A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ốn xế lô vốn cả lo, và cái lo cứ đến nhộn nhịp. Từ khi Chính phủ về, anh như người sắp chết ngạt dưới đống rác được lôi lên.
Người như Bốn xế lô ra ở thành phố bấy giờ nhiều. Không là tề ngụy sợ Việt Minh bắt cũng là du kích vành đai bỏ nhiệm vụ chạy dài. Nhưng không ai muốn hỏi. Còn vợ Bốn thì úp mở: “Nhà tôi ấy à, nhà tôi...”.
Người ta đoán Bốn không phải dân hội tề. Tính Bốn vui và xởi lởi. Bốn hiểu biết thời sự, hay kể chuyện ngày ở hậu phương... Khi giải phóng, cán bộ đến tổ chức sinh hoạt cho ngõ bãi rác, ai cũng nói chỉ có anh Bốn biết việc kháng chiến.
Thật là Bốn biết việc. Bốn hô hào làm trụ sở, lập văn công “nhảy sạp” - hai cô con gái bác cả Chù cũng nhảy sạp. Có mít tinh toàn thành, bao giờ cũng đi “triệt để” cả xóm. Với mọi người, những công việc mới đã nhanh chóng quen.
Ở cửa hàng sách báo, các hiệu bách hóa, các hàng ăn thấy đặt trên mặt kính tủ hàng một quyển sổ buộc sẵn mẩu bút chì, trên bìa ghi dòng chữ nắn nót như kẻ:
Tích cực xóa nạn mù chữ. Nếu bạn biết ai chưa biết chữ, xin bạn vui lòng ghi tên, tuổi và địa chỉ người ấy vào quyển sổ này.
Bốn xế lô đã đi báo tối nay có họp xóm. Nhưng chưa yên tâm. Từ tờ mờ sáng, ai ra qua ngõ, Bốn cũng dặn với:
– Tối nay mở lớp học đấy.
Trong ngõ ra, đi hàng sớm nhất bà bán bún bánh đúc riêu. Còn tối đất, đã nghe tiếng chân rậm rịch, tất tả. Không ai cha truyền con nối nghề riêu cua riêu thịt mà sao bà bún bánh đúc riêu này cứ nền nếp như đã hàng đời gồng gánh. Một bên bún bánh, một bên bếp nồi niêu. Đôi quang mây tám giẻ đen bóng. Chiếc đòn cong. Cái thúng đại có cửa đặt hỏa lò lửa đỏ ngọn. Trong sương mờ, như bó đuốc chạy.
Vừa rảo chân, bà bún riêu vừa quay lại trả lời tổ trưởng: “Chốc nữa về thôi mà”.
Lát sau, lão Ba Tê “ô lê bánh tây” đủng đỉnh ra. Lão quảy đôi hòm gỗ vuông cao ngang ngực. Lão thường khoe kín đáo rằng trước lão là tề “hai mang”, bị Tây dọa giết, phải chạy lên đây. Nhưng, chẳng biết kiếm tin ở đâu, bà con biết lão là tề chính cống. Ta diệt tề ác, lão trốn. Trông cái mặt lão lầm lì như hòn cuội, cũng đoán được tung tích.
Lão Ba Tê quay lại. Lão không hỏi anh Bốn xế lô, nhưng lão trừng mắt rồi gật gật, tỏ vẻ biết rồi. Lão còn có tên là ông “cái gì cũng biết”. Chuyện hóc hách, chuyện dấm dớ nhặt được ở hàng nước, ở người ăn đêm hàng lão.
Lão nhếch mép, cười nhạt: “Được rồi”. Chẳng biết được cái gì.
Hai cô con gái bác cả Chù quang gánh lên hồ Tây lấy đất thó mỡ gà. Áp Tết, chỉ nặn toàn lợn bỏ ống mà mỗi hôm hết một gánh đất. Quanh nhà, phơi la liệt tượng mộc, tượng quét màu sặc sỡ, như hoa mào gà nở đỏ trên đống rác xám. Nghe anh Bốn bảo tối họp, hai cô “vâng ạ” rồi có lẽ nghĩ đến tối nay phải đi học mà bối rối, chị em đẩy lưng nhau, ngượng nghịu giơ đòn gánh chạy.
Lếch thếch ra chậm, thường chỉ còn có bác bán thớt. Cứ cuối năm lại thấy bác ta ở đâu mò đến. Nhưng hôm nay, lại đi sớm. Bác đi chợ Bưởi, chợ xa. Bác này đủ ngón xoay. Chẳng biết học đâu được cách làm giả thớt gỗ nghiến. Đấy là khúc gỗ nhội khuân về, đem cưa ra, rồi giã nâu nhuộm, rồi ngâm bùn, rồi vớt lên mài nến bóng lộn cả hai mặt. Trong Tết, quảy thớt đi chợ Hôm, chợ Đuổi. Chẳng biết bán được mấy cái. Ngoài giêng vẫn còn lõng thõng sáng sáng quẩy đi.
My Lan đi qua.
Bốn xế lô hỏi:
– Đã nhắn hộ trong ấy cả chưa?
My Lan vùng vằng:
– Cứ dặn như trẻ con không bằng! Anh đi mà bảo. Tôi còn đương vội đây.
Bốn cười:
– Cái cô này mới đồng bóng!
Anh xích lô với cô gái làng chơi xưa nay thường cứ vừa nhủng nhẳng, vừa xót nhau người cùng cảnh ngộ.
Đã muộn, Bốn phải đi làm cho được buổi. Bốn lấy tấm ván bắc qua rãnh, đẩy cái xích lô ra ngoài.
Nhưng vẫn chưa hẳn yên tâm. Bốn để xe đấy, lại đi nhanh vào ngõ trong.
Những cánh cửa, cánh liếp - cũng có nhà đi vắng cứ để trống hốc, chỉ chặn hòn gạch làm phép. Nghe tiếng đùa rúc rích, những đứa trẻ, không biết bị nhốt hay chúi nấp nghịch ngợm ở xó nào.
Bốn xế lô vào tận trong cùng ngõ. Có nhà còn người. Hai vợ chồng anh này trước kia chỉ đi bán máu cho nhà thương lính Võ Tánh để sống. Họ đương ngồi nhổ tóc sâu ngoài sân. Cái mặt nhợt to bằng cái lệnh, như muốn chảy nước ra.
Bốn xế lô nói với qua bờ rào:
– Tối đi họp nhé.
– Cô My Lan bảo lúc nãy rồi.
Bác cả Chù hí hoáy xếp lên tường dãy rùa mộc để phơi nắng trên bờ đất. Con nào khô rồi thì tay nặn lại đổi sang tay vẽ, quệt vôi xanh vôi đỏ lên. Mỗi con rùa được làm đỏm, cho ngậm chiếc lông gà nhuộm phẩm, giả cành hoa hồng.
– Tối nay ra trụ sở, bác ạ.
Bác cả ngước mắt kính:
– Cô My Lan bảo tối hôm qua rồi.
Bốn làu bàu:
– Khỉ cái nhà cô này, tưởng chưa bảo ai!
Bốn châm điếu thuốc lá cuốn rồi ra phóc lên xe. Chỉ một bàn chân đạp, cái xe đi kênh hẳn lên. Đã qua mấy gốc cây vông ra tận đường cái lớn, còn vương lại mùi thuốc lá sợi Cẩm Thủy - tưởng như một sợi thơm giữa làn nắng ủ hơi rác ẩm nặng nề.
o O o
Mấy năm ấy, Hà Nội như cái nhọt bọc vừa vỡ mủ, mới lên da. Bao nhiêu công việc phải làm để rửa ráy cho sạch sẽ cái nhà, mặt đường, con người. Trường Chu Văn An, nhà máy gạch, nhà máy diêm, nhà Tiền, nhà thờ Liễu Giai, những nơi Tây lấy làm chuồng ngựa, trại lính, nhà chứa xe, giam người và tra tấn người.
Những lối đi quanh Bờ Hồ lại được đánh luống trồng hoa.
My Lan đi tìm việc. Việc thành nghề chưa có, nhưng những việc cho sống được hàng ngày. Trên khu đương tuyển hàng mấy trăm người xuống ganh cát dưới bờ sông.
My Lan đi quảy cát. Có lúc chép miệng, ngần ngại. Nhưng rồi lại quả quyết. Đã ghê rợn quá cái đời dựa dẫm, ngửa tay. Dù ngày mai ra sao, cũng không sống thế được nữa.
Chiếc đòn gánh thít xuống vai, đau mấy hôm. Nhưng rồi quen. Đầu tiên, My Lan sợ vất vả, sĩ diện, lo nhà thầu hiếp đáp. Nhưng đấy là lo sẵn thế thôi. Khi ra đến bãi, chỉ thấy nghìn nghịt người làm, tấp nập người làm. Thế là, tự nhiên, My Lan trở lại chịu khó lam làm như thuở bé còn chăn trâu cắt cỏ trong làng.
Nhưng bộ mồi của My Lan còn lạ lờ với thúng gánh. Áo ni lông xanh cánh chả trong áo sợi Hồng Kông giả len. Cái đầu chon chỏn kiểu Ep–phi–en, đã chít quặt chiếc khăn vuông tím thế mà sóng tóc vẫn lòi tròn từng “búc” ra như mèo quào. Đám trai trẻ gánh đuổi theo, réo: “Chủ tịch nông trường! Chủ tịch nông trường ơi!1 Khoan khoan cho tôi theo với!”
Đôi dép lốp My Lan mới mua. My Lan biết chọn đôi dép lốp bánh máy bay, vừa phải, quai nhỏ mặt ngoài, vừa bóng mà đi không bị thôi ra chân. My Lan có một đôi dép lốp, như mọi người, như bộ đội. Mấy đôi giày dép gót đinh, gót bè, góc cục kiểu cách đã quẳng lổm ngổm trong gậm chõng - như những con cóc ngồi. Dép lốp đi quảy cát, thãnh mãnh cái chân, ăn với công việc, rảo bước như chạy được.
Trên sông Hồng, những ngày hanh hao, gió cuốn đỏ ngầu lên tận hai bên đê, không trông rõ đâu những khoanh tre xanh Bãi Giữa, đâu bãi cát, dòng nước và cầu Long Biên chỉ còn mờ mờ những chỏm nhịp nhấp nhô trên gió cát.
Chiều tầm đã kẻng từ nãy. Người lên lĩnh công dần dần về hết, bỏ lại đằng sau cái lạnh xám ngắt trong hơi cát đỏ đục lẫn bóng tối từ lòng nước dâng lên, tràn vào các phố trên bờ sông.
My Lan trở về, vào ngồi ghé đầu ghế án bát cơm úp ngoài hàng trông ra hồ Thiên Cuông, rồi đi lùi lũi vào bóng tối những rãnh rác.
Ở bãi rác, trên cao, một giàn sao đuổi nhau xuống tận chân trời phía ngã tư Vọng. Những cành vông phờ phạc nghe vướng đầu khăn. My Lan thoáng thấy trong xa có tiếng nói cười, tiếng gọi nhau lao xao.
Một vừng trăng non vểnh cái tai trâu vàng chóe ngay trên đầu.
My Lan nghĩ bụng: “Có lẽ người ta học thật”. Từ nãy, có lúc ước đừng học vội. Lúc hăng hái, lúc ngại.
Ở trụ sở, người đông ra tận lối đi, ngồi kín đến bên kia gốc vông. Tin mở lớp học, cả người ngoài phố cũng mò vào xem sao.
Các cán bộ đến, ăn mặc từa tựa nhau. Áo quần ka ki đại cán. Có anh áo bông khâu múi trám, kiểu áo bông Liên Xô. Có chị mặc áo vét nữ cứu thương màu xám cổ chun - áo chiến lợi phẩm nhặt ở mặt trận. Dường như không ai để ý ai quần áo thế nào.
My Lan thoáng thấy cái anh gặp đêm giao thừa ở cửa đền Ngọc Sơn. Ơ hay, đúng người ấy. Thế mà hôm ấy cứ tưởng anh ta là “người trong này”. Cứ kể, hơi ngờ ngợ, một chút. Thế mà thật. Anh ấy cũng nghiêm nghị như các cán bộ khác. Áo đại cán ka ki xám, khuy đóng kín cổ. Không khác được, đúng anh ả. My Lan chợt ngượng. Chị Thư nói thiêng nhỉ? Nhưng My Lan lại cười mình khéo vẩn vơ.
Rồi My Lan lại muốn về. Chẳng học thì đừng. Cả ngày gồng gánh mỏi nhừ, bây giờ chỉ muốn ngủ. Nhưng, ngồi lẫn với đám đông ở phía ngoài, nán lại xem sao. My Lan ngồi, buộc lại cái khăn vuông.
Người im phắc, chăm chú. Lúc ấy đã xong những mục gì, không rõ. Đến lượt một chị, tóc tết hai bím thõng xuống, bước ra. My Lan nghĩ: “Giá mình được học riêng chị này. Đàn bà bảo nhau thì đỡ ngượng”. Nghĩ thế, ý muốn đi học trở lại trong My Lan.
Một anh bênh chiếc đàn ghi ta lên, doãng bàn tay vuốt dây, vỗ vào tang đàn. Thế là tất cả cùng cất tiếng hát theo hiệu tay chị cán bộ. Lúc ấy, trông ai cũng nét mặt vui, khác vẻ nghiêm nghị vừa nãy. Qua miền Tây Bắc, rồi Chiến thắng Điện Biên, rồi Vì nhân dân quên mình, rồi Nhị Lạng Sơn...
Tiếng đàn, tiếng hát cao thấp. Bài Nhị Lang Sơn kể chuyện Hồng quân Trung Hoa vào Tây Tạng, bài hát Qua miền Tây Bắc các chiến sĩ bộ đội đi giải phóng miền Tây. Chập chùng đỉnh núi Tây Bắc, Việt Bắc... Qua miền Tây Bắc, Núi cách ngàn trùng xa... Suối sâu, đèo cao... Những bài hát trầm hùng, tưởng mình đương với đoàn người vừa đi vừa hát từ những rừng núi, ở nơi cát bụi xa xôi đến.
Mọi người vỗ tay.
Một người nói:
– Giới thiệu đồng chí Trử có ý kiến về lớp học.
Anh ấy đứng ra trước mọi người.
– Theo kinh nghiệm các phố khác, phố ta sẽ chia làm nhiều lớp. Một lớp chưa biết chữ. Một lớp đã đọc viết được. Có phải thế không ạ?
– Phải đấy.
Một người kề quyển sổ ra dưới ánh đèn.
– Bây giờ đến mục ghi tên, chia lớp. Lớp chưa biết chữ ghi trước. Ai chưa biết chữ thì lên đây nào.
Ông Ba Gác lên. Rồi đến Gái. Rồi nhà bác cả Chù. Bác cả Chù và hai cô con gái. Cứ thấy nhà ấy rì rầm kinh kệ ngày đêm như có bồ sách trong bụng mà hóa cũng không biết được một chữ cắn đôi. Rồi bà lang, ông cụ móc cống. Hơn hai mươi đứa trẻ con nữa. Cả chú bé da đen mà bà lang vẫn chỉ nhận là con nuôi.
Đến lượt những người đã đọc viết được một tý, giờ đi học thêm. Anh Bốn xế lô đứng đầu sổ. Anh đọc báo đọc thư được mà chưa qua lớp học nào. Chỉ học mót mà ăn mày được chữ.
Lão Ba Tê ngồi như bụt mọc, rồi nhăn nhó, phân trần:
– Tôi sắp đi Văn Điển rồi, học hành làm gì.
Ông Ba Gác trỏ vào ông Ba Tê, nói thẳng:
– Lừng khừng thế kia, mang tiếng cả xóm.
Ông Ba Tê lu loa lên:
– Tôi có đi ăn cắp đâu mà đứa nào mang tiếng. Ai đội mũ lệch người ấy xấu, cứ vỗ ngực, ông cho cứ vỗ ngực đi...
– Liệu hồn, đừng có to mồm. Rồi người ta bới cái đống cứt...
– Bới thế nào nào...
– Câm cái họng. Chưa ai sờ đến miếng ba tê nhà ông xem nó có phải thịt chuột không đấy. Bây giờ không xằng bậy được như thời trước đâu nhé.
Lão Ba Tê sấn lên, người ngồi quanh, xúm lại, kéo cả hai người xuống.
Cuộc ghi tên lại tiếp tục. Rồi, lão Ba Tê ra ngồi tít ngoài gốc vông. Không về, cũng không vào ghi tên.
Một anh, hỏi nhỏ My Lan:
– Tôi ghi tên có được không?
My Lan đáp thông thạo:
– Được.
– Nhưng nhà tôi ở ngoài phố.
– Được mà.
Người ấy lại hỏi lại, cho cẩn thận: “Cứ vào ghi sẵn, được chứ nhỉ”. Không biết chính My Lan cũng đương băn khoăn chưa dám vào.
Đã gần mười giờ. Bên kia hồ, chuyến tàu Nam lên, kéo hồi còi sầm sập. Bóng tối, phút chốc rộn ràng rồi lại lắng đi.
Cuộc họp ghi tên học vừa xong. Khuya thế mà một đám còn lại vỗ tay nhảy sạp. Rồi có người kêu rét quá. Thế là cả bọn vội ghếch những đôi sào nứa sơn vằn xanh lên xà trụ sở, cung cúc chạy về.
Ánh đèn măng sông lúc nãy bị hấp hơi đông người, bây giờ sáng trắng ra. Anh Bốn, ông Ba Gác và mấy cán bộ đương châu đầu lại, bàn việc ngày đầu tiên mở lớp.
Một người bước vào.
– Cô My Lan bây giờ mới về à?
Trử quay ra, ngạc nhiên nhận ra.
– Ô, cô... My Lan!
My Lan đến trước bàn:
– Cho em học với.
Trử mừng rỡ:
– Cô học lớp nào?
My Lan ấp úng:
– Em học...
My Lan không nói được hết câu, My Lan không biết nói thế nào cho hết câu. My Lan khóc nức lên.
Bốn xế lô ngơ ngác, buột miệng:
– Cảnh sát nó tôm cô à?
Biết lỡ lời, vội chữa:
– À... gì... gì... không khóc thế, cô My Lan!
Chị cán bộ bắt nhịp hát lúc nãy cầm tay My Lan:
– Chị ơi, chị học lớp nào?
– Em... em... chưa biết chữ...
Mọi người ngỡ ngàng. Thì ra cô khóc vì tủi chưa biết chữ. Biết thế, nhưng ai cũng làm vẻ bình thản. Có người quay mặt đi. Cô gái bóng bẩy thế mà mù chữ.
Trử khe khẽ:
– Cô yên tâm.
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố