Love gives light even in the darkest tunnel.

Anonymous

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2045 / 25
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Dẫn Nhập
ho đến khi người viết cầm bút viết những dòng này, năm 1968, học sinh Việt từ Nam chí Bắc vẫn còn phải đọc trong sách những dòng đầu địa lý về xứ sở mình: nước Việt Nam ở về phía Đông bán đảo Ấn-Hoa!
Cái bản chất lệ thuộc trong địa danh Ấn-Hoa đã hạ nhục tất cả các quốc gia độc lập trong khu vực, cũng như cái bản chất chư hầu trong quốc hiệu An-Nam đã làm cho người Việt chúng ta phải tủi hổ khi nghe người khác gọi mình và đã quyết liệt xóa bỏ bằng chính máu của mình.
Tại sao lại Ấn-Hoa, Ấn-Trung hay Ấn-độ Chi-na (Indochine)? Có phải vì trước đây người Tây phương khi nhìn về Đông phương đã không thấy gì hơn là hai quốc gia khổng lồ này? Một vùng gồm nhiều nước có vẻ hỗn tạp, không thể ghép vào Ấn vì chẳng phải là Ấn, không thể ghép vào Hoa vì cũng chẳng phải là Hoa, nhưng không đáng được mang một cái tên riêng, vậy âu đặt luôn là Ấn-Hoa cho dễ nhớ. Tây phương đã nghĩ vậy và đã làm vậy. Cũng với cung cách ấy, họ còn gọi khu vực chúng ta ở bằng những danh hiệu đầy tính chất lệ thuộc khác như Tiểu-Hoa (Little China) theo người Anh, như Ngoại-Ấn (L’Inde Extérieure) theo một số học giả Pháp.
Tuy nhiên, chậm lắm là sau Thế chiến II, người Tây phương cũng đã phải mở mắt rộng hơn để nhìn rõ hơn những gì đã xẩy ra khi cả thế giới nhược tiểu bừng bừng trổi dậy, nhất là ở vùng địa đầu tối quan yếu này. Với tiếng nói của một số dân nhiều hơn Liên Sô, nhiều hơn dân Hoa Kỳ và bằng toàn thể dân số Mỹ-la-tinh hợp lại[1] cùng trổi lên điệp khúc đòi tự do, giải phóng, đòi chỗ đứng riêng biệt trong tập thể nhân loại, thì tất nhiên âm vang của nó không thể không buộc người khác phải chú ý.
Sử gia D.G.E. Hall, giáo sư đại học ở Luân Đôn, đã lớn tiếng nhắc nhở người Tây phương không nên gọi vùng đất ở miền Đông Nam Châu Á này bằng bất cứ danh từ gì có liên quan đến hai chữ Trung Hoa và Ấn Độ. Vì gọi như vậy, chắc chắn sẽ bị người trong vùng phản đối và hơn nữa còn là cố ý phủ nhận sự cá biệt của khu vực này, tức phủ nhận một sự thực lịch sử. Vẫn theo ông, sự thực lịch sử đó là: dù có chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn minh Hoa và Ấn, vùng đất này từ xưa đến nay vẫn có một nền văn hóa riêng biệt không thể chối cãi được. Nghệ thuật và kiến trúc ở Angkor, Pagan, Trung Java và các khu vực nguyên là nước Chiêm Thành cũ rõ ràng khác xa nghệ thuật và kiến trúc Ấn Độ. Ngay cả đến Việt Nam, nơi đã bị ngưòi Tàu cai trị từ năm 111 trước Công nguyên tới 939 sau Công nguyên, và dưới đời nhà Hán đã trở nên đối tượng cho một nỗ lực Hán hóa khốc liệt, vẫn phát triển một hướng đi riêng và vẫn bảo tồn được bản chất văn hóa cá biệt với những cỗi rễ tiếp nối từ thời tiền bị trị [2].
Đi xa hơn, học giả W.G. Solhiem, thuộc đại học Hawaii, đã vạch rõ ràng việc đặt cái tên Ấn Hoa cho vùng này phản ảnh kiến thức ấu trĩ của Tây phương về trào lưu du nhập văn hóa. Ông đã chứng minh ngược lại là chẳng những ánh sáng văn minh đầu tiên không phải từ Ấn và Hoa chiếu rọi vào miền Đông Nam mà chính là từ miền Đông Nam tỏa lên và tỏa sang Hoa và Ấn. Qua các cuộc khai quật có hệ thống trong vòng 10 năm nay (nhất là giai đoạn từ 1963 đến 1968 tại Non Nok Tha, Bắc Thái), nhóm chuyên viên thuộc hai trường đại học Otago (Tân-Tây-Lan) và Hawaii (Mỹ) đã chứng minh một cách khá chính xác rằng: về nông nghiệp, miền Đông Nam Châu Á đã trồng lúa (gạo) từ trên 3.000 năm trước Công nguyên, nghĩa là trước Ấn Độ và Trung Hoa ít ra là 1.000 năm; về kỹ thuật, miền Đông Nam Châu Á đã biết đúc đồng bằng khuôn đôi sa thạch từ 2.300 đến 3.000 năm trước C.N., nghĩa là trước Ấn Độ 500 năm và trước Trung Hoa 1.000 năm [3].
Vậy thì, hãy trả cái gì của César cho César. Vùng đất mà chúng ta đang nói tới cùng các quần đảo lớn nhỏ bao bên ngoài ở miền Đông Nam châu Á, chúng ta hãy gọi nó là Đông Nam Á, một cái tên đúng đắn nhất y cứ vào Châu và vị trí trong Châu, như người ta đã gọi Đông Âu, Bắc Âu, Nam Mỹ, Trung Mỹ, v.v…
Toàn thể Đông Nam Á gồm các nước Việt Nam, Lào, Kam-pu-chia, Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, Phi-líp-pin, Mã Lai Á và hai mẩu đất phân ly trong khu vực Mã Lai là Singapore và Brunei (thuộc Anh). Để chỉ rõ ràng hơn, người ta gọi bán đảo vào đại lục Á Âu trước có tên Ấn Hoa nay là Đông Nam Á Lục Địa (Southeast Asia Mainland), phần còn lại là Đông Nam Á Hải Đảo (Southeast Asia Islands) gồm chuỗi đảo chạy vòng cung từ eo biển Malacca tới Luzon nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
Thực ra thì danh xưng Đông Nam Á đã xuất hiện từ năm 1943 trong cái tên của Bộ Tư Lệnh Liên Hợp Anh Mỹ (Anglo-American Southeast Asian Command) đặt tại Tích Lan. Đặt một bộ tư lệnh riêng cho một vủng trong thế chiến không thể là một chuyện ngẫu nhiên của Đồng Minh mà chắc chắn bắt nguồn từ một nhu cầu có tính cách chiến lược. Tầm quan trọng của toàn thể khu vực vày đã đặc biệt gây sự chú ý trước hết cho những người chỉ huy quân đội các phe lâm chiến, sau nữa tới các nhà lãnh đạo của các đế quốc. Đó lả điều bất hạnh nhất cho nhân dân Đông Nam Á mà chứng cớ đã rành rành trước mắt chúng ta ngày nay, khi Đông Nam Á trở nên vùng tranh chấp hàng đầu của hai đế quốc Cộng Sản và Tư Bản.
Trở ngược lại trước Thế chiến 2, chúng ta thấy nhân dân các nước trong vùng đều chịu chung một số phận bị Tây phương thống trị. Trừ Thái Lan, dù chưa chính thức bị trị, nhưng cũng đã kinh qua nhiều phen tủi nhục vì sự chèn ép của Tây phương. Trong trạng huống ấy, đế quốc Tây phương đã trở thành kẻ thù số một trước mắt nhân dân Đông Nam Á. Và dĩ nhiên, họ đã vùng lên chống lại.
Suốt thế kỷ qua, nhân dân Đông Nam Á đã viết những trang sử đấu tranh thật anh dũng. Tuy nhiên, trong cuộc đổi đời vĩ đại và khá đột ngột (từ một xã hội sống thụ động trong nền nếp được áp định sang một xã hội luôn luôn xáo động với các ý thức, tư trào mới), họ đã không kịp sửa soạn để tự định đoạt lấy số phận bằng chính huớng đi của mình. Nhóm này đã lao theo chiêu bài Đại Đông Á của Nhật và đã vỡ mộng khi thấy Nhật chẳng qua cũng chỉ mưu đồ thay thế Tây phương trong vai trò thống trị. Nhóm khác đã khoác vội lấy bộ áo xã hội đỏ vì tưởng đó là lá bùa chống thực dân hữu hiệu nhất. Nhưng khoác vào thì dễ, cởi ra thì khó! Như con thiêu thân đã chịu đèn, họ vẫn tiếp tục lao vào lửa và vô tình đã trở thành tay sai của một trong những đế quốc gian manh nhất thế kỷ: Đế Quốc Cộng Sản. Một số người khác, có thể là những nhóm ôn hòa hơn, hoặc đôi khi đã được kẻ thống trị tự trao trả độc lập (trong một cái thế không thể đừng.) Nhận mà không tốn công nhiều, họ trở thành những đứa con phung phí, chỉ biết dựa vào nước mẹ đỡ đầu cho tới khi chợt thấy mình không còn đứng nổi một mình nữa thì đã quá muộn. Nghĩa là đã đem dân tộc họ trở lại tình trạng bị trị, dĩ nhiên dưới một hình thức khác xảo quyệt hơn, của đế quốc Tư Bản.
Cái thảm kịch chung của thế giới nhược tiểu là ở đó, nhưng cái thảm kịch của riêng Đông Nam Á lại còn khốc liệt gấp bội do nơi vị trí định mệnh của toàn vùng.
Nói đến vị trí định mệnh, trước hết chúng tôi nghĩ đến hình ảnh cái lò pha trộn các món văn hoá, sản phẩm tư tưởng từ mọi ngã và mọi thời kỳ của lịch sử loài người. Trong quá trình phát triển, Đông Nam Á đã có những sắc thái sinh hoạt riêng biệt, đồng thời cũng tiếp nhận hai nền văn minh Hoa, Ấn cùng tất cả các hình thái, tín ngưỡng thuộc các tôn giáo lớn của nhân loại. Sang kỷ nguyên mới, thế giới mở rộng, Đông Nam Á lại tiếp nhận một cách cởi mở nền văn hóa Âu Tây. Một sự điều hợp kỳ lại giữa cái mới và cái cũ, giữa bảo thủ và tiến bộ, giữa tĩnh và động, có lẽ không ở đâu bộc lộ rõ rệt cho bằng xã hội vùng này. Trạng thái đặc biệt ấy không phải chỉ là một sự pha trộn Đông Tây kiểu Nhật Bản qua ly rượu champagne bên đĩa cá sống sashimi cổ truyền, mà hơn thế nữa, còn là sự phơi bày diễn trình văn minh nhân loại như có người đã hình dung "văn-hóa thời đại đồ đá cộng sinh cùng các phòng thí nghiệm năng lực nguyên tử" (stone age cultures coexisting with atomic energy laboratories). [4]
Chuyển sang giai đoạn đấu tranh ý thức hệ, Đông Nam Á một lần nữa lại là mảnh đất thử lửa của các lực lượng đối kháng trên mặt đất. Dầu muốn dầu không, như định mệnh đã an bài, Đông Nam Á cũng đã bị nhuộm xanh nhuộm đỏ lỗ chỗ khắp nơi. Và hơn bất cứ nhóm dân nào trên thế giới, người dân Đông Nam Á đã kinh qua những thử thách mới từ chiếc bánh bằng bột-lọc-trộn-thủy-tinh ngoài phủ kem hồng của Mạc Tư Khoa đến những đồng đô la tuy thơm mùi giấy nhưng bên trong đã được tẩm sẵn vi trùng đồi bại ở bên kia Thái Bình Dương. Những kinh nghiệm bằng máu và nước mắt ấy đang chói lên từ nội tâm những kẻ có ý thức và sẽ là ánh lửa làm phản tỉnh những phần tử còn mê lòa trong ảo vọng nương nhờ ngoại viện. Tuy nhiên, cho đến khi giác ngộ đủ triệt để ngõ hầu chuyển hoá thời cơ, nhân dân Đông Nam Á nhất là nhân dân Việt, vẫn còn tiếp tục phải hứng chịu những đòn thù từ đôi bên quật xuống.
Thành ra cái tính chất khai phóng trong việc tiếp nhận các tư trào mới nếu đã làm cho Đông Nam Á trở thành nơi đúc kết tinh hoa của tư tưởng loài người, thì trên thực tế cũng đã là mối họa triền miên có tính cách lịch sử, lúc âm ỉ, khi bộc phát, luôn luôn treo trên đầu nhân dân Đông Nam Á: đó là nhu cầu bành trướng quyết liệt của Trung Hoa về phương Nam. Nhu cầu ấy từ lâu đã trở thành quốc sách và dù cho Trung Hoa có ở trong chế độ quân chủ, dân chủ, tư bản hay độc tài cộng sản, mưu đồ Nam tiến vẫn được tiếp tục duy trì, tuy chiến lược có thể thay đổi, mỗi thời một khác.
Bàn tiếp đến cái mà chúng tôi gọi là vị trí định mệnh, nếu đứng trên bình diện nhân văn, chúng tôi đã nghĩ đến hình ảnh cái lò pha trộn các món văn hoá, thì đứng trên bình diện nhân chủng, chúng tôi lại thấy hình ảnh cái hồ lớn nằm kề lục địa Đông Á để hứng lấy và bao bọc tất cả những bầy cá bị săn đuổi từ các dòng suối dòng sông tản lạc về: chúng tôi muốn nói tới các bộ tộc Bách Việt qua nhiều đợt nam thiên dưới áp lực của Hán tộc.
Ngày nay, xét về xã hội Người tại Đông Nam Á, những nhà nghiên cứu nhân chủng không khỏi ngạc nhiên khi thấy một khu vực có vẻ hỗn tạp nhất nếu nhìn thoáng qua bên ngoài, lại cũng là nơi tương đối rất thuần nhất nếu đào sâu bới rễ bên trong. Thật vậy, trừ những sắc dân cổ còn lại rất ít và khối người Trung Hoa mới hình thành gần đây, tất cà thành phần dân số chính cấu tạo nên tập thể Đông Nam Á ngày nay đều bắt nguồn từ chủng-tộc Bách Việt, mà các nhà nhân chủng học Tây-phương khi phân loại thường gọi là Indonesian hay Malay [5].
Milton W. Meyer, giáo sư sử học ở California, đã xác nhận "Khởi đầu từ năm 2.500 trước CN, từ phương Bắc, các giống người Malay đã mang theo văn hóa tiểu Mã xuống vùng này. Họ là tổ tiên của những dân tộc Phi-luật-tân, Indonesia, Mã Lai, Việt Nam, Thái Lan và Miến Điện. Những cuộc di cư của họ đã xảy ra trong nhiều thế kỷ. Đất gốc của họ là lãnh thổ Trung Hoa ngày nay và họ đã tạo nên những đợt nam thiên triền miên tiếp diễn xuống khắp vùng Đông Nam Á” [6].
Với hình ảnh cái hồ, chúng tôi cũng nghĩ tới đoạn đường chót của cuộc hành trình lịch sử. Thật vậy, chúng ta không còn đường nào, nơi nào để mà thiên di xa hơn nữa. Cửa ngõ thế giới đã khép lại trong khi áp lực từ phương Bắc, dưới hình thức này hay hình thức khác vẫn tiếp tục đè nặng xuống. Chúng tôi cũng không thể nghĩ khác hơn là ý nghĩ của những người Thái-anh-em ở bên kia bờ sông Cửu về cùng một mối lo chung của nhân dân Trăm Việt trên vùng định mệnh này. Ý nghĩ ấy đã được cựu ngoại trưởng Thái Thatnat Khoman phát biểu "Không còn chỗ nào cho chúng tôi lùi (thêm) được nữa! Do đó, với chúng tôi, nơi đây là kháng điểm đầu tiên và cũng sẽ là kháng điểm cuối cùng." [7]
Là kháng điểm cuối cùng, thật thế! Cái ý nghĩ bi tráng ấy phải được cảm chiêu sâu sắc để từ đó khơi dậy ý thức đề kháng tự nhiên, chẳng riêng với Trung Hoa mà còn với tất cả các cường lực khác.
Từ lâu, miền đất rộng lớn bao la ở cực nam đã bị người Âu nhanh chân đoạt được và chuyển hình từ thuộc địa thành các tân quốc gia của riêng giống da trắng. Ngay bây giờ, ngọn cờ của các đế quốc thực dân Tây Âu cũ vẫn còn bay phất phới bên trong và sát cạnh Đông Nam Á, như Bồ ở Timor, Pháp ở Tân Calidonie, Anh ở Brunei, ở Solomon, ở Gilbert, Ellice, vv… “Lãnh thổ” của Mỹ cũng vốn nằm kề Đông Nam Á với các quần đảo Caroline và Mariana (thủ phủ: Guam); ấy là chưa nói đến các căn cứ quân sự còn đầy dẫy ngay trong vùng. Cùng góp phần chia sẻ ảnh hưởng, người ta còn thấy Nga, với những tấn công ngoại giao mới, với hải lực ngày càng tăng cường hùng hậu ở ngay vịnh Bengal gần kề; và Nhật với cuộc xâm lăng kinh tế đã và vẫn còn đang được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn cả vẫn là những mầm ảnh hưởng xấu mà đế quốc đã gieo được trong lòng các dân tộc Đông Nam Á. Chính những mầm này đã nẩy nở thành tầng lớp tay sai của các đế quốc và đã đưa đến sự phân hóa giữa các dân tộc và trong nội bộ mỗi dân tộc trong vùng. Sự phân hóa ấy đã làm suy yếu toàn thể khu vực và đã là chướng ngại quan trọng nhất cho mọi nỗ lực kết khối để sống còn và tiến bộ.
Nhìn thẳng vào quá trình hình thành và tiếp nối để sắp đặt đường đi nước bước cho mai sau, nhìn thẳng vào những vấn đề gai góc nhất để tìm giải pháp xác đáng, nhìn thẳng vào mặt những đế quốc hiện đại đang xâu xé vùng đất này để cùng quyết tâm đối phó, nhìn thẳng vào những vết rạn phân cách các dân tộc anh em để cùng đưa tay bắc môt nhịp cầu kết hợp, đó là công việc mà thế hệ hôm nay yêu dân tộc, yêu quê hương, yêu vùng đất đã nuôi dưỡng mình nên làm và phải làm. Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh mong được là một đóng góp nhỏ bé trong muôn một.
Ghi chú:
[1] Tính tới 1971, toàn thể Đông Nam Á gồm 285 triệu dân.
[2] D.G.E. Hall, A History of Southeast Asia, MacMillan (London, 1964, trang 4.)
[3] National Geographic Magazine, số tháng 3 năm 1971.
[4] Milton W. Meyer, Southeast Asia Đ A Brief History, Littlefield: Adam and Co., 1965.
[5] Chúng tôi tạm dùng nguyên tiếng Anh Indonesian và Malay chỉ chủng tộc để phân biệt với người Indonesia và người Mã Lai Á khi cần chỉ dân mang quốc tịch các xứ này.
[6] Như chú thích (4).
[7] Reader’s Digest số 533, bộ 89, tháng 9 năm 1966.
Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh - Phạm Việt Châu Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh