Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 2
Khu vực cơ quan tỉnh ủy Phước Vĩnh nằm trên một gò đồi um tùm cây cổ thụ và những con đường nhựa chạy ngoằn ngoèo qua các dãy nhà cấp bốn. Mặt đường đã bạc màu, lở lói theo thời gian, có đoạn chỉ còn trơ lại lớp đá dăm lổn nhổn. Khu này vốn trước đây là tòa công sứ dưới thời Pháp thuộc. Sau ngày Nhật hất cẳng Pháp, nơi đây trở thành Sở chỉ huy của quân đội Nhật. Cách mạng Tháng Tám thành công, nó trở thành trụ sở của chính quyền cách mạng. Đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chấp hành chủ trương tiêu thổ kháng chiến, toàn bộ khu nhà bị đập nát chỉ còn lại đống gạch vụn. Tỉnh Phước Vĩnh bị chiếm đóng, quân đội viễn chinh Pháp lại biến đây thành trại lính cho đến ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng năm 1954. Khi mới về tiếp quản thị xã Phước Vĩnh, khu vực này dành cho Ủy ban hành chính và Tỉnh ủy. Sau khi xây dựng xong khu vực dành riêng cho Ủy ban hành chính tỉnh, nơi đây dành cho các phòng, ban cơ quan Tỉnh ủy. Gia đình ông Hoàng Kim, bí thư tỉnh ủy cũng được bố trí ở trong một ngôi nhà ba gian và hai gian bếp nằm gần nhà ăn tập thể của cơ quan. Ông Kim dành gian giữa để tiếp khách và làm việc khi ở nhà. Gian bên phải là của hai vợ chồng ông, gian bên trái kê hai chiếc giường cho năm đứa con. Ba anh em trai nằm một giường, hai chị em gái một giường. Hai gian bếp thì một gian dành để nấu nướng, một gian để ngồi ăn cơm. Đến bữa ăn, cả gia đình quây quần trên một cái chiếu cũ đã bị đứt nhiều chỗ. Nhà chật nên khi cần làm bài vào ban đêm, mấy đứa con ông mỗi đứa một cây đèn dầu bê lên nhà ăn tập thể để ngồi học. Từ khi Mỹ mở rộng đánh phá ra miền Bắc, mấy đứa con ông Hoàng Kim sơ tán về nông thôn nên ngôi nhà chỉ còn lại hai vợ chồng. Bà Lê, vợ ông Kim làm việc ở bưu điện tỉnh cách nhà không xa. Hết giờ làm việc bà trở về nhà nấu cơm. Trước đây khi con cái chưa đi sơ tán, bữa cơm của gia đình lúc nào cũng rôm rả tiếng nói cười. Giờ bữa cơm trở nên trống vắng khiến hai ông bà chỉ ngồi ăn cốt cho xong bữa. Trong khu vực cơ quan có rất nhiều đám đất bỏ hoang, bà Lê cuốc lên trồng đủ loại rau, mùa nào rau nấy nên chẳng bao giờ phải mua rau mậu dịch. Năm thì mười họa cầm tem phiếu đi ra cửa hàng thực phẩm hay bách hóa mua hàng và về khu sơ tán thăm con, còn lại chẳng mấy khi bà đi xa.
Ông Kim hút xong điếu thuốc lào, cầm cái điếu cày và gói thuốc đứng dậy định đi lên phòng họp thì bà Thường đi vào.
Bà Thường là trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy, có chân trong Ban thường vụ. Bà sinh ra trong một gia đình nhà nho thuộc vào hàng trung lưu vùng Kinh Bắc. Bà và ông Kim biết nhau từ khi hai người còn làm liên lạc cho Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm nay bà Thường đã năm mươi mốt tuổi, hơn ông Kim hai tuổi. Tuy giữ những cương vị khác nhau trong cơ quan tỉnh ủy nhưng bà Thường coi ông Kim như em trai của mình. Ông Kim cũng vậy. Ông coi bà Thường như người chị gái. Có chuyện gì vui buồn ông đều đem chia sẻ với bà. Tính tính bà hết sức xởi lởi và bộc trực. Thấy sai trái là bà nói, bất kỳ người đó là ai. Ông Kim rất quý trọng đức tính ấy của bà Thường. Hai người còn là đôi bạn hút thuốc lào với nhau. Thấy bà Thường đi vào, ông Kim ngồi lại xuống ghế.
- Triệu tập họp hành kiểu gì mà gần bảy giờ chả thấy ma nào cả? – Vừa ngồi xuống ghế bà Thường đã hỏi.
- Huyện gần cũng hơn mười lăm cây số, thằng Thạch Sơn hơn ba mươi cây làm sao mà đến sớm được.
- Cô Lê đi làm sớm thế kia à?
- Đi từ bốn giờ sáng xếp hàng mua mấy lạng đường định chủ nhật này đem về cho các cháu kẻo phiếu sắp hết hạn chứ đã đi làm đâu.
- Đưa phiếu cho mấy cô ở cửa hàng bách hóa nhờ họ lấy cho, việc gì mà khổ sở thế.
- Mang tiếng lấy quyền hành nhờ vả thêm phiền.
Bà Thường cầm lấy điếu cày:
- Chú lúc nào cũng giữ ý giữ tứ quá. Còn thuốc không cho tôi vay một gói.
Ông Kim đứng lên đi đến góc nhà đưa tay rút từ cái túi vải màu nâu ra một gói thuốc lào Thống Nhất loại năm mươi gam đem đến đưa cho bà Thường:
- Tôi cứ nghĩ phụ nữ vùng Tiên Lãng, An Lão mới nghiện thuốc lào, không ngờ chị Hai quan họ cũng nghiện.
- Chú không biết chứ tôi hút thuốc lào từ tuổi còn đi học. Bố tôi có cái điếu bát vẽ rồng vẽ rắn đẹp lắm. Lúc đầu đi học về chạy đến mân mê cái điếu bát để xem. Sau đó thì giành phần châm đóm cho bố. Dần dần thấy bố hút nghe tiếng kêu re re rất vui tai liền cầm xe điếu rít thử. Thế rồi tôi hút thuốc lào lúc nào không hay. Mấy lần bị bố bắt gặp đánh cho một trận nên thân nhưng vẫn không chừa. Thấy bố vắng nhà một lúc là hút trộm. Cho thuốc châm đóm hút đàng hoàng chứ không phải hít khói thừa như mọi lần. Tôi hút vụng giỏi lắm. Không khi nào nghe tiếng xe điếu kêu đâu – Bà Thường nói xong cười thoải mái.
Nhìn lên phòng họp thấy loáng thoáng bóng người, ông Kim bảo bà Thường:
- Hình như mọi người đang đến kia, lên đi chị.
Bà Thường đứng lên cùng ông Kim đi lên phòng họp.
Năm ủy viên thường vụ và các bí thư huyện ủy đã có mặt. Chỉ còn thiếu Chi, bí thư huyện ủy Tam Bình.
Ông Kim bước vào móc túi lấy ra ba gói thuốc lá Tam Đảo và gói thuốc lào đặt xuống bàn:
- Tớ vừa được phân phối ba gói thuốc lá sắp mốc, tay nào hút được thì hút, không hút được thì hút thuốc lào. Thuốc đấy, điếu đấy. Cái cô Chi ở gần thế sao giờ này vẫn chưa tới nhỉ. Hay là trời rét ấp chồng ngủ quên rồi.
Ông Kim vừa nói dứt lời thì Chi đến. Đó là một phụ nữ chừng trên ba lăm, ba sáu tuổi, khuôn mặt thanh tú, dáng dấp tựa một cô giáo, vận chiếc áo vét màu xám cũ kỹ, cổ quàng khăn len màu xanh lục. Chiếc xe đạp nhãn hiệu Thống Nhất Chi đang đi mất chắn bùn phía trước. Lốp xe sau buộc chằng chịt dây cao su cho lốp khỏi bị bung ra. Cái biển đăng ký xe đã rỉ nát được buộc bằng dây thép kêu lẻng xẻng.
Bước vào phòng họp, bỏ chiếc nón trên đầu xuống, Chi xin lỗi:
- Từ huyện lên đây cái xe đạp của em bục lốp đến ba lần nên đến chậm.
Ông Kim nhìn vào chiếc xe của Chi dựng ở hiên hỏi:
- Dưới huyện không được phân phối lốp xe hay sao mà đi chiếc lốp thảm hại thế?
- Quý vừa rồi cơ quan huyện ủy được phân phối hai chiếc nhưng có đến tám chiếc xe đạp cần phải thay lốp.
Bà Thường bảo:
- Mà nghĩ cũng lạ thật. Báo chí và đài phát thanh lúc nào cũng bảo nhà máy này vượt mức kế hoạch, nhà máy kia được bằng khen, thế mà không biết hàng hóa chạy đi đâu không đến tay người tiêu dùng. Đi ngoài đường thấy vô khối lốp xe đạp buộc chằng buộc chịt như của cô Chi. Vượt kế hoạch thì lốp chạy đi đâu. Vô lẽ báo chí và đài phát thanh nói dối?
- Họ nói thật cả đấy – Ông Kim nói – Có điều phi lí là những hàng hóa vượt mức kế hoạch ấy sản xuất xong cất vào kho mấy năm sau mới đem ra phân phối. Cứ lấy sản phẩm của cụm nhà máy cao xà lá ở Hà Nội ra thì biết. Thuốc đánh răng Ngọc Lan của nhà máy xà phòng khi mậu dịch phân phối đến tay người tiêu dùng, lúc đem ra sử dụng thì đã hóa thành vôi. Phải dùng búa gõ ra rồi nghiền nát mới đánh được. Còn lốp xe đạp của nhà máy cao su Sao Vàng mua về đưa ra thợ lắp, xe mới lăn được mấy vòng thì đứt tanh. Nhà máy thuốc lá cũng sản xuất vượt mức bằng cách để thuốc lá trong kho hết mùi, thậm chí mốc xanh ra mới đem phân phối. Dân không mua thì bán kèm với bia hơi. Muốn uống bia hơi buộc phải mua từ một đến hai gói thuốc lá mốc. Kiểu làm ăn như thế chỉ đẩy đất nước đến lụn bại ngày một ngày hai mà thôi.
Bà Thường than phiền:
- Tình hình chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng leo những nấc thang cao hơn, không biết sự thiếu thốn còn đi đến đâu.
Ông Kim vỗ nhẹ tay xuống bàn:
- Thôi, bàn chuyện tào lao như thế đủ rồi, họp cho xong đi chứ lát nữa báo động máy bay chạy ra chạy vào là hết buổi đấy. Ai ăn cơm trưa nay thì báo với tay Đô để bảo nhà bếp nấu. Nếu có cầm phiếu gạo đi theo thì nộp luôn cho quản lí. Nếu không có thì bảo quản lí cho nợ, lần sau lên họp trả. Thực phẩm thì ăn chung cùng anh em trong cơ quan. Tranh thủ đi báo cơm rồi vào họp.
- Các cán bộ huyện lên họp mà tỉnh ủy không cho được bữa cơm hay sao mà bắt phải nộp phiếu gạo? – Chi hỏi đùa.
- Cái thế bắt người ta phải keo kiệt thì đành chịu chứ biết làm sao bây giờ. Khi nào xóa bỏ được tem phiếu, tớ cho các cậu ăn đẫy thì thôi. Thôi ta bắt đầu làm việc nhé. Dự họp hôm nay ngoài các đồng chí bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện, còn có các đồng chí trong Ban thường vụ và đồng chí Tấn, tỉnh ủy viên, trưởng Ty nông nghiệp của tỉnh. Mục đích cuộc họp hôm nay là nghe các bí thư huyện ủy báo cáo tình hình làm vụ Đông Xuân, sau đó chúng ta bàn một số biện pháp nhằm đừng để năng suất vụ Đông Xuân tiếp tục trượt dốc. Nếu không thì cái đói giáp hạt sẽ diễn ra trầm trọng trong toàn tỉnh. Không nuôi sống nổi mình thì đừng có tính đến chuyện chi viện cho tiền tuyến. Bây giờ đề nghị các đồng chí bí thư huyện ủy báo cáo kết quả vụ chiêm của các Hợp tác xã trong huyện các đồng chí làm đến đâu rồi. Còn huyện nào chưa cấy xong không? Huyện Linh Sơn báo cáo trước.
Hạp, bí thư huyện ủy Linh Sơn đứng lên. Ông Kim đưa tay ra hiệu cho Hạp:
- Cậu cứ ngồi mà nói, không cần đứng lên đâu.
Hạp ngồi xuống:
- Báo cáo bí thư. Do đặc điểm của Linh Sơn là huyện miền núi nên nhiệt độ thường thấp hơn vùng trung du và đồng bằng có khi đến vài độ, rét cũng kéo dài hơn vài ba hôm. Rút kinh nghiệm của các vụ chiêm trước đây, chúng tôi thường cấy cho kịp thời gian của trên đề ra nên thường vấp ngay đợt rét đậm đầu mùa. Vụ này huyện ủy chúng tôi chủ trương cho cấy chậm lại một vài tuần. Nhưng vừa cấy chưa được mười phần trăm diện tích thì rét lại bổ sung, có khi còn rét hơn đợt rét trước đó vài tuần nên chúng tôi chỉ thị cho các Hợp tác xã trong huyện tạm dừng cấy và rải tro chống rét cho mạ, chờ rét xong sẽ cấy tiếp. Hiện nay toàn huyện mới cấy được hai mươi phần trăm diện tích. Chúng tôi phấn đấu giữa tháng sau sẽ cấy xong.
- Có cấy hết diện tích không? – Ông Kim hỏi.
- Báo cáo chỉ cấy được bảy mươi phần trăm diện tích. Lí do là thiếu mạ do đợt rét và sương muối đầu tháng chạp làm mạ chết gần ba mươi phần trăm.
- Sao không gieo tiếp để bù vào số mạ đã chết?
- Không còn thóc giống ạ.
- Hợp tác xã không có thóc giống dự trữ à?
- Báo cáo có. Nhưng một số Hợp tác xã đã dùng vào việc tương trợ cứu đói cho bà con những hộ neo đơn, già cả nên khi mạ bị chết, không còn thóc giống để gieo tiếp.
Ông Kim nổi nóng:
- Việc gì ra việc ấy chứ vì sao dùng thóc giống để cứu đói. Các anh chỉ đạo hay các Hợp tác xã tự động làm.
- Trước khi làm, các Hợp tác này có lên gặp lãnh đạo huyện yêu cầu giúp bà con các hộ neo đơn, già cả đang bị nạn đói đe dọa. Huyện bàn bạc mãi nhưng không làm sao tìm ra phương hướng giải quyết. Cuối cùng đành phải lấy gạo trong kho lương thực cấp cho mỗi hộ ba cân, còn lại do Hợp tác lo tiếp. Bây giờ bí thư có mắng em cũng đưa đầu ra mà chịu thôi chứ chẳng biết làm sao được. Làm sao mà khoanh tay đứng nhìn bà con chết đói được ạ.
Ông Kim ngồi lặng đi trong giây lát. Hoá ra sau các lũy tre bình lặng còn có những góc khuất mà ông chưa nhìn thấu được. Ông dịu giọng nói với Hạp:
- Mắng cậu thì tớ chẳng mắng. Nhưng tình hình này, có khi cho sắm vài ngàn bộ bị gậy phát cho bà con xã viên đi ăn xin.
- Có khi cũng phải làm như bí thư nói chứ chẳng có cách nào hơn.
- Ông có mang bị mang gậy đi ăn mày với bà con không?
Biết ông Kim hay nói đùa với cán bộ cấp dưới, Hạp trả lời:
- Bắn súng không nên thì phải đền đạn chứ biết làm sao được. Nếu tôi đến xin nhà bí thư, liệu bí thư có cho không?
- Gạo cơm không có, nhưng tớ sẽ cho cậu một cái giấy quyết định kỷ luật. Có anh nào còn thóc giống chi viện cho Linh Sơn cấy nốt ba mươi phần trăm diện tích còn lại không?
Nghe ông Kim hỏi vậy, Chi nói:
- Tam Bình xin chi viện cho Linh Sơn từ một đến hai tạ thóc giống. Chỉ lo Linh Sơn cấy muộn so với các trà lúa khác gần hai mươi ngày, không biết có chậm quá không?
- Huyện tôi thuộc miền núi, thời tiết giống như bà mẹ ghẻ sớm ấm, chiều lạnh. Cấy muộn vài chục ngày chẳng ảnh hưởng gì đâu.
- Tay Hạp nói đúng đấy – Ông Kim bảo – Ngoài Tam Bình ra, anh nào còn giống chi viện thêm cho Linh Sơn. Bây giờ cô Chi báo cáo tình hình cấy hái của Tam Bình đi.
- Báo cáo bí thư. Tam Bình đã cấy xong một trăm phần trăm diện tích. Nhưng khi nhìn cây mạ vừa được cắm xuống đã thấy báo hiệu một vụ chiêm thất bát rồi. Tôi biết bí thư sẽ hỏi lí do gì nên xin nói luôn. Các Hợp tác xã cấy được hai phần ba diện tích thì gặp ngay trận rét đậm, chất lượng mạ rất kém nên gặp phải rét đậm không có sức chống chọi, rễ bị bó lại khiến cây lúa vàng lụi gần nửa diện tích. Ngoài ra huyện đã chỉ thị các chi bộ và Ban quản trị tăng cường kiểm tra chất lượng làm đất, chống cày gãi bừa chùi, nhưng tình trạng làm ăn gian dối cốt chỉ lấy công điểm đã thành bệnh mãn tính rồi nên vẫn tiếp diễn. Hiện nay rất cần phân đạm để vực cây lúa lên nhưng đạm lại rất thiếu. Đó là tất cả lí do vì sao tôi bảo đã thấy báo hiệu một vụ chiêm thất bát.
Ông Kim kêu lên:
- Thế này thì chết đói cả tỉnh đến nơi rồi! – Tiếng kêu của ông Kim chứa đựng nỗi lo lắng chen lẫn cả đau đớn.
Nghe xong báo cáo của các bí thư và chủ tịch huyện, ông Kim thấy lòng mình nặng trĩu. Ông cầm lấy điếu cày và gói thuốc bước ra hàng hiên phòng họp, rút chiếc dép cao su bỏ xuống đất ngồi rít thuốc liên tục. Mọi người đã quen với việc mỗi lúc có chuyện gì khiến ông Kim suy nghĩ, bức xúc, ông thường lấy khói thuốc lào để giải tỏa nên không ai ngạc nhiên với việc ông đứng lên bỏ ra ngoài. Thực ra những điều các bí thư và chủ tịch huyện vừa nói không phải ông không biết. Ngay cả nguyên nhân dẫn đến tình hình này ông cũng lờ mờ nhận ra. Có lẽ thử khơi gợi xem mọi người có nghĩ đúng như mình hay không. Nghĩ vậy ông Kim đứng lên xách điếu cày quay lại phòng họp.
Bà Thường thấy ông Kim bước vào, cười hỏi:
- Xông khói thuốc lào đã thấy người nhẹ ra chưa?
- Làm sao mà nhẹ được hả chị. Bây giờ mọi người thử tìm xem nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bà con nông dân không còn thiết tha với ruộng đồng, với Hợp tác xã? Nếu chúng ta không tìm ra nguyên nhân thì không bao giờ khắc phục được tình trạng này và đến một lúc nào đó Hợp tác xã sẽ tan rã hoặc chỉ còn là cái xác không hồn.
- Tôi hoàn toàn đồng ý với đồng chí bí thư. – Mọi con mắt đổ dồn về phía Chi – Tôi thường xuyên đạp xe xuống các Hợp tác xã trong huyện, có khi ở lại qua đêm với bà con xã viên để nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Vì thế tôi hiểu vì sao người nông dân trước đây ăn trên ruộng, ngủ trên ruộng thì giờ đây lại quay lưng lại với ruộng. Cái lí do đã dẫn đến thái độ thờ ơ với ruộng đồng chính là họ thấy mình chẳng có quyền lợi gì trên chính mảnh ruộng của mình giao cho Hợp tác xã quản lí cả. Phân công lao động và phân phối sản phẩm dựa vào cảm tính, thiếu công bằng Hợp tác xã nào cũng có. Các hình thức khoán trong lao động không hợp lí, thiếu tính khoa học nên dẫn đến dong công phóng điểm diễn ra triền miên từ vụ này sang vụ khác. Theo tôi sở dĩ có tình trạng này là do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đang áp dụng đối với Hợp tác xã bậc cao.
Chi phát biểu xong ngồi xuống trong tiếng vỗ tay hưởng ứng của mọi người. Trong đó có Bằng, bí thư huyện ủy Vĩnh Hòa, trẻ nhất trong số những bí thư huyện ủy của tỉnh Phước Vĩnh. Năm nay Bằng mới ba bảy tuổi, kém Chi một tuổi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bằng được đề bạt trung đội trưởng ngay tại trận thay cho một anh trung đội trưởng hy sinh. Sau ngày miền Bắc giải phóng, anh được phục viên trong đợt giảm tám vạn quân. Về quê, Bằng tham gia ngay công tác ở địa phương. Từ bí thư chi bộ thôn, Bằng lần lượt được bầu bí thư đảng ủy xã và sau đó là bí thư huyện ủy. Tuy rời quân ngũ đã trên mười năm nhưng chất lính trong Bằng vẫn còn đậm đặc, mạnh mẽ, quyết đoán. Nghe Chi thẳng thừng chỉ đích danh sự trì trệ trong sản xuất nông nghiệp, Bằng thấy Chi nói đúng ý mình nên đứng dậy tiếp lời ngay:
- Tôi hoàn toàn tán thành những lời phát biểu vừa rồi của đồng chí Chi. Chúng ta đã tập trung các tư liệu sản xuất để đưa hợp tác xã lên quy mô cấp cao nhưng không đủ điều kiện đầu tư cơ giới hóa, điện khí hóa… như chủ trương chung về mô hình đã được phổ biến. Bên cạnh đó là việc quản lý lao động theo cơ chế hiện hành có rất nhiều tiêu cực. Có thể khẳng định đây là những nguyên nhân chủ yếu đẩy năng suất tụt xuống tới mức không thể tin được. Tôi đề nghị tỉnh ủy nên có Nghị quyết chuyên đề chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trong tình hình hiện nay.
Ông Kim nhìn các cán bộ cấp dưới với ánh mắt trìu mến. Họ đang nghĩ đúng những điều ông nghĩ, lo lắng những điều ông đang lo lắng.
- Tình hình sản xuất nông nghiệp của chúng ta đang trên đà trượt dốc không phanh. Các đồng chí đã chỉ rõ nguyên nhân của nó. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ về mặt tư tưởng cũng như trình độ giác ngộ của nông dân, cộng với phương tiện sản xuất của chúng ta quá lạc hậu, trình độ quản lí của cán bộ còn non yếu mà đã vội vàng đưa Hợp tác xã lên quy mô. Mặt khác chúng ta tập trung toàn bộ tư liệu sản xuất vào trong tay Hợp tác xã và thủ tiêu kinh tế hộ gia đình có thể là một sai lầm. Càng ngày Hợp tác xã càng bộc lộ những nhược điểm do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Tháo gỡ được những vấn đề trên không phải là chuyện đơn giản. Vì nó còn vướng mắc ở thể chế, đường lối chính sách tập thể hóa Xã hội Chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước. Đồng chí Bằng vừa đề nghị tỉnh ủy cần có một Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp nhằm tháo gỡ những bế tắc hiện tại, tôi nghĩ đó là một ý kiến rất hay. Nhưng để có một Nghị quyết chính xác và có hiệu quả về sản xuất nông nghiệp, tôi đề nghị đảng ủy các cấp phải tăng cường bám sát đồng ruộng, đề xuất với Ban thường vụ những suy nghĩ của mình cũng như hướng giải quyết. Ban nông nghiệp tỉnh ủy và Ty nông nghiệp phải chú tâm nghiên cứu về vấn đề này để làm cố vấn cho Ban thường vụ đánh giá vấn đề được một cách chính xác thực trạng tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Đình nhấp nhổm vuốt lại cổ áo sơ mi may bằng vải pô-pơ-lin trắng muốt rồi đứng lên đưa ngón tay trỏ sửa lại chiếc kính trắng gọng vàng nói như một diễn giả:
- Tôi thấy những lời phát biểu của một số đồng chí vừa rồi có một số quan điểm nhận định hết sức sai trái, không đúng với lập trường quan điểm của Đảng. Muốn tiến lên Chủ nghĩa Xã hội mà không tập trung tư liệu sản xuất vào trong tay tập thể thì việc nông dân quay lại con đường sản xuất cá thể Tư bản Chủ nghĩa chỉ còn là ngày một ngày hai vì bản chất của nông dân chúng ta vốn quen sản xuất tiểu nông, tư tưởng bảo thủ và lạc hậu, lúc nào cũng đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của tập thể…
Ông Kim sốt ruột ngắt lời:
- Ở hội nghị này không ai phê phán chủ trương hợp tác hóa của Đảng và Nhà nước cả. Mọi người chỉ xoay quanh việc tìm nguyên nhân vì đâu mà sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta trong mấy năm liền không ngóc đầu lên nổi. Đây là một thực tế. Tìm ra nguyên nhân để chấn chỉnh lại cách làm ăn, đưa lại no ấm cho nông dân đâu phải là chống lại chủ trương đường lối hợp tác hóa của Đảng và Nhà nước. Còn điểm này nữa. Đồng chí Đình đừng quá lo lắng nông dân kéo nhau trở về làm ăn cá thể Tư bản Chủ nghĩa. Tôi nghĩ nông dân đã đi theo Đảng qua cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và những năm đầu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và đang dồn sức người sức của cho cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược. Vì thế tôi vẫn tin họ.
Lời phát biểu thẳng thừng của Đình trước mặt ông Kim khiến các cán bộ huyện dự họp ngạc nhiên. Nhưng đối với các ủy viên thường vụ thì chẳng ai còn lạ gì Đình. Xuất thân trong một gia đình bần nông, năm 1952 Đình vào bộ đội ở một sư đoàn chủ lực. 1954, trong đợt chỉnh huấn tài liệu Cách mạng Việt Nam và Cải cách ruộng đất, Đình tự xác định thành phần của mình là cố nông và bịa ra chuyện mình đi ở cho địa chủ bị hành hạ rất dã man. Đêm kể khổ Đình vừa khóc nức nở vừa kể: Gia đình đói quá nên phải cho Đình đi ở với địa chủ từ khi Đình mới lên tám tuổi. Thân hình Đình gầy yếu nhưng tên địa chủ hàng ngày vẫn bắt Đình bò xuống làm trâu cho thằng con nó cưỡi. Con địa chủ là một thằng bé to lớn nặng như một cái cối đá nên Đình phải gồng mình lên mới không bị nó đè bẹp xuống nền nhà. Một lần thằng con địa chủ đang ngồi trên lưng Đình bỗng nôn ra khắp nhà. Tên địa chủ tưởng Đình làm cho thằng bé nôn nên bắt Đình liếm sạch bãi nôn của thằng bé. Một lần khác Đình mỏi quá khuỵu tay làm thằng bé ngã xuống nền nhà chảy cả máu mũi. Tên địa chủ đánh Đình đến ngất xỉu rồi nhốt vào chuồng lợn đến ba ngày, ăn với lợn, ngủ với lợn. Mấy con lợn rất dữ nên thường chờ lợn ăn xong, Đình mới vét tí cám còn sót lại trong máng. Đình vừa kể vừa khóc khiến cả đại đội khóc theo nức nở rồi tiếng hô đả đảo địa chủ vang dội cả sân đình.
Sau ngày kể khổ ở đại đội, Đình được chọn đi kể khổ ở tiểu đoàn. Vẫn với cái bài cũ, Đình cũng làm cho cả tiểu đoàn khóc nức nở. Sau chiến dịch Đông Xuân, Đình được đề bạt lên trung đội phó. Năm 1955, do có cái mác thành phần cố nông, Đình được biệt phái đi tham gia cải cách ruộng đất. Chỉ mấy tháng sau do có thành tích phát động quần chúng đánh gục giai cấp địa chủ triệt để đến tận gốc rễ, Đình ngoi lên làm đội trưởng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Đình được tổ chức cho đi học bổ túc Công nông rồi vào luôn trường Đại học Nhân dân.
Bấy giờ trường Đại học Nhân dân ở ấp Thái Hà cạnh gò Đống Đa, nơi có bến tàu điện chạy tuyến Bờ Hồ – Hà Đông. Chủ nhật nào Đình cũng ra đấy ngồi chờ nhảy tàu ra Bờ Hồ. Những lúc đợi tàu điện, Đình thường vào ngồi uống nước chè và hút thuốc lá cuộn ở cái bàn bán chè chén cạnh bến tàu điện. Chè hai xu một chén, thuốc lá thì một xu hai điếu, trong khi đó ngoài tiền ăn hàng tháng, Đình còn được mười sáu đồng phụ cấp nên túi Đình lúc nào cũng xủng xẻng có tiền. Người bán chè chén vốn là công chức lưu dung. Ông ta có hai thứ khiến Đình mê nhất. Đó là tài kể chuyện và cô con gái út đang học lớp chín vừa đẹp vừa duyên. Ngày ra trường cũng là ngày Đình trở thành con rể của người bán nước chè chén. Thời ấy Hà Nội vừa được giải phóng được mấy năm nên việc lấy được một anh cán bộ có trình độ đại học là một mơ ước của nhiều cô gái cũng như gia đình họ. Của hồi môn cho đám cưới là một chiếc xe đạp Peugeot nữ, một mơ ước của nhiều người ở thời ấy. Nhờ có mối quan hệ bà con với một người đang làm việc ở Ủy ban hành chính tỉnh Sơn Tây, Đình được bố vợ xin cho về làm công tác văn hóa ở một huyện trong tỉnh. Cũng giống như thời đang còn đi làm công tác cải cách ruộng đất, nhờ tài ăn nói và sống khôn khéo, thủ đoạn, Đình được thăng quan tiến chức rất nhanh. Từ một cán bộ văn hóa cấp huyện, Đình được cất nhắc lên phó chủ tịch và sau đó là bí thư huyện ủy. Giữ chức bí thư huyện ủy ở tỉnh Sơn Tây được gần một năm, Đình được điều qua tăng cường cho Phước Vĩnh. Do có bằng cấp và đã thông qua công tác bí thư huyện ủy, Đình được bố trí vào chức vụ phó ban tuyên huấn tỉnh ủy, sau đó lên trưởng ban. Ba mươi tám tuổi đã là trưởng ban tuyên huấn tỉnh ủy lại còn có chân trong Ban thường vụ và cũng là người duy nhất có tấm bằng đại học trong cơ quan nên Đình ngộ nhận về tài năng của mình và ngấm ngầm coi thường người khác.
Đối với ông Kim cũng vậy. Đình chỉ kính phục việc ông Kim tham gia cách mạng rất sớm, đã tham gia phong trào kháng Nhật và lãnh đạo nhân dân một huyện đứng lên cướp chính quyền trong cách mạng Tháng Tám nhưng lại ngấm ngầm coi thường trình độ văn hóa lớp bảy bổ túc của ông. Tuy xuất thân từ thành phần bần cố nông nhưng lúc nào Đình cũng cố tạo cho mình cái vóc dáng cốt cách của một trí thức, một chàng rể Hà Nội. Trong khi mọi người trong cơ quan tỉnh ủy mang dép cao su hoặc dép nhựa gia công thì Đình lúc nào cũng diện đôi giày da bóng nhẫy, áo sơ mi trắng cổ cồn và cái kính trắng gọng mạ vàng. Ăn nói trong giao tiếp hàng ngày hay trong các cuộc họp, Đình hay sính lí luận. Chuyện bình thường Đình cũng đưa triết học và các thứ lí luận anh ta thu nhập được ra để phân tích cái đúng, cái sai của sự việc. Nhiều lần ông Kim nói thẳng với Đình: Lí luận là kim chỉ nam cho hành động. Còn lí luận của ông là thứ lí luận suông, chẳng giúp gì cho cuộc sống cả. Đình không hề phản ứng trước mặt ông Kim nhưng trong thâm tâm Đình lại nghĩ lí luận là một thứ khoa học xã hội cao siêu, trình độ văn hóa cấp hai, cấp ba làm sao mà hiểu nổi.
2
Chị Thu đang đứng nấu cơm thì Đô dắt xe đạp của Chi xuống. Đô nhìn quanh không thấy chiếc xe đạp đi tiếp phẩm ở đâu liền hỏi chị Thu:
- Xe tiếp phẩm để ở đâu chị Thu?
- Chú Hiệp đi chợ rồi, chú hỏi làm gì?
- Anh Kim bảo lấy lốp xe tiếp phẩm lắp thay chiếc lốp hỏng của cô Chi, bí thư huyện ủy Tam Bình.
Chị Thu chạy ra xem cái lốp buộc chằng chịt dây cao su của Chi rồi kêu lên:
- Ông Kim định lắp cái lốp rách này cho xe tiếp phẩm à?
- Vâng.
Chị Thu nhìn kỹ cái lốp xe của Chi lần nữa rồi bảo:
- Cái lốp này tháo ra nhóm bếp cũng không xứng, nói gì lắp vào xe tiếp phẩm. Không có xe đi chợ, ông bí thư định cho cơ quan ăn muối chắc?
- Công bằng mà nói, hàng ngày tiếp phẩm đi chợ vài lần, đoạn đường chỉ vài cây số, nhỡ xe có hỏng vẫn dắt bộ đưa thực phẩm về cho nhà bếp được. Còn cái xe này mà bắt cô Chi ngày này sang ngày khác đạp hàng chục cây số đi xuống xã thì tội cho cô ấy quá.
Chị Thu chép miệng:
- Tôi cũng cạn nghĩ thật. Ông ấy chu đáo với cán bộ cấp dưới như thế thì mình có đi bộ để đi chợ cũng chả sao.
Nghe tiếng huýt sáo mồm của Hiệp từ xa, chị Thu bảo Đô:
- Chú Hiệp về rồi đấy.
Hiệp về đến nơi vừa dựng xe, Đô chẳng hỏi han gì chạy đến ngắm nghía hai cái bánh xe đạp. Hiệp nhìn Đô chẳng hiểu chuyện gì:
- Có chuyện gì mà ông nhìn cái xe tiếp phẩm ghê thế?
- Bí thư định tháo lốp xe tiếp phẩm thay cho xe bí thư huyện ủy Tam Bình – Đô nói tỉnh bơ.
- Ông đùa hay thật đấy. Bếp tỉnh ủy định nhịn ăn à?
- Tiếp phẩm đi tạm cái lốp xe của chị Chi rồi tính sau.
Hiệp đi đến ngắm chiếc xe của Chi rồi cười ré lên:
- Ối giời ơi. Bí thư định giao cho tôi cái mớ cao su bùng nhùng này đi tiếp phẩm thì đến bố tôi cũng không kham nổi chứ tôi.
- Ông có biết bí thư bảo nếu xe tiếp phẩm lốp yếu quá thì tháo lốp chiếc xe Mercier của bí thư thay cho chị Chi không?
Hiệp nói loãng tếch:
- Ông ấy đã có ô-tô rồi. Có tháo lốp xe đạp cũng chẳng ảnh hưởng gì. Đằng này không có xe, tôi chỉ có việc gánh quang gánh đi chợ thôi.
- Cửa hàng lương thực, thực phẩm ngay đây đi bộ mấy bước thì đã sao nào?
Hiệp gân mặt lên nói với Đô:
- Ông thấy có bữa ăn nào ông ăn thịt bạc nhạc và cá ươn của mậu dịch không. Không chứ gì? Các thứ đó mua xong tôi đành bán lại cho người ta rồi luồn lách xuống tận các chợ quê mua chui mua lủi thịt tốt cá tươi về cho bếp cơ quan đấy. Bây giờ ông định lấy lốp xe thì lấy đi. Nhưng ăn cá ươn và thịt bạc nhạc của mậu dịch thì mọi người đừng có kêu.
Đô ngạc nhiên hỏi:
- Cửa hàng thực phẩm của mậu dịch chỉ có cá ươn và thịt bạc nhạc thôi à?
Hiệp khinh khỉnh:
- Ông đúng là loại người dài lưng tốn vải ăn no lại nằm như người ta thường nói. Chẳng hiểu thời thế một chút nào sất. Không phải cửa hàng thực phẩm không có cá tươi, thịt ngon. Có cả đấy. Nhưng những thứ ấy bao giờ nhập vào cũng được nhét ngay xuống dưới gầm bàn dành bán cho con phe và ngoắc ngoặc trao đổi với những người quen biết trong ngành thương nghiệp. Tem phiếu tập thể và cá nhân chịu khó tiêu thụ thịt ươn cá thối. Không mua phiếu hết hạn đừng có kêu. Cái đầu bã đậu của ông đã sáng ra chưa nào.
Chị Thu cười:
- Chú đừng coi thường chú Đô. Chú ấy lên chánh văn phòng tỉnh ủy và trở thành tỉnh ủy viên khi nào không hay đấy.
- Lên gì thì lên, chị em mình quyền hành vẫn cao nhất. Muốn cho ai ăn no thì no, muốn cho ăn đói thì đói. Chị không thấy người ta vẫn thắp hương vái lạy táo quân đấy à.
Đô hỏi:
- Ông bảo mậu dịch muốn bán thịt ươn cá thối cho ai thì bán. Sao ông không bảo ông mua thực phẩm cho bếp tỉnh ủy?
Hiệp lắc đầu làm bộ thất vọng:
- Lại thò cái óc bã đậu ra nữa rồi. Tỉnh ủy là cái thá gì với thương nghiệp. Ông không biết thời buổi bây giờ là thời buổi nhất thân nhì thế tam quyền tứ chế à? Phải tốn bạc ngàn hoặc con ông cháu cha mới kiếm được cái chân bán hàng mậu dịch chứ ông đừng tưởng bở.
- Tôi thua kiến thức của ông rồi. Bây giờ ông có đồng ý để cho tôi tháo chiếc lốp sau của xe tiếp phẩm hay không thì bảo. Nếu không thì tôi đành đi tháo lốp xe đạp của bí thư đây.
- Tháo thì tháo. Nhưng ăn dở đừng có kêu.
- Ông đã nói vậy thì tôi đành đi tháo lốp xe của bí thư vậy.
Đô dắt xe đi được mấy bước, Hiệp nghĩ thế nào đó gọi lại:
- Tôi nói đùa cho vui thôi. Ông cứ tháo lốp xe tiếp phẩm rồi tôi tính sau. Tôi thấy bí thư cũng hay đi công tác bằng xe đạp. Tháo lốp xe, ông ấy chẳng có cái mà đi, tôi chẳng đang tâm.
Đô cười:
- Hoá ra ông cũng là người biết nghĩ. Bộ đồ chữa xe của ông đâu vào lấy ra đây cho tớ.
Tan họp, ông Kim bảo Chi theo ông đi lấy xe. Thấy Đô đang đứng ở sân, ông Kim hỏi:
- Có thay được lốp xe cho cô Chi không?
- Thay đâu vào đó xong xuôi cả rồi ạ.
Chi than phiền:
- Em làm phiền các anh quá.
- Tạo phương tiện tốt cho cô đi làm việc chứ cô có đi chơi đâu mà phiền với hà.
Bà Lê đạp xe hộc tốc về. Nhìn thấy Chi, bà vừa thở vừa hỏi:
- Hai anh em họp xong chưa?
- Xong rồi chị ạ. Chị đi đâu về mà trông vất vả thế?
- Có mấy cái phiếu đường, phiếu thịt sắp hết hạn nên hôm nay xin nghỉ mấy tiếng đi xếp hàng để mua. Bảy giờ cửa hàng mới mở cửa nhưng phải đi từ bốn giờ sáng để xếp hàng cô ạ. Đi sớm thế mà đã có hơn chục người xếp gạch, xếp nón choán chỗ rồi ngồi ngủ gà ngủ gật. Mua xong được mấy lạng đường ở bách hóa, đi đến cửa hàng thực phẩm thì thấy đã xếp hàng rồng rắn ở đó rồi, thế là hết cả buổi. Thời buổi gì mà khó khăn trăm bề.
Thấy bà Lê đặt một bó vải xuống nền nhà, Chi hỏi:
- Chị mua được cả vải nữa kia à?
Bà Lê cười:
- Bao tải đựng đường đấy. Thấy người ta chen chúc mua tôi cũng chen vào. Cửa hàng bách hóa chỉ bán cho một người hai cái. Cô Hồng biết tôi là vợ bí thư tỉnh ủy nên ưu tiên bán cho năm cái.
- Chị mua bao đựng đường về làm gì?
- Tôi giặt sạch rồi đem nhuộm màu tím than để may quần áo cho các cháu. Chúng nó đang tuổi nghịch, mấy mét phiếu vải không làm sao may đủ. Đầu năm tôi cũng mua được bốn bao, may cho thằng Bắc, cái Dương mỗi đứa một cái quần. Ấy, trông thế mà bền và đẹp ra phết cô ạ. Giặt vài lần mặt vải lì ra trông chẳng khác gì vải si-mi-li.
Ông Kim rít một hơi thuốc lào, nhìn ra xa rồi nói giọng buồn buồn:
- Ngày xưa như tôi bây giờ được coi là quan đầu tỉnh. Vợ đẹp, con ngoan, ô-tô nhà lầu, kẻ hầu người hạ chẳng thiếu thứ gì. Bây giờ thì năm đứa con cả trai lẫn gái, đứa nào cũng mặc quần áo vá, phải lấy cái thế vợ bí thư tỉnh ủy để mua năm cái bao đựng đường về giặt rồi nhuộm để may áo quần cho con.
Bà Lê cười trêu:
- Thế anh bảo bây giờ vợ anh không đẹp, con anh không ngoan à?
- Em đẹp chứ. Riêng cái việc vừa đi làm việc vừa nuôi trong chuồng một lúc ba con lợn. Năm đứa con, tôi đi công tác vắng, một mình em nuôi chúng nó khôn lớn, ngoan ngoãn thì cũng thừa tiêu chuẩn hoa hậu thời đại mới rồi.
Chi cười:
- Anh nịnh chị khéo thật đấy.
- Được anh cô nịnh thì tôi đã phúc. Mấy giờ rồi anh?
- Mười giờ.
- Còn một tiếng nữa mới hết giờ làm việc, có khi em đi làm đây.
- Anh chị đều gần năm mươi tuổi rồi mà anh anh em em nghe ngọt xớt.
- Thế cô chú xưng hô với nhau thế nào? – Bà Lê hỏi.
- Mỗi lần gọi, nhà em cứ cô nàng ơi cô nàng hỡi. Em bực quá cũng gọi lại anh chàng ơi anh chàng hỡi. Nghe cứ như hề chèo vui đáo để chị ạ.
- Cô Chi trưa nay ở lại ăn cơm với nhà tôi cho vui nhé. Các cháu đi sơ tán hết, bữa cơm nào hai vợ chồng tôi cũng bê bát cơm nhìn nhau buồn lắm. Hôm nay tôi mua được mấy lạng thịt ngon lắm, cũng bõ công xếp hàng.
- Em phải về vì chiều nay em hẹn xuống làm việc với lãnh đạo của xã Đạo Thắng chị ạ.
- Ăn cơm xong rồi về. Đây về Tam Bình mất hơn một tiếng đạp xe chứ có lâu lắc gì.
- Vâng. Chị cứ đi làm đi. Nếu anh Kim giữ lại thì em ở, anh ấy đuổi thì em về.
Bà Lê đi rồi còn lại ông Kim và Chi. Ông Kim hỏi:
- Theo cô ta nên làm gì để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc trong sản xuất nông nghiệp hiện nay?
Chi chẳng cần đắn đo, nói luôn:
- Em chẳng biết làm sao nữa. Đôi khi em thấy bức bối thế nào ấy. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng chẳng biết mình bức bối chuyện gì. Có đêm em ngồi thẫn thờ một mình trước sân và nghĩ quẩn: Hay ta bỏ quách kiểu làm ăn Hợp tác xã mà quay về thời kỳ vần công đổi công. Ruộng nhà ai nhà nấy làm. Trâu bò nhà ai nhà ấy nuôi. Nhà nước muốn đóng góp gì sẵn sàng góp.
Ông Kim cười:
- Đúng là cô nghĩ quẩn thật. Làm ăn tập thể là khuynh hướng tiến bộ nhất hiện nay. Nó là tiền đề để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, cơ khí hóa, điện khí hóa và cả hóa học hóa. Một nền nông nghiệp manh mún với phương thức sản xuất lạc hậu làm sao tính đến chuyện thành thị hóa nông thôn. Hợp tác xã là môi trường tập dượt, rèn luyện lối sống sản xuất công nghiệp. Cô xem phim có thấy cảnh nông trường tập thể của Liên Xô không. Tôi mơ ước làm sao một ngày nào đó trên những cánh đồng của Việt Nam từ Nam chí Bắc lúc nào cũng rộn ràng tiếng máy cày, tiếng máy gặt đập liên hiệp. Đôi lúc tôi cũng trăn trở bức bối như cô. Đúng là Hợp tác xã nông nghiệp của mình đang có một cái gì đó tựa như những cái ung bướu đang đeo bám vào nó. Nếu không tìm cách phá vỡ nó ra thì cái cơ thể Hợp tác xã sẽ quặt quẹo và đi đến tử vong.
- Em rất mừng là suy nghĩ của anh lại trùng hợp với suy nghĩ của em.
- Đó là nghĩ thôi. Còn từ nghĩ đến làm là con đường gập ghềnh không ít chông gai. Chúng ta phải dựa vào dân. Họ là người trực tiếp làm ra lúa gạo nên họ biết phải làm cách nào cho cái bụng mình được no.
- Không biết anh thế nào chứ em suy nghĩ rất nhiều về những lời phát biểu của đồng chí Bằng anh ạ. Có lẽ chúng ta cần mạnh dạn phá bỏ những gì không hợp lí dẫn đến kìm hãm sản xuất, nếu không thì không thể nào gỡ được thế bế tắc hiện nay.
Ông Kim rít một hơi thuốc lào, ngồi trầm ngâm.
3
Thường lệ vào hai tối thứ ba và thứ năm, ông Kim học tiếng Nga. Giáo viên là Đô, thư ký riêng của ông. Đô vốn là giáo viên dạy tiếng Nga ở một trường cấp hai của huyện Vĩnh Hòa. Do nhu cầu thanh toán cho ông Kim hết chương trình bổ túc văn hóa cấp Hai, Ban Tổ chức tỉnh ủy điều Đô về thay anh thư ký cũ, đồng thời dạy văn hóa luôn cho ông Kim. Khi biết Đô là giáo viên dạy tiếng Nga, ông Kim bảo Đô ngoài việc dạy toán, lí, hóa, dạy thêm cho ông tiếng Nga. Đô bảo tiếng Nga rất khó, ông bảo chẳng có cái khó nào bằng cái khó làm cách mạng, vừa khó vừa nguy hiểm đến tính mạng mà ông vẫn còn làm được thì cái khó của tiếng Nga chẳng là cái thá gì. Tính về tuổi tác, Đô kém ông Kim đến hai mươi bảy tuổi. Nhưng hai người trở thành đôi bạn vong niên ý hợp tâm đầu.
Chờ ông Kim rít xong hơi thuốc lào, Đô bảo:
- Bây giờ em tiếp tục hướng dẫn cho anh phần mở đầu thành phần của từ. Anh nhắc lại bài học hôm trước để em xem anh đã nắm chắc chưa nào.
Ông Kim nhắm mắt ngửa mặt nhìn lên trần nhà:
- Tiếng Nga chia ra làm nhiều bộ phận của từ. Một bộ phận của từ có một ý nghĩa.
- Anh cho ví dụ?
- Ví dụ trong từ xíttôn là cái bàn. Nếu có đuôi từ ích kèm theo như xíttônlích là để chỉ cái bàn con, xíttônlôvaia là phòng ăn. Từ có đuôi từ là ích thường để cấu tạo những vật nhỏ bé như xíttônlích là cái bàn con, đômích là cái nhà nhỏ, xađích là cái vườn nhỏ. Đô này, hôm nay chú cho anh học những từ như Chủ nghĩa Cộng sản, đảng viên Cộng sản, Chủ nghĩa xã hội, nông trường tập thể… để khi tiếp xúc với chuyên gia Liên Xô võ vẽ vài tiếng cho vui.
- Học ngoại ngữ anh đừng có sốt ruột. Mới học nên học những từ ít âm rồi dần dần học những từ khó, đa âm. Những từ anh vừa yêu cầu rất khó đọc đối với người mới học tiếng Nga.
- Khó anh vẫn đọc được.
- Cái ông học sinh già này cứng đầu quá thể. Mở vở ra chép từ mới.
Chép xong mấy từ Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, nông trường viên, nông trang viên, ông Kim ngừng viết ngẩng đầu lên hỏi:
- Chú mày đã xem phim Liên Xô có cảnh nông trường bao giờ chưa?
- Em xem mấy phim rồi. Khoái nhất là phim Anh lính Ivan, cười đến vỡ bụng.
- Chú có nghĩ đất nước mình sẽ có ngày như Liên Xô không?
- Chắc là có.
Ông Kim nói giọng sôi nổi:
- Đúng là Chủ nghĩa Xã hội chỉ có một, nhưng con đường để đi đến Chủ nghĩa Xã hội chắc có nhiều con đường khác nhau. Nói ví dụ chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp thôi. Ở Liên Xô người ta trồng lúa mì, còn ta thì trồng lúa nước. Cánh đồng của Liên Xô hàng trăm mẫu dính liền với nhau, đứng bên này không nhìn thấy bên kia, còn cánh đồng của ta có hàng trăm mảnh như chiếc áo vá. Dân mình quần cư theo đơn vị làng xã từ ngàn đời nay. Bởi thế dân mình hay nói làng nước. Nghĩa là có làng mới có nước. Làng gắn bó với dòng họ, với gia đình, với láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau. Khuyên bảo nhau trên nói dưới nghe. Lịch sử cha ông ta có những giai đoạn mất nước nhưng làng thì chưa bao giờ mất. Nếu chúng ta phá bỏ làng, dồn dân vào một cụm như doanh trại quân đội thì chẳng khác gì chúng ta xẻ thịt một cơ thể cường tráng ra làm từng mảnh, bấy giờ chẳng còn gì đâu cậu ạ. Cho nên tớ nghĩ, không biết có đúng hay không nhưng chúng ta phải xây dựng Chủ nghĩa Xã hội theo phong tục tập quán của ta, từ phương thức canh tác cho đến cộng đồng làng xã.
Biết tính ông Kim hễ nhắc đến Hợp tác và nông dân thì nói sa đà không bao giờ chịu dứt nên Đô giục:
- Anh tập trung vào học đi, không lại miên man vào chuyện Hợp tác xã lại mất luôn buổi học đấy.
- Ừ thì học tiếp.
Hết giờ học, ông Kim xách cái điếu cày đứng lên đi ra. Đô tắt điện rồi ra theo.
- Ruộng đang vào nước, mùa này chắc sếu về rồi cậu ạ. Sáng mai đi lên Linh Sơn xem lúa má cấy hái như thế nào, chiều hai thầy trò lên Đầm Voi bắn mấy con sếu về cải thiện một bữa, cậu thấy thế nào?
- Em tán thành cả hai tay.
4
Chiếc xe com-măng-ca nhảy chồm chồm trên con đường đất. Mùa hanh khô bụi cuốn theo xe mù mịt. Đô mặc chiếc áo lông to xù, ôm một khẩu súng săn hai nòng ngồi ghế trước. Ông Kim mặc áo đại cán màu xanh, bên trong là chiếc áo len cao cổ, đầu đội mũ cát két màu xanh công nhân ngồi ở ghế sau. Xe chạy qua các cánh đồng đang cấy vụ chiêm, qua các làng nằm rải rác hai bên đường. Gió bấc hun hút lùa vào xe.
Hành, lái xe bảo:
- Năm nay rét quá bí thư nhỉ. Không biết lúa cấy xong có sống nổi không.
- Rét nhưng không giá mấy nên không lo.
- Rét như thế này mà lội xuống ruộng thì khổ lắm. Cứ như có đàn kiến hàng ngàn con cắn vào chân. Nghĩ ngày còn bé ở nhà áo len không có, áo bông cũng không. Những ngày rét như thế này đi học phải mặc độn không biết bao nhiêu là áo rách bên trong. Hai cánh tay cứng quèo nên viết chữ như gà bới.
- Bây giờ những cô những cậu bé như cậu thời ấy cũng thế cả chứ có hơn gì đâu. Nhà ai có bố mẹ, anh em gì đó đi làm cho nhà nước may ra mới có chiếc áo bông, vỏ áo bằng vải thô nhuộm xanh. Còn áo len thì bói cũng tìm không thấy.
- Sắp đến thị trấn Linh Sơn rồi, có ghé vào cơ quan huyện ủy không bí thư?
- Không. Chú mày tìm đường nào đó không phải qua cổng cơ quan huyện ủy và ủy ban. Đừng để chúng nó thấy xe mình đang đi xuống xã.
- Đường tránh thì có ối nhưng mình có đi ăn cắp ăn trộm gì mà sợ họ thấy?
- Chẳng ăn cắp ăn trộm gì nhưng gặp chúng nó chỉ nghe chào hỏi và báo cáo báo chồn hết cả buổi chẳng đi đâu được đâu. Đó là chưa tính đến chuyện mời cơm mời nước vào buổi trưa, rách việc lắm.
Xe tiếp tục đi qua thị trấn. Chạy một đoạn, Hành hỏi:
- Về xã nào đây bí thư?
- Hình như sáng nay tớ đã bảo cậu đi Hạ Đình rồi hay sao ấy nhỉ?
- Bí thư bảo đi Linh Sơn chứ có nói xã nào đâu.
- Vậy thì đi về Hạ Đình. Đến gốc đa đầu làng Chanh Hạ, cậu đỗ lại. Cậu biết gốc đa làng Chanh Hạ rồi chứ gì?
- Làng Chanh Hạ có những mấy cây đa cơ.
- Cây đa đầu tiên cách làng chừng dăm trăm mét ấy.
- Thế thì em biết rồi. Nhưng từ đó vào làng còn xa lắm.
- Tớ muốn không ai biết mình về. Đến đấy đỗ xe, cậu đóng cửa lại cho ấm đánh một giấc. Nếu tớ và tay Đô về muộn thấy đói bụng thì bẻ cơm nắm ra mà ăn. Người nào có suất của người ấy rồi không phải lo ăn phần của người khác.
Hành cười:
- Bí thư và anh Đô nếu được bà con chiêu đãi thịt gà nhớ đem ra cho em một miếng đấy nhé.
- Cậu sợ tớ và tay Đô đi ăn mảnh thì lát nữa đóng cửa xe lại đấy rồi cùng đi.
- Có khi bí thư cho em đi theo thật. Ngồi ở trong xe chờ mấy tiếng đồng hồ không khéo người em thiu mất.
- Cậu đi liệu trẻ con nó có phá xe không?
- Có gì trong xe đâu mà sợ chúng nó phá. Hơn nữa trẻ con nông dân hiền và ngoan lắm chứ không như trẻ con ngoài phố đâu bí thư ạ.
- Vậy thì ba anh em cùng đi.
Đến một gốc cây đa khá to mọc ở vệ đường, xe dừng lại. Ông Kim và Đô bước xuống trước, Hành xuống sau rồi đóng sập cửa lại.
- Ấy chết! Suýt nữa thì quên khẩu súng săn – Hành mở cửa lấy khẩu súng săn hai nòng đưa cho Đô. Ông Kim xách cái điếu cày đi trước, Đô khoác khẩu súng săn cùng với Hành theo sau. Đi mấy bước Đô bảo:
- Anh Hành sợ em và anh ăn mảnh thịt gà mới nằng nặc xin đi chứ anh ấy mà nhìn thấy cảnh anh và em lội ruộng như mọi lần bố bảo.
- Coi thường nhau quá đấy. Thành phần bần nông chính hiệu đấy nhé.
Ông Kim không đi vào làng mà bỏ đường cái đi thẳng về phía cánh đồng xa xa trước mặt. Hành thấy thế hỏi:
- Sao không đi thẳng vào làng mà phải vòng ra đồng hả bí thư?
- Ra đấy xem bà con cấy hái ra sao.
Đến cánh đồng lúa đã cấy xong, ông Kim dừng lại nhìn bao quát khắp lượt – Mấy tay lãnh đạo ở Linh Sơn khá thật – Ông Kim khen – Cấy muộn so với các huyện khác hơn hai mươi ngày mà Hợp tác xã Hạ Đình cấy gần kín đồng rồi.
Hành nhìn chăm chú vào đám ruộng trước mặt mình rồi hỏi ông Kim:
- Bí thư nhìn mấy ruộng lúa cấy xong có thấy gì không?
- Thấy gì?
- Lúa cấy chăng dây thẳng hàng mà chẳng thấy thẳng ở đâu cả. Bí thư để ý xem. Hàng nào cũng vẹo vọ, nghiêng ngả như quân bại trận.
Ông Kim nhìn theo tay Hành chỉ:
- Đúng là tay Hành tinh thật. Chẳng biết cấy hái kiểu gì mà dẻ mạ nghiêng ngả như một lũ say rượu thế nhỉ.
- Theo em, lúa cấy nghiêng ngả kiểu này một là cấy ẩu để lấy công điểm, hai là đất bừa chưa nhuyễn nên khi cấy bị chuội tay, cắm cây mạ chỗ này nhưng gặp đất cục cây mạ lại trượt sang chỗ khác.
- Nhận xét của cậu hoàn toàn chính xác. Ta đi đến chỗ bà con đang cấy kia xem sao.
Trên một đám ruộng chưa được nửa sào, hơn mười cô gái đang cặm cụi cấy, vai người nọ gần như hích vai người kia, vừa cấy vừa cười đùa ầm ĩ. Ông Kim đứng nhìn một lúc rồi thở dài:
- Anh nào cũng kêu là thiếu lực lượng lao động vì phải điều lực lượng bổ sung cho chiến trường, thế mà một đám ruộng chỉ bằng bàn tay chéo chen chúc có đến hơn chục cô cấy. Riêng chân của thợ cấy cũng đủ dẫm cho cây lúa xiêu vẹo rồi. Cậu Đô đếm thử có bao nhiêu cô cấy ở đám ruộng kia.
Đô đưa tay đếm rồi bảo:
- Mười hai cô anh ạ.
- Mười hai cô chổng mông chổng đít lên cấy đám ruộng bằng chiếc chiếu, chẳng biết làm ăn kiểu gì nữa.
Vốn tinh nghịch nên khi nghe ông Kim nói vậy, tự dưng Đô cao hứng cất tiếng hò lơ:
- Hỡi cô cấy ở ruộng sâu. Mặt thời cúi xuống, chổng phao câu lên trời.
Đám con gái cấy dưới ruộng cùng ngẩng lên nhìn về phía ông Kim. Trong đám các cô gái bỗng vang lên tiếng hò đáp lại:
- Các anh đi thì cứ việc đi. Em chẳng chổng thế lấy gì các anh ăn.
Đám các cô gái đang cấy tiếng cười rộ lên.
- Thôi bỏ mẹ, cậu Đô chọc phải cái tổ ong vò vẽ rồi.
- Sao thế bí thư? – Hành ngạc nhiên hỏi.
- Thày trò mình gặp phải con gái Kẻ Đúm rồi.
- Con gái Kẻ Đúm thì sao?
- Con gái Kẻ Đúm chanh chua, đanh đá và giỏi đối đáp có tiếng.
- Em người ở huyện này mà chẳng nghe nói đến con gái Kẻ Đúm bao giờ?
- Làng cậu xưa kia thuộc Tổng Lai Xá, cách đây những hơn mười cây số, cậu còn bé con nên không biết là phải. Kẻ Đúm trước đây thuộc Tổng Hạ Đình. Tổng Hạ Đình có ba làng. Đó là làng Chanh, làng Đúm và làng Doi. Trước đây gọi một cách dân dã là Kẻ. Kẻ Chanh, Kẻ Đúm, Kẻ Doi. Bây giờ đổi thành thôn Quyết Tiến, Hồng Kỳ, Tiến Bộ thuộc xã Hạ Đình. Ngày xưa người ta có câu ví: Đẹp nhất con gái Kẻ Chanh, đanh đá Kẻ Đúm, ba vành Kẻ Doi. Kẻ Doi dùng nước giếng làng chẳng biết có chất gì mà cả làng đều toét mắt. Đi đâu gặp người có hai vành mắt sưng mọng, đỏ quạch là dân Kẻ Doi chứ không ai lọt vào đó. Lát nữa về xe ăn cơm tớ kể cho mà nghe. Bây giờ đến nơi xem các cô cấy hái ra sao. Hai cậu nhớ nếu không ai nhận ra tớ là các cậu không được giới thiệu tớ là bí thư bí thót gì nghe không.
Đô và Hành theo chân ông Kim đến sát các cô gái. Ông Kim lên tiếng trước:
- Ba anh em tôi thua các cô nên đến chịu tội đây. Có phải các cô là con gái Kẻ Đúm không?
Các cô ngừng cấy đứng cả lên. Một cô trong bọn bỗng kêu lên:
- Bác Kim! Chúng cháu không biết nên khi nãy hát hỗn với bác. Mong bác tha lỗi cho chúng cháu.
Nghe cô kia gọi tên ông Kim, các cô gái tỏ vẻ lo lắng, sợ sệt. Ông Kim cười nhẹ nhàng:
- Người không biết không có lỗi. Hơn nữa bác và hai cậu này là kẻ gây sự trước. Các cháu nghỉ tay lên cả đây nói chuyện cho vui rồi xuống cấy tiếp.
Mười hai cô gái người thì thả mạ xuống ruộng, người vẫn cầm mạ trên tay bước lên khỏi ruộng đến chỗ ông Kim.
- Có rét lắm không các cháu?
- Rét lắm bác ạ.
- Nông dân làm được hạt thóc khổ như thế đấy các cháu ạ.
Đô nhìn các cô gái, tò mò hỏi:
- Vừa rồi cô nào đối đáp với tôi đấy?
Một cô chỉ vào một cô gái chừng mười tám, mười chín tuổi có khuôn mặt tròn và đôi mắt rất sắc bảo:
- Cái Đăm đối đáp với anh đấy. Nó đối đáp nhanh và hay nhất chi đoàn chúng em.
- Nếu chúng em biết có bác bí thư cùng đi thì chúng em không dám hát hỗn láo như vậy đâu – Nói xong Đăm nép đầu vào vai một cô bạn đứng cạnh mình.
- Bí thư là con ngáo ộp hay sao mà cháu không dám trêu?
- Không phải ngáo ộp, nhưng bác là người lãnh đạo cả tỉnh, ai cũng ca ngợi bác. Bố cháu mà biết cháu hát hỗn với bác thì chỉ có no đòn.
- Bố cháu là ai mà dữ thế?
- Bố cháu là ông Mai ạ.
- Có phải Mai lươn không?
- Vâng. Bác lần nào xuống Hạ Đình cũng vào nhà cháu. Cháu nhận ra bác, chỉ bác không nhận ra cháu thôi.
- Lần nào thấy bác vào nhà là cháu lủi xuống bếp nhanh như chạch làm sao mà bác nhận ra cháu được. Bác biết bố cháu ngày bố cháu chưa lấy vợ cơ. Bác hơn bố cháu hai tuổi. Ngày ấy bố cháu đã nổi tiếng về tài bắt lươn rồi. Đã mấy lần bác được ăn lươn om với chuối xanh do bà nội cháu nấu đấy.
Đăm vui vẻ kể:
- Mỗi lần bác vào nhà cháu ra về là bố cháu lại nhắc đến chuyện ngày xưa bác ở trong nhà ông bà cháu. Hồi ấy còn kháng chiến chống Pháp, bác làm bí thư huyện ủy huyện Linh Sơn có phải không nào?
- Bố cháu bảo à?
Đăm cười rất tự nhiên:
- Mỗi lần nói đến bác là bố cháu nhắc đến chuyện đi bắt lươn về cho bà cháu om chuối xanh mời bác.
- Bố cháu dạo này có đi đánh lươn không?
- Vỡn.
Ông Kim cười:
- Vỡn. Đúng là tiếng Kẻ Đúm. Hợp tác xã Hạ Đình cấy gần xong chưa các cháu?
Một cô cầm nắm mạ trong tay trả lời:
- Mới hơn một nửa diện tích thôi bác ạ. Nếu không có chỉ thị của huyện tạm thời ngừng cấy để chống rét thì Hợp tác chúng cháu đã cấy xong rồi.
- Khi nãy đi đầu kia bác nhìn lúa kín ruộng tưởng cấy sắp xong rồi?
- Bác nhìn thấy đồng Đình nội đấy – Một cô nói – Cấy ở đấy xong mới chuyển xuống đây.
Ông Kim hỏi:
- Sao các cháu không dàn số người của các cháu ra vài đám nữa cấy cho nhanh mà túm tụm lại một đám như thế này. Cấy kiểu này vướng phải nhau vừa chậm, cây lúa lại nghiêng ngả chẳng ra hàng lối.
Đăm bảo:
- Chúng cháu làm đông cho nó vui chứ chậm nhanh cũng chẳng để làm gì bác ạ.
Ông Kim ngạc nhiên hỏi:
- Cháu nói thế nghĩa là thế nào?
Đăm đáp:
- Bác tính cấy nhanh cũng từng ấy điểm, cấy chậm cũng từng ấy điểm. Thậm chí ngồi chơi cũng chẳng ảnh hưởng gì. Bác nhìn xem những người đi bừa kia kìa. Nửa ngồi trên bờ, nửa đứng dưới ruộng. Trâu thì vừa đi vừa ngủ. Chúng cháu có cấy nhanh cũng chẳng có ruộng mà cấy. Bác hỏi sao cây lúa xiêu vẹo không hàng không lối ư? Bác đứng đấy cháu bốc cho bác xem đất người ta bừa như thế nào.
Nói xong Đăm nhảy xuống ruộng vục một vốc đất đưa đến cho ông Kim xem. Vốc đất lổn nhổn những cục to như nắm tay. Ông Kim nhìn nắm đất của Đăm vừa bốc dưới ruộng lên:
- Đội trưởng sản xuất và phó chủ nhiệm phụ trách sản xuất có ai có mặt ở đây không?
Một cô gái đứng cạnh Đăm nói với ông Kim:
- Thắp đuốc tìm cũng chẳng thấy đâu bác ạ. Bác muốn gặp họ thì vào làng tìm đến mấy nhà ông ấy. Nếu không ngồi uống rượu ở nhà ông này thì cũng uống ở nhà ông khác.
Ông Kim bảo Đăm:
- Cháu vào làng tìm đội trưởng sản xuất và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Hợp tác ra đây cho bác.
- Cháu sợ các ông ấy trù lắm.
- Cháu cứ bảo bí thư tỉnh ủy bảo cháu đi tìm. Chẳng ai dám trù cháu đâu. Cậu Hành đi với cháu vậy, đi nhanh lên nhé. Bây giờ các cháu tiếp tục cấy đi. Bác đến xem mấy ông thợ bừa làm ăn ra sao.
Các cô gái tiếp tục xuống ruộng cấy. Ông Kim và Đô đi đến chỗ mấy người đi bừa đang ngồi hút thuốc lào ở trên bờ ruộng vui vẻ chào:
- Chào các chú. Hôm nay trâu ốm, người ốm hay sao mà cả trâu lẫn người không ai muốn làm việc thế?
Một người trong số đi bừa trả lời trống không:
- Đói chứ chẳng ốm đau gì cả. Các ông đi bắn gì mà vác khẩu súng to thế?
- Đi xem có cò, có nông gì bắn mấy con về cải thiện cho vui.
- Cò nông các ông chịu khó đi lên đầm Voi chứ ở đây chỉ có dẽ giun chúng lủi nhanh như cuốc có mà bắn. Ở đầm Voi sếu về rồi đấy.
- Sếu về có nhiều không?
- Sáng sớm chúng bay qua đây từng đàn, mỗi đàn phải đến vài chục con.
Ông Kim ngồi xuống cạnh mấy người đi bừa móc túi lấy thuốc cho vào nõ điếu, rút cái đóm trong túi ra bật lửa châm thuốc rít ngon lành.
Một anh thợ bừa chun mũi hít hít mấy cái rồi hỏi ông Kim:
- Bác hút thuốc gì mà khói thơm thế?
- Thuốc lào Thống Nhất. Làm một điếu thì làm.
Ông Kim bỏ gói thuốc lào xuống trước mặt mấy người đi bừa. Anh chàng vừa khen thuốc thơm bảo:
- Xin bác một bi hút thử xem sao.
- Nếu thấy ngon tôi biếu cho đấy, ở nhà tôi vẫn còn.
Anh thợ bừa vê thuốc cho vào nõ rít một hơi, khen:
- Thuốc của bác vừa thơm vừa đượm khói.
- Vừa rồi chú mày bảo đói nên mới làm uể oải. Nói nghe hợp lí đấy. Đói đi chơi cũng mệt chứ nói gì đi làm. Nhưng muốn không đói phải làm năng nổ lên chứ làm ăn kiểu này làm sao bảo không đói được.
- Có thực mới vực được đạo ông ạ. – Một anh thợ bừa bảo – Nhưng muốn thực cũng chẳng có cái gì để mà thực. Thóc công điểm chia không đủ nấu cháo. Tôi hỏi ông, bụng ông lép kẹp có đi bừa nổi không?
Tuy trong lòng hơi bực nhưng muốn nghe những người nông dân nói thật những ý nghĩ của mình nên ông Kim vẫn làm ra bộ vui vẻ:
- Bụng đói thì không đi bừa được thì rõ rồi. Nhưng cuộc sống của các Hợp tác xã đã đến nỗi nào. Các anh chỉ vin vào công điểm chia ít thóc để che đậy cái thói lười biếng của mình thôi. Nếu cứ làm ăn kiểu này thì đói vờ sẽ thành đói thật là cái chắc.
- Các ông ăn no mặc ấm, chẳng có việc gì làm vác súng đi săn, các ông biết đếch gì Hợp tác xã no hay đói mà nói.
- Có thể như thế thật. Nhưng đói hay no gì đã mang tiếng là nông dân thì phải làm việc cho đúng lương tâm của mình. Làm giả ăn thật thế này các anh không biết ngượng hay sao?
Một người bừa đến chỗ mấy người đang ngồi nói chuyện dừng trâu, cắm bừa lên ngồi cùng. Ông Kim hỏi người vừa bước từ dưới ruộng lên:
- Vừa rồi tôi ngồi ở đây để ý thấy chú đi bừa cứ như người ngủ gật. Ốm à?
- Chẳng ốm đau gì. Dưỡng sức để tối còn ngủ với vợ. Mà ông là ai mà hỏi xách mé thế?
- Thấy chú bừa gai mắt quá nên hỏi thế thôi.
- Ông có ở hoàn cảnh chúng tôi thì cũng làm đến vậy mà thôi.
- Hoàn cảnh nào đã mang tiếng là nông dân thì làm ra làm, ăn ra ăn, chứ làm như mèo mửa lấy gì mà bỏ vào miệng.
- Ông bảo tôi làm như mèo mửa, ông lội xuống ruộng xem có đi nổi ba đường bừa không.
Ông Kim cười:
- Chú thấy tôi ăn mặc đại cán thế này tưởng không biết bừa nên thách có phải không?
- Thách ông đấy. Ông thử bừa vài đường xem có hơn gì chúng tôi không.
- Thách ai thì thách chứ đừng có thách tôi. Tôi đi làm tá điền cho địa chủ thủa dái còn hạt xoan. Ông đã thách thì để tôi bừa cho ông xem.
Nói xong ông Kim đứng lên cởi đôi dép cao su vứt xuống đất, tiếp đó cởi áo quần áo dài đưa cho Đô cầm, nhảy phốc xuống ruộng cầm lấy bừa, đưa cây roi vút vút mấy cái vào không khí, miệng thét: Hầy, hầy, vắt, vắt, vắt.
Con trâu nghe tiếng người lạ ngoái cổ lại nhìn. Ông Kim tiếp tục vút mạnh cây roi vào không khí miệng lại thét: Hầy hầy hầy vắt vắt. Nghe tiếng roi vút, con trâu không dám ngoái đầu nhìn lại nữa, ngoan ngoãn bước. Hai chân trước của nó khua nước bắn tung tóe. Ông Kim vững chãi bước theo trâu không khác gì một lão nông thực thụ. Những anh thợ bừa ngồi trên bờ dõi theo bước chân thoăn thoắt của trâu và người. Một anh khen:
- Con trâu Mú nổi tiếng khó tính mà nó chịu ngoan ngoãn, không một lần dám ngoái đầu lại chống đối. Làm sao ông ta khiến con Mú sợ đến thế nhỉ?
- Các anh không biết ông ta là ai à? – Đô hỏi vẻ dọa dẫm.
- Ai thế?
- Đồng chí bí thư tỉnh ủy đấy.
- Chết mẹ chúng tôi rồi! Sao khi mới đến hai ông không giới thiệu cho chúng tôi biết?
Đô cười:
- Các anh biết để không ăn nói bố láo chứ gì? Lát nữa xin lỗi ông ấy một câu là xong thôi. Ông ấy là người không hay để bụng đâu.
Định bừa thử vài đường đáp lại lời thách của mấy anh thợ bừa, thế nhưng khi bước xuống ruộng cầm lấy cây roi và cái bừa trong tay bỗng dưng trong huyết quản của ông Kim râm ran dòng máu của anh thợ cày từ thủa xa xưa đang bừng bừng trỗi dậy. Tiếng chân trâu khua nước xoàm xoạp, tiếng óc ách của lớp bùn nhuyễn chuyển động luồn qua răng bừa gieo vào lòng ông Kim những âm thanh mơ hồ nửa mơ nửa thực. Chân bước theo trâu nhưng hồn ông lại bay bổng ngây ngất trong mớ hồi ức buồn vui hỗn độn. Nếu không có tiếng gọi của Đô chắc ông còn tiếp tục bừa.
Ông Kim cho trâu lại rồi bước lên bờ.
- Bừa được chứ. Có thách nữa không? – Ông Kim vui vẻ hỏi.
Mấy anh thợ bừa lo lắng đưa mắt nhìn nhau. Một anh rụt rè nói:
- Chúng em không biết bác là bí thư tỉnh ủy nên hỗn láo với bác. Mong bác tha lỗi.
- Không dám hỗn láo với bí thư tỉnh ủy, còn người khác thì tha hồ hỗn láo chứ gì?
- Chúng em quen tếu táo chứ chẳng dám hỗn láo với ai đâu ạ.
Đô đưa quần áo cho ông Kim. Ông Kim cầm lấy quần áo hỏi mấy thợ bừa:
- Ruộng này bừa mấy lượt rồi?
- Thưa bác đã bừa hai lượt đơn và hai lượt kép rồi ạ.
- Đội trưởng sản xuất giao cho các anh bừa mấy lượt?
- Dạ thưa, đội trưởng giao cho bừa hai lượt đơn, ba lượt kép ạ.
- Nghĩa là chỉ còn một lượt kép nữa thôi có phải không?
- Vâng ạ.
- Các anh đi cày đi bừa được mấy năm rồi?
- Cũng đã lâu lắm rồi ạ. Học hết cấp hai là chúng em cầm cày, cầm bừa luôn.
Ông Kim đưa quần áo cho Hành cầm rồi bước xuống ruộng, đưa hai tay quơ qua quơ về một lát rồi ném lên bờ những hòn đất to bằng nắm tay:
- Các anh bảo đã đã đi cày đi bừa lâu lắm rồi. Cày bừa lâu lắm mà làm ăn kiểu này không biết xấu hổ à. Có phải các anh bừa một đường, bỏ mấy đường để lấy cho được nhiều công điểm không?
- Không ạ. Chúng em bừa đúng quy cách xưa nay đấy ạ.
- Bừa đúng quy cách mà hai lượt bừa đơn, hai lượt bừa kép, đất cục còn lổn nhổn khắp ruộng thế này à. Các anh có còn là nông dân nữa không? Mồm lúc nào cũng kêu quang quác công điểm được ít thóc nên đói. Tôi mà làm chủ nhiệm Hợp tác không những tôi không cho một lạng thóc mà còn phạt cho sặc máu cái lối làm ăn gian dối này mới thôi.
Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Hợp tác xã Hạ Đình đi trước, Đăm theo sau. Vừa xáp mặt ông Kim, Chủ nhiệm Hợp tác xã khúm núm, sợ sệt:
- Thưa đồng chí bí thư. Chúng tôi không biết đồng chí xuống xã nên không đón tiếp được, mong đồng chí tha lỗi.
Ông Kim nổi nóng:
- Tôi không cần các anh đón tiếp, thưa gửi.
Ông Kim mặc xong quần áo, xách cái điếu cày bảo với những người vừa đến:
- Đi với tôi đến chỗ các cô đang cấy đầu kia rồi tôi sẽ nói chuyện với các anh.
Ông Kim xăng xái đi trước, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Hợp tác xã đi sau. Đô và Hành đi sau cùng. Mấy người thợ bừa nhìn theo lè lưỡi, lắc đầu:
- Lần này thì mấy cái lão lãnh đạo Hợp tác no đòn.
Đến chỗ đám ruộng các cô gái đang cấy, ông Kim dừng lại chỉ vào đám ruộng vừa cấy xong:
- Các anh nhận xét hộ tôi lúa cấy thế này đã đúng kỹ thuật chưa?
Hai cán bộ Hợp tác xã đưa mắt nhìn nhau. Anh chủ nhiệm nói lí nhí trong mồm:
- Báo cáo bí thư, chúng tôi đã hướng dẫn kỹ thuật cấy cho xã viên rồi nhưng do họ làm ẩu đấy ạ.
- Có đúng là do họ cấy ẩu không?
Hai cán bộ chủ nhiệm lúng túng đưa mắt nhìn nhau.
Anh phó chủ nhiệm phân bua:
- Thưa bí thư. Trước khi giao việc, chúng tôi đã giao cụ thể chất lượng phải đạt được rồi đấy ạ.
Ông Kim thấy mặt mình nóng bừng bừng. Ông gằn từng tiếng:
- Giao xong kéo nhau đi uống rượu chứ gì. Rượu đâu mà các anh nốc lắm thế. Để tiết kiệm lương thực, Nhà nước đã ra lệnh cấm nấu rượu. Vậy rượu đâu các anh uống hả? Tự nấu hay bao che cho những người nấu rượu lậu để họ cống nạp cho các anh?
Có tiếng kẻng dõng dạc từ trong làng vọng tới. Cả cánh đồng như ong vỡ tổ. Mọi người vội vàng nhảy lên bờ ruộng thu vén dụng cụ rồi vội vã ra về. Mấy cô gái đi qua chỗ ông Kim chào hỏi ríu rít.
Đăm:
- Bác ơi, lát nữa xong việc mời bác ghé vào nhà cháu uống nước nhé. Bố cháu gặp bác chắc vui lắm đấy.
Ông Kim vui vẻ trở lại:
- Có cho bác ăn lươn om chuối xanh thì bác vào.
- Bác muốn ăn phải nói trước để bố cháu đi đánh chứ đột xuất thế này làm gì có lươn cho bác ăn ạ.
- Bác nói đùa thôi. Bảo với bố cháu lát nữa bác vào.
- Bác nhớ đấy nhé. Đừng để bố cháu trông đấy. Chúng cháu về đây.
Mấy cô gái líu lô mỗi người một tiếng rồi bỏ đi. Ông Kim quay lại chuyện đang nói với anh cán bộ Hợp tác xã Hạ Đình:
- Các anh định làm sao với những đám ruộng lúa xiêu vẹo không hàng không lối này đây?
- Báo cáo với bí thư chúng tôi xin nhận khuyết điểm và hứa sẽ khắc phục ạ – Anh phó chủ nhiệm lí nhí trong mồm.
- Vậy bây giờ chỉ còn cách nhổ mạ lên cấy lại cho thẳng hàng thôi phải không?
- Báo cáo không thể làm như vậy được ạ. Hiện tại Hợp tác chúng tôi đã cấy hơn một nửa diện tích, làm sao mà nhổ hết từng ấy lên để cấy lại được. Hơn nữa số mạ gieo đã tính toán đâu vào đó rồi. Có những ruộng lúa đã bén rễ, nhổ lên chỉ có vứt. Gieo lại mạ để cấy thì không còn lúa giống, mặt khác bị nhỡ thời vụ.
- Các anh đã thấy sai một li đi một dặm chưa? Không kiểm tra đôn đốc, không bám sát đồng ruộng lại đổ tội cho xã viên làm ẩu. Tôi nói cho các anh biết, đám ruộng này cây lúa xiêu vẹo là do bừa dối trá. Quýt làm cam chịu. Bây giờ để các anh quen với việc đồng áng do lâu nay bận đi uống rượu, tôi giao cho cả ban quản trị và đội trưởng sản xuất làm sao cây lúa ở đám ruộng này thẳng hàng thì làm. Hoặc là nhổ lên cho bừa kỹ rồi cấy lại, hoặc nhặt hết đất cục lổn nhổn rồi nắn cây lúa lại cho thẳng hàng, tùy. Ban quản trị Hợp tác xã tự làm lấy chứ không giao cho xã viên. Nếu không làm được thì về làm bản kiểm điểm đọc trước xã viên rồi để cho xã viên định đoạt. Họ để các anh ở lại thì các anh ở, họ đuổi các anh thì các anh xéo đi để cho bà con bầu người khác thay.
Nói xong ông Kim bỏ đi. Về đến chỗ để xe, ông Kim rút chiếc dép đặt xuống vệ đường rồi ngồi bệt xuống móc túi lấy thuốc lào ra hút. Móc hết túi này đến túi khác chẳng thấy thuốc đâu. Sực nhớ, ông kêu lên:
- Chết thật. Cho mấy tay thợ bừa gói thuốc Thống Nhất mà quên véo lại mấy điếu để hút. Thế là nhịn từ đây đến chiều.
Ông Kim xỏ dép đứng lên đi thơ thẩn quanh gốc cây đa. Chốc chốc ông dừng lại đưa mắt nhìn lên ngọn cây. Những sự việc vừa diễn ra khiến tâm trạng ông lẫn lộn vừa buồn, vừa giận, vừa lo.
Đô đi đến cạnh ông Kim:
- Anh vẫn còn bực chuyện vừa rồi à?
- Có Phật mới không bực. Đến như ngày xưa đi cày thuê cho địa chủ không khi nào anh tá điền cày dối lấy một đường cày. Không phải sợ roi vọt mà là lương tâm của người nông dân đối với ruộng đất. Làm dối trá là có tội với đất. Thế mà hôm nay xã viên làm cho chính mình, cho cuộc sống no ấm của mình mà làm ăn dối trá, làm sao tớ không buồn, không tức được.
Hành hỏi:
- Bí thư làm sao mà quen được nhiều người ở Linh Sơn thế? Đi đâu cũng thấy người quen cũ.
- Ngày xưa tớ hoạt động ở vùng này. Năm hai mươi chín tuổi tớ đã là bí thư huyện ủy Linh Sơn. Năm 1947, sau chiến dịch Thu-Đông, Pháp cho quân chiếm Phước Vĩnh. Huyện Linh Sơn bấy giờ bị cắt đôi. Mấy xã giáp chân núi Linh Sơn là vùng tự do, các huyện phía dưới trở thành vùng tạm chiếm. Nói là vùng tạm chiếm nhưng thực ra quân Pháp chỉ kiểm soát được từ sáu giờ sáng đến bốn giờ chiều. Còn từ bốn giờ chiều cho đến sáu giờ sáng hôm sau là của ta. Tớ giao mọi công việc lại cho phó bí thư huyện ủy và chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến huyện điều hành vùng tự do, còn tớ về ở riết dưới vùng tạm chiếm để chỉ đạo kháng chiến. Quen biết nhiều là do vậy. Họ đều là gia đình cơ sở che giấu tớ. Gia đình ông Mai lươn bố cô bé Đăm là một trong số các gia đình đó. Tớ với ông Mai hơn nhau chỉ vài ba tuổi nên thân nhau lắm.
- Làng em có ông Cả Hạng cũng hay nhắc đến chuyện bí thư ngày ở trong nhà ông ấy. Ông ấy lúc nào cũng khen bí thư hết lời. Ông ấy bảo nếu không có bí thư bênh vực thì đời ông ta xuống dốc rồi. Chuyện gì vậy bí thư?
- Thời gian Linh Sơn bị tạm chiếm có những giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Giặc kiểm soát hết sức gắt gao. Có một số cơ sở nuôi giấu cán bộ bị bọn chỉ điểm phát hiện được, chúng bắt cả nhà đem ra bắn sạch. Tình hình ấy khiến một số gia đình cơ sở không muốn che giấu cán bộ nữa. Ông Cả Hạng là một trong số đó. Có một lần một cán bộ trinh sát của bộ đội địa phương huyện bị giặc đuổi chạy vào nhà ông ta xin giúp đỡ. Ông ta từ chối. Anh cán bộ vừa ra khỏi nhà thì bị giặc phát hiện bắn chết. Không hiểu sao sự việc ấy có một số người biết. Năm cải cách ruộng đất, họ lôi chuyện ấy ra đấu tố, quy cho ông cái tội làm gián điệp đã báo cho địch bắn chết cán bộ. Ông ấy bảo đã nuôi giấu tớ hàng tháng trời ở trong nhà nhưng chẳng ai chịu nghe. Từ đó nhà ông Cả Hạng bị cô lập. Con cái mang phải cái tội của bố nên chẳng được học hành gì. Muốn tình nguyện đi bộ đội cũng chẳng được đi. Mãi đến năm 1959, khi tớ được Trung ương điều từ Cục Công binh về làm bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh, ông Cả Hạng nghe tin đó liền tìm lên xin tớ xác nhận là ông ấy có nuôi giấu tớ. Cùng với việc xác nhận, tớ cho gọi bí thư huyện ủy Linh Sơn lên bảo: Giặc khủng bố bắn giết gắt gao khiến một số quần chúng hoang mang là chuyện thường tình. Đừng vì cái lỗi nhỏ đó mà hại cả một đời người ta, hại luôn cả con cháu người ta. Phải tổ chức minh oan cho họ và tạo điều kiện cho con cái họ làm việc để chuộc lại cái lỗi đấu tố oan sai khiến cho gia đình người ta mang khổ mang sở gần chục năm trời. Làm con người phải có lòng nhân ái, vị tha. Người ta ngã đạp cho người ta xuống bùn dễ hơn đưa tay kéo người ta lên. Sau đó ông Cả Hạng được minh oan và con cháu ông ấy đi học và đi làm việc bình thường.
Hành bẻ nửa nắm cơm đưa cho ông Kim:
- Anh không ăn hết cả suất thì ăn nửa suất rồi em đánh xe vào làng kiếm thuốc lào.
Ông Kim cầm lấy nửa nắm cơm Hành vừa đưa bẻ một miếng cho vào miệng nhai trệu trạo:
- Các cậu thử nghĩ hộ xem. Bản chất của anh nông dân nước ta là cần cù, chịu khó. Biết chắt chiu từng hạt thóc củ khoai. Mùa đông cho chí mùa hè suốt ngày lăn lưng trên đồng ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Vậy mà giờ đây họ không còn thiết tha với đồng ruộng, làm ăn được chăng hay chớ. Vì sao vậy?
- Theo em lí do là họ thấy ruộng đất chẳng phải của mình, chỉ có thế thôi – Đô bẻ một miếng cơm cho vào mồm vừa nhai vừa nói.
Hành giục:
- Anh thèm thuốc lào thì ăn nhanh lên để em còn đưa vào làng kiếm thuốc.
Ông Kim đứng lên:
- Tớ xong rồi.
Đô cười:
- Nghe nói đến chuyện đi kiếm thuốc lào người anh linh hoạt hẳn lên.
- Cậu không biết câu của dân gian “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” hay sao.
Ông Kim cầm cái điếu cày đứng lên. Ba người bước lên xe.
5
Xe chạy vào thôn Quyết Tiến. Trời khô hanh. Nắng nỏ hoe hoe khiến cho bầu không khí loãng tuệch làm ông Kim mệt rã rời. Nhìn thấy lũy tre hiện ra trước mặt, ông Kim bảo Hành:
- Cậu thấy chỗ nào quay xe được thì đỗ lại, ta đi bộ vào làng. Từ đây vào nhà ông Mai lươn chẳng còn bao xa, chỉ vài trăm mét nữa thôi. Xe xóc khiến dạ dày tớ sắp bục đến nơi rồi.
- Trước mặt có cái ngã ba, em sẽ đỗ xe ở đó.
Trẻ con trong làng thấy có xe ô tô chạy vào làng mình, từ các ngõ ngách chúng chạy ùa ra đuổi theo xe. Đến ngã ba xe chạy chậm và từ từ dừng lại bên vệ đường.
Đô hỏi Hành:
- Ngã ba bé thế này lát nữa về có quay được xe không?
- Chẳng nhỏ lắm đâu. Chỉ cần hai đỏ là quay được.
Ba người xuống xe. Lũ trẻ vây quanh chăm chú nhìn hết ông Kim quay qua nhìn Hành và Đô. Một đứa chừng chín, mười tuổi như phát hiện ra điều gì đó liền nói với mấy đứa bạn của nó:
- Ông này làm to lắm chúng mày ạ. Có một anh bồi mang súng đi theo canh gác và một anh hầu xách điếu.
Nghe lũ trẻ bảo Đô là anh bồi còn Hành là người hầu, cả ba người không nhịn được cười. Ông Kim vờ ra oai xách tai một đứa trong bọn:
- Đúng là dân Anamít Kẻ Đúm. Ai bảo chúng mày người đi theo cán bộ là người hầu và bồi?
- Ông cháu bảo cán bộ to đi đâu đều có người hầu đi theo.
- Ông cháu là ai?
Thằng bé nhanh nhảu trả lời:
- Ông cháu là ông Bào Hắc Toàn Phong.
Ông Kim buông tai thằng bé ra:
- Tên ông cháu oai nhỉ. Có phải ông cháu có nước da đen như nhọ nồi và có con mắt bên phải bị lác không?
- Ông cũng biết ông cháu à?
- Cháu về bảo với ông cháu là có ông Kim Tống Giang lát nữa đến chơi là ông cháu biết ông ngay.
- Ngày trước các anh thường dùng tên các nhân vật trong Thủy Hử để làm mật danh à? – Đô hỏi.
- Gọi đùa nhau cho vui chứ mật danh, đường danh gì. Dạo tớ làm bí thư huyện ủy, cơ quan huyện ở trong vùng núi Linh Sơn. Các ông ấy ví vùng ấy giống như Lương Sơn Bạc, còn tớ thì giống Tống Giang. Các anh hùng khắp nơi về đấy tụ nghĩa. Ông Bào dạo ấy phụ trách tài chính của huyện có nước da đen như cột nhà cháy nên mọi người đặt cho biệt hiệu là Hắc Toàn Phong Lê Bào. Một cậu khác tên là là Ngô, phụ trách bếp ăn của cơ quan huyện, người to béo nhưng thấp một mẩu. Cậu này ăn khoẻ làm cũng khoẻ. Một khúc gỗ hai người khiêng nhưng cậu ta một mình cho lên vai mặt không biến sắc. Nghe anh em truyền lại hình như một lần chỉ với một đoạn cây vầu trong tay mà cậu ta đuổi một con gấu chạy bán sống bán chết. Bởi thế mọi người đặt cho cậu ta cái biệt danh là Ngô Võ Tòng. Còn một cậu nữa tên là Chiến, ăn một lúc hết nửa nồi sắn nên anh em đặt tên cho cậu ta là Chiến Lỗ Trí Thâm. Cơ quan huyện gần ba chục người nhưng sống như anh em trong một gia đình vui lắm.
Lũ trẻ vẫn đứng bâu quanh cái xe sờ mó hết cái này đến cái khác. Ông Kim, Đô và Hành đi sâu vào trong làng. Đi được một đoạn, Hành hỏi:
- Sáng nay anh kể Hạ Đình có ba làng là Kẻ Đúm, Kẻ Chanh, còn Kẻ gì bị toét mắt cả làng ấy nhỉ?
- Kẻ Doi.
- Anh đọc lại câu ca dao sáng nay cho em nghe lại kẻo em quên rồi.
- Đẹp nhất con gái Kẻ Chanh. Đanh đá Kẻ Đúm, ba vành Kẻ Doi. Theo chỗ tớ biết thì xưa kia có tên Kẻ Chanh là vì đất thôn này trồng chanh có vị thơm đặc biệt. Còn Kẻ Đúm là thôn hát đúm, hát ghẹo hay nhất vùng. Vào các ngày lễ hội, ngày Tết, dân quanh vùng đều tụ tập về đây để nghe con trai con gái Kẻ Đúm hát đúm, hát ghẹo. Riêng Kẻ Doi thì mỗi người giải thích một cách. Người thì bảo địa thế thôn này nằm ở doi đất của tổng Hạ Đình nên mới có tên là Kẻ Doi. Người thì nói Doi là gọi chệch từ Dơi mà ra. Nghe nói trước đây Kẻ Doi trồng cây ăn quả nhiều nên cứ đến mùa quả chín rất nhiều dơi tụ tập về đây ăn. Nghe cái tên Kẻ Chanh, Kẻ Đúm, Kẻ Doi thấy rất dân dã, mang đặc tính của thôn quê Việt Nam. Chẳng biết người ta nghĩ thế nào bỗng nhiên đổi thành Quyết Tiến, Hồng Kỳ, Tiến Bộ nghe như hô khẩu hiệu.
Ba người đi lòng vòng qua các ngõ làng rồi đến trước cổng một ngôi nhà ngói thấp lè tè. Đàn chó từ trong nhà lao ra sủa inh ỏi. Một người đàn ông cỡ tuổi ông Kim nghe tiếng chó sủa chạy ra. Đó là ông Mai lươn, bố của Đăm.
Ông Mai mừng rỡ:
- Nghe cháu Đăm về bảo bác sẽ vào nhà tôi. Nhà làm cơm đợi từ lâu mà chẳng thấy tăm hơi. Tưởng nói xã giao rồi lên xe đi về tỉnh rồi.
- Ông có thấy tôi lỡ hẹn với ai bao giờ chưa?
- Biết vậy. Dễ đến hơn nửa năm nay bác mới về Quyết Tiến đấy nhỉ?
- Về mấy lần nói sau. Có thuốc lào cho hút một điếu đã. Nhịn đến mấy tiếng đồng hồ, thèm quá.
Ông Mai lấy thuốc và điếu đưa cho ông Kim:
- Dân nghiện mà đi làm việc không cầm diêm thuốc đi theo. Dạo này xem ra bác đã bắt đầu lẩm cẩm rồi đấy nhỉ.
- Vẫn nhớ cầm đấy chứ. Nhưng vừa rồi cho mấy tay thợ cày ngoài đồng, quên véo lại mấy điếu nên chẳng có cái để hút.
Ông Kim rít một hơi thuốc lào, tỏ ra sảng khoái:
- Ông mua thuốc đâu mà đượm khói thế?
- Mua ở chợ Chanh. Dân ở đâu đưa về bán vụng bán trộm. Nó tinh lắm, nhìn mặt đúng dân nghiện mới thậm thò thậm thụt bán cho mình. Nếu gặp phải bọn trật tự thì chúng nó tịch thu không còn một sợi.
Đô ngạc nhiên:
- Thuốc lào mà cũng tịch thu kia à?
- Họ bảo thuốc nộp cho nhà máy, không ai được bán lậu. Khổ lắm! Chẳng có gì là không tịch thu. Từ cân lạc, cân đậu cho đến cân gạo nếp. Chỉ có mớ tép riu và rau dưa, cà đỗ là được bày bán ngang nhiên thôi. Chẳng hiểu sao người ta bày ra lắm trò nhiễu nhương như vậy để làm gì. Thôi, gác mọi chuyện lại. Bác Kim đã đỡ thèm chưa? Dọn cơm ra ăn nhé.
- Chết chửa. Giờ này mà cả nhà chưa ăn cơm kia à?
- Ăn cả rồi, chỉ còn mình tôi là ngồi chờ bác và hai chú vào uống rượu thôi.
- Thế thì ông đi ăn đi kẻo đói. Chúng tôi ăn rồi.
- Bác đừng có nói bỡn. Cái Đăm gặp bác từ sáng sớm ngoài đồng, giờ vào đây ăn ở đâu. Hay chê cơm của nông dân nên quay về thị trấn ăn quà xong mới xuống đây?
- Anh em chúng tôi ăn thật rồi mà, Chúng tôi nắm cơm đi theo.
- Thế này thì không ổn rồi. Ngày xưa bác tin dân, dựa vào dân để hoạt động. Bây giờ mới làm đến chức bí thư tỉnh ủy mà đã chê cơm của dân rồi.
Ông Kim cười:
- Tôi từ chối cơm thịt gà dân chiêu đãi, đem cơm nắm đi theo để ăn khỏi phải quấy rầy dân, như vậy là phúc cho dân chứ sao lại không ổn.
- Nói đùa cho vui thế thôi chứ bác sống thế nào dân cả tỉnh đều biết. Khi cháu Đăm bảo bác và hai chú trưa nay ghé nhà tôi chơi, biết bác rất thích món lươn om chuối xanh nên tôi bảo cháu đạp xe lên chợ Chanh tìm mua cho được lươn về để chiêu đãi bác. Bây giờ dù ăn rồi hay chưa thì bác với hai chú phải ngồi uống với tôi chén rượu để khỏi phụ cái công của bố con tôi. Bác đau dạ dày không uống được rượu thì nhờ hai chú đây uống hộ.
Ông Kim vui vẻ:
- Có món lươn om chuối xanh thì tôi chẳng từ chối bữa cơm của ông.
- Thế mới gọi là tác phong quần chúng chứ – Ông Mai gọi xuống bếp – Đăm ơi, dọn cơm lên mời bác và hai chú đi con.
Tiếng Đăm vâng dạ rồi khệ nệ bưng mâm cơm từ dưới bếp đi lên. Ông Kim bảo Đăm:
- Sáng nay cháu trách bác là cháu biết bác mà bác chẳng biết cháu. Lần nào bác đến nhà, cháu cũng rúc ở dưới bếp làm sao mà bác biết được cháu.
- Tính cháu hay cả thẹn lắm bác ạ.
- Chẳng cả thẹn đâu. Sáng nay nó làm cho thầy trò tôi một phen bẽ mặt đấy.
Đăm kêu lên:
- Kìa bác!
Ông Mai tỏ vẻ lo lắng:
- Sao vậy bác. Nó dám hỗn hào với bác và hai chú à?
- Không. Chú Đô thấy các cháu cấy túm tụm trên một đám ruộng con con liền cao hứng hát trêu: Hỡi cô cấy ở ruộng sâu. Mặt thời cúi xuống chổng phao câu lên trời. Chú Đô vừa hát hết câu thì cháu liền đứng lên đáp ngay: Anh đi thì cứ việc đi. Em chẳng chổng thế lấy gì anh ăn. Ông thấy con gái ông có giỏi không?
Ông Mai kêu lên:
- Hỗn! Hỗn quá đi mất!
- Trêu cháu thì cháu đáp trả chứ cháu có biết chúng tôi là ai đâu mà ông bảo hỗn với không hỗn. Nghe cháu đáp xong, tôi biết ngay là con gái Kẻ Đúm.
Ông Mai rót rượu ra mấy cái chén:
- Ở vùng này con trai con gái gặp nhau là trêu nhau bằng những câu đối đáp. Có lẽ sáng nay cháu tưởng con trai làng trêu cháu nên cháu mới đối đáp vậy chứ biết bác thì bố bảo. Trông xấu xí thế nhưng cháu hát đối đáp giỏi nhất xã đấy bác ạ. Hội năm nào cháu cũng được giấy khen về văn nghệ.
- Ông khiêm tốn không đúng chỗ. Con gái ông xinh thế mà bảo là xấu xí.
Ông Mai cười:
- Thì các cụ ta xưa nay vẫn bảo chê con xấu xí cho dễ nuôi. Nào mời bác. Bác không uống rượu được thì cứ tự nhiên ăn cái món bác thích. Còn ba anh em tôi uống đây.
Hành từ chối:
- Cháu đang lái xe nên cũng xin phép bác.
Ông Mai đưa chén rượu cho Hành:
- Ối dào. Có tí rượu xe đi càng nhanh. Không lái được ở đây ngủ lại sáng mai về. Tôi đang có chuyện cần nói với ông bí thư tỉnh ủy đây. Chú uống đi, có gì tôi chịu.
- Chuyện gì cần nói thế?
- Cứ ăn cho ngon rồi nói chuyện sau. Ngày bà cụ tôi còn sống mỗi lần có món lươn om chuối là nhắc đến bác. Không biết bác có biết không chứ hai cụ tôi thương bác có khi còn hơn tôi.
- Làm gì mà tôi không biết. Này, rượu đâu mà ông uống đấy, nấu hay là mua?
Ông Mai cười gượng gạo:
- Chẳng giấu gì bác, em nấu đấy.
- Đảng viên mà đi nấu rượu lậu thì còn nói được ai.
- Có bán chác gì đâu mà bảo tôi nấu rượu lậu. Nấu vụng để uống thôi. Mà có nhiều nhặn gì đâu. Một tháng tôi chỉ nấu một nồi chưa đầy hai cân gạo, cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy đến lương thực. Nhà tôi mỗi ngày ăn hết hai bơ gạo, loại bơ tám lạng không kể độn khoai sắn. Tính ra mỗi tháng ăn gần năm mươi cân gạo, tôi nấu hai cân có phải chỉ bằng nhà tôi ăn gắng không. Nói thật với bác chẳng nghiện ngập gì nhưng đến bữa cơm không có tí hơi rượu trong họng là nhai miếng cơm cứ nhạt thếch.
- Ông lúc nào cũng giỏi biện bạch. Khi nãy ông bảo có chuyện gì cần nói với tôi?
- Thì bác ăn cho ngon miệng cái đã. Cái món chuối om lươn này đáng ra phải nấu với chuối tiêu, có một tí vị chát mới ngon. Nhưng biết bác đau dạ dày nên tôi bảo cháu cắt chuối tây nấu cho bác nên nó có giảm ngon đi phần nào.
- Dạo này ông không đi đánh lươn nữa hay sao mà phải lên chợ Chanh để mua lươn?
Ông Mai dùng thìa xúc một thìa chuối om cho lên bát ông Kim:
- Bỏ sao được. Tôi nghiện đi thả ống lươn giống như bác nghiện thuốc lào. Tuần nào cũng đi thả ống vài ba lần. Không nghe thấy tiếng lươn bò lạo xạo trong vại là thấy vắng vắng thế nào ấy. Vừa rồi thấy bác lâu lâu chưa về Quyết Tiến nghĩ thế nào bác cũng về nên tôi trống trong vại mấy con lươn vàng như nghệ chờ bác về chiêu đãi bác. Hôm qua nghe tin bà ngoại cháu mệt, chẳng có quà gì qua thăm nên bắt mấy con lươn dành cho bác đem qua biếu bà cháu. Định chiều nay đi thả ống kẻo nhỡ bác về. Ai hay bác lại về vào lúc hết lươn.
- Chết chửa, tôi vô ý quá. Bà nhà đi đâu mà không thấy?
- Qua bên ngoại cháu từ chiều hôm qua.
- Bà cụ ốm đau thế nào?
- Bệnh già ấy mà.
Bữa cơm ăn xong, mọi người ngồi quây quần quanh bàn uống nước. Ông Kim rít một hơi thuốc lào rồi hỏi:
- Bây giờ ông nói cho biết chuyện gì ông định nói với tôi nào?
Ông Mai lấy cái điếu cày từ trong tay ông Kim, nói thủng thẳng:
- Vừa rồi có ba ông đánh một cái xe ô tô rõ đẹp về đây. Ấy là tôi nghe kể lại chứ chẳng biết ô-tô nó tròn hay nó méo. Nghe đâu ba ông này là cán bộ trên Trung ương phái về tỉnh ta để giúp tỉnh chỉ đạo phong trào Hợp tác xã, bác có biết họ không?
- Có. Ba đồng chí ấy ở Ban nông nghiệp Trung ương về tỉnh ta đã mấy tháng nay rồi. Thỉnh thoảng họ cũng có trao đổi với tôi về tình hình của các Hợp tác xã. Có chuyện gì không?
- Cũng chẳng có chuyện gì lớn. Dân người ta chỉ bàn tán về tác phong cưỡi ngựa xem hoa của ba vị cán bộ trên Trung ương thôi.
- Các lần sinh hoạt chi bộ các ông có bàn về sản xuất không?
- Chi bộ nông thôn không bàn về sản xuất thì bàn việc gì. Nhưng bàn thì cứ việc bàn. Bàn rồi để đó chứ có ai thực hiện cái bàn của chi bộ đâu.
- Trước khi thăm ông, tôi có đi ra đồng để xem việc làm ăn thế nào. Chán lắm.
- Bác chán một thì dân chán mười.
- Tự mình làm mình chịu chứ ai làm mà chán.
- Bác nói thế thì oan cho dân quá. Xưa nay dân Hạ Đình nổi tiếng làm ăn giỏi. Cái đói năm Ất Dậu thiên hạ ối người đi ăn xin nhưng dân Hạ Đình ngày vẫn đỏ lửa hai lần. Mấy năm đầu vào Hợp tác thóc lúa vẫn đầy bồ. Thế rồi chẳng biết cải tiến cải lui thế nào mà làm ăn ngày một lụn bại. Dân cũng chẳng còn thiết tha gì với việc ruộng vườn. Chỉ biết chúi đầu chăm mấy thước ruộng phần trăm của mình, còn việc của Hợp tác thì được chăng hay chớ. Ấy thế mà vất vả quá bận con mọn. Sáng tinh mơ ra làm đất phần trăm của mình. Nghe kẻng Hợp tác đánh là ba chân bốn cẳng chạy về tập trung cho kịp để khỏi bị phạt công điểm. Tối nhọ mặt người lại từ đất phần trăm của mình vội vội vàng vàng chạy về nấu cơm ăn cho kịp đi họp nghe bình điểm. Tình hình này chẳng biết Hợp tác xã sẽ đi đến đâu nữa.
Hợp tác xã sẽ đi đến đâu? Câu hỏi đó như một tảng đá vừa rơi xuống đè lên người ông Kim. Ông lặng lẽ cầm lấy cái điếu cày cho thuốc vào rít một hơi rồi ngửa mặt lên trời nhả khói.