Số lần đọc/download: 1917 / 49
Cập nhật: 2016-05-14 21:18:11 +0700
Chương 1: Cảm Xúc Và Nỗi Sợ Hãi Không Đồng Hành Cùng Sự Bình Tĩnh. Khi Nỗi Kinh Khiếp Ập Đến, Thì Nó Luôn Nhắm Trước Tiên Vào Trái Tim.
S
au ca phẫu thuật, Ezra Benhaêm, giám đốc của chúng tôi, đến gặp tôi ở văn phòng. Đó là một quý ông nhanh nhẹn và hoạt bát dù ông đã qua tuổi sáu mươi và đang bắt đầu béo ra. Ở bệnh viện, người ta đặt cho ông biệt danh quản-lý-hậu-cần vì cá tính độc đoán thái quá của ông kèm thêm khiếu hài hước lúc nào cũng đến chậm. Nhưng trong những ca khó khăn, ông luôn là người đầu tiên xắn tay vào làm và là người cuối cùng bước ra khỏi phòng bệnh.
Trước khi tôi nhập quốc tịch Isral, lúc tôi còn là một bác sĩ phẫu thuật trẻ, đang tìm đủ mọi cách để được vào chính ngạch, thì ông đã ở đó. Mặc dù chỉ là một trưởng khoa bình thường, nhưng ông vẫn sử dụng chút ít ảnh hưởng mà vị trí của ông có được để tránh cho tôi khỏi những kẻ gièm pha. Thời ấy, đối với con trai của một người Ả rập du cư, rất khó để hòa nhập với hội những sinh viên ưu tú trong trường đại học mà không gây ra phản ứng ghê tởm. Tất cả các bạn đồng khóa của tôi đều là những người Do Thái giàu có, với dây chuyền vàng và xe mui trần đỗ trong bãi. Họ đối xử kẻ cả với tôi và coi mỗi thành công của tôi như một sự xúc phạm đến tầng lớp của họ. Và, khi một kẻ trong số bọn họ đẩy tôi đến bước đường cùng, Ezra thậm chí chẳng cần biết ai là người khơi mào; ông tự động đứng về phía tôi.
Ông đẩy cửa vào không gõ, liếc nhìn tôi, khóe môi hơi mỉm cười. Đó là cách ông thể hiện sự hài lòng. Và, khi tôi xoay ghế để ngồi đối diện ông, ông gỡ cặp kính ra, lau chúng bằng vạt trước áo blouse và nói:
- Có vẻ như cháu đã vào vùng nguy hiểm để đưa bệnh nhân của cháu ra.
- Bác nói quá đấy thôi.
Ông đeo lại cặp kính trễ xuống đôi cánh mũi xấu xí, sau đó khẽ lắc lắc đầu, và sau một thoáng trầm ngâm, ánh mắt ông lại trở nên khắc khổ.
- Tối nay cháu có đến câu lạc bộ không?
- Không ạ, hôm nay vợ cháu về.
- Thế còn vụ gỡ của ta?
- Vụ nào ạ? Bác có thắng được cháu ván nào đâu.
- Cháu chơi không đúng luật, Amine ạ. Lúc nào cháu cũng tranh thủ những cú giao bóng kém của ta để ghi điểm. Hôm nay ta thấy khỏe lắm thì cháu lại kiếm cớ chuồn.
Tôi ngả người dựa vào thành ghế để nhìn rõ khuôn mặt ông hơn.
- Bác muốn cháu nói với bác, phải không Ezra tội nghiệp của cháu? Bác đã không còn vẻ năng động ngày xưa nữa và cháu sẽ rất giận bản thân nếu lạm dụng điều ấy.
- Đừng chôn vùi ta nhanh như thế. Kiểu gì cũng có một lần nào đó ta cho cháu hết huênh hoang.
- Bác không cần phải chơi bóng để làm điều đó đâu. Chỉ cần một lệnh sa thải đơn giản là đủ.
Ông hứa sẽ nghĩ đến chuyện này, ông đưa ngón tay lên thái dương trong một tư thế chào rất thoải mái và quay ra cao giọng với các nữ y tá ngoài hành lang.
Còn lại một mình, tôi cố nhớ xem tôi đang làm gì trước khi Ezra thình lình bước vào và nhớ ra là tôi định gọi điện cho vợ. Tôi với lấy điện thoại, bấm số nhà mình và gác máy sau tiếng chuông thứ chín. Đồng hồ của tôi chỉ 13 giờ 12. Nếu Sihem bắt xe lúc 9 giờ, thì nàng phải về được một lúc lâu rồi chứ.
- Đừng có căng thẳng quá thế! - bác sĩ Kim Yehuda bắt gặp tôi khi đột ngột ùa vào căn phòng chật hẹp.
Cô nói thêm:
- Em có gõ cửa trước khi vào. Anh mới là người đang lơ mơ...
- Anh xin lỗi, anh không nghe thấy tiếng em tới.
Cô huơ tay xua đi những lời xin lỗi của tôi, dõi theo cử động của lông mày tôi và dò hỏi:
- Anh gọi điện về nhà à?
- Chẳng giấu được em điều gì.
- Ồ, dĩ nhiên, thế Sihem vẫn chưa về à?
Sự nhạy cảm của cô khiến tôi bực bội, nhưng tôi đã học được cách quen với điều đó. Tôi biết Kim từ hồi học đại học. Chúng tôi không học cùng khóa - tôi học trên cô ba lớp - nhưng chúng tôi quý mến nhau ngay những lần gặp gỡ đầu tiên. Cô ấy đẹp, đầy ngẫu hứng và không hề ngần ngại hỏi xin lửa một anh chàng Ả rập, dù đó là một anh chàng xuất sắc và điển trai, một việc mà các nữ sinh viên khác luôn phải uốn lưỡi bảy lần mới dám nói. Kim rất dễ cười và hào phóng. Những buổi hò hẹn của chúng tôi luôn gây bối rối vì nét ngây thơ. Tôi đã vô cùng đau khổ khi một anh chàng người Nga, vừa rời khỏi đoàn thanh niên Kôm xô môn, đến và cướp cô ấy khỏi tay tôi. Hắn chơi đẹp nên tôi không có gì phản đối. Sau đó, tôi cưới Sihem còn tay người Nga về nước không báo trước, ngay sau ngày Liên Xô tan rã; chúng tôi vẫn là những người bạn tuyệt vời của nhau, Kim và tôi, và mối quan hệ khăng khít đã tạo nên giữa chúng tôi một sự thấu hiểu sâu sắc.
- Hôm nay là ngày người ta đi nghỉ về, - cô bảo tôi. - Các ngả đường đều đông nghịt. Anh đã thử gọi đến nhà bà chị ấy chưa?
- Ở trang trại không có điện thoại.
- Thế gọi vào máy cầm tay của chị ấy vậy.
- Cô ấy quên máy di động ở nhà.
Cô dang hai tay như thể đó là định mệnh:
- Thật không may mắn.
- Cho ai?
Cô nhướn đôi lông mày tuyệt đẹp của mình, và đưa ngón tay lên cảnh báo tôi.
- Bi kịch của một vài ý định tốt đẹp nằm ở chỗ những ý định đó không có đủ dũng khí thực hiện những lời cam kết của mình mà cũng chẳng kiên định.
- Đã đến giờ của những người hùng rồi đây, - tôi vừa đứng lên vừa nói. - Ca phẫu thuật rất kinh khủng và bọn anh cần lấy lại sức...
Nắm lấy khuỷu tay cô, tôi đẩy cô ra ngoài hành lang.
- Đi trước đi nào, người đẹp. Anh muốn được thấy mọi kỳ quan em kéo theo sau em.
- Anh có dám nhắc lại câu đó với em trước mặt Sihem không?
- Chỉ có những kẻ ngốc mới không đổi ý.
Tiếng Kim bật cười tan trong hành lang như ánh hắt lên của một vòng hoa giữa phòng người sắp chết.
Ilan Ros gặp chúng tôi ở căng tin đúng lúc chúng tôi ăn trưa xong. Tay bê cái khay đầy đồ ăn, hắn ngồi xuống bên phải tôi để làm sao đối diện được với Kim. Chiếc khăn ăn trải trên cái bụng phệ và đôi má phính sệ đỏ ửng, hắn bắt đầu bằng việc tọng ba lát thịt nguội trước khi lau mồm bằng một cái khăn giấy.
- Anh vẫn tìm một cái nhà nghỉ cuối tuần đấy chứ? - hắn vừa nhóp nhép nhai vừa hỏi tôi.
- Còn tùy là ở đâu.
- Tôi nghĩ là tôi tìm được giúp anh cái gì đó. Không xa Ashqelon. Một ngôi biệt thự nhỏ xinh với đúng những gì cần thiết để lánh xa mọi ngả đường.
Vợ tôi và tôi tìm một ngôi nhà nhỏ ven biển từ hơn một năm nay. Sihem rất yêu biển. Cứ hai kỳ nghỉ cuối tuần một lần, khi tôi được nghỉ phép, chúng tôi lại vi vu trên ô tô của mình và đi ra biển. Sau hồi lâu tản bộ trên bãi cát, chúng tôi lại nằm trên một đụn cát và ngắm chân trời đến đêm muộn. Hoàng hôn luôn mang đến cho Sihem một niềm say đắm mà tôi không làm được.
- Anh có nghĩ là nó hợp túi tiền của tôi không? - tôi hỏi.
Ilan Ros khẽ bật cười khiến cái cổ đỏ tía như keo động vật của hắn rung lên.
- Từ khi anh thắt lưng buộc bụng, Amine ạ, tôi nghĩ anh thừa sức thực hiện được một nửa những gì anh mơ ước...
Đột nhiên, một vụ nổ kinh hoàng làm rung chuyển những bức tường và những ô cửa kính của căng tin. Mọi người nhìn nhau, lưỡng lự, rồi những người đang ngồi gần cửa kính đứng cả dậy và quay ra phía bên ngoài. Kim và tôi lao đến cửa sổ gần nhất. Bên ngoài, những người đang làm việc trong sân bệnh viện đều đứng bất động, quay đầu về hướng Bắc. Mặt tiền khối nhà đối diện khiến chúng tôi không nhìn được xa hơn.
- Chắc chắc là một vụ khủng bố, ai đó nói.
Kim và tôi lao ra hành lang. Một nhóm y tá đã từ tầng hầm lên và đi như chạy về phía đại sảnh. Cứ xét mức độ nghiêm trọng của cú sốc, thì nơi xảy ra vụ nổ không xa lắm. Một người bảo vệ mở bộ đàm của mình để tìm hiểu tình hình. Người đối thoại với ông ta cho biết cái máy không hoạt động nữa. Chúng tôi đổ ra thang máy. Khi lên đến tầng trên cùng, chúng tôi chạy vội về phía sân thượng nằm nhô ra bên cánh phía Nam tòa nhà. Một vài kẻ tò mò đã có mặt ở đó, tay khum lên mắt. Họ đang nhìn về phía một đám mây khói bốc lên cách bệnh viện khoảng mười dãy nhà.
- Đám khói bốc lên từ phía Haqirya, một người bảo vệ tường thuật lại vào cái máy ghi âm của mình. Một quả bom hoặc là một kẻ đánh bom liều chết. Có lẽ một chiếc ô tô đã bị gài mìn. Tôi không có thông tin. Những gì tôi thấy, chỉ là khói bốc lên từ địa điểm mục tiêu...
- Phải đi xuống thôi, - Kim nói với tôi.
- Em có lý. Chúng ta phải chuẩn bị đón những đợt sơ tán đầu tiên.
Mười phút sau, các bản tin đề cập đến một vụ thảm sát thực sự. Một vài bản tin nói đến một chiếc xe buýt bị tấn công, nhiều bản tin khác lại cho là một nhà hàng bị thổi tung. Tổng đài điện thoại như chực nổ tung vì quá tải. Đang báo động đỏ.
Ezra Benhaêm ra lệnh triển khai nhóm chuyên trách. Các y tá và các bác sĩ phẫu thuật đi đến phòng cấp cứu, ở đó xe và cáng thương được xếp trong một nơi giống như cái trường đua náo nhiệt, nhưng rất có trật tự. Đây không phải lần đầu tiên Tel Aviv bị khuấy động bởi một vụ khủng bố, và các hoạt động cứu nạn ngày càng được tiến hành hiệu quả hơn. Nhưng một vụ khủng bố vẫn là một vụ khủng bố. Rõ ràng, người ta chỉ có thể khắc phục được khía cạnh kỹ thuật, chứ không khắc phục được khía cạnh con người. Cảm xúc và nỗi sợ hãi không đồng hành cùng sự bình tĩnh. Khi nỗi kinh khiếp ập đến, thì nó luôn nhắm trước tiên vào trái tim.
Tôi cũng đi đến phòng cấp cứu. Ezra đang ở đó, mặt tái nhợt, máy di động áp vào tai. Ông đưa tay cố gắng chỉ đạo các khâu chuẩn bị chữa trị.
- Một kẻ đánh bom cảm tử đã làm mình nổ tung tại một nhà hàng. Có rất nhiều người chết và bị thương, - ông thông báo. - Hãy sơ tán các phòng 3 và 4. Và chuẩn bị đón những nạn nhân đầu tiên. Xe cứu thương đang trên đường đến đó.
Kim vào phòng cô gọi điện rồi gặp tôi ở phòng số 5. Đó là nơi dành cho các nạn nhân bị trọng thương. Đôi khi, khu phẫu thuật không đủ chỗ, chúng tôi phải tiến hành cắt mổ ngay tại chỗ. Cùng bốn bác sĩ phẫu thuật khác, chúng tôi kiểm tra trang thiết bị. Các nữ y tá đang chuẩn bị bàn mổ, nhanh nhẹn và chuẩn xác.
- Có ít nhất mười một người chết, - Kim vừa cho tôi biết vừa khởi động máy móc.
Bên ngoài, còi báo động rú lên. Những chiếc xe cứu thương đầu tiên lao vào sân bệnh viện. Tôi để Kim phụ trách máy móc và đến gặp Ezra trong đại sảnh. Tiếng kêu rên của những người bị thương vang lên khắp phòng. Một phụ nữ gần như trần truồng đang nằm co giật trên một cái cáng, thân hình bà cũng to lớn như nỗi khiếp đảm của bà. Những người khiêng cáng đang giúp bà nhưng rất khó để giữ bà nằm im. Bà được khiêng qua trước mặt tôi, mái tóc rối bù và đôi mắt trợn trừng. Ngay sau bà là cơ thể đẫm máu của một chàng trai trẻ. Khuôn mặt và hai cánh tay cậu đen kịt như thể cậu vừa đi ra từ một mỏ than. Tôi giành lấy chiếc xe chở cậu và đẩy sang một bên để giải tỏa lối đi. Một cô y tá đến giúp tôi.
- Tay cậu ta rời ra rồi, - cô ấy thốt lên.
- Đây không phải lúc yếu lòng, - tôi khuyên cô. - Cô hãy đặt một cái ga rô và đưa cậu ấy đến khu phẫu thuật ngay lập tức. Không được chậm trễ dù một phút.
- Rõ ạ, thưa bác sĩ.
- Cô chắc là sẽ suôn sẻ chứ?
- Anh đừng lo cho tôi, thưa bác sĩ. Tôi xoay xở được.
Trong khoảng mười lăm phút, đại sảnh khu cấp cứu biến thành bãi chiến trường. Không dưới một trăm người bị thương lèn chật ních ở đó, phần lớn bị đặt nằm xuống đất. Tất cả các xe chở bệnh nhân đều đầy ứ các cơ thể người nát bấy, bị các mảnh vỡ găm lỗ chỗ nom đến kinh khiếp, một vài người bị cháy sém nhiều nơi trên cơ thể. Tiếng khóc và tiếng gào rú lan tràn khắp bệnh viện. Chốc chốc, một tiếng thét lấn át khung cảnh náo động báo hiệu một nạn nhân qua đời. Một nạn nhân trong số đó tắt thở ngay trong tay tôi, không kịp để tôi xem xét. Kim báo tôi hay là khu phẫu thuật đã quá tải và cần phải chuyển các ca nghiêm trọng sang phòng số 5. Một người bị thương yêu cầu chúng tôi phải chăm sóc anh ta ngay lập tức. Cả mảng da lưng của anh ta bị tróc và một phần xương bả vai bị lòi ra. Không thấy ai đến giúp mình, anh ta túm tóc một cô y tá. Phải ba người đàn ông khỏe mạnh mới làm cho anh ta thả tay ra được. Xa hơn một chút, bị kẹt giữa hai xe chở bệnh nhân, một người bị thương vừa rú lên vừa ra sức vùng vẫy kịch liệt. Cuối cùng, anh ta ngã khỏi cáng vì giãy giụa quá nhiều. Toàn thân bầm nát, anh ta đấm dữ dội vào khoảng không. Cô y tá chăm sóc anh ta dường như không làm chủ được tình hình nữa. Mắt cô sáng rực lên khi thấy tôi.
- Nhanh lên, nhanh lên, bác sĩ Amine...
Đột nhiên, người bị thương đó cứng đờ; những tiếng thở ran, những cơn co giật, những đợt giãy giụa của anh ta, toàn bộ cơ thể của anh ta trở nên bất động và hai cánh tay anh ta buông thõng xuống ngực, giống như hai cánh tay của một con rối khi người ta vừa ngừng giật dây. Trong chưa đầy một giây, những nét co rúm của anh ta dãn ra khỏi nỗi đau đớn và nhường chỗ cho một vẻ kỳ dị, được tạo nên từ cơn điên dại lạnh lẽo và sự ghê tởm. Lúc tôi nghiêng người xuống anh ta, mắt anh ta nhìn tôi hăm dọa còn đôi môi nhếch lên khinh miệt.
- Tôi không muốn một tên Ả rập chạm vào người tôi, - anh ta vừa càu nhàu vừa giận dữ đẩy tôi ra. - Thà chết còn hơn.
Tôi nắm cổ tay anh ta và kiên quyết chống cánh tay anh ta vào sườn.
- Giữ cẩn thận nhé, - tôi bảo cô y tá. - Tôi sẽ kiểm tra anh ta.
- Đừng có động vào tôi, - người bị thương vùng dậy. - Tôi cấm ông đụng tay vào người tôi.
Anh ta khạc nhổ vào tôi. Do hết hơi, nước bọt rớt trở lại cằm anh ta, run rẩy và nhớt nhát trong khi những giọt nước mắt giận dữ giàn giụa mi mắt. Tôi lật áo vest của anh ta ra. Bụng anh ta chỉ còn là một nhúm thịt nhầy nhụa mà mỗi cử động sẽ khiến nó đau quặn thêm. Anh ta bị mất rất nhiều máu, và những tiếng kêu gào của anh ta chỉ càng làm máu chảy nhiều hơn.
- Cần làm phẫu thuật cho anh ta ngay lập tức.
Tôi ra hiệu cho một y tá nam để anh ta giúp tôi đặt lại người bị thương đó lên cáng rồi lách qua những chiếc xe chở bệnh nhân đang ngáng đường mình, tôi tiến vào khu phẫu thuật. Người bị thương nhìn tôi căm hận bằng đôi mắt sắp lộn khỏi tròng. Anh ta định phản kháng, nhưng những cơn co giật đã vắt kiệt sức anh ta. Bị quật ngã, anh ta quay đầu đi để không phải đối diện với tôi và buông mình cho cơn tê tái đang xâm chiếm.