Số lần đọc/download: 2089 / 57
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:26 +0700
Chương 3
H
enri Rivière Huệ đóng quân ở sân chùa. Ngôi chùa mới tiêu điều làm sao, chứ? Không có cửa, cũng chẳng có cổng. Tượng bụt ngổn ngang. Ông thì mất râu, bà thì mất tai. Trước và sau chùa, người ta đánh những đống rơm to tướng. Chùa chả có sư gì cả. Cột mọt ăn tứ tung. Mái nhìn thấy trời. Gà qué rủ nhau vào chơi, gáy ỏm tỏi. Bụt hết thiêng, nên gà nhẩy cả lên đầu bụt, mà mổ lia lịa. Hương khói vắng ngắt. Chùa bị dân làng bỏ phế. Thiếu cả quả chuông.
Cách đó chừng trăm thước, ngay trên đất làng Tường An, lại có một ngôi chùa thật đẹp, nhưng là chùa của làng Đại Đồng. Ngôi chùa không có tượng bụt. Dân làng Đại Đồng ít lai vãng. Thành ra ngôi chùa chỉ còn là nơi nhi đồng Đại Đồng tập đánh trống.
Bà nội Khoa bảo rằng, ngày xưa, hai ông tiên chơi chọi gà, đem chùa Tường An và chùa Đại Đồng đặt cuộc. Tiên làng nào thua, làng ấy mất chùa. Tiên Đại Đồng ăn gian, mang gà gỗ dự trận. Tiên Tường An ngay thẳng, vác gà thật chọi với gà gỗ. Chọi ba ngày liền, gà của tiên Tường An chết lăn cu lơ. Làng Tường An mất chùa, phải dọn tượng về cái vựa thóc thờ cúng tạm, chờ ngày xây chùa mới. Khi tiên Tường An biết mình bị tiên Đại Đồng gạt gẫm, chùa Tường An đã thuộc làng Đại Đồng. Ông sư, bà vãi bỏ đi kiếm chùa khác. Tiên Tường An hứa xây một ngôi chùa lớn hơn. Bao nhiêu năm ròng rã, tiên mải hạc nội mây ngàn, không thèm trở lại, và ngôi chùa tạm càng ngày càng tiêu điều. Tường An không có chùa, vì thế.
Henri Rivière Huệ đang chiếm ngôi chùa hoang phế. Bọn giặc Pháp và Việt gian canh chừng cẩn mật, đề phòng quân ta tấn công. Huệ không muốn làm một tên giặc Pháp tầm thường. Cũng như Khoa, nó sẽ đánh nhau với quân ta quyết liệt, trước giờ đầu hàng. Chọn sân chùa, là Huệ khôn lắm. Nó chỉ canh phòng ba mặt. Đằng sau chùa, có cái ao đầy đặc bèo Nhật bản, ăn thông ra con ngòi, quân của Khoa khó lòng tấn công đồn Pháp, mặt sau. Buổi chiều, Huệ đã một mình lén tới chùa, bê những ông tượng đắp thành hình tròn, trống khoảng giữa. Nó sẽ trốn trong đó, nếu hết đường tẩu thoát. Giặc Pháp hái hàng bị sung xanh, ổi xanh làm lựu đạn, chống giữ đồn. Huệ tin chắc Khoa không thể thắng nó dễ dàng. Nó chờ đợi Khoa.
Ở cầu Chờ, quân ta tập trung đông đủ. Hễ được làm quân ta đi đánh thực dân Pháp, chẳng ông nhãi nào chịu nằm nhà, nhất là những ông nhãi cứ bị làm thực dân Pháp và Việt gian, những lần chơi trận giả tại thôn mình. Trung đội trưởng Khoa, và hai mươi cảm tử quân mặc trần xì mỗi cái quần đùi. Những đứa khác, đeo lá đầy mình mẩy, trên đầu đội lá trang. Bộ đội về làng, thường mang lưu đạn hình thù giống cái chày giã cua, gọi là lựu đạn chày. Quân ta lấy đất sét, nặn lưu đạn chày. Vài ông nhãi xé lá chuối gói gio, làm tạc đạn. Đội cảm tử cầm ống đu đủ.
Khoa dõng dạc hỏi:
- Thằng nào thích noi gương anh Kim Đồng?
Nhiều cánh tay giơ lên. Khoa phê bình từng đứa:
- Thằng Quyền bị kiến lửa đốt, cũng khóc. Thằng Nhân ngã khẽ, cũng kêu đau. Thằng Tí không dám bắt cá trê, sợ ngạnh đâm nhức tay. Thằng Hòa bị chó đuổi, cắm đầu chạy… Chúng mày noi gương anh Kim Đồng thế quái nào được.
Anh Kim Đồng dũng cảm phi thường. Cha anh là ông Hương bị giặc giết. Mẹ anh chết luôn. Anh xung phong làm liên lạc viên cho bộ đội để… yêu nước và rửa thù nhà. Bộ đội đã diễn kịch Kim Đồng. Đoạn Kim Đồng chịu thử thách, khán giả nhô con đứng cả tim. Anh bộ đội hỏi Kim Đồng:
- Muốn làm liên lạc viên, em phải để anh chặt một cánh tay của em.
Anh Kim Đồng không suy nghĩ, đưa cả hai tay lên bàn:
- Em xin được chặt cả hai tay.
Anh bộ đội vung mã tấu. Khán giả nhô con hồi hộp. Mã tấu vung cao, quật xuống. Cách tay Kim Đồng một gang, mã tấu dừng lại. Anh bộ đội khen ngợi Kim Đồng:
- Em dũng cảm quá, Kim Đồng. Anh thử lòng kiêu hùng của em đó thôi. Em xứng đáng là nhi đồng Việt Nam.
Khán giả nhô con vỗ tay, hoan hô anh Kim Đồng. Đoạn Kim Đồng bị giặc Nhật bắt, tra tấn tàn nhẫn, anh quyết chết không tiết lộ bí mật, khán giả nhô con đả đảo phát xít Nhật, và đứng dậy hát vang:
Anh Kim Đồng ơi anh Kim Đồng ơi
Tuy anh qua đời
Gương anh sáng ngời
Đoàn tôi cố noi…
Trên sân khấu, tấm màn thô sơ khép lại.
Trung đội trưởng Khoa chỉ định một Kim Đồng:
- Tao cho thằng Hiển làm anh Kim Đồng.
Hiển hí hửng:
- Tao thề thà chết vinh hơn sống nhục!
Và, Kim Đồng Hiển ra đi để… bị Henri Rivière Huệ bắt. Khoa đã rỉ tai dặn nó phải khai gì với Huệ. Kim Đồng Hiển cắm cổ chạy. Gần đến đồn giặc, Kim Đồng phanh chân, lững thững vừa đi, vừa hát:
Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều
Bên đèo tiếng gió reo ngàn thông reo
Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều
Bên đèo đoàn quân reo đạn bay vèo
Hôm nay đây vai vác súng trông mây trăng gió buồn đứng
Chiều vàng nhớ núi rừng… 1
Henri Rivière Huệ sai quân bò khỏi đồn, bắt sống tên liên lạc do thám của địch. Quân giặc bò chậm quá. Kim Đồng Hiển đợi lâu, bèn chụm tay vô miệng, tuyên truyền địch vận:
Người bạn tôi ơi
Người con của đất Việt
Ở bên phía quân thù
Người còn thức hay mơ
Bên kia là phía sầu u có người dân Việt gục đầu trên đất thù
Bên đây là phía tự do vẫn được ông già làm toàn dân chết co… 2
Hiển là thằng nhãi vui nhộn. Nó nghe ai đó, trong đám dân tản cư, hát trệch vẫn được cha già làm toàn dân ấm no, thành vẫn được ông già làm toàn dân chết co, nó tưởng nó cũng hát cho vui, thế thôi. Giặc Pháp đã vồ nó. Và, một tên thực dân dọa Hiển:
- Mày dám gọi bác Hồ là ông già, mày phản động!
Hiển nhanh trí:
- Ông làm Kim Đồng, ông giả vờ hát sai cho chúng mày tức, bắt ông tra tấn ông…
Kim Đồng Hiển bị hai tên thực dân cầm cẳng lôi xềnh xệch vào nộp chủ tướng Henri Rivière. Kim Đồng văng tục, và dọa:
- Lát nữa, quân ta chiến thắng, ông quăng hai thằng xuống ngòi.
Trời đã rét ngọt. Hai tên giặc Pháp sợ quýnh, vội lạy lục Kim Đồng, và trút tội cho Henri Rivière Huệ:
- Con nhà Huệ bắt chúng tao lôi mày chứ, chúng tao đâu nỡ xử tệ… quân ta.
Kim Đồng Hiển im lặng. Nó đã nằm dưới gót chân Henri Rivière Huệ. Thằng thực dân nổi giận:
- A lê a la ba xi ba xu, may la Viet Nam tao danh may no đon…
Thằng Việt gian thông ngôn:
- Quan lớn bảo mày là Việt Nam, quan đánh mày no đòn.
Kim đồng phóng lên bãi nước bọt:
- Sư bố thực dân Pháp!
Henri Rivière đá Kim Đồng một cú:
- Mày chửi sư bố tao à?
Kim Đồng nói:
- Ừ đấy, ai bảo mày nói… tiếng Tây giả cầy! Pe rơ toa, Phờ răng xe!
Henri Rivière hỏi thông ngôn:
- A lê a la ba xi ba xu, Pe rơ toa, Phờ răng xe la cai gi?
Thông ngôn Việt gian lại hỏi Kim Đồng:
- Quan lớn muốn biết Pe rơ toa, Phờ răng xe là gì!
Kim Đồng quát:
- Là bố mày, giặc Pháp. Thằng Khoa dạy ông đó, con ạ!
Henri Rivière Huệ sai Việt gian kín đầy lọ nước ngòi, để gần chỗ Kim Đồng Hiển nằm. Nó không thèm nói tiếng Tây nữa. Đá Kim Đồng một cú, Henri rivière hỏi:
- Mày đi liên lạc, hở?
Kim Đồng đáp:
- ừa đấy, ông đi liên lạc đấy. Ông thà chết không khai gì sốt cả. Ông là… Kim Đồng!
Henri Rivière cười khiêu khích:
- Giết mày chỉ tổ tốn đạn, ông gội đầu giúp mày. Hì hì hì, trời lạnh, mà ông rưới nước từ từ xuống lưng mày, thì xương sống mày co lại, Kim Đồng ạ!
Kim Đồng bỗng sợ quá. Nó trở giọng:
- Ê Huệ, tao khai hết. Tao ghét thằng Khoa lắm. Ông chơi trận giả nốt đêm nay, sáng mai, ông sang Đống Năm ở với chú ông rồi. Ông đếch sợ thằng Khoa. Ông muốn nó thua bét tĩ. Thằng Khoa đóng quân sau chùa Đại Đồng, từ buổi chiều, nó chờ chúng mày buồn ngủ là tấn công.
Henri Rivière vuốt râu tưởng tượng. Nó hét inh:
- Mày đáng ăn c. cho anh Kim Đồng.
Henri Rivière Huệ ra lệnh:
- Tắm giùm nó!
Bọn Việt gian dội nước ướt hết áo Kim Đồng. Anh Kim đồng chửi bới um sùm. Anh bị giặc Pháp trói ghì cánh khỉ, giam ở chân đống rơm. Henri Rivière sai quân phục kích ngả chùa Đại Đồng. Nó đã mắc mưu trung đội trưởng Khoa. Quân ta tụ họp tại cầu Chờ, một lúc lâu. Khi biết chắc anh Kim Đồng quê hương Việt Bắc xa mù đã rơi vào tay giặc, cánh quân tiên phong, do trung đội phó Mẫn sẹo chỉ huy, lên đường. Tiếng lá ngụy trang kêu sột soạt. Trung đội trưởng Khoa nhìn đoàn quân đi, cảm khái:
- Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm… Một, hai, ba…
Toán cảm tử hát vang:
Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vì sao
Uốn khúc đường đào
Mưa trơn bùn sâu
Đoàn quân đi giữa sóng mến thương xuân về đầm ấm
Tôi thấy những nàng
Khăn hồng lệ thắm
Hẹn ngày mai chiến thắng chớ quên đường về làng xưa… 3
Bài hát vừa dứt, một ông cảm tử quân xô lô:
Bao em tôi đôi mằt toét nhèm
Đang say mê cái nồi bún ốc
Hai mươi cảm tử quân cười rộ. Thế là cái lạnh biến đâu mất. Phía cầu đình, khuất sau nhũng bụi tre, tiếng hát của toán quân Mẫn sẹo vọng lại:
Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi
Nào có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui… 4
Mhư hâm nóng toán cảm tử quân của Khoa.
Trung đội trưởng Khoa oai vệ:
- Tao dặn lần cuối: Gần đến đồn giặc, lặn hết, tay trái bịt mũi, tay phải cầm ống đu đủ. Nhớ thở bằng mồm, cấm ho. ống đu đủ nhô khỏi mặt nước chừng gang tay thôi. Nào, xung phong…
Các cảm tử quân lần lượt nhảy xuống ngòi. Khoa dẫn đầu. Nó hô hoán:
- Lặn thử!
Hai mươi cái đầu của những ông nhô, tập làm anh hùng, chìm dưới mặt nước. Chỉ còn những cái ống đu đủ nhô lên. Những ống đu đủ biết đi! Hai mươi chiếc tầu ngầm người, sáng kiến của Khoa, của kháng chiến, của một giai đoạn tuyệt vời của lịch sử dân tộc chống xâm lăng. Giặc Pháp đã thua tơi bời, vì nhũng sáng kiến ngây ngô đó. Khoa nhô lên khỏi mặt nước đầu tiên. Rồi, tất cả cùng nhô lên. Và, đi trên bùn. Rẽ nước, rẽ bèo mà đi. Có thể chạy một mạch qua cầu đình, nhào xuống lặn ngòi cũng được. Khoa không thích thế. Nó muốn quân ta phải gian khổ cơ. Càng gian khổ bao nhiêu, càng là quân ta bấy nhiêu. Khoa có anh là thằng Vũ. Các bạn của anh nó, là Côn, là Vọng, là Luyến, là Long, là Lộc đều chiến, đều đã thắng tuị An Tập và tụi trường Tầu. Khoa sẽ chiến như Vũ, sẽ đè bẹp thằng Huệ, để được giữ bộ trống đồng, nay mai. Khoa sẽ làm lác mắt bọn nhi đồng Hải Phòng, Hà Nội tản cư về Tường An. Nó thèm chơi thân với con Liên, như Vũ đã chơi thân với Thúy. Cứ bắt sống Henri Rivière Huệ đêm nay, là Khoa có đủ thứ. Cái thứ nhất, chắc chắn, Khoa sẽ chỉ huy nhi đồng cả hai thôn. Khoa thích thú, reo lớn:
- Đánh mạnh, đánh mạnh để chiếm lại thủ đô!
Toán quân cảm tử nô nức. Chúng chạy dưới nước. Qua cầu đình, trung đội trưởng Khoa vỗ tay, những cái đầu chìm nghỉm. Chẳng ai biết, trừ trung đội phó Mẫn sẹo đang cho quân tiên phong nằm sát vệ đường, mở mắt thao láo, chờ ống khói tầu ngầm và con ngòi xao động, là tiến lên khiêu khích quân thù, cho quân cảm tử đánh bọc hậu, bắt sống trọn ổ giặc Pháp.
--------------------------------
1 Trích Nhớ chiến khu, của Đỗ Nhuận
2 Trích Người lính bên kia, của Phạm duy (đã đổi lời, khi vào Tề)
3 Trích Đoàn quân đi, của Việt Lang
4 Trích Vệ quốc quân, của Phan Huỳnh Điểu