A mere friend will agree with you but a real friend will argue."

Russian Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-12-06 00:25:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hai: Những Cái Tên
ơi nào dục vọng sống trong mọi vật
thì khí trời đối với cửa sổ
cũng như cá đối với lưới
CÔNG THỨC KHẮC TRÊN
MỘT KHUNG CỬA SỔ Ở MOGADOR,
THẾ KỶ 12.
Nếu những giấc mơ không phải là sự thức tỉnh,
một loại thức tỉnh nào đó,
thì chúng sẽ luôn qua đi mà người ta
chẳng nhận ra.
MARÍA ZAMBRANO
I. Cửa sổ: Fatma
Sáng hôm đó Fatma về nhà mà không ngờ nàng sẽ chẳng bao giờ được cái nhìn của Kadiya chạm tới một lần nữa. Fatma sẽ chẳng bao giờ gặp Kadiya ở Hammam, mặc dù nàng quanh quẩn hàng giờ chỗ căn phòng nơi họ đã gặp nhau, cặm cụi hít thở mùi hương thấm nhuần trong lần vải mà trên đó họ đã xâm phạm bề mặt nhìn thấy được của thời gian. Khi nàng hỏi về Kadiya, ai nấy đều khăng khăng họ không biết cô ta là ai, một số người với vẻ thờ ơ, những người khác thì như thể họ đang giấu giếm một nỗi ô nhục mà Fatma không lý giải được. Khi nàng tản bộ qua các phố dáo dác tìm Kadiya, điều đó chỉ càng tô đậm thêm sự vắng mặt của cô. Nàng không thể hiểu tại sao Kadiya trốn tránh nàng.
Trước kia nàng thấy mãn nguyện bao nhiêu thì bây giờ nàng thấy mình bơ vơ trơ trọi bấy nhiêu; trước kia nàng sẵn sàng dâng mình cho Kadiya bao nhiêu thì giờ đây nàng cảm thấy mình bị khước từ một cách bất công bấy nhiêu; trước kia nàng ngạc nhiên đến ngần nào trước niềm vui nhân đôi của mình thì giờ đây nàng cô đơn một cách bí hiểm cũng bằng ngần ấy.
Những cảm xúc đó bện vào nhau trong nàng như những sợi chỉ trong một thứ vải thật dày. Đồng thời, nàng cảm thấy mọi thứ nàng nhìn thấy từ cửa sổ phòng nàng cũng được làm nên bằng thứ vải sâu thẳm đó.
Mấy tiếng đồng hồ nàng ở bên Kadiya đã lùi xa trong thời gian song không tan biến mất. Thế nhưng, niềm vui của những khoảnh khắc đó đã trở nên vi tế đến độ vô cùng dễ vỡ. Nỗi buồn nhẹ nhõm nàng vừa mới có kia được tạo thành từ những cú sốc bất ngờ đó, những cú sốc vốn không nhất thiết là những nỗi buồn đen tối nhất: một tầng trung gian khiến nàng mất hết nhiệt tình với đời sống hàng ngày; mặt khác, một tầng vốn là nơi che chở những hình ảnh sống động của niềm phấn khích mãnh liệt nhất của nàng, giấu nó khỏi mắt người đời, cầm giữ nó cho riêng nàng thôi. Cái tầng che phủ nàng này trở thành một dòng chảy tối trong những giấc mơ của nàng, một dòng sông bằng vải sũng nước chuyển động bên dưới và phía trước nàng, nhẹ nhàng cuốn nàng theo.
Nhưng nàng phó mặc cho sức mạnh của linh hồn mình lèo lái bằng một cú trượt dài chẳng phải là trong những giấc mơ. Nàng phó mặc như vậy là ở trong vùng trung gian nơi nàng không hoàn toàn tỉnh thức cũng chưa hoàn toàn ngủ, nơi mà màu sắc, hình thể, âm thanh đến với nàng bằng một tiếp xúc tinh tế hơn, mới mẻ và ôm chứa. Nàng ở trong vùng nửa-ngủ nơi mà mọi thứ ở gần, thay vì đơn giản là tĩnh tại, đều dẫn đến những chiều sâu xa xăm nơi không có gì tồn tại biệt lập, nơi mọi vật đều chuyển động và bị làm cho chuyển động.
Ở những nơi đó nàng sẽ đi vòng quanh cái bất khả một cách dễ dàng, sẽ mơ trong khi thức. Trạng thái nửa mở mắt này là cái đã hồi sinh nhiều nhất cho lòng khao khát của nàng và cho phép nàng đặt nó một cách thư thái vào mọi vật quanh nàng. Bởi trong giấc nửa ngủ của nàng, ngay cả cái cây trong phòng nàng cũng có những cử động của Kadiya trú ngụ.
Lá của cây đó có hình thù như những giọt nước thuôn mảnh, như những móng tay của Kadiya, như vùng bụng dưới của cô. Màu xanh lục của mắt cô thì quá hiển nhiên không cần so sánh nữa nhưng Fatma vẫn cứ so sánh; cũng vậy là vị trí của một số cành vươn về phía cửa sổ như đôi tay dang rộng. Nàng không biết so sánh những đóa hoa màu trắng và đỏ với cái gì, nên nàng chỉ ngắm chúng một cách bồn chồn.
Nhưng cái khiến nàng sửng sốt nhất là cái đặc tính rõ rệt của cây này, vốn được người ta bán ngoài chợ phố với cái tên Nôn nóng: mấy cái cuống mỏng mảnh và bề mặt những chiếc lá nhọn của nó hướng về phía ánh sáng với sự mau lẹ và mềm dẻo hiếm thấy ở cây cối. Fatma nhìn thấy ở cái xu hướng quay về phía cửa sổ đến mức quá đáng này một sự trùng hợp tàn nhẫn với cuộc sống của chính nàng: nàng nhìn mọi vật cũng giống như thế, dẫu cho nhất định là Kadiya không nhìn khắp nơi để tìm nàng như vậy.
Vì lý do nào đó nàng đau lòng khi thấy ở cây này sự hết mình quá đáng nhường kia đối với bầu không khí đầy ánh sáng tràn vào qua cửa sổ, và từng chặp, nàng lại tức tối xoay hướng cái chậu đất, cho những chiếc lá chĩa vào trong bóng tối. Trong vòng chưa đến một giờ, nếu là ban ngày, toàn bộ cây đã lại vặn hết cuống về phía cửa sổ với một nỗ lực trông thấy rõ, khiến Fatma càng thêm đau lòng. Thiết tha muốn làm cho mọi vật thấm đẫm sự vắng mặt của Kadiya, nàng khiến cho mọi vật tràn đầy sự có mặt của nàng, làm đầy một vùng chân không bằng cách tự nói với mình về Kadiya. Và nàng khiến cho mọi vật dự phần vào cuộc đàm thoại bí mật đó. Vật duy nhất kháng cự là một cái cây, cây Nôn nóng của nàng, nó phủ nhận cái giấc mơ làm dịu lòng của Fatma bằng những cử động hối hả và mạnh mẽ. Vậy, trong khi các vật xung quanh nàng có thể nói với nàng về Kadiya, thì Nôn nóng của nàng chỉ cho phép nàng lặp lại cái câu tuôn ra từ môi nàng trong những lần tỉnh thức đầy đau đớn của nàng:
“Hãy thôi mơ về ta trong giấc mơ của ta”.
Đôi khi nàng ngồi nơi cửa sổ tay cầm sách, nhưng các con chữ in bị neo quá chặt không cho nàng dễ dàng dong buồm vượt qua sự vắng mặt chúng. Khi khác nàng lại gặp một bản văn mà ít nhất đôi phần nào đó buộc nàng tiếp tục nhìn thấy trong những giấc nửa-mơ của nàng hình dáng khác của thế gian. Nhưng số sách nàng có thể cầm trên tay chẳng lấy gì làm nhiều, và nhiệt tình của nàng dành cho một bài thơ, bài hát hay nhân vật nào đó không chịu kéo dài.
Một đêm, xúc động vì một đoạn văn vẫn nán lại với nàng ngay cả sau khi nàng gấp sách, nàng bắt tay viết một bức thư dài vô tận gửi Kadiya. Câu này tiếp sau câu nọ đổ xuống như những con sóng. Nàng muốn nói với Kadiya tất cả, đồng thời lại tin chắc rằng tất cả sẽ vừa khớp trên đầu ngọn bút bé tẹo của nàng.
Ngay cả những gì trước kia nàng chưa hề nghĩ tới cũng được viết ra trong cơn phấn khích. Nhưng, đột nhiên, cái ảo tưởng rằng Kadiya sẽ đọc những dòng đó bắt đầu lùi xa cũng nhanh như khi nó đến. Nàng thôi không viết các con chữ nữa, nhưng không thôi nghĩ về chúng. Hẳn nàng đã muốn ném chúng ra không khí để sự tình cờ sẽ bày chúng ra trước mắt Kadiya, dán chúng lên tường dọc các phố để ai cũng biết tới cơn khẩn thiết của nàng đặng nhắc lại về nó cho Kadiya biết. Nàng hẳn đã muốn thấy chính mình bị ai đó dõi theo từ ô cửa sổ nào kia, được ai đó viết ra bằng bàn tay xao xuyến.
Có một tấm gương trong phòng nàng và khi thấy hình chiếu của mình trong đó, nàng thấy nó dường như quá mong manh, như thể tấm gương vốn hay phòng thủ nên không cho thấy hình ảnh phần quan trọng nhất của nàng, vốn là hình ảnh của một phụ nữ khác. Nàng lại bắt đầu đi khắp các phố, bất chấp điều luật về gặp gỡ tình cờ. Ngày càng trôi qua và nàng càng ý thức hơn về tấm vải dệt bao quanh nàng thì nàng lại càng cảm thấy không thể chịu nổi nếu cứ ngắm nhìn mãi. Nhưng trong những khoảnh khắc bao quanh các giấc mơ nàng, khi nàng không còn chờ đợi và cặp mắt nàng mất đi sức căng của chúng, thì từ chiếc ghế trống nàng để trước mặt mình, một bàn tay lại chìa ra giằng mất sự bình tâm của nàng.
Trong một cơn lốc xoáy không ai thấy, mọi áo choàng của không khí đều bị xé toang hết chiếc này đến chiếc kia trước mắt nàng, và từ chúng bàn tay của Kadiya xuất hiện, mời mọc nàng chìa tay cầm lấy nó. Trong tất cả những chuyển động mà giấc nửa-mơ của Fatma về sự phong nhiêu của Kadiya có thể nhờ cậy đến, cử chỉ đó - bàn tay của dục vọng chìa cho nàng - là cử chỉ độc nhất quay trở lại, đơn độc và riết róng, trượt qua cái bóng sự khẩn thiết của làn da mà dâng lên đến Fatma thông qua khe hở cặp mắt khép hờ của nàng.
Trong khoảnh khắc mà Fatma nhớ lại, hai người đang nằm trên đệm ở Hammam thì Kadiya ngừng mơn trớn mà ngồi dậy, nhìn Fatma bằng một trong những cái nhìn chằm chặp hầu như nhập vào trong thân thể. Kadiya vươn tay phải về phía Fatma như một lời hiệu triệu đầy uy quyền, một lời “đến đây với ta” tuyệt đối, rồi nắm lấy vai nàng, lại ôm nàng, nhưng lần này đào sâu hơn những vuốt ve mơn trớn bằng một cơn thịnh nộ đầy chiếm hữu tuy nhiên không hề nhận chìm những biểu hiện vi tế nhất của sự dịu dàng.
Cũng bàn tay đó tìm kiếm nàng ngoài phố, hoặc khi nàng ngồi trên ụ tàu dưới ánh nắng hay đứng ngoài chợ đợi người ta trả tiền mua trái cây. Bàn tay đó cầm sợi chỉ làm cử động chân nàng và bện nên những con đường nàng đi. Đó là một bàn tay nhìn ngắm, chìa ra để chạm vào nàng từ đằng sau khi nàng ngồi xuống, từ đằng trước khi nàng cất bước, từ phía trong khi nàng ở bên cửa sổ. Đôi khi nàng để cho những dối lừa của bàn tay đó dẫn nàng đến những thân thể khác. Một chàng trai trạc tuổi nàng, dưới bóng cây, đã xuyên vào nàng đầy vội vã, mơn trớn nàng một cách vụng về và không lắng nghe nàng. Một phụ nữ trông giống Kadiya hôn nàng mà không tinh tế, đòi hỏi từ các ngón tay và đôi hông nàng những cử động của một người đàn ông.
Bằng cách đó, nàng thường xuyên để dục vọng mình xóa mờ khuôn mặt các cư dân đích thực của nó và không chỉ một lần đã phải chạy trốn giữa chừng một nụ hôn, hoặc sau khi đã cởi quần áo mà không hiểu nổi cơn ghê tởm bất chợt của mình.
Thế nên nàng giam mình trong nhà, đối diện những bức tường thành phố đang kìm lại những ngọn sóng không thôi khẩn thiết van nài. Ban đêm, tiếng vỗ ầm ào không dứt lọt đến tai nàng, và trong khi nàng nằm trên giường, âm thanh đó mở cánh cửa dẫn vào những giấc mơ của nàng.
Fatma bước vào đêm giống như ai đó khởi đầu một nhiệm vụ bí mật khi thấy một dấu hiệu sắp xếp từ trước. Người ta có thể nói nàng ngủ hầu như vì nghĩa vụ. Nàng làm như thể, trong khi ngủ, nàng làm một công việc ban ngày đơn điệu mà nàng chán ghét. Người ta có thể cho rằng, về đêm, nàng thực hiện tất cả các hoạt động mà nỗi sầu muộn khiến nàng không làm được lúc ban ngày. Nàng lên giường ngủ đầy sinh lực còn khi thức dậy thì mỏi mệt, mồ hôi rịn trên trán còn cử chỉ thì như của người bị tước đoạt mọi thứ. Dường như trong góc nào đó những giấc mơ của nàng, Fatma tạo ra những vật bí mật mà cứ hễ nàng thức dậy là chúng lại bị giật đi. Việc thức dậy đối với nàng là vậy đó: nỗi ngạc nhiên thấy mình bị trắng tay.
Khi đến trên những bến bờ đầu tiên của buổi sáng, Fatma thấy bà đang đợi nàng, bà luôn dậy sớm hơn nàng để ban cho nàng những lời nói và nụ cười hầu giúp nàng dễ hạ mình xuống những nghĩa vụ phải làm trong ngày. Hai bà cháu sống trong căn nhà vốn trước kia là của cha mẹ Fatma cho đến cái ngày hai vợ chồng quyết định xuống thuyền sang bên lục địa để giải quyết vụ làm ăn dang dở nào đó ở đấy. Họ đã chẳng bao giờ cập cảng đến, mặc dù họ ra đi vội vã cứ như đang trễ hẹn. Người ta chẳng bao giờ nghe nói tới con tàu ấy nữa. Nhiều người cho rằng nó vẫn đang dong buồm ở một chốn trung gian nào đó, của một vùng biển mà khoa địa lý chưa biết tới, được dẫn đường nhờ những ngôi sao mà ngay các nhà chiêm tinh cũng giấu giếm hoặc quên mất.
Những ai thấy Fatma nơi cửa sổ phòng nàng và biết chuyện gia đình nàng đều tưởng tượng rằng ấy là nàng đang tìm kiếm cha mẹ mình trong không khí, và một ngày nào đó nàng cũng sẽ xuống thuyền làm cuộc hành trình cùng họ bên ngoài thời gian. E rằng chuyện đó có thể xảy ra, nhiều người ở Mogador cự tuyệt lên cùng một thuyền với Fatma. Vài người thậm chí sợ đến gần nàng trong khi nàng thả bước quá gần biển. Có những bà góa lo ngay ngáy, cứ hễ thấy Fatma đang nhìn đăm đăm nơi chân trời là họ liền quay lại, căng mắt cố nhìn cho được những điểm xa xăm nàng đang nhìn rồi tuyên bố rằng đã thấy cha mẹ nàng đang gọi nàng. Họ cũng thề rằng đã thấy một cánh buồm căng phồng nhờ hơi thở những hồn ma.
Nhưng Fatma, thậm chí cha mẹ nàng là ai nàng cũng không biết. Khi họ ra đi, nàng mới sáu tháng tuổi, thành thử nàng có biết cha mẹ mình để mà nhớ họ thì cũng chỉ qua những câu chuyện do bà kể cho nàng; mỗi khi thức nàng dậy, bà luôn kể cho nàng về những cuộc nói chuyện giữa bà với cha mẹ nàng khi bà nằm mơ. Aisha, bà của nàng, lấp đầy những khoảng trống của chính mình bằng cách hoàn toàn phó mặc bản thân cho những trầm tích ban đêm của mình, chúng cho phép bà sống được trọn ngày mà chỉ than khóc ít hơn một chút hoặc chỉ phải mang một sắc đen nhẹ hơn, cái sắc đen không đè nặng linh hồn bà. Khi bà thức dậy, bà có thể ban cho chính mình những nụ cười mà Fatma chỉ tự cho mình vào ban đêm, khi nàng ngủ.
Aisha trò chuyện lâu, cẩn trọng với người chết. Hàng đêm một người nào đó lại đến thăm bà, ngời sáng gương mặt không tì vết của tuổi trẻ, gương mặt mà nỗi hoài niệm ban cho. Về đêm, bà cho sự trống rỗng lúc ban ngày của mình trở thành nơi trú ngụ của những hồn ma hạnh phúc, những hồn ma bị mắc bẫy trong những khoảnh khắc niềm vui được kiến tạo tốt đến nỗi, khi buổi sáng đến, sự vắng mặt mới và tạm thời của họ không lưu lại vết sẹo nào. Đôi khi, sự đãng trí và trí nhớ khó nắm khiến bà trò chuyện với những người ở xa nhưng chưa chết. Những lúc như vậy, thay vì giải tỏa sự nhầm lẫn của bà, Fatma lại thích thú thấy bà nàng muốn cho ai vào ngụ trong nghĩa trang nụ cười của bà thì cho, tùy ý bà. Trong thâm tâm, nàng cũng muốn tin những cuộc viếng thăm đó, muốn nghĩ rằng Kadiya cũng có thể đến vào một đêm nào đó để thì thầm vào tai nàng.
Có những giây phút Fatma cảm thấy nỗi u buồn của nàng không có người đến ngụ bởi vì khuôn mặt Kadiya không còn đến dễ dàng như vậy cùng mỗi ngọn sóng. Nàng quan sát những đám mây gợi lên một nụ cười đôi khi giống nụ cười của Kadiya. Nàng thường đăm đăm nhìn chẳng một cái gì, nhìn cái khoảng nhỏ trống không mà lúc này bị những đám mây tản ra che khuất. Nàng chẳng hề thôi ngắm những lỗ hõm của biển trôi qua không khí đến cửa sổ phòng nàng. Nàng ngắm.
Quanh cửa sổ nàng, Fatma sốt ruột đan những tấm trải bàn của dục vọng mà trên đó ai kia đang dọn ra, ăn rồi vung vãi cuộc đời nàng.
II. Cá: Amjrus
Từ cửa sổ mình, Fatma thấy một phần bến tàu nơi người ta kéo thuyền lên khỏi nước để chữa thân thuyền. Hàng ngày người ta họp chợ bán đấu giá cá giữa mấy chiếc thuyền hỏng trong một vòng tròn những manh gỗ vụn. Cánh chủ thuyền và nhà buôn đến đàm phán mua cá với số lượng lớn, sau đó những chỗ cá này được đem bán ở chợ con theo từng tá. Dưới bóng một thân tàu mới sơn, một người đàn ông béo ị quát to lời rao của cánh ngư dân: loại cá, trọng lượng và giá cả sau cùng.
Tiếng thét lác ầm ĩ của tay béo và những người mua cá kéo dài mỗi lần vài giây. Nghe như một cuộc cãi cọ giữa những người nói lắp mà ở đó nhiều người nói cùng một lúc. Kẻ xướng giá om sòm đó tên là Amjrus, béo đến nỗi mỗi khi y ngồi trên ghế dài, người ta có cảm tưởng cái ghế hồ như biến mất, những guồng mỡ của y dường như ôm trọn hết cả. Sau mỗi cuộc mua bán tay béo lại túa mồ hôi, bèn lau mặt bằng cái khăn mùi soa quấn quanh cái cổ nần nẫn. Giữa các ngón tay trái y là những mẩu giấy mà cánh ngư dân đưa cho, trên đó họ mô tả thật hay ho hấp dẫn về chất lượng cá của mình. Mỗi mẩu như thế y kẹp giữa hai ngón, thế là nắm tay múp míp của y trông cứ như nảy ra những cái chong chóng mà y dùng để quạt. Mỗi khi ngừng thét lác, y vứt những mẩu giấy ỉu mồ hôi xuống đất, có cả vài mẩu mực dây ra.
Trước cuộc đấu giá, y bảo đám ngư dân cho hàng mẫu vào một cái hộp trông bắt mắt, thế rồi y kiểm tra xem họ có xếp vào đó những con cá to nhất, dễ lừa thiên hạ nhất không. Y tùy hứng bắt các ngư dân xếp hàng, không cho họ đem vào đấu giá những con cá có những màu sắc y không thích. Y ghét cay ghét đắng màu xanh lục có nhuốm chút vàng.
Fatma thích quan sát từ xa cuộc diễu hành của những con cá đang đấu giá kia: hình dáng và màu sắc chúng là hình dáng và màu sắc một cú trượt mới trong cảm xúc của nàng. Song cái nhìn chòng chọc của đám đàn ông ở cuộc đấu giá thường lôi bật nàng ra khỏi trạng thái trôi giạt này - trên hết là cái nhìn của Amjrus, kẻ dường như chuyển hóa cái béo ị của mình thành một cơn cương cứng bất cứ khi nào mắt y hướng vào nàng. Từ đó trở đi, Fatma chỉ để cho những sắc màu tỏa sáng của lũ cá nằm trong sọt ngấm vào nàng thông qua khóe mắt nàng và miễn cưỡng ngoảnh nhìn nơi khác, sao cho không thấy mình nằm trong tay đám đàn ông đang trêu chọc nàng hoặc tìm cách chạm vào nàng khi nàng đi qua.
Amjrus đã quan sát nàng từ bấy lâu nay, đã thấy nàng chất đầy trong mình lũ ấu trùng của nỗi sầu muộn. Nhưng y còn nhận ra rằng, ngoại trừ nỗi buồn khi có khi không ấy, những nhu cầu đã vào cư ngụ trong cơ thể nàng một cách căng thẳng đến mức nào. Y nhầm tưởng rằng tiếng nói của xác thịt cũng dành cho cả những ai tình cờ nghe thấy chúng.
Y thấy cơ thể nàng run rẩy theo mỗi bước nàng đi và lại bắt đầu mường tượng thấy nàng cuộn sóng bên trên những guồng mỡ của y. Y biết cái khối thân phì nộn của mình gây ra nơi nữ giới nỗi ghê tởm đến nhường nào, và mỗi lần siết chặt thắt lưng, dường như y thả nổi một cơn thù hận xa xưa đối với tất cả các phụ nữ đã giằng giật sự sống khỏi dục vọng của y. Sự thờ ơ của Fatma khiến y đỏ ké tự bên trong, y càng bước thì nó càng làm y tức tối, khiến phần da thô ráp nhất của y cũng phừng phừng bốc lửa. Y muốn tin rằng khi Fatma nhìn lũ cá, thực ra ấy là nàng nhìn y, và trong nỗ lực hòng buộc cái nhìn của họ phải tình cờ gặp nhau, ngay cả y cũng nhìn sâu vào những chiếc sọt có màu như được tráng men bởi thứ nước rỉ ra từ vảy cá.
Trong khi đi giữa đám thuyền đánh cá để giám sát người ta chọn mẫu hàng, Amjrus quan sát Fatma nơi ô cửa sổ nàng và cố điều chỉnh các cử động của mình cho khớp với cái mà y tin là đáng yêu nhất đối với cái nhìn của nàng. Y vừa đi vừa phác những cử chỉ khoáng đạt, nhảy thoăn thoắt lên các bậc tam cấp bằng sự nhanh nhẹn vờ vĩnh, và nói năng với ai cũng lộ rõ vẻ uy quyền.
Khi ngồi giữa các thân thuyền, y thôi không làm bộ tịch như thể mình là nhân vật quan trọng nhất, nhưng vẫn tiếp tục ngợp trong những ám ảnh không kém phần tự nặn ra kia. Y đi đến chỗ tin rằng mỗi khi y vào trong một thân thuyền y sẽ bất ngờ thấy Fatma đang nằm trần truồng trên đống cá. Tưởng tượng của y cũng thô tháp như hai cánh tay y.
Ngay cả đám ngư dân đi thị sát cùng y cũng có thể đoán ra hình dáng những nỗi ám ảnh phì đại của y, bởi Amjrus có cảm giác mình như trận đá lở rơi xuống một cặp cá nóc mà nếu con này đặt cạnh con kia thì sẽ khiến y nghĩ tới đôi mông một cô gái, chẳng lớn hơn hai bàn tay y mấy tí, ấy là y nói vậy. Bực bội, y cho hai con cá vào một cái sọt mà chẳng nói chẳng rằng, rồi lại tiếp tục đi thị sát.
Ở cuộc bán đấu giá luôn xảy ra xích mích, và Amjrus được coi là người chịu trách nhiệm dàn xếp các giao dịch sao cho suôn sẻ, song mỗi khi có kẻ nào không bồi thêm tiền cho y dù y đã bảo đảm cho họ một món hời là lập tức y quăng tấm thân nặng trịch của y vào họ. Về sau, y thường xuyên hục hặc với gã dân chài mà một hôm đã toan tấn công Fatma và nhất quyết không tha thứ cho Amjrus vì tội đã cười gã khi cô gái vung dép mà đe gã. Khi buổi đấu giá kết thúc, gã và Amjrus đi nốc đẫy bia để những oán giận trong lòng nổi lên trên mặt.
Amjrus cố giải thích cho gã dân chài rằng y cười là để chiếm cảm tình của người đàn bà đi ngang qua, chứ không phải để làm gã kia mặt đã bẽ càng thêm bẽ. Tay dân chài không tin lắm và cảm thấy mình phải trả thù gã béo. Và trả thù nàng. Gã chỉ rút lại lời đe dọa sau khi đã lăng mạ và tát tai một anh chàng vui vẻ vô tư lự đi ngang qua quán, anh ta là bạn của mọi người và chẳng của ai. Amjrus và kẻ đối ẩm đầy phẫn uất rốt cuộc tay trong tay mà hát, rồi trò chuyện về đàn bà theo kiểu họ vẫn thường nói về cá ở ngoài chợ. Fatma bật ra khỏi môi họ chất đầy những tính từ và câu cảm thán đầy thèm muốn, lời lăng mạ và đe dọa.
Nốc cạn một cốc bia, Amjrus béo ị thình lình đứng dậy đi vào buồng vệ sinh, ở đó y lôi từ một cái túi ra hai con cá nóc mà y tìm thấy trong thân thuyền. Y xòe rộng hai tay nén hai con cá vào nhau rồi đút vào giữa chúng cái đối tượng múp míp cho cơn thủ dâm ngắn ngủi và dữ dội của y. Đau nhói vì chà xát vào lớp vảy, không kiên nhẫn nổi với sự dềnh dàng của thể xác mình, y tuyệt vọng nghiến răng như để chuyển sự rắn câng của hàm y xuống cái ẽo ợt thờ ơ treo giữa hai chân. Y để mặc hai con cá nằm trên sàn buồng vệ sinh, như thể bằng cách vứt chúng đi y sẽ rũ bỏ được cơn ngứa ngáy khó chịu của thể xác y. Y quay lại chỗ tay bạn rượu ngồi nơi chiếc bàn đầy chai rỗng và hất đổ mấy chai trong khi cố đặt vài đồng bạc lên bàn để rốt cuộc cũng có thể về. Thế rồi y ngật ngưỡng đi ra, quyết tâm đi dọc con đường dẫn đến nhà Fatma.
Đến dưới cửa sổ phòng nàng, y nhận ra nàng không có ở đó. Y quyết tâm tấn công nàng, hét vào mặt nàng tất cả những lời tục tĩu mà y có thể rặn ra, cởi quần áo rồi khiến cho nàng choáng ngợp trước những cuộn mỡ buông thòng thõng của y. Y đã bắt đầu nản, thôi không muốn nhìn lên nữa thì chợt thấy Fatma đang một mình đi dọc theo con phố để về nhà.
Y lập tức nghĩ đến việc hãm hiếp nàng. Y đợi nàng đến gần hơn. Giờ thì nàng gần như ở ngay cạnh y. Giờ nàng đang mở cửa nhà rồi bước vào. Nghe tiếng cánh cửa trước âm vang trong tai, gã béo nuốt nước bọt, cắn môi vì đã chùng chình do dự trong khi nghiền ngẫm nỗi nghi hoặc của mình.
Đấu tranh dữ dội với đôi chân say bí tỉ của mình, y bước về phía phần khuất của bến tàu, phía bên kia bậc dẫn lên bờ nơi y thường đến vào mỗi thứ Bảy, giống như hôm đó y đến chỗ con tàu treo đèn đỏ và cái chợ đàn bà trong con tàu đó. Amjrus thường xuyên đến con tàu đó với sự kinh tởm, lần nào cũng buộc phải xác nhận thêm lần nữa cảm giác nhạt nhẽo vô vị của mình. Ở đấy mọi người biết y nhưng chẳng mấy ưa y. Y không chịu nổi những lời đùa cợt về cái bụng xệ của y, về chuyện y uống rất ít rượu và chỉ để lại vừa đúng số tiền đã ngã giá cho đêm đó, không thêm một xu nào. Y chỉ hào phóng trong việc ban lời trách mắng và miệt thị, cái kiểu y giờ đang cư xử với người đàn bà kiên nhẫn chịu đựng y lần này, ả quan sát y thức dậy trong tâm trạng cáu kỉnh, chật vật chui ra khỏi giường để rời tàu trước khi trời sáng không để cho ai biết.
Amjrus nhìn người đàn bà, ả đã thức dậy, lặng lẽ quan sát y. Y cảm thấy dường như ả đang nằm dưới đáy một giếng thang, rằng thậm chí ả không đáng được nhận số tiền y phải trả. Rằng giá như không có chuyện chủ nhân chiếc tàu này là chỗ bạn bè với y và giá như ả không phải một trong những cô nàng mà tay chủ cưng chuộng nhất thì chắc hẳn y đã bỏ đi không trả tiền. Nói gọn, suốt cả thời gian đó y toàn ngủ. Khi rút tiền ra khỏi túi, y lại thoáng nghĩ đến Fatma và so sánh nàng với ả đàn bà này, kẻ đã thuận tình chung chăn gối với y. Y oán giận người đàn bà nơi cửa sổ và khinh miệt người đàn bà trên con tàu. Nhưng một người y tôn lên mây xanh còn một người y xéo xuống bùn.
Cứ mỗi tờ bạc y đếm ra, nỗi khinh miệt độc địa đối với người đàn bà đang đăm đăm nhìn y càng tăng. Y cảm thấy mình nhẹ nhõm và ưu việt hơn ả bởi vì y khao khát chồng thân y lên trên một người đàn bà khác, người chẳng bao giờ đặt chân đến phía bên này bến tàu. Gã đàn ông béo ị tin rằng bằng cách khao khát Fatma, y có thể làm cho những phẩm tính mà y thấy ở nàng thấm nhiễm vào y. Ý nghĩ của y có thể thô tháp đến như vậy đó.
Y chẳng bao giờ có thể hình dung nổi rằng Fatma khao khát người đàn bà nằm ngay trước mắt y kia, kẻ mà, hơn bất cứ gì khác, có thể ngăn nàng lại trên con đường nàng đi. Amjrus đếm tiền xong liền hỏi ả hầu như theo thói quen: Tên cô là gì? Người đàn bà da sẫm tên là Kadiya. Y đặt tiền vào tay ả rồi rời tàu, luôn miệng than van rằng vào giờ này Hammam chưa mở cửa dành cho đàn ông. Y sẽ phải đợi đến chiều. Y vừa ợ vừa bước xuống cầu tàu, gãi bụng.
III. Tấm lưới: Mohammed
Vài giờ sau khi Amjrus rời những vòng tròn màu đỏ tỏa ra từ những chiếc đèn bập bềnh lên xuống, Mohammed cũng rời tàu. Ngày hầu như đã rạng hẳn, và những tấm khăn bàn màu đỏ tròn tròn do ánh đèn hắt xuống cứ co rút dần cho đến khi khuất gọn trong những chiếc hộp nhỏ bằng thủy tinh thắp sáng. Những ngọn đèn kêu lanh canh khi Mohammed bước xuống cầu tàu.
Tay Mohammed đang đi theo lối này không phải là Mohammed bán vải, không phải Mohammed làm chum lọ bằng đất sét, không phải Mohammed chăn dê, không phải Mohammed ở hàng bán rượu, không phải Mohammed lấy bà dì anh ta làm vợ, không phải bất cứ ai trong số nhiều Mohammed khác mà người ta có thể gặp ở Mogador. Anh là một trong các Mohammed làm nghề chài lưới, nhưng không phải Mohammed đã toan quấy nhiễu Fatma ngoài phố rồi sau đó nổi khùng với Amjrus. Anh là kẻ chẳng bao giờ dám ném cho nàng một cây cầu ở ngoài phố. Khi muốn gặp nàng sau khi nhìn thấy nàng nơi cửa sổ, anh liền nói chuyện với mẹ, và mẹ anh, nhờ có người hàng xóm vốn quen biết với hàng xóm của bà Fatma, liền thu xếp cho anh gặp nàng trong gian phòng khách dùng cho những cuộc thăm viếng vì nghĩa vụ gia đình, đằng sau chiếc bàn dọn mấy cái bánh dừa mà trên đó Mohammed giờ đây không ngần ngại bắc những cây cầu rộng của anh.
Trong khi đi trên cầu tàu, khuấy động âm thanh từ những ngọn đèn, Mohammed nghĩ đã đến lúc anh lập gia đình và tìm người lấy làm vợ. Thật là bất tiện mỗi khi từ nhà chứa trở về nhà mẹ và phải gánh chịu cái nhìn chê trách cùng những lời mắng mỏ của người đàn bà vốn luôn luôn biết anh vừa ở đâu về. Hơn nữa, anh nghĩ, nhất định là sẽ dễ chịu hơn nếu tối tối, khi từ chỗ con tàu đỏ hay đi đánh cá trở về, anh đều lại bước vào một nơi trở nên dịu êm hơn nhờ giấc mơ về một người vợ chờ đợi anh vô điều kiện mà cũng không nổi cơn tam bành. Nhìn thấy sự dịu dàng trong phong thái của Fatma, anh ngày càng nghiêm túc đặt nàng vào trung tâm kế hoạch xây tổ ấm của anh.
Anh muốn đến Hammam nhưng phải gần bốn tiếng đồng hồ nữa chỗ đó mới mở cửa cho đàn ông. Trong khi đợi vào nhà tắm, anh xuống bếp để mẹ cho ăn sáng sau khi bà lên lớp cho anh một bài. Anh hy vọng dành vài giờ sau đó để sửa đồ nghề đánh cá. Mẹ anh hỏi liệu anh có muốn gặp Fatma nữa không. Anh không muốn thừa nhận rằng người đàn bà nơi cửa sổ đã chạy trốn anh; anh chỉ muốn nghĩ rằng những lẩn tránh của Fatma được nuôi dưỡng bằng sự khiêm nhường hơn là sự gớm ghét. Anh kể với mẹ về sự im lặng không ngừng của Fatma, gợi ý rằng nỗi xốn xang câm nín của nàng, sự bối rối của nàng mỗi khi anh đứng trước mặt nàng, là triệu chứng rụt rè cho thấy nàng rất mực chú ý đến anh.
Mẹ anh đồng ý với anh, bà muốn đoan chắc rằng lời cầu hôn của con bà sẽ có vô vàn giá trị đối với một thiếu nữ giống bà đến thế và nhất định sẽ xây đắp một gia đình giống hệt như bà đã xây đắp trước khi góa bụa. Điều khiến bà khiếp sợ khi thấy con bà thích người đàn bà nơi cửa sổ là cái lời nguyền treo trên đầu cô ta từ khi cha mẹ cô mất tích.
Bà sợ một ngày nào đó Fatma sẽ cùng con bà lên thuyền tới xứ sở mà từ đó không có lối quay về. Nơi người ta cho là cha mẹ Fatma đang ở, đợi nàng và cất tiếng gọi nàng. Mohammed trấn an bà, anh bảo rằng cái chuyện gọi ghiếc kia chắc chắn là bịa tạc, rằng nỗi buồn của Fatma là do nàng bí mật phải lòng anh. Tuy nhiên, anh hứa sẽ không bao giờ đặt chân lên thuyền nếu có nàng đi cùng, chỉ để phòng xa.
Anh rời nhà mẹ, nghĩ bụng rằng nên đẩy nhanh việc chuẩn bị cho đám cưới thì hơn. Anh tin chắc rằng nếu anh chọn đúng hướng, Fatma sẽ nhanh chóng đồng ý chia sẻ các mùa cùng anh. Anh bắt đầu sửa chữa vài chỗ nhỏ trên con thuyền, chắc mẩm rằng chẳng bao lâu nữa anh sẽ được Fatma khao khát. Anh lý giải các cử chỉ của nàng dựa theo đôi ba câu họ trao đổi với nhau vào một chiều nọ. Anh bảo nàng điều anh muốn, theo kiểu của anh: “Tôi xiết bao mong mỏi đêm nào cũng thấy đôi giày em đặt dưới giường tôi.” Nàng cảm thấy điều đó còn xúc phạm nàng hơn cả cái lần tay ngư dân nọ cố chạm vào nàng ở ngoài phố. Thay vì sờ soạng nàng, kẻ này lại muốn neo chặt nàng bên cạnh anh ta, vây bọc nàng mãi mãi. Nhưng nàng không đáp lại bằng vũ lực. Đỏ mặt, nàng bảo anh ta rằng nàng luôn luôn để giày trong tủ của chính nàng, rồi bỏ chạy mất. Mohammed muốn đọc thấy trong câu trả lời đó một tiếng vâng vô cùng bẽn lẽn và biến điệu.
Ngồi trên bến tàu, anh thanh thản bắt tay vá mấy tấm lưới rách, vừa làm vừa để cho những hình ảnh của Fatma nơi cửa sổ đến trong tâm trí anh, theo nhịp mũi kim. Mohammed càng lúc càng khăng khăng tin chắc rằng cái nhìn u sầu của nàng đang tìm kiếm anh chứ chẳng phải ai khác. Trí tưởng tượng dân chài của anh khiến anh dong buồm về phía tương lai mình, lôi tất cả mọi người theo trong lưới của anh với sự tự tin kỳ quặc. Đôi khi, ngắm bầu trời xế chiều, anh tự thuyết phục mình rằng mặt trời đang chờ được anh để mắt đến thì mới lặn.
Giờ thì trong khi may lại mớ lưới rách, anh lại để mình đắm vào những tính toán của dục vọng mình. Anh thấy Fatma là vợ mình, đang đợi anh bên cạnh mẹ anh giữa đám đàn bà vận đồ đen đứng chật bến tàu vào giờ cánh ngư dân trở về. Anh thấy có mấy đứa bé nắm tay Fatma. Anh thấy mình bước xuống từ một con thuyền lớn hơn con thuyền anh hiện có.
Trong khi anh sơn đi sơn lại mấy tấm vách cũ màu cam của con thuyền vốn trước đây là của cha anh, cứ mỗi lượt sơn, những màu sắc và hình dáng con thuyền mới của anh lại lẫn vào nhau trong mắt anh. Anh tính toán xem lợi nhuận của anh sẽ tăng bao nhiêu nhờ có thuyền lớn hơn và tin chắc rằng uy tín của anh sẽ tăng lên tương ứng trong mắt các ngư dân khác và hàng xóm. Thậm chí người ta còn sẽ cư xử với anh tử tế hơn trong nhà chứa, và người đàn bà của anh, mang gương mặt Fatma, cũng sẽ được thiên hạ ở Mogador kính nể; nàng sẽ là vợ của Mohammed, chủ nhân con tàu lớn màu cam.
Cách đó không xa lắm, giữa những tảng đá gần bến tàu, Fatma đang cho trí tưởng tượng của mình nổi trôi trên biển. Nàng ngắm nhìn bình thản như mọi khi, ngồi ở nơi nàng cũng hay ngồi như bên cửa sổ. Chân nàng đang giẫm trong nước khi nàng thấy một mẩu gỗ trôi về phía nàng, trôi tới đâu là sơn ướt loang ra tới đó như những giọt dầu trên ao nước. Khi nàng nghĩ ra rằng màu cam đang trôi về phía nàng có thể có liên hệ với Mohammed, kẻ đang sơn thuyền của mình bằng chính màu ấy ở phía bên kia bến tàu, nàng rụt phắt hai chân ra khỏi nước hồ như có cái gì đó cực tởm vừa buộc nàng phải co rúm lại. Nàng cảm thấy như vị sơn đắng ngắt đang ở ngay trong miệng nàng, như thể những ý nghĩ của Mohammed đang rón rén bò lên người nàng. Nàng chạy về nhà, không tránh được nên đành phải băng qua bến tàu nơi Amjrus rồi sau đó Mohammed thấy nàng chạy qua. Fatma nhìn thấy gã béo và thở phì ra sự dửng dưng phình đại nhất của nàng, song khi nhìn thấy anh ngư dân, nàng cảm thấy kinh tởm giống như cây kim cắm đống cứt tươi. Với những đòi hỏi của cả hai người đàn ông trong tâm trí, đòi hỏi của Mohammed dường như là một sự tục tĩu không thể nào chịu nổi. Có lẽ vì rất có thể tương lai nàng nằm ở đó.
Khi Amjrus thấy nàng chạy ngang qua y một cách dửng dưng, y nghĩ tới chuyện đêm đó sẽ quay lại chỗ nhà chứa, còn từ giờ tới lúc ấy thì cần phải đến Hammam. Nhưng khi Mohammed thấy nàng chạy qua, anh nghĩ chẳng bao lâu nữa anh sẽ lấy được nàng làm vợ, và rồi nàng sẽ chạy lại phía anh, có thể là để mang thức ăn cho anh. Anh tin chắc rằng khi đem tặng nàng thảm cưới, ấy là anh đang đưa nàng ra khỏi một hoàn cảnh mà nàng thấy không dễ chịu. Anh muốn tin, cũng như những người khác trước anh, rằng anh đang cứu nàng thoát khỏi mối cùng nguy cực biến nào đó và do vậy nàng luôn luôn nợ anh toàn bộ cuộc đời nàng - mọi ngóc ngách của cuộc đời nàng. Vậy nên Mohammed có thể tin chắc Fatma mang nợ anh trên bình diện cao hơn: một trong những món nợ không bao giờ trả dứt được.
Anh hối hả vá cho xong mấy tấm lưới rồi chạy tới Hammam. Giờ đã đến lúc nhà tắm mở cửa, và khi thấy Amjrus đang tiến về phía trung tâm thành phố, khăn tắm trong tay, anh cố đuổi kịp y để cả hai cùng sánh bước tới nhà tắm. Nếu như rốt cuộc anh sẽ mua thuyền mới, ấy sẽ là lợi thế để anh có thể làm thân với tay phụ trách bán đấu giá, và, vốn biết rõ đồng tiền khiến cho mắt Amjrus sáng rỡ lên thế nào, Mohammed tính toán rằng mua được sự ưu ái của y chẳng phải là việc khó. Bởi không kịp cất đi mấy hộp sơn và xếp gọn đống lưới, anh quyết định mình sẽ gặp Amjrus bên trong nhà tắm, có thể là cạnh cái vòi lớn phun nước nóng hoặc trong vườn. Nhưng rồi anh nhác thấy tấm thân to bè đó lần đầu tiên là nơi một hành lang, thế là anh liền rảo bước để hai người cắt lối nhau. Amjrus chẳng lạ gì những tham vọng của chàng ngư dân và biết sớm muộn gì chàng ta cũng sẽ đề nghị y vụ làm ăn nào đó, và quả thật chưa đầy hai phút sau anh ta đã bắt đầu nói về tương lai bằng những con số. Amjrus để mặc cho Mohammed phô ra tầm cỡ lớn lao các dự định của anh ta, và chàng ngư dân càng nói, gã nhà buôn càng định giá hời. Mohammed vẽ ra các phép tính của mình càng lý thú và táo bạo bao nhiêu thì chúng lại càng có vẻ đầy không khí và nước dãi bấy nhiêu đối với tay chuyên gia về giá cả. Y gần như phá lên cười khi nghĩ rằng có một khoảnh khắc y đã xem những kế hoạch của chú dân chài kia là nghiêm chỉnh và nghĩ cách kiếm chác từ đó.
Amjrus đã bắt đầu lơ là không chú ý đến bài nói chuyện của anh dân chài tay mơ nữa thì, đột nhiên, y nghĩ ra nên làm cách nào để bắt anh chàng trả giá cho việc bước đầu dấn vào mặt tối của các giao dịch trên thị trường cá. Anh chàng sẽ phải trả gấp trăm lần cái giá hứng chịu nỗi vỡ mộng. Gã béo im lặng đợi cho anh ngư dân kể ra kỳ hết những nét hay ho hấp dẫn nơi đề nghị của mình, cho tới khi anh cảm thấy mình chẳng còn gì khác để nhử Amjrus nữa. Vậy đó y làm cho Mohammed đã sốt sắng lại càng thêm sốt sắng, giờ thì anh ta sẵn sàng nhận cho gã béo bảo vệ mình dù với giá nào đi nữa. Anh ta bắt đầu mời chào nhiều hơn đã định ban đầu. Thấy rằng lợi nhuận có thể thu từ tay dân chài thậm chí còn mảnh hơn cái bụng trẻ trung, cơ bắp của anh ta, Amjrus béo ị chuyển sự chú ý từ tiền bạc sang da thịt rắn chắc của Mohammed. Amjrus cảm thấy dường như đôi hông của anh dân chài có phần nào giống hông của Fatma, thế là y dẫn anh ta đến chỗ những tấm thảm mềm ở cuối Hammam.
Toàn bộ cuộc trò chuyện diễn ra nơi một hành lang bị những đám hơi nước nghi ngút tỏa ra từ các phòng xẻ thành nhiều đoạn, ánh sáng tuôn xuống lọc qua hơi nước biến thành từng đợt sóng thay vì từng tia. Amjrus chú mục vào những giọt nước gặm nhấm tấm lưng Mohammed, và không ngăn nổi mình khi chợt muốn choàng cánh tay bè bè của y lên đôi vai ẩm ướt kia. Y ôm Mohammed, vờ thân ái kiểu cha chú, nhưng ấy cũng là cho chàng kia biết rằng ngoài tiền bạc ra, anh ta sẽ còn phải trả bằng cách trao thân thể anh ta. Chẳng mấy chốc, Mohammed sẽ mất chiếc thuyền và toàn bộ đồ nghề đánh cá của mình.
Họ đi bên nhau, để lại đằng sau một bức tường trắng mà trên đó một hình trang trí arabesque bằng gạch gốm tráng men nói về số phận kỷ hà của loài người và về những công thức đại số bí mật mà, dưới bàn tay Allah, chi phối những gặp gỡ và chia ly của những ai trong chúng ta sống dưới vầng trăng.
Amjrus và Mohammed vẫn tiếp tục bước bằng dáng đi ra chiều thân ái. Trong khi anh dân chài nói chuyện rất nghiêm túc với y về vụ làm ăn, một nụ cười lặng lẽ hiện lên trên mặt Amjrus: một nụ cười triển nở vào trong không khí, càng lúc càng sắc bén hơn cho tới khi, trong trí y, nó trở thành sợi chỉ chân trời dài dặc và xa xăm.
IV. Không khí: Kadiya
Người đàn bà băng qua chân trời cùng với con tàu treo đèn đỏ bị gió bạt đi, Kadiya, đã chỉ lưu dấu những vắng mặt lặp đi lặp lại của cô như là câu chuyện của cuộc đời cô. Cô chu du từ cảng này qua cảng khác cũng đều đặn như ngày tiếp theo đêm. Chẳng mấy ai ở Mogador biết tới cô ngoài những cuộc mua chác về đêm, còn số ít người mà cô có thể nói cho nghe về quá khứ cô thì nhanh chóng quên nó khi đi qua những hành lang hẹp dẫn từ lạc thú tới giấc mơ. Về Kadiya người ta chỉ biết những điều có thể được lặp lại bởi những ai đã có dịp gần cô, song quá gần đến nỗi họ là những kẻ xa cô nhất.
Từ nhiều cái miệng một truyền thuyết hình thành, và mỗi người kể nốt truyền thuyết đó sao cho hợp với lưỡi mình và lưu giữ nó hoặc quên đi tùy theo khẩu vị mình. Cần phải có một người không bao giờ no thỏa, một người trưởng thành đem lòng yêu Kadiya, thì câu chuyện của cô mới có thể lần đầu tiên rời khỏi con tàu mà vẫn nguyên vẹn, bất chấp sự canh phòng của những ngọn đèn đỏ tô màu mọi thứ, để bắt đầu băng qua những cái mồm của thành phố, những cái mồm đòi được biết về mọi thứ.
Trong cái tĩnh lặng của đêm đang ra đi, để ánh sáng làm cho nó mỗi lúc một loãng dần, những lời nhanh thoắt hình thành trên đôi môi Kadiya cắt ngang qua không trung như những cái phi tiêu nhỏ xíu. Mỗi một âm thanh ngời sáng trên hơi ẩm của miệng cô, hấp thụ cái nhìn của người bạn vừa qua đêm cùng cô, kẻ mà khi ngày rạng thì vẫn đang ở trên những bậc cao nhất của cơn thôi miên mà từ đó trèo xuống cực kỳ không dễ. Mặc dù giấc ngủ và cơn mệt nút chặt tai anh ta bằng một búi dày sự hư vô, giọng của Kadiya bện vào nhau cái im lặng đó của đêm, và khi cô rút lui, cô cột nó lại bằng một sợi chỉ lụa dài. Nó trói chặt sức ỳ của anh ta và buộc anh ta không được sao nhãng nỗi say mê Kadiya, nỗi say mê giống như cái vỏ sò vô hình nơi những lời cô nói âm vang rõ hơn bất cứ nơi nào khác. Chúng quả thực được viết lên không khí, quả thực vừa khớp với lòng bàn tay và nhảy lên trên miệng.
Cô nhận ra rằng kẻ mới xuất hiện mà khao khát cô đây đã được kết tinh ở một trong các lăng kính vốn nhân lên các hình phản chiếu, ban cho một tiếng vâng hay một tiếng không nhiều chiều kích hơn so với chúng thường có được. Anh ta bị nhận chìm trong cái hộp thủy tinh ngời sáng được mở ra bởi người đàn bà lúc đó đang dẫn anh bước vào cuộc tắm mình tẩy lễ của ái tình. Anh không biết rằng nghi thức khai tâm này - cũng như mọi nghi thức khác - cho anh một sự ngây thơ trong trắng mới, chứ không tước nó khỏi anh. Anh là chàng trai ngây thơ trong trắng đem lòng yêu nụ cười đầu tiên đã làm thân thể anh vui sướng. Cô nói mà bụng biết rằng đôi tai đang lắng nghe cô là đôi tai háo hức hơn tất cả, nhưng cô không để bị đánh lừa bởi ảo tưởng rằng đây không chỉ một niềm vui phù du.
Cô cảm thấy hài lòng với sự âu yếm chân thành trong mắt người đàn ông đang cẩn trọng vuốt ve cô, nhưng cô không bị cột trong chỉ lụa mà giọng của người làm bạn với cô cũng không tự dệt ở trong cô. Kadiya kể chuyện cô cho anh nghe không chút vờ vĩnh, cô cảm thấy chẳng bao lâu nữa anh sẽ không còn coi trọng những lời cô nói như bản thân cô coi trọng: cơn khát mới thức dậy trong anh sẽ khiến anh lao tới chỗ những dòng suối nơi mấy giọt đầu tiên của anh sẽ trộn lẫn vào. Cô và anh cùng tuổi, mười sáu tuổi, nhưng trong khi Kadiya đã biết các luồng không khí thổi đi đâu, anh chỉ mới bắt đầu nhận ra rằng cơ thể anh đang di chuyển trong không khí.
Không lâu sau đó, khi câu chuyện của Kadiya bắt đầu lan truyền từ nhà này sang nhà khác ở Mogador và được kể trên quảng trường qua miệng các cụ-già-biết-tất vốn hàng ngày vẫn thu tiền khách qua đường đặng kể chuyện cho họ nghe kèm theo động tác kịch câm, nó đã trở thành dị bản về một người đang yêu đầy hờn oán giả vờ hờ hững trong khi trên thực tế nỗi quan tâm của anh ta ngày một nhân lên gấp bội. Chàng trai trẻ được khai tâm để lần đầu tiên biết những lạc thú và cơn đau của nỗi đam mê đã giữ bí mật về những thôi thúc đầu tiên của cơn đam mê dữ dội của mình, song anh cho rằng nếu tiết lộ bí mật này, cả anh cũng sẽ được giải thoát khỏi cái nhiệt nồng của những thôi thúc đó. Và như vậy, cảm thấy mình đang bị áp đặt một khoảng cách vốn xa lạ với dục vọng của mình, anh dùng quyền lực mình để vi phạm các khoảng cách một cách không suy xét.
Kadiya, đến lượt mình, đã tiết lộ những màu sắc của quá khứ mình với anh ta, không hẳn vì thiếu thận trọng, mà bởi cô đã thôi không còn bận tâm đến chuyện liệu bí mật của cô có bị người ta biết tới ngoài con tàu treo đèn đỏ hay không nữa. Từ khi cô bị bán cho chủ tàu này đến nay đã được bốn năm, những biến cố đau lòng rốt cuộc đưa đẩy cô tới chốn này đã bắt đầu lành trong ký ức cô. Khi cô thấy, trên bến bờ đầu tiên của buổi sáng, hình dáng bên cạnh cô bắt đầu nổi bật trên nền bóng tối của căn phòng, cô để cho một sự nhầm lẫn thú vị xâm chiếm cô: nỗi nhiệt nồng êm dịu khi một lần nữa lại cảm thấy niềm vui tươi mới mà những bình minh khác đã cho cô.
Đôi khi cô bị khuấy động cũng một cách giống như mọi vật tách khỏi nhau khi ánh sáng ngời chói bắt đầu xuất hiện, gieo những sự phân biệt tinh vi của nó. Đặc biệt có một bình minh hàm chứa ký ức của cô về những bình minh khác: buổi sáng đầu tiên cô dõi nhìn trời mưa nơi ốc đảo Zagora bên cạnh cha, cách đây mới hơn bốn năm.
Cha cô là người dẫn bộ lạc du mục Tassali băng qua sa mạc. Lần này ông dẫn họ đi xa hơn nhiều so với chặng di cư thường lệ, bị thúc đẩy bởi cơn hạn hán ghê gớm đã quét sạch sự sống khỏi các ốc đảo mà năm nào họ cũng đi qua. Zagora nằm xa về phía Bắc so với lộ trình của họ, nơi sa mạc thình lình chấm dứt. Nhưng vào lúc đó một trận mưa kéo dài ba giờ khiến mọi người tại Zagora kinh ngạc, bởi đã mười lăm năm nơi đây không hề có mưa.
Năm, sáu nhóm du mục hối hả tiến về khu vực nơi cát đã bị che phủ những lá cây cao, mảnh, chúng ngập ngừng phơi ra trước gió, chuyển động cũng với nỗi phân vân nghi hoặc giống như trong lòng mỗi người ở Zagora khi họ thấy cảnh quan của mình đột nhiên biến đổi. Ngày hôm sau họ còn thấy một trăm con dê do những người du mục dẫn tới đang nhai ngấu nghiến những cây cỏ hoa lá mà mặt trời hãy còn chưa thiêu rụi. Sự báo thù chẳng còn xa nữa.
Những ai sống ở thị trấn và thành phố luôn luôn ngờ vực dân du mục: họ đến rồi đi mà chẳng bận tâm gì đến trật tự của những người sống giữa các vùng. Họ không có nhà thờ. Họ bị coi là dân dị giáo hay những kẻ chuyên làm điều ác, người ta chỉ dung chứa họ khi họ phục vụ các thành thị bằng cách mang thương đoàn băng qua sa mạc, hoặc bằng cách buôn bán dê, vũ khí và vải vóc.
Ở Zagora, những ngày mưa khiến nhiều người vui sướng, vui sướng hơn tất cả là Tobib, người già nhất trong những người già ở đây, ngày nào ông cũng trèo lên núi trước khi mặt trời mọc, ngồi trên một tảng đá mà qua bao năm đã mài nhẵn phần mông bộ áo dài djellabah ông mặc, ngắm nhìn tất cả những gì ông còn thấy được. Đó là việc hàng ngày của ông; ông tin chắc việc đó là quan trọng và ở Zagora hình như ai cũng tin thế. Việc đầu tiên ông lão làm là nhìn về một điểm trong bóng tối chỉ mình ông biết, thế rồi, từ điểm đó, ông khấn nguyện để vời đến cái ánh sáng sẽ cho phép ông tách đêm ra khỏi ngày và trời ra khỏi đất.
Trong thành phố ai cũng biết khi mặt trời mọc thì Tobib đang ngồi trên núi và vào mùa đông công việc của ông càng vất vả: vừa già nua vừa mỏi mệt, ông chẳng thể ngăn không cho ngày cứ ngắn dần đi khi trời chuyển lạnh. Một số người than phiền về ông, nói rằng hồi Tobib đương trẻ thì ngày còn sáng sủa hơn và mọi vật còn nhiều màu sắc hơn bây giờ, bởi hồi ấy ông ít quan tâm tới chuyện tạo ra ánh sáng mà phần nhiều chú ý ban màu sắc cho mọi vật.
Công việc mỗi ngày của ông bắt đầu khi mọi vật còn đen đến nỗi ông không nhìn thấy bàn tay chính mình ở trước mặt, rồi dần dần ông bắt đầu vẽ phác đường viền các vật thể mà ông biết. Ông bảo rằng “hình dáng con người ta là khó vẽ nhất vì mình phải có trí nhớ tốt: dân thành phố sẽ nổi giận nếu khuôn mặt họ không giống y như hôm qua.” Sau khi vẽ phác xong những cây cọ trong thung lũng, tách những căn nhà ra khỏi núi, trao hình bóng cho những người đi qua lúc tinh mơ, ông bắt đầu tập trung vào màu sắc tất cả những gì ông đã phân định được. Đầu tiên mọi vật đều xám xịt, nhưng rồi năng lực của Tobib tạo ra những màu sắc chói lọi đến nỗi từng vật một cứ sẵn đà mà tiếp tục tự tô màu chính nó.
Thường thì các vật ở gần có màu sáng hơn những vật ở xa: năng lực của Tobib càng đi xa càng yếu. Người ta không còn biết những ngọn núi đằng xa kia màu xanh hay màu đen nữa. Điều quan trọng nhất ở Zagora là Tobib trèo lên núi, bởi nếu ông vắng mặt thì thành phố sẽ trắng toát và khiến cho thiên hạ mất hết gờ mép của mình.
“Hoảng loạn trắng” là chữ họ dùng để gọi nỗi sợ khủng khiếp tràn qua dân chúng Zagora suốt một ngày nắng gắt khi Tobib không trèo từ trên núi xuống sau khi xong việc. Khi người ta túa đi tìm ông, họ phát hiện xác ông nhuộm đỏ, bị đâm suốt bằng một lưỡi dao găm mà không ai ở Zagora biết. Khi tin Tobib chết lan nhanh trong dân chúng Zagora, điều đầu tiên họ nghĩ tới là ngày hôm sau họ, tất cả họ, sẽ bước vào một cuộc sống mới, dù đen hay trắng, không thể phân biệt với cát hay những vật khác. Thậm chí họ không biết liệu đây có sẽ là sống hay không nữa. Vài người thà chết ngay khi đó, ngay ở đó, liền lao xuống giếng hoặc tự cắt cổ tay. Những người khác thì đã bắt đầu chết từ khi thấy những cái xác đầu tiên và nỗi sợ bên trong họ càng tăng.
Lần theo dấu máu, họ khám phá rằng con dao là của dân du mục Tassali, bộ tộc của Kadiya. Tin chắc rằng lời nguyền giáng xuống Zagora ngày hôm sau sẽ được giải nếu họ hy sinh tính mạng toàn bộ đàn ông của bộ tộc đó, họ bắt hết đàn ông Tassali làm con tin rồi giết từng người một, trước cuộc thảm sát họ cầu nguyện rất nồng nhiệt và thành tâm. Đàn bà thì bị hãm hiếp rồi bán cho đám buôn nô lệ và chủ các nhà chứa nổi trên mặt nước.
Dân du mục cư trú ở Zagora được hơn hai tuần thì mới xảy ra cái chết của Tobib. Đã năm ngày qua kể từ khi trái quả của cơn mưa đã bị người ta hái kiệt và từ đó dân du mục luôn tìm cách rời bỏ nơi đó. Nhưng sáng nào cũng vậy, luôn có một chuyện không may ngăn không cho họ đi. Dê lạc bầy, tai nạn, thời tiết xấu, điềm gở. Người dẫn đường của bộ tộc Tassali sợ rằng những trở ngại đó sẽ tiếp diễn mãi, thế rồi khi đi ngang qua đền thờ ở Zagora, anh ta nghe được câu chuyện về Tobib trên núi.
Cho đến khi chuyến khởi hành của họ bị trì hoãn đến ngày thứ năm, anh ta tin chắc rằng lão Tobib kia đã quyết chí sáng nào cũng vạch đường viền các lều của họ ở cùng một chỗ, bằng cách đó bộ tộc anh ta đã bị cầm tù bởi cái nhìn của ông già. Anh ta hy vọng giải thoát được bộ tộc mình bằng cách cho cặp mắt Tobib tắm trong máu của chính lão ta, theo cùng một cách họ thường làm với những con dê dẫn bầy đi lạc.
Một người già trên quảng đường Mogador đã kể về cái từng là quá khứ của Kadiya như vậy, những biến cố phũ phàng mà rốt cuộc sẽ đưa cô tới chỗ con tàu treo đèn đỏ, nơi đêm nào cô cũng bị bán cho những kẻ mua cô. Nhiều người lắng nghe halaqui, người kể chuyện già trong khi ông lão thuật tỉ mỉ từng chi tiết và làm động tác để cường điệu thêm. Ông lão đặt cho từng nhân vật những cái tên quen thuộc ở Mogador, nhờ vậy mà được cho nhiều tiền hơn so với khi kể những chuyện khác.
Ngay cả Fatma khi đi ngang qua cũng ném cho ông một đồng bạc to. Nàng hơi rùng mình khi nghe câu chuyện và dĩ nhiên không thể ngờ câu chuyện có mối liên hệ gì với người đàn bà nàng đã biết ở Hammam. Đối với nàng câu chuyện đó dường như cũng giống mọi câu chuyện người ta kể trên quảng trường: cũng xa lạ với nàng như bất cứ chuyện gì nàng đã nghe ở đó. Nhưng khi rời khỏi quảng trường, nàng cảm thấy cái gì đấy như khơi gợi ký ức nàng: như thể nàng đang sắp sửa nhớ ra một từ vốn chưa bao giờ đến được môi nàng. Có cái gì đó trong câu chuyện khiến nàng quan tâm đặc biệt.
Nàng không còn nghe kể câu chuyện trên quảng trường nữa, song các nhân vật và sự kiện toát ra từ điệu bộ của ông già tiếp tục chiếm lĩnh nàng tự bên trong, chúng mang lấy một sự sống mà ý thức nàng không còn kiểm soát nổi. Nàng nghĩ đến chuyện chưa bao giờ nàng thấy trời mưa trong sa mạc, rằng có lẽ để nhìn thấy sự lạ này thì phải chịu thống khổ ngần ấy cũng đáng; rằng người đàn bà trong câu chuyện đã mất cha cũng như nàng mất cha, nhưng ít nhất thì người đàn bà này cũng biết cha mình là ai. Dù sao đi nữa, mỗi khi nàng nghe câu chuyện, chân nàng lại dấn sâu thêm vào nỗi buồn của nàng và nàng tự an ủi mình rằng, may thay, không ai trong số những người nàng quen biết và yêu thương đã phải chịu số phận như số phận người đàn bà du mục đó, bị ném vào sự vắng mặt của cả gia đình cô và bị bán lên con tàu nhà chứa.
Rồi nàng nghĩ rốt cuộc nàng đã nhớ ra cái gì hình như đã động vào ký ức nàng một cách ngập ngừng đến thế khi nàng nghe ông già trên quảng trường kể câu chuyện. Nàng tin chẳng qua đó là ký ức về một cảm xúc tương tự như khi một cuộc trò chuyện đã kết thúc được một hồi song vẫn tiếp diễn trong im lặng. Đã nhiều lần, khi đọc tới những trang cuối một cuốn sách, nàng cứ vương vấn mãi về số phận các nhân vật, thậm chí dù họ đã chết trong cuốn tiểu thuyết. Bản thân cốt truyện hay cách miêu tả một nhân vật, một khung cảnh hay hình ảnh, đánh thức trong nàng sự thường xuyên quay về của những gì bị bỏ lại đằng sau.
Và nàng nghĩ, cũng chính điều đó đang xảy ra lúc này với câu chuyện về người đàn bà du mục, người sẽ lại đến trong tâm trí nàng cùng với những ám ảnh khác của ngày. Và như thế, cả trong tâm trí nàng nữa, hình bóng Kadiya mà nàng khao khát lướt qua rất gần với người đàn bà du mục bị bán ở Zagora. Do một sự tình cờ sâu sắc đến độ xảy ra với Fatma mà nàng không nhận thấy, hai câu chuyện khác nhau cắt lối nhau tại một khoảnh khắc trong thân thể nàng, hai mà thực ra chỉ một, hai câu chuyện mà giá như nàng tiếp nhận cả hai cùng một lúc vào tâm trí thì hẳn đã cho nàng cái chìa khóa nàng mong mỏi hầu có thể một lần nữa tiến lại gần những cử chỉ dịu dàng của Kadiya. Nhưng không khí lại cũng giằng mất khỏi nàng ý tưởng táo tợn về sự trùng hợp đó. Nàng đã nghe thấy tiếng bay của con chim mà nàng tìm kiếm, nhưng lại không biết làm thế nào phân biệt được nó.
Fatma đi về nhà khi buổi chiều sẫm lại ở Mogador. Nàng nhận thấy, khi thiên hạ buông sự mệt mỏi của mình trong vùng bóng tối vừa mới triển nở thêm, thì ngay cả đường nét của những khuôn mặt nghiêm khắc nhất dường như cũng có được một bình an mới mênh mông. Nàng nghĩ rằng, vào giờ khắc muộn này, cư dân Mogador tiến vào một loại sự sống thứ hai, sự sống mà về mọi mặt là tương tự với các nhân vật trong những câu chuyện đã kết thúc vẫn tiếp tục sống trong tâm trí nàng.
Cả nàng cũng bước vào trong im lặng đó khi nàng bước vào nhà mình cùng với bóng đêm.
Tên Của Khí Trời Tên Của Khí Trời - Alberto Ruy Sanchez Tên Của Khí Trời