Số lần đọc/download: 4610 / 101
Cập nhật: 2015-07-18 13:02:08 +0700
Lại Thêm Mấy Dòng Tâm Sự
T
rong một dịp bất ngờ tôi được quen với Anh Giám Đốc nhà xuất bản Xuân Thu. Trong dịp này tôi còn được biết thêm rằng thân phụ của anh là giáo sư trường Le Myre deVilers, thầy học cũ của tôi.
Vừa rồi, anh có nhả ý muốn xuất bản tác phẩm của tôi. Tôi liền đưa ngay cho anh quyển Xương Trắng Trường Sơn là một tập trong bộ Đường Đi Không Đến của tôi. Thực ra tôi không mấy khi nghĩ đến việc in lại các tác phẩm của tôi hoặc viết lại những bản thảo đã mất. Bởi vì, cũng như các văn hữu khác, tôi luôn luôn nghĩ tới những truyện còn nằm trong bụng.
Riềng quyển Xương Trắng Trường Sơn mà tôi có đề đưa cho nhà Xuân Thu là nhờ anh bạn nối khố của tôi, ông Nguyễn Tri Sử, trưởng ban Tuyên Nghiên Huấn thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Công của ông Trần Quốc Bửu. Cũng là một dịp bất ngờ khác. Đời tô toàn gặp những bất ngờ… may mắn.
Trên chuyến bay lưu vong từ Guam sang Hoa Kỳ, gia đình tôi đi với gia đình anh Nguyễn Tri Sử. Hai đứa định xuống trại Sacremento ở California, nhưng khi máy bay hạ cánh ở Los Angeles thì được tin trại đã chật, bèn bay sang Fort Chaffee ở Arkansas. Lạ nước lạ cái, nên hai đứa tìm nhau luôn. Một hôm, anh đưa cho tôi một quyển sách và bảo: tôi tặng lại cho anh đấy, để làm của? “
Thì ra là quyển Xương Trắng Trường Sơn tôi đã tặng cho anh ở Sài gòn cách đây không đầy một tháng. Quyển sách này phát hành vào đầu tháng tư, nhưng tôi vẫn không đoán được những gì xảy ra vào cuối tháng tư nên gần nửa triệu bạc bản quyền tôi nhận được của ông Nam Cường (người Mỹ Tho đồng hương? ) tôi đem trút cả vào cho ngôi nhà hai tằng sắp xây xong ở Hàng Xanh (với dự định sẽ xây lên thêm một tầng nữa để làm Thiên Thư Lầu). Còn một tuần nữa ăn tân gia thì lại phải chạy ra Phú Quốc để đi Guam. Tác giả Xương Trắng Trường Sơn trở thành Tay Trắng Mình Không.
Nhận quyển sách từ tay bạn cố tri trên đất Hoa Kỳ tị nạn, tôi bùi ngùi cho số phận của nó vừn ra đời vừa được độc giả biết đến hai tuần thì đã phải bay đi theo vận nước. Tôi đút nó vào chiếc cặp da cũ lưu truyền từ đời ông nội tôi đến cha tôi rồi đến tôi, món báu vật độc nhất được tôi quảy đi từ Sài gòn.
Nếu không có nhà Xuân Thu hỏi tới chắc chắn tôi chưa có dịp giải phóng nó ra khỏi cái nhà tù tí hon kia, sau mười bốn năm giam cầm nó một cách độc đoán. Trước khi đưa nó sang nhà Xuân Thu, tôi đã liếc sơ qua, và thấy rằng nó chưa mất màu mặc dù giấy trắng đã thành vàng nẫu.
Sau hai mươi lăm năm vượt con đường chết trên thực địa, ghé mắt nhìn lại con đường trên những trang sách, tôi hãy còn kinh hoàng.
Vừa rồi tôi có nghe tin Tổng Cuộc Chính Trị quân lính Việt Cộng có phát động một phong trào viết Kỷ niệm Trường Sơn. Tôi biết họ bắt những người cầm bút viết theo đường lối “phải đạo” của họ tức là gọt xén tô phết làm sao cho con đường này trở thành con đường đầy hoa thơm cỏ lạ, con đường vinh quang chớ không phải con đường lót bằng xương nhuộm bằng máu của thế hệ thanh niên Hồ chí Minh. Dù sao đi nữa, những kẻ sống sót trên con đường này cũng còn khá đông, cho nên họ không thể nói láo.
Nhân dịp nhà xuất bản Xuân Thu tái bản quyển Xương Trắng Trường Sơn, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Bác Sĩ Hồ Văn Châm, người đã đề tựa cho quyển Đường Đi Không Đến của tôi (sau 1975 nó đã trở thành một trong những quyển đứng đầu bảng sách cấm). Lời tựa này ắt hẳn đã thêm một bằng chứng để bọn cai ngục hành hạ bác sĩ thêm trong mười bốn năm trời trong trại cải tạo mà bác sĩ đã trải qua.
Tôi cũng xin cảm ơn độc giả đ ã đón nhận nó một cách rất khích lệ cho tôi. Đặc biệt là độc giả trong nước, trước mũi súng và màng lướ dày đặc của công an mà vẫn bí mật in và phát hành quyển Đường Đi Không Đến, tuy với giá bốn mươi lăm ngàn đồng vào răm 1985 mà vẫn có người tìm mua.
Cuối cùng xin cảm ơn Anh Nguyễn Tri Sử và Anh Xuân Thu. Nếu không có hai anh giúp tôi thì quyển Xương Trắng Trường Sơn không có cơ may đến tay độc giả.
Hoa Kỳ, tháng 9 năm 1989
Xuân Vũ