Số lần đọc/download: 0 / 21
Cập nhật: 2020-11-02 22:25:23 +0700
Chương 3
Ađriana mười lăm năm sống cấm cung trong ngôi nhà cũ kỹ và lặng lẽ giống như một tu viện. Nàng vào đấy từ khi còn là thiếu nữ mới lớn. Suốt những năm ấy nàng không hề bước chân ra khỏi cửa. Chỉ những khách qua đường hiếm hoi có dịp đi trên con đường dốc trong ngõ hẻm vắng mới nhìn thấy nàng thấp thoáng bên trong cửa sổ; lối đi cỏ mọc kín giữa những tảng đá mấp mô lát đường.
Sống với chồng chưa được bốn năm thì chồng qua đời, thế là nàng bước vào cuộc sống cằn cỗi. Bây giờ nàng mới ba mươi năm nhưng đã quanh năm mặc toàn đồ đen, giống như hôm đưa tang chồng. Chiếc khăn lụa đen phủ khín mái tóc dày mầu hạt dẻ mà ngàng không thiết tết, chỉ rẽ đường ngôi ở giữa và búi lại sau gáy. Nhưng khuôn mặt xanh xao với những đường nét thanh tú của nàng lúc nào cũng như nở một nụ cười dịu dàng và buồn bã.
Thái độ tự giam hãm ấy không hề khiến dân thị trấn ngạc nhiên. Trong cái thị trấn miền núi hẻo lánh trên hòn đảo Xixin này, tập quán ngặt nghèo quy định người đàn bà góa chồng gần như phải theo ông chồng xuống mồ, và mọi người dân ở đây đều theo dõi xít xao, xem có ai dám vượt qua cái tục lệ ấy. Phụ nữ góa bụa có bổn phận phải sống xa lánh mọi người và để tang chồng cho đến ngày chết.
Ngay đàn bà con gái của một số ít những gia đình sung túc có chồng hay chưa, nói chung đều ít ló mặt ra phố trừ ngày lễ ra nhà thờ hay họa hoằn đến thăm nhau. Nhưng mặt khác, những ngày đó họ lại phục sức hết sức giàu có, mặc toàn áo đặt may tại những hiệu may nổi tiếng nhất ở tận Palécmô hay Catania, đeo toàn đồ trang sức quý, tuy không phải để khoe khoang với ai: ra đường họ đều cúi gầm xuống mà đi, mặt đỏ ửng bên cạnh chồng, cha hay anh. Việc ăn mặc diện gần như chuyện họ buộc phải làm: đi thăm ai hoặc đến nhà thờ chỉ cách nhà vài bước chân cũng bị coi là chuyện dạo chơi thật sự đối với phụ nữ, vả phải được họ chuẩn bị kỹ càng từ chiều hôm trước. Đây là chuyện danh dự của gia đình, và đàn ông chăm sóc đến trang phục của phụ nữ trong già đình thậm chí có lẽ còn hơn cả bản thân những người phụ nữ ấy. Bởi vì họ muốn tỏ cho xung quanh biết, họ dám không tiếc tốn kém chi cho phụ nữ và rất am hiểu về phục sức của nữ giới.
Còn phụ nữ thì vốn ngoan ngoãn, nhẫn nhục, bao giờ cũng phục sức theo đúng như đàn ông yêu cầu, cố gắng không làm mất đi uy tín của đàn ông trong nhà. Sau chuyến đi ra ngoài ngắn ngủi, họ lại hoàn toàn thanh thản trở về với công việc nội trợ: đàn bà có chồng thì tiếp tục đẻ con, bao nhiêu tùy theo Chúa cho, đấy là số kiếp của họ; con gái chưa chồng thì chờ đợi cái ngày mà bố mẹ bảo họ: “Con hãy lấy anh ấy anh nọ”. Họ lấy chồng và hoàn toàn bằng lòng với thái độ phục tùng kiểu nô lệ và không đòi hỏi tình yêu.
Chỉ lòng tin mù quáng vào Thiên đường của Chúa mới giúp cho phụ nữ đủ sức chịu đựng, không rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, hoặc nỗi buồn tẻ trước cuộc sống đơn điệu tại một thị trấn miền núi vắng lặng, đến nỗi tưởng như nơi không người. Dưới bầu trời xanh biếc nóng nực là những ngõ ngang dọc, rối rắm, hai bên là những ngôi nhà xây bằng đá thô, mái lợp ngói, có máng dễ hứng nước mưa.
Nếu ai cứ đi theo mãi một ngõ cho đến tận cùng sẽ thấy mở ra một khoảng trống với những tầng đất cháy xém tẻ nhạc. Đấy là mỏ lưu huỳnh. Trên trời như nung, dưới đất cũng như nung. Không gian lăng lẽ, họa chăng chỉ tiếng đàn ruồi vo ve, tiếng giun dế râm ran và từ xa vẳng đến một tiếng gà gáy, tiếng chó sủa khuấy động lên đôi chút. Trong không trung sáng đến chói mắt, bốc lên mùi cỏ khô và mùi phân từ các chuồng bò.
Không một nhà nào còn một giọt nước. Trong sân rộng rãi đằng sau các ngôi nhà của tầng lớp chủ, dưới lòng những máng dẫn nước, những bể hứng nước mưa đang chờ lòng thương của Thượng đế. Nhưng nơi đây, ngay giữa mùa đông cũng rất ít mưa. Vì thế mỗi trận mưa là một ngày hội. Phụ nữ đem ra sân đủ mọi thứ có thể đựng được nước: máng ăn của gia súc, thùng, chậu, rồi họ vén váy may bằng thứ len thô lên đứng ở cửa ngầm những dòng nước nhỏ chập lại thành dòng lớn, giống như những con suối chảy xiết, lắng nghe tiếng nước trên mái nhà giội xuống máng rồi ồng ộc chảy trong ống, cuối cùng đổ vào bể chứa. Mưa rửa sạch mặt đường, tường nhà và người dân ở đây khoan khoái hít thở không khí thơm ngát chứa đầy hơi nước mát mẻ từ mặt đất ướt át bốc lên.
Đàn ông còn tìm thấy được chút ít thích thú nào đó trong công việc. Họ tham gia vào nhóm này nhóm khác để tranh cửa vào Hội đồng thị trấn. Và vào các buổi chiều tối, họ còn có thể ra quán giải khát hoặc tiến đến câu lạc bộ binh sĩ. Đàn bà thì ngay từ nhỏ đã bị người tas dập tắt mọi ý nghĩ phù phiếm, đến tuổi lấy chồng thì lại bị ép duyên, đã trở thành những kẻ nô tỳ trong nhà, ngày nào cũng làm đúng những công việc giống hệt nhau, bị nỗi buồn chán xâm chiếm, bế đứa con trên tay hoặc lần tràng hạt chờ chồng, người chủ, trở về.
Ađriana Bratgi không yêu chồng.
Anh ta nhát gan, suốt ngày chỉ băn khoăn lo lắng cho sức khỏe mỏng manh của bản thân. Và suốt bốn năm trời chung sống nàng bị chồng dằn vặt hành hạ, thậm chí ghen cả với ông anh ruột của anh ta. Việc anh ta lấy vợ đã thành tai họa cho ông anh. Có thể nói anh ta đã phản bội ông anh. Tại vùng này vẫn còn tục lệ nhà giàu nào nhiều con trai thì chỉ người con trai trưởng mới được lấy vợ để gia tài sau này khỏi bị phân tán ra nhiều người thừa kế.
Sêđarê Bragi, người anh cả, không hề bao giờ tỏ thái độ khó chịu vì thấy em mình cướp đoạt quyền lợi con trưởng của mình. Có lẽ vì ông bố của họ qua đời trước hôm cưới không lâu, khi từ giã cõi đời đã trối trăn lại là người con trưởng của ông, Sêđarê sẽ thay ông làm chủ gia đình, và cậu em phải phục tùng tuyệt đối tất cả những quyết định của ông anh.
Khi bước chân vào ngôi nhà cổ kính của gia đình Bratgi, Adriana cảm thấy ngay mình bị chịu thân phận thấp kém do ở dưới quyền của ông anh chồng. Hoàn cảnh của nàng lại tăng thêm phần ngột ngạt, khi chồng nàng, trong một cơn nóng giận đã nói hé ra rằng chính ông anh anh ta, Sêđarê cũng có ý định cưới nàng làm vợ. Bây giờ nàng không còn phải biết đối xử thế nào với Sêđarê. Nàng càng khó xử hơn khi thấy ông anh chồng không hề coi nàng là kẻ dưới, trái lại, còn quý mến nàng, coi nàng như em gái thực sự.
Sađarê tỏ ra con người rộng lượng, từ cách nói năng ăn mặc đến thái độ cư xửa với bất cứ ai, bất kể người trong nhà hay người ngoài. Lòng cao thượng của anh bẩm sinh ra được bộc lộ bất kể trong trường hợp nào, cả khi tiếp xúc với những người dân thường thô thiển, cả trong những công việc anh làm, cả trong thời nhàn hạ kéo dài nhiều tháng mỗi năm do cuộc sống tỉnh nhỏ tạo nên.
Thêm nữa, thường mỗi năm anh lại vắng nhà một vài tuần lễ, có khi cả một tháng. Anh rời khỏi thị trấn phó mặc công việc gia đình. Anh đến Palecmô, hoặc Nêapôn, Rôma hoặc Phlorenxi, Milăng để tìm hiểu thế giới hoặc như cách anh nói, để nếm mùi văn minh. Sau mỗi chuyến đi như thế, anh như trẻ ra, cả thể xác lẫn tâm hồn.
Ađriana vốn từ nhỏ chưa bao giờ rời xa quê hương, một lần thấy anh chồng trở về với ngôi nhà cổ kính lúc nào cũng lặng lẽ như nhà mồ, nơi thời gian như ngưng đọng lại, nàng cảm thấy trong lòng trỗi dậy một niềm phản kháng khiến nàng vừa không hiểu rõ vừa hoảng sợ.
Mỗi lần đi xa về, ông anh chồng đem theo về không khí của một thế giới khác mà nàng không thể hình dung nổi.
Niềm phản kháng càng tăng khi nàng nghe thấy tiếng cười gằn của chồng, lúc nghe Sêđarê kể trong phòng bên cạnh về những sự việc ly kỳ mà anh có dịp đụng độ trong chuyến ngao du. Tối hôm đó, nàng bỗng cảm thấy phẫn nộ và ghê tởm, khi thấy chồng nàng nghe xong chuyện của ông anh, quay trở vào phòng ngủ của hai vợ chồng, lại nổi khùng và trút cơn giận dữ lên đầu vợ. Càng khinh, ghét chồng bao nhiêu nàng càng cảm phục ông anh chồng bấy nhiêu.
Khi chồng chết, Ađriana lo sợ, không biết sẽ chung sống dưới một mái nhà với ông anh chồng ra sao đây? Thật ra còn có hai đứa con mà nàng sinh trong thời gian bốn năm chung sống với chồng. Nàng đã là người mẹ, nhưng nàng vẫn không cưỡng được cảm giác rụt rè e thẹn trước ông anh chồng như khi nàng còn là đứa con gái thơ ngây. Đúng ra thói e thẹn ấy chưa bao giờ biến thành ác cảm, nhưng bây giờ tình thế đã thay đổi. Lỗi chỉ là do chồng nàng: khi còn sống quá ghen tuông, luôn hành hạ nàng bằng những cơn giận dữ, nghi ngờ và thường xuyên bí mật theo dõi vợ.
Sêđarê vốn tế nhị, lập tức mời ngay mẹ của Ađriana sang cùng ở với cô con gái đã góa chồng và hai cháu ngoại. Không còn bị chồng hành hạ, lại được có mẹ bên cạnh bênh vực, Ađriana dần dần lấy lại được niềm tự tin. Tuy chưa thể nói đã hoàn toàn thanh thản, nhưng ít nhất nàng cũng không còn phải cảm thấy đau khổ trong lòng nữa. Nàng dồn mọi sức lực và tâm hồn vào việc chăm nom hai đứa con. Bao nhiêu tình cảm bị nén lại thời gian chồng còn sống, bây giờ nàng trút hết cho chúng.
Sêđarê thì vẫn như trước, mỗi năm lại ngao du một chuyến vào đất liền và khi trở về bao giờ cũng mang theo rất nhiều quà cáp, cho em dâu, cho mẹ nàng và tất nhiên cho cả hai đứa cháu mà anh luôn yêu quý như con mình.
Thời gian anh đi vắng, hai người phụ nữ cảm thấy trống trải và sợ hãi, nhất là ban đêm, khi trong nhà thiếu người đàn ông. Riêng Ađriana, mặc dù ban ngày, trong không khí tịch mịch này, đặc biệt là sau khi Sêđarê lên đường, vẻ lặng lẽ càng tăng thêm, nàng vẫn cảm thấy một nỗi nguy hiểm nào đó như treo lơ lửng bên ngôi nhà cổ kính này. Chỉ một cơn gió thổi khiến sợi dâu thừng làm rung ống máng trên miệng bể nước mưa cũng làm nàng thấy một hơi lạnh chạy lướt trên da thịt. Nhưng chẳng lẽ chỉ vì hai người đàn bà, và hai đứa trẻ lúc này đã trở thành ruột thịt của Sêđarê mà bắt anh phải từ bỏ chuyến đi hàng năm, ngao du cho thoát khỏi trong ít ngày cuộc sống tẻ nhạt khiến anh mụ người vì những công việc cứ giống hệt như nhau? Với lại, do em anh lập gia đình nên anh không có quyền lấy vợ nữa, anh rất có thể không cần quan tâm đến ai hết, tự do sống theo ý thích. Chưa kể, phải thừa nhận trong những tháng ở nhà anh đã dùng tất cả mọi thời gian rảnh rỗi, dù chỉ vài ba tiếng đồng hồ, chăm sóc nhà cửa, chăm sóc hai đứa cháu mồ côi.
Dần dần, nỗi buồn trong lòng Ađriana cũng nhẹ đi. Hai thằng con trai lớn lên và nàng rất hài lòng thấy chúng được ông bác dạy dỗ. Nàng dồn mọi sức lực chăm nom con cái đến mứa mỗi khi ông anh chồng hay hai đứa trẻ tỏ vẻ không tán thành sự chăm sóc quá đáng của nàng, nàng lấy làm ngạc nhiên. Nàng không hiểu như thế nào mà sự chăm sóc lại có thể bị coi là quá đáng? Không chăm sóc con thì nàng còn chăm sóc ai nữa?
Cái chết của bà mẹ khiến nàng đau khổ ghê gớm. Bao nhiêu năm nay bà là người duy nhất mà nàng có thể trò chuyện tâm sự. Hơn nữa, khi bà còn sống, Ađriana cảm thấy mình vẫn còn trẻ. Nay bà không còn, hai đứa con trai đã lớn: một mười sáu, một mười bốn, nàng bỗng cảm thấy mình đâm thành bà cụ.
Ađriana cứ sống như thế cho đến hôm nàng cảm thấy đau trong ngực, như thể có vật gì đè lên xương đòn gánh hoặc lên xương sườn bên trái. Thế rồi đến một lần nàng thấy tim đau nhói, đến mức gần như ngạt thở.
Nàng không nói ra với ai, và bệnh tật của nàng sẽ chưa ai biết đến, nếu như hôm ấy đang bữa ăn tối, nàng không bị một cơn nguy kịch.
Người nhà cho mời bác sĩ, ông vẫn thường chữa cho gia đình này bao nhiêu năm nay. Nghe xong triệu chứng, ông bác sĩ lộ vẻ rất lo lắng. Sau khi khám kỹ, ông hoảng sợ thật sự.
Màng phổi bị tổn thương. Nhưng là bệnh gì? Ông bác sĩ già mời thêm một bạn đồng nghiệp đến, và cả hai cũng chọc hút nhưng không phát hiện thêm được điều gì. Về sau, phát hiện ra hiện tượng cứng tuyến bạch huyết bên trên xương đòn gánh, bác sĩ mới tuyên bố với Sađarê rằng, bệnh nhân cần được chở ngay ra thành phố Palecmô, bởi vì ông nghĩ rằng đấy là một khối u ác tính.
Họ chưa thể đi ngay được. Sau mười ba năm cấm cung, Ađriana không có lấy được một cái áo dài tươm tất để có thể mặc đi ra khỏi nhà. Đành phải đặt gấp một chiếc ở ngoài Palecmô.
Nàng nhất quyết phản đối, khăng khăng nói với anh chồng và hai con rằng nàng không thấy khó chịu gì mấy trong người. Mới chỉ thoáng nghĩ đến chặng đường dài từ đây đến Palécmô nàng đã thấy hoảng. Chưa kể lúc ngày sắp đến thời gian Sađarê đi ngao du một tháng. Nếu nàng cùng đi với anh, nàng sẽ làm vướng chân anh và chuyến đi của Sêđarê sẽ không còn thú vị gì nữa. Không, nàng nhất định không đi! Và ngàng cũng không chịu giao phó nhà cửa con cái cho bất cứ ai. Lý do này nàng tưởng có sức thuyết phục nhất, nhưng Sêđarê và hai con nàng lại phá lên cười, thấy nàng sợ hãi không đâu. Nàng bướng bỉnh quả quyết rằng, nếu đi bệnh tình nàng sẽ nặng thêm cho mà xem. Ôi, lạy Đức mẹ thiêng liêng, chẳng lẽ họ không hiểu được đường sá sẽ vất vả đến mức nào ư? Khủng khiếp ấy chứ! Không! Mong sao họ vì Chúa để nàng được yên!
Khi áo quần, mũ đặt ở Palécmô đã được đem về, hai đứa con nàng khen ngợi hết lời.
Chúng hồ hởi vác những cái hộp to tướng bọc giấy chống ẩm vào phòng mẹ rồi tranh nhau đòi nàng phải mặc thử ngay. Chúng thèm được nhìn thấy mẹ chúng ăn mặc sang trọng và đẹp. Chúng làm náo động cả ngôi nhà và năn nỉ đến nỗi nàng phải đành lòng.
Chiếc áo liền váy tuy màu đen, kiểu tang phục nhưng may bằng vải đắt tiền và được cắt rất khéo. Ađriana đã quá lâu không để ý gì đến ăn mặc cho nên hoàn toàn không hiểu gì về kiểu cách áo quần thời trang, thậm chí không biết cách mặc vào người chiếc áo liền váy này như thế nào? Sao mà lắm khuy lắm móc cài đến thế! Lại cái cổ, sao họ để cao đến như vậy? Rồi ống tay áo sao lại bồng lên như thế này? Chẳng lẽ mốt bây giờ là như vậy sao?
Trong khi đó thì tiếng hai đứa con bên ngoài cửa vẫn không ngớt:
- Mẹ mặc xong chưa?
Như thể mẹ chúng đang sửa soạn đi dự vũ hội vậy! Và khi thúc giục nàng chúng quên bẵng mất nguyên do nào dẫn đến bộ quần áo sang trọng này. Thật ra ngay đến bản thân nàng lúc này cũng không nghĩ đến bệnh tật.
Khi Ađriana mặt đỏ ửng vì xúc động, ngước mắt lên, nhìn vào gương, nàng bỗng thẹn thùng. Tấm áo liền váy ôm chặt hai bắp đùi và ngang lưng, bó bộ ngực của nàng thành những đường cong duyên dáng, nàng bỗng cảm thấy mình trẻ hẳn lại, như thể còn đang tuổi con gái. Lâu nay nàng vẫn nghĩ mình già nua, nhưng hôm nay cô gái trẻ trung xinh đẹp trong gương đang nhìn nàng.
- Sao thế này? Sao lại thế này được nhỉ? Vô lý thật! - Nàng thốt lên, quay mặt đi, rồi hai tay ôm mặt để khỏi nhìn thấy gì.
Nghe thấy tiếng mẹ kêu lên, hai đứa con đập cửa thình thình bẳng cả hai tay lẫn hai chân, chúng gào lên, đòi mẹ phải cho chúng vào xem.
Và hai con nàng dọa sẽ phá cửa nếu nàng không chịu mở.
Cả hai cậu cũng đều sửng sốt, không ngờ lại có sự biến hóa kỳ lạ đến như thế. Nàng cố đẩy hai con ra ngoài:
- Ô hay, các con! Để mẹ yên! Đi chơi đi.... Hai đứa điên cả rồi hay sao thế này?
Vừa lúc ấy ông anh chồng bước vào. Lạy Chúa! Ađriana hoảng hốt. Ý nghĩ đầu tiên của nàng là chạy trốn, nấp vào chỗ nào đó, bởi vì nàng cảm thấy như bị bắt gặp giữa lúc nàng đang trần truồng. Nhưng hai cậu con trai không cho. Hai con nàng muốn ông bác ngắm xem mẹ của chúng đã biến đổi như thế nào. Còn ông anh chồng thì chế giễu sự xấu hổ của nàng.
- Áo may đẹp đấy, rất vừa với thím! - Cuối cùng anh nói giọng nghiêm túc - Nhưng khoan đã, để anh ngắm thím một cái đã.
Nàng quyết định ngẩng đầu lên.
- Cứ như em sắp sửa đi dự hội hóa trang ấy...
- Không đâu. Tại sao thím lại nghĩ thế? Chiếc áo này thím mặc rất vừa. Quay nghiêng thử xem nào... Thế, để tôi nhìn nghiêng xem sao...
Nàng tuân theo, cố giữ vẻ thản nhiên, nhưng ngực nàng được đường lượn của chiếc áo ôm vừa vặn, cứ phập phồng, theo hơi thở dồn dập khiến nàng không giấu được nỗi ngượng ngập. Thấy Sêrađê chăm chú ngắm nghía với thái độ hết sức nghiêm túc, nàng càng ngượng, nàng biết rằng anh rất thạo về cách phục sức của phụ nữ.
- Đúng là đẹp thật. Còn mũ thì sao?
- Xấu lắm, như cái giỏ đi chợ ấy...
- Bây giờ là mốt đội mũ rộng và to. Càng to càng tốt.
- Đầu em đội không vừa. Mà nếu đội thì phải chái tóc theo kiểu khác.
Sêđarê lại nhìn cô em dâu rồi mỉm cười bình thản.
- Chứ còn gì nữa. Thím có làn tóc dày như thế kia cơ mà...
- Đúng rồi! Đúng rồi! - Hai đứa con trai nàng hùa theo - Mẹ chúng mình đẹp quá! Nào, mẹ chải đầu lại đi, nhanh lên.
Ađriana mỉm cười buồn bã.
- Tại anh hết cả đấy! - Nàng quay sang nói với ông anh chồng.
Việc khởi hành định vào sáng hôm sau.
Và bây giờ thì nàng cùng đi với anh.
Nàng đã bước vào chuyến đi ngao du mà trước kia mỗi lần nghĩ đến nàng đều xấu hổ. Nhưng bây giờ nàng chỉ lo mỗi một điều, làm cách nào Sêđarê không nhận thấy nàng đang xấu hổ, bởi vì anh ngồi đối diện với nàng, luôn chăm sóc nàng, và cũng như mọi khi, thái độ bao giờ cũng bình thản.
Thái độ bình thản hoàn toàn tự nhiên ấy rất có thể làm nàng càng ngượng về nỗi xấu hổ của mình và đỏ mặt lên không biết chừng. May thay, nàng đã tự lừa dối bản thân mà không biết, chỉ cốt để giảm đi nỗi ngượng ngùng, bằng cách đổ tội cho chuyến đi, cho cảnh lạ đường xa, cho những cảm giác mà trước kia ru rú trong nhà nàng chưa bao giờ được hưởng. Còn nỗi xấu hổ mà nàng cố giấu để ông anh chồng không nhận thấy (mặc dù nỗi xấu hổ ấy cũng chẳng có gì đáng chê trách) thì Ađriana lý giải là do nàng không muốn tỏ ra quá thơ ngây và hứng thú quá mức trong chuyến đi. Dù sao anh chồng của nàng cũng là đàn ông, dễ cảm thấy cô em dâu tầm thường. Sêđarê năm nào chẳng đi ngao du như thế này? Đối với anh chẳng có gì lạ lẫm và kích thích lòng tò mò nữa. Liệu hứng thú dọc đường có lộ ra trong cặp mắt trẻ thơ của nàng không? Chẳng gì nàng cũng đã ba mươi lăm tuổi rồi.
Chính vì thế mà nàng cố ghìm nỗi sung sướng hoặc ít nhất thì cũng không để lộ ra niềm vui trong cặp mắt, cố gắng thật ít lắc lư đầu, mặc dù hai bên đường luôn hiện ra đủ thứ quang cảnh kỳ thú nàng mới gặp lần đầu. Nàng cố giấu đi niềm phấn khởi, đẩy cao lòng hiếu kỳ để lấp đi nỗi xấu hổ, khiến thỉnh thoảng làm nàng như chóng mặt. Mà cũng có thể nàng bị say tàu chăng, do những tiếng đều đặn của bánh xe lăn trên đường ray, hoặc những hàng cây lùi lại nhanh bên ngoài cửa sổ của toa tàu.
Đây là lần đầu tiên nàng đi xe lửa. Nàng cảm thấy mỗi giây phút, thậm chí mỗi vòng quay của bánh xe tàu hỏa lại đưa dần nàng vào một thế giới hoàn toàn mới mẻ. Thế giới này gồm những đồ vật và những hiện tượng hiện đang ở xung quanh nhưng vẫn vô cùng xa lạ đối với nàng. Niềm vui được nhìn thấy nhiều thứ mới lạ kèm theo một nỗi buồn lâng lâng không giải thích nổi trong đáy lòng nàng. Những thứ kia như thể tồn tại bên ngoài cuộc sống của nàng, thậm chí bên ngoài cả sự tưởng tượng của nàng. Chúng vẫn thế từ bao nhiêu năm nay, nhưng đối với chúng nàng vẫn là thứ gì bên ngoài, nàng đi khỏi đây rồi, cuộc sống nơi này vẫn tiếp tục diễn biến theo cái dòng của nó.
Kia lại một làng, với những con đường, những nhà cửa với đầy đủ cả mái, cửa sổ, cửa ra vào, bậc thềm lát đá. Nơi ấy có những con người với những ý nghĩ và công việc của họ. Họ sống như những tên tù bị giam trong mảnh đất thảm hại giữa đất trời bao la, giống như nàng đã từng sống trước đây trong cái thị trấn của mình. Họ không biết đến những gì ngoài tấm mắt của họ. Cuộc đời của họ như một giấc mộng: sinh ra, lớn lên, chết đi vẫn chưa được nhìn thấy những thứ mà bây giờ nàng đang thấy trong chuyến ngao du này. Mà những gì nàng nhìn thấy cũng lại hết sức nhỏ bé so với cả thế giới, mặc dù đối với nàng thế đã là nhiều lắm rồi.
Lúc quay mặt từ cửa số này sang cửa sổ khác, Ađriana hay bắt gặp đôi mắt và nụ cười của Sađarê. Mỗi khi ấy anh lại hỏi:
- Thím thấy thế nào?
Nàng gật đầu tiếp:
- Em dễ chịu lắm.
Có lúc anh ngồi xuống cạnh nàng, để trỏ nàng thấy một cái làng mà anh đã từng đến, một quả núi trông giống như một con vật nào đó, và nói chung tất cả những gì anh cho rằng đáng để nàng quan tâm. Anh không biết rằng, những thứ đối với anh bình thường quen thuộc đều gây cho nàng những cảm giác mới mẻ. Những lời giới thiệu hoặc giải thích của anh không những không tăng thêm mà còn giảm đi mức độ cảm xúc của cô em dâu. Những cảm giác ấy khiến trong lòng nàng thoáng có một nỗi buồn lâng lâng mà nàng không giải thích nổi. Tất cả những cái đó tạo nên một ấn tượng chung về sự vô tận của thế giới lạ lẫm bao quanh.
Giọng nói của Sêđarê không làm dịu đi những cảm giác của nàng mà còn kích động thêm nỗi buồn khó hiểu kia. Nàng cảm thấy mình chỉ là con bé ngốc nghếch đến thảm hại. Bỗng nhiên nàng tự giận mình, mãi đến giờ nàng mới được nhìn thấy tất cả những thứ này thì đã quá muộn, những thứ đang tràn ngập lòng nàng.
Đến Palécmô hôm trước thì hôm sau Sêđarê dẫn nàng đến khám ông bác sĩ giỏi nhất thành phố này. Và nàng đã hiểu rõ tất cả. Nàng thấy được Sêđarê đã phải cố gắng đến mức nào để khỏi lộ ra nỗi buồn rầu, và phải cố gắng tỏ ra xăm xắn yêu cầu ông bác sĩ nhắc lại một lần nữa đơn thuốc. Cả thái độ ông bác sĩ khi trả lời. Nàng hiểu rằng bệnh nàng đã không phương cứu chữa. Và thứ thuốc mà nàng phải uống bao nhiêu giọt ấy trước mỗi bữa ăn kia, vì đó là thuốc độc nên không được dùng quá liều, thật ra chỉ là thứ trò lừa dối vì lòng thương nàng, một thứ giúp nàng tiếp nhận cái chết cho đỡ đau khổ phần nào.
Tuy vậy, khi Ađriana vừa bước khỏi phòng khá bệnh của bác sĩ, mũi vẫn còn phảng phất mùi cồn rất khó chịu và đi qua hành lang tối tắm ra đường phố, đứng trước mặt trời hoàng hồn treo lơ lửng giữa những đám mây đỏ rực bên trên mặt biển hiện ra nơi cuối đường phố Côcxô, khi nàng nhìn thấy những cỗ xe ngựa và những hàng cây, những khuôn mặt và những áo quần ánh lên màu đỏ rực, những tủ kính cửa hàng và tiệm giải khát lấp lánh như ngọc, nàng cảm thấy cuộc sống đang tràn vào thân thể nàng, thấm vào từng bộ phận trong cơ thể khiến nàng ngây ngất. Nàng không hề cảm thấy buồn, không hề nghĩ đến cái chết đã trú ngụ trong ngực, dưới xương đòn gánh bên trái và đang tạo nên những cơn đau nhói. Không! Không! Cần phải sống! Và trong cơn say sưa ngất ngây ấy, một cái gì dâng lên chẹn cổ họng khiến nàng gần như ngạt thở. Đó chính là nỗi buồn man mác lúc nào và giờ đây khiến mắt nàng rưng rưng.
- Không sao...không sao, - nàng mỉm cười nói với ông anh chồng và cặp mắt ướt của nàng ánh lên niềm vui, khiến mặt nàng rạng rỡ. - Hình như em... Em cũng không biết nữa... Ta đi thôi.
- Về khách sạn nhé?
- Không...không...
- Nếu vậy ta đến hiệu “Salê” ăn bữa tối, cái hiệu ngoài bờ biển gần Phôrô Italicô được không?
- Vâng, tùy anh.
- Vậy thì hay lắm. Ăn xong ta sẽ dạo phố rồi tới rạp Phôrô nghe hòa nhạc.
Thuê xe ngựa, hai anh em đi về hướng mặt trời đang lặn.
Buổi tối hôm ấy, được nghỉ ngơi bên bờ biển nàng thấy tuyệt vời: trăng sáng vằng vặc, rọi ánh sáng xuống tòa nhà Hội chợ, những cỗ xe ngựa trang trọng chạy dọc theo Đại lộ, những khu vườn tỏa mùi hương thơm ngát của hoa Pômêran... Nỗi sung sướng sẽ tràn ngập và xâm chiếm hoàn toàn con người nàng nếu như không bị vướng một cảm giác lạ lùng: nàng cảm thấy hình như tất cả những cái này không có thật, hình như đây không phải nàng. Mọi thứ này như chỉ là giấc mộng, và trong giấc mộng ấy chân trời mở ra bao la.
Cảm giác về sự bao la ấy lại tràn ngập lòng nàng một lần nữa vào buổi sáng hôm sau, lúc hai anh em ngồi trên xe ngựa chạy trên những lối đi trong công viên La Phavôrit. Đến một lúc nào đó nàng hít một hơi dài và trở về với thực tại, để có thể tận hưởng được cùng một lúc cảm giác bao la, đồng thời cả niềm ngây ngất của giấc mộng. Nàng mở to mắt và thấy những cây cổ thụ đang còn say sưa trong giấc ngủ giữa không trung tịch mịch của buổi sớm mai.
Không hiểu tại sao, nàng bỗng quay sang Sêđarê mỉm một nụ cười biết ơn.
Nhưng nụ cười ấy gợi lên trong lòng nàng một nỗi tự thương mình vô tận. Chẳng bao lâu nữa nàng sẽ chết và cặp mắt đầy thán phục của nàng bây giờ sẽ không được nhìn thấy vẻ đẹp khó tả này, không còn được thấy cuộc sống mà lẽ ra nàng cũng phải được hưởng như mọi người khác.
Nghĩ đến đấy nàng bỗng tự hỏi, phải chăng Sêđarê đã làm một việc tàn nhẫn là chỉ ra cho nàng thấy thế giới?
Nhưng rồi cuối cùng cỗ xe ngựa dừng bánh ở cuối lối đi chạy vào sâu trong công viên. Sêđarê đưa tay đỡ Ađriana bước ra khỏi để ngắm được kỹ vòi phun nước và pho tượng thần Héc- quyn. Nàng đứng dưới bầu trời tím sẫm gần như đen do mầu trắng long lanh của đá cẩm thạch khắc họa thân thể vị thần lực sĩ đứng trên bệ cao giữa đám cây thẳng vút. Ađriana cúi xuống nhìn làn nước trong vắt với những chiếc là và những đám rêu xanh trôi bồng bềnh, rọi bóng đen xuốc đáy biển. Và khi nhận thấy, mỗi lần làn nước xao động, mặt lạnh lùng của những con mình thú đầu người canh gác nơi đây thoáng đượm một vẻ trầm tư, nàng cảm thấy vẻ mát mẻ của mặt nước kéo theo một ý nghĩ lướt nhanh trong đầu óc nàng khiến nàng đờ đẫn, tưởng chừng bao nhiêu thế giới trong vũ trụ bỗng nhiên bùng lên sáng chói, và nàng chợt như thấu hiểu được bản chất của sự vĩnh hằng, thấu hiểu được mọi thứ trên thế gian, thậm chí cả những điều thầm kín náu sâu trong đáy lòng mỗi con người. Nàng cảm thấy trong khoảnh khắc, hiểu cặn kẽ vạn vật! Và thế là đủ đối với nàng, bởi vì nàng tưởng như mình đã trở thành vĩnh hằng.
Ađriana đề nghị ông anh chồng đưa nàng về quê ngay hôm ấy. Nàng nghĩ, đã đến lúc phải giải thoát cho anh. Sêđarê đã mất không bốn ngày liền cho cô em dâu. Rồi còn thêm một ngày nữa để đưa nàng về. Anh cần phải được tiếp tục cuộc ngao du, đi đến những nơi xa lạ, sang tận bên kia biển xanh. Anh có thể yên tâm mà đi, bởi vì trong khoảng một tháng nàng chưa thể chết được.
Những ý nghĩ ấy Ađriana không nói ra mà chỉ đề nghị ông anh chồng đưa nàng về.
- Sao lại thế? Thím về làm gì kia chứ? - Sêđarê phản đối. - Thím đã ra đến đây thì đi cùng với tôi thăm phong cảnh thành phố Nêapôn và biết đâu tôi còn kiếm được một bác sĩ giỏi khám cho thím.
- Đừng anh ạ. Cứ cho em về. Khám thêm cũng chẳng để làm gì.
- Sao lại chẳng đề làm gì? Càng tốt chứ sao? Mà biết đâu đấy...
- Ông bác sĩ ở đây nói thế còn chưa rõ ràng hay sao? Mà hiện giờ em không thấy đau đớn gì hết. Trong người rất dễ chịu. Anh nhìn thì biết. Rồi em sẽ uống thuốc. Còn cần ở lại thêm làm gì nữa.
Thế là Sêđarê nhìn nàng và nói giọng rất nghiêm nghị.
- Không được. Thím phải nghe tôi.
Nàng không biết nói gì nữa. Vốn sinh trưởng ở quê, nơi nàng đã quen với tập quán tuyệt đối vâng lời người đàn ông trong nhà, nàng đành phục tùng. Tuy vậy nàng vẫn nghĩ rằng, anh ấy muốn giữ mình ở lại đi với anh ấy chỉ cốt để sau này khỏi phải ân hận là đã không chăm nom em dâu đến cùng, chỉ dẫn đến khám một bác sĩ là đã coi như xong. Anh ấy muốn sau này dân thị trấn sẽ khen: “Anh Sêđarê đã làm đủ mọi cách cứu cô ấy, dẫn đi cả Palécmô, cả Nêapôn...” Mà cũng có thể anh ấy hy vọng thật sự là một bác sĩ nào nhiều kinh nghiệm hơn có được cách chữa cho mình khỏi bệnh? Mà cũng lại có thể là...vì nàng cảm thấy nguyên do này đúng hơn cả, biết em dâu không sống được bao lâu nữa, Sêđarê muốn cho nàng hưởng thật nhiều niềm vui để bớt nỗi đau đớn trước cái chết tàn khốc.
Nhưng Ađriana rất sợ biển, rất sợ. Mới nhìn thấy biển và nghĩ đến chuyện phải đi tàu trên mặt biển nàng đã hoảng rồi, tưởng như phải bơi tay không trên sóng vậy.
- Có gì đáng sợ đâu, rồi thím sẽ thấy, - anh mỉm cười an ủi cô em dâu.- Mùa này đi biển chẳng khác gì đi trên đất liền. Thím nhìn kìa, sóng lặng đến thế kia mà. Rồi thím lại thấy con tàu nữa chứa. Ngồi trên ấy cứ như ngồi trong nhà vậy.
Không, nàng không nỡ nói ra hết với ông anh chồng niềm linh cảm của mình khi nhìn ra mặt biển. Nàng có cảm tưởng rằng, nếu rời khỏi bờ, mà đây cũng đã khá xa quê hương rồi, thì nàng sẽ xa hẳn thị trấn thân thiết và sẽ không bao giờ thấy lại quê hương nữa. Chuyến đi cứ mỗi lúc một xa. Mặt biển sao mênh mông đến thế và cũng bí hiểm biết bao. Nàng sẽ không bao giờ trở về nhà, có chăng thì quan tài của nàng được chở về đấy. Nàng gạt điều linh cảm đáng sợ ấy ra khỏi đầu óc, để chính nàng cũng không nghĩ đến nó mà chỉ khăng khăng với lý do là nàng sợ đi biển. Ngày trước đã bao giờ nàng thấy biển, vậy mà bây giờ phải đi thuyền vượt nó.
Tối hôm ấy hai anh em xuống tàu sang Nêapôn.
Khi tàu nhổ neo, chạy ra khỏi bến cảng, Ađriana, vẫn còn hơi choáng váng vì tiếng người huyên náo ở bến, tiếng sếu và tiếng ngỗng trời kêu inh ỏi, dần dần tỉnh lại. Nàng nhịp vào bến, thấy bờ biển lùi xa, và mọi thứ cứ nhỏ dần: đám người trên bến với những chiếc khăn quàng vẫy, những chiếc tàu đậu trong cảng và những ngôi nhà trên bờ. Rồi đến lúc toàn bộ thành phố hòa lẫn vào dải sương mù trắng dưới chân rặng núi hồng nhạt với những đốm sáng mờ mờ đây đó. Nàng cảm thấy lần nữa chìm vào một giấc mơ, giấc mơ giữa lúc đang tỉnh. Đồng thời nàng lại thấy mắt nàng mở to vì sợ hãi, khi con tàu lắc lư theo làn sóng nhịp nhàng xô đẩy, bất chấp tàu to đến như thế. Và có lúc tưởng như còn tàu sắp vỡ tung. Nó đi vào mặt biển mênh mông, hòa lên với chân trời.
Thấy nàng sợ hãi. Sêđarê cười chế giễu rồi cầm tay nàng - giá như trước kia thì không đời nào Ađriana cho anh làm thế - dẫn cô em dâu lên boong, đến một chỗ có thể nhìn thấy những luồng nước lấp loáng như những đường cày do chân vịt tạo nên. Nhưng nàng lại càng lúng túng hơn khi thấy bàn tay mình nằm trong bàn tay ông anh chồng, thêm nữa là hơi khói nực mùi dầu máy khiến cho nàng choáng váng, suýt nữa gục xuống đầu anh. Nhưng nàng gượng lại được và kinh hoàng nhận thấy bỗng nhiên mình lại muốn ngả người theo nỗi yếu đuối đang xâm chiếm.
- Thím khó chịu trong người lắm à?
Giọng anh nói đầy vẻ lo lắng.
Ađriana lắc đầu. Nàng không đủ sức nói ra thành tiếng. Thế là hai người tay trong tay bước về phía đuôi tàu, ngắm làn sóng lấp loáng ánh lân tinh mà con tàu bỏ lại đằng sau trên mặt biển, lúc này đen sẫm dưới bầu trời đầy sao. Những đợt khói đỏ rực phả ra từ ống khói, lên cao đen lại và bay hướng về những ngôi sao ấy. Phong cảnh càng thêm thần tiên khi mặt trăng bắt đầu nhô lên khỏi mặt biển: lúc đầu là một cái đĩa rất to mầu đỏ máu bên trên đường chân trời, như một vị thần hung dữ đang ngắm nhìn đất đai dưới quyền, sau đấy dần dần nhỏ lại và sáng trắng. Mặt biển mênh mông hắt lên ánh phải chiếu mầu bạc của những con sóng nhấp nhô. Ađriana càng hoảng sợ và thấy không thể cưỡng nổi sự yếu đuối đang đẩy nàng gục hẳn lên ngực người anh chồng.
Chuyện ấy đã xảy ra tại thành phố Nêapôn, lúc hai người bước ra khỏi tiệm ăn có kèm hòa nhạc, nơi họ vừa dùng bữa và nghe âm nhạc. Sêđarê trong những chuyến ngao du hàng năm đã nhiều lần khoác tay một cô gái nào đấy bước ra khỏi những nhà hàng kiểu thế này. Nhưng lần này, khi theo thói quen chàng đưa tay ra cho Ađriana, chàng thấy bên dưới vành mũ rộng có đính chiếc lông công lo ra cặp mắt mở to long lanh nhìn chàng. Và bất giác Sêđarê áp mạnh bàn tay ấy vào ngực mình. Chỉ cần thế là đủ. Đám cháy đã bùng lên.
Trong bóng tối mờ mờ của khoang cỗ xe ngựa đang lăn bánh về phía hướng khách sạn, hai người ôm ghì lấy nhau, hai cặp môi dính chặt vào nhau trong một cái hôn tưởng như không bao giờ thỏa. Và trong vài phút giây ngắn ngủi họ đã kể hết ra mọi điều với nhau: chàng hiểu được toàn bộ cuộc đời nàng, chỉ những đau khổ và chịu đựng âm thầm. Ađriana kể cho anh nghe rằng, nàng vẫn thầm yêu anh từ lâu lắm rồi, mặc dù nàng không dám thú nhận ngay với bản thân mình. Còn Sêđarê thì ngay từ thời trẻ đã khao khát nàg, thèm được ôm ấp nàng, được chung sống mãi mãi với nàng! Mãi mãi!
Đây là một sự cuồng nhiệt, một ngọn lửa bùng bùng được cháy bằng lòng thèm khát trong vài ngày ngắn ngủi tận hưởng để bù lại bao nhiêu năm tháng bỏ phí, những năm tháng phải nén nhịn nhưng trong lòng thì khao khát. Lúc này bản ánh tử hình đã đặt trước mắt nàng cho nên họ càng phải tranh thủ; phải cướp lấy tất cả những hạnh phúc mà lẽ ra họ phải được hưởng suốt thời gian qua. Cả hai đều thấy phải quên đi mọi thứ, phải cắt đứt khỏi quá khứ, khỏi mối quan hệ giữa họ trước đây, giữa em chồng và em dâu, thứ quan hệ buộc họ phải giữa vẻ ngoài kính cẩn mà tục lệ của dân trong thị trấn quê hương quy định. Tình yêu giữa Sêđarê và Ađriana lúc này cũng như cuộc hôn nhân sắp tới giữa họ, nếu dân thị trấn biết, sẽ coi đấy là một hành động sỉ nhục, một sự nhạo báng mọi người xung quanh.
Hôn nhân ư? Ồ, không đời nào nàng đỡ đẩy anh vào tình thế bị mọi người chê trách. Mà buộc anh vào dây dợ hôn nhân làm gì khi cuộc sống của nàng chẳng còn lâu nữa? Không không! Chỉ cần tình yêu là đủ. Một mối tình mù quáng, điên cuồng, trong thời gian ngắn ngủi của chuyến ngao du này, một chuyến viễn du tình ái chỉ có đi mà không trở lại, một chuyến đi xuyên qua tình yêu để đến với cái chết.
Nàng sẽ không thể về nhà, gặp lại hai đứa con trai. Nàng hiểu rất rõ điều ấy, ngay từ lúc bước xuống con tàu. Nàng biết từ trước rằng sang bờ biển bên kia, nàng sẽ không bao giờ quay trở lại. Giờ đây nàng sẽ đi với Sêđarê; tay cầm tay, đi mãi, đi mãi không ngoái đầu trở lại, không suy nghĩ gì hết, đi thẳng đến cái chết.
Họ thăm thành phố Rôma, Phlorenxơ, rồi Milăng, nhưng họ có thấy được phong cảnh gì đâu. Sự chết đang náu mình trong cơ thể nàng luôn nhắc nàng nhớ đến sự hiện diện của nó bằng những cơn đau dữ dội và càng thúc đẩy nàng yêu mãnh liệt hơn.
- Không sao, - nàng nói, mỗi khi cơn đau hành hạ. - Không sao...
Và mặc dù cơn đau làm da mặt nàng tái nhợt đi, nàng vẫn chìa môi ra cho anh.
- Em đang đau lắm kia mà, Ađriana?
- Không sao! Đau mấy em cũng mặc!
Ngày cuối cùng của thời gian dừng lại ở Milăng, khi họ chuẩn bị đi Vơnidơ, trước khi mặc chiếc áo liền váy để lên đường, Ađriana soi vào gương. Đêm hôm đó, ở trên tàu, khi hai người thức dậy sáng sớm và lên boong, trước mắt họ là cảnh tượng lặng lẽ lúc rạng đông, thành phố hiện ra trước mắt họ, trên mặt biển, như trong câu chuyện cổ tích, vừa hùng vĩ, vừa gợi một nỗi buồn man mác, Ađriana hiểu được rằng, nàng sẽ không thể đi thêm nữa. Cuộc ngao du với nàng đã sắp kết thúc.
Tuy nhiên, nàng vẫn muốn được thưởng thức phong cảnh Vơnidơ. Và suốt ngày hôm ấy hai người ngồi trên xuồng lướt nhẹ trên những con sông đào chạy ngang dọc chi chít trong thành phố, cho đến tận khuya. Đêm hôm ấy nàng không sao chợp mắt được, thầm ôn lại trong óc những ấn tượng ban ngày. Và ngày hôm ấy nàng thấy như được bọc nhung.
Phải chăng đấy là lớp vải nhung bọc ghế trên chiếc xuồng? Hay là nhung của những con sông đào lặng lẽ chạy ngang dọc dưới bóng cây râm mát? Làm sao biết được! Hoặc nhung trong quan tài, biết đâu?
Sáng hôm sau, trong lúc Sêđarê ra Bưu điện hỏi thư gửi về đảo Xixin, thì Ađriana sang phòng của anh. Nàng cầm lên chiếc phong bì đã mở đặt trên bàn, nhận ra bút dạng của đứa con đầu, rồi đưa chiếc phong bì lên môi, hôn khắp mặt giấy. Sau đấy nàng trở về phòng của mình, lấy trong chiếc ví bằng da rất sang cái lọ nhỏ đựng thuốc mà nàng chưa hề đụng đến, đấy là thuốc độc. Nàng nằm xuống chiếc giường còn bề bộn đệm, dốc một hơi cạn hết lọ thuốc.