Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Chương 3
T
rên khắp cao nguyên tôi ít thấy những người lính Mỹ nói tốt về các đồng minh Việt Nam của họ. Đó cũng là một lối diễn tả được coi là nhẹ nhất khi nói về mối ác cảm của dư luận báo chí Mỹ đối với những khó khăn Kinh Thượng ở cao nguyên. Chẳng hạn trong một cuốn sách nổ như một trái bom và bán chạy nhất nước Mỹ, ngoài khía cạnh đề cao anh hùng tính của những người lính Mũ Xanh Mỹ, còn lại chỉ là sự miệt thị và hạ giá người Việt. Và đặc biệt hơn nữa là những mô tả về tính cách tàn bạo man rợ của những người đồng bằng đối với người Thượng thiểu số mà họ cho là bị bạc đãi hiếp đáp và tàn sát không một chút thương sót.
“Những cuốn sách như vậy không thể gợi cho quần chúng Mỹ và cả dư luận thế giới những hình ảnh đẹp về dân tộc Việt Nam đang theo đuổi cuộc chiến đấu.”
Thật không phải lúc khi chúng tôi đang đứng ở một cứ điểm nóng nhất của cuộc chiến tranh để nghĩ vẩn vơ về một dư luận bên trời Âu hay mãi tận nước Mỹ. Buổi trưa nóng đổ xuống hầm hập, Davis mặt đỏ gay hai hàng mi cong đọng lăn tăn những hạt mồ hôi nhỏ. Gió tây khô khan thổi rát qua những khe áo. Mấy trăm nóc tôn tụ lại như một hội chợ mới cất, cách khoảng quốc lộ trong vòng một trăm thước. Nơi khúc quanh xa lộ như một giải lưng láng nhẫy. Những kiểu nhà tiền chế được dựng sẵn trên vùng đất hoang phì nhiêu sát trục giao thông và dồi dào những ngọn suối. Chỗ nào cũng có dấu vết của những bàn tay săn sóc. Rút từ những kinh nghiệm trước, khu tiếp cư lần này được sửa soạn với nhiều thiện chí và công phu đáng kể. Nhưng chẳng ai có thể dự liệu được tất cả những tai ương biến chứng. Tai ương đó có thể là một nạn dịch phát xuất từ cái chết của một người đàn ông đêm qua. Khó khăn đầu tiên là làm sao thuyết phục tang chủ đừng giữ lâu xác chết đó trong nhà và chịu đem chôn cất sớm. Khó khăn thứ hai là phải tìm cách chích thuốc ngừa cho họ trước khi bệnh dịch có thể lan tràn và số chết chóc không biết là thế nào. Đoàn chích ngừa với đầy đủ thuốc men được huy động tới nhưng đồng bào tìm cách lẩn trốn hết, nếu cưỡng bách là họ chống cự la hoảng và khóc lóc. Chỉ sau một buổi sáng không khí lo sợ bàng hoàng đè trĩu trên mấy trăm nóc gia đình. Cuối cùng phải dùng xảo thuật quyến dụ và cả cưỡng ép nữa để chích thuốc cho hơn một ngàn dân, dù mất lòng nhưng một giai đoạn khó khăn cũng tạm qua đi. Davis như xúc động bồn chồn trước sự mạnh tay của một vài người lính.
“Hàng mấy trăm năm sống cách biệt với thế giới bên ngoài, sự thích ứng theo tôi cũng đòi hỏi một thời gian. Tình cảnh ở đây không khác gì với những đợt hồi hương đầu tiên của các sắc dân Do Thái: cách biệt xa lạ và những đụng chạm không thể nào tránh khỏi. Tôi hy vọng đây sẽ là kiểu mẫu cho những kibbutzim đào tạo giáo dục người Thượng mau sống kịp với thời đại chúng ta trong tương lai.”
Giống với một tờ báo sinh viên, một lần nữa Davis đề nghị một công thức kibbutz cho vùng đất hứa cao nguyên. Tôi bảo một mai khi hoà bình thì đó cũng là điều đang suy nghĩ tới.
“Không, kibbutz là một công thức hữu hiệu trong thời chiến. Tôi có cảm tưởng các căn cứ biên phòng của LLĐB Mỹ chỉ là một mô phỏng vụng về mà thôi.”
“Đó chỉ là những căn cứ quân sự thuần tuý của Mỹ mà căn bản cứu trợ chỉ là sự bố thí. Chữ kibbutz sẽ không có ý nghĩa gì nếu trong đó không bao hàm một tinh thần cộng đồng kibbutz.”
“Vậy thì những trại tỵ nạn cộng sản này được tổ chức theo quan niệm chiều hướng nào?”
“Nguyên mấy chữ tỵ nạn đã nói lên tính cách tạm bợ của nó. Thật ra đây là một cơ hội bằng vàng để thực hiện những dự định tốt đẹp manh nha từ nhiều năm trước, quy tụ những cư dân thiểu số sống rải rác trong các hẻm hóc rừng rú, tổ chức thành những Buôn Hdíp Mrâo kiểu như các đại xã gần các trục giao thông, giúp đỡ giáo dục họ làm quen với nếp sống cộng đồng, chấp nhận cải tiến lề lối canh tác và tin tưởng vào khoa học văn minh hơn là phó mặc cho thần linh và sự cúng quảy. Ngoài những eo hẹp về vật chất, theo tôi những sửa soạn về tâm lý mới thật sự là vấn đề khó khăn cho chánh phủ. Một thí dụ nhỏ như kế hoạch cải tiến nông cụ, vấn đề không phải có đủ liềm phân phát cho nông dân mà chính là làm sao thuyết phục họ chịu dùng liềm để gặt thay vì dùng tay tuốt từng bông lúa mà khỏi sợ các đấng thần linh quở phạt.”
Davis có vẻ chú tâm tới những điều tôi nói, hắn luôn luôn đưa ra những câu hỏi để có một xác định chi tiết. Mô phỏng từ một một tư tưởng của Einstein, tôi tiếp:
“Để trừ bỏ những thành kiến mê tín dị đoan có lẽ khó hơn phá vỡ một nguyên tử. Anh có biết không, cũng thiện chí đó đem ra áp dụng vội vã, ông Diệm đã gặp phải sự chống đối và phong trào tự trị ly khai cũng phát xuất từ đó. Điều tôi muốn nhắc lại đó là một sửa soạn tâm lý.”
Tôi không rõ Davis đã đặt chân lên cao nguyên từ bao lâu, nhưng rõ ràng hắn có những am hiểu về cả những khúc mắc chánh trị dính dáng đến phe tranh đấu. Davis hỏi tôi: “Đã có giấy bảo đảm của Thủ tướng chánh phủ tại sao lãnh tụ phe thiểu số ly khai còn đòi hỏi một văn kiện khác có bảo đảm của toà Đại sứ Mỹ mới chịu ra mặt thương thuyết?”
Đó là một sự kiện hoàn toàn mới mẻ, có lẽ Davis biết nhiều hơn tôi ở một lãnh vực nào đó. Bằng luận lý suy diễn, chính tôi cũng đang tự tìm một giải thích:
“Xa hơn cả nguyện vọng tự trị đã có lúc họ đòi trở thành một tiểu bang của Hiệp chúng quốc. Sự chất phác ngây thơ của họ là một kích thích không mỏi mệt cho những tay phù thuỷ chánh trị muốn đưa đẩy số phận cao nguyên theo những bước phiêu lưu xa hơn. Khôn ngoan như người Pháp cũng đã chẳng làm được gì trong ngót một trăm năm ngăn chặn bưng bít, huống chi bây giờ mọi cánh cửa đã hé mở, dù nhất thời bị lôi cuốn vào cơn lốc chánh trị, thực tế sẽ phá vỡ những áo tưởng. Bằng cớ là đã có một số lãnh tụ trong phe ly khai trở về, tôi muốn nói tới sự giác ngộ của chính những người Thượng. Điều đó chỉ có được bằng giáo dục và nâng cao dân trí. Cũng như cuộc chiến tranh đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam, cuộc chiến bị bỏ quên này sẽ đương nhiên tắt lịm dần đi khi đã thực hiện được những cuộc cải cách xã hội và nâng cao nếp sống.”
Hình như trong thâm tâm tôi không lạc quan được đến như vậy, nỗi lo sợ gia tăng khi tôi nghĩ tới căn bản thiếu thốn về nhân sự, tâm trạng dửng dưng và sự rã mục về những hy vọng của quần chúng. Cả cái gọi là chánh sách của cấp lãnh đạo cao nhất cũng không ngoài việc bưng bít những lỗ vỡ của một ống nước đã cũ nát. Hình ảnh những Ross, Tacelosky và Denman nhắc nhở tôi rằng là xa hơn một ly rượu tới môi, con đường dẫn tới một tốt đẹp ở cao nguyên còn phải trải qua nhiều máu và nước mắt.
“Theo anh người Mỹ có lợi gì để hành động mâu thuẫn như vậy khi họ đang phải sát cánh chiến đấu sống chết bên cạnh đồng minh Việt Nam?”
Davis đưa ra một câu hỏi trực tiếp và đột ngột nhưng tôi nhớ mang máng là có một ký giả người Nhật tên Takashi Oka đã từng hỏi tôi như vậy. Tôi cũng đã tự hỏi và câu trả lời là những chuyến đi liên tiếp trên cao nguyên. Cùng một lúc tôi ý thức được rằng mình đang là một nhà báo, một thành phần trong cuộc với những thao thức lo âu cho vận mệnh của tổ quốc. Đã nhiều lần tôi bị giằng co giữa những sự lựa chọn: chỉ phô bày hay phải đánh giá tác dụng của những dữ kiện mình có. Ở trường hợp này tôi chỉ có thể trả lời gián tiếp. Hình như Davis không hiểu được ngụ ý tôi định nói gì, hắn cười không hỏi thêm, cả hai chúng tôi rảo bước tới trụ sở quản trị với hy vọng thiếu tá Y Ksor tới đón chúng tôi ở đó. Davis cũng nhờ tôi dẫn qua một phòng phát thuốc. Phản ứng của thuốc chủng làm hắn bắt đầu phát sốt, riêng tôi chỉ thấy hơi đau nhức ở một cánh tay. Những dấu hiệu này có thể làm cho hơn một ngàn người vùng dậy bất chợt chỉ vì những dị đoan lo sợ hoảng hốt.
Rồi tới buổi chiếu phim tối cho khoảng ngót năm trăm người hiếu kỳ đông đảo, bỗng dưng bị tan vỡ chỉ vì một đám cháy trên màn bạc, đó là điều mà cả tôi và Davis không tưởng tượng nổi. Từng sinh hoạt với họ, tự hào về những hiểu biết phong tục tập quán của họ, tôi vẫn luôn luôn đụng đầu với những khám phá và va chạm mới. Davis hỏi tôi về tình trạng ra sao của đồng bào Thượng Du miền Bắc. Tôi nói:
“Nếp sống của họ đã cao hơn vì những giao tiếp thông thương dễ dàng với các người ở đồng bằng châu thổ nhưng những khó khăn chủng tộc không phải không có. Riêng ở cao nguyên miền Nam kể từ ngày bác sĩ Yersin đặt chân tới, cho đến nay hơn một trăm năm như anh đã thấy vừa rồi kết quả chánh sách khai hoá của người Pháp. Cùng với những cây cổ thụ hàng ngàn năm, thời gian như ngủ im lìm trong các đồi nương buôn sóc. Kể cũng đáng buồn là vào cuối thế kỷ hai mươi tại một quốc gia tự hào với bốn ngàn năm văn hiến mà vẫn tồn tại mấy chục sắc dân với trình độ văn minh chưa quá xa thời đại thạch khí.”
“Tôi được đọc một tài liệu của viện Đại học Stockholm, chính một nhà nhân chủng học Việt Nam mà tôi không nhớ tên chống lại quan niệm đồng hoá các người thiểu số ở miền núi, ông ta chỉ chịu chấp nhận cái mà ông gọi là thích nghi văn hoá.”
Có lẽ tôi cũng biết ít nhiều về ông ta, nguyên là giáo sư Đại học Văn khoa hiểu rõ các sắc dân Thượng và có tham vọng nối gót những người như Rondon lập các sở bảo vệ thổ dân Mỹ châu ở Ba Tây. Là nhà báo nhìn vấn đề theo khía cạnh chánh trị và xã hội nên tôi không có những thắc mắc như ông. Tôi cười và bảo Davis:
“Đối tượng của khoa nhân chủng là những giống người mà nhà khoa học định nghiên cứu, cũng như đề tài đối với hoạ sĩ, ông ta càng thích thú khi có được những đề tài mới lạ và khan hiếm. Sự pha trộn chủng tộc và những biến đổi về tập quán thường khiến ông ta tỏ ý tiếc. Hãy để cho nghệ sĩ say sưa với đề tài của ông ta, chuyện lập hội bảo vệ cũng không phải là một cần thiết vì ở đây không hề có cảnh lùng giết người Da Đỏ như người ta đi săn thú ở bên châu Mỹ. Vấn đề cấp thiết chính là san bằng cách biệt bằng một chánh sách quy mô tiến bộ và khai hoá. Chẳng hạn trong những buôn ấp sơn thôn mới, chúng ta có thể khuyến dụ người Thượng thôi đóng khố, sống theo phương pháp vệ sinh mà vẫn không đụng tới cái gọi là những mỹ tục về văn hoá riêng của họ. Không thể bình tĩnh nhìn sự lạc hậu bán khai là văn hoá và méo mó nhìn mỗi thổ dân như các cổ vật nghiên cứu và cần phải bảo trì.”
Hình như tôi đang ngấm ngầm bất mãn với một con người không biết và vắng mặt, có lẽ bởi thái độ trí thức tiêu cực của ông ta quá tương phản với một hình ảnh không mỏi mệt của ông mục sư. Sự mỉa mai đến cay đắng khi Davis bảo muốn tìm hiểu vấn đề sắc tộc ở Việt Nam không có cách gì hơn là tìm đọc các tác giả ngoại quốc. Tôi đã có hơn một lần có kinh nghiệm đó, và tôi cũng có lý do để khỏi hối tiếc bỏ cơ hội trải qua những năm dài ở Đại học Việt Nam. Văn hiến bốn ngàn năm mà tựa hồ hoàn toàn trống vắng. Dù sao chuyến về Sài Gòn lần này, tôi cũng định sẽ tìm gặp ông ta, vào nghề báo tôi đã quen với những gặp gỡ ngoài ý thích.
“Anh cũng biết ở một tình trạng chánh trị rối bời như Việt Nam, cả khoa nghiên cứu nhân chủng cũng bị xử dụng như một phương tiện cho mục tiêu phân hoá chánh trị không hơn không kém.”
Buổi tối không khí dịu mát lại, bầu trời thấp xuống. Dàn đại pháo của trại binh Mỹ đang nhả từng loạt đạn vào mãi xa trong rừng sâu, tiếng nổ rung chuyển cả đồi núi làm lung lay tới tận trăng sao. Nạn nhân có thể là những tên cộng sản lẩn lút, đám người Thượng nào đó còn sót lại hoặc là cả những con thú vô phước có mặt trong một khu được coi là oanh kích tự do. Súng đạn dù không thù nghịch vẫn làm những người Thượng kinh hãi. Rồi bất chợt im lặng trở lại, sự im lặng cũng ngỡ ngàng như một náo động khởi đầu, không nguyên do, không một cảm xúc buồn vui. Ở những lúc này tôi chợt nghĩ và nhớ tới Nguyện tha thiết. Phải chi Davis là nàng, tôi sẽ vui sướng để nhận lời mời của mấy vị chủ làng buổi tối. Nguyện cũng sẽ tập uống rượu cần, tôi sẽ chỉ dẫn cho nàng cách nhận một ống triêng bằng tay phải, bởi vì tôi nhớ Nguyện có thói quen dùng bàn tay trái mà người Thượng thì lại không mấy quý bàn tay trái, xử dụng nó được coi như dấu hiệu khiêu khích và khinh bỉ. Cái không biết và vô tình của nàng có thể làm suy giảm mối giao hảo thân hữu giữa chủ và khách. Nhưng tôi hiểu rằng Nguyện không thể nào chọn quê hương là nơi đây và để có được tình yêu tôi và Nguyện, một trong hai người phải hy sinh cái thế giới mộng tưởng của mình. Và dẫu sao, tôi cũng đã có một quyết định dứt khoát bỏ nghề báo và ra Huế.
Thiếu tá Y Ksor cho người mời chúng tôi trở lại nhà làng. Trong bữa ăn tối, Davis bảo lần đầu tiên hắn được thưởng thức bữa thịt rừng nướng ngon như thế. Dù có những khó khăn về ngôn ngữ, chủ và khách đối xử với nhau bằng tất cả sự kính trọng và mối thâm tình. Có mấy người cà răng bị đau nên ăn một cách khó khăn, ngày thường họ chỉ có thể ăn cháo hay một thứ gạo kê lên men thật mềm nhuyễn. Đến tuần rượu, Davis là người bỏ cuộc đầu tiên, có lẽ tại vị rượu không quen mà hắn cho là hơi chua và đắng. Tôi theo bén gót Y Ksor, khật khưỡng sang tuần thứ ba bên ghè rượu lúc nào cũng được vị chủ làng đổ thêm nước nên đầy ắp. Độ rượu không có vẻ gì phai lạt vẫn ngọt ấm và hơi cay. Mọi phiền muộn và lo âu như dừng lại từ ngoài khung cửa và tôi hiểu tại sao người Thượng có thể đói từ ba dến năm tháng trong một năm nhưng vẫn không thiếu gạo để cấy rượu vui xuân dòng dã suốt mấy tháng.