The mere brute pleasure of reading - the sort of pleasure a cow must have in grazing.

Lord Chesterfield

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
iên y sĩ vùng Parabên là Phêđo Têrentievích Gôrbiacốp góa vợ đã sáu năm nay. Chết đi, người vợ để lại cho ông một gia tài gồm ngôi nhà, một hòm gỗ lớn có những đường viền bằng sắt mạ kền đựng các thứ đồ dùng, cô con gái mười ba tuổi tên là Pôlia và ông bố tên là Phêđốt Phêđôtôvích Bêdơmaternức, người mà ngay từ ngày đầu tiên của cuộc sống ở nhà vợ, Gôrbiacốp đã gọi theo kiểu dân Đức bằng «phate»[2].
Gôrbiacốp đến ở vùng Narưm không phải theo ý thích của bản thân mình. Khi còn là một sinh viên khoa y Trường đại học tổng hợp hoàng gia thành Tômxcơ, anh đã gia nhập nhóm Mácxít. Lúc phong trào sinh viên nổi lên ở trong trường, Gôrbiacốp đã tham gia tích cực vào phong trào ấy: anh lên diễn thuyết tại các cuộc mít tinh, mang tờ kháng nghị đến gặp ban lãnh đạo nhà trường, đi rải truyền đơn cách mạng trong cánh rừng bên cạnh nhà trường. Ít lâu sau anh bị bắt cùng với nhóm sinh viên. So với một số thành viên khác trong tổ chức bí mật bị kết án tù giam và tù khổ sai, thì ông Gôrbiacốp nhẹ hơn: anh bị đày đi vùng Narưm, làng Côxtarêvô, ba năm.
Không phải tự nhiên mà người đời lại nói: ai mà biết được bước đường đi của một con người. Gôrbiacốp đã không trở về trường cũ sau ba năm, rồi sau năm năm. Ở Parabên có một ông già đánh cá tên là Phêđốt Phêđôtôvích Bêdơmaternức, vốn trước kia là một tù khổ sai bị đày đi Xakhalin. Nhà ông cụ ở gần chỗ anh. Ông có cô con gái tên là Phơrôxia. Không ai biết được một cách tường tận, cô là con đẻ hay là con nuôi của ông già. Chỉ biết đối với ông Phêđốt thì cô con gái ấy là con người yêu quý nhất trên đời này. Miếng ngon lành nhất, mảnh vải đẹp đẽ nhất - tất cả Phêđốt đều giành cho Phơrôxia.
Để khỏi bị chết đói, nhiều người trong số những tù nhân bị đày đến Narưm vào mùa thu thường đi kéo lưới thuê cho bọn lái buôn. Chính ở đây, Gôrbiacốp đã nhìn thấy Phơrôxia. Nhìn thấy và đã yêu cô gái.
Sau nửa năm, Gôrbiacốp đã cưới cô làm vợ, anh chuyển sang ở nhà ông nhạc, đứng lánh bên rìa làng. Khi mãn hạn đi đày, Gôrbiacốp lên đường về thành phố Tômxcơ. Ở đấy anh đã dự kỳ thi tốt nghiệp khóa y sĩ và, với tấm bằng, anh lại quay trở về Parabên. Vào những năm ấy, con số «các phần tử bất lợi» bị đày đi vùng Narưm ngày càng nhiều. Số vệ binh cũng tăng lên. Người tha phương cầu thực cũng mỗi năm càng lắm. Miền đất hoang ấy rất hấp dẫn đối với lớp dân nghèo. Có một người thông minh nào đấy đã cho rằng: ở đây con người không thể sống thiếu sự trông nom của ngành y tế. Và thế là Gôrbiacốp đã trở thành ông y sĩ lưu động của vùng này.
Phải nói thẳng là công việc của Gôrbiacốp rất vất vả. Cả một nửa năm ông phải đi về các địa phương. Mùa hè đi bằng thuyền, mùa đông - bằng ngựa và hươu để đến những làng và những lều trại hẻo lánh nhất ở dọc hai bờ con sông Ôbi và các nhánh của nó - Vaxiugan, Tưm, Parabên, Keti, Tsulưm.
Nhiều người bị đày đến Narưm cũng như dân địa phương - các bác nông dân, dân chài và thợ săn - đã được Gôrbiacốp cứu giúp, không chỉ bằng lời chỉ dẫn của một người thầy thuốc, bằng những liều thuốc, mà cái chính là bằng sự trông nom săn sóc, bằng nhiệt tình của trái tim ông. Nhưng người mà Gôrbiacốp không gìn giữ nổi lại chính là Phơrôxia, vợ của ông. Bệnh lao tẩu mã đã hủy hoại cơ thể bà vẻn vẹn có sáu tuần. Gôrbiacốp chôn cất vợ trên quãng bờ dốc đứng của sông Ôbi lộng gió. Trên mộ chí ông tự tay khắc lên dòng chữ: «Phơrôxia ơi, hình ảnh em sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức anh, cũng như tình yêu của anh với mảnh đất ruột thịt nơi em sinh trưởng không bao giờ phai nhạt».
Dòng chữ ấy chưa chắc đã có người nào đọc tới, bởi vì cái bờ sông dốc đứng ấy bao giờ cũng vắng lặng như tờ. Mà Gôrbiacốp cũng không mong gì ai đọc khi ông khắc dòng chữ lên mộ chí, ông viết những lời ấy chỉ để cho mình, ông thề thốt không phải với Phơrôxia mà với chính bản thân ông.
Cái chết của người vợ đã khơi dậy trong ông nỗi nhớ về thành phố. Có những ngày ông chỉ muốn tung hê tất cả cái cơ nghiệp của anh y sĩ suốt đời lang bạt này đi và rời bỏ vĩnh viễn cái đất Narưm này để trốn về thành phố, nơi có trường đại học, có thư viện, có những con người mà ở họ ông có thể học hỏi được rất nhiều.
Nhưng một tháng qua đi, rồi lại thêm một tháng, và cả một năm đã trôi qua, mà Gôrbiacốp lại vẫn tiếp tục sống như ông đã sống. Và chẳng bao lâu ông đã hiểu ra rằng mình vĩnh viễn sẽ gắn bó với mảnh đất này. Pôlia đã thực sự bước vào đời. Và ngắm nhìn cô con gái, ông rất biết: nó sẽ chẳng khi nào chịu rời bỏ nơi này, đối với nó thì chẳng có thành phố nào thay thế được con sông khắc nghiệt này, con sông mùa hè thì nước dâng rất lớn, con sông có đôi bờ hoang dại, lặng tờ, với những cánh rừng rậm rì đến mức một viên đạn bắn ra bị mất hút ngay chỉ sau một xagiên[3] với những đồng cỏ rộng mênh mông trải ra bốn phía mà giới hạn của chúng là chính chân trời.
Gôrbiacốp còn lo cho cả số phận của ông già Bêdơmaternức. Đưa ông cụ đi khỏi nơi đây để về thành phố ở thì chẳng khác nào bắt ông cụ giam vào trong ngục. Mà để ông cụ ở lại giữa những người xa lạ thì lương tâm không cho phép: ông cụ đã đến cái tuổi cần phải có người trông nom săn sóc rồi.
Và còn một lý do nữa, có thể là lý do chính nhất khiến cho Gôrbiacốp không thể nào rời bỏ nơi này. Theo nghề nghiệp và trách nhiệm thì ông là một viên y sĩ, một con người có phần bị ràng buộc bởi địa vị chính thức và chức vụ của mình, nhưng theo quan điểm, cách nhìn và cách cảm nghĩ của ông thì ông lại thấy mình là một nhà cách mạng, một người bônsêvích - một con người mà cuộc đời đã vĩnh viễn gắn liền với Đảng.
Tổ chức Đảng ở Narưm hoạt động trong những điều kiện hết sức bí mật, đến mức những người bônsêvích bị đày ra vùng này cũng chỉ có thể đoán biết mà thôi.
Tổ chức Đảng buộc phải giữ gìn bí mật một cách nghiêm ngặt như vậy bởi vì trong số tù bị đày cùng với những người bônsêvích còn có cả bọn người mang quan điểm chính trị khác hẳn, đó là bọn người mensêvích, bọn cách mạng xã hội chủ nghĩa và bọn vô chính phủ. Không những phải đề phòng bọn chó săn cảnh sát mà phải đề phòng cả bọn chống đối chính trị, những kẻ đã ý thức rằng con đường đi đến với cách mạng của những người bônsêvích là một con đường hoàn toàn khác với con đường của chúng. Những quan điểm khác nhau về mặt chiến lược và sách lược đã tạo nên một vực thẳm kinh khủng giữa các đảng phái chính trị ở Nga.
Trung tâm bí mật của Đảng ở Narưm đã tổ chức được một cách rất thông minh màng lưới những địa điểm bí mật để gặp gỡ và nhờ đó giữ được liên lạc với các tổ chức Đảng ở Tômxcơ, Mátxcơva, Pêtécbua cũng như với các nhóm bônsêvích lưu vong ở nước ngoài. Trung tâm này nắm các mối giây liên lạc giữa những người bị đày ở vùng Narưm. Nếu như có đồng chí nào vượt ngục thì cũng có nghĩa là trung tâm đã nhận thấy việc làm ấy là cần thiết và sẽ tạo mọi điều kiện để giúp cho cuộc chạy trốn ấy được an toàn.
Trung tâm cũng đã có quyết định về số phận của Gôrbiacốp. Ông phải ở lại nơi đây làm nhiệm vụ của người y sĩ và giúp đỡ trung tâm giữ quan hệ với bên ngoài. Đấy là quyền hạn của Đảng mà về phạm vi hoạt động của nó thì Gôrbiacốp chỉ có thể hình dung ra qua những câu chuyện của những người đi đày mà ông nghe được, và qua những tài liệu in mà đôi khi lọt đến tay ông.
Tin về người tù vượt ngục xuất hiện ở bờ sông Parabên là do Pôlia báo cho Gôrbiacốp. Sau cuộc săn đuổi, người con gái chạy về nhà cũ của mình. Bố cô đang ngủ trên giường, bàn tay to khỏe lót dưới bên má đầy râu. Đối với ông đám cưới cô con gái là một công việc khá nặng nề: ông phải lo sao cho cô có được một món hồi môn, rồi lại chuẩn bị mọi thứ để tiếp khách ở tại nhà mình. Và tất nhiên là ông đã uống một bữa rượu ra trò. Rượu thì ông đã biết uống và uống thật giỏi ngay từ khi còn là một cậu sinh viên đi dự những bữa tiệc vui với bạn bè.
Pôlia không biết gì tường tận về mối quan hệ giữa cha mình với những người tù chính trị bị đày đến nơi đây, mặc dầu cô hoàn toàn tin tưởng rằng cha cô và cả ông cô nữa chẳng bao giờ làm điều gì không tốt đối với những con người ấy. Chính bản thân ông cô và cả cha cô nữa cũng đã từng là những kẻ bị tù đày như vậy. Cô càng không hề có một khái niệm gì về Đảng, về những người bônsêvích. Còn về bước đường đời của người cha, cô biết được là do chính những câu chuyện mà bố cô kể lại. Cô biết được vì sao cha cô lại có mặt ở Narưm, và đoán chừng là trong số những người bị đày đến cái miền đất đáng nguyền rủa này có không ít bạn bè của ông,
Gôrbiacốp đang nhức đầu ghê gớm vì ông đã uống quá nhiều và vì vừa trải qua những lo toan quá lớn. Phải khó nhọc lắm ông mới ngồi dậy nổi, đưa hai bàn tay lên xoa thật mạnh vào cái khuôn mặt to bè bè và đầy râu ria lốm đốm bạc của ông. Vừa nong chân vào đôi ủng, ông vừa bắt con gái phải kể rõ đầu đuôi câu chuyện. Pôlia lại nhắc lại từ đầu - từ cái lúc viên cảnh sát vào nhà, đến cuộc săn đuổi người tù vượt ngục dọc theo hai bờ sông Parabên rồi cuộc gặp gỡ của cô với người tù ấy ở quãng sông cụt.
- Có lẽ là một tù hình sự, một tên kẻ cướp nào đó bỏ chạy chứ gì! - Gôrbiacốp nói, sau khi nghe con gái kể, trong bụng nghĩ thầm: «Nếu như người của ta vượt ngục thì nhất định mình phải được thông báo chứ...»
Pôlia tuy không hiểu nổi những khía cạnh tinh vi trong vấn đề chính trị, song cô hiểu được chỗ khác nhau giữa tù hình sự và tù chính trị.
- Sao bố lại nói vậy, bố ơi! - cô gái sửng sốt kêu lên. - Chính tai con đã nghe thấy viên cảnh sát trưởng báo tin rằng: «Một tên tội phạm quốc gia quan trọng vào bậc nhất» đã vượt ngục kia mà. Việc gì mà tự nhiên hắn lại phải đề cao đến thế một tên kẻ cướp tầm thường?
Gôrbiacốp đưa tay lên vuốt mớ tóc bù sù, ông thở mạnh, hai hàm răng giữ chặt chiếc tẩu thuốc trong mồm. Và ông nghĩ: «Cũng có thể là như vậy - có thể là các đồng chí ấy chưa kịp báo cho ta. Mà cũng có thể lại còn tệ hơn thế nữa - bị đứt mối dây liên lạc».
- Đúng thế đấy, Pôlia ạ! Tất cả đều có thể. Và dù cho người đó là ai đi nữa thì việc con cứu anh ta khỏi tai nạn vẫn là rất tốt. Anh ta sẽ đợi ít ngày trong lán, rồi sẽ đi.
- Không, anh ta không đi đâu, bố ạ! Con đã dặn anh ta đợi con báo tin rồi. - Pôlia nói vẻ thật là dứt khoát. - Và hơn nữa bố cứ thử nghĩ mà xem: anh ta đi đâu cho được? Sông Ôbi đang đóng băng. Lối qua sông không có. Không thể lội qua cũng không thể bơi thuyền qua được. Mà anh ta thì hình như chỉ mang theo có mỗi bọc quần áo nhỏ.
Gôrbiacốp rút chiếc lược từ trong túi áo khoác ra, đến bên gương để chải bộ râu đang rối xoắn vào nhau. «Cái anh chàng vượt ngục này kể cũng thật buồn cười! Ra đi vào đúng lúc thời tiết khắc nghiệt nhất. Hoặc là một cái đầu liều lĩnh, hoặc là chẳng hiểu biết gì về thời tiết của địa phương». - Gôrbiacốp vừa suy nghĩ vừa chăm chú nhìn vào gương mặt mệt mỏi với đôi mắt mòng mọng của mình.
- Pôlia, thôi, con... về đi. Kẻo người ta lại nghĩ những điều chẳng tốt đẹp về con, - Gôrbiacốp nói có phần gắng gượng. Ông vẫn không sao tin nổi rằng đứa con gái của ông nay đã tách khỏi ông, đã vĩnh viễn tách khỏi rồi, nó đã đánh đổi ngôi nhà của cha mẹ nó, nơi nó sinh ra và lớn lên, lấy ngôi nhà của một ông bác nào đó hoàn toàn xa lạ. «Tình yêu... biết làm sao! Thì ngay cả chính bản thân ta cũng chẳng thế là gì? Lúc đến đây thì ta buộc lòng phải đến, vậy mà ta đã tự nguyện ở lại nơi đây. Và tất cả cũng chỉ vì ta đã bị tình yêu cám dỗ». Việc Pôlia lấy con trai của một gã lái buôn không đem lại niềm vui cho Gôrbiacốp. Của đáng tội ông cũng phần nào được an ủi bởi cái ý định của Pôlia sẽ cùng chồng tìm cách ra ở riêng. Mà ông biết con gái ông là một đứa có nghị lực và rất kiên trì, nó đã định làm một việc gì thì nhất định sẽ làm cho bằng được.
Khi Pôlia mở cửa định chạy vội về ngôi nhà mới của cô, thì người cha lại giữ cô nán lại:
- Này con, ở bên ấy con để tai nghe ngóng xem bọn vệ binh chúng bàn bạc những gì. Xem con người ấy là ai? Muộn một chút bố sẽ ghé qua, con sẽ kể cho bố nghe mọi chuyện.
- Thế bố không để cho anh ta chết đói và chết rét đấy chứ? Giá như bố bảo ông Phêđốt mang cho anh ấy thức gì ăn thì tốt. - Pôlia nói và nhìn cha với đôi mắt đầy vẻ khẩn cầu.
Cụ Phêđốt đang nằm trên lò sưởi hơ lưng, ông cụ đã lắng nghe câu chuyện giữa con rể và cháu gái, nhưng vẫn chưa hiểu được họ nói chuyện gì. Nghe cháu gái nhắc đến tên mình, ông cụ bèn ngồi phắt dậy và từ sau bức rèm che lò sưởi, cái đầu tóc quăn bạc trắng của ông cụ ló ra và hỏi:
- Pôlia, có phải cháu vừa gọi ông không đấy?
- Không đâu, ông cứ nghỉ đi, ông.
- Vậy à. Thế mà ông cứ tưởng có việc gì cần, - ông Phêđốt nói, đưa mắt hết nhìn Pôlia lại nhìn Gôrbiacốp.
o O o
Gôrbiacốp không vội vàng đến ngay chỗ Ivan Akimốp. Trong khi còn chưa nhận được tin tức gì từ trung tâm ở Narưm gửi đến, ông không có quyền mạo hiểm. Điều duy nhất mà ông có thể làm - đó là việc tiếp tế thức ăn cho người tù vượt ngục, ba ngày tiếp một lần.
Người mang thức ăn cho Akimốp là ông già Phêđốt, ông cụ chỉ việc mang thức ăn đến để trong lán rồi lập tức ra về. Mỗi lần ông cụ đi như vậy, Gôrbiacốp lại dặn đi dặn lại một điều: hết sức giữ gìn cẩn thận, đừng để cho bọn vệ binh dò ra dấu vết của người tù vượt ngục. Nghe con rể nói, ông già vốn đã từng là một tù khổ sai ấy chỉ ậm ừ.
Đã qua đi có tới mươi ngày mà Ivan Akimốp vẫn cứ buộc phải trú chân trong cái lán nhỏ bên bờ khúc sông cụt. Còn Gôrbiacốp thì ngày ngày chờ đợi tin tức từ Narưm về. Sông đã đóng băng một lớp dày. Tuyết rơi phủ trên mặt đất có tới một ácsin[4] và người ta có thể đi bằng xe trượt tuyết.
Một hôm viên cảnh sát trưởng vùng Parabên là Varxônôphi Côvintêlianôvích Philatốp cưỡi ngựa đến nhà ông y sĩ. Lúc ấy Gôrbiacốp đang ngồi cân thuốc trong buồng. Ông chia thuốc ra thành từng thang. Thường ra, viên cảnh sát trưởng vẫn đến nhà Gôrbiacốp. Y đến phần để chăm lo sức khỏe cho y và phần khác để làm nhiệm vụ. Y có một thân hình cao ngồng và gầy đét. Chính cái sự gầy guộc đó của y đã hành hạ bao người - ngay chính bản thân y, vợ y và cả viên y sĩ.
Vừa đến, y đã cất giọng ồm ồm:
- Anh Phêđo này, ở đây thật ra mà nói, chỉ có hai người là thực sự đáng mặt được gọi là viên chức nhà nước: đấy là tôi và anh. Bọn vệ binh thì không tính làm gì, Một lũ ngốc!
Philatốp cứ thích nói to lên những lời như vậy, có lẽ vì chúng chứng tỏ lòng tự tin của y và cho y cái quyền đặt mình ngang hàng với viên y sĩ, một con người từ nơi xa đến và trình độ học vấn thuộc loại không phải thường.
- Điều đó là lẽ tất nhiên rồi, anh Varxônôphi ạ! - Gôrbiacốp trả lời. - Cả quốc gia này dựa vào chúng ta, những con người như tôi và anh đấy!
Gôrbiacốp mắt sáng lên, miệng cười tủm tỉm, nhưng rồi ông lại lập tức nghiêm nét mặt ngay, chính cái thái độ ấy của ông làm cho Philatốp vô cùng khâm phục. «Một con người thật là độc lập. Một chiếc trục chắc chắn của quốc gia». - Viên cảnh sát trưởng nghĩ thầm, không hề ngờ đến những điều chẳng lấy gì làm tốt đẹp mà viên y sĩ đang nghĩ về y.
Gôrbiacốp đẩy chiếc cân và các vị thuốc vào một góc, đứng dậy đến bên ngưỡng cửa đón viên cảnh sát:
- Nào, mời anh vào nhà, anh Varxônôphi, mời anh vào cho! Để tôi bảo đem nước pha trà. Thế nào, đi đường có mệt không anh?
Philatốp thậm chí không cởi áo khoác ngoài:
- Thôi, anh thứ lỗi cho, anh Phêđo, tôi vội lắm. Tôi đi thoải mái lắm. Đường xá rất tốt. Anh có quà đây này. Nhận lấy! Lại sách hả! Anh thật là một nhà trí thức, anh Phêđo ạ.
- Thế còn công việc của anh, ra sao rồi, anh Varxônôphi? Có chạy không?
- Đang gặp khó khăn đây, anh Phêđo ạ! Cái thằng tù vượt ngục ấy, nó biến mất, tựa hồ như nó đã chui xuống đất rồi. Anh nhớ không, cái thằng mà bọn tôi tìm bắt vào hôm cưới cháu Pôlia ấy?
- Biến mất à?
- Tựa như nó bốc hơi bay lên trời rồi ấy! Không lần ra một dấu vết nào! Ngài quận trưởng cảnh sát phát điên phát cuồng lên. Ông ta ra lệnh thuê nông dân đi vây lùng khắp các cánh rừng. Kể cả vùng Cônpasevô nữa. Tiền công đã chi rồi.
- Đấy chắc phải là một tên tù quan trọng nên ngài quận trưởng cảnh sát mới chăm lo đến thế, phải không anh?
- Quan trọng vào bậc nhất đấy, anh Phêđo ạ. Ngài quận trưởng cảnh sát nhân thể nói thêm rằng không chỉ có lệnh từ Tômxcơ xuống, mà cả Pêtécbua cũng đã đánh điện về rằng dù có phải cày đất lên, cũng phải tìm cho bằng được kẻ đã trốn khỏi nhà tù!
- Nói nghe dễ quá đi!
- Nhưng biết làm sao được! Nhiệm vụ mà! Ngay bây giờ đây tôi phải đích thân đi đến từng nhà để dụ dỗ bọn nông dân. May ra sáng mai có thể tập hợp được ít nhiều.
- Thế còn sức khỏe của anh, anh Varxônôphi? Cái xương bả vai của anh không đau nhức nữa chứ?
- Vẫn còn đau đấy.
- Coi chừng đấy, anh Varxônôphi, đừng có tự hại mình. Trông anh dạo này lại gầy quá rồi đấy.
- Nhưng biết làm sao được? Nhiệm vụ mà!
- Thì anh hẵng cứ nghỉ ngơi lấy một vài ngày, sưởi ấm đi một chút, có được không?
- Anh thấy đấy, lệnh xuống là không được trì hoãn cuộc vây lùng...
- Dù sao thì nhiệm vụ của tôi là phải nhắc nhở anh, anh Varxônôphi ạ.
- Thật tôi chẳng còn biết nên xử sự thế nào nữa.
- Cái đó là tùy ở anh thôi.
Viên cảnh sát trưởng vẻ mặt lo âu cất bước trở ra. Gôrbiacốp vội vàng giở gói sách mà ông vừa nhận được. Từ trong tấm bìa của một cuốn sách ông rút ra bức thư của trung tâm bí mật của Đảng ở Narưm. Thư báo tin cho ông biết:
«Người vượt ngục là Ivan Akimốp, bí danh của anh là «Granhít»[5]. Cần phải hết sức giúp đỡ anh để cuộc vượt ngục thành công tốt đẹp. Theo quyết định của Ban chấp hành trung ương, đồng chí Granhít nhận nhiệm vụ đi Xtốckhôn để tăng cường cho lực lượng của những người dân chủ xã hội theo đảng bônsêvích ở Thụy Điển và để làm một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Chúng tôi cho rằng ít nhất là trong vòng ba tháng tới cuộc vượt ngục chưa thể tiến triển về phía thành phố Tômxcơ được. Chúng tôi xin cảm ơn các đồng chí về mọi biện pháp mà các đồng chí có thể làm để giúp đỡ đồng chí Granhít.
Theo những nguồn tin xác đáng thì ở Narưm vừa có cuộc họp liên tịch giữa các quan chức cảnh sát và hiến binh để thảo luận về vấn đề phải ngay lập tức tăng cường kiểm tra việc canh giữ các tù chính trị, đặc biệt là đối với những người dân chủ xã hội theo đảng bônsêvích. Còn về việc Akimốp thì chúng dự định sẽ tổ chức một loạt cuộc vây lùng ở các địa điểm sau: Parabên, Cônpasevô và Crivôsêinô».
Gôrbiacốp đốt mảnh giấy trên ngọn lửa cồn, bóp nát tro rồi trộn vào với tàn thuốc lá trong cái gạt tàn. Sau đó ông đứng dậy và đi đi lại lại trong buồng từ góc này sang góc kia, từ chỗ bàn làm việc đến chỗ chiếc tủ đứng và ngược lại.
Việc đầu tiên mà ông phải làm ngay tức khắc là ngăn cản không cho viên cảnh sát trưởng tổ chức được các cuộc vây lùng. Nếu không thì sẽ gay go cho Akimốp. Tuyết là một kẻ phản bội tàn nhẫn vô cùng. Nó sẽ giữ lại trên mặt nó tất cả mọi dấu chân mà con người thì lại chưa biết được cách xóa dấu chân mình trên tuyết. Cuộc lùng sục mà tiến đến đây, đến cái nhánh sông ở Parabên này thì dứt khoát chúng nó sẽ không bỏ qua khúc sông cụt. Mà Akimốp thì không có đường nào để có thể thoát khỏi nơi đây: xung quanh chỉ rặt có rừng và những cánh đồng cỏ tuyết phủ trắng, mênh mông.
Việc thứ hai ông sẽ phải làm là - đưa Akimốp đến nơi ẩn nấp mới, chắc chắn và bảo đảm hơn, để anh có thể ở đấy đến hết mùa đông và để cho những cuộc lùng sục, vây bắt và những cơn thịnh nộ của bọn cảnh sát lắng xuống phần nào.
Gôrbiacốp cứ đi đi lại lại mãi trong buồng, đốt hết bao nhiêu là thuốc lá mà cuối cùng vẫn chẳng nghĩ ra được sáng kiến gì.
Bỗng cánh cửa ra vào kẹt mở, ông già Phêđốt bước vào. Ông cụ bao giờ cũng thận trọng và lễ độ trong cách đối xử với người con rể. Trong thâm tâm ông cụ không chỉ nể mà còn tôn trọng con người ấy. Ông cụ nể - vì cái đầu óc độc lập của ông, vì trí thông minh và vì tinh thần chịu đựng. Và tôn trọng vì tấm lòng nhân hậu và sự chăm chút của ông đối với ông cụ. Ông cụ thường vẫn thầm nghĩ về con rể: «Anh quả là một con người phúc đức, anh Phêđo ạ. Gặp phải đứa khác thì nó đã đá phốc tôi đi từ lâu rồi và để mặc cho tôi chết rấp ở bờ rào bờ dậu nào đó. Hoặc nó đã cưới một con vợ mới và để cho mụ ta mặc sức hành hạ tôi khiến tôi phải chết đi cho sớm. Nhờ đâu mà trời lại phú cho tôi cái hạnh phúc được sống với anh trong những ngày tuổi già sức yếu này?»
- Anh Phêđo ạ, tôi có một điều cần nói với anh, - cụ Phêđốt nói, mắt nhìn vào bà giúp việc đang hý húi cạnh bếp lò và tay thì nhanh nhẹn cởi khuy áo khoác.
- Phate cứ vào đi. Để cửa đấy con đóng lại cho.
- Anh Phêđo này, tôi đã gặp Gavơriukha rồi đấy. Anh ấy có vẻ rất lo, - ông già nói, đưa tay vuốt vuốt mái tóc quăn và dừng lại ở giữa gian buồng.
- Phate ơi, thế đầu đuôi câu chuyện ra sao?
- Anh ta đứng trực sẵn để đợi tôi và tự nói: «Cụ hãy cứu giúp con, trong khi còn chưa muộn». Chả là tối hôm qua có hai thanh niên đã đến cái lán ấy. Một người tuổi chừng mười bốn còn người kia chừng độ hai mươi. Cả hai cùng trượt tuyết. Họ hoảng sợ khi chợt thấy Gavơriukha, và cả hai cùng ù té chạy ra phía đường mòn. Và thế là suốt cả đêm qua Gavơriukha không ngủ, yên trí rằng mình sẽ bị vây bắt.
- Được rồi, phate ạ, thế nhưng phate có để ý xem vết trượt tuyết đi về hướng nào không?
- Có, tôi có để ý xem rồi, anh Phêđo ạ. vết trượt đi về phía Bônsôiê Nhêxtêrôvô.
- Thế thì tốt đấy. Có nghĩa là họ không đến ngay nhà viên cảnh sát trưởng mà còn đi bàn bạc với bà con trong làng trong xóm. Nhưng mà họ bàn bạc với ai kia chứ?
- Tôi cũng chả biết với ai.
- Đấy, điểm quan trọng của vấn đề là ở đấy, ở chỗ không biết họ bàn bạc với ai. Mà thời gian của chúng ta thì đã gấp lắm rồi. Nếu không lập tức chuyển Gavơriukha đi, thì chỉ tối nay thôi là bọn vệ binh sẽ ập đến bắt anh.
- Thế đối với anh, Gavơriukha có quan hệ thế nào, là bạn hay chỉ là người bắt dây liên lạc?
- Vừa là bạn cũng vừa là người bắt dây liên lạc, lại vừa là anh em nữa - là tất cả cùng một lúc.
- Vậy thì ta phải bảo vệ lấy anh ta.
- Nhưng mà làm cách nào để bảo vệ hả phate?
- Anh cứ yên tâm. Tôi sẽ đưa anh ta vào sâu trong rừng taiga rậm rạp. Vũ khí tôi đã chuẩn bị sẵn sàng rồi. Còn thức ăn thì anh bảo chị giúp việc gói ghém cho. Tôi với anh ấy sẽ cùng nhau sống trong rừng rậm một thời gian cần thiết, cứ coi như tôi tổ chức một chuyến đi săn. Sẽ chẳng ai có thể nghĩ được rằng tôi đã đưa anh ấy đi theo.
Gôrbiacốp trầm ngâm suy nghĩ. Ông già đưa ra một ý kiến quả không phải là đơn giản. Từ đây đến rừng taiga, nơi ông cụ vì những lý do này khác đã từng nhiều lần sinh sống, phải đi mất hai ngày. Ở đấy có một chiếc lán dựng đã từ lâu. Ngoài việc săn bắn còn có thể đánh cá. Việc ăn uống chẳng thành vấn đề gì cho lắm. Chỉ có điều đường đất xa xôi và cảnh vật hoang vu kinh khủng, đường đi đến đó chỉ có những người đi rừng rất thành thạo mới lần ra. Biết đâu các đồng chí ở trung tâm lại sẽ chẳng tìm ra một cách nào khác tốt hơn để bảo vệ Akimốp. Mà chưa biết chừng có khi lại gặp dịp may cho phép Akimốp tiếp tục đoạn đường, chẳng hạn như anh ta có thể đóng giả làm một viên quan chức của nhà nước đi làm một nhiệm vụ bí mật nào đấy? Lúc ấy thì ông, Gôrbiacốp này, biết làm gì? Có cách nào vào được tận rừng taiga xa tít ấy để mà đưa Akimốp trở ra, qua bao nhiêu là rừng rậm, suối, sông và đầm lầy kia chứ?
- Thế này nhé, phate. Phate hãy mang hộ con những gói thuốc bột này đến nhà ông cảnh sát trưởng đưa cho vợ ông ta và nói với bà ấy hộ con rằng bà ấy phải bắt ông ta nằm nghỉ đi. Dạo này ông ta gầy lắm mà lại phải đi đường trường đến tận Narưm, đấy đâu phải chuyện đùa.
Ông già nhìn Gôrbiacốp với đôi mắt dò hỏi. Người con rể bắt gặp cái nhìn ấy và hiểu ý ông:
- Con định thế này, phate ạ: viên cảnh sát trưởng Philatốp nằm một chỗ và như vậy cuộc vây lùng mà hắn định sẽ tổ chức vào ngày mai sẽ không thành. Trong khi phate đi đến đấy thì con cũng sẽ cố nghĩ ra một cách nào khác nữa.
Ông già bước ra và lát sau trở lại đã ăn mặc ấm áp gọn gàng: trong chiếc áo lông ngắn, chiếc mũ lông chó và đôi ủng lông.
Gôrbiacốp đưa những gói thuốc mà viên cảnh sát trưởng cần uống cho ông cụ và dặn dò thêm để đề phòng:
- Phate, cha đừng có nói ý kiến gì của cha đấy nhé. Cứ đưa xong là về thôi.
- Nhất định là phải thế rồi, - ông cụ nói mà như người lầm bầm. Dưới đôi lông mày rậm, đôi mắt ranh mãnh của ông cụ loáng lên cái ánh trẻ trung, nụ cười vừa chạm tới đôi môi dạn dày sương gió liền tắt phụt ngay như tia lửa giữa trời gió thổi tứ bề.
Bên ngoài cửa sổ, tuyết rít lên ken két dưới bước chân của ông già. «Sắp có băng giá!» - Gôrbiacốp chợt nghĩ. Rồi ông lại tiếp tục đi đi lại lại trong căn phòng. Những cách giải quyết rất khác nhau đang lần lượt hiện ra trong đầu óc của ông: «Nếu như ta đưa anh ấy về nhà. Giả làm như anh ta là quan trên từ Tômxcơ xuống kiểm tra công việc... chẳng hạn. Không được. Mà rồi người ta lại có thể hỏi mình: thế ngài ấy đi với ai, đi bằng xe ngựa nào? Những người đánh xe ngựa ở đây thì ai mà chả biết. Không, không thể chấp nhận cách giải quyết này».
«Hay là chuyển anh ta đi một nơi nào khác? Như đưa anh ta đến chỗ những người đánh cá trên sông Ôbi chẳng hạn. Ta sẽ tự đưa đi và sẽ giới thiệu với tất cả mọi người rằng đấy là bạn thời niên thiếu của ta ở thành phố ra chơi... Rồi ta sẽ xin với họ cho anh ấy ở lại đấy chừng tuần lễ lấy lý do vì anh ấy rất mê công việc bắt cá vào mùa đông... Nhưng rồi sau tuần lễ ấy thì ta biết làm gì? Và ai mà bảo đảm được rằng ở đấy người ta lại không đi khai báo ngay từ buổi đầu tiên khi anh ta xuất hiện? Bây giờ thì ở đâu mà bọn cảnh sát lại không lùng sục đến, cứ nơi nào có người là có mặt bọn chúng rồi».
Và như vậy là, cho đến lúc ông già trở lại, Gôrbiacốp vẫn chẳng nghĩ ra được một cách gì khác cả. Còn ông cụ thì lại báo cho con rể một tin vô cùng kinh ngạc:
- Anh Phêđo ạ, thuốc thì tôi đưa cho mụ vợ của Philatốp rồi. Mụ ta cảm ơn bằng cái giọng nghe như đấm vào tai. Mụ dặn tôi phải nói lại với anh là mụ sẽ không chịu nợ nần đâu đấy. Ý giả: ơn sẽ trả bằng ơn.
- Thế cha không nhìn thấy chính hắn ta à?
- Thấy chứ! Hắn đang bận rộn với cái nhiệm vụ bẩn thỉu của hắn...
- Nghĩa là thế nào kia ạ?
- Hắn ngồi với tên vệ binh của làng Côxtarôvô và đang bàn kế hoạch làm sao nhanh chóng chặn các ngả đường để cho Gavơriukha không còn lối nào mà thoát nữa.
- Cha không nghe thấy chúng bàn bao giờ thì sẽ bắt đầu dăng lưới?
- Ngày mai hắn sẽ cho đội quân chó đẻ của hắn lên đường. Chính vợ hắn nói với tôi như vậy. Chỉ sau bữa cơm trưa, khi hắn đã làm xong cái nhiệm vụ khẩn cấp ấy, hắn mới yên tâm nằm vào chiếc đệm lông để nghỉ.
- Phate, thế bây giờ chúng ta phải làm gì? - Gôrbiacốp dù muốn cũng không thể nào giấu nỗi lo lắng của mình.
- Ta sẽ đưa Akimốp đi khỏi đây trước khi chúng tới, anh Phêđo ạ.
- Làm thế nào mà đi kịp được, phate?
- Đêm nay tôi sẽ đưa Gavơriukha vào sâu trong rừng taiga. Đến khi chúng nhận ra thì đã chẳng còn dấu vết gì.
- Phate hãy chuẩn bị đi. Chúng ta không còn cách nào khác nữa. - Gôrbiacốp nói và ông đau lòng nghĩ tới cô con gái của mình: «Giá như có Pôlia ở nhà thì tốt biết bao! Nó sẽ giúp ông ngoại chuẩn bị và đưa tiễn ông lên đường».
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri