When they asked me what I loved most about life, I smiled and said you.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Nghiêm Kế Tổ
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4219 / 52
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần II - Chương 1: Chính Phủ Trần Trọng Kim
hiến tranh hoàn cầu lần thứ II bùng nổ. Một việc trọng đại làm thay đổi cuộc diện thế giới như vậy, người Việt Nam không hề tỏ thái độ của mình. Hoặc ủng hộ Đồng Minh, hoặc theo ‘’Trục’’ hay ít nhất, đối ngoại phải tỏ rõ lập trường, đối nội, phải tích cực chuẩn bị giữ mình.
Hiểu tiền đồ dân tộc, rõ sự liên hệ mình với người, biết nhìn trước thời cuộc, chỉ có những người làm chính trị, những đảng phái cách mệnh, hay một số các người được gọi là trí thức.
Phải chăng đại đa số dân Việt Nam không biết đọc, không biết viết, không có dịp tập hợp dưới cờ Cứu Quốc, đã không theo dõi được tình hình, không kiểm điểm nổi bước tiến của Lịch Sử dân tộc?
Phải chăng, với tình hình thế giới, người Việt Nam quá lãnh đạm thờ ơ?
Nước Pháp thua ư? Thì kẻ chiến thắng Pháp cũng là kẻ chiến thắng Việt Nam.
Ngước Pháp được ư? Người Việt vẫn trong vòng cương tỏa, có chăng vài ‘’tù nhân’’ được ân xá, vài ngày lễ chiến thắng, điểm binh, công chức nghỉ phép, học trò được chơi…
Thế này hoặc thế khác, người dân Việt vẫn phải còng lưng làm việc, đóng thuế (có khi nặng hơn trước để bù vào chiến tranh phí), vẫn mù chữ (vì dốt nát giúp sự cai trị được dễ dàng), vẫn không được tự do ngôn luận, lập hội, lập đoàn…Nghĩa là người dân không thay đổi gì hết, nếu có, cũng không đáng kể gì.
Tại sao dân Việt Nam lại thờ ơ như vậy?
Vì chế độ thuộc địa trên đất Việt đã khắc sâu vào tâm khảm người dân những nét đáng buồn.
Trên giải đất thân yêu có những phản ảnh lúc tế nhị, lúc bạo tàn. Sự thay đổi làn không khí âm u của non thế kỷ, dù không khí mới nhẹ hay nặng, việc đó không chắc lợi lộc gì cho Việt Nam cả.
Trạng thái tâm lý đã như vậy, nhưng tinh thần ra sao? Phải chăng qua 80 năm trói buộc, tâm hồn người Việt đã bị trơ mòn đến nỗi tê liệt óc tranh đấu quật cường?
Không!!
Bản tính người Việt suy nghĩ và trầm lặng.
Người dân Việt hằng nhắc tới hành động yêu nước trong những phong trào khởi nghĩa của Cha, Anh. Người dân vẫn chờ đợi, chờ đợi một cái gì mới mẻ sẽ đến.
Năm 1939, chiến tranh thế giớ thực sự bắt đầu.
Trục là kẻ thù của Pháp: Nhật Bản ở phe Trục. Nhật là người Á Đông, hình dáng giống Trung Hoa và Việt. Nhật cũng hấp thụ đạo lý Khổng Mạnh, cũng dùng chữ Nho: Huynh đệ với Việt Nam về phương diện tinh thần! Người dân Việt biết thế.
Năm 1940, muốn đánh tập hậu và chặt đường tiếp tế Tưởng Giới Thạch, quân đội Thiên Hoàng cố tình đổ lỗi cho Pháp, tìm cớ để mượn đường Bắc Việt hành quân. Đã kém vế với Hitler ở chính quốc, Pháp phải ôn hòa với Nhật ở Đông Dương, vì xét thực lực mọi mặt, Nhật Bản nắm ưu thế rõ ràng.
Sau một hồi tin đi mối lại, dưới sự hăm dọa của quân đội Phù Tang, Đô Đốc Decoux, người vừa thay thế chức Toàn Quyền Đông Dương của Tướng Catroux, dằn lòng cho Đại Tá Nhật đem quân lực vào Bắc Việt, ‘’mượn’’ Hải Phòng làm trạm dừng quân, ‘’mượn’’ căn cứ Gia Lâm, Lào Kay, Phủ Lạng Thượng cho Không Quân Hoàng Gia. Đối lại, chánh phủ Nhật phải tôn trọng chủ quyền Pháp ở Đông Dương và bảo đảm hành vi quân đội.
Tháng 9.1940, quân Nhật đặt chân lên đất Việt Nam theo thỏa hiệp đã ký kết.
Thoạt đầu bóng người quân nhân Nhật Bản cũng gây được đôi chút cảm tình với người dân Việt: có lúc lính Nhật cho trẻ con kẹo, bánh, thuốc lá, có lúc họ vào chơi nhà dân chúng, vái bàn thờ một cách lễ độ, có lúc họ đánh người Pháp bênh người Việt ngoài đường phố…Thái độ ấy người dân Việt thường tỏ ra bằng lòng.
Về sinh hoạt, người Nhật liên tiếp mở hiệu buôn, nhà thầu, tương đối giảm bớt được một số người thất nghiệp, có người đã trở nên giàu có…Hàng của họ bán rất rẻ, vải có, thuốc có (Thời kỳ này, ngoại phẩm bên Pháp không sang được).
Chữ Nho như trỗi dậy sau 80 năm tưởng chừng đã chết. Việt và Nhật có thể bút thoại, người ta bắt đầu sưu tầm ‘’bước tiến’’ loại sách báo Tân A, ‘’Vương dương Minh’’ thấy xuất hiện. Người dân quen dần với những chiếc xe nhà binh màu đất, với kiểu quần áo cắt lùng thùng, với cây kiếm dài lê thê, với tiếng giầy đinh lệt xệt…Một đôi khi, từ cái mũ (lưỡi trai) thốt ra câu tiếng Việt, người dân nghĩ đến Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, rể của Hoàng Tộc Phù Tang, bàn tán đến Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội.
Nhật thắng Pháp thêm một điểm, dân chúng Việt Nam quay nhìn sức mạnh của con cháu Thái Dương Thần Nữ, tơ tưởng đến lòng tốt của người Nhật Bản.
Chính khách của Thiên Hoàng xúc tiến đẩy mạnh phong trào nào giúp Đảng Đại Việt, Việt Nam Phục Quốc, Cao Đài, Hòa Hảo, v.v…
Đồng thời với những vụ rối loạn, bạo động ở Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu, Đồng Tháp Mười (1940), Nghệ An, Đô Lương (1941), Pháp phải dùng đến bom triệt hạ, người Nhật đã biết lợi dụng lòng yêu nước của người Việt để xoa nặn lòng ái quốc của dân tộc Việt Nam, mục đích đẩy Pháp đến đường cùng.
Giữa lúc Pháp và Nhật tranh dành nhau, kèn cựa đối phó nhau, phong trào Việt Minh phát triển: Mối lo âu cho Nhật lẫn Pháp.
Việt Minh là hai chữ tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, do một số các người cách mệnh quốc tế lãnh đạo, thành lập năm 1941. Phương châm: ‘’Bài Phong, Phản Đế, Diệt Phát Xít’’ giải phóng dân tộc Việt Nam, hợp tác với mọi lực lượng chống Phát Xít, tiêu diệt thực dân và đế quốc chủ nghĩa.
Việt Minh tố giác Nhật Bản bề ngoài mơn trớn dân ta, bề trong giết ngấm, giết ngầm. Nào ‘’mua’’ thóc, nào ‘’khuyến khích’’ trồng đay, trồng gai thay cho ngô, lúa. Người Nhật có phương tiện ‘’giản dị’’ hơn người Pháp, thích hợp hơn người Pháp: dân ta, kẻ nào làm ‘’rối trật tự’’ chắc chắn được đi nếm vị ‘’âm dương’’, ‘’tầu bay, tầu thủy’’ (*) tượng trưng thuần túy của ‘’Võ sĩ đạo’’ và thường thường, kẻ ‘’có tội’’ được trả nợ non sống dưới đường kiếm sắc.
(*) Những đòn tra tấn khủng khiếp của Nhật khi họ bắt được dân chúng tình nghi hoạt động chánh trị đối lập.
Tinh thần người dân Việt lại lung lay. Tâm lý người dân Việt lại thay đổi. Một số người lại tiếc rẻ hình dáng cũ. Quân đội Nhật hung ác quá.
Người Nhật đào thêm hố chia rẽ giữa Pháp và Việt. Thái độ bàng quan của Việt do đó ngày càng rõ.
Phái thân Nhật phát triển hoạt động. Pháp cố gắng liên lạc với Đồng Minh. Tiềm lực giải phóng quốc gia dân tộc của Việt Nam liên tục chuyển mình.
Đùng một cái Matsumoto gửi tối hậu thư cho Decoux (20 giờ ngày 8.3. 1945), mười tiếng đồng hồ sau, cờ mặt giời phất phới tung bay trên thủ đô nước Việt.
9.3.1945!
Tòa nhà của Pháp nỗ lực xây trong 80 năm đằng đẵng sụp đổ trong khoảng khắc.
Sau khi đảo chính, Tổng tư lệnh quân đội Nhật ở Đông Dương tuyên bố: ‘’Người Nhật trao trả Độc Lập cho Việt Nam để cùng nhau lập khối Đại Đông Á’’ (**)
(**) Tuyên cáo của Tổng Chỉ Huy Quân Đội Nhật ngày 10.3.1945
Ngày 11.3.1945, Vua Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ tất cả những hiệp ước ký với Pháp từ xưa và chánh phủ Việt Nam tin tưởng ở nhiệt thành, đẹp đẽ của Nhật: Việt Nam Độc Lập.
Báo chí lại bắt đầu xuất bản. Các đảng phái công khai xuất hiện: Phục Quốc, Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, Thanh Niên Ái Quốc Đoàn v.v…
Tuy niên dân chúng vẫn thờ ơ, chưa thấy điều gì mới lạ. Để giải quyết vấn đề tâm lý, Nội các của các ông Thượng Thư giải tán.
Sau khi chuẩn y cho Nội Các cũ từ chức, Vua Bảo Đại triệu tập nhân tài ra giúp nước.
Tình trạng bi đát lúc giao thời: Nạn đói tung hoành trên đất Bắc, đốt thóc khai than tại miền Nam, toàn thể bộ máy hành chính bị tê liệt, sự đi lại bị kiểm soát ngặt nghèo. Thêm vào đó nạn chợ đen và bom Mỹ. Một đạo Dụ ra đời tạm thỏa lòng dân mong đợi:
Nước Việt Nam Độc Lập đã có một Nội Các mới (17.4.1945) do Cụ Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng với các Bộ:
Ngoại Giao: Trần Văn Chương
Nội Vụ: Trần Đình Nam
Kinh Tế: Hồ Tá Khanh
Tài Chính: Vũ Văn Hiền
Tiếp Tế: Nguyễn Hữu Thi
Giáo Dục Và Mỹ Thuật: Hoàng Xuân Hãn
Tư Pháp: Trịnh Đình Thảo
Thanh Niên: Phan Anh
Giao Thông Công Chính: Lưu Văn Lang
Y Tế Cứu Tế: Trương Như Định
Đó là Nội Các đầu tiên với những tên Bộ nghe tân tiến. Chính phủ Nam triều trước ngày 9.3.1945 gồm có 6 Bộ do ông Phạm Quỳnh lãnh đạo:
Bộ Lại: Phạm Quỳnh (Nội Vụ)
Bộ Hộ: Hồ Đắc Khải (Tài Chính)
Bộ Lễ: Ưng Ủy (Tư Pháp)
Bộ Học: Trần Thanh Đạt (Giáo Dục)
Bộ Kinh Tế: Trương Như Định
Việc thành lập Nội Các mới đã giải quyết vấn đề tâm lý dân chúng một khoảng khắc. Người dân tỏ cảm tình khi nhận thấy số đông các vị Bộ Trưởng là những người tương đối có tài có đức. Cụ Trần Trọng Kim là một học giả danh tiếng, tài năng và đức hạnh của Cụ nhiều người đã biết. Lòng ái quốc từng được diễn đạt qua những tác phẩm của Cụ. Nay đứng lãnh đạo chính phủ với khẩu hiệu Dân Vi Quý của Vua Bảo Đại. Quốc dân tỏ vẻ tín nhiệm chính phủ mới cũng như Hoàng Đế tín nhiệm (***)
(***)Trẫm mong chư khanh sẽ đồng tâm hiệp lực và giúp Trẫm thế nào cho sự kiến thiết nền Độc Lập tổ quốc mau có hiệu quả cho đẹp lòng Trẫm tin cậy chư khanh. Dụ ngày 17.4.45
Ngày 3.5.1945, Hoàng Đế Bảo Đại ban bố một Bản Tuyên Chiếu lời lẽ súc tích, cứng cỏi, quảng đạt và vô cùng sáng suốt:
‘’Chư Khanh,
Nội Các này là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Độc Lập sau 80 năm thuộc quyền ngoại quốc thống trị.
Trong thời gian đó, dưới chính thể eo hẹp của người ngoài, dù có tài năng ra giúp nước cũng thể thi thố được gì.
Nay nhờ được Hoàng Quân Đại Nhật Bản, nước nhà đã được giải phóng.
Những người ra gánh vác việc nước ngày nay là được cái vinh dự tối cao, mà cũng là đảm đương một trách nhiệm rất to và chịu một sự hy sinh rất nặng.
Trẫm đã lựa chọn khắp nhân tài trong nước, kén lấy những người có học thức, có kinh nghiệm để đảm đương việc nước trong buổi bây giờ. Trẫm chắc rằng chư khanh sẽ làm chức vụ không phụ lòng Trẫm ủy thác và lòng dân kỳ vọng.
Điều cần nhất là phải gây sự đồng tâm hiệp lực trong toàn thể quốc dân. Phải đoàn kết chặt chẽ các giai tầng xã hội và luôn luôn giữ mối liên lạc mật thiết giữa Chính phủ và nhân dân.
Chính phủ ngày nay không phải phụng sự một cá nhân hay một đảng phái nào cả. Dân nô lệ nhất thiết ỷ lại ở người, dân độc lập nhất thiết trông cậy ở mình. Trông ở mình thì phải gắng sức hy sinh mới mong sinh tồn phát đạt được ở giữa cõi đời cạnh tranh kịch liệt ngày nay.
Dân một nước Độc Lập là dân biết ham tự do mà cũng trọng kỹ luật, giữ trật tự thì sự trị an được dễ dàng mà chính phủ mới lo cải tạo quốc gia được.
Muốn cải tạo quốc gia, chính phủ cần hành động cho có quy củ, nghĩa là phải có Hiến Pháp.
Hiến Pháp tương lai của Việt Nam sẽ căn cứ vào hợp nhất quốc gia, sự quân, dân cộng tác và những quyền tự do, chính trị, tôn giáo cùng nghiệp đoàn của nhân dân.
Một Hội Nghị Lập Hiến sẽ căn cứ vào những nguyên tắc kể trên mà khởi thảo một bản Hiến Pháp.
Nhưng trong lúc chiến tranh nầy, những vấn đề quốc kế dân sinh rất là phiền phức và khẩn cấp. Chính phủ phải có đủ quyền mà giải quyết những vấn đề đó mau chóng.
Còn về phương diện dân, sẽ có những cơ quan cố vấn đặt trong toàn quốc hay trong các địa phương để bầy tỏ ý kiến với chính phủ và liên lạc chính phủ với nhân dân.
Đồng thời một ủy ban sẽ nghiên cứu những sự cải cách như sự nghi lễ, quốc kỳ và quốc ca v.v…
Trẫm biết nó dễ mà khó: Trên con đường độc lập của nước nhà còn biết bao là nỗi khó khăn nhưng Trẫm tin rằng một dân tộc trên 20 triệu người như dân Việt Nam ta, đã có 2000 năm lịch sử, vẻ vang oanh liệt, chẳng kém gì người, sẽ đủ sức vượt qua mọi sự khó khăn, đủ sức gánh một phần trách nhiệm trong việc kiến thiết nền thịnh vượng chung ở Đại Đông Á và đi tới địa vị một dân tộc hùng cường trong thế giới được.’’
Sau khi quốc dân được nghe tuyên chiếu, đến lượt Nội Các rõ ràng nhấn mạnh những việc phải thi hành ngõ hầu xây dựng một nước Việt Nam trường cửu:
Về kinh tế sẽ được định lại thuế khoá cho công bình, duy nhất, nâng cao trình độ sinh hoạt của dân chúng.
Về chính trị, hợp nhất mọi giai tầng xã hội, xây đài kỷ niệm để ghi ơn các vị anh hùng đã hy sinh vì nòi giống, sẽ tìm cách để những chính khách còn phiêu lưu nơi hải ngoại trở về Tổ Quốc, những án tiết về chính trị sẽ xóa bỏ.
Về xã hội, việc tiếp tế lương thực cho nhân dân ngoài Bắc được xúc tiến để diệt nạn đói đang hoành hành.
Về hành chính, diệt trừ nạn tham nhũng
Về tư pháp, trù tính việc thống nhất pháp luật để tránh lạm quyền hành chính và tư pháp…
Dân Việt Nam có vị Vua trẻ tuổi, có chính phủ tận tâm và nhiệt thành. Nhưng buồn thay dưới áp lực của người Nhật vì đại đa số dân chúng Việt Nam còn bỡ ngỡ trước những vấn đề chánh trị cho nên trên thực tế kết quả công việc chẳng được là bao.
Nhưng mặc dầu ở vào tình thế khó bề phát triển khả năng, Hoàng Đế cũng đã hướng dẫn được chính phủ tích cực hoạt động, đã gây được một ý niệm tốt đẹp với quốc dân.
Tuy Nhật Bản tuyên bố trao Độc Lập cho Việt Nam nhưng họ vẫn trực tiếp chỉ huy thực tế nền cai trị: Yoshio Minoda cầm quyền chính thay Thống Đốc Pháp ở Nam Việt. Trung Việt có Khâm Sứ mới Yokoyam kiêm ‘’ngoại giao’’. Bắc Việt, T.Tsukhan lo giữ chức Thống Sứ. Mỗi tỉnh một viên Công Sứ Nhật, mỗi sở một Ở địa hạt kinh tế, Nhật càng phát triển cường quyền:
– Bắt dân ta bỏ cấy lúa, trồng đay, trồng gai cho chúng dùng (Một trong những nguyên nhân gây ra nạn đói).
– Các sở mỏ hoặc bị trưng thu, hoặc bị dưới quyền ‘’cố vấn’’.
– Kỹ sư và giám đốc Pháp, Việt, chịu ăn lương của các Công ty Nhật Bản: nguyên liệu sản xuất bao nhiêu, được chuyên chở bấy nhiêu lên tầu buôn Nhật.
– Xe cộ bị trưng thu cho nhà binh, nhà cửa cũng chung số phận. Gia dĩ đường xe lửa đã bị gián đoạn bởi sự oanh tạc của Đồng Minh, cũng bị quân lính Nhật đặc quyền dùng….
Ở địa hạt quân sự. Nhật tuyển mộ binh lính với danh nghĩa gia đình Đại Đông Á, tăng cường công tác gián điệp.
Giữa hoàn cảnh ấy, chúng ta hãy kiểm điểm thành tích nội các họ Trần:
– Chính phủ lấy Cờ Vàng Quẻ Ly thay Cờ Long Tỉnh. Đặt quốc ca bài Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước thay cho bài Đăng Đàn Cung.
– Chương trình giáo dục mới được áp dụng. Tiếng Việt Nam làm căn bản của nền Tiểu Học và Trung Học.
– Những quan lại tham nhũng bị thanh trừ, thay thế bằng những vị liêm khiết…
– Bắc Việt: Khâm Sai Phan Kế Toại tích cực chống nạn đói, lập ban Cứu Tế, cải tổ ngạch quan lại. Ông Đốc Lý Trần Văn Lai phá bỏ tượng đồng trong thành phố, vết tích nền thống trị ngoại bang.
– Trung Việt: Ông Tổng Trưởng Phan Anh đôn đốc hai ông Tạ Quang Bửu, Phan Tử Lăng tổ chức Thanh Niên Tiền Tuyến và Thanh Niên Xã Hội (Thanh niên xã hội chưa kịp ra đời thì nội các đã cải tổ)
– Nam Việt: Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch thành lập Thanh Niên Tiền Phong. Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh tổ chức tải gạo cứu tế cho đồng bào Trung, Bắc.
Trong lúc chính phủ đang cố gắng ‘’tranh đấu’’ với quân phiệt Nhật để dành lấy tự chủ thực tế, phong trào cách mạng nổ bùng sau bao năm tiềm tiến…
Trước hoạt động mạnh bạo của các đội võ trang tuyên truyền Việt Minh, trước hành vi, tổ chức khôn khéo của các cán bộ Việt Minh, Nội Các Trần Trọng Kim, nội bộ thì bị gò ép vì quyền lực Nhật Bản, thiếu hậu thuẫn tinh thần trong quảng đại nhân dân, thiếu phương tiện vật chất, đã xin từ chức.
Chính quyền chính thức chuyển qua tay Chính phủ mới, chính thể mới: Ngày 19.8.1945
Thời gian quá ngắn ngủi có 4 tháng giời, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, điều kiện khách quan thiếu, điều kiện chủ quan thiếu: Những cố gắng của Nội Các Trần Trọng Kim dưới sự lãnh đạo của Đức Bảo Đại là một thành công.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa