Trong mỗi khó khăn, thất bại, và cả những nỗi khổ tâm đều chứa đựng mầm mống của thành quả tốt đẹp hoặc hơn thế nữa.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Maurice Leblanc
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Đoàn Doãn
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 245 / 21
Cập nhật: 2019-11-12 00:07:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 - Chuỗi Hạt Ngọc Của Bà Hoàng
ỗi năm vài ba lần, vào dịp long trọng như những buổi khiêu vũ do Đại sứ quán Áo tổ chức hay những bữa tiệc ở các gia đình quyền quý, bá tước phu nhân De Dreux Soubise mới mang chuỗi hạt ngọc trên đôi vai trắng trẻo của mình.
Đây là chuỗi hạt lịch sử do hai nhà kim hoàn của hoàng gia làm và Hồng y giáo chủ Soubise đã tặng bà Marie Andermatt, hoàng hậu nước Pháp. Qua tay một số nhà quyền quý, họ đã tách nhiều viên ngọc có giá trị bán khắp bốn phương, chỉ còn khung chạm của chuỗi hạt là nguyên gốc. Bá tước De Dreux Soubise, người cháu và là thừa kế của Hồng y giáo chủ sau này mua lại được, giữ làm kỷ niệm về ông bác. Ông mua lại một số viên ngọc còn lại ở một hiệu kim hoàn Anh và bổ sung một số viên khác kém giá trị hơn nhưng cùng kích thước và phục chế lại chuỗi hạt ngọc tuyệt đẹp y như chuỗi hạt gốc.
Gần một thế kỷ nay họ De Dreux Soubise hãnh diện về chuỗi hạt. Có nhiều hoàn cảnh làm tài sản của họ sa sút đáng kể nhưng thà họ giảm bớt mức sống hàng ngày còn hơn bán đi kỷ vật vương giả đó. Đặc biệt bá tước giữ gìn nó rất cẩn mật. Ông thuê một cái hộp trong ngân hàng để cất giữ, chiều hôm bà vợ muốn trang sức thì ông đến lấy, hôm sau đem đến gửi như cũ.
Tối hôm đó, trong một buổi tiếp khách được tổ chức tôn vinh nhà vua, bá tước phu nhân thực sự thành công: bà được nhà vua khen sắc đẹp của bà, về những viên ngọc lấp lánh quanh chiếc cổ duyên dáng, về hàng nghìn mặt kim cương nhỏ lấp lánh bao màu sắc rực rỡ. Nhà vua cho rằng không có ai có thể mang vật trang sức nặng nề như vậy trên vai một cách nhẹ nhàng và quý phái như bà.
Bá tước De Dreux tận hưởng sâu sắc thắng lợi cả hai mặt, về người vợ cũng như về vật trang sức đã làm rạng rỡ gia đình ông bốn thế hệ nay. Bà vợ thì kiêu căng có phần trẻ con nhưng là một biểu hiện của tính tình bà. Họ tự khen ngợi mình khi về phòng riêng trong một lâu đài cổ.
Bà bỏ chuỗi hạt ngọc ở cổ ra không khỏi luyến tiếc và đưa cho ông chồng ngắm nghía như chưa bao giờ thấy, ông bá tước bỏ nó vào chiếc hộp bằng da đỏ để vũ khí của Hồng y và sang phòng bên cạnh, một khuê phòng biệt lập với lối ra vào duy nhất phía chân giường họ nằm. Như mọi lần, ông giấu kín trên tấm ván khá cao, để lẫn giữa những hộp đựng mũ và những xấp quần áo. Ông đóng cửa tủ và cởi quần áo ngoài đi nằm.
Buổi sáng ông dậy vào lúc chín giờ, có ý định đến ngân hàng trước bữa ăn, uống tách cà phê và xuống chuồng ngựa sai bảo gia nhân. Thấy một con ngựa không bình thường, ông cho nó phi trước mặt ông sau đó trở lại bên bà vợ.
Bà có người hầu giúp, đang bận quần áo, chưa ra khỏi phòng, hỏi ông: - Anh đi ấy à?
- Vâng... Về việc ấy...
- Đúng... nhưng cần cảnh giác.
Ông vào khuê phòng, sau mấy giây ngạc nhiên hỏi:
- Em yêu, em lấy nó rồi à?
- Sao? Em có lấy gì đâu? Bà hỏi lại.
- Em làm xáo trộn hết.
- Không... Thậm chí em cũng không mở cửa nữa.
Ông bước ra, người rũ rượi, giọng bập bẹ không rõ ràng:
"Em không...? Không, phải em à?... Nếu vậy..." Bà chạy vào. Họ cùng hốt hoảng tìm kiếm, quăng những hộp các tông xuống đất, lục tung những xấp quần áo. Bác tước nói:
- Vô ích... Lục lọi vô ích thôi... Chính anh để trên tấm ván, chỗ này.
- Anh có nhầm lẫn không?
- Chính chỗ này đây, trên tấm ván này, không phải nơi nào khác.
Căn phòng hơi tối, họ thắp đèn dọn dẹp lại áo quần, đồ đạc.
Cuối cùng họ phải thất vọng thừa nhận chuỗi ngọc quý, chuỗi hạt ngọc trang sức của bà Hoàng đã biến mất.
Bá tước phu nhân không để mất thì giờ than vãn, báo mời ngay ông Valorbe một cảnh sát trưởng mà họ đã có dịp tán thưởng đầu óc rất sáng suốt. Khi ông đến, họ kể mọi chi tiết, ông hỏi ngay:
- Thưa bá tước, có chắc chắn ban đêm không ai đi qua được phòng ngủ của ông không?
- Rất chắc chắn. Tôi tỉnh ngủ và cửa phòng vẫn khóa chặt. Sáng nay vợ tôi gọi người hầu đến tôi mới mở.
- Không có lối nào khác vào phòng?
- Không.
- Không có cửa sổ à?
- Có nhưng cửa sổ đóng.
- Tôi muốn ngó xem...
Ông Valorbe vào, nhận thấy cửa sổ chỉ đóng nửa chừng bằng một cái hòm không đến hẳn cánh cửa kính phía trên. Ông De Dreux nói:
- Chiếc hòm cao gần sát cánh cửa kính và nếu di dịch, nó sẽ gây tiếng động.
- Cửa sổ này trông ra chỗ nào?
- Ra chiếc sân con trong nhà.
- Trên sân còn một tầng nhà chứ?
- Hai, nhưng ngang tầng người hầu ở có ngăn một hàng rào sắt nên hơi thiếu ánh sáng. Tuy vậy, nếu dịch chiếc hòm ra thì cửa sổ vẫn đóng, người ở ngoài không vào được.
- Trường hợp ấy thì chốt cửa phòng này không mở. Cảnh sát trưỏng suy nghĩ một lát rồi ngoảnh lại hỏi bà bá tước:
- Quanh đây tối hôm qua có ai biết bà mang chuỗi hạt ngọc không?
- Có, tôi không giấu điều đó. Nhưng không ai biết chúng tôi để nó trong căn phòng này.
- Không ai biết à?
- Không... ít ra là...
- Đề nghị bà xác định cụ thể. Đó là điểm quan trọng nhất đấy.
Bà nói với chồng:- Em nghĩ đến Henriette...
- Henriette? Bà ấy cũng không biết cụ thể như mọi người khác.
- Anh chắc thế sao?
Ông Valorbe hỏi: - Bà ấy là người thế nào?
- Một người bạn ở trường dòng, mâu thuẫn với gia đình trong việc lấy chồng. Khi chồng chết, tôi nhận cho bà ở đây với đứa con trai, một phòng trong lâu đài này.
Bà bá tước nói thêm, có phần ngượng ngùng:
- Bà ấy giúp tôi một số việc, khéo tay lắm.
- Bà ấy ở tầng nào?
- Cùng tầng, không xa lắm... ở đầu hành lang này. Cửa sổ bếp chỗ bà ta...
- Mở ra sân này phải không?
- Vâng, ngay trước mặt cửa sổ phòng chúng tôi.
Im lặng một lúc rồi ông Valorbe đề nghị đưa tới gặp bà Henriette. Họ thấy bà ta đang may vá, đứa con trai khoảng sáu, bảy tuổi ngồi đọc sách bên cạnh.
Hơi ngạc nhiên về chỗ ở tồi tàn chỉ là một căn phòng không có lò sưởi, trong góc là bếp, cảnh sát trưởng hỏi bà về vụ trộm. Bà có vẻ choáng váng khi nghe tin đó. Chính bà đêm qua trang điểm cho bà bá tước, đeo chuỗi hạt ngọc vào cổ cho bà bá tước. Bà kêu lên: - Trời ơi! Ai dám nghĩ đến điều ấy!
- Bà có ý kiến gì không, không nghi ngờ gì à? Có thể kẻ phạm tội đã đi qua phòng bà...
Bà cười, không nghĩ người ta có thể nghi mình chút nào:
- Nhưng tôi không rời căn phòng. Tôi có bao giờ ra ngoài đâu! Và ông thấy không?- Bà mở cửa sổ ở góc buồng - Cách bờ cửa sổ trước mặt có đến ba mét!
- Ai bảo bà chúng tôi giả thuyết vụ trộm tiến hành theo đường ấy?
- Thế... chuỗi hạt ngọc không để trong buồng.
- Sao bà biết?
- Ấy! Tôi biết ban đêm bao giờ họ cũng để ở đấy... Họ nói như thế trước mặt tôi...
Gương mặt bà còn trẻ nhưng nỗi buồn phiền đã huỷ hoại một phần tuy vẫn biểu hiện sự hiền dịu và chịu đựng. Mặc nhiên trong sự im lặng bà bỗng có cảm giác lo lắng như có một nguy cơ nào đó. Bà kéo đứa con lại gần mình. Đứa bé cầm tay hôn bà âu yếm.
Ra ngoài ông De Dreux nói với cảnh sát trưởng:
- Tôi chắc ông không nghi bà ta chứ? Tôi bảo đảm bà là hiện thân của liêm khiết đấy.
- Ồ, tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Quá lắm tôi chỉ nghĩ có sự tòng phạm vô ý thức nhưng tôi thấy, giả thuyết này cũng phải gạt bỏ vì không giải quyết được vấn đề chúng ta đang vấp phải. Cảnh sát trưởng không điều tra thêm nữa. Những ngày sau ông dự thẩm tiếp tục gạn hỏi những người hầu, xem lại chốt cửa, thử đóng mở cửa sổ, nghiên cứu sân từ trên xuống dưới... Tất cả đều vô ích. Chốt cửa vẫn nguyên vẹn, cửa sổ không thể đóng mở từ phía ngoài.
Người ta điều tra đặc biệt về bà Henriette vì dù sao cũng phải trở lại khía cạnh nầy. Truy xét tỉ mỉ đời tư, cơ quan pháp luật xác nhận từ ba năm nay bà chỉ ra ngoài bốn lần và đều có lý do rõ ràng. Thực tế bà làm hầu phòng, may vá cho bà bá tước, bà này cũng nghiêm khắc nên mọi người đều tin ở Henriette.
Sau một tuần lễ nghiên cứu và đi đến kết luận như ông cảnh sát trưởng, dự thẩm nỏi:
- Dù có biết được thủ phạm, chúng ta cũng không rõ bằng cách nào hắn lấy trộm được vì hắn trở ngại: cửa lớn và cửa sổ đều đóng kín. Thật bí hiểm! Làm thế nào vào được và khó hơn là khi ra, làm sao mà cửa lớn vẫn cài chốt và cửa sổ vẫn đóng?
Qua bốn tháng tìm tòi, ông dự thẩm nghĩ vợ chồng De Dreux cần tiền nên đã bán chuỗi hạt ngọc đi. Và ông xếp việc đó lại.
Việc mất trộm vật trang sức quý ảnh hưởng nhiều đến gia đình De Dreux. Quỹ tín dụng không có nguồn tài sản lớn như thế bảo đảm nên những người cho vay khắt khe hơn, công việc kém thuận lợi. Họ phải bớt người làm, cầm bán đồ đạc. Nếu không thừa kế được gia sản lớn của những người bà con thì họ bị phá sản.
Ông bà De Dreux mất đi di vật kiêu hãnh cũng như mất đi một phần tính chất quý tộc. Bà bá tước rất không bằng lòng người bạn cùng trường của mình, giận dữ và kết tội bà kia không úp mở. Lúc đầu họ chuyển mẹ con Henriette xuống ở cùng những người hầu, sau đó đuổi đi. Cuộc sống của họ trôi qua không có gì đáng kể. Có một việc đáng nêu lên trong thời gian ấy: Sau khi bà Henriette đi khỏi nhà mấy tháng, bà bá tước nhận được một bức thư của bà ấy làm bà rất ngạc nhiên:
"Thưa bà,
Tôi không biết nói thế nào để cám ơn bà vì chắc hẳn bà đã gửi cho tôi. Không ai biết địa chỉ của tôi trong làng nhỏ này. Nếu tôi nhầm thì mong bà thứ lỗi cho và xin bà nhận lòng biết ơn của tôi về lòng tốt của bà trước đây đối với tôi..."
Bà này muốn nói gì đây? Trước đây hay hiện nay bà bá tước vốn có nhiều điều bất công đối với bà. Những lời cám ơn này có ý nghĩa gì?
Được đề nghị giải thích nhiều lần, bà ấy trả lời có nhận được theo đường bưu điện một thư chuyển tiền hai nghìn phrăng. Phong bì đóng dấu bưu điện Paris, ghi địa chỉ của bà với nét chữ cải dạng. Hai nghìn phrăng này ở đâu ra, ai gửi? Người ta không biết lần theo đường nào để tìm cho rõ. Và mười hai tháng sau, sự việc lại diễn ra như thế. Rồi lần thứ ba, thứ tư, trong sáu năm liền; chỉ khác là năm thứ năm, thứ sáu số tiền tăng lên gấp đôi, nó đã giúp bà Henriette đột nhiên ngã bệnh có tiền chạy chữa. Khi bưu điện kiểm tra một trong những lần gửi thì hai lá thư cuối gửi từ hai nơi, ký tên khác nhau và đều là địa chỉ giả. Sau sáu năm, bà Henriette mất, sự việc lại rơi vào bóng tối.
Sự kiện trên dân chúng đều biết và là một trong những việc gây thích thú trong dư luận. Thật lạ lùng, số phận chuỗi hạt ngọc làm đảo lộn cả nước Pháp vào cuối thế kỷ thứ XVIII sau một trăm hai mươi năm lại gây nên những hồi hộp đến thế.
Điều tôi kể rõ sau đây không ai biết trừ những người có trách nhiệm và một số ít người mà bá tước đề nghị tuyệt đối giữ bí mật. Ngày một ngày hai chắc rồi họ sẽ chẳng giữ được lời hứa không lộ ra nên tôi mạnh dạn vén màn bí mật. Do đó người ta nắm được chìa khóa của điều bí mật, giải thích được lá thư báo đã đăng, lá thư kỳ lạ làm tấn bi kịch mờ tối này thêm khó hiểu.
Cách đây năm ngày, trong số khách mời dự tiệc ở nhà bá tước De Dreux Soubise có hai người cháu và cô em họ, ông chủ tịch thành phố, một nghị viên, hiệp sĩ Floriani, một bá tước quen ở Sicile, và một tướng quân hầu tước, người bạn cũ cùng Câu lạc bộ.
Sau bữa ăn, các bà dùng cà-phê; các ông hút thuốc nhưng không ai được rời phòng khách. Họ chuyện trò rôm rả. Một cô gái chơi bói bài. Rồi họ nói về những vụ án mạng lớn, là một dịp có người muốn trêu chọc bá tước, nhắc lại câu chuyện chuỗi hạt ngọc mà ông này vốn ngại không muốn trao đổi nhiều.
Mỗi người một ý kiến theo cách suy nghĩ của mình, những giả thuyết trái ngược nhau, không giả thuyết nào được chấp nhận. Bà bá tước hỏi hiệp sĩ Floriani:
- Còn ông, ông nghĩ thế nào?
- Ồ! Thưa bà, tôi không có ý kiến gì.
Người ta tiếp tục hỏi vì thực tế hiệp sĩ vừa kể rất hay về những cuộc phiêu lưu anh tham gia cùng ông bố, trưởng ban tư pháp một tỉnh. Anh có những nhận xét tinh vi, tỏ ra thích thú những cuộc phiêu lưu đó. Anh nói:
- Thú thực, tôi có thể thành công trong công việc mà những người giỏi nhất phải bỏ cuộc. Do vậy tôi được xem như một Sherlock Holmès... Nhưng tôi đã biết việc đó xảy ra như thế nào đâu!
Mọi người nhìn ông chủ nhà, vì ông buộc lòng phải tóm tắt sự việc. Hiệp sĩ lắng nghe, suy nghĩ, nêu một số câu hỏi rồi lẩm bẩm:
- Lạ thật, nghe qua thì hình như vấn đề không khó suy đoán đến thế.
Bá tước nhún vai nhưng những người khác đến vây quanh hiệp sĩ. Anh này nói, giọng có phần quyết đoán:
- Nói chung, để lần ra thủ phạm một vụ trộm hay án mạng, phải xác định vụ đó được thực hiện như thế nào. Theo tôi, trường hợp này không có gì đơn giản hơn vì chúng ta đứng trước không nhiều mà chỉ một giả thuyết chặt chẽ: tên trộm chỉ có thể vào bằng cửa phòng ngủ hoặc cửa sổ phòng trong. Ở ngoài thì không mở được cửa cài then, vậy hắn sẽ vào bằng cửa sổ.
Ông De Dreux tuyên bố: - Cửa sổ đóng và người ta vẫn thấy đóng.
- Như vậy, Floriani tiếp tục, chỉ cần làm chiếc cầu ván hoặc buộc dây nối ban công nhà bếp và bờ cửa sổ. Khi hộp ngọc...
- Tôi nhắc lại với ông cửa sổ đóng! Bá tước sốt ruột kêu lên.
Lần này Floriani trả lời. Anh nói bình tĩnh, tính cách một người không dễ lung lay vì một lời phản bác vô nghĩa như vậy:
- Tôi cũng nghĩ cửa sổ đóng nhưng phải chăng có một cửa nhỏ trổ phía trên?
- Sao ông biết?
- Trước hết đó là qui luật xây dựng các lâu đài thời cổ; sau nữa, phải có vì nếu không thì vụ trộm không thể giải thích nổi.
- Quả thật có một lỗ trổ trên đấy nhưng cũng đóng kín như cửa sổ nên người ta không để ý đến nữa.
- Như vậy là sai lầm vì nếu lưu ý người ta sẽ thấy nó được mở ra.
- Bằng cách nào?
- Tôi ví dụ, cũng như các cửa khác nó được mở bằng một sợi thép có vòng phía dưới. Chiếc vòng đó treo ở giữa cánh kính cửa sổ và chiếc hòm.
- Đúng, nhưng tôi không hiểu...
- Như thế nầy: Nhờ một đường rãnh trong ô vuông cửa sổ, có thể dùng một dụng cụ như que sắt có móc bám vào chiếc vòng kéo xuống thì mở dược cửa.
Bá tước dằn giọng:- Tuyệt! Ông bố trí như vậy thật dễ dàng, có điều ông quên, ông bạn thân mến, không có đường rãnh nào ở ô vuông cả.
- Phải có một đưòng rãnh.
- Nếu có người ta đã thấy.
- Để thấy phải nhìn xem nhưng người ta không nhìn. Đường rãnh có đấy, không thể không có, dọc theo ô vuông sát chỗ mát - tít... tất nhiên theo đường thẳng đứng.
Bá tước nóng nảy đứng dậy. Ông sải bước mấy lần trong phòng rồi lại gần Floriani:
- Từ ngày ấy đến nay không ai bước vào phòng đó... Trong phòng không có gì thay đổi...
- Như vậy, thưa bá tước, ông đi xem lại thực tế có phù hợp với ý tôi không.
- Không phù hợp với một chi tiết nào, pháp luật đã xác định. Ông không thấy, không biết gì mà nói ngược lại những gì chúng tôi thấy, chúng tôi biết.
Floriani hình như không để ý đến sự giận dữ của bá tước, vừa cười vừa nói: Nhờ trời, thưa ông, tôi cố gắng thấy rõ sự việc, thế thôi. Nếu tôi nhầm thì ông chứng minh cho.
- Tôi làm ngay... Thú thật, ông khẳng định...
Bá tước lẩm bẩm vài lời nữa rồi bước ra. Không ai nói thêm một lời, họ chờ đợi sự thật. Sự im lặng thật nặng nề.
Cuối cùng bá tước xuất hiện ở khung cửa. Ông xanh mặt, có vẻ xúc động, run run nói với bạn bè:
- Xin lỗi các bạn....Những phát hiện của ông đây thật bất ngờ... Tôi không nghĩ là...
- Anh nói tiếp đi, vợ ông giật giọng hỏi. Có việc gì vậy?...
- Có một đường rãnh, ông lắp bắp. Ngay chỗ ông ấy nói..., dọc theo ô vuông cửa sổ...
Ông nắm chặt tay hiệp sĩ, giọng khẩn thiết:
- Bây giờ ông nói tiếp đi... Cho đến bây giờ tôi công nhận ông có lý. Nhưng chưa hết... Theo ông, sự việc diễn ra như thế nào?
Floriani nhẹ nhàng gỡ tay ra và sau một lúc, dõng dạc nói:
- Theo tôi, sự việc diễn ra thế này: Trên trộm biết bà bá tước đi dạ hội có mang chuỗi hạt ngọc, đã bắc một chiếc cầu khi ông bà đi vắng. Hắn rình và qua cửa sổ thấy chỗ ông giấu chuỗi ngọc; khi ông đi ra hắn luồn thanh sắt qua rãnh kéo chiếc vòng.
- Có thể thế nhưng khoảng cách quá xa hắn không thể từ cửa sổ con phía trên mà vặn nắm đấm cửa sổ dưới.
- Không mở được thì hắn chui ngay qua cửa
- Không thể. Không người đàn ông nào mảnh mai đến mức chui qua đó được.
- Nếu thế thì không phải một người đàn ông
- Sao?
- Dĩ nhiên. Nếu lỗ chui đó quá chật với môt người đàn ông thì phải là một đứa trẻ con.
- Một đứa trẻ con!
- Ông nói với tôi là Henriette có một đứa con kia mà.
- Đúng, một đứa con tên là Raoul.
- Chắc chắn Raoul đã lấy trộm.
- Ông có bằng chứng gì?
- Bằng chứng? Không thiếu. Ví dụ...
Ông im lặng, suy nghĩ mây giây rồi nói tiếp:
- Ví dụ chiếc thang, nếu đứa trẻ mang từ ngoài vào rồi mang ra thì sợ người ta thấy. Nó phải dùng cái sẵn có: trong góc bếp bà Henriette có thể có những tấm ván gác vào tường để xoong chảo...
- Tôi nhớ có hai tấm.
- Phải xem những tấm đó có gắn vào khung gỗ không. Nếu không chúng ta có thể đoán đứa trẻ đã gỡ ra gắn tấm này vào tấm kia. Vì có lò đun nên sẽ có móc sắt khơi lò mà đứa trẻ có thể dùng để mở cửa sổ nhỏ phía trên.
Không một lời, bá tước đi ra và lần này những người có mặt không thấy phân vân như lần trước.
Họ biết chắc những dự kiến của Floriani đúng. Con người đó toát ra sự vững tin mãnh liệt và người ta nghe anh nói như không phải đang phân tích sự việc mà là kể lại những diễn biến thực sự. Không còn gì ngạc nhiên khi bá tước trở vào công bố
- Đúng là đứa trẻ. Mọi việc chứng tỏ chính nó lấy.
- Ông thấy những tấm ván chứ? Còn cái móc sắt?
- Những tấm ván được gỡ ra... Móc sắt còn đấy!
Bà De Dreux kêu lên:
- Chính nó!... Anh muốn nói mẹ nó, Henriette là thủ phạm? Bà buộc đứa con...
- Không, bà mẹ không dính dáng gì vào đây. Hiệp sĩ nhấn mạnh.
- Ồ không! Hai mẹ con ở một phòng, đứa trẻ không thể làm gì mà Henriette không biết.
- Họ ở chung một phòng nhưng sự việc diễn ra ở ngoài, lại vào ban đêm lúc bà mẹ đã ngủ.
- Nếu thế người ta sẽ thấy chuỗi hạt ngọc trong đồ đạc của đứa trẻ.
- Xin lỗi, nó đi ra ngoài. Buổi sáng lúc ông thấy nó ở bàn là nó vừa đi học về. Khi các nhà luật pháp phí công tra hỏi bà mẹ vô tội thì lẽ ra phải soát xét trong ngăn bàn, giữa sách vở của đứa trẻ.
- Có thể thế nhưng hàng năm Henriette nhận được hai nghìn phrăng, phải chăng đó là bằng chứng rõ nhất về tòng phạm?
- Nếu tòng phạm làm sao bà ta còn gửi thư cám ơn bà, về điều đó? Vả lại, người ra cũng đã theo dõi bà ta. Đứa trẻ thì tự do, dễ dàng chạy đến thành phố gần đấy tìm một người nào đó bán giá rẻ một hoặc hai viên ngọc... với điều kiện duy nhất hàng năm gửi số tiền từ Paris.
Một cảm giác khó chịu, khó phân tích bao bọc gia đình De Dreux và khách mời. Thực ra thái độ và giọng nói của Floriani có một cái gì đó khác với sự tin chắc lúc đầu đã làm bá tước phật ý. Có vẻ như sự kiêu ngạo, một khía cạnh kiêu ngạo thù địch chứ không thân mật hòa nhã.
Bá tước cười: - Tất cả những suy đoán đó thuộc về một trí tuệ làm tôi mê người. Xin khen ngợi ông, trí tưởng tượng thật tuyệt vời!
- Không, không, tôi không tưởng tượng, Floriani nhấn mạnh. Tôi phân tích những tình huống không thể diễn ra khác được.
- Làm sao ông biết được?
- Dựa vào những điều ông nói với tôi. Hình dung cuộc sống bà mẹ và một đứa con trong một vùng cuối tỉnh. Bà mẹ ốm đau và đứa con tìm mưu kế đem bán những viên ngọc để cứu mẹ hay ít nhất làm giảm bớt khó khăn trong những ngày cuối đời của mẹ. Bệnh tật khiến bà mẹ qua đời và nhiều năm trôi qua, đứa trẻ lớn lên thành một người đàn ông. Lần này thì tôi tưởng tượng: Giả thử người ấy muốn trở về chốn cũ mình đã trải qua thời thơ ấu, muốn gặp lại những người trước đây kết tội mẹ mình... Ông có nghĩ đến mối quan hệ đáng buồn của một hội ngộ như vậy trong ngôi nhà cũ đã diễn biến cả một tấn bi kịch?
Những lời nói của anh vang lên trong sự im lặng lo âu. Trên nét mặt ông bà De Dreux thể hiện sự luống cuống – muốn tìm hiểu đồng thời phấp phỏng.
Bá tước thì thầm: - Thế ông là ai?
- Tôi?- Thì chính là hiệp sĩ Floriani ông gặp ở Sicile và ông đã có lòng tốt mời đến nhà chơi nhiều lần.
- Vậy câu chuyện này có ý nghĩa gì?
- Ồ! Không gì cả. Tôi thử chơi, thế thôi. Tôi hình dung đứa con của bà Henriette, nếu anh ta còn, vui sướng được nói với ông chỉ một mình anh ta là thủ phạm và anh ta làm việc đó vì thấy mẹ quá khổ sở, mất cả địa vị, trở thành người hầu của bà bá tước, vì lòng đứa con đau đớn thấy hoàn cảnh khốn khổ của mẹ..
Anh nói, giọng cố nén cảm xúc, hơi đứng lên cúi về phía bà bá tước. Không còn nghi ngờ gì nữa: hiệp sĩ Floriani chính là đứa con của bà Henriette. Tất cả, thái độ, giọng nói đều thể hiện rõ là anh ta. Vả lại, phải chăng anh ta dự định, muốn mọi người nhận ra mình?
Bá tước ngập ngừng. Phải đối xử thế nào đây với con người táo bạo này? Báo cảnh sát, vạch mặt tên trộm trước đây gây nên tai tiếng? Đã quá lâu rồi và ai có thể chấp nhận đứa trẻ là tội phạm? Không, tốt nhất là vờ như không nhận ra sự thực.
Ông lại gần Floriani, cười vui vẻ:
- Câu chuyện của ông thật hay, rất ly kỳ, tôi thề đã làm tôi say mê đấy. Nhưng theo ông, người con hiếu thảo ấy ra sao rồi? Hy vọng anh ta không bị bắt giữa đường chứ?
- Ồ, tất nhiên không.
- Đúng, sau một việc mở đầu như vậy. Lấy chuỗi hạt ngọc của bà Hoàng lúc sáu tuổi, chuỗi hạt ngọc nổi tiếng của hoàng hậu Mario Antoinette!
- Và đã lấy nó không một chút phiền phức. Floriani nhận xét theo đà của bá tước. Không một ai có ý nghĩ kiểm tra cái ô vuông ở cửa sổ hoặc nhận thấy bậc cửa quá sạch do đứa trẻ chùi dấu chân bước lên lớp bụi... Ông phải thấy có cái gì đó trong đầu một đứa trẻ ở độ tuổi ấy, không phải dễ, đành chịu vậy và đưa tay hàng thôi...
Thật rùng mình. Cuộc đời con người gọi là Floriani có bí mật gì? Thật kỳ lạ anh chàng phiêu bạt đó có mặt ở đây đã lấy trộm một cách tài tình lúc mới sáu tuổi và hôm nay, với sự khéo léo đến nghệ thuật, đến tìm cảm xúc hoặc nhiều nhất là thỏa mãn một ý nghĩ căm hận, trêu chọc nạn nhân ngay tại nhà, phong thái can đảm, kiêu hãnh nhưng dưới hình dạng một người khách lịch sự đến thăm!
Floriani đứng dậy, lại gần bà bá tước để chào.
Bà gắng gượng để khỏi lùi ra. Anh cười:
- Ồ, bà sợ thưa bà? Tôi có quá đà trong trò phù thuỷ ở phòng khách này không đấy?
Bà trấn tĩnh, trả lời với tư thế ung dung đùa cợt:
- Thưa ông không đâu. Ngược lại, hành vi của con người quý hóa đó là tôi rất thích và tôi sung sướng nhận thấy chuỗi hạt ngọc của tôi là cơ sở thúc đẩy nên định mệnh lừng lẫy ấy. Ông có cho là người con của bà Henriette chủ yếu làm theo thiên hướng vốn có của mình?
Floriani rùng mình cảm thấy bị chạm nọc đáp:
- Tôi chắc thế và thiên hướng đó phải thật nghiêm túc nên đứa trẻ không rời bỏ nó.
- Sao vậy?
- Bà cũng biết phần lớn những viên ngọc đều làm giả. Trừ vài viên mua lại của người thợ kim hoàn Anh quốc là của thật, những viên kia đều được bán dần theo tỷ lệ cần thiết trong cuộc sống.
Bà bá tước nói, vẻ trịch thượng:
- Dù sao cũng là chuỗi hạt ngọc của bà Hoàng thưa ông. Và thế là tôi cảm thấy người con của bà Henriette không thể hiểu.
- Anh ta phải hiểu, thưa bà, giả hay thật chuỗi hạt ngọc trước hết cũng chỉ là một vật để phô trương, một biểu tượng.
Ông bá tước ra hiệu, bà vợ đón trước:
- Thưa ông, nếu người ông ám chỉ có chút tiết tháo...
- Nếu người đó có chút tiết tháo?... Floriani lặp lại.
Bà cảm thấy nói với anh ta theo kiểu đó chẳng có lợi gì và mặc dù căm tức vì đụng chạm tới lòng kiêu ngạo, bà lễ phép nói với Floriani:
- Thưa ông, truyền thuyết nói rằng, khi một số nhà quyền quý có chuỗi hạt ngọc bà Hoàng trong tay, dù phân tán những viên ngọc họ vẫn giữ nguyên cái khung. Họ hiểu rằng những viên ngọc chỉ là trang trí, là phụ; cái khung là công trình chủ yếu, thậm chí là sáng tạo nghệ thuật nên họ quý trọng nó. Ông nghĩ anh kia có hiểu như vậy chăng?
- Tôi không nghi ngờ cái khung vẫn còn. Đứa trẻ quý trọng nó.
- Nếu vậy thưa ông, có dịp gặp anh ta thì nhờ ông nói rằng anh ta bất công khi giữ một trong những kỷ vật là sở hữu và vinh quang của một số gia đình. Anh ta có thể lấy đi những viên ngọc mà khung chuỗi hạt vẫn có thể thuộc về gia đình De Dreux Soubise. Chuỗi hạt là của chúng tôi cũng như tên họ, danh dự của chúng tôi vậy.
Người hiệp sĩ trả lời đơn giản:
- Thưa bà, tôi sẽ nói lại với anh ta.
Floriani nghiêng mình trưóe mặt bà bá tước, chào ông bá tước, lần lượt chào khách tham dự và ra đi.
Bốn ngày sau là De Dreux thấy trên bàn của mình chiếc hộp đỏ đựng vũ khí của Hồng y, mở ra thì trong đó là chuỗi hạt ngọc của bà Hoàng.
Như mọi việc xảy ra trong đời một con người quan tâm đến lẽ phải và công bằng, một thông báo cũng chẳng bao giờ có hại nên hôm sau tờ báo Tiếng Vang đăng những dòng chữ cảm động sau đây:
"Chuỗi hạt ngọc của bà Hoàng, vật trang sức nổi tiếng trước đây bị lấy trộm trong gia đình De Dreux Soubise đã đã được Arsène Lupin tìm lại. Arsène Lupin đã trả nó lại cho những chủ nhân hợp pháp.
Xin hoan nghênh hành động hào hiệp và tế nhị đó". (Mai mỉa gớm nhỉ, hehe)
Những Cuộc Phiêu Lưu Của Asène Lupin Những Cuộc Phiêu Lưu Của Asène Lupin - Maurice Leblanc Những Cuộc Phiêu Lưu Của Asène Lupin