Số lần đọc/download: 1401 / 25
Cập nhật: 2017-03-24 12:44:03 +0700
Chương 4
Bọn Kiên đóng quân ngay bên bờ sông Tonle Sap, cách cầu Monivong hơn một cây số. Bên kia vườn cây là khu nhà ở của Tổ phiên dịch. Mười cô gái, chàng trai người Khơ Me biết tiếng Việt, chị Rêu khoảng ba mươi tuổi còn lại sàn sàn mười tám, mười chín, hai mươi. Chị Rêu khá sành tiếng Anh và tiếng Pháp, chị đang học năm cuối khoa tiếng Anh thì giải phóng Phnompenh; bọn Pôn Pốt từ rừng về thành phố, trường đại học bị đóng cửa. Bên này vườn cây là khu nhà ở của Tổ công tác dân vận thuộc Sư đoàn bộ. Kiên và mấy chàng chuẩn úy ở chung một nhà. Còn mấy anh nữa lớn tuổi hơn ở một nhà khác. Gọi là nhà nhưng thực ra là các biệt thự làm theo kiểu nhà sàn, cột, ván làm bằng gỗ pơ mu. Nhìn kiến trúc, cây cối trong vườn có thể đoán được các chủ nhân của chúng là những người khá giả, sang trọng. Lúc bọn Kiên vào tiếp quản Phnom-penh; các nhà đều vắng chủ, im ỉm cửa đóng, có nhà cửa giật bung ra, nhưng điều hòa nhiệt độ vẫn chạy ro ro. Có thể họ đã chạy đi nước ngoài hoặc bị bọn lính Pôn Pốt xua đuổi đang phiêu dạt ở một phương trời nào đó.
Dạo ấy, quân tình nguyện bọn Kiên còn rất trẻ. Công việc sau ngày giải phóng Phnompenh bận rộn và vất vả. Bọn Kiên hàng ngày phải chia nhau về các phum, sóc ở vùng ven đô giúp chính quyền địa phương của bạn ổn định đời sống nhân dân. Thủ đô Phnompenh nhỏ, hoang tàn như thành phố chết rất thưa vắng người. Đi khỏi nơi đóng quân độ một giờ đã gặp rừng: rừng thốt nốt, rừng cây tạp um tùm và suối nước chảy trong veo.
Ngày nào, Kiên cũng gặp từng đoàn người lớn, trẻ con lũ lượt trên đường tìm về quê cũ. Người ở Battampong về, người ở Xihanucvin lên, người ở Kompongcham xuống... Cả đất nước Campuchia đang lầm lụi làm cuộc hành hương khổng lồ. Lúc đầu, dân các phum còn ít, sau người về cứ đông dần. Bà con giúp nhau dựng, sửa lại nhà, làm vệ sinh phum, sóc, bầu phum trưởng... Mấy ngày đầu về Tổ phiên dịch, Sa Ly, chị Rêu, Dên... còn là các cô gái gầy yếu, xanh xao, gương mặt đờ đẫn, ngơ ngác thì sau một thời gian ngắn da dẻ đã căng mịn, mặt mũi tươi tỉnh và nụ cười luôn ở trên môi. Đúng là cả dân tộc Campuchia hồi sinh, các cô gái cũng tươi tắn có hồn. Sa Ly cũng vậy, càng ngày cô càng đẹp ra. Mẹ Sa Ly là người Việt, bố người Khơ Me. Cô mang gene trội, được thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất của dòng máu hai dân tộc nên cái đẹp vừa gần gũi vừa xa lạ. Vẻ đẹp âm thầm ấy cứ dần dần, ngấm ngầm chinh phục Kiên.
Chương cùng lứa Kiên được phong vượt cấp từ trung sĩ lên chuẩn úy ngay ở chiến trường và họ khá thân thiết với nhau. Tóc xoăn tít, lông mày rậm, nước da như đồng hun, mình Chương chắc lẳn như con cá trắm đen. Về sau, Kiên mới biết mẫu con trai lý tưởng như Chương là niềm ao ước, thèm muốn của không ít con gái Khơ Me. Chương ở đại đội thông tin trực thuộc trung đoàn, được điều về Tổ công tác dân vận của Sư đoàn bộ sau Kiên vài tuần. Có lẽ, câu chuyện nỗi buồn phiền, day dứt và ám ảnh Kiên bắt đầu từ khi Chương có mặt ở đây.
Đêm Lăm vông. Kiên đã ngây ngất nhìn Sa Ly cùng các cô gái múa, hát Chô thây nam thơ mây. Thân hình thon thả uốn, xoay, uyển chuyển như lướt nhẹ trên mặt đất. Các ngón tay Sa Ly như búp măng trắng hồng cong cong theo điệu múa. Hình như Chương cũng có cảm tình với Sa Ly, mắt rực cháy có đốm lửa. Ngắm Sa Ly múa, Chương mê quá thốt lên: “Trời đất! Như vũ nữ trên tường đá Angkor”.
Kiên còn nhớ, dạo đó kỷ luật dân vận rất nghiêm, quân tình nguyện không được phép lấy bất cứ thứ gì dù nhỏ nhất như cái kim sợi chỉ của dân. Toàn bộ lương thực, thực phẩm của quân tình nguyện Việt Nam đều chở từ bên nước sang. Tổ công tác dân vận xuống phum phải mang theo lương khô hoặc cơm nắm để ăn trưa. Tối về, đi qua vườn cây, chân bước đạp lên quả xoài chín nẫu vừa bị gió đập rụng, tay va vào quả vú sữa chín mọng, nhưng vẫn không ai dám tơ hào một miếng. Đêm, nằm ngủ cành xoài lòa xòa, thò cả quả chín mũm mĩm vào cửa sổ cũng chỉ nuốt nước miếng chống cơn thèm, quyết không vin cành bứt quả.
Chuyện cái kim sợi chỉ nhỏ nhoi đã phải giữ gìn nghiêm khắc như vậy huống hồ là chuyện yêu đương với con gái nước bạn. Kiên biết mình đang vướng vào một chuyện động trời, nhưng trái tim có nhịp đập riêng của nó. Càng cố kìm nén tình cảm, Kiên càng khát khao yêu mãnh liệt, âm thầm. Nếu có thể quên được Sa Ly thì Kiên đã đỡ phải xốn xang, thẫn thờ. Những tối không họp hành, Kiên đều tranh thủ sang nhờ Sa Ly dạy thêm tiếng Khơ Me, một phần kiếm cớ để gặp cô. Có hôm sang đã thấy Chương đến trước ngồi ở đó rồi. Lúc ra về, Sa Ly tiễn Kiên xuống chân cầu thang là quay trở lên. Nhưng, cô lại thường xuyên tiễn Chương đi thêm một đoạn đến chỗ cây vú sữa rồi mới quay lại.
Chương sống chân tình, bộc trực, hồn nhiên. Kiên kín đáo, giấu mình. Cái kim bọc lâu ngày cũng chui ra khỏi vải. Hóa ra, Chương và Sa Ly thân thiết từ lúc Chương còn đang ở đại đội thông tin. Chương đưa quân đi dải dây hữu tuyến qua bến tắm và họ đã quen nhau. Lúc đầu định thả dây ngầm xuống tận đáy, vượt sông, Chương và đồng đội đã bơi và khảo sát nhiều lần. Nước sâu quá, lại chảy xiết nên phải chấp nhận phương án hình chữ U, tốn dây đi vòng xuống qua cầu Monivong rồi dẫn ngược lên. Chương đã nhiều lần ngồi thu lu giấu mình trong bụi cây, ngó trộm Sa Ly tắm... Biết chuyện này, Kiên buồn bã, đêm mất ngủ, ngày bơ phờ. Nhưng, Chương vẫn không hề hay biết tình cảnh thảm hại của Kiên.
Kiên vẫn nhớ có một buổi trưa im gió, anh ngồi trên ban công nhìn xuống vườn cây. Chương và Sa Ly đang đứng dưới bóng râm đổ dài từ tán lá thốt nốt. Mái tóc Sa Ly dài óng mượt xõa xuống bờ vai trắng ngần. Cô vừa gội đầu xong, đang bưng chậu quần áo đứng tần ngần bên Chương. Hai người nói chuyện với nhau, Kiên nghe rõ mồn một.
Sa Ly hỏi:
- Dạo anh còn ở đại đội thông tin, em thấy một anh khoác cái máy to như cái máy lạnh nhỏ, có hai cần ăng-ten vắt vẻo như râu con xén tóc, hành quân đi ngang qua?
Chương bật cười.
- Máy vô tuyến điện PRC 25W đấy cô bé ạ. Ở hai phương trời hai máy, người ta có thể đánh mật mã liên lạc với nhau xa hàng chục cây số, hàng trăm cây số, em ạ.
- Có nói được với nhau không?
- Được chớ. Nhưng, thông tin quân sự hoàn toàn bí mật, liên lạc mà nói chuyện như anh và em sẽ lộ. Bom đạn dội xuống đầu ngay.
- Phnompenh không còn bom đan nữa. Ước gì anh và em mỗi người có một máy để nói chuyện với nhau nhỉ?
Chương chợt buồn lặng:
- Ngày anh còn ở đơn vị cũ, có hôm đi kiểm tra đường dây ở bờ bên kia nhìn thấy em như cái chấm nhỏ, anh gọi khản tiếng mà em vẫn lặng lẽ đi xuống bến tắm.
Sa Ly bảo:
- Thì em có nghe được đâu. Sông rộng quá mà.
- Ừ, em không nghe được. Anh chỉ muốn bơi sang với em. Lúc đó, anh ước mơ giá như có cái máy đàm thoại phát sóng vô tuyến chỉ to bằng hòn gạch thôi, bỏ vào túi xách, hay túi cóc ba lô cũng được. Máy của hai người kết nối qua một trung tâm với cùng bước sóng. Chúng ta bấm số như điện thoại hữu tuyến là trò chuyện được với nhau.
- Ôi. Thích quá nhỉ.
- Em sẽ gọi nói chuyện suốt ngày, suốt đêm với anh chứ?
- Nói suốt ngày suốt đêm? Anh sẽ chán em ngay?
- Không. Em hãy nói theo cách của riêng em thì anh sẽ không chán.
- Và anh sẽ chăm chú lắng nghe em nói chứ.
- Tất nhiên. Anh cũng sẽ nghe em nói suốt ngày suốt đêm, nói và nghe đến khi cái máy nó nóng bỏng rẫy lên, em yêu ạ.
- Rồi em sẽ may cho anh một cái túi thổ cẩm to bằng viên gạch đựng vừa cái máy đàm thoại của anh.
Câu chuyện nghe rõ mồn một, tình tứ quá. Dù buồn bã, Kiên vẫn cố kìm nén được tình cảm, không để phát lộ ra ngoài. Kiên cay đắng, cười khẩy một mình: Hãy nói theo cách của riêng em. Cách gì? Cách của tình yêu ư? Máy đàm thoại bé bằng hòn gạch ư? Hão huyền. Ước mơ rồ dại, viển vông. Làm được thì người ta đã làm rồi, chẳng ai dại gì mà dùng cái máy nặng mười mấy cân, khoác è cổ. Nhưng, Kiên phải công nhận rằng: Thằng cha này có ý tưởng rất hay. Cấp trên nên điều chuyển phắt nó về nước, tiếp tục học năm thứ hai Khoa Vô tuyến điện ở Đại học Bách Khoa, vài chục năm sau thằng cha này thành nhà khoa học. Rất có thể nó làm nên chuyện đấy. Tất nhiên, mình chỉ cần loại được một tình địch.
Câu chuyện tình của bộ ba Kiên - Sa Ly - Chương sẽ chẳng xảy ra to tát nếu như tối hôm sau Kiên kìm nén được tình cảm của mình.
Đêm ấy, trăng lên sớm ngoi lên và neo trên những ngọn cây thốt nốt. Dòng sông Tonle Sap tràn ngập ánh vàng. Gió dưới sông rười rượi thổi, cầu Monivong mờ xa im lìm mệt mỏi nối hai bờ. Kiên tắm muộn; ngụp lặn dưới sông xong, vơ quần áo ướt đi về nhà. Vườn xoài đang mùa trĩu quả chín, thỉnh thoảng lại có trái rơi bộp... bộp. Đi ngang qua khu nhà Tổ phiên dịch, đến gần cây thốt nốt lỗ chỗ vết đạn ghim đã cũ, Kiên bất chợt nghe tiếng con gái gọi Chương thì thào:
- Boòng Chương. Anh Chương.
- Sa Ly. Sao lại đứng một mình ở đây?
- Em đứng chờ anh.
- Sa Ly lên nhà đi. Đứng thế này không tiện. Đêm hôm ngại lắm, mọi người nhìn thấy. Nguy hiểm lắm.
À thì ra là dấm dúi gặp nhau cơ đấy. Tay Chương ghê thật. Kiên nghĩ miên man.
- Boòng sơ lanh on tê? (Anh có yêu em không?). Bất ngờ quá, Chương đâm hoảng:
- Trời đất ơi. Anh trả lời nhiều lần rồi. Yêu thương để trong lòng, không nhất thiết phải nói ra từ miệng. Chúng mình đang phải giấu. Em đừng nói thêm lời nào nữa. Nguy hiểm lắm.
- Boòng sơ lanh on tê?
Vẫn lại câu hỏi ấy, giọng quyết liệt, nồng nàn, rồi Sa Ly choàng hai cánh tay thon thả ôm chặt cứng hai vai Chương. Tấm thân nuột nà, mông căng tròn và eo hông hơi thắt, bờ vai nhỏ run rẩy như đánh đu trên vai Chương, như vít đầu Chương xuống. Kiên nghe được cả tiếng thở gấp hào hển của Sa Ly.
Bỗng nhiên mặt Kiên nóng bừng bừng, máu chạy giần giật thái đương. Lòng dạ cồn cào, Kiên đã không kìm được sự ghen tuông nhỏ nhen, đố kỵ.
- Đồng chí Chương. Đồng chí có nhớ kỷ luật dân vận không?
Đôi tình nhân giật mình, buông nhau ra. Chương ngượng nghịu, hai tay vò vò mái tóc xoăn đen, giọng nói đầy lo lắng:
- Ki...ên. Mình...
- Tại em. Anh Chương không có lỗi. - Sa Ly khẩn khoản.
- Thôi. Cô không phải bênh no...ó.
Giọng Kiên lạnh lùng, nghe ghê răng như miệng ai đó đang nghiền mảnh sành chai xào xạo. Dường như không kìm nén được nữa, Chương bóp chặt tay Kiên, nói nhỏ nhẹ và kiên quyết:
- Cậu hãy để cho trái tim chúng tôi nói bằng cách của trái tim.
- Văn hoa, triết lý quá. Câu chuyện tiếng nói trái tim này không hợp ở chiến trường đâu. Lạc lõng lắm! Cá nhân! Khác biệt lắm!
Tình huống căng thẳng dần lên, sẽ diễn biến thành chuyện to tát nếu lúc đó không gặp trung tá Chủ nhiệm Chính trị họp ở Bộ chỉ huy Sư đoàn về muộn đi qua. Kiên báo cáo luôn mọi sự việc một cách nhanh gọn, trôi chảy, hào hứng như vừa lập được chiến công ngoài mặt trận. Ông trung tá dạn dày kinh nghiệm sống và đầy nhân ái bảo đừng làm mọi chuyện ầm lên, không có lợi cho công tác dân vận, về phòng làm việc của ông giải quyết.
Kiên vừa đi vừa thấy hả hê trong lòng. Kiên liên tưởng đến cái mặt bạc phếch, van xin và lo sợ của Chương trước ông Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn. Không bị tống ra chiến trường thì Chương cũng bị kỷ luật đưa về nước. Chương sẽ mất mặt trước Sa Ly...
Trái với suy nghĩ và sự liên tưởng của Kiên, gã tóc xoăn đen ngồi trước mặt ông trung tá trình bày một cách bình tĩnh, rõ ràng, rành mạch, xin nhận tất cả lỗi về mình và chấp nhận bị kỷ luật. Còn Sa Ly thì sụt sịt. Cô bảo: “Mẹ cháu cũng là người Việt Nam. Chúng cháu đều chưa vợ chưa chồng, chả lẽ không được yêu nhau à?”. Rồi cô lại nhận lỗi hết về mình. Sa Ly khóc, năn nỉ: “Cháu xin chú đừng kỷ luật anh Chương”. Ông Chủ nhiệm Chính trị bảo: “Cháu bình tĩnh lại nào”. “Không! Hãy để cho cháu nói từ cách nghĩ của cháu. Cũng là do cháu quá thương, không kiềm lòng được. Chúng cháu yêu nhau thật lòng. Dù lúc này đang thời chiến, chưa cho chúng cháu yêu nhau, lấy nhau thì khi thanh bình cháu cũng tìm về Việt Nam, cháu muốn sống với anh Chương trọn đời”. Rất quyết liệt! Một cô gái nhỏ bé mong manh, yếu ớt nhưng ngùn ngụt ý chí bảo vệ tình yêu. Kiên ngỡ ngàng. Chương ngỡ ngàng. Và ông trung tá Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn cũng ngạc nhiên. Hai mắt Sa Ly mọng nước, lấp loáng ánh đèn và đầy kiên nghị.
Sự việc không như Kiên nghĩ, họ đã yêu nhau hết lòng, yêu theo cách của họ và sống chết vì nhau. Cái kiểu yêu đương này thật lạ! Kiên thấy mình tẽn tò quá, tự nhiên thừa ra, đơn độc, thấp bé và đớn hèn quá. Ông Chủ nhiệm Chính trị ngẫm nghĩ, cân nhắc, mặt ông đanh lại. Ông điềm đạm, từ tốn nói, đại ý rằng: “Chính quyền nước bạn còn rất non trẻ mà công việc đang bộn bề, phức tạp. Tàn quân Pôn Pốt chưa diệt xong. Hai nước chưa chính thức có hiệp định về hôn nhân. Lúc này, cần phải biết tạm gác hạnh phúc riêng tư và chờ đợi, đừng để kẻ xấu lợi dụng chuyện đó phá hoại tình đoàn kết hai dân tộc..”. Ông còn nói nhiều về tuổi trẻ, ước mơ, tình bạn, sự chờ đợi, hy sinh cho đất nước khi cần thiết...
Và cuối cùng chuyện được khuôn lại chỉ có chừng ấy người biết.
Từ hôm sau, bộ ba Kiên - Sa Ly - Chương có một sự thuyên chuyển vị trí công tác nho nhỏ. Sa Ly đi với tổ dân vận khác xuống phum, Kiên đi với Dên, còn Chương đi với chị Rêu. Thỉnh thoảng gặp, sáp mặt với nhau, Chương vẫn nói chuyện, trao đổi bình thường không có ý giận, coi như chưa có việc gì xảy ra. Kiên cảm thấy thèn thẹn, có một chút ân hận, ngại ngùng. Nhưng, anh vẫn biện hộ, cho việc làm của mình là đúng với tinh thần chấp hành kỷ luật dân vận, với ý thức trách nhiệm của người lính.
Một tuần sau, Chương khoác ba lô đến chào Kiên:
- Mình trở về đại đội thông tin của Trung đoàn cũ chiến đấu. Làm thằng lính chiến mà ở nơi yên ả thế này, chán quá. Nằn nì mãi Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn mới cho chuyển. Thôi mình đi kẻo xe chờ.
Quá đỗi bất ngờ, Kiên bảo:
- Hượm đã, Chương. Sa Ly biết cậu đi chưa?
- Sa Ly không biết đâu. Biết, càng khó đi. Mà mình sẽ quay lại cơ mà.
Kiên gãi tai, bối rối. Tự nhiên lúc đó, Kiên có nhu cầu thanh minh, giãi bày. Không nói ra được điều day dứt, ân hận chứa chất trong lòng thì biết bao giờ nói được. Chiến tranh vẫn còn liên miên. Cái giống tàn quân Pôn Pốt đánh lại quân tình nguyện toàn dùng chiến thuật du kích tập kích ban đêm. Lính pháo, lính tăng, lính thông tin... cũng phải cầm súng bộ binh truy quét địch. Rừng, nơi tàn quân địch trú như thiên la địa võng, ai biết trước được đây không phải là cuộc chia ly cuối cùng.
- Chuyện hôm trước, thực lòng tớ không muốn làm thế... Tớ trẻ con quá.
- Thôi, chuyện qua rồi, Kiên ạ.
- Dưới đơn vị bom đạn ác liệt lắm... Mình muốn nói sao Chương lại...
- Mỗi người sống và hành động theo cách của mình, không ai giống ai đâu, Kiên ạ. Thôi, mình đi đây.
Chương nắm tay Kiên rất chặt rồi bước nhanh.
Một thoáng ngây người rồi chợt tỉnh ra, Kiên vùng căng chạy sang khu nhà Tổ phiên dịch. Từ chân cầu thang, Kiên gọi toáng lên: Sa Ly...y. Sa Ly...y.
Như có linh tính báo điềm chia ly, Sa Ly tối sầm mặt, lập cập chạy ra. Kiên bảo: “Chương về đơn vị cũ rồi. Chạy nhanh kẻo xe chạy mất”. Họ chạy đến nơi tập kết thì xe đã bon bon trên đường cuốn bụi mù. Sa Ly gục đầu vào vai Kiên khóc. Tóc bết nước mắt, nhòe vai áo. Lúc ấy, Kiên cảm thấy mình như vừa bị mất một cái gì đó rất lớn lao mà không gọi tên được.
Mùa khô qua rồi lại mùa mưa.
Người ta thuyên chuyển Kiên đến công tác ở Ban chỉ huy tiền phương của Sư đoàn đóng tận Amleng cách xa Phnompenh cả trăm cây số. Một thời gian sau, Kiên về nước học ở Trường sĩ quan Thông tin. Từ đó, họ không còn gặp nhau nữa.
Chuyện cũ buồn vương vấn. Tự nhiên, vang ngân trong lòng Kiên một tiếng gọi thì thầm, thành khẩn: “Chương ơi! Anh Chương ơi! Có thể bây giờ anh đã phục viên, chuyển ngành; anh đã có vợ con hạnh phúc; có thể anh vẫn còn ở quân đội như tôi. Anh có còn nhớ Sa Ly, nhớ chị Rêu và Dên... không? Anh còn nhớ hay anh đã quên cái chuyện ngày xưa ấy, tôi - Sa Ly và anh khi chúng ta còn rất trẻ”.