Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Chương 3: Vì Sao Hoàng Đệ Lê Duy Hàn Bị Phế Làm Thứ Dân
L
ê Duy Hàn là em ruột của vua Lê Anh Tông (1556 - 1573), vì thế, sử thường chép tên ông là Hoàng đệ Lê Duy Hàn. Bấy giờ, cuộc hỗn chiến Nam - Bắc triều (cũng gọi là cuộc chiến tranh Lê Mạc) đang trong thời kì quyết liệt, chính sự của cả Nam triều lẫn Bắc triều đều rối bời, dân tình cả nước rất khốn khổ.
Xét về danh nghĩa, Nam triều là triều Lê nhưng quyền bính lại do Nguyễn Kim nắm giữ. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, Nam triều bị họ Trịnh chuyên quyền, ngôi Hoàng đế của họ Lê chỉ là hư vị mà thôi. Sử gọi đó là thời vua Lê - chúa Trịnh. Tất nhiên, trong tôn thất nhà Lê cũng có những người nuôi chí khôi phục quyền lực cho dòng họ mình, và trong họ Trịnh, cũng có không ít người thèm khát ngôi chúa, cho nên, họ kết bè kết cánh và tìm cách thanh trừng lẫn nhau.
Cuộc nồi da nấu thịt lớn nhất và sớm nhất trong nội bộ họ Trịnh là cuộc hỗn chiến giữa con trưởng của Trịnh Kiểm là Trịnh Cối với con thứ của Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng, diễn ra trong hai năm: 1569 và 1570, với kết cục là Trịnh Tùng giành được ngôi chúa từ tay anh ruột của mình. Cuộc xung đột lớn nhất và sớm nhất trong nội bộ họ Lê là cuộc xung đột giữa vua Lê Anh Tông với em ruột của nhà vua là Lê Duy Hàn. Về sự kiện này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 16, tờ 25a) chép như sau:
"Mùa hạ, tháng tư (năm Kỉ Tị, 1569 - ND) Lê Duy Hàn là em ruột của Nhà vua ngầm nuôi chí khác, lẻn vào cung cấm, lấy trộm ấn báu nên bị bắt, nhưng rồi được tha. Sau đó, (Lê Duy) Hàn lại phạm thêm tội giết người, (Nhà vua) đành phải giao cho đình thần nghị tội. Vua nói với Thượng tướng (chỉ Trịnh Kiểm - ND) rằng:
- Ta đang lúc tuổi trẻ, may nhờ được Thượng phụ (chỉ Trịnh Kiểm - ND) và các quan văn võ tôn làm quân trưởng, lòng những mong giữ tình thân ái, trong từ anh em ruột thịt đến gia đình, ngoài từ quốc gia đến khắp thiên hạ, ai ai cũng được hưởng an vui. Nay, Duy Hàn với ta, tuy sinh cùng một bọc nhưng cha mẹ đều mất sớm, hắn chẳng chịu nghe lời dạy bảo, thường vụng trộm làm trò nhơ nhuốc, bẩm tính đã gian ngoan ngu muội, lại còn phạm tội vô cớ giết người, đáng phải bắt giam lại.
Đến ngày 25 tháng 7, bọn Thiếu phó là Văn Khê Hấu Lương Quốc Hoa vâng theo thánh chỉ của vua, vào xin ý kiến của Thượng tướng, căn cứ vào phép nước mà xử (Lê Duy Hàn) phải bị thích vào mặt sáu chữ, bắt phải phế làm thứ dân. Các quan bộ Hình phải chịu trách nhiệm thi hành.”
Lời bàn: Lê Duy Hàn làm việc đại bất nghĩa chăng? Thật khó mà khẳng định như vậy. Nam triều đánh nhau với Bắc triều, anh em nhà chúa đánh nhau, anh em nhà vua đánh nhau, nơi nào cũng đánh nhau... đại nghĩa không còn đủ can đảm để trú ngụ trong các gia đình quyền thế đương thời nữa. Họ chỉ khác tên khác tuổi, chớ cái tâm thì có gì đáng gọi là khác nhau đâu.
Lê Duy Hàn là bậc đáng khen chăng? Chao ơi, nếu vậy thì lấy gì để phân biệt trắng đen nữa. Trộm ấn báu trong cung cấm, Lê Duy Hàn chỉ tỏ cái tham vọng làm vua, chẳng hề tỏ chút tài kinh bang tế thế nào cho thiên hạ nhờ cậy. Cả gan giết người vô tội, Lê Duy Hàn chỉ tỏ sự ngông cuồng của kẻ bất đắc chí, chẳng hề tỏ chút hào hiệp nào cho trăm họ noi theo. Chẳng biết triều đình thích những chữ gì vào mặt Lê Duy Hàn, nhưng gương mặt ấy cũng như gương mặt của triều đình bấy giờ, nhem nhuốc đã sẵn, thêm vào sáu chữ nữa, nào có đáng kể gì đâu.
Xót thương thay cho dân đen thời chính sự điên đảo. Kẻ thế phiệt nếu bị coi là phạm tội, may mà thoát chết thì thế nào cũng bị đuổi về làm thứ dân. Họ tưởng làm thứ dân dễ lắm, có biết dâu rằng, bất cứ kẻ nào có ý nghĩ tương tự, thì chẳng bao giờ chiếm được một mảy may tình cảm của dân. Với dân, họ là ai, không nói cũng đủ biết rồi. Thậm nguy, chí nguy!