Fear keeps us focused on the past or worried about the future. If we can acknowledge our fear, we can realize that right now we are okay. Right now, today, we are still alive, and our bodies are working marvelously. Our eyes can still see the beautiful sky. Our ears can still hear the voices of our loved ones.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Nguyen Chi Hai
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2250 / 39
Cập nhật: 2018-02-01 09:48:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
oàn xe chạy như một đám phản lực cơ bay vùn vụt qua đường Đồng Khởi. Tiếng gầm rú của những động cơ xe gắn máy xoáy hết nòng xilanh nghe đinh tai nhức óc. Thiện bấu chặt yên xe, khiếp đảm trước những đường lượn vòng vèo của Ngôn, mà chỉ một tích tắc sơ hở sẽ đưa đến tai nạn chết người. Những đôi mắt của người đi đường kinh hãi nhìn họ, rồi những tiếng chửi rủa quát tháo đuổi theo. Xe của Ngôn, một chiếc 67, đang ở hàng thứ hai của đoàn xe khoảng mười lăm chiếc. Ngôn đang cố hết sức vượt qua chiếc DD dẫn đầu, cách mình chỉ một thân xe, vì từ đây tới mức đến chỉ còn khoảng vài trăm mét.
Rạp mình trên thân xe, Ngôn quyết định sẽ vượt qua Chiến ở ngã tư Mạc Thị Bưởi, bằng tài len lách của mình, chứ nhất định không giảm bớt tay ga. Tất nhiên Chiến sẽ không để bị qua mặt dễ dàng. Tay đua nhiều kinh nghiệm này hiểu rằng chỗ dễ bị vượt qua nhất chính là ở các cua quẹo và những ngã tư, mà ai là người vừa gan dạ vừa vững tay lái hơn, sẽ thắng. Yếu tố may rủi không được tính đến, vì ngay khi chấp nhận vào một cuộc đua trên những con đường đông nghẹt xe cộ như thế này, tất cả đều sẵn sàng cho một rủi ro có thể là lớn nhất.
Đúng như dự đoán của Ngôn, Chiến buộc lòng phải khựng lại sau một chiếc Vônga bất ngờ thắng lết bánh ở ngã tư để tránh một chiếc Cub 81 trên đường Mạc Thị Bưởi bên phía tay trái quẹo gấp sang Đồng Khởi ngay trước mũi xe. Như một cơn lốc, chiếc 67 của Ngôn lách qua bên phải chiếc Vônga, đâm thẳng vào chiếc Cub mà lúc ấy cũng chưa kịp bẻ hết cua. Người lái xe Cub trợn mắt khủng khiếp vì bất lực. Nhiều tiếng rú kinh hoàng vang lên. Không hiểu nhờ đâu mà đâu xe của Ngôn lại quặt qua phải một lần nữa, tránh được chiếc Cub chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng tốc độ cua lớn đã khiến chiếc 67 lao vào góc ngã tư bên phải phía trước, nơi đang có chiếc xe đạp của một phụ nữ trẻ chạy đúng tuyến trên đường Mạc Thị Bưởi bên phía tay phải vừa trờ tới. Lại nhiều tiếng rú vang lên. Thiện nhắm mắt lại, trong khi Ngôn quặt tay lái về bên trái. Lần này thì đã chậm. Mũi xe 67 hất mạnh bánh trước xe đạp làm người phụ nữ cùng chiếc xe văng nhào vào lề đường. Chiếc 67 lảo đảo mất mấy giây rồi chững lại, vọt tiếp.
Tình huống ấy đã làm Chiến càng chậm trễ hơn, thậm chí vài chiếc xe đua chạy sau Ngôn còn vượt qua được hắn. Khi vòng qua cua Đồng Khởi, vào đường Tôn Đức Thắng, Ngôn mới ngửa mặt lên trời cười hăng hắc. Phần thắng coi như đã nằm trong tay. Chiếc xe dừng lại ngay trước bức tượng Trần Hưng Đạo, mức đến. Thiện nhảy xuống xe, lẳng lặng bỏ đi. Ngôn vội gọi giật ngược:
- Kìa, Thiện! Đi đâu vậy? Chờ tụi nó về đủ chung độ rồi mình đi chơi tiếp chứ!
Thiện lắc đầu:
- Thôi, đủ rồi. Cảm ơn mày.
- Nhưng mà mày... đi đâu vậy?
- Tao quay lại coi chị ấy có bị gì không?
Ngôn đưa tay ra dấu cản Thiện:
- Đừng có điên! Người đi đường mà nhớ được mày là thằng ngồi sau thì phiền! Không sao đâu. Tao đụng nhiều rồi, biết mà. Bà đó trầy trụa sơ sơ, còn chiếc xe cong niềng là cùng. Coi như bả xui xẻo vậy mà.
Thiện nhìn Ngôn bằng ánh mắt khinh bỉ, tiếp tục bỏ đi. Ngôn nhìn theo lắc đầu, rồi thở dài, đạp máy, kè theo:
- Nói vậy thôi! Giận hả? Tao tưởng mày cũng khoái tiết mục đua xe này lắm chứ.
Thiện vẫn lầm lì bước. Anh bị lôi vào trò chơi này quá bất ngờ. Hai tuần ngồi bên nhau ở lớp đã giúp họ trở nên khá thân thiết. Theo đề nghị của Ngôn, họ đã xưng hô “mày, tao”. Thiện có theo Ngôn đi uống cà phê nhạc Thái Sơn một lần, và cũng có lần từ chối lời Ngôn rủ đi vũ trường, vì Thiện không biết nhảy. Thiện thấy Ngôn còn đi học mà xài tiền như nước. Sở dĩ các thành viên của băng Bốn Mùa tôn Ngôn làm trưởng băng, có lẽ một phần cũng vì mọi cuộc đi chơi của băng phần lớn đều do Ngôn chi tiền.
Chiều nay, Ngôn đã đem xe tới nhà rủ Thiện đi uống nước. Cùng đi có cả Hiển, chạy một chiếc Su 100, chở theo một cô bạn gái bé loắt choắt. Uống nước xong, không biết đã cáp độ sẵn từ lúc nào, đúng bảy giờ tối là Ngôn và Hiển đã đưa hai chiếc xe đến điểm hẹn ở chân cầu Sài Gòn. Một đám xe lố nhố đã chờ sẵn. Có tiếng reo: “Ê, Ngôn Lì với Hiển Rót tới rồi kìa! Đủ mặt rồi. Bắt đầu đi!” Thiện chưa kịp hiểu chuyện gì thì tất cả đã đạp máy, rú ga ầm ĩ. Cuộc đua bắt đầu sau một tiếng hú dài của cả bọn. Thiện phải thú nhận là mình có khiếp sợ. Nhưng điều làm anh vẫn còn run rẩy khi bỏ đi chính là cơn giận dữ cố kiềm chế. Đây là một trò chơi quá hung hãn, độc ác, mà chính anh lại bị lôi vào cuộc.
Bất chấp lời khuyên của Ngôn, Thiện hấp tấp đi bộ ngược trở lại ngã tư Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi. Mới khoảng mười phút, nhưng quang cảnh đã hoàn toàn trở lại vẻ bình thường, như không hề có chuyện gì vừa xảy ra. Thiện đứng tần ngần một lúc lâu. Chẳng một ai để ý đến anh. Người phụ nữ trẻ đó ra sao rồi? Thiện thở dài, bỏ đi.
*
* *
Hai người ngồi trong một quán nước gần trường. Thiện ném tờ báo lên bàn, chỉ vào một cột tin:
- Mày đọc đi.
Mẩu tin ngắn lạnh lùng cho biết tối hôm kia, môt đám đua xe trên đường Đồng Khởi đã tông phải một chiếc xe đạp, gây chấn thương sọ não cho chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, phải đưa vào Trung tâm cấp cứu. Chị Trinh là công nhân, có một con nhỏ, chồng là bộ đội ở Campuchia. Sự việc xảy ra càng làm dư luận lên án gắt gao bọn đua xe và đòi hỏi chính quyên phải có biện pháp trừng trị mạnh mẽ hơn đối với chúng.
Ngôn đọc xong, bình luận:
- Bà này xui quá! Mình đụng nhẹ hều vậy mà sao bả bị nặng dữ? Chắc cũng mấy cha nhà báo chuyên phóng đại...
Thiện bực bội ngắt ngang:
- Phóng đại cái gì? Mày chạy tốc độ cả trăm cây tông vô người ta như vậy làm sao nhẹ được?
Ngôn nhún vai:
- Nói vậy thôi! Biết làm sao bây giờ?
- Làm sao à? Lấy tiền thắng độ đó, đi đền cho người ta đi!
Ngôn nhăn mặt:
- Tối hôm qua tao xài với tụi nó hết rồi.
- Thì mày về xin tiền ở nhà...
Ngôn bật cười hô hố:
- Trời, mày làm như nhà tao là ngân hàng Nhà nước vậy!
Thiện thở dài:
- Tao không ngờ mày lại là người vô trách nhiệm như vậy.
Ngôn tròn mắt, giả giọng Maika:
- Trách nhiệm là cái gì? Thời buổi này có ai làm sai mà phải chịu trách nhiệm đâu? Mày khùng vừa vừa thôi Thiện. Tao mà đút đầu vô bệnh viện xin đền tiền cho bả là người ta kêu công an tó tao liền!
Thiện nhìn thẳng vào mắt Ngôn:
- Thí dụ tao kêu công an tó mày, có được không?
Ngôn nhìn sững lại Thiện, rồi nhếch mép:
- Thì cứ làm đi. Bộ mày tưởng chỉ mình mày có người nhà là công an à? Mà bằng chứng đâu? Mày quên là mày cũng tham dự cuộc đua xe đó sao?
Ngôn ngừng một chút, rồi nói, giọng đanh lại:
- Nói vậy thôi. Đừng giỡn mặt với tao. Tao chơi hết mình với bạn bè, nhưng thằng nào phản tao là mập mình đó. Cỡ nào tao cũng chơi. Tao nói trước rồi, có gì mày đừng trách.
Ngôn đứng dậy, trả tiền cà phê, rời khỏi quán.
Hôm đó, ngồi trong lớp, Thiện và Ngôn không nói với nhau tiếng nào. Trong lòng Thiện cứ ray rứt không thôi. Đó cũng là lần đầu tiên, trong giờ học tâm trí Thiện để tận đâu đâu. Người phụ nữ ấy có bị sao không? Đứa con của chị ấy mấy tuổi, được ai lo, làm sao sống? Giờ ra chơi, Hạ đến, hỏi thăm Thiện có việc gì không mà sao thấy có vẻ lo nghĩ. Thiện chối, nói chỉ hơi nhức đầu vì đêm qua thức khuya. Hạ cười cười, tỏ vẻ không tin, bỏ đi.
Thiện về nhà, bữa cơm trưa nuốt cũng không trôi. Ba làm việc ở cơ quan, không về. Thiện đánh bạo xin mẹ tiền để đi thăm một người bạn thân, nhà nghèo, bị tai nạn phải nằm viện. Mẹ cho được năm nghìn. Thiện lên phòng, đập luôn con heo đất đã dành dụm được hai năm nay, được tất cả trên hai chục nghìn. Buổi chiều, Thiện đạp xe đến Trung tâm cấp cứu trên đường đi ghé mua hai hộp sữa, còn bao nhiêu tiền cho hết vào một phong bì lớn. Lấy hết can đảm, Thiện vào Trung tâm cấp cứu hỏi thăm chị Ngọc Trinh đang nằm phòng nào. Được y tá trực cho biết sức khỏe Ngọc Trinh đã tạm ổn định, vừa chuyến từ phòng hồi sức ra phòng điều trị bình thường. Thiện mừng như chính người thân của mình được tai qua nạn khỏi. Nhưng rồi... Đứng trước cửa phòng điều trị, Thiện không dám bước vào, đành tìm cách hỏi thăm một chị y tá khác vừa từ trong phòng ấy bước ra:
- Thưa chị, mẹ em nhờ đến thăm chị Ngọc Trinh. Xin chị chỉ cho biết chị ấy nằm ở giường nào?
Chị y tá nhìn chàng trai lễ phép bằng một ánh mắt thiện cảm:
- Chị ấy nằm ở cái giường trong góc kia kìa. Vừa mới ngủ. Em nên để chị ấy nghỉ. Có gì, cứ đưa lại cho cô bé con của chị ấy.
Mừng rơn, Thiện ngoắt cô bé đang ngồi bên giường chị Ngọc Trinh ra. Cô bé khoảng bảy, tám tuổi, người gầy gò, đôi mắt buồn buồn, nhưng mặt mũi rất sáng sủa, thông minh.
- Mẹ đang ngủ, anh gởi em cái này, tí nữa đưa mẹ nhé.
Thiện dúi cái túi nilông cho cô bé.
- Cái này của ai vậy anh? - Cô bé hỏi ngay.
- Của các dì trong cơ quan mẹ. - Thiện nói bừa.
Anh cắm đầu đi như chạy ra khỏi bệnh viện.
*
* *
Giờ Vật lý của thầy Lê Thanh Tùng là một giờ rất đáng ngại với những học sinh không chuẩn bị bài vở kĩ. Thầy dạy rất tận tình, hết tiết còn sẵn sàng ở lại chỉ dẫn thêm cho những bạn chưa hiểu bài. Suốt hai tiết học, giọng thầy luôn vang lên sang sảng, thật trái ngược với tầm vóc thấp bé của thầy.
Rất đáng ngại vì bao giờ thầy Tùng cũng dành khoảng mười lăm phút đầu để kiểm tra bài tuần trước. Các học sinh được thầy gọi tên rất bất chợt, hoặc đứng tại chỗ trả lời một câu hỏi, hoặc lên bảng làm một bài kiểm tra nhỏ. Liên tiếp trong ba tuần, thầy đều gọi Ngôn, và cả ba lần Ngôn đều không trả lời được câu hỏi kiểm tra của thầy. Không hề mắc cỡ về sự yếu kém của mình, ngược lại, Ngôn còn có thái độ thách thức thầy Tùng. Lần thứ hai, được mời lên bảng để viết biểu thức cho tọa độ của một vật dao động điều hòa trong những trường hợp khác nhau, Ngôn đứng sựng một lúc rồi trả lời không làm được. Khi thầy hỏi tại sao không làm được, Ngôn nhún vai nói tại tuần trước thầy đã gọi em lên kiểm tra, em tưởng tuần này thầy sẽ không gọi nữa. Cả lớp cười ồ, còn mặt Ngôn thì cứ câng câng. Lần đó, Hoa đã bình luận trong nhóm 4H là có lẽ Ngôn đã bị đứt dây thần kinh mắc cỡ. Lần thứ ba, được thầy gọi lên bảng Ngôn đứng tại chỗ, nói thưa thầy đừng gọi em em không biết gì đâu. Rồi Ngôn còn thắc mắc, hỏi tại sao bao nhiêu bạn thầy không gọi kiểm tra, cứ gọi mình em.
Thầy Tùng lặng người một lúc lâu mới trả lời được:
- Vì em là một học sinh kém mà lại lười biếng nên tôi mới tập trung vào em để mong em cố gắng siêng năng hơn. Nhưng nếu em đã muốn vậy thì tôi sẽ không bao giờ gọi đến tên em nữa. Thậm chí nếu không muốn học giờ của tôi, em có thể nghỉ, tôi cho phép không ghi tên em vắng mặt. Được chưa?
Đã quay người đi lên bục giảng, nhưng chợt thầy Tùng đứng lại, nói thêm với Ngôn:
- Học vấn là vốn quý nhất của con người. Không có nó thì dù có tiền có bạc cũng là người chẳng ra gì. Tôi muốn em hãy suy nghĩ lại trước khi quá muộn, Ngôn ạ.
Ngôn nhìn thầy Tùng bằng ánh mắt lạnh ngắt.
Một tuần sau, giờ Vật lý, Ngôn vẫn vào lớp. Lúc đó là khoảng mười giờ, sau giờ ra chơi. Cho học sinh ngồi xuống xong, thầy Tùng mới ngồi, và theo thông lệ, thầy kéo hộc bàn... Thầy hơi khựng lại, rồi cầm một tờ giấy lên đọc, mặt tái dần, bàn tay run lẩy bẩy. Cả lớp lặng ngắt như tờ.
Một lúc lâu sau, khi đã trấn tĩnh được, thầy Tùng đứng dậy, đưa mảnh giấy lên và nói với tất cả lớp:
- Tôi vừa nhặt được trong hộc bàn tờ giấy này, chắc chắn nhằm gởi cho tôi. Tôi xin đọc cho các em nghe. Một người nào đó đã viết như thế này. “Ê, Lê Quốc Tùng là lùn quốc tế. Đừng có lồi mà lún, có ngày bị mất dạy nghe chưa?”.
Thầy Tùng dừng lại. Tiếng một con ruồi bay cũng có thể nghe được.
- Tôi đi dạy đã gần hai mươi năm, chưa bao giờ gặp một trường hợp như vầy. Em nào viết tờ giấy này, đứng lên đi!
Cả lớp vẫn lặng thinh.
- Em nào? - Mắt thầy Tùng rực lửa, nhìn trừng trừng về phía Ngôn, tờ giấy trong tay run bần bật.
Cả lớp tiếp tục lặng thinh.
- Đồ hèn! - Thầy quát, mắt vẫn trừng trừng nhìn Ngôn. Cuối cùng, thầy ngồi xuống, thở dài. - Thôi được rồi, tôi sẽ không dạy nữa. Cho các em nghỉ.
Rất đột ngột, Thiện đứng dậy:
- Thưa thầy, đó là bạn Ngôn.
Ngôn tái mét mặt, nhìn Thiện trân trân.
Thiện vẫn bình tĩnh:
- Trong giờ ra chơi, bạn ấy đã lén bỏ tờ giấy đó vào hộc bàn...
Thầy Tùng không chờ Thiện nói dứt câu:
- Ngôn, đứng dậy!
Mọi cặp mắt đều dồn về Ngôn. Ngôn vẫn lì lợm ngồi im.
- Đứng dậy! - Thầy Tùng gần như phải quát lên.
Cả lớp càng lộ vẻ bất mãn. Có tiếng ai nói: “Đứng dậy cho rồi”. Nhóm Bốn Mùa cúi gằm mặt.
Ngôn chống tay lên bàn đứng dậy.
- Mời cậu đi ra khỏi lớp! Kể từ giờ phút này, tôi đuổi học cậu.
Ngôn nhếch mép:
- Nói vậy thôi! Thầy làm gì có quyền.
- Đừng gọi tôi bằng thầy. Tôi không là thầy của loại người như cậu, ít nhất tôi cũng có quyền không cho cậu được vào lớp trong giờ của tôi, trong khi chờ Hội đồng kỉ luật nhà trường xét đuổi học cậu.
Ngôn xách cặp đi ra. Ngang qua bàn thầy, hắn đứng lại, gằn giọng:
- Nói vậy thôi! Còn lâu tôi mới bị đuổi học, thưa ông!
Ngôn ra khỏi lớp rồi, thầy Tùng ngã phịch xuống, hai tay ôm lấy đầu, cả lớp khổ sở nhìn nhau. Hằng đứng lên:
- Thưa thầy, xin thầy đừng buồn. Ngôn là trường hợp cá biệt nhất của lớp này. Tụi em vẫn hết sức quý thầy. Mong thầy tiếp tục dạy chúng em.
Long cũng đứng dậy:
- Thưa thầy, em cũng mong thầy hãy vì chúng em...
Thầy Tùng vuốt mặt rồi ngẩng lên nhìn cả lớp:
- Thôi được rồi, các em hãy giữ lớp yên lặng, chờ thầy lên văn phòng báo cáo về trường hợp vừa qua. Thầy sẽ về ngay để chúng ta cùng tiếp tục...
*
* *
Tan lớp học Anh văn buổi tối, Thiện lững thững đạp xe về. Cơn mưa dầm từ chiều đến giờ vẫn còn rơi lắc rắc, làm Thiện cảm thấy se lạnh, rong cùng lớp học thêm này, còn có một vài bạn trong lớp 12A2 của Thiện, kể cả Hạ và Long trong ban cán sự lớp. Thiện được ngồi gần Hạ, và càng ngày anh càng cảm thấy mến cô bạn bí thư chi đoàn này. Hạ luôn vui vẻ và tử tế với bạn bè, nhưng Thiện cứ cảm nhận như Hạ có một sự đối xử đặc biệt dành cho mình. Tuy nhiên, anh cũng hiểu giữa họ còn có một người khác, và trong tình bạn, người đó đã đến với Hạ trước anh. Đó là Long. Hôm nay, Thiện đến sớm, đứng trước cổng trường sinh ngữ chờ Hạ, thấy Hạ với Long đạp xe song song đến, miệng nói cười ríu rít, Thiện bỗng dưng thấy buồn. Suốt buổi học, anh chỉ nói chuyện nhát gừng với Hạ, và tan học là lấy xe về ngay, không chờ Long cùng đi như thường lệ.
Có tiếng xe Honda nổ dòn sau lưng Thiện, nghe rất quen thuộc, rồi tiếng Ngôn cất lên khi chiếc 67 tới cặp sát bên Thiện:
- Ê Thiện, dừng xe lại mày.
Chiếc 67 ép đầu xe Thiện vào lề đường. Ngôn ngồi sau xe, người cầm lái là một tên lạ mặt, có vẻ lớn hơn Ngôn vài tuổi. Thiện dừng xe lại. Ngôn nhảy vội xuống xe khi chiếc 67 chưa dừng hẳn:
- Xuống xe đi, thằng phản bạn!
Thiện vừa bước xuống xe thì Ngôn đã xông tới đấm vào mặt anh. Thiện gạt tay Ngôn ra:
- Mày đánh tao à?
Ngôn gầm gừ:
- Chứ sao! Tao sẽ đập mày một trận cho mày nhớ đời, thằng chó!
Hai người xông vào nhau. Ngôn nhỏ con hơn, nhưng nhanh hơn, và có vẻ đã quen với trò đánh nhau. Những cú đấm của Ngôn làm Thiện đau điếng, và anh căm giận nhận ra bàn tay phải của Ngôn có mang một nắm đấm sắt. Lúc còn ở Cần Thơ, Thiện có học võ với anh công an bảo vệ cho ba. Thiện quyết phải đánh cho Ngôn biết anh không phải dễ bị ăn hiếp. Ngôn cũng hơi ngạc nhiên về sự lì đòn của Thiện. Một cú đấm của Ngôn đã làm Thiện bị tóe máu nơi mặt, nhưng ngược lại, Ngôn cũng bị một cú ngay hàm choáng váng.
Người đi đường đã bắt đầu xúm lại. Tên bạn của Ngôn giục:
- Nhanh lên Ngôn!
Giữa lúc ấy, bỗng đâu Long từ ngoài xông vào, xô dạt hai người ra:
- Thiện, Ngôn, sao lại đánh nhau? Mà... thằng Ngôn này, mày đeo bàn tay sắt để đánh bạn à?
Ngôn lại nhào tới:
- Tránh ra, tao không có bạn gì với tụi bây!
Tên bạn của Ngôn vội vã dựng xe, nhảy vào vòng chiến. Không cần nói tiếng nào, nó bay tới đá vào lưng Long một cái chúi nhủi. Vừa lồm cồm gượng dậy, Long đã bị nó đánh tới tấp. Long gắng gượng chống đỡ, rồi biết mình không thể đánh lại, anh quyết định cắn răng chịu đòn, lăn xả vào ôm chặt lấy đối thủ. Cả hai cùng ngã nhào. Lúc đó, nhờ sức khỏe, Long đã có thể chống cự dễ dàng hơn với tên du đãng chuyên nghiệp.
Có tiếng tu huýt vang lên chói tai. Tên cùng đi với Ngôn lập tức xô mạnh Long ra, chồm dậy, lủi vào đám đông, mất hút. Hai anh công an và vài người đội viên dân phòng chạy tới. Ngôn và Thiện vẫn còn đang đánh nhau. Máu trên mặt Thiện chảy xuống ướt cả một mảng áo trắng trước ngực. Hai anh công an vội xông vào và dĩ nhiên đã khuất phục nhanh hai cậu học trò.
Cả bọn được mời về phường. Dắt xe đạp đi bên Long, Thiện nói nhỏ:
- Sao khi nãy Long không chạy đi? Đứng lại làm gì?
Long cười ngượng ngập:
- Mình không thích bỏ bạn.
Thiện ngập ngừng một chút:
- Còn... Hạ đâu?
- Hạ ở sau lưng mình kìa!
Thiện quay đầu lại nhìn. Phía sau một vài người hiếu kì đi theo họ, là Hạ với đôi mắt đen nhánh, đang đạp xe chạy chầm chậm theo sau. Đôi mắt ấy đang nhìn Thiện, ngập ứ một nỗi lo âu thương xót. Khi thấy hai bạn và Ngôn đã bị đưa vào phường, Hạ nhìn kĩ tên phường rồi đạp xe chạy vụt đi...
*
* *
Thiện đang giải bài tập Toán thì ông Trung đến ngồi gần anh:
- Thiện, ba muốn nói chuyện với con một lát. - Thiện buông bút xuống, hồi hộp nhìn ba:
- Thưa ba, có việc gì ạ?
Ông Trung nghiêm mặt:
- Ba vừa được báo là cách đây ba ngày, con có tham gia trong một vụ ẩu đả ngoài đường phố và bị đưa về công an phường nơi đó. Như vậy, buổi sáng thứ ba, ba thấy con bị thương tích ở mặt và con giải thích với ba là bị té xe nghĩa là sao?
Thiện lúng túng:
- Dạ thưa ba...
- Con tự cho phép mình được nói dối ba từ bao giờ vậy?
- Thưa ba, con... con chỉ sợ làm bận lòng ba.
Ông Trung lặng lẽ nhìn Thiện một lúc lâu, và rồi ông chợt nhận ra đứa con trai của ông đã không còn bé bỏng nữa.
- Đó là một lời giải thích có lý, nhưng ba vẫn không chấp nhận. - Giọng ông Trung dịu lại. - Dù gì đi nữa, ba yêu cầu con phải thỏa thuận với ba một điều: con sẽ không bao giờ nói dối ba, mẹ. Con đồng ý không?
Thiện se sẽ gật đầu. Ông Trung vẫn nhìn sâu vào mắt con:
- Nhưng ngoài lý do sợ làm bận lòng ba, con còn một lý do khác nữa...
Thiện chỉ im lặng. Ông Trung nheo mắt nhìn và hỏi luôn một câu:
- Ngôn chặn đường đánh con vì con đã thưa với thầy giáo việc nó đã làm bậy, phải không?
Thiện lại se sẽ gật đầu. Như vậy có nghĩa là ba đã biết hết mọi chuyện rồi. Lúc nào ba cũng trăm công nghìn việc, vậy mà mình còn làm ba phải mất thì giờ vì mình. Nhưng... lẽ nào mình có thể làm khác đi được? Chỉ một mình mình thấy Ngôn làm việc đó, mình lại có thể im lặng được sao?
Như hiểu được ý con, ông Trung nói:
- Con hành động như vậy là đúng. Trường hợp đó gọi là phản lại cái xấu, chứ không phải phản bạn. Bởi vậy, ba hơi ngạc nhiên khi nghe báo là chính con đã xin cho Ngôn được thả cùng lúc, bảo tất cả chỉ vì một sự hiểu lầm giữa bạn bè. Con muốn nói dối ba còn là vì muốn bảo vệ cho Ngôn, có phải không?
Ba rất ít trò chuyện, nhưng lúc nào cũng như đi guốc vào bụng mình. Thật ba đúng là công an loại xịn. Thiện len lét nhìn ba, gật đầu. Ông Trung thở dài:
- Ba như vầy mà có thể đi bênh con một cách vô nguyên tắc hay sao? Má con đã quá hiểu điều đó nên đã nhờ người khác đến can thiệp mà không dám cho ba biết. Con cũng hiểu ba như thế nào rồi mà. Nhưng, ba lại muốn con hiểu điều này: cái xấu cần được tém dẹp ngay từ khi còn là mầm mống. Những ai nhân nhượng với nó thường đều phải trả giá. Tại sao con lại bao che cho Ngôn?
- Con không bao che mà chỉ nghĩ chắc Ngôn vẫn còn có thể sửa đổi được.
- Thế Ngôn đã bị kỉ luật về hành động vô lễ với thầy giáo chưa?
- Dạ chưa. Hội đồng kỉ luật của nhà trường đang xét. Nhưng hổm rày, Ngôn vẫn bỏ học. Tụi con đang cho một số bạn thân của Ngôn đi vận động Ngôn vào lớp và xin lỗi thầy Tùng, nhưng chưa đứa nào gặp được Ngôn cả.
Ông Trung im lặng một lúc, rồi đặt tay lên vai Thiện:
- Thiện à, báo chí đã lên tiếng mà ba cũng đã thấy điều này: học trò ngày nay không còn kính trọng thầy cô như ngày xưa nữa. Cũng có lúc có người đã tưởng lầm sự kính trọng như thế là phong kiến. Riêng ba, ba chỉ mong con một điều: hãy luôn luôn kính yêu thầy cô như cha mẹ mình. Người nào không có hiếu với cha mẹ, không kính trọng thầy cô, người đó không thể nào làm một công dân tốt. Con hiểu ý ba không?
Ông Trung nhìn thẳng vào mắt Thiện. Thiện lẳng lặng gật đâu. Ông mỉm cười và đứng dậy:
- Thôi, ba đi ra để con học. Ba rất tin con. Nhớ đừng làm gì phụ lòng tin của ba.
*
* *
Theo sự phân công của cô hiệu trưởng, thầy Minh tìm đến nhà Ngôn để thuyết phục Ngôn đi học trở lại, đồng thời trao đổi với ba Ngôn để tìm một giải pháp êm đẹp nhất cho trường hợp vi phạm đạo đức nặng của Ngôn.
Thầy Minh đã tần ngần một lúc lâu trước cánh cổng sắt lớn của một ngôi biệt thự nằm trên con đường yên tĩnh nhất trong quận. Nhón gót nhìn qua một ô trống trên cửa, thầy thấy trong sân đậu đầy những chiếc Honda, Suzuki đời mới và cả mấy chiếc xe con. Ánh sáng rực rỡ rồi tiếng cười nói từ sân thượng đổ xuống, cho Minh biết trên ấy đang có một bữa tiệc khá náo nhiệt.
Cuối cùng, Minh quyết định nhấn chuông. Có tiếng chó hực sau hai cánh cổng. Rồi người giúp việc xuất hiện. Đây là lần thứ tư trong tuần Minh đến tìm ông chủ nhà mà không gặp, nên vừa thấy Minh, người giúp việc đã tặc lưỡi:
- Chà, hôm nay ông ấy có nhà nhưng lại đang dự tiệc. Thôi được rồi, xin thầy vào chờ một chút, xem ông ấy có tiếp được không.
Minh dắt chiếc Suzuki cà khổ của mình vào sân, vừa đi vừa hỏi:
- Còn Ngôn có nhà không?
- Cậu ấy đi vắng cả tuần rồi.
Người giúp việc để Minh đứng chờ trong sân, hai con bec giê to tướng nằm hai bên. Anh ta đi vào nhà một lúc sau trở lại, vẻ mặt tươi tỉnh:
- Ông mời thầy vào.
Một căn phòng khách cực kì sang trọng. Có thể nói là sang trọng nhất từ trước đến giờ mà Minh đã được bước vào. Toàn bộ nền nhà được trải thảm. Ánh sáng thiết kế hoàn hảo. Cửa kính với màn che. Hai bộ salon lớn và những vật dụng khác được bày biện bởi một bàn tay bậc thầy về trang trí nội thất. Có máy điều hòa không khí nhưng người giúp việc chỉ bật một chiếc quạt đứng gần nơi Minh được mời ngồi. Xong, anh ta lặng lẽ biến mất.
Ông Quyến bước xuống cầu thang. Mặt ông hồng hào vì hơi rượu, ngày thường đã đầy đặn giờ càng căng bóng. Cái bụng tròn chật cứng trong một chiếc sơmi mỏng ngắn tay. Ông nheo mắt nhìn khi thấy Minh đứng dậy, rồi bước tới đưa tay ra bắt tay Minh:
- Anh là chủ nhiệm lớp của thằng con tôi đó à? Tôi đang tiếp khách mà anh lại đến không có báo trước. Thôi được, nghe nói anh đã đến đây mấy lần rồi. Vả lại, với các thầy cô giáo thì tôi luôn có chế độ ưu tiên... - Ông Quyến đưa tay lên nhìn đồng hồ. - Xin dành cho anh mười phút. Mời anh ngồi.
Họ cùng ngồi xuống. Ông Quyến rút trong túi ra một gói 555 mời Minh một điếu. Bật quẹt gas đốt thuốc cho Minh xong, ông mới bắt đầu nói:
- Vụ thằng con tôi bị thầy... gì đó đuổi học là thế nào nhỉ? Theo tôi biết thì giáo viên đâu có quyền đuổi học sinh? Cái đó phải do bạn giám hiệu và Hội đồng kỷ luật. Ông thầy đó đuổi thằng Ngôn ngang xương, nó buồn bực bỏ nhà đi luôn, rủi làm gì bậy thì ai chịu trách nhiệm?
Minh lúng túng không biết trả lời như thế nào. Rõ ràng người làm chủ tình hình trong cuộc gặp gỡ này lại chính là ông chủ nhà. Anh chưa kịp nói gì thì ông Quyến đã tiếp:
- Tôi làm hội phụ huynh ở trường suốt hai năm nay, và tự thấy mình cũng không đến nỗi vô tích sự. Dám chắc với thầy là không có trường nào trên cả nước này nhận được lương giáo viên đúng hạn bằng trường của thằng Ngôn. Nhưng thôi, dẹp chuyện đó, kẻo thầy lại nói là tôi kể công. Chỉ có điều tôi không hiểu tại sao con tôi lại bị đối xử thô bạo như vậy? Nó có sai, rõ ràng rồi, và tôi sẽ bảo nó xin lỗi thầy giáo. Con người mà, Bác đã nói chỉ có chết rồi mới hết sai lầm thôi. Vấn đề là phải biết nhận lỗi. Nhưng tôi cũng được biết là ông thầy đó cứ theo trù dập nó, hạ nhục nó liên tục trước cả lớp. Tôi nghĩ nhà trường cần coi lại phương pháp sư phạm của ông ta. Thằng Ngôn con tôi, tôi biết. Tính nó thẳng thắn lắm! Nhiều khi vì vậy mà mất lòng thầy cô... À quên nữa, sao, thầy tìm tôi có việc gì?
Đến lúc đó Minh mới được nói:
- Như vậy chắc ông đã biết hết về mọi việc. Đúng là thầy Tùng không có quyền đuổi học Ngôn mà chỉ có quyền đề nghị. Chúng tôi muốn Ngôn làm kiểm điểm và xin lỗi thầy, nhưng suốt từ hôm ấy đến nay, em Ngôn đã bỏ học, không vào trường. Bạn bè đi tìm cũng không gặp. Ban giám hiệu cử tôi đến gặp ông để bàn việc đưa Ngôn vào học trở lại, làm kiểm điểm và xin lỗi thầy giáo, trước khi Hội đồng kỷ luật của nhà trường phải họp.
Ông Quyến nhíu mày lộ vẻ suy nghĩ rồi trả lời rất nhanh:
- Được rồi, thứ hai tới tôi sẽ bắt nó làm kiểm điểm nộp cho nhà trường và vào lớp xin lỗi thầy giáo. Nhờ thầy nói với các đồng chí trong Ban giám hiệu là xin miễn cho tôi việc họp hành, lúc này tôi bận quá, nội cái việc chạy tìm tiền mặt để phát lương cho các cơ quan hành chính sự nghiệp trong quận cũng đã đủ bở hơi tai rồi! Coi như việc này tôi hoàn toàn tin tưởng vào Ban giám hiệu. Về phía thầy Tùng, một lần nữa tôi đề nghị Ban giám hiệu nên có nhắc nhở ông ấy về phương pháp sư phạm. Theo tôi biết thì nền giáo dục xã hội chủ nghĩa khác hẳn nền giáo dục phong kiến, tư sản. Mọi học sinh đều được tôn trọng...
Dừng lại một lúc, ông thở dài sườn sượt:
- Mà sao ông thầy đó cũng cố chấp quá! Tụi con nít thiếu suy nghĩ, thấy sao nói vậy có vô lễ thì mình dạy cho nó biết, hơi đâu để bụng. Tôi nói vậy, phải không thầy?
Minh không biết làm gì hơn là phải gật đầu. Ông Quyến nhìn đồng hồ rồi đứng ngay dậy, choàng vai Minh, đưa anh ra cửa:
- Vậy nhé, thầy Minh. Xin cảm ơn thầy đã chịu khó tới đây. À quên. - Ông dúi cả gói 555 vào túi áo Minh. - Xin biếu thầy gói thuốc hút chơi. Tôi bao giờ cũng quý trọng các thầy cô giáo. Không thầy đố mày làm nên mà!
Minh ra về, ngẩn ngơ suốt buổi. Đêm ấy, anh không thể làm được một bài thơ nào theo kế hoạch đã định nhân một ngày kỷ niệm sắp tới.
*
* *
Tiếng trống báo hiệu tan trường vang lên.
Thầy Tùng chậm chạp xếp sách lại. Như thường lệ, thầy hỏi cả lớp:
- Còn em nào có điểm gì không hiểu hoặc chưa rõ không?
Cả lớp nhìn thầy kính phục. Suốt hai tiết “Dòng điện xoay chiều” đã được thầy giảng hết sức rõ ràng, tường tận. Từng học sinh đều có cảm giác đây là buổi giảng hay nhất của thầy Tùng từ đầu năm học tới nay, mặc dù những buổi giảng trước của thầy cũng luôn luôn kết thúc khi cả lớp đã được thông suốt. Chỉ cần một học sinh còn có điểm không rõ là thầy Tùng sẵn sàng ở lại để giảng thêm. Điều ấy cũng hiếm khi xảy ra. Về môn Lý, lớp phó học tập Long đã nhận xét là không cần phải đi học thêm.
Cả lớp cùng im lặng. Nhiều bạn đã rục rịch chuẩn bị cặp vở để đi về. Bất chợt thầy Tùng nói:
- Hôm nay, xin các em cho thầy thêm năm phút để nói với các em vài lời.
Hạ, Long và Hằng trao nhau một cái nhìn lo âu. Cả ba cùng linh cảm một điều gì không hay sắp xảy ra. Một tuần đã trôi qua từ cái hôm Ngôn có hành động quá hỗn láo với thầy Tùng. Ngôn vẫn bỏ học, trong khi Ban giám hiệu vẫn giữ một thái độ im lặng khó hiểu. Trong tình hình đó, việc thầy Tùng dạy xuất thần bài “Dòng điện xoay chiều” đã trở nên một điều đây nghịch lý, bất thường.
Giọng thầy Tùng cất lên rất bình tĩnh:
- Các em thân mến, vừa rồi là tiết dạy cuối cùng của thầy ở lớp các em, và cũng là ở trường này. Có thể cũng là tiết dạy cuối cùng trong đời thầy. Như các em đã biết, em Ngôn, học sinh lớp này, đã phạm một lỗi lớn với thầy. Hôm qua, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp sơ bộ, và thầy rất ngạc nhiên khi thấy các em trong Ban cán sự lớp không được mời dự. Phụ huynh của Ngôn và chính Ngôn cũng vắng mặt, chỉ gởi lại một bản kiểm điểm, trong đó có lời xin lỗi thầy, mà theo thầy thấy là không thỏa đáng, làm cho lấy có. Vậy mà Ban giám hiệu chấp nhận và chỉ đề nghị mức kỷ luật cảnh cáo. Riêng thầy, thầy còn được nhắc nhở về phương pháp sư phạm của mình...
Thầy Tùng nghẹn lời. Gần như cả lớp đều bồi hồi. Hằng đứng lên, sau đó cả lớp cùng làm theo cô:
- Thưa thầy...
Thầy Tùng đưa tay ngăn Hằng:
- Thôi, các em đừng nói gì nữa. Thầy rất tiếc, nhưng không còn cách nào khác.
Và thầy ôm cặp đi nhanh như chạy ra khỏi lớp.
Vĩnh Biệt Mùa Hè Vĩnh Biệt Mùa Hè - Nguyễn Đông Thức Vĩnh Biệt Mùa Hè