Số lần đọc/download: 10945 / 216
Cập nhật: 2014-12-04 05:10:33 +0700
Trời Đêm Không Đen Tối Bằng Lòng Người
1. MŨI NAM PORLAN
Suốt tháng chạp năm 1689 và suốt tháng giêng năm 1690, một ngọn gió bấc dai dẳng của phương bắc thổi mãi không ngừng trên lục địa châu Âu, và khi lên đến đất Anh lại còn gay gắt hơn nữa. Vì vậy mà có vụ rét khủng khiếp làm nẩy ra câu nhận xét, đó là mùa đông "đáng ghi nhớ cho dân nghèo" bên lề cuốn kinh thánh cũ tại nhà nguyện phái trưởng lão của nhóm Non Jurors[45] Luân-đôn. Nhờ tính chất bền bỉ ích lợi của loại giấy da cừu cổ xưa trong triều đình, dùng để đóng các loại sổ quan trọng, nhiều bản danh sách dài ghi tên những người bần cùng chết đói và trần truồng ngày nay còn đọc được trong các mục tài sản giáo đường ở Con liber- ty Court của thị trấn Xaothuac, ở Pie powder Court, nghĩa là Toà án nhân dân chân đất, và ở White Chapel Court do viên pháp quan của lãnh chúa mở tại hàng Xtapnây. Hiện tượng sông Tami đóng băng chỉ xảy ra mỗi thế kỷ một lần, vì ở đấy băng rất khó đóng do biến động mạnh. Xe cộ chạy nhanh trên mặt sông đóng băng; trên sông Tami có chợ phiên họp lều, có chọi gấu, có đấu bò; người ta quay nguyên cả con bò mộng trên mặt sông đóng băng. Lớp băng dày này kéo dài suốt hơn hai tháng. Cái năm gian khổ 1690 còn khắc nghiệt hơn cả những mùa đông nổi tiếng đầu thế kỷ mười bảy, mà bác sĩ Giêdêông Đơlôn đã quan sát tỉ mỉ; ông được thành phố Luân đôn tưởng nhớ bằng một pho tượng bán thân có bệ, xem như là nhà bào chế của vua Giăc đệ Nhất.
Một buổi chiều, vào lúc xẩm tối một ngày rét buốt của tháng giêng năm 1690. Tại một trong số rất nhiều tiểu loan không mến khách trên vịnh Porlan, có cái gì đó bất thường, khiến hải âu và sếu biển không dám về tổ, cứ kêu vang trời và bay lượn mãi ở cửa vũng.
Trong tiểu loan này, nguy hiểm nhất trong tất cả các vũng nhỏ trong vịnh mỗi khi có những ngọn gió nào đấy hoành hành, và do đó lại là tiểu loan hẻo lánh nhất, tiện lợi nhất, vì chính tính chất nguy hiểm của nó, cho những tàu bè muốn trốn tránh, một chiếc thuyền con, hầu như cặp sát vào vách biển nhờ nước sâu, đã buộc neo vào một mũi đá. Người ta thường bảo đêm xuống, như thế là sai; lẽ ra phải nói đêm lên, vì bóng tối từ lòng đất kéo đến.
Phía dưới vách biển đã là đêm tối, mà trên cao vẫn còn sáng rõ. Giá có ai đến gần chiếc thuyền buộc neo đó, hẳn đã nhận ra đó là một chiếc thuyền chiến Bixcay.
Mặt trời, suốt ngày bị sương mù che phủ, vừa mới lặn khuất. Người ta bắt đầu cảm thấy cái mối lo sợ thầm kín u uất có thể gọi là niềm ưu tư khi vắng bóng vầng dương.
Gió biển không thổi nên nước trong tiểu loan phẳng lặng như tờ. Đây là một dịp may hiếm có, nhất là về mùa đông. Các tiểu loan Porlan hầu như luôn luôn là những bến cảng có sóng lớn. Những lúc có bão, biển ở đây động rất dữ, phải khéo léo và quen lắm mới qua được đấy an toàn. Các bến nhỏ ấy, có cái vẻ ngoài hơi là thực sự, đón tiếp không lấy gì làm niềm nở. Vào thật dễ sợ mà ra cũng thật hãi hùng. Chiều hôm ấy, trường hợp khác thường, lại không nguy hiểm chút nào.
Thuyền Bixcay là một loại thuyền mẫu cổ xưa không thích dụng nữa. Loại thuyền này, trước kia đã từng được việc cho cả hải quân, là một thứ vỏ tàu kiên cố nhỏ như thuyền, chắc như chiến hạm. Trong hải quân có kể đến nó; thứ thuyền chiến đúng là có lúc trọng tải rất lớn; như chiến hạm trưởng Grand Griffon, do Lốp Đơ Mêđina chỉ huy, trọng tải sáu trăm năm mươi tấn và có bốn chục khẩu đại bác; nhưng loại thuyền hàng và thuyền buôn lậu lại rất nhỏ. Dân miền biển đánh giá và cho rằng loại thuyền mẫu này quá mỏng manh. Dây lèo của nó toàn bằng gai bện, có thứ lõi lại bằng dây thép, như vậy hẳn là có dụng ý, mặc dầu không khoa học lắm, thu nhập tín hiệu trong những trường hợp có từ lực; tính chất nhỏ nhắn của thuyền cụ vẫn không loại trừ những loại dây cáp to, loại dây cabria của thuyền chiến Tây Ban Nha, và loại dây cameli của thuyền chiến La-mã có ba tầng chèo. Cần lái rất dài, lợi về tay đòn to, nhưng bất tiện vì cung hoạt động nhỏ; hai vành quay trong hai lô cốt ở đầu cần lái bổ khuyết cho điểm bất lợi đó và bù lại sự mất mát về lực. La-bàn được gắn cẩn thận trong một cái hộp vuông và đu đưa rất nhạy nhờ hai khung bằng đồng đặt nằm ngang, cái nọ trong cái kia, trên những đinh ốc nhỏ như các đèn Cacđăng. Việc chế tạo loại chiến thuyền này có tính chất vừa khoa học vừa tinh vi, nhưng là thứ khoa học dốt nát và thứ tinh vi thô sơ. Loại chiến thuyền này cổ sơ như loại pháo thuyền đáy bằng bề mặt vững vàng, và giống thuyền độc mộc về tốc độ; cũng như mọi thứ tàu bè nảy sinh từ bản năng hải tặc và ngư ông, nó có những ưu điểm đi biển đáng chú ý. Nó thích hợp cả trong hồ kín lẫn ngoài biển khơi. Hệ thống buồm của nó phức tạp vì có trụ chống và rất đặc biệt, giúp cho nó đi được tí một trong những vịnh kín Axtuyri gần giống những vũng tàu đậu như Patxagiơ chẳng hạn, và tha hồ ra khơi. Nó có thể vòng quanh một cái hồ và đi khắp cả thế giới, đúng là loại thuyền cổ đặc biệt lưỡng dụng, đi trong hồ ao cũng tốt mà đương đầu với bão táp cũng tuyệt. Loại chiến thuyền này trong hàng tàu bè cũng như con chìa vôi trong loài chim, vừa nhỏ nhất vừa xông xáo nhất; chim chìa vôi khi đậu chỉ hơi làm trĩu một cành sậy, mà khi cất cánh lại dám vượt cả trùng dương.
Những chiến thuyền Bixcay, dù nghèo nàn nhất, cũng được mạ vàng và sơn vẽ. Những dân tộc đáng yêu hơi man rợ một tí vốn có tài xâm vẽ mình mẩy, hình ảnh sặc sỡ vĩ đại của núi non quê hương họ, được băng tuyết và đồng cỏ kẻ ô, gợi cho họ thấy được sức mạnh quyến rũ của việc trang trí. Họ nghèo đói nhưng lại xa hoa; họ gắn cả gia huy vào lều lán của họ; họ có những con lừa to mà họ cho đeo nhạc đồng đầy cổ, và những con bò béo được họ đội lông chim lên đầu; xe cộ của họ, đi xa hai dặm đã nghe tiếng bánh lăn, đều được tô vẽ, chạm trổ và đính giải kết tua. Một anh khâu giầy có một bức phù điêu ở cửa ra vào, đó là thánh Grêpanh và một chiếc giày rách, nhưng bằng đá. Họ gắn vào áo những dải da; quần áo rách họ không vá mà lại thêu. Thật là vui tươi sâu sắc và tuyệt vời. Cũng như người Hy-lạp, người Baxcơ là con của mặt trời. Trong khi người Valăng cởi trần và buồn bã quàng chăn len nâu khoét lỗ để chui đầu qua, thì người Ganxi và Bixcay hớn hở với những chiếc áo lót đẹp bằng vài chuội sương trắng muốt. Trên thềm và cửa sổ của họ đầy những bộ mặt nước da nâu, tươi mát, cười vui dưới những giải hoa ngô.
Một vẻ trong sáng tươi vui, kiêu hãnh lộ rõ trong nghệ thuật hồn nhiên, trong nghề nghiệp, trong tập quán, trong trang phục của các cô gái, trong các giọng hát lời ca. Núi non, mái lều khổng lồ đó, ở Bixcay luôn luôn rực rỡ; ánh sáng xuyên vào và thoát ra qua tất cả các khe kẽ. Ngọn Giayviken hoang vu vang rộn những điệu hát huê tình. Bixcay là vẻ đẹp của rặng Pyrênê cũng như miền Xavoa là vẻ đẹp của núi rừng Anpơ. Những vịnh đáng sợ gần Xanh-Xêbaxchiêng, Lêzô và Fôngtaralli, đưa những cô lái đò tóc quấn hoa hồng trà trộn vào mây trời, giông bão, vào bọt nước qua các mũi đất, vào sóng gió điên cuồng, vào cảnh ầm vang khủng khiếp. Ai đã qua vùng đất Baxcơ đều mơ ước có ngày trở lại. Đó là mảnh đất đã được Chúa trời ưu đãi. Một năm hai vụ thu hoạch, những xóm làng tươi vui, vang rộn, một cảnh nghèo cao quý, suốt ngày chúa nhật là tiếng ghi-ta, tiếng sanh, tiếng phách, là nhảy múa yêu đương, những ngôi nhà phong quang, sạch sẽ, những bóng cờ trên đỉnh tháp chuông.
Chúng ta hãy quay lại với Porlan, ngọn núi cheo leo của biển cả.
Bán đảo Porlan, nhìn từ trên xuống, giống hình một cái đầu chim; mỏ hướng ra dại dương và gáy quay về Uêmơt, eo đất là cái cổ.
Porlan, ngày nay tồn tại vì công nghiệp, đã mất hết vẻ hoang sơ của nó. Bờ biển Porlan được những người thợ đá và thợ thạch cao phát hiện vào quãng giữa thế kỷ mười tám. Từ thời kỳ đó, với đá Porlan, người ta làm ra loại xi măng La-mã, một ngành khai thác có lợi làm giàu cho đất nước và làm biến dạng cái vịnh. Cách đây hai trăm năm, những bờ biển này đổ nát như một bờ biển vách đứng, ngày nay chúng điêu tàn như một công trường đá; choòng cuốc cắn tí một và sóng biển ngoạm từng miếng to; do đó mà giảm mất vẻ đẹp. Tiếp theo sức phá phách hùng vĩ của đại dương là sự cắt xén quy củ của con người. Việc cắt xen quy củ này đã làm mất hẳn cái tiểu loan, nơi đã buộc neo chiếc thuyền chiến Bixcay.
Muốn tìm thấy lại một đôi di tích của cái bến nhỏ bị phá huỷ đó, phải tìm ở bờ phía đông bán đảo, về phía mũi nhọn, quá Foli Pia, và quá Điadơn Pia, quá cả Uêcơham, giữa địa điểm gọi là Sơcsơ-hop và địa điểm gọi là Xaothoen.
Cái tiểu loan, từ phía bao bọc bởi những dốc đứng hiểm trở, cao hơn là rộng, đang bị bóng tối lấn dần từng phút một; sương mù mờ đục, đặc điểm của hoàng hôn, mỗi lúc một dày y như một cơn lũ bóng tối dưới lòng giếng sâu. Đường từ tiểu loan ra biển là một thứ hành lang hẹp, in bóng cái nội thất tối gần như đêm này, ở đây làn nước khẽ rung rung một kẽ nứt mờ mờ trắng.
Phải đứng thật gần mới nhận thấy chiếc thuyền neo vào núi đó, và như được giấu kín trong tấm áo choàng to của bóng tối. Một tấm ván vứt vào bờ, ghếch lên một chỗ nhô thấp và bằng ở vách núi, điểm độc nhất có thể đặt chân để cho chiến thuyền liên lạc với đất liền. Dăm bóng đen bước lên, tránh nhau trên chiếc cầu chòng chành đó, và trong bóng tối dày đặc lại có người bước xuống thuyền.
Trong tiểu loan không rét bằng ngoài biển: nhờ dãy núi chắn sừng sững ở phía bắc cái vũng; rét tuy có đỡ nhưng những con người kia vẫn run cầm cập. Họ đang hối hả giục nhau.
Ánh hoàng hôn làm cho các đường nét nổi bật lên như cắt. Trên quần áo của họ thấy rõ có những chỗ tả tơi, tỏ rõ họ thuộc tầng lớp ở Anh gọi là the ragged, nghĩa là bọn rách rưới.
Trên vách núi lồi lõm, mờ mờ ẩn hiện một con đường mòn quanh co. Một cô gái, để lòng thòng và kéo lê giải áo của mình trên lưng ghế sẽ không ngờ mình đã vẽ được gần hết những con đường mòn trên núi và của vách biển. Con đường mòn trên tiểu loan này, có nhiều đoạn ngoằn nghoèo, gấp khúc, gần như dựng đứng, dành cho dê leo hơn là cho người trèo, dẫn đến đúng chỗ đất bằng đã đặt tấm ván. Đường mòn trên vách biển thường thường có một độ dốc không lấy gì làm hấp dẫn lắm; chúng đổ xuống chứ không gọi là đi xuống. Con đường nói đây, hẳn là nhánh nhỏ của một con đường nào đó trong đồng bằng, nhìn thật dễ sợ vì nó dốc đứng quá. Từ dưới trông lên nó vòng vèo chữ chi đến tận đỉnh vách, luồn lách qua các khe sâu để đến tận cái cao nguyên bên trên nhờ một chỗ phạt vào vách nút. Những người khách mà chiếc thuyền chờ đón trong tiểu loan này đã đến bằng một con đường mòn đó.
Xung quanh cái cảnh nhốn nháo xuống thuyền trong tiểu loan, cảnh rõ ràng là hoảng hốt sợ hãi và lo lắng, mọi vật đều vắng vẻ hiu quạnh. Không một bước chân, không một tiếng động, không một hơi thở. Thấp thoáng bên kia lạch, chỉ thấy ở cửa vịnh Rinhxtit lèo tèo mấy chiếc tàu đánh cá mập, tất nhiên là lạc đường.
Những chiếc tàu phương bắc đó bị những chuyện kỳ quặc của biển cả xua đuổi từ hải phận Đan Mạch sang hải phận nước Anh. Gió bắc thường chơi khăm với dân đánh cá những vố như vậy. Họ đến trú ở bến Porlan, đó là dấu hiệu trời xấu và có nguy hiểm ngoài khơi. Họ đang tìm cách thả neo. Chiếc thuyền chỉ huy, đậu riêng lẻ theo tục lệ các hạm đội nhỏ Na-uy, in đen toàn bộ thuyền cụ lên nền biển trắng đục. Phía trước là cái đinh ba đánh cá với đủ các loại móc và lao mấu để dùng khi gặp cá giáo, cá nhám, cá mập, và tấm lưới để đánh bắt cá đuối to. Ngoài mấy chiếc thuyền đó, tất cả đều dạt vào cùng một xó, tịnh không thấy một thứ gì sống động trên chân trời bao la này của Porlan cả. Không một mái tranh, không một bóng thuyền. Bờ biển thời ấy không có người ở, và cái lạnh mùa này lại không ở được.
Bất chấp điểm trời, những con người sắp được chiếc thuyền Bixcay đón đi kia, vẫn hối hả. Trên bờ biển họ họp thành một nhóm người bận rộn, nhốn nháo, thoăn thoắt đi lại. Rất khó phân biệt được từng người. Không thể biết được họ già hay trẻ. Bóng chiều mờ ảo xoá nhoà và làm cho họ lẫn vào nhau. Bóng tối, như một chiếc mặt nạ, đeo trên mặt họ. Đấy là những hình bóng trong đêm tối.
Tất cả bọn có tám người, trong số đó hẳn phải có một hoặc hai phụ nữ, rất khó nhận ra qua mớ xống áo rách mướp mà cả bọn đều mặc, những của nhố nhăng không ra áo đàn ông, không ra váy đàn bà. Giẻ rách thì làm gì có đực có cái.
Một bóng đen nhỏ nhất, đi đi lại lại giữa những bóng to, cho biết có một thằng lùn hay một đứa bé.
Đấy là một em bé.
2. CÔ LẬP
Quan sát gần, sau đây là những gì có thể ghi lại.
Tất cả đều mặc áo choàng dài, thủng lỗ, vá đụp lại lót dạ, và lúc cần, che kín đến tận mắt, rất tốt để chống gió bắc và con mắt tò mò. Trong lớp áo choàng đó, họ cử động rất nhanh nhẹn. Đa số đều đội một chiếc khăn quấn quanh đầu, một kiểu khăn thô sơ, tiền thân của khăn quấn Tây Ban Nha. Thứ khăn đội này chẳng có gì xa lạ trên đất Anh. Thời ấy phương Bắc thích ăn mặc theo kiểu phương Nam. Có lẽ vì phương Bắc đánh phương Nam. Nó chiến thắng, và hâm mộ phương Nam.
Sau chiến bại của hải quân Tây Ban Nha, tại đất nước của Êlizabet, tiếng caxti[46] là một thứ ngôn ngữ thanh lịch của triều đình. Nói tiếng Anh trong cung hoàng hậu nước Anh là gần như "shocking”[47]. Bắt chước phần nào phong tục của những kẻ mà người ta bắt phải quy phục, đó là thói quen của người chiến thắng quê kệch đối với kẻ chiến bại hào hoa; anh Hung-nô thán phục và bắt chước anh Tàu. Vì thế mà những cách ăn mặc kiểu caxti đi sâu vào nước Anh len dần sang Tây Ban Nha.
Một trong những người đàn ông của nhóm xuống thuyền có vẻ là thủ lĩnh. Y mang giày vải, mặc quần áo rách tã có đính tua ren kim tuyến, và một chiếc gi-lê đính những mảng đồng, lấp lánh bên trong tấm áo choàng như một cái bụng cá. Một người khác đội sùm sụp một chiếc mũ dạ rộng vành. Chiếc mũ này không có lỗ để dắt tẩu thuốc, chứng tỏ đó là một tay có học.
Thằng bé, ngoài lớp áo rách còn mặc thêm, theo nguyên tắc áo ngắn người lớn là áo khoác trẻ con, một chiếc áo vải to của dân coi buồm, dài đến tận gối. Tầm vóc nó giúp ta đoán được một thằng bé từ mười đến mười hai tuổi. Nó đi chân không. Toàn bộ thuỷ thủ trên thuyền gồm một người chủ và hai trai bạn.
Chiếc thuyền có vẻ như từ Tây Ban Nha tới và lại trở về đó. Không nghi ngờ gì nữa, nó chuyên lén lút đi lại từ bờ biển này sang bờ biển khác.
Những người nó đang đón chờ thì thầm với nhau.
Câu chuyện họ rì rầm trao đổi rất hỗn tạp. Lúc thì một tiếng caxti lúc thì một tiếng Đức, lúc lại một tiếng Pháp, đôi khi tiếng Galơ[48], đôi khi tiếng Baxcơ[49]. Đây là một thứ thổ ngữ nếu không phải là loại tiếng lóng.
Họ có vẻ người tứ chiếng và cùng một bọn.
Em bé có bố mẹ bà con gì trong nhóm người kia không, điều đó đáng ngờ lắm. Chẳng ai ra một dấu hiệu gì với nó cả. Họ bắt nó làm, không có gì khác. Nó có vẻ như một tên nô lệ trong bộ tộc, chứ không phải là đứa con trong gia đình. Nó hầu hạ tất cả mọi người, nhưng chẳng ai nói với nó nửa lời.
Vả lại nó cũng phải hối hả, và như tất cả tốp người khó hiểu mà nó là thành viên, hình như nó chỉ có một ý nghĩ là làm sao lên được thuyền đi thật nhanh. Nó có biết tại sao không? Hẳn là không. Nó vội vàng như một cái máy. Vì nó thấy mọi người vội vã.
Chiếc thuyền có sàn. Việc bốc xếp hàng vào khoang hoàn thành rất nhanh, giờ phút ra khơi đã đến. Chiếc hòm cuối cùng đã vác qua cầu, chỉ còn chờ người lên.
Hai người trong nhóm dường như là đàn bà đã ở trên thuyền, sáu người kể cả em bé vẫn đứng trên chỗ đất bằng của vách núi. Trên thuyền rục rịch khởi hành, người chủ nắm lấy cần lái, một trai bạn cầm sẵn một cái rìu để chặt dây neo. Chặt là dấu hiệu vội vã; khi nào có thì giờ người ta tháo cởi dây; Anđamôx![50] một trong số sáu người, có vẻ là thủ lĩnh, nói khẽ. Trên bộ quần áo rách của y lấp lánh những mảnh kim khí. Em bé vội lao tới bên tấm ván định xuống trước. Nó vừa đặt chân lên thì hai người đàn ông đã lao tới, xuýt hất nó xuống nước, bước lên trước, một người thứ ba đưa khuỷu tay gạt nó ra và đi qua, người thứ tư tống cho nó một quả, bước theo người thứ ba, người thứ năm, thủ lĩnh, nhảy xuống thuyền hơn là bước xuống. Y vừa nhảy xuống vừa đưa gót đẩy tấm ván rơi xuống biển, một nhát rìu chặt đứt dây neo, cần lái xoay, chiếc thuyền rời khỏi bến, và em bé ở lại trên đất liền.
3. CÔ ĐƠN
Em bé đứng im trên mỏm đá, mắt nhìn đăm đăm.
Nó không gọi. Nó không kêu van. Sự việc thật bất ngờ; nó không nói một lời. Trên thuyền cũng câm lặng như thế. Không một tiếng kêu từ em bé đến những con người kia, không một lời từ biệt từ những con người kia đến em bé. Cả đôi bên đều câm lặng chấp nhận cái quãng cách cứ lớn dần. Y hệt một cảnh chia ly của những vong hồn bên bến Hoàng tuyền. Em bé, như bị chôn chân trên mỏm đá mà triều dâng đang bắt đầu liếm tới, cứ nhìn chiếc thuyền xa dần. Tưởng chừng như nó hiểu.
Sao? Nó hiểu gì? Bóng tối.
Một lúc sau, chiếc thuyền vừa đến chỗ eo biển, cửa ra của tiểu loan, và tiến vào đó. Người ta trông thấy rõ cái đỉnh cột buồm trên nền trời sáng, phía trên những khối đá xẻ đôi để cho eo biển bò ngoằn ngèo ở giữa như lách qua hai bức thành cao. Mũi buồm cứ vẩn vơ trên chóp núi và dường như cắm chặt vào đó. Rồi không nhìn thấy gì nữa. Thế là hết. Chiếc thuyền đã ra trên biển rộng.
Em bé lặng nhìn cảnh tan biến đó.
Nó ngạc nhiên, nhưng thẫn thờ mơ mộng.
Sự kinh ngạc của nó có phần phức tạp thêm bởi một nhận xét đen tối về cuộc sống, hình như trong con người mới bước chân vào đời kia chợt nẩy ra kinh nghiệm. Có lẽ nó đã xét xử. Cuộc thử thách đến quá sớm, đôi khi đã tạo ra trong óc suy nghĩ tăm tối của các em bé một thứ cân đáng sợ để các linh hồn bé bỏng đáng thương kia cân thử. Tự cảm thấy mình vô tội, nó đang cắn răng chịu đựng.
Không một tiếng than van. Người toàn thiện không biết oán trách.
Trước việc bỏ rơi mà người ta vừa mới đối xử với nó, nó không có một cử chỉ nào hết. Lòng nó như thắt lại, trước sự bạo ngược đột ngột của số phận có vẻ muốn kết liễu cuộc tồn tại của nó gần như trước cả lúc bắt đầu, nó không chút nao núng. Nó đứng thẳng, đón nhận đòn sấm sét.
Nhìn nó ngạc nhiên mà không chút buồn khổ, ta thấy rõ là trong đám người bỏ rơi nó chẳng có ai yêu mến nó, và nó cũng chẳng quý báu gì ai.
Trầm ngâm, nó quên cả rét. Thình lình nước làm ướt chân nó. Thuỷ triều đang lên, một làn gió nhẹ vờn mái tóc, trời nổi gió bấc. Nó rùng mình.
Nó đưa mắt nhìn quanh.
Có mỗi một mình nó.
Cho đến hôm nay, trên trái đất, nó chỉ biết có những người hiện lúc này cũng ở trên thuyền. Những người đó vừa mới lẩn trốn.
Cần thêm, một điều kỳ lạ phải nói đến, là những người kia, những con người duy nhất nó biết, cũng đều xa lạ đối với nó.
Có lẽ nó cũng không thể nói rõ những người đó là ai.
Suốt thời thơ ấu nó sống với họ mà không có được cái nhận thức rằng mình là thân thích của họ. Nó đã được đặt ở bên cạnh họ, không có gì hơn.
Chính họ vừa bỏ rơi nó.
Trong lưng không tiền, dưới chân không giầy dép, gần như độc một manh áo trên người, nó không có cả một mẩu bánh mỳ trong túi.
Trời đang tiết đông. Lúc ấy đã chiều tối. Phải đi bao nhiêu dặm đường mới gặp được một nhà dân.
Nó không rõ nó đang ở đâu.
Nó không biết gì hết, ngoài việc những kẻ cùng đến bờ biển này với nó đã ra đi mà không có nó.
Nó tự cảm thấy đã bị gạt ra ngoài cuộc sống.
Nó cảm thấy dưới nó không có con người.
Nó mới mười tuổi đầu. Em bé đang đứng ở một nơi hoang vắng, giữa những vực sâu mà bóng tối đang dâng lên, và những vực sâu mà bóng nước đang gầm réo.
Nó duỗi hai cánh tay khẳng khiu và khẽ ngáp dài.
Rồi đột ngột, như người cả quyết, hăng lên, tỉnh hẳn, nhanh như sóc, có lẽ như hề, nó ngoảnh lưng lại tiểu loan và bắt đầu lần lên vách núi. Nó men theo lối mòn, rời bỏ con đường, rồi lại trở lại, thoăn thoắt và liều lĩnh. Lúc này nó đang vội vã hướng về phía đất bằng.
Tưởng chừng như nó đã có sẵn một lộ trình. Vậy mà thật ra nó chẳng đi về đâu cả.
Nó vội vã không mục đích, như kiểu người chạy trốn số mình.
Con người quen trèo, thú vật quen leo; nó vừa leo lại vừa trèo. Vách núi cheo leo của Porlan nhìn về hướng nam, nên con đường hầu như không có tuyết. Nhưng cái rét khủng khiếp đã chuyển tuyết thành một thứ bụi khô rất bực mình cho người đi. Em bé cố sức xoay xở. Chiếc áo người lớn, rộng quá, hoá ra phiền phức và vướng víu đối với nó. Chốc chốc ở những chỗ nhô hay chỗ dốc nó lại gặp phải một ít băng làm nó trượt ngã. Nó phải bíu vào một cành khô hoặc một mỏm đá, sau khi đu đưa người một lúc trên vực. Có lần nó gặp phải một vỉa đá sụt lở thình lình dưới chân kéo theo cả nó luôn. Những tảng đá kiểu đó rất nguy hiểm. Trong mấy giây em bé như trượt chân trên mái ngói, lăn lông lốc đến tận cùng; một túm cỏ chụp được đúng lúc đã cứu nó. Trước con người nó đã không than van, trước vực thẳm nó cũng chẳng thèm rên rỉ gì hơn. Nó vững tâm và lẳng lặng trèo tiếp.
Núi đá cheo leo cao ngất. Vì vậy nó cũng gặp phải vài ba biến cố thình lình. Bóng tối càng làm cho khe sâu thêm rùng rợn. Ngọn núi dựng đứng này không có chỗ tận cùng.
Trước mặt em bé, ngọn núi cứ lùi mãi vào chỗ thăm thẳm chót vót. Em bé leo thì hình như đỉnh núi cũng leo. Vừa trèo nó vừa ngắm nhìn cái đầu nút đen ngòm, y hệt một bức chắn đặt giữa nó với trời cao. Cuối cùng nó lên đến nơi. Nó liền nhảy lên mặt cao nguyên. Hầu như có thể nói là nó bám được đất liền vì nó vừa thoát khỏi vực.
Vừa ra khỏi chỗ cheo leo, nó bỗng run cầm cập. Nó cảm thấy gió bấc quạt vào mặt, đó là kiểu cắn xé của đêm tối. Ngọn gió tây bắc cay nghiệt đang thổi. Nó vội ôm chặt vào ngực mảnh áo thuỷ thủ.
Đấy là một loại áo tốt. Theo ngôn ngữ thuỷ thủ, đó là một thứ suroit[51], vì loại áo ngoài đó chống được mưa tây nam.
Lên đến cao nguyên, em bé dừng lại, mạnh dạn đặt đôi chân lên mặt đất băng giá và nhìn quanh.
Sau lưng nó là biển, trước mặt nó là đất, trên đầu nó là trời.
Nhưng một khoảng trời không trăng sao. Một lớp sương mù dày đặc che kín đỉnh trời.
Lên đến trên cùng bức tường núi là cảnh đất bằng, nó liền đưa mắt quan sát. Trước mắt nó đất bằng tít tắp, bằng phẳng, giá buốt, đầy tuyết phủ. Dăm bảy bụi cây run rẩy. Không thấy đường sá. Chẳng có gì cả. Đến một cái chòi chăn cừu cũng không. Thỉnh thoảng, những đám xoáy trôn ốc xanh nhợt, đó là những lốc tuyết nhỏ bị gió bốc khỏi mặt đất và đang bay đi. Một loại gò đồng nhấp nhô, thoáng cái đã bị sương mù che phủ, gợn lên phía chân trời. Những cánh đồng lớn buồn tẻ biến mất dưới làn sương trắng. Vắng lặng hoàn toàn lan rộng như vô biên và im lìm như mộ địa.
Em bé ngoảnh lại nhìn về phía biển cả.
Cũng như đất liền, biển cả trắng xoá một màu, bên này trắng tuyết, bên kia trắng bọt. Không gì ảo não như cái ánh sáng do hai sắc trắng kia cùng tạo nên. Ánh sáng của trời đêm đôi khi cho thấy những nét cứng cỏi rất rõ ràng; biển cả là sắt thép, vách núi là gỗ mun. Từ điểm cao em bé đang đứng, vịnh Porlan hiện lên gần như trên bản đồ, trắng nhợt trong vành đồi bán nguyệt của nó; cảnh trời đêm này có cái gì như một cảnh mơ; một khối tròn nhợt nhạt lồng trong một lưỡi liềm tối mịt. Mặt trăng đôi khi cũng giống như thế. Từ mũi này sang mũi kia, trên toàn bộ bờ biển này, không thấy lấp một điểm lấp lánh nào đánh dấu một bếp lửa đang cháy, một cửa sổ được chiếu sáng, một ngôi nhà có người. Dưới đất cũng như trên trời, vắng hẳn ánh sáng, dưới thấp không một ngọn đèn, trên cao không một vì sao. Đây đó, trong vịnh, mặt nước phẳng lặng có những chỗ nhô lên đột ngột. Gió trời xao động và làm nhăn nhúm tấm khăn phủ đó. Xa xa, trong vịnh, vẫn thấp thoáng chiếc thuyền con đang chạy trốn.
Đấy là một hình tam giác đen lướt trên cái khối nhợt nhạt đó.
Xa xa, không rõ lắm, những mảnh nước xao động trong cảnh thê lương mờ ảo của trời biển mênh mông.
Chiếc Matutina lao vun vút. Nó nhỏ dần từng phút từng phút. Không gì nhanh bằng một chiếc thuyền con tan chảy trong cảnh xa xăm của biển cả.
Vào một lúc nào đó, nó thắp ngọn đèn hiệu đằng mũi lên; chắc hẳn tăm tối xung quanh thuyền cũng đáng lo ngại, và người lái thuyền thấy cần phải soi rọi sóng nước. Chấm sáng đó, một điểm lấp lánh thấy rõ từ xa, gắn liền một cách ảm đạm vào cái hình dáng đen, cao và dài của nó. Nom như một tấm vải liệm giăng đứng đang đi giữa biển khơi, dưới nó một người đang rình mò tay cầm một ngôi sao sáng.
Trong không trung rõ ràng là bão sắp đến nơi. Điều đó em bé không hay biết, nhưng một thủy thủ thì đã run sợ. Đây là giây phút đầu tiên mà hình như vạn vật sắp trở thành người, mà ta sắp được chứng kiến sự thay đổi hình dạng bí mật của gió lành ra ngọn bắc phong.
Biển cả sắp hoá đại dương, sức mạnh sắp thành ý chí, cái tưởng là vô tri lại có linh hồn. Sắp thấy đến nơi. Vì vậy mà hãi hùng. Tâm hồn con người e dè sợ sệt sự chạm trán với tâm hồn của thiên nhiên.
Nó đã quay mũi về hướng nam. Nó đã ra khỏi vịnh và đang đứng giữa biển khơi. Thình lình gió bắc ào ào thổi tới; thuyền Matutina, mà ta còn nhìn thì rất rõ, giương hết buồm lên như quyết tâm lợi dụng cơn gió dữ.
Đó là ngọn noroit, mà trước kia người ta gọi là gió tây- bắc, một loại gió lạnh hiểm độc và luôn luôn nổi giận.
Ngọn noroit bắt đầu xoắn chặt lấy chiếc thuyền con. Bị quật ngang mạn, thuyền nghiêng đi, nhưng không do dự, vẫn tiếp tục lao thẳng ra khơi. Chứng tỏ đây là một cuộc chạy trốn, chứ không phải là một chuyến du ngoạn, sợ đất liền nhiều hơn sợ biển cả, lo người theo hơn lo gió đuổi.
Chiếc thuyền cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi chìm sâu vào chân trời; ngôi sao nhỏ nó kéo lê trong bóng tối mờ nhạt dần; chiếc thuyền, mỗi lúc một hoà lẫn với đêm đen, biến mất.
Lần này biến mất mãi mãi.
Điều đó, ít ra em bé có vẻ như hiểu được. Nó thôi không nhìn biển khơi nữa. Đôi mắt nó quay về phía các cánh đồng, các bãi hoang, các gò đống, hướng tới những khoảng không, nơi có lẽ thế nào cũng gặp được một người nào đó. Nó cất bước đi trong cảnh vô định đó.
4. NHỮNG CÂU HỎI
Bọn người chạy trốn bỏ lại em bé kia thuộc vào loại nào?
Bọn chạy trốn đó có phải là bọn comprasicôx không?
Trên đây ta đã thấy những biện pháp xử lý của Ghiôm đệ Tam, và được nghị viện biểu quyết, chống bọn bất lương vừa đàn ông và đàn bà gọi là comprasicôx, hay là comprapêcơnôx, hay là sâylax.
Có những nền pháp chế làm cho tan tác. Đạo luật đánh vào bọn comprasicôx gây lên một cuộc tẩu thoát rộng khắp không những của bọn comprasicôx, mà của tất cả các loại du thủ du thực. Thôi thì mạnh ai nấy trốn, ai nấy lên thuyền. Phần đông bọn comprasicôx chạy sang Tây Ban Nha. Nhiều đứa như chúng tôi đã nói, là người Baxcơ.
Đạo luật bảo vệ trẻ con này có một kết quả kỳ quặc đầu tiên; một loạt trẻ con bỗng dưng bị ruồng bỏ.
Đạo luật này lập tức dẫn đến một đợt trẻ em bắt được, nghĩa là bị bỏ rơi. Chẳng có gì dễ hiểu hơn. Bất cứ bọn du cư nào có trẻ con cũng đều bị tình nghi, riêng việc có mặt của đứa bé đã tố cáo chúng. - Chắc đây là bọn comprasicôx - Đó là ý nghĩa đầu tiên của quận trưởng, của tỉnh trưởng, của cảnh sát. Vì vậy mà có những vụ bắt bớ và truy lùng. Những kẻ chỉ đơn thuần là người cùng khổ buộc phải lang thang ăn xin, cũng hoảng sợ bị liệt vào hạng comprasicôx, dù không phải thể; người yếu hèn không mấy khi yên tâm về những trường hợp có thể lầm lẫn của pháp luật. Vả lại những gia đình lang thang thường nơm nớp hoảng sợ. Điều người ta oán ghét bọn comprasicôx là việc bóc lột con cái người khác. Nhưng đau khổ và bần cùng vốn hay lẫn lộn, đến nỗi đôi khi một ông bố, một bà mẹ cũng khó chứng minh được con họ đúng là con họ. Anh lấy đâu ra đứa bé này? Làm sao chứng thực được là nhờ ơn Chúa mà có nó? Đứa trẻ trở thành một mối nguy; đành phải trút bỏ nó thôi. Trốn tránh một mình dễ hơn. Ông bố và bà mẹ quyết định bỏ rơi con, có lúc trong một khu rừng, có lúc trên một bãi biển. Có lúc trong một giếng khơi.
Người ta tìm thấy cả trẻ con chết đuối trong những thùng đựng nước mưa.
Cần nói thêm là bọn comprasicôx từ đó bị lùng bắt tràn khắp châu Âu, theo gương nước Anh. Lệnh truy nã được ban bố. Không có gì tai hại bằng một cái nhạc đồng đeo ở cổ. Từ nay cảnh sát khắp nơi thi đua bắt chúng.
Và cảnh binh cũng để tâm rình mò không kém gì ông chánh cẩm. Cách đây hai mươi ba năm, người ta còn đọc được trên một phiến đá ở cửa Ôtêrô, một bản ghi ký không thể dịch được - về mặt chữ nghĩa, luật pháp không cần nhã nhặn - trong đó vẫn ghi rõ có sự khác biệt lớn về mặt hình pháp giữa bọn buôn trẻ con và bọn ăn trộm trẻ con. Đây là bản ghi ký bằng tiếng Caxti hơi man di một tý: Aqui quedan las orejas de los com- prachicos, y las bolsas de los rabonikos, mientras que se van ellos al trabaijos de mar. Người ta thấy đấy, tai, vân vân... bị tịch thu vẫn không thoát khỏi tội tào dịch[52]. Do đó mà bọn du đãng mạnh đứa nào đứa ấy trốn. Chúng ra đi hốt hoảng, chúng run rẩy đến nơi. Trên khắp miền duyên hải châu Âu, người ta kiểm soát các vụ cập bến lén lút. Đối với một bọn bất lương, không thể nào xuống thuyền với một em bé, vì lên bến với một em bé rất nguy hiểm.
Bỏ rơi đứa bé là nhanh hơn cả.
Em bé ta vừa thoáng thấy trong cảnh chạng vạng của vùng hoang vắng Porlan bị những kẻ nào hất hủi thế?
Xét theo bề ngoài, đó là bọn comprasicôx.
5. CÁI CÂY DO CON NGƯỜI SÁNG TẠO
Dễ đã vào quãng bảy giờ tối. Gió lúc này có giảm, nhưng đó là dấu hiệu gió lại sắp nổi to hơn. Em bé đang đứng trên cao nguyên cuối cùng ở phía nam mũi Porlan.
Porlan là một bán đảo. Nhưng em bé có hiểu bán đảo là gì và cũng chẳng biết đến cái từ Porlan nữa. Nó chỉ biết mỗi một điều, là có thể bước tới khi nào ngã gục.
Khái niệm là kẻ dẫn đường; nó chẳng có khái niệm.
Người ta đã đưa nó đến đấy và để nó lại đấy. Người ta và đấy; hai điều bí ẩn có tượng trưng cho tất cả vận mệnh của nó; người ta là nhân loại, đấy là vũ trụ. Dưới cõi trần này, nó tuyệt đối không có điểm tựa nào khác hơn chút đất mà nó đang đặt gót lên, chút đất vừa cứng vừa lạnh đối với đôi bàn chân trần trụi của nó. Trong cõi trần rộng lớn này, vào giờ phút hoàng hôn, tứ bề lộng gió, có gì cho em bé? Chẳng có gì cả.
Nó đang bước đến cái chỗ Chẳng-có-gì đó.
Cảnh hờ hững mênh mông của con người đang bao quanh nó.
Nó băng qua cao nguyên thứ nhất, qua cái thứ hai, rồi đến cái thứ ba. Cuối mỗi cao nguyên, em bé thấy một quãng đất nẻ, mặt dốc đôi khi rất đứng, nhưng bao giờ cũng ngắn. Những cánh đồng cao trơ trụi của mũi Porlan giống hệt những phiến đá ghếch lên nhau; đầu phía nam dường như chúi xuống cánh đồng trước và đầu phía bắc gác lên cánh đồng tiếp theo. Hiện tượng đó tạo thành những mái đua mà em bé thoăn thoắt nhảy qua.
Thỉnh thoảng nó lại dừng chân và như thảo luận một mình. Trời đêm đã tối lắm rồi, tầm nhìn thu ngắn lại, nó chỉ trông thấy cách độ vài bước.
Thình lình nó đừng lại, nghe ngóng một lúc, sẽ gật đầu ra ý thoả mãn, quay phắt người lại, rồi hướng về phía một mô đất không cao lắm mà nó trông thấy mờ mờ bên phải ở chỗ gần vách núi nhất. Trên mô đất có một hình bóng trong sương mù giống như một cái cây.
Em bé vừa nghe ở phía bên có tiếng động, không phải là tiếng súc vật. Nó nghĩ chắc ở đấy có một người nào đó.
Nhảy mấy bước nó đã ở chân gò.
Quả là có một người thật.
Cái ở đỉnh mô đất ban nãy còn không trông rõ thì lúc này đã nhìn thấy được.
Đó là một cái gì giống như một cánh tay to từ lòng đất vươn thẳng lên. Chỗ cuối phía trên cánh tay một ngón tay trỏ, được ngón cái đỡ dưới, chìa ngang ra. Cánh tay, ngón cái và ngón trỏ vẽ lên nền trời một hình thước thợ. Giao điểm của cái gọi là ngón trỏ và ngón cái đó có một sợi dây treo lủng lẳng một vật đen đen và dị dạng.
Sợi dây bị gió đu đưa phát ra một tiếng xích sắt.
Đó là cái tiếng mà em bé đã nghe được.
Sợi dây nhìn gần, đúng như tiếng nó phát ra, là một đoạn xích sắt. Loại xích miền biển với những khoanh sắt kín một nửa.
Do quy luật kết hợp bí mật trong toàn bộ thiên nhiên thường chồng chất những cái bên ngoài lên thực tế, địa điểm, giờ khắc, sương mù, biển cả rùng rợn, những mảnh xao động xa xăm mờ ảo của chân trời, thêm vào cái hình dáng kia, làm cho nó thành ra rất to.
Cái khối buộc vào sợi xích giống như một lớp vỏ bọc ngoài. Nó được quấn gói như một đứa trẻ và dài như người lớn. Phía trên có một khối tròn tròn để đầu xích quấn quanh. lớp vỏ bọc rạch ở phía dưới. Qua lỗ thủng đó có những chỗ gầy guộc thò ra ngoài.
Một ngọn gió nhẹ đu đưa sợi xích, vật treo ở đầu xích khẽ lắc lư. Cái khối thụ động đó tuân theo những chuyển động phân tán trong không gian; nó có vẻ hoảng hốt; sự hãi hùng khiến mọi vật đều mất cân đối hầu như lấy mất kích tấc của nó và để lại cho nó hình dáng xung quanh. Đây là một khối đen đông kết có dáng dấp; bên trên đen, bên trong cũng đen; nó sắp chương phềnh như kiểu xác chết. Những lúc chiều tà, những phút trăng lên, những giờ sao lặn sau vách biển, những gì bềnh bồng của không trung, mây gió bốn phương, rốt cuộc đã hợp sức tạo thành cái hư - không mà ta nhìn thấy được đó; cái khối không tên đu đưa trong gió đó góp phần và cái vô-ngã tản mạn xa xa trên trời và trên biển, và u minh đang hoàn chỉnh cái vật trước kia đã là con người.
Đó là cái hiện không tồn tại nữa.
Là một dị vật, điều này vượt ra ngoài ngôn ngữ con người. Thôi không tồn tại nữa mà vẫn còn mãi, nằm trong vực mà lại ở ngoài, tái hiện sau khi chết, như vật không thể dìm được, có chút vô lý lẫn trong những thực tế như vậy. Vì thế mà rất khó tả. Con người kia - có phải là người không? - cái tang chức đen ngòm kia, là một dị vật, một dị vật khủng khiếp. Di vật của cái gì? Trước tiên của thiên nhiên, sau đó của xã hội. Số không và tổng số.
Tàn nhẫn tuyệt đối mặc sức hành hạ nó. Những quên lãng sâu sắc của hoang vắng bao vây nó. Nó sống trong cảnh thăng trầm của kẻ không ai biết đến. Nó chẳng có ai bảo vệ để chống lại u minh, u minh muốn làm gì nó thì làm. Mãi mãi nó là kẻ bị hành hình. Chỉ biết chịu đựng. Bao nhiêu bão táp đổ lên đầu nó. Chức năng bi đát của gió trời.
Cái bóng ma đứng đó mặc cho huỷ hoại. Nó chịu dựng hành động bạo ngược rùng rợn đó, sự thối rữa giữa mưa gió bốn phương. Nó ở ngoài đạo luật quan tài. Nó bị huỷ diệt mà không được hưởng sự yên nghỉ. Mùa hè nó rơi thành cát bụi, mùa đông nó trở thành bùn nhão.
Thần chết phải có khăn che, mộ địa phải biết thẹn thùng. Đây chẳng thẹn thùng, cũng chẳng có khăn che.
Sự thối lừa dâng trào và đang thú nhận. Thần chết vô liêm sỉ dám phô trương công trình của mình. Nó làm nhục tất cả những gì trong sạch của bóng tối khi nó làm việc ngoài phòng thí nghiệm của nó nghĩa là bên ngoài mồ mả.
Con người đã tắt thở kia bị lột sạch. Lột sạch một xác chết là một việc hoàn thiện hết sức tàn nhẫn. Cốt tuỷ không còn trong xương, ruột gan không tròn trong bụng, lời nói không còn trong cổ. Thi hài là một cái túi mà thần chết lộn trái ra và lấy sạch. Nếu thi hài có một cái tôi, thì cái tôi đó ở đâu? Có lẽ còn đó, nhưng ngẫm nghĩ mà đau lòng. Một cái gì lảng vảng xung quanh một cái gì bị xiềng xích. Có thể nào hình dung nổi trong bóng tối một nét nào thảm khốc hơn không?
Dưới trần này có những thực tế giống như những lối thoát vào cõi mông lung vô định, qua đó tư tưởng dường như có thể thoát ra để giả thuyết nhảy vào. Buộc lòng phải phỏng đoán. Nếu người ta đi qua một nơi nào đó và đứng trước một vật nào đó, người ta không thể nào làm khác hơn là đứng lại, trầm ngâm suy nghĩ, và mặc cho trí óc tiến sâu vào đó. Trong chỗ không nhìn thấy có những cánh cửa tối mò hé mở. Không ai có thể gặp con người quá cố ấy mà không trầm tư suy nghĩ.
Sự phân tán mênh mông tiêu hao nó một cách lặng lẽ. Trước kia nó có máu huyết người ta đã uống hết, có da, người ta đã ăn hết, có thịt người ta đã trộm hết.
Không một cái gì đi qua mà không lấy mất của nó một chút gì đó. Tháng chạp đã mượn của nó hơi lạnh, đêm khuya mượn hãi hùng, sắt thép mượn chất dỉ, dịch bệnh mượn uế khí, bông hoa mượn hơi hám. Sự tan rã của nó là một khoản thuế. Thuế của xác ma nộp cho gió, cho mưa, cho sương, cho các loài bò sát, cho mọi giống chim muông. Tất cả những bàn tay đen tối của đêm trường đều lục soát người chết đó.
Đấy là loại cư dân hết sức kỳ lạ. Cư dân của đêm trường. Nó đứng giữa một cánh đồng và trên một ngọn đồi mà lại không ra ở đó. Nó có thể sờ nắm được mà lại tiêu tan. Nó là bóng đen bổ sung cho tăm tối sau lúc ánh ngày biến mất, trong ngày u minh lặng lẽ, nó đồng tình một cách buồn thảm với tất cả. Riêng với sự có mặt của nó ở đó, nó đã tăng thêm phần tang tóc cho bão táp, và phần yên tĩnh cho muôn sao. Cái khôn tả, sẵn có trong cảnh cô liêu hoang vắng, cô đọng lại trong mình nó. Là mảnh rêu trôi giạt của một số kiếp xa lạ, nó tự thêm vào tất cả những gì rùng rợn không nói hết của đêm trường.
Trong cái bí mật của nó có một phản quang mơ hồ của tất cả mọi điều bí hiểm.
Xung quanh nó người ta cảm thấy cuộc sống như thu nhỏ lại đến tận những nơi sâu thẳm cùng cực. Trong những khoảng rộng bao quanh, có một sự giảm sút lòng tin và tính xác thực. Bụi bờ, cỏ cây xao động, mỗi nỗi u buồn ảo não, một niềm lo lắng dường như có ý thức, khiến cho toàn bộ phong cảnh thích hợp một cách bi đát.
Với bộ mặt đen lủng lẳng ở đầu sợi xích. Sự có mặt của một bóng ma trong chân trời càng tăng thêm phần hoang vắng.
Nó là ma quái. Mang trên mình những ngọn gió không bao giờ lặng, nó là kẻ không chịu đứng yên. Sự run rẩy bất tận khiến nó thành khủng khiếp. Trong không trung, dường như nó là một trung tâm, điều đó nói ra thật hãi hùng, và có một cái gì mông mênh dựa vào nó. Biết đâu đấy? Có lẽ đó là chính nghĩa cảm đoán được và bị khinh miệt ở ngoài nên công lý của chúng ta.
Trong thời gian nó ở ngoài mồ, có sự trả thù của con người và sự trả thù của chính nó. Trong cảnh chiều tà và trong chốn hoang địa này, nó như một bản chứng thư. Nó là bằng cớ của thứ vật chất đáng lo ngại, vì thứ vật chất mà khi đứng trước nó ta phải run sợ là sự suy sụp của linh hồn. Muốn cho vật chết rồi còn làm ta bối rối, phải có linh hồn sống trong đó. Nó tố giác pháp luật trần gian với pháp luật trên trời. Bị con người đặt tại đó, nó đợi chờ Thượng Đế. Cùng với tất cả những gì quằn quại không nhìn thấy của mây trời và sóng nước, trên nó bồng bềnh những sự mơ màng to lớn của bóng tối.
Đằng sau cảnh tượng đó, không biết có một bế tắc gì thật thê thảm. Vô biên, chẳng bị gì giới hạn cả, một cái cây cũng không, một khách qua đường cũng không, bao vây người chết kia. Khi mà cái nội tại lơ lửng trên đầu chúng ta, trời, vực, cuộc sống, mồ mả, vĩnh cửu hiện ra hiển nhiên; lúc ấy chúng ta cảm thấy tất cả đều không với tới, tất cả đều bị cấm đoán, tất cả đều bị bưng bít.
Khi vô biên mở ra, thì không có một thứ khoá nào ghê gớm hơn.
6. GIAO CHIẾN GIỮA THẦN CHẾT VÀ TRỜI ĐÊM
Em bé đứng trước vật đó, câm lặng, ngạc nhiên, mắt nhìn chòng chọc.
Đối với một người lớn, có thể đấy là một cái giá treo cổ, còn đối với em bé, đấy là quỉ hiện hình.
Cái mà người lớn có thể xem là xác chết thì em bé cho là bóng ma.
Và nó chẳng hiểu gì hết.
Vực thẳm có nhiều cách lôi cuốn; trên đồi kia là một cách. Em bé tiến tới một bước, rồi hai bước. Nó trèo lên, đồng thời lại muốn đi xuống, nó đến gần nhưng lại muốn lùi xa.
Nó đi đến gần bên, quả quyết, run rẩy, tìm hiểu bóng ma. Đến chân giá treo cổ nó ngẩng đầu lên quan sát. Xác ma được quét nhựa đường. Từng chỗ từng chỗ lấp la lấp lánh. Em bé nhận ra cái mặt.
Nó được quét hắc ín, cái mặt nạ có vẻ nhờn nhờn, dinh dính ấy, dán sát dưới ánh đêm. Em bé thấy cái mồm là một hốc sâu, cái mũi và hai mắt cũng là những hốc sâu. Toàn thân bị quấn bọc và như buộc kỹ trong một thứ vải thô tẩm dầu. Lớp vải đã mốc meo và bục nứt.
Một đầu gối thò ra ngoài. Một chỗ toác để lộ cả xương sườn. Có nơi là xác chết, có nơi là bộ xương- Mặt mẩu đất; dăm ba con sên lò dò ở trên, đã để lại những giải bạc lờ mờ. Tấm vải dán sát vào xương, lồi lồi lõm lõm, như một tấm áo trên pho tượng. Cái sọ, nứt vỡ, nom giống như một quả thối. Bộ răng vẫn là bộ răng người, vẫn giữ được vẻ cười. Một chút gì còn lại của tiếng kêu như đang lào thào trong cái mồm há hốc. Vài ba sợi râu lưa thưa trên má. Cái đầu ngoẹo xuống ra vẻ chăm chú.
Mới đây người ta có sửa sang lại. Bộ mặt mới được quét nhựa đường, cũng như cái đầu gối thò ra ngoài vải, và chỗ xương sườn. Ở dưới hai chân lòi ra.
Ngay phía dưới, trên cỏ, có hai chiếc giày, đã biến dạng trong tuyết và dưới mưa. Mấy chiếc giày đó đã từ người chết kia rơi xuống.
Em bé, chân không, lẳng lặng nhìn những chiếc giày đó. Gió mỗi lúc một đáng lo ngại hơn, có những lúc gián đoạn để chuẩn bị cho một trận bão; nó đã hoàn toàn lặng được một lúc lâu. Xác chết không động đậy nữa. Sợi xích đứng im như một sợi dây dọi.
Như tất cả những kẻ mới vào đời, và quan tâm đến sức ép đặc biệt của số mệnh, em bé chắc hẳn đang thấy bừng dậy trong người những ý nghĩ cố hữu của tuổi trẻ, cố mở đầu óc, và giống như con chim non trong trứng đang mổ vỡ lớp vỏ; nhưng tất cả những gì trong lương tâm nhỏ bé của nó lúc này đều chuyển thành sững sờ kinh ngạc. Quá nhiều cảm giác cũng như quá nhiều dấu, dẫn đến sự tắc nghẹt của tư duy. Một người lớn hẳn đã đặt nhiều câu hỏi, em bé không đặt; nó chỉ nhìn.
Nhựa đường làm cho khuôn mặt kia có vẻ ươn ướt.
Những giọt hắc ín trong những chỗ trước đây là mắt giống như những giọt lệ. Vả lại nhờ thứ hắc ín đó, sự huỷ hoại của thần chết rõ ràng có chậm lại, nếu không được loại trừ hẳn, và ít ra cũng hạn chế khả năng hư nát. Cái mà em thấy trước mắt là một vật mà người ta đang cần. Con người kia chắc chắn là một vật quỉ. Người ta không có ý giữ nó sống, mà có ý bảo tồn nó ở trong trạng thái chết.
Cái giá treo cổ đã cũ kỹ, rêu phong, mặc dầu còn chắc và đã dùng từ nhiều năm.
Ở nước Anh, từ rất lâu đời đã có tục lệ phết nhựa đường lên bọn buôn lậu. Người ta treo cổ chúng lên ở bờ biển, dùng hắc ín quét kín, và để mặc cho chúng lơ lửng như thế. Gương mẫu muốn có cảnh trời động, và những gương quét nhựa đường thường được bảo tồn tốt hơn cả.
Lớp nhựa đường kia chính là lòng nhân đạo. Bằng cách đó ít phải thay đổi kẻ chết treo hơn. Người ta trồng các cột treo cổ cách quãng, trên bờ biển, như ngày nay ta trồng đèn đường. Kẻ chết treo thay thế đèn lồng. Bằng lối riêng của nó, nó soi sáng cho bạn bè buôn lậu của nó.
Dân buôn lậu, từ xa, ngoài biển, nhìn thấy những giá treo cổ. Kia một cột, cảnh cáo lần thứ nhất; rồi một cột khác, cảnh cáo lần thứ hai. Điều đó cũng chẳng ngăn cản được việc buôn lậu; nhưng trật tự vẫn bao gồm những việc như vậy. Đường lối đó ở nước Anh đã kéo dài đến tận đầu thế kỷ này. Năm 1822, người ta còn trông thấy trước lâu đài Đuvrơ ba người treo cổ được quét dầu bóng. Vả lại biện pháp bảo quản không phải chỉ dành riêng cho bọn buôn lậu. Nước Anh còn áp dụng cả cho bọn trộm cắp, đốt nhà và giết người. Gion Pentơ, tên đốt kho hàng hải Porxmơt, bị treo cổ và quét nhựa đường năm 1776.
Tu viện trưởng Coiơ, gọi là Giăng Hoạ sĩ[53] năm 1777 vẫn còn nhìn thấy nó. Gion Pentơ bị treo và xích ngay trên cảnh điêu tàn do nó gây nên, và thỉnh thoảng lại được sơn quét mới. Xác chết này kéo dài, hầu như có thể nói là sống, gần mười bốn năm. Năm 1788 nó vẫn còn tốt. Tuy vậy năm 1790 người ta đành phải thay nó.
Người Ai Cập quan tâm đến xác ướp của vua chúa. Xác ướp của nhân dân, xem ra cũng được việc.
Gió thường hay thổi trên đồi, đã bóc hết tuyết trên đó. Cỏ mọc lại, với đây đó dăm bảy bụi gai. Ngọn đồi được phủ bằng lớp cỏ biển rậm và ngắn, khiến mặt trên vách núi giống như một lớp thảm xanh. Dưới cột giáo, ngay chỗ mà bên trên du đưa hai cẳng chân của kẻ bị tử hình, có một khóm cỏ cao và dày, kỳ lạ, trên mảnh đất khô cằn này. Những xác chết vụn nát ở đấy từ bao thế kỷ giải thích sự tươi tốt của khóm cỏ kia. Đất sống nhờ vào con người.
Một sức mê hoặc rùng rợn giữ chặt lấy em bé. Nó đứng đấy: mồm há hốc. Chỉ có mỗi một lần nó cúi đầu xuống khi bị gai châm vào chân. Làm nó tưởng có con gì cắn. Rồi nó lại ngẩng lên, nhìn bộ mặt bên trên đang nhìn nó. Không có mắt, bộ mặt lại càng hau háu nhìn nó. Đó là một vẻ nhìn mông lung, một kiểu đăm đăm khó tả, vừa có ánh sáng vừa là u minh, dày đặc, và thoát ra từ chiếc sọ, từ hàm răng cũng như từ những vòng cung mi mắt rỗng huếch. Toàn bộ cái đầu người chết nhìn, thật khủng khiếp. Nó không có con ngươi, nhưng người ta vẫn cảm thấy bị nhìn. Cảm giác rùng rợn trước loài sâu bọ.
Dần dần chính em bé cũng trở thành đáng sợ. Nó không nhúc nhích nữa. Nó đang mụ mẫm cả người. Nó không nhận thấy nó đang mất hết ý thức. Người nó tê dại và cứng đờ. Trời đông lặng lẽ nộp nó cho đêm trường; trong trời đông có sự phản bội. Em bé đã gần như một pho tượng. Khí lạnh như đá ngấm vào xương tuỷ nó; bóng tối, cái giống bò sát ấy, trườn lách vào người nó. Trạng thái tê dại từ tuyết thoát ra lan dần vào người như một lớp triều tối tăm; toàn thân em bé dần dần cứng đờ như một xác chết. Nó sắp thiếp đi.
Trong bàn tay giấc ngủ có ngón tay của thần chết.
Em bé cảm thấy đang bị bàn tay ấy tóm chặt. Nó sắp ngã xuống chân giá treo cổ. Nó không biết có phải mình đang đứng hay không nữa.
Giờ phút tận số luôn luôn trước mắt, không có sự nối tiếp nào giữa tồn tại và không tồn tại cả, lại trở vào lò luyện, giây phút nào cũng có thể trượt ngã, chính vực sâu đó là trò tạo hóa.
Chỉ một lúc nữa em bé và người chết, cuộc sống mới phác hoạ và cuộc sống đã điêu tàn, sẽ hòa lẫn vào nhau, cùng bị xóa nhòa.
Xác ma có vẻ như hiểu thế và không muốn thế. Đột nhiên nó bắt dầu cựa quậy. Dường như nó định cảnh cáo em bé. Đó là gió trời đang lại nổi lên.
Không có gì quái gở bằng cảnh người chết kia cử động.
Xác chết ở đầu sợi xích bị ngọn gió vô hình xô đẩy, chuyển thế đứng nghiêng nghiêng, nhô lên bên trái, rồi rơi xuống, lại nhô lên bên phải, lại rơi xuống rồi lại ngoi lên với nhịp độ chính xác thong thả, thảm đạm của một quả lắc. Một kiểu đung đưa tai quái. Tuồng như trước mắt, trong cảnh tăm tối, đấy là quả lắc của chiếc đồng hồ vĩnh cửu.
Cảnh tượng cứ kéo dài một hồi lâu như thế. Trước sự chuyển động của người chết, em bé bừng tỉnh và qua cảm giác rét run, nó thấy khá rõ là nó sợ. Mỗi lần giao động, sợi xích lại rít lên đều đều nghe rõ khiếp. Nó có vẻ như lấy hơi để rồi lại tiếp tục. Tiếng rít bắt chước tiếng ve kêu.
Một trận cuồng phong sắp đến gần khiến nhiều lúc gió mạnh đột ngột. Thình lình gió hiu hiu chuyển thành gió bấc. Giao động của xác chết mạnh lên một cách bi thảm. Không phải đu đưa nữa mà lay giật. Sợi xích từ nãy chỉ cót két, lúc này đang rít lên.
Hình như tiếng rít này đã được nghe thấy. Nếu đó là tiếng gọi thì nó đã được đáp lại.
Từ chân trời thăm thẳm, một tiếng động lớn ào ào đổ tới.
Đó là một tiếng đập cánh.
Một sự kiện đang xảy ra, sự kiện náo động ở bãi tha ma và hoang địa, một bầy quạ bay tới.
Nhiều điểm đen chấp chới lấm chấm trời mây, chọc thủng sương mù, to dần, đến gần, kết hợp với nhau, dày đặc thêm, hối hả lao về phía ngọn đồi, hắt lên những tiếng kêu. Y như một binh đoàn đang ập tới. Đám sâu bọ có cánh đó của u minh sà ngay lên trên giá treo cổ.
Em bé hốt hoảng lùi lại.
Những giống sống thành bầy luôn luôn tuân theo mệnh lệnh. Lũ quạ đã tập họp trên giải dài. Không một con nào đậu lên xác chết. Chúng đang trao đổi với nhau.
Tiếng quang quác nghe thật rùng rợn. Rống, huýt, gầm là dấu hiệu của sự sống; tiếng quang quác biểu thị sự thích thú thừa nhận một vật thối ruỗng. Tưởng như đây là tiếng tan vỡ của lặng lẽ tha ma. Tiếng quang quác là một tiếng trong đó có ý niệm tối tăm. Em bé lạnh toát cả người.
Vì kinh hoàng hơn vì lạnh.
Bầy quạ bỗng im bặt. Một con nhảy lên bộ xương.
Đó là một thứ hiệu lệnh. Tất cả liền sà xuống, một đám mây toàn cánh, rồi bao nhiêu lông vũ cụp lại, thế là kẻ bị treo cổ biến mất dưới những khối đen tròn, lúc nhúc, cử động trong bóng tối. Lúc này người chết chợt rùng mình.
Có đúng nó không? Hay là gió? Nó giật bắn lên một cách khủng khiếp. Cơn phong ba, đang nổi lên, đến trợ lực với nó. Bóng ma quằn quại. Đó là cơn gió to, đã ào ào thổi mạnh đang tóm lấy nó và giật lắc loạn xạ. Nó trở lên khủng khiếp. Nó bắt đầu giẫy giụa. Một con rối quái gở mà dây điều khiển là sợi xích trên giá treo cổ.
Một người làm trò bóng tường nào đó đã cầm dây và giật giật cái xác ướp kia. Xác ướp quay quay, nhảy nhảy như sắp vỡ tung. Bầy chim hoảng sợ vụt bay lên. Tất cả bầy thú ghê tởm kia như tung toé ra. Rồi chúng lại quay về. Thế là mở đầu một cuộc vật lộn.
Người chết dường như sống dậy một cách quái gở.
Gió từng cơn nhấc bổng nó lên như sắp mang nó đi; tưởng chừng nó vùng vẫy và cố sức để trốn; chiếc gông giữ nó lại. Bầy chim phụ hoạ theo tất cả mọi động tác của nó, lùi ra, rồi sà vào, hung dữ và quyết liệt. Một bên, cố gắng kỳ quặc để trốn chạy, một bên, đuổi bắt một kẻ bị xích. Người chết bị tất cả những đợt gió bấc xô đẩy, vùng vẫy, co giật, nổi giận, đi đi, lại lại, vươn lên rơi xuống, xua đuổi đàn quạ tan tác Người chết là chuỳ đàn quạ là bụi. Bầy chim dữ tợn ngoan cố xông vào không chịu bỏ cuộc. Người chết như điên dại trước bầy mỏ kia, càng đánh đấm khoẻ vào khoảng không một cách mù quáng, y hệt một hòn đá buộc vào cái máy bắn đá. Có những lúc bao nhiêu móng vuốt, bao nhiêu cánh đều châu lại trên người nó, rồi hết không còn gì hết; đấy là những lúc bầy rợ tan tác bay đi, rồi lập tức giận dữ quay lại. Cực hình rùng rợn nối tiếp cuộc sống. Bầy chim như điên cuồng. Hẳn là cửa hầm của địa ngục cũng để thoát ra những bầy chim tương tự. Thôi thì cào xé, mổ rứt, quang quác, giằng giật những mảnh không còn là thịt sống nữa, rồi tiếng giảo đài răng rắc, tiếng bỏ xương sột soạt, tiếng sắt thép loảng xoảng, tiếng gió rít ù ù, tiếng nhốn nháo, thật không còn cuộc vật lộn nào ghê rợn hơn. Một vong hồn chống chọi với quỷ dữ. Một cuộc chiến đấu ma.
Đôi khi làn gió mạnh lên, người chết treo xoay mình, nhìn thẳng vào tất cả bầy chim từ bốn phía đến như muốn đuổi theo chúng và tưởng chừng như răng nó cố tìm cách ngoạm. Nó được gió tiếp tay, nhưng bị sợi xích chống lại, dường như hung thần cũng tham dự vào đấy. Phong ba cũng có mặt trong trận đánh. Người chết quằn quại, bầy chim quấn quanh nó theo hình xoắn ốc.
Đây là một đám xoáy giữa một cơn gió lốc.
Dưới xa có tiếng gầm mênh mông vô tận, đó là biển cả.
Em bé đang trong giấc mê đó. Đột nhiên em run rẩy cả tứ chi, ớn lạnh suốt toàn thân, em lảo đảo, rùng mình suýt ngã, ngoảnh lại, ấn hai tay vào trán, làm như trán là một điểm tựa; và hung hãn, tóc rối bời trước gió, bước những bước dài xuống đồi, hai mắt nhắm nghiền, chính bản thân em cũng gần như ma quỷ, em cắm đầu chạy trốn, để lại sau lưng cái hình ảnh đau khổ đứng giữa trời đêm.
7. MŨI BẮC PORLAN
Nó chạy mãi cho đến lúc thở không ra hơi, chẳng cần biết về đâu, cuống cuồng, trên tuyết, giữa đồng, trong không gian. Nhờ chạy như thế mà người nó nóng lên. Nó đang cần được nóng. Không chạy như thế, và không sợ hãi như thế nó đã chết rồi.
Đến lúc không thở được nữa nó mới dừng chân. Nhưng nó không dám nhìn lại sau. Nó cảm thấy hình như bầy chim phải đuổi theo nó, người chết phải cởi xích và chắc hẳn đang đi cùng hướng với nó, và không nghi ngờ gì nữa, bản thân cái cột treo cổ cũng đang xuống đồi chạy theo sau người chết. Nó sợ nhìn thấy những thứ đỏ, nếu nó ngoảnh lại.
Lúc hơi thở đã gần hồi, nó lại chạy trốn nữa. Trẻ con không phải tuổi tìm hiểu sự việc. Nó thú nhận mọi cảm giác qua sự phóng đại của hãi hùng, nhưng không nối liền chúng lại trong trí óc và không kết luận. Nó cứ đi không cần biết đến đâu và như thế nào; nó cứ chạy với mối lo và nỗi nhọc nhằn của giấc mộng. Nó bị bỏ rơi đã gần ba tiếng đồng hồ. Bước đường đi tới mông lung của nó đã thay đổi mục đích; ban nãy nó còn tìm kiến, giờ đây nó đang trốn chạy. Nó không còn thấy đói, cũng không còn thấy rét nữa; nó sợ. Bản năng này đã thay thế bản năng kia. Tất cả ý nghĩ của nó lúc này là phải thoát khỏi. Thoát khỏi cái gì? Khỏi tất cả. Bốn phía xung quanh, cuộc sống đối với nó như một bức tường thành khung khiếp. Giá có thể trốn thoát hết mọi chuyện, nó đã làm rồi.
Nhưng trẻ con đâu có biết cái trò phá ngục mà người ta gọi là tự tử.
Nó cứ chạy.
Nó chạy như thế không biết bao nhiêu lâu. Nhưng hơi thở cạn dần, sợ hãi cũng cạn dần.
Thình lình, nghị lực và trí tuệ như đột nhiên bừng dậy, nó liền dừng lại, tưởng chừng thấy chạy trốn là xấu hổ; nó lên gân, dậm chân, quả quyết ngẩng đầu lên và ngoái lại.
Không còn đồi, không còn giá treo cổ, không còn bầy quạ nữa.
Sương mù đã lại chiếm lĩnh chân trời.
Em bé tiếp tục đi.
Lúc này nó không chạy nữa, nó đi. Có ai nghĩ cuộc gặp gỡ với người chết kia đã biến nó thành người lớn, là hạn chế cảm giác phức tạp và hỗn độn trong đầu óc nó.
Trong cảm giác đó có nhiều mặt hơn, và nhiều mặt kém thế. Cái cột treo cổ, hết sức mơ hồ trong hiểu biết thô thiển gọi là tư tưởng của nó đối với nó vẫn là một thứ ma quỷ hiện hình. Có điều, nỗi kinh hoàng được chế ngự là một sự vững tâm, nó cảm thấy mình mạnh hơn. Giá nó ở vào cái tuổi tự biết dò xét, nó đã thấy mở đầu trong nó hàng nghìn chuyện đáng suy ngẫm, nhưng suy nghĩ trẻ con chưa thành hình, và cùng lắm chúng chỉ cảm thấy đó vị chua chát của điều đối với chúng rất khó hiểu mà sau này lớn lên chúng gọi là lòng căm phẫn.
Cần nói thêm rằng trẻ con có tài chấp nhận rất nhanh sự kết thúc của một cảm giác. Nó không nắm được những đường viền xa thẳm và thoáng qua, tạo nên chiều sâu rộng của mọi đau khổ. Trẻ con bị sức yếu hạn chế nên không có được những cảm xúc quá phức tạp. Nó nhìn thấy sự việc, và nhìn thấy rất ít bên cạnh. Trẻ con không biết bất mãn với những ý nghĩ bộ phận. Bản án cuộc đời mãi sau này mới được biết, lúc kinh nghiệm đến với hồ sơ của nó. Lúc ấy mới có dịp đối chiếu với các sự việc gặp được, trí tuệ được hướng dẫn và đã lớn mạnh mới so sánh, các kỷ niệm tuổi trẻ hiện trở lại qua các say mê như nguyên cáo trên tờ giấy da [54] qua những nét gạch xóa; số kỷ niệm đó, là những điểm tựa cho suy luận và những gì trước kia là hình ảnh trong đầu óc trẻ con thì nay trở thành tam - đoạn - luận trong đầu óc người lớn. Vả lại kinh nghiệm có nhiều mặt, hay dở tuỳ theo bản chất. Người tốt thì chín chắn khôn ngoan, kẻ xấu thì hư hỏng thối nát.
Em bé dễ đã chạy được một phần tư dặm, và đã đi thêm một phần tư dặm nữa. Thình lình nó cảm thấy trong bụng cồn cào. Một ý nghĩ lập tức át mất hình bóng ghê tởm của ngọn đồi, chợt đến đột ngột với nó: ăn. Cũng may, trong con người lại có con vật; con vật dẫn con người về với thực tế.
Nhưng ăn gì? Ăn ở đâu? Và làm thế nào mà ăn?
Nó sờ nắn túi áo. Một cách máy móc, vì nó thừa biết là túi rỗng.
Đoạn nó hối hả bước. Không biết về đâu, nó cứ bước vội đến chỗ mà may ra nó gặp được.
Lòng tin vào quán trọ bắt nguồn từ Thượng Đế vốn sẵn có trong con người.
Tin vào một chỗ trú, tức là tin vào Chúa.
Vả lại, trên cánh đồng tuyết này, chẳng có cái gì giống một mái nhà cả.
Em bé cứ bước, đồng hoang lại tiếp tục, trần trụi tít tắp.
Trên cao nguyên này, chưa bao giờ có nhà của người ở. Chỉ dưới chân vách núi, trong các hốc núi vì thiếu gỗ làm chòi, ngày xưa có những cư dân cổ sơ trú ngụ; vũ khí của họ là cái ná bằng đá, củi đun là phân bò khô, tôn giáo là thần tượng Heil đứng tại một khu rừng thưa ở Đorsextơ, và nghề gọi là plin và người Hy lạp gọi là isidis plocamos.
Em bé cố hết sức hướng theo khả năng của nó.
Toàn bộ vận mệnh là một ngã tư, việc lựa chọn phương hướng thật đáng sợ, con người nhỏ bé đó đã sớm phải lựa chọn giữa những may rủi đen tối. Tuy vậy nó vẫn bước đi; nhưng mặc dù bắp chân nó tưởng chừng như bằng thép, nó đã bắt đầu thấm mệt. Trên cánh đồng này không có đường mòn; nếu có thì tuyết cũng đã xoá sạch. Theo bản năng, nó tiếp tục đi về hướng đông. Những hòn đá sắc cạnh đã làm hai gót chân nó xây xước. Giá trời sáng thì có thể thấy, trong các dấu chân nó để lại trên tuyết, những vết máu hồng hồng của nó.
Nó chẳng nhận ra gì hết. Nó đang đi xuyên qua cao nguyên Porlan từ nam lên bắc, và rất có thể cái bọn cùng nó đến đây, không muốn để cho ai gặp, đã đi xuyên cao nguyên từ tây sang đông. Chắc hẳn chúng đã đi trên một chiếc thuyền đánh cá hoặc buôn lậu, từ một điểm nào đấy trên bờ biển Uggescombe, như Sainte Catherine Chap hay Swancry để đến Porlan gặp chiếc thuyền con chờ họ, và chắc chúng đã phải rời thuyền tại một trong những tiểu đoan[55] Weston, để lại sang thuyền khác tại một trong những vũng eston. Hướng đó cắt ngang hướng đi hiện giờ của em bé. Vì vậy nó không thể nào nhận ra đường đi.
Đây đó cao nguyên Porlan có những chỗ nhô cao đột ngột bị bờ biển tàn phá và cắt thẳng đứng trên biển. Em bé lang thang đi đến một trong những điểm cao này, và dừng lại, tìm cách nhìn ngó, hy vọng gặp được nhiều dấu vết hơn nhờ có nhiều không gian hơn. Trước mắt, chân trời chỉ là một khoảng mờ đục nhợt nhạt bao la. Nó quan sát thật kỹ và qua đôi mắt hau háu khoảng mờ cũng có kém phần mù mịt. Cuối một vệt đất mấp mô xa xa, về phía đông, dưới cái khối mờ nhợt nhạt đó, một loại núi hiểm trở di động và xanh nhợt như một vách núi của đêm trường, có những mảng rách mơ hồ màu đen đang bò trườn, trôi giạt, những đầu tường, nham nhở không rõ.
Khói đục mờ mờ đó là sương mù, những mảng rách màu đen đó là khói. Đâu có khói, đó có người. Em bé hướng ngay về phía ấy.
Cách đó không xa, nó thấy lờ mờ một lối xuống, và ở chân lối xuống, giữa những đường quanh co nhằng nhịt của núi đã bị sương mù xóa nhoà, có hình dáng một giải cát hay một doi đất, chắc hẳn nối liền cao nguyên vừa đi với những cánh đồng ở chân trời. Tất nhiên phải qua đấy.
Đúng là em bé đã đến eo đất Porlan, giải đất bồi từ thời hồng thủy được người ta gọi là Sex Hil.
Nó lẩn sang phía sườn đó của cao nguyên.
Dốc núi gập gềnh, khó đi. Tuy có kém cheo leo, đây là cảnh trái ngược của lúc đi lên để thoát ra khỏi tiểu loan. Mỗi bận đi lên đều được đền bù bằng một lần đi xuống. Trèo chán, bây giờ nó đang tụt xuống.
Nó nhẩy từ mỏm núi này sang mỏm núi khác, liều cho trẹo chân hoặc lộn cổ xuống vực thẳm. Để bấu víu những lúc gặp đá hoặc băng trượt, nó phải túm chặt lấy những dây dại và những cây kim tước hoa đầy gai, mặc cho những đầu nhọn đâm vào ngón tay. Thỉnh thoảng gặp được quãng dốc thoai thoải, nó vừa đi xuống vừa lấy lại hơi thở, rồi lại đến đoạn hiểm trở, mỗi bước lại phải áp dụng một phương sách khác. Những lúc lần xuống vực, mỗi động tác là cách giải của một bài toán. Phải khéo léo lắm không thì chết. Những bài toán đó, em bé giải bằng một bản năng mà khỉ vượn phải ghi nhớ, và bằng một khoa học mà người leo dây phải khen ngợi. Đường xuống vừa dốc đứng vừa dài. Tuy vậy nó cũng đi hết được.
Dần dần đã sắp đến giây phút được đặt chân lên eo đất, thấp thoáng xa xa.
Từng lúc từng lúc, vừa nhẩy lên hoặc nhẩy xuống từ mô đá này sang mô đá khác, nó vừa dỏng tai như một con hoẵng chăm chú. Nó lắng nghe xa xa, bên tái trái một tiếng động mênh mông và nhẹ nhàng, giống như tiếng kèn đồng văng vẳng. Trong không khí quả đang có một sự xáo động, đi trước ngọn gió hãi hùng của phương bắc từ địa cực ào ào đến như một đội kèn sắp tới. Đồng thời em bé chốc chốc lại cảm thấy trên trán, trên mắt, trên má, một cái gì như những lòng bàn tay lạnh áp lên mặt.
Đấy là những bông tuyết to lạnh buốt, thoạt đầu được gieo rắc nhè nhẹ trong không trung, rồi xoay tít, và báo trước cơn bão tuyết. Em bé bị bông tuyết phủ đẩy người.
Cơn bão từ hơn một giờ đã hoành hành trên biển cả, bắt đầu đi vào đất liền, từ từ xâm nhập các cánh đồng, chênh chếch theo hướng tây bắc vào cao nguyên Porlan.
Chú thích
[45] Không tuyên thệ.
[46] Castille là vùng trung nguyên bán đảo Tây Ban Nha. Tiếng caxti tức là tiếng Tây Ban Nha.
[47] Tiếng Anh chướng tai.
[48] Galles (Tiếng Anh là Wales): một miền ở phía Tây nước Anh. Những miền ở gần hai bên sườn phía tây dãy núi
[49] Pyrênê, giữa Pháp và Tây Ban Nha.
[50] Nguyên văn: Andamos (tiếng Tây Ban Nha) có nghĩa là Ta đi thôi.
[51] Loại áo dùng khi có gió tây nam, gió suroit.
[52] Một hình thức ngày xưa phạt tội nhân phải chèo thuyền chiến.
[53] Gion Pentơ (John Painter) dịch ra tiếng Pháp là Jean le Peintre: Giăng Hoạ sĩ.
[54] Ngày xưa người ta viết trên da. Để dùng được nhiều lần, phải xóa chữ cũ đi rồi viết chữ mới lên
[55] Ghi chú của vaparous (thuvien-ebook.com): theo sách là «loan», nhưng có lẽ dùng «đoan» mới đúng. Đoan: (khẩu ngữ) Ngành hải quan của chính quyền thực dân Pháp trước CMT8 (trích Từ điển Tiếng Việt – Viện ngôn ngữ học – Nhà XB Đà Nẵng