Số lần đọc/download: 5882 / 102
Cập nhật: 2015-08-15 08:04:50 +0700
Chương 1: Nhảy Dù Xuống Văn Điển
C
hiếc máy bay thuôn thuôn hai động cơ, sơn màu xám không mang dấu hiệu từ Ai Lao đã xâm nhập vùng trời Bắc Việt, và vượt qua rặng núi Hòa Bình từ nãy. Đứng sau viên thiếu tá, Văn Bình chăm chú nhìn những đồng hồ xanh đỏ lấp lóe trên táp lô, trong khi người sĩ quan phụ tá, một thanh niên trẻ măng, có cặp mắt đa tình và rí rỏm, đeo mũ nghe lên đầu để nhận tin tức khí tượng. Khi máy bay rời Đà Nẵng, chuyên viên khí tượng tiên đoán đêm nay thời tiết miền Bắc, nhất là quanh Hà Nội, rất xấu, nên phi cơ chở Văn Bình có thể bay thấp, và thả chàng xuống gần mục phiêu mà không sợ lộ. Nhắc mũ nghe ra, viên phụ tá chắt lưỡi, nói với thiếu tá hoa tiêu:
- Nguy quá, trời bắt đầu đẹp, mình không bay thấp được nữa.
Nghiên cứu bản đồ tham mưu trải trước mắt, hoa tiêu gật gù:
- Qua khỏi không phận Hòa Bình ta phải lên thật cao. Tuy vậy, ở đây cũng chưa có gì đáng ngại vì đại bác phòng không của họ chỉ được đặt dọc biên giới mà ta đã qua hồi nãy.
Viên phụ tá hỏi, giọng lo lắng:
- Nhưng còn giàn ở Xuân Mai?
- 10 phút nữa tới Xuân Mai.
Nói đoạn hoa tiêu nắm chặt cần lái tống ga cho máy bay vọt lên cao. Trong khoảnh khắc Văn Bình có cảm giác nghiêng nghiêng như trèo núi. Viên phụ tá chép miệng:
- Các ông khí tượng cứ đoán sai thời tiết như thế này thì hỏng việc hết.
Hoa tiêu đáp:
- Đừng trách oan họ. Thời tiết thay đổi một phần cũng tại mình bay hơi chậm. Nếu không phải bay vòng biên giới để tránh súng cao sạ của Pathét Lào mình đã vượt Xuân Mai khi trời còn xấu và ông bạn đã nhảy xuống.
Văn Bình xen vào:
- Trời tốt, phi cơ phải bay thật cao, tất tôi không thể nhảy thấp như đã định trước phải không?
Hoa tiêu đáp:
- Vẫn nhảy được nhưng hơi nguy hiểm.
Máy bay đã tiến sâu vào nội địa Bắc Việt. Lơ lửng trên không trung cao hơn 7 ngàn thước, không khí bắt đầu đổi khác, và có vẻ khó thở. Viên hoa tiêu gắn mặt nạ dưỡng khí, và ống điện thoại cá nhân vào cho Văn Bình. Ở độ cao này, phải hô hấp bằng ống dưỡng khí riêng. Giọng viên hoa tiêu tư lệnh qua điện thoại đột nhiên chuyển qua khàn khàn:
- Phiền thật. Hồi tối không tính đến chuyện nhảy cao nên tôi quên mang thêm bình dưỡng khí cá nhân.
Văn Bình đáp giọng thản nhiên:
- Thì nhảy không cần bình dưỡng khí.
- Cũng được nhưng nếu gặp sự không may có thể thiệt mạng. Lấy tư cách tư lệnh phi vụ này, tôi không chịu trách nhiệm về việc thả từ độ cao sáu bảy ngàn mét. Tôi đề nghị chúng mình trở lại Đà Nẵng...
Văn Bình lắc đầu:
- Tôi không thể về được. Công việc đã sắp xếp đâu vào đấy. Người ta đợi tôi ở dưới.
- Vậy chỉ còn cách nhảy xuốn gần đất hãy mở dù. Ông phải bỏ mặt nạ dưỡng khí, nhảy không ra ngoài, đợi một phút rưỡi đồng hồ trong khoảng không mới được phép mở dù. Mở dù gần sát đất mới không sợ lộ, lại xuống được nhanh. Vậy chỉ có phương pháp ấy. Nếu ông nhảy quen thì được. Nhược bằng nửa chừng bất tỉnh thì nguy.
- Các bạn yên tâm. Tôi đã quen
Máy bay cứ lên cao mãi. Qua ô kính phi cơ, nhìn xuống mặt đất, Văn Bình có cảm tưởng lả lướt trong một thế giới thần tiên. Bên ngoài trời sáng một cách dị thường. Hơn 7 cây số phía dưới, quang cảnh đồng bằng Bắc Việt, thu lại nhỏ xíu như trên bức tranh thủy mạc, chàng bất giác nhớ đến những làng mạc trên đường máy bay qua, trong đó có quê hương của chàng mà chàng cách xa từ bao năm chưa có dịp về.
Viên hoa tiêu nói với chàng qua máy nói:
- Nhờ ông ký cho tờ giấy.
Văn Bình đỡ lấy mảnh giấy vàng do viên phụ tá rút trong cặp da, đưa cho chàng. Đó là tấm biên lai mà viên hoa tiêu, khi về tới Sàigòn sẽ trình cho ông Hoàng, tổng giám đốc Mật vụ. Ký vào tức là nhận rằng Văn Bình đã đến gần Văn Điển và đã nhảy an toàn. Văn Bình hạ bút. Cất tờ giấy xong, viên phụ tá vỗ vai chàng:
- Cám ơn ông. Đáng tiếc là đơn vị trưởng không cho phép, nếu không đêm nay tôi sẽ phóc xuống với ông.
Văn Bình hỏi, giọng tươi cười:
- Ông bạn cũng thích xuống dưới đó ư?
- Còn phải nói. Tôi còn cô em gái và cô nhân tình dưới đó, chà chà... Giá thiếu tá cho phép nhảy xuống hú hí một đêm rồi đêm sau móc lên thì khoái biết mấy?
Viên hoa tiêu cười lớn:
- Thôi tôi xin chú. Đời chú bao giờ cũng chết vì gái!
Văn Bình bênh vực:
- Ồ, gái đẹp ai chả mê, hả bạn? Trên thế gian này có ba sự khó chừa, ông bạn không nhớ sao?
- Sao lại không nhớ? Tôi đùa đấy! Gỗ đá cũng còn thích rượu nồng, dê béo, và gái vừa đang tơ huống hồ anh em phi công bay bướm.
Viên phụ tá nói:
- Chắc đêm nay, ông bạn nhảy xuống với một "cô gái vừa đang tơ"?
Văn Bình đáp:
- Cũng mong như thế.
Viên phụ tá cười, má lúm đồng tiền:
- Đọc truyện phiêu lưu gián điệp, tôi thường thấy đàn ông và đàn bà đều đẹp. Ông bạn đẹp trai thế này chắc chắn bên dưới phải có một thiếu nữ, mắt phượng mày ngài, thoa son môi đỏ chót và mới tắm nước thơm để đón tiếp.
Đột nhiên tiếng hoa tiêu trở nên nghiêm trọng:
- Đùa mãi cha nội. Sắp sửa rồi đấy.
Phía dưới, giòng sông Hồng Hà như một vệt bàng bạc in trên nền thẫm. Hoa tiêu bớt ga cho phi cơ bay chậm, rồi nói với Văn Bình:
- Gần đến địa điểm nhảy. Mời ông chuẩn bị.
Văn Bình hỏi:
- Có hy vọng nhảy sát mục phiêu không?
Viên thiếu tá đáp:
- Có khá nhiều hy vọng. Hiện giờ, ba đài phóng tuyến cực mạnh của ta đang nhả những đợt sóng điện liên tục giao nhau. Điểm tương giao của các đợt sóng là địa điểm mà ông sẽ nhảy. Nhờ máy móc trên phi cơ, tôi có thể tính biết điểm tương giao mà không sợ lầm... Bây giờ tôi cho bớt máy. Chúng ta cách đất liền sáu ngàn bảy trăm thước... 5 phút nữa, ông sẽ nhảy... Yêu cầu ông nghe lời tôi dặn. Ông đừng quên một chi tiết nào vì quên là nguy tính mạng. Ông nghe rõ chưa?
Văn Bình đáp qua ống nói:
- Nghe rõ.
- Như tôi đã nói, phải mở dù gần mặt đất không xa mới khỏi bị lộ. Từ khi rời máy bay đến khi kéo dù, ông hãy đếm đủ 90 giây đồng hồ. Như vậy, dù sẽ mở cách mặt đất chừng ba trăm mét.
- Tôi hiểu.
- Ông chuẩn bị đi. Còn 4 phút nữa... 90 giây đồng hồ trước khi ông nhảy, tôi sẽ báo ông biết. Phụ tá của tôi sẽ gỡ mặt nạ dưỡng khí, và ống nói cho ông. Ông hãy thở thật sâu cho đầy ngực trước khi nhảy... Từ trên cao nhảy xuống, có thể ông sẽ ngạt thở trong khoảnh khắc. Nhưng ông yên trí, dưỡng khí trong phổi sẽ giúp ông khỏi bị bất tỉnh.
Văn Bình yên lặng kiểm điểm lại hành trang. Dáng điệu của Văn Bình, điệp viên Z.28 của sở Mật vụ Việt Nam, ba phút trước khi rời máy bay nhảy xuống đất địch để thi hành một sứ mạng cực kỳ nguy hiểm, lại có vẻ giản dị, bình thường như khi chàng sửa soạn đi câu cá ở Ba Ngòi, hay soạn hành lý lên thác Gougah tình tự với một cô gái tóc dài, có cặp đùi và cái mông nây nẩy như bằng cao su. Chàng coi kỹ chiếc dù cột vào mình, và đưa tay, thử nắm cái chuôi giật cho quen. Không khéo dù bị vướng không xòe được thì chết!
Nhưng còn chiếc dù thứ hai và biết đâu cây dù cấp cứu này cũng bị kẹt? Thì chết chứ sao! Chết như vậy sẽ êm ru, hơn là chết trước đội hành quyết của địch. Vì một khi Văn Bình bị bắt, chàng sẽ bị tra tấn, bị đưa ra tòa, và lãnh án do thám, án chết... Vả lại, cái chết đối với chàng chỉ là một sự xảy ra vô nghĩa, dung dị, cũng như chàng ăn, chàng thở, chàng hút thuốc lá Salem thơm mùi bạc hà, chàng nốc hàng chai huýt ky, và ôm hàng tá giai nhân một đêm...
Văn Bình bỗng thấy trái tim se lại. Trước mắt chàng hiện ra bóng dáng mỹ miều của Nguyên Hương, cô thư ký trẻ đẹp và chín mọng như trái dâu Đà lạt của ông tổng giám đốc Hoàng và bộ ngực phập phồng ẩn hiện sau làn lụa mỏng tanh của giai nhân núi lửa mà chàng vừa sống chung một tháng bên làn sóng biển Vũng Tàu. Và cũng như bao lần đã qua giữa lúc chàng say sưa với người đẹp, ông Hoàng lại triệu chàng về. Đêm nay, ngồi nhìn đồng hồ dạ quang trong phòng làm việc chắc Nguyên Hương sẽ giành một phút để nghĩ đến chàng thanh niên đẹp như tài tử màn ảnh băng qua khung cửa phi cơ, xuống đất địch, dưới trời đông lạnh buốt. Và ông Hoàng, cái ông giám đốc già già, có khuôn mặt độc đáo, và bộ óc kỳ lạ sẽ cắt thêm một điếu xì gà nữa với cái chép miệng:
- Z.28 vừa nhảy xuống Hà Nội...
Văn Bình bật khỏi cơn mơ vì tiếng viên sĩ quan tư lệnh nổ ròn trong máy nói:
- Sắp đến nơi. Trong vòng 60 giây, người của tôi sẽ đến gỡ mặt nạ, ống nói của ông. Chuyến đi này ông đừng quên mua cho anh em mấy lạng cốm vòng đấy nhé! Ăn cốm trong này nhạt miệng thế nào ấy!
Tiếng viên phụ tá:
- Nào bây giờ tôi tháo đồ cho ông. Ông lên Hà Nội, qua Hàng Đồng, nhớ nhìn vào căn nhà ở cuối đường. Nhà cô nhân tình nhỏ của tôi đấy! Chả biết cô bé đã hết cảnh phòng không chưa?
- Đến giờ rồi, đừng đùa nữa chú. Ông bạn đã chuẩn bị đầy đủ chưa?
Văn Bình đáp:
- Xong rồi.
- Tôi cắt điện.
- Vâng. Cám ơn các bạn đã đưa tôi đến đây.
- Hy vọng sẽ gặp lại ông. Chúc ông vạn sự như ý.
Tiếng nói im bặt. Ống nói được rứt gỡ và treo vào cái móc ở sườn máy bay. Văn Bình tháo dây lưng buộc chàng vào ghế ngồi, rồi nhìn ngọn đèn hiệu. Vừa khi ấy, ngọn đèn xanh trên đầu Văn Bình bật sáng. Hiệu từ giã phi cơ. Chàng nhìn ra khung cửa trống đen ngòm. Một luồng gió lạnh ập vào, cánh cửa đã mở rộng. Chiếc cờ-rô-nô đeo ở cườm tay trái đã được quay kim lại số không. Chàng hít thật mạnh, như muốn thu hết số hơi trong bình dưỡng khí, trước khi trả lại cho viên sĩ quan phụ tá, rồi ấn nút đồng hồ cờ-rô-nô tính giây, thót bụng lại, tâm thần bình tĩnh, nhảy văng ra ngoài không trung mù mịt.
Chàng nghe bên tai như súng trận nổ ròn rã, rồi một tiếng còi the thé. Chàng thấy đau nhói trong tim, thái dương chàng như bị ép chặt giữa hai gọng kềm. Mắt chàng dính sát vào chiếc cờ-rô-nô... 15 giây, 16, 17... Tuy khí trời rét ngọt chàng không thấy lạnh. Chàng nhìn cờ-rô-nô, tiếp tục đếm như máy. Trái tim chàng càng thêm đau buốt. Hai màng tang như thể bị xé rách. Chàng bắt đầu nghẹt thở... 50... 55... Nghĩ đến nhiệm vụ quan trọng đang chờ đợi và hàng vạn người tùy thuộc vào sự thành công của chàng, chàng cảm thấy như vừa nhận được một luồng dưỡng khí. Ngực chàng bớt tức, nhưng chỉ một giây sau lại tức như trước...70...75... Đúng 90, Văn Bình kéo dù...
Mồ hôi đổ ra khắp người chàng. Chiếc dù quái ác không mở. Lời căn dặn của huấn luyện viên trong trường gián điệp quốc tế, mười mấy năm trước, vụt hiện ra trong trí.
Bình tĩnh.
Nửa giây đồng hồ khi ấy sao dài thế! Nửa giây mà dài như một tuần lễ, như một năm trường chờ đợi. Chàng lấy miệng, giật cái dù cấp cứu. Phật một cái, chiếc dù cải tử hoàn sinh lòe ra, gây một tiếng động lớn soàn soạt như xé lụa.
Văn Bình thoát chết.
Tiếng còi bên tai chàng đã biến đi đâu mất. Chàng không còn nghe thấy gì nữa. Nhĩ tai chàng ù hẳn ra, và quang cảnh trước mắt chàng, dưới chân chàng như ngừng hẳn lại, tan mờ trong ánh trăng hạ tuần nhợt nhạt và tan ra thành làn khói hư ảo. Từ từ chiếc dù hãm bớt sức xuống của chàng và từ từ đưa chàng chấm đất. Khi chân chạm đất chàng co người để khỏi đụng mạnh, nhưng toàn thân chàng vẫn rung chuyển như ngồi xe hơi đâm vào cột xi măng. Không khí dưới đất lùa vào phổi, chàng thở thật mạnh, thật nhiều, tương tự như người chết đuối vừa được trở lại với đời sống. Chiếc dù trắng xóa tỏa rộng trên mặt đất. Trông trước trông sau chàng không thấy ai. Chàng rơi đúng vào một bãi rộng, gần Văn Điển, chung quanh là cây cối um tùm. Chàng chắt lưỡi nhủ thầm, nếu sai một tích tắc, nhảy đúng khu rừng già trước mặt chưa biết gỡ đến bao giờ mới lọt, nếu không bị gãy chân.
Lòng chàng vui rộn nhu đứa trẻ nhận được dáng đi quen thuộc của người mẹ về chợ. Thật thế, xa quê hương từ lâu, lần này chàng mới được về Văn Điển. Chàng không sinh trưởng ở Văn Điển, nhưng đã sống ở đây khá lâu hồi nhỏ. Chàng đã thuộc làu bộ mặt lem luốc của nhà ga còm cõi, cô đơn, của những túp nhà đứng sát vào nhau như muốn hà hơi ấm để trốn khí lạnh cuối đông buốt tận xương tủy. Nhảy dù xuống Văn Điển, sát Hà Nội, thủ đô Miền Bắc, quả là một hành động vô cùng táo bạo. Thoạt đầu, ông Hoàng muốn chàng tới Bắc bằng tiềm thủy đĩnh đổ bộ lên bãi biển Sầm Sơn nhưng không hiểu sao kế hoạch này được thay đổi vào giờ chót.
Văn Bình cuộn chiếc dù lại thành một gói. Chàng cởi quần áo phi hành, nhét vào trong đoạn rút cái xẻng nhỏ bên lưng ra đào đất. Đất Văn Điển không rắn nên trong chớp mắt chàng đã đào xong, bỏ gói dù xuống lấp lại. Đồng hồ của chàng chỉ đúng bốn giờ rưỡi sáng. Chàng kiểm điểm lại đồ vật trong mình trước khi lên đường.
Từ phút này Văn Bình mang một tên mới. Chàng là Đặng Thái Trinh, cán bộ tỉnh ủy của đảng Lao động Hà Tĩnh, ra Hà Nội công tác, 30 tuổi, thành phần công nông, với hơn mười niên đảng, và nhiều thành tích phục vụ quan trọng. Trong túi quần sau, chàng có một cái ví da, không phải thứ ví cá sấu đắt tiền mềm mại chàng thường dùng, mà là ví da heo cứng đét Mậu dịch bán cho cán bộ. Bóp phơi này đựng một số giấy tờ căn cước, chứng minh thư của tỉnh bộ, của ủy ban hành chánh Hà Tĩnh, giấy thông hành đặc biệt, và giấy giới thiệu với các cơ quan liên hệ ở Hà Nội. Mục đích công tác của Đặng Thái Trinh là ra Hà Nội tiếp xúc với bộ Chính trị Trung ương của Đảng để báo cáo về phong trào đổi công, hợp tác và cải tạo tư doanh trong tỉnh. Giấy tờ nào cũng dán ảnh Văn Bình và đóng dấu nổi. Dĩ nhiên không có giấy nào thật, và đều do ban chuyên môn của Sở làm ra, song không khác giấy thật mảy may. Các chuyên viên đã đưa các giấy này vào máy riêng để làm cho giấy cũ đi như đã dùng từ lâu. Nếu thật, chỉ có số tiền chàng cất trong túi áo là thật, gồm hai chục vạn bạc Hồ Chí Minh, 5 lạng vàng lá Kim Thành và ba hột kim cương mỗi hột nửa ca ra.
Cũng như cán bộ tỉnh ủy, Văn Bình mặc bộ ka ki ngoại hóa bốn túi, cổ đứng, ống rộng, đội mũ Trung cộng, dận dép cao su Thái Lan. Trên ve áo chàng đeo một phù hiệu tròn bằng nhôm in nổi chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh. Túi áo giắt hai bút máy, một mực, một chì, hiệu Đại tiền môn. Đáy túi quần còn sót lại hai cuống vé xem chiếu bóng quốc doanh ở Hà Tĩnh trước đó một tuần. Chàng xách cặp da đựng điện đài, sợi dây liên lạc duy nhất giữa chàng với ông Hoàng. Trên vai chàng lủng lẳng cái xà cột lớn, giắt cái khăn mặt bông Nam Định lòng thòng. Mặt chàng sạm nắng, tóc cắt ngắn cũn cỡn.
Từ chiếc xì líp và áo thung mặc trong tới đồ đeo ngoài, nhất nhất đều rập khuôn với mẫu người cán bộ Bắc Việt. Chàng ưỡn ngực bước theo lối nhà binh bắt chước dáng đi dõng dạc của đồng chí tỉnh ủy, công nông chính cống. Trước ngày công tác, chàng đã tập đi, vâng, chỉ tập đi mà thôi, mất nửa tuần lễ.
5 giờ sáng, Văn Bình đến quốc lộ số 1. Nông dân đã ra đồng rộn rịp. Tiếng loa phóng thanh kêu đồng bào dậy tập thể thao công cộng từ xa vọng lại. Mấy phút sau, chàng đến trước tấm biển sơn vàng, đề chữ đỏ: Văn Điển. Chàng đi vòng con đường nhỏ, qua hai bên lũy tre, và nghĩa trang làng đến một trang trại vắng vẻ. Chàng ném cái địa bàn nhỏ xíu xuống ao rồi xô cái cổng gỗ khép hờ đi thẳng vào trại.
Dáng điệu khoan thai như chủ nhà, chàng trèo lên hành lang. Đẩy cửa, cửa mở. Bên trong đèn dầu còn cháy. Một thiếu phụ trạc 25 đứng gần ngọn đèn đợi chàng. Thiếu phụ rất đẹp, trán cao, nét thanh, tóc cắt ngắn, khuôn mặt trái soan, hơi buồn, đôi môi như vẽ, mũi như tạc và cặp mắt trong vắt. Nàng mặc xoàng xĩnh cái áo cán bộ màu xanh nhạt song không che giấu được cái eo thon nhỏ, và bộ ngực căng tròn, không giả tạo. Thấy chàng, nàng hơi khựng lại một giây.
Văn Bình cất tiếng:
- Chào bà, tôi là cán bộ cốt cán từ Hà Tĩnh đến dự đại hội. Xin bà một chén trà nóng.
Thiếu phụ đáp nhanh:
- Không dám, chào đồng chí. Tôi không có trà nóng, chỉ có nước vối đậm, được không ạ?
Mật khẩu đã trao xong, thiếu phụ mỉm cười, chỉ ghế mời chàng:
- Mời ông ngồi. Gớm, tôi đợi ông suốt đêm, tưởng ông lỡ hẹn, hoặc bị dân vệ bắt thì nguy.
Văn Bình cười lại:
- Xin khất bà lần sau.
- Thưa ông, khất gì ạ?
- Vì lần này, tôi được hân hạnh gặp một giai nhân nên bằng bất cứ cách nào tôi quyết không để dân vệ bắt.
- Ông khéo nói quá. Thưa ông, tên tôi là Liễu, Thúy Liễu. Chồng tôi là nhân vật cao cấp của Đảng. Người chỉ huy dân vệ ở đây là đàn em của nhà tôi, nếu chẳng may ông bị bắt, tôi có thể gỡ giùm cho ông.
- Ông... đang ở nhà?
- Nhà tôi đi vắng luôn. Hiện nhà tôi đang công tác ở ngoại quốc. Tôi ở nhà có một mình.
Văn Bình đã hiểu nghĩa chữ "một mình" mà Thúy Liễu vừa dùng. Trước khi lên đường, Văn Bình được ông Hoàng dặn kỹ về việc tiếp xúc với Thúy Liễu. Nàng thuộc thành phần trí thức bị một cán bộ công nông cao cấp ép làm vợ, nên tuy tấm thân ở Bắc mà lòng hướng vào Nam Nàng được Sở dùng làm trạm chiêu đãi điệp viên hoạt động trong vùng Hà Nội. Văn Bình thầm nghĩ không hiểu ông Hoàng già cằn kia có duyên đến bậc nào mà kết nạp được toàn gái đẹp. Nếu Thúy Liễu mặc áo suya ra, đeo bông tai kim cương óng ánh, ngự xe Hoa kỳ kiểu mới, dạo quanh Sàigòn ai cũng lầm nàng là minh tinh điện ảnh Lý Lệ Hoa cải trang người Việt. Thúy Liễu kéo ghế:
- Mời ông ngồi, kìa, sao ông đứng mãi thế. Ở ngoài vào chắc ông lạnh lắm. À, thưa quý danh là gì?
- Văn Bình.
- Tôi nghe các anh ca tụng ông nhiều, nhưng chưa được gặp. Thật hân hạnh cho tôi.
Rồi nàng chỉ cái cặp chàng cầm tay:
- Điện đài phải không ông?
- Dạ phải. Sao bà biết?
- Z.61 ở Hà Nội dặn tôi hỏi ông có mang thêm máy cho anh em không? Điện đài ở đây ít quá, nhân viên thì quá đông, nên không đủ dùng.
- Lần này, tôi mang hai cái, một cái nhờ bà chuyển cho anh em.
Văn Bình nhìn chung quanh nhà:
- Nói chuyện có hề gì không?
Thiếu phụ đáp:
- Sau khi ông đến tôi đã thả chó. Trại này rộng gần một mẫu, hai con chó lại dữ như cọp không ai dám lại gần. Vả lại ai cũng nể nhà tôi. Nhà tôi là ủy viên trong Trung ương Đảng bộ.
Sực nghĩ ra thiếu phụ hỏi:
- Ông nhảy dù gần đây không?
- Thưa, nhảy cao trên 6 cây số. Thoạt tiên tôi định nhảy thấp vì chắc có mây che, nhưng đến khi qua Hà Đông trời chuyển tốt nên đành phải nhảy cao.
Thiếu phụ nhăn mặt một cách đáng yêu:
- Nhảy cao như vậy không dễ gì ông nhỉ?
Văn Bình cũng nhăn mặt:
- Vâng, làm nghề này cả tôi lẫn bà đều không dễ.
Thiếu phụ im lặng không đáp. Một lát sau nàng nói:
- Xin lỗi ông, mải nói chuyện tôi quên khuấy. Ông thức suốt đêm chắc mệt. Tôi đã dọn sẵn giường ông nghỉ. Giường này, dĩ nhiên là không được êm bằng giường Sàigòn.
Nàng chỉ cho Văn Bình cái giường gỗ trải chiếu hoa cạp điều ở phòng ngủ kế bên. Văn Bình bước vào trước, nàng theo sau khép cửa lại, miệng nói:
- Cần gì ông cứ gọi, tôi ngồi ngoài này. Đến trưa mới có tầu lên Hà Nội.
- Cám ơn bà. Mấy giờ tôi sẽ gặp Z.61?
- Z.61 dặn chập choạng tối ông hãy đến. Đúng sáu rưỡi. Dường như Z.61 bị lộ.
Văn Bình dật nẩy như lò so:
- Z.61 bị lộ à? Tại sao còn hẹn tôi đến?
- Tôi không được rõ. Tôi chỉ là đầu mối liên lạc với Z.61 thôi. Đành rằng Tổ chức rộng lớn, gồm khá đông người nhưng tôi chỉ biết có Z.61. Hoạt động trong vùng địch mà, ông lạ gì? Tôi nghe nói công tác này có tính cách quan hệ và cấp bách, dầu sao ông cũng đến hôm nay cho.
- Z.61 sợ bị bắt?
- Có lẽ thế, theo lệ thường Z.61 xuống tận đây gặp tôi, nhưng vừa rồi lại liên lạc bằng thủ tục cấp cứu và trong mệnh lệnh liên lạc Z.61 yêu cầu tôi nhắc ông đừng lỡ hẹn dầu có bị trở ngại.
- Bà biết công tác này ra sao không?
- Không. Chỉ Z.61 và một người nữa biết.
- Người này là ai?
- Trong những phiên họp của tổ chức, thường thường người này đến chủ tọa, song đeo mặt nạ. Anh em thường gọi là Anh Cả, hoặc Z.30.
- Vậy tôi lưu lại đây đến trưa.
- Hân hạnh. Tôi đã làm ít món ăn mời ông sơi. Ông đi từ đêm hẳn phải đói.
Thúy Liễu bưng vào phòng chàng một cái khay nhỏ khói bốc ngào ngạt. Một bữa cơm thuần túy Bắc Việt và sang trọng như hồi tiền chiến. Đĩa cơm gạo tám thơm phức, bát giả cầy, đĩa thịt đông dưa chua, đĩa cốm vòng...
Vừa ăn, Văn Bình vừa hỏi:
- Dạo này bà còn mua được thịt ư?
- Vẫn mua được nhưng giá cao lắm, tôi có ưu thế với Mậu Dịch nên mua thực phẩm dễ hơn mọi người.
- Thịt đông bà nấu ngon quá!
- Ông quá khen. Ngoài này trời lạnh luôn song không được ăn thịt đông quanh năm như ở trong Nam. Làm gì có tủ lạnh, thưa ông? À, nghe nói trong ấy rạp chiếu bóng có máy điều hòa không khí còn mát hơn Chapa nữa phải không?
- Phải.
- Sưóng nhỉ!
Giọng nói và điệu bộ tươi vui của thiếu phụ gây cho Văn Bình cái cảm tưởng hai người đang nói chuyện tầm phào, giữa cảnh nhàn hạ. Thật thế, nàng hầu như quên hẳn Văn Bình vừa nhảy dù xuống đất địch và chính mình đang giữ một vai trò khá trọng hệ ở hậu địch, từng phút từng giây cọ sát với thần Chết.
Đột nhiên nàng lặng thinh. Dưới ánh đèn dầu, Thúy Liễu đẹp một cách dị thường. Có lẽ nàng đang nghĩ tới đô thành Sàigòn, chìm ngập dưới ánh điện nê ông rực rỡ, những tiệm cơm thơm mùi nước hoa và da thịt đàn bà quí phái, những đêm trăng huyền ảo trên bãi cát Vũng Tàu, trong rừng Đà Lạt. Nàng tượng trưng cho lớp đàn bà lý tưởng của thời đại hỏa tiễn và kích động nhạc, nghĩa là không trẻ không già, vẫn còn cái nhí nhảnh lả lơi, cái thẹn thò đáng yêu của tuổi đôi mươi, lại có tấm thân nẩy nở đến cao độ, đầy đủ kinh nghiệm về ân ái.
Nàng vừa vặn nhỏ ngọn đèn dầu:
- Mời ông đi nghỉ.
Văn Bình ngất ngây như người say rượu. Chàng muốn ôm nàng vào lòng để hôn sống mũi dọc dừa và đôi mắt mở rộng, song nàng đã lặng lẽ quay ra, khép cửa lại. Trong bóng tối, chàng nghe nàng thở dài. Văn Bình quay mặt vào vách cố ngủ.
Gần trưa, chuyến xe lửa Nam Định - Hà Nội ghé ga Văn Điển. Văn Bình trà trộn vào đám hành khách vội vã, ra ghi sê lấy vé lên Hà Nội. Ra cửa, chàng dừng lại một phút, trình giấy cho hai công an viên đeo súng, cặp mắt cú vọ.
12g15, tàu chuyển bánh. Văn Điển là ga cuối cùng trên đường tới thủ đô Hà Nội. Văn Bình - Đặng Thái Trinh chọn một góc đông người trong toa hạng ba rồi thu hình ngồi hút thuốc. Trong khói thuốc Thăng Long, chàng tưởng như ngửi thấy mùi thơm của tóc Thúy Liễu. Sáng sớm, 5 giờ sáng, lúc tỉnh dậy nhìn qua khe cửa chàng thấy Thúy Liễu ngồi một mình khâu vá dưới đèn. Nghe động, nàng buông kim hỏi:
- Anh đã dậy rồi à?
Văn Bình bàng hoàng. Nàng không còn gọi là ông khách sáo như hồi đêm nưa. Chợt nhớ ra, nàng đỏ bừng hai má. Nàng bưng vào đĩa xôi điểm tâm nóng hổi và gói thuốc Thăng Long thứ tốt, có ngôi sao đỏ. Như vợ chiều chồng, nàng bóc gói thuốc rút một điếu, đưa tận tay cho chàng:
- Mời bà.
Nàng lắc đầu:
- Thưa ông, em không hút.
Từ sáng đến trưa, chàng hút gần hai gói thuốc Thăng Long. Lúc chàng sửa soạn hành trang, Thúy Liễu đứng thần người bên cửa, trong mắt hiện đầy vẻ luyến tiếc. Văn Bình vội bước ra sân, vì sợ ở lâu thêm nữa sẽ ôm ghì lấy nàng.
Xe lửa đã chạy khỏi khu vực Văn Điển. Gió lạnh buổi sáng quạt nhè nhẹ vào mặt chàng. Một công an viên đồng phục ka ki xanh Nam Định đến từng toa xét giấy. Hắn dán cặp mắt cận thị vào chứng minh thư của Văn Bình, nhưng chỉ một phút sau trả lại cho chàng, kèm theo tiếng chào thân mật.
Chợt có tiếng chân chạy thình thịch trên mái tầu xen lẫn tiếng kêu bắt và tiếng súng nổ. Một lát sau, công an điệu vào một thanh niên mặc đồ nâu cũ bạc.
Người lạ không có giấy tờ tùy thân, toan tẩu thoát bằng cách truyền lên mái. Hắn bị còng tay vào một xó. Theo lời nhân viên công an, hắn là gián điệp của Miền Nam. Văn Bình muốn hét lên thật to. Trời ơi! Nếu các đồng chí công an biết ông cán bộ tỉnh ủy ngồi lù lù trước mặt là điệp viên chính cống và cao cấp của Miền Nam thì chắc sẽ chết ngất!
Tầu đến ngoại ô Cống Vọng. Từ xa, Văn Bình đã ngó thấy những cột thép sơn đen chùi chũi vươn cao in hình thù quái đản trên nền trời xanh tím một ngày cuối đông rét mướt. Tầu từ từ hãm lại. Bệnh viện Bạch Mai nằm thưỡn bên đường sắt, với bức tường xi măng mới quét màu vàng chói mắt và cột cờ cao ngất phía trên phấp phới lá cờ to bằng cái chiếu gắn ngôi sao vàng năm cánh. Kế cận là nghĩa trang quân đội viễn chinh Pháp với những hàng chữ thập trắng toát, rồi Ngã Tư Sở, Kim Liên.
Đến một cổng xe lửa không rào gác Văn Bình nhảy xuống. Chàng bách bộ một quãng ngắn rồi trèo lên xích lô bảo đạp đến khách sạn Hòa Bình đối diện nhà ga Hàng Cỏ. Lữ quán này trước là của người Pháp sau hiệp định Giơ neo bị xung vào hệ thống quốc doanh. Đó là một cao ốc ba tầng nhìn ra mặt đường, kiến trúc bệ vệ, gồm nhiều phòng rộng thênh thang, những cái giường Hồng Kông cột đồng vàng chóe và những cầu thang gỗ lim đánh si bóng loáng. Trước đây, mỗi chiều xuống Khâm Thiên phá phách với ả đầu, Văn Bình thường tạt qua, mon men lại quày két tán tỉnh cỏ đầm non có đôi môi dầy đa tình, cặp mắt dao cau và bộ ngực vĩ đại lộ ra gần hết mỗi khi nàng giả vờ cúi xuống.
Văn Bình xách cặp da vào quày két. Trên cái ghế mây cao lêu nghêu cô gái ngồi ngày xưa, chàng thấy ông thư ký già râu mép bạc non nửa, đeo kính cận thị dày cộm gọng kền, súng sính chiếc áo the đen phai màu, bị nhán gậm lung tung.
Viên thư ký hỏi chàng, bằng giọng miền Trung:
- Đồng chí muốn trọ hả?
Văn Bình gật đầu. Viên thư ký nói tiếp:
- Cơ quan đã báo trước hay bây giờ đồng chí mới ghi?
Đặt cái cặp da đựng điện đài xuống, Văn Bình đáp:
- Tôi lên đường gấp nên Ủy ban Tỉnh không kịp điện xin phòng. Hiện còn phòng nào không?
- Còn. Yêu cầu đồng chí xuất trình chứng minh thư.
Văn Bình lấy giấy tờ trong xà cột đưa cho người thư ký. Một thanh niên đội mũ công an từ bên trong bước ra. Ông già thư ký chuyển giấy tờ của Văn Bình cho hắn. Sau khi liếc coi lấy lệ, hắn ném xuống bàn cho người thư ký già với nụ cười xã giao nhạt như nước ốc:
- Đồng chí ở Hà Tĩnh hả? Bưởi Hương Khê ngon phải biết Sao đồng chí tỉnh ủy không mang ít bưởi ra ngoài này?
Văn Bình cười trả một cách rất "cán bộ":
- Dạo này công tác nhiều, lại đi gấp nên không kịp. Thôi, khất đồng chí chuyến sau.
Ghi xong, viên thư ký già trả chứng minh thư cho chàng, đoạn lẳng lặng rút cái chìa khóa treo trên tấm bảng sau lưng đặt ngay ngắn lên mặt quầy:
- Chìa khóa đây. Phòng số 271, cuối hành lang; Đồng chi thanh toán lệ phí trước.
Trả tiền xong, Văn Bình ôm cặp, giơ tay chào hai người rồi lên cầu thang. Vừa trèo bậc thang gỗ, Văn Bình vừa thầm phục ông Hoàng. Một tuần trước ngày khởi hành, chàng được đưa về một trung tâm bí mật. Tại đó chàng được học tỉ mỉ về đời sống ở Hà Nội, từ giá tiền một lạng thịt bò ở chợ Đồng Xuân đắt hơn ở chợ Hôm bao nhiêu đến vị trí cái phòng trong khách sạn Hòa Bình mà chàng sẽ tới. Vì vậy chàng không thọc tay vào túi quần nghênh ngang chờ bồi phòng đến xách hành lý như ở các nơi khác mà hăm hở trèo thang một mình. Ở đây khách trọ phải khuân vác hành lý lấy, bồi phòng không phải là con gái thân hình căng cứng như muốn xì hơi, mà là thanh niên vẻ mặt xương xẩu lầm lì, được huấn luyện kỹ càng về công tác tình báo.
Lên lầu hai, chàng rẽ bên trái, đi hết hành lang và dừng trước phòng 217. Chàng tra chìa khóa vào ổ. Bên trong quang cảnh cũng ảm đạm như dưới phòng tiếp khách. Một cái giường gỗ trải nệm mỏng và ga trắng, choán nửa diện tích. Bên cạnh là cái bàn viết bằng gỗ tạp, hai cái ghế không dựa và một tủ gương nhỏ. Phía bên này là cửa vô buồng tắm. Nước lên có giờ, nên ban ngày phải chứa nước trong cái chum nhỏ.
Văn Bình khóa trái cửa, giấu điện đài vào đáy tủ, vào buồng tắm rửa mặt qua loa, rồi trèo lên giường để nguyên quần áo đánh một giấc ngủ. Ngủ trước đã. Lệ thường, trước khi bắt tay vào công tác quan trọng chàng hay ngủ một giấc no nê để tâm thần và cơ thể được thảnh thơi, nhẹ nhõm. Chàng thừa biết sẽ ngủ được yên, không sợ ai quấy rầy. Vả lại, nếu công an đến phòng, họ cũng chỉ đến ban đêm, sau khi chàng để lộ vết tích khả nghi. Đằng này, cán bộ Đặng Thái Trinh là nhân vật cao cấp, cử chỉ đường hoàng và nghiêm chỉnh... Không, Văn Bình còn được yên ổn một thời gian nữa. Ít ra là yên ổn trong giấc ngủ bù trừ đầu tiên này trên đất địch.