If you have love in your life it can make up for a great many things you lack. If you don’t have it, no matter what else there is, it’s not enough.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: L'étoile Du Sud (1884)
Dịch giả: Bảo Chấn
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Diễn đàn MathVn
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1911 / 69
Cập nhật: 2018-12-04 06:06:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 - Khu Mỏ Khai Thác Kim Cương
iều xúc phạm chàng kỹ sư trẻ nặng nề nhất trong câu trả lời ông Watkins vừa đưa ra, chính là ông ta đã không ngại bóc tách vấn đề đến tận cùng của lý tính với kiểu thô lỗ quá đáng. Thậm chí khi nhớ lại chuyện chàng vẫn còn kinh ngạc, bởi chàng đã không tự mình tiên liệu những lý lẽ bác bỏ mà ông chủ trang trại dùng để phản pháo chàng, và chàng cứ liều mình đón nhận sự cự tuyệt thẳng thừng đến vậy.
Nhưng thực ra, cho đến lúc ấy, chàng chưa từng nghĩ đến khoảng cách giữa cô gái trẻ và chàng do khác biệt về gia tài, dòng tộc, giáo dục, giai cấp. Đã năm sáu năm nay rồi, chỉ quen nhìn các khoáng vật dưới góc độ thuần túy khoa học, dưới mắt chàng, kim cương chỉ đơn giản là một loại cácbon, chỉ đẹp để trưng bày ở bảo tàng của trường Mỏ Địa chất. Ngoài ra, cũng vì ở Pháp chàng theo đuổi một đời sống xã hội thanh cao hơn nhiều so với gia đình Watkins, nên chàng hoàn toàn không nhận ra giá trị vật chất của mỏ quặng giàu có thuộc sở hữu của ông chủ trang trại. Vì thế chẳng lúc nào trong tâm trí chàng nghĩ đến sự chênh lệch giữa cô con gái ông chủ Vandergaart- Kopje và một kỹ sư người Pháp. Thậm chí ngay cả khi vấn đề đó có hiển hiện trong tâm tưởng chàng, trong suy nghĩ một chàng trai Paris vốn là cựu sinh viên trường Bách Khoa, thì có lẽ chàng mới chỉ nghĩ đến điều người ta thường gọi là “không môn đăng hộ đối”.
Lời cảnh cáo sỗ sàng của ông Watkins là lời đánh thức đầy đau đớn khỏi những ảo tưởng kia. Cyprien có thừa lương tri để không chấp nhận những lý do đanh thép của lời cảnh cáo, và chàng cũng thừa lịch sự để không nổi cáu trước phán quyết mà thực ra chính chàng cũng phải công nhận là đúng.
Nhưng chuyện này không phải nhờ thế mà bớt đau buồn khi giờ đây phải xa rời Alice, chàng bỗng nhận thấy trong vòng chưa đầy ba tháng mà nàng đã trở nên thân thuộc với chàng biết bao.
Quả thật, Cyprien quen biết nàng chỉ mới ba tháng thôi, tức là chỉ từ khi chàng đến xứ Griqualand này.
Vậy mà mọi chuyện dường như xa xăm lắm rồi! Sau một ngày khủng khiếp, nóng nực và bụi bặm, chàng thấy mình vừa kết thúc chuyến du hành dài từ bán cầu này sang bán cầu khác.
Chàng đã đến đây cùng anh bạn Pharamond Barthès, một người bạn học cũ hồi trung học đi đến vùng nam Phi lần này là lần thứ ba để săn bắn giải trí, tới tỉnh Cap thì Cyprien chia tay với bạn. Pharamond Barthès đi đến vùng đất của người Bassouto, ở đó anh bạn tuyển một đội quân da đen nhỏ, đi theo hỗ trợ anh ta trong các cuộc săn bắn. Còn chàng, Cyprien, thì ngồi trên toa xe nặng nề do mười bốn ngựa kéo trên đường đến vùng Veld, và chàng đi về hướng các mỏ kim cương.
Năm hay sáu hòm gỗ lớn - một phòng thí nghiệm hóa học và khoáng vật thực thụ mà chàng chẳng muốn rời - cấu thành nên công cụ làm việc của nhà bác học trẻ. Nhưng người lái xe ngựa chỉ chấp nhận mỗi khách được mang năm mươi cân hành lý, và tình thế buộc chàng để những chiếc hòm quý giá ấy sang bên xe bò, để chuyển chúng đến Griqualand với sự chậm chạp kiểu Pháp.
Cỗ xe ngựa này, loại xe ngựa chở khách cỡ lớn mười hai chỗ có bạt che bằng vải, được lắp trên bốn chiếc bánh xe khổng lồ, liên tục bị nước sông nơi xe chạy qua làm cho ướt nhẹp. Đám ngựa, được gắn từng đôi vào cỗ xe và có khi có thêm con la để tiếp sức, được hai người đánh xe điều khiển vô cùng khéo léo, họ ngồi cạnh nhau trên băng ghế; một người kéo dây cương, trong khi một người lái phụ cầm roi tre rất dài, tựa như cần câu lớn, anh ta không chỉ dùng nó để thúc ngựa tiến lên mà còn để điều khiển cỗ xe.
Lộ trình có ngang qua Beaufort, một thành phố nhỏ xinh xắn được xây dựng dưới chân núi nieuweveld, sau đó băng qua dãy núi, đến thành phố Victoria và cuối cùng là hopeTown - Thành-phố-hy-vọng - Nằm bên dòng orange, rồi từ đây dẫn đến Kimberley và các mỏ khai thác kim cương chính, chỉ cách đó có vài dặm.
Quả là một chuyến du hành nhọc nhằn và nhàm chán kéo dài tám đến chín ngày xuyên qua xứ Veld trơ trụi. Cảnh quan hầu như lúc nào cũng mang vẻ não nề nhất - Những đồng bằng đất đỏ, đá nằm rải rác như được trang trí bằng những khối băng tích, những tảng đá xám lộ ra ngang mặt đất, một loại cây cỏ lơ thơ màu vàng, những bụi cây èo uột. Không thấy có trồng trọt cũng chẳng có vẻ đẹp thiên nhiên. Thi thoảng lại xuất hiện một trang trại tồi tàn, người chủ trang trại kia vốn được chính phủ thuộc địa nhượng quyền sử dụng đất, đổi lấy nghĩa vụ cho khách lữ hành cư trú. Nhưng việc cư trú ấy luôn chỉ gồm vài thứ cơ bản nhất. Ở những quán trọ đặc biệt này, không có giường cho khách cũng chẳng có chuồng cho ngựa. Chỉ có một vài đồ ăn đóng hộp, đã được vận chuyển qua khắp thế giới và đắt như vàng!
Chính vì thế, đối với việc ăn uống, bầy ngựa được thả ngoài đồng, nơi đây chúng chỉ tìm thấy một vài bụi cỏ mọc dưới đá. Đến lúc khởi hành tiếp thì việc tập hợp chúng lại là một vấn đề lớn, một sự hao tổn đáng kể về thời gian.
Và thật gian nan với cỗ xe ngựa nguyên sơ này, với dặm dài đường đi còn nguyên sơ hơn thế! Ghế ngồi chỉ đơn giản là bề mặt những rương gỗ dùng để đựng mớ hành lý ít ỏi, và trên đó suốt một tuần dằng dặc kẻ bất hạnh ngồi giống như ngồi lên chiếc búa hơi cơ học dập dềnh. Không thể đọc sách, cũng không thể ngủ và càng không thể trò chuyện! Bù lại, đa số hành khách cứ ngày và đêm phì thuốc như những ống khói nhà máy, rồi họ uống rượu cho đến hụt cả hơi và khạc nhổ lung tung.
Như vậy, Cyprien Méré ở đây với một lựa chọn đủ xem là điển hình cho nhóm cư dân trôi nổi này, họ ồ ạt từ khắp nơi trên hành tinh đến các mỏ vàng hay kim cương, ngay khi được thông báo. Một gã người Napôli cao lớn núng nính, với mái tóc đen dài, da mặt trông như tờ giấy da, đôi mắt đáng gờm, tự xưng tên là Annibal Pantalacci, một tay Do Thái Bồ Đào nha tên gọi Nathan, chuyên gia về kim cương, cứ ngồi rất trầm lặng trong góc của mình và nhìn đời như một triết gia, một anh thợ mỏ vùng Lancashire, Thomas Steel, anh chàng hoạt bát cao lớn có râu đỏ hung và eo lưng lực lưỡng, từ bỏ than đá để thử làm giàu ở Griqualand, một tay người Đức, herr Friedel, nói sang sảng và đã rành rẽ những gì dính tới việc khai thác kim cương, mặc dù chưa hề tìm được viên kim cương nào trong quặng của gã. Một tay người Hoa Kỳ môi mỏng, chỉ trò chuyện với cái chai bọc da của mình, chắc hẳn hắn ta vừa mới mở tại vùng đất được nhượng quyền này một trong những căng tin nơi rõ ràng để cánh thợ mỏ tiêu số lợi nhuận kiếm được. Một chủ trang trại bên bờ hart, một anh chàng người Boër của tiểu bang tự trị orange, một tay môi giới ngà voi đi từ xứ sở namaquas, hai di dân người Transwvil và một người Trung hoa tên Lee - đúng kiểu tên gọi của người Hoa - Họ bổ sung vào một đoàn ô hợp nhất, lôi thôi lếch thếch nhất, mờ ám nhất, huyên náo nhất, đi cùng với đội ấy chẳng hề là dịp may cho một người đứng đắn.
Sau một lát vui thú với diện mạo và cử chỉ của bọn họ, Cyprien nhanh chóng thấy chán ngấy. Chỉ có Thomas Steel, với vẻ khỏe khoắn và nụ cười nở rộng, và anh chàng người Hoa tên Lee, dáng vẻ hiền lành và yểu điệu là chàng vẫn còn quan tâm. Còn gã người Napôli, với những lời nhả cợt ác ý của hắn ta, khuôn mặt chữ T, làm chàng cảm thấy ghê tởm không thể chịu nổi.
Một trong những trò đùa yêu thích của người này hai ba ngày qua, là cột một túm đồ bẩn thỉu, nào búi cỏ, nào lõi bắp cải, nào đuôi bò, nào mẩu xương bò nhặt trên đồng, vào đuôi bím tóc sau lưng theo phong tục đất nước của anh chàng Trung hoa.
Lee, thản nhiên như không, gỡ cái khúc thừa nối ở bím tóc dài của anh, nhưng anh không một lời, cũng không một cử chỉ nào, càng không có cả một ánh mắt tỏ rõ rằng trò đùa cợt ấy vượt quá giới hạn cho phép. Khuôn mặt da vàng, đôi mắt xếch nhỏ, ẩn chứa vẻ bình thản bất di bất dịch như thể anh xa lạ với mọi điều xung quanh mình. Hẳn là ta có thể nghĩ rằng anh chẳng hiểu những gì đoàn tùy tùng[5] đi đến vùng Griqualand đang nói.
Phải chăng vì thế mà Annibal Pantalacci không quên thêm vào, bằng thứ tiếng Anh tệ hại của mình, những lời bình thay đổi theo từng trò đùa hạ cấp của gã.
“Các anh có nghĩ bệnh vàng da của hắn dễ lây lan không?” gã cao giọng hỏi người bên cạnh.
Hay là:
“Giả dụ tôi dùng kéo cắt mất bím tóc của hắn, các anh sẽ thấy hắn tức điên lên cho mà xem!”
Và đám hành khách phá lên cười. Điều nhân đôi sự thích thú của bọn họ, chính là mấy người Boër mãi một lúc mới hiểu hết gã Napôli nói gì; rồi, họ bỗng phá lên cười, muộn hơn những người còn lại trong đoàn hai đến ba phút.
Cuối cùng, Cyprien nổi cáu với việc mãi vẫn cứ lôi anh Lee tội nghiệp ra làm lá chắn, và nói với Pantalacci rằng cách cư xử của hắn ta chẳng độ lượng. Gã kia có vẻ sắp đáp lại một câu xấc xược, nhưng một câu nói của Thomas Steel cũng đủ làm hắn thận trọng thôi không buông ra lời mỉa mai cay độc nữa.
“Thôi! Cư xử như vậy với anh chàng đáng thương ấy chẳng phải tử tế gì đâu, anh ta thậm chí còn chẳng hiểu các anh nói gì cơ mà!” chàng trai gan dạ ấy lên tiếng, bởi anh trách mình đã vào hùa cùng cười với những kẻ khác.
Sự việc vì thế chấm dứt tại đó. Nhưng, một lát sau, Cyprien ngạc nhiên khi bắt gặp ánh mắt tinh tế và hơi mỉa mai - tất nhiên kèm theo sự hàm ơn - mà anh người Hoa gửi đến cho chàng. Trong ý nghĩ của chàng, có lẽ Lee hiểu tiếng Anh tốt hơn nhiều cách anh ta cố tỏ ra bên ngoài.
Nhưng, ở trạm dừng tiếp theo, Cyprien cố bắt chuyện với anh ta cũng vô ích. Anh chàng người Hoa thản nhiên và câm lặng. Từ đó, con người kỳ lạ ấy cứ kích thích trí tò mò của chàng kỹ sư trẻ như một ẩn ngữ cần tìm lời giải. Chẳng thế mà Cyprien thường xuyên phân tích tỉ mỉ khuôn mặt da vàng nhẵn nhụi ấy, cái miệng sắc lẻm như dao hé mở trên hàm răng trắng phau, chiếc mũi tẹt và hếch, vầng trán rộng, đôi mắt xếch luôn nhìn xuống như để dập tắt những tia ranh mãnh.
Lee độ khoảng bao nhiêu tuổi? Mười lăm hay sáu mươi? Điều này không thể nói được. Nếu hàm răng, ánh mắt và mái tóc đen bồ hóng của anh ta thiên về tuổi trẻ, thì những nếp nhăn trên trán, trên hai má và cả nơi khóe miệng có vẻ cho thấy anh ta cũng đã có tuổi. Anh ta có vóc nhỏ bé, mảnh mai, bề ngoài lanh lợi, nhưng có những nét già dặn và có thể nói là ngờ nghệch.
Anh ta giàu hay nghèo? Lại là một câu hỏi không chắc chắn khác. Chiếc quần vải bố xám, áo khoác có khăn trùm vàng, chiếc mũ vải bện, đôi giày đế dạ, đôi tất màu trắng ngần, cũng có thể là của một viên quan lại đầu triều hay một thường dân. Hành lý anh ta chỉ gồm một chiếc hòm gỗ đỏ, với địa chỉ viết bằng mực đen:
H. Lee,
From Canton to the Cap
Có nghĩa là: H. Lee, từ Quảng Đông, đến Cap.
Thêm nữa, anh người Hoa này cực kỳ sạch sẽ, không hút thuốc, chỉ uống nước và luôn tận dụng lúc nghỉ chân để cạo râu một cách chăm chút.
Cyprien chẳng thể biết nhiều hơn thế và nhanh chóng thôi không còn quan tâm đến vấn đề sống động này.
Tuy vậy, nhiều ngày trôi qua, dặm cứ tiếp nối dặm. Nhiều khi đoàn ngựa đi nhanh. Nhiều khi khác, tưởng không thể khiến chúng rảo bước được. Nhưng dần dần, hành trình cũng hoàn tất, và, một ngày đẹp trời, cỗ xe ngựa chở khách đã đến hope-Town. Thêm một chặng nữa và đi qua khỏi Kimberley. Rồi những túp lều gỗ hiện ra ở phía chân trời.
Đó là New-Rush.
Ở đó, tại những nước mới mở cửa với nền văn minh, trại của cánh thợ mỏ chẳng khác gì mấy những thành phố tạm bợ, mọc lên từ đất rất kỳ diệu.
Những ca bin ghép bằng ván, phần lớn rất bé và trông giống mấy túp lều của công nhân sửa đường trên các công trình châu Âu, một vài lều trại, khoảng một chục hàng cà phê hoặc căng tin, một quán bi da, một quán tên Alhambra hay chính là câu lạc bộ khiêu vũ, những cửa hiệu hay bách hóa tổng hợp bán nhu yếu phẩm - thoạt tiên đó là những gì đập vào mắt.
Có mọi thứ trong các cửa hàng này - áo quần và đồ gỗ, giày dép và ly thủy tinh, sách vở và yên ngựa, vũ khí và vải vóc, chổi quét và đạn dược săn bắn, chăn đắp và thuốc xì gà, rau củ tươi và tân dược, cày và xà bông vệ sinh, bàn chải móng tay và sữa đặc, chảo chiên xào và tranh ảnh in - tóm lại đủ thứ, chỉ ngoại trừ khách mua.
Vì rằng dân cư của trại vẫn còn bận rộn ngoài mỏ, cách xa New-Rush ba hay bốn trăm mét.
Cyprien Méré, cũng giống như những người mới đến, vội vã đến các cửa hàng đó trong khi người ta chuẩn bị bữa tối trong một căn lều được trang trí lòe loẹt có tên Khách Sạn Continental.
Bấy giờ là khoảng sáu giờ chiều. Mặt trời bao phủ đường chân trời bằng làn hơi nước vàng óng. Chàng kỹ sư trẻ quan sát, thêm một lần nữa, đường kính vĩ đại của vầng thái dương, cũng như của nguyệt lượng, nhìn từ độ cao vùng miền nam này, mà chẳng tìm được lý giải thích đáng cho hiện tượng ấy. Đường kính ấy có vẻ như rộng ít nhất gấp hai lần so với ở châu Âu.
Nhưng một cảnh tượng còn mới lạ hơn với Cyprien Méré đang chờ đợi chàng ở Kopje, tức là ở mỏ khai thác kim cương.
Khi khởi đầu công trình, khu mỏ tạo nên một gò thấp lè tè, làm thành khoảng đất ụ trên vùng đồng bằng này, trong khi mọi nơi khác đều bằng phẳng như mặt biển lặng. Nhưng giờ đây, đấy là một hố trũng khổng lồ có vách loe ra, kiểu như một trường đấu hình e líp và có diện tích khoảng bốn mươi mét vuông, đâm xuyên xuống vị trí này. Mặt bằng này bao gồm không ít hơn ba hay bốn trăm “khu đất có quặng quý” hoặc đất nhượng quyền có cạnh dài ba mươi mốt piê[6], mà người được nhượng quyền tùy ý khai khẩn theo ý thích.
Vả lại, công việc chỉ đơn giản là dùng cuốc chim và cuốc bàn đào xới nền để lấy đất, thường được cấu tạo từ cát đỏ lẫn với sỏi. Một khi được đưa lên đến miệng hố, đất được chuyển tới những bàn phân loại để rửa nước, tán nhuyễn, sàng sẩy, và cuối cùng được xem xét kỹ lưỡng xem nó có chứa đá quý không.
Những khu đất này, vì cứ đào riêng lẻ chỗ này chỗ kia, tự nhiên tạo nên các hố có độ sâu khác nhau. Có những hố sâu đến cả trăm mét và hơn nữa, chạm sâu xuống lòng đất, lại có những hố chỉ sâu mười lăm, hai mươi hay ba mươi.
Để phục vụ cho nhu cầu công việc và vận chuyển, mỗi một khu đất được ràng buộc theo các quy định chính thức, chừa một phần ở bờ trên miệng hố một khoảng rộng bảy piê không được đào bới. Không gian này, cộng với khoảng rộng tương ứng của hố bên cạnh, được dành làm thành một kiểu mặt đường hoặc thành con đường đắp, ngang tầm với độ cao ban đầu của nền đất. Trên các ụ nổi ấy, người ta đặt theo chiều ngang một dãy rầm xà, tràn ra hai bên mỗi bên chừng một mét và tạo ra phần bề rộng vừa đủ cho hai chiếc xe bò đi qua mà không húc phải nhau.
Thật không may cho độ bền của con đường treo ấy và cả sự an toàn cho cánh thợ mỏ, vì các chủ khu đất đã không bỏ lỡ dịp đào khoét sâu thêm dưới chân thành hố, những công trình càng ngày càng lún sâu thêm, đến nỗi con đường đắp rốt cuộc có dạng kim tự tháp chúc ngược đứng tựa trên đỉnh, nó nhô lên với độ cao có khi gấp đôi độ cao của các tháp nhà thờ Đức Bà. Hậu quả của vị thế sai lệch này rất dễ đoán định. Đó là chuyện sạt lở thường xuyên của các thành hố, hoặc vào khi mùa mưa, hoặc vào khi có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột tạo thành các đường nứt trong đất. Nhưng sự tái diễn có chu kỳ của những tai nạn đó không ngăn nổi những người khai thác mỏ khinh suất cứ tiếp tục đào khoét cho đến giới hạn tận cùng của bờ vách.
Cyprien Méré, khi tiến lại gần mỏ, thoạt tiên chỉ thấy các xe ba gác, đầy hoặc trống không, qua lại trên các lối đi treo. Nhưng khi chàng đến khá gần rìa đường đi để có thể nhìn sâu xuống bên trong dạng công trình này, chàng nhìn thấy một đám đông thợ mỏ đủ các chủng tộc màu da, trang phục, đang hăng say làm việc dưới đáy các hố khai thác. Dưới đó có dân da đen, dân da trắng, người âu và người Phi, người Mông Cổ và người Xentơ - phần lớn mình trần trùng trục, hoặc chỉ mặc độc chiếc quần vải thô, hoặc áo vải flanen, hoặc quần xà lỏn vải bông, và đội mũ rơm thường cắm lông đà điểu.
Những người này đổ đầy đất vào xô bằng da, rồi chuyền lên miệng mỏ theo dây cáp dài bằng sắt, dưới sức kéo của vòng dây thừng bện da bò, quấn quanh những tang trống lắp bằng các thanh gỗ thưa. Tại đó, các xô được nhanh chóng đổ sang xe ba gác, rồi lại được chuyền ngay xuống lòng hố để mang lên mẻ mới.
Những sợi cáp sắt dài, căng chéo trên chiều sâu các hình hộp hình thành từ việc khai thác mỏ, tạo nên diện mạo thật khác lạ cho “dry-digging” còn gọi là mỏ kim cương khô. Nom chẳng khác nào những hàng tơ dài của một mạng nhện khổng lồ chăng dở dang nhưng bị ngưng trệ đột ngột.
Trong một lúc Cyprien thích thú ngắm kỹ cái tổ kiến con người này. Rồi chàng quay lại New-Rush, nơi chuông báo giờ ăn nhanh chóng vang lên. Ở đó, cả buổi tối chàng được thỏa thích lắng nghe những người này kể về các cuộc khám phá kỳ diệu, về những người thợ mỏ khốn khổ đột nhiên giàu có chỉ nhờ một viên kim cương, còn những người kia thì ngược lại, than vãn về “vận rủi”, về lòng tham của những tay môi giới, về sự bất trung của những người da đen nam Phi làm việc ở mỏ, họ ăn cắp những loại đá đẹp nhất, và còn các chủ đề thảo luận khác về kỹ thuật. Họ nói toàn chuyện kim cương, cara, hàng trăm bảng Anh.
Nhìn chung, cả thế giới này có vẻ khá là khốn khổ, và hễ có một người “đào vàng” hạnh phúc ồn ã gọi một chai sâm banh để uống mừng sự may mắn, thì có tới hai mươi gương mặt dài thượt của những người chủ thiểu não chỉ uống mỗi lon bia nhỏ.
Thi thoảng, một viên đá được chuyền tay quanh bàn, để được ước lượng, xem xét, ước tính, cuối cùng thì quay lại và được nhét vào trong thắt lưng của người sở hữu nó. Viên đá màu xám và mờ xỉn ấy, chẳng sáng hơn một mẩu đá lửa bị cuốn trôi trong dòng thác, chính là viên kim cương còn lẫn quặng bẩn.
Vào nửa đêm, các quán cà phê chật ních người, và cũng các cuộc chuyện trò ấy, những thảo luận ấy đã làm bữa ăn tối thêm vui, cứ thế tiếp tục tốt đẹp hơn quanh những ly rượu gin và rượu brandy.
Còn Cyprien, chàng đi ngủ sớm trên chiếc giường đã dành sẵn cho chàng ở trong lều bên cạnh khách sạn. Ở đó, chàng ngủ thiếp đi nhanh chóng, trong tiếng ồn ào của buổi vũ hội ngoài trời của cánh thợ mỏ da đen nam Phi diễn ra xung quanh, trong tiếng kèn đồng ầm ĩ khởi đầu những điệu nhảy thư giãn của các quý ông da trắng trong phòng vũ hội công cộng.
Ngọc Phương Nam Ngọc Phương Nam - Jules Verne Ngọc Phương Nam