Số lần đọc/download: 1810 / 28
Cập nhật: 2017-07-07 09:54:43 +0700
Chương 3
Đ
ã đến ngày phải viết bản báo cáo đầu tiên. Blue đã quá quen tay soạn thảo những bản báo cáo như vậy và chưa từng gặp phải một rắc rối nào. Phương pháp của anh là bám vào các biểu hiện lộ ra bên ngoài, miêu tả các sự kiện cứ như thể mỗi từ đều quy chiếu chính xác về sự vật được miêu tả, không đi quá xa vấn đề đang điều tra. Ngôn từ là trung giới của anh, là ô cửa sổ lớn đứng giữa anh và thế giới, và từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng ngăn trở tầm nhìn của anh, thậm chí dường như chúng còn chưa bao giờ đứng chắn ở đó nữa. Cũng có đôi khi tấm kính cửa sổ làm một sự vật nho nhỏ nào đó bị nhoè mờ và anh phải lau chùi chỗ này chỗ kia của nó, nhưng một khi tìm được từ phù hợp, tất cả mọi thứ lại trở nên sáng rõ. Dựa vào những gì đã ghi chép trước đó trong sổ tay, xem xét kỹ lưỡng những ghi chép đó để nhớ lại sự việc và gạch chân dưới những nhận định đáng chú ý, anh cố gắng tạo ra một hệ thống mạch lạc, gạt bỏ những chi tiết thừa và tô đậm những ý chính. Trong tất cả những bản báo cáo mà anh đã viết từ trước đến giờ, hành động át hẳn sự giải thích. Chẳng hạn, về một đối tượng mà anh phải theo dõi, anh sẽ tường thuật lại như sau: Đối tượng đi bộ từ Khu Colombus đến Đại sảnh Carnegie. Không có ghi chú nào về thời tiết, không đề cập đến chuyện đường sá, không thử dò đoán đối tượng có thể đã nghĩ gì. Bản báo cáo chỉ gắn với những sự kiện đã được biết đến và có thể kiểm nghiệm, nó không cố vượt qua ngoài giới hạn này.
Song khi đối diện với vụ Black, Blue nhận ra tình thế khó khăn của mình. Anh có ghi chép vào sổ tay nhưng khi nhìn lại xem mình đã viết gì trong đó, anh thất vọng vì thấy các chi tiết mình nắm bắt được cực kỳ ít ỏi. Cứ như thể ngôn từ của anh thay vì rút ra được những sự thật và sắp xếp chúng lại một cách ngay ngắn thì lại chỉ làm cho chúng mất hút. Điều này trước đây chưa bao giờ xảy ra với Blue. Anh nhìn ra ngoài phố, vẫn thấy Black đang ngồi viết như mọi ngày. Cả Black lúc đó cũng đang nhìn ra cửa sổ và Blue hốt nhiên thấy mình không thể phụ thuộc vào phương pháp làm việc cũ được nữa. Những manh mối, việc đeo bám, cung cách điều tra thông thường – tất cả đều không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng khi anh cố tưởng tượng xem vậy thì có thể thay thế những cách này bằng cách nào khác, anh lại chẳng đi đến đâu cả. Tại thời điểm này, Blue chỉ có thể phỏng đoán vụ việc này không phải là gì mà thôi. Còn khẳng định nó là gì thì lại vượt ra ngoài khả năng của anh.
Blue đặt máy chữ lên bàn và cố nghĩ ra vài ý tưởng nào đó, ép mình vào công việc trước mắt. Anh nghĩ có lẽ một bản báo cáo trung thực về tuần vừa rồi phải bao hàm cả vô số những câu chuyện về Black mà anh đã thêu dệt nên. Với quá ít những điều để có thể báo cáo, những câu chuyện tưởng tượng đó ít nhất cũng gợi ra cảm giác về những gì đã xảy ra. Nhưng Blue chặn ngay ý nghĩ đó lại, anh nhận ra những điều đó thật sự không dính dáng gì đến Black cả. Xét cho cùng, đó không phải là câu chuyện về đời mình, anh nói. Mình phải viết báo cáo về y, chứ không phải mình.
Tuy nhiên dường như có một sự cám dỗ khó dứt cứ lởn vởn trong đầu Blue và anh phải mất một lúc tự đấu tranh với chính mình trước khi đẩy lùi cám dỗ đó. Anh bắt đầu lại công việc, tìm cách tháo gỡ khó khăn, từng bước một. Sau khi quyết định làm chính xác những việc mà anh được yêu cầu, anh cẩn thận soạn bản báo cáo theo phong cách cũ, ghi chú mỗi chi tiết với sự cẩn thận và chính xác thái quá đến nỗi phải mất đến mấy tiếng đồng hồ, anh mới hoàn thành bản báo cáo. Khi đọc lại kết quả, anh phải thừa nhận mọi thứ dường như đều chính xác. Nhưng sao anh lại thấy không thoả mãn, không yên tâm về những điều mình đã viết... Anh tự nhủ: điều đã xảy ra không thật sự là chính nó. Bao nhiêu năm viết báo cáo, lần đầu tiên anh phát hiện ra rằng ngôn từ không phải lúc nào cũng hiệu quả, nó có thể làm mờ đục những điều mà nó cố biểu đạt. Blue nhìn quanh phòng mình, chú ý đến những sự vật khác nhau, lần lượt từng thứ. Anh nhìn cây đèn bàn và nói một mình: cây đèn bàn. Anh nhìn cái giường và nói một mình: cái giường. Anh nhìn cuốn sổ tay và nói: sổ tay. Không thể gọi cái đèn là cái giường hay gọi cái giường là cái đèn được, anh nghĩ. Không, những từ này trùng khít với sự vật mà nó thay thế, và lúc Blue gọi tên những sự vật này, anh cảm thấy rất thoả mãn, tựa hồ như anh vừa mới chứng minh được sự hiện hữu của thế giới vậy. Rồi anh lại nhìn ra ngoài phố và cửa sổ căn phòng của Black. Bây giờ đã khuya rồi và Black đang ngủ. Đó là vấn đề, Blue tự nhủ, cố gắng lấy lại một chút can đảm. Chỉ có thế, không còn điều gì khác nữa. Y ở đó nhưng không thể nhìn thấy y được. Và kể cả mình nhìn thấy được y đi nữa thì cũng giống như là nhìn vào một căn phòng đã tắt đèn mà thôi.
Anh cho báo cáo của mình vào một chiếc phong bì, dán lại, đi ra ngoài, đến góc phố và thả nó vào thùng thư. Mình có thể không phải là kẻ thông minh nhất trên thế giới, anh nói với chình mình, nhưng mình đã cố gắng hết sức, mình đã cố gắng hết sức.
Sau đó, tuyết bắt đầu tan. Buổi sáng hôm sau, mặt trời chiếu rạng ngời, trên những vòm cây ríu rít tiếng bầy sẻ, Blue có thể nghe thấy tiếng nước nhỏ từ máng nước trên mái nhà, từ cành cây, cột đèn xuống rất vui tai. Thật bất ngờ, dường như mùa xuân đã đến rất gần. Chỉ một vài tuần nữa thôi, anh tự nhủ, và buổi sáng hôm nào cũng sẽ đẹp như thế này.
Tranh thủ ngày đẹp trời, Black dạo chơi xa hơn mấy ngày trước đó và Blue bám theo. Như được giải toả tâm trạng, Blue lấy lại khí thế làm việc và nhìn Black vẫn đang thong dong trên đường, Blue hy vọng cuộc dạo chơi này sẽ không chấm dứt trước khi anh có thể tháo gỡ được những nút thắt của vụ việc này. Hãy cứ hình dung Blue là một kẻ đi bộ bền bỉ và việc ruổi chân trên đường giữa một buổi sáng thế này đem đến cho anh ta một cảm giác khoan khoái. Khi họ đi qua những dải phố hẹp vùng đồi Brooklyn, Blue thấy phấn chấn hẳn lên vì Black vẫn tiếp tục đi xa hơn nơi mình đang ở. Nhưng đột nhiên, tâm trạng của Blue bỗng se lại. Black bắt đầu leo lên từng bậc cầu dẫn đến con đường dành cho người đi bộ phía bên kia cầu Brooklyn, và trong đầu của Blue thoáng hiện lên ý nghĩ: có thể y định nhảy xuống sông chăng... Có thể có chuyện đó lắm, anh tự nhủ. Một gã đàn ông leo lên cầu, nhìn một lần cuối cùng cái thế giới của y trong gió, trong mây thế rồi nhảy ùm xuống nước, xương cốt vỡ rạn, thân thể tan tành. Blue vội xua đuổi hình ảnh ấy, anh dặn mình phải khẩn trương. Nếu có chuyện gì xảy ra, anh quyết định, mình sẽ hành động như một người qua đường hoàn toàn vô tư để can thiệp kịp thời. Vì anh không muốn Black chết – ít nhất là chưa phải bây giờ.
Đã bao nhiêu năm rồi, Blue mới lại đặt chân lên cầu Brooklyn. Lần cuối cùng anh lên cầu khi anh còn là một cậu bé, lần đó anh đi cùng cha mình, ký ức về ngày đó giờ đây lại sống dậy trong anh. Anh như thấy lại rõ hình ảnh mình đang nắm lấy bàn tay cha, đi bên cạnh ông và khi nghe thấy tiếng xe cộ đi lại phía dưới cây cầu bằng thép, anh nhớ mình đã nói với cha rằng những tiếng động ấy nghe như tiếng vo vo của một bầy ong khổng lồ vậy. Bên tay trái anh là tượng Nữ thần Tự Do, phía bên phải là khu Manhattan với những toà nhà sừng sững, dưới nắng sớm, chúng trông như những kỳ quan vĩ đại. Cha của anh là người biết rất nhiều câu chuyện, ông đã kể cho anh nghe câu chuyện về tất cả những tượng đài và những toà nhà chọc trời với vô số những chi tiết - về những kiến trúc sư, về ngày tháng, về những mưu đồ chính trị - và cả chuyện đã có từ thời cầu Brooklyn còn là công trình cao lớn nhất nước Mỹ nữa. Cha anh ra đời cùng thời điểm với năm cây cầu được hoàn thành và trong đầu Blue luôn xuất hiện mối liên hệ đó, đôi khi, cây cầu tựa hồ như một đài tưởng niệm về chính người cha của anh. Anh thích câu chuyện mà có một lần anh được nghe khi trên đường về nhà cùng cha, đi qua những tấm ván cầu bằng gỗ mà chính anh cũng đang dẫm lên lúc này, không hiểu sao anh không thể quên được câu chuyện đó. Câu chuyện kể về John Roebling, người thiết kế cây cầu, đã bị nghiến chân như thế nào khi chân ông bị kẹt giữa trụ cầu và một chiếc xà lan ngay sau khi hoàn thành đồ án của mình và chưa đầy ba tuần sau ông ta đã qua đời vì chứng hoại tử. Ông ấy đáng ra không phải chết, cha của Blue đã nói thế, nhưng phương pháp điều trị duy nhất ông ấy chấp nhận là ngâm chân, mà cách đó thì vô hiệu, và Blue thật sự bị ám ảnh bởi ý nghĩ: một người đã cống hiến cả đời để dựng nên những cây cầu bắc qua sông giúp cho bao người không phải chịu cảnh ướt át lại có thể tin rằng cách chữa chạy duy nhất là đem nhúng mình vào nước. Sau cái chết của John Roebling, con trai ông, Washington, đảm nhận chức tổng công trình sư và đó lại là một câu chuyện lạ khác. Washington Roebling, lúc đó, mới ba mươi mốt tuổi, chưa có kinh nghiệm gì đáng kể trong lĩnh vực xây dựng ngoài việc thiết kế những cây cầu gỗ thời Nội Chiến, nhưng ông tỏ ra còn xuất sắc hơn cả cha mình. Song, không lâu sau khi việc xây dựng cầu Brooklyn được khởi công, ông bị mắc kẹt vài tiếng đồng hồ trong một vụ hoả hoạn phát sinh từ một trong những chiếc giếng hơi ép, ông thoát chết nhưng bị mắc bệnh khí ép rất nặng, một căn bệnh trầm trọng do bọt khí ni - tơ tụ lại trong mạch máu. Sau tai nạn suýt chết đó, ông trở thành một người tàn phế, không thể đặt chân ra khỏi căn phòng trên tầng thượng của ngôi nhà mà ông và vợ đã xây dựng trên Đồi Brooklyn. Washington Roebling ngày nào cũng ngồi ở đó suốt bao năm ròng, quan sát việc xây dựng cây cầu thông qua một ống kính viễn vọng, mỗi sáng, ông lại cử vợ mình đem những chỉ dẫn của ông xuống chỗ đó, vẽ những hình ảnh màu rất tỉ mỉ để cho những người công nhân vốn không hề biết tiếng Anh hiểu được tiếp theo phải làm gì. Điều đáng chú ý là toàn bộ cây cầu thật sự đã nằm trong đầu ông: mỗi một khúc cầu đều đư ... khắc sâu trong trí nhớ của ông, thậm chí ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất như thép và đá, và mặc dù Washington Roebling chưa bao giờ đặt chân lên cầu nhưng nó đã hiện diện trong ông toàn vẹn, như thể cuối cùng, sau bao nhiêu năm, cây cầu đôi khi đã trở thành chính máu thịt của ông vậy.
Giờ đây, Blue lại nhớ lại câu chuyện đó khi đang đi qua cầu, dõi theo Black ở phía trước, và những ký ức về người cha và thời thơ ấu ở Gravesend ùa về trong anh. Cha anh vốn là một cảnh sát, sau đó là thám tử ở hạt 77. Cuộc đời đã có thể tốt đẹp, Blue nghĩ như thế, nếu không xảy ra vụ Russo và ông không bị một viên đạn bắn xuyên qua não năm 1927. Hai mươi năm đã trôi qua rồi, anh nhủ thầm, lòng chợt bàng hoàng khi nghĩ đến khoảng thời gian đã trôi qua đó, anh băn khoăn không biết có thiên đường thật chăng, và nếu có, liệu anh có thể gặp lại cha ở đó sau khi mình chết không... Anh nhớ đến một câu chuyện nhặt ra từ một trong rất nhiều tờ báo mà anh đã đọc trong tuần, một tờ nguyệt san số mới có tên Lạ hơn cả chuyện bịa, không hiểu sao câu chuyện ấy lại hiện lên trong đầu anh sau tất cả những ý nghĩ vừa đến đó. Ở một nơi trên dãy Alps nước Pháp, anh nhớ lại, cách đây chừng hai mươi hoặc hai mươi lăm năm, có một người đàn ông bị lạc trong khi đi trượt tuyết và bị chết vùi trong một vụ lở tuyết, người ta không sao tìm được xác ông. Con trai ông ta, lúc đó hãy còn là một cậu bé, sau này lớn lên và trở thành một vận động viên trượt tuyết. Một hôm, anh đi trượt tuyết, tới chỗ không cách xa lắm so với nơi cha của anh bị mất tích - mặc dù anh không biết được điều này. Theo thời gian và sự thay đổi liên tục của các lớp băng qua các thập kỷ kể từ khi cha anh chết, vùng đất đó, lúc này, đã hoàn toàn đổi khác so với trước kia. Một mình giữa những rặng núi, cách xa hàng dặm với những người khác, cậu con trai bất chợt bắt gặp một xác chết vùi trong tuyết - một xác chết, hoàn toàn nguyên vẹn, cứ như thể nó được bảo quản bằng cách ướp lạnh vậy. Khỏi cần phải nói, chàng thanh niên dừng lại xem xét cái xác và khi cúi xuống nhìn vào khuôn mặt của người chết, anh sững sờ, sợ hãi bởi dường như anh đang nhìn thấy chính anh. Theo bài báo tả lại, anh ta đã run lên vì sợ, anh xem xét cái xác cẩn thận hơn, toàn bộ cái xác được bọc trong băng giống như là một người nào đó ở phía sau một mặt kính cửa sổ rất dày, và rồi anh phát hiện ra cái xác đó chính là thi thể của cha mình. Cha anh ta trông vẫn còn trẻ, thậm chí còn trẻ hơn chính anh ta lúc bấy giờ và còn Blue cảm thấy có điều gì đó thật đáng sợ, kỳ quặc và tệ hại khi người ta lại già hơn cả chính cha mình, và thật sự anh đã phải cố cầm nước mắt khi đọc bài báo đó. Bây giờ, khi anh đang đi đến gần cuối cầu, những cảm xúc đó lại quặn lên trong lòng, anh thầm ước với Chúa giá như bây giờ cha anh ở đây, cùng đi qua cầu với anh và kể chuyện cho anh. Thế rồi, sực nhớ mình đang làm gì, anh bỗng ngạc nhiên không hiểu sao mình lại trở nên đa cảm như vậy, tại sao tất cả những ý nghĩ này lại dội về trong anh, điều mà bao nhiêu năm trước đó chưa bao giờ xuất hiện. Một phần là do tình cảnh của mình lúc này, anh nghĩ và thấy bối rối bởi mình lại trở nên như vậy. Khi người ta không có ai để trò chuyện, người ta thường có cảm giác đó.
Anh đã đi đến phía cuối cầu, đến lúc này, anh hiểu rằng mình đã sai khi phán đoán về Black. Hôm nay sẽ chẳng có vụ tự tử nào, cũng sẽ không có một vụ nhảy cầu hay một trò liều lĩnh nào cả. Đó, cái gã mà anh phải theo dõi đó, y vô tư và bình thản như bất cứ người nào khác, y đang đi xuống cầu về phía con đường dành cho người đi bộ và lang thang dọc theo con phố chạy quanh Toà Thị Chính, băng qua trụ sở toà án và những toà nhà khác của Hội đồng thành phố, chưa bao giờ y bước chân một cách uể oải cả, y tiếp tục xuyên qua khu người Hoa và các khu phố khác. Cuộc dạo chơi này kéo dài đến mấy tiếng đồng hồ và thật sự Blue có cảm giác Black đi lang thang như thế không nhằm một mục đích gì hết. Dường như y đi chỉ để cho nở phổi, đi chỉ vì khoái thú mà việc đi bộ đem lại, và càng bám theo hành trình của y, Blue phải thú nhận trong mình nhen lên một niềm cảm mến đối với y.
Bây giờ Black đang vào một hiệu sách và Blue theo sát. Black ngó nghiêng sách vở chừng một tiếng đồng hồ và chọn ra một chồng sách, còn Blue, không biết làm gì hơn, cũng đành chọn sách vậy, trong lúc vẫn luôn phải tìm cách tránh để Black nhìn thấy mặt. Thoáng nhìn trộm Black những lúc có vẻ như y không nhìn thấy anh, Blue có cảm giác trước đây mình cũng đã trông thấy y rồi, nhưng không rõ ở đâu. Có thể mắt của mình có vấn đề, anh tự nhủ, nhưng đó là cảm nhận của anh, anh không muốn bận tâm về mình, cũng không thật sự chắc chắn liệu có điều gì liên quan đến cảm giác đó không.
Một phút sau, Blue tình cờ bắt gặp cuốn Walden của Henry David Thoreau. Lướt qua vài trang, Blue ngạc nhiên khi phát hiện tên của người đứng ra xuất bản là Black: "Ấn bản Câu Lạc Bộ Cổ Điển, Tổ hợp xuất bản Walter J. Black, 1942. " Blue như bị chấn động trong giây lát bởi sự trùng hợp ngẫu nhiên này, anh nghĩ có thể điều này ẩn chứa một thông điệp nào đó đối với anh, một ý nghĩ vụt hiện thôi cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Nhưng sau phút ngỡ ngàng đó, anh nghĩ không phải vậy. Đó chỉ là một cái tên cũng khá phổ biến, anh tự nhủ - hơn nữa anh cũng biết rằng tên đầy đủ của Black không phải là Walter Black. Cũng có thể là họ hàng của y, hay thậm chí cha của y, anh bổ sung thêm cho suy nghĩ của mình. Sau một hồi đắn đo, anh quyết định mua cuốn sách này. Nếu không thể đọc những gì mà Black viết thì chí ít anh cũng đọc được những gì mà y đọc. Dựa vào điều này thì chỉ có thể rút ra được một phỏng đoán vu vơ mà thôi, nhưng biết đâu nó lại chẳng hé mở cho anh một vài đầu mối cho biết Black đang làm gì.
Thế cũng tốt. Black trả tiền cho đống sách y mua, Blue trả tiền cho cuốn sách của mình và rồi cuộc dạo chơi lại tiếp tục. Blue vẫn cố chờ xem có một cái gì đó sẽ lòi ra vì chỉ cần Black sơ ý để lộ một manh mối nào đó khi đang đi trên đường thế này cũng có thể dẫn lối cho Blue tìm ra bí mật của y. Nhưng Blue quả đã quá ngây thơ khi tạo cho mình một ảo tưởng như vậy, đến lúc này, vẫn chưa có cách giải thích hợp lý nào cho những điều đã xảy ra. Song chỉ mới một lần, điều này vẫn chưa làm cho anh nản được. Thực ra, khi nhìn lại chính mình, anh nhận thấy xét cho cùng, điều đó còn làm anh thấy như có thêm sinh lực. Ở trong tình trạng mịt mùng như thế này cũng có cái hay, anh nghĩ, có một cảm giác rất hồi hộp khi ta không biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo. Nó khiến ta phải luôn tỉnh táo, linh hoạt và điều đó có hại gì đâu... Thận trọng và cảnh giác, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, sẵn sàng trước bất cứ chuyện gì.
Nghĩ như vậy được một lúc thì cuối cùng cũng có một diến biến mới xuất hiện trước mắt Blue, vụ việc bắt đầu có bước ngoặt đầu tiên. Black rẽ vào một góc phố ở trung tâm thành phố, đi chừng đến nửa dãy phố, phân vân một lát, như thể đang tìm kiếm một địa chỉ nào đó, y quay ngược lại một đoạn, rồi lại đi tiếp, vài giây sau đó, y bước vào một nhà hàng. Blue cũng vào theo, anh không băn khoăn gì nhiều vì hành động của y vì thực sự cũng đã đến giờ ăn trưa, và người ta ai cũng phải ăn, nhưng có một điều không lọt khỏi mắt Blue: sự ngập ngừng của Black dường như cho thấy trước đó y chưa từng đến nơi này, do đó, suy ra, có thể Black có một cuộc hẹn. Đó là một chỗ khá tối nhưng cũng khá đông người, với một nhóm người tụ tập quanh quầy bar trước mặt, phía sau nhà đầy những tiếng lách cách, lọc xọc của những đồ bạc, bát đĩa. Nhà hàng này có vẻ đắt, Blue nghĩ thầm, khi nhìn những tấm gỗ lát tường và những tấm khăn trải bàn trong quán, anh quyết định phải cố chi tiêu thật ít. Bàn ăn được bày sẵn, Blue cho là một điểm hay khi ngồi ngay trong tầm mắt có thể kiểm soát được Black, không gần đến mức có thể gây khó chịu cũng không quá xa đến nỗi không quan sát được y làm gì. Black gõ tay ra hiệu xin hai thực đơn, và ba bốn phút sau, y tươi cười khi có một người phụ nữ bước vào trong quán, đi đến chỗ bàn của Black, hôn lên má y trước khi ngồi xuống. Cô nàng trông cũng được, Blue nghĩ. Hơi gầy một chút, theo quan niệm về phụ nữ đẹp của anh, nhưng trông rất được. Và anh nghĩ thầm: nào, bây giờ, phần thú vị của câu chuyện mới bắt đầu.