Số lần đọc/download: 744 / 5
Cập nhật: 2017-08-25 12:50:10 +0700
Chương 3
C
ó một người tìm tôi trên facebook, và tôi cũng tìm người ấy, nhưng cuối cùng cả hai đều không tìm thấy nhau.
Tôi không còn trẻ nữa, và với những chiêm nghiệm của cuộc đời, tôi nhận ra mình đã dành quá nhiều thời gian cho nỗi buồn và những chuyện vô bổ, mà thời gian cho sự chân thành lại bị đẩy vào quên lãng.
Thời gian là viên thuốc giảm đau, thời gian sẽ xóa nhòa tất cả. Dù không tìm thấy nhau, nhưng ta đã từng nhớ về nhau.
*
Mưa ngớt từ đêm. Khi tôi hé mở cửa sổ, nắng vàng đang đổ trên những tán cây thông. Nhiều tiếng chim hót trong những vòm lá kim ấy. Từ trên những ngọn núi cao, mây trắng bồng bềnh trôi như muốn âu yếm ôm trùm vạn vật.
Hải Đường đến, mang theo một cây chổi chít có cán dài như chổi của một mụ phù thủy.
“Tớ sợ cậu không có gì để quét dọn. Ngày đầu tiên thế nào?”.
“Không sao. Tớ chưa kịp có thời gian để bày rác”.
Tôi múc nước từ chiếc xô nhựa đỏ hứng nước mưa từ trong đêm để đánh răng rửa mặt. Hải Đường tranh thủ đứng ngắm những bông hồng phấn thơm nức ở trong vườn.
“Nói chắc cậu không tin đâu. Tớ ở đây đã mười năm rồi, xứ này đẹp, nhưng mà buồn lắm”.
“Ví dụ cụ thể xem nào?”.
"Thì cậu không tin, cứ ngồi ở cửa và đếm xem một ngày có bao nhiêu người đi qua con đường này”.
Hải Đường cười, vẻ chua chát. Ở xứ sở buồn tẻ này, cậu ấy là một quan chức. Quan chức, nghĩa là bụng phệ, đầu hói và uống rượu như nước ngọt có ga. Chả hiểu sao tôi lại định nghĩa về quan chức như thế, và cậu ấy thì đúng là thí dụ điển hình cho định nghĩa của tôi.
“Tớ lại thích ở một nơi như thế này. Tớ thích sự im lặng của nỗi buồn”.
Hải Đường cười.
“Cuộc đời chán nhỉ, sao thứ mình thích thì mình không thể với tay tới được, cái mình giữ khư khư lại là thứ mình chẳng ưa gì”.
Hải Đường có lẽ muốn lí sự nhiều hơn nữa, nếu Hạc không xuất hiện và cau có khi thấy Hải Đường với tay định cấu những bông hoa của mình.
Thị trấn Cẩm Xuyên chạy dọc theo sườn núi, một nửa thị trấn gối lưng vào chân núi, nửa còn lại chênh chao phía vực thẳm, nơi một con suối khổng lồ lổn nhổn đá. Đá dưới lòng suối thì ôi thôi đủ loại, từ viên bé nhất như một hạt cát đến những tảng khổng lồ mà tôi không thể hiểu làm thế nào chúng có thể trôi theo dòng sau mỗi mùa mưa lũ.
“Cậu ạ. Xứ này thay đổi chóng mặt. Khi tớ mới đến, còn không có những cái nhà nghỉ kia”.
Hải Đường chỉ cái nhà nghỉ có biển hiệu lấp lánh được đặt tên cả tiếng Kinh lẫn phiên âm tiếng Mông, tiếng Nùng.
“Nhà nghỉ thì có gì sai chứ?”.
Hải Đường cười phá lên.
“Ừ, thì không sai, nó chỉ sai khi người ta vào đó mà không nghỉ”.
Hải Đường nhìn tôi chăm chú. Tôi quay nhìn qua nơi khác, tránh cái nhìn của Hải Đường.
Hải Đường là bạn cùng đại học với tôi. Một thanh niên sôi nổi, nhưng khi tốt nghiệp, ngay lập tức cậu ấy lên vùng biên công tác. Một ai đó trong gia đình cậu ta định hướng rằng chỉ cần mất một hai năm làm việc ở vùng sâu là cậu ta có thể trở về thành phố với một công việc chắc chắn. Không ngờ Hải Đường ở biên giới đã mười năm, cưới một cô vợ người Nùng, sinh hai đứa con mập mạp. Và cuộc đời có lẽ cứ như vậy trôi đi.
Tôi không thân với Hải Đường, nhưng thường xuyên giữ liên lạc. Lớp cũ mỗi người mỗi phận, những người còn giữ liên lạc cũng chẳng đem lại cho nhau nhiều ý nghĩa cho lắm, có khi chỉ là những thăm hỏi bâng quơ kiểu như dạo này thế nào, có vui không, vẫn ổn cả chứ, Tuy nhiên, vào những khi liên lạc với nhau trong tâm trạng cô đơn, thì lại có thể chia sẻ với nhau rất nhiều chuyện trời ơi. Hải Đường nói cậu ấy rất hạnh phúc và mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Cuộc đời suy cho đến cùng là vô cùng ngắn ngủi, chớp mắt đã mười năm, chớp mắt đã giã từ tuổi trẻ, thì bon chen làm gì cho mỏi mệt, để rồi sau chót cát bụi lại về với cát bụi mà thôi.
Một phụ nữ mặc váy ngắn ôm ngang đùi dựng chiếc xe máy đắt tiền ngoài cửa, rồi bước về phía bàn cà phê của chúng tôi. Một phụ nữ xinh xắn và ngay từ ban đầu đã khiến người ta kết luận rằng đó là một người thông minh hoạt bát.
“Chào anh chị! Đây là chị Hàm Yên, mà anh Đường bảo sẽ đến đây chơi phải không?”.
Người phụ nữ chủ động như thế, và Hải Đường gật gù.
“Đúng rồi đấy”.
“Chị Yên là nhà văn ạ?”.
Người phụ nữ kéo ghế ngồi, sau cái ngoắc tay gọi đồ uống, đã hỏi tôi như thế. Tôi nhìn Hải Đường, thầm trách cậu ấy rằng sao lại giới thiệu việc viết lách văn chương ở đây. Hải Đường cười khì khì.
“Giới thiệu với Hàm Yên, đây là Bến Bình, em gái nàng chim đấy”.
“Nàng chim nào cơ?”.
Tôi hỏi và chợt nhớ đến Hạc. Bến Bình có vẻ không quan tâm đến điều đó, cô chiêu một ngụm nước lọc trước khi li cà phê được mang tới, sau đó quay sang Hải Đường nói một câu chuyện thuộc phạm trù công việc. Tôi đoán họ cùng làm việc ở thị trấn này, hoặc ít ra là những công việc có liên quan đến nhau.
Tôi ngồi im nhìn ra ngoài cửa sổ quán cà phê. Phía xa xa có một cây cầu treo nhỏ, thấp thoáng bóng những người mặc áo xanh màu chàm đang di chuyển qua cầu.
Nơi này có nhiều cây cầu. Những cây cầu vắt ngang những con suối, và mây mù, mây mù nhiều vô kể, ngay cả khi không có những cơn mưa, chúng vẫn từ đâu đó sinh ra, tràn về bất tận, thấm đẫm từng cành cây, ngọn cỏ, khe tường.
“Chị Hàm Yên ơi. Ở đây chán lắm í, suốt ngày mây với mưa thôi”.
Dường như nhận ra vị khách đang bị bỏ quên, Bến Bình quay sang tôi với một nhận xét vô vị. Rồi cô đứng dậy, mà không chạm môi vào li cà phê mới được mang ra, còn nghi ngút khói.
“Em bảo với anh Đường từ hôm qua rồi. Trưa nay chị đến ăn cơm với vợ chồng em nhé. Bây giờ em phải về trước đã. Chị nhớ đừng tìm cớ từ chối đấy. Thức ăn em mua hết rồi. Chị không đến em bắt đền”.
Và không cần biết thái độ của tôi thế nào, cô ngoay ngoảy bước ra khỏi quán, trước khi phóng đi trên chiếc xe máy đắt tiền, còn ngoái lại nháy mắt, không biết là với tôi hay với Hải Đường.
Tôi nhìn Hải Đường. Cảm giác thật chán nản. Tôi rời khỏi thành phố, rời khỏi những tòa nhà cao tầng và những người tôi gặp thuộc tuýp giống như Bến Bình để đến nơi sơn cùng thủy tận này, lẽ nào lại vẫn là quay đi tránh núi trở về đụng sơn.
“Hải Đường này. Có một điều cậu không biết đấy thôi. Tớ đến đây không phải lần đầu”.
Tôi nói với Hải Đường như thế, và cậu ấy tròn mắt nhìn tôi, cứ như điều tôi vừa tiết lộ hết sức động trời.