Nguyên tác: Повесть О Суровом Друге (1937)
Số lần đọc/download: 271 / 6
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:36 +0700
Chương 2 - Chúa
K
ẻ bạo chúa đọa đày, tàn bạo,
Dọa tù đày, xiềng xích, cùm gông,
Thể xác thương tàn, nhưng tâm hồn ta rộng cánh,
Nhục nhã thay kẻ bạo chúa cuồng ngông!
1
Những đám mây mùa thu ẩm ướt, tản mạn lướt đi trên mặt đất. Chúng sà thấp xuống xóm thợ làm vướng cả từng dải bẩn thỉu vào cây cối. Cuộc sống trở nên tối tăm và eo hẹp. Mưa gió lạnh lẽo quất xuống suốt ngày đêm.
Mặc dù bố tôi hết sức giúp chú Anisim Ivanovich, gia đình chú vẫn sống rất nghèo khổ. Trong nhà chú nhiều khi đến cả một gầu than cũng không có. Vaska buộc phải đi làm việc.
Lúc đầu, người ta không nhận cậu. Lão đốc công không muốn nghe đến chuyện lấy vào nhà máy một đứa trẻ con như vậy. Lúc đó mọi người khuyên thím Matrena tới Nhà thờ, ở đó cha Ioann vẫn bán tuổi – ai mua bao nhiêu cũng được. Mỗi tuổi giá ba rúp. Với giá chín đồng bạc cha Ioann đã đưa cho một tờ giấy thánh mà theo đó Vaska từ mười một tuổi biến ngay thành mười bốn. Bấy giờ người ta mới ghi tên cậu vào làm công nhân và thậm chí còn trao cho cậu một miếng sắt tây hình tròn, có lỗ thủng và có rập số: 733.
Buổi tối chúng tôi đến tụ họp ở cạnh căn nhà hầm của Vaska để thăm hỏi lần cuối vị thủ lĩnh của mình, cả cậu bé người Hy Lạp Ucha một cậu bé tàn tật, gầy còm với đôi mắt đen và cái mũi khoằm, Abdulka Di-gan, con chú Hussein bị ngồi tù một cách oan uổng và thằng Ilyukha tóc hung, mà cả bọn chúng tôi đều không ưa, cũng tới. Bố thằng Ilyukha làm ở nhà tắm công cộng, cả nhà nó nổi tiếng là tham lam – đến một hòn đá ở sân nhà nó người ta cũng không xin nổi. Thằng Ilyukha lúc nào cũng thò lò mũi xanh. Mặt và hai tay nó đầy tàn hương, như thể một người thợ quét sơn nghịch ngợm nào đó đã vẩy vào mặt nó cả cái chổi sơn. Lông mi thằng Ilyukha trắng như lông lợn. Người ta “kính trọng” nó chỉ vì nó biết vẫy hai tai.
Đường phố đã chìm trong bóng tối thật buồn tẻ và hiu quạnh. Trên nền trời đen thẫm, lấp lánh những vì sao.
Ủ kín mình trong những chiếc áo bông cũ, chúng tôi ngồi sát bên nhau trên một chiếc ghế dài, đứa nọ sưởi ấm cho đứa kia. Thằng Ilyukha tóc hung đỏ nhìn lên các vì sao và kể cho chúng tôi nghe rằng, bầu trời tức là nhà lầu của Chúa, còn các vì sao là những cửa sổ của nhà lầu đó. Mỗi người khi sinh ra đều được Chúa đục cho một ô cửa sổ ở trên trời. Thiên thần sẽ ngồi lên bệ cửa sổ, tay cầm một ngọn nến, khi nào người này chết thiên thần sẽ tắt nến, đóng ô cửa sổ lại và bay đi.
“Không biết ô cửa sổ của mình trên đó ở chỗ nào nhỉ?” – tôi ngẫm nghĩ, mắt nhìn lên các vì sao, còn chúng thì lấp lánh như những vật sống, khi đột nhiên biến mất trong bóng tối, khi lại sáng hiện ra…
- Thế còn cửa sổ của Chúa ở đâu? – Ucha hỏi, cậu liếc nhìn thằng Ilyukha, đôi mắt ranh mãnh đen như hai hạt huyền.
Thằng Ilyukha cười khẩy ra vẻ khinh bỉ.
- Cậu không biết à? Úi chà, thế mà cũng đòi là theo đạo Chính giáo, cửa sổ nào to nhất chính là của Chúa.
- Nhưng cửa nào cơ? – Abdulka Di-gan, cậu bé Tatar có cặp môi dày, người loắt choắt và lùn tè hỏi.
- Hừm cửa nào à? Thử đoán xem!
Abdulka im lặng. Chúng tôi cũng không biết. Nhưng rồi thằng Ilyukha giải thích:
- Là mặt trăng chứ còn ở đâu nữa.
Ucha hỏi, vẻ châm chọc:
- Thế nghĩa là ban ngày Chúa chẳng nhìn thấy gì à?
- Tại sao thế? – thằng Ilyukha hồi hộp hỏi.
- Vì ban ngày không bao giờ thấy mặt trăng cả.
Thằng Ilyukha cười phá lên một cách gượng gạo:
- Đồ dở người! Ban ngày mặt trăng chiếu để làm gì, nếu không có nó mà vẫn nhìn rõ hết? Đêm lại là chuyện khác, khi trời tối mới cần chiếu sáng chứ.
- Thế bây giờ Chúa có nhìn thấy gì không? – đột nhiên Vaska hỏi, từ đầu đến giờ cậu vẫn ngồi yên trầm ngâm suy nghĩ.
- Bây giờ ấy à?
- Ừ.
- Sao lại không? – Thằng Ilyukha vội vã trả lời. – Chúa bao giờ cũng nhìn thấy tất cả mọi thứ, kể cả ngày lẫn đêm.
- Nhưng không có mặt trăng bây giờ thì Chúa làm thế nào mà nhìn thấy được?
Vaska làm tất cả phải ngạc nhiên. Mà quả thực Chúa làm thế nào mà nhìn thấy được trong bóng tối, nếu như không có trăng?
- Gớm, đồ ngốc, – thằng Ilyukha phát cáu, – thế các thiên thần ở trên trời thì để làm gì? Các vị ấy nhìn và kể lại cho Chúa nghe. Người ta ở bên trái bao giờ cũng có thiên thần, còn ở bên phải là con quỷ có móng. Thiên thần cứu người ta khỏi chết, còn con quỷ thì dẫn người ta đến tội lỗi. Thậm chí lúc chúng mình ngủ các thiên thần cũng đứng cạnh ở bên gối. Hôm nay tớ vừa gặp một chuyện lý thú. Sáng sớm tỉnh dậy, tớ hé mắt nhìn thấy Người ngồi ngay bên cạnh.
- Ai cơ?
- Người ta đã nói là thiên thần mà lại. Người ngồi và ngủ gà ngủ gật. Tớ vừ… vừa… chồm dậy, Người đã vỗ cánh và bay đi mất.
- Bay đi đâu? – tôi hỏi sửng sốt trước những lời thằng Ilyukha.
- Đi đâu, đi đâu! Đi đến chỗ ấy. Bay vào ống khói ấy.
- Nhưng mà trong ấy có mồ hóng.
- Thế thì sao? Người xuống ao tắm sạch sẽ, rồi lại bay lên trời.
- Mày nói láo, Ilyukha ạ, – Vaska giận dữ nói.
Thằng Ilyukha thanh minh:
- Trong Kinh thánh đã nói như vậy, còn tao ở đây không có liên quan gì cả. Mà chính mày cũng đã nói với thằng Lenka về thiên đường và quỷ dữ cơ mà, quên rồi à, hả? Quên rồi à?
- Quên hay không quên, đó là việc của tao, – Vaska cau có đáp lại. – Còn nói láo, đã nhìn thấy thiên thần thật thì chẳng để làm quái gì cả.
- Tao có thể cho mày xem cái lông rơi từ cánh thiên thần ra, nếu mày không tin.
- Mày lại nói láo.
- Tao nói láo thì tao chết ngay lập tức! Lúc thiên thần bay vào ống khói, Người vướng vào một cái đinh nhỏ và rụng mất một cái lông. Đi xem ngay bây giờ cũng được, nó hãy còn nằm sau những bức ảnh thánh ở nhà tao ấy.
- Chắc là lông con gà trống.
- Lông gà trống là thế nào!
Chúng tôi im lặng. Thấy không có ai phản đối, thằng Ilyukha nhìn lên trời lấp lánh ánh sao, kể tiếp:
- Còn kia là đường lên thiên đàng, chúng mày thấy chưa, ở chỗ những ngôi sao chi chít thành một dải dài ấy. Sau khi chết những người chính trực sẽ theo con đường này mà lên thiên đàng. Ở đấy có thánh Pyotr tay cầm chìa khóa bằng vàng đứng canh cổng. Đần độn thì đừng có hòng lẻn vào được với ông ta.
- Ông ấy đòi xem giấy à? – Abdulka hồn nhiên hỏi.
Vaska cười khẩy:
- Xem giấy chứng minh!
- Không phải giấy chứng minh đâu, mà là cây thánh giá ở trên cổ kia. – Thằng Ilyukha sửa lại. – Nếu là một kẻ có tội thì cây thánh giá sẽ bị gỉ, còn ở người chính trực thì cây thánh giá mới tinh, sáng chói như ánh mặt trời. Nếu thánh Pyotr trông thấy kẻ có tội muốn lẻn vào thiên đàng, thánh sẽ tóm ngay lấy cổ áo hắn ta, thúc đầu gối vào đít hắn, đuổi ra.
- Thế ai sống trên thiên đàng? – Abdulka gặng hỏi.
- Ông Adam và bà Eva.
- Còn có ai nữa không?
- Tao đã bảo rồi mà: còn có những người chính trực nữa. Đó là những người đã sống không có tội lỗi gì dưới trần gian này. Bà tao bây giờ sống trên đó đấy.
- Sao mày biết?
- Tao nằm mơ thấy thế.
- Gớm, nằm mơ thấy… – Ucha dài giọng nhạo báng. – Nằm mơ thấy bà thì trời sẽ đổ mưa.
- Hoàn toàn chẳng có mưa gió gì cả… Sau đó tao còn nhìn thấy bà tao ở đâu, biết không? Ở trên thiên đàng, hình như bà tao ngồi dưới gốc cây của thiên đàng và ăn những quả táo vàng. Trên thiên đàng thì sung sướng, còn gần địa ngục, ngay cạnh cổng có xích một con chó bảy đầu, khủng khiếp vô cùng, tên là Sankhurkha.
Mặc dầu cảm thấy thằng Ilyukha nói láo, mọi người vẫn cứ thích nghe những câu chuyện của nó.
Tối hôm đó mãi tới khuya chúng tôi mới giải tán về nhà.
Vaska phải đi nằm sớm để sáng mai khỏi ngủ quên giờ đi làm. Khi tạm biệt chúng tôi cầm lấy tay nhau. Có lẽ Vaska cũng cảm thấy nặng nề. Cậu thở dài, động viên tôi:
- Không sao đâu, Lenka ạ. Tớ sẽ làm được tiền. Bố tớ sẽ cho chúng mình một hào, rồi chúng mình sẽ mua đầy một hũ bánh bàng và kẹo “cổ con tôm”, mà nếu cậu muốn, chúng mình sẽ mua cả chim bồ câu nữa.
- Mua chim bồ câu hơn, – tôi cố cầm nước mắt.
- Được rồi, ta sẽ mua chim bồ câu: sẽ mua những con chim lông đỏ, đuôi đen, sẽ mua cả một con “tu sĩ” nữa…
Ngày hôm sau cũng chán ngán. Trong lòng buồn bã, tôi lang thang trên đường phố, không biết đi đâu. Tôi chơi một lát với con Polkan bên cạnh cổng rào: tôi ném cái que ra xa rồi bắt nó mang trở lại. Sau đó tôi nhìn qua khe hàng rào xem mẹ thằng Ilyukha giặt quần áo trong sân. Cả việc đó cũng thấy chán. Tôi buồn rầu, lặng lẽ đi ra bờ sông, ngồi lên phiến đá cạnh đám cói khô và nhìn lên trời, rồi bắt đầu đếm những đám mây. Kìa, một đám mây thứ nhất, nom như một chiếc áo bẩn, bay qua, sau nó là đám thứ hai, nom như con ngựa đang phi.
Không hiểu bây giờ Chúa đang ngồi ở đám mây nào? Bà tôi đã từng kể chuyện rằng: Chúa có một quyển sổ vàng, trong đó ghi rõ ai ra đời lúc nào và người ấy được sống trên trần gian bao lâu. Trong đó có ghi cả về tôi nữa. Giá có thể liếc qua xem mình được sống bao lâu nhỉ! Tôi sẽ lấy một mảnh kính tẩy cuộc đời của mình đi và thêm vào đó độ hai năm. Với thằng Senka con nhà hàng giò tôi sẽ xóa bớt đi độ mười tuổi. Còn bố nó thì tôi sẽ hoàn toàn xóa bỏ hẳn trong quyển sổ của Chúa. Cứ để cho lão ta sau khi chết sẽ xuất hiện ở thế giới bên kia, Chúa sẽ soát trong quyển sổ và hỏi: “Lũ quỷ đã dẫn mày từ đâu tới đây? Mày không có tên trong quyển sổ vàng. Cút ngay xuống địa ngục!” và cho lão ta mấy cái bạt tai. Còn ở dưới địa ngục lũ quỷ sẽ tóm ngay cổ lão chủ hàng giò và ném lão vào một cái chảo: hãy tự rán cho kỹ, bạn thân mến, hãy nhảy múa trên cái chảo nóng bỏng này… sau đó sẽ ngồi vào thùng hắc ín đang sôi và lấy lưỡi liếm mảnh sắt nung đỏ…
Mải mê suy nghĩ, tôi không để ý mình đã ở bờ sông bao lâu. Những đám mây và đồng cỏ đã làm tôi chán ngán. Tôi đứng dậy, đi về nhà.
Tới nhà, một niềm sung sướng đột ngột đến với tôi.
- Con ơi, – mẹ tôi nói, khi tôi vừa bước qua ngưỡng cửa, – con hãy chạy vào nhà máy, mang cơm trưa cho bố. Mẹ thấy trong người khó chịu, vả lại đồ giặt hãy còn nhiều.
Tôi phải vất vả lắm mới kìm nổi mình khỏi nhảy lên. Vào nhà máy – như vậy có nghĩa là được đến chỗ Vaska, được thấy chỗ cậu làm việc và nói chuyện với cậu. Tôi còn nghe đồn rằng ở trong ấy đang rèn những quả đạn đại bác để đưa ra mặt trận. Chính mắt tôi sẽ được trông thấy những thứ đó.
Tôi cầm lấy chiếc cà-mèn đựng suất cơm trưa, chậm rãi bước ra khỏi nhà cốt để mẹ tôi trông thấy tôi mang suất cơm trưa một cách cẩn thận. Nhưng vừa ra khỏi cổng, tôi đã rú lên vì sung sướng và chạy vù đi làm sánh cả canh ra ngoài. Mẹ tôi kêu với theo:
- Hãy cẩn thận, cái thằng điên kia.
Nhưng tôi không muốn nghe thấy một cái gì hết cả.
2
Tôi đã từng vào nhà máy nhiều lần. Nhưng lẻn vào đó từ phía sân sau, chốc chốc lại phải nhìn quanh xem lão Hughes có tới không là một việc, còn đi một cách tự do, đường hoàng – vì tôi đem suất cơm trưa cho bố tôi mà lại – lại là việc khác!
Lần đầu tiên tôi được thực sự nhìn thấy nhà máy. Khói đen và muội than che kín cả mặt trời. Khắp nơi là tiếng ầm ầm, tiếng chan chát, tiếng rít, tiếng kêu lanh lảnh. Những bánh xe đồ sộ quay tròn, một cái gì đó nổ ầm ầm ngay trên đầu. Tưởng chừng như có một người khổng lồ khủng khiếp nào vừa nghiến răng ken két, vừa nhai bất kỳ thứ gì vớ được ở đây: sắt, đá, người, không phải ngẫu nhiên mà thấy có tiếng kêu răng rắc, tiếng nổ ròn, còn lửa thì cứ phụt ra như từ hai lỗ mũi của ông ta qua làn khói đen sì.
Tất cả mọi thứ ở nhà máy đều đã han gỉ: đất, sắt, ống khói, thậm chí cả những con chim sẻ cũng thế. Mùi vôi, mùi dầu hắc ín, mùi khét lẹt bốc lên nồng nặc có thể chết ngạt được.
Bên cạnh những lò luyện gang cao ngất, những người thợ vận chuyển gân guốc đang đẩy những xe cút kít hai bánh bằng sắt chất đầy than cốc và quặng. Tôi nhìn những tấm lưng trần đỏ vì bụi quặng của họ và nhớ tới chú Hussein, bố của Abdulka. Chú ấy làm ở đây và hiện giờ vô cớ bị ngồi tù.
Sau những lò cao là bắt đầu phân xưởng lò mác-tanh. Tôi xem mãi những người thợ luyện thép mang trên vai những thỏi gang nặng hàng pút; họ uốn mình tránh lửa, rồi ném những thỏi gang vào cửa lò, lửa từ đó phụt ra điên cuồng, dường như chỉ muốn đuổi kịp những người thợ và đốt cháy họ. Da mặt những người thợ nứt nẻ ra vì nóng, quần áo họ bốc khói. Thợ luyện thép là những người dũng cảm – Kuzma Kryuchkov và thậm chí cả vua cũng không bằng! – họ xông thẳng vào ngọn lửa, và nếu như áo của ai đó bị bốc cháy, họ liền dìm mình vào thùng nước, và toàn thân bốc đầy hơi, họ lại vội vã bước tới lò.
Từ mép những ô cửa chất liệu, thép lỏng trào ra ngoài bò thành từng dòng nhỏ, song những người thợ vẫn bình thản bước qua những dòng thép đỏ đó.
Tới cạnh phân xưởng cán thép, tôi gặp một chiếc xe bốn bánh phủ chiếu gai, đi lúc lắc. Một đôi chân đi dép bện bằng vỏ cây thò ra ngoài mép manh chiếu gai. “Có lẽ lại có người bị chết chẹt rồi”, – tôi nghĩ bụng và vội vã tránh ra xa.
Tôi đi qua ao nước nóng của nhà máy, ở đây, như trẻ con vẫn kháo nhau, có thể bơi lội được cả mùa đông.
Món canh trong cà-mèn của tôi đã nguội lạnh từ lâu, mà tôi vẫn cứ lang thang khắp nhà máy. Nhưng một tên cảnh sát cạnh phân xưởng đúc đã nhìn thấy tôi và huýt còi. Tôi liền bám ngay vào phía sau chiếc xe cần trục và đi thẳng tới tận phân xưởng rèn đinh móc, nơi bố tôi làm việc.
Ở đây cũng vẫn ầm ầm; khói xanh lơ lửng dưới những mái vòng cao của tòa nhà. Những người thợ rèn, vai để trần, dùng kìm lôi từ trong đống lửa ra mẩu sắt đỏ hồng và lấy những chiếc búa nặng nện vào. Chỉ còn nghe thấy:
Đinh-đôn-bum,
Đinh-đôn-bum…
Nóng không sao chịu nổi, những tia lửa bay tóe ra từ dưới bàn búa. Chả thế mà quần áo của bố tôi cứ bị cháy xém, mẹ tôi phải vá luôn.
Khó khăn lắm tôi mới nhận ra được bố tôi trong đám những người thợ rèn. Ông đang lấy búa nện vào mẩu sắt màu đỏ thẫm, và dưới những nhát búa khéo léo của ông, ngay trước mắt tôi mẩu sắt đã biến thành một lưỡi rìu.
“Thế còn vương miện cho vua thì ai đã rèn nên?” – tôi nhớ lại lời chú Anisim Ivanovich. “Cũng có thể là ở đây, trong phân xưởng rèn này, người ta cũng đã làm ra chiếc vương miện của vua, – tôi nghĩ bụng, – cũng có thể là chính bố tôi đã rèn nên nó chăng?”
Tôi nhìn những người thợ rèn và nghĩ: “Lớn lên tôi sẽ không làm nghề gì khác, tôi sẽ làm thợ rèn hoặc thợ nấu thép để rồi tôi cũng sẽ rèn sắt, nấu thép và nhúng mình vào thùng nước. Tôi sẽ lặn xuống tận đáy thùng và sẽ ngồi lâu hơn mọi người ở dưới đó mà thở ra những bong bóng. Mọi người sẽ thắc mắc rằng không hiểu bong bóng trong thùng ở đâu ra. Còn tôi cứ ngồi dưới đáy và cười…”
Tiếng còi khàn khàn, mệt mỏi rúc lên. Bắt đầu nghỉ ăn trưa. Công nhân bạ đâu ngồi đấy: người thì ngồi ghé lên những mẩu sắt gỉ, người thì ngồi bệt xuống sàn, tựa lưng vào cái đe. Một số tu nước chè ở trong chai, số khác múc trong những chiếc nồi gang ra một món ăn lõng bõng nước.
Trong khi bố tôi ăn cơm, tôi lang thang trong phân xưởng, sờ mó những chiếc đai ốc vừa rèn xong còn đang ấm, đụng vào cái bễ lò rèn làm nó thở phì phò như một con vật sống.
Sau đó một bác thợ lại gần chỗ bố tôi, nhìn tôi từ đằng xa và ghé sát vào tai bố tôi thầm thì một điều gì đó. Tôi lắng tai: “Họ nói về mình đây”. Khi bác thợ đi khỏi, bố tôi gói chỗ thức ăn dở lại, rồi gọi tôi:
- Con đi bố tắm cho. Ta vào nhà tắm, không con bẩn lắm.
Tôi biết mà! Bao giờ bố tôi cũng bịa ra được một cái gì đó. Tôi rất ghét tắm.
- Con có bẩn đâu, con không muốn tắm.
- Sao lại không bẩn, nhìn đây này, – bố tôi lấy ngón tay đen sì quệt ngay vào mũi tôi.
- Đấy là bố vừa bôi vào con chứ. Con không tắm đâu!
- Đi thôi, đi thôi, – bố tôi đẩy vào lưng tôi. Mọi người cười ồ lên.
- Ustinov, anh đi đâu đấy? – một người béo đi qua, nghiêm nghị hỏi.
- Tôi đi tắm cho thằng bé, thưa ngài đốc công, chả có nó chạy nhảy suốt ngày, bẩn như con lợn con ấy.
- À, à, thôi được, đi mà tắm cho nó.
Tôi với bố tôi rẽ qua phân xưởng rèn, rồi đi về phía gian nồi hơi của nhà máy. Tới đó chúng tôi lần theo những bậc đá ướt chui xuống một cái hầm tối đen và ẩm thấp. Chúng tôi mò mẫm bước được vài bước thì gặp một người công nhân. Bác ta giơ cao trên đầu một chiếc đèn đốt bằng dầu ma-dút, chăm chú nhìn chúng tôi.
- Có thể tắm được chưa đấy? – bố tôi vui vẻ hỏi.
- Được, có nước rồi đấy, người công nhân trông giống người Trung Quốc trả lời.
Bố tôi đón chiếc đèn của người ấy, rồi chúng tôi bắt đầu lách theo hành lang lát đá ẩm ướt. Bố tôi mở cánh cửa đã mở to ra vì ẩm và chúng tôi bước vào một căn phòng thấp, tối mịt. Bên góc phòng là một cái bể xi-măng. Nước chảy từng giọt vào đó từ một ống bằng sắt.
- Chào đồng chí Bogdan. – Từ trong bóng tối vang lên giọng nói trầm trầm của một người nào đó và dưới ánh sáng đèn dầu tôi thấy một khuôn mặt lạ có chòm râu đen sì.
“Quỷ sứ chăng?” – tôi thoáng nghĩ và lẩn ra sau bố tôi, nhưng bố tôi không sợ gì và lại vui vẻ đưa hai tay ra bắt chặt lấy tay của người lạ mặt.
- Chúng tôi chờ đợi đồng chí mệt cả người, đồng chí Mityai ạ. Chúng tôi rất mừng vì đồng chí đã tới.
- Cắt người gác chưa?
- Đã… cởi quần áo ra con, đừng sợ, đây là một bác rất tốt. Đây, xà-phòng cho con đây, cởi áo ra, – bố tôi vặn một cái núm nào đó trong tường, thế là một dòng nước từ trong ống sắt chảy ồ ồ vào cái bể xi-măng. – Tắm đi con, để bố nói chuyện với bác.
Không biết cái bác có chòm râu đen này từ đâu tới đây? Làm ra vẻ quen biết, nhưng lại không biết thậm chí cả tên của bố tôi. “Bogdan”, có lẽ ông ta sẽ lại còn gọi là Ivan nữa đấy…
Tôi cởi quần áo ra và miễn cưỡng tụt xuống nước như nhảy xuống một vực thẳm. Lẽ ra tôi không nên vào nhà máy thì tốt hơn, thế này thì lúc nào mà đến được chỗ Vaska?
Bố tôi ngồi lên thành bể tắm và bắt đầu nói chuyện với người lạ mặt.
- Trung ương Đảng cứ tôi đến chỗ các đồng chí để khôi phục lại Ban Chấp hành đảng bộ bị tan vỡ. Tôi bị theo dõi ngay từ ở Lugansk. Nếu như chúng bắt tôi thì đồng chí, đồng chí Bogdan ạ, sẽ phải nắm lấy việc lãnh đạo tổ chức Đảng ở đây. Bây giờ tôi sẽ báo cho đồng chí biết các địa điểm hội họp bí mật…
- Tắm đi, tắm đi con, – bố tôi lấy lưng che khuất người lạ mặt.
Tôi không hiểu một tí gì trong câu chuyện của họ và bắt đầu nghịch nước. Nước ấm. Tôi quẳng xà-phòng đi rồi ngụp xuống nước, lấy tay bịt kín hai tai và mũi.
Bố tôi và người lạ mặt, trong bóng tối trông giống như một con quỷ bắt đầu chia tay. Ông râu đen nhìn tôi, vui vẻ nháy mắt:
- Chú nhỏ không biết lặn rồi.
Bố tôi vuốt mái tóc ướt của tôi, nói:
- Nghịch ngợm lắm đấy, đồng chí ạ.
- Thôi được, lần sau gặp nhau, bác sẽ dạy cháu lặn, – ông râu đen nói. – Cháu sẽ lặn thật xa…
- Xa tận đâu cơ bác?
- Lặn từ đây đến Petrograd mới ngoi lên! – cả bác ta và bố tôi cùng cười phá lên.
Bố tôi tiễn bác đi, rồi quay lại.
- Lên thôi.
- Con chưa tắm xong.
- Lên đi, bố còn phải đi làm.
Bố tôi lôi tôi ra khỏi bể tắm. Tôi run lên vì lạnh. Bố tôi lấy áo lau qua loa cho tôi, chụp cái quần vào người đang còn ướt của tôi. Chúng tôi lại đi ra ngoài bằng con đường lúc nãy. Xung quanh chẳng còn ai cả: cả bác thợ người Trung Quốc lẫn ông có bộ râu đen.
Chúng tôi trở về phân xưởng. Bố tôi vội vã ăn nốt suất cơm trưa. Tôi cầm cà-mèn không, vội vàng tới chỗ Vaska. Lúc ra về tôi lấy một chiếc đai ốc mới rèn, hãy còn ấm giấu vào ngực áo.
Tôi tìm thấy Vaska ở khu lò luyện than cốc. Ở đó không còn gì để thở cả. Mọi thứ xung quanh đều bị che phủ bởi một làn khói vàng đầy chất độc. Thậm chí cả tôi, tuy ngồi ở xa, mà chốc chốc cũng phải lau nước mắt.
Các lò luyện than cốc xếp thành một dãy dài. Phía trên một toa xe goòng đi trên đường ray, đem đổ vào các cửa lò tròn một thứ than đá đã nghiền vụn. Khi lò đầy đến tận miệng, người ta đậy lại bằng một cái nắp gang, lấy đất sét trát kín lại và than sẽ được nung lên ở bên trong. Khi than cốc được luyện xong, một hồi chuông sẽ vang lên, người ta mở tấm chắn lò hẹp giống như một cái nắp quan tài ở bên cạnh ra và bức tường bằng than cốc đã bị nung nóng, tựa như một vật sống, từ trong chiếc lò đầy lửa, sẽ từ từ tự bò ra ngoài. Người ta gọi nó là “chiếc bánh nướng bằng than cốc”. Vaska có nhiệm vụ làm nguội cái “bánh nướng” này bằng nước phun từ ống chữa cháy ra.
Thật ghê sợ khi thấy Vaska kéo chiếc mũ lông đã bị cháy sém tới sát tận mắt, tiến lại gần đống than cốc đã bị nung nóng, xối vào nó một dòng nước chảy tung tóe.
Trong chiếc áo vét rách bươm với hai ống tay dài lòng thòng của bố, Vaska trông có vẻ rất bé. Cậu luẩn quẩn trước một bức tường than cốc rực cháy và hơi nóng bao trùm lấy cậu làm cậu có lẽ không còn thấy phải xối nước vào chỗ nào nữa…
Dần dần bức tường bằng than cốc lún xuống, những mẩu than cháy hồng bửa ra và lăn tới gần chân Vaska. Có cảm giác như ngay bây giờ đây cả bức tường bằng than cốc đó sẽ đổ sập xuống Vaska và thiêu sống ngay cậu ta.
Lão đốc công ở khu lò luyện than cốc, một người Bỉ bé nhỏ, trán hói với cái bụng to, chỉ biết có ba từ tiếng Nga: “Tưới ti!”, “Mau nên” và “Tồ súc sinh!”, luôn mồm quát Vaska:
- Tưới ti! Mau nên!
Vaska bước tới sát bức tường bốc hơi nóng, lấy hết sức ra kéo lê theo mình chiếc ống cao-su dài. Nhưng rồi không giữ nổi ở lưng chừng cái đầu bịt đồng nặng của vòi cao-su chữa cháy, Vaska ngã khụy xuống. Thế mà lão đốc công còn rít lên, rung rung cái bụng phệ:
- Tưới mau, tồ súc sinh!
Hai người công nhân đi qua đó đã đứng dừng lại.
- Quân giết người, chúng đã bắt một đứa bé con phải làm một việc đáng nguyền rủa như vậy, – một công nhân nói.
- Để trả tiền công được rẻ hơn mà, – người kia đáp. – Người lớn thì phải trả bốn mươi cô-pếch một ngày, còn chú bé này thì chỉ cần trả mười cô-pếch thôi.
- Thằng bé con nhà ai, cậu có biết không?
- Con trai Anisim Rudnev. Ông bố từ chiến tranh trở về cụt cả hai chân, còn thằng con trai chúng lại định giết nốt…
- Phải cho cái bọn nhà giàu ăn hại ấy một trận!
Tôi thấy Vaska đứng không nổi nữa và mặc dù đã biết cậu ngoan cường như thế nào – Vaska thà chết còn hơn tỏ ra mình khó nhọc – tôi vẫn thấy thương cậu.
Vaska ngừng xối nước và mặt đỏ gay vì nóng, loạng choạng lê bước tới chỗ gầu nước. Cậu uống ừng ực liền mấy ca nước ấm pha lẫn cả những giọt mồ hôi.
- Khó nhọc lắm, phải không, Vaska? – tôi hỏi và lấy cánh tay áo lau mồ hôi trên mặt Vaska.
- Biết làm sao được, – cậu trả lời, giọng khàn khàn. – Phải kiếm tiền nuôi cha mẹ chứ…
Nhưng dù sao Vaska cũng vẫn không chịu nổi và đã bỏ nhà máy.
Việc này xảy ra vào hôm thứ hai. Tôi mang vào khu lò luyện than cốc cho cậu suất ăn trưa – một chai nước chè và một mẩu bánh mì. Cậu chưa kịp ăn xong thì chuông đã vang lên – người ta bắt đầu cho than cốc ra lò. Vaska cầm lấy vòi nước ghê tởm và bắt đầu xối nước.
Tiếng nước xèo xèo và than nổ tách tách ở xung quanh. Màn hơi nước nóng bỏng và nghẹt thở che khuất cả Vaska làm tôi không thấy được cậu đã ngã từ bao giờ và như thế nào. Tôi chỉ nhìn thấy lão đốc công bụng phệ khoát tay thét lớn:
- Mau nên! Tồ súc sinh!
Lão ta nhảy xuống chỗ Vaska đang đứng, tiếp tục kêu la:
- Tưới ti!
Khi màn hơi nước nóng bỏng tan hết, tôi thấy Vaska nằm dài trên những tấm sắt. Nước vẫn phun phì phì từ trong vòi ra. Lão người Bỉ tóm lấy cổ áo Vaska, dựng cậu ta dậy.
- Tồ súc sinh, tưới ti!
Vaska đứng loạng choạng. Máu từ mũi cậu chảy xuống thành dòng. Cậu nhìn lão đốc công bằng đôi mắt lờ đờ, dường như không thấy lão ta. Nhưng khi lão ta tóm lấy cậu mà lắc thì Vaska vùng ra, vớ lấy vòi nước và chĩa thẳng vào cái mặt đầy râu của lão mà phun tới tấp. Lão đốc công giơ tay lên, muốn gọi người tới cứu, nhưng lão bị sặc và nện mạnh cái đít mềm nhẽo xuống những tấm sắt.
Lấy hai tay che dòng nước đang phun mạnh, lão đốc công kêu lên những tiếng gì đó, nhưng Vaska vẫn cứ phun mãi vào lão, làm bật tung cả cái mũ lưỡi trai bằng da của lão, làm ướt đầm đìa chiếc áo gi-lê với cái dây chuyền vàng trên bụng lão. Nghe lão kêu, công nhân từ khắp nơi chạy lại. Vaska quẳng vòi nước đi rồi chạy nhanh, men dọc theo dãy lò luyện than cốc, leo lên đống sắt vụn và lẩn mất.
Chúng tôi gặp nhau cạnh cổng ra vào. Vaska vặt một chiếc lá ngưu bàng đầy bụi, lau máu trên môi. Cậu đưa mắt căm thù nhìn về phía làn khói vàng đang cuốn bay trên những lò luyện than:
- Cho đáng kiếp cái lão bụng phệ ấy. Ta đi thôi, Lenka, cho chúng nó chết cả lũ với than cốc của chúng…
3
Chúng tôi ngồi xuống nghỉ trong một cái khe không sâu lắm. Tôi cho Vaska xem những chiếc giấy bọc kẹo mới, rồi lấy trong ngực áo ra một sợi dây, rủ cậu chơi trò làm ngựa và người đánh xe, nhưng Vaska thờ ơ với tất cả những cái đó.
- Thôi, – Vaska nói, – vô ích…
Chúng tôi đứng dậy, đi về nhà.
Vaska sợ bị bố trừng trị. Nhưng mọi việc đều ổn cả.
Chúng tôi lại chơi với nhau, chúng tôi dựng một túp lều bằng cỏ dại trong vườn rau, rồi đào một cái mỏ. Chỉ có điều là bạn tôi đã thay đổi khác trước. Ở nhà máy người ta đã làm hỏng mất cậu ta rồi. Cậu trở nên trầm ngâm tư lự: cậu cứ nằm mãi, hai mắt mở trừng trừng. Dù có gọi, cậu vẫn cứ im lặng.
Một lần chúng tôi đang nô đùa cạnh cổng thì chú Anisim Ivanovich đi xe tới chỗ chúng tôi, do dự như có lỗi, chú nói với Vaska:
- Họ phân cho con vào làm việc ở mỏ đấy! Bố không muốn hủy hoại tuổi thơ của con, nhưng số phận của chúng ta là như vậy – tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ con ạ.
Nghe được chuyện đó, thím Matrena òa khóc:
- Thế là chúng ta ném đứa trẻ vào miệng hùm đấy!…
- Thôi im đi! – chú Anisim Ivanovich quát thím. – Cứ như thế này cũng đã não ruột lắm rồi.
Hôm sau thím Matrena dẫn Vaska tới xí nghiệp khai thác mỏ Pastukhovska.
Tôi trèo lên nóc căn nhà nhỏ bé của chúng tôi, buồn bã nhìn về phía đồng cỏ xa xa. Đó, họ đã xua đuổi Vaska của tôi tới tít tận đằng ấy, tới chính nơi tận cùng của thế giới…
Tôi đau khổ rất lâu, và cuối cùng không thể chịu được, tôi nhét một miếng bánh vào trong ngực áo, và để phòng xa, tôi lấy thêm hai củ khoai tây sống rồi lên đường tới xí nghiệp khai thác mỏ. Để đỡ sợ, tôi gọi cả con Polkan đi theo, nhưng nó chỉ tiễn tôi đến bờ sông thôi. “Polkan, Polkan!” – tôi gọi to, nhưng nó ngồi lại bên sông, giương đôi mắt buồn bã nhìn tôi và cứ ngồi lì, ve vẩy cái đuôi ra vẻ hối lỗi.
Phải đi tất cả ba dặm. Ngoài thảo nguyên cỏ đã khô, thậm chí cây ngải cứu cũng đã đen sạm, chỉ có đây đó những cây ké cao kều với những chiếc lá bụi bẩn như những mảnh giẻ rách và những cụm hoa chóp nón bị bứt ra và xoay tít mỗi khi gió thổi.
Đi một mình cảm thấy rờn rợn. Trải dài trước mắt tôi là cánh đồng cỏ buồn bã với những đống đất đá cô đơn của các xí nghiệp mỏ trông tựa những nấm mồ. Nhìn về đâu cũng chỉ thấy hoang vu, vắng vẻ, lặng lẽ. Chắc chỉ có một mình Chúa từ trên trời dõi theo tôi đang lép nhép với đôi giày rách nát trên bùn nhão nhoét.
Qua khe Bogodukhovskaya là bắt đầu bước vào xí nghiệp khai thác mỏ Pastukhovska. Xóm thợ đen kịt vì bụi than.
Ở đây cũng như ở vùng chúng tôi tường rào ngăn thấp lè tè, xếp bằng một thứ đá cát thô, thậm chí mái nhà hầm cũng lợp bằng những phiến đá mỏng. Các ngõ ngách đều hẹp, độ ba bước chiều ngang từ tường nọ tới tường kia. Những căn nhà hầm cũ xiêu vẹo bốn bề trông giống như một đám thợ mỏ ngà ngà say đang ôm nhau đi lang thang.
Tôi vừa bước vào ngõ đầu tiên thì một con chó vàng bị xích liền nhảy lên nóc căn nhà hầm sủa ầm lên, rồi nó lại nhảy xuống đất và tiếp tục sủa ăng ẳng, kéo lê dây xích kêu loảng xoảng.
Gần đó là mỏ “Italia” vẻ khủng khiếp như muốn dọa nạt mọi người. Trên tấm lưới sắt phía trên cổng ra vào có hàng chữ lớn: “Mỏ than Schulz Absheroden von Graff”.
Gió lạnh thấu xương. Tôi đi qua một quán rượu. Trên tấm biển có vẽ một con tôm đỏ rất to, càng quặp lấy một cốc vại đựng bia.
Dưới chân rào, giữa những thùng đựng bia vứt ngổn ngang, tôi thấy một đám trẻ con rách rưới của xí nghiệp khai thác mỏ. Hai đứa chơi bài, còn những đứa khác hát giọng khàn khàn, rầu rĩ:
Kìa ngựa phi trên con đường
Chật hẹp, tối tăm, ẩm thấp,
Còn chàng phu giữ ngựa trẻ trung
Được khiêng đi với cái sọ vỡ tung!
Kính cửa sổ trong quán rượu rung lên vì người ta nhảy múa trong đó. Bọn trẻ con không mảy may để ý tới tiếng ầm ầm, vẫn tiếp tục kéo dài giọng hát não nùng:
Mười hai lần vang lên trống báo
Chiếc thang máy chuyển lên cao,
Đưa lên núi thi hài anh giữ ngựa,
Còn mẹ già nước mắt chứa chan.
Tôi sửng sốt khi trông thấy một cô bé gầy gò độ chừng bảy tuổi, khuôn mặt xanh xao với đôi mắt đen to. Trên cái cổ ngẳng lủng lẳng một cây thánh giá bằng đồng. Cô bé ngồi co ro, ôm chặt đôi chân đất sát người, kéo chiếc váy ngắn che đôi gối tê lạnh. Con bé run run cầm điếu thuốc lá rít một cách tham lam. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy con gái hút thuốc như vậy. Thỉnh thoảng nó lại ho sù sụ như một ông già.
Bọn trẻ con khe khẽ hát, ra vẻ như miễn cưỡng:
Con chính là chàng giữ ngựa can trường,
Hỡi mẹ yêu, mẹ quý của con,
Con bị giết trong mỏ hầm tăm tối,
Còn mẹ thời ở lại cô đơn…
Để bọn trẻ con xí nghiệp khai thác mỏ khỏi nhìn thấy, tôi cúi xuống, giả vờ lấy một mảnh gỗ móng gạt bùn dính vào người. Nhưng chúng đã nhìn thấy tôi.
Một cậu bé rắn chắc, quần áo đen rách rưới, có lẽ là đứng đầu bọn, khệnh khạng bước lại phía tôi, hắn thọc hai tay vào túi quần sâu đến tận khuỷu.
- Mày là ai? – hắn hỏi với vẻ khinh bỉ.
- Chẳng là ai cả.
- Cho mày một cú vào mõm chứ?
- Không nên.
- Vì sao?
Tôi cũng không hiểu vì sao và đã trả lời:
- Đánh nhau là có tội. Chúa sẽ trừng phạt.
Kẻ gây sự đưa mắt nhìn cái ngực bẩn thỉu phanh trần của mình, nơi có đeo một chiếc thánh giá nhỏ bằng đồng lủng lẳng trên một sợi chỉ cáu ghét, rồi nhổ nước bọt qua hai hàm răng sún:
- Thợ mỏ không phải họ hàng thân thích của Chúa mà phải sợ Ngài như sợ lửa. Hiểu chưa?
- Tớ sẽ mách Vaska cho mà xem.
- Vaska nào?
- Vaska người Nakhalovka ấy, bây giờ cậu ta làm việc ở đây.
- Thế cậu và Vaska là thế nào với nhau?
- Anh em, có nghĩa là láng giềng. Tóm lại là có họ hàng với nhau, tớ mang suất ăn sáng đến cho cậu ta đây.
- Thề đi.
Tôi bỏ mũ và làm dấu thánh.
- Giá nói thế ngay có phải hơn không. Tớ có biết Vaska. Đi đi, đừng sợ ai cả. Nếu có kẻ nào chặn đường thì nói rằng Pashka Lửa đã cho phép đi rồi.
Tôi tiếp tục đi. Nhưng Pashka đã đuổi theo và bảo:
- Đi, tớ sẽ chỉ cho cậu biết Vaska đang làm việc ở chỗ nào. Cậu ta là một anh chàng tốt. Bọn trẻ ở đây mến cậu ta.
Chúng tôi đi bên nhau. Tôi kinh hãi liếc nhìn Pashka: nom cậu thật dễ sợ trong bộ quần áo rách nát với khuôn mặt và hai bàn tay đen thui.
- Sao cậu lại bẩn thỉu như vậy? – tôi hỏi.
- Tớ vừa đi làm về, – Pashka lãnh đạm trả lời. – Tớ làm ca đêm.
- Ở đâu?
- Còn ở đâu nữa. Lẽ dĩ nhiên ở mỏ. Tớ là người cầm đèn, còn bố tớ là thợ mỏ ở lò chợ.
Tôi và Pashka đi gần tới “quán rượu” cuối cùng thì bất thình lình cánh cửa quán rượu mở tung đánh ầm một cái và hai người thợ mỏ xuất hiện trên ngưỡng cửa.
Một người cầm chiếc cuốc chim thợ mỏ, lồng lên định chạy đi đâu đó. Áo bác ta tơi tả từng mảnh đầy máu. Người bạn, một chàng trai trẻ mặt hơi rỗ, vai khoác chiếc phong cầm, đang cố giữ bác ta lại.
- Buông ra đi, Petya. Cậu muốn để chúng bóp chết hẳn chúng ta à, cậu muốn chúng ta sẽ chết cháy trong hầm mỏ hả?
Tôi khiếp sợ, định bỏ chạy, nhưng Pashka đã túm lấy tay áo tôi.
- Đừng sợ. Đấy là anh Petya của tớ, người khoác chiếc phong cầm ấy, còn người say rượu là bác láng giềng. Con trai bác ta đã bị đè chết dưới mỏ: mất ba ngày tới chỗ xác chết mà cũng không lôi được xác lên. Người mẹ quá đau đớn đã thắt cổ tự tử trong nhà kho. Bây giờ bác ấy còn trọi một mình, đã uống rượu say và muốn đi giết chết lão chủ mỏ von Graff.
Pashka vừa nói xong câu ấy thì từ góc phố phi ra hai tên kỵ binh Cozak với những mớ tóc lòa xòa dưới mũ. Sau chúng là một chiếc xe ngựa lấc lư trên những chiếc lò-xo êm, trên xe bệ vệ một người đàn ông, rõ là lão chủ mỏ. Hai tên lính nữa, vai khoác súng, tay cầm roi, cưỡi ngựa theo sau hộ vệ.
- Buông ra, Petya, để tôi ra thanh toán với nó, – bác thợ say rượu gào lên và lao về phía xe.
Một tên Cozak quất roi vào đầu bác và bác ta ngã lăn xuống bùn.
Pashka vớ vội một hòn đá, lao tới nơi có ẩu đả.
Tôi không còn biết chạy đi đâu và tìm Vaska ở đâu liền chạy luôn tới mỏ…
Tôi phải tìm mãi mới thấy Vaska làm việc trên tầng. Ở đó có một cái tang bằng gỗ to tướng quay tròn trên một cột trụ cao và quấn quanh đó một sợi dây cáp dài. Một đôi ngựa đi vòng tròn, quay cái tang. Vaska vắt vẻo ngồi trên con ngựa bụng to đi trước, tay cầm cái roi nhỏ lùa con vật. Khi cuộn dây cáp tự gỡ ra khỏi tang, một chiếc thùng tải bằng sắt tự hạ xuống vực tối của hầm mỏ. Sau đó Vaska quay ngựa lại và lùa chúng đi ngược chiều. Sợi dây cáp rít lên và lại cuốn quanh vào tang, kéo theo từ dưới hầm lên chiếc thùng tải bằng sắt đầy người hoặc than.
Lúc nghỉ giữa giờ Vaska kể cho tôi biết hai con ngựa tên là Valetka và Strepet. Cả hai con đều bị mù vì trước chúng phải làm sâu dưới đất trong bóng tối. Tôi lấy bánh mì cho Valetka ăn. Con vật hấp háy đôi mắt màu xanh xám, hít hít tôi, thậm chí áp cả cái mõm mượt như nhung vào mặt tôi.
- Ngựa nó hôn cậu đấy! – Vaska âu yếm nói.
Tiếc là không được đứng bên ngựa lâu hơn nữa, vì lão đốc công đuổi tôi ra.
Tôi đi lang thang trong xí nghiệp, dạo vòng quanh mỏ và thấy sờ sợ. Thằng Ilyukha kể là giếng lò trong mỏ dẫn xuống tận địa ngục, tưởng như chỉ cần áp tai xuống đất ở dưới giếng là có thể nghe thấy cả tiếng bọn quỷ sứ nói chuyện với nhau và tiếng rên rỉ của những kẻ phạm tội phải ngồi vạc dầu…
Tò mò muốn xem, tôi tiến gần lại giếng. Vừa lúc đó một chiếc thùng tải bằng sắt treo lơ lửng trên những sợi dây sắt han gỉ ở dưới giếng trồi lên. Trong thùng có những người đứng tới thắt lưng như trong két nước – không rõ mặt mũi một người nào, chỉ thấy răng họ lấp loáng và tròng mắt trắng dã. Tôi rợn người và vội vã chuồn thẳng khỏi hầm mỏ.
Từ đằng xa tôi vẫy mũ chào Vaska rồi quay trở về nhà. Cánh đồng cỏ bát ngát lại trải ra trước mắt tôi. Giờ tôi thấy vững tâm hơn, thậm chí không thấy sợ khi rẽ về phía khe Bogodukhovskaya. Người ta kể là vào thời kỳ Cách mạng năm 1905 bọn sen đầm đã mang công nhân ra đây bắn. Tôi bỗng muốn rẽ vào đó và sục sạo: biết đâu chẳng tìm thấy một viên đạn còn sót lại sau vụ bắn giết? Hơn nữa tôi còn biết ở trong khe có một cái hồ mà từ trên mỏm đá cao có thể ném sỏi xuống nước được.
Khe nằm sâu trong đồng cỏ hoang vu, xa đường cái. Bây giờ đang mùa thu, đã lâu người ta không tắm ở hồ nữa, nên tôi không ngờ là có thể gặp một ai ở đó. Vì vậy tôi sửng sốt và sợ biết bao, khi gần tới nơi tôi chợt nghe thấy tiếng người nói rì rầm! Tôi không xác định ngay được tiếng người nói từ đâu vọng lại.
Sau khi thận trọng nhìn quanh từ trên tảng đá xuống, tôi trông thấy hai người lạ. Họ ngồi dưới bức thành cao và rì rầm nói chuyện gì đó. Từ trên nhìn xuống tôi chỉ thấy được mũ họ, còn mặt mũi ra sao thì không biết được. Người mặc áo lính với chiếc mũ lính màu xám nói với người bên cạnh đầu quấn băng và đội mũ cát-két:
- Cơ sở bí mật ở Nakhalovka, ở nhà Prepodobnyi, đồng chí biết anh ấy chứ?
- Tôi có nghe nói, nhưng chưa biết mặt.
- Anh ta là thợ giày, bị cụt cả hai chân.
- À, à thế thì tôi biết rồi. Hình như anh ta tên là Anisim. Thế ra anh ấy chính là Prepodobnyi à?
- Chính anh ta đấy.
- Tôi sẽ đến đó, – người bị băng đầu nói.
Tôi đứng ngay chỗ dốc. Bỏ chạy không kịp nữa. Giọng của một người nghe quen quen. Tôi nhìn kỹ và nhận ra chú công nhân chơi phong cầm mà tôi gặp lúc sáng ở Pastukhovska. Chắc bọn lính Cozak đã đánh chú ấy nên đầu chú ta bị băng.
- Thế nhé, hãy đến đấy, – người mặc áo lính nói tiếp. – Đừng triệu tập nhiều thanh niên. Trước khi mời ai vào hãy tìm hiểu xem họ là người như thế nào đã nhé. Nhớ tránh xa những người chỉ thích uống rượu, những kẻ sống bừa bãi, những thằng có họ với bọn quan to và cảnh sát.
- Tôi hiểu rồi, đồng chí Mityai ạ.
“Mityai”… Tôi đã nghe thấy tên này ở đâu rồi nhỉ.
Tôi nhẹ nhàng, rón rén tụt khỏi dốc. Như vẫn còn sợ những con người bí mật ấy nghe thấy tiếng chân, tôi thụp xuống, bò lồm cồm, rồi đứng phắt dậy lép nhép đôi giày rách nát, chạy biến xuống núi. Tôi chạy đến tận con sông nhỏ mới ngồi tựa sau tảng đá và ngoái lại: không ai đuổi theo cả.
“Họ là ai nhỉ? Sao họ lại ẩn trong khe?” – tôi suy nghĩ. Hình như tôi có biết cả người mặc áo lính thì phải. Tôi nhận ra ông ta có bộ râu đen sì, lởm chởm. Người nói chuyện với bố tôi ở nhà tắm cũng có bộ râu như thế và cũng nói giọng trầm trầm như vậy. Phải chăng chính là bác ta? Thế thì sao bác ấy lại ở trong khe ngoài đồng cỏ, một khi đã làm việc trong nhà máy?
4
Tôi nóng lòng chờ bằng được Vaska, và khi cậu ấy vừa đi làm về, tôi liền máy cậu ra một chỗ kín nhất sau kho, kể tuột hết về cuộc gặp gỡ bí ẩn ở khe Bogodukhovskaya. Để đáp lại, Vaska chỉ cười khẩy một cách khó hiểu, nhìn tôi chằm chằm tựa như suy nghĩ: có nên nói ra hay không? Cuối cùng cậu từ từ bỏ mũ xuống, lục lọi trong đó, rồi moi ra một tờ giấy gì đó.
- Xuỵt…, khẽ chứ, – Vaska thầm thì và đưa tờ giấy cho tôi.
Tôi mở ra. Đó là một bức tranh, trong có vẽ một quả núi cao xếp toàn bằng người và trông giống một đống than hình chóp ở trong mỏ. Trên đỉnh cao nhất là vua và hoàng hậu ngồi, bên cạnh có đề dòng chữ: “Trẫm cai trị các ngươi”. Dưới vua và hoàng hậu là bọn nhà giàu, quần áo sang trọng đắt tiền, đứng trên một cái vòng rộng giống như chiếc đu quay. Ở đây có dòng chữ khác: “Chúng ta cai trị các ngươi”. Dưới nữa cũng trên một vòng tròn là các cha cố, tu sĩ và đủ loại bọn linh mục. Bên đó có dòng chữ mà tôi không hiểu: “Chúng ta làm các người u mê”. Dưới tầng cha cố trên một vòng rộng hơn là bọn hiến binh, cảnh sát, tướng tá. Bên cạnh có đề: “Chúng ta xử bắn các ngươi”. Dưới bọn nhà binh lại có một vòng khác, trong có kê một cái bàn bày đầy các loại rượu và đồ nhắm. Quanh bàn là bọn con gái, lái buôn và chủ nhà máy với biển đề: “Chúng ta ăn hộ các ngươi”. Dưới cùng là công nhân và nhiều người nghèo khổ khác, họ gập người dưới sức nặng đè nén của bọn bóc lột. “Chúng tôi nuôi các ông”, “Chúng tôi làm thuê cho các ông” – có hai dòng chữ đề như vậy. Công nhân mang trên mình cả một đống người như thế, rõ ràng là đã hoàn toàn kiệt sức, nhiều người đã ngã gục, chỉ có một người vùng ra khỏi vòng đó. Tay anh ta cầm lá cờ đỏ với dòng chữ “Sống tự do hay chết trong đấu tranh!”
- Đây là cái gì thế?
- Tranh áp-phích chống lại vua.
- Cậu sẽ làm gì với bức tranh này?
Để trả lời, Vaska nhặt chiếc đinh gỉ, lấy lại áp-phích từ tay tôi và chọc thủng hai mắt vua.
- Đấy mình sẽ làm như thế, – Vaska tức giận thốt lên và muốn xé toạc cả bức tranh áp-phích.
- Chúng mình đem dán vào hàng rào nhà thằng Senka hàng giò đi? – tôi đề nghị.
- Nếu mà nhét được cho chính nhà vua nhỉ, – Vaska nói.
- Phải đấy; và chúng mình sẽ viết thêm sang bên cạnh: “Vua là đồ chó”.
Chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế dài, rồi bắt đầu thì thào bàn cách xem làm thế nào gửi được nó cho vua.
Đột nhiên chúng tôi thấy trong bóng tối có một người nào đó rón rén bước tới căn nhà đất. Người đó gõ vào cửa sổ, chờ trả lời và khẽ hỏi:
- Ông thợ giày Anisim ở đây phải không?
Chúng tôi nín thở. Tiếng chú Anisim Ivanovich vọng ra từ căn nhà đất:
- Ở đây, cần gì đấy?
- Anh Pavel gửi lời chào. Tôi đến lấy ủng, – người lạ mặt nói.
- Ủng đã xong rồi. Mời anh vào, – chú Anisim Ivanovich trả lời.
Người lạ mặt đi qua, không nhìn thấy chúng tôi. Cánh cửa kêu cọt kẹt và lại trở nên yên tĩnh. Tôi có cảm tưởng như đã nhận ra người ngồi ở khe Bogodukhovskaya.
Tôi chưa kịp nói điều đó với Vaska. Ngoài phố lại nghe thấy tiếng chân. Lại một người nữa bước tới ngôi nhà đất và câu chuyện về anh Pavel nào đó và về đôi ủng lại lặp lại. Khi người đó khuất trong bóng đêm rồi, Vaska mới thì thào với tôi.
- Ngồi yên, đó là những người hoạt động bí mật đấy.
Tôi ngạc nhiên: những người hoạt động bí mật đến ngôi nhà đất của chú Anisim Ivanovich làm gì, một khi ở đó ngay cả nền nhà cũng không có – chỉ toàn đất trát thêm đất sét trộn với phân bò?
Chẳng bao lâu bố tôi cũng đi qua đường tới ngôi nhà đất, theo sau ông là chú thợ máy Sirotka, cụt một tay. Sau đó chú công nhân người Trung Quốc cao kều xuất hiện trong bóng đêm. Tôi đã có lần gặp chú đó. Khi ông khách từ Pastukhovska, đeo trên vai chiếc đàn phong cầm xuất hiện, tôi mới vỡ nhẽ là các công nhân tụ họp lại ở trong ngôi nhà đất là những người chống lại vua. Tôi sốt ruột muốn xem và kéo Vaska vào nhà.
Chúng tôi vừa bước vào nhà, thì chú Anisim Ivanovich đã đuổi luôn chúng tôi ra. Nhưng tôi đã kịp nhận ra người có bộ râu đen lởm chởm. Bác ta đã làm cho tôi thích với đôi mắt tinh ranh, với hàm răng trắng và tươi tắn như của người Di-gan.
- Các cậu ở đây chả có việc gì đâu, – bố tôi đẩy vào lưng chúng tôi và nói, – Lenka, con đi ngủ đi, còn Vaska…
Bố tôi nói thầm với cậu cái gì ấy, rồi Vaska bước ra. Sau tôi mới biết là bố tôi sai Vaska ra gác cạnh nhà. Nếu cảnh sát xuất hiện thì phải hát to: “Vào ngày thứ bảy, ngày mưa gió…”
Như thế còn nói chi đến ngủ với nghê nữa.
- Vaska, cho mình gác với cậu nhé, được không?
- Nhưng coi chừng, phải im lặng…
Chúng tôi nép kín bên hàng rào và bắt đầu quan sát.
- Vaska, ông có râu là ai đấy?
- Cán bộ bí mật ở Lugansk. Cậu có biết ông ấy dũng cảm như thế nào không? Hoạt động chống lại vua đấy.
Chống lại vua! Tôi và Vaska đang bảo vệ một người như thế đó! Thế có nghĩa là tôi cũng hoạt động chống lại vua. Thằng Ilyukha tóc hung mà biết, nó có thể chết được vì ghen.
Màn đêm đã bao trùm cả mặt đất, nhưng tôi không thấy sợ. Thậm chí còn muốn cho cảnh sát đến nhanh lên để tôi và Vaska hát vang: “Vào ngày thứ bảy, ngày mưa gió…” Tôi căng mắt ra nhìn vào bóng đêm, nhưng chẳng trông thấy một ai ở đâu cả.
Thòi gian trôi qua đã khá lâu, tôi lạnh cóng cả người, nhưng chả lẽ lại bỏ về nhà, khi còn muốn nghe đến chết được xem trong nhà người ta nói gì.
- Vaska, Vaska này, cửa sổ nhà cậu có lỗ thủng đấy! – tôi thì thầm.
- Biết rồi.
- Nhưng chỗ kính lại bị gối che mất…
- Thế thì sao? Mình che đấy để khỏi gió lùa.
- Biết rồi… nhưng tớ muốn nói là cái gối có thể tháo ra được…
Không biết Vaska có hiểu tôi hay không, hay chính cậu ấy cũng muốn nghe các nhà hoạt động bí mật nói chuyện, – cậu ta dọa tôi – “Im” – rồi chúng tôi lén tới cửa sổ. Vaska quỳ gối, thận trọng vạch mép gối ra và chúng tôi bắt đầu lắng nghe.
Ông có râu đang nói – tôi nhận ra tiếng ông ta:
- Bọn cha cố, tư sản, hiến binh, cả một bầy lũ ăn bám xã hội đè nén chúng ta. Nhà tù đầy chật. Nhân dân gục chết dưới làn đạn của Nga hoàng. Các đồng chí, khắp nước Nga đang rên xiết. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội bôn-sê-vích Nga kêu gọi chúng ta đấu tranh. Cần đập tan tành thế giới cũ. Nước mắt và sự phản kháng không giúp gì được. Chỉ có những bàn tay chai sạn của chúng ta, tạm thời được trang bị bằng cuốc chim, mới đem lại cho mình tự do…
Chúng tôi nhìn nhau và lùi khỏi cửa sổ.
- Nghe rõ chứ? – Vaska thì thầm.
Tôi gật đầu.
- Đó, một con rắn độc!
- Ai kia?
- Vua chứ còn ai? Toàn nước Nga rên xiết, còn hắn thì uống rượu vốt-ca và bắn vào công nhân.
Nước Nga rên xiết… Thế mà thảo nguyên về đêm lại yên tĩnh đến mức không nghe thấy một tiếng động.
Chúng tôi lại ép sát vào cửa sổ. Bố tôi đang nói:
- Chúng ta rèn lấy vũ khí, các đồng chí ạ. Bốn mươi thanh gươm và một trăm lưỡi mác đã được cất giấu ở nơi tin cậy. Các đồng chí thợ mỏ hãy dũng cảm đứng lên, cả dân tộc vùng lên theo các đồng chí…
5
Chúng tôi rời khỏi cửa sổ để kiểm tra xem có tên cảnh sát nào lén tới không, nhưng xung quanh vẫn yên ắng, chỉ có những ngôi sao nhấp nháy trên bầu trời tối đen.
Bỗng nhiên từ xa xa đâu đó trong đêm tối vọng tới tiếng rền rĩ xé lòng kéo dài. Tiếng rền rĩ lắng đi rồi lại lặp lại. Cái gì thế? Tiếng rền rĩ xé lòng và ngắt quãng từng hồi vọng tới chỗ chúng tôi ngày càng rõ. Tôi nắm lấy tay Vaska trong bóng đêm.
- Nghe thấy không?
- Khoan! – Vaska bực mình nói, lắng nghe tiếng rền rĩ ai oán.
- Cái gì thế?
Vaska im lặng.
- Nước Nga hả?
- Sao?
- Nước Nga rên xiết hả?
- Nước Nga nào ở đây! Còi mỏ Pastukhovska kêu cứu đấy! Lại xảy ra chuyện gì ở đó rồi, – Vaska lại im bặt, lắng nghe.
Và trong đêm tối lại vang lên, vang lên tiếng gọi đơn độc. Sau đó như để đáp lại, các mỏ khác cũng kéo còi vang lên ảo não. Thế là trong đêm tối hàng chục tiếng còi: “Ô, ô, ô… u, u, u…” – rền rĩ, gieo rắc sợ hãi và lo âu.
Vaska lao vào nhà, nhưng những người hoạt động bí mật đã từ trong chạy ra, vừa chạy vừa mặc áo. Cả chú Anisim Ivanovich cũng trượt xe ra theo.
- Pastukhovska cháy rồi, – Vaska kêu lên. – Kia kìa, nhìn kìa!
Phía mỏ sáng rực lên một ánh hồng ghê rợn. Người chơi phong cầm ở Pastukhovska vẫy tay tuyệt vọng, rồi chạy dọc theo đường phố. Mọi người rượt theo anh.
Tiếng chân rầm rập khắp nơi. Mọi người xô đẩy nhau chạy cả về một phía. Trong đêm tối vang lên những giọng nói lo lắng.
- Đi chứ? – Vaska nắm chặt tay làm tôi phát đau. – Đằng ấy còn có cả con Valetka và Strepet đang cháy…
Tôi chợt nhớ tới những con ngựa mù và không kịp nghĩ ngợi, lao ngay theo Vaska.
Đến góc phố, chúng tôi va phải bố tôi. Nhận ra tôi, ông bắt quay về. Chúng tôi buồn rầu đứng lại. Tôi cảm thấy Vaska rất muốn chạy đến mỏ, nhưng lại không dám bỏ tôi lại một mình.
Chúng tôi đi ra ngoài thành phố. Ở đây nhìn thấy rất rõ đám cháy. Mỏ Pastukhovska ở trên núi và ánh hồng ngày càng đỏ rực lên, chiếu sáng cả nửa cánh đồng cỏ. Thấy rõ cả đống đất đá hình chóp đỏ rực khủng khiếp của mỏ “Italia”.
Còi vẫn rú. Mọi người chạy ngược chạy xuôi, từ mọi nơi lao tới, hốt hoảng hỏi nhau việc gì đã xảy ra. Một người nào đó lên tiếng: “Mỏ cháy”. Người khác quả quyết: “Tất nhiên có tiếng nổ mà”. Rồi những giọng nói xúc động, thương xót, giận dữ và phẫn nộ chen lẫn nhau:
- Thế là lại chết những người cột trụ kiếm ăn cho gia đình, và rồi trẻ mồ côi lại đi ăn xin khắp nơi.
- Quạt trong lò không chịu chữa, thế là xảy ra cháy!
- Bọn chúng cần đếch gì quạt, với chúng bỏ mặc anh em mình chết còn hơn!
- Quẳng cái bọn ăn bám ấy xuống giếng lò!
Răng tôi va vào nhau lập cập vì sợ. Trong tiếng rì rầm hỗn độn của mọi người tôi nhận ra tiếng mẹ tôi. Bà đang hỏi ai đó về tôi. Lẩn đi không kịp nữa rồi. Mọi người đã thấy tôi và dắt tôi lại chỗ mẹ. Bà phát cho tôi một cái.
- Á chà, thằng du thủ du thực đây rồi. Tôi đi sục sạo khắp phố tìm nó, còn nó lại nghĩ ra cách đi chơi đêm thế này đây!
Thím Matrena cũng định dắt Vaska về thì một người từ phía Pastukhovska chạy lại và kêu to:
- Anh em ơi! Lại cứu mau! Công nhân mỏ Pastukhovska gặp tai nạn.
Vaska giằng tay mẹ, lao về phía đồng cỏ tối mịt.
6
Suốt đêm trong thành phố không ngừng báo động. Ngoài cửa sổ nghe rõ tiếng kêu la, tiếng súng và tiếng chân người chạy rầm rập. Mẹ tôi tắt đèn và đứng bên cửa sổ, căng mắt nhìn vào bóng đêm.
Đến sáng Vaska chạy lại nhà tôi và kể lại rằng: hơi đốt dưới hầm mỏ “Italia” nổ tung làm chết cả một kíp thợ, cả tòa nhà mỏ và chuồng ngựa đều bị cháy trụi.
Vaska hào hứng thuật lại: công nhân lôi tên chủ mỏ von Graff ra khỏi nhà, kéo nó tới giếng lò, định ném hắn xuống đó, nhưng lính Cozak đã ập tới và đánh tháo cho hắn.
Suốt ngày trong thành phố không được yên, bố tôi cũng vắng mặt cả ngày. Hai mẹ con chỉ lo chúng đã bỏ tù bố tôi rồi. Gần sáng bố tôi mới về, với vẻ hối lỗi, bố tôi đặt lên bàn đồng rúp nhàu nát và ba mươi mốt cô-pếch tiền lẻ. Bọn chủ đã thanh toán tiền lương và từ giờ sẽ không nơi nào nhận bố tôi vào làm việc nữa vì chúng đã cấp cho bố tôi “thẻ căn cước chó sói”*.
Bọn cảnh sát phi ngựa lùng sục khắp các phố. Mẹ tôi nghiêm khắc cấm tôi ra khỏi cổng để đề phòng nhỡ vô phúc lại bị ngựa xéo. Nhưng đến hôm đưa tang những người thợ, tôi đã trốn được và cùng Vaska chạy đến Pastukhovska.
Tất cả mọi ngả đường về mỏ đều đông nghịt. Cảnh sát, hiến binh và lính Cozak xua đuổi mọi người, thúc ngựa húc vào phụ nữ và trẻ con, nhưng người ta vẫn cứ đi và đi.
Quang cảnh nơi mỏ bị cháy làm tôi sửng sốt. Khói đen vẫn còn nghi ngút trên tòa nhà của mỏ. Tàn tro bay tứ tung. Mùi bồ hóng muội than ẩm ướt bốc lên và cả một thứ mùi gì nằng nặng, lờ lợ đến lợm giọng. Những ngôi nhà đất yên ắng, các quán rượu vắng tanh. Thậm chí chó cũng ngừng sủa, như hiểu đã xảy ra điều gì.
Những chiếc xe ngựa chở các quan tài ghép bằng gỗ ván rẻ mạt xếp hàng kéo đến nghĩa trang. Đám tang dài đến một dặm. Những con ngựa lê bước rầu rĩ, như thể chúng cũng cảm thấy nặng nề vì phải chở một thứ hàng kinh khủng.
Hai bên đám tang là bọn hiến binh, kiếm tuốt trần, oai vệ ngồi trên ngựa thành một hàng dài. Chúng cản không cho một ai lại gần quan tài.
Một nhóm công nhân lừ lừ tiến trước đoàn xe. Họ khiêng trên vai một chiếc quan tài đóng vội vã và hát chuệch choạc, nhưng đầy khí thế:
Vì tình yêu nhân dân thắm thiết
Các anh đã ngã xuống trong đấu tranh quyết liệt.
Các anh đã hiến dâng tất cả, tất cả những gì có thể có,
Cho nhân dân, cho cuộc sống tự do!
Cả cánh đồng cỏ vang lên tiếng khóc của trẻ con và tiếng kêu gào của phụ nữ. Một người đàn bà bò lết dưới đất, tay vươn về phía những chiếc quan tài. Bà ta đã khản cổ, không còn khóc được nữa. Xen lẫn tiếng rền rĩ đó, bài hát vẫn vang lên một cách trang nghiêm:
Đôi khi ngột ngạt trong lao tù u ám
Quân thù tàn bạo thẳng tay kết án
Và các anh “ra đi” kéo theo
Cả xích xiềng loảng xoảng…
Tên cảnh sát trưởng, găng tay trắng toát, quất mạnh ngựa, thúc con vật lồng lên trước và gào lên, đứng ưỡn thẳng trên bàn đạp hệt một chú gà sống:
- Không ha-a-át nữa! Tao ra lệnh: i-i-im ngay!
Công nhân không thèm để ý đến hắn, lại càng hét to:
Còn bọn độc tài chuyên chế
Tiệc tùng chè chén trong cung điện xa hoa
Rượu tưới tràn lên lo lắng sâu xa
Có biết đâu những dòng chữ gớm ghê
Đã được bàn tay số phận khắc trên vách đá!
Tôi len lỏi qua đám đông và trông thấy bố tôi đi hàng đầu. Bố tôi ghé vai khiêng một bên quan tài, còn phía bên kia là chú công nhân chơi phong cầm ở Pastukhovska đang chậm rãi bước.
“Không biết có phải bạn chú ấy nằm trong chiếc quan tài đó không nhỉ?” – tôi tự hỏi.
Bố tôi bước chầm chậm và cùng hát với mọi người:
Nhân dân rồi sẽ đứng lên
Hiên ngang giành lấy tự do.
Vĩnh biệt những người anh em.
Các anh đã trải qua
Con đường vinh quang.
Đến nghĩa trang, bọn cảnh sát không cho ai vào, ngoài những người khiêng quan tài. Tuy nhiên tôi và Vaska vẫn chui qua được hàng rào ọp ẹp, mặc dù tôi bị tên lính Cozak cưỡi ngựa quất cho một roi khá đau.
Trên mặt đất trong nghĩa trang không một khóm cây nhỏ. Chỉ có ngải cứu, ngưu bàng và những cây thập ác thưa thớt đó đây. Huyệt chung – một hố dài và sâu hoắm – được đào giữa nghĩa trang. Người ta dùng thừng ròng những chiếc quan tài xuống đó và xếp thành một hàng.
Một cô bé nhà ai mặc áo vải hoa dài níu lấy tay các chú công nhân và hét đến khản cổ:
- Các chú cho ông cháu xuống đâu thế, ở đó có con nhái kìa!
Một bà vợ thợ mỏ quỳ phía bên kia. Bà ta ôm chặt chiếc quan tài gỗ than thở rền rĩ:
- Anh chết đi, để lại lũ trẻ mồ côi cho ai?
Bên cạnh bà ta lau nhau lít nhít một lũ trẻ con. Đứa lớn nhất – một chú bé cau có khoảng mười ba tuổi – một tay lau nước mắt, một tay đỡ mẹ. Tôi liếc nhìn và nhận ra cậu bé cầm đầu bọn trẻ ở Pastukhovska. Đúng, chính là cậu ta, Pashka Lửa dữ tợn và tóc tai bù xù.
Trong bộ áo lễ màu đỏ sẫm viền bạc, cha Ioann với khuôn mặt tín đồ hiền dịu đáng mến, đứng bên hố, đung đưa chiếc bát hương tỏa làn khói xanh thơm ngát và trầm trầm tụng:
- Kính Chúa Giê-xu, cầu cho các linh hồn bầy tôi của Chúa được an nghỉ cùng với các thánh ở nơi không có bệnh tật, không có buồn rầu, không có thở than, mà chỉ có cuộc sống vô tận. Thân cát bụi ngươi sẽ trở về cát bụi. Mọi chúng con sẽ ra đi, tiếng nức nở trên mồ sẽ thành khúc ca. Cảm tạ Chúa trời.
Bài hát cầu hồn vang lên buồn bã xen lẫn tiếng nức nở của đàn bà. Rõ ràng là chính cha Ioann cũng thương tiếc những người thợ mỏ đã chết. Ông đưa tiễn họ lên thiên đường.
Chú thợ máy Sirotka trong chiếc áo sạch với một bên tay buông thõng giắt vào thắt lưng, đứng bên mộ lắng nghe tiếng cầu kinh lầm rầm buồn bã của cha cố, mặc cho những giọt lệ lặng lẽ rơi.
Cách xa chúng tôi, lão hàng giò Tsybulya vẻ mặt thành kính, đứng lẫn trong đám đông những tiểu thư mặc diện đủ kiểu. Từ xa đưa mắt về phía mộ, hắn làm dấu và nói gì đó với tên đứng cạnh – lão chủ quán rượu Titov. Tôi lắng nghe.
- Đời người như ngọn nến trước gió. Thổi một cái là tắt. Chả có gì là vĩnh cửu cả.
- Cả nhà vua lẫn bọn dân đen tất cả đều chui xuống đất cả… – lão chủ quán rượu trợn mắt đáp lại.
Lão Tsybulya thở dài phụ họa:
- Ông nói đúng chân lý, ông Tit Vlasovich ạ. Tất cả đều đội ơn Chúa. Nay sống, mai chết… – và lão chủ quán vội vã làm dấu thánh cho mình.
Chú Sirotka nhìn lão Tsybulya và khẽ nói như rít lên:
- Mày cũng cầu nguyện cơ à, đồ lái buôn? Sợ chết hả? Còn những người tốt thì lại nằm xuống…
- Chúa sinh ra, Chúa lại đòi về thôi, – lão Tsybulya giận dữ trả lời và quay ngoắt đi.
- Chúa… Thế Chúa của mày ở đâu? Chỉ tao xem nào.
- Thằng phản Chúa, – lão chủ quán rượu Titov giận dữ rít lên. – Sao lại có thể nói như thế được? Chúa ở ngay trong lòng mày, trong tâm hồn mày ấy.
Mặt chú Sirotka tối sầm lại.
- Trong tao à? – chú hỏi, tay nắm chặt lấy cổ áo, dường như chú thấy nghẹt thở. – Đâu, Chúa ở chỗ nào trong tao, chỉ tao xem? – Chú giật mạnh cổ áo làm khuy đứt tung, phơi trần bộ ngực gầy guộc. – Đây hả? Chỗ này hả, tao hỏi mày đấy? – Chú Sirotka vừa thở vừa hỏi. – Thế thì sao Chúa không thấy được tao đói nghèo, còn mày béo chảy mỡ ra?
- T-sì-sì, – lão chủ quán lại rít lên, liếc nhìn chú Sirotka. – Khéo Đức Cha nghe thấy, mày không xấu hổ à?
- Đức Cha của mày là thằng cảnh sát mặc áo thày tu. Người đáng xấu hổ phải là chúng mày, bọn nhà giàu ăn bám. Công nhân làm nuôi chúng mày mà chúng mày lại giết họ.
- Mày không được phép nói với tao như vậy, – bỗng tên chủ quán gầm lên. – Tao là nhà buôn hạng nhất, tao là nghị viên chính thức của thành phố. Ê, cảnh sát đâu?
- Cứ gọi đi, gọi đi, đồ đê tiện, rồi chúng mày sẽ sặc máu của chúng tao.
Bọn cảnh sát lập tức tóm lấy chú Sirotka lôi đi.
Tôi thấy Vaska cố giữ bình tĩnh và để ý theo dõi xem cậu sẽ làm gì. Vaska tiến lại gần lão chủ quán rượu và đốp thẳng vào mặt hắn vừa đủ nghe thấy:
- Thằng giàu hợm ăn đuôi lợn!
Lão chủ quán giật nảy người như bị một cái tát:
- Đồ lưu manh, đồ khố rách áo ôm. – Thằng lái buôn gào lên. – Lùa tất cả chúng mày xuống hố.
Tôi thấy nhẹ cả người. Kệ cho bọn hắn chửi rủa, miễn là chúng ta thắng!
7
Tôi và Vaska rời khỏi nghĩa trang sau cùng, khi ở đó chỉ còn lại bọn cảnh sát và những bà mẹ cùng bọn trẻ con khóc lóc bên mộ.
Chúng tôi đi yên lặng bên nhau, không muốn nói chuyện gì cả.
Chiều đã xuống. Khi chúng tôi tới gần thị trấn thì một chiếc xe ngựa phóng từ phía mỏ Pastukhovska lại, đuổi kịp chúng tôi. Cha Ioann say bí tỉ, lắc lư nửa ngồi nửa nằm trên chiếc ghế da mềm trong xe. Mái tóc tơ mềm như của đàn bà rối bù, một chân đi ủng buông thõng trên bánh xe. Thỉnh thoảng ông ta lại hoa tay lên, rồi do bị chất độc vốt-ca kích thích không còn tỉnh táo, ông ta cất giọng khàn khàn:
Mọi người đều bảo em đã trở nên nhẹ dạ,
Mọi người lại bảo em yêu lắm chàng trai…
Ôi, em yêu rất nhiều, rồi em lại quên tất cả.
Lão Tsybulya níu lấy chiếc áo cha cố dài lượt thượt màu tím và lè nhè:
- Cha ơi, con yêu cha, chúng mình hôn nhau đi.
Thế là cả hai quắp chặt lấy nhau, gí sát những cặp môi chảy nhão vào nhau.
Nỗi uất hận cay đắng vì bị xúc phạm bóp nghẹt tim tôi. Thế nghĩa là cha Ioann mà tôi hằng kính trọng cũng cùng một giuộc với lão Tsybulya. Thế nghĩa là ông ta chả thương tiếc gì những chú công nhân đã chết, mà chỉ là giả vờ khi ông ta cầu nguyện cho họ ở nghĩa trang… Thế mà tôi lại nghĩ, khi nào ông ta kết thúc nghi lễ cầu nguyện, các thiên thần sẽ đón ông ta lên thiên đường và ông ta sẽ kể cho Chúa nghe những người thợ đã chết như thế nào và ông ta đã chôn cất họ ra sao… Té ra là cha cố đã đánh lừa tôi và Vaska, ông ta đã đánh lừa cả các chú công nhân, đánh lừa ngay cả Chúa nữa…
- Nốc cho say vào như đồ con lợn ấy, đồ bờm ngựa, – tôi nói. – Chúa sẽ trừng phạt hắn ta, phải không Vaska?
- Sẽ trừng phạt… bằng những chiếc bánh bột trắng có nhân và cả nửa chai vốt-ca nữa… – Vaska giận dữ làu bàu.
- Sao lại bằng bánh có nhân?
- Vì… – Vaska cau mày rồi im bặt như không hài lòng, vì tôi không tự đoán ra được. Cậu ta nhìn quanh, mặc dù cách đấy đến một dặm không một bóng người rồi với vẻ hết sức kiên quyết thì thầm: – Vì… nếu cậu muốn biết… tớ sẽ nói cho mà nghe: hoàn toàn không có Chúa.
Tôi đứng sững lại.
- Sợ cái gì? Tớ nói: không có Chúa.
- Sao lại không có, cậu nói gì vậy, Vaska? Cậu làm dấu đi!
- Tớ cần gì phải làm dấu. Những người hoạt động bí mật không bao giờ nói dối cả.
- Thế Chúa đi đằng nào?
- Chả đi đâu cả. Chẳng bao giờ có Chúa cả.
- Thế nào? Hôm qua rõ ràng chính mắt tớ trông thấy Chúa ở nhà thờ cơ mà.
- Cậu nhìn thấy tranh vẽ đấy.
- Không, ảnh Đức Chúa hẳn hoi.
- Đó cũng chỉ là tranh vẽ thôi. Bọn tư sản đã bôi bác ra để…
Vaska không nói nốt, giận dữ rút ở trong ngực ra tờ tranh áp-phích và chỉ vào chỗ có cái đu quay, trên đó vẽ những khuôn mặt mộ đạo.
- Xem người ta viết gì đây này, đọc đi.
- “Chúng ta lừa đảo các người”.
- Thế đấy, cậu phải hiểu…
Nhưng tôi chả hiểu gì cả. Không thể không tin Vaska được, mà tin thì thật khủng khiếp.
- Vaska, thế có Đức Mẹ không? – tôi lắp bắp hỏi.
- Chẳng có Đức Mẹ nào cả.
- Thế thiên đường?
- Gì?
- Thiên đường có không?
- Thiên đường, thiên đường – cậu cứ nằm xuống giường mà chết, – Vaska cau có đáp lại.
Chúng tôi im lặng.
- Thế ai làm ra cây cối, hầm mỏ và… các loại dưa chuột? – Câu hỏi của tôi lại làm Vaska nổi khùng.
- Cậu có nghe thấy chú Sirotka nói gì về Chúa ở nghĩa trang không? – cậu ta ngán ngẩm hỏi.
- Thế sao?
- Không, cậu nói đi, có nghe thấy không?
- Nghe thấy.
- Thế là đủ rồi. Không có Đức Chúa nào cả.
Tôi sững sờ trở về nhà. Mẹ tôi đi vắng. Thánh Nikolai từ góc nhà phía trước nhìn tôi với cặp mắt tức giận. Bộ mặt nghiêm khắc tối sầm của Người thật đáng sợ.
“Làm sao lại không có Chúa nhỉ? – tôi suy nghĩ. – Thế còn những bài kinh nguyện, còn Nhà thờ, còn Chúa Giê-xu và, kia nữa là thánh Nikolai? Nếu chỉ là tranh thì sao vị thánh đang nhìn tôi dữ tợn thế kia? Chắc Người đã biết được câu chuyện giữa tôi và Vaska”.
Tôi moi cuốn lịch thánh nhàu nát ở sau bức tượng ra. Đây là bà thánh khổ hạnh Varvara có cặp mắt buồn buồn như của Alyosha Pupok. Hồi trước, khi bà tôi còn sống, bà có dạy rằng “muốn tránh khỏi cái chết bất ngờ hoặc muốn khỏi đau đầu thì cầu nguyện bà thánh đó”. Còn đây lại là một vị thánh nào đó hói đầu, mặc áo dài, tay cầm cuốn sách, hình như là ông thánh Trofim, vị thánh mà người ta cầu nguyện vào ngày mồng một tháng Hai “để trừ sạch các loại chuột”. Và đây là Chúa Giê-xu chịu tội đóng đanh trên cây thánh giá. Sao ông ta gầy như bộ xương ấy nhỉ? Vì ông ta nhịn ăn nhịn uống, luôn đau xót cho tội lỗi của mọi người đấy. Vậy thì sao lại không có Chúa?
Thế nhưng điều đó lại chính do Vaska cho tôi biết, mà tôi không tin ai bằng Vaska. Tôi lại nhớ lại cha Ioann say rượu và cô bé mồ côi khóc trước mộ người ông làm thợ mỏ. Chúa làm gì mà lại để cô bé khóc như vậy, sao Chúa không bênh vực cô ta? Tôi nhớ cả đến Senka Tsybulya. Không lẽ Chúa không nhìn thấy thằng con hàng giò ấy đã cưỡi lên cổ tôi, mà sao Chúa không trừng phạt nó?
“Đâu, Chúa ở đâu, chỉ tao xem?” – tai tôi văng vẳng tiếng chú Sirotka. Và tôi bỗng cũng muốn dũng cảm nói như vậy: “Chúa đâu nào? Vaska bảo làm gì có Chúa!”
Chúa có hay không? Biết hỏi ai bây giờ nhỉ? Hỏi mẹ – mẹ mắng cho, còn hỏi bố ư – chả có gì mà hỏi – bố tôi có đi nhà thờ bao giờ đâu.
Một ý nghĩ chợt thoáng qua: “Sao, nếu như tự mình hỏi Chúa xem thế nào?”
Mắt không rời khỏi ảnh thánh, tôi tiến lại gần đó. Vị thánh có mọi phép nhiệm mầu Nikolai giận dữ nhìn tôi. Tôi khẽ hỏi, cho ông ta khỏi nghe rõ từng lời của tôi:
- Này Chúa, ông không có trên đời này, phải không?
Hỏi xong tôi rụt cổ, lim dim mắt chờ tiếng sét phạt. Chung quanh vẫn yên ắng. Tôi sờ lưỡi xem đã cứng ra chưa? Lưỡi vẫn động đậy được.
- Không có Chúa, – tôi lặp lại to hơn.
Chúa lờ đờ nhìn tôi với đôi hố mắt tối sẫm.
- Không có Chúa! Chẳng có Chúa! – tôi la lên, lòng thanh thản, vui vui. – Làm gì có Chúa, toàn tranh thôi. – Tôi tiếp tục hét lên, rồi đá bật cánh cửa, nhảy phắt ra sân.
Mặt trời chiếu sáng rực rỡ, tôi như thấy bầu trời bao la hơn trước.
- Không có Chúa! – tôi gào vang lên khắp phố và thấy thằng Ilyukha tóc hung đang chễm trệ trên hàng rào. Nó tròn xoe mắt nhìn tôi, mồm há hốc ra.
- Sao, làm sao mà tròn mắt ra thế? Chúa của mày không có và thiên thần cũng không!
Ilyukha định làm dấu thánh, nhưng không làm được vì quá sợ. Nó nhảy phắt từ trên hàng rào xuống và ba chân bốn cẳng chạy như bị xua đuổi.
- Tóm lấy thằng Ilyukha – thánh tiên tri, – tôi kêu với theo rồi chạy qua đường đến nhà Vaska. Đang đà chạy, tôi suýt húc phải bụng thằng Zagrebay. Tên cảnh sát thộp ngay lấy cổ áo tôi:
- A này, đứng lại. Ai bảo mày không có Chúa. Đi về gặp bố mày. Ai là bố mày?
- Bác, cháu xin bác, cháu không dám thế nữa…
- Nói láo… Gớm, thì ra chúng mày không còn tôn ti trật tự gì nữa – không có Chúa!
- Đây, Chúa đây, nhìn thấy chưa?
Tôi yên lặng nhìn nắm tay to tướng bẩn thỉu đầy mùi dưa chuột muối của hắn. Tên cảnh sát gí sát nắm đấm vào tận mắt tôi, che khuất cả bầu trời.
Rồi tên cảnh sát tát tai tôi một cái và tôi ba chân bốn cẳng chạy đến chỗ Vaska.