The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Tác giả: Ninh Hạ
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 916 / 4
Cập nhật: 2016-06-27 09:57:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cho Người Về - Ôn
1.
Giữa đêm khuya hàng ngàn tù cải tạo bị áp tải lùa nhốt nén chặt dưới đáy hầm tàu Sông Hương để đầy ải ra Bắc.
Sau cuộc hành trình dài của con tàu địa ngục, những tù nhân của chế độ lại bị tống lên những toa xe lửa ngạt thở cũ kỹ lắc lư. Chặng cuối đường lưu đày đoàn xe tải Molotoma bịt bùng tiếp nối xuyên qua những bản làng Tây Bắc heo hút.
Cuối cùng. Trong đêm tối rừng âm u chập chờn ánh đuốc. Mấy ngàn người rã rượi lo âu, được phân phối giam giữ rải rác trong vùng thung lũng hẹp Mường Cơi Sơn La. Bốn bề núi rừng bao phủ. Sương mù và ám khí. Chỉ có vượn hú mà chẳng hề nghe tiếng chim gì kêu ngoài tiếng kêu não nuột của con chim “Bắt cô trói cột!”, mà những năm tháng sau này khi cơn đói đay nghiên hành hạ thì tiếng chim ai oán nghe rõ như tiếng người kêu vọng. “Cơm còn cho cục! Cơm còn cho cục!”
Sáng sáng khi sương mù u uất giá lạnh còn phủ xám núi đồi thung lủng hay chiều chiều khi tía nắng cuối ngày khuất sau dãy núi xám xịt mù ám nghẹt thở siết quanh thung lủng trại, những hồi kẻng âm vang rợn người dội lại từ vách núi, rờn rợn như tiếng chuông gọi hồn gióng lên từ cõi âm ti. Âm thanh đó vang vọng nhức nhối xuyên suốt ngỏ ngách hồn xác những tù nhân khổ sai biệt xứ.
2.
Một buổi sáng chúa nhật.
Mùa đông và gió mùa đông bắc.
Đói lạnh. Tê cóng.
Nhìn qua ô cửa sổ nhà giam, thấy bên kia cách một hàng rào kẽm gai là một dãy nhà giam khác mới cất vội vã. Người bạn tù thân nhất của tôi biết nhau từ buổi sáng tinh mơ sắp hàng trình diện đi tù, qua bao đổi thay di chuyển từ Nam ra Bắc vẫn có bên nhau, vốn là sĩ quan báo chí, anh chỉ cho tôi mấy người già co ro đang yên lặng nhẫn nhục ngồi đan rổ rá bên hiên nhà. Mấy cha Tuyên úy Công giáo. Cha Huồn, cha Thuấn, cha Hùng…
Chỉ một người ốm yếu tiều tụy ngồi cạnh mấy cha, anh hỏi tôi:
“Cậu có biết ai đó không?”
“Không!”
Anh nhìn tôi ngạc nhiên.
“Tôi thật không biết. Chưa hề thấy. Ai đó?”
“Trời! Thượng tọa Thiên Lương, Nha Tuyên úy Phật giáo đó!”
Có lẽ anh ngạc nhiên vì nghĩ tôi là một Phật tử chắc phải biết rành mấy thầy, cũng như anh biết hết thảy mấy cha.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy Thầy.
Thấy một cách dửng dưng thờ ơ lãnh đạm. Thái độ của tôi thật cũng dễ hiểu. Sau hơn một năm giam giữ chung với mấy đại đức, tôi đã không còn giữ được điều thứ ba của tam quy, quy y Tăng.
Thời gian tù đày là lúc cần đên sự hỗ trợ của đức tin tôn giáo. Đối diện với khôn cùng và sự bất lực của bản thân trước những mất mát tang thương, mất đất nước mất tự do, mất cha mẹ vợ con và bạn bè thân thiết…con người chỉ còn biết vươn tới, cầu mong ở các đấng thiêng liêng cho một hy vọng mong manh. Vai trò của mấy thầy, mấy cha trong hoàn cảnh này thật cần thiết.
Như trong bài Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô mà tôi đã học thuộc những năm dài ở trường Dòng:
“Đem yêu thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục
Đem an hòa vào nơi tranh chấp…
Đem niềm vui tới chốn âu sầu…”
Tiếc thay! Một số lớn mấy thầy mà một thời các Phật tử, kể cả những người lớn tuổi, rập đầu xưng “con” vì lòng kính trọng bậc xuất gia, không giữ được tư cách bình thường chứ đừng nói chi đến đạo hạnh. Có lần tôi đã gặp và yêu cầu quý vị ráng giữ gìn để chúng tôi khỏi xấu hổ lây. Nhiều anh em đến than phiền. Để giữ niềm tin cho họ và cũng để tự an ủi tôi cố giải thích rằng, đây không phải là các bậc xuất gia đi tìm chân lý giải thoát cứu đời, họ chẳng qua chỉ là các thanh niên vào chùa cạo đầu để trốn quân dịch!
Ngày tháng chậm chạp ù lì trôi qua với những khổ đau vô tận.
Thân xác mỏi mòn.
Tinh thần rời rã!
Không biết bao nhiêu lần chuyển trại âu lo căng thẳng, rày đây mai đó. Bạn bè vừa kết thân có thể chia sẻ với nhau những buồn vui, nương tựa nhau những lúc đau yếu suy sụp và nhất là có thể tin cậy được nhau vội vã chia tay. Hy vọng mong manh một ngày về theo chính sách của bọn bịp cũng rã tan.
Sau ba năm, toàn thể tù cải tạo được chuyển giao cho cục công an trại giam quản lý. Từ đây bắt đầu những ngày tù thật sự. Sáng mở cửa, điểm danh ra buồng. Tối đếm đầu, khóa cửa. Cả trăm người triền miên thiếu ăn thiếu tắm, chen chúc trong dãy buồng giam chật ních ngạt thở. Chẳng còn mấy ai chờ đợi một ngày về. Nhiều anh em bạn bè đã bỏ cuộc tù.
Sinh nam tử bắc!
3.
Một ngày Tết ở trại Phù Yên Sơn la, tôi gặp Thầy.
Dãy nhà dài gọi là láng nơi thầy ở nằm song song với láng của tôi, chỉ cách nhau một sân rộng, chia cách bởi một hàng rào kẽm gai có cửa ngăn. Nhân ngày Tết, các láng được qua lại thăm nhau.
Sáng Mồng một Tết. Trời thật đẹp. Nắng trong mà lạnh. Tôi thầm nghĩ, nếu đất nước thanh bình gia đình đoàn tụ, ăn tết trong cái khí hậu này thì tuyệt vời. Sau bữa ăn sáng vui vẻ với anh em bạn thân, tôi quyết định sang thăm Thầy.
Như một tập tục bao đời của gia đình, sáng Mồng một Tết sau lễ gia tiên cả nhà đi chùa lễ Phật lây lộc đầu xuân. Mạ tôi thì đi cho đủ mười chùa. Lúc còn ở Huế sau giao thừa mạ tôi rước thầy về nhà khai kinh đầu năm. Trong giấc ngủ mơ màng, mùi trầm hương, tiếng mõ tiếng chuông, tiếng tụng kinh trầm bổng rất hay của thầy là những kỷ niệm êm đềm khó quên.
Thế nên những khi xa nhà xa quê, ngày Tết là ngày nhớ ray rứt nhớ lặng người, hoài niệm những ngày tháng cũ.
Ở tù không chùa, thôi thì sang thăm Thầy vậy!
Bước vào nơi Thầy ở, nhìn quanh thấy vắng lặng. Lác đác mấy anh trùm chăn, chắc đang đau khổ khóc thầm vì nhớ vợ nhớ con. Mây anh khác kéo nhau ra sân tụm năm tụm ba đấu láo.
Gặp một trung tá tôi quen ngồi gần cửa, tôi hỏi nhỏ vừa đủ hai người nghe:
“Thưa trung tá, thượng tọa Thiên Lương nằm ở đâu?”
Trong tù bọn cán bộ cấm ngặt gọi nhau bằng cấp bậc cũ. Thế nhưng chúng tôi vẫn gọi riêng vói nhau, xưng hô đúng cấp bậc để chứng tỏ rằng trong hoàn cảnh mất nước tù đày chúng tôi vẫn tôn trọng các bậc đàn anh quân ngũ.
Tuy nhiên, một thực tế đau lòng là càng cao cấp bậc thì số người làm ăng ten báo cáo mật cho cán bộ Việt cộng càng nhiều. Mặt khác, tư cách và sự đối xử giữa họ với nhau càng tệ, tệ hơn lớp trẻ nhiều.
Chỉ tay về phía cuối lảng, ông nói:
“Ông ấy đang ngồi kia kìa!”
Nán lại giây lát, tôi nói máy móc:
“Cám ơn trung tá. Nhân dịp năm mới chúc trung tá sức khoẻ để sum họp gia đình.”
Tôi hạ giọng đùa:
“Happy New…York!”
Ông cười gượng:
“Cám ơn anh. Tôi chúc anh cũng như vậy. Nhưng với sức khoẻ như vầy, chắc tôi chết trong tù. Vợ con bên Mỹ cả rồi, ngày sum họp làm gì có được mà mong!”
Mắt ông rưng rưng muốn khóc. Tôi lẫn tránh, chào vội đi về phía Thầy.
Trước mặt tôi một ông già ốm yêu mệt mõi gầy gò trong bộ đồ tù màu lam cổ nồi. Chiếc khăn mặt trắng vắt một bên vai. Ngồi một chân trên giường, một chân thòng xuống đất, tay xoa tới xoa lui chiếc đầu trọc mới cắt không đều. Một hình ảnh thật thân quen gần gũi như tôi đã từng thấy những lần lên thăm chùa Trà Am, Bảo Quốc… ở Huế.
Tôi cất tiếng:
“Dạ thưa Ôn!”
Thầy ngước mắt nhìn lên. Đôi mắt sáng hiền lành đôn hậu. Ung dung đứng dậy, đưa hai tay nắm lấy tay tôi, nhỏ nhẹ:
“Chào anh!”
“Thưa Ôn. nhân dịp đầu năm con qua thăm Ôn. Cầu chư Phật gia hộ cho Ôn được sức khoẻ, thân tâm thường an lạc.”
Nét mặt vẫn ung dung tự tại, nhưng trong đôi mắt, tôi thấy Ôn đang cười vui. Ấn nhẹ vai tôi ngồi xuống giường với Ôn. Với tay lấy mấy chiếc kẹo tiêu chuẩn tết trại phát và gô nước mời tôi.
“Anh người Huế?”
“Dạ. Thưa Ôn con sinh ở Huế, nhưng ở trong Nam lâu hơn.”
Tôi chợt nhớ ra.
Tuy giọng nói của tôi không còn trọ trẹ Huế chính gốc mà đã pha Nam, nhưng khi xưng hô thì tự nhiên gọi thầy bằng Ôn như hầu hết người Huế xưng hô với các vị tăng già.
Chỉ sau ngày đấu tranh Phật giáo 1963, rồi sau đó lập ra nào là Viện Tăng Thống, Viện Hóa Đạo mới gọi là Hòa Thượng Đại Đức. Vừa xa lạ vừa kiểu cách. Lắm khi lại dùng danh xưng “Ngài”. Vừa phong kiến vừa xa thế gian.
Trước đây chúng tôi gọi là Ôn Tường Vân, Ôn Linh Mụ, chẳng khi nào dám gọi đích danh là Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu.
Tiếng Ôn, nghe thân thiết gần gũi mà đâu có mất đi niềm tôn kính. Một lần tôi gọi “Thầy Đôn Hậu”. Mạ tôi rầy. “Đừng hỗn con. Gọi là Ôn Linh Mụ”. Tôi nhớ rõ, lúc còn làm cố vân giáo lý cho các gia đình Phật tử, chúng tôi gọi là “chú Minh Châu, chú Thiên Ân…”. Mãi sau nây mới đổi ra gọi là thầy, rồi thượng tọa khi các vị du học ở Ấn độ Nhật bản về làm Viện trưởng làm giáo sư đại học.
Từ sự xưng hô này, Thầy nhận ra tôi là người Huế.
Thầy hỏi tôi:
“Anh có nhận được tin nhà không? Vợ con thế nào?”
Ý của Ôn muốn hỏi thăm vợ con có đi lọt không.
“Dạ cám ơn Ôn. Con có nhận được thư gia đình ở Saigòn tuần rồi”.
Nhìn Ôn, tôi ái ngại:
“Trông Ôn ốm yếu quá! Con lo Ôn không chịu đựng được.”
Thầy cười, nụ cười Bồ Tát, nhìn tôi:
“Tôi thì chỉ lo cho các anh không quen lao động cực khổ. Ăn uống lại quá thiếu thốn. Thương các anh chưa hề trải qua cái đói, cái lạnh. Riêng thầy xuất gia từ thuở nhỏ, dưa muối tương chao qua ngày, ruộng rẫy cũng đã làm. Thành thử thầy quen và chịu đựng được.”
Đôi mắt, giọng nói và nét mặt của thầy, trong phút chốc đã truyền qua cho tôi một sự an bình lạ thường. Lạy Thầy! Con là Phật tử, hàng đêm niệm Phật, sáng sáng niệm Phật, cầu cho mình cho gia đình cho bạn bè cầu cho đất nước qua khỏi tai ương. Nhưng con đã xúc phạm Tăng. Hôm nay gặp Thầy, thầy nhen nhúm cho con niềm tin hiếm hoi thời mạt pháp.
Thầy thấy tôi xao xuyến, không nói lời nào, đặt tay trên vai tôi siết nhẹ…
Kẻng báo giờ cơm. Đám đông ổn ào từ ngoài sân ùa vào. Lặng người xúc động, tôi đứng dậy run run cầm tay Thầy từ giã. Đôi tay gầy trơ xương.
4.
Chúng tôi cùng mấy thầy mấy cha chuyển trại từ Sơn La về Vĩnh Phú sau đợt Trung cộng tràn qua biên giới phía Bắc. Tuy vẫn cùng ở chung một trại nhưng kỷ luật gắt gao, ăng ten chỉ điểm theo sát nên chẳng còn có dịp nào được gặp lại Thầy.
Một thời gian sau, người bạn kể cho biết Thầy ngất xỉu ngoài hiện trường lao động phải đưa về bệnh xá cấp cứu. Ai cũng nghĩ thầy sẽ không qua khỏi. Trong lúc anh em buồn rầu lo lắng thì thầy hổi phục trở về tiếp tục lao động bình thường. Thầy chỉ bị kiệt sức. Ai hỏi thăm, Thầy cười hiền lành:
“Nhờ chư Phật gia hộ, tôi còn sống và sống lâu nữa!”
Thời gian ngắn sau đó Thầy lại kiệt sức. Lại hồi phục. Có ai thăm hỏi, Thầy lại cười hiền lành. “Nhờ chư Phật gia hộ, tôi vẫn còn sống và sống lâu nữa.”
Về sau anh em trong đội mới phát giác ra được nguyên nhân căn bệnh kiệt sức của thầy. Tổ lao động của thầy có mấy đại đức trước đây là đệ tử của Thầy. Thường khi lao động về, mấy đại đức chia phiên lấy phần ăn cho Thầy. Đói cách mấy Thầy cũng khoan thai ra giếng múc nước rửa mặt xong mới vào tọa thiền và thọ trai.
Thời gian nầy, thức ăn cho tù vốn đã quá ít nay còn hạ xuống, vì khó khăn lương thực mất mùa. Phần ăn của Thầy đã bị mấy vị trai trẻ lén lút xén gần hết. Thầy biết nhưng tâm từ bi chẳng than thở, có chừng nào thì độ chừng đó. Cứ thế sức kiệt dần. Từ khi biết được nguyên nhân, anh em chia người canh giữ phần ăn cho Thầy. Thầy cười!
5.
Thầy gượng khỏe cho đến ngày được tha.
Mười mấy năm tù ngục đọa đày bao người trẻ tuổi khoẻ mạnh đã chôn xác tức tưởi góc núi ven rừng, ốm yếu như Thầy mà vẫn thọ. Thầy về được cho tạm trú trên căn gác thấp hẹp trước cổng một ngôi chùa nhỏ nằm sâu trong hẻm cụt Saigon. Ngày vía ngày lễ Phật, anh em tù cũ kéo đến thăm, Thầy ngoại giao với ni cô đầu bếp với mấy bà làm công quả để có mâm cơm chay tươm tất cho mọi người, người tin Phật, người tin Chúa, người… Căn gác vui rộn rã và ấm tình người.
Tuổi quá tám mươi, trên căn gác hẹp trước cổng ngôi cổ tự nghèo, năm ngoái Ôn viên tịch.
Ninh Hạ
Nghịch Lý Nghịch Lý - Ninh Hạ Nghịch Lý