Love appears in moments, how long can I hold a moment, as my moment fades, I yearn to catch sight or sound of you, to feel the surging of my heart erupt into joyous sounds of laughter.

Chris Watson

 
 
 
 
 
Tác giả: Aldous Huxley
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Brave New World
Dịch giả: Hiếu Tân
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 116
Cập nhật: 2023-07-16 17:10:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
oster bị bỏ lại Phòng Gạn. GĐLÂ và các sinh viên của ông bước vào chiếc thang máy gần nhất để lên Tầng năm.
Một tấm bảng ghi rõ:
KHU CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH. PHÒNG TẠO PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN THEO PHƯƠNG PHÁP PAVLOV 1 MỚI
Giám đốc mở một cánh cửa. Họ đi vào phòng trống rộng rãi, đầy ánh sáng mặt trời; vì toàn bộ bức tường hướng nam là cửa sổ. Nửa tá nữ y tá, trong những bộ đồng phục trắng bằng sợi hóa học, tóc được giấu kín trong những chiếc mũ trắng tiệt trùng, đang bận rộn sắp đặt những chậu hoa hồng nhỏ thành một hàng ngang qua sàn nhà. Những chậu lớn trổ hoa dày đặc. Hàng nghìn cánh hoa nở bung, và mượt mà như nhung lụa, giống như gò má của vô số tiểu thiên sứ, trong ánh sáng rực rỡ này, rõ ràng không chỉ đỏ rực một màu của người Aryan, mà còn của người Trung Hoa và Mexico, cũng đỏ bừng với quá nhiều hoa nở như những loa kèn trumpet trên thiên giới, cũng xám ngoét như chết, nhợt nhạt như màu trắng cẩm thạch sau khi chết.
Các nữ y tá căng cứng người chú ý khi GĐLÂ bước vào.
“Sắp xếp sách” – ông ta nói cộc lốc.
Các nữ y tá lặng lẽ tuân lệnh ông ta. Giữa những chậu hoa hồng, các quyển sách được sắp xếp tề chỉnh – một hàng sách khổ bốn dành cho trẻ nhỏ được mở ra mời mọc, trong mỗi cuốn có các hình cá, chim, thú tô màu rực rỡ.
“Bây giờ đưa trẻ con vào.”
Họ hối hả ra khỏi phòng và một hai phút sau trở lại, mỗi người đẩy một kiểu xe đẩy ở nhà hàng, mỗi chiếc bốn ngăn bọc lưới dây thép, chất đầy những trẻ sơ sinh tám tháng tuổi, giống nhau như đúc (rõ ràng là một Nhóm Bokanovsky) và tất cả đều mặc kaki (vì đẳng cấp của chúng là Delta).
“Đặt chúng xuống sàn.”
Những đứa trẻ được dỡ xuống.
“Bây giờ lật chúng đi để chúng có thể thấy hoa và sách.”
Được lật, những đứa trẻ ngay lập tức rơi vào im lặng, rồi bắt đầu bi bô về những cụm màu ấy, những hình dáng thật vui tươi và rực rỡ trên những trang giấy trắng. Khi chúng đến gần, mặt trời vừa ló ra khỏi một đám mây che. Những đóa hoa hồng cháy rực lên như thể có một niềm đam mê đột ngột từ bên trong, một ý nghĩa mới mẻ và sâu sắc dường như tràn ra những trang sách sáng ngời. Từ những hàng trẻ bi bô vang lên những tiếng kêu ré kích động, những tiếng ríu rít và líu lo thích thú.
Giám đốc xoa tay. “Tuyệt!” – ông ta nói – “Hầu như tất cả được thực hiện theo mục đích”.
Những đứa trẻ bò nhanh nhất đã đến mục tiêu của chúng. Những bàn tay nhỏ xíu thò ra một cách rụt rè sờ, nắm, bứt cánh hoa của những bông hồng được tô điểm, vò nhàu những trang sách màu mè rực rỡ. Giám đốc chờ đến khi tất cả đang bận rộn một cách thích thú. Rồi, ông ta nói – “Theo dõi cẩn thận” – và ông giơ bàn tay lên làm hiệu.
Y tá trưởng lúc này đang đứng cạnh bảng điều khiển điện ở góc phòng bên kia, ấn một cái cần xuống. Một tiếng nổ dữ dội. Tiếng còi rú lên, càng lúc càng đinh tai nhức óc. Những quả chuông báo động réo điên cuồng.
Bọn trẻ con bắt đầu la hét, mặt chúng rúm ró vì sợ hãi.
“Và bây giờ” – Giám đốc thét lên (vì tiếng ồn điếc tai) – “bây giờ chúng ta tiến đến nhồi bài học bằng một sốc điện nhẹ”.
Ông ta lại vẫy tay, và Y tá trưởng ấn chiếc cần thứ hai. Tiếng la hét của lũ trẻ bỗng nhiên đổi giọng. Có một cái gì dữ dội, gần như điên cuồng trong những tiếng the thé từng lúc vang lên chói gắt mà lúc này lũ trẻ phát ra. Những thân thể bé nhỏ co giật và căng cứng, chân tay chúng từng lúc lại chuyển động giật cục như bị kéo bởi những sợi dây vô hình.
“Chúng tôi có thể cho nhiễm điện cả một dải sàn nhà” – Giám đốc nói oang oang để giải thích – “Nhưng thế đủ rồi” – ông ta ra hiệu cho y tá.
Những tiếng nổ dừng lại, chuông thôi reo, tiếng còi lịm dần rồi tắt hẳn. Những thân thể đang quằn quại co giật được thư giãn, và những gì vừa như nức nở và the thé của cơn điên trẻ con một lần nữa mở rộng ra thành tiếng gào khiếp hãi thông thường.
“Lại cho chúng hoa và sách đi.”
Các nữ y tá vâng lời; nhưng vừa tới gần những bông hoa hồng, vừa nhìn thấy những hình ảnh sặc sỡ vui mắt của mèo và gà trống và những con cừu đen kêu be be, lũ trẻ con đã co rúm sợ hãi, âm lượng tiếng rú của chúng tăng đột ngột.
“Hãy quan sát” – Giám đốc nói vẻ đắc thắng – “quan sát đi”.
Những quyển sách và những tiếng ồn, những bông hoa và những cú điện giật, từng cặp này được kết nối với nhau trong trí óc bọn trẻ và sau hai trăm lần lặp lại của cùng bài học này hay tương tự, sẽ được gắn với nhau không thể tách rời ra được. Những gì mà con người đã gắn lại với nhau thì tự nhiên bất lực không thể tách rời ra.
“Chúng sẽ lớn lên với cái mà các nhà tâm lý học thường gọi là bản năng ghét sách và hoa” – Giám đốc quay sang các y tá của ông – “Đưa chúng đi”.
Vẫn còn la hét, những trẻ sơ sinh mặc kaki được chất trở lại những xe đẩy và được đẩy ra ngoài, để lại sau chúng mùi sữa chua và sự im lặng được hoan nghênh nhất.
Một trong các sinh viên giơ tay; và mặc dầu cậu ta đã thấy rõ tại sao không nên để cho những người thuộc đẳng cấp thấp lãng phí thời gian của Cộng đồng vào sách vở, và rằng luôn có nguy cơ là việc đọc một cái gì đó có thể làm mất đi một cách không mong muốn một trong những phản xạ có điều kiện đã được lập… Tuy nhiên, vâng, cậu ta không hiểu về những bông hoa. Tại sao lại rắc rối làm cho những Delta, về mặt tâm lý không thể thích những bông hoa?
GĐLÂ kiên nhẫn giải thích. Nếu bọn trẻ được làm cho la hét khi nhìn thấy những bông hoa, đó là trên cơ sở một chính sách kinh tế cao kiến. Cách đây không lâu lắm (khoảng một thế kỷ gì đó), những Gamma, Delta, thậm chí cả Epsilon, được đào luyện (lập phản xạ có điều kiện) cho thích hoa, hoa nói riêng và thiên nhiên hoang dã nói chung. Ý tưởng này là để chúng muốn đi về nông thôn vào bất kỳ dịp nào có được, và như vậy bắt buộc chúng phải sử dụng giao thông.
“Và chúng không sử dụng giao thông hay sao?”
“Nhiều lắm” – GĐLÂ trả lời – “Nhưng ngoài ra không còn gì nữa”.
Những bông hoa anh thảo và phong cảnh, ông chỉ ra, có một khuyết điểm nặng nề: Chúng không mất tiền mua. Tình yêu thiên nhiên không ích lợi cho việc vận hành nhà máy. Người ta đã quyết định loại bỏ tình yêu thiên nhiên ở các giai cấp thấp kém bằng bất cứ giá nào; loại bỏ tình yêu thiên nhiên nhưng không loại bỏ nhu cầu sử dụng giao thông.
Và tất nhiên điều quan trọng là họ vẫn đi về nông thôn mặc dù họ ghét nó. Vấn đề là tìm ra được một lý do hợp lý về mặt kinh tế để sử dụng giao thông hơn là chỉ mê say hoa anh thảo và phong cảnh. Nó đã được tìm ra đúng lúc.
“Chúng tôi lập phản xạ cho quần chúng ghét nông thôn” – Giám đốc kết luận.
“Nhưng đồng thời chúng tôi đào luyện cho chúng yêu tất cả những môn thể thao nông thôn. Đồng thời, những môn thể thao nông thôn ấy phải sử dụng những thiết bị máy móc tinh vi. Do đó họ tiêu dùng những mặt hàng công nghệ cùng với thể thao. Vì thế mà có những sốc điện ấy.”
“Em hiểu” – cậu sinh viên nói, rồi im lặng, chìm vào ngưỡng mộ.
Sau hồi im lặng, rồi, hắng giọng – “Ngày xửa ngày xưa” – Giám đốc bắt đầu – “khi ngài Ford của chúng ta còn tại thế, có một cậu bé tên là Reuben Rabinovitch. Reuben là con của một cặp cha mẹ nói tiếng Ba Lan”.
Giám đốc tự ngừng. “Các cậu có biết tiếng Ba Lan là gì không?”
“Một tử ngữ.”
“Giống như tiếng Pháp và tiếng Đức” – một sinh viên khác lanh chanh xen vào, khoe kiến thức của mình.
“Còn các cha mẹ?” – Giám đốc chất vấn.
Một sự im lặng nặng nề. Nhiều cậu đỏ mặt. Họ chưa biết cách rút ra sự khác biệt rất tế nhị giữa khoa học nhơ nhớp với khoa học thanh cao. Cuối cùng, một cậu có can đảm giơ tay:
“Những con người thường…” – Cậu ngập ngừng, máu ran trên gò má – “Ờ... họ thường là giống sinh con đẻ cái”.
“Hoàn toàn đúng” – Giám đốc gật đầu đồng ý.
“Và khi những trẻ sơ sinh kia được gạn…”
“Đẻ” – một giọng chữa lại.
“À, khi đó họ là những cha mẹ – ý tôi muốn nói, không phải những trẻ sơ sinh đó, tất nhiên; những người khác”. Cậu bé tội nghiệp cực kỳ bối rối.
“Nói tóm lại” – Giám đốc tóm tắt – “Các cha mẹ là những người bố và những người mẹ”. Cái bậy bạ thật sự là khoa học rơi đánh sầm xuống sự im lặng ngượng ngùng của lũ sinh viên.
“Người mẹ” – ông ta cứ liên tục va đập ầm ĩ vào cái khoa học này – “Đây là những sự thật khó chịu; tôi biết. Nhưng như vậy phần lớn các sự thật lịch sử đều khó chịu”.
Ông ta quay lại Bé Reuben – “Trong phòng của nó, một buổi tối, do sơ suất, bố và mẹ nó (xoảng, xoảng!) để quên không tắt radio.
(Vì các cậu phải nhớ rằng trong thời sản-xuất-lớn sinh-đẻ ấy, trẻ con do cha mẹ nuôi dạy chứ không do các Trung tâm Đào luyện 2 Quốc gia nuôi dạy.)
Trong khi đứa bé đang ngủ, một chương trình phát thanh từ London thình lình bắt đầu phát, và sáng hôm sau, trước sự ngạc nhiên của xoảng, xoảng (mấy cậu táo bạo hơn còn dám toét miệng cười với nhau), Bé Reuben tỉnh dậy nhắc lại từng lời một bài phát biểu dài của nhà văn già ham hiểu biết George Bernard Shaw (một trong số rất ít người mà sách của họ được phép đến tay chúng ta), người đang nói được xác nhận là tốt theo kiểu truyền thống, về tài năng của chính ông. Bài nói chuyện này tất nhiên hoàn toàn không thể hiểu được, và theo nụ cười khảy và cái nháy mắt của Bé Reuben, cha mẹ tưởng rằng con họ bỗng nhiên phát điên, họ cho mời bác sĩ. Ông (bác sĩ này) may sao lại biết tiếng Anh, nhận ra bài phát biểu của Shaw được phát trên đài tối hôm trước, nhận thấy chuyện gì đang xảy ra, và gửi một bức thư cho báo chí về sự kiện này. Nguyên tắc Hypnopaedia, tức là dạy học trong khi ngủ, đã được phát hiện”. GĐLÂ ngưng lại một cách đầy ý nghĩa.
Nguyên tắc đó đã được phát hiện, nhưng nhiều năm trôi qua rồi mới đến lúc nó được áp dụng có hiệu quả.
“Trường hợp Bé Reuben chỉ xảy ra 23 năm sau khi Mẫu-T đầu tiên của Ford được tung ra thị trường” – Đến đây Giám đốc làm dấu một chữ T trên bụng ông, và tất cả sinh viên cung kính làm theo – “Tuy nhiên...”
Các sinh viên hăm hở ngoáy bút lia lịa. “… Hypnopaedia được chính thức sử dụng lần đầu tiên trong A.F.214. Tại sao không sớm hơn? Có hai lý do, (a)…”
“Những người làm thí nghiệm lúc đầu ấy đã mắc sai lầm” – GĐLÂ nói – “Họ nghĩ rằng có thể dùng Hypnopaedia như một công cụ giáo dục trí tuệ...”
(Một cậu bé nằm ngủ nghiêng bên phải, cánh tay phải của nó thò ra, bàn tay phải thõng ra ngoài mép giường. Qua lưới tròn ở mặt bên một chiếc hộp, giọng nói êm dịu phát ra. “Sông Nile là con sông dài nhất châu Phi và đứng thứ hai về độ dài của các con sông trên toàn thế giới. Mặc dầu không dài bằng sông Mississippi – Missouri, sông Nile đứng đầu tất cả các sông về chiều dài lưu vực của nó, trải trên 35 vĩ độ…”)
Vào giờ ăn sáng hôm sau, có ai đó hỏi:
“Tommy, em có biết sông nào dài nhất châu Phi không?”
Lắc đầu.
“Nhưng em không nhớ một cái gì như thế này à: Sông Nile là...”
“Sông-Nile-là-con-sông-dài-nhất-châu-Phi-và-đứng-thứ-hai-về-độ-dài-của-các-con-sông-trên-toàn-thế-giới” – Các từ tới tấp tuôn ra – “mặc-dầu-không-dài-bằng...”
“Thôi được rồi, sông nào dài nhất châu Phi?”
Đôi mắt trống rỗng nhìn. “Em không biết.”
“Kìa Tommy, nó là sông Nile mà.”
“Sông-Nile-là-con-sông-dài-nhất-châu-Phi-và-đứng-thứ-hai…”
“Thế sông nào dài nhất, Tommy?”
Tommy bật khóc. Nó gào lên: “Em không biết”.
Tiếng gào ấy, Giám đốc giảng giải, đã làm nản lòng các nhà nghiên cứu ban đầu. Những thí nghiệm bị bãi bỏ. Người ta không tiếp tục cố gắng dạy trẻ em chiều dài của sông Nile trong giấc ngủ nữa. Hoàn toàn đúng. Anh không thể học khoa học trừ phi anh biết nó là cái gì.
“Tuy nhiên, nếu họ chỉ bắt đầu giáo dục đạo đức” – Giám đốc vừa nói vừa bước ra phía cửa. Lũ sinh viên đi theo ông ta, vừa đi vừa hốt hoảng ghi chép lia lịa, ngay cả khi ở trong thang máy.
“Giáo dục đạo đức, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng không nên là hợp lý.”
“Trật tự, trật tự” – tiếng loa thì thầm nhắc khi họ bước ra Tầng mười bốn, và – “Trật tự, trật tự” – những cái mồm như cái loa nhắc lại không biết mỏi mệt, mỗi lúc qua từng hành lang. Các sinh viên và ngay cả bản thân Giám đốc cũng tự động đi nhón chân. Họ là những Alpha, tất nhiên, nhưng ngay cả các Alpha cũng đã bị điều kiện hóa. Không khí trên cả tầng thứ mười bốn này đều âm vang mệnh lệnh tuyệt đối này.
50 yard 3 bước rón rén, họ đến trước một cánh cửa, Giám đốc cẩn thận mở ra. Họ bước qua ngưỡng cửa, vào vùng ánh sáng lờ mờ của căn phòng ngủ có cửa chớp. Tám chục giường cũi đứng thành một hàng dọc theo tường. Tiếng thở đều nhè nhẹ và tiếng rì rầm liên tục của giọng nói thì thầm mờ nhạt từ xa.
Một nữ y tá đứng dậy khi họ bước vào và đến trước mặt Giám đốc.
“Hôm nay học bài gì?” – ông hỏi.
“Trong 40 phút đầu chúng tôi có Giới tính Sơ đẳng” – cô ta trả lời – “Còn bây giờ chuyển sang Lớp Sơ cấp về
Ý thức”.
Giám đốc bước dọc theo dãy giường cũi. Hồng hào và thư thái trong giấc ngủ, tám chục bé trai và bé gái nằm thở êm dịu. Có tiếng thì thầm dưới mỗi chiếc gối. GĐLÂ tạm dừng bước, cúi xuống một trong những chiếc giường bé xíu, chăm chú nghe.
“Cô nói là Lớp Sơ cấp về Ý thức hả? Cho ống nghe to thêm tí nữa.”
Cuối phòng có một chiếc loa nhô ra khỏi tường. Giám đốc bước đến và ấn công tắc.
“... Tất cả chúng mặc đồ xanh lá cây” – một giọng êm nhưng rất rõ vang lên và đang ở giữa một câu – “và các trẻ em Delta mặc kaki. Ôi không, tôi không muốn chơi với trẻ Delta. Và những Epsilon còn tệ hơn. Chúng quá ngu ngốc nên không biết đọc biết viết. Ngoài ra, chúng bận đồ đen, một màu sắc đáng tởm như thế. Tôi vui sướng được là một Beta”.
Nghỉ một chút, rồi giọng nói bắt đầu lại.
“Trẻ em Alpha mặc đồ xám. Họ làm việc chăm hơn chúng tôi, vì họ thông minh kinh khủng. Tôi thật sự hết sức vui thích là một Beta, vì tôi không phải làm việc căng đến thế. Và rồi chúng tôi tốt hơn nhiều những Gamma và Delta. Gamma thì ngu ngốc. Tất cả chúng mặc đồ xanh lá cây. Và các trẻ em Delta mặc kaki. Ôi không, tôi không muốn chơi với trẻ Delta. Và những Epsilon còn tệ hơn. Chúng quá ngu ngốc nên không biết…”
Giám đốc ấn lại công tắc. Giọng nói đó im bặt. Chỉ còn bóng ma mỏng manh tiếp tục rì rầm từ bên dưới 80 chiếc gối.
“Họ sẽ cho nhắc lại 40 đến 50 lần nữa trước khi chúng thức dậy; sau đó lặp lại vào Thứ năm, và lần nữa vào Thứ bảy. 120 lần mỗi tuần trong 30 tháng. Sau đó chúng chuyển sang bài học cao hơn.”
Hoa hồng và điện giật, màu kaki của những Delta và một mùi a-ngụy (asafcetida) không tan trước khi đứa trẻ biết nói. Nhưng huấn luyện không lời chỉ là thô sơ và đại trà, không thể đem đến những phân biệt tinh tế hơn, không thể tính toán những chiều hướng phức tạp hơn của hành vi. Để làm điều đó phải có lời nói, nhưng lời nói không lý trí. Nói ngắn gọn, Hypnopaedia, học trong lúc ngủ.
“Sức mạnh đạo đức hóa và xã hội hóa lớn nhất mọi thời đại.”
Các sinh viên ghi điều ấy vào vở. Trực tiếp từ nguồn đáng tin cậy này.
Giám đốc lại ấn công tắc lần nữa.
“... Thông minh kinh khủng” – giọng mềm mượt, không mỏi mệt cất lên – “Tôi thật sự hết sức vui thích là một Beta, vì…”
Không giống lắm với những giọt nước, mặc dù nước thật sự có thể xói mòn thành những lỗ trên đá granite cứng nhất, những giọt xi lỏng, những giọt có thể dính vào, khảm vào, hợp nhất với những gì chúng rơi vào, đến cuối cùng cả tảng đá là một giọt màu đỏ.
“Đến cuối cùng trí óc của đứa trẻ là chính những ám thị ấy, và toàn bộ những ám thị ấy là trí óc của đứa trẻ. Và không phải chỉ của đứa trẻ mà thôi. Cả trí óc của người lớn nữa, trong suốt cuộc đời họ. Trí óc phán xét, ham muốn và quyết định đều từ những ám thị này. Nhưng tất cả những ám thị ấy là những gợi ý của chúng tôi!” – Giám đốc gần như hét lên đắc thắng – “Những gợi ý từ Nhà nước” – ông ta đập mạnh lên chiếc bàn gần nhất – “Do đó suy ra...”
Một tiếng ồn làm ông nhìn quanh.
“Ôi, Ford ơi! 4 ” – ông ta đổi giọng – “Tôi đã đánh thức bọn trẻ mất rồi”.
--------------------------------
1
Ivan Petrovich Pavlov (1849 – 1936): nhà sinh lý học người Nga, giải thưởng Nobel 1904, người tìm ra định luật “phản xạ có điều kiện” (cổ điển). (ND)
2
Nguyên văn: “State Conditioning Centres”. Conditioning [trong sách này dịch một cách quy ước là “đào luyện”, tiếng Nga: воспитательные – giáo dục] là tạo phản xạ có điểu kiện nhằm huấn luyện (người hoặc thú) theo những mục đích nhất định. (ND)
3
Yard: thước Anh (= 0,914 mét). (BT)
4
Thay vì “Chúa ơi!”. Trong sách này những chỗ kêu tên Ford tức là kêu Chúa. Henry Ford (1863 – 1947), nhà công nghiệp Mỹ, sáng lập Hãng Ô tô Ford, bảo trợ phương pháp dây chuyền lắp ráp trong sản xuất hàng loạt. Trong “Thế giới mới tươi đẹp”, sản xuất con người và tổ chức xã hội được thực hiện theo dây chuyền. (ND)
Thế Giới Mới Tươi Đẹp Thế Giới Mới Tươi Đẹp - Aldous Huxley Thế Giới Mới Tươi Đẹp