Every breath we take, every step we make, can be filled with peace, joy and serenity.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Nhật Nam
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1636 / 52
Cập nhật: 2016-06-03 15:59:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Màn Kịch Tệ Hại Luôn Tiếp Diễn
ói như trên hẳn đã đủ. Chúng tôi mời quý bạn đọc "cố gắng, kiên nhẫn, bình thản" xem tiếp những màn kịch bày ra đủ chi tiết về y phục, cá tính, tiếng, lời đối thoại.. do nhiều tác giả ghi chép, viết nên. Thế nên, chúng tôi không hề võ đoán về tính chất ngây thơ tầm phào (trong lãnh vực chính trị) của Kỳ, bởi chính đương sự đã thủ diễn những màn hài hước (chính trị) và được (chính xác là "bị") đánh giá qua nhân cách, bản lãnh như sau:
Giới thiệu nhân vật: "Kỳ, một cái mặt trơn láng với hàm ria tỉa khéo, mặc bộ đồ bay màu tím sẫm, mang khẩu súng báng nạm ngọc, là một tay liều mạng cùng cách ăn mặc màu mè.. Vốn là kẻ sinh trưởng ở miền Bắc (Việt Nam), được người Pháp dạy lái máy bay, nên sau nầy bay các phi vụ bí mật dò thám đất Bắc. Y thường nói năng ẩu tả, rỗng tuếch"(1). Sợ rằng nói thế người đọc không hình dung rõ, tác giả diễn tả kỹ hơn: "Kỳ diễn trò với một cái áo chẻn màu trắng bó sát, quần sọc túm ống, giày da kiểu cọ, vớ đỏ chói - cung cách, y phục trông giống như một tay thổi kèn xắc-xô ở một hộp đêm loại hạng nhì"(2) (1&2) Stanley Karnow VietNam A History The Viking Press - New York 1983, p381 & p425.)
Với y trang, khả năng như trên, đêm 8 tháng 12, 1964, Kỳ dự tiếp tân tại tư thất Tướng Westmoreland, nơi đây y chạm mặt Maxwell Taylor, và nghe những lời cảnh cáo thẳng thừng của viên đại sứ: "Nầy tôi báo cho mà biết, cách gây hỗn loạn kinh niên của các anh chỉ làm cho những người bạn (của Nam Việt Nam) dẫu quyết tâm mấy cũng bó tay; ngoài ra còn khiến Quốc Hội (Mỹ) ngã lòng khó mà cho thêm viện trợ". Kỳ và các đồng sự (mà hôm nay y lên tiếng chê bai) đi ra với vẻ tẽn tò của mấy đứa nhỏ bị quở phạt (Karnow ibid p382.) Màn kịch đến đây chưa xong. Do Kỳ và mấy ông tướng thân thiết tiếp tục diễn tuồng bát nháo, viên đại sứ kêu tất cả đến nhà trình diện (đêm 21 tháng 12) và răn bảo như thói ông ta còn làm huấn luyện viên Trường Võ Bị West Point: "Ðêm ăn ở nhà Tướng Westmoreland, tôi đã bảo thẳng cho mấy anh hay là ngườøi Mỹ chúng tôi đã quá chán trò hề đão chính; nhưng rõ ràng là tôi đã phí lời.. Bây giờ các anh lại bày bầy hầy ra, nên tôi chẳng hơi sức đâu mà bao che cho được nữa nếu các anh còn tiếp tục làm những mững như vậy". Viên đại sứ ngừng lại một chút cho "đám (tướng) trẻ" thấm hiểu, xong sẵng giọng: "Các anh biết tiếng Mỹ không? Anh nào đại diện cho cả toán nầy? Các anh có người phát ngôn không? (The Pentagon Papers by (The New York Times, Bantam Books, INC-New York, 1971, p379.)
Kỳ tài giỏi đối đáp: "Tôi không là người phát ngôn cho cả toán, nhưng tôi nói tiếng Anh được.. Chúng tôi hiểu lời nói (tiếng Anh) của ông rất rõ. Chúng tôi "hiểu rõ trách nhiệm" của bản thân, cũng như "sự hy sinh của dân tộc" chúng tôi hằng hơn hai-mươi năm qua.. Chúng tôi chỉ muốn trở lại đơn vị chiến đấu. Chúng tôi không có tham vọng chính trị.. Chúng tôi hành động với quan niệm, việc làm ấy "mang lại tốt đẹp cho đất nước". Khi nhiệm vụ hoàn tất, chúng tôi sẵn sàng trở lại đơn vị (chiến đấu) của mình! (The Pentagon Papers ibid p380.)
Cuối cùng những tấn tuồng hỗn loạn kéo dài suốt những năm 1964, 65.. Kỳ được đề cử nắm giữ chức vụ hành chánh, quân sự cao nhất của Miền Nam vào năm 35 tuổi: "Chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương". Nhưng với chức vụ quan trọng, quyền thế nầy, "Chủ Tịch Nguyễn Cao Kỳ" cũng không được người Mỹ phê điểm khá hơn: "Tên nhải ranh gọi là Tướng Kỳ kia, hôm nay (19 tháng 6, 1965) đã lớn tiếng yêu cầu chúng ta "xâm lăng Miền Bắc và giải phóng Bắc Việt Nam" - Thằng nhỏ điên khùng trời đánh nầy không hề lái xe ra khỏi Sài Gòn được một dặm nếu như không có đoàn công-voa súng đạn tận răng hộ tống, nay lại đòi giải phóng Miền Bắc!! (Neil Sheehan A Bright Shinning Lie Random House - New York, 1988, p512.)
Chúng ta có thể lấy thêm nhận xét của một giới chức đã từng giữ chức vụ quan trọng trong quá trình đẩy mạnh, thực hiện chiến tranh, tăng cường viện trợ cho Miền Nam (những người mà Kỳ đánh giá "không tài giỏi, khôn ngoan" bằng y ta). Ðiển hình như Phó Ðại Sứ Alex Johnson đã có lời: "Hắn ta (Kỳ) như một hỏa tiễn không hướng dẫn. Chỉ là một bợm rượu, chuyên bài bạc, và vây vo tán tỉnh quanh quẫn mấy con mụ đàn bà.. Khi được báo chí hỏi ai là người mà hắn tán tụng nhất; y đã tuông lời huênh hoang: "Tôi chịu Hitler hết ý.. Ở Việt Nam nầy phải cần có đến bốn hay năm Hitler mới được (Robert McNamara In Retrospect Random House - New York, 1995, p186)
Có thể tạm đóng lại những màn kịch nơi thời điểm của những năm 1960-70 nầy để xem tiếp "người" đã làm, nói những gì trong dĩ vãng mà hôm nay cứ nhất định đòi xóa sạch, bỏ quên không thương tiếc. Trở lại thời điểm tháng 4, 1975. Sài Gòn như một bãi lửa sau khi Quân Ðoàn II rút bỏ Tây Nguyên (15 tháng 3); Quân Ðoàn I lui binh khỏi Huế (24 tháng 3); Ðà Nẵng 29/3; Nha Trang 30/3 - Thời điểm mà Kỳ đã "tiên tri chính xác" sẽ phải tới sau hai năm ký kết Hiệp định Paris - Nhưng Kỳ đã không hành xử theo "tiên tri" của mình mà lại tìm tới người Mỹ (chỉ là Người Mỹ thuộc cấp của Ðại Sứ Bunker, kẻ bị Kỳ chê (không thức thời) với báo Thanh Niên ba mươi năm sau). Người Mỹ nầy có vẻ thông cảm (vẫn là người Mỹ bị đánh giá không mấy "thông minh, khôn, giỏi" bằng ta chứ không ai khác) trong bữa rượu có tính cách vĩnh biệt chiều 27 tháng 4, Eric von Marbord (văn phòng CIA Sàigòn) Kỳ lắng nghe tiếng pháo (cộng sản) dội xuống quanh thành phố và còi báo động thổi dồn. Kỳ ngỏ lời: "Chúng tôi có thể (tiếp tục) chiến đấu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, và có thể cầm cự trong vài tháng. Chính phủ Hoa Kỳ thuận hỗ trợ cho chúng tôi không? Không phải với nhân mạng, nhưng bằng vũ khí?
- Ðau thương thêm mà thôi. Không được đâu. Marbord xác định: "I'm sorry, the answer is NO. (Tiếng Mỹ trong nguyên bản Pháp ngữ) Olivier Todd; Cruel Avril Robert Lafont, Paris, 1978 p349).
Bị người Mỹ bỏ rơi (điều nầy Kỳ hẳn không "tiên tri" thấu), giờ đến lượt những tướng lãnh miền Nam, những người được Kỳ (tháng 4, 1975) tin tưởng, tiết lộ cho biết kế hoạch: "Chỉ cần chiếm giữ dinh tổng thống, trụ sở và nhân sự bộ tổng tham mưu; đài phát thanh và truyền hình là nắm trọn miền Nam." Tất cả những viên tướng chỉ huy các đơn vị đều hoàn toàn đồng ý; nhưng do kinh nghiệm của bản thân họ (đối với Kỳ) ở thời điểm 1965-1970 như đã kể ra trên, nên những ông tướng đồng có lời thoái thác. Ví dụ như Tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng thì có ý kiến: "Ông cứ làm tới đi. Chỉ cho biết ngày giờ, tôi sẽ mở sẵn cửa bộ tổng tham mưu." Viên tư lệnh không quân thì tâm sự: "Xin ông hãy ra tay. Nếu như muốn bắt tôi, tôi sẽ không một phản ứng chống cự nào. Ông dư biết Thiệu cũng đang chuẩn bị chạy. Sau lần cuối cùng gặp mặt, phía Mỹ đã phái một tay đưa tin đến bảo tôi đừng động đậy gì cả.." Gần gũi với Kỳ hơn hết là viên (cựu) tư lệnh thủy quân lục chiến (Tướng Lê Nguyên Khang-pnn), cũng có ý kiến (tương tự): "Tôi không thể cho anh quân, nhưng nếu anh hành động thì lính tôi sẽ không phản ứng chống đối." Như thế là thế nào? Trong giờ phút sôi lửa sống chết của cả Miền Nam, Kỳ còn đặt hy vọng (hy vọng gì?) vào tay những tướng lãnh mà (sau ba-mươi năm) Kỳ đã đánh giá: "Vì tôi biết rất rõ ràng về cái gọi là những người chỉ huy, những ông tướng lãnh miền Nam ấy. Từ ông Thiệu cho đến những ông khác dưới trướng, xin lỗi toàn những vị ăn chơi phè phỡn.. Vann Phan, Người Việt ibid & NCK, Thanh Niên ibid"
Không khuyến dụ được các ông tướng, đợi đến ngày 23 tháng 4, Kỳ sốt ruột vì hai ông Thiệu và Khiêm đang chuẩn bị ra đi với những tấn hành lý chứa đồ quý giá mà không ai mời đến trao quyền, làm lễ nhậm chức. Kỳ đáp trực thăng xuống mái Dinh Ðộc Lập, vào gặp Tổng Thống Trần Văn Hương. Kỳ nói liền:
- Cộng sản có thể vào Sàigòn trong vòng vài ngày, hoặc vài giờ.
- Phải điều đình thôi, Mérillon (Ðại Sứ Pháp) và nhiều người thúc dục tôi trao quyền cho Minh (Dương). Quân đội không thể chống cự lại; có phải họ hết đạn rồi phải không? Tổng Thống Trần Văn Hương mệt mỏi.
Kỳ vẫn hăm hở: Với súng, đạn hiện có chúng ta có thể cầm cự được một hay hai năm. Hãy đặt tôi làm tham mưu trưởng liên quân. Kỳ nghĩ rằng quân đội cần một người chỉ huy nghị lực (là chính ta). Nhưng Tổng Thống Hương từ chối khéo: "Một người như ông đã là thủ tướng, và là phó tổng thống, không thể nào chỉ giữ chức tham mưu trưởng thấp xoàng như vậy. Ðợi vài bữa nữa, tôi bổ nhiệm ông vào địa vị cố vấn quân sự đặc biệt cho chính phủ (Olivier Todd ibid p326).
Tổng Thống Hương không trao quyền chức thì "người" tìm về phía nhân dân. Kỳ cùng Linh Mục Thanh tập họp 10,000 (mười ngàn) người ở Xóm Mới, khu Công Giáo bắc Sàigòn bùng lên những tuyên bố hỗn loạn, náo động: "Thành lập một chính quyền mới, sửa soạn cuộc kháng chiến; hoặc phải thực hiện ngưng bắn (nghiêm chỉnh (!) để điều đình." Trong cơn say máu, Kỳ tung lên lời nguyền để đời: "Qua Mỹ không có mắm tôm, cà pháo. Hãy ở lại chiến đấu. Biến Sàigòn thành một Stalingrade!" Ðám đông hoan hô như sấm rền (Todd ibid p335-337).
Chúng ta trở lại trọng tâm của bài viết, vậy "Những Tướng Lãnh, Người Lính Miền Nam" nào là đối tượng chịu nhận sự lăng nhục (của Kỳ) hôm nay? Bởi, qua một khoảng thời gian dài từ 1965 đến 1975 như trên vừa nhắc lại, hơn ai hết Kỳ đã luôn cần tới họ – Tướng Lãnh và Người Lính QLVNCH – Cột trụ chính xây dựng nên công danh, bảo đảm sự nghiệp" cho đương sự, vốn xuất thân là thành phần tiểu thị dân, loại thanh thiếu niên ma mảnh phá phách nơi những khu phố nhỏ Hà Nội trong những năm đầu thập niên 50. Nguyễn Cao Kỳ luôn cầu và phải cần tới họ – Những Quân Nhân Cao Thượng Trung Chính trong giờ phút tử sinh, sống còn của chính bản thân đương sự. Nguyễn Cao Kỳ không thể đến Trường Chỉ Huy Tham Mưu Long Bình (Biên Hòa) ngày cuối tháng 4, 1975 nếu không được Trung Tướng Phan Trọng Chinh, Nguyên Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 3 Nhẩy Dù; Chỉ Huy Trưởng tiên khởi Binh Chủng Biệt Ðộng Quân, vị tướng lãnh thanh liêm hàng đầu của quân đội bảo chứng hành vi. Nguyễn Cao Kỳ không thể rời Bộ Tổng Tham Mưu để bay ra mẫu hạm USS Midway trong buổi sáng 29 tháng 4, 1975 nếu không có bảo vệ cuối cùng bởi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng - Vị Tướng Quân bậc thầy của những tướng lãnh mà ngay cảû đối phương cộng sản cũng không hề có lời xúc phạm.
Và cuối cùng, trực thăng của Kỳ, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Nguyên Tư Lệnh Không Quân QLVNCH, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Phó Tổng Thống VNCH sẽ không bao giờ rời khỏi bãi đáp tại tư gia trong Tân Sơn Nhất được nếu không có Người Lính kiên cường - Viên phi công Hỏa Long AC119 của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa đơn độc đương cự: Trung Úy Nguyễn Văn Thành, Thiếu Sinh Quân "Thành mọi"- Anh bay lên, vào vùng, bắn phá những vị trí pháo cộng sản đang bố trí quanh Tân Sơn Nhất, vùng Bà Ðiểm, Hốc Môn. Hết đạn, Thành đáp xuống, tự tay xếp đạn, và tiếp bay lên. Một hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 chém đứt thân máy bay. Con tàu bốc cháy, rơi xuống với chiếc dù của Thành kẹt nơi cánh. Ðúng 6 giờ 46 phút sáng 29 tháng 4, năm 1975. Tôi chứng kiến. Tôi thấy người phi công chết cháy trong vũng lửa trên bầu trời Tân Sơn Nhất - Giờ Nguyễn Cao Kỳ bay ra hạm đội Mỹ.
Câu chuyện thăm thẳm dài bi thiết của Dân và Lính Miền Nam (cũng của cả Việt Nam hôm nay, ba mươi năm sau ngày 30 tháng 4, 1975) chấm dứt nơi đây, bởi cơn bi phẫn do bị xúc phạm phải kìm giữ lại quá đỗi nặng nề. Người viết lập lại kết luận đã một lần trình bày tại hội thảo về Chiến Tranh Việt Nam tại Ðại Học Tokyo, ngày 14 tháng 1, 2002: "Thượng Ðế ban cho con người sự sống, và kế hoạch hóa tình cảnh, thời điểm từ giả cuộc đời trần thế- Nhưng con người trong chuỗi sinh tồn kia đã hiện thực điều bi thiết vĩ đại của mình - Người quyết định lần chết cho chính bản thân. Người trao gởi lại sau cái chết xác thân một trị giá vinh hiển. Người Việt Nam đã hiện thực điều cao cả kia một cách tự nhiên trong suốt đêm đen bất hạnh dài theo thế kỷ, giữa vũng lửa chiến tranh mà toàn dân tộc đang gánh chịu một cách khắc kỷ - Xem như một sự cùng đành. Không chỉ là những người lính nơi trận địa, mà là hằng loạt các tướng lãnh giữ chức tư lệnh đại đơn vị, hay sĩ quan cấp tá cao cấp - Chết tại trận tiền, bởi đạn bắn thẳng như các Tướng Lãnh Ðỗ Cao Trí, Nguyễn Viết Thanh, Trương Quang Ân, Nguyễn Huy Ánh, Lưu Kim Cương, Trương Hữu Ðức, Nguyễn Trọng Bảo, Ngưyễn Văn Hiếu.. Những Chỉ Huy Trưởng kiệt liệt các đơn vị tác chiến của tất cả quân, binh chủng: Nguyễn Ðình Bảo, Lưu Trọng Kiệt, Lê Huấn, Lê Hằng Minh, Phạm Phú Quốc, Trần Thế Vinh, Ngụy Văn Thà.. Danh sách có thể kể ra dài như vô tận suốt cuộc chiến giữ nước tính từ 1960, khi Hà Nội bắt đầu cuộc xâm lăng Miền Nam qua chiêu bài ngụy danh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Và chỉ riêng với kết thúc 30 tháng 4, 1975 các Danh Vị đã nên Hiển Thần Trung Liệt: Tướng Quân Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ; Các Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Hữu Thông; Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long.. Người không chỉ chết một mình, mà với toàn gia đình cùng một lần quyết tử: Chị Phạm Thị Thàng, vợ Nghĩa Quân Lê văn Hùng chết với chồng và đàn con nơi chiếc đồn cô quạnh ở Giồng Ðình, Gò Công, Vùng IV; Những người lính Thủy Quân Lục Chiến Lữ Ðoàn 147 của Nguyễn Xuân Phúc, Ðỗ Hữu Tùng đồng tự sát nơi Bãi Mỹ Khê, Ðà Nẵng cuối tháng 3, 1975. Sáng 30 tháng Tư, 1975, Thiếu Tá Ðặng Sĩ Vĩnh (Khóa 1 Nam Ðịnh, chung khóa sĩ quan với Kỳ), bào huynh của gia đình niên trưởng Hà Thượng Nhân (Trung Tá Phạm Xuân Ninh, Chủ Nhiệm Báo Tiền Tuyến) chết cùng với cả nhà gồm ba thế hệ: ông, cha, cháu; Trung đội Nhảy Dù với Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái cùng nỗ một lần lựu đạn nơi Bùng Binh Ngã Sáu, Chợ Lớn.. Ở cầu Xa Lộ Biên Hòa, nơi Ngã Tư Bảy Hiền, trước cổng Trại Phi Long, Bộ Tổng Tham Mưu.. Lần toàn Miền Nam hấp hối! Bao nhiêu Người Trung Liệt đã nằm xuống để nên vinh hiển cho Danh Hiệu: Việt Nam Cộng Hòa? Bao nhiêu người đã chết trên một cõi Phương Nam được hai mươi-mốt năm không dưới ách đọa đày xã hội chủ nghĩa? Và khổ đau của Miền Bắc kia nào ai đã một lần tổng kết?
Tiếp sau 1975, hơn hai triệu người không phân biệt Bắc- Nam; Kinh, Thượng, Hoa-Việt, toàn thể sắc dân H’Mông, Miên, Lào.. trên Bán Ðảo Ðông Dương đồng phá thân, chấp nhận sự chết để sáng tỏ một điều tưởng chỉ biểu hiện trong triết học, trình bày qua văn chương- Con Người Chỉ Sống Xứng Ðáng Với Tự Do- Bao nhiêu người đã trầm mình trên sóng biển Ðông, nơi rừng già dọc biên giới Thái-Miên; trong lũng sâu, núi cao miền thượng du Hoa-Việt.. Ánh chớp thanh quang của Anh Linh bao con người cao thượng đã chết vì, cho Tự Do nầy hẳn đã rung mờ nhật, nguyệt, hiện thực lần Núi Sông cùng khóc với Con Người. Và Người cùng một lần sống mãi với Quê Hương. Với Lịch Sử.
Vậy - Không một ai có quyền xúc phạm. Bất kỳ ai. Với bất cứ nhân danh gì."
Ngày Quân Dân Miền Nam
Dựng Cờ Vàng lên Kỳ Ðài Cố Ðô Huế
Ba mươi - bảy năm trước,
(24 tháng 2, 1968 - 2005)
Vẫn Rực Sáng Với Miền Nam Vẫn Rực Sáng Với Miền Nam - Phan Nhật Nam