People have a hard time letting go of their suffering. Out of a fear of the unknown, they prefer suffering that is familiar.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Nikolay Nosov
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: yen an
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 738 / 7
Cập nhật: 2018-04-29 14:51:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
rong hè trường tôi đã được sửa chữa. Trong các lớp học tường được quét sơn trắng mới, và trông chúng mới sạch sẽ tinh tươm làm sao, chẳng có lấy một vết bẩn nào, nhìn thật thích mắt. Tất cả đều mới tinh. Ngồi học trong một phòng học như thế thật dễ chịu. Hình như sáng sủa hơn, rộng rãi hơn, và thậm chí hình như người ta vẫn nói là thấy lòng nhẹ nhàng hơn.
Nhưng chỉ sang ngày thứ hai, khi tôi vừa vào lớp đã trông thấy trên khoảng tường bên cạnh bảng ai đó đã dùng than vẽ một anh lính thuỷ. Anh ta mặc áo kẻ ngang, quần bay trước gió, trên đầu đội mũ nồi, còn miệng thì ngậm tẩu, cái tẩu đang toả khói từng vòng như ống khói tầu thủy vậy. Anh chàng thuỷ thủ trông tinh quái đến mức nhìn anh ta không ai nhịn được cười.
– Igor Grachev vẽ đấy, – Vasia Erokhin thông báo với tôi. – Nhưng mà, này, cấm bép xép nhé!
– Tớ bép xép để làm gì chứ?– tôi nói. Cả lớp về chỗ của mình, ngắm nghía chàng thuỷ thủ, bình phẩm và nói đủ mọi thứ chuyện cười.
– Anh thủy thủ sẽ học cùng lớp với chúng ta! Hay quá!
Ngay trước khi chuông reo thì Siskin chạy vào lớp.
– Trông thấy gì chưa? – tôi nói và chỉ lên tường. Nó nhìn anh lính thuỷ.
– Igor Grachev vẽ đấy, – tôi nói. – Cấm không được bép xép.
– Được rồi, tự tớ biết mà! Cậu làm bài tập tiếng Nga chưa thế?
– Tất nhiên là làm rồi, – tôi nói. – Làm sao tớ lại có thể đi học mà chưa làm xong bài tập được.
– Còn tớ, cậu biết không, chưa làm. Chưa kịp làm, cậu hiểu chứ. Cho tớ chép đi.
– Cậu còn lúc nào để chép nữa chứ?– tôi nói. – Vào lớp ngay giờ đấy
– Không sao mà. Tớ chép ngay trong lớp. Tôi đưa cho nó cuốn vở bài tập tiếng Nga, và nó bắt đầu chép ngay.
– Cậu nghe này, – nó bảo. – Sao trong từ "đom đóm" cậu lại gạch dưới tiền tố bằng một gạch thế. Phải gạch dưới gốc từ bằng một gạch chứ?
– Cậu thì biết gì! – tôi nói. – Đó chính là gốc từ đấy!
– Cái gì? Đó là gốc từ á? Chẳng lẽ gốc từ lại đứng ngay đầu tiên à? Thế theo cậu thì tiền tố ở đâu?
– Trong từ này làm gì có tiền tố.
– Chẳng lẽ lại có chuyện không có tiền tố á?
– Tất nhiên, có.
– Thế mà tớ nghĩ nát cả óc: có tiền tố, có gốc từ, thì hoá ra không còn cái gì là đuôi cả.
– Ôi giời ơi! – tôi nói. – Kiến thức này chúng ta đã học từ hồi lớp ba mà.
– Nhưng tớ chẳng nhớ gì cả. Có nghĩa là cậu làm đúng tất cả chứ? Tớ chép nguyên si nhé.
Tôi rất muốn giảng giải cho nó thế nào là gốc từ, thế nào là tiền tố, thế nào là đuôi, nhưng tiếng chuông đã vang lên, và cô Olga Nikolaevna vào lớp.
– Sao lại có những trò thế này nhỉ? – cô hỏi và đưa mắt nhìn khắp lớp. – Ai vẽ lên tường? Cả lớp im như thóc.
– Người đã làm bẩn tường phải đứng dậy và nhận lỗi. Đôi mày cô cau lại. – Chẳng lẽ các em không hiểu rằng lớp học phải giữ cho sạch sẽ hay sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu như em nào cũng vẽ một cái gì đó lên tường? Chính các em sẽ thấy ngồi trong một lớp học bẩn thỉu chẳng thích thú gì. Hay là các em thấy thích?
– Thưa cô, không ạ! – đây đó vang lên vài tiếng nói yếu ớt.
– Vậy thì ai vẽ? Tất cả im lặng.
– Glev Skameikin, em là lớp trưởng và em phải biết ai đã làm chuyện đó.
– Em không biết, thưa cô Olga Nikolaevna. Khi em tới lớp thì đã thấy anh thuỷ thủ ở trên tường rồi ạ.
– Thật đáng ngạc nhiên! – cô Olga Nikolaevna nói. – Phải có ai đó vẽ chứ. Hôm qua bức tường còn sạch nguyên mà, cô là người cuối cùng ra khỏi lớp. Ai hôm nay đến lớp sớm nhất?
Chẳng ai nhận mình đến sớm nhất. Ai cũng nói là khi vào lớp thì thấy trong lớp đã có rất đông học sinh rồi.
Trong khi mọi người mải nói chuyện đó thì cậu Siskin gắng hết sức chép bài tập tiếng Nga vào vở của mình. Nó kết thúc bằng cách đánh rơi vào vở của tôi một giọt mực tướng và trả lại tôi quyển vở.
– Thế này là thế nào? – tôi nói. – Cậu mượn vở sạch không hề có vết mực, thế mà khi trả lại đã có vết mực.
– Nhưng tớ có cố tình làm giây mực vào vở cậu đâu.
– Cậu cố tình hay không thì việc gì đến tớ. Tớ cần gì quyển vở bị giây mực chứ.
– Nhưng tớ làm sao trả quyển vở sạch cho cậu được, khi đã có vết mực ở đó rồi? Thôi được, lần sau tớ sẽ không làm bẩn nữa đâu!
– Lần nào, – tôi nói, – lần sau nào?
– Ừ thì lần sau, khi tớ lại chép bài của cậu ấy.
– Thế cậu tính, – tôi nói, – hôm nào cũng chép bài á?
– Hôm nào cũng chép để làm gì? Chỉ thỉnh thoảng thôi.
Câu chuyện kết thúc ở đấy vì đúng lúc đó cô Olga Nikolaevna gọi Siskin lên bảng giải bài tập số học về các thợ nề, sơn các bức tường trong trường học, và phải tính xem trường sẽ tốn bao nhiêu tiền để mua sơn đủ cho tất cả các bức tường trong lớp và ngoài hành lang.
«Xem nào, – tôi nghĩ, – chết anh cu Siskin rồi! Lên bảng giải toán không ngon ăn như chép bài của người khác đâu nhé!»
Nhưng tôi thật sự ngạc nhiên vì Siskin giải bài toán không tồi. Nói cho đúng ra thì nó giải khá chậm, đến tận khi hết tiết học mới xong, vì đầu bài khá dài và còn khó nữa.
Dĩ nhiên cả lớp cũng đoán ra lý do vì sao cô Olga Nikolaevna lại cố tình chọn đề bài này, và đều cảm thấy sự việc với anh lính thủy chưa thể chấm dứt được. Đến tiết học cuối cùng thì thầy hiệu trưởng Igor Alexandrovich đến. Trông thầy chẳng có gì là tức giận. Vẻ mặt thầy lúc nào cũng rất bình thản, giọng nói khẽ khàng và có vẻ rất nhân hậu nữa, nhưng tôi lúc nào cũng thấy hơi sợ sợ thầy, vì tầm vóc thầy rất to lớn. Thầy cũng cao như bố tôi, có khi còn cao hơn, áo vét của thầy mặc rất rộng rãi, cài đủ cả ba cúc, và thầy đeo kính.
Tôi cứ tưởng thầy Igor Alexandrovich thế nào cũng mắng mỏ chúng tôi một trận ra trò, nhưng thầy rất nhẹ nhàng kể cho chúng tôi nghe hàng năm nhà nước đã phải chi bao nhiêu tiền cho việc học tập của một học sinh, nên việc học tập tốt là rất quan trọng, ngoài ra cần phải giữ gìn trường sở cùng với mọi thứ tài sản của trường. Thầy nói trò nào đã làm hỏng tài sản của trường và các bức tường tức là làm hại đến nhân dân, vì nhân dân là người cung cấp toàn bộ tài sản chung cho nhà trường. Cuối cùng, thầy nói:
– Em học sinh đã lỡ vẽ lên tường, có lẽ cũng không cố tình muốn gây thiệt hại cho trường đâu. Nếu như em ấy tự giác nhận lỗi, tức là chứng minh được mình là con người trung thực và đã làm việc đó do thiếu suy nghĩ mà thôi.
Tất cả những điều thầy Igor Alexandrovich nói có tác dụng đến tôi một cách sâu sắc, và tôi cứ tưởng rằng thằng Igor Grachev sẽ phải đứng lên ngay, nhận rằng nó đã làm chuyện đó, nhưng thằng Igor có vẻ như chẳng hề muốn chứng minh nó là người ngay thẳng, nên nó cứ ngồi im tại chỗ của mình. Khi đó, thầy Igor Alexandrovich nói, có lẽ em học sinh phạm lỗi hiện đang rất xấu hổ nên chưa muốn công khai nhận lỗi, vậy thì ta hãy cho em ấy thì giờ để suy nghĩ kỹ càng về hành động của mình, rồi khi nào đủ dũng cảm thì đến phòng Hiệu trưởng để gặp riêng thầy.
Buổi học kết thúc thì đội trưởng đội thiếu niên Tolia Deigiơkin tiến lại gần Grachev và nói:
– Ê này! Ai bảo cậu làm bẩn tường chứ? Cậu thấy sự thể đã đến mức nào rồi đấy!
Igor dang cả hai tay ra:
– Tớ thì sao nào? Chẳng lẽ tớ cố tình hay sao?
– Thế thì tại sao cậu lại vẽ lên tường?
– Chính tớ cũng không biết. Tớ cầm lấy than và vẽ chẳng cân nhắc gì cả.
– «Chẳng cân nhắc gì»! Tại cậu mà bây giờ cả lớp mình thành có khuyết điểm.
– Tại sao lại cả lớp?
– Là vì ai cũng có thể bị nghi ngờ.
– Thế lỡ đấy là có ai đó từ lớp khác chạy vào lớp mình và vẽ thì sao.
– Cứ cẩn thận đấy, lần sau chớ có làm thế nữa nghe chưa, – Tolia nói
– Thôi được rồi, các cậu, tớ hứa sẽ không làm thế nữa đâu, lúc đấy chẳng qua là tớ chỉ muốn... chỉ muốn thử thôi mà, – Igor thanh minh.
Nó cầm lấy giẻ lau và cố gắng lau cái hình anh lính thủy trên tường, thế nhưng nó càng lau thì càng bẩn thêm. Hình vẽ vẫn còn, mà xung quanh đấy lại bị bôi lem luốc. Thấy vậy cả lớp giằng lấy cái giẻ trong tay Igor và không cho nó bôi bẩn tường thêm nữa.
o O o
Sau giờ học chúng tôi lại đi đá bóng đến tận tối mịt, và khi chia tay nhau về nhà thì Siskin muốn lôi tôi đến nhà cậu ta. Hóa ra gia đình cậu ta ở ngay cùng phố với nhà tôi, trong một cái nhà gỗ hai tầng không xa nhà tôi mấy. Nhà trên phố tôi đa số là những ngôi nhà lớn cao bốn hoặc năm tầng, giống như nhà tôi ở. Tôi đã tự hỏi không biết bao lâu nay, không hiểu ai sống trong cái nhà gỗ nhỏ ấy. Thì hóa ra là gia đình Siskin.
Tôi thì không muốn rẽ vào chơi nhà nó, vì đã muộn rồi, nhưng nó nói:
– Cậu hiểu không, nếu về một mình thì thế nào tớ cũng bị mắng vì về nhà muộn quá, nhưng nếu có cậu cùng đi thì tớ sẽ không bị mắng
– Nhưng tớ cũng sẽ bị mắng vì về muộn mà, – tôi nói.
– Không sao. Nếu cậu muốn thì đầu tiên là hai đứa về nhà tớ, rồi hai đứa lại cùng về nhà cậu. Như thế thì cả cậu lẫn tớ chẳng ai bị mắng cả.
– Thế thì được, – tôi đồng ý.
Chúng tôi vào phòng đằng trước, theo cái cầu thang gỗ cọt kẹt có tay vịn nham nhở đi lên tầng hai, rồi Siskin gõ vào cánh cửa bọc nilông màu đen, có những sợi gì màu vàng vàng thò ra ở những lỗ rách nhỏ.
- Thế là thế nào hả, Kostia! Con mất mặt ở đâu muộn thế mới về nhà? – mẹ nó hỏi khi mở cửa cho chúng tôi.
– Mẹ ơi mẹ hãy làm quen, đây là Maleev, bạn cùng học lớp con. Con với bạn ấy ngồi cùng một bàn đấy mẹ ạ.
– Cháu vào nhà đi, vào nhà đi, – mẹ nó nói, giọng đã dịu đi đôi chút.
Chúng tôi vào nhà.
– Ối cha mẹ ơi! Các con nghịch ở đâu mà bẩn thế? Thử nhìn lại mình xem!
Tôi nhìn sang Siskin. Mặt nó đỏ lựng, những vết gì bẩn thỉu chảy thành dòng dọc theo má và trán. Chóp mũi đen sì. Có lẽ mặt mũi tôi chẳng hơn gì nó, vì tôi bị xơi một cú bóng vào mặt. Siskin dùng khuỷu tay huých tôi:
– Đi rửa mặt đi, nếu không thì cậu cũng sẽ bị mắng nếu cứ để mặt mũi thế này mà về nhà.
Chúng tôi vào phòng, và nó giới thiệu tôi với cô nó:
– Cô Zina ơi, đây là Maleev, bạn cùng học với cháu ở trường. Chúng cháu cùng học một lớp.
Cô Zina còn rất trẻ, đến mức đầu tiên tôi cứ tưởng là chị của Siskin, nhưng thật ra cô là cô của nó. Cô nhìn tôi một cách giễu cợt. Có lẽ trông tôi cũng buồn cười thật, vì chắc là bẩn lắm. Siskin huých vào sườn tôi. Chúng tôi vào phòng rửa mặt, và bắt đầu kỳ cọ rửa ráy.
- Cậu có thích động vật không? – Siskin hỏi trong khi tôi trát xà phòng lên mặt.
– Cũng còn tuỳ, – tôi nói. – Nếu mà hổ hay cá sấu thì tớ chẳng thích. Nó cắn chết.
– Nhưng tớ không hỏi về những con vật ấy. Cậu có thích chuột không?
– Chuột tớ cũng không thích, – tôi nói. - Chuột gặm hỏng tất cả mọi đồ vật, bạ gì gặm nấy.
– Chúng chẳng gặm hỏng cái gì cả. Cậu bịa đặt thế để làm gì?
– Sao lại không gặm? Một lần chúng cắn nát hết cả sách vở của tớ trên giá sách kìa.
– Thế thì chắc là tại cậu không cho chúng ăn hẳn thôi?
– Lại còn thế nữa! Tớ mà lại đi cho chuột ăn á!
– Tất nhiên rồi! Ngày nào tớ cũng cho chuột ăn. Thậm chí còn làm nhà cho chúng ở nữa cơ.
– Cậu bị thần kinh rồi! Ai lại đi xây nhà cho chuột bao giờ?
– Chuột thì cũng phải có chỗ ở chứ. Giờ thì đi xem nhà chuột của tớ nào.
Chúng tôi rửa mặt xong thì vào bếp. Trong bếp, ngay dưới gầm bàn có một cái nhà nhỏ, dán bằng bao diêm cũ, có rất nhiều cửa sổ và cửa ra vào. Những con vật gì nhỏ xíu, màu trăng trắng bò qua bò lại trên tường, chui ra cửa nọ chui vào lỗ kia. Trên mái nhà có cái ống khói nhỏ, và ngay miệng ống khói cũng có một con trăng trắng như thế ló đầu ra.
Tôi ngạc nhiên hết mức.
– Những con gì thế này? – tôi hỏi.
– Thì, chuột đấy
– Nhưng chuột xám mà, đây lại là những con gì trắng trắng
– Thì, chuột bạch mà lại. Cậu chưa bao giờ trông thấy chuột bạch à?
Siskin bắt một con chuột và đưa cho tôi cầm. Nó trắng tinh, trông như sữa, chỉ mỗi cái đuôi là rất dài, hồng hồng, như bị rụng hết lông. Nó ngồi ngoan ngoãn trên lòng bàn tay tôi, cái mũi nhỏ hồng hồng nhíu nhíu như đang ngửi xem có mùi gì trong không khí, đôi mắt đỏ lóng lánh như hai hạt cườm san hô.
– Nhà tớ cũng có chuột, nhưng chỉ có chuột xám thôi, không có chuột trắng, - tôi nói
– Chuột bạch không phải là nhà nào cũng có đâu, – Siskin cười phá lên. – Chuột bạch phải đi mua. Tớ mua ở cửa hàng thú cảnh bốn con, mà bây giờ, cậu trông đấy, nó đẻ ra nhiều chưa. Nếu cậu muốn tớ sẽ tặng cậu một đôi.
– Thế nó ăn gì?
– Gì nó chả ăn. Các loại hạt, bánh mì, sữa.
– Thế thì được, – tôi đồng ý.
Siskin tìm được ở đâu đó một cái hộp các tông nhỏ, tóm lấy một đôi chuột bỏ vào đó và bỏ cái hộp vào túi mình.
– Để tớ giữ cho, lỡ cậu không quen làm bẹp chúng nó mất, – nó nói.
Chúng tôi ra mặc áo khoác ngoài để về nhà tôi.
– Thế con còn định đi đâu nữa thế? – mẹ Kostia hỏi nó.
– Con về ngay giờ mà mẹ, con đến nhà Vichia một phút thôi, vì con đã hứa với nó rồi.
o O o
Chúng tôi chạy ù ra phố và chỉ một phút sau đã về đến nhà tôi. Mẹ trông thấy tôi không về nhà một mình, nên cũng không mắng mỏ gì về tội đã la cà đến nỗi về muộn
– Đây là bạn Kostia học cùng trường con, – tôi nói với mẹ.
– Cháu là học sinh mới à, Kostia? – mẹ hỏi.
– Dạ vâng ạ. Năm nay cháu mới vào học ạ.
– Thế trước đấy thì cháu học ở đâu?
– Ở Nalchich ạ. Cả gia đình cháu sống ở đó, rồi khi cô Zina học hết lớp mười và muốn vào học ở trường sân khấu thì cả nhà chuyển về đây, vì ở Nalchich không có trường sân khấu.
– Thế ở đâu cháu thấy thích hơn, ở Nalchich hay ở đây?
– Ở Nalchich tốt hơn ạ, nhưng ở đây cũng không tồi. Nhà cháu còn ở Krasnozavodsk nữa, ở đó cũng thích lắm.
– Thế thì có nghĩa là cháu tốt tính đấy, nếu ở đâu cháu thấy cũng thích cả.
– Không đâu ạ, cháu xấu tính lắm. Mẹ cháu bảo cháu chả có cá tính gì cả, và vì thế sẽ không làm được trò trống gì nên hồn trong cuộc đời.
– Sao mẹ cháu lại nói thế nhỉ?
– Là vì cháu chẳng bao giờ ngồi vào bàn học bài đúng lúc cả.
– Thế thì cháu cũng giống thằng Vichia nhà bác thôi. Nó cũng chẳng thích ngồi vào bàn học bài đúng lúc. Hai đứa phải cùng quyết tâm sửa chữa tính đó thôi.
Đúng lúc đó thì Lika đến, tôi nói:
- Cậu làm quen đi, đây là Lika, em gái tớ.
– Chào cô! – Siskin nói.
– Chào anh! – Lika trả lời và bắt đầu ngó nghiêng xem xét Siskin, như kiểu nó không phải là một thằng bé bình thường, mà là một tác phẩm hội hoạ nào đó đang được triển lãm.
– Tôi không có chị em gái, – Siskin bảo. – Anh em trai cũng không có. Không có ai cả, tôi hoàn toàn cô đơn.
– Thế nếu mà được ước thì anh muốn có em trai hay em gái nào? - Lika hỏi.
– Muốn cả hai. Nếu thế thì tôi sẽ làm đồ chơi cho chúng này, tặng chúng các con vật nhỏ này, quan tâm nhiều đến chúng nữa. Mẹ tôi bảo tôi là đứa vô tâm. Nhưng tại sao tôi vô tâm chứ? Đó là vì chẳng có ai để tôi quan tâm cả.
– Thế thì anh quan tâm đến mẹ đi.
– Quan tâm đến mẹ thế nào được? Suốt ngày mẹ đi làm, nên cả ngày cứ phải chờ mẹ suốt, có khi buổi tối đã về đến nhà rồi mẹ còn đi làm nữa ấy chứ.
– Thế mẹ anh làm nghề gi?
– Mẹ tôi là lái xe, làm việc trên xe ô tô.
– Thế thì anh quan tâm đến bản thân mình vậy, vì như thế thì mẹ anh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
– Cái ấy thì tôi thừa biết, – Siskin trả lời.
– Thế anh có tìm được cái áo khoác ngoài không? - Lika hỏi.
– Áo nào cơ? À, có! Tất nhiên là tìm thấy. Thì nó vẫn ở ngoài sân bóng, chỗ tôi để quên ấy mà.
– Cứ thế thì có ngày anh sẽ bị cảm lạnh đấy, – Lika nói.
– Không đâu, thưa cô!
– Tất nhiên là sẽ bị cảm lạnh. Thế nào anh chả thêm một lần quên mũ hay áo palto ở đâu đó.
– Không, áo palto thì tôi không thể quên được... Cô thích chuột chứ?
– Chuột... mmm... – Lika do dự.
– Nếu cô thích tôi sẽ tặng cô một đôi nhé?
– Ồ không, anh nói gì vậy!
– Chúng rất xinh nhé, – Siskin nói và lôi cái hộp có hai con chuột bạch từ trong túi ra.
– Ôi, xinh quá! - Lika kêu rít lên.
– Sao cậu lại định đem chuột của tớ cho nó thế hả? - Tôi hoảng hốt. - Cậu tặng tớ rồi mà, bây giờ lại cho nó?
– Nhưng tớ chỉ cho nó xem những con này thôi mà, tớ sẽ cho nó đôi khác, nhà tớ còn nhiều, - Siskin nói. Hoặc là, nếu cậu đồng ý thì tớ cho Lika đôi này, và cho cậu đôi khác sau.
– Không, không, - Lika nói, - Hai con này sẽ là của Vichia.
– Thôi được rồi, mai tôi sẽ mang lại cho cô một đôi khác, còn đôi này cô chỉ xem thôi nhé.
Lika đưa tay về phía lũ chuột:
- Thế chúng có cắn không?
- Không đâu! Nó quen người rồi!
Khi Siskin về rồi, tôi và Lika lấy một cái hộp bánh quy cũ, khoét cửa sổ, cửa ra vào và thả lũ chuột vào đó. Chúng thập thò, ló đầu ra khỏi các cửa sổ, và ngắm chúng thật là thích mắt.
o O o
Tất nhiên tôi lại ngồi vào bàn học muộn. Theo thói thường, tôi lại học những bài dễ trước, sau cùng mới bắt tay vào bài tập số học. Lại bài khó ơi là khó, vì thế tôi gập vở bài tập lại, xếp sách vở vào cặp sách với ý định là sáng ra mượn vở của ai đó để chép bài. Nếu mà tôi quyết giải bài tập, thì mẹ hẳn sẽ biết là đến tận giờ tôi vẫn chưa làm xong bài về nhà, sẽ mắng mỏ vì tôi cứ để bài tập lại đến tận tối khuya mới làm. Tất nhiên là bố sẽ lại giúp tôi làm bài tập, nhưng thôi, làm ảnh hưởng đến công việc của bố mà làm gì! Hãy cứ để bố vẽ các sơ đồ cái máy đánh bóng gỗ của bố hay là suy nghĩ xem làm mô hình như thế nào là tốt hơn. Đối với bố việc đó là rất quan trọng.
Trong khi tôi học bài, Lika đã cho vào ngôi nhà của chuột một ít bông để chúng làm ổ, rắc cho chúng một ít hạt ngũ cốc, ít mẩu bánh mì vụn và đặt vào đó một đĩa sữa nhỏ. Nhìn qua cửa sổ có thể thấy lũ chuột gặm nhấm hạt. Thỉnh thoảng có một con còn ngồi lên hai chân sau, lấy hai chân trước rửa mặt. Trông buồn cười lắm! Cái chân trước nhỏ xiu xíu gạt qua cái mặt chuột cũng nhỏ xíu, trông không thể nhịn được cười. Lika suốt thời gian đó ngồi trước cái nhà, nhìn qua cửa sổ và cười khanh khách.
– Anh có người bạn thật tốt, Vichia ạ! - nó nói khi tôi đến để xem chuột
– Kostia ấy à? - tôi nói.
– Vâng.
– Thế nó tốt thế nào?
– Lịch sự. Nói chuyện rất hay. Thậm chí còn nói chuyện với em nữa.
– Thế tại sao không nói chuyện với em được?
– Thì em là đứa con gái mà.
– Thế sao? Chẳng lẽ là đứa con gái thì không được nói chuyện à?
– Những đứa con trai khác không nói đâu. Chúng rất tự cao, chắc thế. Anh kết bạn với anh ấy nhé.
Tôi muốn nói với nó rằng thằng Kostia cũng chẳng tốt đến thế đâu, rằng nó chép bài tập của tôi và làm giây mực vào vở tôi nữa, nhưng không hiểu tại sao lại bảo:
- Cứ làm như tự anh thì không biết là nó tốt ấy! Lớp anh học đứa nào cũng tốt cả.
Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường - Nikolay Nosov Vichia Maleev Ở Nhà Và Ở Trường