Nguyên tác: On The Road
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:15 +0700
[2]
T
háng Bảy năm 1947, tiết kiệm được khoảng năm mươi đô từ khoản trợ cấp cựu chiến binh, tôi đã sẵn sàng đi về Bờ Tây. Một thằng bạn là Remi Boncoeur viết thư cho tôi từ San Francisco đề nghị tôi cùng đi với hắn một chuyến vòng quanh thế giới bằng tàu biển. Hắn thề là có thể nhét trộm tôi vào buồng máy. Tôi trả lời hắn là tôi bằng lòng đi theo một con tàu hàng cũ nếu có thể làm mấy chuyến vặt trên Thái Bình Dương, rồi sau đó quay về với một món tiền nhỏ để chi tiêu ở nhà bà cô cho đến khi viết xong cuốn sách. Hắn nói hắn có một ngôi nhà con ở Mile City và tôi sẽ tha hồ có đủ thời gian để làm việc đó trong khi hắn xoay xở để kiếm ra một con tàu. Hắn sống chung với một ả tên là Lee Ann; hắn khoe ả là một đầu bếp tuyệt hảo. Remi là bạn cũ thời trung học, hắn người Pháp, lớn lên ở Paris và là một thằng khùng thứ thiệt. Tóm lại, hắn trù tính sẽ gặp tôi trong vòng mười ngày tới. Bà cô tôi hoàn toàn tán thành chuyến đi của tôi về miền Tây, bà nói việc này sẽ có lợi cho tôi, rằng tôi đã làm việc nhiều quá trong suốt mùa đông và đã phải sống tù túng giữa bốn bức tường quá lâu. Bà không nói gì cả khi tôi thú thật là tôi chỉ vẫy xe dọc đường mà đi nhờ thôi. Bà chỉ mong một điều là tôi đừng có tơi tả khi quay về. Thế là, bỏ lại tập bản thảo viết dở, gấp lại tấm nệm trải giường êm ái lần cuối cùng, vào một buổi sáng đẹp trời, xách cái túi vải trong đựng mấy thứ đồ cần thiết, tôi phới ra bờ Thái Bình Dương với năm mươi đô trong túi áo.
Ở Paterson tôi đã nghiên cứu bản đồ nước Mỹ hàng tháng ròng, thậm chí đọc cả sách về những bậc khai sáng và các địa danh ngọt ngào như Platte, Cimarron và nhiều nơi khác. Trên tấm bản đồ đường bộ, tôi thường ngắm nhìn một đường màu đỏ kéo dài, gọi là đường 6, chạy từ đỉnh Cape Cod thẳng đến Ely ở Nevada, rồi từ đấy chúc thẳng xuống Los Angeles. Tôi quyết định sẽ không rời khỏi đường 6 cho đến tận Ely và tràn đầy tin tưởng, tôi lên đường. Muốn tới đường 6, phải đi ngược lên Bear Mountain. Say sưa tưởng tượng ra những chiến tích của mình ở Chicago, ở Denver, và cuối cùng ở San Fran, tôi lên tàu điện ngầm ở đại lộ 7, đến tận bến cuối ở phố 242. Từ đây lại bắt xe điện đến Yonkers; đến khu trung tâm Yonkers tôi lại chuyển xe điện tới ngoại ô thành phố, trên bờ Đông sông Hudson. Hãy hình dung, ta thả một bông hồng trên dòng Hudson, nó sẽ lướt qua bao nhiêu phố phường làng mạc rồi mãi trôi ra biển - hãy tưởng tượng ra cái thung lũng xinh đẹp này bên dòng Hudson. Tôi bắt tay vào việc vẫy xe đi nhờ, nhằm mục tiêu thẳng tiến. Sau năm lần vẫy xe tôi đã đến được điểm mong muốn là cây cầu Bear Mountain, nơi đường 6 từ New England lượn vào. Trời đổ mưa tầm tã khi tôi vừa xuống xe. Một cảnh núi đồi kỳ thú. Đường 6 dẫn đến bờ sông, vòng qua một vòng xoay giao lộ rồi mất hút vào một vùng hoang mạc. Không chỉ vắng tanh không xe cộ gì mà trời còn mưa như trút nước và tôi không biết ẩn náu vào đâu. Tôi chạy đến trú dưới gốc thông; tình hình không thay đổi được bao nhiêu; tôi bèn gầm lên chửi rủa, tự đập bùm bụp vào đầu và cho mình là một tên đại ngốc. Tôi đang ở cách New York bốn mươi dặm về phía Bắc. Suốt dọc đường đi, điều làm tôi băn khoăn nhất, đó là việc cái ngày vĩ đại đầu tiên này tôi đã hoàn toàn dành để đi về phía Bắc chứ không phải về miền Tây bấy lâu ao ước. Giờ thì tôi đang phải chôn chân ở miền Bắc. Tôi chạy một phần tư dặm đến một trạm xăng bỏ hoang kiểu cách Ăng lê đỏm dáng và ngồi dưới mái hiên rỏ nước tong tong. Còn trên đầu tôi sấm chớp đang đổ từ Bear Mountain xuống ầm ầm, khiến tôi cảm thấy một nỗi sợ Trời thành kính. Tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là những hàng cây chìm trong hơi nước cô đơn ảm đạm vươn cao đến tận trời. “Lạy Chúa, mình đang làm quái gì ở cái chỗ chót vót này?” tôi chửi thề và gào thét ước gì mình đang ở Chicago. “Ngay lúc này đây bọn nó đang thoải mái vui chơi, phải, thoải mái vui chơi, mà mình thì không có mặt. A, vậy thì bao giờ mình mới ở đó được?” Cuối cùng thì cũng có một cái xe đậu lại ở trước trạm xăng bỏ hoang; người đàn ông và hai người đàn bà ngồi trong xe mở bản đồ ra xem. Tôi đi thẳng đến và lấy tay ra hiệu trong mưa. Họ nhìn nhau dò hỏi; trông tôi như một thằng điên, thì rõ, đầu tóc tôi ướt nhèm, giày thì sũng nước. Giày tôi, ngốc ơi là ngốc, vốn là loại giày hở mũi kiểu Mexico, hoàn toàn không phù hợp với những đêm mưa nước Mỹ và con đường gồ ghề trong đêm tối. Dù sao thì họ vẫn cho tôi lên xe đi nhờ, lại tiếp tục lên phía Bắc đến Newburgh, đành chấp nhận vậy thôi, còn hơn là bị nhốt ở vùng hoang mạc Bear Mountain suốt một đêm. “Với lại - ông chủ xe nói - không có lối rẽ trên đường 6. Nếu anh muốn đến Chicago thì tốt nhất là đến New York qua đường hầm Holland rồi thẳng lối Pittsburgh.” Tôi thấy ông ta có lý. Tất cả chỉ vì tôi cứ mơ mộng bám vào cái ý tưởng bay bổng ngu ngốc rằng sẽ kỳ thú bao nhiêu nếu được theo một con đường đỏ lớn chạy suốt nước Mỹ, chứ không biết là phải lòng vòng hết đường lớn lại đường nhỏ quanh co.
Đến Newburgh thì trời tạnh. Tôi đi đến tận bờ sông; và trở về New York bằng xe khách với một lô thầy giáo vừa đi nghỉ cuối tuần trên núi về. Họ nói cười ầm ĩ, còn tôi thì bực mình vì đã phí phạm thì giờ và tiền bạc vô bổ. Đáng lẽ sang miền Tây thì lại cứ loay hoay suốt cả ngày và một phần đêm lên lên xuống xuống, từ Bắc xuống Nam, như một cái máy khỏi động mãi mà không chịu nổ. Và tôi nhất định ngày mai phải về đến Chicago, trèo hẳn lên một cái xe ca đi Chicago, tiêu cho xứng đáng đồng tiền; cóc cần gì hết, miễn là ngày mai tôi ở Chicago là được.