Số lần đọc/download: 2057 / 42
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:31 +0700
Chương 3
C
hẳng mấy đỗi, đã tới Giáng Sinh 1950. Thị xã đón mừng Chúa xuống trần gian cứu rỗi nhân loại long trọng lắm. Nhà theo đạo treo cờ Thiên Chúa giáo khắp các phố. Nhà ngoại đạo cắm cờ vàng ba sọc đỏ, theo lệnh của linh mục Nguyễn Văn Chỉnh. Đã ba năm nay, ít được nghe hồi chuông ấm áp tình người như muốn dìu trái tim đau khổ vào cõi thiên đàng cực lạc; ít được nghe tiếng kinh thổn thức linh hồn, cơ hồ trách móc chiến tranh gây nên bao cảnh đổ vỡ, chết chóc. Dân ngoại đạo giống dân nội đạo, cùng một ý nghĩ, tưởng mình gần Chúa. Thời loạn ly, con người không biết tin ai, đành tin ở Chúa, ở Phật, ở thánh thần. Tôn giáo làm con người tín ngưỡng nồng thắm. Nhiều lúc đến độ mê tín, dị đoan. Thì thôi, đành bỏ qua cho con người sống giữa thời chinh chiến. Chỉ còn nỗi đó mới bớt sầu thảm mà tin đời sẽ sáng lạn.
Thái Bình đã tiêu thổ trơ trụi, dân chúng hồi cư trên đống gạch ngói hoang tàn. Chúa thừa biết Thái Bình, một tỉnh lỵ oan nghiệt và không được cách mạng yêu thương. Dân thị xã đã khóc than đập phá nhà gạch ngói, tản cư, lại than khóc xây dựng nhà mái tranh, hồi cư. Hai hàng cây hồi phố chính, nơi bao nhiêu kỷ niệm leo lên, những ngọn dao thô bạo đã chặt ngã hết rồi. Thái Bình nhiều đau đớn vô cùng. Nhật chủ mưu cuộc chết đói lịch sử, năm Ất Dậu. Thái Bình giầu nhất miền Bắc, kho lúa của Liên khu 3, chết đói nhiều vào hạng nhất. Gần ba mươi vạn người. Con số chết bom nguyên tử, ở Hiroshima và Nagasaki, chưa bằng Thái Bình chết đói. Năm nào Mỹ cũng thả những vòng hoa ăn năn tội lỗi xuống an ủi kẻ chết. Nhật có nghĩ tới Thái Bình không nhỉ? Người cố tình không thèm hiểu người, thì Chúa hiểu người và thương người. Cho nên, năm nay, dân thị xã trông chờ ngày 24 tháng 12 hơn cả đại hạn trông mưa.
Hãy xem anh em nhà thằng Khoa ngoại đạo chuẩn bị đón Giáng Sinh. Khoa làm cái máng cỏ cho hai đứa em gái. Thoạt tiên, Khoa lấy miếng các tông tạo ra cái nền máng cỏ. Nó dán hai ba chiếc bìa mầu vào nhau, bóp nát, gắn lên miếng các tông. Thế là có nơi Chúa xuống trần gian, dơn giản hơn ở hang Bê lem. Nó cắt giấy trắng nhỏ như chỉ, giả vờ cỏ, rải đầy trong và ngoài hang lừa. Khoa đến chợ Vọng Cung mua tượng Chúa sơ sinh có Mẹ Maria và thánh Joseph đứng cạnh. Quanh máng cỏ, mấy chú mục tử chăn mấy con lừa và đàn cừu. Xa xa, ba ông vua Đông phương tới chúc mừng. Xong xuôi, anh em nhà thằng Khoa xúm nhau khen rối rít. Chúng nó hát bài Đêm đông tập từ tuần trước. Khoa đệm ác mô ni ca:
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời
nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Bê lem
ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung
tiếng hát thiên thần vang lừng
Đàn hát
Xướng ca
Đây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta
Người hỡi
Đến xem
Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn
Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần
Người đem ơn phước xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang Bê lem thiên thần xướng ca
Thiên Chúa vinh danh chúng dân an hòa
Ca khúc dứt, Khoa nói:
- Đêm nay, nghe bài này từ nhà thờ vọng lại mới cảm động. Của ông linh mục Hải Linh đấy. Ông ấy bảo Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn, còn bẩn thỉu hơn cái máng cỏ của anh em chúng mình.
Tú tiếc rẻ:
- Chỉ thiếu đèn nhấp nháy quanh máng cỏ.
Khoa vỗ vai em:
- Điện chẳng có, nói chi đèn! 1950 năm về trước, Chúa sinh ra trong máng cỏ ỏ Bê lem, nghèo nàn, bệ rạc, không có lấy một ngọn đèn dầu. Bây giờ, người ta chế ra những cái máng cỏ sang trọng, đèn nhấp nháy thật tinh vi, máng cỏ giấy bạc, tượng Chúa tuyệt đẹp... Anh nghĩ rằng, Chúa không vào nơi sang trọng đâu, Chúa chỉ vào những nơi nghèo hèn. Như mang cỏ của anh em mình.
Mai hỏi:
- Anh có chắc Chúa đến nhà mình không?
Khoa gật đầu:
- Chắc chứ.
Tú đề nghị:
- Thế thì anh đừng thắp đèn trong máng cỏ nữa.
Khoa lắc tay:
- Không, anh phải thắp đĩa dầu lạc bé nhỏ. Ngọn bấc sẽ cháy thiêng liêng lắm đây. Chúa vui, thấy nhà người ngoại đạo đón mừng Chúa. Và, Chúa sẽ nhìn rõ làng Tường An, thị xã Thái Bình, tỉnh lỵ Thái Bình chìm lấp trong chiến tranh, tiêu thổ kháng chiến nheo nhóc đến dường nào. Chúa sẽ nhìn ra anh Vũ, anh Côn, anh Vọng đang rét mướt ngoài chiến trường, cầm súng đuổi thực dân...
Tú và Mai ngồi im nghe Khoa nói, mắt đầy ngấn lệ. Như thánh Matthieu kể tích Chúa đọc Bài giảng trên Núi, Khoa cũng kể tích Chúa yêu trẻ thơ, anh Luyến đã nói với nó.
- Hãy để trẻ thơ đến cùng ta, vì nước Thiên Đàng gồm những người như thế. Chúa dạy: Nước Thiên Đàng, nước của Chúa, toàn những tuổi thơ và những người lớn tâm hồn còn trong vắt như tuổi thơ. Những người không tươi sáng, giản dị, đôn hậu và thừa tình yêu thương không được lên nước Thiên Đàng. Chúa dạy; Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu được vào nước trên Trời. Vậy thì, những người lớn độc ác, gian dối chỉ được sống ở trần gian, chờ chết, xuống Địa Ngục đền tội với Satan. Chúa giáng sinh để cứu rỗi loài người sống trong chiến tranh khổ quá, đâm ra độc ác, gian dối để được sung sướng. Chúa dạy: Hãy vào ngõ hẹp, vì ngõ rộng và đường lớn dẫn đến sự hư nát, kẻ vào đó thì nhiều. Song ngõ hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ tìm được thì ít. Những người độc ác, gian dối, háo danh lợi, địa vị, bổng lộc đều đi trên con đường rộng thênh thang...
Khoa không hiểu đã nói những gì, em nó cứ lắng tai nghe. Khoa cười, sung sướng.
- Anh đã nói gì thế?
Em nó trả lời:
- Đọc kinh Chúa!
Khoa bối rối:
- Đọc Thánh Kinh à? Anh có đi đạo bao giờ đâu? Có em nào còn nhớ và hiểu gì không?
Mai ngây thơ:
- Chẳng nhớ nổi câu nào, chẳng hiểu ý nghĩa ra sao!
Khao vờ vẫn:
- À, hôm nay nhằm ngày Giáng Sinh, Chúa cảm động thấy anh làm cái máng cỏ, ban ân sủng cho anh được giảng lời Chúa với các em đấy mà!
Nó rẽ nhanh sang chuyện Giáng Sinh:
- Anh Luyến đọc sách nhiều lắm. Anh ấy nói với anh, chỉ có hai chữ Giáng Sinh tả cảnh Chúa xuống trần gian cứu rỗi loài người mới tuyệt hay, các em ạ! Người Pháp thì Noel, bánh cũng Noel, cây cũng Noel, ông già cũng Noel. Người Anh thì Christmas. Noel và Christmas là cái gì? Giáng Sinh là nhất. Tối nay, anh và anh Luyến đi xem lễ ở nhà thờ.
Vừa khi ấy, cha mẹ anh em thằng Khoa đi cầu Kiến Xương thăm người bạn mới hồi cư về đến nhà. Mai khoe cha mẹ cái máng cỏ anh Khoa mới làm xong.
- Đẹp không, bố mẹ?
Mẹ bĩu môi:
- Ngoài chợ người ta bán thiếu gì máng cỏ! Đẹp ơi là đẹp. Sao không mua một cái, đỡ mất thì giờ và tốn tiền?
Khoa cãi:
- Cái máng cỏ của chúng con làm ra khác hẳn máng cỏ của người ta, khác hẳn máng cỏ bán ngoài chợ. Tuy nó không đẹp, nhưng Giáng Sinh là ngày thiêng liêng, chúng con làm máng cỏ chào mừng Chúa ra đời bằng hết tâm hồn chúng con, mẹ lại chê bai!
Từ hôm Khoa đi học Luyến, cha nó biết Khoa đã tiến nhanh. Nó ăn nói chững chạc và có chiều sâu. Cha nó vội vàng:
- Xin lỗi con, mẹ thương con vất vả nên nói thế. Đúng, các con làm cái máng cỏ bằng cả tấm lòng. Chúa sẽ ban phúc cho các con, cho bố mẹ, cho anh Vũ của các con.
Khoa không nói năng gì, một mình ra ngoài cửa hóng gió lạnh cuối đông. Nó đã đến nghĩa địa, định chặt một cành thông đem về gắn sao và rắc bông làm tuyết, kê sát máng cỏ. Hơi muộn, người ta đã lấy hết cành thông. Khoa chỉ muốn làm vui lòng các em thôi. Nó vào nhà, sửa soạn ăn cơm chiều.
Đến bảy giờ tối, Khoa tới nhà Luyến, rủ Luyến đi xem lễ. Vẫn limh mục Nguyễn Văn Chỉnh giảng bài Giáng Sinh. Hôm kia, linh mục Chỉnh bắt dân đạo thị xã rước kiệu Chúa và Đức Mẹ, tạ ơn Chúa, tổ chức mấy tuần trước. Linh mục Chỉnh muốn làm gì thì làm. Quyền uy của llnh mục hơn cả Chúa. Cảnh rước kiệu quanh vài con phố, người ta không bằng lòng câu viết trên băng đờ rôn: Nguyện dâng nước Việt Nam cho Chúa. Nhưng, người ta im lặng. Chả một khẩu hiệu nào khuyên chấm dứt chiến tranh. linh mục Chỉnh hân hoan ra mặt, cho rằng, lễ tạ ơn Chúa Giáng Sinh đã thành công.
Thị xã giới nghiêm bắt đầu từ 11 giờ 30 đêm. Nhà thờ phải giảng lễ lúc 8 giờ và chấm dứt lúc 10 giờ. Để giáo dân còn về ăn rê vây ông. Buổi tối, ngày Giáng Sinh, trời lạnh và không trăng sao, thiếu đèn điện soi phố nên buồn lắm. Lính Pháp ở nguyên trong đồn. Lính pác ti dăng Hổ Xám và lính Bảo Chính cũng vậy. Đúng 8 giờ, Khoa và Luyến có mặt trong nhà thờ. Người nội đạo và người ngoại đạo đến chật ních cả cửa giáo đường. Nhà thờ gần hành dinh của Pháp, được Pháp cho câu điện ngày Giáng Sinh sáng choang, rực rỡ. Linh mục Chỉnh mặc quần áo, đội mũ như Giám mục, bệ vệ, hớn hở. Trên đầu linh mục Chỉnh, Chúa bị đóng đinh, khuôn mặt sầu thảm nhìn khắp mọi người, thấu tận tim.
- Mình về thôi, đủ rồi, Khoa ạ!
Luyến chống nạng tách đám đông.
- Linh mục Chỉnh chưa giảng mà?
Luyến vẫn thong thả bước ra bên ngoài. Khoa theo sau.
- Anh ngắm mặt mũi linh mục Chỉnh một tí, thế là xong rồi.
Trên đường về, Luyến hỏi Khoa:
- Em có biết người nào buồn nhất nhân loại không?
- Không, anh ạ!
- Chúa đấy, Chúa Giê xu đấy. Người đã buồn, buồn cho đến chết. Thế mà, người ta lại vui vẻ, trong khi nỗi buồn của Người mãi không nguôi. Hình như người ta lợi dụng nỗi buồn của Chúa để vui vẻ, làm những việc trái ý Chúa. Cứ xem linh mục Chỉnh hớn hở, rõ ngay tâm địa của ông ấy. Bài giảng đêm Giáng Sinh thế nào chả có tiêu diệt cộng sản!
- Vâng, em hiểu.
- Thời Pháp đô hộ chúng ta, dân nô lệ thả cửa gọi linh mục là cố đạo. Nay, chế độ Bảo Hoàng độc lập, tự do, dân chủ, chúng ta phải gọi cố đạo là linh mục hay cha. Ai gọi cố đạo Chỉnh, ông ta bắt liền! Em nên thận trọng cách ăn nói, nghe chưa?
- Vâng.
- Anh thích nhất một bài ca Giáng Sinh, tiếng Anh. Học hết cuốn L'Anglais vivant 6è bleu, thừa sức hiểu nghĩa bài hát. Ca khúc này, do một mục sư Đức sáng tác. Chắc ông đã gặp Chúa trong đêm thánh vô cùng. Anh hát Silent night cho em nghe, nhé! Anh em mình mừng lễ Giáng Sinh.
Tiếng lọc cọc của nạng gỗ trong đêm yên lặng, Luyến vừa đi vừa hát:
Silent night, holy night
All is calm, all is bright
'Round you Virgin Mother and Child!
Holy Infant,
so tender and mild,
Sleep in heavenly peace,
sleep in heavenly
peace!
Khoa đưa tay áo, thấm nước mắt.
- Về nhà em ăn rê vây ông miến gà. Mẹ em đã nấu, bảo đảm ngon, dặn em cố mời anh.
Luyến không từ chối. Nó chống nạng đi theo Khoa...