Số lần đọc/download: 1043 / 29
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Chương 3
B
uổi chiều Tường có giờ dạy ở Quốc học nên trong xưởng vẽ chỉ còn Ngô và Ngữ. Tường vừa lấy vespa đi xong, Ngô đã nói với bạn:
- Nó đã đi hơi xa rồi đó. Ai nó cũng mỉa mai được. Khi hôm không có tao chắc hai cha con lại gây sự với nhau.
- Chuyện gì nữa?
- Vẫn bấy nhiêu chuyện ấy. Nó tính tiền một bao Craven A và qui xem một gia đình ở gầm cầu Gia hội mua được bao nhiêu gạo.
Ngữ cười:
- Sao nó cứ lấy đơn vị là những gia đình ở gầm cầu Gia hội? Về điểm này, nó ít có sáng kiến. Vả lại, mày có bao giờ quan sát nếp sống của những gia đình ấy chưa?
- Chưa! có gì lạ đâu!
- Lạ lắm chứ! Lũ nhóc không quần áo vì suốt ngày bơi lội bì bõm dưới sông. Ðầu khét nắng, mũi thò lò, bụng ỏng, lâu lâu có cơ hội thì ăn cắp vặt. Những điều ấy mày tưởng tượng ra được vì thông thường. Nhưng mày có thể không chú ý đến lối nhìn đời của người lớn. Thản nhiên lắm. Các bà bỏ mặc đám con cái lăn lóc dơ dáy, xúm nhau lại đánh tứ sắc trên chiếc chiếu rách, ngay bên cạnh đống rác hôi hám. Các ông thì nằm ngay trên xe cyclo gác dưới gốc cây, mắt đỏ kè vì đang nhậu. Một tay cầm cái cổ gà, một tay cầm xị rượu đế. Giá thằng Tường có đem tiền dành mua Craven A xuống tặng họ, có lẽ họ không đi mua gạo như ước mong của nó đâu. Hoặc người mẹ sẽ nướng thêm vào sòng tứ sắc, hoặc người cha có thêm chút ít để mua thêm cái cổ gà mút mút nhậu cho hết xị rượu còn lại.
Ngô cười đưa nhận xét:
- Mày chưa khỏi được cái bệnh hoài nghi. Nếu họ ăn xổi ở thì như vậy, thì lỗi không do họ. Họ không còn gì để toan tính lo xa cả. Vì vậy, họ chỉ cần chuyện trước mắt.
- Tao cũng đồng ý như vậy. Nhưng tại sao lại cứ nêu trường hợp những gia đình sống dưới gầm cầu như những kẻ sẽ nắm vận mệnh tổ quốc trong tương lai? Lúc nãy tao nói như vậy có gì quá đáng không?
Ngô đáp:
- Không đâu. Nhiều lúc tao cũng muốn nói như mày. Nhưng Ngữ ạ, phải rán hiểu nó. Tường nó đang ở trong một cơn khủng hoảng trầm trọng, gần như khó tìm được lối thoát. Nó gây sự với mọi người, khinh rẻ mọi người. Trong lúc đó, nó chưa tìm được cái gì thật đáng tin để bám vào. Chúng mình lớn lên trước một sự đã rồi. Tụi mình còn quá bé để được cha mẹ hỏi ý kiến vào những năm kháng chiến giành độc lập. Tường nó khó chịu tại sao thầy mẹ nó đã có tinh thần yêu nước đủ để tham gia võ trang tuyên truyền ở khắp miền chiêm trũng, về sau lại đào ngũ dinh tê về thành. Về thành rồi sao không hoạt động nội tuyến để chống thực dân lại còn làm giàu mau chóng nhờ các cuộc đấu thầu xây lô cốt, trại lính, kho đạn. Năm 1954 Tường đã khá lớn; mười ba mười bốn rồi còn gì nữa, sao thầy mẹ không hỏi ý kiến con trước khi đem cả gia đình di cư vào Nam. Đại khái nó đã lập luận như vậy để cuối cũng thấy sự giàu có hiện đang hưởng thật đáng thẹn. Nó biết muốn mở một cửa hiệu buôn máy thu thanh máy hát phải có nhiều vốn, và cái vốn đó không phải là của nhà tích lũy lâu đời. Rắc rối do đó mà ra cả.
Ngữ nói:
- Mỗi thế hệ chịu trách nhiệm về những ngây thơ hoặc lầm lạc của mình. Trách móc, đổ thừa qua lại chẳng có ích gì. Nếu hối tiếc cho lớp cha ông mình lỡ làng, thì ai cũng có, hoặc nhiều hoặc ít. Chẳng hạn như tao với ba tao ít khi thỏa thuận được với nhau về rất nhiều điều quan trọng. Một hôm ba tao cao hứng kể chuyện thanh niên miền Bắc nam tiến lúc Pháp thay chân quân Anh tái chiếm Nam bộ. Ba tao say sưa kể các cuộc chiến đấu hồi đó ở Vạn giả, Ninh hòa, và cứ lấy làm tiếc là vì tổ chức còn kém và thiếu vũ khí nên chống cự chưa bao lâu đã phải tan rã. Ba tao mất liên lạc, lang thang đói khát một thời gian, về sau gặp má tao ở phố Ninh hòa rồi gửi rể ở đó luôn. Ba tao coi chỉ có ngày tháng sôi động đó là đáng kể trong đời. Những chuỗi ngày còn lại, từ lấy vợ, sinh con, đi dạy học, trôi nổi theo vận nước đều chỉ là thừa thãi, những ngày lêu bêu trôi giạt. Tao bạo gan đặt câu hỏi: “Nếu ba không mất liên lạc, thì bây giờ sẽ thế nào?” Mắt ba tao sáng lên. Ông cụ nói: “Không mất liên lạc hả? Không mất liên lạc thì… “. Ông cụ khựng lại, không nói được hết câu. Rồi ông cụ trách tao sớm nhiễm cái tinh thần hoài nghi của kẻ chủ bại.
Ngô nói:
- Hèn gì thầy hợp với thằng Tường. Tao cứ thấy nó đến thăm thầy hoài. Có lẽ nó lấy cớ đi tìm mày, nhưng thật ra là đến tìm thầy.
Ông Văn từng dạy cả Ngô, Ngữ lẫn Tường, nên mỗi lần nhắc đến ba Ngữ, Ngô vẫn dùng cách xưng hô kính cẩn ấy.
Ngữ gật gù rồi nói:
- Phải. Nó hợp với ba tao hơn với tao.
Ngô hỏi:
- Một tháng nay sau khi ông Diệm chết, thiên hạ xôn xao mơ ước vận hội mới, thầy có nói gì với mày không?
Ngữ cười buồn, trầm ngâm một lúc, mới đáp:
- Khi nào tâm sự với con cái cũng khó khăn hơn với học trò. Ba tao nói mỗi lần giảng bài nhìn xuống lớp bắt gặp đôi mắt tao nhìn lên, ông mất ngay hứng khởi. Tao cũng vậy. Tao vẫn thích học người khác hơn học ba tao.
Ngô thấy chuyện hay hay, hỏi:
- Ừ nhỉ, tại sao vậy? Anh em trong nhà cũng vậy. Tao có thể tâm sự chân thành tự nhiên với Nam, với Quế, nhưng với con Diễm em tao thì chịu. Sao thế nhỉ?
Ngữ vừa suy nghĩ vừa cố giải thích:
- Vì những người thân ruột thịt quá hiểu nhau, đến nổi khỏi cần dùng tới lời nói. Một cái nhìn, một tiếng ho, một cái liếc mắt, đủ rồi. Sự thông cảm gần như trầm lặng ấy không thu nạp được những lối nói quanh co, những môi miếng giả dối, những điệu bộ phường tuồng hay lời hay ý đẹp. Những xảo thuật ấy chỉ xài được với người lạ. Đối với người thân, nó trở thành vô ích. Cho nên nhiều lúc mình trải qua kinh nghiệm này: Giả sử hai anh em, tao với con Nam đang ngồi với nhau. Bạn con Nam đến chơi. Tự nhiên tao ba hoa, tao cố tỏ ra văn chương thơ mộng, tao làm điệu làm bộ như một thứ triết nhân hiểu đời. Tao trầm ngâm, tao đăm chiêu. Lúc đó tao say mê với vai trò của mình quá nên không thấy gì bất thường. Cho đến khi bạn con Nam về rồi, chỉ còn hai anh em với nhau, em gái tao chợt nhìn tao, cười. Tao đỏ mặt muốn độn thổ ngay lúc ấy. Quan hệ cật ruột luôn luôn có những nỗi cấn-cái phiền phức như vậy.
Ngô đưa nhận xét:
- Được. May cứ giữ cái thói quen sắc mắc mổ xẻ thái độ cử chỉ của người khác, chân thành mổ xẻ chính mày. Nghề văn cần như vậy. Giữ được lòng chân thực, và dám đi đến tận cuối những gì thiên hạ chỉ dám nói một nửa, hình như Dostoievsky đã nói như vậy. Lâu nay mày viết được gì không?
- Cứ viết rồi xé mãi.
- Sao thế?
- Chắc mày vẽ tranh cũng phải trải qua tâm trạng như tao. Từ lúc có ý muốn viết cho đến lúc viết xong, tao trải qua nhiều cảm giác phức tạp và mâu thuẫn quá. Ban đâu là một cái ý ngộ ngộ. Mình thấy có thể viết một cái truyện ngắn đây. Dĩ nhiên ở trình độ sơ cấp của mình hiện nay, truyện phải có truyện, nghĩa là phải có nhân vật, có cảnh ngộ éo le, có thắt nút mở nút. Ðể diễn tả cái ý hay hay ấy phải nhờ đến chàng hoặc nàng, hoặc cả hai. Ðược. Nhờ cả hai cho đủ đôi vì độc giả thích cái gì vui vui trọn vẹn. Mình chiều ý độc giả vậy. Dựng hẳn nhân vật theo tưởng tượng là chuyện phiền phúc và dễ gặp tai nạn. Chẳng hạn đầu truyện cho nàng có cái nốt ruồi dưới cằm, cuối truyện nốt ruồi lên trán. Hoặc đầu truyện chàng nung núc những mỡ mà đến giữa truyện chăng cởi áo giơ đủ mấy cặp xương sườn. Cho nên phải đưa vào một mẫu có thực trong đám thân nhân bạn bè, rồi phiên phiến thay đổi thêm thắt cho hợp nhu cầu. Nhiều lần mày với thằng Tường đã bị tao “xài xể” theo kiểu đó. Mày yên tâm. Tao cho mày đẹp trai hơn cái vốn của mày nhiều lắm, lại được các cô đua nhau chết mê chết mệt vì tranh mày quá đẹp, quá siêu.
Ngô nóng ruột bảo:
- Mày không đùa đấy chứ! Viết xong chưa, phải đưa tao xem trước.
Ngữ cười vì chọc quê được bạn, nói tiếp:
- Tao chỉ mới dự định thế thôi chứ đã viết ra đâu. Tao chỉ lấy ví dụ. Vì phải dựa vào người thật việc thật, nên nhân vật truyện và cuộc đời cứ co cưỡng nhau mãi. Bên nào cũng đòi thắng thế”. Nhân vật truyện cong cớn nói: “Vì là truyện nên được như vậy”. Nhân vật đời thì bảo: “Nói láo, đời làm gì có chuyện ấy”. Kết quả ra sao tùy nội lực của người viết. Thường thường tao không hiểu hết những gì tao viết ra, vì lúc viết, tao bị lôi cuốn. Tao bất lực trước đà truyện và đòi hỏi tự do của nhân vật. Lúc đó óc tao không có gì rõ ràng. Tay tao viết một câu, đầu óc tao liền nghĩ ra câu nữa, rồi câu nữa. Viết câu này thì câu tiếp chưa hiện thành lời. Chỉ khi nào chấm câu dừng lại, thì ý mới hiện rõ lên, và tay lại viết. Cho nên đọc lại sau khi viết, thường thường mình bàng hoàng kinh ngạc: “Những thú này của mình viết ra đấy sao?” Đôi khi vừa viết xong đọc lại, tao thấy dở tệ. Phần nhiều trường hợp đọc lại cả truyện thấy âm điệu du dương, đối thoại mạch lạc, tình tiết ly kỳ, chàng tung nàng hứng, hay quá đi mất. Bèn cẩn thận trang trọng xếp vào phong bì, đặt tên, ghi lúc và mới viết. Vài hôm sau nao nức giở ra đọc lại lần nữa để chép bản khác gửi đăng báo, thì than ôi, thấy dở thậm tệ. Văn viết trúc trắc, đối thoại lẩm cẩm, đầu Ngô mình Sở, tình tiết quá cải lương, kết cuộc gượng gạo. Mình nhìn quanh, sợ có người đến bắt gặp đòi đọc thì nguy! Phải xé đi! Xé liền! Thế là giỏ rác thêm một mớ giấy vụn chi chít chữ. Lâu nay tao đã trải qua cơn vật vã mang nặng đẻ đau như vậy đấy. Mày có lẩm cẩm thế không?
° ° °
Mỗi lần bạn bè đến chơi, Ngô thích tiếp khách ở “xưởng vẽ” của mình hơn là ngồi ở chỗ cái bàn nước sát cửa ra vào. Lý do chính là chuyện thể diện. Trong ba gia đình, gia đình Ngô chật vật hơn cả. Khỏi cần nhắc lại nếp sống phong lưu giàu sang của gia đình Thanh Tuyến.
Bên phía gia đình Ngữ, ông Văn đi dạy học tuy lương ít những nếp nhà cần kiệm đã quen, khách khứa ít, nên không phải trải qua những thăng trầm lớn lao. Họ không dư nhiều cũng như không thiếu nhiều. Có dư chút đỉnh, họ nhường cho nhau ưu tiên may thêm bộ quần áo, hoặc để đành mua thêm bộ sách. Thường thường họ chỉ thiếu. Cho nên bà Văn mới mở thêm một quán sách nhỏ ngay phòng trước. Con đường trước nhà ông bà Văn không đến nỗi vắng vẻ. Hai đầu đường lại có hai trường trung học tư thục, nhất là trường nữ tư thục do các sơ dòng Mai Khôi quản trị lại càng có nhiều học sinh con nhà khá giả hơn. Trước giờ học, vào giờ ra chơi hoặc tan học, lũ con trai cứ tụ tập ngay trước cửa nhà để đón nhìn, ngắm, hoặc bạo hơn là ghẹo bâng quơ các cô nữ sinh. Bà Văn mở quán sách càng giúp cho họ thêm lý do chính đáng. Để đỡ nóng ruột, bọn con trai vào xem báo, mua sách, hoặc bỏ vài đồng bạc lẻ mua lấy những thứ rẻ tiền như cái ngòi viết, cục phấn, miếng giấy thấm. Nhiều cô cậu còn mượn quán sách làm nơi hẹn hò hoặc làm “hộp thư”. Đáng lẽ một địa điểm thuận lợi như vậy phải đem lợi tức cho bà Văn khá lắm. Nhưng số thu vào hằng ngày chỉ đủ bù tiền chợ! Một phần những người quyết tâm mua sách không xuống tận đây vì trái đường, một phần vì cách chọn sách của ông Van có phần thiếu thực tế. Ông chỉ cho phép vợ bán những thứ sách gì ông xếp vào loại tốt. Một lần thấy có nhiều cô cậu hỏi sách tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của Phi Long như“Con tàu máu”, “Bàn tay đẫm máu”, “Cánh buồm ma”, bà Văn ham lời lên phố mua về một ít cho thuê. Ông Văn biết được bảo đem đốt đi. Ông nói:
- Mình quên là các con nó cũng xem hay sao. Không chọn sách, có khác nào mua thuốc độc về cho tui thằng Ngữ, con Nam, con Quế, thằng Lãng chúng nó uống.
Bà Văn không dám cãi lời chồng. Cho nên việc buôn bán chỉ cầm chừng ở mức độ vài tờ giấy thấm, vài cái ngòi bút, viên phấn, cuốn vở. Lâu lâu mới có ông khách già lơ ngơ vào hiệu xem qua, rồi vớ được những cuốn sách ám khói đầy bụi do ông Văn đích thân chọn mua, mừng quá vội rút ví trả tiền, như sợ bà chủ đổi ý. Bà Văn thường đem những mẩu chuyện vui ấy kể lại cho chồng nghe. Ông Văn mừng như đã gặp được ban tri âm. Nếu ông khách quý đó còn trở lại lần nữa, thế nào bà Văn cũng hỏi thăm địa chỉ, quí danh, và từ đó về sau, mặc sức ông bà chủ hiệu tốn nước trà để khách quí huyên thiên về đủ thứ quan điểm nhân sinh cổ kim.
Ngô thường đến chơi nhà Ngữ nên vẫn mơ ước có được nếp sống mẫu mực ấy. Gia đình Ngô không được may mắn như gia đình Ngữ. Ông Bỗng ba Ngô hồi nhỏ cũng được cha mẹ cho ăn học, nhưng có lẽ vì ham chơi nên không đi tới đâu. Ðến lúc cần có một nghề mưu sinh, lại ngại các nghề chân tay vất vả. Lêu bêu mãi đến gần ba mươi tuổi mới xin được chân kiểm vé ở ga Vinh. Ngô ít nghe cha mẹ đem cuộc hôn nhân của họ ra khoe với con cái như một kỷ niệm đẹp đáng hãnh diện, như đã nghe ông bà Thanh Tuyến khoe tối hôm trước. Lâu lâu, Ngô được nghe thầy Văn cha của Ngữ tế nhị nhắc lại một kỷ niệm cũ, và bà Văn đỏ mặt vì sung sướng. Học trò, con cái có tra vặn “điển tích” tình ái ấy, hai ông bà nhất định không nói gì. Ngô thấy sự kín đáo ấy vừa thơ mộng vừa cổ điển, quí giá như một chiếc lọ cổ đặt trong tủ khảm xa cừ. Ba mạ Ngô không có gì để khoe, mà cũng không có gì đáng giá để giấu. Các con chỉ biết lờ mờ rằng ba gặp mạ trên xe lửa, và họ quen nhau, cảm nhau, sau nay về sống với nhau nhờ đã cộng tác với nhau mua bán trên đường sắt. Hồi đó, ông Bỗng đã được đề bạt lên làm trưởng tàu trên chuyến tàu chợ Vinh – Huế. Ông giữ chức chef train ấy cho đến ngày nay, và có lẽ còn giữ được cho đến nay cái thói ăn nói buông tuồng, giao tiếp dễ dãi với các chị con buôn trên tàu lửa. Có thể vì vậy mà mạ không bao giờ hỏi đến chuyện làm ăn của ba. Mỗi lần đi làm về, ông Bỗng mang theo khi vài chục trái su, khi trái bí, khi nửa bao cát gạo, khi vài xâu cá biển. So với hình ảnh ông Thanh Tuyến lái xe Toyota trắng, một tay mang đồng hồ vàng gác trên cửa xe một tay ôm hờ cái vô-lăng bọc nhung, so với thầy Văn ăn mặc chững chạc xách cặp da bước lên bục giảng văn chương kim cổ, Ngô thấy thẹn thùng khi nghĩ đến ông Bỗng đội cái mũ két đã cũ quần áo nhớp nhúa tay ôm bao cát gạo tay xách xâu cá thất thểu lê bước từ thềm ga về nhà. Ngô còn biết những thức đó không phải ba bỏ tiền ra mua. Việc gì phải bỏ tiền, khi trên tàu có khối chị con buôn đi lậu vé.
Một lần Ngô rủ Ngữ vào Ðà nẵng chơi. Ngô cố dò hỏi trước để khỏi đi chung chuyến với ba. Hai cậu mua vé đàng hoàng, lên toa hạng ba ngồi, yên chí. Không ngờ có thay đổi nhân sự vào phút chót, ông Bỗng lại làm trưởng tàu chuyến ấy. Ngô và Ngữ đang nhìn ra cửa xem cảnh bãi biển Lăng Cô, thì có tiếng van xin và tiếng đập xô thúng mủng sau lưng. Chính ông Bỗng. Chưa bao giờ Ngô thấy cha hung tợn tàn ác đến thế. Chàng xấu hổ cúi gầm mặt không dám nhìn Ngữ suốt đoạn đường còn lại. Chàng hiểu cái giá của những bữa cơm đạm bạc của gia đình. Từ đó về sau, mỗi lần gắp một miếng bí nấu canh, vẽ một miếng cá kho, hoặc cắn một trái chuối Ngô biết rõ xuất xứ, chàng thường nghẹn một lúc mới nuốt được. Tình cảm của chàng đối với cha tuy thế khống đơn giản chút nào. Khi thì chàng ác cảm với cha. Ðôi lúc, chàng thấy thương cha. Nếu hành khách lẫn các chị buôn hàng chuyến có nhìn cha với đôi mắt khi dễ, căm hờn, chẳng qua chỉ vì cha chàng muốn cho lũ con khỏi thèm khát một trái chuối, một tán đường. Cha là cái vành bánh xe chịu lăn giữa bùn cho các con ngồi sạch trên nệm. Từ lúc nghĩ như vậy, Ngô nể cha hơn. Tuy thế chàng vẫn ngại lúc các bạn đến nhà gặp ông Bỗng đang mang xách các thứ chiến lợi phẩm lỉnh kỉnh ấy về.
Buổi trưa, Diễm qua gọi Ngô về ăn cơm, chàng vội hỏi em gái:
- Ba đã về chưa?
Diễm cúi đầu chào Ngữ rồi đáp:
- Ba ngủ chưa dậy.
Ngô bối rối chưa biết phải xử trí thế nào. Nếu ông Bỗng ngủ ngày thì cái đi-văng cạnh bàn ăn không ai được ngồi lên cả. Nhà lại đông. Cho nên mâm com phải dời qua cái giường còn lại. Cảnh kẻ ngồi người đứng chan húp xì xụp chỉ có thể chấp nhận giữa người nhà với nhau.
Có nên mời Ngữ ở lại dùng cơm trưa không? Ngô đang chưa biết tính sao thì Diễm đã nói:
- Anh mời anh Ngữ ở lại luôn. Để em mang thức ăn sang cho.
Ngô mừng quá reo lên:
- Phải đấy. Chịu khó anh thưởng cho.
Diễm bĩu môi, hỏi lại:
- Thưởng cái gì nào?
- Hôm nào có hứng anh vẽ cho bức tranh.
-Thèm vào! Anh cứ vẽ cái cổ dài ngoằn, cái thân ốm tong teo, đến kỳ.
Ngữ cười nói:
- Nhà phê bình chính xác thật. Mày phải liệu mà điều chỉnh quan điểm đi. Cổ dài, thân ốm, nền mờ, tình bâng khuâng, sợ hết ăn khách rồi đó.
Ngô bắt đầu đổ quạu:
-Tao có bán cho ai đâu mà cần ăn khách.
Ngữ nói liền:
- Ngay mày vẽ để biếu không, các cô còn chê.
Diễm quay sang bênh vực anh:
- Em nói đùa thế, chứ có bao giờ anh Ngô thèm vẽ cho em. Hôm qua, em nghe anh nằn nì xin vẽ cho con Quỳnh Như, có không?
Ngô đỏ mặt không trả lời được, chỉ càu nhàu:
- Mày chỉ lắm chuyện.
Biết tính anh hay cộc khi bối rối, nên Diễm không dám đùa thêm nữa. Diễm nói:
- Ðể em về mang đồ ăn sang.
Ngô dặn với:
- Nhớ mang cả chai nước lọc nữa.
Diễm đi rồi. Ngữ mới bảo bạn:
- Ý kiến của Diễm không phải hời hợt đâu. Tao thành thực hỏi mày: Đến lúc nào mày mới hết níu gấu áo ông Modigliani?
Ngô bậm môi không đáp. Ngữ không chịu bỏ lỡ cơ hội thành thực tranh luận với bạn, nên nói thêm:
- Tao không đồng ý lối lập luận của thằng Tường. Mày thấy đấy, tao đã châm biếm cái tính nóng nảy đòi ăn ghém hội họa văn chương của nó. Lối giải thích màu sắc, âm thanh, vần điệu một cách terre- à-terre như nó, tao không chịu được. Nhưng mày cũng nên nhớ rằng nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi lấy sức mạnh từ thực tại. Mày muốn nói hộ cho anh chàng họa sĩ gốc Ý lang thang ở Ba lê hay sao? Ở đây không có chuyện gì để vẽ ư?
Ngô hỏi cộc lốc:
- Mày chê tao mô phỏng Modigliani à?
Ngữ không do dự đáp:
- Phải.
- Nếu mày chưa hề xem tranh Modigliani in trong sách hội họa, thì xem tranh tao, mày có nghĩ thế không?
- Dĩ nhiên là không. Nhưng tao sẽ vẫn thấy thế nào!
- Thế nào là thế nào?
- Là cái gì không quen thuộc, cái gì khơi khơi như chưa bao giờ chạm chân vào mặt đất Huế. Tao lấy ví dụ tiểu thuyết để dễ nói hơn.Nếu kể về lai lịch, tuổi tác, dòng giống, địa vị, ngôn ngữ, tôn giáo… thì tụi mình xa lạ với những Natasha Rostov, André Bolkonski, Pierre Bezoukhov biết mấy. Nhưng tại sao đọc Guerre et Paix, ta thấy thân thuộc với họ còn hơn với cả các nhân vật của Lê Văn Trương... Chính điều ấy mới đáng quan tâm.
Ngô buồn rầu hỏi:
- Mày khuyên tao nên vẽ các cô gái tươi vui, khỏe mạnh? Nền tranh có mặt trời mọc? Hoặc cảnh nhà máy khói phun mù trời? Có phải thế không?
- Không phải thế.
- Vậy mày muốn gì? Tao chẳng hiểu gì ráo!
- Tao muốn thấy mầy là mầy, chứ không phải cái bóng của bất cứ ai.
Ngô trầm ngâm buồn rầu một lúc, rồi thú thực:
- Tao chưa hiểu rõ tao là ai, tao muốn gì. Khi tao thấy mình giống người này, khi tao thấy mình giống kẻ khác. Nhiều lúc tao ước được đậm nét như thằng Tường. Thế mà khỏe.
Có bóng Diễm lấp ló ở cửa “xưởng vẽ”. Ngô ngạc nhiên hỏi lớn:
- Cái gì thế?
Tiếng Diễm hơi e dè, như lo âu điều gì:
- Em vào được không?
Ngô chưa hết bực, gắt với em:
- Tự nhiên nổi chứng khách sáo thế.
Diễm mang vào hai ổ bánh mì gói trong tờ báo cũ và một hộp cá nhỏ. Ngô ngơ ngẩn chưa hiểu. Chàng nhìn em gái, thấy đôi mắt Diễm đỏ hoe như vừa khóc. Không muốn cho bạn biết chuyện gia đình, Ngô đến gần hỏi em:
- Có chuyện gì vậy?
Diễm liếc nhìn Ngữ. Ngô bảo bạn:
- Mày đói chưa? Mở giùm hộp cá trước đi.
Diễm nói nhỏ cho anh nghe thôi:
- Ba dậy rồi.
Ngô bảo em:
- Ra ngoài này anh hỏi.
Hai anh em dẫn nhau ra đứng dưới gốc cây nhãn.
Diễm thút thít kể:
- Em vừa sớt đồ ăn sang cho anh thì ba dậy…
Ngô đoán biết đoạn sau, cắt lời em:
- Phiền nhỉ. Em lấy tiền đâu mua bánh mì thế?
- Em mua chịu của bác Tín trước ga. Ba mạ đang cãi nhau bên đó.
- Chuyện gì nữa?
- Chuyện gửi tiền cho anh Ngọc.
- Ba lãnh lương chưa?
- Mạ lên ga hỏi mới biết ba mượn trước từ hồi nào rồi. Anh Ngọc lại xin đủ tiền để mua bộ dao mổ thực tập. Em chẳng biết anh ấy nghĩ sao mà xin học y khoa. Bảy năm, lâu quá. Ba mạ kham đâu có nổi. Chắc từ nay về sau còn nhiều vụ to tiếng với nhau thêm nữa.
Ngô đau nhói cả lòng, hiểu trong lời nói của em gái lời trách móc kín đáo dành cho chàng. Phải. Ngô là trưởng nam. Nếu anh có ý thức trách nhiệm hơn, Ngô phải tìm một công việc rõ ràng nào đó để có đồng lương kha khá và ổn định. Đằng này, chàng lại chọn mỹ thuật, và suốt ngày đốt hết điếu thuốc này đến điếu khác tìm kiếm một mầu sắc, một đường nét cho riêng mình. Chàng phải cố sắm bộ mặt cau có sẵn sàng gây sự mới tránh được những lời mỉa mai trách móc của ba mạ và các em. Vẽ vời mà làm gì, trong khi cơm không đủ bữa! Nói đến hội họa trở thành một điều mỉa mai đối với Ngô, trừ các bạn thân. Nhưng các bạn thân đã nói gì về nỗi thao thức tìm kiếm của chàng? Tường chê ẩm mốc ho hen! Ngữ chê bắt chước Modi! Ngô bậm môi lại để dằn xúc động. Diễm lo ngại, sợ anh nổi cộc, nên hỏi lảng:
- Em mua từng ấy, đủ không?
Ngữ chờ lâu quá chưa thấy Ngô vào, bước ra khỏi xưởng tìm kiếm. Chàng thấy Diễm bối rối gạt vội một ngấn nước mắt, rồi cố lấy giọng vui vẻ hỏi:
- Anh Ngữ đói rồi phải không? Em biết thế nên mua bánh mì ăn tạm với cá hộp, vì tụi em chờ ba dậy, lâu quá.
Ngữ nhìn vẻ bối rối của hai anh em, nhìn khuôn mặt dàu dàu của Ngô và đôi mắt ươn ướt của Diễm, đủ biết họ có điều buồn muốn giấu mình. Ngữ cũng vui vẻ hỏi:
- Diễm chưa để dành phần cho mình à?
Diễm đáp:
- Khi hôm em ăn tiệc sinh nhật Quỳnh Như, đến giờ còn thấy anh ách. Anh Ngữ không đến thật uổng. Tụi em chờ anh mãi.
Ngữ nhớ chuyện thách đố, liền hỏi:
- Hay Diễm để bụng ăn bún bò của tụi con Nam nhà anh?
Diễm chợt nhớ, reo lên:
- Phải đấy. Anh nhắc em mới nhớ. Chốc nữa anh có về cho em gửi thư hỏi chị Nam bao giờ thì dẫn tụi em đi trả nợ.
Ngữ thầm thương và phục cô em gái của bạn. Diễm xin phép về bên nhà. Ngữ định hỏi thật Ngô chuyện gia đình, khi hai người cầm bánh mì lên ăn với cá hộp. Nhưng thấy nét mặt Ngô vẫn đăm đăm, Ngữ ngại
Hai người im lặng gặm bánh mì, từ lâu không ai nói với ai một lời nào. Ngô cẩu thả để nguyên bàn tay dính sơn dầu mầu xanh lá cây cầm ổ bánh mì. Ngữ cẩn thận hơn, dùng một mảnh giấy báo cuốn tròn lại. Hơi ẩm qua tay chàng. Ngữ thú vị tưởng hơi ấm ấy không phải do ổ bánh mì còn nóng, mà do hơi nóng bàn tay của Diễm. Hình ảnh đôi mắt Diễm đỏ hoe, và nụ cười gượng vui khiến Ngữ lan man xúc động thật lâu. Chàng vốn mẫn cảm trước những ngấn lệ trên gương mặt đàn bà. Ðôi khi chàng dửng dưng trước những cảnh bi thảm như một tai nạn xe cộ gặp ngoài phố, cảnh những chiếc trực thăng chở về tiểu khu những đống xác chết, cảnh những ngôi mộ tập thể. Chàng có người bạn thân trốn nguy hiểm bằng cách xin về liệm xác tại trung đội chung sự trung đoàn. Những hộc đựng xác trong phòng lạnh, những dãy quan tài bọc kẽm chờ giao, những tiếng khóc rên ở bệnh viện dã chiến, máu mủ bệnh hoạn, nghĩa là tất cả những hình ảnh từng gây khủng khiếp bi thương cho người khác, đối với Ngữ lại chẳng nhằm nhò gì. Chàng không đủ xúc động để thử viết một cái truyện thời thượng về chiến tranh. Nhưng chàng lại bàng hoàng trăn trở nhiều đêm khi trông thấy giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má nhăn nheo của một người mẹ, hoặc tiếng khóc ỉ ôi của một đứa bé gái đội khăn tang đi lạc trước nhà xác.
Quen tính lặng lẽ phân tích xúc cảm của mình, nhiều lần Ngữ tự đặt câu hỏi vì sao. Chàng không tìm được lời đáp nào thỏa đáng. Có lẽ chàng vốn yếu đuối trước sự khổ đau của kẻ yếu. Có thể do lòng bất nhẫn. Tự nhiên chàng thấy thương xót Diễm, và chàng nghẹn ở cổ họng không nuốt trôi được miếng bánh mì nhai dở. Ngô vội hỏi:
- Mày uống nước không? Con Diễm lại quên mang sang chai nước lọc rồi.
Ngữ xua tay bảo:
- Không cần. Hình như cái ấm nấu nước pha cà phê còn đấy.
Ngô đến rót cho bạn nửa cốc nước nguội, rồi để xua tan sự im lặng nặng nề, Ngô hỏi:
- Mày khuyên tao nên làm gì?
Câu hỏi đột nhiên khiến Ngữ chưa hiểu bạn muốn gì. Chàng nhớ đến đôi mắt đỏ hoe của Diễm, liền nói:
- Mày cũng nên làm cái gì đó, như vẽ bảng hiệu, như mở lớp dạy vẽ truyền thần, để giúp thêm bác trai một tay.
Ngô bị chạm đến chỗ tế nhị nhất, nên ngửng phắt đầu lên, giọng sừng sộ:
- Mày nói cái gì thế?
Ngữ biết mình lỡ lời, vội nói:
- Chứ mày định hỏi tao cái gì?
- Mày trách tao mô phỏng Modi. Dù rất buồn, tao cũng phải thành thực nhận rằng lời chê bai của mày đúng. Tao chưa hiểu được tao, chưa biết mình là ai nên chưa tìm được cái nét riêng. Phải làm gì bây giờ?
Ngữ không biết phải nói điều gì. Chính chàng cũng chưa tìm được bản ngã của mình. Chàng loay hoay tìm đủ tài liệu, thử đủ thứ kỹ thuật, khi bắt chước Chekhov, khi bắt chước Hemingway, khi thử đi sâu vào thế giới tiềm thức như Buzatti, nhưng thử hoài vẫn thấy gượng gạo, vướng víu. Suy nghĩ một lúc Ngữ e dè nói:
- Mày thử đi đến tận cùng cái mày cho là “đã lắm”. Như cái mầu ngọc bích lơ lửng mày khoe lúc nãy.
Giọng Ngô bực tức:
- Nhưng thằng Tường vừa chê là ẩm mốc tiêu cực xong.
- Mày sợ người khác chê à? Đã “đã lắm” thì còn kể gì lời khen chê.
Ngô gật gù tỏ vẻ đồng ý, nhưng không nói gì. Một lúc sau, chàng mới nói:
- Cái khổ là nhiều lúc bị cơm áo ám ảnh, tao lại thấy cái mầu ấy hết “đã”. Phù phiếm vô cùng. Tao đã nhiều lần lấy sơn trắng quệt be bét lên cái nền ngọc bích ấy rồi. Giá tao được như thằng Tường…
Ngữ cười cướp lời bạn:
- Còn thằng Tường thì nói giá được như mày…
Ngô giận dữ nói lớn:
- Nó làm bộ làm tịch, như bọn con gái nhà giàu ưa vào hội từ thiện để chủ nhật lái xe hơi đi làm việc nghĩa. Đáng lý mày phải viết một cái truyện ngắn thật chua chát để móc lò bọn đạo đức giả đó. Mày sợ nó giận không bao uống cà phê hút thuốc Capstan thơm nữa ư? Thì hãy viết chuyện ông hoàng nào đó chán bọn công chúa lá ngọc cành vàng lặn lội đi tìm cho được con Tấm mồ côi.
Ly nước trên tay Ngô run run, Ngữ ái ngại nhìn đôi mắt đỏ ngầu của bạn, do dự một lúc mới nói:
- Mày biết rồi. Không thể viết hoặc vẽ được cái gì nên thân giữa cơn giận dữ.
Ngô nói lớn hơn, giọng lắp bắp:
- Mày lại học đòi làm chứng nhân bình tĩnh sáng suốt kiểu Camus. Tao chán cái trò giả dối lừa người lừa mình của Đại học Huế mấy năm nay rồi. Xin cho tôi yên, xin quí vị công tử dòng dõi hoàng tộc và con nhà trâm anh thế phiệt nhung nhúc khắp các hành lang của cái khách sạn Morin đó. Xin cho tôi yên.
Ngữ biết không nên nói thêm gì nữa. Ngô dịu dần cơn giận, bắt đầu thấy mình giận bạn vô cớ, nhưng chàng không muốn xin lỗi Ngữ. Chàng nhìn bức tranh vẽ dở của mình, và lại thấy mầu ngọc bích lơ lửng trở nên ấm áp quen thuộc.