We have to walk in a way that we only print peace and serenity on the Earth. Walk as if you are kissing the Earth with your feet.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 1973年のピンボール – 1973–Nen No Pinbouru
Dịch giả: Lapillus
Biên tập: 清宮如月
Upload bìa: 清宮如月
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 90
Cập nhật: 2023-08-05 09:48:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hắc chắn là có hàng đống cách để phân biệt những cặp chị em song sinh, nhưng tôi chỉ biết có một. Họ không chỉ giống nhau ở mọi khía cạnh, đến cả cách biểu cảm, giọng nói và kiểu tóc, mà đến cả một nốt mụn ruồi hay vết bớt nhỏ nhất để phân biệt cũng chẳng có. Tôi chỉ còn nước chịu thua. Họ là hai bản sao hoàn hảo. Phản ứng của họ trước những tác nhân kích thích là y hệt nhau; đồ ăn và đồ uống của họ, bài mà họ hát, giờ đi ngủ, đến ngay cả kinh nguyệt – mọi thứ đều giống nhau.
Tình huống này nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi; trí tưởng tượng của tôi không thể hình dung nổi có một anh chị em song sinh là như thế nào. Nhưng mà, tôi chắc chắn nếu như mình có một người em song sinh, và chúng tôi giống nhau đến từng chi tiết, tôi sẽ bị nhầm lẫn là cái chắc. Đời tôi vốn đã đủ lộn xộn lắm rồi.
Tuy vậy, công bằng mà nói, hai cô gái vẫn thực hiện nếp sinh hoạt thường ngày với một vẻ điềm nhiên như không. Thật ra, hai người họ đã bị sốc khi biết được rằng tôi không thể phân biệt giữa họ với nhau. Dễ hiểu là cả hai đều nổi khùng.
“Hay nhỉ, bọn em khác nhau hoàn toàn!”
“Một trời một vực!”
Và điều đó làm tôi câm nín. Tôi chỉ đành nhún vai.
Thậm chí tôi còn không đoán được đã bao ngày trôi qua kể từ khi họ chuyển tới căn hộ của tôi. Điều duy nhất tôi biết chắc chắn là kể từ khi họ bắt đầu đến chung sống, đồng hồ sinh học của tôi đã chạy trễ thấy rõ. Tôi chợt nhận ra rằng đây chắc hẳn là cảm giác của lũ vi khuẩn sinh ra bằng cách phân chia tế bào cảm nhận về thời gian.
* * *
Một người bạn và tôi cùng thuê một khu văn phòng trên con dốc đi từ Shibuya đến Nampeidai và mở một dịch vụ dịch thuật nho nhỏ. Ông bố của bạn hùn vốn, nhưng nói thế không có nghĩa là nó đã tốn một lượng tiền không lồ – chỉ là chi phí đặt cọc thuê địa điểm, cộng thêm tiền để mua ba cái bàn inox, tầm chục cuốn từ điển, một cái điện thoại, thêm nửa tá chai bourbon. Chúng tôi nghĩ ra một cái tên thích hợp, phần tiền còn lại dùng để khắc một tấm bảng kim loại treo ra trước cửa, đăng một đoạn quảng cáo lên báo. Sau đó chúng tôi chờ khách hàng tới. Hai chúng tôi, với bốn chân gác lên bàn, uống whiskey. Đó là mùa xuân năm 72.
Sau vài tháng, chúng tôi có cảm giác mình đã đào được một mỏ vàng thứ thiệt. Một khối lượng công việc đáng kinh ngạc đã tìm đường tới văn phòng khiêm tốn của chúng tôi. Với thu nhập có được chúng tôi mua một chiếc máy điều hòa, một cái tủ lạnh, và một bộ quầy bar tại nhà.
“Thành công rồi, chúng ta thành công rồi!” bạn tôi thốt lên như vậy.
Nó cũng khiến cho tôi thấy ấm áp khắp người. Bởi đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nghe những từ ngữ đáng khích lệ đến thế.
Chúng tôi thậm chí còn được khấu trừ từ một bên nhà in bạn tôi quen, để họ lo mọi công việc dịch thuật cần đến in ấn. Tôi đến một trường đại học dạy ngoại ngữ để thu thập vài cô cậu sinh viên học khá, và gửi cho họ bất kể khối lượng công việc nào không kham nổi để họ dịch thô. Chúng tôi thuê thêm một cô thư ký để quản lý sổ sách kế toán, làm công việc vặt, và trả lời tin nhắn. Một cô gái tươi tắn, tỉ mỉ vừa mới bước chân ra khỏi trường kinh tế, với cặp chân dài và không có khuyết điểm nào đáng chú ý, trừ việc (trong những lúc vô thưởng vô phạt) cổ sẽ ngâm bài “Penny Lane” chừng hai chục lần mỗi ngày. “Một lựa chọn thật đúng đắn,” bạn tôi tuyên bố. Thế là cả hai trả cho cô gái gấp rưỡi số lương của một nhân viên bình thường, cộng thêm thưởng năm tháng, và mười ngày nghỉ phép vào mùa hè cũng như mùa đông. Vậy nên mỗi người trong chúng tôi đều có lý do để mà hạnh phúc, và cả ba đều hòa thuận hết mực.
Văn phòng bao gồm một phòng ăn kiêm bếp cỡ nhỏ cộng thêm hai căn phòng nữa; điều kỳ lạ là phòng ăn kiêm bếp lại nằm giữa hai phòng còn lại. Chúng tôi bốc thăm, kết quả là tôi được căn phòng trong cùng còn bạn tôi được căn phòng gần cửa ra vào nhất. Cô thư ký ngồi trong phòng ăn kiêm bếp tính toán sổ sách, pha đồ uống với đá, đặt bẫy gián, tất cả đều được thực hiện theo nhịp của bài “Penny Lane.”
Tôi mua một đôi tủ hồ sơ coi như chi phí cần thiết, rồi đặt mỗi cái mỗi bên chiếc bàn; cái bên trái tôi chất lên những tài liệu được gửi đến đang cần dịch, cái bên phải dành cho những tài liệu đã dịch xong chờ được mang đi.
Tài liệu và khách hàng cũng thật ngẫu nhiên làm sao. Mọi thứ từ những bài báo trên Tuần San Khoa Học Hoa Kỳ về độ bền của vòng bi dưới áp lực lớn cho tới cuốn Sách về Cocktail kiểu Mỹ 1972, từ luận văn của William Styron cho tới quảng cáo dao cạo râu. Mọi thứ đều có một cái hạn cuối được gán nhãn – cái này là của ngày này – và được xếp chồng ở bên trái cho tới khi, theo đúng thời hạn, chúng được chuyển qua bên phải. Mỗi khi hoàn thành xong một bản dịch, tôi lại nốc một đốt ngón tay rượu whiskey.
Một trong những điều tuyệt vời về cấp độ dịch thuật của chúng tôi là không phải nghĩ ngợi thêm gì cả. Bạn có một đồng xu ở bàn tay trái, vỗ bàn tay phải lên đó, rút tay trái về, và đồng xu sẽ nằm lại trong tay phải.
Tất cả chỉ có vậy.
Tôi sẽ đến văn phòng lúc mười giờ và về lúc bốn giờ. Vào những thứ bảy, ba chúng tôi sẽ tới một vũ trường gần đó, lắc lư theo vài ca khúc nhái lại Santana xen lẫn giữa những ngụm rượu J&B.
Thu nhập không quá tệ. Khi tiền thuê văn phòng, phụ phí, tiền lương cho cô gái, tiền công cho sự trợ giúp của những sinh viên làm bán thời gian cùng với thuế đã được trả hết, chúng tôi sẽ chia doanh thu còn lại trở thành mười phần, một phần đi vào quỹ của công ty, năm phần thuộc về bạn tôi, còn tôi được bốn. Phương pháp của chúng tôi rất giản dị – chúng tôi sẽ bày ra mười sấp tiền bằng nhau trên mặt bàn – nhưng mà vui lắm. Nó luôn luôn gợi cho tôi về trận poker giữa Steve McQueen và Edward G. Robinson trong phim The Cincinnati Kid.
Cách chia năm-bốn cũng rất công bằng, tôi nghĩ vậy. Suy cho cùng, ông bạn đó là người nắm trọng trách quản lý công ty, và cũng là người luôn im lặng chịu đựng mỗi khi tôi uống whiskey có hơi nhiều quá. Trên tất cả, bạn tôi còn đang phải loay hoay với một người vợ ốm yếu, một đứa con trai ba tuổi, cùng một con Volkswagen luôn luôn ở trong tình trạng cần sửa chữa. Và như thể thế vẫn là chưa đủ, cậu ta luôn luôn gặp phải vấn đề mới tinh nào đó.
“Thế còn tôi thì sao? Tôi cũng phải nuôi cả một cặp song sinh đây,” tôi buột miệng ra vào một ngày. Cũng chẳng có tác dụng gì, dĩ nhiên rồi – bạn tôi vẫn lấy năm phần còn tôi thì bốn.
Tôi đã trải qua cái đỉnh cao của những năm tháng giữa tuổi hai mươi như thế. Giống như vô vàn những buổi chiều yên ả ngồi tắm nắng.
“Bất kể người viết là ai, chúng tôi vẫn sẽ diễn dịch được hết,” trên tờ rơi quảng cáo ba màu in đè của chúng tôi có khoe một khẩu hiệu như thế. Cứ mỗi nửa năm hoặc tầm đó, khi chuyện kinh doanh rơi vào một quãng tẻ ngắt, chỉ độc do chán đời mà ba chúng tôi sẽ đứng ở trước ga Shibuya và phát tờ rơi.
Thời gian cứ như thế trôi qua đã bao lâu? Tôi ở đó, lê bước lê bước mãi qua những khoảng lặng ngắt không hồi kết. Khi xong công việc và về đến nhà, tôi sẽ uống thức cà phê ngon lành của cặp song sinh, đọc cuốn Phê phán lý tính thuần tuý không biết đến lần thứ bao nhiêu.
Thi thoảng, những chuyện xảy ra ngay hôm qua dường như đã xa vời như chuyện của năm trước, hoặc những thứ từ năm trước đối với tôi lại như thể chuyện của mới hôm qua. Khi mọi chuyện thực sự loạn hết cả lên, cái năm sắp tới sẽ tưởng như ngày hôm qua. Hoặc là thế, hoặc tôi sẽ dịch một bài báo của Kenneth Tynan nói về Polanski trong ấn bản tháng 9 năm 1971 của tờ Esquire, trong suốt thời gian đó cứ nghĩ mãi về những cái vòng bi.
Hàng tháng, hàng năm trời, tôi cứ ngồi đó một mình dưới độ sâu của một cái bể không đáy. Trong làn nước ấm, ánh sáng được chắt lọc dịu dàng, và sự thinh lặng. Thinh lặng…
* * *
Chỉ có độc một cách để tôi phân biệt cặp song sinh, và đó là dựa vào cái áo cộc của họ. Hai cái áo cộc xanh biển đã phai màu cùng với dòng số màu trắng phô bày ngang ngực. Một cái ghi “208”, cái còn lại là “209”. Số hai nằm trên đầu ti phải, còn số tám hoặc chín nằm trên đầu ti trái. Hai số không kẹp ngay chính giữa.
Vào ngay hôm đầu tiên, tôi đã hỏi cặp song sinh ý nghĩa của những con số ấy. Họ bảo với tôi là chẳng có ý nghĩa gì cả.
“Chúng trông như số seri của nhà máy ấy.”
“Anh nói thế là sao?” một cô hỏi.
“À, nó khiến cho trông như thể có cả một đám người nữa giống hệt như hai em, và hai em là người số 208 và 209.”
“Đầu óc anh kỳ khôi thật!” 209 cười nhạo.
“Từ lúc sinh ra đến giờ chỉ có mỗi hai đứa tụi em thôi,” 208 nói. “Bọn em đã được cho hai cái áo này.”
“Ở đâu?” tôi hoài nghi.
“Ở một buổi khai trương siêu thị. Họ đã tặng cho những khách hàng đầu tiên.”
“Em là khách hàng thứ hai trăm linh chín,” 209 nói.
“Còn em là thứ hai trăm linh tám,” 208 kể.
“Hai bọn em mua ba hộp giấy lau tay.”
“Được rồi, chúng ta sẽ làm thế này. Chúng ta sẽ gọi em là 208. Còn em, em là 209. Bằng cách đó anh có thể phân biệt được ai với ai,” tôi nói, lần lượt chỉ vào từng người.
“Không ổn,” một người nói.
“Tại sao vậy?”
Không hé nửa lời, cả hai cùng cởi áo ra, đổi cho nhau, và tròng lại qua đầu.
“Em là 208,” 209 đáp.
“Còn em là 209,” 208 nói.
Tôi bèn thở dài.
Cho dù vậy, mỗi khi rơi vào cấp bách buộc phải phân biệt giữa họ, tôi không còn cách nào khác ngoại trừ dựa vào con số. Tôi chỉ đơn giản là không nghĩ ra bất cứ cách nào khác để nhận ra từng người.
Cặp song sinh hiếm khi nào mặc quần áo khác ngoài hai cái áo cộc ấy. Gần như thể họ đã ra ngoài đi dạo, tình cờ ghé vào căn hộ của một ai đó và cứ thế quyết định ở lại. Cũng có khi là thế thật. Vào đầu mỗi tuần tôi luôn luôn đưa cho cả hai ít tiền để họ có thể mua những thứ mà họ cần, nhưng ngoài đồ ăn, trên thực tế, họ chẳng bao giờ tiêu tiền vào bất cứ thứ gì ngoại trừ thi thoảng mua một hộp bánh quy kem cà phê.
“Không có quần áo không làm hai em thấy khó chịu à?” tôi hỏi.
“Chẳng khó chịu tí nào,” 208 trả lời.
“Sao chúng em lại phải quan tâm tới quần áo chứ?” 209 đáp.
Mỗi lần một tuần, với sự nâng niu chăm chút, hai người họ sẽ giặt cái áo cộc trong bồn tắm. Tôi sẽ nằm trên giường nghiên cứu cuốn Phê phán lý tính thuần tuý để rồi khi ngước lên thì thấy hai chị em, nhồng nhỗng trên những ô gạch phòng tắm, đang cùng nhau giặt cái áo cộc của họ. Vào những lúc như thế, tôi sẽ cảm thấy một cảm giác rất xa xăm nọ. Tôi không biết tại sao. Kể từ mùa hè trước đó, khi tôi bị mất một cái chụp răng dưới ván nhảy ở bể bơi, cái cảm giác ấy thỉnh thoảng lại kéo đến.
Thường những lúc đi về nhà sau giờ làm, tôi sẽ bắt gặp con số 208 và 209 đang phe phẩy trên ô cửa sổ hướng nam. Những khoảnh khắc như vậy, thế là đủ để khiến khóe mắt tôi cay cay.
* * *
Làn gió nào đã đưa hai em tới đây, hai em định ở lại bao lâu, và trên hết, hai em là ai mới được? Bao nhiêu tuổi? Xuất thân thế nào? Không hiểu sao tôi không bao giờ thấy thích hợp để hỏi.
Còn hai em, về phần mình, chưa từng hé răng nửa lời
Những ngày tháng của chúng tôi trôi qua, ba người, cùng nhau uống cà phê, đi dạo qua sân gôn tìm kiếm những quả bóng thất lạc, trêu đùa nhau trên giường. Lướt qua những tờ báo là điểm sáng của từng ngày, khi tôi dành ra cả một tiếng để giải thích về những chuyện đang xảy ra. Hai người họ dửng dưng với thời cuộc dễ sợ. Họ không phân biệt nổi Miến Điện với Úc. Mất ba ngày họ mới chấp nhận rằng Việt Nam đang bị chia làm hai, và hai nửa đó đang chiến tranh. Mất thêm bốn ngày nữa để giải thích vì sao Nixon lại đánh bom Hà Nội.
“Thế anh ủng hộ phe nào?” 208 hỏi.
“Phe nào là sao?”
“Anh biết mà, miền Bắc hay miền Nam?” 209 giục.
“Hừm, khó nói lắm.”
“Ý anh là gì?” 208 đáp lại.
“Ý anh là, anh có sống ở Việt Nam đâu.”
Hai người họ đều không chấp nhận lời giải thích ấy.
Quỷ thần ơi, đến tôi còn không chấp nhận nổi nữa là.
“Họ đánh nhau vì họ suy nghĩ khác nhau, có phải không?” 208 vẫn bám theo chủ đề.
“Có thể nói như vậy.”
“Vậy là có hai cách nghĩ đối lập nhau, em nói có đúng không?” 208 tiếp tục.
“Đúng thế, mặc dù… có phải đến cả triệu những trường phái tư duy đối lập với nhau trên thế giới này. Không, có khi là hơn ấy.”
“Vậy thì hiếm có ai là bạn của ai sao?” 209 thắc mắc.
“Anh đoán là không,” tôi nói. “Gần như chẳng có ai là bạn của ai cả.”
Dostoyevsky đã tiên liệu như thế; và tôi thực hiện theo.
Đó là cách sống của tôi trong những năm 70.
Pinball Năm 1973 Pinball Năm 1973 - Haruki Murakami Pinball Năm 1973