If you have love in your life it can make up for a great many things you lack. If you don’t have it, no matter what else there is, it’s not enough.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 127 / 14
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
I - "Tuyệt Mật"
hế là tôi đã quyết: sẽ lên đường săn đuổi mảng da đầu của ngài Tỉ phú. Trong tay tôi không phải là khẩu súng săn có thước ngắm, cũng không phải khẩu súng tự động Browning, mà là một ngòi bút bình thường. Tôi có ý định viết mọi sự thật mà tôi nắm bắt được.
Chẳng cần kể lể dài dòng, do những nguyên nhân nào mà tôi đi đến quyết định này và làm điều đó khó khăn đến mức nào. Tôi không viết bảng xưng tội. Nhân vật chính của bản thảo này không phải là tác giả của nó, mà là lối sống khét tiếng của chúng ta.
Trước tiên có vài lời dẫn giải về Serge Brooks.
Tôi sinh ra ở New York khoảng ba mươi năm trước. Được đặt tên là Serge để tỏ lòng yêu kính ông nội tôi, người gốc Pháp. Bố mất khi tôi còn nhỏ. Mẹ tôi là người di cư từ Latvia, đã tái giá và cư ngụ ở vùng lân cận thác Niagara, trong nhà của John Brooks, một nhà kinh doanh lớn. Tôi lớn lên ở đó. Đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Harvard. Có bằng cử nhân văn chương. Chưa vợ. Trong giới làm ăn ở nước Mỹ, tôi là người nổi tiếng và là tác giả của các tác phẩm bán chạy nhất: "Thời thơ ấu và thanh xuân của một tỉ phú tương lai", "Nhà kinh doanh Harold Hatter". Sách hợp khẩu vị kẻ đặt hàng, nên hắn đã mời tôi về làm việc với tư cách là "ngòi bút riêng", Tổng biên tập báo Texas Sun (Mặt trời Texas).
Đám kinh doanh coi tôi là người của giới mình. Các văn sĩ và ký giả độc lập có tài thì khinh bỉ, gọi tôi là bầy tôi trung của đế chế Hatter. Bọn bất tài và cầu danh lợi thì ghen tị với thành tích của tôi. Cả hai loại người đó đều không hiểu tôi thật sự.
o O o
Như thường lệ, ngày làm việc của tôi bắt đầu không phải ở tòa soạn Texas Sun, nơi mà tôi đáng lẽ phải có mặt trên cương vị Tổng biên tập, mà ở nơi an toạ riêng của một trong những dinh cơ của Hatter: ở Dallas, Washington, New York, bãi biển Miami, ở Niagara Falls hay trên đảo Lodge Palmos.
Mỗi buổi sáng, lão Bạc tỉ cho gọi tôi vào: lão muốn nghe tin tức mới, đọc cho tôi viết những thư từ giao dịch quan trọng nhất, theo quan điểm của lão ta, vào lúc đầu óc còn sảng khoái, mạn đàm những vấn đề hóc búa v.v...
Chúng tôi hiếm khi ngồi lâu một chỗ. Trong năm nhất là những khi thời tiết thay đổi đột ngột, chúng tôi lại chuyển đến ở những nơi có khí hậu ấm áp ôn hòa hay tương đối mát mẻ. Hiện giờ ở Texas đang đẹp trời, nên chúng tôi sống ở Dallas.
Cái ngày, khi tôi quyết định bắt đầu cuốn sách của mình, còn in mãi trong tôi. Thường thì tôi tránh tự ý thò mặt ra trước cặp mắt Hatter, tức là những khi không có lời mời đặc biệt. Đúng tám giờ sáng hay muộn hơn một tí, khi tôi đã kịp liếc qua các tờ báo lớn buổi sáng, phân loại tin tức thế giới ra loại đặc biệt quan trọng và quan trọng vừa vừa, thì trong phòng tôi vang lên tiếng chuông điện thoại và Hatter gọi tôi lên tầng hai, nơi lão sống cô đơn một mình, và là nơi có những cửa sổ chấn song và cửa lên bằng những tấm vật liệu đạn xuyên không thủng.
Tin hôm nay quan trọng đến nỗi tôi dám vi phạm cái trật tự quy cũ từ lâu và không đợi được gọi, tôi lao lên cầu thang với xấp báo số ra đặc biệt trong tay. Tôi chắc rằng sự đột nhập của tôi sẽ chẳng gây cho Hatter, sau khi lão biết chuyện, một sự cáu kỉnh hay ngạc nhiên nào. Sự việc diễn ra đúng như vậy.
Dù đêm qua Hatter không ngon giấc, dù lão có khó ở đi chăng nũa, dù có những lo toan đè nặng lên lão, dù lão có vội vã công việc đến thế nào đi nữa, lão cũng không bao giờ quên lãng thái độ cư xử đối với tôi. Lúc nào lão cũng tỏ rõ sự chú ý, và chào hỏi một cách đôn hậu. Đã có thời, bằng cách đó lão đã chinh phục được tôi. Lúc này đây: lão bước ra đón tôi, chìa tay và mỉm cười:
- Chào tôn ông.
Tôi chẳng nhớ kể từ khi nào và tại sao lão lại gọi tôi như vậy. Dĩ nhiên tôi chẳng là tôn ông tôn iếc gì cả.
- Nào, có chuyện gì vậy.
Lão thường bắt đầu ngày làm việc với tôi bằng những lời như thế. Nhưng hôm nay, trong lời nói của lão, tôi cảm thấy có cái gì đó khác thường mang tính trọng thể mà hôm qua không thấy có và có thể ngày mai sẽ không gặp. Vẻ mặt lão thật đặc biệt. Còn giọng nói cất lên một cách hân hoan. "Lão biết hết rồi" - Tôi nghĩ và bắt tay vào nhiệm vụ của mình mà nỗi hưng phấn đã chìm đi rõ rệt. Tôi thông báo một cách hết sức vắn tắt những gì mà ở các báo New York Time (Thời báo New York), Washington Post (Bưu điện Washington) và các báo khác phải chiếm đến vài trang.
- Ở Sài Gòn, - tôi nói, - đã xảy ra đảo chính. Một hội đồng tướng lĩnh đã chiếm quyền lực. Tổng thống Diệm và giám đốc mật vụ Nhu bị bọn lính mang súng tự động giết chết khi định chạy trốn khỏi dinh Tổng thống đang bị bao vây.
Lão nghe tôi nói và gật đầu:
- Vâng, thưa tôn ông, tôi đã biết mọi chuyện từ vài giờ trước. Bạn bè tôi ở Langley [7] đã gọi điện cho tôi. Tôi đã có thì giờ nghiền ngẫm sự kiện này. Nên anh đừng ngạc nhiên trước sự bình thản của tôi.
Nào đâu chỉ là bình thản! Hatter, tay chơi poker máu mê, biết che dấu một cách tài tình những tình cảm và ý nghĩ của mình ngay cả đối với những kẻ thân cận, vậy mà cũng không kìm được nữa. Cả người lão toát lên sự vui sướng, lão cười hết cỡ và hỏi:
- Nào, thế báo chí của ta bình luận những sự kiện ở Việt Nam ra sao?
- Nhiều kiểu lắm. Washington Post chẳng ngại ngùng gì, gọi cố độc tài là kẻ đứng đầu triều đại nhà Diệm, là kẻ độc đoán đã thối nát đến xương tuỷ và đưa đất nước đến vực thẳm, và cho rằng bây giờ đã đến giai đoạn hồi sinh của nước cộng hoà. New York Time cũng giữ một quan điểm tương tự, nhưng có rào thêm: dù sao Diệm cũng đã làm không ít việc hữu ích cho Tổ quốc mình và cho chúng ta, những người Mỹ. Suốt những năm dài, ông đã là người bạn chung thủy của chúng ta. Và vẫn sẽ là người bạn, nếu như...
- Đến đây thì ông ta đã mất bay đi rồi, - Hatter ngắt lời tôi. - Còn gì nữa?
- Chicago Sun (Mặt trời Chicago), với vẻ chỉ trích rõ rệt, lộ liễu nói bóng gió đến chuyện Washington có dính líu trực tiếp đến những gì xảy ra ở Sài Gòn. Và tờ báo nói ngay rằng, với việc sụp đổ của chế độ gia đìn h trị Diệm và cái chết của ông ta, một pha chiến tranh mới đang mở màn ở Việt Nam: sự leo thang chiến tranh có quân đội Mỹ đông đảo trợ giúp. Đoạn cuối bài báo khẳng định: cuộc đảo chính ở Sài Gòn chỉ làm béo những kẻ sản xuất vũ khí cho lục quân Mỹ.
- Báo nói thẳng ra thế à?
- Vâng, đây ông xem.
Hatter đọc tờ báo, quẳng nó đi và cười khẩy.
- Những anh hàng thịt Chicago đang ghen tị với ta đấy mà.
- Sao mà không ghen tị cho được!
- Tôi nói và báo cáo tiếp.
- Tờ Globe (Địa cầu) Boston thì thận trọng: chẳng chửi cũng chẳng thương Diệm. Còn đây New York Herold Tribune (Diễn đàn thông tin New York) dành cho sự kiện Sài Gòn không chỉ bản tin tràng giang đại hải, mà còn có cả tiểu phẩm có minh họa nhan đề là "Nó đã được thực hiện như thế nào?". Đây, ông ngẫm xem. Vẽ cả hình Kennedy.
Hatter nhìn tờ báo và phá lên cười:
- Không lẽ ông ta lại đáng sợ đến thế kia? Không giống. Không hề giống chút nào.
- Dẫu sao ông hãy đọc bài tiểu phẩm cái đã, ông Harold. Người viết là kẻ biết rõ ngọn nguồn sự việc.
- Thế cơ à? Hay thật! Hừ, thằng đểu, nó cũng biết điều nọ điều kia đấy. Nhưng do đâu nhỉ? Ai đưa tin cho hắn? Làm sao hắn lại đánh hơi được là ta có nhúng tay vào sự kiện này? Về cuộc gặp gỡ của tôi với Phó Tổng thống Johnson sau khi ông đi Sài Gòn về, chỉ có ba người biết: anh, Mark và Arthur. Ai nhỉ?
- Có thể, ai trong số người của Johnson. Hay chính là Johnson.
- Không khác được. Thôi được. Tiểu phẩm là tiểu phẩm. Chẳng ai nghiêm túc tiếp nhận nó. Còn gì nữa?
- Trên các trang báo Philadelphia Inquirer (Người điều tra Philadelphia) thì có mấy nhận xét và tấm ảnh kể về cuộc sống phóng đãng của hai anh em kẻ bị giết, Tổng thống và giám đốc mật vụ, về cách bài trí của dinh Tổng thống bị các lực lượng nổi dậy ném bom, về những thứ rượu cất giữ trong hầm rượu, những thứ quần áo trong tủ và lũ họ hàng thân thích nắm quyền.
- Những chuyện vớ vẩn đó tôi không quan tâm.
- Thế còn bài phỏng vấn người đẹp em dâu Diệm?
- Hừ, mụ ấy lảm nhảm những gì?
- Mụ ta cam đoan rằng biết chính xác kẻ nào, vì sao và theo lệnh ai đã tiến hành đảo chính và giết Tổng thống. Mụ dọa sẽ vạch trần ra.
Hatter phẩy tay khinh bỉ:
- Cứ cho mụ ta cục tác. Mụ chả biết gì đâu. Hết rồi chứ?
- Vâng, chủ yếu là hết rồi. Còn lại là những tiểu dị thôi.
Hatter tiến lại gần, đặt tay lên vai tôi:
- Thế nào, còn cái gì in trong lòng anh, hở tôn ông?
- Trong lòng tôi?
Đội ơn Chúa, khi tiếp xúc với Hatter, tôi còn chưa mất khả năng đỏ mặt và lúng túng. Sếp của tôi nhận thấy điều đó và thỏa mãn cười ngất:
- Nào, thổ lộ những tâm tư thầm kín ra đi, mỹ nương!
- Cái đó không hứng thú đâu, ông Hatter ạ.
- Sao lại không? Anh dù sao cũng là "ngòi bút riêng" của tôi mà.
- Vâng, là "ngòi bút" không hơn. Tôi ghi chủ yếu những gì ông đọc cho.
- Ấy, ấy, đừng có giả vờ ngây ngô nữa. Anh vẫn thường sắp xếp lại lời tôi theo ý mình. Và thành ra đơn giản và rõ ràng hơn. Nào, nói đi.
- Không, Hatter ạ, không đâu. Tôi đâu dám liều thi thố với ông. Tốt hơn là ông hãy nhìn vào lòng tôi và đọc ra những gì viết ở đó.
Lão lại phá lên cười với vẻ mãn nguyện rõ rệt:
- Cũng không đến nỗi ngốc. Chà, thưa tôn ông, cả tôn ông, cả những người khác đều không thể đọc được những gì in trong lòng tôi. Cả tôi cũng thế. Có cái tôi nhìn thấy rõ, còn có cái thì phủ lớp mù dày đặc. Tôi chỉ có thể nói cho anh lúc này là tôi đặt nhiều hy vọng ở hội đồng quân sự thay Diệm. Người của tôi đã tiếp xúc với họ. Vốn đã được đưa vào guồng quay. Ta sẽ đợi lái. Hãy khắc vào tâm khảm như thế, tôn ông ạ. Nào, bây giờ thì cầm lấy bút ghi đi.
Hatter gõ gót giầy như ngựa gõ móng, sải bước dọc phòng từ cửa sổ này đến cửa sổ khác và tuôn ra bức thư cho người bạn và đồng hương tốt nhất của lão. Kết quả của việc đọc của lão và việc ghi của tôi là thế này:
"Tâm trí tôi luôn hướng về ông ngay khi nhận được mẩu tin mong mỏi từ lâu của bạn bè. Đã hoàn thành! Mọi cái diễn ra đúng như Ông muốn, như Ông đoán trước. Tôi còn nhớ kỹ câu chuyện dài của chúng ta sau khi Ông từ đó trở về. Tôi khâm phục tầm nhìn xa, trí tuệ, sự hiểu biết của Ông về những gì cần phải làm vào chính những giờ khắc lịch sử này cho chính phủ ta và cho nước ta, nước hùng mạnh nhất, kiên quyết nhất, giàu có nhất và là nước duy nhất trên thế giới có khả năng bảo vệ nền dân chủ nói chung và lối sống của chúng ta nói riêng.
Nhân dịp vui sướng này, tôi gửi đến Ông những lời chúc mừng chân thành nhất, lòng yêu mến keo sơn và sự kính trọng sâu sắc của tôi. Tôi tin, hỡi bạn thân mến, rằng Ông từ nay về sau cũng "cứ thế mà giữ". Tôi gắn những hy vọng lớn lao với hoạt động hàng ngày của Ông.
Ôm hôn Ông và chúc sức khoẻ".
Hatter theo thói quen giữ bí mật, không hề nêu tên người bạn mình lấy một lần. Lão cũng chẳng để lộ cái gì cụ thể trong thư, chúc mừng bạn vì lý do gì và khâm phục cái gì. Nhưng kẻ đồng hương bạn lão, tất nhiên là sẽ hiểu cả.
o O o
Vào cuối buổi làm việc, khi tôi đã sắp rời tòa soạn, thì một người có khuôn mặt hẹp và cái mũi sắc tựa như dao bước vào phòng làm việc của tôi. Anh ta khép chặt cửa và tựa lưng vào nó, nhìn chằm chằm vào tôi bằng cặp mắt buồn bã và thông minh của một con chó không nhà. Anh ta hỏi, giọng khàn khàn, giận dữ:
- Ông là Brooks? Chủ bút tờ Texas Sun?
Tôi vội đi ăn, có thể thanh thản rũ bỏ vị khách bất ngờ này. Nhưng dẫu sao tôi đã không làm điều đó. Tôi im lặng, gật đầu và chỉ cho anh ta chiếc ghế bành. Anh ta vận comple bằng phlanel xám sẫm, sơ mi trắng có cravat, trông rất chỉnh tề, vậy mà sao tôi vẫn có cảm tưởng lùi xùi như chú gà chọi sắp lao vào cuộc đấu. Vai trò của chú gà kia dĩ nhiên là phần tôi.
Kinh nghiệm biên tập của tôi không nhiều, chỉ mới hai năm, tuy vậy qua thời gian ngắn đó, tôi đã học được cách phân loại ngay từ cái nhìn đầu tiên khách của Texas Sun ra các loại nguy hiểm và an toàn, chán ngấy và thú vị. Tay mặt hẹp, lùi xùi này, khỏi phải bàn, có vẻ gì đó nguy hiểm. Trông hao hao như kẻ mất trí.
- Quả thế, thưa ông, tôi là Brooks, còn ông...?
Tôi ngồi xuống sau bàn, để tay lên nút tín hiệu báo động, và sốt ruột đợi hắn lao bổ vào tôi.
Hắn ngồi xuống ghế, lấy khăn to lau khuôn mặt đỏ húp lên và nói:.
- Xin phép tự giới thiệu, thưa ông Brooks. Tôi là Robert Thomson, thành viên ủy ban chống chiến tranh Việt Nam.
- Xin lỗi, ông vừa nói gì vậy?
- Robert Thomson.
- Không, cái ấy tôi hiểu. Ông nói là thành viên ủy ban...
- Vâng, thành viên ủy ban New York chống chiến tranh Việt Nam.
- Ái chà! Hóa ra lại có cả cái ủy ban như thế nữa kia.
- Vâng, nó mới thành lập. Bởi bàn tay tôi, ông hãy nhớ vậy.
- Tôi đã hiểu rồi. Hân hạnh được làm quen với ông, ông Thomson. Vậy thì, cái gì đã dẫn ông đến tòa báo chúng tôi?
- Trước khi trình bày ngọn ngành sự việc, tôi thấy cần thông báo cho ông biết điều sau đây.
Trên đầu gối anh ta là chiếc va li nhỏ, hẹp và phẳng bằng da cá sâu non, có khóa tử tế cùng hàng chữ bạc tên của chủ nhân. Ông Thomson giữ nó nâng niu cứ như nó chứa chất đầy kim cương.
- Ông sẽ được biết, ông Brooks ạ, - giọng ông ta kéo dài ra cứ làm như tôi phản đối ông ta, vị khách lạ lùng nói tiếp, - rằng phần tôi có đủ đôla để ngồi ăn không cả đời tôi, cả đời con tôi. Tôi có bất động sản ở New York và Los Angeles. Đã tốt nghiệp Harvard. Phó chủ tịch một hãng. Đã chiến đấu ở Việt Nam. Đã làm việc ở Lầu Năm góc trong ban nghiên cứu và ban liên lạc với dư luận công chúng. Chưa bao giờ bị truy cứu trách nhiệm bởi ủy ban điều tra các hoạt động chống Mỹ. Sĩ quan dự bị. Đã được thưởng huy chương "Trái tim rực đỏ".
Tôi làm cử chỉ dang tay và mỉm cười - chẳng còn làm cách nào khác được.
- Thật quá nhiều ưu điểm đối với một người Mỹ, thưa ông.
- Xin lỗi, nhưng tôi phải nói tất cả điều đó cho ông hay.
- Tại sao lại phải? Không có những lời mào ấy, tôi cũng vẫn nghe ông nói cơ mà.
- Tôi không tin điều đó ngay cả bây giờ, sau những lời tốt đẹp của ông.
- Thử tin xem. Cái gì đã đưa ông đến chỗ chúng tôi? Ông đã viết bài báo, truyện ngắn hay phóng sự nào đó?
- Không! - Thomson nói và nhẹ nhàng vuốt ve những gai trên lớp da cá sấu non.
- Ông muốn bác bỏ một bài báo đã xúc phạm đến danh dự của ông?
- Không. Tôi muốn thông báo, ai là kẻ đã tiến hành đảo chính ở Việt Nam, và ai đã giết Tổng thống Diệm và một số điều khác nữa.
- Ái chà! Không hơn không kém. Thế chính mắt ông đã trông thấy cảnh giết Tổng thống Diệm?
- Không, nhưng tôi...
- Ông đã ở Sài Gòn thời gian ấy?
- Không, nhưng...
- Xin lỗi, thế thì do đâu ông có thể biết ai đã tiến hành đảo chính và ai đã giết Diệm?
- Tôi biết. Do đâu thì không quan trọng. ảnh sao các tài liệu tuyệt mật của Nhà Trắng, Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao đã lọt vào tay tôi. Những tài liệu này dọi ánh sáng tỏ tường vào những công việc đen tối của chúng ta ở Việt Nam.
Anh ta lấy từ túi quần bí mật ra một chiếc chìa khóa nhỏ, đút vào ổ khóa của chiếc vali đắt tiền của mình, vặn hai lần, mở vali rồi rút ra một tập dầy những ảnh sao; lấy cái trên cùng, anh ta chìa nó cho tôi và nói:
- Tài liệu này đã được mười năm rồi. Nó được làm tại Nhà Trắng dưới thời chính phủ Truman. Nó chứng tỏ rằng, trên thực tế chính phủ Truman đã ép nhà cầm quyền Pháp thời đó mở cuộc chiến tranh ở Đông Dương! Tiền Mỹ với máu Pháp và Việt Nam. Tám mươi phần trăm tất cả các chi tiêu quân sự của Pháp ở Việt Nam là do chính phủ Mỹ đài thọ.
Tôi chưa kịp làm quen kỹ với tấm ảnh, thì anh ta đã chìa ra tấm thứ hai.
- Còn tài liệu này chứng tỏ rằng cả người kế tục Truman, Tổng thống thứ ba mươi ba của Hoa Kỳ, Eisenhower, cũng rắp tâm lật đổ chế độ cộng sản ở Bắc Việt Nam. Khi không làm được điều đó, ông ta đã tìm mọi cách phá hiệp định Geneva về Việt Nam, ký vào năm một ngàn chín trăm năm mươi tư. Ông xem đi. Không, không, đây không phải là chuyện hư cấu. Và Tổng thống hiện nay, Kennedy, đã lại đi theo vết các tiền bối của mình. Ông có biết Kennedy đã nói gì với Eisenhower khi tiếp quản Phòng bầu dục không? "Cần bao nhiêu thời gian để ném một sư đoàn Mỹ từ Hoa Kỳ sang Việt Nam?". Đây, lại một tài liệu nữa, sinh ra dưới thời Kennedy. Bản ghi nhớ về các vấn đề an ninh quốc gia. Bản này xuất hiện nhờ công tác của nhóm tác chiến về Việt Nam, được lập ra theo lệnh của Tổng thống. Trong đó có đoạn như sau. Ông nghe đây!... Một: phái nhân viên tình báo vào Bắc Việt Nam. Hai: phái nhân viên tình báo "bổ sung" vào Bắc Việt Nam bằng đường không do các đội bay dân dụng làm thuê theo hợp đồng. Ba: cho các đơn vị biệt kích Nam Việt Nam xâm nhập Đông Nam Lào để phát hiện và tấn công các căn cứ và mạng lưới giao thông của cộng sản. Bốn: lập mạng lưới kháng chiến, các cơ sở và các nhóm bí mật nhằm hoạt động phá hoại và gây rối trên lãnh thổ Bắc Việt Nam. Năm: rải truyền đơn từ máy bay xuống Bắc Việt Nam.
Tổng thống Kennedy ngày mười một tháng năm, năm một nghìn chín trăm sáu mươi mốt đã hoàn toàn tán thành chương trình do nhóm tác chiến về Việt Nam lập ra và bản ghi nhớ đã trở thành chương trình hành động của Lầu Năm góc. Ông xem đi!... Vài tháng sau, vào tháng mười cùng năm, Kennedy ra chỉ thị bổ sung mới cho Lầu Năm góc tổ chức các hoạt động du kích, sử dụng các lực lượng đồng minh của Mỹ trong trường hợp cần thiết để cắt ngang đường tiếp tế của cộng sản ở Sê-pôn (Lào). Khi đó Kennedy đã lệnh cho Bộ Ngoại. giao chuẩn bị ra Sách trắng, trong đó trách nhiệm xâm lược Nam Việt Nam sẽ đặt lên Bắc Việt Nam.
Tướng Taylor thời gian này đang thực hiện sứ mạng đặc biệt ở Sài Gòn. Ông ta gửi về bức điện cho Nhà Trắng và Lầu Năm góc. Đây là bản sao của nó: "Quan điểm của tôi là chúng ta nên cử nhóm tác chiến sang để đảm bảo cho sự có mặt quân sự của Mỹ ở Việt Nam, ngõ hầu xua tan mối nghi ngờ của Tổng thống Ngô Đình Diệm ở sự sẵn sàng đứng về phía ông của chúng ta trong trường hợp đối địch quân sự với Việt Cộng hoặc Việt Minh".
Taylor khuyên Tổng thống gửi sang Việt Nam những đạo quân Mỹ lớn, ngụy trang là nhóm chiến thuật cung cấp vật chất, kỹ thuật để giúp đỡ chế độ Diệm. Thêm vào con số nghìn đầu tiên của cái gọi là các cố vấn Mỹ rải ra trong quân đội Nam Việt Nam, phải thêm, theo ý Taylor, vài nghìn nữa. Đây này, lại một bức điện của Taylor gửi từ Philippine tháng mười cùng năm và có dòng chõ: "Dành riêng cho Tổng thống". Trong đó Taylor đòi gửi ngay sang Nam Việt Nam tám nghìn lính Mỹ. Khi ấy, hai năm trước đây, Kennedy chưa gửi lục quân sang Sài Gòn như Taylor đề đạt. Nhưng bây giờ, sau hai năm, ở Việt Nam đã có tới mười sáu nghìn cố vấn. Sang năm, con số đó sẽ còn tăng lên. Sự việc đang tiến tới một cuộc can thiệp lớn. Tổng thống Kennedy ráo riết chuẩn bị cho cuộc xâm nhập công khai vào Việt Nam.
Mới đây, vào tháng hai năm ngoái, khi phát biểu tại một cuộc họp báo có tiếng vang, đề cập đến vấn đề Việt Nam và sứ mạng của tướng Taylor, Tổng thống Kennedy đã nói những lời sau đây: Tổng thống Ngô Đình Diệm yêu cầu viện trợ thêm... Chúng ta đã tăng thêm viện trợ. Chúng ta đang thực hiện sự giúp đỡ về vật chất kỹ thuật, giúp về vận tải và huấn luyện Người Mỹ đang tham gia vào những nỗ lực này..."
Dối trá, dối trá thô bạo và không thể tha thứ được! "Diệm yêu cầu!...". Có lẽ, cầu xin chưa đủ nước mắt, cúi mình và thề thốt trung thành với chúng ta chưa đạt yêu cầu. Có lẽ, đến Diệm cũng chưa hiểu rằng ông ta với người Mỹ không cùng đường. Cho nên mới trở nên không vừa ý Nhà Trắng và Lầu Năm góc. Này, này, còn những tài liệu mới nữa, đặc trưng cho chính phủ yêu hòa bình của chúng ta.
Và ông Thomson đẩy ra góc bàn cả đống bức ảnh có dòng chữ "Dành riêng cho Tổng thống", "Cho chính Mac Namara", "Chỉ cho Bộ trưởng Ngoại giao", "Tuyệt mật".
Trong số tài liệu ấy, tôi quan tâm nhất tới ghi chép của trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hillsman gửi cho ông chủ của mình, trong đó có nói phải tiến hành đảo chính ở Sài Gòn và gạt bỏ Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm khét tiếng. Đây là cốt lõi quan trọng của nó... "Nếu Diệm có bước tiến chính trị tại phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ví dụ như mở cuộc thương lượng về trung lập hoá, thậm chí nếu chỉ xuất hiện tin đồn về cuộc thương lượng như thế hay nguy cơ gián tiếp về khả năng ấy, Hoa Kỳ phải:
... Hướng các tướng lãnh thực hiện cho ra trò cuộc đảo chính... Nếu Diệm đề nghị với Tổng thống Pháp De Gaulle ủng hộ việc trung lập hoá Việt Nam, Mỹ phải:
... Công khai chỉ ra rằng Việt Nam không thể trung lập hoá có hiệu quả, chừng nào cộng sản còn chưa mất quyền kiểm soát Bắc Việt Nam... Khi mà cuộc đảo chính chống Diệm ở Nam Việt Nam bắt đầu được đem ra thực hiện, chúng ta có thể lấy cớ nhân dân Việt Nam hiển nhiên bác bỏ sự liên hiệp giữa Diệm và Cộng sản... Để ngăn ngừa các lực lượng quân đội trung thành với Diệm đóng ở ngoài Sài Gòn ủng hộ Diệm, chúng ta phải sẵn sàng dập tắt liên lạc vô tuyến với các đơn vị này, đồng thời cho phá các cầu cần thiết để cản trợ sự tiến quân của các đơn vị này... Nếu cần, chúng ta phải gửi sang Việt Nam quân đội Mỹ để bảo đảm thắng lợi cho phe đảo chính".
Tôi lướt mắt qua ghi chép của Hillsman cho đến hết, nghĩ ngợi một chút rồi hỏi:
- Ông Thomson, ông cho biết Bộ trưởng Ngoại giao đã phản ứng thế nào trước đề nghị không úp mở này của người trợ lý thân cận của mình?
- Ông ta tán thành hết.
- Có bằng chứng chứ?
- Có. Đây này.
Tôi lại được biết một tài liệu nữa - bản sao ghi chép báo cáo của viên trùm ngành ngoại giao. Dean Rusk không muốn khó nhọc thêm và chỉ chép lại gần như đúng từng bản luận văn hiếu chiến của cấp dưới và gửi đến Nhà Trắng dưới chữ ký của chính mình.
Tôi mong muốn kẻ tiết lộ này cho tôi xem và nói càng nhiều càng tốt, nên không hà tiện câu hỏi, đôi khi còn cảm thấy mình ngây ngô nếu xét về phía mình là chủ bút Texas Sun.
- Thế thái độ của Tổng thống đối với cuộc đảo chính cung đình đã vạch ra là như thế nào? - tôi hỏi.
Thomson nhanh chóng và rõ ràng trả lời câu hỏi này:
- Mùa hè năm nay ở Nhà Trắng và ở Đại sứ quán tại Sài Gòn đã thảo luận một vấn đề phức tạp đến đau đầu: chúng ta phải dựa vào ai ở Việt Nam trong tương lai, vào số tay sai cũ là triều Diệm hay các tướng lĩnh mới đang bất mãn với tên hoàng đế không vương miện của mình. Cuộc tranh luận diễn ra rất lâu và sôi nổi. Cuối cùng Tổng thống Kennedy và các tờ-rớt trí tuệ của ông ta đi đến kết luận là Diệm không có khả năng và cũng không muốn tiến hành những cải cách tự do trong nước, rằng hắn là kẻ theo đạo Thiên chúa căm thù tín đồ đạo Phật đến mức bệnh lý, rằng phải xem Diệm và em hắn, trùm mật vụ Nhu như những kẻ độc đoán thối nát, những kẻ đàn áp một cách dã man tín đồ đạo Phật và các đối thủ chính trị của mình và cực kỳ nguy hiểm cho Hoa Kỳ. Phải gạt bỏ anh em hắn. Tài liệu đây, mời ông xem.
Tôi đọc tờ giấy, còn anh ta thì vẫn giảng giải tiếp cho tôi:
- Hai ngày trước khi đảo chính, phụ tá về an ninh quốc gia cho Tổng thống Mark George Bandy chỉ thị chặt chẽ lần cuối cùng cho đại sứ Lodge: "Nếu một cuộc đảo chính có sự lãnh đạo vững vàng nổ ra, thì lợi ích của chính phủ Mỹ đòi hỏi nó phải thành công" [8]. Ông thấy đấy, nhà cầm quyền của chúng ta thẳng thắn làm sao. Không cần một cái lá nho nào cả.
Tôi đọc đi đọc lại từng tài liệu. Thú vị thật! Tư liệu tuyệt vời cho các nhà viết tiểu thuyết. Tôi lên tiếng:
- Chà. Có nghĩa là, đích thân Kennedy chuẩn y âm mưu đảo chính?
- Vâng.
- Thế còn "Đấng bề trên thiêng liêng" [9] của Tổng thống Diệm?
- Cũng đồng ý loại bỏ Diệm. Diệm đã biết quá nhiều bí mật của Mỹ. Không thể để hắn sống được. Nhưng trong tài liệu không nói đến điểm này. Điều đó là dĩ nhiên. Cái đó là phải ý tại ngôn ngoại.
Người cuối cùng nói chuyện qua điện thoại với Diệm vào đêm thảm họa của Diệm là đại sứ ta ở Sài Gòn. Tổng thống Diệm đã gọi điện cho Cabot Lodge trực tiếp từ dinh của hắn ngày mùng một tháng mười một vào hồi bốn giờ ba mươi sáng. Tôi đã kiếm được bản tốc ký của cuộc nói chuyện này.
- Bản tốc ký?! Của một câu chuyện diễn ra ngày mùng một tháng mười một ở cách xa chúng ta tít tắp?! Ông Thomson ạ, ông làm việc hết sức nhanh nhạy đấy. Theo tôi hiểu, ông phải có bạn bè trong biệt thự của ông đại sứ nhà ta và trong dinh của Diệm. Thành thật! Cho tôi dòm qua xem nào.
Tôi ghi lại nội dung bản tốc ký chính xác cho đến từng dấu phảy, theo bản sao của Thomson.
Diệm: Một vài đơn vị đã nổi loạn. Tôi muốn biết lập trường của Hoa Kỳ.
Lodge: Tôi coi mình chưa được thông tin đầy đủ để có thể trả lời câu hỏi của ông. Tôi nghe có tiếng súng, nhưng chưa được biết tường tận về các sự kiện. Ngoài ra, cho phép tôi ghi nhận rằng bây giờ ở Washington là 4 giờ 30 đêm và vị tất chính phủ Mỹ đã có thể hình thành một quan điểm nào đó về những cái đang xảy ra.
Diệm: Nhưng chắc ông cũng phải có một khái niệm chung nào đó chứ! Rốt cuộc, tôi là nguyên thủ quốc gia. Tôi đã cố gắng thực hiện nghĩa vụ của mình. Và bây giờ tôi muốn hành động theo sự sai khiến của nghĩa vụ và của ý nghĩ lành mạnh. Nghĩa vụ đối với tôi là cái cốt yếu nhất.
Lodge: Ông tất nhiên là đã làm tròn nghĩa vụ của mình, như tôi đã nói với ông sáng nay, tôi khâm phục sự dũng cảm của ông và những gì ông đã làm cho Tổ quốc mình. Không ai có thể tước bỏ những công lao này của ông.
Tôi lo lắng cho an ninh của bản thân ông. Như người ta đã báo cho tôi, những người lãnh đạo cuộc nổi dậy đề xuất cho ông và em ông lối thoát an toàn ra nước ngoài, nếu các ông từ bỏ quyền lực. Ông có nghe nói đến điều đó không?
Diệm: Không (sau giây lát yên lặng). Ông có biết số điện thoại của tôi không?
Lodge: Có. Nếu tôi có thể giúp ích gì cho việc bảo đảm an ninh cho ông thì xin ông cứ gọi điện cho tôi.
Diệm: Tôi đang cố vãn hồi trật tự... [10]
Khi tôi đã đọc xong bản sao tốc ký và trả nó cho Thomson, thì anh ta nói:
- Sau câu chuyện điện thoại này, không một người Mỹ nào nhìn thấy Diệm và nói chuyện với hắn. Hôm sau người ta tìm thấy hắn bên nắp cống thoát nước. Hắn đã chết.
- Ông có biết hắn bị giết trong tình huống nào không?
- Có. Sau khi nói chuyện với Lodge, tất nhiên, hắn hiểu là đã bị người Mỹ phản bội và quyết định cùng với em hắn chạy trốn. Bọn họ chuồn ra khỏi dinh Tổng thống đang bị bao vây bằng lối bí mật dưới đất, nối với hệ thống tiêu nước. Khi lên khỏi nắp cống thì anh em hắn bị tóm. Bọn lính mang súng tự động xỉa hàng tràn đạn vào anh em hắn. Hiển nhiên là nếu như không có lệnh thì bọn lính đã để cho chúng sống. - Anh ta cầm lấy bản sao và đọc: - "Tôi lo lắng cho an ninh của bản thân ông. Như người ta đã báo cho tôi, những người lãnh đạo cuộc nổi dậy đề xuất cho ông và em ông lối thoát an toàn ra nước ngoài, nếu các ông từ bỏ quyền lực. Ông có nghe nói đến điều đó không?". Diệm đã nghĩ và nói: "Không". Hắn không muốn chấp nhận tối hậu thư của đại sứ. Không muốn từ bỏ quyền lực nhận được từ người Mỹ. Không muốn dung hòa với việc chúng ta đã phản bội và bán rẻ hắn.
- Chà! - tôi nói, - một Tổng thống thủ tiêu một Tổng thống. Lớn thủ tiêu bé. Kennedy liều lĩnh thật. Gì thì gì, chứ thế là ông ta đã gạt bỏ một nhà lãnh đạo cứng cổ của một quốc gia bè bạn, người đồng minh của mình. Ông ta đã tạo nên một tiền lệ nguy hiểm. Đã xảy ra một lần, thì cứ liệu đấy, người ta cũng có thể xử sự với ông ta đúng như thế.
- Vâng, có thể, - ông Thomson đồng ý. - Đã được chứng minh từ lâu rằng kẻ nào vung gươm lên đầu tiên kẻ đó sẽ chết. Cũng đã được chứng minh rằng chính sách đối ngoại là sự tiếp tục của chính sách đối nội. Kennedy hoặc là quên điều đó, hoặc là cố ý coi thường chân lý lâu đời này. Ông ta chắc là cho rằng ở nước Mỹ chúng ta không thể có đảo chính.
- Có thể có! Giết Tổng thống trong điều kiện chúng ta cũng ngang với đảo chính.
Những lời cuối cùng của tôi làm Thomson hoạt bát lên rõ rệt. Anh ta nhìn tôi không còn độc ác như trước nữa. Trong chốc lát, vô hình quan điểm của tôi đã trở thành đồng quan điểm với anh ta. Nhận ra điều đó, tôi tỉnh ngộ ra và nói:
- Ông Thomson, tôi đâm phát sợ cho bản thân. Tôi biết về chính phủ của mình nhiều quá, nhiều đến quá mức cho phép đối với một người Mỹ tốt. Tướng Taylor hễ tiện dịp lại khẳng định rằng một công dân Mỹ chỉ phải biết những gì khả dĩ cho phép anh ta là một công dân tốt mà thôi. Còn ông... ông đã làm tôi trở thành một công dân xấu.
- Làm sao ông lại còn đùa lúc này nhỉ?
- Đâu phải chuyện đùa với tôi, ông Thomson. Tôi đã biết những bí mật đáng lẽ không có quyền được biết.
- Nếu ông không muốn nói chuyện nghiêm túc....
Tôi cẩn thận xếp các tấm ảnh lại và đẩy nó về phía Thomson:
- Ông không sợ mất đầu khi tiết lộ bí mật quốc gia ư? Ông sẽ bị buộc tội làm phương hại đến lợi ích an ninh quốc gia. Xin lỗi. Tôi buộc phải nói với ông điều đó với tất cả sự nghiêm túc mà tôi có.
Lời nói của tôi không có tác động gì đối với Thomson. Anh ta vẫn giữ vẻ tự tin khiêu khích trước kia.
- Ở tất cả các nước văn minh, - anh ta nói, - chính quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với kẻ nào biết có tội ác đã gây ra mà không trình báo chỗ cần trình báo. Tôi không muốn vị phạm luật pháp, không muốn là a tòng cho bọn tội phạm và vì thế, tôi báo là chính quyền hiện nay ở Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã và đang thực hiện một tội ác lớn nhất thế kỷ - chuẩn bị cuộc chiến tranh lớn ở Việt Nam. Bằng điều đó, tôi giật bỏ uy tín thổi phồng xây trên sự dối trá và gian xảo của chính phủ và tăng cường an ninh chân chính cho đất nước. Những lời này tôi sẵn sàng phát biểu trước tòa án cao nhất. Vì cái đó tôi sẵn sàng ngồi tù năm mười năm.
Lúc này tôi chẳng còn thì giờ đâu nghiên cứu tiểu sử và thế giới nội tâm của nhà kinh doanh Thomson kia. Những sự việc ở Nhà Trắng, Lầu Năm góc đối với tôi còn ngàn lần quan trọng hơn. Thất đức ư? Tất nhiên rồi. Nhưng hoàn cảnh sống là thế.
Bằng câu hỏi thận trọng, tôi dứt ông Thomson ra khỏi những bộc bạch bản thân và chuyển sang điều tôi quan tâm hơn cả:
- Dĩ nhiên là ông biết rằng không chỉ Nhà Trắng mà hầu như cả thượng và hạ nghị viện đều kiên quyết không để mặc cho Cộng sản đẩy lùi chúng ta ở Đông Nam Á?
- Thượng và hạ nghị viện không thống nhất trong vấn đề này, nhân dân Mỹ cũng thế. Nhiều người cũng nghĩ như tôi nghĩ.
- Nhiều là khái niệm co giãn lắm. Chỉ có đa số mới là lực lượng quyết định.
- Hiện nay có lẽ đa số chưa hoàn toàn hình dung được chúng ta sẽ chui vào ngõ cụt như thế nào, nếu chúng ta gây cuộc chiến tranh lớn ở Đông Dương. Cuộc chiến của người Pháp với người Việt Nam đã cho thấy là không thể thẳng nổi họ. Họ có mục đích, họ biết họ chiê ën đấu vì cái gì. Họ bảo vệ mảnh đất của họ. Chúng ta không quen đánh nhau với du kích trên cánh đồng lúa, trong rừng sâu. Chúng ta đã quen với nước cam, bít tết, trứng, cà phê với motel[11], ti vi, với xe Ford, Cadillac, Chrysler.
- Chúng ta có pháo đài bay, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, chúng ta có kinh nghiệm chiến tranh ở Triều Tiên.
- Chính kinh nghiệm Triều Tiên chứng tỏ chúng ta sẽ không đạt được thắng lợi.
Trong khi nói chuyện với tôi, anh ta lo lắng liếc nhìn vách ngăn bằng kính của phòng làm việc của tôi, sợ như có ai quấy rầy chúng tôi.
- Đừng lo, ông Thomson ạ, không ai vào đây, chừng nào chúng ta chưa kết thúc câu chuyện. Ông gốc gác ở đâu nhỉ?
- Tôi sinh ra ở Boston. Bắt đầu đi học và tốt nghiệp cũng ở Boston. Rồi làm việc ở Boston. Tổ tiên tôi đã đổ bộ lên sau chuyến đi dài ngày trên tàu "May Flower"[12].
- Tôi đã nghĩ ông đúng là con cháu của những người Mỹ đầu tiên, dân gốc. Thật là lạ, ông lại không thích Tổng thống đồng hương của mình.
- Tôi thích ông ta chừng nào ông ta chưa lập ra những đạo quân đao phủ kia và chưa trở thành lãnh tụ tinh thần của bọn chúng.
- Ông muốn nói đến bọn mũ nồi xanh?
- Vâng, mũ nồi xanh ngày nay đối với nhiều dân tộc đã trở thành đồng nghĩa với sơ mi nâu và đồng phục đen[13].
- Ồ, không, ông Thomson, Kennedy đã đánh nhau với bọn phát xít. Ông ta thì gần đỏ hơn là nâu hay đen.
- Nếu có đỏ thì tại màu đỏ ở vịnh Con Lợn, Cu Ba, ở rừng sâu và đồng ruộng Việt Nam.
- Nhưng chính người Mỹ đã coi Kennedy là người Dân chủ[14], người tạo lập hòa bình và sáng tạo ra kỷ nguyên "những ranh giới mới".
Thomson hừm một tiếng khinh bỉ.
- Thức lâu mới biết đêm dài. Bắt đầu thì là dân chủ, kết thúc thì... Lạy trời, người ta đừng bầu ông ta lên làm Tổng thống thêm nhiệm kỳ nữa. Ông ta sẽ đi vào lịch sử với tư cách là kẻ gây ra cuộc chiến tranh lớn ở Đông Dương. Ông ta đã chuẩn bị mọi thứ cho việc đó. Ông cứ nghiên cứu tài liệu này đi, rồi ông sẽ thấy quả đúng như vậy.
Tôi lại phải ngạc nhiên lần nữa.
- Lạ thật. Có lẽ ông quên rằng đối thủ của Kennedy trong cuộc bầu cử sắp tới là tay cộng hòa cực hữu Barry.
- Không, tôi không quên.
- Thế thì tại sao lại muốn cho Kennedy thất bại? Chả lẽ ông nghĩ rằng Barry khá hơn John? Chính John công khai ủng hộ việc ném bom thành thị, cầu cống, kho tàng Bắc Việt Nam. Ông ta ủng hộ việc gửi đội quân một triệu lính Mỹ sang Đông Dương. ủng hộ việc áp dụng vũ khí hạt nhân nếu cần. Ông ta chống hòa đàm với Liên Xô. Ông ta chống người da đen. Chống tự do truyền thống của nước Mỹ.
- Cử tri sẽ gạt bỏ Goldwater. Và Kennedy sẽ trở thành Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Tiếc thật.
- Sao lại tiếc thật? Kennedy xét trên quan điểm của ông, mà xin lỗi ông, tôi không chia quan điểm ấy, thì dẫu sao vẫn tốt hơn Barry.
- Vâng, hẳn là tốt hơn rồi. Nhưng tốt hơn, như vẫn thường nói, là kẻ thù của cái tốt.
- Hay thật, thế ông muốn thấy ai là chủ Nhà Trắng trong những năm tới?
- Tôi không biết. Tôi đã thấy những gì chúng ta đang làm ở Việt Nam và mất lòng tin cả vào đảng con voi lẫn đảng con lừa [15]. Ông Brooks, nghe nói ông đã ở Việt Nam.
- Vâng. Năm nay tôi có ở đó.
- Thế lương tâm của ông không thức tỉnh ư? Ông không hiểu rằng chúng ta sẽ lâm vào ngõ cụt trong cuộc chiến này? Ông không rùng mình trước những gì đang diễn ra ở đó ư? Thành phố bị tàn phá. Đồng ruộng bị bỏ ngập. Rừng rú bị chất độc huỷ hoại. Tất cả những sinh vật dọc các con sông chiến lược bị tiêu diệt. Hàng trăm nghìn người không có nhà cửa. Chúng ta đã gieo vào lòng dân tộc châu á lòng hận thù đối với người Mỹ đến hàng thế kỷ.
Tôi có thể nói gì với anh ta? Nói sự thật ư? Tôi không có quyền. Đồng ý với đề nghị của anh ta? Không được phép. Chỉ cần tôi đem những tài liệu này đưa in thì lập tức Hatter và FBI sẽ biết ngay. Chúng sẽ không khi nào được in ra. Chỉ có đưa đầu vào thòng lọng mà thôi. Từ giã cõi đời lúc này hãy còn sớm lắm. Đây cũng không phải là cái đáng để tôi phải hy sinh thân mình. Làm gì bây giờ? Dương đông kích tây như những tay chơi poker vẫn làm? Chả còn cách nào khác. Với lại cũng không loại trừ khả năng con người cởi mở trong từng lời nói này cũng là một tay chơi bài và đang thực hiện ý đồ của kẻ nào đó. Ban quản trị an ninh nội bộ của Công ty "Hatter Industries" đôi khi vẫn thử những nhân viên của mình bằng phương pháp khác thường như vậy. Phải dội một gáo nước lạnh lên cái đầu nóng của ông thành viên ủy ban kia mới được. Tôi mỉm cười nhìn anh ta và nói:
- Ông Thomson, theo tôi hiểu, ông làm việc cho Công ty "General Motor".
Khuôn mặt anh ta hồng đỏ lên.
- Vâng, tôi làm, nhưng... như tôi còn nhớ thì tôi chưa kịp nói với ông điều đó. Làm sao ông biết được?
- Đoán xem ông tranh đấu kịch liệt như thế nào cho quyền lợi của ai cũng chẳng khó khăn lắm.
- Ông muốn nói...
- Vâng, tôi sẽ nói điều mà ông tảng lờ từ nãy đến giờ. "General Motor" là một công ty có thế lực nhất nước. Nó đứng đầu năm trăm hãng lớn nhất. Nhưng mà, trời ạ, chỉ có hai, cả thảy hai phần trăm của số tiền hàng chục tỉ đôla đến tay sử dụng của Lầu Năm góc là phần của "General Motor". Công ty của ông cũng không kiếm chác được nhiều lắm trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi xin thông cảm.
- Anh ta, thật ngạc nhiên cho tôi, cũng mỉm cười.
- Ông lầm rồi, ông Brooks ạ. Công ty "General Motor" không uỷ quyền cho tôi chuyển những tài liệu này cho ông. Đó là tự tôi.
- Một mình ông? Hừm!... Chẳng có điều kỳ diệu đến thế đâu. Tôi vẫn giữ ý kiến mình. Ông đại diện cho quyền lợi của một công ty không kiếm chác được gì thông qua chiến tranh.
- Tôi đại diện cho quyền lợi của riêng tôi. Quyền lợi của một người căm thù chiến tranh. Đó là quyền lợi của tất cả mọi người khao khát sống trong hòa bình.
- Cứ cho là như thế. Thế nhưng cũng phải làm cho rõ thêm. Ông Thomson, ông đại diện cho quyền lợi không phải của mọi người nói chung, mà của một nhóm người nhất định. Tôi nghĩ, tim ông hướng về không những chỉ "General Motor", mà còn hướng về "Ford Motor", "Standard Oil", "Chrysler", "General Electric" và về những ai kiếm đôla trong sản xuất dân dụng, những ai hùn vốn vào nền kinh tế của cái gọi là các nước phát triển và kém phát triển mà không dùng đến đại bác, tên lửa, máy bay ném bom và napan. Ông ủng hộ những kẻ mà cuộc chiến tranh Đông Dương có nguy cơ làm phá sản. Cho đến một lúc nào đó, ông và bạn bè của các ông vẫn còn ủng hộ và khuyến khích Lầu Năm góc trong các kế hoạch xâm lược của họ, bởi vì cho rằng quan điểm dựa trên thế mạnh, nó dọn đường cho đồng đôla của các ông, cho sự kinh doanh của các ông. Còn bây giờ thì...
Thomson không để tôi nói hết. Thịnh nộ phẩy tay, anh ta nói to một cách giận dữ:
- Ông đơn giản hóa vấn đề một cách quái dị. Xin cam đoan với ông là tự tôi làm việc đó. Cũng không phải một mình tôi. Hàng triệu người cũng nghĩ như tôi.
- Vâng, họ nghĩ thế, nhưng hành động cách khác. Họ không với tay đến được các tài liệu tuyệt mật. Trong tay họ không có máy sao của hãng "Xerox", có khả năng làm sinh sôi số giấy tờ của Nhà Trắng và Lầu Năm góc. Họ lép một bề trước Hoover và thuộc hạ của ông ta. Chứ không như ông. Nếu quả thật chỉ có một mình ông, ông Thomson - nhà kinh doanh ạ, thì người ta đã tóm cổ ông từ lâu và nhốt vào xà lim bê tông của nhà tù liên bang rồi. Xin lỗi ông, tôi đã vạch trần cái lò xo cơ chế động cơ của ông. Tôi buộc phải làm điều đó chỉ cốt để ông không coi tôi là anh ngốc.
- Tôi trân trọng sự cởi mở của ông, Brooks ạ, nhưng tôi cam đoan là ông nhầm. Tôi không bàn bạc những kế hoạch này với ai cả. Ông đã hạ phẩm cách của tôi.
Vị khách nói những lời đó với vẻ chân thật nóng nảy rất quyến rũ, nhưng không lừa được tôi đâu. Tôi biết những tay chơi poker nghi binh khéo léo tự nhiên đến như thế nào.
- Cũng có thế như thế. Nhưng điều đó chỉ có nghĩa là sự căm thù chiến tranh của riêng ông lại trùng hợp lạ lùng với quyền lợi của các giới tư bản độc quy ền không phục vụ Lầu Năm góc. Còn ông, chính bản thân ông cũng không ngờ, đã trở thành một kẻ lobbyist[16] mù quáng. Tuy vậy, tôi không tin vào giả thuyết ấy. Ông quả là năng nổ, kiên trì, thông minh khiến người ta chưa thể liệt vào loại công cụ mù quáng.
Tôi chờ ông khách sẽ tiếp tục giữ lý lẽ của mình. Nhưng tôi đã lầm.
Anh ta nói giọng làm lành không ngờ:
- Ông nói đúng, ông Brooks ạ. Không và sẽ không thể có những người độc lập tuyệt đối. Ngay cả khi không biết về sự tồn tại của nhau, họ vẫn tác động lẫn nhau ở đâu đó. Tóm lại, tôi chấp nhận quan điểm của ông, tuy rằng, tôi nhắc lại, tôi không phải là lobbyist lóp biếc gì cả. Chẳng qua tôi đi tìm cái nhóm nào của các nhà kinh doanh quyền thế mà có thể hiểu ra ngay bây giờ, trên ngưỡng cửa của cuộc leo thang chiến tranh lớn rằng chúng ta sẽ không thấy thắng lợi ở Đông Dương. Càng chui sâu vào bãi lầy Việt Nam thì càng khó rút chân ra.
- Nếu như ông nói thật lòng, Thomson ạ, thì ông đi tìm đồng minh không đúng chỗ rồi. Khi đến đây, ông chưa biết rõ tờ báo chúng tôi phục vụ giới độc giả nào. Cho phép tôi giúp ông. Texas Sun ủng hộ và khuyến khích tất cả những gì phục vụ cho sự thịnh vượng của bang trẻ nhất, giầu nhất và có triển vọng nhất đất nước bang Texas này. Chúng tôi không có nhiệm vụ phải giúp đỡ các đối thủ của mình là các bang già nua ở Đông bắc. Ngược lại, chúng tôi tranh đấu theo sức lực và khả năng của mình sao cho Boston, Chicago, New York không còn đóng vai trò chúa tể trong sinh hoạt của đất nước.
- Vâng, tôi thừa biết điều đó.
- Mà ông vẫn hy sinh vào sự ủng hộ của chúng tôi? Lạ thật.
- Không có gì lạ cả. Ông, cũng như tôi và bạn bè của tôi chẳng lấy làm hân hoan gì cho lắm đối với những gì mà Kennedy chủ Nhà Trắng đang làm. Giữa chúng ta có thể có sự liên minh. Dù là không lâu bền, nhưng hai bên cùng có lợi.
- Vâng, nhưng chúng ta bất mãn với Kennedy theo những cách khác nhau. Chúng tôi, những người Texas không thích ông ta vì ông ta cứ liếc con mắt nghi ngờ về phía Texas. Còn ông không thích Kennedy bởi vì ông ta chưa rõ rệt và kiên quyết quay lưng lại với Texas và người Texas.
Tôi không nói gì độc đáo. Tôi chỉ nói những gì mà người Texas số một Harold Hatter sẽ nói nếu ở vào địa vị tôi.
Ông Thomson không cho phép bản thân cứ đối đáp bằng cái giọng bộc trực quá mức đến thế. Ông ta đứng phắt dậy, ra ý bảo rằng ông ta đã chán ngấy cuộc tranh luận vô bổ dai dẳng này. Lúc này, khi ông ta đứng, lại rõ ra cái dáng cao, mảnh mai và sắc nhọn của ông ta. Ông ta bực tức nhìn tôi hỏi:
- Ông từ chối không đăng những tài liệu này phải không?
- Ấy, sao lại thế, ông Thomson. Ông chưa hiểu ý tôi. Có tay ký giả lịch thiệp nào lại bỏ lỡ một miếng mồi giật gân như thế được.
- Nghĩa là ông cho đăng?
- Nếu chúng tôi đăng tất cả cái đó, thì số báo ấn hành của chúng tôi sẽ tăng lên thêm ba - bốn trăm nghìn bản. Nếu được!
- Nghĩa là, ông còn chưa quyết định?
- Vâng, ông Thomson, tôi còn chưa quyết. Tôi phải suy nghĩ đã. Ông có thể để các bản sao lại không? Hy vọng rằng ông còn có những bản khác.
- Ông cứ việc. Sau ba ngày nữa tôi sẽ đến.
- Chào ông Thomson. Chúc ông mọi sự như ý. Cảm ơn sự tin cậy của ông đối với Texas Sun.
- Ông đừng tưởng nhầm, Brooks ạ. Ai đăng sự thật về chiến tranh Việt Nam đối với tôi thì cũng thế thôi.
Tống tiễn Thomson rồi, tôi ngốn ngấu xem xét các giấy tờ quốc gia hết tờ này đến tờ khác. Chà chà, ở đâu ra mà nhiều thế này! Tuyệt thật! Thế là, chẳng mất tí công nào, chẳng tốn tí đôla nào mà tôi đã thành chủ nhân tạm thời của số tài liệu tuyệt mật kia. Và quả thực tôi định làm gì với chúng? Nhòm chúng để mà đoán: tồn tại hay không tồn tại? Không đời nào. Chẳng có gì phải nghĩ ngợi cả. Mọi cái đối với tôi đã rõ ngay từ phút đầu trò truyện với Thomson.
Ra khỏi tòa soạn, sau khi đã hoãn bữa ăn, tôi bê thẳng đến dinh thự ngoại ô của Hatter. Tôi phóng với tốc độ qua mức quy định, những lo đụng phải cảnh sát. Ông Bạc tỉ không hài lòng những khi tôi hay ai đó trong đám thân cận thông báo một cách muộn màng những tin tức quan trọng. Lão cần phải biết ngay lập tức những gì diễn ra trong đế chế của mình. Tôi tới nơi mà không hề xảy ra tai nạn gì.
Hatter chỉ vừa mới ăn xong bữa ăn đạm bạc cố hữu của mình: xúp nghiền và miếng thịt nạc luộc, và sắp sửa đi nghỉ. Sự xuất hiện bất ngờ của tôi làm lão ngạc nhiên:
- Có chuyện gì phải không, hả tôn ông?
- Vâng.
Tôi kể rành rọt về sự ghé thăm của ông Thomson, tôi đặt lên bàn những bản sao giật gân.
Tôi chờ sự chú ý mãnh liệt đến báo cáo của tôi, nhưng lão ta nhìn tôi bằng cặp mắt sâu, lạnh như băng và trên bộ mặt to, dài như mặt ngựa của lão ta không hiện lên sự ngạc nhiên nào. Lão chỉ chăm chú nghe mà thôi. Và tôi, người đã biết ông Bạc tỉ đâu chỉ một năm, cũng không thể phỏng đoán xem lão nghĩ gì, lão định rút lấy lợi lộc gì từ các tài liệu giật gân kia. Lão không bộc bạch hết mọi thứ đối với cả "ngòi bút riêng" của mình. Chỉ thẳng hoặc lão cho tôi nhòm vào tâm địa của lão. Hé mở một thoáng thôi, dù rằng nói chung, lão tin cẩn tôi.
Bạn có biết thế nào là một tay chơi poker thực thụ và vô địch chưa? Đó là một tay đánh bài lọc lõi trong đầu, ăn thua và xảo quyệt, được tôi luyện qua những keo thắng và keo bại, quen liều lĩnh đồng thời lại đủ thận trọng, có một trí nhớ đáo để và một linh cảm quỷ quái, nhìn thấy đối thủ của mình, biết đọc một cách chuẩn xác những ý nghĩ của người khác ngay cả khi người đó muốn che giấu.
Tôi chưa gặp tay đánh poker nào tài hơn ông chủ của tôi: Harold Hatter. Sẽ có lúc tôi kể tỉ mỉ, lão ta chơi thế nào và tại sao luôn lột được túi của những tay bài bạc có kinh nghiệm nhất, sành sỏi nhất trong trò chơi. Bây giờ lão rất hiếm khi cầm đến quân bài, chỉ vào những lúc hưng phấn về công việc. Nhưng cái đó chẳng quan trọng gì hết. Lão đã là một tay poker và vẫn là tay poker. Lão vẫn thường xuyên lao vào trò poker không có quân bài, đó là nhằm duy trì và làm sinh sôi số tư bản kếch xù của mình. Bất kỳ một nhà kinh doanh nào trong một ý nghĩ nào đó cũng là một tay poker không bao giờ tiệt nọc, một bậc thầy biết kết hợp và vắt kỹ những đồng loại gần xa của mình.
Tay lão ta nắm thành nắm đấm, quen đặt trên mép cái bàn ăn bóng loáng và cũng không biểu lộ cái gì, ngoài sự điềm tĩnh oai nghiêm và một sức mạnh kìm giữ.
Tôi đã buộc nói và lại im bặt khá là lúng túng. Không có lẽ lão ta thờ ơ với những tin tức này? Không phải lần đầu tiên tôi thấy ông Bạc tỉ như thế, ấy vậy mà cho đến giờ vẫn chưa thể quen được cái cách giải quyết các công việc quan trọng của lão.
Lão còn không nói không rằng đến hai phút mà nhìn tôi. Rồi hỏi một cách đanh giọng:
- Hết rồi hả?
- Ông còn thấy ít sao, ông Harold? - tôi nói và nhìn sang tập bản sao. - Trong tay ông có những chủ bài thế kia.
Lão cười gằn, cặp mắt băng giá mới hơi ấm lên.
- Anh tin rằng giấy tờ này xác thực đấy chứ?
- Vâng. Tôi biết nét chữ của Bộ trưởng Ngoại giao. Còn cái tài liệu có chữ ký của Tổng thống này cũng không nghi ngờ được. Đấy ông xem!
Lão ta cầm lấy bản sao nằm phía trên, xem xét một lúc lâu. Lão quẳng xuống và nói:
- Đúng, chính tay John Kennedy!
Rồi cặp mắt lão lại băng giá và sâu kín như bưng.
- Thế chúng ta sẽ làm gì với chỗ tài liệu này? Lời khuyên của anh thế nào?
Tôi nhún vai và không nói gì. Lão không cần đến lời khuyên của tôi. Tự lão quyết định cả. Còn phải làm gì thì tôi cũng chưa biết.
- Tôi hỏi là chúng ta sẽ làm gì với chỗ tài liệu này?
Lúc này tôi không có quyền lảng tránh nữa. Ông Bạc tỉ kéo tôi về đây không phải để tôi ngồi im. Tôi nhìn thẳng vào bộ mặt ngựa của lão và nói với tất cả sự thẳng thắn mà tôi có được:
- Ông muốn quá nhiều ở tôi đấy, ông Harold ạ. Nếu như tôi đoán những ý nghĩ và dự định của ông thì từ hai năm nay tôi đã trở thành tay poker vô địch và thành tỉ phú rồi.
Lão phì cười và không quên vỗ vai tôi:
- Đúng! Thông minh thật! Đến Thượng đế ngài cũng không đoán được tôi sẽ làm gì khi có trong tay những con bài thế kia. Chúng ta may khủng khiếp. Chúng ta có thể giật đồ một nhà băng kếch xù, nếu... nếu như chúng ta chơi chính xác đến cuối ván bài.
Lão cầm lấy tập bức ảnh sấy bóng và trơn, xóc xóc rồi toẽ xòa thành hình rẻ quạt trên bàn và nhìn vào đó mỉm cười.
- Át! Lại át! Lại con nữa: Lại con nữa! Còn đây... - Lão dí tay vào bị vong lục do Kennedy ký - đây là con phăng. Năm con át. Một bộ thượng thặng. Ước mơ của người chơi poker. Kẻ thù của ta cũng không thể ngờ được một vận may đến thế nào vừa ùa đến với ta. ấy, giờ thì cứ liệu đấy, ông Tổng thống ạ!
Đến tận lúc này tôi vẫn chưa hiểu Hatter định làm trò gì.
Lão nhảy phắt lên và đi nhanh đến máy điện thoại. Cái máy trắng nối dây cáp với tòa nhà chọc trời đại bản doanh của đế chế "Hatter Industries". Nâng ống nói lên và với giọng kẻ cả, vui vẻ khi sắp vồ được thắng lợi, lão nói:
- Bolte, đến ngay chỗ tôi!
Bolte? Có lẽ, màn mây mù đang tan dần. Arthur Bolte là một luật gia khéo léo, phụ tá lâu năm của ông Bạc tỉ, người được uỷ toàn quyền trong những vụ việc đặc biệt quan trọng. Anh ta nắm trong tay tất cả mối dây nối công việc kinh doanh của Hatter với Nhà Trắng, với Capitol với các chính phủ nước ngoài và với tất cả các lãnh địa hải ngoại của lão. Khi nào Bolte xuất hiện trước Hatter, thì tất cả những người còn lại, dù là thân cận nhất, lui ra ngay lập tức. Trong số đó cả "ngòi bút riêng" của lão. Tôi đứng dậy:
- Xin phép được cáo lui, ông Harold?
- Anh đi đâu? Cứ ngồi đấy!
- Tôi còn chưa kịp ăn.
- Anh sẽ ăn ở đây. Tôi muốn anh có mặt khi tôi bàn chuyện với Bolte.
Tôi ăn trong vòng 15 phút. Bolte cần chừng ấy thời gian để phi từ trung tâm Dallas ra vành đai xanh, đến nơi ở của những nhà kinh doanh phú quý nhất thành phố.
Nếu bạn không biết Bolte thì có gặp hắn ở ngoài phố xá của Dallas, New York hay Washington, bạn sẽ không bao giờ xếp hắn vào hạng người xuất sắc trong tờ-rớt trí tuệ của Hatter. Hắn ta ăn mặc xuềnh xoàng như một tay quản lý thời nay, trong bộ comple màu tro bằng vải phianen, áo sơ mi trắng quàng cravat xám, đi giầy cao cổ đen. Đầu trắng như bồ công anh, còn mặt đỏ như người Anh điên. Răng trắng cực kỳ, đều tăm tắp, còn trên môi là nụ cười màu mè, ông Bolte chỉ cười chân thành với một người là Hatter.
o O o
Hatter vơ số bản sao các tài liệu quốc gia trên bàn, giơ cao trên đầu rồi lại ném đánh phịch xuống bàn:
- Đọc đi, Arthur, rồi mà kinh ngạc!
Arthur chỉ cần bằng nửa số thời gian so với tôi để nghiên cứu chỗ tài liệu. Anh ta lướt mắt qua chúng rồi ngẩng đầu hướng con mắt dò hỏi về phía sếp:
- Nào, anh sẽ nói gì nào, Arthur?
- Thật chấn động. Làm sao ông kiếm ra thế? Ông phải trả bao nhiêu?
- Anh thử phỏng xem bao nhiêu?
- Tôi? Có đến chục triệu cũng không tiếc, nói mạn phép ông.
- Này, thế mà tôi với Brooks bỗng dưng lấy được, chẳng mất xu nào cả.
- Làm gì có chuyện ấy.
- Ấy vậy mà đúng thế đấy. Kể cho anh ta nghe đi, tôn ông.
Tôi kể vắn tắt cho Bolte về chuyện làm sao mà số tài liệu này lại vào tay tôi.
- Chúng ta sẽ đăng chúng trên báo Texas Sun - Hatter nói. - Vào thời điểm thuận tiện cho chúng ta. Còn hiện giờ... hiện giờ tôi trao món này cho anh, Arthur ạ. Hãy chụp lại các bản sao này cho đủ số lượng ta cần. Rồi anh hãy lấy một bản và đem đến Nhà Trắng. Đến gặp ai nào? Dĩ nhiên là không phải gặp chính Kennedy. Trước tiên hãy thử nói chuyện với một phụ tá của ông ta, Bandy cũng được. Hay là với O'Donnell. Cũng có thể hàn huyên với O'Brien. Chọn ai cũng được. Sau đó, sẽ chuyển sang ông em của Tổng thống. Và chỉ ở giai đoạn chót, nếu cần, mới mặc cả với Tổng thống.
Bolte khổ sở nhăn trán, cố hiểu sứ mạng của mình mà vẫn chưa hiểu ra.
- Tôi phải nói cái gì với những người của Kennedy? - anh ta hỏi.
- Nói chuyện thời tiết. Chuyện bóng đá. Chuyện Jackie[17]. Cứ ba hoa chuyện gì cũng được. Sau đó hãy mở cặp ra, đặt lên bàn đống thư mục này và bảo rằng Texas Sun sắp đăng tất cả số tư liệu hiện có kèm theo lời bình luận. Tôi đã tưởng tượng ra khuôn mặt của những anh chàng Ai-Len[18] ấy như thế nào rồi. - Hatter cười ha hả.
Tôi với Bolte không thấy buồn cười. Chúng tôi gặng ra cười. Hatter lau nước mắt và dặn dò tiếp viên đại diện toàn quyền của mình.
- Rồi sau, nếu như người ta chưa giết anh ngay, Arthur ạ, thì anh hãy trình bày cho O'Donnell hoặc ai đó những điều kiện để những tư liệu có sức mạnh đáng sợ này khỏi bung ra, tức là khỏi xuất hiện trên trang báo chúng ta. Những điều kiện này như sau.
Và nhanh như thể đã chuẩn bị sẵn từ lâu lắm rồi, Hatter bắt đầu áp đặt ý mình cho Nhà Trắng:
- Một là, phải chôn ngay dư luận mà êkíp Kennedy đang chuẩn bị về việc bãi bỏ sự giảm thuế dầu lửa.
Thứ hai. Hãng "Hatter Industries" phải chiếm vị trí xứng đáng trong đội ngũ những người giao hàng quân sự cho Lầu Năm góc.
Thứ ba. Máy bay "Tiên tri" của chúng ta đã bị các tướng lĩnh không quân đỏng đảnh bác bỏ, phải được chấp nhận cho việc vũ trang.
Thứ tư. Cuộc chiến tranh ngầm ở Việt Nam dần dần phải trở thành công khai.
Thứ năm. Chúng tôi còn muốn đứa con cưng của Tổng thống, lực lượng đặc biệt đang diện mũ nồi xanh, đánh tan du kích Việt Cộng bằng vũ khí do các nhà máy chúng tôi sản xuất.
... Thứ bảy... Thôi, giai đoạn đầu thế cũng đủ rồi. Còn thêm mắm muối gì khi trình bày là việc của anh. Sáu điều kiện cũng đủ rồi. Anh hiểu tôi chưa, Arthur?
- Thế thưa ông Harold, ông suy nghĩ đã lâu về chiến dịch này?
- Cần bao nhiêu thì lâu bấy nhiêu.
- Tôi sợ rằng ông đã có ít thì giờ quá.
- Anh băn khoăn cái gì?
- Không phải băn khoăn, mà là lo ngại.
- Gì vậy?
- Cái hành động mà ông nghĩ ra đến chính ông cũng không thể tự thực hiện được, ông Harold ạ. Ông sẽ không chịu đựng nổi đâu. Ông có không ít kẻ thù ở Boston, Cleveland, Chicago, New York. Sau khi chúng ta tố cáo sự việc ra thì từ khắp mọi phía chúng nó sẽ vào hùa chống lại ta. Và chúng ta sẽ mất hẳn về lâu dài mọi đơn đặt hàng của Lầu Năm góc. Không bao giờ lại đi chặt cành cây mà anh đang ngồi. Những kẻ mà chúng ta chỉ tay day trán sẽ tìm cách trị chúng ta mạnh nhất.
- Arthur ạ, anh lúc nào cũng thông minh, nhìn xa, cẩn thận, biết lường trước, anh trải rơm ở những nơi dù chỉ có chút xíu nguy cơ bị vấp. Quả như câu danh bất hư truyền. Nhưng lần này... lần này anh chưa hiểu hết nước đi của tôi. Vấn đề là tôi không đời nào lại công bố những tài liệu này. Tôi chỉ muốn một điều: với chỗ giấy má này, sẽ giành lại của Nhà Trắng những vị trí của mình. Tôi không hề thích thú gì, xin nhắc lại, không hề, với cuộc chiến tranh ngầm ở Việt Nam mà Kennedy khởi xướng, bị thủ tiêu hay dù chỉ bị dập bớt chút ít. Nếu nói thẳng thừng ra thì tôi rất vừa lòng với tất cả những gì Nhà Trắng định làm ở Việt Nam. Tôi chỉ không thích mỗi một điều là người ta chèn ép tôi với tư cách là người cung cấp vũ khí và nhiên liệu. Tôi nhắc với anh và cả với tôi nữa: những vùng ven biển Nam Việt Nam nhiều dầu lửa khủng khiếp. Hãy còn ít kẻ biết điều đó. Nhưng tôi đã tiêu nhiều tiền vào việc thăm dò lòng đất Việt Nam. Nếu chúng ta thắng ở Đông Nam á, thì trong nhiều năm nữa chúng ta sẽ là cường quốc giầu lửa số 1. Và cũng không chỉ có dầu lửa. ở Việt Nam còn có cao su, thiếc, chì, những quặng quý. Nhưng cái chính là dầu lửa. Một đại dương dầu lửa[19]. Tôi hy vọng rằng bây giờ thì anh đã hiểu tôi, Arthur ạ.
- Vâng, tôi đã hiểu, thưa ông Harold. Nhưng dẫu sao tôi vẫn có những ý kiến phản đối xác đáng. Khi Nhà Trắng hay biết những dự định của chúng ta, tức là những hy vọng của chúng ta vào những tài liệu này, êkíp Kennedy sẽ soi mói chúng ta và cuối cùng sẽ giáng một đòn chí tử. Ông có thể cầm chắc rằng Kennedy và êkíp của ông ta sẽ đoán ngay ra là làm ầm ĩ về những tài liệu tuyệt mật kia vào lúc này là không có lợi cho "Hatter Industries" và chúng ta sẽ không bao giờ đi xa đến mức để cho các tài liệu kia trở thành sở hữu của dân chúng. Không được coi đối phương ngu ngốc hơn mình.
- Có lẽ đúng đấy. Thật thế, một đối thủ như Kennedy không thể cho là ngốc được. Thế anh có đề nghị gì?
- Không bao giờ đi công bố những bí mật này. Cứ để tài liệu nằm trong két sắt cho đến một lúc nào đó. Có thể sẽ có lúc nào đó chúng ta sẽ cho chúng vào guồng quay. Chúng ta sẽ giành giật chỗ đứng của mình trên đời này mà không dùng đến những biện pháp cực đoan và nguy hiểm. Cuộc chiến tranh ngầm ở Việt Nam sớm hay muộn rồi cũng sẽ thành ra công khai, khi đó thì đơn đặt hàng của Lầu Năm góc sẽ dồn dập ùn lên chúng ta. Nhất định phải ùn lên.
Những kẻ giảo hoạt đốn mạt nhất cũng có lúc chân thật. Hatter đấm mạnh xuống bàn và rít lên khâm phục:
- Chà, thế mới là có đầu óc chứ, Arthur! Máy điều khiển học cũng không theo kịp. Chả lẽ anh lại không chơi poker bao giờ hay sao? Bắt đầu sang năm tôi sẽ tăng lương anh thêm một trăm nghìn đôla. Nhưng anh bạn thân mến ơi, tôi vẫn không chịu lùi bước đâu, bởi vì tôi có nước đi dự trữ vô phương chống đỡ. Hãy nghe và hành động đi. Anh hãy sao những tài liệu này. Một bản cho tôi. Bản thứ hai thì cứ cất giữ trong két sắt của tòa soạn báo Texas Sun. Nguyên bản phải trả lại cho chủ nó. Bản thứ ba là cho anh. Anh sẽ long trọng trao nó cho Nhà Trắng. Và nhân đó hãy làm một lời tuyên bố miệng: đại loại, kẻ thù chung của chúng tôi với các anh đã quẳng cho chúng tôi cái thứ giả mạo này, chúng định phá mối quan hệ tốt đẹp của chúng tôi với chính phủ và Lầu Năm góc. Nhưng chúng tôi đã đoán ra mưu đồ của chúng và coi việc báo cho bạn bè biết những âm mưu xảo quyệt của những kẻ đứng đằng sau ông Thomson là nghĩa vụ của mình. Kennedy cùng êkíp của ông ta dĩ nhiên sẽ không tin rằng chúng ta làm điều đó vô tình hãn hữu đâu. Nhưng chả có hề chi. Họ sẽ hiểu cái chính: chúng ta không định làm căng mối quan hệ với Nhà Trắng vào lúc này và họ sẽ đáp lễ chúng ta.
Bolte vỗ nhẹ tay:
- Hoan hô ông Harold! Bây giờ ông đã đi một nước đi cừ khôi. Bậc thầy vĩ đại của sự lật lọng Nicolo Machiavelli[20] đã để lại cho những kẻ kế thừa mình, bọn quyền thế của thế gian này lời di huấn sau đây:
"... Đức vua phải luôn sẵn sàng quay đầu về bất cứ hướng nào, xét theo chiều gió và chiều dao động của may mắn, và... không né khỏi cái thiện, nếu có thể được, nhưng biết dấn thân vào cái ác, nếu nó cần thiết...".
Cái thiện đối với Hatter và hạng người như lão là không thể có được, còn cái ác thì có luôn luôn hàng ngày, trong từng việc làm là điều cần thiết.
Những sự kiện tiếp theo đã chứng tỏ rằng tên chơi poker số 1 của thế giới đã không xòe ngửa hết các con bài của mình. Lão ta không bao giờ cởi mở hết lòng ngay cả đối với những người mà lão tin cậy không điều kiện, những người không tiếc sức lực và tài năng giúp cho lão làm sinh sôi nảy nở số tài sản của mình, bản thân lão không cho phép ai biết mọi điều mà lão biết.
Lão chỉ mở cho tôi với Bolte biết một phần nhỏ và không phải phần chính của những kế hoạch thâm hiểm của mình đối với Nhà Trắng.
o O o
Ba ngày sau tôi gặp lại, và đây là lần cuối cùng tôi gặp ông Thomson. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi và nghiêm túc. Tôi trả lại anh ta đầy đủ các bản sao và tuyên bố là tiếc thay, do những nguyên nhân không phụ thuộc vào chúng tôi mà chúng tôi không thể đăng những tài liệu mật. Anh ta vừa đứng, vừa nghe tôi nói. Mặt anh ta trắng, c on mắt thì buồn cũng như trong lần gặp đầu tiên.
- Tôi đã biết mà, - anh nói. - Không phải lúc. Quả chưa thật chín. Thôi vậy, tôi sẽ đợi lúc tốt đẹp. - Và không chìa tay vĩnh biệt, anh quay thẳng ra cửa.
Vài ngày sau nữa tôi đọc thấy trong báo "Giov" Boston rằng Thomson, giáo sư trường Đại học Tổng hợp Harvard, cộng tác viên của trung tâm nghiên cứu các quan hệ quốc tế, đã bị những kẻ lạ mặt giết ngay trên giường của mình, và căn hộ của ông đã bị cướp sạch trơn. Hung thủ và bọn cướp trong những trường hợp như vậy đều không tìm được.
Và tôi cũng không biết kẻ nào đã thủ tiêu Thomson. Đối với cả FBI, cả CIA, cả Nhà Trắng, và với cả đế chế "Hatter Industries", anh đều nguy hiểm như nhau. Có thể bọn này hoặc bọn kia, hoặc bọn thứ ba, hoặc bọn thứ tư đã giết anh.
Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình - Alexsandr Avdeenko Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình