Nguyên tác: Everyman
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Chương 2
M
ặc dù đã dần quen với việc ở một mình và tự chăm sóc bản thân từ lần ly dị gần đây nhất hồi mười năm trước, vào đêm trước cuộc phẫu thuật, lúc nằm trên giường ông vẫn cố nhớ lại chính xác hết mức có thể từng người đàn bà từng đứng đó trong phòng hồi sức chờ ông tỉnh thuốc mê, nhớ lại cả người bạn đời vô dụng nhất, người vợ sau cùng, có cô ở bên thì chuyện phục hồi sau cuộc phẫu thuật nong mạch máu lần thứ năm cũng chẳng phải là trải nghiệm gì tuyệt diệu. Trải nghiệm tuyệt diệu phải là với cô y tá riêng với vẻ chuyên nghiệp không khoe mẽ đã cùng ông từ bệnh viện về và chăm sóc ông với sự tận tụy hân hoan từng thúc đẩy ở ông một sự phục hồi chậm chạp nhưng ổn định, và ông đã, sau lưng vợ, duy trì một mối tình bền vững với cô ngay khi năng lực tình dục được phục hồi. Maureen. Maureen Mrazek. Ông đã gọi đi khắp nơi cố tìm Maureen. Khi ra viện về nhà lần này ông muốn cô lại đến làm y tá cho ông, nếu ông có cần y tá. Nhưng mười sáu năm đã trôi qua, hãng y tá ở bệnh viện không sao tìm ra cô nữa. Giờ cô cũng đã bốn mươi tám, chắc chắn đã lấy chồng và làm mẹ, một phụ nữ trẻ cân đối, tràn đầy năng lượng trở thành một bà trung niên bệ vệ trong khi ông đã thua trong trận chiến giữ mình đứng vững như một gã đàn ông bất khả chiến bại từ lâu, thời gian đã biến cơ thể ông thành một kho chứa đủ thứ máy móc nhân tạo được thiết kế nhằm ngăn nó khỏi sụp đổ. Việc xoa dịu ý nghĩ về cái chết của chính ông chưa bao giờ đòi hỏi nhiều nỗ lực và mánh khóe như thế.
Một lúc lâu sau ông nhớ lại lần được mẹ đưa tới bệnh viện để phẫu thuật thoát vị hồi mùa thu năm 1942, một chuyến xe buýt kéo dài chưa đầy mười phút. Thường thì nếu đi đâu cùng mẹ, ông sẽ được đi ô tô nhà và cha ông sẽ lái. Nhưng lần này chỉ có hai mẹ con trên xe buýt, họ đang hướng tới bệnh viện nơi ông sinh ra, và mẹ ông chính là điều đã làm yên nỗi sợ trong ông và khiến ông can đảm. Hồi nhỏ xíu ông đã từng cắt a mi đan ở viện này, ngoài ra ông chưa từng quay lại. Giờ thì ông phải ở đó bốn ngày bốn đêm. Ông là một thằng bé chín tuổi biết suy nghĩ và không có vấn đề gì dễ thấy, nhưng trên chiếc xe buýt ấy ông cảm thấy mình bé hơn thế và nhận thấy mình đang đòi hỏi mẹ quan tâm theo cách mà ông nghĩ thật trẻ con.
Anh trai ông, khi ấy đã vào năm thứ nhất trung học, giờ đang đi học, còn cha thì đã lái xe đi làm từ trước khi mẹ con ông khởi hành tới bệnh viện. Một chiếc va li nhỏ đựng đồ thiết yếu nằm trên đùi mẹ ông. Trong đó đựng bàn chải đánh răng, đồ ngủ, áo choàng tắm và dép đi trong nhà, cùng vài cuốn sách ông mang theo để đọc. Ông vẫn còn nhớ đó là những cuốn nào. Bệnh viện rất gần thư viện địa phương nên mẹ ông có thể bổ sung nguồn đọc nếu ông đọc hết số sách mang theo trong những ngày lưu lại bệnh viện. Ông sẽ phải nghỉ ở nhà hai tuần cho lại sức trước khi đi học trở lại, và ông lo lắng về số lượng bài vở mình sẽ bỏ lỡ, hơn là về cái mặt nạ ê te mà ông biết họ sẽ chụp lên mặt ông để gây mê. Hồi những năm đầu thập niên 1940, các bệnh viện vẫn chưa cho phép cha mẹ ở lại qua đêm với con cái, vậy nên ông sắp phải ngủ mà không có mẹ, cha hay anh trai ở gần. Ông cũng lo lắng cả chuyện đó nữa.
Mẹ ông là một phụ nữ khéo léo trong cả cư xử lẫn ăn nói, cũng như, lần lượt, mấy cô làm thủ tục nhập viện cho ông ở quầy đón tiếp và các y tá ở phòng y tá, lúc mẹ con ông đi thang máy lên khu nhi của tầng dành cho phẫu thuật. Mẹ ông xách cái va li vì tuy nó nhỏ nhưng ông không được mang vác gì cho đến sau khi chữa xong chứng thoát vị và bình phục hẳn. Vài tháng trước ông đã phát hiện ra một chỗ sưng bên háng trái nhưng đã không nói với ai mà chỉ cố dùng ngón tay ấn vào cho nó hết. Ông không hề biết chứng thoát vị là cái gì hoặc có gì đặc biệt khi chỗ sưng lại gần cơ quan sinh dục đến vậy.
Hồi ấy bác sĩ vẫn thường chỉ định cho đứa bé đeo một cái quần nâng với dây bằng kim loại nếu gia đình không muốn hoặc không đủ tiền phẫu thuật. Ông biết ở trường có một đứa đã phải mặc cái quần nâng như thế, và một trong những lý do ông không nói với ai về chỗ sưng ấy là nỗi sợ rằng chính mình cũng sẽ phải mặc thứ đó và phơi nó ra trước mắt lũ con trai mỗi lần thay đồng phục thể dục.
Khi cuối cùng ông cũng thú nhận với cha mẹ, cha ông liền đưa ông đi khám. Vị bác sĩ khám cho ông thật nhanh, chẩn đoán và, sau khi nói chuyện vài phút với cha ông, đã sắp xếp một cuộc phẫu thuật. Mọi chuyện được tiến hành với một tốc độ kinh ngạc, và vị bác sĩ - chính người đã đỡ ông chào đời - trấn an ông rằng ông sẽ không sao rồi họ bắt đầu nói đùa về mục tranh vui Li'l Abner đăng trên báo buổi tối mà cả hai đều thích.
Cha mẹ ông bảo bác sĩ Smith là bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất thành phố này. Cũng như cha mình, bác sĩ Smith, tên khai sinh là Solly Smulowitz, đã lớn lên trong khu ổ chuột và là con cái của những người nhập cư nghèo khổ.
Trong vòng một tiếng sau khi đến bệnh viện, ông đã nằm trên giường trong phòng mình, mặc dù theo lịch thì phải sáng hôm sau cuộc phẫu thuật mới tiến hành - hồi ấy bệnh nhân được chăm sóc như thế đấy.
Ở giường kế bên là một thằng bé vừa mổ dạ dày và vẫn chưa được phép ngồi dậy đi lại. Mẹ nó ngồi bên giường nắm tay nó. Khi người cha tan sở tới thăm, cha mẹ nó nói chuyện với nhau bằng tiếng Yiddish, điều này khiến ông nghĩ họ lo ngại phải nói thứ tiếng Anh dưới chuẩn trước mặt con trai. Nơi duy nhất ông từng nghe thấy người ta nói tiếng Yiddish là ở tiệm trang sức khi những người tị nạn chiến tranh vào tìm mua đồng hồ Schaffhausen, một nhãn hiệu hiếm-có-khó-tìm mà cha ông đã phải gọi đi khắp nơi để hỏi - "Schaffhausen... Tôi muốn một chiếc Schauffhausen," vốn tiếng Anh của họ chỉ đủ để nói thế. Dĩ nhiên vào cái hồi những người Do Thái Hasid từ New York vẫn hay tới Elizabeth mỗi tháng một hai lần để bổ sung nguồn kim cương cho cửa tiệm - vì sẽ quá đắt đỏ nếu cha phải tự lưu kho một lượng lớn kim cương trong két - thì hầu như ông chỉ nghe toàn tiếng Yiddish. So với thời hậu chiến, trước chiến tranh ở Mỹ có ít nhà buôn kim cương người Do Thái Hasid hơn nhiều, nhưng cha ông, ngay từ đầu đã thích giao dịch với họ hơn là với những nhà kim cương lớn. Nhà buôn kim cương hay tới nhất - chỉ trong vài năm hành trình nhập cư đã đưa ông cùng gia đình từ Vácsava qua Antwerp tới New York - là một người đàn ông đứng tuổi thường đội một chiếc mũ đen lớn và mặc áo khoác đen dài chẳng giống bất kỳ ai trên đường phố Elizabeth, thậm chí không giống cả những người Do Thái khác. Ông ta để râu và tóc mai dài, mang một chiếc túi nhỏ đựng kim cương đeo bên hông kín đáo dưới lớp quần áo lót diêm dúa mà ý nghĩa tôn giáo của chúng vượt quá tầm hiểu biết của một kẻ theo chủ nghĩa thế tục non trẻ - thực ra ông thấy điều này có vẻ lố bịch - ngay cả khi cha đã giải thích tại sao người Do Thái Hasid vẫn ăn mặc như tổ tiên họ ở cố hương hai trăm năm về trước và hầu như vẫn sống như hồi đó, bất chấp ông đã hết lần này đến lần khác chỉ ra với cha: giờ họ đang ở Mỹ, có quyền tự do ăn mặc, cạo râu và cư xử theo cách mình muốn. Khi một trong số bảy con trai của nhà buôn kim cương lấy vợ, ông ta mời cả gia đình ông tới dự đám cưới ở Brooklyn. Tất cả những người đàn ông ở đó đều để râu, tất cả phụ nữ đều đội tóc giả và mỗi giới tính ngồi riêng một bên trong giáo đường Do Thái, ngăn cách bởi một bức tường - sau đó thậm chí họ còn không buồn khiêu vũ cùng nhau - ông và Howie ghét mọi thứ trong đám cưới đó. Mỗi lần đến tiệm trang sức, nhà buôn kim cương lại cởi áo khoác nhưng mũ thì đội nguyên, rồi ông ta và cha sẽ ngồi sau tủ trưng bày vui vẻ tán gẫu bằng tiếng Yiddish, thứ ngôn ngữ mà bố mẹ của cha ông, ông bà nội ông, vẫn tiếp tục nói với đám con cháu sinh ra trên đất Mỹ trong gia đình nhập cư của họ đến tận khi họ chết. Nhưng khi đến lúc phải xem kim cương, hai người bọn họ sẽ vào gian phòng phía sau, nơi có két sắt, bàn làm việc và sàn nhà trải vải son nâu, toa lét và một chậu rửa nhỏ, chúi đầu vào nhau đằng sau cánh cửa không tài nào đóng chặt ngay cả khi có vật lộn cài được nó từ phía trong. Cha ông luôn ký séc thanh toán tại chỗ.
Sau khi đóng cửa hàng với sự giúp đỡ của Howie - kéo cánh cửa lưới mắt cáo có khóa móc qua cửa sổ trưng bày, bật chuông chống trộm và quàng đủ thứ khóa lên cửa trước - cha ông xuất hiện trong phòng bệnh của con trai út và ôm nó.
Lúc cha đang ở đó thì bác sĩ Smith tới tự giới thiệu. Vị bác sĩ phẫu thuật đang mặc một bộ com lê doanh nhân chứ không phải áo bờ lu trắng, và cha ông liền đứng bật dậy ngay khi thấy ông ta vào phòng. "Bác sĩ Smith đây rồi!" cha ông kêu lên.
"Vậy ra đây là bệnh nhân của tôi," bác sĩ Smith nói. "Chà," ông ta nói, đến bên giường đặt tay lên vai ông chắc nịch, "mai chúng ta sẽ giải quyết món thoát vị ấy và cháu sẽ thấy khỏe như vâm. Cháu thích chơi ở vị trí nào?" ông hỏi.
"Chặn ạ."
"Ừ, nhoằng một cái là cháu sẽ có thể trở lại chơi ở vị trí chặn thôi. Cháu có thể chơi bất cứ trò gì cháu thích. Cứ ngủ thật ngon vào, mai bác sẽ gặp lại cháu nhé."
Lấy hết can đảm để nói đùa với vị bác sĩ nổi tiếng, cha ông đáp, "Ông cũng ngủ ngon vào."
Khi bữa tối được mang tới, cha mẹ ông ngồi nói chuyện với ông như thể cả ba đang ở nhà. Họ nói khẽ để không làm phiền cậu bé giường bên hay cha mẹ nó, lúc này họ đều đã im lặng, người mẹ vẫn ngồi bên cạnh cậu bé còn người cha liên tục đi đi lại lại từ cuối giường ra hành lang rồi trở lại. Lúc họ ở đó thì không thấy thằng bé ngọ nguậy gì nhiều.
Tám giờ kém năm một y tá thò đầu vào thông báo đã hết giờ thăm. Bố mẹ của cậu bé giường bên lại nói chuyện bằng tiếng Yiddish và sau khi người mẹ liên tục hôn lên trán đứa con trai, họ rời khỏi phòng. Nước mắt chạy chảy dài trên khuôn mặt người cha.
Rồi cha mẹ ông cũng về nhà với anh trai ông và họ cùng nhau ăn tối trong bếp mà không có ông. Mẹ ông hôn ông, ôm ông thật chặt. "Con làm được mà, con trai," cha ông nói, cũng cúi người xuống hôn ông. "Cũng chỉ như một việc vặt cha vẫn sai con làm trên xe buýt hay ở tiệm thôi. Dù là việc gì thì con cũng chưa từng khiến cha thất vọng. Đáng tin cậy - hai chàng trai đáng tin cậy của cha! Nghĩ đến các con là cha lại nở lòng nở dạ. Lúc nào cũng vậy, các con luôn làm việc như những chàng trai lao động chu đáo, cẩn thận, chăm chỉ, đúng theo những gì cha mẹ nuôi dạy các con. Mang những món trang sức quý giá tới Newark rồi trở lại, những viên kim cương một phần tư ca ra, nửa ca ra đựng trong túi mà không hề lúng túng dù tuổi nhỏ như thế. Trong mắt cả thế giới, các con làm việc đó nhẹ nhàng như thể số kim cương ấy chỉ là món đồ vớ vẩn vừa tìm thấy trong gói kẹo Cracker Jack. Chà, nếu con có thể làm việc đó, con cũng có thể làm việc này. Với con thì, đây cũng chỉ là một nhiệm vụ công việc nữa thôi. Làm công việc, hoàn thành nhiệm vụ, và đến sáng mai mọi thứ sẽ kết thúc. Chuông reo là chiến. Đúng không?"
"Đúng ạ," đứa con đáp.
"Ngày mai, đến khi cha gặp lại con thì bác sĩ Smith đã xử lý xong cái thứ đó rồi, và thế là xong."
"Vâng."
"Hai chàng trai tuyệt vời của cha!"
Sau đó họ đi bỏ lại ông một mình trong phòng cùng cậu bé giường bên cạnh. Ông với tay ra bàn cạnh giường, chỗ mẹ ông đã xếp chồng mấy cuốn sách, và bắt đầu đọc Robinson gia đình Thụy Sĩ. Rồi đọc thử Đảo giấu vàng. Rồi đến Kim. Rồi ông thọc tay xuống dưới chăn tìm chỗ thoát vị. Chỗ sưng đã biến mất. Ông biết từ kinh nghiệm trước đó rằng có những ngày chỗ sưng tạm thời lặn mất, nhưng lần này ông chắc chắn rằng nó sẽ lặn đi vĩnh viễn và rằng ông sẽ không cần phải mổ. Khi một y tá vào đo nhiệt độ, ông không biết làm sao để nói với cô rằng chỗ thoát vị đã biến mất và họ nên gọi cha mẹ đến đưa ông về nhà. Cô hài lòng nhìn những đầu sách ông mang theo và bảo ông được tự do ra khỏi giường đi vệ sinh nhưng ngoài ra thì ông chỉ được thoải mái đọc sách tới khi cô trở lại tắt điện. Cô chẳng nói gì về cậu bé giường bên, ông chắc là cậu ta sắp chết.
Ban đầu ông không thể ngủ được vì cứ nằm chờ cậu bé kia chết, nhưng sau đó thì là vì không sao ngừng nghĩ về cái xác chết đuối bị sóng đánh dạt vào bờ biển hồi hè năm ngoái. Đó là xác một thủy thủ, tàu chở dầu của anh bị ngư lôi của tàu ngầm Đức tấn công. Tàu tuần tra của Cảnh vệ Bờ biển đã phát hiện ra cái xác giữa lớp váng dầu và những kiện hàng tan nát ở ven bờ biển chỉ hai dãy phố là tới ngôi nhà mà hè nào gia đình bốn người nhà ông cũng thuê một phòng nghỉ trong một tháng. Hầu như ngày nào nước cũng trong nên khi bước xuống vùng nước nông ông không lo đôi chân trần của mình sẽ đụng phải một người chết đuối. Nhưng khi dầu từ chiếc tàu trúng ngư lôi ấy thấm đẫm bãi cát và đóng thành lớp dày dưới gan bàn chân khi ông đi ngang qua bãi biển thì ông rất sợ vấp phải một cái thây ma. Hoặc vấp phải một kẻ phá hoại, đang lên bờ để phục vụ cho Hitler. Được trang bị súng trường, súng tiểu liên và thường có chó nghiệp vụ hỗ trợ, lính Cảnh vệ Bờ biển luôn tuần tra ngày đêm để ngăn chặn những kẻ phá hoại xâm nhập vào hàng dặm bờ biển không người. Nhưng vài tên vẫn lọt qua mà không bị phát hiện, và người ta biết chúng, cùng với đám Mỹ gian ủng hộ phát xít, luôn giữ liên lạc vô tuyến tàu-bờ với những tàu ngầm luôn rình rập khắp các tuyến đường biển ở Bờ Đông và liên tục đánh chìm tàu thuyền ngoài khơi New Jersey từ khi chiến tranh mới bắt đầu. Chiến tranh đã đến gần hơn hầu hết mọi người hình dung, và nỗi kinh hoàng cũng vậy. Cha ông đọc trên báo thấy bảo trên suốt dọc đường bờ biển nước Mỹ, vùng biền New Jersey là "bãi tha ma tồi tệ nhất của những con tàu," và giờ, trong bệnh viện, ông không thể buộc cái từ "bãi tha ma" ngừng hành hạ mình, cũng không thể gạt khỏi đầu hình ảnh cái xác chết trương phềnh mà Cảnh vệ Bờ biển đã vớt lên từ vùng nước chỉ nông chừng mươi phân nơi nó nằm, trong khi hai anh em ông đứng ngó từ lối đi trên bờ biển.
Thiếp đi được một lúc thì ông nghe thấy tiếng động trong phòng và tỉnh dậy thấy tấm rèm ngăn giữa hai giường đã được kéo lại che kín giường bên kia và thấy ở phía bên đó các bác sĩ và y tá đang làm việc - ông có thể thấy bóng họ di chuyển và nghe thấy tiếng họ thì thầm. Khi một y tá từ sau tấm rèm đi ra, cô thấy ông đang thức nên tiến lại dịu dàng bảo ông, "Ngủ tiếp đi cháu. Mai cháu sẽ có một ngày quan trọng đấy." "Có chuyện gì thế ạ?" ông hỏi. "Không có gì đâu," cô đáp, "bọn cô thay băng cho bạn ấy thôi mà. Nhắm mắt lại ngủ tiếp đi cháu."
Sáng hôm sau ông bị đánh thức dậy sớm để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật và mẹ ông ở đó, đã có mặt ở bệnh viện và mỉm cười với ông từ cuối giường.
"Chào buổi sáng, con yêu. Cậu bé can đảm của mẹ thế nào rồi?"
Nhìn sang giường bên kia, ông thấy chăn ga đã bị lột đi hết. Với ông, không gì chứng minh cho chuyện đã xảy ra rõ bằng cảnh tấm đệm trần cùng chiếc gối không vỏ xếp giữa chiếc giường trống.
"Thằng bé đó chết rồi" ông nói. Quả là đáng nhớ khi ông phải vào bệnh viện ở tuổi nhỏ như vậy, nhưng còn đáng nhớ hơn khi ông đã chứng kiến cái chết. Đầu tiên là cái xác trương phềnh, tiếp theo là thằng bé đó. Suốt đêm, khi tỉnh giấc thấy những bóng người chuyển động phía sau tấm rèm, ông không sao không nghĩ: Các bác sĩ đang giết cậu ấy.
"Mẹ thì tin là bạn ấy chuyển đi thôi, con yêu ạ. Bạn ấy phải chuyển sang tầng khác."
Đúng lúc ấy hai hộ lý xuất hiện để đưa ông vào phòng mổ. Khi một trong hai người đó bảo ông đi vệ sinh, việc đầu tiên ông làm là kiểm tra xem chỗ thoát vị đã hết chưa. Nhưng nó đã trở lại. Giờ thì chẳng có cách nào thoát khỏi cuộc phẫu thuật nữa rồi.
Mẹ ông chỉ được phép đi cùng xe cáng đến chỗ thang máy dẫn ông lên phòng mổ. Các hộ lý đẩy ông vào buồng thang máy, và rồi nó đi xuống cho tới khi mở ra trước một hành lang xấu đến choáng váng dẫn tới một phòng mổ nơi bác sĩ Smith đã mặc áo choàng phẫu thuật, đeo khẩu trang trắng khiến ông trông hoàn toàn thay đổi - thậm chí có khi đó không phải là bác sĩ Smith. Đó có thể là một kẻ nào đó hoàn toàn khác, kẻ nào đó không phải là con trai của nhũng người nhập cư nghèo mang họ Smulowitz, kẻ nào đó mà cha ông chẳng biết gì, kẻ nào đó chẳng ai biết, kẻ nào đó chỉ vừa mới lang thang vào phòng mổ và cầm lấy con dao. Trong khoảnh khắc kinh hoàng khi họ chụp mặt nạ ête xuống mặt ông, như thể muốn làm ông ngạt thở, ông có thể thề rằng bác sĩ phẫu thuật, dù hắn là ai, đã thì thầm, "Giờ ta sẽ biến ngươi thành con gái."