Khi học trò đã sẵn sàng, thầy giáo sẽ xuất hiện.

Ngạn ngữ cổ Trung Hoa

 
 
 
 
 
Tác giả: Ý Yên
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Việt Thông
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1517 / 14
Cập nhật: 2015-10-06 21:43:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ôi đứng tựa vào hàng giậu. Bên cạnh, chú Sỹ ngắt những cành cây nhỏ, xếp lại thành một giỏ hoa và ngước nhìn tôi.
- Cô Uyên biết cái này gọi là gì không? Gọi là một “giỏ bạc” đấy.
- Nhưng Uyên có nhiều chuyện quan trọng để nói với chú hơn, chú Sỹ.
Người đàn ông như sực nhớ ra:
- À, chuyện chuyến đi Sàigòn của cô phải không? Chắc là nhiều chuyện kỳ thú lắm.
- Uyên đã đi gặp nữ sĩ Mai Văn. Bà ta hứa sẽ giúp đỡ Uyên xuất bản quyển tiểu thuyết.
Chú Sỹ nghiêng đầu:
- Quyển tiểu thuyết nào?
- Chưa có bây giờ, nhưng Uyên sẽ viết. Uyên đã tìm ra cái tựa, một cái tựa khủng khiếp: “Cái vạc của con quỷ”. Câu chuyện xảy ra ở tận Phi Châu, với những cảnh vật khác thường, những khung cảnh hoang dã, những người thổ dân…
- Cô biết Phi Châu à?
- Không, lẽ dĩ nhiên là Uyên chưa từng đến đó. Nhưng chú cũng phải biết rằng viết văn cần nhiều tưởng tượng, chỉ cần tưởng tượng là đủ. Uyên cũng đã đọc nhiều sách và chắc cũng không khó khăn gì.
- Cô đã nói dự định này với ai chưa?
- Chưa, chỉ mới một mình bà Mai Văn biết, người thứ hai là chú. Uyên thích nói với chú, vì chú hiểu Uyên và chịu nghe Uyên nói, chú Sỹ ạ…
- Uyên, dạo này ba thấy con đổi khác nhiều lắm đó. Ba có cảm tưởng là ba không hiểu con…
Ba tôi vừa nói vừa nhìn chăm vào con gái. Tôi mỉm cười khẽ đáp:
- Thưa ba, con có gì thay đổi đâu!
- Ồ, có lẽ con cố ý khi nói thế, hay con đã quá vô tình? Con đã xa lánh tất cả bạn bè, kể cả những đứa thân nhất của con để vùi đầu vào góc nhà vắng, cặm cụi viết lách. Con sống như một ẩn sĩ và bí mật như người làm vườn bên hàng xóm… Con có nghĩ đến việc lập gia đình không?
Tôi vội đáp:
- Chưa, thưa ba con chưa có ý nghĩ đó. Con muốn sống bên cạnh ba…
- Nhưng nếu con nghĩ đến việc đi làm có lẽ tốt hơn. Con sẽ bận rộn, sẽ không có thì giờ để lo nghĩ vẩn vơ nữa. Chung quanh con bao nhiêu việc chờ đón, con muốn làm một việc gì cũng được. Ba nghĩ rằng con không hợp với nếp sống nghệ sĩ đâu… Khi có những thử thách, con sẽ chán.
- Thưa ba, con không chán đâu!
Tôi phản đối. Tôi sẽ không chán, nhưng tôi không muốn giải thích cho ba biết nguyên do của sự thay đổi. Tôi sẽ nói cho ông biết khi đã thành công.
Ba tôi hỏi tiếp:
- Ba thấy con thích người làm vườn hàng xóm lắm thì phải? Bà vú nói với ba rằng đôi khi con nói chuyện với hắn hàng giờ…
Tôi cười mỉm:
- Ông ấy là người tốt. Câu nói nào của con cũng được ông ta nghe chăm chú và không bao giờ phản đối… Có khi con kể cho ông ta nghe cả những sự dại dột và “hắn” không hề chế nhạo con.
“Ông già” gật gù:
- Nếu con nhận thấy là ông ta dễ mến, ba không cấm con làm bạn.
Dứt lời, ba tôi đứng dậy, luồn bàn tay ông qua tóc tôi, như ông đã đoán biết những ý nghĩ thầm kín của con gái.
o O o
Tôi ngước nhìn lên trần nhà, hết cắn móng tay rồi đến ngậm cán bút, đầu óc suy nghĩ mông lung. Tôi viết được khoảng mươi trang giấy học trò. Chừng đó đâu có bao nhiêu. Nhưng luôn luôn tôi bị căng thẳng, bị khó khăn vì phải bịa ra những nhân vật, và những nơi mà người ta sống. Tất cả là sản phẩm của tưởng tượng, và trí óc tôi bị căng thẳng trong sự tưởng tượng đó. Tôi lục lọi hết quyển sách này đến quyển sách khác, tìm kiếm những sự thật về Phi Châu, cũng như tôi thường xuyên nói với chú Sỹ về “cái vạc của con quỷ”. Có lần tôi nói với chú:
- Chú biết rằng câu chuyện xảy ra gần một con sông, giữa Phi Châu. Ở đấy có những thác nước dập dồn đổ xuống. Có một chỗ đất trũng làm thành một nơi nước xoáy và ở đó, thổ dân họ kêu là “cái vạc của con quỷ” vì người ta đã biết rằng có một con quỷ trốn ở đó, và thường gây tai họa cho dân quanh vùng. Uyên đã tìm thấy những chi tiết và nó giúp Uyên xây dựng cốt chuyện…
Chú Sỹ đã gật đầu xác nhận là câu chuyện rất hay, nhưng tuyệt nhiên chú không góp ý kiến gì về việc đó.
Suy nghĩ mãi, tôi vẫn không tìm ra được một chút hứng thú nào để viết. Sự háo hức vẫn còn trong tôi, nhưng kiên nhẫn hình như vơi đi phần nào. Tôi không bằng lòng với những lời đối thoại đã viết. Phải làm sao cho gọn hơn… Tôi vừa mới dựng thêm một nhân vật tên là Hà, cô con gái của ông kỹ sư, người xây cái đập ngăn nước. Tôi cố lột tả được nỗi khổ của cô ta khi phải sống ở một nơi hoang vu với ông bố già và chờ đợi một chiếc phi cơ hạ cánh…
Nhưng tôi cắn xây xát cả đầu bút mà không thể nào viết tiếp được đoạn đó… Bây giờ thì không phải là cô Hà đi trong hoang vu nữa, mà chính tôi, tôi mới là người đi trong hoang vu.
Bực tức, tôi bỏ viết đi ra vườn. Chú Sỹ đã đứng đó tự bao giờ. Chú như có ý chờ tôi. Tôi đọc thấy điều đó trong đôi mắt sáng dịu dàng cửa người đàn ông. Chú hỏi:
- Có gì lạ không cô bé?
- Không, chú Sỹ. Một vài khó khăn Uyên đã gặp phải trong khi viết truyện, thế thôi. Thật khó mà diễn tả được hết ý mình… Uyên có cảm tưởng mọi người đang chế nhạo Uyên…
- Ai chế nhạo Uyên đâu?
Vẫn giọng hết sức dịu dàng, chú Sỹ hỏi tôi như thế. Nỗi bực tức vì “cụt hứng” bất ngờ vẫn còn khiến tôi hậm hực. Tôi nói:
- Những nhân vật trong truyện đó chú. Như anh chàng phi công Luận chẳng hạn, anh ta không có vẻ thích thú chút nào mặc dù anh ta là nhà trinh thám. Anh ta đến đó để phá hoại.
- Đó là con quỷ phải không?
- Hắn là người đàn ông đẹp trai. Một tai nạn phi cơ bị rớt, và hắn được cô Hà, con gái ông kỹ sư săn sóc… và rồi…
Tôi hơi ngập ngừng, cảm thấy khó nói trước người đàn ông.
- Cô ta bị tiếng sét ái tình… nhưng nàng không nghĩ ra những điều đó. Nàng giấu anh ta trong một cái hang để băng bó. Nàng muốn đưa anh ta về nhà, nhưng anh ta không chịu.
Chú Sỹ có vẻ chăm chú hơn:
- Sao anh ta không muốn về nhà?
Tôi cảm thấy hứng khởi vì câu chuyện của mình:
- Bởi vì anh ta đến đó với ác ý. Anh ta muốn phá vỡ cái đập và anh ta không muốn ai thấy mình để dễ bề hành động…
- Rắc rối quá nhỉ!
- Cuối cùng cô Hà đã giúp anh phi công thay đổi chỗ ẩn núp. Nàng để anh ta nằm trên một tấm nệm ở trong hốc đá.
- Bộ cô ta không sợ những con bò cạp à? Chú nghĩ rằng ở Phi Châu có rất nhiều bò cạp.
Tôi nói:
- Uyên nghĩ là trung tâm Phi Châu không có bò cạp.
Chú Sỹ kêu lên:
- Trung tâm Phi Châu? Ồ, vậy thì cô đã dựng khung cảnh ở nơi hùng vĩ quá.
Tôi cảm thấy hãnh diện:
- Thế hở chú? Uyên đã lúng túng nhiều lắm khi chọn một cảnh như vậy. Uyên đã không còn thắc mắc đến nó nữa. Uyên nói chú nghe về những người da đen.
- Và cái đập?
- Dạ, và cái đập. Khi toán thợ da đen đi xe cam-nhông chạy đến “cái vạc của con quỷ”, và chuyến xe đã gặp nạn làm chết mấy người. Và anh chàng phi công Luận đã nói cho họ tin là chính con quỷ đã ngăn cản, không cho họ xúc tiến công việc.
Chú Sỹ đứng thẳng người nhìn tôi. Lần này, tôi cảm thấy chú đã khâm phục tôi vô cùng. Chú nói:
- Nhưng Luận đang bị thương mà!
- Chưa, Uyên chưa nghĩ đến sẽ viết như thế nào. Bây giờ mới đến chỗ tai nạn thôi…
- Chú hy vọng Uyên sẽ thành công. Uyên làm chú nghĩ đến những thứ cây ở Phi Châu mà chú muốn trồng ở đây.
Chú Sỹ có vẻ thân mật hơn, nhưng chú đã làm tự ái tôi bị thương tổn khi ngắt ngang những ý tưởng nghệ thuật bằng câu chuyện làm vườn. Tôi nói:
- Thôi Uyên không kể cho chú nghe những câu chuyện tiếp nữa…
Và tôi quay đi. Tôi nghe tiếng chú Sỹ đuổi theo:
- Cô bé giận tôi rồi hở?
- Không. Nhưng chú sẽ không biết tiếp câu chuyện.
- Chú thích nghe lắm mà!
Tôi không nghe tiếp nữa, đi một mạch về nhà. Tóc tôi tung vì gió, bay phất ngang mặt. Tôi đưa tay khẽ hất ra sau lưng, hồn miên man nghĩ đến cách tiếp nối câu chuyện.
Cuối cùng rồi cuốn tiểu thuyết của tôi cũng xong. Tôi sung sướng chấm một chấm lớn sau câu kết luận và thở phào nhẹ nhõm. Tôi ký tên: Ý-Yên một cách thận trọng, nắn nót. Nỗi sung sướng len vào hồn tôi tràn ngập. Tôi cầm cuốn truyện trong tay và cảm thấy mình trở thành quan trọng hơn, ít ra thì cũng đã hoàn thành được một cuốn tiểu thuyết. Và như thế là mình đã trở thành nhà văn rồi còn gì nữa… Tôi cầm cuốn truyện chạy vội ra phòng khách. Ba tôi đang ngồi hút xì-gà trên salon. Tôi sà vào lòng “ông già” nũng nịu:
- Ba, con muốn thành một nữ văn sĩ.
Tôi có cảm tưởng ba tôi giật bắn người:
- Sao? Con nói gì? Con bệnh phải không? Ba tôi nói, ngạc nhiên xen lẫn lo ngại. Ông đặt điếu thuốc xuống cái gạt tàn, chăm chú nhìn tôi:
- Con nói thật hở Uyên? Con muốn làm văn sĩ? Ba tưởng đó chỉ là một lời nói đùa…
- Không ba ạ! – Tôi thấy có bổn phận làm cho ba tôi tin tưởng hơn. – Đó là một sở thích của con, đúng hơn là con say mê. Con đã có năng lực để trở thành một nữ văn sĩ!
Tôi nhìn ba tôi, giọng tha thiết hơn:
- Ba không hãnh diện vì con nổi tiếng sao?
- Dĩ nhiên ba rất hãnh diện nếu con nổi tiếng. Nhưng đó là chuyện giả sử thôi. Người ta không thể dễ dàng tự đặt mình là một văn sĩ. Ai đã gieo cho con ý nghĩ đó?
- Con đã suy nghĩ kỹ trước khi làm điều đó. Con đã gặp bà Mai Văn.
- Ai vậy?
Tôi thoáng bực tức. Tại sao cả ba tôi lẫn chú Sỹ đều không ai biết gì về bà Mai Văn hết vậy? Quả thật là cả hai người không ai chịu tìm hiểu văn chương! Tuy vậy, tôi không dại dột gì mà làm tổn thương đến “ông già” bằng cách nói lên những ý nghĩ đó. Tôi đưa tập bản thảo trước mặt ba tôi:
- Con đố ba, cái gì đây?
- Một xấp giấy. Con định dùng xấp giấy này để trở thành nữ văn sĩ đó phải không?
Giọng ba tôi thoáng một chút âu yếm lẫn diễu cợt. Tôi nghiêm giọng:
- Ba nói đúng, đây là một xấp giấy, nhưng không phải là con “định” dùng mà con dùng rồi. Nó chứa đựng trọn vẹn những ý tưởng của con, những ham thích và niềm đam mê lớn của con. Con đã viết, thật đầy những trang giấy này. Một câu chuyện thật ly kỳ, lồng trong một khung cảnh hùng vĩ. Ba, có phải viết một cuốn tiểu thuyết là trở thành văn sĩ không hả ba?
Ba tôi chống tay lên cằm, vẻ suy nghĩ. Lát sau ông thở dài bảo tôi:
- Tùy ý con, nếu đó là niềm đam mê lớn của con như con vừa nói. Nhưng ba nghĩ con sẽ còn phải vượt qua nhiều trở lực nữa. Ba không biết con có tài năng của một văn sĩ không, nhưng ba chúc con thành công.
Sự thuận ý của “ông già” khiến tôi cảm thấy hăng hái:
- Con sẽ gởi vài chương sách của con cho bà Mai Văn, rồi con sẽ đưa bản thảo cho nhà xuất bản. Có thể con sẽ đến những nhà xuất bản ở Sàigòn.
- Tuổi trẻ nhiệt thành, việc gì cũng muốn nhanh chóng. Nếu con cần, ba sẽ giúp con vài thứ.
Tôi lựa những tờ giấy trắng tinh hảo và những tờ carbone đen tuyền lồng vào nhau để vào máy đánh chữ. Tôi đánh làm năm bản, để có thể đưa cho nhiều nhà xuất bản một lúc. Những tờ giấy bản thảo bị để dần sang một bên. Mấy trang giấy được đánh máy lại sạch sẽ. Mực in đen nổi hẳn trên nền giấy trắng. Một vài câu văn hơi vụng về được tôi sửa lại gẫy gọn hơn. Mười ngón tay tôi gõ đều lên máy chữ. Tôi bắt đầu cảm thấy mỏi lưng và tê rần ở hai chân thật nặng nề. Nhưng những tờ giấy mang giòng chữ của tôi đã giúp tôi thêm can đảm. Tôi nghĩ đến khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản… Tôi nghĩ đến khi tên tuổi mình được báo chí nhắc nhở tới. Tôi nghĩ đến lúc người ta, nhất là lớp người trẻ tuổi, những đứa con trai, con gái trạc tuổi tôi, hay lớn hơn hoặc bé hơn tôi đều đọc văn của tôi, thích văn của tôi và coi cái tên Ý Yên như một thần tượng. Mỗi lần nhắc đến tên tôi, người ta sẽ không ngớt trầm trồ khen ngợi… Tôi chợt nhớ đến tên một vài văn sĩ hiện đại, nổi tiếng như cồn, mỗi khi báo chí nhắc đến họ là một vầng hào quang chói lòa bao quanh. Những lời ca tụng, những số tiền kếch sù được đổi bằng những tác phẩm viết vội. Họ là văn sĩ, họ có quyền đó và tôi cũng sắp là văn sĩ, tôi cũng sẽ được những quyền đó.
Bên Hàng Giậu Bên Hàng Giậu - Ý Yên Bên Hàng Giậu