Not all of us have to possess earthshaking talent. Just common sense and love will do.

Myrtle Auvil

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 201 / 19
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
RÊN ĐƯỜNG QUAY LẠI CĂN HỘ, tôi chợt cảm thấy một nhu cầu mãnh liệt và khẩn thiết phải làm bánh để tiêu diệt con quỷ cô đơn trong mình. Tôi không có bột ủ men, mà muốn ủ gây men từ đầu thì phải mất khoảng hai, ba ngày. Nhưng tôi vẫn có vài mẹo làm một ổ bánh bình thường mang chút dư vị độc đáo. Vì CM có sáng kiến chỉ dùng bếp lò làm điểm tựa trong khi xỏ đôi giầy Reeboks vào chân, nên tôi dừng lại ở siêu thị thực phẩm Thriftway mua những thứ cần thiết, rồi phải tha lôi tất cả lên bốn tầng cầu thang vì cái thang máy cọt kẹt của cả tòa nhà hôm nay dở chứng.
Không nhất thiết phải có công thức mới làm được bánh mì. Mấu chốt nằm ở tỉ lệ - một gói men, sáu hoặc bảy cốc bột mì, hai cốc nước, một thìa muối. Và Jean-Marc từng nói rằng bánh mì có thể không nở như dự tính của người làm bánh, nhưng nó luôn nở. Tình cảnh bây giờ thật đúng như vậy, lâu lắm rồi không làm bánh nên tôi phải theo công thức in trên túi bột mì cho chắc chắn.
Bánh mì trắng
1 thìa (1 gói) men khô
1 thìa muối
21/4 cốc nước ấm
6 đến 7 cốc bột mì trắng không tẩy
1 thìa đường
Đa phần các công thức đều cần dùng hết cả túi men. Có nghĩa là lần ủ đầu tiên chỉ mất một tiếng, và lần thứ hai từ khoảng bốn mươi lăm phút đến một tiếng - nhất là khi ủ bột ở chỗ ấm áp, như các công thức thường nêu. Một số công thức còn khuyến khích cất bột đã nhào vào lò và giữ ấm bằng bóng đèn chiếu sáng trong lò.
Các cách trên đều ổn cả. Nếu đó là loại bánh mì ta muốn làm. Bánh mì như ở cửa hàng. Bánh mì kì diệu. Còn nhớ chứ? Thứ ta vẫn ăn hồi còn bé. Trắng - trắng sáng chừng như phi lí - cắn vào có cảm giác như đang cắn miếng bọt biển ẩm ướt. Hễ cắn một miếng là dấu răng in lại luôn, rất thuận tiện nếu cần nhận diện tử thi.
Hồi những năm bảy mươi, ai cũng háo hức nhao đến những món hữu cơ và thô, bắt đầu thả đủ thứ hạt trên đời vào bột bánh. Các công thức cứ thế là phải thêm vào rất nhiều men, dầu, trứng và sữa, vì mọi người vẫn thèm thứ bánh mềm mềm dai dai đã quen ăn từ bé.
Phải đến khi tới Pháp, tôi mới được thưởng thức bánh mì không bị ních đủ thứ phụ phẩm và không khí bên trong. Đối với tôi điều đó như một nghi lễ cải đạo. Thực ra, giống như quan hệ tính dục vậy - một trong những điều ai cũng nghĩ rằng mình am hiểu hết và nói lại rằng chuyện đó tuyệt đến mức nào, cơ mà tất cả đều chỉ nhạt nhẽo cho đến khi ta thực sự trải nghiệm nó một cách đúng nghĩa như tạo hóa đã định.
Thế nên điều đầu tiên tôi làm là chia đôi túi men. Không cần bột phải nở vọt lên siêu tốc. Điều cần làm là tạo ra quá trình lên men từ từ, chậm rãi để có được chất bánh và mùi vị khiến người khác ngỡ rằng ổ bánh được mua với cái giá năm đô-la chín mươi lăm xu tại hiệu European Gourmet hào nhoáng.
Tôi trộn men với nước trong một bát sành lớn, thêm đường và để ngấu trong vài phút. Trong khi đó tôi đong bột mì vào một bát khác. Rồi trộn bột bằng cái thìa lớn duy nhất có thể tìm được trong căn bếp vô cùng thiếu thốn dụng cụ này. Khi bột đã mịn đều, không dính vào thành bát nữa, tôi đổ khối bột ra mặt bàn bếp, nhào trong mười phút, thêm vừa đủ bột mì cho dẻo. Rồi một chút muối. Đằng nào rồi cũng chết thôi. Vì muối đánh thức gluten và khiến bột trở nên hiếu chiến với cơ thể người ăn bánh.
Khi bột đã mịn và dẻo đến mức nếu ấn thử sẽ thấy đàn hồi ngay lập tức, tôi quết dầu ăn vào lòng một cái bát lớn, dàn bột vào đó, đảm bảo rằng toàn bộ mặt bột cũng được quết dầu. Rồi tôi phủ một khăn ấm lên trên, đặt ra xa chỗ nấu nướng hết mức có thể. Tốt nhất là để ở chỗ nào đó như hầm rượu, nhưng CM không có, nên tôi đặt bát bột trên bàn ăn.
Với nửa túi men thì phải cần gấp đôi thời gian ủ bột, thế nên tôi rót cho mình một li vang trắng Sauvignon và bắt đầu dọn dẹp bột vương dính trên mặt bàn bếp.
Mùi men bánh giăng trong không khí nhắc tôi nhớ lại levain của mình và cái ngày David đeo mặt nạ Nixon và mang pizza đến căn hộ của tôi. Cảm giác khắc khoải nhức nhối đến mức khiến tôi ngạc nhiên. Có lẽ CM nói đúng. Không có anh ấy biết đâu lại tốt hơn cho tôi. Nhưng vậy tại sao tôi lại cảm thấy trống rỗng nhường này? Tại sao tôi lại thèm được chạm vào mặt anh, cảm nhận mùi của anh, cơ thể anh sát bên tôi?
Tôi thấy cần phải nói chuyện với David. Nhưng không thể gọi điện thoại trong giờ làm việc. Ở một nơi nhỏ như JMP, ai cũng biết người khác đang làm gì. Có lẽ chúng tôi đã thành đề tài buôn chuyện tán dóc của cả công ty.
Tôi sẽ gọi điện về nhà. Anh sẽ không ở nhà, nhưng tôi có thể để lại lời nhắn trong hộp thư thoại. Chỉ để anh biết rằng tôi nghĩ đến anh. Chưa biết chừng anh cũng đang thấy cô đơn, nhưng lại xấu hổ không dám gọi điện cho tôi sau tất cả những gì anh đã nói. Nếu thấy lời nhắn, anh sẽ có lí do chính đáng để gọi lại cho tôi mà không sợ thể diện đàn ông bị lung lay.
Chắc anh sẽ gọi lại ngay tối nay. Có lẽ khuya, vì anh sẽ làm việc muộn như thường lệ. Tôi sẽ ngồi trong bóng tối ở phòng khách, kể cho anh nghe những gì tôi thấy - ánh đèn thành phố, những chuyến phà đi tới đi lui trên mặt nước đen, hướng về những hòn đảo xa mờ bảng lảng. Tôi sẽ nói với anh rằng hôm nay tôi đã làm bánh. Tôi sẽ nói tôi nhớ anh. Chúng tôi có thể bắt đầu từ đó. Chỉ là “em nhớ anh lắm”. Chúng tôi có thể làm lại từ đó. Nói công bằng thì không phải chỉ có anh, mà một phần lỗi cũng từ phía tôi.
CM có một chiếc điện thoại con vịt, không đổ chuông reng reng mà kêu quạc quạc. Cô còn đặt tên cho nó là Dorian. Tôi ấn số điện thoại trên bụng vịt. Tôi đoán bốn hồi chuông sẽ đổ, rồi đến hộp thư thoại tự động, nhưng chỉ hai hồi đã có tiếng nhấc máy. Anh ở nhà.
- A lô, - một giọng nữ.
Tôi há hốc miệng nhưng không nói được gì. Trừ khi tôi cực kì nhầm, trong điện thoại là giọng Kelley Hamlin.
- Xin chào, đây là nhà Franklin...
Có tiếng lạo xạo, như thể ống nghe rơi xuống sàn. Rồi giọng David.
- A lô.
Dorian và tôi nhìn nhau đầy hàm ý.
- Xin chào? Tôi David Franklin nghe đây. - Thoáng có chút hốt hoảng trong lời chào hào hển của anh.
Tôi khẽ đặt con vịt trở lại chỗ cũ.
Năm phút sau, Dorian quàng quạc như muốn nổ tung óc, nhưng tôi để kệ điện thoại chuyển sang hộp thư tự động.
“Wyn ơi, anh đây. Nếu em ở đó thì nghe máy đi”. - Im lặng. -”Trời đất quỷ thần ơi, Wyn, đừng cư xử như trẻ con thế. Anh biết em đang nghe”. - Im lặng. - “Kelley và anh đang xử lý hồ sơ khách hàng. Nhấc máy lên nghe đi”. - Im lặng. - “Khỉ ạ”.
Đường dây bị ngắt.
Tôi nghĩ mình sắp khóc. Rồi tôi hình dung gương mặt David nếu anh chứng kiến cuộc gọi của mình phát ra từ cái mỏ chú vịt Dorian. Tôi cười phá lên, rồi bật khóc.
Khi CM về nhà lúc khoảng sáu giờ rưỡi, tôi đã tiêu thụ gần hết một chai Robert Mondavi một lít rưỡi. CM lẳng túi xuống xô-pha, nói:
- Tối nay chúng ta kỉ niệm chuyện gì vậy?
Tôi nâng li lên cao, hướng về phía chùm đèn trên trần, híp mắt nhìn qua ánh sáng màu rượu.
- Chương hai. Cuộc điện thoại. Nữ chính ngây thơ gọi cho hoàng tử đẹp trai đang ở trong lâu đài, và nàng hầu nghe điện thoại.
- Đã hiểu. - CM hùng hổ bặm môi. - Nàng hầu nói gì?
- Xin chào.
- Thế thôi à?
Tôi lấy một li trong tủ ra, rót đầy rượu cho CM, hơi sánh một chút ra mặt bàn bếp.
- Đó là tất cả những gì nàng ta kịp thốt lên trước khi hoàng tử giật điện thoại và ống nghe rơi xuống sàn.
CM nhấp một chút trước khi cởi áo khoác vứt bừa lên cái ghế gần nhất.
- Vậy chàng ta nói gì?
Một tiếng khúc khích chuếnh choáng bật ra khỏi miệng tôi.
- Tôi không nói chuyện với anh ấy. Nhưng anh ấy nói với Dorian rằng họ đang xử lý đồng hồ sơ. Bồ có nghĩ chàng hoàng tử quảng cáo nên thốt ra lời nói dối bóng bẩy hơn không?
CM thở dài.
- Bồ tèo à, tôi rất tiếc.
Có lẽ sự thương cảm trong lời nói của CM đã thực sự hạ gục được tôi.
o O o
Sáng thứ Năm, nước mắt đã khô queo như muốn nghèn chặt hai mí mắt. Tôi dụi mắt, thấy lưỡi mình vẫn còn tím bầm màu rượu. Rủi là tôi vẫn nhớ gần như toàn bộ buổi tối hôm trước. Khóc và cười, uống rượu vang và thứ gì đó khác cho đến khi hết sạch, đi bộ đi ăn tối vì cả CM và tôi đều say không lái xe được, ăn bánh hamburger ngấy mỡ, cãi cọ với vị khách nào đó cũng say xỉn cho đến khi cô phục vụ bảo chúng tôi hãy ra khỏi nhà hàng. Ói vào một bụi cây trên đường về nhà. Khổ thân CM sáng hôm nay vẫn phải dậy đi làm.
Ít nhất tối qua tôi vẫn còn đủ tỉnh táo cất bột nhào vào tủ lạnh để nó không bị phồng lên quá, ngấu men đến mức lại xẹp lép xuống. Tôi lấy bột ra khỏi tủ lạnh, đặt trên lò nướng để trở lại nhiệt độ trong phòng trong khi tôi tắm, thay quần áo và dọn dẹp căn hộ như một cách để trị liệu.
Đến trưa, tất cả đã đâu vào đấy. Để tôn vinh David, tôi kéo bột thành hai ổ, kiểu bánh thuôn thuôn người Pháp vẫn gọi là bâtards*. Tôi để bột nở thêm hai tiếng nữa, vẩy thêm chút nước để vỏ bánh sau khi nướng được giòn rụm, rồi cho vào lò nướng ở hai trăm hai mươi độ C trong ba mươi phút.
Tôi từng đọc ở đâu đó rằng người ta đã chứng minh được mùi bánh mới ra lò là một phương thuốc hữu hiệu chữa chứng trầm cảm. Quả thực đúng như vậy. Khi hai gã đểu cáng xinh xinh của tôi dần nguội đi trên mặt bàn bếp, tôi bắt đầu cảm thấy hồi phục. Lòng dịu lại đủ để muốn ra ngoài đi dạo. Và tôi chợt thèm thứ gì đó có sô-cô-la. Tôi biết hiệu bánh Queen Street đóng cửa lúc hai giờ chiều để tập trung vào nướng những mẻ bán buôn, nhưng tôi vẫn lấy một ổ bánh còn ấm, gói vào túi giấy, mang theo làm của hối lộ mấy chị ở hiệu bánh để họ cho tôi vào.
Ellen và Diane không bận bịu nướng bánh mà đang ngồi ở bàn, với cà phê và mấy xấp giấy. Khi tôi gõ cửa, cả hai nhìn lên và mỉm cười, nhưng Ellen chỉ vào đồng hồ đeo tay. Tôi mở túi lấy vũ khí bí mật của mình ra. Rõ là cả hai đang lung lay. Tôi nâng ổ bánh lên gần mặt, làm bộ hít hà, nhắm mắt lại và mỉm cười. Chỉ một giây sau, Ellen đã ra mở cửa.
- Ở đâu ra thế này? - Chị tấm tắc ngửi mùi bánh.
- Từ bếp nhà CM chị ạ.
Ellen khẽ chạm vào ổ bánh.
- Cô làm đấy à? Ôi, vẫn còn ấm này.
Tôi giữ ổ bánh lại.
- Không chóng vánh thế chứ. Đây không phải quà tặng chị đâu, là hàng đổi hàng nhé. Em đang cần sô-cô-la.
Diane cười ngất, ngả người tì vào lưng ghế.
- Bọn tôi có hàng ngang giá đây.
Xoẹt một cái, còn ngắn hơn thời gian cần để bật máy làm bánh mì, tôi đã ngồi vào bàn cùng họ. Hai bà chị phớt lờ đề xuất của tôi, rằng nên để bánh nguội hẳn đã, cứ thế bẻ từng miếng và phết đẫm bơ ngọt. Tôi ăn một chiếc Bánh của Patty, cái tên thực vô tội cho thứ bánh đầy ứ sô-cô-la, được rưới đẫm sốt espresso-caramel, dư sức làm hư bất cứ thực khách nào.
- Được rồi. Patty là ai và bà ấy đã làm bánh này như thế nào ạ? -Tôi liếm sốt espresso-caramel ngọt ngào dính trên dĩa.
- Patty từng là chủ hiệu bánh này. - Ellen đáp. - Đây là công thức duy nhất của bà ấy mà bọn tôi nhất định phải có.
Diane mỉm cười.
- Sau khi phải trả một cái giá đắt ngược mặt, bọn tôi mới phát hiện ra rằng công thức té ra cực kì đơn giản. Chỉ cần dùng thìa gỗ trộn trong xoong, thậm chí còn chẳng phải động đến phới nữa.
- Vậy thôi em sẽ không hỏi đâu, các chị đã phải mua cơ mà.
Chị bẻ miếng bánh nữa.
- Tốt. Vì bọn tôi cũng không tiết lộ đâu.
- Bánh này làm bằng bột chua phải không? - Ellen hít hà ruột bánh, trìu mến thẩm định chất lượng.
- Không, làm bình thường thôi ạ.
- Vị không giống bánh bọn tôi làm. Hơn thế... - chị tìm cách diễn đạt - phức tạp hơn... Có vẻ đằm hơn... Đại khái thế. Tôi cũng không biết nữa. Bí quyết là gì vậy?
Tôi mỉm cười ngọt ngào.
- Cực kì đơn giản luôn. Nhưng phải mất một chuyến đi đến Pháp em mới học được, cho nên em sẽ không tiết lộ đâu ạ.
Sau khi tràng cười ngất của cả hai lắng xuống, chúng tôi đồng ý trao đổi thông tin. Diane đi vào khu vực làm bánh, tôi có thể nghe thấy tiếng dọn dẹp vọng ra từ đó. Khuôn và bát kim loại va vào nhau, nước chảy róc rách và tiếng phụ nữ cười. Chị quay lại, đưa cho tôi một tờ giấy kẻ ngang.
- Công thức làm bánh đây. Cô chỉ việc chạy qua phố, đến chợ Dan’s sao lại một bản.
Ôi trời, tôi không thể đợi để làm bánh này cho CM.
Bánh Của Patty với sốt espresso caramel
7 miếng (gần 3 lạng) sô-cô-la không đường, loại để nấu
¾ cốc bơ
1½ cốc cà phê đặc
¼ cốc rượu bourbon
2 quả trứng
1 thìa cà phê va-ni
2 cốc bột làm bánh ngọt
1½ cốc đường
1 thìa cà phê bột nở
¼ thìa cà phê muối
Phết chút bơ để chống dính và rắc bột áo vào hai khuôn chữ nhật cỡ 22x12 cm.
Cho sô-cô-la, bơ và cà phê vào một xoong dày, dung tích khoảng 4 lít. Đặt lên bếp ở nhiệt độ thấp, quấy liên tục đều tay cho đến khi sô-cô-la tan hết, rồi quấy nhanh tay cho đến khi hỗn hợp mịn đều. Nhấc khỏi bếp, để nguội trong ít nhất 10 phút. Cho bourbon, trứng và va-ni vào. Rây các nguyên liệu khô vào, trộn đều với hỗn hợp sô-cô-la. Chia hỗn hợp đã trộn vào hai khuôn, nướng trong lò ở 135 độ C từ 45 đến 55 phút. Cứ thế thử bánh chín bằng cách thăm que gỗ vào lòng bánh, nếu rút ra không dính bột là được. Để bánh nguyên khuôn nguội trong 15 phút, rồi gỡ bánh ra, để lên vỉ lưới cho nguội hoàn toàn. Bày lên đĩa cùng kem đánh bông, kem tươi hoặc sốt espresso-caramel.
Sốt espresso-caramel
1 cốc đường
1/3 cốc nước
1/2 cốc kem (đánh) đặc
3 thìa canh espresso
Hòa đường với nước, cho vào một xoong đáy dày - tốt nhất là xoong lòng trắng hoặc sáng màu, để dễ quan sát caramel đổi màu. Quấy trên lửa vừa cho đến khi đường tan hoàn toàn, khoảng 1 phút. Tăng nhiệt độ lên cao cho đến khi sôi. Không quấy, nhưng thỉnh thoảng dùng chổi thấm nước quét quanh thành xoong.
Trong khi đó, đun kem nhỏ lửa trong một xoong khác.
Khi đường bắt đầu cô lại, chuyển thành caramel, phần đường ở thành xoong chuyển mầu vàng nâu, cẩn thận nhấc xoong lên, quấy nhẹ hỗn hợp để caramel lên đều. Đun tiếp cho đến khi hỗn hợp nâu óng như hổ phách - từ 3 đến 4 phút. Nhấc hẳn khỏi bếp, đặt xoong vào bồn. Từ từ đổ kem đã đun nóng vào, đánh đều. Hỗn hợp sẽ sủi bọt và có thể bắn ra ngoài. Nếu cần, nên đeo kính để bảo vệ mắt. Cho cà phê espresso vào và quấy đến khi mượt. Nếu sốt bắt đầu cứng lại, đặt trở lại bếp, đun nhỏ lửa và quấy cho tan. Khi sốt còn ấm, đổ qua rây lọc cho mịn. Đong được một cốc sốt.
Ellen hắng giọng.
- Còn ổ bánh...
- Bí quyết làm bánh mì đậm đà hơn là chỉ dùng một nửa lượng men nhưng tăng thời gian ủ bột lên gấp đôi, - tôi nói.
Đột nhiên im phăng phắc trong năm giây khi Ellen và Diane cùng nhìn nhau.
- Có thế thôi à? - Diane thốt lên. - Một nửa men nhưng gấp đôi thời gian ủ bột? Thế à?
Tôi có cảm giác như mình vừa lừa họ vậy.
- Em đã nói với các chị là cực kì đơn giản mà.
- Trời ơi! - Chị đập tay xuống bàn. - Linda sẽ không đời nào làm vậy đâu.
- Linda là ai ạ?
Ellen thở dài.
- Thợ làm bánh của bọn tôi. Bà ấy bảo thủ đến mức hóa thạch luôn.
- Vậy các chị tìm người khác đi.
Ellen phất tay như thể đang đuổi muỗi.
- Không đơn giản như vậy đầu. Bà ấy ở đây từ ngày đầu... Tôi cũng là dạng yếu đuối lắm, không có gan sa thải ai hết. Không phải là bà ấy không chịu làm việc. Vả lại, Linda sắp đến lúc nghỉ hưu rồi. Cứ đợi đến lúc ấy thì hơn.
- Cơ mà cô học được điều này ở Pháp phải không? - Diane nhìn tôi với ánh mắt thăm dò. - Cô là thợ làm bánh à?
- Ơ, em từng làm việc trong một hiệu bánh. Đại khái thế ạ. Một mùa hè hồi còn học ở trường UCLA, em theo một chương trình vừa học vừa làm ở một boulangerie tại Toulouse.
Hai cặp lông mày cùng nhướn lên.
- Một trải nghiệm tuyệt vời! - Ellen thốt lên.
- Em không phải là thợ nướng bánh đúng nghĩa. Ban đầu em chỉ dọn rửa dụng cụ. Nhưng cuối cùng, anh Jean-Marc, boulanger đích thực, bắt đầu cho em nặn các ổ bánh, cán bột bánh cuộn và sừng bò. Đưa bột vào lò và lấy bánh mới ra. Các chị biết đấy, những việc anh ấy cho rằng chắc em không lóng ngóng đến mức làm hỏng được.
- Jean-Marc hả? - Diane mỉm một nụ cười đầy ý tứ. - Anh ta có đẹp giai không?
- Tất nhiên rồi, anh ta là người Pháp mà.
o O o
Sáng thứ Bảy, CM khua tôi ra khỏi giường lúc bảy giờ, lôi đi chợ Pike Place. Khi hai đứa đến nơi, chợ đã nhộn nhịp mà chẳng cần đợi chúng tôi. CM và tôi xếp hàng ở Starbucks mua cà phê latte tách béo và có thêm bọt sữa, thủng thẳng uống trong khi thả bộ qua North Arcade với những gian hàng trang sức thủ công, quần áo, tranh, đồ gốm, mật ong, ô-liu, các loại hạt, hoa và rau tươi từ vườn các nông hộ trong vùng.
Chúng tôi xem các nhân viên quầy Cá Pike Place lẳng hàng hóa qua lại trong không khí, lắng nghe hai anh chàng mặc quần jeans, áo vải flannel và đi ủng như thợ rừng tranh luận với nhau về việc nên chọn cá tuyết hay cá bơn làm nguyên liệu cho món cá và khoai tây rán.
Một phụ nữ nhìn từ phía sau to như tấm phản, nhảy lên lưng tượng con lợn bằng đồng trong khi chồng cô ta lập tức ghi lại kì tích đó bằng camera.
- Rachel đấy, - CM nói.
- Bồ quen bà ấy à?
- Tôi nói con lợn chứ không phải bà khách du lịch. Rachel là con lợn bỏ ống của cả chợ đấy. - CM làm biểu cảm ghê rợn. - Sau này nếu tôi sứt cạp đến mức ấy, bồ có sẵn lòng cho tôi một phát đạn giải thoát khỏi mọi lẽ thống khổ không?
Tôi liếm ria bọt sữa dính trên mép.
- Chắc chắn rồi, cơ mà đến nước ấy thì tôi không muốn ai biết rằng tôi quen biết bồ đầu nhé.
Một tay đặt trên vai tôi, CM lái tôi ra ngoài phố. Hơi nước bốc lên từ mặt đường rải sỏi, quện vào cùng mùi cà phê, khói xe, gió biển, hoa cỏ, mùi tỏi, thì là Ai Cập, mùi cá rán. Tôi hít sâu, cảm nhận sự dễ chịu từ những mùi vị bình yên của đời thường.
- Sang chợ Corner mua phô mai về ăn tối đi.
Tóc tôi rối tung như tóc Lindar Blair trong phim kinh dị Người trừ tà vì tôi cứ quay tới quay lui xem và ngửi những món lạ trong từng gian hàng nhỏ xíu - bánh bao, bánh baklavas, tamale, súp cioppino cay và đỏ rực, gà sa tế, xúc xích wurst và bánh crumpet.
- Này bồ, ở Los Angeles cũng có những thứ này đấy.
- Tất nhiên, - CM mỉm cười ngọt ngào. - Vấn đề là phải lái xe ba ngày mới tìm ra chỗ mua.
Từ một góc, mùi thơm quen thuộc bay ra như mời gọi. Le Panier. Một hiệu boulangerie/ patisserie kiểu Pháp. Hiệu này rất hiện đại - nhiều kính, gạch lát màu xanh trắng, đèn halogen, và những lò nướng lớn bằng thép không gỉ bóng loáng. Những ô cửa sổ trưng ra từng hàng bánh palmiers hình bàn tay, pain au chocolat, bánh ngàn lớp, và bánh tart dâu.
- Bồ muốn mua gì để về ăn không? - CM hỏi.
Tôi lắc đầu, đi nhanh qua khung cửa để ngỏ, tự hỏi tại sao mùi bánh đột nhiên lại khiến mình bâng khuâng đến vậy.
Ở một hàng mĩ phẩm thiên nhiên, CM vơ cả đống sữa rửa mặt dưa chuột và sữa tắm táo xanh. Lang thang vào một con hẻm, bọn tôi giết cả tiếng đồng hồ cười cợt những tấm thiệp tục tĩu, và cuốn lên người đủ thứ váy lụa trong suốt từ Ấn Độ. CM tìm cách kéo tôi thật nhanh qua Sur la Table, nhưng không nổi. Tôi lao ngay vào trong xem vô số đồ nhà bếp bày ngút kín tường, từ sàn đến trần - giống như những cửa hàng nhỏ tại châu Âu, người bán hàng luôn biết cách sắp xếp lượng hàng đáng kinh ngạc trong không gian tối thiểu.
Đến mười một giờ mười lăm, bọn tôi bắt đầu chấm chỗ ăn trưa. Cuối cùng chọn Dujour, một quán cà phê tự phục vụ nhỏ ở First Street, nơi chúng tôi mang khay thức ăn tới một bàn bên cửa sổ lớn nhìn xuống mái khu chợ, trải tầm mắt ra tận vịnh Elliot.
- Được rồi, tôi bỏ cuộc. Có phải mọi chỗ trong thành phố đều có tầm nhìn đẹp thế này không?
CM lấy lát bánh mì làm từ bột chua, bẻ nửa cho tôi.
- Bồ nên tính chuyện dọn đến đây ở đi.
Tôi không nói gì.
- Ý tôi là nếu bồ và anh David...
Tôi lắc đầu.
- Tôi là con gái California.
CM sốt ruột búng vụn bánh dính trên ngón tay.
- Chỉ vì bồ được sinh ra ở đó không có nghĩa là bồ phải chết ở đó.
- Tôi không phải là đứa thích phiêu lưu.
CM găm thẳng ánh mắt vào tôi và nói:
- Bồ đã từng như vậy.
o O o
Sáng thứ Hai, tôi đang nhấm những mẩu cuối của chiếc bánh cappucino-hạt dẻ và tách latte thứ hai thì Ellen tới.
- Tôi hỏi cô một câu hơi ngốc được không? Cô có đang tìm việc làm không?
- Việc làm ư?
Chị bật cười.
- Ừ. Một việc lặp đi lặp lại và có người trả lương cho cô. Việc là thế này. Diane và tôi rất thích bánh mì cô làm. Linda sắp nghỉ hưu. Hi vọng là sang năm. Chúng tôi nghĩ nếu cô làm việc cùng Linda thì bà ấy sẽ dạy lại cô được nhiều thứ, ý tôi là làm những mẻ bánh số lượng lớn không giống như làm bánh trong bếp nhà, cô cũng biết đấy, và khi bà ấy nghỉ... Cô có quan tâm không?
Sự nhiệt thành của chị thật dễ lây.
- Nghe hay lắm ạ, - tôi khẽ đáp. - Nhưng em có sống ở đây đâu.
- Thì cô chuyển đến đây đi. - Chị hơi lên giọng, nghe như một câu hỏi.
Tôi tránh ánh mắt chăm chú của chị bằng cách lật giở mục “Đời sống” trong tạp chí, gập lại rồi đặt ngay ngắn lại trên bàn.
- Em đang gỡ mấy vướng mắc với chồng, - tôi nói mà không ngẩng lên nhìn chị. - Mai em sẽ về Los Angeles.
o O o
Tối hôm trước tôi đã nhắn vào hộp thư thoại ở nhà cho David biết chuyến bay của tôi và thời gian hạ cánh. Tôi không mong anh sẽ ra sân bay đón. Nhưng biết đâu đấy, tôi vẫn nhìn lướt nhanh qua sảnh chờ ở sân bay. Thấy buồn và thương thân, tôi lẳng túi lên ghế sau chiếc taxi màu xanh lá cây và trắng.
Giữa trưa nên đường đông, không khí ấm và nằng nặng. Người lái xe, một anh chàng mặt mỏng, nước da vàng vọt, mớ tóc nâu bẩn bẩn, bắt tôi phải chịu trận nghe câu chuyện Horatio Alger phiên bản cuộc đời anh ta, rằng tuổi thơ anh bị bố mẹ bạo hành, phải lăn lộn tìm đường nuôi thân và học cao đẳng. Lẽ ra nên tỏ ra thông cảm hơn, nhưng tôi không nén được cảm giác rằng anh ta kể lể như vậy để tôi động lòng trắc ẩn boa một khoản hậu hĩnh.
Chiếc xe Mazda của tôi đậu bơ vơ trên lối đi, trông như đứa trẻ mồ côi bị hắt hủi. Hôm nay không có tiệc xử lý hồ sơ khách hàng nhỉ. Thái độ hờ hững của tôi hẳn đã khiến anh lái xe đoán rằng tôi chẳng phải loại quý cô giàu có rủng rỉnh đầy tội lỗi gì, thế nên anh ta chẳng buồn quay lại, chỉ chìa tay ra sau, lòng bàn tay ngửa lên, nói gọn:
- Hai mươi sáu đô-la tám mươi xu.
Tôi xem ngăn để tiền mặt trong ví.
- Tôi có sẵn hai mươi đô-la thôi. Anh đợi một chút tôi vào nhà lấy nốt chỗ còn lại.
Tôi khoác túi lên vai, bước lên lối đi vào nhà, chỉ hơi hơi thấy hình như có gì đó lùm lùm trước hiên. Nhìn kĩ dưới mái gianh, tôi thấy camera của mình, điện thoại di động, một trong mấy cái ti-vi của nhà. Trời đất ơi, tôi về đúng lúc đang có trộm đột nhập. Ai đó đã lấy được đồ trong nhà ra và chuẩn bị khuân đi. Rồi tôi nhận ra những hộp sách và hàng chồng quần áo giầy dép bị lẳng lên trên. Hộp nữ trang của tôi. Kẹp uốn tóc và đồ trang điểm, một lọ Bal à Versailles đã nứt, nước hoa giá hai trăm đô-la một ao-xơ tẩm đẫm đôi dép lê của tôi. Hơi thở chợt đông cứng lại như đá cứa trong cổ họng tôi.
- Không. - Và rồi rõ hơn, khẳng định chắc chắn với chính mình, - Không thể nào.
Đẩy đống thùng hộp sang một bên, tôi lao đến cửa ra vào. Chìa khóa của tôi tra lọt vào ổ, nhưng không thể nào vặn mở được. Chuyện này không thể xảy ra. Đế giày tôi giậm từng vết lên cánh cửa đen sáng bóng. Tôi đập cửa cho đến khi nắm tay nóng ran và bỏng rát. Ngốc quá, vì David không có nhà. Tôi hình dung chắc cả phố đang mở cửa sổ ra, hàng xóm láng giềng chắc đều đang chứng kiến cảnh tôi bị đuổi ra khỏi nhà. David không làm như vậy đâu. Thế là phạm luật. Không thể cứ thế mà đuổi tôi đi được.
Tiếng còi xe tắc-xi nhắc tôi nhớ rằng người tài xế vẫn đang đợi tôi trả tiền. Bây giờ biết làm thế nào đây? Tôi đặt túi xách xuống, chợt mừng đã không để túi lại trong xe. Rồi từ tốn vô tư hết mức, tôi bước về phía người lái xe đang gõ gõ ngón tay lên kính.
Tôi mỉm cười một cách duyên dáng nhất có thể.
- Hình như tôi mang nhầm chìa khóa mất rồi. Hiện giờ tôi không thể vào nhà được. Anh có nhận thanh toán bằng thẻ không?
- Không nhận thẻ đâu, - đôi mắt sẫm của anh ta chợt sầm lại.
- Đây, tôi có hai mươi đô-la tiền mặt. Tôi có thể trả số còn lại cho anh bằng séc.
Anh ta thở dài.
- Lạy Chúa.
- Xin lỗi anh, tôi không vào trong được. Anh muốn tôi làm gì bây giờ?
Anh ta dận nắm tay lên tay lái.
- Tôi có thể gọi cảnh sát đấy. Tôi dám đấy, từng gọi rồi đấy.
Tôi liền đứng chống nạnh.
- Anh cứ việc gọi, nếu muốn ngồi đây và đợi họ đến. Chắc họ sẽ đá bay cửa nhà tôi để lấy sáu đô-la tám mươi xu đấy.
- Đồ của nợ. Đưa hai chục đây.
Anh ta giật tờ tiền trên tay tôi. Tôi chưa kịp lấy séc ra thì anh ta đã vào số và phóng xe đi, để lại dấu lốp còn in trên vỉa hè. Tôi quay lại hiên nhà, vẫn chật vật cố tìm một cách cắt nghĩa khác cho phần cuộc đời đang chết lặng ở đây.
Cây đèn trong phòng làm việc - thứ duy nhất trong nhà tôi đã mua mà không hỏi qua ý kiến David, và dĩ nhiên là anh ghét nó -đứng chênh vênh trên bậc thềm. Cây đèn có chụp bằng lụa ở trên, sứ màu vàng vẽ hoa ở dưới. Khi thấy nó trong cửa hàng, tôi đã nghĩ ngay rằng nó sẽ đem lại chút sức sống, cảm giác ấm áp, hay chí ít là ánh sáng cho căn phòng.
Hoặc có thể chỉ là vì tôi biết anh sẽ ghét nó.
Tôi cầm cây đèn lên. Trông mỏng manh thế mà nặng khủng khiếp. Sức nặng của nó trĩu xuống trong tay tôi, thêm cảnh đồ dùng của mình ngổn ngang như rác trên thềm, trong đầu tôi chợt bùng lên cơn giận dữ không gì kiềm nén nổi. Tôi lấy đà rồi ném thẳng cây đèn vào cửa sổ mặt tiền nhà. Lớp kính vỡ rụm, rơi xuống như một thác nước đóng băng. Hệ thống báo động được kích hoạt, rít lên từng hồi chói gắt. Miệng tôi mở ra một chuỗi cười hoang mang không thành tiếng.
Trong khi tôi xếp đống đồ vào xe của mình, một anh cảnh sát tuần tra có vũ trang xuất hiện trước hè. Lại một ngày náo nhiệt ở Hancock Park. Anh ta mở cửa xe, nhoài ra nhưng một chân vẫn đặt trên ngưỡng cửa.
- Chào chị Franklin. Chúng tôi nhận được báo động từ thiết bị an ninh nhà chị.
- Vâng, tôi biết. Không có gì đâu. Tôi lỡ va cái đèn làm vỡ cửa sổ. -Tôi mỉm cười. Anh ta nhìn tôi mấy phút. - Phiền anh giúp tôi một chút được không? - Anh ta liền nhiệt tình bê ba thùng, xếp vào chỗ ngồi phía trước trong xe. - Cảm ơn anh, chỗ sách ấy nặng quá.
Cứ ba mươi giây hệ thống lại tự động dừng, kích hoạt lại và lại rít lên inh ỏi. Ánh mắt anh ta hết nhìn tôi lại nhìn sang những mảnh thủy tinh vỡ nhọn hoắt.
- Chúng ta... ơ... có lẽ nên tắt thiết bị báo động đi. Cảnh sát có thể sẽ đến bất cứ lúc nào.
- Ý kiến rất hay. Hàng xóm xung quanh chắc phát điên mất. -Tôi vào trong xe.
Anh ta bối rối gãi gáy.
- Chị... ơ... Franklin, chị mở cửa vào nhà được không?
- Tôi thực sự xin lỗi... anh Ted, - tôi đọc bảng tên anh đeo. -Hiện giờ tôi không thể mở được.
Tôi để xe chạy lùi dần ra đường trong khi anh ta đi theo. Vài người đã xuất hiện ở ngưỡng cửa và thềm nhà để xem tiếng ồn từ biệt thự Franklin là do có sự vụ gì.
Tôi đã ra đến phố, Ted giơ tay ra tỏ ý bất lực.
- Chị bảo tôi nên làm gì bây giờ?
Tôi quay lại và mỉm cười với anh ta.
- Anh làm cái quái gì tôi cũng không quan tâm.
Từ trên xuống dưới, đầy cứng va-li, thùng, hộp, túi, bọc, ti-vi, loa, đài, giày dép cọc cạch, vợt tennis, kẹp là uốn tóc, điện thoại, tôi ngẩng cao đầu nhìn thẳng ra khỏi cái xứ Beverly Hin Hít này. Chạy xe xuôi phố trong buổi chiều mùa thu ấm áp, tôi giơ tay vẫy những người hàng xóm cũ.
o O o
Chỉ một nơi tôi có thể tới - ngôi nhà ở khu Encino nơi tôi đã lớn lên, bây giờ chỉ có mình mẹ. Mới lái xe theo con phố uốn lượn trong tiểu khu này, hai bên đường những căn nhà phỏng theo kiến trúc Tây Ban Nha, các tầng cao thấp khác nhau, và những dãy nhà kiểu California đều tăm tắp như những ngôi chùa, chỉ mới thế thôi tôi đã thấy lòng mình chộn rộn. Trời không mưa từ mấy tháng nay, những ngọn đồi xung quanh xơ xác như trảng cỏ khô cho gia súc ăn, nhưng bãi cỏ trước các ngôi nhà vẫn được tưới xanh và xén gọn. Mấy nhành nhỏ giâm trồng từ bốn mươi năm trước, khi mới bắt đầu có máy xúc, nay đã vươn thành cây cao lớn - vân sam, thích, bạch dương, chanh, melaleuca, dạ lan hương, cây nhiệt đới từ Trung Quốc, cọ và xương rồng. Đó chính là miền nam California. Muốn gì chỉ cần cắm xuống đất, nó ắt sẽ mọc lên.
Tôi đỗ ở lối đi vào ngôi nhà kiểu giả thuộc địa của mẹ, vẫn ngồi trong xe với cái ví trong lòng, chìa khóa trong tay. Rồi rút cục tôi cũng ra, men theo lối đi lát gạch cũ, hai bên ken đầy hoa păng-xê tím sẫm, qua cây đèn ga giả cổ, vặn thử tay nắm cửa bằng đồng. Cửa không khóa.
- Mẹ ơi?
Có tiếng bước chân. Johanna Kohlmeyer Morrison xuất hiện ở đầu cầu thang.
- Wyn đấy à, đã xảy ra chuyện gì thế con?
Nhận xét rằng mẹ và tôi không giống nhau hẳn là một cách nói giảm khinh. Năm mươi tám tuổi, nhỏ nhắn, vẻ đẹp mảnh mai và tinh tế, nhìn bề ngoài hoàn toàn có thể nói mẹ tôi mới bốn mươi tám. Tôi giống họ nội, gia đình nhà nông toàn những người cao lớn, chân tay dài. Bất cứ khi nào đi cùng nhau, tôi luôn có cảm giác phải trói bớt một người lại cho gọn.
Mẹ là tất cả những gì tôi không có – đầu tóc trang phục hoàn hảo, làm việc hiệu quả, ngăn nắp, thấu đáo, khép kín đến mức nhẫn nhịn, và quan trọng hơn hết thảy, mẹ là một thực thể khó định nghĩa, một Quý bà, với chữ Q viết hoa. Mẹ luôn biết phục sức thế nào cho phù hợp, đối nhân xử thế đâu ra đấy, trong bất cứ trường hợp nào. Và mẹ là kiểu phụ nữ còn là ủi cả đồ lót của mình.
Bất kể những khác biệt giữa chúng tôi, mẹ chỉ cần nhìn tôi là biết ngay khi nào có chuyện gì đó không ổn. Hiện giờ mẹ đang phải cực kì kiềm nén, cứ để tôi kể lể dài dòng mà không chen ngang rằng mẹ đã nói tôi không nên đi Seattle. Khi kể xong thì chính tôi muốn phát điên luôn. Mẹ ngồi mớm trên mép chiếc ghế may vá, yên lặng, tay đặt trên lòng, trong khi tôi nóng ruột đi đi lại lại trước bàn đặt điện thoại ở hành lang, nghe chuông đổ từng hồi trong máy lẻ của David ở công ty.
- Đây là văn phòng của David Franklin. Andrea Wells nghe máy.
- Giọng cô trợ lý với vô số bằng cấp của David.
Tôi cố gắng đáp lại từ tốn và bình tĩnh.
- Chào Andrea, tôi Wyn đây. Anh David có ở đó không?
- Chào chị Wyn. Anh ấy có ở đây, nhưng đang họp với Hank và Grady. Chị có nhắn lại gì không?
- Tôi có việc gấp cần nói với anh ấy.
Andrea ngập ngừng.
- Anh ấy bảo tôi không được làm phiền vì bất...
- Tôi cũng nghĩ anh ấy đã dặn cô như vậy. Andrea này, phiền cô nói anh ấy hãy vác xác đến đây và nghe điện thoại đi.
Giọng cô ấy chợt trở nên xa xăm.
- Xin chị đợi một chút.
Nhưng chẳng cần đến một chút, David đã lên tiếng ngay.
- David Franklin nghe đây. - vẻ như anh không biết ai gọi.
- David, anh nghĩ mình đang làm cái quái gì vậy?
- Wyn, vì Chúa, anh đang họp với Hank và...
- Anh có đang khỏa thân trong chén trà với Hank em cũng không quan tâm. Anh nghĩ gì mà lại thay khóa không cho em vào nhà của em?
- Một là, đó không phải là nhà em. - Giọng anh lạnh ngắt như băng. - Hai là, em đã bỏ anh, nên anh có đủ mọi quyền để...
- Bỏ anh? - Tôi rít lên. - Em đã bỏ anh ư?
- Em chuyển đi. Có trả lời điện thoại của anh đâu.
- Em đi thăm cô bạn thân nhất. Em đi đúng mười ngày.
- Anh không trông đợi em sẽ quay về. - Giọng anh nghe cứng đờ như gã Darth Vader*.
- Anh quá biết rằng em sẽ quay về. Chính em đã nói như vậy với anh trước khi em đi. Tối hôm qua em còn vừa gọi về nhà, để lại lời nhắn trong hộp thư thoại.
- Anh có nhận được lời nhắn nào đâu.
- Vô lý. Những điều anh làm là bất hợp pháp.
- Anh bảo đảm với em, không có gì bất hợp pháp cả. Em đã có những thứ của em. Nhà là của anh.
- Nếu anh đã quên, California là bang áp dụng luật tài sản chung trong hôn nhân.
- Nếu em đã quên, anh mua nhà trước khi cưới.
Nước mắt phẫn nộ và bấn loạn bắt đầu làm tôi nghẹn lại.
- Anh mua để chúng ta dọn về ở. Lúc đó anh đã nói như vậy.
- Đúng, anh đã nói vậy. - Từng lời của anh nôn nóng bục ra. - Nhưng chúng ta chưa từng điền tên em vào mục chủ sở hữu. Do đó, theo một cách hợp pháp, ngôi nhà là của anh. Em nghe đây, anh đang họp bàn công việc quan trọng. Chúng ta sẽ nói về chuyện này sau. Cụp.
Ống nghe vẫn còn nặng trịch trong tay tôi. Tôi trân trân nhìn cái bàn nhỏ để điện thoại. Gỗ gụ, tôi nghĩ thế, với mặt bàn cẩm thạch trắng. Một tập giấy nhỏ để ghi lời nhắn, hình hoa păng-xê vẽ bằng màu nước in chìm ở góc trên bên trái trang giấy. Trang đầu tiên ghi dở danh mục những thứ cần mua. Một bình pha lê cao cổ ngày trước của bà ngoại, trong bình cắm ba bông cẩm chướng màu hồng cắt từ vườn nhà. Mùi hoa ngọt ngọt cay cay là sợi chỉ duy nhất vít tôi trở lại thực tại.
Tiếng “tuuu” dài trong điện thoại nhắc tôi phải đặt ống nghe xuống. Tôi đi vào phòng làm việc và ánh mắt mẹ nhìn tôi đăm đăm. Tôi không thể chịu được cách mẹ khổ sở bặm môi, nhưng rõ là trông tôi cũng rất ngu ngốc, vì mẹ rời ánh mắt đi trước.
- Con ơi, ôi, Wyn ơi, mẹ thương con quá.
Bánh Mì Cô Đơn Bánh Mì Cô Đơn - Judith Ryan Hendricks Bánh Mì Cô Đơn