Số lần đọc/download: 153 / 0
Cập nhật: 2018-08-18 09:55:07 +0700
Chương 3: Sau Tám Năm
L
á phong mấy lần thay lá, mai mấy lần nở hoa, ngày qua ngày, xuân đi thu đến, thời gian như nước chảy. Thoắt đấy mà đã tám năm.
Tám năm! Bao nhiêu vật đổi sao rời. Thời phong kiến Mãn Thanh cũng đã được thay bằng chế độ dân chủ lập hiến, rồi những hỗn loạn gần như nối tiếp nhau. Lúc thì Tổng thống Viên Thế Khải rồi Trương Huân, rồi Đoàn Kỳ Thụy, chính trường ngập đầy sóng gió. Nền dân chủ non yếu buổi đầu thật bấp bênh.
Nhưng có thế nào thì quyền lực Di Thân Vương cũng đã mất, cái duy nhất còn lại bây giờ là của cải. Chưa ai động đến. Vương Gia cho khép cổng Vương phủ lại, tháo bỏ tấm biển sơn son thiếp vàng trước Vương phủ. Bên ngoài thay đổi thật, nhưng phía sau đôi cổng lớn kia mọi thứ gần như giữ nguyên. A hoàn, tôi tớ, phục dịch, gia pháp còn đó, có khác chăng là không còn cảnh tiền hô hậu ủng ngày xưa.
Với Tuyết Hà, tám năm qua là một khoảng đời lận đận.
La đại nhân trong chuyển đổi chế độ, có lẽ vì buồn thời mà ngã bệnh lìa đời trong năm dân quốc thứ hai. Thế lực nhà họ La không còn như xưa. La phu nhân là người am hiểu thời thế vội bỏ hết cơ nghiệp ở Bắc Kinh lui về quê cũ ở Thừa Đức. Chí Cang cũng chuyển từ việc quan sang thương mại.
Nhờ vốn liếng làm ăn lớn, nhờ ruộng đất nhiều, nên chẳng mấy chốc Chí Cang cũng tạo dựng lại được thanh thế. Chàng nắm hết ngành trà từ Bắc xuống Nam. Rồi còn dược liệu, da thú… cũng không ai cự lại.
Sự thành công của Chí Cang trên thương trường cũng không làm cuộc đời của Tuyết Hà khá hơn. Nàng vẫn là cây đinh trong mắt La phu nhân, vẫn là cái gai nhức nhối trong tim chồng.
Đến Thừa Đức, Chí Cang lại cưới thêm một bà vợ khác.
Thẩm Gia San – Một cô gái con nhà khuê các, có nét đẹp dịu dàng, đôn hậu. Vừa về nhà họ La là đã được La phu nhân xem như dâu hiền. Như không để Chí Cang thất vọng, qua năm sau, Gia San đã sinh cho Cang một mụn con trai – Ngọc Lân, từ đó Tuyết Hà lui vào một góc khuất khiêm tốn.
Tuyết Hà không buồn tủi với vị trí mới của mình. Chẳng nghĩa lý gì. Chủ hay tớ cũng thế thôi, vì mục đích của cuộc đời là chờ đợi.
Nhưng ngày qua ngày, tháng năm trôi qua, hy vọng càng lúc như càng xa vời, mọi thứ đã thay đổi, phong kiến trở thành dân chủ. Bao triều đại đã trôi qua, nhưng con người mà ngày xưa bị đày, bây giờ ra sao? Còn sống hay đã chết? Phiêu bạt nơi nào?
Tuyết Hà như thường lệ, mùng một và rằm nào cũng đến chùa. Vẫn đốt nén nhang cầu phước cho A Mông. Nhưng biết A Mông còn sống hay đã chết? Chàng còn đó hay đã lập gia đình? Cuộc tình sôi nổi ngày nào như niêm kín với bụi thời gian. Cái làm cho Tuyết Hà đau khổ nhất, ngoài sự giày vò của Chí Cang, còn tiếng cười nói ngây thơ của bé Ngọc Lân nữa. Nó làm Hà nghĩ đến đứa con của mình. Mới lọt lòng mẹ đã bị cách ly, nếu còn sống, bây giờ hẳn đã tám tuổi. Trai hay gái? Nó hiện sống ở đâu? Làm gì? Những bứt rứt làm Tuyết Hà không yên ổn. Nhưng dù gì Hà vẫn tin tưởng, chắc chắn nó hẳn còn sống. Mẹ nàng… là một người đôn hậu. Bà hẳn giữ lời.
Tám năm trôi qua… Ngay mẹ con ruột cũng ít có cơ hội gặp mặt. Từ Thừa Đức đến Bắc Kinh là cả một khoảng cách, không có phép mẹ chồng, Tuyết Hà không làm sao về thăm mẹ ruột. Bí mật về đứa con giữ kín bên bà Phước Tấn. Tám năm đã trôi qua, Hà từ một cô gái giờ đã trở thành một thiếu phụ với nỗi buồn sâu kín, không biết tỏ cùng ai.
***
Lá phong bắt đầu nhuốm đỏ. Mùa thu lại đến.
Buổi chiều hôm ấy, có một chiếc xe ngựa cũ kỹ chạy vào thành Thừa Đức.
Thừa Đức là một thành phố trung bình. Nó không có cổng thành, chỉ có những con lộ rộng với các dãy phố, nó cũng có những ngôi nhà cổ với những biển sơn son thiếp vàng, tàn tích của một thời vua chúa ngự trị ngày xưa.
Chiếc xe ngựa dừng lại ở đầu phố, ông xa phu quay đầu vào trong xe nói:
- Đến Thừa Đức rồi. Cụ bà và cô bé xuống xe nhé?
Cửa xe mở, một đứa bé gái mặc áo vải thô, nhảy xuống xuống xe. Cái thân hình nhỏ bé của nó loạng choạng.
Lão xa phu có vẻ quan tâm:
- Có sao không cô bé?
- Dạ không…
Cô bé đáp và đưa tay lên miệng ra dấu. Nó như không muốn bà lão trong xe biết chuyện nó suýt ngã. Nhưng bà lão trong xe nghe nên hỏi vọng ra:
- Hạt Mưa này… Con bị té phải không?
- Dạ không! Con bé có tên là Hạt Mưa vội đáp. Nó nhanh nhẩu – Con chỉ đứng không được vững thôi, chứ chưa làm sao cả. Rồi nó nói tiếp – Nội ơi! Xe cao lắm đấy. Nội cẩn thận hay để con đỡ nội? Coi chừng té đấy nội.
Bà lão đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của con bé, chậm rãi bước xuống xe. Gió thu thật lạnh, khiến bà rùng mình. Một cơn ho dài tiếp theo, bé Hạt Mưa phải lấy tay vỗ nhẹ lên lưng bà lão.
Đứng giữa phố lạ, bà đưa mắt nhìn quanh rồi xúc động nói:
- Cuối cùng rồi ta cũng đến được thành Thừa Đức này.
- Bà lão này! Lão xa phu nói – Trời sắp tối rồi, bà nên tìm một quán trọ nào đó nghỉ chân đi. Ở đây tôi quen thuộc lắm, bây giờ bà đi dọc theo con đường lớn này, cuối đường nơi góc phố, có một quán trọ vừa rẻ vừa sạch đấy bà.
- Cảm ơn ông.
Rồi bà nắm tay Hạt Mưa, chầm chậm bước về phía trước. Phố xá xa lạ. Ở đây có cung điện mùa hè của vua chúa cũ, nên kiến trúc đồ sộ, cổ kính. Tuy đã bao nhiêu thăng trầm, nhưng những bức tường lớn, những cánh cổng sơn, khoen vàng vẫn còn, tạo cho người qua đường cái cảm giác hoài xưa.
Bà vừa bước vừa lẩm bẩm:
- Tuyết Hà… Vú thật không làm sao khác hơn được, đành bội ước với lời thề cũ với Phước Tấn phu nhân, phải mang con của con từ xa đến đây. Nhưng mà… con thì ở nơi kín cổng cao tường, ta làm sao trao bé Hạt Mưa tận tay con được chứ?
Một cơn gió thổi qua, cuốn bay những chiếc lá vàng. Gió thật mạnh. Vú Châu lại gập người xuống ho khúc khắc. Bé Hạt Mưa phải xoa xoa lưng nội.
- Nội ơi! Ta tìm nhà trọ nhanh lên. Đến đó đi, rồi con sẽ mời thầy thuốc đến xem bệnh cho nội.
- Nội không sao đâu con. Vú Châu cố đứng thẳng người lên với nụ cười héo. Vú hướng mắt nhìn về phía cuối trời. Ráng chiều đang ửng đỏ. Một ngày sắp tắt. Bà lại lẩm bẩm – Tuyết Hà… Nếu ta không tìm được con để trao lại Hạt Mưa sợ là không còn thời gian nữa…
Sau mấy ngày thăm dò, vú Châu cũng biết tin Tuyết Hà.
Dinh cơ nhà họ La ở Thừa Đức quá đồ sộ.
Rồi phải thêm mấy ngày nữa, vú Châu mới làm quen được má Phùng – Một trong những quản gia thân tín nhà họ La. Nói chuyện với má Phùng, vú Châu mới biết La Chí Cang đã có thêm đệ nhị phu nhân. Vị thế của Hà không như bà tưởng. Hà không còn quyền lực, vậy là… vú Châu phân vân. Làm sao đưa bé Hạt Mưa vào nhà họ La? Làm thế nào để Tuyết Hà biết Hạt Mưa là núm ruột của mình? Chắc không dễ đàng hoàng đi cửa chính được rồi. Nhưng phải giao Hạt Mưa cho Tuyết Hà, nhưng vậy thì… vú Châu làm sao quên được cái hình ảnh ngày xưa, khi Phước Tấn phu nhân mang bé gái trao cho bà.
Cái con bé này mà sống là chỉ có tôi, bà và trời đất biết. Vì vậy bà phải thề với tôi, là phải mang nó đi thật xa… càng xa Bắc Kinh này càng tốt, và bà hứa là mãi mãi không gặp Tuyết Hà nữa. Nếu bà phản bội lời thề, thì sẽ chết và mãi mãi không được đầu thai.
Lúc đó vú Châu đã thề, đã hứa, thề một cách trịnh trọng. Phước Tấn phu nhân thương người, đã cho thêm một số tiền, dặn dò:
- Hãy cầm lấy số tiền này và đi tìm A Mông. Hiện giờ nó bị đày ở thôn Ha La ở Tân Cương. Nó đang khai thác mỏ than ở đấy, đi đi… Hãy đến đấy mà lập nghiệp, bảo A Mông lập gia đình khác đi, rồi an cư. Đừng quay về đây quấy rầy nữa.
Lúc đó vú Châu cảm kích vô cùng, có tiền, có cháu nội, biết được cả nơi A Mông bị đày, còn gì hơn và bà đã rời ngay Bắc Kinh, lặn lội đêm ngày để đến Tân Cương.
Chắc cả Phước Tấn phu nhân cũng không ngờ… vú Châu đã bế cháu đến tận Ha La… Nhưng sau cả năm trời, lúc đến nơi thì mọi thứ đã thay đổi. Chế độ đã sụp đổ, tội phạm đã sổ lồng. Họ đã bỏ đi hết, hỏi chẳng ai biết A Mông hiện ở đâu. Cả cái mỏ than cũng bị bỏ phế.
Tiền bạc rồi xài hết. Con bé Hạt Mưa yếu đuối cứ bệnh hoạn hoài. Vú Châu kêu trời trách đất. Ở xứ lạ tứ cố vô thân, ngày tháng dài đăng đẳng. Hai nội cháu bắt đầu cuộc đời phiêu bạt. Vú Châu đã phải bế cháu từ thôn này sang làng khác, làm đủ mọi thứ nghề, miễn sao có sữa cho Hạt Mưa, có tiền để thăm dò tin tức của A Mông. Đã trải qua biết bao gian khổ, có lúc bà ngắm cháu nội, thấy nó chẳng khác nào Tuyết Hà. Bà tự hỏi:
- Sao thế này? Rõ khổ là cốt cách một Quận chúa. Sao phải chịu khổ như vậy?
Vâng, bé Hạt Mưa dù trải qua nắng mưa dãi dầu, dù phải lúc đói, lúc rét nhưng nó không mất đi cái phong thái cao quý… Hai bà cháu cứ như vậy, vừa đi vừa làm thuê. Vú Châu tuổi đã cao, nắng mưa làm bà bệnh hoạn mãi. Nhưng rồi cũng về được Bắc Kinh. Về đến nơi mới hay là nhà họ La đã về Thừa Đức.
Bây giờ thì đã đến Thừa Đức, đã biết được địa chỉ của Tuyết Hà, bà cháu vú Châu lê la mấy ngày liền trước đôi cổng lớn, với mục đích duy nhất là gặp mặt. Mấy đồng tiền cuối cùng trong túi sắp hết. Nợ quán trọ chưa trả. Trong khi cơ thể của vú Châu ngày càng kiệt quệ, cơn ho không dứt, tối lại không ngủ được.
Hôm ấy, vú Châu nghe thoáng được tin. Không chần chờ. Bà quyết định ngay, bà nói với Hạt Mưa:
- Hạt Mưa này, nội chắc phải sống xa con.
Hạt Mưa sợ hãi.
- Sao vậy?
- Bởi vì nghe nói là ở thành Thừa Đức này có nhà họ La, họ giàu có rộng rãi, thương người… Họ hiện đang cần một tiểu a đầu… Con hiểu không?
Hạt Mưa tròn mắt nhìn nội:
- Có phải nội định bán con cho nhà họ La làm tiểu a đầu, phải không? Mắt hạt Mưa ươn ướt – Nhưng nội nhắm có bán được nhiều tiền không?
- Không phải vậy đâu con…
Vú Châu nói và không biết phải giải thích thế nào cho Hạt Mưa hiểu. Không được, không thể tiết lộ bí mật. Dù gì con bé chỉ mới hơn tám tuổi. Nó có thể làm bể hết mọi thứ. Bà chỉ nói:
- Nội cho con vào đấy không phải vì tiền.
- Con biết. Hạt Mưa gật đầu – Có phải nội nghĩ là con sống với nội khổ quá… Nội định sắp xếp để con có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thôi con không đi đâu. Nội cứ bệnh hoài, con vào đấy ở rồi ai chăm sóc cho nội?
- Hạt Mưa này! Vú Châu bối rối – Vậy thì nội cho biết nhé. Nội đang cần tiền, con thấy đấy, bây giờ chúng ta không còn một đồng trong túi. Nội lại cứ bệnh luôn.
- Nghĩa là… Bán con nội sẽ có tiền chữa bệnh phải không? Hạt Mưa hỏi, mắt nó lại sáng lên – Vậy thì nội cứ bán con đi!
Vú Châu ôm lấy cháu nội mà nước mắt như mưa.
- Hạt Mưa này, nghe nội nói. Khi con vào nhà họ La rồi con đừng cho người ta biết… con họ Cố nghe không? Con chỉ nói con họ Châu. Nhà họ La có một cô dâu nguyên là Quận chúa. Con nhớ đấy, ghi nhớ kỹ đấy. Cái cô dâu có gốc là Quận chúa đấy, con phải cư xử tử tế, vâng lời, ngoan ngoãn với bà ấy… Con có thể nói cho bà ta biết là… biết là…
Vú Châu chỉ nói được tới đó… chợt ngứa cổ… Rồi một cơn ho dài… Cơn ho làm vú Châu không nói được gì nữa cả.
- Nội ơi nội… Bé Hạt Mưa sợ hãi, nó vuốt lấy ngực vú Châu – Nội cứ bán con liền đi, để lấy tiền trị bệnh.
Vú Châu run rẩy, nắm lấy vạt áo của Hạt Mưa run rẩy, vú cố mở to mắt nói:
- Con nói cho bà ta biết là con có một bà nội. Con đã đi cùng bà nội đến tận Tân Cương tìm cha, tìm cả năm trời mà không gặp, cũng cho bà ấy biết… mẹ con, mẹ con là…
Vú Châu ho sặc sụa, khiến Hạt Mưa chỉ biết khóc.
- Nội ơi… Thôi nội đừng nói nữa. Con biết cả rồi… Mẹ con, nội nói mẹ con đã chết rồi cơ mà.
- Không… không phải. Vú Châu thều thào nói – Mẹ con chưa chưa… Bà lại thều thào tiếp. Bà mệt lả - Tất cả những điều này, con chỉ có thể nói cho cô đó biết thôi… Đừng cho ai khác trong nhà họ La biết… con nghe không?
Bé Hạt Mưa vội gật đầu, nó vừa vuốt ngực cho nội, vừa khóc:
- Con biết rồi, con nghe rồi, nội hãy mang con đi bán ngay đi!
- À! Vú Châu thở dài, người ngước mắt nhìn về phía cửa sổ, lâm râm vái – Lạy Trời xin người hãy giúp con, cho con được gặp Tuyết Hà lần cuối.
***
Ngày hôm sau với sự giới thiệu của má Phùng, Hạt Mưa đã được bán vào nhà họ La.
Vú Châu không được lên nhà trên. Chuyện mua bán được ngã giá ngay dưới nhà bếp. La phu nhân đã trực tiếp trả tiền và nhận giấy bán. Dưới ánh mắt sắc bén của La phu nhân, vú Châu chẳng dám nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn má Phùng đưa Hạt Mưa vào trong.
Bắt đầu ngày mai, vú Châu nghĩ ta sẽ túc trực thường xuyên trước cổng nhà họ La. Ta sẽ chờ Tuyết Hà đi ra ngoài…
Nhưng vú Châu đâu có ngờ, cái ngày mai đó sẽ không bao giờ đến. Ngay buổi tối hôm bé Hạt Mưa vào nhà họ La, vú chưa kịp nhắn nhủ đã đi trọn đường đời. Bí mật khép kín… Bé Hạt Mưa không biết mẹ nó là ai, nó chỉ tưởng là người đã chết.
***
Chuyện ma chay của vú Châu được chủ nhà trọ lo tất. Số tiền bán bé Hạt Mưa mang lại vừa đủ trang trải cho một cỗ quan tài rẻ tiền, một khoảng đất trống đèo heo, để vùi vào một tấm thân già đau khổ.
Ông chủ quán trọ là người tốt bụng, ông nghĩ đến cảnh đau thương của vú Châu. Vừa bán cháu đã mất, nên chạy vội đến nhà họ La báo tin. Lão Văn quản gia, là con người trung hậu nên vừa nghe qua đã vội vào báo lại cho La phu nhân.
La phu nhân cũng xúc động. Không ngờ trên đời lại nhiều cảnh khổ như thế. Vừa bán cháu chưa kịp chữa bệnh thì đã lìa đời. Bà ra lệnh cho lão Văn:
- Hãy đưa con bé ra mộ để nó lạy nội nó lần cuối.
Nhờ vậy mà bè Hạt Mưa được nhìn thấy mộ của nội.
Bãi tha ma vắng vẻ. Gió lạnh cắt da. Những chiếc lá vàng rụng đầy.
Hạt Mưa ngỡ ngàng nhìn ngôi mộ mới. Nó không tin đây là sự thật. Nội chết rồi? Người thân duy nhất của nó, cuộc đời gần như gắn liền với cuộc đời nó. Chết rồi ư? Vậy thì khi nó vào nhà họ La là đã chia tay với nội. Con bé tám tuổi như không đủ sức để chịu cơn sốc nặng đó. Nó quỵ xuống. Mắt to nhìn bia mộ gỗ “Châu Thị chi mộ” mà khóc không thành tiếng.
- Đừng! Đừng! Nội ơi… Nội không thương Hạt Mưa… Nội không yêu Hạt Mưa ư? Tại sao nội nói… mình chỉ tạm xa nhau ít lâu thôi? Nội đã gạt con rồi… Sao nội lại bỏ đi? Nội bỏ con đi đành à? Con phải làm sao đây hở nội? Con phải sống thế nào đây?
Tiếng nấc của Hạt Mưa, rồi tiếng khóc của nó làm cả bãi tha ma trở nên u sầu, nó làm kinh động trời đất. Và mưa… bắt đầu rơi.
Lão Văn phải cảm động, khóc theo.
Nhưng tiếng khóc của bé Hạt Mưa cũng không làm nội nó sống lại được.
***
Ba hôm sau ngày vú Châu mất. Tuyết Hà lần đầu gặp Hạt Mưa.
Hôm ấy, Hà đến phòng của San lấy mẫu thêu, lúc băng qua khu vườn, mới bước vào hành lang thì Tuyết Hà thấy xa xa má Phùng đang đưa một tiểu a đầu đi tới. Chuyện trong phủ mới mua một a đầu Tuyết Hà đã nghe Thúy nói nhưng không quan tâm lắm. Bây giờ trông thấy con bé, nó có vẻ nhỏ nhắn trong chiếc áo cũ của người lớn rộng thùng thình. Ngay lúc đó Ngọc Lân ở đâu chạy xông đến. Thằng bé khỏe mạnh, vừa chạy vừa hét:
- Ta là cọp, là beo, là thiên lý mã… cộc… cộc… cộc.
Cái con thiên lý mã đó, đột nhiên xông thẳng vào người của bé Hạt Mưa.
“Ôi … da…”. Hai đứa bé cùng ngã lăn quay. Má Phùng hốt hoảng, vừa đỡ Ngọc Lân dậy vừa đánh Hạt Mưa.
- Mày là đứa a đầu ngu xuẩn. Tại sao không trông trước coi sau. Thấy cậu cũng không biết tránh.
Bé Hạt Mưa vừa bị ngã chưa kịp hoàn hồn, đã bị ăn thêm mấy tát tai. Nó tròn mắt khóc.Tuyết Hà không dằn lòng được.
- Đừng!... Đừng đánh nó nữa!... Tuyết Hà chạy vội đến ôm lấy con bé, không hiểu sao nàng có cảm tình với nó như vậy. Tuyết Hà nhìn kỹ con bé, một khuôn mặt thanh tú, đôi mi dài, cặp mắt trong như hai vì sao. Chiếc mũi thẳng với cái miệng nhỏ nhắn. Con bé dễ thương chứ! Nàng còn đang ngắm thì đã nghe má Phùng giục:
- Hạt Mưa! Sao mi không cảm ơn mợ đi! Mày ngu thật! Dạy bao nhiêu lần rồi mà vẫn còn ngu.
Bé Hạt Mưa lúng túng nhìn lên. Nó tò mò nhìn người đàn bà được gọi là mợ. Đôi mắt dịu dàng làm nó có cảm tình ngay.
Má Phùng nhéo mạnh tai Hạt Mưa:
- Tao bảo mày nghe không?
- Dạ… Hạt Mưa vội quỳ xuống, nó dập đầu – Con cảm ơn mợ, con xin chúc sức khỏe mợ…
Tuyết Hà vội đỡ Hạt Mưa dậy:
- Thôi khỏi phải lạy nữa.
Con bé đứng dậy, nhưng vì chiếc quần dài và rộng quá, nên nó lại suýt ngã. Tuyết Hà vội đỡ nó vừa hỏi:
- Con tên là Hạt Mưa à?
- Vâng. Nội gọi con là Hạt Mưa.
Tuyết Hà ngẩn ra:
- Nội à? Thế, bây giờ bà ấy ở đâu?
Hạt Mưa ngước đôi mắt đỏ hoe lên nhìn Tuyết Hà. Có hai dòng lệ chảy xuống má, nhưng nó không dám khóc thành tiếng. Má Phùng đã dặn nó, bất cứ trong trường hợp nào cũng không được khóc. Nó nói như nghẹn:
- Nội con… đã mất rồi!
Tuyết Hà gần như bàng hoàng:
- Ồ! Thế thì cha và mẹ con đâu? Tại sao con còn nhỏ thế này đã đi làm a đầu?
- Con không có cha cũng không có mẹ. Hạt Mưa thút thít nói – Nội đem con đi bán là để lấy tiền chữa bệnh… Nhưng mà tội nghiệp, nội chưa trị lành bệnh thì đã mất.
Hạt Mưa nói mà không dằn được nước mắt. Má Phùng có vẻ bực mình, má xách tai Hạt Mưa lên:
- Cái con ngu xuẩn này. Tao đã bảo là không được khóc mà không nghe.
- Thôi tha cho nó đi má Phùng ạ. Tuyết Hà giằng lấy tay bà quản gia – Má thông cảm cho nó, con bé mới mất nội… Rồi vỗ nhẹ lên vai Hạt Mưa. Tuyết Hà an ủi – Thôi đừng khóc nữa con gái ạ.
Bé Hạt Mưa nín hẳn, nó chưa bao giờ nghe một lời dịu ngọt như thế. Không phải chỉ có lời nói mà cả ánh mắt sao lại đầy tình thương thế? Nó vội lau mắt. Đừng… đừng khóc! Là một a đầu thì không có quyền khóc. Má Phùng đã bảo, vậy mà không hiểu sao nước mắt cứ lại chảy dài.
- Lại đây nào. Đừng lau mắt bằng tay áo nữa – Tuyết Hà nói và lấy trong túi ra một chiếc khăn tay nhét cho Hạt Mưa – Con hãy cầm lấy.
Hạt Mưa ngẩn ngơ. Cái khăn thật thơm.
Má Phùng kéo Hạt Mưa rồi chào Tuyết Hà:
- Thôi chào mợ. Tôi phải đưa nó xuống nhà bếp. Lão thái thái dạy phải huấn luyện nó từ việc nhỏ nhất nên tôi phải tập cho nó nhúm bếp, rửa dọn trước tiên.
Tuyết Hà ngơ ngác:
- Bắt nó nhúm bếp à? Nó còn bé quá mà! Không khéo bị bỏng.
Má Phùng cười nhẹ:
- Mợ khéo lo. Nó là a đầu, có nghĩa là đầy tớ thì cái chuyện bỏng hay đứt tay cũng đâu có gì đáng kể đâu?
Rồi không đợi Tuyết Hà nói thêm bà kéo Hạt Mưa đi thẳng xuống bếp.
Ngọc Lân lại xuất hiện ở đầu hành lang nó vừa chạy vừa hét:
- Ta là cọp, là gấu, là thiên lý mã lộc cộc… lộc cộc.
Trong lúc Tuyết Hà cứ đứng đó ngẩn ra nhìn theo dáng của Hạt Mưa. Phỉ Thúy phải giục:
- Quận chúa, chúng ta đi thôi.
Quận chúa! Bé Hạt Mưa nghe thấy, vội quay đầu nhanh lại, nó chợt nhớ đến lời của nội. Bây giờ nó đã trông thấy người mợ có tên Quận chúa rồi. Phải nói cho Quận chúa biết. Phải nói… Bé Hạt Mưa bỗng thấy lúng túng, nó đứng lại, để má Phùng lại một lần nữa kéo tai:
- Mày hôm nay làm sao vậy? Đi lại dừng. Mày đâu phải là thiên kim tiểu thư! Làm biếng không sống được với tao đấy.
Bé Hạt Mưa sợ hãi bước nhanh. Trong khi Tuyết Hà thở dài:
- Quận chúa! Phỉ Thúy nói – Quận chúa đừng có thở dài nữa. Bà và cậu nghe được lại khổ.
- À! Tuyết Hà lại thở ra. Ở cái nhà họ La này tiểu a đầu thì không có quyền khóc, làm dâu lại không được thở dài. Tại sao cuộc đời lại lắm trớ trêu như vậy.