To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: gnamtho
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5526 / 371
Cập nhật: 2018-01-13 18:25:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Giống Giữa: Tôi Đòi Và Quyền Lực
oạn quan là chỉ một tầng lớp quan chức tôi đòi nằm trong cung đình Trung Quốc và các nước chung ảnh hưởng: Việt Nam, Triều Tiên. "Hoạn" có nghĩa là thiến. Thiến là một hình phạt, trước khi có tình trạng vật bị thiến được đem ra sử dụng. Điều này có vẻ như chứng minh tính chất ưu thế đàn ông trong mọi tổ chức xã hội loài người. Người có quyền lực thiến kẻ thất thế hơn để bảo vệ giống cái của mình, để trừng phạt kẻ kia sử dụng cái quyền của giống đực mà mình được hưởng.
Hình luật của xứ Assyrie (1450-1250 tCn., khoảng vùng Irak ngày nay) cho phép người chồng bắt gặp vợ ngoại tình thì có quyền hoặc giết cả hai hoặc cắt mũi vợ và thiến tình địch. Trung Quốc có luật thiến kẻ phạm tội hình sự, gọi là "cung hình". Quan chức bị thiến nổi danh là tác giả Sử kí, Tư Mã Thiên (145- khoảng 90 tCn.) bị đưa vào "tàm thất" vì tội bênh Lí Lăng hàng Hung Nô. Hình luật của người Do Thái có cách dùng đá đập nát hoặc cắt bỏ bộ phận sinh dục. Ảnh hưởng truyền đến Kinh Thánh, cho rằng những người ấy "không xứng đáng đứng vào hàng ngũ dân Chúa" (Deuteronomy). Có lẽ một phần vì vậy mà giáo hội Thiên Chúa thường không dùng người thiến (trừ trong một dàn đồng ca bị Giáo hoàng Leo XIII bãi bỏ năm 1878). (Reay Tannahill, tr.146-254). Tuy nhiên các quan quyền, vua chúa lại thấy người nam mất khả năng sinh dục là phương tiện hiệu quả để giữ gìn gia đình mình, cần thiết đến nỗi khi không được cung cấp đủ nhu cầu thì bắt dân thuộc quốc, dân bại trận kiếm người điền thế như Darius đối với dân Assyrie, nhà Minh đối với Trần, Hồ (1395, 1407).
...Thị ngóng, thị trông, thị không cái ấy
Tổ chức vốn phát xuất từ Trung Quốc nên ngoài chữ hoạn quan, thái giám, trong sử sách ta còn gặp các tên nội quan chỉ chức trách chung bên trong cung đình: người áo xanh/thanh sam chỉ quy chế y phục, trung quan, trung quyên để chỉ tình trạng lơ lửng của cái giống, cũng ẻo lả mà không phải là thuyền quyên, đàn bà con gái thực sự. Chức phận tôi đòi hầu hạ khiến người ta mượn tính cách đồng âm của chữ để diễn ra cả một vế câu đối trong đó chỉ được tính cách đích thực của loại người mất khả năng làm loạn cung đình về phương diện sinh lí để vua an tâm cai trị thần dân: thị không cái-ấy. Trong thực tế thì hoạn quan không phải chỉ là người bị thiến mà đúng còn là kẻ bẩm sinh thiếu phương tiện sinh dục, những kẻ được gọi là có "ẩn cung" như trường hợp Lê Văn Duyệt. (Có thể Tống Phúc Đạm cũng vậy nếu ta bám vào chữ của sử quan được dùng là "tật ngầm" chứ không phải là "bệnh" - nhưng ông này không phải kẻ hầu trong cung cấm). Và như sẽ thấy, có dấu hiệu những người được gọi là "thái giám" đầu Lê không hẳn là "hoạn" quan.
Nhưng thông thường, hoạn quan là kẻ bị hay được thiến để vào hầu hạ trong cung cấm. Cửa cung là "cửa vàng" do hoạn quan trông coi nên chức danh này có tên là Hoàng môn lệnh. Hầu hạ cung đình dẫn đến những đặc ân cho bản thân và cả gia đình. Cho nên ngay từ đời Lí đã có chiếu cấm tự hoạn (1162). Cổ Hi Lạp, ở đảo Chios đã có chuyên viên thiến người rồi đem bán cho nhà quyền quý. Cung cấm vua chúa Hồi Giáo có hàng bảy tám trăm nô lệ da đen bị hoạn, hầu hạ các bà. Hoạn quan nổi danh nhất trong lịch sử Việt là Lí Thường Kiệt, "khi còn ít tuổi vì vẻ mặt tươi đẹp được sung làm Hoàng môn chi hậu." Sử quan chép chuyện năm 1105, khi Lí Thường Kiệt chết, mà né tránh chỉ để ý nghĩa bị thiến trong chức tước nêu ra trong lúc Phan Huy Chú về sau dùng chữ "tự thiến" trong đó không phải không ngầm có ý nghĩa hạ thấp tư cách của ông (Lịch triều hiến chương loại chí - Nhân vật chí, H. 1992, tr. 308.)
Ý nghĩa cao quý của việc hầu hạ Con Trời nằm trong tên quyển sách được ông Kim Dung kiếm hiệp hoá mà lớp người ở Miền Nam những năm 60 của thế kỉ vừa qua ai cũng nghe tên, có điều không biết đó là sách chỉ phương cách thiến an toàn: Quỳ hoa bảo điển. Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền, Dương Giáo chủ... ai cũng phải qua cái cầu "giơ dao chém phăng một cái" mới có thể bắt đầu tập luyện võ nghệ tuyệt luân, và chắc chắn sẽ trở thành võ lâm minh chủ. Chỉ có điều bất tiện là các bậc anh hùng cái thế này sau đó râu rụng sạch, tiếng nói eo éo, chạy xa vợ, hay như Dương Giáo chủ võ nghệ cao cường hơn thì ru rú trong phòng kín đan thêu, mê trai. Quỳ hoa bảo điển là "sách báu khuôn thước của hoa quỳ". Vua là mặt trời để hoa quỳ xoay quanh theo, mang tên khác: hướng dương. Lòng quỳ một dạ hướng hương. Ý nghĩa của hoạn quan cũng tương tự. Một linh mục qua Trung Quốc, viết về các mặt sinh hoạt không thường được nói ra, trong đó có cả chuyện về Cái bang gần gần như thứ ông Kim Dung làm mê thanh niên Việt. Tên sách âm theo lối latinh nhưng dễ nhận ra, và tấm hình kèm theo cho thấy "chuyên gia" mà R. Tannahill biết người La Mã gọi là "barbers", đã làm thật gọn ("shave") (LM.?,?, Bibliothèque Payot, 1949, 1950?).
Ở vùng quê miền nam Trung trước 1945 vẫn thường có những người đàn ông làm nghề đi dạo thiến gà trống, chó, heo. Tiếng rao "thiến heo, thiến... đây" có khi kèm theo tiếng ống tiêu thổi đã làm cho chó chạy theo sủa vang cả xóm làng, và sản sinh ra câu mắng: "Mặt như thằng thiến...!" Họ dùng lọ nghẹ, nghệ và muối bôi lên vết mổ để cầm máu, và xong! Đôi khi vừa mới luồn tay dưới bụng, gà kêu "ót" một tiếng, lăn quay ra. Cũng có lúc vài ngày sau con heo mới chết. Không hề gì, rủi ro của khoa giải phẫu lúc nào cũng có. Thợ thiến-người hẳn có chuyên môn cao cấp hơn, tuy ta không nghe nói đến. Người La Mã còn để lại cho đời một loại dụng cụ thiến hoàn hảo, dọn sạch cả hai phần. Người bị thiến nằm nghỉ nơi được sưởi ấm, không có gió máy, vì thế ta mới thấy Tư Mã Thiên thọ phạt mà được gọi là gởi vào "tàm thất" (nhà nuôi tằm). Trần Nhân Tông đi dạo, thấy người trong mộng, bảo hoạn để vào hầu, đặt tên là Phạm Ứng Mộng (1254). (Hành trạng người này được chép sai có vẻ giống như của Mạc Hiển Tích đời Lí, vì thấy ông ta còn sống đến hơn một trăm năm sau, cuối đời Minh Tông, đòi chết thế thân cho vua, 1357). Sử ghi rằng tiền cho để thiến lên đến 400 quan. Đó là một số tiền khá lớn, vì Lê Tắc cho biết (An Nam chí lược, tr. 222), chắc là cùng thời với ông ("đời gần đây", Tắc hàng Nguyên năm 1285), gian phu bị bắt gặp muốn khỏi bị giết phải nạp 300 quan chuộc mạng. So sánh ra thì thấy việc thiến có vẻ không bảo đảm thành công cho lắm!
Vì là tập tục truyền từ Trung Quốc nên chắc hoạn quan Việt cũng đối xử tương tự với "bảo vật" họ phải chia lìa. Một thuyết cho rằng tu sĩ thờ Nữ thần phồn thực Sybèle ở La Mã, sau khi tự thiến liền cầm bảo vật chạy tung ngoài đường cho đến khi mệt đuối mới ném qua cửa sổ một ngôi nhà gần đấy. Nhưng thông thường hơn, là họ kiếm một chỗ chôn theo nghi lễ. Người Trung Hoa lại giữ gìn thật kĩ trong một hộp kín, để trên kệ, chờ ngày chết chôn theo cho thân xác tròn vẹn. Mãi đến cuối thế kỉ XIX, hoạn quan còn phải đem trình diện cho Trưởng thái giám làm bằng cớ trong những dịp thăng thưởng.
Thị là hầu... thị mang cái ấy
Thông thường, khi nói đến người hầu hạ trong cung là người ta nghĩ ngay đến người bị thiến. Sai lầm từ bên ngoài dân chúng vốn cũng là do sử quan mà ra. Phê bình chuyện Giản Định Đế nghe lời "nội nhân" giết công thần (1409), Ngô Sĩ Liên nói rõ đó là "hoạn quan". Chữ "nội thị" cũng mang lại cùng một lầm lạc. Từ hải không cho thấy có chữ "thị" nào nghĩa là hoạn quan cả. "Người trong nhà", "người hầu cận" đều được sử gia cho hiểu là "người bị thiến" trong lúc thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Sứ giả Tống Cảo thấy Lê Hoàn đánh đòn người hầu, đuổi ra, cho phục chức, những người này không phải lúc nào cũng bị thiến. Tước Hoành Phúc Hầu của Đỗ Thích đời Đinh chỉ có nghĩa là "quan nô bộc". Cho nên, lại cũng như chuyện "cắn cu", chỉ có sử quan trước Ngô Sĩ Liên mới "thực thà" hơn để chỉ rõ như thế nào là hoạn quan:
"Mùa đông (năm 1184), sách Tư Nông, sách Trịnh, sách Ô Mễ làm phản, vua sai quan Thái phó là Vương Nhân Tử đánh dẹp. Vương Nhân Tử sai người trong châu là Phạm Phẩm đóng giữ nơi ải Ông Trọng, Trương Nhạn và Phạm Đỗ đóng giữ làng (sách?) Bái, Đoàn Tùng đóng giữ Khả Lão. Rồi Vương Nhân Tử đánh thẳng vào hai sách Đăng Bái và Vạn Mễ mà san bằng đi. Lúc tiến quân đến trại La Ao thì bị rợ Lão đánh lén, quan quân thua to. Vương Nhân Tử chạy về núi An Cối thì bị công hãm chỗ bùn lầy và bị giống rợ Lão đâm chết. Bọn Sơn Lão nói với nhau rằng:?Ngày nay có một người đàn bà bị ta đâm chết? rốt cuộc mới biết đó là Vương Nhân Tử. Tìm riêng trong khoảng đầm lạch ở trên núi thì được cái thây ấy. Vương Nhân Tử là hoạn quan nên giống người đàn bà." (Đại Việt sử lược, tr. 222).
Từ "thái giám" cũng gây nên lầm lẫn như vậy. Tên thần Bạch Mã Thái Giám là từ cách hiểu thông thường đó khi dân chúng Việt gán cho một hình tượng con ngựa Balaha. Nhưng thật là sai lầm khi nhìn vào một số quan chức đời Lê trong chiến tranh chống Minh, lan qua buổi đầu xây dựng triều đại. Các "thái giám" Lê Khả, Lê Khuyển, Lê Chửng, Lê Nguyễn được nhắc trong các năm 1426, 1427, 1428. Sau chiến tranh, các công thần được ban quốc tính để họ Lê có vây cánh đông giữa Thăng Long của họ Trần. Đến khi chỗ đứng chân đã vững, Lê trả lại họ cũ cho con cháu các công thần, nhờ đó ta thấy được họ gốc của vài người. Khả họ Trịnh, sau này có tên trong những người tôn Bang Cơ (Nhân Tông) lên ngôi, đánh Chiêm (1446), cuối cùng bị giết (1451), hành trạng như những người khác trong sự tranh chấp của các nhóm thân tộc giúp Lê Lợi. Lê Khuyển có lẽ là Thái giám Đỗ Khuyển, người được lệnh soát nhà Lê Ngân năm 1537. Vẫn biết rằng thái giám / hoạn quan cầm quân được (chính vì là hoạn quan thân tín mới cầm quân như Lí Thường Kiệt, Vương Nhân Tử nói trên) nhưng xét các chức phong cho những "thái giám" của Lê thì không có ý nghĩa gì về nhiệm vụ của hoạn quan cả. Năm 1434, Lê Khuyển làm Nhập nội Thái uý, vẫn kiêm Hải Tây đạo chư vệ quân sự Thái giám. Năm 1439, Trịnh Khả có chức rất lớn: Hành quân tổng quản coi các việc quân của Xa kị vệ, quản lĩnh (kiêm) Thiết đột hậu dực thánh quân, thái giám ngự tiền lục quân, coi các đội Ngự tiền võ sĩ, Ngự tiền trung quân! Rõ ràng ở đây "giám" chỉ có nghĩa là trông coi, kiểm tra xem xét. Vấn đề khiến ta phải xét đến gốc của chức tước và thực tế của gia đình họ Lê tù trưởng, cả hai liên hệ trong một tình trạng tiếp nhận văn hoá ở Đại Việt.
Khởi đầu, chức Thái giám không phải xuất phát từ các triều đại Hán Trung Quốc mà của một triều ngoại tộc chịu ảnh hưởng Hán: Liêu là nước đầu tiên đặt hai chức Thái giám và Thiếu giám. Bắt chước theo cũng là một nước ngoại tộc, đã vào cai trị hẳn Trung nguyên: Nguyên. Triều Minh của dân Hán có chức Chưởng ấn Thái giám của Nội quan, lại là một triều mà nội quan có quyền thế lấn lướt từ trong ra ngoài, cho nên thái giám trở thành đồng nghĩa với nội quan / hoạn quan. Xét các nhân vật "thái giám" của Lê nói trên, ta thấy họ thuộc thành phần gốc gác là những đầy tớ của Lê Lợi vốn nhan nhản trong triều. Trịnh Khả và Lê Khuyển được xếp vào bậc công thần hạng 5, trong đó cùng hạng là Nguyễn Xí, người trông coi đàn chó săn của Lê Lợi. Chức tước của Lê Ê (công thần hạng 1) sau khi thành công (1434) cũng còn chứng tỏ tính cách đầy tớ như thế: Điện tiền đô kiểm điểm, đồng Thái giám nội giám, nội ngoại chư dịch. Đại đô đốc Lê/ Đỗ Khuyển làm việc lục soát nhà Lê Ngân như đã nói, bị đời tiếp theo chê: "như chó khôn giữ mệnh". Cũng Trung hưng kí của Thánh Tông chê Lê Ê "không biết một chữ!" Làm ông tù trưởng thì đầy tớ không cần phải thiến nên những "thái giám" nói trên không phải là hoạn quan. Có thể nghĩ rằng tuy đời Minh, ngang với Lê, đã thông dụng từ thái giám có nghĩa là hoạn quan, nhưng để tổ chức triều đại giúp họ Lê phụ đạo vừa xuống đồng, các nho sĩ Trần Hồ vốn học sách xưa, chưa up to date, nên vẫn dùng tên quan chức cũ. Điều này cũng là hợp với thực trạng của ông chủ Lê mới mà không làm ngượng các người đương chức. Tất nhiên là với sự phát triển triều đại sẽ có những hoạn quan thực thụ, tuy ta không thể nào biết rõ trong số nội quan của Lê ai là người đáng được "chính danh".
Nội quan thực thụ cũng không phải toàn là người bị/được thiến. Có những người nhờ có sự bất toàn của cơ quan sinh dục mà được tuyển vào cung. Tả quân Lê Văn Duyệt là một. Chúng tôi không rõ bản chữ Hán là gì mà người dịch Đại Nam liệt truyện (Q. 22) cho biết ông "sinh ra không dái", còn lời loan truyền trong dân chúng thì phân biệt rõ hai phần của cơ quan sinh dục, nên cho rằng ông chỉ thiếu phần chính, bị thu nhỏ, theo lối nói kín đáo là có "ẩn cung". Chứng nhân ngoại quốc đương thời John Crawford (1822) đã nghe được "tiếng nói hơi nhỏ và dịu như một phụ nữ", và chúng ta thì nhìn bức tranh ở Lăng Ông Gia Định cũng thấy nước da mai mái mà đoán hùa theo điều đã hiểu. Vì là người của thời đại gần, nên ta nghĩ tiếng đồn ông có bộ phận sinh dục nhỏ là điều xác thật.
Vua chúa dùng người có khuyết tật vào cung khỏi cần phải thiến thì cũng tiện, nhưng khi có kẻ moi móc ra thì lại giật mình. Triều Càn Long (1736-1796), Tể tướng xung đột với hoạn quan, liền tâu với Hoàng đế: "Các hoạn quan tuy bị cắt nhưng lâu ngày có thể mọc ra lại. Thần nghe chuyện đó từng xảy ra trong triều Minh, và đã phát sinh những chuyện xấu xa trong cung cấm, nên để đề phòng tái phát, xin đem các hoạn quan ra kiểm tra để cắt lại." Hoàng đế tuy thường nghe lời cận thần hơn quan triều nhưng trong trường hợp này thì phải chọn lựa "entre le meilleur et le pire", giữa đầy tớ và "vợ", nên cho lệnh thi hành ngay. Kết quả ông tể tướng tha hồ "cắt" và có hoạn quan đã chết vì vụ kiểm tra này. R. Tannahill, dẫn theo người khác, kể như trên và ngờ rằng không có chuyện "mọc lại" mà chỉ có chuyện về những mảnh đầu thừa đuôi thẹo của các thợ hoạn chủ tâm làm lấy năng suất, không kĩ nên còn sót mà thôi. Nhưng chúng tôi nhớ đã đọc trong một quyển Truyện Tàu mỏng thì đó là chuyện cắt các ông có ẩn cung được chọn vào hầu từ lúc nhỏ, nghĩa là chuyện mọc lại (lớn theo tuổi) là điều tự nhiên, và trong truyện có chi tiết đè ông trưởng Thái giám ra, cắt bằng dao tre!
Theo quan niệm truyền dòng, hoạn quan phải có con để nối dõi tổ tông, thờ cúng mình sau khi chết đi. Thế là họ phải nuôi con nuôi, hoặc từ người xa lạ được chọn lựa, hoặc ngay ở bà con thân thuộc. Hoạn quan Phạm Bỉnh Di bị Lí Cao Tông giết (1209) cùng lúc với con là Phạm Phụ. Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776) của Trịnh Sâm có con là Hoàng Ngọc Bảo. Lê Văn Duyệt lấy cháu gọi bằng bác làm con thừa tự, nuôi Lê Văn Khôi (Bế Văn Khôi, Nguyễn Hựu Khôi) gốc là người Nùng của tù binh từ miền Bắc. Vinh hiển của hai lớp người đó nối nhau cũng có mà khổ nhục cũng không chừa khi phải thất thế.
Quyền lực đầy tớ
Hoạn quan trước tiên là để phục vụ trong cung cấm, trong gia đình nhà vua. Chính vì vai trò đó mà họ bị khinh miệt nhưng cũng chính nhờ đó mà họ có quyền uy.
Với một tổ chức quyền bính còn nhỏ thì người chủ tể phải tin ở kẻ thân thuộc trước hết, trong đó có tay chân trong nhà. Ông họ gì tên Tuấn kia nếu không chịu hoạn thì không thể nêu danh trong sử sách với tên Lí Thường Kiệt được. Trần Thái Tông muốn trao chức Hành khiển (điều hành việc nước, có lúc, có người như Tể tướng) cho Phạm Ứng Mộng nhưng bảo phải thiến, vì triều mới còn vướng tục lệ cũ của Lí, buộc người được trao quyền phải là hoạn quan. Cho nên, khi tổ chức chính quyền phức tạp hơn, cần có nho sĩ vào làm việc trong các sảnh, hình, viện của chính phủ vào tháng 4âl. 1267, sử quan Toàn thư coi việc bổ nhiệm lấn át vào địa hạt của hoạn quan như thế là một thay đổi trọng đại. Nhưng ngay cả khi cần phải có một tổ chức ngoại quan để toả rộng quyền hành trong phạm vi cả lãnh thổ thì hoạn quan là người gần gũi vua, trung tâm quyền bính, vẫn giữ vị thế đáng kể, có khi khuynh đảo cả triều đình.
Tất nhiên vị trí gần vua là lợi thế nhưng tính cách riêng của hoạn quan, nằm trong sự bất toàn của cơ thể - và ảnh hưởng nảy ra từ sự bất toàn đó, không phải là không quan trọng trong sự phát sinh những cung cách hành xử vượt thường, quái gở nữa, của hoạn quan. Trước nhất, tâm tình của hoạn quan cũng nằm trong tâm tình của người bị thiến nói chung. Tám năm sau khi bị thiến, Tư Mã Thiên còn cảm thấy đau đớn: "Mỗi khi nghĩ đến mối nhục đó thì mồ hôi còn thấm ướt cả lưng áo. Tôi chỉ đáng được làm kẻ canh cửa phòng cho đàn bà, tốt hơn là nên vào ẩn tận sơn cùng núi thẳm..." Sự bất toàn đó khiến cho người ngoài nhìn hoạn quan như một khối thịt dị dạng, có bộ mặt buồn thảm. Chắc là cho dù tự nguyện, họ cũng mang mối bất mãn với hệ thống chính trị xã hội đã khiến cho họ phải thiệt thòi trong một khía cạnh sống. Trong hệ thống phương Đông thì họ luôn luôn bị lớp nho sĩ ganh ghét, khinh miệt. Hàn lâm Đinh Củng Viên chơi khăm, viết chiếu không đưa cho hoạn quan Lê Tông Giáo chuẩn bị trước để ông này lòi sự dốt nát trước triều đường (1288). Sử quan nho học xưa cứ mỗi lần đặt bút xuống là chê hoạn quan dốt nát, ngay cả khi có dịp khen thì cũng chỉ nhìn theo vị trí đầy tớ của họ mà thôi. Phan Phu Tiên phán xét về những người theo họ Hồ liên quan đến việc mất nước, tuy có khen về những gương tử tiết nhưng vẫn hài tội bỏ Trần theo Hồ, là "phường ác giúp nhau", là "ăn lộc của ai chết vì người ấy (tuy) là nghĩa mà không biết người ấy là bất nghĩa"... Chỉ có các hoạn quan là được không hài tội thờ chủ mới: "Ngô Miễn, Nguyễn Lệnh, Kiều Biểu vốn là kẻ hoạn quan, cái chết của họ là điều nên lắm". Vì hoạn quan "vốn là" đầy tớ nên chỉ được ông sử quan này nhìn ở tầm mức tương quan chủ tớ ngắn hạn: Lúc kẻ nô đã trao qua chủ mới thì chỉ cần biết chủ mới là đủ.
Một tên khác của Lí Thường Kiệt cho ta thêm một gợi ý về địa vị đó của hoạn quan. Ông Hoàng Xuân Hãn trong Lí Thường Kiệt, khi đối chiếu với sách Trung Quốc, thấy ông danh tướng của Lí cũng được gọi tên khác là Lí Thượng Cát. Do cách phiên âm qua một thứ chữ không thể sát với âm vận bản xứ nên khó có thể biết tên nào là đúng nhưng ta hãy đoán ra theo cung cách bình thường. Chữ "thượng"/"thường" gần cận, thường được thấy phiên âm cho chữ "thằng". Và nó không phải lúc nào cũng có ý nghĩa khinh miệt. Nguyễn Ánh gọi tướng Tây Sơn là "thằng Sâm", "thằng Hưng" nhưng bia ruộng đời Trần chỉ chủ đất hẳn là theo tiếng gọi thông tục đương thời, cũng như "thằng" ngày nay còn có ý nghĩa thân mật là khác. Với chữ "cát" thì ta có câu chuyện tranh chấp binh quyền cũng đời Lí về Vũ Cứt, Vũ Đái (chuyện năm 1150)... Ngay chữ "Kiệt" cũng có thể từ "Cứt" mà ra như trong chuyện năm 1189 (Đại Việt Sử Lược, tr. 229): Vua sai quan lớn trong triều xử vụ kiện Mạc Hiển Tích (chắc vì bị tố cáo tư thông với Thái hậu), quan sợ, bị người đời chê: "Ngô Phụ quốc (giúp nước). là "lan (lồn), Lê Đô quan là "kích" (kít/cứt). Vậy thì Thường Kiệt / Thượng Cát có thể là "thằng Cứt". Ông Hoàng Xuân Hãn cho biết Thường Kiệt là tên "tự", dẫn bia Nhữ Bá Sĩ đoán tên tự có từ lúc xuất thân, hiểu một cách khác, là lúc vào cung, làm hoạn quan. Tự "thằng Cứt" là một thứ nickname trong cung gọi ông danh tướng tương lai nọ như ngày nay trong dân gian còn gọi "thằng Bò", "thằng Cu"..., có vẻ còn dễ nghe hơn tên của đám nô Trần Quốc Tuấn là "Voi rừng", "Chó săn / Cồng cộc".
Và như đã nói, cách nhìn của xã hội bên ngoài như thế cộng với sự bất toàn của thân xác không phải không ảnh hưởng đến hành vi của hoạn quan, nhất là khi họ ở vào vị thế có thể toả rộng quyền hành, dù là quyền hành nấp bóng quân vương, chế độ. Người bị thiến Tư Mã Thiên cố bù đắp nỗi nhục mất danh tiết bằng những trang Sử kí để đời. Sử quan Nguyễn ghi rằng: (Lê Văn Duyệt) năm 14, 15 tuổi thường tự than thở rằng "sinh ở đời loạn, không dựng cờ trống đại tướng, chép công danh vào sách sử, không phải là trượng phu." Không hẳn đó là nguyên văn lời ông, nhưng ý đó đúng là của một người muốn vượt khỏi bản thân. Chế độ vương triều của Trung Hoa, Đại Việt có rất nhiều dẫn chứng về sự lộng hành của hoạn quan. Triệu Cao làm việc phế lập trong triều Tần. Hoạn quan lộng hành nhiều nhất là dưới triều Minh. Theo quân đánh họ Hồ, cũng như trong các cuộc hành quân các nơi khác, cứ một ông tổng binh là có một hoạn quan theo kềm giữ: Tổng binh Trương Phụ đi có Nội quan Mã Kì báo cáo hành vi gọi là âm mưu vây cánh nên bị vua Minh rút về (1417), Nội quan Lí Lương đi theo Tổng binh Lí Bân (1426), giữ thành Đông Đô đến phút cuối với Tổng binh Vương Thông. Nội quan Sơn Thọ, người được ghi là Thái giám, bắt voi ở Quảng Ninh năm 1418, có mặt dài dài trong cuộc chiến.
Sự xung đột giữa nho thần và hoạn quan có lúc đi đến chỗ khôi hài điếng người như trong câu chuyện xảy ra dưới triều Càn Long đã kể. Tuy nhiên sự khinh miệt của nho thần cũng dẫn đến phản ứng của hoạn quan khi thấy những người kia có thành kiến quá quắt, không hiểu cả lí lẽ bình thường. Trong cuộc tranh chấp về lễ nhạc giữa nhóm Nguyễn Trãi và Lương Đăng (1437), Tham nghị Nguyễn Liễu chê hoạn quan không đủ khả năng, không hiểu phép xưa (như của Chu Công), phép nay (như của nhà Minh), nên làm sai lệch cả. Lương Đăng, với quan điểm ngày nay thì chắc là làm theo "tinh thần dân tộc có sáng tạo" chế biến, nên nhũn nhặn xin dành quyền quyết định cho vua. Nguyễn Liễu sợ Thái Tông nghe lời, liền phản kháng trước: "Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan phá hoại thiên hạ như thế này." Thế là tranh chấp cá nhân trở thành tập thể. Đinh Thắng từ trong bước ra mắng: "Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước". Ông văn quan đa sự hay chữ, hú hồn vì thoát khỏi bị chém đầu, nhưng mang chữ thích vào mặt, những ngày tàn nằm ở châu xa hẳn phải ân hận về cơn cường ngạnh bảo vệ Thánh giáo của mình. Cũng nên lưu ý rằng Đinh Thắng là người đã có lòng can ngăn Nguyễn Trãi chớ đem Thị Lộ vào cung làm vây cánh, hành động đã khiến ông thái giám này chết (1442) theo ông Hành khiển đối thủ trong cuộc tranh cãi trên.
Giám ban của Trịnh
Nhưng hoạn quan nổi bật trong lịch sử Việt là vào thời Lê Trung hưng, đặc biệt vì đã có vua còn có chúa, nên có hẳn hai lớp hoạn quan, trong đó người của Lê không đáng kể nhưng người của Trịnh lại rất cần thiết cho gia đình, có thể nói là đóng vai trò khá quan trọng để giữ gìn cho nhà chúa được vững vàng.
Trịnh xuất thân là tướng soái nên nắm binh quyền trong tay, thuộc hạ tuân theo, đương nhiên được lên làm chúa. Nhưng họ phải nấp bóng vua, với danh nghĩa "phò Lê" và phải luỵ vì danh nghĩa ấy, chưa kể vì thực tế có những phe phái khác cũng muốn giành giật, từ đám dân cùng nổi loạn đến họ Nguyễn cường ngạnh một phương ở Đàng Trong. Nho sĩ được học Kinh sách tuy phục vụ Trịnh theo cơm áo nhưng vẫn hướng về ông vua Lê bù nhìn. Sử quan nối tiếp Toàn thư vẫn để các vua Lê làm đầu. Hồ Sĩ Dương (tiến sĩ 1652) viết Trung hưng lục ghi chuyện Lê Cập Đệ bị Trịnh Tùng giết (1572) vì phù Lê chứ không phải vì ganh ghét với Trịnh Tùng như trong Toàn thư, bộ sử chính thức, đã kể. Tinh thần đó không phải chỉ có ở những nhân vật khoa bảng. Trịnh Tạc (làm chúa từ 1657-1674) muốn phá vỡ hình thức tôn quân, nhân ngày nguyên đán, định bắt các quan mặc triều phục chầu vua, cứ mang nguyên phẩm phục ấy sang chầu mình. Vũ Duy Chí làm tể tướng (1669), vốn bị đồng liêu chê là từ chân lại thuộc mà ra, nhưng vẫn lên tiếng can ngăn vì cho là "trái với chế độ cũ", khác với truyền thống "nhà Chúa... một niềm tôn phục hoàng gia". Tuy năm 1673, Trịnh Tạc dời việc nước vào bàn ở phủ mình, nhưng loạn kiêu binh ngay năm sau chứng tỏ là quyền chúa vẫn còn lung lay. Sự khinh miệt hoạn quan thấy rõ trong trước tác tuy xuất hiện về sau nhưng của một người trong dòng họ phục vụ Trịnh Lê: Phan Huy Chú với Lịch triều hiến chương loại chí. Ông này kể các danh nhân đều là các nho sĩ, tướng gia văn thần. Không thể loại trừ Lí Thường Kiệt, Hoàng Ngũ Phúc nhưng thêm chữ "tự thiến" để tỏ rõ sự cầu cạnh. Và vì có lẽ không biết (hay tránh né?) Lí Thường Kiệt còn được ghi với tên Lí Thượng Cát nên trong truyện Lí Đạo Thành, tác giả tha hồ kể tội hoạn quan: "Lí Thượng Cát là chức ngự tụ, cậy được thương yêu, bàn chõ vào việc chính". Ở đây ta gặp được một danh xưng khác chỉ hoạn quan là "ngự tụ", chữ này không thấy có trong Từ hải, chắc Phan Huy Chú mượn từ chuyện "đoạn tụ" (cắt ống tay áo) mà chế ra.
Ngay bên trong gia đình, Trịnh vẫn không yên tâm. Hình như Trịnh xuất thân từ vùng thượng du Thanh Hoá cũng thuộc các nhóm "thiểu số" hoạt động nổi bật theo sự hưng khởi của nhóm Mường Lam Sơn. Điều chắc chắn là gia phả họ Trịnh không giấu sự thấp kém của ông tổ Trịnh Kiểm vốn từng đi ăn trộm. Ông này có bạn thân đến mức hi sinh giúp nhau làm cả những việc nguy hiểm, là một người gốc Chàm. (Hữu Ngọc - Nguyễn Đức Hiền, "Gốc tích các chúa Trịnh và một bức thư nôm của Trịnh Kiểm", La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II, H. 1998, tr. 649-669). Và ông tổ dẫn đến dòng vua Nguyễn sang cả, lúc đó cũng chịu gả con cho một tên trộm. Tất cả chứng cớ đều nói lên một mức độ sàn sàn như nhau của các dòng họ cầm quyền về sau của nước Việt, không có dáng gì như các nho gia Thăng Long, Huế cao tiếng rao giảng theo truyền thống tôn phù. Vì thế, riêng về họ Trịnh, các "thế tử", "công tử" anh em chú cháu tranh giành địa vị của nhau không nhân nhượng chút nào, và người thắng giết người bại cũng không nhẹ tay thương xót. Để xử trí chuyện gia đình thì trước hết Trịnh sử dụng đầy tớ riêng: Trịnh Tùng dùng "nội giám" Bùi Sĩ Lâm giải quyết Trịnh Xuân, "sai người chặt chân cho chết"; vào cuối đời, Trịnh Sâm giao Thế tử Trịnh Cán cho Hoàng Đình Bảo, cháu / con nuôi hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc chăm sóc. Rồi cũng một mực như thế, Trịnh đã đem người trong nhà xử trí việc nước. Năm 1603, chưa yên vị ở Đông Kinh, Trịnh Tùng đã dùng Chưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm tra xét tướng Nguyễn Khải vì ngờ có âm mưu phản loạn. Năm 1683, trong việc tiếp nhận tù binh Mạc do Thanh trao trả, Thượng thư Vũ Duy Đoán cùng với hoạn quan Thân Đức Tài đi theo, mang công văn với tên Tài đứng đầu y như sổ năm trước. Ông thượng thư không chịu nhục làm quan triều mà thua tên đầy tớ nên gân cổ cãi, rốt cục bị Trịnh Căn bãi chức, lấy người khác thay thế với quan chức lớn hơn, Bồi tụng (Tể tướng) Nguyễn Quai, qua biên giới giải quyết công việc - tất nhiên công văn vẫn để tên hoạn quan đứng đầu. Có cái đuôi hơi lạ trong câu chuyện tiếp nhận tù binh này: Sứ bộ bị quan Thanh đòi hối lộ, Đặng Đình Tướng, chức sắc nhỏ trong đoàn, phải đi nộp bạc, lúc về triều đình tiếc tiền, bắt giáng chức, nhưng tha cho tể tướng với lí do "bị bệnh không dự vào việc giao nộp", trong lúc không nhắc gì đến vai trò của ông trưởng đoàn hoạn quan cả. (Cương mục, tập II, H. 1998, tr. 350). Điều này cũng thật dễ biện minh, rằng việc xử lí kia là của triều đình, phép nước, hoạn quan chỉ là "người trong nhà", không phải chịu trách nhiệm đó!
Điều đáng chú ý khác là có những nội giám gốc thiểu số giáp Trung Hoa trong phủ Trịnh. Vì sử quan Toàn thư coi thường nội giám nên ta không thấy rõ nguồn gốc quê quán của các ông này, nhưng sử quan Nguyễn với nhiều chú thích khiến ta biết vài điều thích thú. Cùng với nhiều hoạn quan gốc vùng đồng bằng họ Phạm (Xuân Đỉnh), Nguyễn (Đình Huấn), Lê (Trung Nghĩa)... cũng có người họ Hoàng như Hoàng Công Kì (+1745). Tất nhiên họ Hoàng đã phục vụ Trịnh Lê có rất nhiều người gốc trung châu nhưng Hoàng là họ lớn trong các nhóm thiểu số tây nam Trung Quốc kề cận Đại Việt mà ngày nay được gọi chung là "Choang", có khu tự trị riêng ở Quảng Tây. Hoàng có lẽ phát sinh từ quan niệm Trung Quốc của các tộc đoàn muốn lên làm lãnh chúa: hoàng, màu vàng, của hoàng đế, Hoàng Đế. Trong sự tranh giành ảnh hưởng, Lí Trần đã dùng nhiều họ Hoàng trong việc giao tiếp với Trung Quốc cũng như phải khổ nhọc xử lí về việc họ nghiêng ngả lúc theo phe này, lúc phe khác trong thế đối phó với Thiên triều. Thổ tù Hoàng Văn Đồng cai quản mỏ đồng Tụ Long đã có cung cách như tổ tiên xa đời của họ (1779). Và đã có những hoạn quan cùng gốc gác như thế nổi bật nhất trong phủ Chúa, theo một cung cách phục vụ không thường thấy của những người quen "khuôn phép". Hoàng Công Phụ (Bắc Giang) nắm quyền dưới thời Trịnh Giang (1729-1740), Hoàng Ngũ Phúc (Yên Dũng, Lạng Sơn) tung hoành cuối đời Trịnh nên để lại nhiều chi tiết đáng lưu ý. Phan Huy Chú cho biết Hoàng Ngũ Phúc "tự thiến", những ông họ Hoàng dân tộc Nùng khác có làm như vậy không?
Chuyện bắt đầu từ tháng 2âl. 1743 khi ông hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc vốn chỉ loanh quanh lẩn quẩn trong Hình phiên của Trịnh, bỗng nảy ra ý muốn chơi trội, đem dâng cho Trịnh Doanh 12 điều binh pháp để dẹp biến loạn đang xảy ra khắp nơi. Cũng tưởng chỉ là để loè kiếm chút ân huệ, không ngờ Chúa tưởng thật có người tài ẩn danh mà lâu nay không được biết nên cho phép ông hoạn quan ra trận chống với tay Quận He Nguyễn Hữu Cầu kiệt hiệt đương thời. Nên chép nguyên văn của sử quan Nguyễn để thấy khởi đầu của một danh tướng: "(Hoàng) Ngũ Phúc mới được nghe mệnh lệnh, rất lấy làm lo, vì từ trước chưa từng đi chiến trận bao giờ. Có người khách khuyên:?Nên vay một vạn quan tiền công để mộ lấy những tay tráng sĩ.? Ngũ Phúc nói:?Nay vay tiền công, một ngày kia bắt phải nộp trả, thì lấy tiền đâu mà trả được?? Khách nói:?Tục ngữ có câu: Tướng vô tài, sĩ bất lai, nghĩa là người làm tướng mà không có của thì không bao giờ dũng sĩ tìm đến. Nếu ông thật lòng theo kế của tôi thì những tráng sĩ đều hết sức với ông, quyết thắng được địch, từ đấy sẽ được vừa sang vừa giàu, có lo gì cái món tiền vạn quan? Nếu nhỡ ra vấp váp đến chỗ không thể nói được thì còn ai trách cứ món nợ ấy vào đâu được nữa?" (Cương mục, tr. 563-564). Câu chuyện cho thấy cái liều lĩnh lưu manh trong thực tế của một anh thương buôn: Phải có của mới có quyền lực, có quyền lực thì tìm ra tiền rất dễ, lỡ không được tiền thì với chút dư danh của tướng soái, cũng không ai dám đòi nợ! Nhưng điều đáng chú ý là, Hoàng Ngũ Phúc, chắc thuộc sắc tộc Nùng nên dễ quen thân để vấn kế ông lái buôn Con Trời kia. Chúng ta cũng có thể đoán là cùng sắc tộc, một ông hoạn quan khác sống gần hơn thế kỉ trước: Hoàng Nhân Dũng. Ông hoạn quan được Trịnh Tráng yêu quý, cho đổi họ Trịnh, lấy tên là Trịnh Lãm, nhưng rốt lại bị giết (1652) vì "kiêu ngạo càn dỡ... mưu nổi loạn". Đoán là gốc Nùng (Cương mục không có chú về gốc gác người này) vì thấy sử thần Lê kể tội "vụng trộm nuôi người có tà thuật". Không rõ hoạn quan Trịnh Lê là người bị thiến hay có ẩn cung, nhưng sự việc có người thiểu số trong cung Trịnh chứng tỏ nguồn cung cấp ở đồng bằng đã không đủ cho nhu cầu. Thêm nữa, sự thiên ái đến mức thân thiết ngay từ thời gian dựng nghiệp vững vàng ở Đông Kinh như thế cũng có thể là do sự tương đồng về nguồn gốc thiểu số của chính họ Trịnh mà ra. Hoạn quan Nùng thời mới khởi nghiệp Trung hưng chưa kịp thích ứng (có thể là từ cả phía người chủ Trịnh) nên bị giết, nhưng hơn một thế kỉ sau Hoàng Ngũ Phúc đã biết phối hợp sự uyển chuyển luồn lọt với khả năng phục vụ để nổi bật trong triều chính họ Trịnh.
Vai trò hoạn quan của Trịnh nổi bật nhất từ khi Trịnh Giang làm chúa (1729-1740) đặt ra giám ban (4âl. 1739) ngang hàng với văn, võ ban đương thời. Lại cũng vì sử là của nho thần viết ra nên ta không thấy chi tiết tổ chức: "Theo chế độ cũ, các quan chỉ có hai ban văn và võ. Đến nay bọn hoạn quan lộng quyền, (Trịnh) Giang mới đặt thêm giám ban. Hạ lệnh: ai thi khảo trúng cách sẽ được trao cho quan chức. Các quan lấy làm hổ thẹn nhưng không ai dám nói." (Cương mục, II, tr. 503). Nắm quyền chính là ông Nùng Hoàng Công Phụ, trước tiên đã củng cố sự ổn định bên trong với việc Trịnh Giang giết hoạn quan Đỗ Bá Phẩm (1734), rồi dèm pha giết Trương Nhung (1736), ông-cậu của Giang, thuộc phe nghịch. Tiếp theo, Phụ tìm cách giải toả sự cô lập bằng cách xúi Trịnh mở khoa thi ngay trong phủ Chúa (1736), lấy riêng Trịnh Tuệ, người trong họ, đỗ trạng nguyên, để ông này vào làm tể tướng (6âl. 1739) "kẻ trong người ngoài xướng hoạ với nhau", tạo mối liên kết văn, giám ban. Hoàng Công Phụ có vẻ còn nhiều toan tính to lớn hơn, vì đã từng nuôi Nguyễn Tuyển, một lãnh tụ của cuộc loạn Ninh Xá. Hoạn quan Trịnh không đủ lực lượng như của Minh nên chính biến cung đình nổ ra với sự liên kết của văn quan và phe ngoại nhà chúa (đầu năm 1740). Hoàng Công Phụ bỏ trốn, nhóm thủ hạ bị diệt trừ, văn quan có vẻ đắc thế nhưng không được lâu. Họ Trịnh vẫn cần hoạn quan, nên chỉ ba tháng sau khi cầm quyền, thấy cần người chống Nguyễn Tuyển, thay Hoàng Công Phụ đã bỏ trốn, Trịnh Doanh bổ nhiệm Hoàng Công Kì làm Thống lĩnh chinh tây đại tướng quân khiến cho Tự Đức phải la lên: "Trịnh Doanh cũng không phải là người có tri thức" (?). Trịnh Doanh không thể làm gì hơn như khi ông thất bại trong việc trao cho văn quan điều hành tài chính, thuế khoá vào giữa năm 1741: Văn quan muốn nắm quyền kiểm soát tiền bạc từ trong tay hoạn quan nên xin cho tập trung về bộ Hộ, tức là của chính phủ. Trịnh Doanh đã bổ nhiệm Lê Hữu Kiều trông coi, nhưng "quyền lớn lọt vào bọn tín thần đã lâu, bộ Hộ cũng chỉ biết được con số hão mà thôi [v]ì thế không bao lâu lại bãi bỏ." (Cương mục, các năm trên).
Uy thế hoạn quan lớn thêm khi Hoàng Ngũ Phúc lần mò tìm được khả năng của mình trở thành "viên tướng nổi tiếng trong một đời" (Cương mục). "Ngũ Phúc làm tướng nghiêm chỉnh chắc chắn. Khi có việc thì quyết đoán, đối với ai cũng có lòng trung tín. Khi hành quân thì chuộng kỉ luật, giữ vững sự thận trọng mà không cầu may. Hiệu lịnh lại nghiêm minh, không thể cầu cạnh để xin tha. Ông đánh đông dẹp tây, công danh rực rỡ, là bậc đại tướng có công lao danh vọng. Nhà nước cậy dựa nhiều vào ông." Nghe Phan Huy Chú ca tụng như thế (Lịch triều..., II, tr. 359), chúng ta thấy thật quá xa thời ông hoạn quan vấn kế khách thương. Nhiều nơi đã tôn làm phúc thần vị danh tướng "được phối hưởng trong cung miếu của Chúa" này, kể cả việc làm sắc thần giả để thời Mở cửa bán cho Việt kiều lùng tìm đồ cổ. Sử xưa đã ghi rất nhiều công lao đánh trận của ông, trong đó có luôn việc chiếm Phú Xuân, điều khiến cho Đặng Trần Thường phải chết dưới tay Gia Long chỉ vì dám liệt kê ông vào danh sách phong thần.
Nhưng trước hết, Hoàng Ngũ Phúc là tôi của Trịnh, chỉ vì phải khen nên Phan Huy Chú đã lờ đi chuyện phục vụ nội cung, ví dụ như khi cùng với Trịnh Sâm giam, giết thái tử Duy Vĩ (1769, 1772). Lập công trong vụ này thấy thêm có tên hoạn quan Phạm Huy Đỉnh. Vai trò hoạn quan trên chính trường Trịnh không giảm đi vì giám ban bị loại bỏ mà còn tăng thêm với nhu cầu củng cố dòng họ nhà Chúa. "Hoàng Ngũ Phúc và Đàm Xuân Vực bè đảng nâng đỡ nhau, vì thế người ngoài bàn tán xôn xao. Ngũ Phúc xin Trịnh Doanh đặt lệnh cấm nghiêm ngặt để khoá miệng mọi người nhưng không sao cấm chỉ đươc." (Cương mục, II, tr. 654). Hoạn quan cầm quân, nhất là lại thắng trận, nên văn quan theo hùa cũng là thường. Lê Quý Đôn cùng với hoạn quan Phạm Huy Đỉnh làm cho nội điện vua Lê vắng ngắt từ 1773. Cũng Lê Quý Đôn với hoạn quan Chu Xuân Hán đi kiểm tra mỏ đồng Tụ Long đòi hối lộ 3000 lạng bạc (1779). Cho nên có gì là lạ khi Trịnh Khải muốn chuẩn bị đảo chính (1780) lại hỏi vay 1000 lạng của Chu Xuân Hán! Hoàng Ngũ Phúc khi nên danh phận hẳn phải tự cười thầm mình lúc nhớ chuyện xưa kia đã từng lo không trả nổi nợ.
Những rối loạn về nội cung ở Đàng Trong không thấy có vai trò nổi bật của hoạn quan. Có lẽ là do tình hình phát triển ở đây khiến cho những mâu thuẫn không co lại trong nội bộ; các nguồn lợi khai thác với thương nhân khiến cho ai ít nhiều cũng có phần, khỏi tranh giành gay gắt. Đến triều Nguyễn thì chiến trận bao nhiêu năm đã đặt hẳn uy tín quyền lực nằm ở ngoại vi cung đình - Lê Văn Duyệt đã là tướng, dù là tướng khuyết tật, chứ không phải là hoạn quan nữa. Quyền vua lại xuyên suốt vững vàng, không cần đến vây cánh ngay từ cung cấm, như lời Tự Đức nhận định về đối thủ dòng họ mình ở phía bắc: "Họ Trịnh gian ngoan lấn quyền, sợ người ngoài toan tính đến thân, cho nên phần nhiều dùng hoạn quan làm tai mắt mà quên bẵng đi rằng cái tệ hoạn quan, cuối cùng sẽ đi đến chỗ nhiều việc, không thề ngăn cản được (Cương mục, tr. 549). Hoạn quan Nguyễn không thể nào nho nhoe, chỉ có thể trở lại địa vị nô thần, có làm việc gì để bù đắp sự thiếu thốn của mình thì chỉ có thể tìm cảm giác lúc cõng bà phi đi, về hầu vua, hay mua giúp chuối già-hương cho các bà trước khi có thể đặt hàng dụng cụ ở các "bookstores" của Mĩ mà thôi.
Aug. 11/02
Đính chính: "Sex và triều đại", Văn học số 195, tháng 7/2002, trang 4, dòng 9 từ dưới lên: loạn dâm, xin đọc loạn luân; trang 15, dòng 6: ông nội, xin đọc ông cha. Nhân tiện cũng nên thêm rằng, trong dân gian, bệnh dương/giang mai còn có tên bệnh tim la, hẳn từ tên nước Tiêm(Xiêm) La, nghĩa là cũng có thể thêm chứng cớ rằng loại bệnh phong tình này đã truyền đến Việt Nam theo đường biển, từ phía nam, không phải như lời loan truyền bệnh xuất phát từ giao tình của Dương Quý phi và Mai Uyển (?)
Sex Và Triều Đại Sex Và Triều Đại - Tạ Chí Đại Trường Sex Và Triều Đại