Số lần đọc/download: 1913 / 128
Cập nhật: 2016-06-26 07:35:55 +0700
Chương 4
“T
ÔI CHƯA TỪNG CẢM THẤY bị một câu chuyện thu hút hoàn toàn,” Clara giải thích, “đến mức như cuốn tiểu thuyết đó đã thu hút tôi. Trước đó, việc đọc với tôi chỉ là nghĩa vụ, một thứ phí mà học trò phải trả cho giáo viên và gia sư mà chẳng rõ vì sao. Tôi chưa từng cảm nhận được niềm vui thích của việc đọc sách, của việc khám phá nơi thầm kín trong tâm hồn, của việc buông mình cho trí tưởng tượng và cái đẹp, cái bí ẩn của hư cấu và ngôn từ. Với tôi, tất cả những điều đó được sinh ra cùng với cuốn tiểu thuyết đó. Em đã bao giờ hôn một cô gái chưa, Daniel?” Tâm trí tôi liền đông cứng; nước bọt như biến thành mùn cưa.
“À, em vẫn còn bé. Nhưng cảm giác đó thực giống y như vậy, tia sét lần đầu ấy em sẽ không bao giờ quên được. Thế giới này thuộc về những bóng đen, Daniel ạ, và phép mầu là tài sản hiếm có. Cuốn tiểu thuyết ấy đã dạy tôi rằng, nhờ đọc sách, tôi có thể sống mãnh liệt hơn. Nó như thể trả lại cho tôi đôi mắt mình đã mất đi. Nhờ mỗi cái lý do đó thôi, một cuốn sách vốn chẳng có ý nghĩa với bất kỳ ai đã thay đổi cuộc đời tôi.” Cho đến lúc ấy tôi cứ chết lặng, phó mình cho lòng khoan dung của một sinh linh mà lời nói và ma lực tôi không có cách nào cưỡng lại và cũng không hề muốn cưỡng lại. Tôi ước cô đừng bao giờ ngưng nói, rằng giọng nói của cô hãy vĩnh viễn bao bọc lấy tôi, và bác cô sẽ không bao giờ quay lại phá vỡ phép mầu của khoảnh khác ấy, cái khoảnh khắc chỉ thuộc về mỗi mình tôi.
“Suốt nhiều năm tôi đã cố công kiếm tìm những cuốn sách khác của Julián Carax,” Clara kể tiếp. “Tôi hỏi khắp các thư viện, hiệu sách, cả ở trường học. Luôn luôn là vô vọng. Không một ai từng nghe nói về Carax cũng như tác phẩm của ông ấy. Tôi không tài nào hiểu nổi. Về sau, Ngài Pho mát có nghe được một tin đồn, một câu chuyện lạ kỳ về người nào đó lang thang khắp các thư viện và hiệu sách tìm kiếm những cuốn sách của Julián Carax viết. Tìm được cuốn nào ông ta liền mua, đánh cắp hay tìm cách chiếm được bằng nhiều cách khác, để rồi sau đó lập tức dùng lửa đốt thành tro. Chẳng ai biết người đó là ai và tại sao lại làm vậy. Lại một câu hỏi nữa thêm vào danh sách những bí ẩn liên quan đến bản thân Carax. Rồi cũng tới ngày mẹ tôi quyết định trở về Tây Ban Nha. Bà đang ốm, thêm nữa Barcelona vẫn luôn là quê hương của bà. Tôi đã thầm hy vọng khi về đây có thể tìm ra được điều gì đó về Carax, vì nói gì thì nói Barcelona là thành phố nơi ông ta sinh ra và cũng là nơi ông ta biến mất ngay khi chiến tranh mới bắt đầu. Nhưng thậm trí với sự giúp đỡ của bác tôi, tất cả những gì tôi tìm được chỉ là ngõ cụt. Còn với mẹ tôi, cuộc kiếm tìm của bà cũng chẳng có kết quả gì hơn. Barcelona mà bà gặp lại khi quay về không còn là cái nơi bà đã rời đi nhiều năm trước. Bà chỉ thấy một thành phố của những bóng đen, nơi không còn cha tôi trú ngụ, mặc dù mọi ngóc ngách của nói đều bị ký ức về ông ám ảnh. Như thể tất thảy những cay đắng đó còn chưa đủ, bà kiên quyết đòi thuê người tìm hiểu điều gì đã thực sự xảy đến với cha tôi. Sau nhiều tháng điều tra, thám tử chỉ có thể mò ra được một chiếc đồng hồ đeo tay đã hỏng và tên của kẻ đã giết cha tôi trong nhà tù của lâu đài Montjuïc. Tên hắn là Fumero, Javier Fumero. Mẹ con tôi được biết rằng kẻ này – và không chỉ có hắn – thoạt tiên đã xin đầu quân làm lính bắn thuê cho tổ chức vô chính phủ FAI, rồi nhảy sang ve vãn phe cộng sản lẫn bọn phát xít, đánh lừa tất cả bọn họ rồi sẽ phục vụ cho bên nào trả giá cao nhất. Sau khi Barcelona thất thủ, hắn chạy sang phe thắng cuộc và gia nhập lực lượng cảnh sát. Giờ hắn đã trở thành một thanh tra người trĩu nặng huân chương. Chẳng còn ai nhớ đến cha tôi. Chẳng mấy ngạc nhiên, mẹ tôi héo mòn đi chỉ trong vài tháng sau đó. Các bác sĩ nói đó là do tim bà quá yếu, và tôi nghĩ rằng rốt cuộc cũng có một lần họ nói đúng. Sau khi mẹ mất, tôi chuyển đến sống cùng ông bác Gustavo, người họ hàng duy nhất còn lại của mẹ tôi ở Barcelona. Tôi rất cảm phục bác ấy, bởi mỗi lần đến thăm chúng tôi bác đều tặng sách. Nhiều năm nay bác ấy vẫn luôn là gia đình duy nhất và là bạn thân nhất của tôi. Đúng là đôi khi bác ấy tỏ ra hơi ngạo mạn, nhưng ơn Chúa, trong sâu xa bác ấy có tấm lòng nhân hậu. Hằng đêm, không bao giờ sai, cho dù có gật gù ngủ quên, bác ấy luôn dành chút thời gian đọc sách cho tôi nghe.” “Em có thể đọc cho cô, nếu cô muốn, cô Clara,” tôi lịch sự gợi ý, nhưng ngay lập tức hối hận vì sự cả gan của mình, bởi tôi đã chắc mẩm rằng, với Clara, việc tôi có mặt bên cô chỉ là phiền toái, nếu không phải chỉ là một trò để cho vui.
“Cảm ơn em, Daniel,” cô đáp. “Tôi rất vui lòng.” “Bất cứ khi nào cô muốn.”
Cô chầm chậm gật đầu, kiếm tìm tôi bằng nụ cười của mình. “Thật không may, giờ tôi không còn giữ cuốn Ngôi nhà màu đỏ nữa,” cô nói. “Ngài Pho mát không chịu rời xa nó. Tôi có thể kể lại cho em nội dung câu chuyện, nhưng làm vậy cũng chẳng khác gì mô tả toà thánh đường rằng nó là một chồng đá mà trên cùng là chóp nhọn vậy.”
“Em dám chắc cô có thể mô tả hay hơn thế nhiều,” tôi lắp bắp. Phụ nữ có bản năng nhận biết đích xác khi nào một người đàn ông yêu họ say đắm, đặc biệt là khi gã ấy vừa trẻ lại vừa hoàn toàn khờ dại. Tôi đã đạt mọi điều kiện đủ khiến Clara Barceló tống khứ tôi ngay lập tức, nhưng tôi thà tin rằng sự mù loà của cô giúp tôi có được chút an toàn và rằng nhờ đó tội lỗi của tôi – sự quên mình hoàn toàn và thảm hại tôi dành cho một phụ nữ mà tuổi đời, trí thông minh và tầm vóc đều gấp đôi tôi – sẽ mãi nằm trong bóng tối. Tôi phân vân không hiểu ở mình có gì đặc biệt khiến Clara muốn kết thân, ngoài một hình ảnh phản xạ nhợt nhạt của chính cô, tiếng vọng của sự cô độc và mất mát. Trong những mộng tưởng niên thiếu, tôi hình dung chúng tôi là hai kẻ tị nạn ruổi ngựa dọc theo gáy một cuốn sách, háo hức muốn được náu mình trong những thế giới hư cấu và giấc mơ gián tiếp.
*** KHI BARCELÓ TRỞ LẠI với một nụ cười nham hiểm, hai tiếng đã trôi qua. Hai tiếng mà tôi tưởng chỉ như hai phút. Tay buôn sách đưa trả cuốn sách và nháy mắt với tôi.
“Xem cho kỹ nhé, nhóc lùn. Tôi không muốn cậu quay lại kêu ca rằng tôi đã tráo cuốn khác đâu.” “Tôi tin ngài,” tôi nói.
“Lảm nhảm vô nghĩa. Người cuối cùng nói câu đó với tôi (một du khách bị thuyết phục rằng chính Hemingway sáng chế ra món hầm fabada trong dịp lễ Bò Tót San Fermín) đã mua một cuốn Hamlet có chữ ký của Shakespeare bằng bút bi, thử tưởng tượng mà xem. Cho nên cố mà tỉnh táo khi nhìn nhận. Trong ngành buôn sách, thậm chí phần chỉ mục cũng chẳng đáng tin đâu.” Trời bắt đầu nhá nhem khi chúng tôi bước xuống phố Canuda. Một cơn gió mát lạnh trải dọc qua thành phố, Barceló bèn cởi áo khoác trùm lên vai Clara. Nhận thấy không còn cơ hội nào tốt hơn, tôi ngập ngừng buột miệng hỏi rằng, nếu hai bác cháu thấy không phiền, liệu hôm sau tôi có thể tới nhà họ đọc vài chương trong cuốn Bóng hình của gió cho Clara nghe không. Barceló liếc nhìn tôi qua khoé mắt và bật ra miệng tiếng cười khô khốc.
“Nhóc, đừng cầm đèn chạy trước ô tô như thế!” ông ta nói nhỏ, nhưng ngữ điệu lại như ẩn chứa sự ưng thuận. “Dạ, nếu không tiện, vậy có thể để hôm khác hoặc…”
“Điều đó tuỳ thuộc vào Clara,” tay buôn sách nói. “Hai bác cháu tôi đã có đến bảy con mèo và hai chú vẹt. Thêm một sinh vật nữa cũng chẳng có gì khác mấy.” “Vậy mai ta gặp nhau nhé, chừng bảy giờ,” Clara kết luận. “Em có biết địa chỉ không?”