Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Tác giả:
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Người Của Biển
Upload bìa: Trạch Văn Đùng
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2024-09-01 17:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ơ quan Bộ tư lệnh Hải quân ở dưới chân ngọn núi đá trong triền núi dài ven biển. Những ngôi nhà lợp tôn được phủ lưới ngụy trang ẩn trong những lùm cây rậm nằm rải rác; từ xa nhìn vào khó mà biết đó là khu quân sự. Phía trước có con đường rải đá. Sườn bên phải là nhà khách, nhà ở, phòng họp, khu thông tin...
Chỗ làm việc của tư lệnh đặt lưng chừng sườn bên trái, trong một hang đá. Hang khá rộng, được sửa sang chẳng khác căn nhà có nhiều phòng. Phòng trong, sau dãy bàn dài tấm bản đồ bọc mi-ca dựng lên như một bức vách, choán gần hết chiều dài của hang. Phòng ngoài cùng, cách phòng giữa một lớp gỗ dán, quét sơn xanh, luôn luôn có mặt đồng chí trung úy dong dỏng cao, da trắng, khuôn mặt tỏ ra khá khó tính. Ở đấy chuông điện thoại réo liên tục và luôn có người đến để làm việc.
Khi đoàn trưởng Tư và Lê tới, trời tối đã một lúc, ngỡ muộn, song họ bị giữ lại ở phòng ngoài.
- Tối nay đồng chí tư lệnh không tiếp ai cả - Đồng chí trung úy thông báo.
- Nhưng chúng tôi có điện gọi của văn phòng Tư lệnh hẹn vào giờ này.
- Thế thì các đồng chí chờ.
Có tiếng chuông điện thoại. Anh ta vội cầm máy:
- A lô tôi nghe! Anh nhầm rồi, trực ban tác chiến số máy 378 nhé. Sao? Nhưng đồng chí ấy đang bận. Làm việc khẩn à? Ở đây cũng rất nhiều việc khẩn. Đồng chí cứ gọi về trực ban tác chiến ở đó sẽ có người giải quyết. Vâng, 378!
Anh ta bỏ máy, nhìn đồng hồ rồi quay một chiếc máy khác.
- A lô! Cho tôi gặp đồng chí trưởng phòng quân báo. Vâng! Tôi xin nhắc: Mười phút nữa đến giờ làm việc của tư lệnh với đồng chí…
Lê thấy oi bức. Anh ra đứng ở cửa hang. Bầu trời xám xì thưa thớt sao. Mây vần vũ như thể sắp có giông.
Thời tiết này sẽ hạn chế nhiều ít oanh tạc của máy bay địch, đêm nay chắc yên tĩnh.
Lê nhìn vào bóng tối và bắt đầu sốt ruột. Anh vẫn chưa thật rõ tư lệnh quân chủng cho gọi anh lên với mục đích gì, để ít ra cũng phác sẵn vài nét sơ lược rồi dựa vào đó mà báo cáo. Anh nghĩ rằng ông quan tâm đến chuyến đi trinh sát gần một tháng vừa qua của anh vào vùng biển phía Nam. Chuyến đi ấy, anh đã báo cáo tỉ mỷ với đoàn: tình hình hoạt động trên biển của địch, ban ngày, ban đêm; thái độ của chúng khi gặp tàu ta; các dạng tàu nước ngoài hay qua lại từng vùng... và cũng đã đề xuất ý kiến cách ứng xử trong cáo tình huống. Nhưng điều ấy chỉ cần đoàn trưởng làm việc với Bộ tư lệnh là đủ, từ trước vẫn thế. Khi Lê hỏi đoàn trưởng Tư về nội dung làm việc ở Bộ tư lệnh hôm nay, cũng chỉ được trả lời rất chung chung: vẫn là vấn đề đưa vũ khí vào chiến trường! Chẳng phải đoàn trưởng Tư giữ kín, mà thực ra ông cũng chỉ nhận được điện gọi lên báo cáo tình hình, kèm theo lời chua: đồng chí thuyền trưởng tàu 67 cùng đi vậy thôi.
-----------------------------
Chú thích:
- "Hai người đoàn tụ hai đầu chiến trường": Một câu thơ của Chính Hữu.
Có tiếng chân bước gấp lên cửa hang. Lê nhận ra một dáng người thấp đậm, mang quân hàm đại úy, anh đoán đây là đồng chí trưởng phòng quân báo. Trong hang, đoàn trưởng Tư đã đứng dậy. Tư lệnh quân chủng từ phòng trong bước ra; trông ông nhanh nhẹn, người gầy nhưng còn khỏe, da mặt hơi xanh song đôi mắt chưa biểu hiện sự mệt mỏi của người già; chiếc áo màu ghi hơi rộng so với khổ người, ve áo cài quân hàm đại tá. Cùng ra với ông là một đồng chí trung tá béo xệ, Lê không quen biết; hai người dường như vẫn chưa dứt câu chuyện.
- Không nhưng và nếu gì cả - Tư lệnh nói, ông nhìn thẳng vào người trung tá, vẻ không hài lòng - Bằng mọi giá phải thông luồng. Đó là chỉ thị của Quân ủy. Anh cứ cho tiến hành. Chưa quen? Làm rồi sẽ quen. Đánh máy bay Mỹ, ta chưa quen, đánh, học, học, đánh rồi quen. Phá thủy lôi cũng vậy. Tôi hứa sẽ chi viện tối đa.
- Tàu phá lôi, báo cáo là chúng tôi rất thiếu.
- Tôi sẽ điều thêm.
- Cán bộ kỹ thuật cũng...
- Người của xưởng sẽ tới. Kỹ sư cả.
- Còn tiêu chuẩn, chế độ...
- Với người lính, chế độ cao nhất là được làm nhiệm vụ khó khăn vô điều kiện. Anh lại bắt đầu học lối đòi hỏi trước. Phải biết tin vào chiến sĩ. Nhìn dáng nặng nề của người trung tá lịch bịch đi xuống bậc đá, Lê không mấy cảm tình.
- Nào xin mời vào cả trong này - Tư lệnh quay sang phía đoàn trưởng Tư và trưởng phòng quân báo - Anh Tư chờ lâu chưa? Xin lỗi, có việc đột xuất mà. Còn đồng chí thuyền trưởng đâu?
Lê vội vã bước vào:
- Báo cáo, tôi có mặt.
- Đồng chí vừa đi một chuyến thú vị lắm hả? Nghe nói thủy thủ toàn tàu hao những hơn ba mươi lăm cân phải không? Đồng chí cũng say sóng chứ? Hôm nay tôi muốn trực tiếp nghe đồng chí đấy.
Mọi người bước vào phòng. Căn phòng khá rộng, vách bên phải treo tấm bản đồ toàn khu vực Đông Nam Á; vách trái là tấm hải đồ Vịnh Bắc Bộ. Đồ đạc đơn sơ chỉ có bàn làm việc, điện thoại và tủ đựng tài liệu. Bốn góc phòng đều có ánh điện hắt xuống. Ngồi đây, nếu không có hơi lạnh của hang đá tỏa ra, khó nhận rằng đang ở trong núi.
- Chúng ta làm việc luôn nhé - Tư lệnh nói khi mọi người đã ngồi xuống quanh chiếc bàn dài; ông ngồi phía đầu bàn, trước mặt là một số giấy tờ chưa kịp xếp - Thời gian ít lắm, tôi bận mà các đồng chí cũng bận, nên tránh dài dòng. Một là, anh Bột báo cáo để các anh bên đoàn 25 nắm luôn tình hình địch có liên quan đến nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường. Hai là đoàn 25 cho biết tỉ mỉ chuyến đi trinh sát vừa rồi. Và ba là bàn biện pháp đưa hàng vào khu Năm.
À, thì ra là vấn đề đưa hàng vào khu Năm - Lê nghĩ.
- Mời anh Bột.
Trưởng phòng quân báo đã chuẩn bị sẵn. Anh móc túi lấy kính rồi xin phép tư lệnh trình bày. Giọng anh trầm, dễ nghe; anh nói mạch lạc, không vội vàng. "Con người này hoàn toàn phù hợp với công việc quân báo của mình". Lê nhìn anh và nghe chăm chú. Đồng chí đại úy nêu một số nét tổng quát về cái gọi là "kế hoạch dốc toàn lực của hải quân Hoa Kỳ và hải quân Việt Nam Cộng hòa dê tận diệt âm mưu thâm nhập của Cộng sản Bắc Việt". Sau đó anh đưa ra một vài con số cụ thể về lượng tàu thuyền và máy bay của Mỹ - ngụy bố trí ven bờ biển miền Nam, từ vĩ tuyến 17 đến hải phận Cam-pu-chia. Cuối cùng, anh nói:
- Hiện nay, để dễ kiểm soát và phân trách nhiệm, chúng chia vùng biển từ vĩ tuyến 17 đến sát hải phận Cam-pu-chia thành 9 khu vực, mỗi khu vực dài từ 80 đến 120 hải lý, rộng từ 30 đến 40 hải lý. Tin chúng tôi mới nhận được, gần đây đã có một cuộc họp gồm đại diện cục tác chiến hải quân Mỹ, đại diện vùng Thái Bình Dương, đại diện hạm đội 7, đại diện bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam với tên trưởng nhóm cố vấn hải quân Mỹ ở miền Nam để tiếp tục đốc thúc chiến dịch. Và chúng đã tăng số tàu hoạt động ngoài khơi từ 9 lên 14 chiếc; tăng gấp đôi số máy bay trinh sát; tăng tàu tuần tiễu ven bờ từ 54 lên 84 chiếc và tàu UPB từ 17 lên 26 chiếc. Mặt biển miền Nam đã được ken một khối lượng tàu chiến không nhỏ và, như chúng nói, thì mặt biển miền Nam đã được rải một lớp váng tàu chiến, tàu Bắc Việt muốn vào bờ, trước hết hãy xuyên thủng lớp váng đó. Đấy là chưa kể hệ thống ra-đa, máy bay trinh sát và lực lượng rất đông tàu thuyền đánh cá 1.
Trưởng phòng quân báo ngừng lời. Tất cả im phắc. Đại tá tư lệnh, mắt vẫn không rời tấm hải đồ, đầu khẽ gật gật. Một lát sau ông nói:
- Phải nhận rằng bộ máy điều hành chiến tranh của chúng có tổ chức và phản ứng nhanh. Các đồng chí cũng rõ đấy, một thực tế không thể phủ nhận là chúng đã đạt được nhưng hiệu quả nhất định trong việc ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường bằng đường biển. Năm vừa qua, ta đã tung đi bốn chuyến, mà không một chuyến nào thành công, đúng như vậy không anh Tư?
- Báo cáo, đúng ạ?
- Trước tình hình ấy, Bộ tư lệnh, được sự đồng ý của Quân ủy, quyết định tạm ngừng vận chuyển một thời gian để củng cố và nắm thêm tình hình địch, tình hình bến. Chúng ta đã cho tàu T.67 đi trinh sát và hôm nay và tôi muốn nghe người trực tiếp đi chuyến đó báo cáo để làm căn cứ cho Bộ tư lệnh hạ quyết tâm.
Lê ngước lên nhìn tư lệnh và thấy lúng túng. Không rõ nên vào chuyện từ đâu và nói thế nào cho trúng ý. Anh nhanh chóng nhớ lại toàn bộ chuyến đi của mình. Bữa đó, xuất phát vào một đêm tối trời, bọn anh vượt qua vĩ tuyến 17, vòng ra vùng biển quốc tế, đi theo đường tàu buôn nước ngoài, hướng xuống quần đảo Boóc- nê-ô. Dừng lại "đánh cá" ở Vịnh Thái Lan; vào vùng biển Cà Mau, thuận đà ngược lên Côn Đảo, neo lại ngoài khơi nghe ngóng rồi đi sát vào vùng biển khu Sáu, khu Năm, trở về Bắc...
Lê đứng dậy nhưng tư lệnh ra hiệu cho anh ngồi xuống. Anh báo cáo những gì anh đã thấy, đã gặp và những nhận xét của mình. Anh lo có lẽ nói dài, làm mất việc của người chỉ huy, nhưng tư lệnh tỏ ra chăm chú; ông vừa nghe vừa nhìn Lê, khuyến khích. Anh còn kể thêm nhiều chuyện, từ chuyện ăn dưa hấu rồi ném vỏ sang tàu Mỹ thế nào; chuyện giả vờ đánh cá ra sao, và chuyện họp bàn tìm cách để đánh lừa chúng. Nhìn thái độ tư lệnh, Lê biết, là ông rất thú những chi tiết ấy.
Sau khi yêu cầu cho biết thêm một số điểm về tình hình mạt biển khu Năm, tư lệnh hỏi Lê:
- Theo đồng chí, ta đưa tàu vào khu Năm được không?
- Báo cáo, địa hình ở đấy không thuận lợi như ở Cà Mau - Giọng Lê tự tin - Ở Cà Mau có rừng đước, nhiều lạch; việc bốc hàng và ngụy trang tàu thuận lợi. Ta chỉ cần vào được bến, tàu chui vào lạch, coi như thành công. Còn ở khu Năm, thời cơ vào bến và bốc hàng chỉ cho phép trong một đêm, gần sáng phải quay ra, địa hình ở đó trống trải, bãi ngang là chủ yếu. Song nếu khâu hợp đồng với bến tốt, ta vẫn có thể lựa thời cơ vào được.
- Hợp đồng với bến, cụ thể là vấn đề gì? - Tư lệnh hỏi.
- Dạ, vẫn không có gì khác lắm với những chuyến đi trước, ta phải tính toán giờ nước lên để tàu vào không bị cạn, vẫn kịp rút ra; là có sẵn lực lượng để bốc hàng được ngay, bốc nhanh; là phải có tín hiệu, ám hiệu nhận nhau …
- Tôi hiểu! Tôi hiểu! - Tư lệnh ngắt lời - Khâu hợp đồng với bến, Bộ tư lệnh sẽ lo - Và nhìn thẳng vào mắt anh, đột ngột hỏi - Lê này, đồng chí đi chuyến tới được không?
- Tôi ạ? Báo cáo, được.
Tuy trả lời tư lệnh như vậy, nhưng Lê vẫn bối rối, anh nhìn sang đoàn trưởng Tư và an tâm khi thấy ông gật đầu.
- Tất cả những gì ta đã biết, ta đã bàn, cho tôi một quyết định: tàu của đồng chí Lê đi khu Năm, anh Tư ạ. Chiến trường khu Năm đang rất cần vũ khí. Trên yêu cầu không, không phải yêu cầu mà trên chỉ thị cho ta chi viện gấp. Tình hình địch, các anh rõ rồi, hoặc là ta bó tay, chịu thua chúng, hoặc là tiếp tục tìm mọi cách đưa được vũ khí vào chiến trường. Ta sẽ chọn cách thứ hai. Cuộc chiến đấu ở trong đó không thể ngơi nghỉ... Về điểm này, với các anh, không cần giải thích dài. Nhiệm vụ cụ thể, Bộ tư lệnh sẽ xuống làm việc trực tiếp với đoàn. Riêng tôi, hứa là đến ngày tàu nhổ neo, nếu không bận việc, sê xuống với anh em... Mặt biển đã trở nên hết sức phức tạp, công việc của chúng ta địch rõ cả. Hai bên đã chơi bài ngửa; do vậy đòi hỏi ở các đồng chí nắm vững tình hình địch trên tuyến đường đi đã đành; nhưng điều trước tiên là phải dũng cảm, mưu mẹo, phải thông minh, linh hoạt; thận trọng, bí mật nhưng táo bạo và quyết đoán. Phải có bản lĩnh để đấu trí với chúng. Và - Tư lệnh tỏ ra xúc động. Ông dừng lại rồi hình như định nói thêm điều gì nữa, khuôn mặt đăm chiêu, nghĩ ngợi, đôi mắt nhìn xuống, nhưng ông đứng dậy và chỉ hỏi:
- Các anh còn ý kiến gì nữa không? Hết rồi thì ta nghỉ.
Mọi người đứng lên bắt tay ông. Khi ra tới phòng ngoài, ông dừng lại và quay sang Lê:
- Thế gia đình ở đâu?
--------------------------------
Chú thích:
1. Những chi tiết và số liệu trên ghi theo tài liệu của địch mà ta thu được - TG
- Báo cáo với tư lệnh, quê đồng chí ấy ở Hải Phòng. Người yêu làm ở xưởng đóng tàu - Đoàn trưởng Tư trả lời thay - Cô ấy là kỹ sư, tham gia thiết kế tàu cho hải quân ta.
- Thú vị nhỉ! - Tư lệnh vui vẻ - Chồng đi biển, vợ đóng tàu. Không phải "trai anh hùng, gái thuyền quyên" nữa mà là trai anh hùng, gái cũng anh hùng. Mỗi thời mỗi khác. Nhưng không rỉ tai cho cô ấy rõ nhiệm vụ của con tàu chứ.
- Báo cáo, về việc ấy thì tuyệt mật ạ! - Lê trả lời.
- Báo cáo tư lệnh, Bộ Giao thông đã có chỉ thị xuống nhà máy đóng tàu là cấm mọi sự dò hỏi về điều đó - Đoàn trưởng Tư nói thêm.
- Hôm nay anh làm việc với bên đó thế nào? - Tư lệnh lại hỏi.
- Báo cáo, thuận lợi. Họ chấp nhận mọi yêu cầu của ta.
- Kể cả thời gian?
- Vâng! Đồng chí giám đốc hứa sẽ cố hết sức cho tàu hạ thủy sớm hơn kế hoạch trước đây.
- Cụ thể?
- Điều ấy chưa định được. Dịp này chúng nó ném bom dữ lắm, nhà máy không đơn thuần chỉ làm một nhiệm vụ sản xuất.
- Ai nghĩ rằng việc đưa vũ khí vào Nam chỉ là công lao của hải quân, là sự hy sinh của chỉ chúng ta thì thật sai lầm - Tư lệnh nói, vẻ mặt trầm ngâm…
Tư và Lê về tới nhà khách, trời đã khuya lắm. Xa xa đâu đó vẳng lại tiếng gà gáy. Lê chưa vào nhà, anh đứng ở sân, tần ngần nhìn về hướng Hải Phòng. Ở đó, một vầng sáng hắt lên. Thành phố vẫn thức! Thành phố vẫn làm việc! Lê thấy xúc động. Một tình cảm như thể là niềm tự hào, niềm vui, và cả nỗi nhớ nữa hòa quyện, lan ập, khiến anh bâng lâng. Anh biết rằng cái vầng sáng đêm đêm vẫn hắt lên nền trời kia gửi gắm nơi anh nhiều điều lắm: nó cho anh niềm tin, cho anh niềm hy vọng, cho anh nỗi nhớ, lòng chung thủy và anh biết nó sẽ soi rọi cho anh trên mỗi chặng đường đi.
Lê đứng lặng, trong lòng xốn xang và thấy mình như được nâng bổng lên với bao sự kỳ diệu. Đêm tĩnh mịch. Đâu đây nghe như có tiếng con chim đi ăn đêm gõ mỏ vào thân cây. Đằng xa, ẩn trong phiến đá nào đó, một chú tắc kè diềm nhiên gọi lên bảy tiếng. Ngọn núi đá neo trong bóng đêm tỏa ra luồng khí lành lạnh. Lê hít một hơi thật sâu, tự cười với mình và khoan khoái bước vào nhà.
Người Của Biển Người Của Biển - Người Của Biển