Số lần đọc/download: 1344 / 6
Cập nhật: 2016-06-24 21:22:20 +0700
Chương 3
Có ai gọi tên mình thì phải?.Lúc đầu nghe rất xa rồi mỗi lúc một gần hơn hình như ngay đây thôi! Hải bừng tỉnh mở mắt.
Trời đã sáng. Ngồi bật dậy Hải đẩy cái tay nải quần áo vào góc giường, kê lại gối ngay ngắn, vuốt nhẹ bộ đồ vải nâu cho bớt nhăn, bước vội ra.
Cô Huệ đang đứng đợi bên ngoài, phía dưới chân một đống hành lý được sắp sẵn cột chặt kỹ càng để chuẩn bị lên mạn ngược.
Hải hỏi:
_ Sao cô đi sớm thế! ở nhà chơi với con ít bữa, gấp gáp gì nào?. Cô cháu mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo tội vạ gì cứ phải lặn lội lên vùng sơn cước buôn ba cái củ nâu, đồ khô cho vất vả vậy? Nhà mình có cái sân rộng con chỉ cần trải cái chiếu hoa gõ đầu mấy đứa nhỏ cho tụi nó ê a dăm ba chữ, đủ ăn rồi!
Bà Huệ lườm yêu Hải nói:
_ Cha bố anh! Cái nhà này dòng họ này, không cần tiền của anh, chỉ cần anh vượt qua kỳ thi hội để vào thi đình, có phúc được kề cận nhìn ngắm dung nhan vua là phước bảy mươi đời cái nhà này rồi!
Cô chỉ tay ra phía bếp sau nhà nói:
_ Cô đã kho sẵn nồi thịt ba chỉ với trứng, treo ở gốc bếp chằng dây lại cẩn thận, phòng hờ mèo ăn vụng. Cái giống này nó tinh lắm chỉ vô ý một chút thôi, nó làm sạch hết. Cơm, cô cũng nấu sẵn, vùi nồi vào tro chắc đến trưa vẫn còn nóng, cứ lo học đi khi nào đói xuống bếp có sẵn đồ, cứ việc ăn. Nếu thấy xót ruột, ra ngắt đọt mồng tơi, rau diếp, rau cải ăn thêm vào! Cô đi lâu lắm cũng chừng dăm ngaỳ là về, thôi cô đi đây! Nhớ trông chừng nhà, đi đâu phải đóng cửa nẻo, khoá chốt cẩn thận. Như chợt nhớ ra điều gì cô Huệ kéo Hải ra tận bếp chỉ vào góc tối nơi để ba cái vại sành xếp sát nhau dặn dò:
_Đây nhé cái vại nhỏ là vại tương, còn hai vại kia là cà với dưa cải muối cháu tha hồ ăn nhé!
Hải gật gù:
_ Con biết rồi đâu còn nhỏ bé, cô dặn kỹ càng thế? Nhà cô, con quen từ bé kia mà! Từ đó giờ đâu có thay đổi! Cô đừng lo. Học xong thấy đói thì sẽ kiếm cách làm cho bụng đầy. Đói thì đầu gối hay bò cái chân hay chạy cái giò hay đi.
Cô Huệ bật cười:
_Biết thế nhưng cứ phải dặn dò mới yên tâm. Trước khi xách hành lý cô đưa tay lên vuốt nhẹ lưng Hải rồi triù mến thì thầm:
_ Con về đây ở với cô là điều kỳ diệu cô không thể nào ngờ và mơ tới. Nếu chồng cô không mất, nhà bên ấy Luyện em họ con không lấy vợ, có lẽ chả bao giờ cô được chăm sóc con như ngaỳ hôm nay. Cô chú bạc phước ở với nhau suốt bao năm trời vẫn không có mụn con nào. Con lại mồ côi cha mẹ từ bé, ở với chú bên đó, nhà đông anh em lại mới có thêm dâu về, con qua đây ở với cô là hợp lý rồi! Có lẽ ý trời muốn bù đắp cho cô đó Hải à!
Hải nắm tay cô nói:
_Con được về đây ở với cô thích lắm! Hôm qua trước khi qua cổng làng, con cứ đi lang thang qua những con đê, nương dâu, phong cảnh đẹp thoáng mát đi hoài không biết mỏi đến nỗi sáng nay ngủ mê cô gọi mới biết dậy trễ. Bên đây yên tĩnh quá, rất tốt cho việc dùi mài kinh sử. Bên đó đông người, nhà chật chội, bọn con nít ồn ào kinh khủng. Con ơn cô lắm sẽ cố gắng học hành để khỏi phụ lòng cô.
Hai cô cháu đang tỉ tê thì bên ngoài có tiếng guốc khua, giọng ai đó rang rảng mặc dù chưa thấy mặt:
_Bác Huệ ơi! Có nhà không? Nghe nói bác có tin vui nên sang chia vui đây! Trạng nguyên tương lai đâu! Cho tôi xem mặt cái nào!
Câu vừa dứt, trước thềm một người đàn bà cắp cái rỗ trong có mớ trứng gà so được lót xếp cẩn thận bằng một lớp rơm.
Hải nhanh nhẹn mời khách:
_Mời cô vào chơi đã! Con đang bàn với cô con đừng lên mạn ngược nữa!. Cứ ở nhà, con sẽ vừa ôn thi vừa dạy bọn trẻ trong làng kiếm tiền độ nhật được rồi.
Người đàn bà không nói gì cứ đứng lặng ngắm Hải một lúc mới cất tiếng:
_Tôi nghe danh cống Hải, văn hay chữ tốt từ lâu bây giờ mới biết mặt. cái làng này rước được cậu về, hay đấy! Mai kia, đỗ trạng làm cho cả làng nở mày nở mặt. Có lẽ vận làng ta đang lên phải không bác Huệ?
Nói tới đây người đàn bà bật lên một tràng cười sảng khoái liếc nhìn Hải xuýt xoa khen không tiếc lời:
_Tướng tá đẹp trai thế kia, bây giờ áo nâu còn vậy, mai mốt vinh quy bái tổ còn oai phong lẫm liệt đến đâu ấy chứ! Thảo nào hôm qua lơ mơ ngủ thấy điều lạ lắm bác Huệ à!
Bà Huệ hỏi gấp:
_Lạ làm sao?
Bà ta nhìn quanh như sợ ai nghe lỏm được giấc mơ sẽ bớt thiêng, nên hạ giọng vẻ bí mật, kéo bà Huệ ra xa thì thào:
_Hôm qua tôi mơ thấy trước cổng làng mình có người ngồi trên con ngựa trắng trên tay cầm hốt, áo lụa đỏ xoã tay.
Bà Huệ ngơ ngác:
_Vậy thì sao hả bà?
Bà ta rít qua kẽ răng rồi khẽ kêu lên:
_ Giời ạ! Có lẽ đây là dấu hiệu làng ta có quan viên có người thượng lưu hay đỗ đạt gì rồi! Cả cái làng này toàn dân ngu khu đen, vài ba cha lý toét dở thằng dở ông, hôm nay thấy cháu Hải đây tôi hy vọng giấc mơ này ứng với điềm lành cho cả làng mình.
Nói rồi bà ta cắp rổ trứng te te đi thẳng xuống bếp, một lát cắp rổ không đi lên nói với Hải:
_Có ít trứng gà con so cô mang qua, cháu nhớ ăn bổ dưỡng để tỉnh táo tinh thần mà thi cử cho tốt nhé! Cô về đây, còn đi bỏ mớ trầu kẻo trưa rồi! Khi nào rảnh cô qua chơi. Tôi đi trước đây chị Huệ à!
Bà Huệ hấp tấp gọi với theo:
Tôi cũng đi ra với bà luôn.
Hải giúp cô xách hành lý đi một đoạn đường rồi dừng lại nhìn theo hai người đàn bà cho đến khi họ khuất dạng sau luỹ tre.
Ngồi trước bàn mở sách ra chăm chú đọc, không gian quá yên ả nên chỉ một lúc Hải chìm đắm trong thế giới của chữ nghĩa mải mê đến nỗi quên mọi vật xung quanh. Bỗng dưng Hải ngồi thẳng người, đôi mắt phát ra một luồng ánh sáng kỳ lạ, như tìm thấy điều gì bất ngờ thú vị trong sách, rồi chàng lại cúi xuống đọc tiếp, miệng mỉm cười vừa đọc vừa gật gù ra vẻ hài lòng.
Cuối cùng thấy chưa hả, chàng hắng giọng đọc to: “ Thuận tình tính tắc bất từ nhượng hỹ, từ nhượng tắc bột vu tình tính hỹ” (1).
Cao hứng chàng đọc làu làu “tiên trì kỳ quốc, tiên tề kỳ gia, tiên tu kỳ thân, tiên chính kỳ tâm, tiên thành kỳ ý, tiên trí kỳ tri, trí tri tại cách vật”.
Ngưng một lát chàng lại đọc “Vật cách nhi hậu tri chí; tri chí nhi hậu ý thành; ý thành nhi hậu tâm chính; tâm chính nhi hậu thân tu; thân tu nhi hậu gia tề; gia tề nhi hậu quốc trị; quốc trị nhi hậu thiên hạ bình”. (2)
Cứ thế hết đọc thuận rồi đọc nghịch suốt đầu suốt đuôi không hề vấp váp.Tự tin, làu thông kinh sử nhưng vẫn học ngày đêm vì một quyết tâm đỗ đầu khoa thi Đình không chịu nhừơng cho ai. Chàng đã sẵn sàng, tất cả chỉ còn là thời gian!
Với tay lấy cây bút lông quơ qua lại vài vòng trên không, nhẹ nhàng nhúng đầu bút vào nghiên mực miết miết mấy cái cho đầu ngọn bút mịn rồi bắt đầu viết lại những gì mình vừa đọc. Có lẽ lòng chàng đang có niềm phấn khởi nên chỉ một thoáng trang giấy đầy những nét như phượng múa rồng bay.
Cứ thế vừa viết vừa cao giọng đọc. Giọng chàng vang vang trong căn phòng vắng lặng. Mạnh mẽ dứt khoát sang sảng uy lực. Hình như âm thanh đang làm lung lay căn phòng? Nó đang đẩy lùi bóng tối ở phía giữa cái giường tre nơi chàng nằm hồi nãy vào trong góc, xô giạt cái nắng chói chang nơi ngưỡng cửa bật ra tới ngòai hiên, giọt mực tưởng chừng như sẽ nhiễu xuống bỗng khựng lại sượng trơ lơ lửng trên đầu cây bút lông.
Giọng đọc vang lên trong không gian, khẳng định quyết liệt cứ như dấu ấn dằn mạnh trên mặt giấy trắng. Giọng đọc làm xáo trộn mọi thứ xung quanh, những gì đang sống động thì tịnh trở lại, những gì bất động lại như xao động. Tất cả như thể đã quy phục. Chàng học bài mà như đang thách thức, đang thể hiện quyền uy, gợi nên sự hiện hữu vô hình nào đó.
Chàng ngừng đọc nhưng sự trang nghiêm vẫn còn lẩn khuất đâu đó. Bỗng nhiên chàng tự hỏi: Cái giọng đầy uy lực lúc nãy có thật của chính ta?
Có tiếng chim hót líu lo, Hải ngước lên, gấp sách lại. Đôi chim đang chuyền trên mái ngói rêu xanh. Chúng líu ríu đuổi bắt, chụm mỏ rỉa lông cho nhau rồi một con lại líu lo hát, con kia cứ nhảy vờn quanh bạn tình. Chỉ có hai con chim mà cả khu vườn như bừng tỉnh Một cảm xúc không tên đang len lén vào tim chàng. Hình như ước mơ thầm kín của chàng cũng đang từ từ hé nở giữa khung trời diệu vợi cùng những bông lài trắng thơm ngát đu đưa trên giàn.
Lao xao một lúc trên mái, đôi uyên ương sà xuống mổ miên man những giọt nắng thuỷ tinh lung linh rơi bên thềm đá vỡ. Mải mê nhìn cho đến khi chúng tung cánh bay vào mênh mông. Chàng dõi theo. Bóng chim đã bặt tăm.
Ánh nhìn chàng lướt xa hơn một chút. Thấp thoáng giữa triền cỏ xanh xanh, trong không gian lồng lộng sao có cái gì đó đang trải mềm đang phất phơ hay là mây xuống thấp? Mây trắng bay hay những vạt nắng? Hải chớp chớp mắt nhìn kỹ hơn. Không phải bay mà đang uốn lượn, đang lay lắt…những vạt lụa thì phải?
Trong sự yên tĩnh của buổi trưa chàng nhận ra cái gì vừa thoáng qua. Nhẹ hơn hương lài, man mác mơ hồ khó nắm bắt, mong manh tơ trời vừa như có vừa như không. Tim chàng loạn nhịp rồi rộn rã. Chàng vội rời bàn chạy ra hiên vượt qua hàng cau.
Bên kia bờ cỏ xanh, lụa là ngả nghiêng trong gió. Ánh mắt chợt nhấn vào một điểm. Chàng vừa nhận ra cái chàng thoáng cảm thấy lúc nãy, một hình bóng đang di động đang hoà lẫn trong cõi lụa phất phơ chập chờn như khói sương, như nắng nhạt nhưng lại níu kéo thiết tha đến nao lòng. Như sợ điều chàng vừa nhìn thấy là ảo giác sẽ tan biến Hải quên cả chốt cửa xăm xăm hối hả đi về phía ấy.
Từ hôm chị Lạc bị buông sông giờ Vân Sa mới có cơ hội bước ra ngoài.
Nàng mải mê đi giữa hai hàng lụa màu trắng mỡ gà. Cái áo nàng mặc hôm nay trắng hơn, bóng hơn một chút vì anh Bôn muốn nàng mặc vào để anh xem thử lụa mỏng tang khi được làm cho trắng xoá như vậy có đẹp không?. Bất cứ loại lụa nào dù còn để mặt trơn hay đã trở thành lụa lưỡng long, song long, bát bửu không cần biết dành cho nam hay nữ, anh Bôn đều dụ cho Sa mặc thử trước tiên.
Nàng là người mẫu để anh thẩm định việc dệt lụa sao cho luôn đẹp, lạ, độc đáo làm hài lòng giới thượng lưu khi tiến cung vua. Hôm nay anh Bôn bận lo chuyện cho cha nàng, có dặn Vân Sa nếu thấy trời sắp mưa nhớ kêu mấy đứa dệt lụa trong nhà mang lụa vào.
Vân Sa vừa đi vừa đưa hai tay vuốt mặt lụa trơn mát hai bên. Gió làm những làn lụa lướt qua mặt nàng. Sa cứ thế mải mê trong bồng bềnh mềm mượt, đi trong sự mơn trớn ngất ngây. Thỉnh thoảng nàng kéo một vạt lụa quấn quanh người rồi buông cho lụa bay bay, rồi lại níu, lại quấn, xoay tròn, lại tung lại bắt.
Cứ thế nàng cười khúc khích một mình. Có khi gió thổi làm cho những làn lụa trắng bùng lên, căng phồng rồi xô giạt về một phía. Vân Sa tưởng tượng mình như tiên nga đang cưỡi hạc lâng lâng bay cuộn trên cung mây. Cao hứng nàng cất cao giọng hát, bước chân nhún nhảy nhịp nhàng xuyên “lối mây”. Hình như gió đang quyện giọng hát ngây thơ lùa qua hàng lụa rồi nâng lên chơi vơi, đưa giọng hát bay xa “…Trà thơm thơm nức cả mười ngón tay”
Hân hạnh quá! Nếu như dừng bước nơi đây được mời một chén trà thơm thảo nhỉ?
Tiếng nói đột ngột làm Vân Sa rời khỏi khoảnh khắc diệu kỳ của riêng mình, thò đầu ra khỏi những vạt lụa, ngơ ngác nhìn xung quanh. Khi thấy một người đang đứng nhìn mình đăm đăm không chớp mắt Vân Sa bất giác nóng ran cả mặt, líu lưỡi lúng túng một lúc mới ấp úng hỏi lại:
_Có phải anh vừa mới hỏi đó không?
Hải đáp:
_ Đúng vậy. Lụa đâu mà nhiều, óng đẹp, mượt mà quá vậy cô? Lụa của cô à?
Vân sa đáp:
_Dạ không, lụa của bố tôi. Bố tôi sửa soạn lụa người ta đặt trước để tiến cung nhân lễ Nam Giao (3) sắp tới. Nhà tôi dệt lụa mà!
Hải hỏi cho có lệ vì nãy giờ tuy miệng hỏi nhưng mắt không rời khỏi giai nhân. Hai thái dương cứ giật liên hồi. Khuôn mặt, vóc dáng nhìn thoáng qua nếu không có những hàng lụa này Hải vẫn biết nàng là lá ngọc cành vàng! Thế nhưng nàng không gợi lên sự xa cách, chàng có cảm giác đã gặp nàng từ kiếp nào! Những vạt lụa không bay phần phật nữa, chúng rũ xuống lượt là như đang đồng loã che chắn cho sự hội ngộ bất ngờ giữa hai người.
Mặt trống bên kia là triền dốc thoai thoải vắng bóng người qua lại nên cả hai có vẻ tự nhiên hơn sau những khoảnh khắc bỡ ngỡ ban đầu.
Hỏi han dăm câu xã giao Hải đánh bạo hỏi:
_Mạn phép xin được hỏi chẳng hay cô tên gì? Chắc tên cũng đẹp như người!
Vân Sa đáp:
_Em tên Vân Sa
Rồi hồn nhiên hỏi lại:
_ Còn anh?
_Tôi là Hải cô à! Vừa trả lời vừa lẩm bẩm gật gù: “Vân Sa nếu tách ra, Vân là mây…Sa là lụa, tên cô đẹp thật!
Nói tới đây chàng thoáng nở nụ cười lòng thầm nghĩ, hải là biển, vân là mây, sa cũng có nghĩa là cát chẳng lẽ đây là “Bạch Sa kỳ ngộ ư?”, “Vân Sa đứng giữa một trời lụa là như vậy, trời ạ! Giáng Hương, Giáng Kiều có đẹp cũng đến thế là cùng!
Sa cất tiếng hỏi:
_Anh chắc không phải người làng ta, anh ở xa tới thăm ai ở đây phải không? Trông anh lạ hoắc, người làng này tôi biết hết mà!
Hải trả lời:
_Tôi là cháu gọi bà Huệ bằng cô, ở làng trên, mồ côi cha mẹ từ nhỏ ở với chú, nay chú có thêm dâu, nhà chật chội, con nít đông sợ làm hại đến việc thi cử của tôi, nhà cô Huệ lại neo đơn, chồng cô vừa mất nên tôi tới ở với cô. Từ nay tôi là người làng này đó cô Vân Sa ạ!
Vân Sa nhoẻn miệng cười, rồi như chợt nhớ ra điều gì nàng nói:
_À phải rồi ai chứ cô Huệ thì em thân lắm! Cô Huệ xấu ghê, nhà có tin vui, giờ đã có người trông nhà cửa, hương khói khi cô đi buôn xa không có nhà, vậy mà giấu nhé! Em thường tới hỏi củ nâu hay các loại lá rừng về cho nhà em nhuộm mà. Em nghe đồn cháu cô Huệ văn hay chữ tốt đã lâu, tiếng tăm vang xa suốt từ làng trên xóm dưới vậy mà bây giờ mới biết mặt. Hân hạnh quá!
Hải thấy lòng rộn lên niềm vui, cảm xúc mãnh liệt. Hạnh phúc không tên nhưng dào dạt không mơ hồ không ngập ngừng như niềm vui buổi sáng khi lặng ngắm khu vườn nhà mình. Lần đầu tiên trong đời đầu óc Hải tạm thời xa lìa với chữ nghĩa Khuôn mặt Vân Sa đang làm mờ đi, đang che lấp tất cả những gì từ trước đến nay từng hiện hữu ngự trị trong đầu chàng.
Có ai đó gọi tên Vân Sa. Nàng giật mình vùng chạy quên cả chào. Hải nuối tiếc nhìn theo bóng giai nhân cho đến khi khuất dạng. Chợt nhớ ra mình chưa cài then khi ra khỏi nhà, chàng lững thững quay trở về như người mất hồn.
Chú thích:
(1)Lời của Tuân Tử nghĩa như sau: Nếu như thuận theo bản tính của con người thì sẽ không có chuyện khiêm nhừơng, khiêm nhừơng vốn là việc trái lại với bản tính con người - (Tính Ác)
(2) Lời của Không tử nghĩa như sau:
Trì hết được nước ở trong thiên hạ là thiên hạ bình; tề hết được gia ở trong một nước là quốc trị; tu hết được thân của người ở trong nhà là gia tề; chính hết được tâm ở trong thân là thân tu, thành hết được ý ở trong tâm là tâm chính; trí hết được tri ở trong ý là ý thành; mà trí tri thời tại ở đâu? tại ở cách vật. Cách được vật, chính là trí tri, mà trí được tri mới thấy là cách vật.
đọc tráo lại
Vật cách được hết thảy, thế mới là tri chí; tri đã chí hết thảy, thế mới là ý thành; ý đã thành được hết thảy, thế mới là tâm chính; tâm đã chính được hết thảy, thế mới là thân tu; thân đã tu được hết thảy, thế mới là gia tề; gia đã tề được hết thảy, thế mới là quốc trị; quốc đã trị được hết thảy, thế mới là thiên hạ bình. (giải thích trong Khổng Học Đăng của Phan Bôi Châu trang 256)
(3) Lễ Nam Giao: Lễ tế trời, một lễ quan trọng của triều đình xưa cầu mong cho quốc thái dân an.