Số lần đọc/download: 5912 / 75
Cập nhật: 2016-04-22 16:50:51 +0700
Phần I - 3 - -
S
áng hẳn. Gã vệ sẽ rẽ về nhà, Lồ dong ngựa lên đồn Pha Linh. Ba con ngựa nâu từ trong đồn lọc cọc chạy ra. Đó là ba sảo quán Châu Quán Si, Thèn Sèn Phà, Lèng Sì Trà trong bộ sậu thủ túc tin cẩn của Lồ và tri châu La Văn Đờ. Thấy Lồ, chúng dừng cả lại, reo gọi:
- A! Na nủ về rồi!
- Người Tây rút hết rồi, na nủ ơi!
- Ông Phơ-rô-pông gửi lời chào na nủ. Na nủ không đến dự buổi ăn thề làm ông tư buồn đấy.
Lồ cau mặt:
- Buồn cái l. mẹ nó. Giờ, nó ở đâu?
- Ở sân bay. Tất cả ở đấy rồi. Na nủ có đi không?
- Đi!
Lồ gắt, quay ngựa. Con ngựa mệt, bọt mép sùi trắng, bất đắc dĩ quay đầu, mắt trợn ngước tức tối. Nhưng nó cũng như Lồ, khỏe và chóng quên, dễ bị kích thích. Những u oải, mệt mỏi và trạng thái tinh thần tình cảm dang dở hồi đêm vứt hết về phía sau, Lồ lại là một khối lửa bừng bừng những sức mạnh bản năng. Con ngựa như luồng gió thổi, thốc xuống phố Pha Linh.
Lướt qua bên Lồ những tháp canh ngất nghểu, những lô cốt nổi u nổi khối, tiêng nói cười hỗn độn của bọn lính bảo an đi khiêng nước, đi tắm ngựa dưới suối về. Thoáng qua mắt Lồ, toà nhà hai tầng mới xây xong của Lồ. Toà nhà không lớn bằng toà gia trạch ở giữa phố của La Văn Đờ. Đờ, tri châu xứ Hmông Pha Linh, mới thăng tỉnh trưởng. Còn Lồ? Lồ đâu có chịu lép.
Năm 1948, bỏ chức uỷ viên quân sự tỉnh của Việt Minh về, Lồ được nhận ngay hàm châu uý. Mấy tháng sau Lồ kiêm thêm chức châu đoàn. Và giờ thì Lồ chỉ huy toàn bộ dõng trong châu, một lúc hưởng hai lương. Trên Lồ có ông châu họ La, có quan ba tây ác-nô, nhưng thật ra Lồ đứng cạnh họ. Chức tước, quyền lực, oai vũ và nhất là tín nhiệm của Lồ lan truyền, đồn thổi tới từng đứa trẻ trong xứ Hmông xa xôi này. Ông nội Lồ Pláy của Lồ, một lão già cổ hủ và ghê gớm vẫn ở lại làng quê Lao Pao Chải, giàu sụ lên, thóc ngô đầy nhà, trâu bò đầy núi. Bố Lồ từ chức seo phải quèn, tót lên làm ông lý. Còn về gia đình riêng của Lồ, vợ cả Lồ đã chết, vợ hai Lồ giờ cai quản cơ ngơi của hắn ở phố. Mới đây La Văn Đờ còn dụ Lồ góp cổ phần vào Công ty nha phiến Việt Điền của ông ta. Lồ đã thành quan lại, đã giàu có. Nhưng, quan trọng hơn là giờ đây, giờ đây…
Giờ đây, lịch sử đã sang trang. Khi phòng tuyến đường số 4 đã vỡ, Việt Minh đang vượt sông Chảy lên Pa Kha, sự có mặt của những Phơ-rô-pông, ác-nô, những trung đoàn bộ binh, pháo thủ Ma-rốc, những tiểu đoàn Thái đã trở nên vô duyên ở miền thượng du này thì người Pháp lập tức hiểu ra rằng, giờ đây người viết sử đích thị của xứ sở này phải là bộ tộc Hmông mà đại diện dũng mãnh, cang cường là thế hệ trẻ tuổi của họ. Trọng trách phải đặt trên vai Lồ, mặc dầu người Pháp còn áy náy không yên về mặt tính nết bẩm sinh của Lồ; Lồ đã được họ cố gắng nhào nặn để thoát khỏi tình trạng hoang dã nguyên thuỷ, nhưng, theo họ hiệu quả xem ra còn mong manh lắm.
Về phần Lồ, giờ đây bằng tư duy thô sơ và cảm biết đơn giản, Lồ cũng nhận ra vai trò của mình. Trên mình ngựa, thoát khỏi đời sống phóng đãng thường tình, hắn lại hừng hực máu thủ lĩnh và giậm giựt nỗi ấm ức bấy lâu: "Hừ, La Văn Đờ là cục thịt mà cũng làm tỉnh trưởng. Người Tây nói yêu ta, tin ta mà thế à? Không có ta sao giữ được Pha Linh ba năm vừa qua. Ta không đến họp với ông Phơ-rô-pông không phải ta ghét ông. Ta không thích đến. Đến để chào họ, để nghe họ dặn dò, chỉ bảo ư? Đi hết cả đi. Ta sẽ ở lại đất này. Tự ta, ta khắc biết phải làm gì, làm thế nào rồi…"
Con ngựa đen bị giật, thúc liên hồi, phăm phăm vượt qua các ngọn đồi; nó chạy tắt và chỉ lát sau đã đưa cái khối tâm sự uất ức và cao ngạo đó tới sân bay của trấn Pha Linh. Nằm kín đáo trong một thung lũng dài như cái lá lúa, sân bay dã chiến này đang ở trong một cuộc chia tay ồn ào và lâm li chưa từng thấy. Dừng ngựa, Lồ nhìn thấy chiếc đa-cô-ta màu bạch kim, không số, đang nằm ngỏng đầu chờ đợi trên bãi cỏ rầu rầu và ở cạnh nó, đông đủ những kẻ sẽ rời khỏi đất này trong chuyến bay cuối cùng.
Tỉnh trưởng La Văn Đờ to béo phục phịch như một cây thịt, đội mũ phớt, mặc pa-đờ-xuy dạ đen, nhẹ nhõm chiếc va ly con trên tay, đứng bên cô vợ ba A Linh áo váy đỏ chóe xẻ sườn, kiểu Thượng Hải. Nấn ná mãi, vì quyến luyến cô ả hay vì lý do nào khác mà hôm nay lão mới ra đi. Lão đi, cô ả trở về Vân Nam quê ả ư? Bọn thổ ty họ Nông bên Mường Cang đang khệ nệ chuyển hòm xiểng, đồ đoàn lên máy bay. Lý Kiều Đương thẳng như cái cọc đứng cạnh mấy tên cai, đội béo lùn. Thị Cọt mặc áo dài gấm đỏ, vấn khăn nhung, gầy đét đứng cạnh ông bố là tri trâu Nông Vĩnh Yêng mập mạp mỡ màng. Cô nàng về Hà Nội sẽ quay về với thằng cha Hoàng Văn Tường nhân tình cũ; hay chồng ả, gã Xì Xám Mần béo mỡ, sĩ quan tham mưu của quân đội Tưởng thống chế lúc này đã có mặt ở Hà Nội rồi?
Một đám sĩ quan trẻ đang xúm quanh Phơ-rô-pông. Đã có đến mười chuyến máy bay ra đi rồi, giờ sao còn lắm bọn này thế. Kìa, sao lại có cả mấy con trâu? Trâu cũng đi Hà Nội ư? Không phải. Tri châu Hoàng Văn Chao ục ịch, vừa cưỡi trâu từ Pa Kha sang. Ngựa, lão cưỡi không quen. Lão đi có một mình. Chắc là còn mải lo chôn cất vàng mười, bạc trắng nên lũ thê thiếp và thằng con Hoàng Văn Tường thò lò chơi bốn cửa đã phới cả đi trước rồi.
Chao đang chen lên cửa máy bay. Cửa máy bay bộn người. Bọn này sợ bị bỏ lại hay sao? Lồ bật cười. Nhưng, Lồ bỗng nhổm người trên mình ngựa. Phơ-rô-pông vừa chạy đến cửa máy bay. Hắn đun đít lão già Hoàng Văn Chao xong, liền quay lại hét một tiếng rõ to, lập tức đám đông giãn ra, rồi theo hiệu tay vẫy thân ái của hắn, hai người Hmông ăn mặc rách rưới từ nãy đứng khép nép dưới cánh máy bay từ từ bước lại, và rụt rè bước lên bậc cửa máy bay.
Lồ cảm thấy được an ủi. Hắn thúc ngựa đến thẳng chỗ viên quan tư.
- Ô la la! Ông Lồ! Tôi thật ngẩn ngơ cả con tim, khô héo cả lá gan vì mấy ngày nay mong ước mà chưa được gặp na nủ - Phơ-rô-pông nói tiêng Hmông đúng phong cách, ngữ điệu Hmông - Tiếc thật. Nhưng tôi tin chúng ta đã nhiều lần trò chuyện thật hết ý để cùng lòng với nhau rồi. Bây giờ, tất cả đã ở trong tay na nủ.
Mắt Lồ hoa hoa. Dễ nổi giận, mau quên, chóng làm lành, hắn lại rưng rưng sung sướng, lại ngùn ngụt kiêu hãnh. Nhất là sau lúc đó, ghé lại bên hắn là những lời chào, sự nhờ cậy, niềm tin cẩn:
- Mọi sự liên hệ sẽ bằng máy bay và điện đài như ta đã bàn, na nủ Lồ!
- Na nủ yên lòng. Chỉ nay mai sẽ có lệnh tấn phong na nủ.
- Anh Lồ đừng đứt lá gan, quên em nhé.
- Tất cả dinh cơ, quyền hành của tôi, tôi để lại cho na nủ. Người Hmông ta xưa rày một cõi, na nủ ạ.
Nghe cái giọng vang trầm ấy, Lồ hơi ngước lên, nhận ra La Văn Đờ mặt thâm trầm bí hiểm. Nhưng, con mắt lành của hắn bỏ qua ngay Đờ, chiếu thẳng vào một gương mặt đàn bà đang mướt ánh cười đứng cạnh Đờ: A Linh. Chao, bà ba! Đã qua bao cuộc chung đụng táo tợn bí mật với ả mà sức quyến rũ của ả với Lồ vẫn như còn nguyên vẹn, tinh khôi. Ả là cái gì? Một tấm thân thon chắc quẫy động khát muốn nhục thể, nơi ẩn náu những đòi hỏi cao vọng đã tiết ra nhưng còn hết sức mập mờ với tư duy còn sơ khai của Lồ. Đáp lại cái nhìn bạo dạn của Lồ, hai con mắt ả đong đưa cuốn hút. Chuỗi hạt cổ thả quả tim vàng nạm ngọc thạch giữa khe lõm của hai bầu vú nở nang động đậy. Làn môi cong vừa dạn dĩ vừa uốn éo thơ dại của ả như vừa thoát ra một lời tình tự say sưa, khi mắt Lồ vừa chạm vào ngực ả.
Lồ bừng bừng cả người.
Và khi ả quay lại, giơ tay vẫy từ biệt La Văn Đờ, Phơ-rô-pông trên máy bay thì Lồ tưởng như cả tấm thân mình sẽ vỡ tung vì sung sướng. A Linh không đi! A Linh ở lại! Ôi! Eo, mông A Linh núng nính, căng nức trong cái váy chật khít.
Cánh quạt máy bay quay tít, động cơ nổ âm vang thung lũng.
- Không đi à? - Quay hẳn mặt lại, Lồ hổn hển, hỏi trống không.
Hai con mắt lúng liếng của A Linh nghiêng nghiêng như trêu chọc, như mơn trớn Lồ. Như muốn hỏi Lồ: Không thích à? Chiếc máy bay đã bò trên đường băng. Người Lồ là một đám cháy. Nếp sống phóng dục thiêu đốt hắn. Chẳng thể chờ đợi lâu hơn, chiếc đa cô ta vừa rời đường băng, Lồ đã lao tới người đàn bà, hai cánh tay giang rộng như hai sợi song đá.
Người đàn bà giẫy, kêu the thé trong tiếng cười. Hai chân ả đạp, nhưng hai cánh tay lại vít cổ Lồ thít chặt. Đặt người đàn bà lên yên, Lồ phắt lên lưng con ngựa. Hai tay Lồ vòng ra trước thít lại, ép vào hai bầu vú căng mịn của A Linh. Nhận được cú thích chân như máy vào háng, con ngựa đen đã quen với cảnh chủ cướp gái, nhún chân phóng liền. Người Lồ bừng bừng như lên cơn sốt:
- Na nủ Lồ! Na nủ Lồ!
- Tại sao A Linh ở lại mà không bảo tôi. A Linh có biết tôi mừng thế nào vì A Linh ở lại không!
- Anh Lồ…
- Vào trong rừng kia! Trời! Tôi sẽ chết trên bụng A Linh mất thôi.
Bên đường, ba sảo quán Sì, Trà, Phà thất thanh gọi Lồ rồi giơ súng lên trời nổ đòm đòm liên hồi. Khi ấy chiếc máy bay đang lượn một vòng, tăng dần độ cao, từ biệt đất Pha Linh.
o O o
Ngọn lửa dục đã xẹp. Chúng buông nhau, nằm cách xa nhau, ngửa mặt nhìn trời. Lồ nghĩ lơ mơ. Hắn nhớ đến cái lần chung đụng đầu tiên với A Linh ở căn buồng hẹp trong căn nhà gỗ hai tầng của tri châu La Văn Đờ. Dạo ấy, Đờ mới chạy Nhật từ Vân Nam về. Lần ấy, Lồ chỉ có cảm giác ả là một con bé máu mê không được thoả mãn với ông tri châu già. Nhưng những lần sau, Lồ hiểu, ả hoàn toàn không phải chỉ là như thế. Lồ đâm ra e ngại. Liệu ông Đờ có biết chuyện tư tình của Lồ và ả không? Chẳng biết nhưng cứ thấy ả cứ xấn tới và Lồ vốn là kẻ háo dục. Người đàn bà đã ngồi dậy. Đưa tay cào tóc, cặp mắt ả ngầu ngầu ánh đỏ:
- Na nủ táo gan thật đấy nhỉ!
Lồ lim dim con mắt. Những khoái lạc tràn trề đang tan hoà, sau cơn bồng bột, sau cực điểm của lạc thú là phút giây điềm tĩnh, nhẹ tênh. Hắn xoay người, nằm nghiêng nhìn ả, thấy ả đã khác xưa nhiều rồi. Thấp thoáng đó đây trên gương mặt, vóc hình ả là vẻ lạnh lùng, già dặn và khôn ngoan.
- Đừng nói thế, A Linh. Tôi yêu em thật mà.
- Hứ.
- Thật mà! Ông Đờ không về nữa. Nhưng, người này đi còn có người kia. Tôi yêu A Linh thật mà.
- Anh Lồ ơi, anh đáng yêu quá. Tôi cũng yêu anh thật mà.
Lồ gỡ hai bàn tay ả đàn bà, quay đi, mũi ngàn ngạt.
- Tôi không làm em khổ. Tôi thua gì ông Đờ?
- Thật không làm tôi khổ chứ?
- Thật.
- Tôi chỉ biết làm A Linh sướng thôi.
- Thật chứ?
- Thật như lúc nãy em nằm dưới tôi, em rên hầm hừ ấy, em cào sứt cả lưng tôi. Ông Đờ có biết làm cho A Linh sướng thế không?
- Thôi không nói chuyện ông Đờ nữa. Anh Lồ ơi. Tôi cũng yêu anh quá. Tôi yêu anh vì anh khinh thế ngạo vật, vì anh chí khí hơn người. Tôi cũng chỉ muốn anh sướng, thật sướng. Anh nghe tôi nhé, đừng thối chí, núng lòng. Tôi sẽ ở bên anh. Nhưng giờ ta tạm chia tay nhau đã.
- A Linh đi đâu bây giờ?
- Tôi về Vân Nam bốc mộ ông cụ. Rồi tôi lại sang ngay. Ta sẽ ở bên nhau lâu lâu mà.
Thoáng qua óc Lồ một ý nghĩ gai góc rồi lại tan biến ngay. Lồ nhoài xuống mặt cỏ. Thốt nhiên, như tâm linh cùng ứng nghiệm, hai người bồng quài tay tìm nhau. Bên nhau, Lồ và A Linh giống như ngẫu nhiên, cùng ngửa mặt nhìn trời. Trên họ, trời mênh mông tím biếc ánh hoa mua và vắng lặng. Chiếc máy bay đã thuộc về một khoảng xa xăm trong ký ức. Gió chiều rong ruổi trên các tầng mây trôi lãng đãng và dạo dào ngọn cỏ hoang. Thấy mình như ngọn cỏ lay, cả hai cùng yên lặng rưng rưng. Khoảng không thanh tĩnh quá. Mấy năm chiến tranh có góc trời nào yên ả thế này.
Lát sau, đứng dậy, như đôi trai gái thanh tân, Lồ và A Linh lên ngựa. Con ngựa lững thững bước, chân lạt xạt cỏ may gai chổng ngược. Bên đường, hoa kim ngân nở trắng ngần, vô tư lự.
- A Linh à! Ngày xửa ngày xưa, lâu lắm rồi, khi chưa có trời, chưa có đất. Chỉ có nàng Gầu A và chàng Đrầu ống. Hai người dệt nên trời, dệt nên đất…
Giọng Lồ trượt trong gió yên bình, nghe là lạ. Chính Lồ cũng ngờ ngợ vì vẻ xa lạ của giọng nói và mối liên tưởng bất ngờ vừa tới trong óc mình. A Linh nghênh nghênh đôi tai nhỏ. Con chim hoạ mi nào vừa rót ánh bạc trong vắt vào khoảng không thanh lặng như thuở mới khai thiên.