Số lần đọc/download: 0 / 48
Cập nhật: 2020-12-23 17:01:13 +0700
Chương 3 - Truyện Thứ Hai - Giai Nhân Ngực Lép
T
hường thường đàn bà ngực đẹp mới được coi là giai nhân. Thân hình đẹp cũng chưa đủ, da thịt phải thơm tho, chất nhờn của bồ hôi không được làm vương tôn công tử bịt mũi, trái lại, phải nở mũi thật rộng để thưởng thức.
Từ gần nửa thế kỷ nay, trên trái đất chỉ có một thiếu phụ tứ tuần được thiên hạ tôn làm giai nhân mặc dù nàng có bộ ngực chảy xệ và lệch méo, và điều tối kỵ hơn nữa là nàng mắc bệnh....hôi nách.
Tên nàng là Mata Hari, nữ điệp viên nổi tiếng trong Đại chiến thứ nhất. Nàng bị bắt ngày 13-1-1917 (trời ơi, cũng con số 13 tai quái như trường hợp đại tá Rết), trong tháng 9 bị đem ra xử trước Tòa án quân sự để rồi vào ngày 15-10 cùng năm bị đưa ra bắn.
Mata Hari nổi tiếng, một phần vì bản án của nàng. Các vị quan tòa cứ khăng khăng là nàng phạm tội, nàng đã cung cấp tin tức quan hệ cho nước Đức, gây ra cái chết của hơn 50.000 binh sĩ Pháp, tuy rằng từ đầu đến cuối phiên xử rất ít bằng chứng xác đáng được đưa ra. Hồi đó là năm 1917. Năm xấu nhất của nước Pháp. Trên mặt trận Tây, quân đội tử trận hàng vạn, một số đơn vị muốn nổi loạn. Người ta cần tìm một bung xung để trút trách nhiệm.
Và bung xung này là giai nhân Mata Hari, điệp viên mang bí số H.21 của Đức...
Mata nổi tiếng phần khác cũng vì những huyền thoại được thêu dệt chung quanh nàng. Chính nàng đã đóng góp nhiều vào việc thêu dệt ấy. Nàng không hề sinh trưởng ở Ấn độ, giỏi vũ khỏa thân từ tấm bé, và từ năm 13 tuổi đã múa nhẩy trần truồng trong những ngôi đền thờ thần tình dục Siva.
Thật ra, cha mẹ nàng là người Hòa lan trăm phần trăm, kết hôn với một đại úy Hòa lan phục vụ tại Nam Dương sau một mẩu tin rao vặt "tìm bạn tri ân" đùa bỡn trên báo chí, nàng sinh được một đứa con trai rồi... bỏ chồng.
Mata lang thang đến Ba-Lê, xin làm người mẫu lõa thể song bị từ chối tàn nhẫn vì lẽ ngực nàng quá xấu. Nàng bèn lao thân vào xóm lầu xanh, bán vui cho khách, dần dà nàng múa lõa thể tại các rạp hát bình dân trước khi được ngả vào vòng tay nhiều bậc quyền quý.
Dĩ nhiên Mata đã làm gián diệp. Làm cho Pháp. Và làm cho Đức. Nhưng làm theo kiểu tài tử thì đúng hơn Nàng chỉ giỏi về một môn làm, đó là làm tình.
Trong những huyền thoại được lưu lại hậu thế, có một huyền thoại rất gần sự thật. Huyền thoại về làm tình. Huyền thoại về con số người yêu của nàng. Nàng đã có nhiều, rất nhiều người yêu. Tại sao đàn ông yêu nàng đông đảo và khăng khít như vậy, cho đến nay bí mật ấy vẫn chưa được trả lời, tuy đã có hơn một tác giá cự phách, hơn một cuốn sách giá trị, đã viết về nàng, về Nữ gián điệp Mata Hari?
Trung úy Mót-nê (Mornet), ủy viên chính phủ của phiên tòa, người đã yêu cầu tòa lên án tử hình nàng, đã tuyên bố mấy chục năm sau về vụ án năm 1917 "Vụ Mata Hari hả? Chẳng có cóc khô gì hết! ".
Thật vậy, nếu Mata không phải là đàn bà, nếu nàng không có nhiều người yêu thì có lẽ nàng đã không bị hành quyết và đời nàng "Chẳng có cóc khô gì hết". Ngựa xe dập dìu, bướm ong ve vãn nên Mata trở thành bất tử.
Ngày 27-10-1963, khán thính giả đài truyền hình Pháp được theo dõi cuộc đời Mata lần đầu trên màn ảnh nhỏ. Hô-ly-út đã sản xuất một cuốn phim thành công rạng rỡ về nàng do nữ minh tinh thượng thặng Gờrơta Gátbô đóng.
Trong khi ấy, ở nước ta vẫn chưa có giòng chữ nào, bức hình nào về Mata. Người Thứ Tám cố gắng gạn lọc huyền sử, để trình bầy sự thật trần truồng — cũng trần truồng như các điệu vũ dâm loạn của Mata —và sự thật trần truồng này cho thấy là câu chuyện về giai nhân ngực lép không đến nỗi tẻ nhạt như lời thú nhận của ủy viên chính phủ Mót-nê.
I.
Toán người vẻ mặt nghiêm trọng dừng lại trước cửa xà-lim mang số 12 trong lao thất Thánh Lazarê.
Xà-lim 12 là phòng giam nữ tội nhân tử hình được nhiều người biết tiếng nhất. Mata Hari. Phòng giam khá rộng, ba cái giường kê song song mà vẫn còn thừa chỗ, tuy nhiên, không khí lại ngột ngạt, ban ngày cũng phải thắp đèn. Dầu bên ngoài trời nắng chang chang các giám thị cũng không dám tắt đèn vì trong này tối om, tường xây bằng đá ong kiên cố, lạnh lùng, ngay gần trần phòng chỉ có hai khung cửa sổ nhỏ xíu cắm chấn song sắt to tướng.
Lệ thường các xà-lim trong khu tử hình đều kê 3 giường, một tử tội nằm chung với hai thường phạm khác giữ nhiệm vụ canh chừng. Nhưng xà-lim của Mata hoàn toàn trống trơn.
Khóa cửa và xích sắt kêu rỏng rẻng. Tử tội đang còn ngủ, mặt quay vào tường. Tối hôm trước, nàng uống viên thuốc ngủ do y sĩ đưa sau khi nàng viết thư để lại. Trước đó nàng đã gội đầu sạch sẽ, tắm rửa thật lâu, và tắm nước thơm hoa hồng. Lần đầu tiên trong 8 tháng bị giam cầm, nàng được phép chọn thực đơn. Sau khi suy nghĩ, nàng kêu món bít-tết đặc biệt nấu nấm, uống kèm với rượu sâm-banh. Nàng yêu cầu viên chức khám đường mang hoa hồng tươi đến đặt trên mộ của mẹ nàng. Nàng ngồi gần một giờ đồng hồ với vị linh mục. Xong xuôi, nàng cầm bút...
Suốt đêm ấy, biện pháp an ninh được gia tăng tối đa. Ngoài hành lang lính võ trang đứng gác. Không ai được bén mảng đến khu tử hình. Mọi vật dụng của tử tội đều bị kiểm soát chặt chẽ. Để múc thức ăn, tử tội chỉ được dùng muỗng gỗ, loại mềm. Đĩa bát cũng bằng gỗ. Đôi giầy vải của nàng được khâu tay, không đóng đinh. Nàng hút thuốc liên miên, song không được phép đốt lửa nên một nhân viên đề lao luôn luôn túc trực để quẹt diêm cho nàng.
Tử tội được đánh thức đúng 4 rưỡi sáng. Giọng nói đều đều của viên thẩm phán quân pháp cất lên, xé tan màn im lặng rùng rợn lúc rạng đông
- Giờ thi hành công lý đã đến... Tổng thống đã bác bỏ đơn xin ân xá của bà. Bà phải thức dậy. Và phải có can đảm.
Nữ tử tội bàng hoàng trong giây phút. Nàng không hề sợ chết, nàng bàng hoàng vì nàng không tin chính phủ Pháp sẽ hành hình nàng. Trước vành móng ngựa tòa án quân sự vùng III, truớc 7 quan tòa lầm lỳ ngồi sau cái bàn dài bằng gỗ đào lên nuớc bóng loáng, trong phiên xử kín ngày 24-7-1917, nàng vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên, gần như ngạo nghễ bất cần khi ủy viên chính phủ tuyên đọc cáo trạng gồm 10 tội danh, tội nào cũng mang đến cái chết. Và khi tòa tuyên án, nàng không hề run rẩy.Trái lại, nàng còn mỉm cười, cái cười nửa miệng từng làm bao nhiêu người say đắm...
Mata không hề sợ chết, trong chuỗi ngày bị giam ở khám tử hình nàng đã chứng kiến cái cảnh hơn 10 nữ tử tội bị dẫn qua phòng nàng tới đoạn đầu đài, trong số đó có một người ngất xỉu phải dìu lên máy chém với hai người xốc nách.
Cho đến 4 rưỡi sáng hôm ấy, nàng vẫn vững tin thoát chết. Nàng không hề biết đường dây điện thoại của khám đường được canh suốt đêm mà Phủ Tổng thống không gọi đến. Tuy nhiều nhân vật và ảnh hưởng quan trọng tìm cách can thiệp, Tổng thống Pháp vẫn không ân giảm tội chết.
Viên thẩm phán kêu gọi nàng giữ can đảm, điều này có nghĩa là nàng sắp bị đem bắn. Nàng sợ lầm nên hỏi lại:
- Ông nói gì? Tôi bị bác đơn ân xá?
- Vâng. Yêu cầu bà sửa soạn.
- Lạ thật.. lạ thật...
Lạ thật... vì nếu đơn xin ân xá của nàng bị bác thì không lẽ kế hoạch giải thoát nàng khỏi khám đường lại không thành tựu..Nàng bỗng nhớ đến bá tước Piô 1 một trong nhiều tình nhân trung thành của nàng. Bá tước Piô hứa áp dụng một kế hoạch táo bạo: bằng tiền bạc mua chuộc toán lính hành quyết, thay đạn thật bằng đạn giả, mua chuộc cả những người phụ trách trói tử tội vào cọc, trói cách nào thật lỏng để sau khi súng nổ tử tội có thể giả vờ bứt dây ngã gục xuống đất, rồi sau cùng là kiếm cái hòm đục lỗ cho nàng thở. Nàng bị đem chôn là bá tước sẽ cho đào lên...
Tử tội ngồi bật dậy, hất tung cái mền xuống đất, đoạn yêu cầu dì phước Mari, một trong hai nữ tu tình nguyện sống bên nàng để an ủi, giúp trong những ngày còn lại trên dương thế:
- Xơ ơi, xơ lấy giùm cho những đồ lót đẹp nhất của tôi cất trên ngăn tủ kia kìa.
Dì Mari xuất thân từ một dòng tu đặc biệt gồm chừng 50 nữ tu chuyên phục vụ tội nhân trong khám đường. Dì hối hả mang đồ lại. Linh mục At-bu (Arboux) ghé tai tử tội nói thầm, nàng đáp:
- Vâng, vâng, một lát nữa thôi.
Nàng mặc đồ chậm rãi và bình thản, hai nữ tu không phải săn sóc như đối với các tử tội trước giờ đền tội.
- Tôi có được phép nịt cót-xê không?
Quản đốc khám đường đáp:
- Thưa bà, được.
Tử tội nịt cót-xê, xỏ chân vào đôi giầy tuyệt đẹp, rồi ngoảnh sang bên:
- Còn găng tay nữa chứ!
Đó là tất cả những gì còn lại của nếp sống trà đình tửu quán, quăng tiền qua cửa sổ của nàng. Làn tất tay mịn màng vuốt ve da thịt nàng, như có ma thuật, làm Mata bỗng được sống lại quá khứ.
II.
Margareta Geertruida Zelle chào đời ngày 7.3.1876 tại một làng Hòa lan, sát biên giới Đức. Cha nàng làm nghề buôn tầm thường, song có bộ mã khôi ngô và số đào hoa. Năm nàng lên 14, mẹ nàng lìa đời, bỏ nàng ở lại với 3 em trai.
Mẹ nàng chết chưa xanh cỏ thì cha nàng tục huyền, và cô bé Zelle được đưa vào nhà dòng học cho đến tuổi thành niên. Trong thời gian "kín cổng cao tường" này, mặc dầu kỷ luật nhà trường rất nghiêm minh, nàng yêu như vũ bão, yêu bừa bãi, gặp chàng trai nào nàng cũng bồng bột hẹn hò, như thể nàng thiếu đàn ông thì nàng không thể sống được. Tuy vậy, nàng có biệt nhỡn đối với sĩ quan. Nhất là các sĩ quan khôi ngô, hào hoa, ưa sống bềnh bồng. Ra trường, một ngày kia nàng đọc báo thấy mẩu lai cảo như sau:
"Đại úy phục vụ trong quân đội viễn chinh Hòa lan tại Nam-Á, về nước nghỉ phép, muốn tìm một người con gái hợp nhãn... McLeod".
Mẩu tin này thật ra do lũ bạn nghịch ngợm đồng ngũ của McLeod đăng để lỡm chơi. Chơi mà hóa thật... McLeod tiếp nhận được 16 lá thư xanh hẹn gặp, và định mạng đã khiến hắn chọn Zelle. Hắn đẹp trai, cường tráng, lại ăn nói hay ho, đeo lon quan ba, tương lai sáng lạn nên nàng yêu hắn chỉ là chuyện dĩ nhiên.
Trở thành vợ McLeod, nàng sinh hạ ngày 30.1. 1896 một bé trai kháu khỉnh, đặt tên là Nót-man. Điều nàng không ngờ là đại úy McLeod với ngoài quân tử, hào phóng lại chính là tên ma-cô ăn bám vào vợ, chuyên thả cỏ vợ lấy tiền bài bạc hút xách, đĩ điếm. Hắn bố trí cho khách giàu sang quí tộc đặt chân vào phòng ngủ, rồi nàng cởi quần áo múa nhảy, khách đang lâng lâng ru hồn cõi mộng thì hắn xuất hiện. Và kết cuộc là khách phải ngậm bò hòn làm ngọt, dùng tiền mua chuộc sự im lặng.
Chồng nàng bị đổi qua Nam Dương, nàng xuống tàu đi theo. Dọc đường, nàng tìm được hai người yêu và họ đã giúp nàng quên được cuộc hành trình nhọc nhằn trên biển. Sinh sống tại đảo Sumatờra với chồng, nàng yêu một tiểu vương bản xứ và sinh một con gái, đặt tên là Ban-đa.
Số kiếp đã bắt nàng phải đau khổ: sau này nàng chết trước tiểu đội hành hình thì con nàng cũng vậy. Đứa con trai duy nhất của nàng từ trần vì bị đầu độc tại Sumatờra. Còn lại đứa con gái thứ hai theo cha về nước thì cũng chết bệnh thảm thương trước khi biết nếm mùi đời.
McLeod ly dị vợ để sống chung với một góa phụ giàu có. Năm 1903, nàng tới kinh đô ánh sáng Ba-lê với ý định làm lại cuộc đời. Sau 3 tuần lễ lang thang thất nghiệp, giấc mộng trở thành nghệ sĩ tiêu tan, nàng gõ cửa một xưởng vẽ, xin làm người mẫu khỏa thân. Tiền thù lao quá ít, nàng bèn làm thêm nghề "phụ", và trong thời gian ba chìm bảy nổi này nàng mắc bệnh phong tình.
Giữa cơn nguy biến chới với, nàng được một thân nhân của chồng cũ mời về ở chung. Cặp vợ chồng già nay làm ơn suýt mang oán vì Mata Hari dùng ma lực xác thịt để lôi kéo ông chồng. Bà vợ phải biếu nàng một món tiền lớn nàng mới chịu buông tha, dọn ra khỏi nhà, và một lần nữa nàng trở lại kinh đô ánh sáng.
Nàng là người đầu tiên vũ thoát y theo kiểu thần bí Đông phương trên sân khấu Ba-lê. Cô-lét (Colette) là một nhà văn hào Pháp, cũng nhìn nhận "Mata có chân tài về nghệ thuật cởi bỏ quần áo trong khi vũ và phô bày một tấm thân thon mảnh, đẹp đẽ mà người Ba lê chưa từng thấy". Mỗi khi vũ, nàng chỉ mặc hai miếng tròn bằng vàng trên ngực, mục đích che giấu cặp nhũ hoa kém thẩm mỹ, và con rắn bằng bạc dưới bụng. Nàng tự nhận là đại vũ nữ Ấn-độ, từng múa trong đền thần. Na-muya (Paul Namur),họa sĩ trứ danh, từng vẽ nàng, đã phê bình nhan sắc của nàng như sau:
"Mata thật ra không đẹp. Nét mặt nàng rất thường, song môi nàng, làn môi mà bao người thèm được hôn, đã có một cái gì, làm xuân tình phát động. Má nàng và cằm miệng nàng cũng vậy, nó chứa một cái gì rạo rực. Nhìn làn da ngăm bóng của nàng, người ta luôn luôn có cảm tưởng nó vừa được thoa dầu thơm hoa hồng để át mùi bồ hôi. Nàng băn khoăn rất nhiều về thân hình nàng vì ngực nàng lép và chảy, ngược lại, cặp giò, cánh tay và đôi mắt thì hoàn toàn đẹp. Không phải ngoa khi có người nói rằng nàng có những cánh tay đẹp nhất thế giới"
Nàng thành công dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng nêu tiếng tăm của nàng lên như diều thì xuống cũng như xe hơi tuột giốc. Ba lê bắt đầu chán nàng, nàng bèn lên đường đi Bá linh.
Rồi từ cuộc sống thâu đêm bên tiệc tùng, trác táng trong vòng tay vương tôn công tử Đức, nàng bước chân vào vòng vây.. điệp báo. Tại sao nàng trở thành con thiêu thân gián điệp? Không ai có thể trả lời.
Có lẽ vì bệnh ham của mới. Điệp báo là nghề có nhiều mới lạ và bất ngờ. Có lẽ vì cần tiền. Có lẽ vì nàng mang bệnh thác loạn thần kinh. Đúng hơn có lẽ vì tất cả các yếu tố này gộp lại. Tài liệu lịch sử cho biết Canari 2 tùy viên quân sự tại sứ quán Đức ở Tây ban Nha, viết thư cho giám đốc Công an Bá-linh Von Dagô (Hen Veta Jagow) đề nghị lưu tâm Mata. Dagô kết nạp nàng vào tổ chức. Sau này, bị cật vấn trước tòa, nàng khai như sau:
- Tôi gặp Dagô trong một hí viện mà tôi trình diễn vũ điệu. Tại Đức, công an có quyền kiểm duyệt y trang của nghệ sĩ, một người đệ đơn kiện tôi về việc tôi phục sức hở hang nên Dagô đến hí viện để điều tra.
Đúng hay sai?
Không ai có thể trả lời.
Trước tòa, viên chánh thẩm hỏi nàng:
- Von Dagô đã kết nạp bị cáo vào Sở mật vụ Đức?
Nàng đáp lại cương quyết:
- Không.
- Bị cáo phủ nhận bí danh H.21 không?
- Không.
- H.21 là bí số của bị cáo trong Sở Mật vụ Đức?
- Không. Tình nhân của tôi cho tôi bí số này để dễ liên lạc với tôi. Bằng lối này, chàng có thể xử dụng đường dây của chính phủ vì các phương tiện liên lạc tư nhân đã bị chiến tranh làm gián đoạn. Ngoài ra, chàng còn có thể dựa vào đó để lấy công quỹ bao tôi.
- Bị cáo nhìn nhận đã lãnh tiền do Von Dagô trả?
- Vâng. Nhưng đó là tiền bao người yêu, chứ không phải tiền lương điệp viên.
- Trong thời gian chiến tranh, bị cáo ở Pháp đã lui tới nhiều sĩ quan?
- Dĩ nhiên, vì ở đâu chả có sĩ quan, vả lại tôi vốn yêu sĩ quan.
- Yêu sĩ quan Pháp?
- Yêu sĩ quan thuộc mọi quốc tịch. Tôi có óc quốc tế, tôi vốn khoái đàn ông khôi ngô và can đảm.
Ông chánh thẩm lại hỏi:
- Có đúng là bị cáo đã ăn trưa với giám đốc Công an Bá-linh Von Dagô không?
Và nàng đáp:
- Đúng. Không riêng Von Dagô, rất nhiều tình nhân của tôi đã mời tôi ăn như vậy, tôi cũng xin khai thêm trong trường hợp quý tòa muốn ghi vào hồ sơ là Von Dagô ở trong số những tình nhân tốt nhất và trung thành nhất của tôi.
- Bị cáo có chối là đã nhận của ông ta 30.000 mã-khắc? (tương đương với 10.000 mỹ-kim hồi ấy).
- Tôi đâu có chối. Vâng, tôi đã nhận số tiền này, nhưng đó là số tiền do tôi đòi hỏi. Ông ta phải trả tiền bao tôi. Bao một người như tôi phải tốn rất nhiều tiền, thưa quý tòa!
Khi Tòa hỏi về sự liên hệ giữa nàng và viên chỉ huy do thám Đức tại Tây ban Nha, nàng đáp:
- Vâng, tôi gặp chàng luôn, vì chàng là tình nhân của tôi. Chàng tặng tôi nhiều đồ quý. Có thể đó là tiền của chính phủ Đức, nhưng tôi không cần biết, vì nó không dính dáng đến tôi. Chàng đến ngụ cùng khách sạn với tôi, và tôi đã vận động cho phòng của chàng kế cận phòng tôi, hẳn quý tòa cũng đồng ý là người đàn ông có vợ đến khách sạn hò hẹn với tình nhân thường khôn ngoan thuê phòng riêng cho mình, đề phòng hậu quả tai hại!
- Bị cáo cũng đồng thời nhận tiền của một tình nhân ở Hòa lan?
- Vâng, chàng cho tôi tiền để đền bù lại cảm tình của tôi trong thời gian tôi cư ngụ ở Hòa lan.
Nàng núp sau bình phong tình yêu với hy vọng thoát khỏi bản án tử hình. Song nàng đã thất bại. Mata có những đức tính bẩm sinh của nghề gián điệp. Trí nhớ của nàng như tờ giấy thấm hút mực, bất cứ chi tiết nào lướt qua đều được ghi khắc. Nàng lại ít nói, không khi nào để lộ ý nghĩ, cảm xúc thầm kín của mình và nàng có biệt tài đóng kịch. Nàng còn có năng khiếu về ngoại ngữ. Thêm vào đó tấm thân bốc lửa, và sức quyến rũ kỳ lạ cũng như khả năng làm tình vũ bão, đam mê độc nhất vô nhị của nàng...
Nàng chỉ có một nhược điểm, ấy là không đếm xỉa gì đến nguyên tắc an ninh cơ bản. Lẽ ra phải kín đáo, nàng lại chường mặt trước thiên hạ, bây giờ nàng là cái đinh của xã hội thượng lưu, nàng có mặt trong mọi cuộc du hí quốc tế, nàng ngủ đêm nay với người Đức, đêm mai với người Pháp, đêm mốt với người Anh, đêm mốt nữa với người Nga trong khi cuộc chiến tranh tàn bạo đang diễn ra...
Cuối năm 1918, chiến tranh đã gây ra 37 triệu nạn nhân, trong số đó có 9 triệu người chết, và 4 đế chế bị lật đổ; Đức, Nga, Áo-Hung và Thổ.
Mata đã phục vụ cho mật vụ Đức từ năm 1912, hai năm trước thế chiến. Nàng thụ huấn tại trường điệp báo Lo-rát (Lorrach - gần Munich), và sau đó dưới bí số H.21 nàng được đưa về Pháp với nhiệm vụ mua chuộc một số ký giả viết bài thân Đức quốc. Nàng đi hết nước này đến nước khác, bề ngoài là để trình diễn vũ điệu, bên trong là để mở rộng màng lưới do thám. Nàng đến Áo quốc, Ai cập, Anh cát Lợi, Bỉ, Tây ban Nha, Hòa lan và Pháp. Nám 1914, thế chiến thứ nhất bùng nổ, nàng đang sống trong lữ quán sang trọng nhất ở Bá-linh, Von Dagô phái nàng sang Pháp nhờ ân huệ xác thịt, nàng đã lọt vào những ổ cung cấp tin tức quý giá, và giúp gián điệp Đức khá hữu hiệu.
Đại úy Lơ-đu (Ledoux), chỉ huy trưởng Phòng Nhì, nghi ngờ nàng. Tương kế tựu kế nàng tình nguyện làm việc cho Lơ-đu. Hệ thống phản gián của đồng minh bắt đầu để mắt tới sự đi về của nàng. Nhân dịp nàng đáp tàu thủy qua Luân-đôn, nàng được mời đến gặp huân tước Thom-sơn (Sir Basil Thompson), nhân vật điều khiển Phản gián Anh quốc.
Nàng thề thốt là không hợp tác với Đức và luôn luôn một lòng một dạ với đồng minh. Được yêu cầu giải thích tại sao nàng liên lạc với quá nhiều người Đức, nàng đáp lại, giọng khinh bạc:
- Vâng, tôi viết thư cho họ vì họ trọng vọng tôi quí yêu tôi và cư xử tốt với tôi trước khi chiến tranh xảy ra. Tôi nghĩ rằng chiến tranh không thể làm trái tim thay đổi được, phải không thưa ngài?
Huân tước Thom-sơn bèn ân cần khuyên nàng:
- Có thể tôi lầm. Có thể bà không vi phạm luật lệ. Nhưng với tư cách lớn tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn bà, tôi mạn phép khuyên bà từ bỏ hoạt động gián điệp, dầu bà phục vụ cho phe nào đi nữa. Gián điệp là một nghề ghê tởm và nguy hiểm.
Mata hứa sẽ đoạn tuyệt với nếp sống đi ngang về tắt. Song nói là một việc, thực hiện lời nói lại là một việc khác. Nàng vẫn tiếp tục hành nghề, và nhân viên phòng Nhì tiếp tục bám sát nàng như bóng với hình trên toàn cõi châu Âu.
Để ru ngủ phòng Nhì, nàng viết thư cho đại úy Lơ-đu xin được móc nối với điệp viên Pháp trong vùng Đức chiếm đóng, Lơ-đu cung cấp một đường dây gồm 3 điệp viên. Nàng không biết 3 điệp viên này là nhị-trùng, vừa ăn lương Pháp, vừa ăn lương Đức, và Lơ-đu muốn dùng họ để thử lại đáp số bài toán. Nếu Mata trung thành với Phòng Nhì, ba điệp viên này sẽ không bị đốt cháy.
Thực tế chứng tỏ hùng hồn là Lơ-đu đoán đúng. Mata Hari quả đã hợp tác chặt chẽ với địch. Ba điệp viên nhị-trùng bị Đức bắt giữ, trong số đó một người bị hành quyết tại chỗ về tội làm do thám cho Pháp.
Lơ-đu bèn bố trí thộp cổ Mata. Nhưng nàng lại đang sống nghênh ngang ở ngoại quốc. Lơ-đu kiên nhẫn chờ cơ hội nàng đặt chân lên đất đồng minh.
Cơ hội bằng vàng đã tới, Mata Hari - H.21 - được phái về Ba-lê.
Trong thế chiến thứ nhất, đồng minh đã bắt giữ 11.000 nữ điệp viên địch. Tuy nhiên, chưa nữ điệp viên nào được trả lương hậu hĩ bằng H.21. Trước ngày nàng sa lưới, nàng lãnh hàng tuần 50.000 phật lăng, một số tiền khổng lồ, so với mức lương hồi ấy.
Người ta không hiểu lý do nào đã khiến nàng trở về Pháp mặc dầu lãnh sự Hòa-lan tại Tây ban nha khuyên nàng hủy bỏ ý định. Một số giả thuyết đã được đưa ra: có lẽ Đức sắp bại trận, mật vụ Đức muốn biết tin Mỹ đổ bộ mà không có ai, ngoại trừ Mata, là có đủ bản lãnh và phương tiện gần gũi các yếu nhân đồng minh giữa lúc các màng lưới do thám của Đức đã bị Phản gián phá hủy gần hết ở Âu châu. Có thể vì nàng thân mật quá trớn với viên chỉ huy gián điệp Đức tại Tây ban nha nên bà vợ nổi cơn ghen, buộc chồng tống khứ nàng đi cho rảnh nợ.
Còn 2 lý do đau khổ khác: thứ nhất, Phòng Nhì Pháp lừa nàng, trong những ngày ở Tây ban nha, nàng cung cấp tin tức cho điệp viên Pháp nên đinh ninh được đại úy Lơ-đu bao che; thứ hai Mật vụ Đức lừa nàng, đúng hơn, múi chanh vắt kiệt nước Mata Hari đã đến lúc bị vứt vào xọt rác. Nàng không còn hữu ích cho họ nữa, nàng lại vòi quá nhiều tiền, nhiều tai to mặt lớn của Đức khốn đốn vì nàng, nên họ mượn tay Phòng Nhì Pháp giết nàng. Giả thuyết này có hy vọng gần sự thật nhất, vì mật vụ Đức đã dùng một mật mã cũ, hoàn toàn thiếu an toàn, mà họ biết là đồng minh đọc được, để báo tin nàng qua Ba-lê, và trả thêm cho nàng 15.000 phật-lăng tiền công tác phí.
Một tuần sau khi về Ba-lê, nàng bị bắt.
Năm triệu người Pháp đã chết, bị thương, mất tích hoặc bị bắt làm tù binh. Điệp viên H.21 phải đền tội. Mùa đông năm 1917 ấy, trời rét kinh khủng kinh đô ánh sáng như bị dầm trong thùng nước đá. Nhân viên Phòng Nhì mà nàng quen mặt, từng theo nàng khắp Âu châu 3 đang chờ sẵn trong phòng. Y cho phép nàng xếp quần áo vào va-li nhỏ, và còn yêu cầu nàng mặc thêm cái áo choàng lông ấm nhất.
Đến trụ sở Phòng Nhì, nàng phải ngồi đợi phập phồng một giờ đồng hồ trên ghế gỗ. Từ nhiều năm nay, nàng không quen ngồi ghế gỗ, ghế được vinh dự nàng chiếu cố phải là ghế bọc nệm, gắn lò-xo êm ái. Từ nhiều năm nay, ngụp lặn trong danh vọng và tiền bạc, nàng không quen chờ ai. Nàng biết là thời kỳ cực thịnh của nàng đã tận.
Nàng ngồi đối diện với đại úy Lơ-đu. Không chào hỏi, Lơ-đu tiến ngay vào đề:
- Bà làm gián điệp cho Đức từ bao gìờ?
Mata suýt bổ ngửa. Rõ ràng là Lơ-đu cố tình quên công lao của nàng... Nhưng Lơ-đu không quên. Mặt viên chỉ huy Phòng Nhi vẫn lạnh như thời tiết bên ngoài:
- Bà đã phản bội đồng minh, bà làm việc cho gián điệp địch từ bao giờ?
Thế là hết, gọng kềm đã khép lại.
Thời chiến, gián điệp địch không thể đem ra xử trước tòa án dân sự. Tuy nhiên, người ta đã giành biệt lệ bằng cách cho phép bị đơn Mata Hari được chọn luật sư dân sự để biện hộ.
Luật sư của nàng là Cờ-lu-nê (Edonard Clunet), là con cáo già pháp đình, lỗi lạc về quốc tế công pháp, bạn của tổng thống đương thời, và là anh hùng của trận chiến tranh 1870 Pháp-Đức. Nàng chọn Cờ-lu-nê vì tài biện hộ, nhưng cũng còn vì một lý do khác. Lý do tình cảm. Cờ-lu-nê vốn là một trong những người có diễm phúc được nàng ban phát ân ái khi nàng ngụp lặn trong hào quang nhan sắc, tiền tài và danh vọng, và cho đến giờ phút cô đơn buồn thảm ấy vẫn còn nặng nợ với nàng.
Cờ-lu-nê tìm mọi cách cứu nàng khỏi chết, đồng thời tìm mọi cách an ủi nàng. Suốt trong thời gian nàng bị giam, Cờ-lu-nê sai mang cho nàng những món ăn riêng thịnh soạn, những bó hoa hồng tươi đẹp đắt tiền, những chai rượu hiếm có, những hộp súc-cù-là mà nàng ưa thích và những ve nước hoa thượng hảo hạng như thể nàng vẫn là đệ nhất giai nhân của kinh đô ánh sáng ngày nọ, Ngay sau khi tòa tuyên án, Cờ-lu-nê bất chấp dư luận đàm tiếu đã ôm hôn thật lâu trên miệng nàng.
Cờ-lu-nê đã có mặt trong toán người tiễn điệp viên đa tình H.21 ra pháp trường.
III.
Nữ tử tội quì xuống để linh mục ban phép lần chót. Đứng bên, luật sư Cờ-lu-nê không ngăn được xúc động.
Nàng đội mũ lên đầu rồi ngoảnh sang phía luật sư:
- Em đội vừa lắm phải không? Ấy, còn quên một thứ. Cái kim băng để giữ nón khỏi tuột.
Dì phước Mari đáp nhỏ:
- Kim băng không có.
Quản đốc khám đường nói tiếp:
- Luật lệ không cho phép.
Viên đại úy phụ trách hồ sơ tòa án tiến lại, giấy bút sẵn sàng:
- Bà muốn nói điều gì không?
Mata đáp, giọng có vẻ giận dữ:
- Tôi ấy à? Tôi chẳng có gì đáng nói, và có gì đáng nói, tôi cũng không nói với ông.
Nàng nhún vai, nhìn các sĩ quan quân pháp với điệu bộ khinh miệt.
Xơ Mari bắt đầu sụt sùi, Mata phải an ủi:
- Đừng khóc,xơ ơi, xơ phải vui vẻ như tôi đây này.
Đoạn vuốt má xơ Mari:
- Chà xơ bé nhỏ quá, phải hai xơ Mari mới bằng được một Mata. Kìa xơ, nín đi.
Xơ vẫn sụt sùi. Tử tội nói thêm:
- Kìa đã bảo mà...xơ hãy cứ tưởng tượng là tôi lên đường đi xa rồi trở về và chúng mình sẽ lại tái ngộ. Vả lại, xơ sẽ tiễn tôi đi mà... Xơ cùng đi với tôi nhé!
Tử tội hôn nữ tu Mari.
Nàng đã sửa soạn xong. Nàng lại quay sang luật sư:
- À, còn mấy lá thư. Phiền anh trao giùm. Đừng lộn địa chỉ, nghe cưng, râu ông nọ cắm cằm bà kia thì sẽ sẩy ra nhiều vụ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt đấy. Uổng quá, còn thiếu mấy cái nữa, chưa viết kịp.
Quản đốc khám đường nói:
- Bà có thể viết trong phòng Hồ sơ bên dưới cầu thang.
Tử tội liếc trong gương, sửa lại mũ, kéo lon tóc cho ngay ngắn, đoạn dẫm một chân xuống đất, nói giọng điềm tĩnh:
- Tôi đã sẵn sàng. Các ông có thể mang tôi đi ám sát.
Các thẩm phán ra trước. Tử tội đi sau, giữa luật sư và linh mục. Khi nàng ra đến gần cửa, một người gác toan nắm cánh tay nàng, nàng bèn phản đối:
- Không, không được đụng người tôi. Xơ Mary đâu, chìa tay cho tôi nắm.
Đến phòng Hồ sơ, tử tội ngồi xuống ghế, tháo một bao tay và cắm cúi viết trong 7,8 phút đồng hồ, sau đó trao cả cho luật sư. Sau cánh cửa nhỏ là sân khám, một chiếc xe hơi nổ máy sẵn, đang đậu bên lề, một cảnh binh mở rộng cửa xe. Hệ thống canh gác được tăng cường vì có tin những người ái mộ tử tội bố trí đánh tháo dọc đường.
Một hạ sĩ quan cung kính hỏi luật sư Cờ-lu-nê:
- Thưa luật sư, chúng tôi được lệnh đề phòng cẩn mật. Nếu luật sư có tin gì về âm mưu đánh tháo tử tội, xin luật sư cho biết.
Luật sư đáp:
- Không, tôi không nghe thấy gì hết.
- Xin luật sư lấy danh dự một công dân Pháp để xác nhận.
- Vậy tôi xin thề danh dự.
Tử tội sắp sửa ra xe. Luật sư đột nhiên ngăn lại:
- Nhân danh điều 27 bộ Hình luật, quyển I, chương I, tôi yêu cầu tạm hoãn cuộc hành quyết. Con cáo già pháp đình thuộc làu luật lệ như cháo, và chờ đến phút chót mới quăng trái bom pháp lý. Quản đốc khám đường hiểu ngay mục đích của Cờ-lu-nê. Luật sư nói tiếp, ngón tay giơ cao một cách hùng hồn:
- Luật này cấm được hành quyết nữ tử tội đang mang thai, vì lẽ cái chết của tử tội sẽ dẫn theo cái chết của một bào thai vô tội....
- Điều luật sư vừa nêu ra hoàn toàn khôi hài.Tử tội bị giam trong xà-lim từ 8 tháng nay, không thể có dịp chung đụng với đàn ông.
- Ông lầm. Nàng đã có dịp chung đụng với tôi. Tôi là cha đứa trẻ trong bụng nàng.
Ủy viên chính phủ Mót-nê sửng sốt, không rõ vì tức giận hay vì khoái trá:
- Thôi thôi, cụ Cờ-lu-nê, ở tuổi cúp bình thiếc của cụ thì còn sinh con đẻ cái sao được?
- Ông đừng coi thường khả năng sinh lý của tôi. Trân trọng nhắc lại ông là năm 50 tuổi Abraham còn tạo được con. Tôi yêu cầu điều 27 được tôn trọng triệt để, các ông không có quyền hành quyết thân chủ của tôi.
Tử tội vừa tới chỗ hai người đàn ông tranh luận, quản đốc khám đường bèn hỏi:
- Luật sư Cờ-lu-nê cho biết bà đang có mang với ông ta, xin bà xác nhận lại, và bà phải để cho bác sĩ khám nghiệm mới có thể quyết định tạm đình chỉ cuộc hành quyết hay không.
Luật sư Cờ-lu-nê nài nỉ:
- Mata em, anh khẩn cầu em, em nên chịu cho y sĩ khám thai...
Tử tội cười lớn:
- Anh bạn già thân yêu ơi, anh ga-lăng lắm... Thật ra em cũng muốn được mang hột máu của anh để lưu lại một cái gì đó cho hậu thế, nhưng...
Nàng nghiêm giọng với quản đốc khám đường:
- Ông khỏi mẩt thời giờ nhờ y sĩ khám nghiệm, vì lẽ giản dị tôi không có thai. Sau 9 lần xổ thai, tôi không đến nỗi ngu lắm để ngừa thai, phải không hả ông? Tôi thành thật xin lỗi đã làm các ông thất vọng. Nào, bây giờ mời các ông tiến hành cuộc ám sát...
Nàng nhìn nữ tu đứng bên, nói tiếp, giọng đàn chị:
- Xơ ơi, đàn ông gì mà rát như cáy. Ho hèn quá, họ đinh ninh là tôi sẽ khóc hết nước mắt. Họ sợ phải nghe tôi than van, nài nỉ, cho nên người nào cũng sắp sẵn những lời hoa mỹ để khuyên tôi can đảm. Ha ha... nếu họ biết tôi ngủ đêm qua một giấc thật ngon nhỉ? Nếu là hôm khác tôi đã khiển trách họ đánh thức tôi dậy quá sớm, nhưng dầu sao tôi cũng không chịu nổi lề lối làm việc của họ, ai đời mang phụ nữ đi bắn mà quên dọn ăn điểm tâm!
Riềm xe được buông kín, tử tội ngồi phía sau bên cạnh là linh mục, hai nữ tu ngồi ghế đối diện. Một cảnh binh ngồi truớc với tài xế.
Đoàn xe từ từ ra khỏi cổng khám, dẫn đầu là xe thẩm phán, sau đến xe tử tội, xe quản đốc khám đường, xe y sĩ và xe phòng hờ.
Hồi đêm trời mưa to, đường sá trơn trượt như thoa mỡ. Đoàn công-voa chạy rất chậm, bùn bắn tung tóe mặc dầu tài-xế cố tránh những vũng nước đó. Khoảng gần 20 xe hơi chở ký giả chạy theo nhưng bị lạc đường và sau cùng không được phép vào pháp trường.
Đoàn xe đậu lại cách pháp trường 50 mét. Tử tội sợ bùn lấm đôi giấy mới xinh xẻo, đôi giầy có sợi dây buộc tuyệt đẹp mà nàng tấm tắc khen ngợi trên đường ra sân bắn, nên bước chân có vẻ rụt rè, cố giữ cho nước bẩn khỏi văng lên. Có khi nàng phải đi vòng qua vũng nước. Và có khi nàng phải đứng lại, lấy trớn nhảy vọt qua. Trông nàng không ai dám nghĩ nàng là tử tội. Tử tội sắp bị hành quyết. Ai cũng tưởng nàng là người đàn bà tràn trề nhựa sống, phục sức đẹp đẽ và tinh khiết, đang tới nơi hẹn với người tình trong mộng...
Trời đông đã hửng sáng. Những đám mây xám lững lờ trôi qua. Vũ trụ buồn ghê. Đâu đây có tiếng còi rít lên the thé. Tiếng còi nhà máy gọi công nhân đi làm việc.
Thời tiết thật lạnh, không khí ẩm ướt và nghẹt thở như thể bên trong nhà xác. Cây sồi đơn độc trên bãi rộng được dùng làm cọc trói tử tội đã trụi hết lá. Nó đâm thẳng lên nền trời những nhánh đen gầy guộc, khẳng khiu như bộ xương khô. Vũ trụ buồn ghê. Tạo hóa như hạ lệnh cho mọi vật để tang tử tội Mata Hari...
Binh sĩ xếp vòng trong vòng ngoài gồm cả thẩy ba vòng, tạo thành hình vuông chung quanh cây sồi đơn chiếc và rùng rợn. Linh mục At-bu xuống xe đầu tiên, trượt chân suýt té. Linh mục tỏ ra xúc động mạnh mẽ. Trái lại, tử tội vẫn thản nhiên, hơn thế nàng còn đưa tay cho hai tu sĩ nắm để xuống xe nữa...Khi ấy, thật khó mà biết ai là tử tội. Linh mục At-bu có vẻ là tử tội hơn là Mata Hari...
Hai cảnh binh lon ton đến bên nàng, song nàng đã khoát tay đuổi họ. Nàng nói với dì phước:
- Xơ nắm tay tôi chặt nhé!
Tử tội bước qua toán lính. Sĩ quan chỉ huy dõng dạc hô:
- Nghiêm, chào!
Mata Hari ưỡn thẳng ngực, bước chầm chậm mắt hướng về đơn vị dàn chào, nàng có thái độ nghiêm trọng và oai nghi của bà hoàng khi duyệt đạo quân danh dự ở phi trường. Trong đời, nàng đã nhiều lần đóng vai bà hoàng duyệt đạo quân danh dự dàn chào như vậy. Chỉ khác là trước kia duyệt xong nàng lên xe về phòng ấm nệm êm, uống sâm-banh, nghe nhã nhạc; lần này, duyệt xong nàng sẽ về cõi chết lạnh lẽo.....lạnh lẽo...
Kèn đồng của pháo binh trỗi điệu hùng tráng. Lưỡi lê và gươm tuốt trần lấp loáng. Gần đấy, một con chim se sẻ kêu chút chít. Sự trùng hợp của định mạng thật kỳ lạ. Mata Hari dịch nghĩa là "con mắt bình minh", "con chim ban mai", và đây là con chim ban mai đang cất tiếng chào Mata Hari sửa soạn từ giã cõi sống...
Đội hành quyết gồm 12 lính bộ chiến, toàn thể đều từ mặt trận di tản về Ba-lê sau khi bị thương, người trẻ nhất mới chẵn 18 tuổi. Phía sau đội hành quyết là toán lính bộ chiến khác, quân phục đẫm nước, và phía bên kia là toán kỵ binh đội nón đồng buông tỏa những đám lông đen dài, rồi đến pháo binh mặc đồ trận. Khoảng 5 ngàn người hiếu kỳ chen chúc nhau ở xa, dưới sự canh chừng của cảnh binh nai nịt gọn ghẽ.
Tử tội chỉ còn cách cọc bắn độ 8 mét. Nàng đứng thẳng người trên nền cỏ xanh, màu xanh của áo nàng nổi bật, nàng ngó binh sĩ tham dự cuộc hành quyết bằng luồng mắt dịu dàng. Rồi nàng nói với dì phước:
- Giờ đây là hết. Xơ hãy để tôi đi.
Nàng dứt khỏi tay nữ tu Mari. Luật sư Cờ-lu-nê ôm nàng hôn. Cảnh binh dẫn nàng lại gần cọc. Bản án của tòa được tuyên đọc lần chót. Linh mục Át-bu lầm rầm đọc kinh. Đội lính hành quyết bước rảo đến tập hợp thành hàng đối diện với tử tội.
Một cảnh binh vòng dây qua ngực nàng, toan trói nàng vào cọc. Nàng phản đối. Một người đưa cho nàng cái mù-soa để nàng bịt mặt, nàng lắc đầu từ chối, rồi ngẩng lên nhìn thẳng mọi người. Sau đó nàng nhìn thật lâu những người thân: luật sư Cờ-lu-nê, linh mục, hai nữ tu và hôn gửi họ bằng môi. Mặt không lộ sợ sệt, nàng nói lớn, cốt cho mọi người cùng nghe:
- Hãy đứng về bên phải tôi, tôi sẽ nhìn về phía ấy. Chào vĩnh biệt.
Sĩ quan chỉ huy giơ cao gươm, ra lệnh:
- Nhắm.
Tử tội mỉm cười. Nụ cười cuối cùng của đệ nhất vũ nữ giành cho cử tọa cuối cùng. Hai nữ tu quỳ gối niệm kinh.
- Bắn!
Chỉ nghe một tiếng nổ lớn. Vì cả 12 khẩu súng trường cùng bắn một lúc. Tử tội, tấm thân mĩ miều quấn chặt trong áo măng-tô lông đắt tiền, rùn lại, rồi gục xuống. Thân thể nàng đã cứng lặng, không quẫy mạnh như thường lệ. Một sĩ quan tì họng súng lục vào màng tang nàng, bắn phát thi ân. Đầu nàng chỉ gật nhẹ rồi im lìm.
- Quay lưng lại, bước đều, bước!
Kèn đồng lại nổi lên, đoàn quân diễn hành qua. Bác sĩ Sốc-kê (Socquer) tiến lại, mở cổ áo tử tội nghe tim, ông lau vết máu dính nơi tay, miệng nói:
- Chết ngay vì một viên đạn trúng tim.
Bác sĩ Sốc-kê ghi vào biên bản ngày và gờ: ngày 15.10.1917 hồi 5 giờ 47 sáng, đoạn ký chứng thư khai tử. Hai nữ tu đứng dậy, miệng vẫn lâm râm. Nữ tu Mari lại rút cái nhẫn đeo trên ngón tay người chết. Luật sư Cờ-lu-nê quỳ bên tử tội, cầm bàn tay đưa lên môi hôn. Công chúng xô đẩy nhau, hòng tiến lại gần cọc bắn, song cảnh binh đã chặn lại.
Viên chỉ huy lên tiếng lanh lảnh:
- Có ai xin xác chết không?
Không một ai đáp lại.
Không ai, trời ơi, loài người thật bội bạc..Suốt đời Mata Hari, có lẽ không lúc nào nàng thiếu đàn ông. Khi nàng còn sống, thiên hạ ao ước được chiếm hữu nàng, giờ đây nàng nằm bất dộng trên bãi cỏ trong vũng máu thì chẳng thấy ai. Chẳng thấy cha nàng, anh em nàng, chẳng thấy người yêu của nàng, chẳng thấy bạn bè của nàng.
Tại phiên tòa, hai yếu nhân đã bất chấp dư luận và hậu quả tới bản thân cương quyết hăng say bênh vực cho nàng. Người thứ nhất là Cam-bông (Jules Cambon) thuộc bộ Ngoại giao. Cam-bông khai trước tòa là Mata không hề lợi dụng sự liên hệ mật thiết giữa hai người để lấy tin. Người thứ hai là tướng Messimy, cựu Tổng trưởng bộ Chiến tranh. Bận cầm quân ngoài tiền tuyến, Messimy viết thư tay gửi về cho tòa:
"Theo chỗ tôi nhớ thì bị đơn chưa hề hỏi tôi điều nào có liên hệ gần xa đến chiến tranh, chính trường và những vấn đề của chính quyền. Bị đơn chưa hề yêu cầu tôi cung cấp một tin tức nào khả dĩ làm tôi nghi ngờ".
Chỉ còn lại trên pháp trường người đàn ông 75 tuổi gần đất xa trời, luật sư Cờ-lu-nê, là còn đoái tưởng đến giai nhân ngày nọ.
Ba cảnh binh khiêng xác chết ném vào quan tài bằng gỗ thông rẻ tiền méo mó, rồi đặt trên cỗ xe ngựa cũ kỹ và ọc ạch. Chiếc xe di chuyển một cách mệt mỏi trên con đường lầy lội, người xa phu tọng thuốc lá đầy ống tẩu, châm lửa hút với dáng điệu tỉnh khô, rít một hơi rồi nói chuyện tầm phào với hai cảnh binh cưỡi ngựa lóc cóc chạy theo.
Vô thừa nhận, xác tử tội được chở đến bệnh viện kế cận, đặt nằm tênh hênh trên nền đá hoa chờ các sinh viên y khoa thực tập mổ xẻ.
Nhiều năm sau, hai mẩu chuyện được đăng báo chung quanh nữ tử tội Mata Hari.
Chuyện thứ nhất là hồi ký của anh lính măng tơ 18 tuổi có chân trong tiểu đội hành quyết. Anh thấy nàng quá đẹp và quá can đảm nên tâm thần anh bị xúc động mãnh liệt, bàn tay anh run run, anh nhắm mắt bắn vào khoảng không trên đầu nàng.
Chuyện thứ hai do một y sĩ giải phẫu nổi danh thuật lại. Ngày Mata bị xử bắn, và thi thể nàng được vứt bỏ còng queo tại nhà xác trên nền đá bẩn thỉu và lạnh lẽo thì y sĩ hữu danh này mới là một sinh viên trường Thuốc, và được cái vinh dự mổ bụng nàng. Đó là lần đầu tiên, ông thực tập mổ cắt ruột dư. Cũng như anh lính trẻ, chàng sinh viên nội trú đã lúng túng hồi lâu trước khi có đủ can đảm đâm lưỡi dao nhọn vào bụng người đẹp gián điệp..
1 Đó là bá tước Pierre de Mortissac. Định mạng oái oăm đã khiến Mortissac bị chết như Mata Hari năm 1938 ở Tây ban Nha. Năm ấy Mortissac bị bắn về tội khuynh tả.
2 Walter Canaris, sau này trở thành trùm quân báo Quốc xã Đức trong Thế chiến thứ hai.
3 Điệp viên này tên là Triolet.