Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Chương 3
T
hế em anh chưa biết cái tin bè bị vỡ à?
- Tôi chưa dám nói cho nó biết, vì tôi sợ nó buồn. Và khi tôi viết giấy về bảo nó vay tiền, tôi cũng nói một cách hờ hững: có sẵn thì vay, không thôi, tôi cũng không cần lắm. Nếu tôi nói tôi cần thì cô tôi không có, nó đã đem bán hết tư trang để lấy tiền gửi lên cho tôi rồi.
- Anh có một người em gái thật là... đáng yêu. À, còn cô Lan nói trong thư là ý trung nhân của anh phải không?
- Nói rằng ý trung nhân thì cũng không đúng. Nhưng nếu một ngày kia mà tôi cần phải lấy vợ thì thế nào tôi cũng lấy cô ta.
- Tại sao lại thế? Thế hai bên chưa gắn bó gì cả à?
- Cô ta là bạn thân của em gái tôi, cô ta đến nhà chúng tôi chơi luôn. Rồi đây có lẽ... tôi sẽ yêu cô ta vì em gái tôi yêu cô ta lắm. Tôi tự nghĩ: nếu tôi lấy một người mà em gái tôi đã yêu quý thì sau này chị dâu em chồng sẽ không có điều gì xích mích. Vì thế có lần em gái tôi yêu cầu tôi lấy cô ấy, tôi ngỏ ý bằng lòng. Tôi bảo chờ một vài năm, khi nào tôi có thật nhiều tiền. Nhưng thế này thì biết đến bao giờ? Thầy mẹ tôi mất đi để cho hai anh em được gần vạn đồng bạc. Tôi làm ăn trong bốn năm được thành hơn hai vạn. Ngờ đâu chỉ trong một buổi tối mất cả. Tôi nghĩ chỉ còn cách đi buôn lậu, nhưng vì số tiền không đủ, tôi lại sòng để đánh, ai ngờ thua mất trăm tám. Người ta cùng sinh nghĩ bậy. Lần này là lần đầu tiên và có lẽ là lần cuối cùng tôi bước chân vào sòng. Cái không khí ở đấy ghê tởm quá. Vận mình lúc bĩ...
Khôi nhìn bạn:
- Nhưng dù sao anh cũng phải tính thế nào chứ.
- Lòng tôi bây giờ còn hoang mang, chưa biết tính cách nào. Mà tính cách nào cũng phải có tiền. Tiền tôi không có.
- Tôi rất hận rằng tôi không giàu. Anh giúp đỡ tôi bao nhiêu phen mà đến khi anh gấp khúc, tôi chẳng giúp đỡ gì được anh cả.
- Anh chớ nên phàn nàn. Chúng ta biết lòng nhau là đủ rồi. Lán gỗ của tôi bây giờ chưa có tiền làm, vậy lâu lâu anh tạt qua trông coi hộ, để khỏi bị ăn trộm, thế là đủ rồi. Có lẽ tôi bán lán. Có lẽ tôi về Hà Nội xoay kế khác, chứ làm gỗ ít tiền không thể làm được. Có lẽ rồi tôi đi làm công. Đời tôi muốn xoay chuyển ra thế nào, tôi cũng không sợ, tôi sợ nhất là khi phải báo cái tin buồn cho em gái tôi thôi. Nó bây giờ như con chim sơn ca, đang thời xuân trẻ, ca hót vang lừng, chẳng biết gì là buồn, tin tưởng vui sống dưới sự che chở đùm bọc của tôi. Vì tôi làm ăn không lên thân... Tưởng tượng vì túng thiếu mà mất cái tiếng hót vang lừng kia, tôi thấy mạch máu tôi đông lại, anh ạ.
- Anh không nên quá lo xa và nghĩ vơ vẩn. Cô ấy là người có lòng, tất đủ nghị lực để vui cái cảnh đời mới.
Hai người đang nói chuyện thì có tiếng ngựa hí và tiếng ồn ào ở ngoài cửa. Lại xen lẫn vào những câu tiếng Tây.
- Ngựa thồ ở đâu về mà nhiều thế?
Khôi chạy ra mở cửa, rồi lại chạy vào:
- À, bọn Nam Long, chủ thầu ở Hà Nội, sang thầu đường ở bên Tàu. Úi chà, công việc họ làm to lắm, những gần một trăm vạn. Hôm nay, chỉ còn vài chục ngựa thồ, chứ hôm qua đã đi hơn trăm con rồi. Tôi có gặp họ ở Phố Lu.
- Tây à?
- Không, ta.
- Thế họ nói tiếng Tây với ai?
- Với nhau.
- Thế họ không biết tiếng ta à?
- Sao lại không biết. Nhưng họ thích thế. Nói tiếng Tây bây giờ là dấu hiệu của những con người sang.
Trọng Khang chép miệng:
- Người mình bây giờ lắm đứa lọ lĩnh quá. Sang gì hở anh?........
........
- Họ học ở Tây về quen đi rồi. Cô gái ông chủ thầu cũng nói thạo lắm. Tôi chỉ nghe thấy cô ta nói toàn tiếng Tây.
- Anh có quen bọn ấy à?
- Không quen. nhưng có gặp ở nhà một người quen tại Phố Lu ngày hôm kia. Cô ta đẹp lắm, cử chỉ như đầm. Nghe đâu có đi Tây học, đỗ bằng luật khoa cử nhân.
- Đàn bà lên đây làm cái gì?
- À, tính cô ta thích mạo hiểm, thích du lịch. Đi ngựa, đánh quần, và ăn mặc quần áo cỡi ngựa trông oách lắm. Lại có một ông kỹ sư đi theo, ăn mặc cũng oách như cô ta. Nghe đâu là chồng chưa cưới thì phải. Hai người thường cưỡi ngựa đi rong chơi ở Phố Lu. Ông bố hình như cũng chiều con lắm, và cách ăn ở có lẽ Tây lắm, nên mới để cho tự do như thế. Lão đội kiểm lâm làm với tôi hôm vừa rồi, cũng kiếm gần được trăm bạc, trong khi đánh mối bán cho họ ba con ngựa. Con nào cũng hơn trăm, nhưng xoàng cả. Giá con ngựa ô của anh thì mấy trăm họ cũng mua.
Sáng hôm sau, Trọng Khang ra đứng ở cửa nhìn ông Phó đóng ngựa cho mình để lại thăm. Khôi thì thấy một người con gái ăn mặc quần áo cưỡi ngựa, chân đi giầy ủng, lưng đeo một khẩu súng lục nhỏ, tay ve vẩy một chiếc roi ngựa bằng sừng hiện từ phía chợ đi lại.
Người con gái ấy trạc hai mươi hai, hai mươi ba, cắt tóc ngắn theo lối đầm, trang điểm một cách rất Tây phương. Cách đi đứng tỏ ra một người bạo dạn. Trọng Khang đoán ngay là con gái ông chủ thầu.
Trong khi Trọng Khang nhìn nàng, thì nàng nhìn con ngựa. Rồi nàng quay lại nói với tên người nhà đi theo sau:
- Con ngựa đẹp quá mà cao quá nhỉ!
Nàng rảo cẳng đến trước mặt Trọng Khang hỏi bằng tiếng Pháp:
- Con ngựa này của ngài đấy ư? Ngài có thể cho phép tôi được xem một tí không?
Vụt Trọng Khang thấy bực tức, bực tức về chỗ một người đồng loại nói với một người đồng loại mà lại không dùng tiếng mẹ đẻ, hơn nữa cái người nói ấy lại là một người đàn bà. Chàng tự nhủ: ngữ này có lấy chồng cũng chẳng qua là để hưởng khoái lạc, chớ không phải là để làm vợ, làm mẹ. Tuy lòng chàng khó chịu như thế, nhưng sức đẹp vốn có cái sức mạnh bắt buộc người ta phải lịch sự. Trọng Khang cũng trả lời một cách rất lễ phép, song bằng tiếng ta. Đó cũng là một cách phản đối, nhưng cái lối phản đối ấy người con gái không để ý đến:
- Vâng xin mời cô cứ xem.
Người con gái lại gần vỗ vào cổ ngựa, nhìn kỹ từ đầu đến chân rồi hỏi, cũng vẫn bằng tiếng Pháp, với cái giọng của một người xưa nay chưa hề bị trái ý bao giờ:
- Ngài bán con ngựa của ngài cho tôi nhé? Bao nhiêu tôi cũng mua. Tôi không kỳ quản về đồng tiền đâu, ngài muốn bao nhiêu ngài cứ nói thật đi.
Lúc này Trọng Khang không thể chịu được nữa. Lâm vào cảnh nghèo, chàng mới cảm thấy tất cả sự sỗ sàng của người giàu sang. Vẫn bằng tiếng ta, giọng hơi gay gắt vì khinh mạn, chàng đáp:
- Thế thì cô không phải là người biết chơi ngựa rồi. Bởi vì một người biết chơi ngựa bao giờ cũng hiểu rằng một khi người ta có con ngựa hay như thế này, người ta không bán bao giờ. Thứ nhất ở trên chốn rừng núi này, con ngựa này là một người bạn đồng hành trung thành và tận tâm nhất.
- Tôi trả ngài năm trăm. Ngài bảo sao?
Vẫn bằng tiếng ta, Trọng Khang trả lời:
- Tôi đã bảo rằng thì tôi được lãi ba trăm rưỡi, vì tôi mua nó có một trăm rưỡi. Nhưng ba trăm rưỡi cũng không bù được với những công việc nó đã giúp ích cho tôi và tấm lòng tôi mến nó.
- Nếu tôi tăng giá nữa thì ngài nghĩ sao?
- Tôi nghĩ rằng lòng mến là một thứ không thể đem đánh giá bằng tiền được.
Cái nhìn của người con gái lúc bấy giờ mới đặt một cách chăm chú lên khuôn mặt của Trọng Khang:
- Tôi xem ra ngài cũng giàu và không cần đến tiền thì phải.
Trọng Khang nhếch một nụ cười:
- Tôi hiện nghèo lắm, ngày mai chưa biết sống bằng gì?
- Thế tại làm sao ngài không bán con ngựa của ngài đi?
Trọng Khang cau mặt:
- Thì tôi đã bảo lòng mến là một thứ không thể đem ra đầu cơ trong lúc túng thiếu được cơ mà.
Người con gái cười, để lộ hàm răng trắng như ngà:
- Ngài là một người hơi kỳ quái. Thôi tôi xin lỗi ngài nhé.
Nói xong, người con gái tháo chiếc "găng" bằng da, giơ tay bắt Trọng Khang. Cái cử chỉ thành thật và bồng bột ấy làm cho Trọng Khang xuê xoa được sự ghét bỏ gây ra bởi sự ăn nói lố lăng của nàng. Bất giác, chàng trả lời bằng tiếng Pháp:
- De rien, mademoiselle.
Câu tiếng Pháp của chàng lúc này có một sức phản động đột ngột. Nó làm cho người con gái nghĩ ngay đến cái chỗ lúc nãy mình toàn hỏi bằng tiếng Pháp mà người ta chỉ trả lời bằng tiếng Nam.
Nàng tủm tỉm cười rồi, lần này, hỏi Trọng Khang bằng tiếng ta:
- Sự tôi nói tiếng Pháp chắc làm ngài khó chịu lắm nhỉ?
Trọng Khang phắc một cử chỉ để chối.
Người con gái gặng lại:
- Không. Chắc là ngài khó chịu lắm, cho nên ngài một niềm trả lời tôi bằng tiếng ta.
Một ý nghĩ đến ngay trong óc Trọng Khang: "Người này vì hoàn cảnh mà sinh ra lố lăng, chứ bản tâm vẫn là một con người tốt".
- Vâng, tôi không giấu cô. Thoạt tiên tôi thấy một người Nam nói với một người Nam mà không dùng tiếng mẹ đẻ thì tôi hơi khó chịu thật. Người Pháp họ nói với nhau có dùng tiếng "Ăng-lê" bao giờ. Họ quý tiếng họ lắm. Tại sao mình lại không?
- Tôi vì du học ở Pháp, nên quen mồm.
Trọng Khang tủm tỉm:
- Biết đâu sự quen mồm ấy chẳng cũng là để tỏ cho người ngoài biết rằng mình là một người học thức.
Người con gái cũng cười:
- Non, ce n'est pas de la vanité, mais c'est peutêtre du snobisme. Ấy chết, tôi lại nói tiếng Pháp rồi. Tôi quen nghĩ bằng tiếng Pháp, vả chữ snobisme, tiếng Nam không biết dịch là gì. Thế thì có lẽ tôi là một người Việt Nam không tốt.
Trọng Khang xốc khẩu súng lục đeo ở lưng:
- Cô đã biết nghĩ thế, thì cô bây giờ là người Việt Nam rất tốt rồi.
- Chà, khẩu súng lục ngài đeo sao to thế? Hình như nặng thì phải. Đến vài cân.
- Chả mấy. Hơn ba cân.
- Thế thì lúc bắn thế nào?
- Dùng nó quen đi. Tôi cho là không nặng. Chúng tôi sống cái đời ở rừng núi, phải cần đến thứ súng Mauser này mới bắn được xa. Chứ thứ súng của cô, không bắn xa được mấy. Đi ngựa mà đeo súng trọng trường thì bất tiện lắm.
- Súng của ngài bắn xa được bao nhiêu?
- Có thể được một hai cây số.
- Thế cơ à? Bao nhiêu phát?
- Hai mươi bốn phát. Sang đến đất Tàu, những thứ súng này cần lắm. Bên đó giặc cỏ như rươi.
- Ba tôi cũng đem đi mười mấy khẩu súng trận. Sang đến địa phận Tàu lại có lính của chính phủ Vân Nam đón chúng tôi. Như thế cũng chả ngại. Ông có thể cho tôi xem khẩu súng của ông được không?
- Xin vâng, nhưng xin mời cô vào trong này.
Người con gái mạnh bạo theo Trọng Khang vào trong nhà, chẳng một chút e lệ. Trọng Khang tháo khẩu súng đưa cho người con gái xem.
- Súng này có một cái lợi là nếu muốn bắn xa và bắn lâu thì tháo cái bao gỗ này lắp vào như một cái báng.
Người con gái cầm khẩu súng giơ lên:
- Trời ôi! Sao nặng thế này. Tôi thì tôi chịu đấy. Ba tôi có lẽ cũng chịu. Họa chăng anh François mới dùng đến. Nhưng cũng vị tất, vì anh ấy cũng chẳng khỏe hơn tôi nào. Ông bắn có giỏi không? Ở nhà, tôi với anh François cũng tập bắn bia đến hơn 100 phát, nhưng cũng chưa lấy làm gì tin lắm. Mười phát cũng còn sai đích đến ba bốn.
- Bắn bia khác, bắn thật khác. Bắn bia thì người ta không bị xúc động. Tôi đã biết lắm người bắn bia rất giỏi mà lúc bắn thật thì trúng rất ít. Sự bắn giỏi hay không là một vấn đề thần kinh hệ. Người nào trấn tĩnh được lòng mình thì người ấy có thể bắn giỏi. Ở đất Tàu có nhiều giặc cỏ, cô sang mà không sợ à?
Người con gái nhún vai, trả lời một cách rất tự nhiên:
- Không. Có lẽ vì nghe người ta nói thế, nên tôi nhất định nèo ba tôi phải cho đi kỳ được.
Hai người còn đang trò chuyện thì có người nhà đến mời con gái ông chủ thầu về ăn điểm tâm.
Trọng Khang đứng dậy, tiễn ra tận cửa.
Trước khi quay đi, người con gái còn lại gần ôm cổ con ngựa, hôn một cái rồi nói bằng một giọng tiếc rẻ:
- Tôi yêu con ngựa này quá. Tôi tiếc rằng ông cũng yêu nó quá mà không chịu bán cho tôi.
- Tôi cũng rất tiếc là không chiều được...
- Tôi cũng có mua ở Phố Lu mấy con, nhưng xoàng cả. Biết thế này, tôi buộc ba tôi phải đem con ngựa của tôi lên đây.
- Đem lên đây chỉ trong vài tuần lễ nó sẽ ngã nước chết. Mà dù có khỏi thì nó cũng không quen đường núi, như thế rất nguy hiểm cho tính mệnh người cưỡi.
- Thôi thế là đành rằng trong thời kỳ tôi ở trên này, tôi không có được một con nào vừa ý như ngựa của ông.
Nhìn Trọng Khang bằng cái nhìn rất "đàn bà", nàng tiếp:
- Tôi mong ông đổi ý kiến.
Trọng Khang cười lặng im.
- Nếu ông đổi ý kiến thì... nhà tôi ở trước chợ, ông nhớ lại nhé.
Nói xong, giơ tay bắt tay thật chặt, rồi đi thoăn thoắt. Trọng Khang nhìn theo một lát bỗng gọi giật lại:
- Này cô!
Người con gái tươi cười vội quay lại:
- Ông đã đổi ý kiến rồi ư? Sung sướng cho tôi quá!
- Không. Nhưng tôi có thể chiều cô một lát được. Tôi cho cô mượn cưỡi về nhà, rồi cô lại cho người đem đến đây trả tôi.
- Ồ! Quý hóa quá! Vừa rồi, tôi cũng đã toan hỏi ông như thế.