Trong chừng mực nào đó, chúng ta đôi khi phải chấp nhận những điều không như ý. Nhưng tuyệt đối không được từ bỏ niềm hy vọng.

Martin Luther King, Jr

 
 
 
 
 
Tác giả: Sara Gruen
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 948 / 17
Cập nhật: 2017-08-04 07:58:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ôi năm nay chín mươi tuổi. Hoặc chín mươi ba gì đó. Chỉ một trong hai cái tuổi đó thôi.
Khi lên năm, bạn biết rõ tuổi mình đến từng tháng một. Thậm chí vào những năm hai mươi, bạn vẫn nhớ tuổi của mình. Tôi hai mươi ba, bạn nói, hoặc có thể là hai mươi bảy. Nhưng rồi khi ngoài ba mươi, những biến chuyển kỳ lạ sẽ xảy đến với bạn. Ban đầu chỉ là một trục trặc nho nhỏ, bạn sẽ ngắc ngứ trong thoáng chốc. Anh bao nhiêu tuổi? Ồ, tôi - bạn mở đầu rất tự tin, nhưng sau đó thì ngừng lại. Bạn định nói là ba mươi ba, nhưng không phải. Bạn đã ba mươi lăm rồi. Rồi bạn thấy lo lắng, vì bạn hoang mang không biết đó có phải là khởi đầu của một kết thúc hay không. Điều đó đúng quá đi rồi, nhưng phải mất vài chục năm bạn mới chịu thừa nhận nó.
Bạn bắt đầu quên các từ ngữ: chúng ở ngay đầu lưỡi bạn, nhưng thay vì cuối cùng được bật ra, chúng lại ở nguyên chỗ cũ. Bạn lên gác để lấy thứ gì đó, nhưng đến lúc tới nơi thì lại không thể nhớ nổi mình định lấy gì. Bạn gọi con mình bằng tên của tất cả những đứa khác và cuối cùng là tên chú chó trước khi gọi đúng đứa mình cần. Đôi khi bạn quên mất hôm đó là thứ mấy. Và cuối cùng bạn sẽ quên cả năm.
Thực ra tôi cũng không quên nhiều đến mức đó. Đúng hơn là tôi đã ngừng lưu giữ những sự kiện trong tâm trí mình. Chúng ta đã bước sang một thiên niên kỷ mới, tôi chỉ biết được chừng đó - người ta cứ nhặng xị cả lên và lo lắng những việc không đâu, đám trẻ thì kêu gào lo sợ và mua đồ hộp vì có kẻ quá lười đến mức không dành chỗ cho bốn con số thay vì hai(1) - nhưng việc đó đã xảy ra vào tháng trước hay là ba năm trước rồi. Vả lại, nếu vậy thì sao chứ? Có gì khác nhau giữa ba tuần, ba năm, hay thậm chí ba thập kỷ toàn món đậu mềm, bột sắn hột, và đồ lót Depend?
Tôi chín mươi tuổi. Hay chín mươi ba gì đó. Chỉ một trong hai cái tuổi đó thôi.
ĐÃ XẢY RA một vụ tai nạn hoặc người ta đang sửa đường, vì có một nhóm các bà già đang dán mắt vào cửa sổ cuối hành lang như lũ con nít hay đám tù nhân. Trông họ khẳng khiu và yếu ớt, tóc tai mỏng mảnh như sương. Hầu hết đều trẻ hơn tôi ít nhất mười tuổi, và điều này khiến tôi kinh ngạc. Ngay cả khi cơ thể không còn tuân theo ý muốn nữa, thì tâm trí bạn vẫn không chấp nhận.
Tôi được đẩy tới nơi hành lang với cái khung tập đi trong tay. Tôi đã khá hơn rất nhiều kể từ khi xương hông bị rạn, ơn Chúa. Có một thời gian, trông tôi như thể không còn bước đi được nữa - đó là lý do lúc đầu tôi được người ta khuyên vào đây - nhưng cứ vài tiếng tôi lại đứng dậy đi một vài bước, và mỗi ngày tôi lại đi xa hơn một chút trước khi cảm thấy cần phải quay lại. Xem ra vẫn còn sự sống trong một anh già.
Giờ nhóm người đã lên đến con số năm, những vật thể đầu bạc già cỗi đang túm tụm lại và trỏ những ngón tay khẳng khiu vào tấm kính. Tôi đợi một lúc xem họ có bỏ đi không. Họ vẫn đứng đó.
Tôi liếc nhìn xuống, kiểm tra xem cái phanh còn bật không, rồi cẩn thận đứng dậy, vừa tì thật chắc vào tay vịn xe lăn vừa mạo hiểm chuyển sang cái khung tập đi. Khi đã đứng vững, tôi bám chặt vào những miếng đệm cao su màu xám trên tay vịn và đẩy nó tới hết tầm khuỷu tay, tức là đúng một ô gạch trên sàn. Tôi lết chân trái tới trước, chắc chắn là mình đã đứng vững, rồi kéo chân còn lại lên bên cạnh. Đẩy, lết, đợi, lết. Đẩy, lết, đợi, rồi lại lết.
Hành lang quá dài và chân tôi bắt đầu có những phản ứng bất thường. Ơn Chúa đó không phải là kiểu đi khập khiễng của Camel, nhưng dù sao nó cũng khiến tôi phải đi chậm lại. Tội nghiệp ông bạn già Camel - Bao năm rồi tôi mới nghĩ đến ông. Bàn chân ông ấy đã bại hoàn toàn nên khi đi phải nâng cao đầu gối lên rồi lăng mạnh chân về phía trước. Chân tôi kéo lê trên mặt đất như thể chúng rất nặng, và vì lưng còng nên tôi cứ phải nhìn xuống đôi dép lê gắn ở khung tập đi.
Phải mất một lúc tôi mới tới được cuối hành lang, nhưng tôi đã làm được - và còn bằng chính đôi chân của mình nữa. Tôi cảm thấy rất hài lòng, dù sau đó tôi nhận ra rằng mình vẫn còn phải tìm cách quay trở lại.
Họ tản ra nhường đường cho tôi, các bà già ấy. Đó là những con người đầy sức sống, những người có thể đi lại bằng chính sức mình hay có bạn đẩy hộ xe lăn. Các cô gái già này vẫn còn tinh anh, và đối xử rất tốt với tôi. Ở đây tôi là của hiếm - một lão già giữa cả một biển góa phụ vẫn còn đau buồn trước sự ra đi của chồng.
“Ô, này,” Hazel kêu lên. “Cho Jacob xem với nào.”
Bà ta kéo cái xe lăn của Dolly lại vài bước rồi chậm chạp bước tới bên tôi, đan hai tay vào nhau, đôi mắt mờ đục như vụt sáng. “Ôi, thật lý thú làm sao! Họ đã ở đó cả sáng rồi đấy!”
Tôi len về phía tấm kính, rướn mặt lên nhìn, nheo mắt lại vì ánh mặt trời. Ánh nắng quá chói chang đến mức phải mất một lúc tôi mới định hình được chuyện gì đang xảy ra. Rồi các hình khối dần dần hiện lên.
Ở cuối lô đất trong công viên là một căn lều bằng vải bạt rất lớn, dày đặc những sọc trắng đỏ với một chóp nhọn không lẫn đi đâu được…
Tim tôi đập dồn đến nỗi tôi phải lấy một tay ôm chặt ngực.
“Jacob! Ôi Jacob!” Hazel gào lên. “Ôi chao ơi! Ôi chao ơi!” Đôi tay bà run lên trong cơn hoảng loạn, rồi bà ta quay về phía sảnh. “Y tá! Y tá! Nhanh lên! Là ông Jankowski!”
“Tôi không sao,” tôi nói, vừa ho vừa vỗ ngực. Đó chính là vấn đề với những bà già này. Họ luôn sợ rằng người ta sắp gục ngã đến nơi. “Hazel! Tôi ổn mà!”
Nhưng đã quá muộn. Tôi nghe tiếng kít-kít-kít của những chiếc giày đế cao su, và vài phút sau đám y tá đã vây kín lấy tôi. Có lẽ tôi không cần phải lo làm cách nào để trở về xe lăn của mình nữa.
“VẬY THỰC ĐƠN tối nay có gì nào?” Tôi càu nhàu khi người ta đẩy tôi vào phòng ăn. “Cháo đặc? Đậu mềm? Bột ngũ cốc Pablum? Ồ, để tôi đoán nhé, là bột sắn hột à? Bột sắn hột đúng không? Hay là tối nay chúng ta sẽ gọi đó là bánh putđinh gạo?”
“Ôi, ông Jankowski, ông thật là kỳ quặc,” cô y tá nói thẳng thừng. Cô ta không cần phải trả lời, và cô ta biết điều đó. Hôm nay là thứ Sáu, như thường lệ chúng tôi sẽ vẫn thưởng thức sự kết hợp bổ dưỡng nhưng tệ hại giữa thịt xay, xúp ngô kem, khoai tây nghiền, và chút nước xốt được vẩy qua thịt bò ở một thời điểm nào đó trong đời. Vậy mà họ cứ ngạc nhiên không hiểu sao tôi lại sút cân.
Tôi biết vài người trong số chúng tôi không còn răng, nhưng tôi thì có, và tôi muốn ăn thịt nướng tảng. Làm theo kiểu của vợ tôi, thêm vài lá nguyệt quế dai dai nữa là hoàn hảo. Tôi muốn ăn cà rốt. Tôi muốn ăn khoai tây luộc cả vỏ. Tôi muốn uống cạn một cốc vang đỏ Cabernet Sauvignon đậm vị nho chứ không phải nước táo đóng lon. Và trên hết, tôi muốn một bắp ngô nguyên chưa tách hạt.
Đôi khi tôi nghĩ nếu phải chọn giữa một bắp ngô và việc ân ái với phụ nữ, tôi sẽ chọn ngô. Không phải là tôi không muốn được một lần lăn giường trước khi chết - tôi vẫn là đàn ông mà, và có những thứ không bao giờ tàn lụi - có điều ý nghĩ được cắn ngập răng những hạt ngô ngọt lịm khiến tôi ứa nước miếng. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng, tôi biết. Sẽ chẳng có điều gì xảy ra cả. Chỉ là tôi thích cân nhắc giữa hai lựa chọn, như thể mình đang đứng trước Solomon: chìm trong ái ân lần cuối hay một bắp ngô. Thật là một tình huống kỳ quặc tuyệt vời. Đôi khi tôi thay ngô bằng một quả táo.
Tất cả mọi người ở các bàn đều nói về rạp xiếc - đương nhiên là những người có thể nói được. Những kẻ câm lặng, những kẻ có khuôn mặt băng giá, chân tay khô quắt hay những kẻ đầu và tay run quá dữ dội không thể tự cầm thìa nĩa thì ngồi quanh rìa phòng, cạnh người trợ giúp đang đút từng chút đồ ăn vào mồm họ rồi lại dỗ dành họ nhai. Họ khiến tôi liên tưởng đến những chú chim non, chỉ khác là trông họ chẳng có chút sức sống nào. Ngoài chuyển động nghiền rất khẽ của hàm ra, khuôn mặt họ vẫn giữ vẻ cứng đờ và trống rỗng đến kinh hoàng. Nói kinh hoàng là vì tôi ý thức được rất rõ con đường mà mình đang bước đi. Tôi chưa đến mức như họ, nhưng rồi chuyện đó sẽ đến nhanh thôi. Chỉ có một cách để tránh điều ấy, và tôi cũng không chắc mình có thực sự quan tâm đến lựa chọn đó hay không.
Cô y tá đẩy tôi đến trước bàn ăn. Nước sốt trên tảng thịt xay đã tạo một lớp váng. Tôi thử chọc nĩa vào miếng thịt. Lớp váng khẽ rung lên như thể đang chế giễu tôi. Chán ghét, tôi nhìn lên và bắt gặp ánh mắt của Joseph McGuinty.
Hắn ta ngồi phía đối diện, một “ma mới”, một kẻ hóng hớt - hắn là luật sư về hưu, cằm bạnh, mũi rỗ, và đôi tai vĩ đại mỏng dính. Đôi tai khiến tôi liên tưởng đến Rosie, dù ngoài ra hắn chẳng có điểm gì giống nữa. Rosie là một con vật tốt, còn hắn - chà, một gã luật sư đã nghỉ hưu. Tôi không thể tưởng tượng các y tá nghĩ luật sư và bác sĩ thú y có điểm gì chung mà lại đẩy xe của hắn tới đối diện tôi vào cái tối đầu tiên ấy, và từ đó hắn cứ ngồi đây.
Hắn trừng trừng nhìn tôi, hàm đưa tới lui như một con bò nhai lại. Không thể tin được. Hắn đang thực sự ăn cái thứ này.
Các bà già cứ ríu rít trò chuyện như những cô nữ sinh, vô tư đầy vẻ hạnh phúc.
“Họ sẽ ở đây đến Chủ nhật,” Doris nói. “Billy đã ghé qua để tìm hiểu.”
“Phải, hai sô diễn vào thứ Bảy và một vào Chủ nhật. Randall và mấy đứa con gái của nó sẽ đến đưa tôi đi vào ngày mai,” Norma nói, rồi quay sang tôi. “Jacob, ông cũng đi chứ?”
Tôi mở miệng ra định nói, nhưng chưa kịp phát ra lời nào thì Doris thốt lên, “Các bà đã thấy những con ngựa đó chưa? Ôi chao ôi, chúng thật đẹp. Khi tôi còn là một bé gái, nhà tôi cũng có ngựa. Ôi, tôi mới thích cưỡi ngựa làm sao.” Bà ta nhìn xa xăm, và trong một tích tắc tôi có thể thấy hồi trẻ bà ta đáng yêu nhường nào.
“Mọi người có nhớ hồi mà các gánh xiếc còn di chuyển bằng tàu không?” Hazel lên tiếng. “Áp phích sẽ xuất hiện trước đó vài ngày - chúng phủ lên mọi bề mặt trong thị trấn! Thậm chí không hở ra một viên gạch!”
“Chúa ơi, đương nhiên là tôi phải nhớ chứ,” Norma thốt lên. “Có một năm họ còn dán áp phích lên tường chuồng ngựa nhà chúng tôi mà. Những người đó bảo bố tôi rằng họ sử dụng một loại keo đặc biệt sẽ tan hai ngày sau sô diễn, nhưng khốn nạn là hàng tháng sau chuồng ngựa vẫn dính đầy áp phích!” Bà ta cười khúc khích và lắc đầu. “Bố đúng là dễ bị dắt mũi!”
“Và rồi vài ngày sau tàu vào ga. Luôn luôn là lúc sáng sớm tinh mơ.”
“Bố thường cho chúng tôi xuống đường ray xem người ta dỡ đồ. Chao ôi, toàn những thứ đáng xem. Sau đó là đến màn diễu hành! Và mùi đậu phộng nướng nữa chứ…”
“Và bim bim hiệu Cracker Jack!”
“Cả kẹo táo, rồi kem, và nước chanh!”
“Và cả mùn cưa nữa! Chúng sẽ chui vào mũi các bà!”
“Tôi thường mang nước đến cho lũ voi,” McGuinty nói.
Tôi đánh rơi cả nĩa rồi ngước nhìn. Trông hắn đầy vẻ tự mãn, chỉ chờ các bà các cô lên tiếng tán dương mình.
“Ông không hề làm thế,” tôi nói.
Một khắc im lặng.
“Ông nói gì cơ?” hắn hỏi lại.
“Ông không hề mang nước tới cho lũ voi.”
“Có chứ, chắc chắn là tôi đã làm.”
“Không hề.”
“Ông cho tôi là một kẻ nói dối ư?” hắn nói thật chậm.
“Nếu ông nói ông đã mang nước cho lũ voi thì đúng là tôi nghĩ thế đấy.”
Đám phụ nữ há hốc mồm nhìn tôi. Tim tôi đập thình thịch. Tôi biết mình không nên làm thế, nhưng không hiểu sao tôi không thể kiềm chế bản thân.
“Sao ông dám!” McGuinty chống hai bàn tay đầy u cục xuống cạnh bàn. Từng sợi gân nổi lên trên cẳng tay hắn.
“Nghe đây ông bạn,” tôi nói. “Hàng thập kỷ qua tôi đã nghe những lão già quái gở như ông nói về việc mang nước cho lũ voi và bây giờ tôi xin thưa với ông rằng, điều đó không bao giờ xảy ra.”
“Lão già quái gở? Lão già quái gở sao?” McGuinty đẩy người đứng thẳng lên khiến chiếc xe lăn trượt về phía sau. Hắn chỉ ngón tay xương xẩu vào tôi rồi đổ rầm xuống như thể vừa bị hạ gục. Hắn mất dạng dưới cạnh bàn, mắt trợn ngược, mồm vẫn há hốc.
“Y tá! Ôi, y tá!” các bà già gào thét.
Từ xa vọng lại tiếng lép nhép quen thuộc của chiếc giày đế cao su, và vài phút sau hai y tá đã xốc người lão McGuinty dậy. Hắn càu nhàu, cố gắng một cách yếu ớt đẩy các y tá ra.
Y tá thứ ba, một cô nàng da đen to béo trong bộ cánh màu hồng nhạt, đang đứng chống nạnh ở cuối bàn. “Chuyện quái quỷ gì đang diễn ra vậy?” cô ta hỏi.
“Lão già K-H-Ố-N N-Ạ-N này gọi tôi là một kẻ dối trá, vậy đó,” McGuinty nói khi đã an toàn trở về xe đẩy. Hắn phủi phẳng áo, hất cái cằm lún phún hoa râm lên và khoanh tay trước ngực. “Và là một lão già quái gở.”
“Ồ, tôi chắc ý của ông Jankowski không phải vậy đâu,” cô nàng áo hồng nói.
“Ý tôi là vậy đó,” tôi nói. “Và ông ta đúng là người như thế. Xììììì. Ông đã từng mang nước đến cho lũ voi thật sao? Ông có biết một con voi uống hết ngần nào nước không?”
“Chà, tôi chưa từng biết,” Norma lắc đầu bĩu môi nói. “Chắc là tôi cũng chẳng biết ông đang mắc cái chứng gì nữa, ông Jankowski ạ.”
Ồ, tôi hiểu, tôi hiểu rồi. Hóa ra là như vậy.
“Đó là một sự xúc phạm!” McGuinty nói, hơi ngả người về phía Norma khi nhận ra mình được đa số ủng hộ. “Tôi không thấy có lý do gì mà phải nhẫn nhịn khi bị gọi là một kẻ dối trá cả!”
“Và là một lão già quái gở nữa,” tôi nhắc hắn.
“Ông Jankowski!” cô nàng da đen lên giọng. Cô ta đi ra phía sau tôi và nới phanh trên chiếc xe lăn. “Tôi nghĩ có lẽ ông nên về phòng nghỉ một lúc. Cho tới khi bình tĩnh lại.”
“Chờ một chút đã!” Tôi hét lên khi cô ta quay xe của tôi khỏi bàn và đi về phía cửa. “Tôi không cần phải bình tĩnh. Vả lại, tôi chưa ăn mà!”
“Tôi sẽ mang bữa tối của ông vào sau,” cô ta nói từ phía sau.
“Tôi không muốn ăn trong phòng! Đưa tôi về chỗ cũ! Cô không thể đối xử với tôi như thế!”
Nhưng có vẻ như cô ta có thể. Cô ta đẩy xe xuống sảnh với tốc độ chớp nhoáng rồi đột ngột rẽ ngoặt vào phòng tôi. Cô ta nhấn phanh mạnh đến mức làm toàn bộ chiếc xe rung bật lên.
“Tôi sẽ trở lại ngay,” tôi nói khi cô y tá nâng chỗ để chân lên.
“Ông sẽ không làm như thế,” cô ta nói và đặt bàn chân tôi xuống sàn.
“Thật không công bằng!” tôi rít lên than vãn. “Tôi đã ngồi suốt ở cái bàn đó, trong khi hắn ta ở đây mới có hai tuần. Tại sao tất cả đều về phe hắn?”
“Không ai về phe ai cả.” Cô ta ngả về phía trước, luồn vai xuống dưới vai tôi. Khi cô ta nâng tôi lên, đầu tôi dựa vào đầu cô. Mái tóc cô được ép thẳng và đượm hương hoa. Khi cô ta đặt tôi ngồi lên mép giường, mắt tôi ngang tầm với phần ngực áo màu hồng nhạt. Và bảng tên của cô.
“Rosemary,” tôi lên tiếng.
“Vâng, ông Jankowski?” cô ta đáp.
“Hắn đang nói dối, cô biết mà.”
“Tôi không biết những việc đó. Và cả ông cũng vậy.”
“Vậy mà tôi lại biết đấy. Tôi đã từng ở trong đoàn.”
Cô chớp mắt, vẻ bực tức. “Ý ông là gì?”
Tôi lưỡng lự rồi sau đó đổi ý. “Bỏ qua đi,” tôi đáp.
“Ông đã làm việc trong gánh xiếc à?”
“Tôi nói là bỏ qua đi mà.”
Một sự im lặng đến nghẹt thở.
“Ông biết đấy, ông McGuinty có lẽ đã bị tổn thương nghiêm trọng,” cô nói khi cẩn thận xếp lại chân tôi. Cô ta làm rất nhanh gọn, hiệu quả nhưng thường dừng lại đột ngột.
“Không đâu. Bọn luật sư trơ lắm.”
Cô ta chằm chằm nhìn tôi một lúc lâu, thực sự nhìn tôi như nhìn một con người. Trong một thoáng tôi nghĩ mình đã cảm thấy một kẽ nứt. Rồi cô ta đột ngột trở lại làm việc. “Cuối tuần này gia đình sẽ đưa ông tới rạp xiếc chứ?”
“Ồ vâng,” tôi nói với vẻ khá tự hào. “Cứ Chủ nhật là lại có người tới thăm. Đều đặn như một cái máy vậy.”
Cô ta giũ một tấm chăn ra và trải nó lên chân tôi. “Ông có muốn tôi đi lấy bữa tối cho ông không?”
“Không,” tôi đáp.
Lại một khắc im lặng đầy căng thẳng. Tôi nhận ra mình nên nói thêm “cám ơn,” nhưng giờ thì quá muộn rồi.
“Được rồi,” cô ta nói. “Một lát nữa tôi sẽ quay lại xem ông có cần thêm gì không.”
Phải. Hẳn nhiên cô ta sẽ làm thế. Đó là thứ người ta luôn nói.
NHƯNG KHỈ THẬT, CÔ TA LẠI ĐẾN.
“Giờ thì đừng kể với ai cả,” cô ta nói khi lao vội vào phòng và đẩy chiếc bàn ăn kiêm bàn trang điểm lên lòng tôi. Cô ta đặt xuống một tấm khăn giấy, nĩa nhựa và một bát hoa quả trông rất ngon miệng, nào dâu tây, nào dưa, nào táo. “Tôi chuẩn bị mấy thứ này để ăn trong giờ nghỉ. Tôi đang ăn kiêng mà. Ông có thích hoa quả không, ông Jankowski?”
Tôi sẽ trả lời nếu tay tôi không đang che miệng và run rẩy. Táo, ôi Chúa ơi.
Cô ta vỗ về bàn tay kia của tôi rồi rời khỏi phòng, kín đáo lờ đi những giọt nước mắt của tôi đang lăn dài trên má.
Tôi đút gọn một miếng táo vào mồm, thưởng thức thứ nước thơm ngọt ấy. Ngọn đèn huỳnh quang kêu rì rì trên đầu, phả một thứ ánh sáng gay gắt lên những ngón tay khẳng khiu đang chộp lấy những miếng hoa quả trong bát. Những ngón tay đó trông thật xa lạ. Chắc chắn chúng không thể là của tôi.
Tuổi tác là một tên trộm đáng sợ. Ngay khi bạn bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống thì tuổi tác đánh gục đôi chân bạn từ phía dưới và ấn lưng bạn còng xuống. Nó làm bạn đau đớn, mụ mị đầu óc và âm thầm truyền căn bệnh ung thư khắp cơ thể người bạn đời của bạn.
Di căn rồi, bác sĩ nói. Chỉ là chuyện vài tuần hay vài tháng thôi. Nhưng người vợ yêu quý của tôi lại mỏng manh như một chú chim. Bà ấy đã ra đi sau đó chín ngày. Sau sáu mươi mốt năm chung sống, bà ấy chỉ nắm chặt tay tôi rồi trút hơi thở cuối cùng.
Dù có những lúc tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để lại có được bà ấy, tôi vẫn mừng vì bà ấy đã đi trước. Mất bà ấy khiến tôi cảm thấy như bị chặt đôi người. Đó là khoảnh khắc với tôi tất cả đều kết thúc, và tôi không bao giờ muốn bà ấy phải trải qua điều đó. Thật quá sức tồi tệ khi là kẻ sống sót.
Tôi thường nghĩ mình muốn già đi hơn là phải chết, nhưng giờ thì tôi không chắc nữa. Đôi khi sự nhàm chán của trò bingo, hát đồng ca và những kẻ già cỗi khô khan ngồi xe lăn khắp hành lang khiến tôi muốn chết quách đi. Đặc biệt là khi tôi nhớ ra mình là một trong những kẻ già cỗi khô khan ấy, lưu cữu như một thứ đồ trang sức rẻ tiền.
Nhưng chẳng thể làm gì để thay đổi điều đó. Tất cả những gì tôi có thể làm là dành thì giờ để chờ đợi những điều không thể tránh khỏi, quan sát những bóng ma quá khứ khuấy đảo hiện tại trống rỗng của mình. Chúng cứ tự nhiên mà đập phá và khuấy đảo, chủ yếu là vì không có đối thủ. Tôi đã thôi không đối đầu với chúng nữa.
Giờ chúng đang đập phá và khuấy đảo lung tung trong đó.
Cứ tự nhiên nhé, các chàng trai. Ở lại chút đã. Ồ, xin lỗi - rõ ràng là các cậu vẫn đang ở đây mà.
Những bóng ma khốn kiếp.
Nước Cho Voi Nước Cho Voi - Sara Gruen Nước Cho Voi