Số lần đọc/download: 1478 / 15
Cập nhật: 2015-12-12 10:51:21 +0700
Chương 3 - Dư Sinh
T
iếng xôn xao bên trại nữ đánh thức Ngang dậy. Anh quờ quạng tìm cây nạng gỗ, vô ý đánh rơi xuống nền xi măng- Tiếng động khô chói, vang trong đêm khuya. Nghe có tiếng trở mình ở giường bên, Ngang e sợ nằm yên. Người bạn tù có lẽ đoán được tâm trạng người nằm dưới, lên tiếng hỏi trước:
- Ngang có ngủ được không? Tôi chịu, cố gắng ngủ mà không nhắm mắt nổi. Mới lơ mơ trong ruột lại nổi xót xa.
Ngang ngồi hẳn lên, hướng người ra phía ánh sáng, trả lời:
- Dạ tôi cũng vậy. Mới vừa chớp mắt, bên nữ đã ồn ào rồi. Chắc cô y sĩ lại lên cơn động kinh.
- Chắc vậy. Ngang này!
- gì hở anh?
- Khi chiều có đem nước về nhà không?
- Có, anh cần để tôi rót bớt cho.
- Ừ, cho anh một ca.
Khi Ngang đưa ca nước cho anh Điền, anh nói nhỏ:
- Anh có lén lấy cơm dư phơi khô, giấu trong bao ni lông góc nhà chỗ em nằm. Ngang có đói lấy ăn.
Ngang sợ hãi nhìn ra phía ngoài. Không có ai khác, ngoài ánh điện vàng lù mù và sự im lặng của đêm đen. Sau mỗi bữa ăn, lính gác luôn luôn kiểm soát thu dọn kỹ cành số cơm thừa. Thực ra ban đầu không ai chú ý, để mặc tù binh để dành cơm trong ga mên ăn giấc khuya. Nhưng về sau, giám thị trại giam khám phá nhiều người phơi khô cơm thừa, giấu kín một chỗ, chuẩn bị cho các cuộc đào thoát tập thể. Từ đó, người nào cố ý phơi cơm trên mái tôn bị biệt giam, và bị chuyển cấp tốc đến các trung tâm khác. Ngang rán chống chân, bấu vào mép giường trên nói vào tai anh Điền:
- Anh giấu vào chỗ tôi nằm, lỡ họ khám xét tìm thấy, tôi bị mang vạ chết.
Điền cười, xoa lên tóc Ngang:
- Không sao đâu. Anh mới giấu ở đó từ tối hôm qua. Với lại ai bảo Ngang nằm trong xó. Ở đây đã tối tăm, muỗi nhiều lại gần bên cái hầm tiểu. anh nằm ở trên có gió luồn không sao, còn Ngang nằm dưới lãnh đủ.
Ngang gượng đứng hẳn lên, ống quần bỏ thõng vào khoảng không.
- Tại tôi sợ.
- Sợ cái gì?
Ngang hỏi lại:
- Anh tin có ma không?
- Ma? trời đất! Ngang chịu nằm trong cái xó hôi hám ai cũng chê, vì sợ ma. Nói nhỏ kẻo trong trại họ nghe được họ cười cho chết. Nhưng nằm trong xó tối cũng có ma xó, sao Ngang không sợ?
- anh can đảm, mạnh bạo, chỉ tin ở mình. Trước kia tôi cũng vậy. Nhưng có nhiều sự trùng điệp lạ lùng, khiến cuối cùng tôi nghĩ là mình bị báo oán. Tôi đi đâu, nó cũng đi theo. Đến lúc vào đây tưởng là đoạn chót của đời mình, dứt khoát với nó rồi. Mới bước qua khỏi cổng trại C, tôi lại thấy nó. thành thử cuối cùng tôi tin có ma.
Anh Điền cười rộ, cười xong chợt nhớ nên bụm miệng lại. Điền nhìn thẳng vào mặt Ngang:
- Em nói dỡn hay nói thiệt.
Vẻ mặt nghiêm trọng của Ngang đủ trả lời cho Điền. Ngang nói:
- Tôi đứng mãi thế này mỏi chân quá. Hay anh xuống giường Ngang ngồi. Đôi lúc có nỗi lo riêng không thố lộ được với ai, Ngang cảm thấy ấm ức khó chịu.
2
Vâng, trước kia tôi cũng vậy: bạo dạn, can đảm, chỉ tin ở mình. Cái gì tôi cũng làm thử, cho biết. Làng của tôi ở gần sông và ven núi. Gia đình tôi sống bằng nghề làm rẫy và giữ dê. Những nhà giàu trong quận tin rằng sữa dê bổ hơn sữa bò nhiều, nên ai cũng mua vài cặp. Khi dê cái sinh con, họ đem về lấy sữa. Khi đã hết sữa và không chịu nổi sự phá phách làm đổ rào, hư kiểng, họ lại đem dê gửi chúng tôi nuôi. Các anh tôi mạnh bạo trưởng thành, nên phụ giúp cha tôi chặt cây, xẻo đá, mở rộng khu đất trồng trọt trên sườn đồi. Tôi ở vào tuổi mười hai mười ba, thích chạy nhảy, nên được giao việc giữ dê. Công việc đơn giản lắm: sườn đồi mùa đông và mùa xuân cây lá um tùm, nên dê chỉ lẩn quẩn quanh chuồng cũng đủ no. Mùa hạ mùa thy phải lùa dê đi xa hơn, phía bên kia núi, gần cái đầm sâu đầy bèo và bên cạnh mấy con suối nhỏ róc rách. Buổi sáng mở cổng, đàn dê kéo đi ăn, buổi chiều gần tối, tự động, chúng kéo nhau về. Nếu sự đời cứ như vậy, thì tôi thành tiên rồi. Có nhiều trường hợp tôi phải dở khóc dở cười. Có bữa đã gần tối, ra kiểm lại bầy dê thấy mất hai con. Hớt hải chạy tìm, chân vẹt vì đá nhọn, ống chân gai quào, lại sợ cha mắng... Tận bên kia đầm, cặp dê thản nhiên tình tự. Lùa được về đến chuồng, giận quá, tôi cột chặt chúng vào cái cọc rồi lấy roi quất đến lúc mệt lả mới thôi. Lại có bữa, chiều về kiểm điểm thấy thiếu một con. Chạy ra đầm không thấy. Chạy ra suối không thấy. Đến lúc tuyệt vọng, định ngửa mặt than trời, mới thấy hình con dê đứng lặng in trên nền mây. Không biết nó đứng đó làm gì, cô đơn, lạnh lùng, bâng khuâng. Tôi cũng đã có lần đứng như nó, mải miết ngắm ngững thửa ruộng màu xanh khác nhau chồng chất phía dưới, chờm ngợp dưới bầu trời bao la mênh mông quá chừng. Hôm đó tôi đuổi con dê về, chẳng những không giận dữ mà còn thấy lonh2 thương xót, quyến luyến.
Kể ra công việc ấy không mệt nhọc gì, vừa nhàn nhã vừa thích thú. Buổi trưa bầy dê tránh nắng dưới gốc cây, thì tôi lại được tắm mát dưới sông. Buổi chiều hôm nào thấy vui, lùa dê về sớm, tôi lại ngâm mình, vẫy vùng thỏa thuê dưới dòng nước mát. Cát mịn chùi dưới gót chân, xoa dịu hết các vết vẹt của đá và gai. Nước cuốn trôi hết bụi đỏ, mồ hôi và nỗi nhọc nhằn chán chường. Đấy là thời kỳ hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi. Tôi thấy thỏa mãn, cho đến lúc anh Cả rủ tôi đi tắm và bơi biểu diễn từ bên này bờ sang qua bên kia. Anh tôi bơi nhẹ nhàng, thoải mái, qua đến bên kia vẫn còn có thể tươi cười bắt tay loa hú sang. Lúc ấy, tôi mới thấy mình còn khốn khổ. Thật tầm thường, cái cảnh ngồi bệt trên sông cạn cho nước ngập đến lưng, lấy tay vỗ nước tung tóe như đứa trẻ lên tư lên năm. Thà ở nhà tắm giếng còn hơn ra đây tắm sông mà không biết bơi. Anh Cả biễu môi bảo vậy.
Tôi khẩn khoản:
- Anh tập cho em bơi với!
Anh Cả làm cao:
- Sức mày bao nhiêu mà đòi bơi. Sải vài cái tay đã mỏi, chỉ có nước để chìm nghỉm mà thôi.
- Em bơi được mà- anh tập vài bữa, em bơi giỏi như anh cho coi.
Cần gì tập. Hồi trước có ai tập bơi cho tao đâu.
- Làm sao tự nhiên anh bơi được?
- Bí mật.
Rồi anh cả kéo sát tai nói nhỏ:
- Mày không được tiết lộ cho ai biết nghe không. Thế đi.
Tôi mau mắn nói:
- Em xin thề.
- Xì, thề trơn thì ăn thua gì.
Tôi bứt một sợi tóc để vào giữa lòng bàn tay, nhổ vào đó một bãi nước miếng, rồi xoa hai tay lại với nhau, vừa xoa vừa nói:
- Em xin thề.
Anh cả thấy tôi làm đủ các thủ tục, bằng lòng nói:
- Muốn biết bơi, chỉ việc bắt chuồn chuồn voi cho nó cắn rún. Đừng sợ đau. Càng bị cắn đau càng mau biết bơi.
Không ngờ bí quyết đơn giản đến thế. Đơn giản đến độ khó tin.
Nhân một hôm anh Cả đi xa, tôi mới đem hỏi chuyện đó anh Hai. Anh Hai cười ngất, xong bí mật xác nhận:
- Đúng, tao biết bơi nhờ cho chuồn chuồn cắn rún. Loại chuồn chuồn càng to, cắn càng đau, thì càng dễ biết bơi.
Hỏi chị Mương chị cũng nói vậy.
Tôi tìm bắt con chuồn chuồn voi to nhất đem ra bờ sông sâu. Trốn trong một lùm cây, tôi bỏ hết quần áo, dí miệng chuồn chuồn vào rún. Lần đầu thấy chuồn chuồn sắp giơ mấy cái càng nhọn ra nghiến mồi, tôi giật mình đem nó ra xa. Lần nhì mấy cái càng hoạt động tạo một cảm giác nhột nhạt khó chịu quá. Lại thất bại. Lần thứ ba, cương quyết hơn, tôi nhất định giữ chặt đầu chuồn chuồn sát kề rún. Tôi đau đớn tận xương tủy. Chuồn chuồn nghiến mạnh thịt tôi, máu bắt đầu tươm ra. Tôi cương quyết đến độ dù đau, vẫn kê sát đầu chuồn chuồn vào rún, đè mạnh đến nỗi nó chết lúc nào không hay. Cho cắn xong, rất lạc quan, rất tin tưởng, tôi nhảy ùm xuống khúc sông sâu.
Anh Điền bụm miệng cười sặc sụa:
- Ai vớt Ngang lên.
- Không ai vớt hết. Tôi bắt chước đưa tay bơi như anh Cả, nhưng chỉ vẫy vùng được mấy cái rồi chìm nghỉm. Tôi uống liên tiếp mấy ngụm nước, tối tăm mặt mũi. Không biết lúc ấy nhờ đâu, tôi đạp mạnh hai chân xuống lòng sông đầy bùn và lá rữa, nên mới trồi lên được. May mắn là ngay tại đó, dừa nước mọc đầy, rễ phụ thả thòng đến sát mặt sông. Tôi chụp lấy một nhánh rễ rán hết sức trườn lên.
Lên được gốc dừa nước, tôi mới biết mình còn sống. Máu trên rún vẫn còn ri rỉ chảy.
Người lớn đã lừa tôi. Nhưng chẳng lẽ thuật lại kinh nghiệm chua xót đó cho anh Hai, anh Cả nghe. Chẳng lẽ trút hờn giận vào những kẻ to lớn, mạnh bạo. Tôi đâm thù hằn loài chuồn chuồn. Gặp chúng đâu là tôi giết đó. Gặp chuồn chuồn kim, tôi vặt cánh chúng, ngắt đuôi chúng, rồi ngắm chúng quay cuồng trên nền đất bùn. Gặp chuồn chuồn voi, sự hình phạt công phu hơn. Hoặc tôi để nguyên cánh, nhưng ngắt đuôi đi, cắm vào đó một cọng cỏ lau hay một cái hoa. Chuồn chuồn bay lượng nặng nhọc một lúc, rồi đâm đầu xuống chết. Hoặc tôi lấy chỉ cột đuôi hai con lại với nhau. Hình phạt thông thường nhất là để nó nghiến cục đá, cho mấy cái càng ghê tởm đáng ghét gãy hết, rồi tôi lần lượt rứt đuôi, rứt cánh, rứt đầu quăng xuống lòng sông.
Bây giờ nghĩ lại, mới thấy mình vô lý. Bị người lớn lừa, tôi lại thù loài chuồn chuồn. Tôi giết quá nhiều. Có lẽ vì vậy, về sau khi lớn khôn, tôi lại bị loài chuồn chuồn theo đuổi, trả thù. Tôi sợ chúng. Tôi sợ chúng quá rồi.
3
Anh Điền nói:
- Chuồn chuồn báo thù? Anh không tin Ngang chút nào cả. Thuở nhỏ anh có nghe chuyện người thợ săn bắn gãy chân một con cọp thiêng. Về sau, con cọp ba chân ấy cứ rình rập báo thù đời con đời cháu của người thợ săn. Chuyện huyền hoặc, nhưng còn có thể tin được, vì cọp mạnh bạo, nhanh nhẹn, hung dữ. Còn con chuồn chuồn thì làm được gì!
Ngang trả lời giọng quả quyết:
- Nó không làm được, nhưng hồn nó nhập vào một sức mạnh khác để hại mình. Người chết thì còn làm được gì? Bàn tay quắp lại, rùng mình một cái, mắt trợn trừng, thở hắt lần cuối cùng là hết. Nhưng những kẻ chết bất đắc kỳ tử, oan hồn nhập vào người khác để báo oán. Mẹ tôi kể có người học trò ngông nghênh thường chê bai chuyện bói toán. Một hôm anh ta tìm gặp đạo sĩ tóc bạc chống gậy trúc, ỡm ờ hỏi về tương lai. Đạo sĩ bảo ngày sau anh sẽ chết vì cọp. Anh học trò cười ngất, vì ở đồng bằng bao la này làm gì có cọp. Vậy mà về sau lời đạo sĩ này vẫn ứng nghiệm. Một hôm đang ngồi ngâm nga kinh sử ở chái đình, tượng cọp trên trụ đá tự nhiên đổ xuống, đè chết anh chàng ngông nghênh khing bạc.
- Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Ngang cãi lại:
- Trong trường hợp của tôi, không phải là ngẫu nhiên. Tiếc cho anh học trò là con cọp đã đè anh ta chết ngay, không chờ đến lần thứ hai lần thứ ba. Còn những con chuồn chuồn của tôi cứ vờn qua vờn lại, khi thì giết chết anh tôi, khi thì đốt cháy xóm làng tôi, khi thí đùa dỡn với sự sợ hãi khiếp đảm của tôi.
Anh Điền nôn nóng ngắt lời:
- Con chuồn chuồn nhập hồn vào thứ gì mà hung ác vậy? Anh mới nghe chuyện kỳ dị này lần đầu.
- Con cọp trong truyện đời xưa nhập hồn vào con cọp đá. Hồn chuồn chuồn bây giờ nhập hồn vào những con chuồn chuồn sắt. Anh có nhìn kỹ mấy chiếc máy bay lên thẳng không? Cánh quạt nó quay xập xòe như đôi cánh chuồn chuồn. Cái bụng thon tròn phía trước, cái đuôi dài phía sau giống y bụng đuôi con chuồn chuồn. Hai cái càng máy bay là hai chân. Nhưng giống nhất là đôi mắt. Anh có thấy loại máy bay thường chở "lính ngụy" không? Trước buồng lái, có hai miếng gương trong suốt bao bọc cho ổ máy, giống y đôi mắt của loại chuồn chuồn voi. Không có lý gì tự nhiên loại máy bay đó cứ theo đuổi hành hạ tôi mãi, nếu không có hồn ma chuồn chuồn nhập vào báo thù.
- Anh thấy Ngang nghĩ quá xa. Tuy đã nói một lần và bị Ngang bác bỏ, nhưng anh vẫn thấy không có gì linh thiêng huyền bí ở đây cả. Hình dáng của chiếc máy bay, và cảnh nhà cháy người chết Ngang vừa kể không có gì liên hệ nhau. Do ngẫu nhiên hết.
Ngang có vẻ nóng nảy, giận dữ:
- Tại sao lại có thứ ngẫu nhiên quái ác vậy? Gia đình tôi hết lòng thờ kính thần núi thần sông, hết lòng thương yêu mọi người.
Tôi không bao giờ thấy cha tôi độc ác tàn tệ với một con dê, con gà, con bò, con chó.
Mẹ tôi phát nguyện ăn chay trường từ lúc đứa em tôi sinh ra sống òi ọp rồi chết dần chết mòn vì bệnh tê liệt. Mẹ tôi nói: Chắc mình có lầm lỗi điều gì nên trời Phật phạt. Anh Cả anh Hai chị Mương của tôi dễ thương, hiền lành, không gây gỗ kình cãi với ai bao giờ. Vậy thì tại sao lại có thứ ngẫu nhiên bắt cả hai anh tôi chết thảm, xác phơi trên đồng hoang? Tại sao lại có thứ ngẫu nhiên đốt tan tành cái chuồng dê, cái từ đường, mấy cây xoài cây ổi, ném mấy kẻ sống sót là cha mẹ và chị Mương chui rúc vào trại định cư? Tại sao lại có thứ ngẫu nhiên chờn vờn mãi bên tôi, lùa tôi vào chỗ này?
Chuồn chuồn bám theo tôi mãi, nên không thể ngẫu nhiên được. Lần đầu nó xuất hiện, tôi đã linh cảm điềm bất thường rồi. Hôm đó vào buổi trưa, bầy dê đã ngủ dưới tàng cây mát phía suối. Tôi thơ thẩn đi hái sim trên triền đồi, khoảng cây cối lưa thưa xuôi dài xuống bờ sông đằng phía nam. Chiếc máy bay chuồn chuồn quạt cánh phần phật, bay dọc theo con sông. Tôi tò mò nhìn lên. Chuồn chuồn quần trở lại, sà thấp ngay trên đầu tôi, sức gió làm tung cát bụi mù mịt. Tôi sợ hãi đến chết điếng. Nó bay về phía suối, rồi quay trở lại, hạ thấp đến nỗi tôi có cảm tưởng đôi chân sắp gắp tôi bay bổng lên không. Tôi cắm cổ chạy về phía trước. Bay đến chỗ tôi, nó bốc cao lên phía đầu núi - Rồi quay trở lại, hạ thấp, như muốn húc mạnh vào ngực tôi. Tôi phải quay lưng trốn về phía suối. Nó cứ bay đi bay lại như vậy đến chín mười lần, vì tôi chạy xuôi chạy ngược đến cả giờ đồng hồ. Cuối cùng mệt lả không thể chạy được nữa, tôi đành nằm ngửa giữa cát bụi sẵn sàng nhận mọi sự bi đát tàn khốc. Ngạc nhiên làm sao, máy bay chuồn chuồn sà thấp lần cuối rồi bay xa.
4
Đó chỉ là màn giáo đầu. Liên tiếp mấy ngày sau từng đàn chuồn chuồn bay liệng trên không. Cả xóm xôn xao. Ban đầu mấy đứa trẻ con vui mừng chạy ra các đám rẫy trống dơ tay chỉ trỏ, reovui. Nhưng cha mẹ chúng hốt hoảng chạy đi tìm lôi về, đánh cho một trận nên thân. Từ đó thiên hạ chỉ dám ngồi yên dưới bóng xồi bóng ổi, khẽ liếc mắt xem hướng bay của chuồn chuồn mà thôi. Tôi vẫn tiếp tục lùa dê lên đồi, nhưng không dám chạy nhảy tung tăng từ bờ sông ra con suối, không dám đứng trên đỉnh cao hò hét vu vơ nữa. Tôi cảm thấy tình cảnh đã khác, không còn có thể giữ được nếp sống cũ. Về sau, chính chuồn chuồn đã xác nhận sự đổi thay ấy. Đầu tháng ba, một con chuồn chuồn kim thân tròn như hột vịt và đuôi dài ngoằn bay lượn trên sườn đồi, phóng thanh những câu gì không rõ, vì gió tạt theo hướng khác, rồi tung xuống làng một số truyền đơn màu xanh.
Truyền đơn bảo đại khái thế này:
Đồng bào làng Tân An lưu ý:
"Quân đội Hoa Kỳ đến đây để tiêu diệt Việt Cộng, bảo vệ an ninh cho đồng bào. Đồng bào đừng có chạy khi thấy quân đội Hoa Kỳ đến. Nếu chạy, quân đội sẽ tưởng đồng bào là Việt Cộng và sẽ bắn chết. Đồng bào hãy đứng yên tại chỗ, và chỉ dẫn chỗ ẩn núp của Việt Cộng cho quân lính Hoa Kỳ. Đồng bào hãy dặn lại cho bà con bạn bè biết".
Từ đó tôi thèm được leo lên đỉnh cao, thèm nhìn đồng bằng bao la phía dưới, thèm chạy theo dòng sông, ra đến bờ đầm để ngắt mấy hoa súng tím. Tôi phải ngồi yên một chỗ khi có chuồn chuồn bay lượn trên đầu. phải đi thật chận để tìm cho ra mấy con dê lạc khi chiều tối.
Đầu tháng tư, chuồn chuồn lại rải một loạt truyền đơn khác. Truyền đơn màu trắng, một mặt vẽ ngoằn ngoèo những gì không rõ. Bốn góc có bốn chấm đen đề tên làng Tân An và ba làng lân cận là Đại An, Tuy An và Vĩnh An. Giữa truyền đơn có một khung chữ nhật tô màu đỏ. Mặt bên kia, chuồn chuồn viết:
Đồng bào quận Hiếu An lưu ý:
Vùng trong hình chữ nhật đỏ trên bản đồ là vùng nguy hiểm - Không ai được ở trong vùng đó. Nếu có việc cần đồng bào chỉ việc đi lại trên đường cái mà thôi. Không khi nào được rời khỏi đường cái. Kẻ nào bất tuân, sẽ bị máy bay oanh tạc.
Đồng bào hãy theo đúng lời chỉ dặn của chính phủ. Chính phủ lo lắng cho an ninh của đồng bào, không muốn đồng bào và thân nhân bị thiệt hại. Hãy tuyệt đối tuân theo luật lệ của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ.
Cái bản đồ bí hiểm làm băn khoăn gia đình tôi suốt buổi tối hôm ấy. Xoay ngang, xoay dọc mãi, cả nhà không ai quả quyết được vùng tử địa nằm chỗ nào. Anh Cả bảo đúng là vùng có mấy đám rẫy trồng sắn của gia đình. Anh Hai bảo căn cứ vào cái chấm đề làng Tân An vùng nguy hiểm giữa bờ sông và sườn núi. Tôi nghe mà tái tê. Còn đâu dòng nước, còn đâu những trái sim. Còn đâu những chiều lùa dê về, gió hong khô mái tóc ướt sau khi thỏa thích vẫy vùng dưới con sông xanh. Chị Mương lại căn cứ vào đường ngoằn ngoèo, đoán là con sông để suy rằng vùng chết chóc ở phía bên kia đầm. Cuối cùng, cả nhà đồng ý ở điểm: tình hình không còn như xưa, cái sống cái chết gần kề nhau, nên không bao giờ đi ra khỏi đường cái.
Tôi hỏi:
- Vậy lỡ mấy con dê chạy lạc, làm sao lùa về?
Anh Cả hỏi:
- Cứ đi trên đường cái, làm sao làm cỏ sắn?
Anh Hai hỏi:
- Nếu vùng chết chóc có cả con sông thì làm sao mà tắm rửa?
Không ai tìm được câu trả lời, cũng như không ai tìm ra được cái khung chữ nhật tử thần đó nằm ở đâu. Khoing6 tìm ra, nên cái chết cứ chờn vờn quanh đây, tạo những trạng thái kỳ dị. Chị Mương đem đồ ra sông giặt, mẹ mặt mày xanh mét, dặn đi dặn lại là giặt mau rồi về. Quá trưa, anh Cả về chậm, mẹ cứ lo ngay ngáy sợ anh đã lười biếng đi ngõ tắt không về bằng con đường cái.
Giữa tháng tư, từng đàn chuồn chuồn chúi xuống đốt nghi ngút hai làng Tuy An và Vinh An. Cuối tháng tư, đến lượt Đại An điêu tàn. Khói từng đụm bốc cao, và tiếng tre nổ lách tách vang đến tận chân núi này. Mẹ nhìn lửa cháy ở Đại An, nước mắt chạy quanh, thấp thỏm:
- Không biết ông ngoại bà ngoại tụi bay chạy có kịp không? Chinh chiến chi cho khổ hở trời!
Những con chuồn chuồn bay liệng suốt ngày, và những lá bươm bướm đe dọa khiến cả làng như chợt giật mình giữa khuya, mồ hôi ướt đẫm, tim đập mạnh, lo sợ cho những gì sắp xảy ra.
5
Khi quân đội Mỹ đã đổ bộ chiếm đóng ba làng Tuy An, Đại An, Vinh An để mở rộng vòng đai an ninh phi trường, thì chuồn chuồn dồn về chao liệng trên vùng trời Tân An nhiều hơn. Gần như lúc nào cũng có một chiếc thường trực trên đỉnh đầu. Không khí trong làng căng thẳng, ngột ngạt. Chị Mương chịu khó giặt dịa bằng nước giếng đục như nước cơm. Anh Cả anh hai không dám ra rẫy, Ngang cũng vậy. Cha bảo tôi cầm cái roi dài, chận không cho dê đi quá xa chừng hai trăm bước. Cả đàn lẩn quẩn gặm trơ mấy bụi lá. Hai ba ngày đầu, dê ăn tạm mấy thứ thảo mộc không mấy hợp. Về sau, vùng chu vi quanh chuồng hoàn toàn xơ xác, chồi non không kịp lú đã bị gặm nát. dê không đủ ăn, nên ốm o thấy rõ. Buổi tối mấy con dê con cứ giục mạnh đầu vào bầu sữa nhăn, rồi thất vọng, kêu be be, không ngủ được. Tôi chỉ tình trạng chuồng dê cho cha thấy. Cha thở dài không nói gì. riêng tôi, tôi không thể chịu nổi nữa. thấy mấy con dê con chân cứ run rẩy, bụng xếp ve, gặm hoài núm vú khô của con mẹ ốm, làm sao tôi cầm được lòng xót thương. Tôi ôm con dê con, vuốt cái đầu thơm mùi sữa pha lẫn nước tiểu, nói với nó:
- Chịu khó nghe con! Ráng ít bữa chuồn chuồn đi hết, ta lại dẫn con ra đầm, đem con đi tắm mát.
Nói vậy, nhưng chính Ngang cũng không thể chịu khó thêm nữa. Sau một đêm thao thức vì tiếng be be đánh thức từng cơn, tôi quyết định cho dê ào xuống vùng cây cỏ xanh tươi phía suối. Đàn dê chạy nhảy tung tăng. Mấy con dê cái có vẻ an nhiên tự tại. Mấy con dê con đưa mõm gậm thử mấy chồi non rồi lại nhả ra. Chỉ có mấy con dê đực là hung hăng, hớn hở biểu lộ cái vui tự do. Chúng kéo nhau chạy từ đầu chuồng đến cuối suối, leo lên dốc cxao nhảy chuyền trên gành đá. Sợ cha ở trện rẫy về sớm, mặt trời còn hơn con sào, tôi đã lùa dê về chuồng. Kiểm lại thấy mất hai con dê giống. Ngang chạy ra bờ suối, chạy ra gành đá vẫn không thấy chúng đâu. Mặt trời càng hạ thấp, nỗi lo sợ càng tăng. Buổi trưa hai con dê quỷ quái này chơi trò rượt bắt, đuổi nhau nhảy từ mõm đá này sang mõm đá khác. Không biết bây giờ chúng ở đâu? Anh Cả ở rẫy về trước, nghe tin thương hại em, hốt hoảng đi tìm. Anh hỏi:
- Hai con dê đó thường tới chỗ nào?
- Mấy ngày trước, nó thường ra bờ đầm. Con dê có đốm ở mắt lại thường ưa lên đỉnh đồi kêu be be rồi ngó lung.
Anh chạy xuống dưới đầm. Chiều tối hơn. Trước sân chuồn chuồn bay nhiều trong khi trên trời, con chuồn chuồn sắt vẫn đảo qua đảo lại. Ngang đang lo đóng cửa chuồng, nhốt riêng mấy con dê có chửa thì tiếng cánh quạt sần sật ngay trên nóc nhà. Máy bay bay thật thấp, dọc theo ven núi. Đàn dê hốt hoảng tông đầu vào song chuồng. dê con kêu be be. Có tiếng một tràng súng nổ chát chúa, thật gần...
Trời tối mịt, cha và anh Hai, mới khiêng được xác anh Cả về. Mẹ ôm ống chân của anh, khóc tỉ tê:
- Ôi con ơi là con ơi! Mấy ổng đã bảo đừng chạy, mà con còn chạy làm gì. Cả ơi, sao con nỡ bỏ cha mẹ anh em mà đi sớm vậy, Cả ơi!
Cha trầm ngâm, lấy dẻ nhúng nước lau mặt mũi cho anh, nhưng đạn đã làm rách nát cả mặt mày, làm thành một đám bầy nhầy, không thể nhận ra nét cũ. Chị Mương run run cầm cái đèn dầu soi gần cho cxha lau chùi, khóc thút thít. Hàng xóm nghe tin, đến chia buồn lao xao trong bóng tối.
- Tội quá chừng, mới hồi chiều nó còn hứa mai làm cỏ vườn giùm cho tôi.
- Hồi sáng, anh nói chắc mai anh đi xa, lâu mới về. Ai ngờ anh chào trước mà đi luôn.
- Hèn gì mấy ngày nay nó hơi buồn buồn. Nó qua chơi với thằng Thảng bên tôi cả ngày hôm qua.
- Tính nó thiệt thà, ít nói. Ai mượn làm cái gì là làm liền.
- Thôi mà thiếm, chẳng qua cũng tại số phận. Gì gì rồi cũng không qua được số.
Ngang sợ sệt đứng sâu trong bóng tối. Anh Cả nằm đó ư? Anh đâu còn cười cợt, đâu còn bơi một cách nhẹ nhàng thoải mái từ bên này qua bên kia sông, đâu còn háy mắt cười thầm khi cha kình cãi với mẹ. Anh Hai giúp cha tắm rửa cho anh Cả, thay quần áo, rồi phụ với cha cuốn anh Cả vào chiếc chiếu. Đang loay hoay cuốn lại, có người bàn:
- Nó chết bất đắc kỳ tử, phải làm dấu, không thì về sau ảnh hưởng không tốt cho anh em, bà con.
Cha ngập ngừng dừng tay. Mẹ thôi khóc, thút thít hỏi lại cách thức trừ tà. Cha và anh Hai lại phải tháo dây ra, để người hàng xóm lấy mực bôi cái trán may mắn còn nguyên. Như chưa cho là đủ, ông ta còn gạch chữ thập lên cổ và lên ngực anh Cả.
Lúc cha và anh Hai bó xong xác, Đành đã tụ tập đồng bào đến đông nghẹt trước cuốn chiếu. Anh đốt một nắm ngang, đến vái anh Cả vài cái. Anh Đành đến lí nhí với cha mẹ tôi rồi dắt tay anh Hai ra nói chuyện riêng ngoài cổng. Mẹ lo sợ nhìn theo.
Từ đó anh Hai bỏ công chuyện nhà theo sát bên anh Đành. Anh đem về nhà mấy trái lựu đạn khẩu súng có gắp đạn uốn cong. Mẹ vội vã thuật lại với. Trong bữa cơm, cha nói:
- Thằng Cả chết, bây giờ chỉ còn có mầy là cột trụ gia đình. Hãy nghĩ đến điều đó.
Anh Hai không trả lời gì. Mẹ nói:
- Mẹ thấy con đem súng đạn về nhà lạnh mình. Quí gì thứ đó mà ai cũng ham. Chết chóc, chém giết, thiêu đốt! Sao không lo làm rẫy giữ dê mà sống cho rồi.
Anh Hai và vội cho hết chén cơm, rồi bỏ ra ngoài. Cha im lặng nhìn mông lung ra bóng đêm. Mẹ quay mặt chùi vội nước mắt trong tối. Con dê con khát sữa kêu be be ngoài chuồng.
Tối hôm ấy, lúc trăng mọc phía bờ sông, có chiếc máy bay chuồn chuồn bay tuần qua làng. Đèn xanh đỏ chớp ở dưới bụng. Từ phía chuồng dê, có ai bắn một loạt đạn lên máy bay. Đó là nguyên do Tân An lại bị oanh tạc dữ dội như ba làng lân cận. Có người bảo chính anh Hai đã bắn loạt đạn đó. Tôi không biết có đúng không, vì trong cơn khói lửa mịt mù, cả nhà tôi đã chạy núp vào hóc đá nên an toàn, chỉ trừ anh Hai, bị cháy thuyi với đàn dê.
6
Rồi ngày hôm sau, mặt trời vẫn mọc. Trừ khu xóm ven núi, cây lá sườn đồi vẫn xanh. Chỉ có tiếng be be của đàn dê là không còn. Nhưng gia đình tôi còn hơi sức nào chú ý chuyện loài vật. Ai đến xin thịt, cha mẹ tôi cũng cho. Cả nhà ngồi thừ bên xác anh Hai, co quắp đen đủi chẳng khác gì một xác dê. Lại thêm một chiếc chiếu cũ. Lại thêm hai đàn dây dừa. Anh Hai cũng chết bất đắc kỳ tử, nhưng mặt mũi tay chân đã đen cháy rồi, có cần quẹt mực làm dấu nữa không? Đó là tôi tự hỏi vậy, chứ cha mẹ tôi, và cả bác hàng xóm cũng không có thì giờ hỏi vậy. Nhà nào bây giờ cũng có một hai cái tang riêng, khỏi phải đi phân ưu như hôm qua. Rồi người chết cũng yên phận. Sự khổ, hận là phần người còn lại, nhà nào cũng bị cháy, nhưng xong cuộc, thì ai nấy lo đào hầm trốn bom trước khi trồng vài cái cột cháy, gác cây táo nhơn, lợp một lớp mái lá trên nền cũ. Nghe tiếng chuồn chuồn từ xa, dân làng đã chạy núp dưới hầm. Sau cuộc oanh tạc, chuồn chuồn kim trở lại, tung bươm buopm71 xuống khu Tân An đen đúa. Truyền đơn bảo:
" Đồng bào chú ý.
Làng đồng bào bị oanh tạc vì đồng bào đã chứa chấp bọn Việt Cộng. Làng đồng bào bị oanh tạc vì đồng bào đẵ giúp đỡ, cung cấp lương thực cho Việt Cộng.
Làng đồng bào bị oanh tạc vì đồng bào đã a tòng với bọn Việt Cộng, lập căn cứ bắn vào quân đội hay trực thăng Hoa Kỳ.
Làng của đồng bào sẽ bị oanh tạc trở lại nếu đồng bào tiếp tục cộng tác với Việt Cộng dưới bất cứ hình thức nào.
Đồng bào có thể tự bảo vệ xóm làng bằng cách cộng tác với quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh.
Hãy báo cho quân đội VNCH hay quân đội Hoa Kỳ biết chỗ ẩn núp của Việt Cộng, để chính phủ và đồng minh bảo vệ đồng bào.
Quân đội VNCH và đồng minh sẽ đuổi Việt Cộng khỏi xóm làng của đồng bào, giúp đồng bào sống no ấm và tự do."
Ngày sau chuồn chuồn kim lại tung truyền đơn khác, chỉ về cách đun sôi nước uống và dặn dò treo mùng cẩn thận để ngừa sốt rét. Không ai hiểu truyền đơn này muốn nói gì. Nhiều người đã nghi truyền đơn ấy là ám hiệu liên lạc, làm cho cả làng hồi họp chờ đợi. Dự đoán ấy hoàn toàn sai lạc, vì mãi một tháng sau, quân đội Mỹ mới đổ quân chiếm Tân An.
Chưa bao giờ tôi nghe đạn nổ rền và thấy chuồn chuồn nhiều như vậy. Năm sáu chục chiếc bay từ phía biển lên, hạ ngay giữa làng để quân lính nhảy xuống rồi cất lên nhường chỗ cho chiếc khác. Trong lúc đó, đại bác bắn nát dọc sườn đồi, từ rẫy sắn của cha tôi đến tận bờ đầm. Mấy chiếc chuồn chuồn lớn hơn bay quanh dọc theo bờ sông, bắn từng hồi vào các cụm dừa nước và bụi dứa dại. Tân An đã bị lưới đạn lớn nhỏ vây chặt, rào kín. Chuồn chuồn kim bay thật thấp, vòng quanh làng, loa lớn:
- Đồng bào hãy bình tĩnh. Ai ở yên trong nhà nấy. Người nào chạy trốn sẽ bị trực thăng bắn chết. Đồng bào hãy yên tâm. Chúng tôi đến đây để tiêu diệt bọn Việt Cộng, bảo vệ an ninh cho đồng bào. Đồng bào hãy bình tĩnh tuân theo các lời chỉ dẫn của chúng tôi.
Lúc tiếng máy bay bớt ồn ào, lính Mỹ đã tràn ngập khắp làng. Một lớp từ bờ sông, đầu núi lăm lăm khẩu súng tiến vào; một lớp từ giữa làng chia thành toán nhỏ tiến ra.
Hai người lính Mỹ cao lớn, một da trắng, một da đen, chỉa súng xuống miệng hầm bắt buộc cả gia đình tôi lên mặt đất. Mẹ tôi chui ra trước, người lính đen ra hiệu bảo để hai tay lên đầu. Chị Mương bắt chước y vậy, ra đứng núp sau lưng mẹ. Cha tôi vừa ra khỏi, người lính trắng đã chụp hai tay bẻ ngoặt ra sau lưng và rờ khám khắp mình. Không thấy gì, ông ta ra dấu cho phép cha tôi đứng gần chỗ mẹ. Tôi ra sau cùng, cũng bị khám xét rồi đứng sau cha. Người lính trắng nói gì với người lính đen rồi vào cái lều tạm đứng trên nền cũ lục lạo. Ông ta lấy được bộ quần áo của anh Hai, đem ra hỏi mẹ. Vi Xi, Vi Xi?
Mẹ không hiểu gì hết, trả lời đại:
- Thưa ông Mỹ, đó là áo quần thằng con trai của tôi. Nó chết cháy rồi, còn đâu nữa. Cha nó thấy bộ đồ còn tốt, giữ lại để mặc.
Cha tôi nghĩ mẹ nói như vậy chưa rõ, quay ra giải thích với người lính da đen:
- Gia đình tôi có ba đứa con trai, một đứa con gái đang ở đây. Hai đứa lớn chết rồi, một đứa bị đạn nát mặt, một đứa bị bom đốt cháy. Nhà cửa tiêu tan hết, nay chỉ còn hai đứa nhỏ này thôi.
Cả hai người lính không hiểu gì, đứng ngẩn ngơ, không biết phải xử trí ra sao. Lúc bấy giờ chuồn chuồn kim loan báo:
- Ngay bây giờ tất cả đồng bào phải tập trung trước sân trường học để ban sưu tra làm việc.
Nói tiếng Việt xong, loa nói bằng tiếng ngoại quấc. Hai người lính đẩy chúng tôi về phía trường, sau khi nhìn lại miệng hầm.
Đến sân tập trung, mọi người trong làng đã lục tục, thất thểu về đủ. Một toán lính Việt chờ sẵn ở đó, bắt nam nữ ngồi riêng ra hai bên theo hàng ngũ. Mỗi người ngồi bệt xuống đất mắt nhìn xuống bàn chân. Không khí im lặng nặng nề đến khó chịu. Một lính Mỹ lấy máy ảnh chụp hình khẩu hiệu treo trước trường cẩn thận quan sát, rồi leo lên gỡ xuống. Người lính Mỹ xì xồ hỏi người lính Việt đứng cạnh. Anh ta trả lời, xong quay lại nói với đồng đội:
- Đ. M. dân gì đâu mà thứ gì cũng để dành kỷ niệm. Hèn gì ở Chu lai họ may cờ, nhúng máu gà, giả làm cờ trận của Việt Cộng, bán đắt như tôm tươi.
Chiếc máy bay chuồn chuồn thân nhỏ như cái hột vịt lúc ấy hạ cánh ngay sau trường. Một người lính Mỹ bước xuống, nói tiếng Việt với một người có vẻ như là sĩ quan của toán sưu tra.
- Các ông đã sẵn sàng làm việc chưa?
Giọng nói tiếng Việt ồm ồm lạ tai làm một vài người tò mò ngước nhìn. Người sĩ quan Việt trả lời:
- Đã. Như thường lệ. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ phân loại, căn cứ theo các lời sơ vấn. Muốn xác định kỹ hơn, phải có tài liệu của Ty Công an đối chiếu.
- Chúng tôi đã bao vây làng, và gom dân về đây. Bây giờ, công việc các ông làm mới là phần quan trọng nhất: phân biệt Việt Cộng với thường dân, để sau đó tiêu diệt trọn trạm liên lạc quan trọng này.
Người sĩ quan Việt hốt hoảng hỏi:
- Tiêu diệt? Các ông định phá hủy làng Tân An sao?
- Vậy anh cho biết thử trong làng này, trong mấy cái chòi này, có gì đáng giá nào? theo tôi, dường như họ sống dưới hầm chứ đâu có sống trong nhà. Làng này chẳng khác nào một chiến lũy Maginot. Trên mặt đất, chỉ có vài cây cột với mái lá.
- Phần lớn hầm hố là để tránh bom đạn, đâu phải là hào chiến đấu!
Người Mỹ lắc đầu, vững tin ở mình:
- Tôi không nghĩ vậy. Dù sao, sống chui rúc ở dưới hầm hố này, sợ bom đạn, sợ Việt Cộng đâu phải đúng nghĩa của đời sống.
- Vậy các ông định làm gì?
- Chúng tôi sẽ thiêu hủy cả làng, cho Việt Cộng không thể dùng làm căn cứ được nữa rồi chở tất cả đồng bào về trại định cư.
- Thôi tôi biết, hiện hai trại trên quận đã quá đông người tị nạn. Chỗ đâu để số đồng bào này về ở?
- Việc đó là trách nhiệm của Thiếu tá quận trưởng. Chúng tôi đã điện thoại cho ông ấy biết là sắp có một số dân tị nạn về quận. Đây là xứ sở các ông, đây là dân của các ông. Chúng tôi muốn các ông đảm nhiệm trách vụ này.
Viên sĩ quan Việt có vẻ tức giận:
- Đã đành vậy rồi, nhưng vì sao các ông dấu kế hoạch hành quân cho đến phút chót, rồi đột ngột câu chúng tôi bỏ xuống đây, bảo: Đấy, làm việc đi?
Người Mỹ trả lời:
- Rất tiếc, không thể trả lời cho trung úy trước mặt dân chúng được. Tôi sẽ trình lại thiếu tá để thiếu tá giải thích cho trung úy rõ.
Nói xong người Mỹ trở lại máy bay rồi bay đi. Viên trung úy có vẻ tức giận, chửi thề liên hồi. Ông ta quay lại nói với mấy người lính:
- Thôi, tụi bay lần lượt cho đồng bào về đem đồ đạc của cải ra đây. Tụi nó sắp đốt cháy hết.
Chúng tôi nghe vậy, hết sức hoang mang. Bên phía nam, vài người định bỏ hàng về lại nhà. Mấy người lính lên đạn dọa:
- Phía nam ngồi yên đó. Chỉ có đàn bà mới được về nhà đem đồ đạc ra đây. Hàng này đi trước, rồi tới hàng này.
Từ bên này nhìn sang, tôi thấy các bà mang ra hoặc bọc quần áo, hoặc thúng gạo, hoặc cái rổ đựng chén bát. Có người dắt cả heo hay xách lồng gà vịt. Có người ôm cứng cái bài vị. Mẹ tôi và chị Mương mang ra được một bọc quần áo chưa cháy và cái thạp gạo. Chúng tôi bị lùa lên trực thăng trước nên không hiểu các bà xoay xở ra sao để đem cái gia tài tồi tàn cồng kềnh ấy lên máy bay. Tất cả đàn ông từ lứa tuổi tôi đến già đều bị cột tay ra sau lưng, một cái bao cát màu xanh trùm kín đầu. Chúng tôi sờ soạn vịn nhau leo lên máy bay chuồn chuồn. Thôi xa rồi cây cỏ và núi đồi. Thôi xa rồi dòng sông và con suối. Xa rồi cái chuồng dê cháy đen vắng tiếng be be, và cây ổi, cây xoài... Từ lúc sinh ra, đây là lần đầu tôi xa quê hương, xa mà mắt mù lòa, không được nhìn lại nó lần cuối cùng.
7
Lúc chiếc xe phanh gấp, và người lính gác ra lệnh bỏ cái bao cát xuống, tôi mới thấy cha tôi ngồi sâu phía trong, và xe dừng trước một khoảng ruộng đã cắt xong trơ toàn gốc rạ. Đám đàn bà trẻ con nheo nhóc chạy ùa ra bao vây chúng tôi, tíu tít hỏi thăm. Mẹ chạy lại nắm tay cha tôi sùi sụt, còn chị Mương thì cầm tay tôi lắc lắc không tìm ra lời. Cuối cùng chị bảo:
- Từ hai ngày nay, hai mẹ con cứ sợ họ đem cha với em nhốt trong tù để bắt khai này nọ. Nằm khơi khơi giữa sương gió và nắng nôi mẹ chưa đau là may đó.
Mẹ và chị Mương dắt về "nhà" chiếc chiếu sờn mép được cột vào haio cây cọc thấp, giăng nghiêng bằng hai sợi dây dừa nối xuống hai cọc tre. Một lớp rạ trải ngang trên đất ruộng. Cha hỏi:
- Sao không ở trong trại định cư?
Chị Mương trả lời thay mẹ:
- Thôi cha ơi! Hai cái trại nhỏ xíu chứa dân Tuy An, Đại An, Vinh An còn chưa đủ, chỗ đâu mình ở. Nghe ông quận bảo ở tạm đây, mai mốt sẽ lập thêm trại nữa.
Người đàn bà cùng xóm đến hỏi tại sao chồng chưa được thả về. Trên tay, đứa nhỏ mặt đỏ gay, mũi chảy thòng trên môi. Đứa lớn nắm ống quần mẹ, nheo mắt ti hí vì chói nắng. Ngang trả lời:
- Thưa thím, cháu không biết, vì vào trại hỏi cung, họ chia ra thành từng toán nhỏ. Hơn nữa, đầu luôn luôn bị chụp bao cát, không ai thấy ai hết.
Người đàn bà thất vọng trở về lều, đồ đạc tồi tàn nào nồi niêu, giẻ rách, bao gạo dàn bừa bãi. Sau đống mền chiếu, một bà già đang nằm trên đất rên khừ khừ.
Vào lúc ấy, một chiếc xe nhà binh loại bốn bánh từ đường cái đổ dốc chạy đến giữa đám ruộng, kéo theo một xi tẹt nước. Cả trại náo loạn. Đàn bà con nít đem gàu, son, nồi đất, thùng thiếc chạy đến, chen lấn nhau, bu quanh chỗ vòi nước. Người lái xe mở cửa bước xuống, can ngăn:
- Đồng bào cứ từ từ, đừng chen lấn nhau. Mấy bác này này, để cho các em nhỏ lấy nước trước rồi hãy chen vào.
Tôi nhận ra viên trung úy hôm trước. Nhiều người cũng nhận ra như tôi. Mấy người đàn ông mon men đến cạnh:
- Thưa trung úy, nhờ trung úy can thiệp giùm với quận. Mỹ nó giục quá chúng tôi đem được có chút ít gạo, nay đã cạn rồi. Hôm qua Ty Xã Hội phát thẻ lãnh gạo cứu trợ, đến nay không thấy gì hết.
- Thưa trung úy can thiệp giùm em. Gia đình em ở Hiếu Bình, qua Tân An mài bột sắn chưa kịp về đã bị bắt lên đây. Có mấy bác đây làm chứng.
- Thưa ông, tôi già cả giữ từ đường. Lúc ra đi rối quá xách được nửa bao gạo, quên đem bài vị của cha với ông nội đi theo. Tôi sợ bỏ lại, Mỹ họ đốt, mang tội với ông bà.
Viên trung úy lúng túng không biết trả lời thế nào. Đồng bào kéo đến mỗi lúc một đông. Quanh xe nước, bây giờ bùn nhão ngập đến cổ chân, nhưng người ta vẫn chen vào. Trung úy leo lên thềm xe, nói:
- Bà con cô bác hiểu cho, tôi không có quyền gì ở đây hết. Ngay buổi sáng hành quân chiếm Tân An, Mỹ mới gọi điện thoại cho thiếu tá: "Sắp có khoảng 500 dân tị nạn về quận. Thiếu tá lo liệu tiếp đón họ." Ông quận bức đầu bức tai, không biết lấy tôn lấy gạo đâu cứu trợ cho đồng bào. Thấy ông rối quá, tôi mới chạy liên lạc trường học, các cơ quan từ thiện. Mai học sinh sẽ lên xây lều cho đồng bào tạm trú. Gạo thì mượn tạm ở kho an toàn. Cái xe nước tôi mượn bên pháo binh.
Mẹ chen vào hứng được một thùng nước, rồi cùng với chị Mương khiêng về lều. Đám người vây quanh trung úy thấy không thể nhờ được gì khác đã bỏ đi. Tôi đến gần ông. Ông nhìn lại đôi mắt đầy nỗi trìu mến và thương xót, khiến tôi bạo dạn hơn.
- Thưa trung úy, khi họ chở hết đồng bào về quận rồi, làng bị đốt hay bị bỏ bom.
- Họ cho xe cày san bằng các hầm hố và nhà cửa. Một ít đồ đạc của đồng bào, tôi cho lính thu dọn lại, để trên sườn đồi chỗ đất bằng, để nếu được, đem về đây cho đồng bào.
- Thưa trung úy, nhà em sắp hết gạo. Nhiều nhà khác cũng vậy. Trung úy can thiệp cho máy bay chở đồng bào về lấy đồ lấy gạo được không?
Viên trung úy nhìn tôi, bối rối không trả lời. Một lúc, ông hỏi:
- Gia đình em có mấy người?
- Trước kia có sáu tất cả. Nhưng anh Cả anh Hai chết nên còn lại bốn.
Ông ta vội hỏi:
- Sao hai anh đó chết?
- Một anh bị chuồn chuồn bắn, một anh bị bom cháy.
- Nếu vậy tôi có thể giúp gia đình em làm giấy tờ xin tiền trợ cấp. Cha mẹ em đâu, cho tôi hỏi ý kiến.
Tôi dẫn ông trung úy về phía lều. Cha mẹ đều có vẻ vừa sợ hãi vừa kinh ngạc. Trung úy nói trước:
- Tôi nghe em này bảo hao bác có hai người con bị bom đạn chết?
Mẹ cướp lời cha:
- Dạ đâu có. Hai đứa nó bị bệnh, chết lâu rồi mà!
Trung úy vội trấn an:
- Bác đừng sợ. Người chết là hết, là yên phận, dù là chết vì lý do gì. Tôi chỉ hỏi để làm giùm giấy tờ xin trợ cấp cho hai bác mà thôi. Ở đây có lệ: nếu một người trên 18 tuổi bị Việt Cộng giết, gia đình vào trại định cư được trợ cấp 4.000 đ. Nếu người đó bị chết trong các cuộc hành quân tảo thanh của quân đội Mỹ, gia đình chỉ được lãnh 3.000đ. Nếu hai bác đồng ý, tôi sẽ làm tờ khai để lãnh 8.000đ.
Cha tôi băn khoăn:
- Thằng Cả vì đi lừa dê mà chết. Thằng Hai bị chú Đành rủ rê mà chết. Bây giờ khai sao đây: chết vì mặt trận hay chết vì ngụy?
Tôi hốt hoảng kéo tay áo cha, xin lỗi trung úy:
- Trung úy hiểu cho cha của em lớn tuổi nghễnh ngãng, ít nhanh nhẹn ứng biến. Tụi em thì quen miệng rồi, nói với mỗi bên theo mỗi cách. Nhưng cha em thì nói lộn nói liệu luôn. Có lần ông gọi chú Đành là "Việt Cộng". Vào đây, ông lại kêu lính gác là "lính ngụy".
Trung úy cười làm mẹ và tôi yên lòng:
- Không sao. Tại mỗi bên dùng một thứ từ ngữ khác nhau. Cho nên chọn một bên, là phải chọn luôn cách ăn nói. Bác già cả, đâu có thạo trò đu dây. Nhưng thôi, bây giờ hai bác khai thế nào?
Mẹ tôi chưa hết lo âu:
- Khai để nhận 8.000đ, lỡ hôm nào về làng mấy ông làm khó dễ làm sao? Mình đâu có ăn đời ở kiếp đây được.
Cha tôi lại bảo:
- Khai nhận 6000đ, lỡ Mỹ họ ghét không cấp tiền thì sao?
Ông Trung úy cười ồ, giải hòa:
- Thôi để tôi khai lãnh 7.000đ, khỏi sợ bên nào cả, rồi lấy giấy ghi tên anh Cả, anh Hai và tên cha mẹ tôi.
8
Sáng hôm sau ông Trung úy lái xe nước tới trại, đưa cho cha mẹ ký một xấp giấy tờ. Cha ký bằng chữ Hán, còn mẹ thì vụng về cầm cây viết nguyên tử gạch chữ thập vào chỗ trung úy chỉ. trung úy bảo khoảng hai tuần lễ nữa hy vọng có tiền trợ cấp. Chị Mương hỏi có xin trực thăng về Tân An được không. Ông trả lời là xin không được, và học sinh dưới thành phố bận làm văn nghệ chưa lên cứu trợ kịp. Lúc trung úy ra về, mẹ nhìn bao gạo xẹp gần hết ngẩn ngơ xuất thần. Vài gia đình đã lén xuống phố quận xin gạo. Mấy đứa nhỏ ra đầu đường chờ xe Mỹ chạy qua xin kẹo và thuốc lá. Nhiều hôm chúng đem về cả bia hộp nữa. tuy nhiên cái nghề đi xin cũng lắm tai nạn nghề nghiệp. Có đứa lỗ đầu vì bị lon bia ném từ trên xe đang chạy va vào trán. Có đứa ho sù sụ vì tập hút thử thứ điếu thuốc to bằng ngón tay cái.
Tình trạng nguy ngập, nên có nhiều người liều lĩnh lén về Tân An vào ban đêm. Họ đã thành công. Người đem lên được giỏ khoai. Người đem lên được bao lua giống. Người thì khệ nệ vác cả bộ ngũ sự. Người ta cho biết làng hoàn toàn hoang vắng, như một gò đất mới. Những tin vui ấy khuyến khích, nên tôi lén cha mẹ và chị Mương, vào giữa khuya, lẻn trốn về.
Vừa lội qua sông, bước qua khóm dừa dại đã có tiếng súng lên cò lách cách và tiếng hô: Ai, đứng lại.
Giọng hô rõ mồn một trong đêm, nghe lại quen quen. Lúc bóng đen đến gần, tôi mới nhận ra anh Đành. Lố nhố bên bờ sông, có mấy người nữa. Anh Đành hỏi:
- Ngang đó phải không? Về đây làm gì?
- Em về lấy lúa với quần áo.
- Mấy hôm trước có người xóm trên lẻn về anh biết, nhưng không ra mặt, để cho họ đem lương thực đi. Đáng lẽ số lúa khoai bỏ lại đã được chuyển vào khu rồi. Lên quận đã có Mỹ nuôi, sao lại về lấy thêm lương thực? Đàn bà con gái ốm yếu lên trại định cư được rồi, nhưng em, con trai, phải ở lại chiến đấu.
Tôi sợ sệt, trả lời:
- Nhà bây giờ chỉ còn có Ngang là con trai. Anh Cả, anh Hai chết hết...
Anh Đành ngắt lời:
- Chính vì hai anh ấy chết mà bây giờ em phải ở lại đây, gia nhập du kích.
Cả toán người đưa tôi qua phía đầm, theo đường mòn đi sâu vào mấy rặng núi cao bên kia Đại An. Tôi lặng lẽ bước không thể xóa được hình ảnh cha mẹ và chị Mương sáng hôm sau hớt hải đi tìm tôi, để buổi trưa buổi chiều ngồi húp cháo lỏng cho qua ngày. Chắc anh đã rõ đời sống trong trại huấn luyện như thế nào rồi. Họ tập cho tôi bắn AK, rút chốt lựu đạn, tập cho tôi cách trộn dầu với bồ hóng để bôi đen thân thể, tập cho tôi cách bò, cách trườn cách núp. Tôi có được một khẩu súng riêng. Tay chạm vào thép lạnh, ngón trỏ để trên lảy cò, tôi sung sướng đến ngây ngất. Tôi muốn được bắn vào cái gì đó, muốn rút thử cái vòng khuyên này rồi ném quả lựu đạn để nghe tiếng nổ xé trời. Không biết anh có cảm giác ấy không, nhưng cầm được khẩu súng, tôi sung sướng như được đứng trên đỉnh đồi nhìn cánh đồng bao la tiếp nối dưới kia. Cho nên tuy tập tành chưa nhiều, sử dụng vũ khí còn lật bật, tôi là người đầu tiên xung phong vào trung đội du kích tấn công đồn nghĩa quân Vĩnh An.
Người nào người nấy chỉ mặc độc cái quần đùi, toàn thân bôi đen để dễ nhập vào bóng tối. Tôi thuộc toán đầu, nhẹ nhàng trườn đến cắt hàng rào dây thép gai. Trong đồn chưa có phản ứng gì, có lẽ họ đang ngủ say. Đến lúc trung đội trưởng bắn phát hiệu và chúng tôi ào ào tràn vào vòng phòng thủ thứ nhì thì cả đồn mới thức giấc. Tôi với một người nữa bắn đã tay, chỉa họng súng về phía lô cốt. Bắn một lúc, chợt nhớ mình chưa ném lựu đạn. Tôi để mặc anh bạn nhào tới, rút chốt một trái lựu đạn ném vào bên trong bờ thành đắp bằng bao cát. Tôi chờ, nhưng không nghe tiếng nổ. Đến lúc hết hy vọng, chợt có tiếng nổ lớn ngay trước xác anh bạn nằm đen trước mặt. Anh chết vì dẫm phải mìn phòng thủ. Tôi ngẩn ngơ mất hồn. Bấy giờ, nghĩa quân bắn hỏa châu sáng trời, và đạn từ bên trong bắt đầu bay ra. Nhiều du kích ngã xuống. Tiếng nổ khác lạ của súng địch kích thích tội, làm tôi quên hết, liều lĩnh bước lên xác bạn nhảy vào vòng thành thứ nhì. Nhiều du kích cũng đã vào đó trước tôi. Chỉ còn một vòng kẽm gai, một thành bao cát nữa là chúng tôi vào được đồn. Tôi tháo chốt một trái lựu đạn, ra sức quăng mạnh vào trong. Lần này, lựu đạn nổ. Tôi sung sướng. Vừa lúc ấy, chuồn chuồn từ phía thành phố bay lên. Đèn sáng trưng trên trời, đạn khạc xuống liên miên. Các bạn tôi lần lượt ngã. Tôi say máu nhào đến phía trước, chợt thấy chân tê lạnh và bụi bốc ngay trước mặt. Sau tiếng nổ, tôi quỵ xuống, đầu óc mê muội dần. Chuồn chuồn lại hiện ra, đúng lúc chúng tôi sắp thắng và hình như cũng chính chuồn chuồn đã chở tôi về quân y viện cưa chân.
Ngang nhìn chăm chăm vào mặt Điền, để dò ý tứ người nghe, rồi bảo:
- Đó, anh thấy không, rõ ràng hồn loài chuồn chuồn đã nhập vào xác máy bay chuồn chuồn để báo oán, như hồn con cọp thật nhập vào con cọp đá để giết cậu học trò. Cọp báo oán một lần là xong kiếp cậu học trò. Nhưng chuồn chuồn thì không. Nó cứ vờn qua vờn lại, như trêu như giỡn với gia đình tôi. Mấy tháng nằm trong nhà thương, tôi cứ nhìn cái chân cụt mà bồi hồi, hối hận. Chỉ vì tôi muốn mau biết bơi, muốn tự nhiên nổi bập bềnh trên mặt nước mà cả nhà tôi chìm nghỉm. Bây giờ thân tàn ma dại rồi chuồn chuồn đã vừa lòng chưa? Tôi tự hỏi vậy. Lúc được chở lên đây nhập trại, tôi lạnh mình khi thấy bên kia đầm lầy, lại có bóng mấy chiếc chuồn chuồn.
Anh Điền có vẻ chế diễu trước sự sợ hãi của Ngang. Nhưng anh vẫn tìm lời an ủi:
- Ngang, không còn gì đáng sợ nữa. Chuồn chuồn bên kia đã gãy cánh rồi. Nó đuổi cho em chạy đến gãy chân thì nó cũng sứt cánh, sứt đuôi. Còn lâu, năm cái xác đó mới lết sang đây!
- Chúng tê liệt, nhưng mắt vẫn còn trong. Khi nào nhìn qua bên kia, tôi cũng thấy cặp mắt lộ đó, chăm chăm nhìn mình.
Anh Điền hỏi:
- Ngang bị nó ám ảnh đến độ đó, sao lần trước không xin về?
Ngang nhìn anh Điền, ngờ ngợ không hiểu anh hỏi chơi hay hỏi thật. Nhìn qua bên kia đầm, chỉ thấy bóng tối mông lung. Gần hơn là mấy chồng giường ẩn hiện dưới ánh sáng vàng lắt lay. Ngang trả lời:
- Về? Về làm gì? Lần trước tôi cũng tự hỏi: Sao không xin về? Tôi cũng muốn lắm chớ. Nhiều hôm nhìn qua lớp rào kẽm gai, sườn núi, cây cỏ xanh tươi hùng vĩ làm sao!
Tôi cứ tưởng mấy tảng đá trắng đá xám là bầy dê của tôi. anh Điền có chú ý bên chỏm núi có một viên đá nhọn hay không? Tôi cứ nghĩ đó là con dê đóm của tôi đang leo lên đỉnh cao, lạc loài, không về, đứng đó mà ngó lung. Tôi cũng ao ước tự do chạy nhảy ca hát trên sườn đồi, bơi sải bên dòng sông, hái bông súng trên mặt đầm...
Nhưng tôi không quên là chân mình đã cụt rồi, không còn có thể chạy theo đàn dê tưởng tượng nữa. Tôi chỉ có thể lê lết giữa chợ quận hay trong tiệm cơm thành phố, rên rên vài tiếng, rồi ngửa mũ ra...
Vả lại, ra khỏi đây? Những con chuồn chuồn voi hãy còn đầy trời. Thỉnh thoảng Ngang còn thấy chúng bay từng đàn về phía có khói lửa dâng cao. Ngay chiều nay, nó vừa hạ cánh xuống sân, vớt ông trung úy Y sĩ...
Thôi, anh Điền à, thà Ngang nằm mãi đây, đủ hai bữa cơm, và đủ bình an đầy giấc, để lâu lâu lấy bạo "nghinh" mấy con chuồn chuồn què quặt gãy cánh bên kia đầm, còn hơn cà thọt mà chạy trốn.
Tôi đã bắt đầu thấy thương chúng rồi. Nằm ụ bên kia, mấy con chuồn chuồn đó cũng què quặt như nạn nhân của nó, có khác gì đâu!