này ngoài việc tu hành còn có tài làm thuốc trị bệnh cho nhân dân rất hiệu quả nên sau khi ông mất, đồng bào suy tôn hòa thượng với danh hiệu là Phật thầy Tây An và danh hiệu này vẫn được gọi đến ngày nay.
Phật Thày tây An chính là người cho ra đời Đạo phái Bửu Sơn Kỳ Hương nức tiếng cả miền Nam thưở trước. Điều đặc biệt là hệ thống các bàn thờ Tổ các môn phái được bố trí thành một vòng tròn khép kín, chỉ những bậc tu hành trên núi mới biết được sự Linh ứng và dòng khí rất mạnh của từng bàn thờ.
Trong Tây Am Cổ tự có hầu hết tất cả những Tổ của Huyền Môn miền Đông Nam Á này. Khi viếng thăm, các Thày thường phải đi theo đúng một quy luật nhất định và hầu hết được Tổ về chứng.
Thấm thoắt đã bước vào 11 giờ đêm. Núi Két im lìm phủ trong màn sương bụi. Cái lạnh thấm dần vào từng thớ thịt. Bốn phía xung quanh chỉ có màn sương trắng và hình chiếc mỏ Két lừng lững giữa trời cao. Ông thày Chàm đề khí, phóng như bay giữa các bậc đá hiểm trở tiến về phía ngôi chùa. Lúc này trong chùa, chỉ còn vài ngọn đèn cầy leo lét, và bóng ông thày Chùa im lìm trên vách núi. Trước mặt thày Chùa là một tấm gương đồng sáng lóng lánh, những ánh đèn chiếu vào tạo nên những bóng người như đang nhẩy múa.
Thày Chùa ra hiệu cho ông thày Chàm vào thắp hương cung thỉnh thày Tổ. Sau những lễ nghi của bản môn cung thỉnh thày Tổ, cung thỉnh " Tây phương Phật Tổ Thích Như Lai, Bồ đề Tổ sư, 36 vị Lục Tổ Lục cụ, Chuẩn Đề, bồ tát Quan Âm, Già Lam chân Đế, 9 phương Trời, 10 phương Phật, Tả Quan Châu - Hữu Quan Bình, Đấu chiến Thắng Phật, Bạch Hổ sơn động...Ngọc Hoàng Thượng Đế, chư vị Phật tổ, Linh Sơn Thánh Mẫu,Nguyên Nhung chúa Tướng, Cửu Thiên Huyền Nữ, Cửu vị Tiên nương, ba ông Quốc Vương Đại Thần....", thày Chàm ngồi sấp bằng bên ông thày Chùa.
Thày Chùa giảng sơ cho ông thày Chàm về tấm gương đồng: " Đây chính là một chiếc Kính Đàn, quà của thày Tổ tặng ta. Nó có nguồn gốc từ tận Tây Tạng xa xôi. Nếu chỉ luyện để thay Đàn tràng, người luyện chỉ cần luyện trong vòng 49 ngày với chú Chuẩn Đề là thành công. Riêng chiếc Kính Đàn này, ta đã luyện liên tục ròng rã 1000 ngày.
Nguyên tắc của luyện Kính đàn là trong thời gian luyện, không được rời khỏi nơi tu luyện và không để bất cứ ai nhìn vào Kính Đàn. Khi luyện xong, hàng ngày phải dùng bao vải đỏ bao kín và không được xê dịch Kính Đàn. Vì bất cứ một lý do gì phải rời chỗ luyện đi qua đêm là phải làm lại từ đầu.
Chính vì vậy, trong gần 3 năm qua, ta không hề bước chân khỏi chùa này. Ngày nay, thành tựu viên mãn, ta lần đầu xử dụng để giúp Thày. Việc tìm kiếm kẻ thù hay bất cứ một người nào đối với Kính Đàn này chỉ là một tác dụng rất nhỏ so với toàn bộ công dụng của nó. Tuy nhiên, tôi cũng cần phải nói trước với Thày rằng cuộc đời của Thày sẽ thay đổi rất nhiều sau khi nhìn vào Kính Đàn này. Thày suy nghĩ kỹ chưa? Thày Chàm vội phủ phục xuống tạ ơn thày Chùa và hứa rằng không có ân hận gì cả, mọi việc đã suy nghĩ kín kẽ lắm rồi.
Nghe xong, thày Chùa gật đầu lặng lẽ và tới bàn thờ gióng lên một hồi chuông. Tiếng chuông âm vang, ngân xa trong mà đêm tĩnh mịch. Ngồi xuống theo thế Kiết Già, thày Chùa bắt ấn và bắt đầu đọc Đà Ra Ni. Cứ sau mỗi câu chú là một lần thay đổi thế kiết Ấn. Khoảng 30 phút sau thày Chùa mới vào bài chú chính: CHUẨN ĐỀ. Sau khoảng 3 chuỗi Chuẩn Đề, trên mặt Kính đàn bắt đầu xuất hiện những hình ảnh của một vùng xa lạ.
Lúc này thày Chàm dùng hết tinh lực nhìn vào Kính đàn và chẳng mấy chốc hình bóng lão thày Chà hiện ra rõ dần, rõ dần. Ông thày Chà thấy lão thày Chàm đang ngồi luyện công bên một đầm nước lớn, hai bên có cặp rắn vàng có mào đỏ hộ đàn. Xung quanh chỗ Lão ngồi là vô số cây cột, treo lủng lẳng những đạo Phù ẩn thân cực lớn - Thảm nào mà kể cả Thiên Linh Tử tù của ông thày Chà cũng không thể phát hiện ra. Nhìn kỹ địa hình xung quanh một lúc lâu, ông thày Chàm đã nhận biết được vị trí của khu vực đó, một khu vực quen thuộc, Lão đã từng đi qua tại Tây Ninh. Lão chợt cười khan một mình.
Tiếng tụng Đà ra Ni nhỏ dần và ông thày Chùa đã sang phần hồi hướng công đức. Hình ảnh trên Kính Đàm mờ dần, mờ dần rồi từ từ biến mất.
Một hồi chuông nữa lại ngân lên vang vọng trong đêm thanh vắng, tiếng chuông như xoáy tròn và ngân dài, vang xa, thành những đợt sóng xa tít tắp.
Tiếng chuông này không rời thành tiếng mà liên tục, trầm hùng, đợt sóng âm này đè lên đợt sóng âm kia, làm cho ta có cảm giác như đứng trước biển đang có hàng ngàn đợt sóng dâng trào.
Thày Chàm vội ngẩng lên nhìn, thấy ông thày Chùa chỉ dùng dùi chuông, xoay quanh miệng một chiếc chuông lớn. Tay của ông cầm và xoay rất nhẹ nhàng, nhưng muôn ngàn đợt sóng âm thanh từ chiếc chuông cứ vang mãi, ngân xa. Tiếng tụng chú Dược sư lại cất lên trầm hùng:Namo Bhagavate Bhaisajya-guru-vaidurya-prabha-rajaya.Tathagataya Arhate Samyak-sambuddhaya. Tadyatha, Om Bhaisajye Bhaisajye Bhaisajya samudgate Svaha.
Trên Kính Đàn lúc này hiện lên hình ảnh của ông thày Chàm đang ngồi phủ phục. Nhìn kỹ hình ảnh của mình, ông thày Chàm thấy ở trước vùng bụng của mình có
một quầng ánh sáng xanh lè, chiếm hầu như hết cả khoang bụng.
Ngạc nhiên, ông quay sang thày Chùa có ý dò hỏi. Như một vị bác sĩ thuần thục, thày Chùa cầm một cành trúc, chỉ vào khoang bụng của thày Chàm trên gương và nói: Đây chính là vùng hai lá gan của Thày.
Hiện tượng có ánh sáng xanh như thế này chứng tỏ rằng thày đã vào gần cuối giai đoạn 3 của bệnh ung thư gan. Có lễ thời gian gần đây, Thày bắt đầu hay có những cơn đau ở khu vực này phải không? Thày Chàm vội phủ phục xuống đất và nói: Bạch Thày, đúng là khoảng gần 2 tháng gần đây, tôi thường có những đợt nhói đau tại vùng bụng. Nhưng cũng chỉ nghĩ là do những thương tổn do tuổi tác và những cuộc đấu võ mà ra, ai dè...Tôi vẫn viết sống chết có số, nhưng tâm nguyện của tôi chưa hoàn thành, tôi không thể nào nhắm mắt được.Thày xem có cách gì cứu giúp cho tôi được không?
Thày Chùa trầm ngâm một hồi lâu và rằng: Lẽ ra tôi cũng chẳng muốn nói với Thày làm chi, nhưng đêm qua, có hai mẹ con người đàn bà đến cầu xin cứu Thày lúc tôi đang tụng kinh.
Mà lạ quá, đứa con trai là một vong hồn không đầu, còn người đàn bà xưng tên là Lan. Họ năn nỉ, khóc lóc dữ quá nên tôi đã xiêu lòng, nhận lời chữa trị cho Thày. Muốn chữa khỏi bệnh của Thày, tôi phải dùng công lực của mấy chục năm tu luyện để hóa giải.
E rằng sau này, chân Khí của tôi cũng hao tổn rất nhiều. Cứu một người bằng xây mười tòa tháp. Vả lại, tôi đã được sự đồng ý của đấng Vô Vi rồi. Thày phải ở lại trên núi này 100 ngày, tôi cam đoan với Thày sẽ hết sạch bệnh.
Thày Chàm vội quỳ xuống định lạy thày Chùa, nhưng ông thày Chùa vội đỡ dạy mà rằng: Tôi với Thày âu cũng là nghiệp duyên, đừng cảm ơn tôi làm chi. Có cảm ơn thì hãy cảm ơn các đấng Vô Vi trên sân Tiên kia kìa. Thày Chàm ngước mắt lên nhìn về phía sân Tiên trên đỉnh núi, những đám mây mờ đục đang trôi qua, bỗng như có muôn ngàn ánh sáng rực rỡ, huy hoàng.
Từ đêm đáng nhớ đó, thày Chàm ở lại trên núi Két để thày Chùa chữa bệnh ung thư cho mình. Hàng ngày, những lúc rảnh rỗi, hai Thày thường lùng sục trong núi tìm những vị thuốc dùng để chữa bệnh ung thư.
Thày Chùa cho thày Chàm uống thay nước liên tục 2 bài thuốc trục nọc độc trong cơ thể ra. Bài thứ nhất gồm 2 vị: BÁCH HOA XÀ + BÁN LIÊN CHI. Bài thứ 2 chỉ có một vị thuốc duy nhất là: XẠ ĐEN. Ngoài uống thuốc, hàng ngày là 2 lần thày Chùa dùng công lực của mình kích thích tất cả những đường Kinh mạch, Huyệt lạc trong cơ thể thày Chàm. Mỗi lần thày Chùa truyền năng lượng vào người, thày Chàm thấy toàn bộ các đường Kinh của mình nóng ran, chạy rần rần khắp cơ thể. Những lúc như vậy, thày Chàm tập trung ý nghĩ, đưa các luồng hỏa hầu đi khắp các Huyệt vị trong cơ thể và tập trung vào phá khối ung thư ở vùng bụng.
Trong lúc điều trị, thày Chùa từ từ chỉ dẫn cho thày Chàm nghệ thuật chữa các căn bệnh ung thư. Theo thày Chùa, muốn chữa được bệnh ung thư bất kỳ loại gì phải đảm bảo được các yếu tố sau:
Một là: Cả Thày trị bệnh và con bệnh phải có một ý chí quyết tâm thật cao, tin tưởng sẽ thành công trong điều trị. Không có gì làm cho người bệnh chết nhanh hơn là mất ý chí chiến đấu chống bệnh tật. Điều đó giải thích được lý do, chính những bác sĩ, khi bị mắc bệnh ung thư thường chết nhanh hơn người bình thường. Có lẽ, các bác sĩ thường biết rõ về căn bệnh của mình hơn là người bình thường ( hay bị người nhà dấu nguyên nhân bệnh ). Ngày nay, các bác sĩ khi khám và điều trị ung thư thường quên mất điều này, tuyên bố người bệnh mắc ung thư có nghĩa là tuyên án tử hình người bệnh, làm cho người bệnh suy sụp tinh thần, dẫn đến chán nản, buông rơi điều trị.
Hai là: Việc ăn uống của người bệnh phải khiêng khem hết sức cẩn thận. Tuyệt đối không uống rượu, bia, hút thuốc và cố gắng ăn chay càng nhiều càng tốt. Đừng nghĩ rằng, ăn chay không đủ chất như ăn mặn, thậm chí hiện nay người ta đã chứng minh rằng, trong đậu nành, đậu phộng, mè lại có độ đạm cao hơn cả thịt bò. Ngoài ra nên uống thay nước bằng hai thứ nước của 2 bài thuốc trên.
Ba là: Cần cải thiện môi trường sống, tốt nhất, khi bị ung thư nên chọn những vùng núi cao, sống ở đó mà điều trị. Khí hậu trong lành và yên tĩnh, giúp con người ta chiến thắng bệnh tật tốt hơn.
Bốn là: phải thực hiện đúng câu, Âm phù - Dương trợ, nghĩa là vừa dùng thuốc, vừa dùng chú DƯỢC SƯ và TIÊU TAI KIẾT TƯỜNG đọc vào thuốc hàng ngày. Uy lực của những câu chú sẽ tăng hiệu lực của thuốc. Như vậy, hiệu quả chữa bệnh sẽ chắc chắn và nhanh hơn nhiều. Ngoài ra, những trường hợp bất khả kháng vì bệnh đã quá nặng, hoặc người bệnh hết số thì những điều trên cũng giúp cho người bệnh ra đi nhẹ nhàng và ít đau đớn hơn.
Tháng ngày thấm thoắt trôi đi, 100 ngày trên núi đã đi đến những ngày cuối cùng, căn bệnh ung thư của thày Chàm biến mất như chưa bao giờ xuất hiện, thậm chí thày Chàm còn đỏ da, thắm thịt và cường tráng hơn hẳn so với lúc chưa bị bệnh.
Đêm cuối cùng ở trên núi Két, thày Chùa căn dặn thày Chàm lần cuối: Từ nay Thày phải phát nguyện hành Bồ tát Đạo, thấy ai có duyên thì chữa trị cho họ và quan trọng là Thày cố gắng kiềm chế mối hận thù. Oán thù chỉ nên cởi chứ đừng cố buộc làm gì. Ngày mai Thày phải xuống núi, lần này có lẽ là lần cuối chúng mình gặp nhau. Chúc Thày thượng lộ bình an và cố gắng hành thiện cứu đời.
Thày Chàm quỳ xuống lạy tạ ơn cứu tử của Thày Chùa rồi khoác tay nải xuống núi, nhằm hướng Tây Ninh rảo bước. Đằng sau, mỏ của ngọn núi Két như lúc lắc lên xuống chào Thày. Một trang mới lại bắt đầu trong cuộc đời giang hồ của ông thày Chàm.
Về đến Tây Ninh lúc này đã vào giữa mùa khô. Chút hơi lạnh từ phía lòng hồ Dầu Tiếng thổi về như báo hiệu thêm một cái Tết đến gần.
Những vườn Điều chi chít quả đã chín vàng óng trên cành, phô ra bên ngoài những hạt Điều nâu sẫm. Những vườn xoài cũng mang nặng những quả lúc lỉu, thôi thì quả chín, quả hường vàng như muốn trả công một nắng hai sương cho người chăm sóc.
Cả Tây Ninh giờ này trông thật là sung túc. Người ta có thể chạy xe hàng giờ cũng không hết những động mía, động mì, những vườn xoài, nhãn tiêu da bò, vườn Điều, tiêu.
Tại những xóm nhỏ ven đường, có nhà trồng hàng ngàn nọc tiêu, những thân cây khô làm nọc cho tiêu leo được quấn một tấm áo choàng xanh mướt sừng sững xếp hàng vươn lên trời xanh.
Dân Tây Ninh có một cái lạ là hay làm theo phong trào, nếu thứ cây nào có giá là đua nhau trồng, không hề nghĩ đến đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy mà người dân Tây Ninh hết khổ vì mì, mía đến tiêu, điều vì lý do bội thu. Thường cứ 3 năm lại có một đợt giá cao, song tiếp đến 2 năm mất giá. Nhiều nhà dở khóc, dở cười, thậm chí sạt nghiệp cũng vì sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ
Thày Chàm trở lại vùng chân Núi Cậu, ven lòng hồ Dầu Tiếng. Việc đầu tiên của ông là ra thắp hương trên phần mộ của hai mẹ con cô Lan.
Lần này, ông ngồi rất lâu trước hai ngôi mộ, tay lần nhổ từng cọng cỏ đến khi sạch bóng, sau đó ông lại lui cui dùng xẻng đắp cẩn thận từng xẻng đất lên mộ cho tròn đầy. Khác hẳn với những lần trước sục sôi căm hận vì ý định trả thù, lần này trông ông bình thản, nhẹ nhàng, âu yếm xúc từng xẻng đất đắp mộ, nhẩn nha như một người không còn vướng bận với tháng ngày.
Chiều xuống, ông giăng võng ngay gần hai ngôi mộ. Một đĩa cá khô Sặc, một cút rượu đế Gò Đen ông mua khi đi qua vùng này được bày ra, một đống than hồng được đốt lên.
Đêm nay, ông quyết ở lại tâm sự với Linh hồn hai mẹ con cô Lan. Treo tay nải và đôi kiếm cổ trên một chạc cây nơi mắc võng, ông ung dung ngồi nhậu một mình, chốc chốc lại sớt rượu xuống đất mời vong linh hai mẹ con, ông lẩm bẩm một mình nói chuyện với các vong.
Từ chập tối, ông đã ra lệnh cho các Thiên Linh Tử tù đi lùng sục khu vực ông đã thuộc nằm lòng trong suốt thời gian qua trên Núi két. Vì khu vực đó nằm tại Bến Trường - Châu Thành là nơi gần Ngã ba Sọ, nên ông cũng đã cho phép đám Thiên Linh về lại thăm nơi chôn cất thân xác của chúng. Chắc chắn, trước khi trời sáng ông sẽ biết rõ sự tình.
Đêm nay, ông giành trọn thời gian cho mẹ con cô Lan. Lâu lâu, ông lại tới đốt thêm nhang cắm lên hai phần mộ, ánh nhang sáng lập lòe trên mộ cùng ánh lửa bập bùng, bóng ông thày Chàm ngồi nhậu ung dung, khiến người ta phải liên tưởng như đang ở một cõi u linh nào đó. Khoảng canh hai, khi cút rượu cũng vừa cạn, một luồng gió lạnh bất chợt nổi lên, cuốn tung đi những tàn lửa đỏ vút lên bầu Trời đen đặc, ông thày Chàm vội ngồi ngay ngắn lại: Ông biết Vong Linh của mẹ con cô Lan Đã về
Từ trong màn đêm mờ ảo hơi sương, khói, bóng hình hai mẹ con cô Lan từ từ hiện ra, rõ dần, rõ dần. Cô Lan vẫn mặc bộ đồ bà ba trắng như ngày nào, dắt thằng bé cụt đầu đến phủ phục ngay cạnh ông. Tiếng khóc rấm rứt, ai oán đến xé lòng của hai mẹ con, khiến ông thày Chàm cũng không ngăn được dòng lệ. Sau một thời gian rất lâu mới ngưng được tiếng khóc, cô Lan cho ông biết tình hình của lão Thày Chà lúc này.
Theo cô, đúng như ông đã từng thấy trên Kính Đàn, lão Thày Chà đang luyện công tại một khu rừng chồi ngay tại Bến Trường, cách Ngã Ba Sọ khoảng vài Km. Sở dĩ lũ Thiên Linh tử tù không phát hiện được ra Lão vì Lão đã sử dụng một thuật bí truyền của Huyền Môn để ẩn thân.
Thời gian vừa qua, Lão đã luyện thành công được khá nhiều pháp môn của các môn phái khác nhau. Mặt khác, hỏa hầu của Lão hiện nay cũng đang vô cùng sung mãn.
Đặc biệt, lão đã luyện thành công một pháp môn tối cổ của người Thái không biết lão học được của ai, để có thể sai khiến ngay lưỡi gươm của địch thủ đang cầm trên tay. Lúc Lão đọc Chú, lưỡi gươm đó sẽ quay lại bất ngờ giết chết chính chủ nhân của nó chỉ trong gang tấc.
Ngoài ra, Lão cũng đã luyện thành công cặp Rắn Thần vẫn theo Lão từ bao lâu nay thành một thứ Vũ khí giết người từ xa hữu hiệu. Hai mẹ con cô Lan rất lo ngại cho thày Chàm trong cuộc quyết chiến sắp tới. Hai mẹ con thề với thày Chàm sẽ quyết tâm theo dõi tìm những yếu điểm của lão thày Chà, giúp thày Chàm thành công trong thời gian tới. Cô nhắc thày Chàm nên liên kết với vợ chồng ông thày Bảy Tây Ninh mới co cơ thắng được trận này.
Ba người cứ thế cùng nhau tâm sự, trút hết những nhớ nhung, oan ức trong lòng tới gần canh tư lúc nào không hay. Bỗng nhiên, từ trong không trung xuất hiện mấy bóng trắng từ từ hạ xuống cùng với mùi tanh hôi khủng khiếp, lan tỏa nhanh hơn trong màn đêm lạnh. Thứ mùi này, người ta liên tưởng tới ngay mùi mà ta hay gặp ở những nhà xác quàn người chết - Lũ Thiên Linh Tử tù đã về.....
Khi lũ Thiên linh tử tù vừa hạ xuống trước mặt ba người ( đúng ra chỉ có 1 người và 2 hồn Ma ), chúng đã vội tranh nhau kể chuyện.
Vì đứa nào cũng muốn tranh công nên chúng làm ồn cả lên, khiến chẳng ai nghe được gì, chỉ đến lúc ông thày Chàm nạt nộ chúng, chúng mới chịu yên lặng. Đại khái, chúng kể về những vòng rào tâm linh được lão thày Chà dựng lên xung quanh khu vực lão luyện công.
Từ ngoài vào đến chỗ Lão Chà luyện công có đến ba hàng rào Tâm linh cực kỳ hiệu quả và ác độc. Vòng ngoài cùng được bảo vệ, tuần tiễu bởi lũ âm binh giấy, được Lão thày Chàm cắt bằng hình nhân giấy và luyện tập rất công phu. Vòng thứ hai là vòng bảo vệ của các loại Thiên linh Thai nhi, Thiên linh sọ người, Thiên linh chuối hột, Thiên Linh mèo, rắn.
Vòng trong cùng là nơi kiểm soát của cặp Rắn Thần vẫn luôn cùng Lão bao lâu nay. Ngoài ra, khỏang cách giữa hai vòng rào là những chiếc bẫy bằng Trận đồ hình mạng nhện, chúng như hình dạng một cái Xa đơm cá, mà ở phần cuối là những chiếc Hồ Lô sành có dán đầy Bùa, dùng để thu phục, bắt nhốt các Thiên Linh của đối phương.
Khi những Linh hồn Ma hay Thiên Linh cái không may mắc vào Trận đồ này lập tức bị cuốn vào cuối trận và lọt vào trong Hồ Lô; Lúc này, chúng bị các lá Bùa tấn công làm cho hồn xiêu phách lạc, khó có thể đầu thai sang kiếp khác được nữa. Trận đồ này thật là tàn độc, đến nỗi có một Thiên Linh tử tù mới đến ở khỏang cách khá xa, chút nữa là bị cuốn vào Trận đồ, cho tới tận lúc này hắn vẫn còn run sợ.
Nghe chúng kể xong, tất cả đều lặng thinh. Thật là một vùng đất Thiên La - Địa võng, khó mà công phá được. Ông thày Chàm lo lắng ra mặt, lặng thinh cúi đầu suy nghĩ. Duy chỉ có hồn cô Lan từ đầu đến giờ vẫn yên lặng, bây giờ mới nói với Thày Chàm: " Vẫn biết là lão thày Chà có đề phòng, ai dè hệ thống phòng ngự của Lão ta quá tàn độc. Tuy vậy, không phải là không có chỗ hở.
Tôi thấy rằng, Lão Thày Chà không lưu ý tới khúc sông Vàm Cỏ Đông chảy ngay sau lưng. Khúc sông này rộng hàng trăm thước, sâu hơn chục thước, nước chảy siết vô cùng, thuyền bè đi qua khúc này thường bị đắm là do dòng nước có nhiều xoáy.
Tại khúc sông chỗ khu vực Bến Lở, ngày xưa có một chiếc tàu chiến của Pháp bị đánh đắm, bùn đất tụ lại tạo thành những vũng xoáy rất nguy nhiểm. Chính vì có dòng sông hiểm nguy như vậy mà phía này Lão Thày Chà chủ quan ít đề phòng. Ta nên tấn công vào từ hướng này.
Mặt khác, Thầy nên sang nhà Thày Bảy Tây Ninh nhờ hai vợ chồng Thày Bảy trợ giúp. Tôi nghĩ, nếu có sự trợ giúp của vợ chồng thày Bảy và lũ Đệ tử, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng thày Chà. Riêng hai mẹ con chúng tôi xin đảm nhận trinh sát phía bờ sông Vàm Cỏ Đông. "
Thày Chàm gật đầu đồng ý và phân công lũ Thiên linh tử tù tiếp tục theo dõi mọi động thái của lão Thày Chà. Lúc này đã gần sáng, hai mẹ con cô Lan và lũ Thiên Linh tử tù lập tức biến mắt, thày Chà chuẩn bị tay nải, sáng nay sẽ sang chỗ thày Bảy Tây Ninh nhờ trợ giúp.
Từ phía núi Cậu, những tia sáng buổi sớm đã bắt đầu hừng lên, chiếu sáng cảnh bờ hồ Dầu Tiếng ướt đẫm sương đêm, làn hơi trắng đục mờ mịt dải trên mặt hồ như những cánh màn giăng, tạo nên một vẻ đẹp thê lương đến não lòng. Một ngày mới lại bắt đầu trên lòng hồ Dầu Tiếng.
Ngay trong ngày hôm đó, khi thày Chàm đến cầu viện, vợ chồng ông Thày Bảy đã cho triệu tập tất cả các đệ tử trong môn phái của mình về cấp tốc.
Cách của ông kêu đệ tử về cũng lạ. Chẳng cần cho người đi gọi, vì thực tế, nếu có đi gọi thì cũng chẳng biết họ ở đâu mà lần. Chỉ thấy thày Bảy đốt một lư trầm trên bàn thờ Tổ, thắp 7 cây nến xếp theo hình chòm sao Bắc Đẩu. Sau đó ông lên Đàn lầm rầm đọc chú.
Chỉ đơn sơ có vậy mà từ trưa tới chiều tối, hầu hết các đệ tử ở đẳng cấp cao đã có mặt tại nhà Thày. Buổi tối hôm đó, thày Bảy triệu tập một cuộc họp bất thường về công việc của ông thày Chàm.
Sau khi nghe Thày Chàm kể về những gì mình đã biết về khu vực cũng như những cách thức phòng ngự của lão thày Chà, tất cả đều lặng thinh, cúi đầu suy nghĩ. Ông Bảy cũng suy nghĩ lung lắm, tạm thời mọi người chưa tính ra được kế gì khả dĩ có thể đột nhập vào nơi đó. Nếu tấn công trực diện, không thể nào tránh được tổn thất về nhân mạng, điều đó cả thày Chàm và vợ chồng ông thày Bảy đều không muốn.
Còn để đảm bảo không có tổn thất mà có thể thắng được lão thày Chà thì chưa có một phương pháp nào khả dĩ.
Bàn cãi mãi tới nửa đêm chưa ngã ngũ, một nồi cháo gà to tướng được bưng ra chiêu đãi thày Chàm và các chư huynh đệ. Mọi người ai cũng thấy ngót bụng nên chẳng mấy chốc nồi cháo gà đã hết vèo.
Bà Bảy từ tối đến giờ vẫn yên lặng chỉ huy con cháu nấu nướng, dọn dẹp, bây giờ mới thong thả hướng về ông Bảy lên tiếng. Bà nói: " Ngày xưa, khi chúng tôi còn học phép tại Tà Lơn, Sư Tổ có lần bàn về cách thức giải phá trận đồ kiểu này. Chắc ông Bảy còn nhớ buổi dạy của Sư Tổ bữa đó??
Đây là một phép phá trận được lưu truyền bí mật trong bản môn, chỉ được truyền lại cho những người trưởng tràng để tiếp nối cho đời sau. Hồi đó, ông Bảy là một thanh niên thông minh, nhanh nhẹn và rất từ bi nên Sư Tổ chỉ định dạy cho một mình ổng, hy vọng sau này ông sẽ thế chức Trưởng môn phái tại Tà Lơn. Tuy nhiên, vì ông Bảy còn mẹ già ở bên Việt Nam, không thể ở mãi bên Tà Lơn được, nên ông đã từ chối học, nhường cho người bạn thân của mình là vị Trưởng môn đời thứ 7 hiện nay ở Tà Lơn.
Sau này, ông Bảy và Bà Bảy được chính Sư Tổ kết duyên cho và để hai người về Việt Nam sinh sống như nguyện vọng của thày Bảy. Trước khi cho hai người xuống núi về quê, Sư Tổ âm thầm tặng cho bà Bảy cuốn bí kíp về cách thức phá trận đồ, dặn phải học cho nhuần nhuyễn để lúc hữu dụng, có thể trợ giúp cho thày Bảy.
Đây chính là một đặc ân của Sư Tổ dành riêng cho hai vợ chồng ông bà Bảy. Đây cũng chính là kỳ vọng mà Sư Tổ đặt lên vai vợ chồng ông, hy vọng sau này môn phái được phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Thày Bảy ngạc nhiên quá đỗi, vì hai vợ chồng về Việt Nam đã mấy chục năm, bữa nay bà Bảy mới nói ra chuyện này. Nhưng ông cũng đã hiểu tính của bà Bảy, cái gì cần đến thì lúc đó bà mới chỉ bảo, không bao giờ nói trước điều gì cả. Có lẽ bà Bảy vẫn còn chưa tha cho ông Bảy câu nói ngày xưa, khi ông thấy bà chỉ chăm chú vào học các môn thư, yếm nên đã có nói - Không khéo bà sa vào Tà đạo.
Lúc đó bà Bảy chỉ im lặng, nhìn ông trân trối và cười nhạt. Cho đến mãi về sau ông mới hiểu rằng, không có những kiến thức về Thư, Yếm của bà Bảy thì giờ này ông cũng xanh cỏ nhiều lần rồi.
Bà Bảy từ tốn kể tiếp cho mọi người nghe về phương pháp dựng và phá trận đồ. Theo truyền thuyết kể lại, phương pháp này Khổng Minh - Gia Cát Lượng học được chính từ vợ của mình.
Vợ Khổng Minh tuy hình thể rất xấu, vừa lùn lại vừa rỗ hoa nhưng về nhân tướng lại là một hình thể cực tốt. Bà là người tinh thông nhiều môn như Thái Ất, Độn Giáp, Tử Vi và là một đệ tử chân truyền của một cao nhân ẩn sĩ vùng Động Đình Hồ.
Chính vị này đã chỉ dạy cho bà cách dựng và phá những Trận đồ ngày ấy. Sau này, bà truyền lại cho Khổng Minh và những Trận pháp do Khổng Minh dựng vang tiếng cả ngàn năm. Thực sự việc xây dựng một TRẬN ĐỒ vì mục đích gì đi chăng nữa, người Chủ trận phải hiểu tường tận cách bố trí Trận pháp.
Ngoài việc xác định rõ vị trí của Huyệt kết ở đâu, hướng của Long Nhập thủ như thế nào trong 72 Long Thấu Địa, Thiên Môn - Địa hộ ở đâu, Tính chất Âm - Dương,Ngũ hành của Khí Huyệt như thế nào, người bố trí Trận đồ phải rất giỏi về Ngũ Tử Khí Long ( Phận biệt các loại Khí Hỏa Khanh, Không hư, Bảo Châu ), phải thành thạo các thuật Toán an Ngũ Thân, Lộc, Mã, Quý, Tứ cát, Tam Kỳ, Bát Môn, an các Thiên Can, Địa Chi lên Bát Quái Đồ Hỗn Thiên. Những thuật này liên quan mật thiết đến Thuật tính Thái Ất, Độn Giáp.
Việc xác định được cửa SINH của BÁT QUÁI ĐỒ, tuy khó khăn nhưng chưa thấm vào đâu so với việc tính toán thời gian Huyệt mở của tại cửa SINH. Việc này ngày xưa các cụ tính rất giỏi nay tiếc rằng đã thất truyền. Hiện nay chỉ còn nguyên lý của nó thông qua việc tính toán THỜI CHÂM - TÝ NGỌ LƯU TRÚ VÀ LINH QUY BÁT PHÁP.
Tuy nhiên theo nguyên lý " Nhất Bổn tán Vạn thù - vạn thù quy nhất bổn ' và " Đời - Đạo, ÂM - DƯƠNG ĐỒNG NHẤT LÝ ". Chúng ta hoàn toàn có thể dùng thời châm để tính thời gian Huyệt mở.
Ví dụ: TÝ - NGỌ LƯU CHÚ là hai tự trong 12 Địa Chi, chỉ về Thời gian. Hàm ý quá trình ÂM - DƯƠNG biến hóa, tiêu, trưởng của Thời gian. Trong một ngày thì giờ Tý ( 23 - 1g ) ở nửa đêm là lúc Âm thịnh nhất ( cũng là lúc Dương bắt đầu được sinh ra. Giờ Ngọ ( 11 - 13 g ) vào lúc giũa trưa, lúc Dương thịnh nhất ( Cũng là lúc Âm mới sinh ra ).
Trong một năm thì tháng Tý ( Theo âm lịch kiến Dần hiện nay là tháng 11 ) là tiết Đông Chí, là thời kỳ Âm thịnh nhất nhưng cũng là thời kỳ Dương được sinh ra. Tháng Ngọ ( Tháng 5 Âm lịch ) chứa tiết Hạ Chí là thời khí Dương cực thịnh, nhưng đồng thời cũng là thời kỳ " Nhất Âm sinh ".
Hai từ LƯU - CHÚ có nghĩa là chỉ vào sự chu lưu, tưới rót của Khí trong các Kinh, Mạch.
Thuật ngữ TÝ - NGỌ LƯU CHÚ có hàm nghĩa: Khí thịnh, suy, lưu động trong các Kinh mạch ( Hay Long mạch cũng vậy ) theo nhịp điệu của thời gian chuyển biến. TÝ - NGỌ LƯU CHÚ PHÁP là một phép Thời châm, chọn Huyệt Khai, Mở theo giờ thịnh, suy ( Huyệt mở hay đóng ) của Khí trong Kinh mạch ( Hay Long mạch ). Nó sử dụng 66 Huyệt Ngũ du của 12 chính Kinh làm Huyệt chủ.
Phép TÝ - NGỌ LƯU CHÚ cũng như các phép LINH QUY BÁT PHÁP, PHI ĐẰNG PHÁP đều là những phép THỜI ĐIỀU TRỊ từ thời cổ xưa. Người xưa cho rằng, nắm được các phương pháp này thì nghệ thuật chữa bệnh hay làm Phong thủy, dựng trận được nâng cao tột bậc, có hiệu quả hơn hẳn, tác dụng nhanh và chính xác hơn, ví như chèo thuyền gặp nước xuôi.. nhất là với những ca cấp tính
Trong bài " Luận về phép Tý Ngọ Lưu Chú " - Từ Văn Bá ( Từ Thị ) viết: " Nói phép Tý - Ngọ Lưu Chú là nói cương nhu tương phối, Âm - Dương tương hợp, Khí Huyết tuần hoàn, giờ Huyệt mở, đóng " ( Theo Châm cứu Đại thành của DƯƠNG KẾ CHÂU) Cương-nhu ở đây là nói về Tạng phủ, Kinh mạch.
Âm - Dương ở đây là nói về Can - Chi phối với Âm - Dương. Nội dung chủ yếu của phép Thời châm này bao quát: Thiên Can, Địa Chi, Âm Dương, Ngũ Hành, Tạng phủ, Kinh lạc cho đến các Huyệt Tỉnh, Vinh, Du, Nguyên, Kinh, Hợp....
Ngày phối Kinh, giờ phối Huyệt. Mỗi ngày ( Can ) có một đường Kinh chủ đạo đồng tính Âm Dương - Ngũ hành với nó. Ngày Kinh chủ đạo bắt đầu và kết thúc vào giờ đồng Can với ngày lịch.
Dương Kinh dẫn Khí đi trước, Âm Kinh dẫn Huyết đi trước. Ngày Dương ( Can, Chi ), giờ Dương Khai ( mở ) Huyệt Dương. Ngày Âm, giờ Âm Khai Huyệt Âm vì Dương gặp Âm thì đóng lại.
Gặp các trường hợp này thì dùng nguyên tắc tương hợp như Giáp ( 1 ) hợp Kỷ ( 6 )....và nguyên tắc " Bổ tả Huyệt Mẹ con " để giải quyết. Phần lý thuyết tuy đơn giản như vậy, song khi bước vào thực tế thật là vô cùng nguy hiểm. Tuy khó khăn như vậy, nhưng chiếc khóa nào cũng có chìa để mở cả.
Chúng ta chỉ cần tra đúng chìa là chiếc khóa dù phức tạp đến mấy cũng sẽ nhẹ nhàng mở ra. Theo tôi, trận của Lão thày Chà tuy có vẻ hiểm hóc, song Lão ta dù học được một ít về Trận pháp, song vì không hiểu được Quái lý, nên trong Trận pháp này bày ra nhiều yếu điểm. Chúng ta hoàn toàn có thể phá trận này một cách dễ dàng.
Ông Bảy từ nãy đến giờ vẫn hết nhìn bà Bảy lại nhìn sang ông thày Chàm vẻ như lạ lẫm, bỗng ông buột miệng nói: " Tôi cũng có được nghe giảng qua về trận đồ Bát Quái trong Huyền môn.
Thậm chí khi biến trận, nó có thể xoay theo 360 độ số Trời, lúc đó có hằng hà sa số kiểu trận biến thiên không ngừng theo năm tháng, ngày giờ. Ngoài ra vì có hai vòng thuận nghịch theo chiều của Tiên Thiên và Hậu Thiên Bát Quái, nên nó giống như hai bánh xe quay ngược chiều nhau, lúc đó vào được cửa Sinh chẳng khác nào ta phải bắn một mũi tên xuyên qua các cây nan hoa của hai bánh xe quay ngược chiều nhau.
Khi dựng trận kiểu này, cũng phải cần đến 20 người có công lực thâm hậu nữa, trong mỗi vị trí của các phương Bát Quái, phải có một người ngồi trụ, như vậy hai vòng Tiên Thiên và Hậu Thiên hết 18 người, ngoài ra, còn phải có hai người bên ngoài chỉ huy trận và phát công khởi động Trận đồ nữa. Việc này khó quá, ta kiếm đâu ra người cho đủ đây. "
Bà Bảy từ tốn nói: " Ông thật khéo lo xa. Việc tính toán thời gian mở cửa Sinh của trận, tôi đã có sẵn một bụng đây rồi ( Ông Bảy nhìn sang cái bụng lép kẹp của bà Bảy bật cười ). Việc khó nữa là kiếm người có nội công thâm hậu, đủ sức chịu dựng sự vận động của Trận đồ cũng có cách rồi, ông quên những người bạn của chúng ta rồi sao? ".
Ông Bảy nghe vậy như chợt trút được gánh nặng trên vai, thày Chàm cũng rạng ngời vẻ mặt.
Nguyên là vùng đất Tây Ninh này là nơi phát xuất của Cao Đài Đại Đạo từ mấy chục năm trước, các cao thủ tụ về đầu quân rất nhiều.
Tuy nhiên vì một lý do riêng, chỉ có phái THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO là có khả năng bày bố những trận đồ kiểu này, họ đã tổ chức những cuộc hành hóa đi giải khai Huyệt đạo ở rất nhiều nơi.
Ngoài ra còn một số môn phái khác như: Tân Chiếu Minh,Tổ Tiên Chính Giáo,Vô Vi pháp, Ayasanta, Bửu Sơn Kỳ Hương,Tứ Ân Hiếu Nghĩa....cũng có rất nhiều các cao thủ tu tập ở trên núi Bà, núi Heo, núi Phụng, núi Cậu.
Ông bà Bảy đều có những mối quan hệ thân thiết với các nhóm đó. Nhanh nhẹn, ông thày Bảy phân công, Ông và thày Chàm lần lượt đi đến các giáo phái nhờ giúp đỡ ( tất nhiên là với tư cách cá nhân ), bà Bảy ở lại nhà trông coi lũ đệ tử và tính toán Trận đồ. Bây giờ muộn rồi, mai hai người sẽ đi sớm.
Một nồi cháo nhím được dọn ra, thịt nhím trắng và thơm hơn cả thịt gà, ngọt ngay. Vừa ăn, vừa khề khà chén rượu, cả nhà vui như vừa vượt qua được một thử thách khó khăn. Màn đêm đen kịt bao phủ khắp nơi, vẳng lại từ xa xa tiếng chó sủa ma vu vơ.